Hoa Kỳ một lần nữa ghi tên Bắc Triều Tiên vào danh sách đen "Nhà nước bảo trợ khủng bố" cùng với Syria và Iran. Biện pháp mang tính biểu tượng này nhằm mục đích ngăn chận tham vọng hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng bằng gọng kềm trừng phạt.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 20/11/2017. Reuters/Kevin Lamarque
Đúng như đã cam kết trong chuyến công du Châu Á vừa qua, ngày 20/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định đưa Bắc Triều Tiên vào danh sách những quốc gia yểm trợ khủng bố.
Mục tiêu của chủ nhân Nhà Trắng là siết chặt vòng vây làm kiệt quệ kinh tế chế độ Kim Jong-un. Một loạt biện pháp trừng phạt mới cũng được bộ Tài Chính Hoa Kỳ công bố trong ngày 21/11.
Theo AFP, tổng thống Mỹ đưa ra hai luận điểm : Ngoài đe dọa hủy diệt thế giới bằng vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên còn liên tục hậu thuẫn các hành vi khủng bố trên khắp thế giới, kể cả ám sát trên lãnh thổ nước ngoài.
Hai trường hợp gần đây nhất, theo tổng thống Donald Trump, là vụ ám sát Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un, ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) hồi tháng 04/2017 và vụ Otto Warmbier, một sinh viên Mỹ từ trần hồi tháng 06/2017 sau khi "được thả" và hồi hương trong trạng thái hôn mê.
Bắc Triều Tiên từ nay đứng chung danh sách đen với hai chế độ thù địch của Mỹ là Iran và Syria. Trong 20 năm, từ 1988 đến 2008, Bình Nhưỡng đã bị xem là "Nhà nước bảo trợ khủng bố" sau vụ đặt bom trên một chiếc phi cơ dân dụng của Hàn Quốc giết chết 115 người, vào năm 1987.
Tuy nhiên, để khuyến khích Kim Jong-un chấp thuận đối thoại hạt nhân, tổng thống Mỹ George W. Bush đã xóa tên Bắc Triều Tiên trong danh sách đen. Cuối cùng đàm phán cũng bị gián đoạn.
Theo tin giờ chót của Reuters, ba nước Châu Á Thái Bình Dương là Nhật, Hàn và Úc ủng hộ quyết định của tổng thống Mỹ. Thủ tướng Úc gọi Kim Jong-un là "thủ lĩnh một tổ chức tội ác". Trong khi đó, Bắc kinh, qua phát ngôn viên bộ ngoại giao Lục Khảng, kêu gọi các bên đối thoại "thay vì làm tình hình phức tạp thêm".
Còn theo đài Russia Today của Nga, dựa theo tài liệu của bộ ngoại giao Mỹ, Washington sẽ chi ra 12 triệu đôla để thực hiện 24 dự án "cản trở" chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Mỗi sáng kiến từ "cố vấn pháp luật cho đến chính trị và kỹ thuật" sẽ được bộ ngoại giao tuyển chọn và tài trợ tối đa 500 000 đôla.
Tú Anh
***********************
Mỹ, Nhật, Hàn gây sức ép "tối đa" với Bắc Triều Tiên (RFI, 21/11/2017)
Vì sao tổng thống Donald Trump đưa Bắc Triều Tiên trở lại sổ bìa đen những "Nhà nước bảo trợ khủng bố" ? Tokyo và Seoul hy vọng Bình Nhưỡng sẽ nhượng bộ để tránh sụp đổ. Tuy nhiên, cho đến nay, chế độ không còn sinh lộ này luôn "gồng mình" chịu đựng mọi áp lực, tiếp tục chế tạo vũ khí nguyên tử để tồn tại.
Tổng thống Mỹ Trump và thủ tướng Nhật Bản Abe nhân chuyến công du Châu Á của nguyên thủ Mỹ, ngày 06/11/2017. Reuters/Kiyoshi Ota/Pool
Sau hai nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong mùa hè vừa qua, các biện pháp đa phương trừng phạt Bắc Triều Tiên đã được tăng cường. Thế nhưng, Hoa Kỳ tiếp tục khuyến khích phần còn lại của cộng đồng quốc tế, cụ thể là Trung Quốc, cũng phải đơn phương cấm vận Bình Nhưỡng. Trong chuyến công du Trung Quốc, tổng thống Mỹ kêu gọi Bắc Kinh hãy "dứt khoát bỏ rơi" Bình Nhưỡng.
Ngày 20/11/2017, một tuần sau chuyến công du Châu Á, tổng thống Donald Trump thông báo đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các nước hậu thuẫn khủng bố, bên cạnh Iran, Syria và Sudan, một thông báo mang tính "biểu tượng" theo giải thích của ngoại trưởng Mỹ.
Thông báo biểu tượng, mục tiêu tương tác
Theo ngoại trưởng Rex Tillerson, khi gọi đích danh Bắc Triều Tiên là "Nhà nước khủng bố", Hoa Kỳ nhắm vào hai mục tiêu tương tác. Thứ nhất là những nước nào hay cá nhân nào còn tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng sẽ bị một loạt biện pháp trừng phạt mới mà bộ Tài Chính loan báo ngày 21/11/2017. Mục tiêu thứ hai là giúp cho Kim Jong-un hiểu ra rằng "nếu từ chối đàm phán thì Bắc Triều Tiên lâm vào tình thế càng lúc càng tồi tệ hơn".
Tại Hoa Kỳ, quyết định này đi đúng theo chiều hướng của Viện Bảo Vệ Dân Chủ ( Foundation for Defense of Democraties), nhóm áp lực hành lang ở lưỡng viện quốc hội Mỹ và nhiều nghị sĩ Mỹ. Theo chuyên gia Anthony Ruggiero, hành vi sử dụng hóa chất làm tê liệt thần kinh giết Kim Jong-nam ở Malaysia là một trường hợp bị bắt quả tang giết người ly khai. Một số hành động khác cũng bị xem là "mang tính chất khủng bố" là "xuất khẩu vũ khí" và "tấn công tin tặc" các công ty như Sony và một số ngân hàng quốc tế, đặc biệt là ngân hàng quốc gia Bangladesh.
Tại Châu Á, quyết định siết gọng kềm của tổng thống Donald Trump được chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc cổ vũ. Theo Yann Rousseau, thông tín viên của nhật báo kinh tế Les Echos tại Tokyo, hai nước Châu Á này nghĩ rằng những biện pháp cấm vận kinh tế mỗi ngày mỗi cứng rắn như chận đường nhập khẩu xăng dầu, cô lập ngoại giao toàn diện, sẽ từ từ làm chế độ khép kín này nhượng bộ yêu sách quốc tế, hầu tránh bị sụp đổ.
Kim sẽ nhượng bộ hay tiếp tục thách thức ?
Donald Trump cho rằng lẽ ra phải đưa Bình Nhưỡng vào danh sách đen từ lâu, không phải chờ đến bây giờ mới thấy "chiến lược kiên nhẫn" kéo dài suốt nhiều đời tổng thống Mỹ, không hiệu quả.
Tuy nhiên, chiến lược của Donald Trump không được giới chuyên gia chia sẻ 100%. Họ nhắc lại là năm 1988, Bắc Triều Tiên từng bị đưa vào danh sách "Nhà nước khủng bố" sau vụ chuyến bay 858 của Korean Air, từ Bagdad sang Gimbo, bị nổ trên không khi bay ngang biển Andaman (Ấn Độ Dương) vào ngày 29/11/1987 làm chết 115 người. Một nữ điệp viên của Bình Nhưỡng khai đã nhận lệnh của Kim Jong-il đặt chất nổ và lợi dụng quá cảnh ở Abu Dhabi để thoát thân.
Thế rồi, đến năm 2008, để tạo điều kiện mở lại đàm phán đa phương về hạt nhân Bắc Triều Tiên, tổng thống George W. Bush đã xóa tên Bình Nhưỡng trong danh sách khủng bố, với lý do Bình Nhưỡng không nhúng tay vào bất cứ một vụ khủng bố nào từ năm 1988.
Trong chiều hướng này, sẽ không là điều ngạc nhiên nếu Bình Nhưỡng tuyên bố xem thường"áp lực quốc tế" và sẽ phóng vài tên lửa hay cho nổ hạt nhân để thách thức. Bởi vì đối với Kim Jong-un, bom nguyên tử là vũ khí duy nhất bảo vệ chế độ.
Tú Anh
*****************
Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un loại bỏ nhân vật số 2 trong quân đội ? (RFI, 21/11/2017)
Nhân một cuộc điều trần tại Quốc hội Hàn Quốc ngày 20/11/2017, cơ quan tình báo nước này báo cáo về khả năng một chiến dịch thanh trừng nội bộ mới đang diễn ra tại Bắc Triều Tiên, với việc hai viên tướng hàng đầu trong quân đội vừa bị kỷ luật. Hai nhân vật này đã bị trừng phạt cùng với nhiều sĩ quan khác trong khuôn khổ một cuộc thanh tra đặc biệt nhắm vào Tổng cục Chính trị quân đội.
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội, Hwang Pyong-so tại lễ bế mạc Á Vận Hội lần thứ 17, Incheon, ngày 04/10/2014. Reuters/Jason Reed
Hãng tin Mỹ AP dẫn lời một dân biểu Hàn Quốc có dự cuộc điều trần cho hay cả hai nhân vật đứng đầu Tổng cục Chính trị quân đội Bắc Triều Tiên vừa bị kỷ luật là chủ nhiệm tổng cục Hwang Pyong-so và phó chủ nhiệm Kim Won-hong.
Tổng cục Chính trị quân đội là cơ quan giám sát sự trung thành của các sĩ quan quân đội và chủ nhiệm tổng cục Hwang Pyong-so được coi là nhân vật quyền lực số 2 ở Bắc Triều Tiên, chỉ đứng sau lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo dân biểu nói trên, việc Tổng cục Chính trị quân đội bị thanh tra là điều chưa từng xẩy ra trong vòng 20 năm nay, và nguyên do dẫn đến cuộc thanh tra là thái độ "không trong sạch" của cơ quan này.
AP cho biết hiện chưa rõ là ông Hwang Pyong-so bị khiển trách, cách chức hay bị đày về vùng nông thôn, chỉ biết là ông đã bị kỷ luật. Còn theo tường thuật của báo chí Hàn Quốc, nhân vật này đã không xuất hiện trước công chúng từ ngày 13/10 vừa qua.
Giới phân tích Hàn Quốc cho rằng, do vị trí quan trọng của ông trong guồng máy lãnh đạo Bắc Triều Tiên, nếu quả thực là ông Hwang Pyong-so bị thanh trừng, điều đó có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn trong hệ thống quyền lực ở Bắc Triều Tiên.
Dẫu sao thì đây không phải là lần đầu tiên mà Kim Jong-un ra tay loại bỏ các nhân vật lãnh đạo hàng đầu tại Bắc Triều Tiên. Kể từ khi ông nhậm chức vào cuối năm 2011, đã có một loạt các cuộc thanh trừng, cách chức, thậm chí hành quyết, nhắm vào những người mà các chuyên gia nước ngoài cho là có thể thách thức quyền lực của Kim Jong-un.
Mai Vân
Trung Quốc tung ra lượng tiền lớn trước căng thẳng nợ nần (RFI, 18/11/2017)
AFP hôm 17/11/2017 cho biết Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC) tuần này đã bơm số tiền tương đương 104 tỉ euro vào hệ thống tài chính, lớn nhất từ 10 tháng qua, nhằm đối phó với lãi suất trái phiếu tăng.
Logo của Ngân hàng Trung Quốc tại một hội nghị ở Canada, 19/10/2017. Reuters/Chris Helgren/File Photo
Trong thông cáo, PBOC giải thích muốn "duy trì ổn định tình trạng tiền mặt của hệ thống ngân hàng". Theo các chuyên gia, chủ yếu là nhằm trấn an thị trường, sau khi lãi suất trái phiếu Nhà nước kỳ hạn 10 năm hôm thứ Ba 14/11 đã tăng lên 4%, lần đầu tiên từ ba năm qua.
Việc lãi suất tăng là hệ quả của tình trạng trái phiếu bị bán ra ồ ạt, do các nhà đầu tư thiếu tin tưởng vào sức khỏe của nền tài chính Trung Quốc và viễn cảnh chính sách tiền tệ bị siết lại. Theo các nhà phân tích của Moody’s Investor Service, PBOC muốn cung cấp cho các ngân hàng số tiền mặt mà nay họ phải vất vả mới huy động được trên thị trường.
Nhằm kìm hãm các nguy cơ về tài chính liên quan đến số nợ công và tư khổng lồ, Bắc Kinh cố gắng làm giảm bớt nợ xấu của các ngân hàng, bóp nghẹt "tín dụng đen", siết chặt đầu cơ địa ốc và giảm chi tiêu công trong lãnh vực cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc, vốn không đề ra chỉ tiêu tăng trưởng sau năm 2020, dường như sẵn sàng chấp nhận một tỉ lệ khiêm tốn hơn để tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Thụy My
********************
Bắc Kinh muốn siết chặt quan hệ với Bình Nhưỡng, bất chấp hồ sơ nguyên tử (RFI, 18/11/2017)
Tình hữu nghị lâu dài giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là một "tài sản vô giá" đối với nhân dân hai nước. Bắc Kinh đã tuyên bố như trên về cuộc gặp gỡ hôm qua 17/11/2017 tại Bình Nhưỡng giữa đặc sứ Tống Đào (Song Tao) và một quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên, và không hề nêu cuộc khủng hoảng do chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng gây ra.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh chụp màn hình website express.co.uk)(Capture d'image express.co.uk)
Trong thông cáo ngắn được báo chí Trung Quốc công bố hôm nay, Ban liên lạc đối ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTrung Quốc) cho biết trưởng ban là ông Tống Đào, thay mặt chủ tịch Tập Cận Bình, đã hội đàm với đại diện Bắc Triều Tiên Choe Ryong Hae tại Bình Nhưỡng. Tống Đào đã thông báo kết quả Đại hội Đảng 19, và hai bên đã thảo luận về quan hệ Trung-Triều.
