Thu Hằng, RFI, 10/12/2021
Cam Bốt bị Washington chính thức cấm vận vũ khí kể từ ngày 09/12/2021 do có "những hoạt động đi ngược lại với lợi ích quốc phòng và chính sách ngoại giao của Mỹ". Trong một thông báo được ghi trong sổ đăng ký liên bang Federal Register, Hoa Kỳ còn nhắc đến sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cũng như tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền của chính phủ của thủ tướng Hun Sen và quân đội Cam Bốt.
Thủy thủ đứng gác gần các tàu chở xăng dầu tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt, gần Sihanoukville, ngày 26/07/2019. Reuters / Samrang Pring
Cụ thể, theo hãng tin Mỹ AP, khí tài và dịch vụ liên quan đến quốc phòng phải được chính phủ Mỹ thông qua mới được cung cấp cho Phnom Penh. Đây là bước tiếp theo trong loạt trừng phạt của Mỹ đối với quân đội Cam Bốt, sau việc Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở tại căn cứ hải quân Ream ở Sihanoukville, được Mỹ tài trợ một phần, và có vị trí chiến lược nhìn ra vịnh Thái Lan dẫn đến Biển Đông.
Trước khi loạt biện pháp mới này được loan báo, hai quan chức quân đội Cam Bốt đã bị Mỹ trừng phạt vào ngày 10/11 vì tham nhũng. Ông Chau Phirun, tổng cục trưởng Tổng cục Dịch vụ Kỹ thuật và Vật liệu thuộc bộ Quốc Phòng và ông Tea Vinh, tư lệnh Hải Quân Cam Bốt, bị bộ Tài Chính Mỹ cáo buộcâm mưu với nhiều quan chức Cam Bốt khác thổi phòng chi phí của một dự án xây dựng tại căn cứ hải quân Ream và thu lợi bất chính.
Nhân quyền là lý do thứ hai được bộ Tài Chính Mỹ nêu trong loạt trừng phạt có hiệu lực từ ngày 09/12. Chính phủ của thủ tướng Hun Sen bị lên án trấn áp đối lập chính trị, đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông và buộc vài trăm chính trị gia, nhà đấu tranh vì nhân quyền và nhà báo Cam Bốt phải lưu vong.
Mỹ thông báo cấm vận vũ khí đối với Cam Bốt vào lúc nước này chuẩn bị đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2022, trong khi các nước ASEAN đang bàn về cuộc họp thượng đỉnh trực diện, theo đề xuất của tổng thống Joe Biden.
Ngày 09/11, ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, giải thích "tổng thống Biden cam kết nâng mối quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN lên mức chưa từng có". Và để cân bằng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, hai quan chức ngành ngoại giao Mỹ lần lượt công du nhiều nước Đông Nam Á. Ngoại trưởng Antony Blinken đến Malaysia, Indonesia, Thái Lan, từ ngày 9-17/12, ngay sau chuyến công du Cam Bốt và Indonesia của cố vấn bộ ngoại giao Derek Chollet, từ ngày 08/12.
Thu Hằng
**********************
Mỹ kêu gọi Campuchia không nhượng bộ quân đội Myanmar khi làm Chủ tịch ASEAN
VOA, 10/12/2021
Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ hôm 10/12 thúc giục Campuchia không nhượng bộ quân đội Myanmar khi Phnom Penh giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Phát biểu của Tham tán Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Derek Chollet được đưa ra vài ngày sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng các quan chức Myanmar nên được mời quay trở lại các cuộc họp ASEAN, sau khi khối này đã loại trừ lãnh đạo chính quyền quân đội Mynamar trong hội nghị thượng đỉnh năm nay, điều chưa từng xảy ra từ trước tới nay.
Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi Tướng Min Aung Hlaing lật đổ chính phủ dân cử do khôi nguyên Nobel Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào ngày 1/2, khiến các cuộc biểu tình lan rộng và các lực lượng vũ trang phản kháng bị đàn áp bạo lực. Quân đội nói rằng việc tiếp quản của họ phù hợp với hiến pháp và gọi phe đối lập là những kẻ khủng bố.