Thông cáo cho biết đôi bên "khẳng định tình bằng hữu lâu đời đã được các cựu lãnh đạo hai nước xây dựng và bồi đắp, là tài sản vô giá (…). Hai bên cần chung sức đào sâu quan hệ, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước".
Bản thông cáo của Bắc Kinh không hề nhắc đến chương trình vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên, mà Trung Quốc và thế giới đều phản đối. Còn hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA loan báo ông Tống Đào đã thông báo "chi tiết" về Đại hội 19, nhấn mạnh ý hướng của Trung Quốc nhằm duy trì và phát triển tình hữu nghị lâu dài Trung-Triều.
Thời gian lưu lại Bình Nhưỡng của ông Tống Đào, cũng như việc đặc sứ của Tập Cận Bình có gặp gỡ Kim Jong-un hay không, đều không được thông báo. Hôm qua phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã từ chối trả lời
AFP dẫn nhận định của chuyên gia Yuan Jingdong, trường đại học Sydney, rằng không nên chờ đợi kết quả nào đáng kể của chuyến đi này, có thể chỉ là những cam kết chung chung.
Chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington còn cho rằng "Trung Quốc không hề có ảnh hưởng gì đối với chính trị Bắc Triều Tiên, quan hệ đôi bên hết sức căng thẳng". Một số nhà quan sát khác đoán rằng Bắc Kinh chỉ có thể khuyến dụ Bình Nhưỡng đừng leo thang, chứ không phải giải trừ hạt nhân
Tuần trước, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho rằng việc Bắc Kinh gởi đặc sứ đến Bình Nhưỡng là "một động thái quan trọng", và kêu gọi Trung Quốc tăng cường áp lực lên Bắc Triều Tiên.
Hôm qua ở Genève, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Han Tae Song đã bác bỏ mọi thương lượng với Washington về chương trình nguyên tử và đạn đạo của Bình Nhưỡng. Chính quyền Bắc Triều Tiên đưa ra điều kiện là Hoa Kỳ phải từ bỏ chính sách thù địch và chấm dứt các cuộc tập trận nhắm vào Bình Nhưỡng.
Thụy My
APEC : Thông điệp lãnh đạo quốc tế khi tới Việt Nam (BBC, 09/11/2017)
Việt Nam có một tuần bận rộn với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC tại Đà Nẵng.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm Việt Nam và dự APEC
Đây cũng là dịp để một số lãnh đạo quốc tế gặp nhau song phương để bàn những chủ đề thời sự nóng bỏng khác.
Canada 'không vội với TPP'
Hôm 8/11, đến Hà Nội trước khi vào Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói sẽ không để bị thúc giục phải vội vã đạt được Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiện chỉ còn 11 nước họp về vấn đề này, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP.
Ông Trudeau tuyên bố : "Canada sẽ không bị hối thúc để ký vào một thỏa thuận thương mại không phục vụ các lợi ích tốt nhất của Canada và nhân dân Canada".
Canada, nền kinh tế lớn thứ hai trong TPP-11 sau Nhật Bản, đã nghiêng về quan điểm đòi sửa đổi, hoặc đặt nghi vấn về việc đẩy quá nhanh hiệp định TPP-11.
Trump và Putin gặp nhau ?
Phía Nga đã tuyên bố Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp riêng tại Đà Nẵng hôm thứ Sáu 10/11.
Cố vấn ngoại giao của ông Putin, Yury Ushakov, nói rằng giờ cụ thể còn đang bàn, nhưng khẳng định cuộc gặp sẽ diễn ra.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nói ông Putin sẵn sàng gặp ông Trump.
'Cục diện mới' hữu nghị Trung - Việt
Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều sẽ tới Việt Nam
Không chỉ dự APEC, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ 12 đến 13/11.
Ông Tập Cận Bình đã ký tên trong bài đặc biệt đăng trên báo Nhân Dân của Việt Nam ngày 9/11.
Trong bài, ông Tập nói "tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng vững chắc, giao lưu cấp cao ngày càng dồn dập".
"Hơn lúc nào hết chúng ta đều cần phải siết tay hợp tác, cùng nhau theo đuổi giấc mơ dân giàu, nước mạnh".
Ông Tập nhận xét : "Hiện nay tình hình quốc tế và khu vực biến đổi khôn lường, hai Ðảng và hai nước Trung - Việt đối mặt với nhiều vấn đề mới, thách thức mới tương đồng hoặc gần giống nhau".
Ông bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ "mở ra cục diện mới của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam".
********************
Mỹ Trung trao đổi "thẳng thắn" về Biển Đông (RFI, 09/11/2017)
Về Biển Đông, ngoại trưởng Rex Tillerson hôm nay, 09/11/2017, thông báo là nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã trao đổi "thẳng thắn" với Trung Quốc và Washington "giữ nguyên lập trường" về an ninh hàng hải, về quyền tự do lưu thông trên biển.
Tổng thống Trump và chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017. Reuters
Hãng tin Reuters ngày 09/11/2017 trích lời ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết, tại Bắc Kinh, Mỹ đã "nhấn mạnh đến tự do hàng hải, yêu cầu là mọi đòi hỏi chủ quyền phải phù hợp khuôn khổ luật pháp quốc tế". Lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng cho rằng các bên liên quan cần "ngưng xây dựng và quân sự hóa" các đảo trong các khu vực tranh chấp, để các nỗ lực ngoại giao đạt hiệu quả.
Về phía Bắc Kinh, thông cáo của bộ Ngoại Giao, được công bố sau cuộc họp báo chung của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh : nguyên thủ hai nước đồng ý về mục đích "bảo vệ hòa bình và ổn định" tại Biển Đông.
Một hồ sơ nhạy cảm khác trong quan hệ Mỹ Trung là Đài Loan. Vẫn hãng tin Anh Reuters, trích lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cho biết chính ông Tập Cận Bình hôm nay đã nhấn mạnh Đài Loan là "hồ sơ quan trọng nhất, nhạy cảm nhất" được Bắc Kinh đề cập đến với tổng thống Hoa Kỳ, bởi vì vấn đề này "liên quan đến nền tảng chính trị trong bang giao hai nước". Trung Quốc hy vọng là Mỹ sẽ "tôn trọng nghiêm chỉnh nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất".
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ Trung theo đuổi cùng một mục đích
Trở lại với một trong hai trọng tâm chuyến công du Trung Quốc lần này của tổng thống Trump là hạt nhân Bắc Triều Tiên, trong buổi họp báo chung sáng nay, lãnh đạo Nhà Trắng đã tuyên bố ông và chủ tịch Tập Cận Bình có "cùng tần số" trên hồ sơ này, đồng thời ông kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc nhanh chóng hành động, vì thời gian có hạn. Theo ông, nếu như Bắc Kinh "nỗ lực" trên hồ sơ này, thì các bên sẽ "dễ dàng" tìm được giải pháp cho bán đảo Triều Tiên. Đáp lời tổng thống Trump, ông Tập nói tới một giải pháp "trong khuôn khổ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".
Thanh Hà
*********************
Tổng thống Mỹ sẽ bàn vấn đề Biển Đông khi gặp lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội (VOA, 09/11/2017)
Cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear tin rằng Tổng thống Trump và những nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ bàn thảo vấn đề Biển Đông khi gặp mặt vào cuối tuần này. Trong một cuộc phỏng riêng với VOA, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói lãnh đạo Việt-Mỹ sẽ bàn thảo vấn đề mà "chúng ta cùng có mối quan tâm mạnh mẽ". Ông Shear cũng đưa ra những nhận định về triển vọng hợp tác Mỹ-Việt trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump tới Hà Nội cũng như những trở ngại cần phải được tháo gỡ trong việc phát triển quan hệ song phương.
Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội, theo cựu trợ lý Bộ trưởng quốc phòng David Shear.
Cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear tin rằng Tổng thống Trump và những nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ bàn thảo vấn đề Biển Đông khi gặp mặt vào cuối tuần này.
Cựu trợ lý Bộ trưởng quốc phòng đặc trách vấn đề an ninh Châu Á - Thái Bình Dương và từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear.
Trong một cuộc phỏng riêng với VOA, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói lãnh đạo Việt-Mỹ sẽ bàn thảo vấn đề mà "chúng ta cùng có mối quan tâm mạnh mẽ". Ông Shear cũng đưa ra những nhận định về triển vọng hợp tác Mỹ-Việt trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump tới Hà Nội cũng như những trở ngại cần phải được tháo gỡ trong việc phát triển quan hệ song phương.
VOA : Đại sứ mong chờ gì từ chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Việt Nam sắp tới trong khuôn khổ chuyến công du được gọi là lịch sử của ông tới Châu Á ?
David Shear : Tôi nghĩ rằng có những triển vọng tốt cho quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi mong chờ chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Đà Nẵng sau đó tới Hà Nội sẽ làm tăng cường các mối quan hệ song phương giữa 2 nước. Thủ tướng Phúc đã có một chuyến thăm rất tốt đẹp tới Mỹ vào cuối tháng 5. Và tôi hy vọng Việt Nam sẽ đáp lại sự nghênh đón đó và chuyến thăm [của Tổng thống Trump] cũng sẽ tốt đẹp.
VOA : Châu Á và Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền hiện tại. Chuyến thăm của Tổng thống Trump sẽ làm thay đổi điều này ?
David Shear : Tổng thống sẽ có bài phát biểu về chính sách đối ngoại của chúng tôi đối với Châu Á bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC vào ngày 11/11. Bài phát biểu sẽ nói về một Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Và tôi nghĩ rằng việc tổng thống đưa ra chính sách của Mỹ về khu vực này là một điều tốt. Nó xảy ra sau 9 tháng kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức do đó nó hơi bị chậm trễ. Nhưng tôi hy vọng bài phát biểu đó sẽ tạo cho tổng thống một động lực khi tới Hà Nội sau đó để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc gặp song phương. Tôi mong rằng các cuộc gặp mặt song phương sẽ làm đậm thêm mối quan hệ toàn diện của chúng ta. Tôi chắc rằng 2 bên sẽ bàn thảo về các vấn đề Biển Đông mà chúng ta cùng có mối quan tâm mạnh mẽ. Và họ sẽ tháo gỡ những thắc mắc về kinh tế song phương mà chúng ta đang có, bao gồm cả những lĩnh vực như dịch vụ tài chính, quyền sở hữu trí tuệ và một số vấn đề về hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
VOA : Nhiều chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ đang trở nên gần gũi hơn với Việt Nam vì muốn mưu tìm sự ủng hộ để kiềm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Ông nghĩ sao về nhận định này ?
David Shear : Tôi không nghĩ rằng mối quan hệ song phương bị hạn chế bởi sự cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng cả 2 bên đều nhận thấy những lợi ích chung lớn – cả về chính trị lẫn kinh tế. Cả 2 đều hưởng lợi từ việc mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực đó. Chắc chắc rằng Trung Quốc có đóng một vai trò trong mối quan hệ song phương của chúng ta nhưng mối quan hệ tổng thể không bị giới hạn bởi điều đó.
VOA : Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông và họ tuyên bố các vấn đề trên vùng biển nhiều tranh chấp đó không được bàn thảo tại APEC. Điều này có đáng quan ngại ?
David Shear : Tất cả chúng ta nên quan ngại về sự xâm chiếm của Trung Quốc, và rõ ràng trên các hòn đảo đó họ đang tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự. Chúng ta cũng cần phải quan ngại tới những tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông. Tất nhiên, năm ngoái tòa trọng tài quốc tế đã bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhưng chúng ta cần luôn ghi nhớ phán quyết đó trong lúc theo dõi những gì Trung Quốc đang làm.
VOA : Vậy Việt Nam cần làm gì để cân bằng được mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc ?
David Shear : Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam phải rất cẩn trọng trong việc cùng lúc duy trì một quan hệ ổn định với Trung Quốc và đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Đây là một cuộc chơi về ngoại giao trong khu vực Đông Nam Á và trên Biển Đông. Và trong ngoại giao, sự cân bằng là mọi thứ. Việt Nam đang có một sự cân bằng tốt với Trung Quốc bằng việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ và tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Mỹ để có thể duy trì sự cân bằng đó.
VOA : Theo đại sứ, còn có những bất cập nào làm cản trở sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ mà chúng ta phải giải quyết không ?
David Shear : Vẫn còn có những vấn đề phải giải quyết trong mối quan hệ kinh tế song phương liên quan đến các dịch vụ tài chính hay những vấn đề về sở hữu trí tuệ bên phía Mỹ. Việt Nam cũng có những vấn đề liên quan đến xuất khẩu cá da trơn (basa), tôm và xoài. Do vậy tôi hy vọng 2 bên sẽ giải quyết được những vấn đề này trong cuộc thảo luận khi tổng thống (Trump) tới Việt Nam. Tôi không biết liệu những vấn đề đó sẽ được giải quyết ngay trong chuyến thăm của tổng thống hay không nhưng tôi biết rằng đại diện thương mại Mỹ và các đối tác Việt Nam đã làm việc cật lực về vấn đề này trước khi tổng thống tới Đà Nẵng.
VOA : Đại sứ mới của Mỹ, Daniel Kritenbrink, vừa tới nhậm chức tại Hà Nội. Các nhà hoạt động kỳ vọng tân đại sứ sẽ coi trọng vấn đề nhân quyền trong việc phát triển quan hệ Việt-Mỹ. Ông kỳ vọng đại sứ mới sẽ thực hiện điều đó ?