Tướng Min Aung Hlaing đã không được chủ tịch đương nhiệm Brunei mời tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 của ASEAN vì thiếu hợp tác với kế hoạch hòa bình của khối, bao gồm cả việc không cho phép phái viên tiếp cận với bà Suu Kyi, người đã bị kết án tù hôm thứ Hai.
Trong một chuyến thăm ngắn tới Phnom Penh, Tham tán Chollet không kêu gọi Campuchia tiếp tục loại trừ các quan chức quân đội Myanmar, nhưng ông kêu gọi nước này thúc đẩy và duy trì kế hoạch hòa bình ASEAN.
"Chúng tôi mong đợi bất kỳ cam kết nào thực sự mang lại kết quả, đó không chỉ là sự nhượng bộ đối với chính quyền", ông Chollet nói.
"Hoa Kỳ không chống lại sự can dự, chúng tôi vẫn có đại sứ quán ở Myanmar, nhưng chúng tôi rất rõ ràng rằng sự can dự cần phải có mục đích. Anh không thể đến chơi không, mà chúng tôi muốn thấy những tiến bộ thực sự trên thực tế".
Ngoại trưởng Myanmar do quân đội chỉ định đã đến thăm Campuchia và gặp Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Ba, một ngày sau khi quân đội bị toàn cầu lên án vì đã kết án bà Suu Kyi hai năm tù giam với tội danh kích động và vi phạm các quy định Covid-19.
Ông Hun Sen, người đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhóm nhân quyền và chính phủ phương Tây vì đàn áp dân chủ, cũng cam kết sẽ thăm Myanmar.
Virus corona - Covid-19 : Lấy lòng Trung Quốc, Hun Sen muốn chứng tỏ không sợ dịch bệnh (RFI, 18/02/2020)
Có thể may mắn không bị dính con virus Covid-19 vốn không "phân biệt đối xử" giữa lãnh đạo và thường dân, nhưng liệu bây giờ ông thủ tướng Cam Bốt có bị lây "bệnh sợ hãi" ?
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen chào đón du khách tàu MS Westerdam tại cảng Sihanoukville, ngày 14/02/2020. Reuters/Soe Zeya Tun
Trong bài viết mang tựa đề "Cam Bốt phủ phục trước Trung Quốc" (tạm dịch), Asia Times nhận định nhà lãnh đạo Hun Sen dường như không quan tâm đến việc con virus corona đáng sợ đang nhanh chóng lan tràn, có thể giết người tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhưng rõ ràng mối ưu tư của ông chỉ là làm sao duy trì mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc.
Hôm 13/02/2020, chính phủ của ông Hun Sen cho phép 2.200 hành khách trên tàu Westerdam được cập cảng Sihanoukville, trong khi chiếc tàu du lịch khổng lồ này đã bị năm nước (Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, đảo Guam của Mỹ, Thái Lan) từ chối do sợ bị lây nhiễm virus. Tập đoàn Holland America Line, chủ con tàu đã ngỏ lời cảm ơn chính quyền Cam Bốt.
Nhưng cùng lúc đó, ông Hun Sen từ chối cho di tản những công dân Cam Bốt đang kẹt ở Trung Quốc, nơi nạn dịch virus corona đến nay đã làm gần 1.900 người chết.
Không sơ tán sinh viên ở Vũ Hán để "chia sẻ vui buồn"
Khi được hỏi về khả năng đưa 23 sinh viên Cam Bốt ở ổ dịch Vũ Hán hồi hương, ông trả lời : "Chúng tôi giữ họ ở đó để chia sẻ vui buồn và giúp đỡ người Trung Quốc giải quyết tình hình. Nếu di tản các sinh viên này, có thể sẽ làm chấm dứt cơ hội du học tại đây. Bắc Kinh có thể ngưng cấp học bổng".
Trong một động thái khác nhằm nịnh nọt Trung Quốc, Hun Sen nói rằng mọi người ở Cam Bốt cần phải tháo khẩu trang ra, từ chối đeo. Ông từng giận dữ quát tháo các phóng viên trong một cuộc họp báo tại Phnom Penh những ngày gần đây : "Thủ tướng không đeo khẩu trang, tại sao các vị lại đeo ?"
Hun Sen cũng bác bỏ những lời kêu gọi cấm các chuyến bay từ Trung Quốc, trong khi cho đến nay có ít nhất 3.000 người Trung Quốc bay thẳng từ tâm dịch Vũ Hán đến Cam Bốt. Ông tuyên bố : "Không cần thiết phải ngưng các chuyến bay từ Trung Quốc, vì làm như thế sẽ giết chết nền kinh tế và phá hủy mối quan hệ với Trung Quốc".
Trung Quốc đã trở thành đồng minh thân cận nhất và là nhà đầu tư lớn nhất vào Cam Bốt. Hiện nay có hơn 250.000 công dân Trung Quốc sinh sống ở Cam Bốt, chiếm 60% tổng số ngoại kiểu tại một đất nước có 17 triệu dân, theo số liệu của bộ Nội Vụ Cam Bốt.
Tân Hoa Xã khen ngợi cách xử sự của Hun Sen trước nạn dịch corona đang bùng phát, cho rằng đây là "sự hỗ trợ quan trọng đối với Trung Quốc". Ngược lại, những người chỉ trích tỏ ra phẫn nộ, chế giễu ông trên mạng xã hội, cáo buộc Hun Sen đã bán rẻ lợi ích quốc gia cho Bắc Kinh để kiếm tiền.
Ông Hun Sen viện vào báo cáo chính thức, là tại Cam Bốt chỉ có một người duy nhất bị nhiễm virus corona chủng mới, đó là một người đàn ông Trung Quốc 60 tuổi ở Vũ Hán, hiện sống tại Sihanoukville. Theo Bộ Y tế Cam Bốt, bệnh nhân tên Jia Jianhau đã khỏi bệnh và không còn bị cách ly từ ngày 10/2.
Thành phố cảng xinh đẹp này của Trung Quốc bị khách du lịch phương Tây than phiền là đã bị "Hán hóa", do các nhà đầu tư Trung Quốc làm chủ hầu hết các khách sạn, nhà máy, sở hữu nhiều căn hộ, nhà hàng massage và 80 casino. Đặc khu kinh tế Sihanoukville là khu vực miễn thuế giữa Trung Quốc và Cam Bốt, là một mắt xích trong kế hoạch "Một vành đai, Một con đường" được Bắc Kinh dự trù đầu tư đến 1.000 tỉ đô la.
"Bệnh sợ hãi"
Theo Asia Times, trong những năm gần đây ông Hun Sen ra sức đè bẹp các phương tiện truyền thông độc lập tại Cam Bốt, khiến người ta nghi ngờ thông tin chỉ có mỗi một người bị nhiễm virus từ Vũ Hán. Đất nước này hầu hết là những vùng nông thôn nghèo, nên số ca nhiễm không được báo cáo có thể cao hơn nhiều.
Trước dư luận, Hun Sen hỏi ngược lại : "Đã có người Cam Bốt nào, hay người ngoại quốc nào sống tại đây bị chết vì dịch bệnh chưa ? Căn bệnh thực sự xảy ra tại Cam Bốt bây giờ là bệnh sợ hãi, chứ không phải bệnh do virus corona ở thành phố Vũ Hán".