David Shear : Nhân quyền luôn là một vấn đề quan trọng trong nghị trình song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Đại sứ Kritenbrink hiểu điều này và tôi hy vọng ông ấy sẽ theo đuổi một cách mạnh mẽ những lợi ích liên quan đến vấn đề này.
VOA : Dioxin vẫn còn là một vấn đề giữa Việt Nam và Mỹ. Sự hợp tác giữa 2 bên trong vấn đề này như thế nào ?
David Shear : Vấn đề di sản chiến tranh, bao gồm ô nhiễm chất dioxin ở Việt Nam tiếp tục là một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự song phương và tôi mong rằng 2 bên cũng sẽ bàn thảo vấn đề này (trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ). Mỹ và Việt Nam đã hợp tác rất chặt chẽ trong việc làm sạch ô nhiễm dioxin ở Đà Nẵng và tôi mong là 2 bên sẽ tìm được phương thức hợp tác ở các khu vực bị nhiễm dioxin ở Biên Hòa, phía bắc của thành phố Hồ Chí Minh.
VOA : Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương trong chuyến thăm tới Việt Nam vào cuối tháng 5 năm ngoái. Kể từ đó chúng ta chưa thấy có một hợp đồng mua bán vũ khí nào giữa Việt Nam và Mỹ được công bố mặc dù Việt Nam mong chờ điều này từ lâu. Ông có biết tại sao ?
David Shear : Các hợp đồng mua bán vũ khí thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian để thương lượng. Chúng ta có thể sẽ thấy những hiệp định về chuyển giao vũ khí trong tương lai mặc dù tại thời điểm này tôi không thể nói được về những hệ thống hay những cơ sở nào có thể được đề cập trong các hiệp định đó. Nhìn chung, quan hệ quốc phòng song phương đang có nhiều tiến triển. Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc nhất trí rằng Mỹ đưa các tàu tới thăm cảng Việt Nam, có thể là sẽ tới Vịnh Cam Ranh. Tôi mong là Tổng thống Trump sẽ nhắc tới khả năng này trong một thông cáo trong chuyến thăm tới Hà Nội tuần này.
VOA : Lãnh đạo của 21 nền kinh tế sẽ tới Việt Nam tham dự APEC tại Đà Nẵng. Việt Nam nên làm gì để tranh thủ cơ hội này ?
David Shear : Đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam để cho họ thấy những tiềm năng của mình. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tỷ lệ hơn 6% trong năm nay – nằm trong số những nước có tỷ lệ phát triển cao nhất trong khu vực. Đây là những cơ hội tốt về thương mại và đầu tư cho Việt Nam và tôi hy vọng những nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ nắm bắt điều này qua những trao đổi với các thành viên khác tại Hội nghị thượng đỉnh APEC.
VOA : TPP-11 không có Mỹ được kỳ vọng sẽ có bước đột phá ở Hội nghị APEC. Nhưng các nước thành viên của hiệp định này vẫn hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại tham gia TPP một ngày nào đó. Liệu khả năng này có xảy ra ?
David Shear : Tôi nghĩ rằng việc các nước thành viên tiếp tục bàn thảo để hoàn tất TPP-11 là rất quan trọng. Tôi hy vọng sẽ có một công bố về hiệp định này bên lề APEC về việc thực thi TPP-11. Nhật Bản và Australia đã cho thấy sự lãnh đạo của họ trong việc giữ cho các đối tác trong TPP trong sự vắng mặt của Mỹ. Tôi hy vọng việc TPP-11 sẽ tạo ra một cơ sở để Mỹ có thể tham gia trong tương lai nếu họ muốn.
VOA : Liệu chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam sẽ mở ra cơ hội cho sự thiết lập một hiệp định thương mại tự do song phương giữa Mỹ và Việt Nam ?
David Shear : Dường như phía Mỹ muốn có một hiệp định thương mại tự do song phương nhưng tôi không biết liệu phía Việt Nam có muốn không. Tôi không biết liệu các cuộc thương thảo về một hiệp định thương mại song phương có phải là những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Việt-Mỹ hiện nay hay không. Chính quyền hiện tại đang phải hoàn tất thương thuyết NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) trước khi họ có thể chú ý tới những hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tổng thống Trump đến Hàn Quốc với cam kết giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên (RFI, 07/11/2017)
Hôm 07/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Hàn Quốc, chặng thứ hai trong chuyến công du Châu Á của ông, với lời hứa hẹn sẽ giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, mặc dù Washington có nhiều bất đồng với Seoul trên hồ sơ này.
Tổng thống Donald Trump và đồng sự Hàn Quốc, Moon Jae-in, tại Séoul ngày 07/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst
Tại Nhật Bản hôm qua, tổng thống Trump đã viết trên mạng Twitter : "Tôi chuẩn bị sang Hàn Quốc và sẽ có các cuộc họp với tổng thống Moon, một người rất tốt. Chúng tôi sẽ giải quyết tất cả vấn đề đó". Lời lẽ của tổng thống Mỹ có chừng mực hơn so với những gì ông viết trên Twitter vào tháng 9, chỉ trích tổng thống Hàn Quốc, vốn chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng, là "theo đuổi một chính sách sẽ dẫn đến thất bại".
Về phần tổng thống Moon Jae-in, ông đã tuyên bố với tổng thống Trump rằng Hoa Kỳ là một"người bạn thật sự đã từng sát cánh với chúng tôi và đã đổ máu bên cạnh chúng tôi khi chúng tôi cần được giúp đỡ". Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc yêu cầu Washington là phải có sự đồng tình của Seoul trước khi quyết định một cuộc can thiệp quân sự chống Bình Nhưỡng.
Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tường trình :
"Ông Donald Trump chỉ thăm Hàn Quốc có 24 tiếng đồng hồ. Người dân Hàn Quốc ghi nhận là tổng thống Mỹ đã dành gấp đôi thời gian, đến 48 tiếng đồng hồ, khi đi thăm Nhật Bản.
Chi tiết này phản ánh rõ quan ngại của Hàn Quốc, hiện đang sợ bị Mỹ đẩy xuống hàng khán giả trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, trong khi nước này là nạn nhân đầu tiên nếu xảy ra xung đột quân sự do các quyết định của Hoa Kỳ.
Choi Chang-hee, một nhà hoạt động vì hòa bình, đã tham gia biểu tình trước sứ quán Mỹ ở Seoul. Cô nói : " Nếu Trump và Kim Jong-un mất bình tĩnh, nếu họ khiêu khích nhau, chiến tranh có thể nổ ra. Cho dù khả năng xảy ra một cuộc xung đột như vậy chỉ là 1%, cần phải ngăn chận họ làm như thế. Chúng tôi đến đây để bảo vệ hòa bình, để yêu cầu khởi động các cuộc hòa đàm. Họ phải thương lượng với nhau !
Bản thân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng là một người chủ trương một giải pháp thương lượng cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và ông sẽ nhân chuyến viếng thăm này để tỏ cho tổng thống Donald Trump thấy ông là một đối tác cần thiết trong hồ sơ Bắc Triều Tiên".
Trong cuộc họp báo chung với tổng thống Moon Jae-in sau cuộc họp thượng đỉnh, tổng thống Trump tuyên bố rằng Bình Nhưỡng là mối đe dọa cho toàn cầu, nhưng khẳng định Washington và các đồng minh đã có "nhiều tiến bộ" trong nỗ lực giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ông Trump nói rằng ông sẵn sàng sử dụng hết sức mạnh của quân đội Mỹ để ngăn cản Bắc Triều Tiên đạt được những mục tiêu về vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Trump cũng thông báo là Hàn Quốc sẽ mua của Mỹ hàng tỷ đôla vũ khí để đối phó với một nước Bắc Triều Tiên đã có vũ khí nguyên tử. Nhân dịp này, ông Trump xác nhận là Hoa Kỳ đã đồng ý bãi bỏ quy định hạn chế trọng lượng các đầu đạn gắn trên các tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc.
Theo chương trình dự kiến, ngày mai, tổng thống Trump sẽ phát biểu trước Quốc Hội Hàn Quốc, nhưng sẽ không đến vùng phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, trong khi cho tới nay, tổng thống Mỹ nào khi đi thăm Hàn Quốc đều đến đây.
Thanh Phương
*********************
Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc để bàn về Bắc Triều Tiên, thương mại (RFI, 07/11/2017)
Theo AP, chương trình nghị sự sắp tới tại Bắc Kinh của tổng thống Mỹ chủ yếu là hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên, và yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh lại cán cân thương mại hiện đang thâm hụt nặng đối với Hoa Kỳ. Hôm nay 07/11/2017 từ Seoul, ông Donald Trump cho biết đã "có nhiều tiến bộ" về vấn đề Bình Nhưỡng, và khen ngợi vai trò "rất hữu ích" của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tại cuộc gặp bên lề G20 ở Hamburg, Đức, ngày 08/07/2017 - Reuters/Saul Loeb/Pool/File Photo
Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này quan trọng hơn cuộc hội đàm hồi tháng Tư tại Mar-a-Lago, mà ấn tượng nhất là việc ông Trump thông báo đã cho bắn hỏa tiễn vào Syria, ngay lúc đang dùng món tráng miệng.
Các viên chức cả đôi bên cho biết ông Donald Trump đã cố gắng có quan hệ riêng tư hơn với Tập Cận Bình, người nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Trong một bài phỏng vấn mới đây, tổng thống Mỹ đã đánh giá ông Tập "như một ông vua".
Các hồ sơ quan trọng được bàn đến, trước hết là chương trình nguyên tử và đạn đạo Bắc Triều Tiên. Ông Trump đòi hỏi Trung Quốc, đối tác thương mại, đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng phải có những biện pháp mạnh tay hơn.
Bắc Kinh đã đồng ý áp dụng một số trừng phạt của Liên Hiệp Quốc để giảm bớt nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng : ra lệnh cho các cơ sở kinh doanh của Bắc Triều Tiên phải đóng cửa trễ nhất là tháng Giêng sang năm, hứa cắt nguồn khí đốt và hạn chế cung cấp sản phẩm dầu lửa tinh chế. Tuy nhiên Trung Quốc kiến quyết phản đối các bước có thể làm chính quyền của nhà độc tài Kim Jong-un sụp đổ, đề nghị Washington đối thoại với Bình Nhưỡng.
Về thương mại, ông Trump muốn giảm bớt thặng dư của Trung Quốc khi buôn bán với Hoa Kỳ, con số xuất siêu của Bắc Kinh trong năm 2016 lên đến 347 tỉ đô la. Mỹ cũng đã tăng thuế hải quan đánh vào thép không rỉ và ván ép của Trung Quốc, và cho điều tra việc Bắc Kinh gây áp lực buộc các công ty ngoại quốc phải chuyển giao công nghệ. Một số công ty Mỹ lo ngại Donald Trump quá chú trọng về hàng hóa mà quên việc Trung Quốc hạn chế sự hiện diện của họ trong lãnh vực tài chính, y tế, dịch vụ công nghiệp.
Về Biển Đông, Washington chỉ trích Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo để áp đặt chủ quyền tại vùng biển chiến lược này. Ngoại trưởng Rex Tillerson tháng trước tuyên bố "các hành động gây hấn" của Trung Quốc trên Biển Đông là một thách thức đối với luật lệ và quy chuẩn quốc tế. Phía Bắc Kinh nói rằng Hoa Kỳ không yêu sách chủ quyền tại vùng biển này, nên để các quốc gia trong khu vực tự giải quyết với nhau.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn bất bình trước việc Trung Quốc kiểm soát internet và các dữ liệu trao đổi, làm phương hại cho các doanh nghiệp nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh bất chính cho các công ty Hoa lục. Vấn đề chất fentanyl, loại ma túy tổng hợp chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc đang xâm nhập mạnh mẽ vào xã hội Mỹ cũng sẽ được bàn đến.
Thụy My
Bắc Hàn công kích chính phủ Anh về cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công bằng mã độc nhắm vào Dịch vụ Y tế Quốc gia nước Anh.
Hình một người đàn ông trong bảng điện tử một công ty chứng khoán ở Tokyo hôm 15/5/2017 vào khi có những lo ngại tại Châu Á về vụ tấn công mạng của mã độc Wannacry - AP
Tin từ hãng thông tấn AFP hôm 31 tháng 10 cho biết Bắc Hàn gọi đây là một "nỗ lực xấu xa" nhằm xiết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt của quốc tế chống lại Bình Nhưỡng.
Hôm 27 tháng 10, Chính phủ Anh khẳng định vụ tấn công mạng nói trên do Bắc Triều Tiên điều khiển.
Một báo cáo của chính phủ Anh cho biết một phần ba các bệnh viện công của Anh quốc bị ảnh hưởng bởi mã độc WannaCry hồi tháng 5.
Vụ tấn công bằng mã độc này làm cho 300.000 máy tính tại 150 quốc gia bị mã độc WannaCry xâm nhập, yêu cầu người dùng nếu muốn lấy lại quyền kiểm soát máy tính thì phải thanh toán bằng Bitcoin.
Một số nhà nghiên cứu khẳng định có sự nhúng tay của Bình Nhưỡng trong vụ việc này vì họ nhận thấy đoạn mã được sử dụng tương tự như các vụ tấn công an ninh mạng từng bị cáo buộc dưới thời của Kim Jong-Un.
AFP dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, Ben Wallace nói với BBC vào tuần trước rằng chính phủ London chắc chắn Bắc Hàn chủ mưu trong vụ này.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Hiệp hội Triều Tiên- Châu Âu ở Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc này và cảnh báo nước Anh về "sự suy đoán vô căn cứ" như thế.
Vụ thử mới của Bắc Hàn 'có thể gây rò rỉ phóng xạ' (BBC, 31/10/2017)
Cuộc thử nghiệm hạt nhân mới tại địa điểm thử nghiệm ở vùng miền núi Bắc Hàn có thể gây rò rỉ phóng xạ, quan chức phụ trách khí tượng hàng đầu Hàn Quốc cảnh báo.