Quan điểm của thủ tướng Cam Bốt được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoan nghênh, và ông Tập đã tiếp đón ông Hun Sen tại Đại sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh hôm 5/2. Hun Sen nói với Tập Cận Bình rằng ông đến Trung Quốc "để bày tỏ sự ủng hộ của Cam Bốt trong cuộc chiến chống dịch bệnh", và thăm các sinh viên Cam Bốt đang bị cách ly tại Vũ Hán cùng với cư dân của thành phố.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh từ chối yêu cầu của ông Hun Sen. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói : "Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng thủ tướng Hun Sen quan tâm sâu sắc tới sinh viên Cam Bốt tại Trung Quốc. Tuy nhiên do Vũ Hán đang làm tất cả những gì có thể làm được để chống dịch bệnh bùng phát, và lịch làm việc đang rất kín, một chuyến thăm Vũ Hán lúc này không thể sắp xếp được một cách hợp lý".
Hun Sen, nhà lãnh đạo thường tuyên bố hùng hồn và từng kinh qua chiến đấu, rõ ràng không muốn công khai thể hiện nỗi sợ hãi đối với một con virus siêu nhỏ.
Hôm 11/2, để đáp trả quyết định của Liên Hiệp Châu Âu hủy bỏ một số ưu đãi dành cho hàng xuất khẩu của Cam Bốt, ông tuyên bố : "Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc chiến và bi kịch, nhưng vẫn không chết". Ông kêu gọi các công nhân dệt may, lãnh vực chủ chốt từng được dành nhiều ưu tiên khi nhập vào thị trường Châu Âu, không nên sợ hãi.
Ngành dệt may đang thu dụng đến trên 700.000 công nhân, và Cam Bốt là nhà cung cấp hàng dệt may đứng thứ sáu tại Châu Âu. Asia Times cho rằng từ nay Cam Bốt lại càng lệ thuộc hơn vào viện trợ và đầu tư của Bắc Kinh.
Trong số các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào Cam Bốt, có bảy đập thủy điện, dự kiến cung cấp phân nửa nhu cầu điện của quốc gia. Trung Quốc cũng đã xây dựng gần 2.900 kilomet cầu đường trong hai thập niên qua. Trong cuộc họp báo về virus corona hôm 30/1, Hun Sen khẳng định : "Chúng tôi chỉ cần phải hợp tác với đại sứ quán Trung Quốc tại Cam Bốt, và đối xử tốt với các nhà đầu tư, công dân, khách du lịch Trung Quốc là được".
Câu chuyện được khoác tấm áo nhân văn bỗng trở thành ác mộng
Quay lại với chiếc tàu Westerdam ở trên, câu chuyện tưởng chừng tốt đẹp này lại bất ngờ có một kết thúc không… có hậu. Một hành khách nữ 83 tuổi người Mỹ trên tàu, sau khi rời Phnom Penh và quá cảnh tại Kualar Lumpur để trở về Hoa Kỳ, bị phát hiện sốt và xét nghiệm thì dương tính. Hai vợ chồng bà đang bị cách ly ở Malaysia.
Hóa ra trước đó chỉ có 20 hành khách của Westerdam đến phòng y tế trên tàu để xét nghiệm, tất cả đều âm tính – theo AP. Số còn lại chỉ điền vào một bảng câu hỏi về tình trạng sức khỏe và được kiểm tra thân nhiệt. AFP cho biết trên 1.200 hành khách sau đó đã xuống tàu. Một số còn được đến các bãi biển của Sihanoukville hay thăm Phnom Penh bằng xe buýt, những tấm hình trên báo chí cho thấy du khách tươi cười, không ai mang khẩu trang.
Bà khách Mỹ bị lây nhiễm từ lúc nào, và đã tiếp xúc với những ai ? Đây là nỗi lo lớn khi nhiều hành khách trên tàu đã tứ tán khắp nơi. Làm thế nào tìm được dấu vết của họ và những người đã trực tiếp gặp họ ? Trước mắt công ty Holland America cho biết đang hợp tác với nhiều chính phủ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các trung tâm xét nghiệm ở Hoa Kỳ để truy tìm những người tiếp xúc với bà cụ bị nhiễm virus. Cuộc truy lùng số hành khách còn lại chắc chắn mất rất nhiều công sức.