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un liên tục phớt lờ cộng đồng quốc tế khi tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân
Một vùng trũng dài khoảng 100m ở chân núi Mantap có thể nổ tung, ông Nam Jae-cheol nói.
Vụ thử hạt nhân mới đây nhất của Bình Nhưỡng, được thực hiện hồi đầu tháng 9, có vẻ như đã gây ra nhiều vụ sạt lở đất.
Bắc Hàn đã tiến hành sáu cuộc thử hạt nhân từ năm 2006 tới này, ở cùng một địa điểm thử nghiệm.
"Có một khoảng trũng dài khoảng 60 đến 100 mét ở chân núi Mantap trong khu vực Punggye-ri", ông Nam được thông tấn xã Nam Hàn Yonhap dẫn lời.
"Nếu một cuộc thử nghiệm nữa xảy ra, có khả năng vùng này bị sụp", ông cảnh báo.
Địa điểm thử nghiệm Punggye-ri nằm trên địa hình núi ở phía đông bắc của Bắc Hàn, được cho là cơ sở hạt nhân chính của Bình Nhưỡng và là địa điểm thử nghiệm hạt nhân đang hoạt động duy nhất trên thế giới.
Hình ảnh khu vực thử nghiệm Punggye-ri vài ngày trước cuộc thử nghiệm hồi tháng 9
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong hôm thứ Sáu tường thuật rằng các nhà địa chất Trung Quốc đã cảnh báo giới chức Bắc Hàn sau vụ thử nghiệm tháng 9 rằng các cuộc thử nghiệm mới ở đó có thể dẫn tới sự sụp lún lớn và rò rỉ chất thải phóng xạ.
Trong khi đó, tờ báo chính của Bắc Hàn, tờ Rodong Sinmun, cho biết nước này có toàn quyền phóng vệ tinh.
Tuyên bố này được đưa ra khi có nghi ngờ rằng Bình Nhưỡng có thể sớm phóng một vệ tinh - được xem như là một thử nghiệm cho công nghệ tên lửa đạn đạo của nước này.
***********************
Bắc Triều Tiên : 200 người chết vì sập đường hầm thử bom nguyên tử (RFI, 31/10/2017)
Có ít nhất 200 người được cho là đã thiệt mạng khi một đường hầm tại địa điểm thử bom nguyên tử của Bắc Triều Tiên. AFP hôm nay 31/10/2017 dẫn tin của đài truyền hình Nhật cho biết như trên.
Không ảnh của Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Pháp (CNES), Airbus Defense & Space và nhóm phân tích 38 Nord cho thấy cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri của Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp ngày 12/04/2017HO / Airbus Defense & Space and 38 North / AFP
Kênh truyền hình Nhật Asahi cho biết theo một nguồn tin ẩn danh, một đường hầm tại địa điểm thử nguyên tử Punggye-ri đã bị sụp đổ vào đầu tháng Chín, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Đây là quả bom có sức công phá mãnh liệt nhất từ trước đến nay.
Khoảng 100 công nhân đã bị chôn vùi trong vụ sụp hầm đầu tiên, và trong khi công tác cứu hộ đang được tiến hành, thì một đường hầm nữa lại bị sụp đổ, làm tổng cộng khoảng 200 người chết. Tai nạn này được cho là do vụ thử bom nguyên tử gây ra.
Các chuyên gia từng cảnh báo các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất có thể làm cho núi bị sụp, khiến phóng xạ bị phát tán ra không khí gần biên giới Trung Quốc. Vụ thử nguyên tử hôm 3/9 đã gây ra hiện tượng lở đất tại khu vực thử bom và xa hơn, theo các hình ảnh vệ tinh chụp được ngày hôm sau.
Những tấm ảnh do trang 38th North công bố cho thấy những thay đổi trên mặt đất ở Punggye-ri : Những khối đất bị hất tung lên không do rung chấn, sau đó là những vụ đất trượt xuống lòng suối.
Theo Cơ quan giám sát địa chấn của Mỹ, vụ nổ này đã gây ra trận động đất 6,3 độ Richter, và vài phút sau là một vụ động đất 4,1 độ Richter. Nhật Bản nhận định đó là một quả bom nhiệt hạch mạnh 120 kiloton, gấp 8 lần so với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Thông tin này được đưa ra vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên sẽ đến thăm Hàn Quốc vào tuần tới.
Bắc Triều Tiên hiếm khi xác nhận những tai nạn, đặc biệt nếu liên quan đến chương trình nguyên tử. Từ khi lên kế vị Kim Jong Il năm 2011, đến nay Kim Jong Un đã cho thử hạt nhân bốn lần. Bắc Triều Tiên coi bom nguyên tử là vũ khí quý giá để bảo vệ, chống lại Mỹ tấn công.
Thụy My
Kim Jong-un nhấn mạnh 'quan hệ huyết thống' (BBC, 30/10/2017)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa đi thăm nhà máy mỹ phẩm ở Bình Nhưỡng cùng vợ Ri Sol-ju và em gái Kim Yo-jong.
Cô Ri, bên phải, mặc một chiếc váy đen và trắng
Truyền thông nhà nước đăng tải các bức ảnh về chuyến thăm hôm Chủ Nhật. Cả vợ và em gái Kim Jong-un đều hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Em gái ông Kim xuất hiện không lâu sau khi được thăng cấp lên một vị trí đầy quyền lực trong chính quyền Bình Nhưỡng.
Hàng xa xỉ phẩm nước ngoài bao gồm mỹ phẩm đã trở nên khan hiếm ở Bắc Triều Tiên sau nhiều các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Vì sao ông Kim thăm nhà máy mỹ phẩm ?
Trong những năm qua, nhiều quốc gia đã ngừng nhập khẩu hàng xa xỉ vào Bắc Triều Tiên do hậu quả của các biện pháp trừng phạt.
Bắc Triều Tiên dường như đã phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm riêng, và các thương hiệu cao cấp như Bomhyanggi và Unhasu đang trở nên phổ biến với người tiêu dùng.
Ông Kim được cho là hài lòng với các sản phẩm và sự nâng cấp của nhà máy thời gian gần đây
Mặc dù ông Kim được biết đến rộng rãi hơn nhờ các bức ảnh ông xuất hiện tại các căn cứ quân sự và các địa điểm thử tên lửa, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới một nhà máy mỹ phẩm giúp ông truyền đi thông điệp về việc ông có chính danh nắm quyền lãnh đạo tới giới tinh hoa và tầng lớp trung lưu ở Bình Nhưỡng.
Ông Kim thường xuyên được chụp ảnh tại các nhà máy và các khu vực kinh tế trọng điểm khác của Bắc Triều Tiên. Truyền thông nhà nước cũng khẳng định những tiến bộ đáng kể trong việc sản xuất hàng tiêu dùng như TV 3D và điện thoại thông minh.
Nhà phân tích chuyên về Bắc Triều Tiên, Ankit Panda nói với BBC rằng chuyến thăm này là "để chứng tỏ rằng Bình Nhưỡng có thể chăm sóc người dân của mình, đồng thời mang lại sự thịnh vượng ở mức tương đương với Bắc Kinh và Seoul".
"Ngay cả khi chúng ta biết nó không đúng sự thật, nhưng điều quan trọng là chế độ này thể hiện cho người dân thấy nó có thể mang lại những thú vui vật chất".
Trong chuyến thăm, ông Kim ca ngợi hãng mỹ phẩm này đã sản xuất các sản phẩm "đẳng cấp thế giới", và đã nâng cấp cơ sở của mình lên một mức độ đáng để "tự hào đối với thế giới", hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên tường thuật.
Tại sao ông Kim mang theo vợ và em gái ?
Mặc một chiếc váy màu đen trắng rất phong cách, vợ ông Kim nổi bật trong các bức ảnh.
Trong khi đó, người ta không thể nhận ra em gái ông Kim là ai trong các bức ảnh, tuy tường thuật của KCNA nói bà xuất hiện cùng với các quan chức hàng đầu khác.
Cuộc sống cá nhân của ông Kim cùng các thành viên trong gia đình ít được biết đến và họ cũng hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Sự xuất hiện trước công chúng của ông Kim luôn được sắp xếp kỹ càng.
Kim Jong-un xem xét các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc tóc
Ông Panda nói với BBC rằng việc ông Kim chọn xuất hiện cùng với vợ và em gái của mình lần này là rất đáng chú ý.
"Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình, rằng mối quan hệ huyết thống là rất quan trọng đối với ông Kim, và rằng con cái sẽ tiếp nối thành công của ông", ông Panda nói.
Sự hiện diện và thăng tiến gần đây của em gái ông Kim cũng "báo hiệu rằng chế độ của Kim Jong-un muốn cho thế giới thấy bà Kim đang nắm một vị trí quyền lực hơn".
Hồi đầu tháng, ông Kim đã đưa em gái vào Bộ Chính trị.
Thời gian của chuyến thăm có ý nghĩa gì ?
Chuyến viếng thăm của ông Kim được thực hiện giữa lúc căng thẳng ngày càng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên với hàng loạt các vụ thử hạt nhân và hạt nhân của Bắc Triều Tiên và những đấu khẩu gay gắt giữa ông Kim và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump - người sẽ thăm thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào tuần tới.
Chuyến thăm của lãnh đạo Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã được phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước một ngày sau khi Bộ trưởng uốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói rằng Hoa Kỳ sẽ "không bao giờ chấp nhận" một Bắc Triều Tiên có vũ trang hạt nhân.
Ông Mattis, người đang có chuyến thăm Châu Á và đang thăm viếng Seoul hôm thứ Bảy, đã nhắc lại lập trường của Mỹ rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Bắc Triều Tiên cũng sẽ vấp phải "một phản ứng quân sự mạnh mẽ".
************************
Bắc Triều Tiên : "Chuyên gia bắt cóc người" (RFI, 30/10/2017)
Nhật báo kinh tế Les Echos (30/10/2017) có bài phóng sự điều tra dài liên quan đến những cáo buộc chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc công dân nhiều nước để đào tạo gián điệp. Bài viết đề tựa : "Khi Bắc Triều Tiên sưu tầm con người".
Hai người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc, Yukiko Okudo (T) và Kaoru Hasuike, về đến sân bay Haneda, Tokyo, ngày 15/10/2002. Reuters/Kimimasa Mayama/Files
Mọi nghi ngờ từ những năm 1970 đã được sáng tỏ vào tháng 11/1987. Nữ gián điệp Bắc Triều Tiên, Kim Hyun-Hee, đã bị bắt dưới quốc tịch Nhật Bản sau khi đã thực hiện thành công vụ đánh bom trên không máy bay của hãng hàng không Korean Airlines trên vùng biển Andaman. Người này thú nhận đã được những người Nhật bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc đào tạo.
Trong vòng gần hai thập niên, Bình Nhưỡng đã sưu tập nhân lực. Ban đầu là những ngư dân Hàn Quốc, sau đó là đàn ông và phụ nữ mang nhiều quốc tịch khác nhau (Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Lebanon, Thái Lan và thậm chí có cả Pháp).
Ngoài việc đào tạo cho các gián điệp Bắc Triều Tiên về ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, Bình Nhưỡng cho bắt cóc các công dân nước khác còn để đánh cắp giấy tờ tùy thân nhằm cài đặt các gián điệp ngầm tại các nước lân cận.
Trước các lệnh trừng phạt của quốc tế về chương trình hạt nhân, Bắc Triều Tiên đã tìm cách xích lại gần Nhật Bản và đã thừa nhận vụ việc vào tháng 9/2002. Trong số 17 trường hợp bị mất tích, Bình Nhưỡng chỉ thừa nhận có 13, và chấp nhận trao trả lại 5 người, 8 người còn lại được báo là đã qua đời.
Ngày nay nhiều gia đình Nhật Bản vẫn tin rằng chế độ Bình Nhưỡng còn đang giấu giếm sự thật và tìm mọi cách kể cả đánh động quốc tế hòng tìm kiếm người thân của mình.
RFI tiếng Việt
***********************
Trung - Hàn thảo luận hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên (RFI, 30/10/2017)
Bộ ngoại giao Hàn Quốc, ngày 30/10/2017, thông báo, các đại diện của Bắc Kinh và Seoul trong cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ gặp gỡ vào ngày 31/10/2017 tại Bắc Kinh.
Truyền hình Nhật Bản phát hình ảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sau lần thử hạt nhân ngày 03/09/2017. Reuters/Toru Hanai
Seoul cho biết thêm, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của các nhà đàm phán Trung Quốc và Hàn Quốc, kể từ khi họ được bổ nhiệm vào vị trí này. Ông Lee Do-hon và đồng nhiệm Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou) sẽ trao đổi những phân tích của hai bên về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Hai bên cũng thảo luận về các phương thức hợp tác để kiểm soát tình hình một cách lâu dài.
Sau những thảo luận chung gần đây giữa Seoul, Washington và Tokyo, cuộc gặp Trung - Hàn là bước đi tiếp theo của các bên có liên quan trong vòng đàm phán 6 bên nhằm làm giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, từ năm 2009, Bình Nhưỡng đã đơn phương rút khỏi nỗ lực ngoại giao này.
Cùng chung lo lắng về hồ sơ hạt nhân Bình Nhưỡng, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO, Jens Stoltenberg, ngày 30/10/2017, cũng đã nhắc lại với Nhật Bản vị thế của nước này trước "mối đe dọa toàn cầu" Bắc Triều Tiên. Trước các chuyên gia và quan chức quốc phòng Nhật Bản, người đứng đầu khối quân sự NATO bày tỏ lo lắng, khi Nhật Bản phải chịu sự đe dọa trực diện trước các "hành động khiêu khích và mất bình tĩnh" của chính quyền Bình Nhưỡng.
Song ông Stoltenberg cho rằng, các nước không cần thiết phải sử dụng uy lực quân sự, thay vào đó, cần tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó, ông khẳng định, NATO sẽ "ủng hộ mạnh mẽ áp lực chính trị, ngoại giao, và kinh tế", đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải "áp dụng đầy đủ và minh bạch" các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, đã được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 09/2017.
Quốc tế lo ngại, Kim Jong-un không bận tâm
Trong khi các nước láng giềng tỏ ra lo ngại trước những hiểm họa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lại tỏ ra bình thản. Hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, ngày 29/10/2017, thông báo, ông Kim Jong-un, cùng phu nhân Ri Sol-ju và người em gái quyền lực Kim Yo-jong, đã đến thăm nhà máy sản xuất mỹ phẩm Bình Nhưỡng.
Tại đây, nhân vật số một chế độ Bình Nhưỡng đã hết lời ca ngợi các sản phẩm làm đẹp của Bắc Triều Tiên "ngang tầm quốc tế", "cho phép nữ giới thực hiện giấc mơ trở nên xinh đẹp hơn". Hai người phụ nữ tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến vi hành này được coi là những người phụ nữ hiếm hoi có sức ảnh hưởng trong chính giới ở Bắc Triều Tiên, quốc gia vẫn mang tư tưởng phụ quyền nặng nề.
Phu nhân Ri, nổi tiếng ở Bắc Triều Tiên với sở thích thời trang cao cấp, đã có với nhà lãnh đạo Kim Jong-un 3 người con. Người em gái Kim Yo-jong, chưa đầy 30 tuổi, vừa được người anh trai cất nhắc vào Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động Triều Tiên.
Duy Anh
***********************
Tổng thống Philippines nói cần đối thoại với Bắc Hàn (RFA, 30/10/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng cần thiết phải nói chuyện với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un để trấn an ông Kim rằng không có ai muốn "xóa sổ" ông ấy hủy hoại Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trước bữa tiệc tại văn phòng Thủ tướng Nhật ở Tokyo hôm 30/10/2017 - AFP
Hãng AP dẫn lời ông Duterte như vừa nêu vào ngày 29/10, chỉ hay một ngày trước khi ông lên đường thăm Nhật Bản xin trợ giúp tái thiết thành phố Marawi ở miền nam Philippines.
Ngoài chuyện sẽ ký một thỏa thuận hỗ trợ với Nhật trị giá 8,8 tỷ đô la kéo dài trong 5 năm , ông Duterte cũng muốn bàn thảo chuyện chính phủ Bình Nhưỡng đe dọa tấn công hạt nhân với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi ông tới thăm Malina vào tháng tới.
Ông Duterte cho rằng Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn cùng các quốc gia khác cần lên tiếng với lãnh tụ Bắc Triều Tiên rằng không ai có ý đe dọa ông ấy và khuyên ông ấy nên dừng việc đe dọa tấn công hạt nhân.
Tổng thống Philippines nhấn mạnh mọi người cần nhớ rằng ông Kim Jong-un dù sao cũng là người lãnh đạo toàn thể nhân dân Bắc Triều Tiên. Ông Duterte cũng chỉ trích chuyện không một quốc gia nào nói chuyện với ông Kim Jong-un trong khi có thể thuyết phục ông ấy rằng hãy ngồi xuống cùng bàn luận với bọn tôi và chúng ta sẽ cùng trao đổi mọi chuyện với nhau.
Triều Tiên : Chớ coi thường cảnh báo thử hạt nhân trên không (VOA, 26/10/2017)
Lời cảnh báo của Ngoại trưởng Triều Tiên về một cuộc thử nghiệm hạt nhân khả dĩ trong bầu khí quyển bên trên Thái Bình Dương nên được xem xét nghiêm túc, một quan chức cao cấp của Triều Tiên nói với đài CNN trong một cuộc phỏng vấn phát sóng ngày 25/10.
Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho
"Bộ trưởng ngoại giao biết rất rõ ý định của lãnh tụ tối cao chúng tôi, vì thế tôi nghĩ quý vị nên cân nhắc lời nói của ông ấy nghiêm túc", Ri Yong-pil, một nhà ngoại giao cao cấp của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói với CNN.
Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho tháng trước nói rằng Bình Nhưỡng có thể tính tới việc tiến hành "vụ kích nổ mạnh nhất" một quả bom nghiệt hạch bên trên Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.
Bộ trưởng Ri đưa ra phát biểu này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo rằng Mỹ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu nước này đe dọa Mỹ. Triều Tiên đang nỗ lực phát triển phi đạn hạt nhân có khả năng bắn trúng Mỹ.
Giám đốc CIA Mike Pompeo tuần trước nói rằng Triều Tiên có thể chỉ còn vài tháng nữa là đạt được khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Theo các chuyên gia, một vụ thử nghiệm trong khí quyển sẽ là cách chứng tỏ khả năng đó. Tất cả các vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên đều được thực hiện trong lòng đất.
Ông Trump tuần sau sẽ đi thăm Châu Á và trong thời gian đó ông sẽ nêu bật chiến dịch của ông nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và phi đạn.
Chiến lược này cho tới giờ vẫn chưa ngăn được Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử hạt nhân tại một cơ sở ngầm và bắn phi đạn đạn đạo vào Thái Bình Dương ngang qua Nhật Bản.
Bất chấp những luận điệu hung hăng và những cảnh báo liên tục của Mỹ rằng tất cả các lựa chọn, kể cả quân sự, đều được đưa ra bàn bạc, song các quan chức Nhà Trắng nói ông Trump đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vụ đối đầu.
**********************
Bắc Triều Tiên khẳng định muốn thử bom nguyên tử ở Thái Bình Dương (RFI, 26/10/2017)
Tuyên bố của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên về khả năng thử nguyên tử trên Thái Bình Dương cần phải được hiểu một cách nghiêm túc. Một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên khi trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 25/10/2017 khẳng định như trên.
Bình Nhưỡng muốn tạo ra "vụ nổ mãnh liệt nhất" từ một quả bom nhiệt hạch phía trên Thái Bình Dương
Ông Ri Yong-pil nói : "Ngoại trưởng hoàn toàn được thông tin về các ý định của lãnh tụ tối cao, nên tôi nghĩ rằng cần những gì ông nói đều phải được đánh giá một cách đúng đắn".
Tháng trước ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho nói rằng Bình Nhưỡng muốn tạo ra "vụ nổ mãnh liệt nhất" từ một quả bom nhiệt hạch phía trên Thái Bình Dương. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump, trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã đe dọa "hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên", nếu xâm hại an ninh Hoa Kỳ.
Giám đốc CIA Mike Pompeo, tuần rồi, cảnh báo chỉ còn vài tháng nữa Bắc Triều Tiên có thể đạt được khả năng tấn công vào lãnh thổ nước Mỹ bằng vũ khí nguyên tử.
Các chuyên gia cho rằng, việc thử nghiệm nguyên tử trên không, là cách lô-gic nhất đối với chế độ Bình Nhưỡng để chứng tỏ năng lực của mình. Tất cả các vụ thử bom hạt nhân trước đây của Bắc Triều Tiên đều được tiến hành dưới lòng đất.
Về quan hệ với Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay gởi điện chúc mừng "thành công to lớn" của ông Tập Cận Bình. Văn bản vỏn vẹn bốn câu, được gởi đi hôm qua, nhưng đến hôm nay KCNA mới công bố, "bày tỏ niềm tin là quan hệ giữa hai đảng và hai nước sẽ phát triển, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc".
Lá thư ngắn gọn với lịch sự tối thiểu này tương phản hẳn với bức điện đầy nhiệt tình của Kim Jong-un hồi năm 2012, khi ông Tập vừa được bầu làm tổng bí thư.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Trump "khen" Trung Quốc, "chê" Nga
Vài ngày trước vòng công du Châu Á với hai chặng dừng quan trọng tại Bắc Kinh và Seoul, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố : Nếu bang giao Washington và Moskva tốt đẹp, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ đơn giản hơn.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Fox Business Network, ngày 25/10/2017, tổng thống Mỹ nhận định : Trong mục đích giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, "Trung Quốc tạo thuận lợi cho Mỹ và dường như là Nga đi theo hướng ngược lại, gây trở ngại cho những nỗ lực của Hoa Kỳ". Tổng thống Trump nói thêm, ông nghĩ là nếu như quan hệ Nga-Mỹ "được tốt đẹp thì hồ sơ Bắc Triều Tiên sẽ dễ được giải quyết hơn".
Lãnh đạo Nhà Trắng nhắc lại trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ông từng hy vọng cải thiện bang giao với Moskva. Căng thẳng giữa trục Washington-Moskva kéo dài, sau những cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ ; trong những tuần lễ qua, đôi bên liên tục giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại hai nước và Quốc Hội Mỹ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Nga can thiệp vào Ukraine.
Trong khi lên giọng phê phán Nga, tổng thống Hoa Kỳ không quên đề cao vai trò của Trung Quốc. Qua mạng Twitter, Donald Trump cho biết đã gọi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình tái đắc cử tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ 5 năm và đôi bên đã thảo luận về Bắc Triều Tiên và chính sách thương mại : "hai hồ sơ quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung" như chính Donald Trump đánh giá.
RFI tiếng Việt
*******************
Hải Quân Mỹ thị uy : Ba tàu sân bay có mặt cùng lúc tại Châu Á (RFI, 26/10/2017)
Phải chăng Mỹ đang tăng cường phô trương uy lực tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương chuẩn bị cho chuyến công du vào tuần tới của tổng thống Donald Trump ?
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tập trận với Hải Quân Hàn Quốc, ngày 19/10/2017. Picture taken on October 19, 2017. Reuters/Tim Kelly
Câu hỏi này đã được đặt ra sau khi Hải Quân Mỹ liên tiếp loan báo việc Hạm Đội 7 phụ trách khu vực Châu Á -Thái Bình Dương đã được hai hàng không mẫu hạm, cùng với hải đội tác chiến đi kèm đến tăng viện. Cùng với một tàu sân bay có mặt tại chỗ, hiện có ba hàng không mẫu hạm Mỹ hoạt động đồng thời trong khu vực. Một sự kiện hiếm thấy.
Trong bản thông cáo công bố hôm qua 25/10/2017, Hạm Đội 7 loan báo là tàu sân bay nguyên tử USS Nimitz đã trở lại hoạt động trong khu vực Châu Á. Tháp tùng theo chiếc Nimitz là một hải đội tác chiến bao gồm một tuần dương hạm cùng bốn khu trục hạm, tất cả đều được trang bị tên lửa dẫn đường.
Trước đó một hôm, Hạm Đội 7 cũng ra thông báo cho biết là nhóm tác chiến với tàu sân bay nguyên tử USS Theodore Roosevelt khởi hành từ căn cứ San Diego (bang California-Hoa Kỳ), cũng đã đến khu vực công tác ở vùng Tây Thái Bình Dương ngày 23/10. Nhóm tác chiến của chiếc USS bao gồm một tàu tuần dương và ba tàu khu trục, cũng được võ trang bằng tên lửa dẫn đường.
Hai hàng không mẫu hạm mới đến như vậy sẽ tăng viện cho chiếc USS Ronald Reagan, cùng với hải đội tác chiến tháp tùng theo, hiện đang neo đậu tại cảng Busan (Hàn Quốc), sau khi tham gia một cuộc tập trận hải quân lớn cùng với Hải Quân Hàn Quốc ở vùng biển ngoài khơi Bán Đảo Triều Tiên.
Theo giới phân tích quân sự, lực lượng Mỹ được huy động đến vùng biển Châu Á-Thái Bình Dương quả thực là rất hùng hậu, vì lẽ trung bình, chỉ riêng một nhóm tác chiến của tàu sân bay Mỹ, đã bao gồm 12 chiến hạm lớn nhỏ, từ một đến hai tầu ngầm (mà hành tung trên nguyên tắc được giữ bí mật), và một phi đội khoảng 75 chiến đấu cơ.
Vào lúc tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, hành động phô trương uy lực này được coi là một lời cảnh báo mạnh mẽ của Washington nhắm vào Bình Nhưỡng.
Chuyên san Nhật Bản The Diplomat vào hôm qua đã gắn liền việc Hải Quân Mỹ triển khai đồng thời ba hàng không mẫu hạm tại hiện trường Châu Á-Thái Bình Dương, với chuyến thăm Đông Bắc Á và Đông Nam Á vào thượng tuần tháng 11 tới đây của tổng thống Mỹ Donald Trump, với hồ sơ hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên nổi bật trong chương trình nghị sự.
Trọng Nghĩa
Con Đường Tơ Lụa Mới : Bắc Kinh ngỏ ý đàm phán với Ấn Độ (RFI, 22/10/2017)
Dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, tổ chức hồi tháng 5/2017, bị nhiều nước châu Âu và Ấn Độ tẩy chay. Gần đây, Bắc Kinh tỏ ý muốn mở cánh cửa đối thoại với Ấn Độ để kéo New Delhi vào một dự án, mà Trung Quốc coi là trụ cột trong chính sách đối ngoại, nhằm khẳng định vị trí trung tâm của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Công trình nghệ thuật ''Cầu Vàng trên Đường Tơ Lụa' của nghệ sĩ Shu Yong, mừng thượng đỉnh tại Bắc Kinh, về đề án Một Vành Đai Một Con Đường - OBOR. Ảnh ngày 10/05/2017. Reuters
Báo Ấn Độ The Indian Express, ngày 21/10/2017, dẫn lời một quan chức vụ châu Á, Bộ ngoại giao Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh sẵn sàng "trao đổi sâu" với phía Ấn Độ, để xua tan các lo ngại từ phía New Delhi. Giới chức nói trên bày tỏ hy vọng là Ấn Độ "hiểu" lập trường của Trung Quốc, và tham gia vào sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của lãnh đạo Tập Cận Bình.
Một trong các lo ngại lớn của New Delhi là chủ quyền của Ấn Độ tại vùng Cachamir tranh chấp, sẽ bị xâm phạm trong trường hợp Trung Quốc triển khai dự án cùng với Pakistan tại vùng lãnh thổ này. Quan chức Bộ ngoại giao Trung Quốc trấn an New Delhis là dự án hoàn toàn không liên đến các vùng lãnh thổ tranh chấp, và "không ảnh hưởng đến lập trường vốn có" của Bắc Kinh về cao nguyên Cachemire.
Theo chuyên gia Bộ ngoại giao Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã có những tuyên bố tích cực về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại xuyên châu Á nói trên, và Bắc Kinh hy vọng New Delhi cũng làm tương tự.
Tuyên bố của quan chức Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Hội Đảng cộng sản hôm thứ Tư vừa qua, nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường.
Trên thực tế, quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng gần đây xấu đi trầm trọng với cuộc đối đầu tại vùng biên giới Doklam, khởi sự hồi tháng 6/2017, ít tuần sau hội nghị quốc tế Một Vành Đai, Một Con Đường, bị tẩy chay, và chỉ chấm dứt, cuối tháng 8, trước thềm thượng đỉnh của BRICS, mà Trung Quốc đăng cai. Bắc Kinh không muốn New Delhi tẩy chay nốt thượng đỉnh này.
Ấn Độ là một đối tác quan trọng mà cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều muốn tranh thủ. Đúng ngày khai mạc Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc, 18/10, ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã có tuyên bố về Ấn Độ, ca ngợi mối quan hệ sâu sắc giữa "hai nền dân chủ lớn nhất thế giới", đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có những hành động "thách thức luật pháp quốc tế, gây bất ổn thế giới".
Trọng Thành
***********************
Bắc Triều Tiên "tự đẩy mình vào chỗ chết" nếu thử tiếp tên lửa (RFI, 22/10/2017)
Tham vọng làm chủ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên dường như ngày càng đẩy đồng minh Trung Quốc, và trước hết là lãnh đạo Tập Cận Bình, vào thế kẹt. Đúng vào lúc Đảng cộng sản Trung Quốc họp Đại Hội, một học giả Trung Quốc cho biết nếu thử tên lửa thêm một lần nữa, chế độ Bình Nhưỡng sẽ "tự đẩy mình vào chỗ chết".
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, theo dõi vụ bắn thử tên lửa Hwasong-12, ngày 16/09/2017KCNA via Reuters
Báo mạng Anh Quốc Express, ngày hôm nay, 22/10/2017 dẫn lại một cuộc phỏng vấn "gây sốc", của học giả Chong Sho Hu, giáo sư quan hệ quốc tế Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, với BBC. Vị giáo sư này cho hay Bắc Triều Tiên "đang tìm đến cái chết" khi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Ông khẳng định kỷ nguyên bạn hữu giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã kết thúc, "chủ tịch Tập Cận Bình đã ngán ngẩm với các hành xử bất định của nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong-un".
Trong một lần gần đây, lãnh đạo Trung Quốc cho biết đã "sôi lên vì giận", sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí mới ngay vào lúc Trung Quốc chuẩn bị đón một hội nghị quốc tế toàn cầu quan trọng (ngụ ý nhắc đến vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên ngay trước thượng đỉnh của nhóm BRICS tổ chức tại Hạ Môn-Xiamen hồi đầu tháng 9).
Theo báo mạng Anh Quốc, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Max Baucus, từng cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ có một lần duy nhất sử dụng "ngôn từ không mang tính ngoại giao", đó là khi nói về Kim Jong-un.
Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có thể từ bạn thành thù
Học giả Chong Sho Hu nhận định là việc quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chuyển từ bạn thành thù không phải là điều không thể xảy ra, bởi trong lịch sử Bắc Kinh đã từng có lúc coi những quốc gia một thời đồng minh chí cốt, như Liên Xô và Việt Nam, là kẻ thù, chiến tranh đã xẩy ra giữa hai bên.
Giáo sư quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh còn nói thêm là "Bắc Triều Tiên đang ở trong một tình thế hết sức mong manh. Chưa từng có quốc gia nào phải chịu các trừng phạt quốc tế nặng nề như vậy". Ông ví Bình Nhưỡng như "mấp mé bên miệng vực", chỉ cần "một làn gió nhẹ" cũng đủ tiêu vong.
Học giả Chong Sho Hu được coi là người có quan hệ mật thiết với các cơ quan ngoại giao, quốc phòng Trung Quốc.
Khủng hoảng Bắc Triều Tiên dường như tạm lắng lại trong thời gian Đảng cộng sản Trung Quốc họp Đại Hội 19. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, một khi quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố sau Đại Hội, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gia tăng áp lực lên chủ tịch Trung Quốc, buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt tham vọng hạt nhân.
Theo lãnh đạo CIA Mỹ, Mike Pompeo, phát biểu hôm thứ Năm, 19/10, Bắc Triều Tiên chỉ còn "vài tháng nữa" là làm chủ được vũ khí hạt nhân có thể tấn công Hoa Kỳ, mà đây là điều mà tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận.
Cựu tổng thống Carter muốn đến Bình Nhưỡng
Tại Mỹ, nhiều người vẫn muốn tìm giải pháp ngoại giao. Theo Reuters, cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, 93 tuổi, cho biết ông sẵn sàng đến Bình Nhưỡng, nhân danh chính quyền Trump để đối thoại với Bắc Triều Tiên.
Cựu tổng thống Mỹ Carter cho rằng căng thẳng hiện nay, với các cuộc khẩu chiến và ngờ vực gia tăng, có thể khiến lãnh đạo Bắc Triều Tiên chọn giải pháp tấn công phủ đầu, do sợ bị Mỹ tấn công trước. Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, một phần lãnh thổ hải ngoại, thậm chí lãnh thổ Bắc Mỹ có thể bị tấn công hạt nhân.
Cũng theo ông Jimmy Carter, ở Washington người ta có xu hướng đáng giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên, trong lúc trên thực tế, chính quyền Kim Jong-un không còn duy trì quan hệ với Bắc Kinh, như dưới thời Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un.
Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng đến Bình Nhưỡng năm 1994 để đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành - ông nội Kim Jong-un - để thúc đẩy một thỏa thuận đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, ít tuần trước khi Kim Nhật Thành qua đời.
Trọng Thành
****************
Trung Quốc : Lòng dân không "đỏ" như ý Đảng (RFI, 22/10/2017)
Cứ mỗi năm năm, Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lại được tiến hành trọng thể, với sự hỗ trợ rầm rộ của bộ máy tuyên truyền. Tuy vậy AFP ghi nhận trong những ngày tháng 10 này, chỉ có một nhúm người về hưu đến Thượng Hải, thăm địa điểm tổ chức đại hội lần đầu tiên của "đảng lớn nhất thế giới", được chế độ khoác cho màu sắc thiêng liêng của lòng ái quốc.
Ảnh Tập Cận Bình, Mao Trạch Đông ở Thượng Hải với khẩu hiệu "Học tập đồng chí Lôi Phong". Ảnh chụp ngày 26/09/2017. Reuters/Aly Song
Chính trong thành phố tô giới của Pháp trước đây, mà Mao Trạch Đông và các đồng chí của ông ta năm 1921 đã họp hội nghị đầu tiên thành lập ra đảng cộng sản, để rồi sau đó lên nắm quyền vào năm 1949.
Gần một thế kỷ sau, tòa nhà âm u bằng gạch khiêm tốn vẫn ngự trị ở trung tâm một khu phố gồm các cửa hàng sang trọng và các nhà hàng thời thượng, như một biểu tượng cho "nền kinh tế thị trường theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa", được những người kế nhiệm Mao lập nên.
Cai Tian, một khách tham quan "trẻ", "mới có" 46 tuổi thú nhận : "Ngày nay chẳng còn mấy ai quan tâm đến nơi này, chỉ có những người già nhất mới đến thôi. Người dân không dân tộc chủ nghĩa lắm đâu, hằng ngày họ chỉ nghĩ đến việc làm và cuộc sống".
Cách đó hơn một ngàn cây số, tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình sắp được Đại hội Đảng 19 tiếp tục giao phó nhiệm vụ lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới. Trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, chế độ Trung Quốc đã nỗ lực lay động lòng ái quốc, thách thức các nước láng giềng, từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho đến các nước ven Biển Đông.
Trong bài diễn văn tràng giang đại hải hôm khai mạc Đại hội 18/10/2017, Tập Cận Bình nhiều lần nêu ra "sự phục hưng vĩ đại" của Trung Hoa, sau những ô nhục phải chịu đựng từ thế kỷ 19, trong cú sốc đối đầu với nền văn minh phương Tây.
Nhưng một nghiên cứu về dư luận gần đây cho thấy việc tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc chỉ có tác dụng hạn chế lên người dân, tuy đã được đẩy lên cao độ hồi Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Công trình do giáo sư Alastair Johnston, trường đại học Havard chủ trì, được công bố vào đầu năm nay khẳng định : "Theo nhiều tiêu chí, thì mức độ dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc đã khựng lại hoặc thụt lùi từ năm 2009. Rõ ràng là những người trẻ ít mang đặc tính này hơn so với người lớn tuổi".
"Wolf Warrior 2" (Chiến binh sói 2), một bộ phim hành động dân tộc chủ nghĩa, trong đó một đội đặc nhiệm Trung Quốc đã chiến thắng các nhân vật phản diện phương Tây, mùa hè này đã đánh bại tất cả các kỷ lục ở rạp chiếu. Hàng đàn hàng lũ những kẻ khẩu chiến trên mạng xã hội, trong đó có không ít dư luận viên được Nhà nước trả công, luôn sẵn sàng "ném đá" những ai có vẻ thiếu tôn trọng tổ quốc. Nhưng các nỗ lực này cùng với chế độ kiểm duyệt siêu gắt gao cũng không loại trừ được những quan điểm khác biệt - theo nghiên cứu của Viện Mercator, công bố trong tháng này.
Các tác giả bản báo cáo cho biết : "Rất lạ lùng là không có ý thức hệ nào thống trị trên các diễn đàn Trung Quốc, nơi mà người ta tranh cãi gay gắt về quan điểm chính trị, kinh tế, xã hội".Những cảnh báo của chế độ về "các lực lượng thù địch" dường như không được chú ý lắm trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội.
Các chuyên gia cảnh báo, tình cảm dân tộc vẫn có thể trỗi dậy trong trường hợp xảy ra căng thẳng với các nước khác, hay khủng hoảng kinh tế.
Bắc Kinh nhiều khi làm ngơ để cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng lên, nhất là đối với Nhật Bản. Nhưng chính quyền cũng lo ngại các vụ biểu tình chống Nhật chẳng hạn, quay ngược lại chống chính phủ, nên nhanh chóng huýt còi.
Nhà Trung Quốc học Kaiser Kuo, phụ trách mục Sinica trên trang web SupChina.com nhấn mạnh : "Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi, và Bắc Kinh cố ngăn chận".
Năm ngoái, khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, những người biểu tình - cho rằng phía sau quyết định này có bàn tay của Washington - đã tấn công vào các nhà hàng KFC ở nhiều thành phố. Tiếp đó có một cuộc tranh luận trên mạng về "yêu nước một cách thiếu suy nghĩ", rồi đến lượt báo chí kêu gọi những người này quay về nhà.
Kaiser Kuo giải thích : "Chắc chắn đa số giới trẻ nhận ra rằng sở dĩ Trung Quốc thịnh vượng là nhờ hợp tác với các nước khác trên thế giới, nên họ không chấp nhận ý thức hệ cứng rắn".
Thụy My
***********************
Biển Đông : Trung Quốc lập đơn vị cứu hộ mới cho hạm đội Nam Hải (RFI, 22/10/2017)
Hạm đội Nam Hải thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - lực lượng chuyên trách các hoạt động của Hải Quân Trung Quốc ở Biển Đông, đang được bổ sung một đơn vị cứu hộ mới. Trung Quốc muốn tăng cường sự hiện diện và khả năng của mình trong vùng biển đang có tranh chấp.
Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc. Reuters/Guang Niu
Như vậy là hạm đội Nam Hải sẽ có hai đơn vị cứu hộ. Báo Straits Times, hôm nay 22/10/2017, cho biết là theo các chuyên gia quân sự, đơn vị mới này sẽ tăng cường khả năng thực hiện các nhiệm vụ ở vùng biển xa hơn nữa của hải quân Trung Quốc. Còn một chuyên gia quân sự giấu tên nói với tờ Global Times là đơn vị cứu hộ mới có thể tăng khả năng phòng thủ của Hạm đội Nam Hải dọc theo bờ biển và trên biển, cũng như trong chiến đấu.
Nhiệm vụ chính của đơn vị cứu hộ hàng hải bao gồm triển khai các thiết bị cứu hộ, thiết bị lặn và các thiết bị khác trong mọi trường hợp khẩn cấp, để giảm thiểu tổn thất trong các tai nạn và bảo vệ các kỹ sư hàng hải. Đơn vị này cũng có thể tham gia vào các hoạt động cứu nạn trên biển.
Hạm đội Bắc Hải của Hải Quân Trung Quốc đã thành lập một đơn vị như vậy vào năm 2011, vì hạm đội Bắc Hải chịu trách nhiệm về các hoạt động cứu hộ trên tất cả các khu vực pháp lý của hải quân Trung Quốc. Các nguồn lực của hạm đội này đã được nâng cao trong quá trình hải quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động trong những năm gần đây.
Theo hình ảnh vệ tinh mà các cơ quan tư vấn nước ngoai thu thập được, Trung Quốc đã triển khai hầu hết các tàu ngầm hạt nhân tiên tiến ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều tàu ngầm trong khu vực đã làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Theo ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nói : "Khi xảy ra tai nạn, tàu ngầm không thể dựa vào đơn vị cứu hộ của Hạm đội Bắc Hải".
Ông Ke Hehai, chính ủy của đơn vị, trong một phiên họp nghiên cứu báo cáo chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình trong phiên khai mạc Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 giải thíchlà việc thành lập đơn vị cứu hộ mới cho hạm đội Nam Hải nằm trong khuôn khổ "cuộc cải cách quân sự mới nhất".
Thùy Dương
Mỹ-Nhật-Hàn : "Bắc Triều Tiên là mối họa lớn chưa từng có" (RFI, 24/10/2017)
Chương trình hạt nhân quân sự của Bắc Triều Tiên tạo thành một "mối đe dọa nghiêm trọng và chưa từng có" cho Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lời khẳng định này đã được bộ trưởng Quốc Phòng ba nước đưa ra sau cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng tại Philippines.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tham dự Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Clark, phía đông Manila (Philippines), ngày 24/10/2017. NOEL CELIS / AFP
Trong một thông cáo công bố ngày 24/10/2017, bộ trưởng Quốc Phòng của ba nước Mỹ, Nhật và Hàn đồng lên án với "những lời lẽ mạnh mẽ nhất" các hành động khiêu khích liên tục của Bắc Triều Tiên. Đồng thời cả ba bộ trưởng kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và đạn đạo bị cấm đoán "một cách toàn diện, có thể kiểm chứng được và vĩnh viễn".
Cả ba nước đồng minh này cũng cam kết gia tăng áp lực ngoại giao lên Bình Nhưỡng, khẳng định thực thi các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên, gia tăng trao đổi thông tin và tăng cường hơn nữa hợp tác quân sự.
Cùng ngày, Hàn Quốc thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành hai ngày thao dợt hoạt động dò tìm và giám sát tên lửa với Hoa Kỳ và Nhật Bản nhằm chuẩn bị đối phó khả năng Bắc Triều Tiên bất ngờ bắn tên lửa. Địa điểm thao dợt diễn ra ngoài khơi Hàn Quốc và Nhật Bản.
Về phía nước Anh, trong bài phát biểu tại Luân Đôn, bộ trưởng Ngoại Giao Boris Johnson tuyên bố là vẫn nên dự phòng giải pháp quân sự trong việc xử lý hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ông nhìn nhận rằng đây cũng là một giải pháp không một ai mong muốn.
Minh Anh
****************
Trung Quốc khẳng định vẫn duy trì đối thoại với Bắc Triều Tiên (RFI, 21/10/2017)
Bên lề Đại Hội đang diễn ra ở Bắc Kinh, Ban Đối Ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày hôm nay 21/10/2017 đã mở họp báo để nói thêm về đường lối đối ngoại của Đảng – tức là của cả Trung Quốc. Một điểm nổi bật được chú ý là lời khẳng định rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc hội đàm và duy trì các cuộc tiếp xúc và đối thoại với Đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản) Bắc Triều Tiên.
Quách Nghiệp Châu (Guo Yezhou), phó ban Đối Ngoại Đảng cộng sản Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 21/10/2017 ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Reuters/Jason Lee
Theo hãng tin Anh Reuters, ông Quách Nghiệp Châu (Guo Yezhou), phó ban Đối Ngoại Đảng cộng sản Trung Quốc, đã cho rằng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là láng giềng, có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, do đó việc duy trì và củng cố quan hệ đó mang "ý nghĩa quan trọng" cho hòa bình, ổn định khu vực.
Lời khẳng định trên đây được đưa ra trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng đang gặp khó khăn do việc Bắc Triều Tiên liên tục thử hạt nhân và tên lửa, bất chấp thái độ không hài lòng của Trung Quốc.
Đối với ông Quách Nghiệp Châu, hoạt động trao đổi giữa hai đảng đóng vai trò quan trọng việc phát triển các mối quan hệ giữa hai nước nói chung, và hoạt động đó vẫn đang tiếp diễn.
Tuy nhiên, quan chức này đã tránh trả lời trực tiếp khi được hỏi là lần gần đây nhất mà trưởng ban Đối Ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tống Đào (Song Tao) gặp một quan chức Bắc Triều Tiên là khi nào.
Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên theo nghị quyết Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cho dù vẫn chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc tập trận, góp phần làm căng thẳng gia tăng trong khu vực. Trong khi đó thì Hoa Kỳ và các đồng minh luôn cho rằng Trung Quốc nên kiên quyết hơn trong việc kềm chế Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, một quan chức Mỹ xin giấu tên vào hôm qua xác định rằng tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng sau Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ có nhiều quyền lực hơn trong việc kềm chế Bắc Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Vì vậy, nhân chuyến công du lần đầu tiên tới Châu Á trong tư cách Tổng thống Mỹ của ông Trump vào tháng tới, các nhà quan sát nhận định ngoài những vấn đề liên quan tới hợp tác kinh tế và an ninh khu vực, vấn đề Triều Tiên sẽ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông Trump.
Ngược lại, về phía Bắc Triều Tiên, ông Choe Son Hui, lãnh đạo bộ phận phụ trách Bắc Mỹ tại bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, đã tái khẳng định hôm qua rằng vũ khí nguyên tử là "vấn đề mang tính sống còn" của Bắc Triều Tiên. Điểm đáng chú ý là theo lời quan chức này, Bình Nhưỡng sẽ không đàm phán với Washington về chương trình hạt nhân.
Trọng Nghĩa
*****************
Úc lên tiếng về thư Bắc Hàn gửi các nước "kêu ca" về Hoa Kỳ (RFA, 20/10/2017)
Thủ tướng Australia hôm 20 tháng 10 gọi bức thư mà Bắc Hàn gửi tới quốc hội nước này và một số nước khác là những lời ba hoa nhắm vào Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vì Bình Nhưỡng đang bắt đầu cảm thấy bị o ép do các lệnh cấm vận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull (phải) trước một cuộc họp ở New York hôm 4/5/2017 - AFP
Bức thư của Ủy ban Đối ngoại Bắc Hàn có tựa ‘thư mở gửi quốc hội các nước khác’ tấn công Tổng thống Trump vì bài phát biểu của ông ở Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước khi ông dọa sẽ phá hủy Bắc Hàn nếu bị gây hấn.
Thủ tướng Malcolm Turnbull nói bức thư thực chất không nói gì nhiều về Australia mà chỉ là những lời khoa trương nói xấu Tổng thống Mỹ. Ông nói đây cũng là điều thường thấy ở Băc Hàn khi nước này thường xuyên nói xấu và phàn nàn về Tổng thống Donald Trump. Thủ tướng Australia cũng chỉ ra rằng Bắc Hàn chính là nước đã không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi dọa sẽ bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Nhật Bản, Nam Hàn và Mỹ.
Trước đó Bắc Hàn cũng đã đe dọa sẽ bắn tên lửa đến Australia, nước đồng minh của Mỹ.
*****************
Kim Jong-un và Trump : Cặp đôi làm Tập Cận Bình khốn khổ (RFI, 18/10/2017)
Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được tái nhiệm chức tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc (đảng cộng sảnTrung Quốc) trong vài ngày nữa, nhưng hai nhân vật không thể nào đoán định được là Kim Jong-un và Donald Trump, có thể thêm một lần nữa làm hỏng mất ngày vui của ông Tập.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong buổi khai mạc Đại hội lần thứ 19 của đảng cộng sảnTrung Quốc. Ảnh tại Bắc Kinh ngày 18/10/2017. Reuters/Jason Lee
đảng cộng sảnTrung Quốc từ hôm nay 18/10/2017 khai mạc Đại hội lần thứ 19, kéo dài một tuần lễ. Nếu không có sự cố gì xảy ra, Tập Cận Bình sẽ tiếp tục ở ngôi vị tối cao tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Nhưng sự kiện này có thể bị quấy đảo bởi ông chủ Nhà Trắng, thường bất chợt tung ra những tin Twitter đả kích chính sách thương mại của Bắc Kinh chẳng hạn, hoặc sự bất lực trước tham vọng nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Về phần lãnh đạo Bắc Triều Tiên, có thể cố tình chiếm mất ngôi vị vedette trên mặt trận truyền thông của ông Tập, qua việc cho thử một quả bom nguyên tử, hay bắn vài hỏa tiễn đạn đạo trong lúc Đại hội 19 đang họp.
Những giả thiết xấu này của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã từng xảy ra trong quá khứ.
Hồi tháng Năm, trong dịp khai mại hội nghị thượng đỉnh vừa mang tính ngoại giao vừa thương mại về "Con đường tơ lụa mới" do Bắc Kinh tổ chức, một hỏa tiễn của Bình Nhưỡng đã thu hút mọi sự chú ý. Đồng thời ông Donald Trump còn tố cáo Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Triều Tiên – đã không nỗ lực đúng mức để kiểm soát người hàng xóm thích quấy nhiễu.
Đến tháng Chín, lại diễn ra một kịch bản tương tự : Kim Jong-un ra lệnh thử bom nguyên tử, vào đúng ngày ông Tập Cận Bình tiếp đón các đối tác khối BRIcộng sản, nhóm năm quốc gia mới nổi.
Nhiều nhà phân tích lý giải hành động của Bắc Triều Tiên là một sự đối đầu với Tập Cận Bình. Hoặc là một cách để gây áp lực lên Trung Quốc, để Bắc Kinh thuyết phục Washington nên mở đối thoại với Bình Nhưỡng.
Giáo sư Thành Hiểu Hà (Cheng Xiaohe) chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh cho rằng, một vụ thử bom nguyên tử trong thời gian diễn ra Đại hội đảng cộng sảnTrung Quốc "trước hết là làm mất thể diện. Việc này sẽ có ảnh hưởng tai hại cho ông Tập Cận Bình, vào thời điểm mấu chốt".
Nếu tại Trung Quốc, quyền lực của Tập chủ tịch là không thể bàn cãi, thì ảnh hưởng của ông Tập đối với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên hiện nay tỏ ra hạn chế. Lời kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên của ông Tập Cận Bình bị cả Donald Trump và Kim Jong-un phớt lờ. Hai lãnh đạo Washington và Bình Nhưỡng cùng lao vào một cuộc khẩu chiến đáng ngại.
Hoa Kỳ cũng bác bỏ đề nghị của Trung Quốc về việc "mỗi bên nhường một nửa" : Bình Nhưỡng ngưng thử hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử, đổi lấy việc quân đội Mỹ-Hàn ngưng tập trận.
Sau khi bị ông Trump chỉ trích mạnh mẽ, Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt tăng cường do Liên Hiệp Quốc quy định vào tháng trước. Quan hệ với Washington nhờ đó được sưởi ấm đôi chút, thế nên tổng thống Mỹ sẽ đi thăm Bắc Kinh vào tháng 11 tới.
Nhưng Kim Jong-un thì Tập Cận Bình chưa bao giờ gặp, và quan hệ Trung-Triều có vẻ đang ở mức thấp nhất kể từ bảy thập niên qua.
Ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về chính sách nguyên tử tại trung tâm nghiên cứu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh nhận định : "Có thể Bắc Triều Tiên sẽ lại cho bắn tên lửa đạn đạo tầm xa mới" trong dịp Đại hội trọng đại của đảng cộng sảnTrung Quốc.
Lợi ích của Bình Nhưỡng nếu phóng hỏa tiễn vào lúc này, là chỉ gây ra phản ứng tương đối nơi Trung Quốc, đang quá bận bịu với công việc hệ trọng trong nội bộ, không thể tập trung vào hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo chuyên gia Triệu Thông, "Đối với Bình Nhưỡng, tốt nhất là thử hỏa tiễn trước khi Đại hội Đảng 19 kết thúc".
Nhưng một số nhà phân tích khác phân vân về tác động đối với các lãnh đạo Trung Quốc, nếu Bắc Triều Tiên bắn tên lửa.
Nhà nghiên cứu Dương Hy Vũ (Yang Xiyu), Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, thuộc bộ Ngoại Giao cho rằng : "Các vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, dù được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào đi nữa". Đồng thời Bình Nhưỡng "cũng giống như một con kiến cố gắng làm chuyển động một cây cổ thụ" - ông ví von. "Đại hội Đảng lần thứ 19 là một sự kiện rất trọng đại tại Trung Quốc. Những hành vi của Bắc Triều Tiên không thể làm khuấy động được".
Thụy My
*****************
Tấn công tin tặc : Nguồn thu ngoại tệ hữu hiệu của Bắc Triều Tiên (RFI, 21/10/2017)
Tin tặc Bắc Triều Tiên lại tấn công. Theo tiết lộ của các chuyên gia thuộc công ty an ninh mạng Anh Quốc BAE Systems, những tin tặc này đã suýt thành công trong việc tấn công một ngân hàng Đài Loan.Tìm kiếm ngoại tệ dường như là một trong những động lực chính của các tin tặc Bắc Triều Tiên vào lúc các biện pháp trừng phạt ngày càng mạnh mẽ đang bóp nghẹt nguồn tài chính của chính quyền Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên bị cáo buộc tiến hành nhiều vụ tấn công tin tặc có quy mô lớn.(Photo by SSPL/Getty Images)
Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias giải thích vụ việc :
"Vào đầu tháng 10, tin tặc Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc ra lệnh chuyển 60 triệu đô la của ngân hàng Đài Loan Far Eastern International, khi chúng tấn công vào hệ thống chuyển tiền ngân hàng quốc tế SWIFT.
Vụ trấn lột tin học này đã được ngăn chặn kịp thời : ngân hàng đã kịp hủy bỏ 99% các khoản chuyển tiền. Nhiều chuyên gia của công ty BAE Systems khẳng định các thông tin về cách thức hành động và mã tin học cho thấy lại một lần nữa, dường như vụ này do nhóm "Lazarus" thực hiện.
Các hacker trong nhóm Lazarus bị cáo buộc có liên hệ với chế độ Bình Nhưỡng. Chính những hacker này đã đánh cắp 81 triệu đô la của ngân hàng trung ương Bangladesh hồi năm 2016 và đó là trường hợp đánh cắp ngân hàng qua mạng đầu tiên do một Nhà nước điều phối.
Nhóm Lazarus cũng bị nghi ngờ đã tấn công, nhưng không thành, các ngân hàng Mehicô, tại Ba Lan hoặc tại Philippines. Bắc Triều Tiên đã liên tục khẳng định không có liên hệ với nhóm này".
Vẫn theo Frédéric Ojardias, tấn công tin học dường như trở thành một nguồn thu ngoại tệ mới đối với chế độ Bắc Triều Tiên.
"6 000 hacker do Bình Nhưỡng đào tạo bị nghi ngờ đã đánh cắp hàng chục triệu đô la, qua các vụ tấn công ngân hàng và các website cá cược trực tuyến hoặc thông qua "ransomware", một dạng vi rút tin học ngăn chặn máy tính của bạn hoạt động chừng nào bạn chưa trả tiền chuộc.
Các hacker này cũng bị cáo buộc đã tấn công trong thời gian gần đây ba wesite trao đổi tiền kỹ thuật số (tiền ảo) bitcoin của Hàn Quốc. Báo New York Times đã đăng một phóng sự điều tra cho thấy không phải tất cả các tin tặc này đều hoạt động từ Bắc Triều Tiên. Nhiều kẻ trong số này hoạt động tại Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
Theo một cựu điệp viên Anh Quốc được tờ báo trích dẫn, các vụ tấn công tin học ngân hàng này có thể mang về cho Bình Nhưỡng mỗi năm một tỷ đô la. Có thể thẩm định này là phóng đại vì số tiền này tương đương một phần ba thu nhập xuất khẩu của Bắc Triều Tiên".
Làm thế nào mà Bắc Triều Tiên lại có được khả năng tấn công tin học dường như ngày càng tinh vi ? Frédéric Ojardias giải thích tiếp :
"Cách nay khoảng 15 năm, chính Kim Jong Il, thân phụ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay đã quyết định đào tạo các đơn vị hacker tinh nhuệ, bằng cách xác định và tuyển dụng các sinh viên có khả năng nhất.
Tấn công tin học có nhiều điểm lợi : ít tốn kém nhưng lại có thể gây ra những thiệt hại đáng kể cho một quốc gia thù địch, trong một chừng mực nhất định, khó nhận diện…Và Bắc Triều Tiên lại rất ít bị tổn thương do các cuộc tấn công tin học vì nước này ít kết nối với mạng toàn cầu.
Khi lên nắm quyền, Kim Jong-un đã bắt đầu sử dụng đến hacker để có được ngoại tệ, trong lúc Bắc Triều Tiên, do tiến hành chương trình hạt nhân, ngày càng bị bóp nghẹt bởi các biện pháp trừng phạt. Do vậy, các vụ tấn công tin học này sẽ còn tiếp tục xẩy ra".
"Đường ống dầu Hữu Nghị", cốt lõi của cuộc chiến trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên
Than đá, sắt thép và thậm chí cả hải sản, danh sách các sản phẩm bị Liên Hiệp Quốc cấm trong trao đổi thương mại với Bắc Triều Tiên ngày càng dài. Thế nhưng, cho đến lúc này, Trung Quốc lo ngại thấy chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, đã từ chối sử dụng vũ khí dầu lửa chống lại đồng minh truyền thống. Trong danh sách các trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên, chính quyền Bắc Kinh đã công khai gạt bỏ đường ống dẫn dầu dài 30 km, chạy từ Đan Đông, Trung Quốc tới Sinuiju ở Bắc Triều Tiên.
Thông tín viên Heike Schmidt cho biết thêm thông tin :
"Đường ống dầu Hữu Nghị" cốt lõi của cuộc chiến trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Đi vào hoạt động từ năm 1975, hệ thống ống dẫn này có khả năng chuyển tải 520 ngàn tấn dầu mỗi năm, theo số liệu của China National Petroleum, tập đoàn năng lượng khổng lồ Trung Quốc. Thế nhưng, mỗi năm, có bao nhiêu tấn dầu thực sự được chuyển qua hệ thống ống dẫn đó ? Về điểm này, Trung Quốc tỏ ra rất bí mật.
Theo giới chuyên gia, 90% khối lượng dầu lửa mà Bình Nhưỡng mua của Trung Quốc được chuyển tải qua hệ thống này tới nhà máy lọc dầu duy nhất của Bắc Triều Tiên – nhà máy hóa chất Ponghwa. Theo Viện Nautilus, từ cơ sở này, dầu lửa được cung cấp trực tiếp cho quân đội, hiện tiêu thụ tới 1/3 tổng khối lượng dầu lửa nhập khẩu. Cơ quan tư vấn của Mỹ cho rằng cấm nhập khẩu dầu lửa sẽ gây ra hậu quả tệ hại đối với Bắc Triều Tiên nhưng không có hiệu quả trong việc kìm hãm, ít ra là trong ngắn hạn, cuộc chạy đua cuồng nhiệt của chính quyền Bình Nhưỡng nhằm chế tạo vũ khí nguyên tử.
Thường dân lãnh đủ
Bởi vì trong trường hợp này, Bình Nhưỡng sẽ áp dụng chiến lược "Songun – Quân đội trước tiên" : khối lượng dầu lửa thay vì dành cho tiêu thụ của người dân, ngay lập tức sẽ bị cắt giảm để quân đội Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục có nguồn cung ứng đầy đủ. Hiện nay, với mức tiêu thụ vẫn như mọi khi, quân đội Bắc Triều Tiên dường như có khá đủ dự trữ để dùng trong vòng một năm và có thể chiến đấu trong vòng một tháng trước khi rơi vào tình trạng thiếu thốn dầu lửa.
Ngoài các lý do chính trị giải thích sự ngần ngại của Trung Quốc trong việc ngừng cung cấp dầu, thì còn có một yếu tố kỹ thuật cần phải tính tới : "Hệ thống ống dầu Hữu Nghị", hoạt động từ 40 năm qua, có nguy cơ bị hư hỏng và không thể nào sửa chữa được".
Trung Quốc tăng cường tuyên truyền
Tại Trung Quốc, tờ Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo phổ biến nhất nước vừa tung ra ấn bản bằng tiếng Anh trong chương trình ứng dụng dành cho điện thoại thông minh. Thật ra, ấn bản cho smartphone bằng tiếng Hoa đã có từ ba năm qua, nhưng theo nhận định của thông tín viên RFI tại Thượng Hải, Angelique Forget, việc cho ra đời phiên bản tiếng Anh sẽ tạo thuận lợi cho Bắc Kinh gởi các thông điệp tuyên truyền ra quốc tế.
"Nhân Dân Nhật Báo, tiếng Hoa gọi là Renmin Ribao, là nhật báo có số ấn hành nhiều nhất nước. Cơ quan báo chí chính thức của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tờ báo phản ảnh những định hướng như mong muốn của nhà nước trong các bài xã luận cũng như cả trong thứ bậc thông tin.
Lãnh đạo nhật báo, ông Dương Chấn Vũ (Yang Zhenwu), vốn cũng là đảng viên, hoan nghênh việc đưa ra một ứng dụng bằng tiếng Anh. Theo ông, ʺđây là một bước đi chiến lược, cho phép tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trên quốc tế. Chúng ta phải biết là hình ảnh Trung Quốc hiện nay là do những tập đoàn truyền thông nước ngoài tạo raʺ
Vào năm 2016, nhân chuyến đi thăm hãng thông tấn Tân Hoa Xã, chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi truyền thông Trung Quốc ‘xúc tiến các giá trị xã hội dân chủ’ và ‘phải kể về lịch sử Trung Quốc’ trong cũng như ngoài nước.
Bắc Kinh hiện đã có sẵn một kênh tuyên truyền khổng lồ ra quốc tế : mạng lưới kênh truyền hình CGTN, được phát bằng nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Ả Rập, Tây Ban Nha và Nga. Bởi vì, đối với Tập Cận Bình, ʺTrung Quốc cần biết nhiều hơn về thế giới, và thế giới phải biết nhiều hơn về Trung Quốcʺ".
Thái Lan : Hút thuốc trên bãi biển bị phạt nặng
Chính quyền Thái Lan vừa ban hành lệnh cấm hút thuốc ở các bãi biển trên toàn quốc. Mọi vi phạm lệnh cấm có nguy cơ bị phạt nặng. Quyết định này được đưa ra sau việc hàng ngàn tàn điếu thuốc lá được tìm thấy trên bãi biển Patong nổi tiếng, trên đảo du lịch Phuket.
Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus tường thuật :
"Nguyên nhân tức thì của lệnh cấm hút thuốc trên bãi biển đơn giản chỉ nhằm bảo vệ môi trường. Gần đây, có một chiến dịch quét dọn trên bãi biển Patong nổi tiếng, nằm trên đảo du lịch Phuket, phía nam Thái Lan. Và trong chiến dịch này, chừng 140.000 tàn điếu thuốc lá đã được thu lượm. Ngay sau chiến dịch này quyết định cấm hút thuốc đã được đưa ra. Lệnh cấm này sẽ được áp dụng ngay từ đầu tháng 11/2017, tức là đầu mùa cao điểm du lịch, bắt đầu từ cuối tháng 10 cho đến cuối tháng 2 đầu tháng 3.
Trong trường hợp vi phạm, mức phạt sẽ rất nghiêm khắc. Những ai bị bắt quả tang đang hút thuốc tại một trong những bãi biển có thể sẽ phải chịu phạt 2 500 euro hay một mức án tù giam một năm. Biện pháp này có hiệu lực ở 20 bãi biển đẹp nhất nước. Đó là những bãi biển nằm tại những điểm du lịch tiếng tăm nhất của Thái Lan, như là Pattaya, Phuket, Hua Hin, Krabi Samui và Phang-Nga.
Tuy nhiên có một điểm quan trọng cần nêu rõ, những người hút thuốc sẽ hoàn toàn không bị ngược đãi. Tại mỗi bãi biển, đều có một khoảng chu vi nhất định, được trang bị thùng rác, ở đó những người đi nghỉ cố thể sẽ được phép.
Cũng nên thêm rằng liên quan đến thuốc lá điện tử, vapoter vẫn luôn bị cấm tại nhiều điểm ở Thái Lan. Sau khi lên cầm quyền lãnh đạo vào năm 2014, quân đội đã tiến hành một chiến dịch quét dọn rộng lớn. Một trong những biện pháp đầu tiên của chính quyền quân sự là cấm ghế nằm nghỉ và dù che nắng trên bãi biển. Tiếp đến, còn có một chiến dịch bài trừ những hàng quán vỉa hè, nhất là ở Bangkok.
Đương nhiên trong trường hợp cấm hút thuốc ở các bãi biển, các lý do môi trường và vệ sinh là hoàn toàn chính đáng nhưng với việc cấm để ghế nghỉ và dù che nắng thì không thể hiểu được".
Catalunya đòi độc lập, du lịch lãnh hậu quả
Cuộc đấu tay đôi giữa Catalunya chủ trương độc lập và chính quyền trung ương Madrid sẽ chưa biết lúc nào kết thúc. Nhưng ngành du lịch của vùng tự trị bắt đầu phải hứng chịu những hệ quả đầu tiên.
Toàn cảnh du lịch bắt đầu phủ màu u ám. Hoạt động du lịch trì trệ kể từ cuộc trưng cầu dân ý về độc lập được tổ chức ngày 01/10/2017 : -15% trong vòng hai tuần đầu tháng 10 so với cùng kỳ năm 2016. Vương Cung Thánh Đường Sagrada Familia tại Barcelona và những bãi biển ở Costa Brava, những điểm du lịch thu hút đông khách tham quan nhất bắt đầu thất thu.
Đây cũng chính là kết quả một cuộc điều tra do Exceltur, liên đoàn doanh nhân trong lĩnh vực du lịch tiến hành và công bố vào ngày 17/10. Điều tra dự phóng trong những tháng sắp tới, triển vọng cho lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế Catalunya cũng không mấy gì sáng sủa (du lịch chiếm 12% Tổng sản phẩm nội địa của Catalunya).
Số lượng đặt phòng khách sạn và giao thông sẽ giảm chừng 20% từ đây đến cuối năm, so với cùng kỳ năm 2016, tức mức thất thu ước tính chừng 1,2 tỷ euro. Một số doanh nghiệp đã quyết định tạm ngưng những dự án đầu tư dự kiến trong những tuần sắp tới. Hiện chưa có doanh nghiệp nào trong lĩnh vực du lịch quyết định rời bỏ Catalunya. Nhưng liên đoàn Exceltur dự báo là tình thế có thể thêm nghiêm trọng.
Hoạt động du lịch Catalunya rất có thể sẽ giảm mất 30% nếu như tình hình bất ổn cứ kéo dài. Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng sa thải lao động, vốn dĩ tuyển dụng trực tiếp hay gián tiếp đến hơn 400 000 người ở Catalunya. Những tháng sắp tới sẽ mang tính quyết định do có nhiều hội thảo ngành nghề sẽ được tổ chức cũng như có nhiều ngày nghỉ lễ.
Hiện tại, tác động lên nền kinh tế từ cuộc trưng cầu dân ý còn quan trọng hơn cả từ các vụ tấn công khủng bố ở Barcelona và Cambrills. Sau vụ khủng bố ngày 17/08, doanh số lĩnh vực du lịch giảm 5% trước khi phục hồi nhanh chóng.
Minh Anh