Thái Lan, nước từ chối cho tàu Westerdam vào bến, muốn cấm nhập cảnh tất cả những người từng có mặt trên chuyến tàu này, nhưng một số đã quá cảnh Bangkok. Việt Nam may mắn hơn, nhờ một nhân viên tiếp tân khách sạn cảnh báo, 8 hành khách tàu Westerdam đặt phòng tại Hà Nội rốt cuộc đã hủy. Singapore thì buộc cách ly hai công dân trên tàu, tuyên bố không cho hành khách nào quá cảnh. Hiện trên tàu Westerdam còn 233 hành khách và 747 nhân viên.
Bản thân thủ tướng Hun Sen cũng không mang khẩu trang khi đến cầu tàu thân mật bắt tay các du khách, và còn ôm hoa tặng họ. Thế nên có tin đồn ông Hun Sen đã bị nhiễm virus corona, Bộ Y tế Cam Bốt hôm 17/2 phải bác bỏ tin này.
Có thể may mắn không bị dính con virus Covid-19 vốn không "phân biệt đối xử" giữa lãnh đạo và thường dân, nhưng liệu bây giờ ông thủ tướng Cam Bốt có bị lây "bệnh sợ hãi" ?
Thụy My
********************
Virus corona - Covid-19 : Cam Bốt lo ngại dịch sau khi đón tàu MS Westerdam (RFI, 18/02/2020)
Tổng cộng có 1.222 hành khách trên tầu MS Westerdam được phép lên bờ khi du thuyền này cập cảng Sihanoukville ngày 13/02/2020. Đích thân thủ tướng Hun Sen ra ôm hôn, chào đón một số hành khách. Việc một hành khách của tầu này được xác nhận nhiễm Covid-19 khiến Cam Bốt ráo riết tìm kiếm vết tích của số hành khách đã lên bờ.
Điểm kiểm tra trên tàu du lịch MS Westerdam đang đậu tại cảng Sihanoukville, Cam Bốt ngày 17/02/2020. Reuters/Clare Baldwin
Chính quyền Phnom Penh nhận ra mối nguy hiểm về "quả bom nổ chậm" hơi trễ. Mọi hành khách trên tầu MS Westerdam đều có nguy cơ nhiễm Covid-19 từ hành khách người Mỹ. Khi tầu cập cảng, chỉ có 20 trường hợp có một số triệu chứng tiêu chảy, cúm, được xét nghiệm nhưng đều cho kết quả âm tính với Covid-19. Trong ngày 14/02, chính quyền Phnom Penh điều nhiều xe ca chở họ đi tham quan thủ đô, hoặc đến một số bãi biển quanh Sihanoukville.
Ngày 16/02, một đợt hành khách khác của tầu MS Westerdam được phép lên bờ, trong đó có một cặp vợ chồng người Pháp. Họ đã đến sứ quán Pháp ở Phnom Penh và trở về Pháp cùng ngày. Trả lời trang Le Figaro ngày 17/02, họ cho biết ngay khi về đến nhà ở Bretagne (đông bắc Pháp), đã được Bộ Y tế liên lạc để cho biết tình hình, đồng thời đề nghị họ "theo dõi thân nhiệt và bất kỳ triệu chứng cảm cúm nào", cũng như tránh gặp người khác cho đến cuối tháng Hai.
Hiện vẫn còn khoảng 233 du khách vẫn còn ở trên tầu cùng với hơn 747 nhân viên. Phát ngôn viên tỉnh Preah Sihanouk cho biết tất cả sẽ được xét nghiệm Covid-19. Thủ tướng Hun Sen hiện phải phối hợp với nhiều chính phủ nước ngoài, cũng như với Tổ chức Y tế Thế giới để tìm ra vết tích của những hành khách đã lên bờ, cũng như lộ trình và những người mà họ đã tiếp xúc để tránh nguy cơ lây lan.
Thu Hằng
Đầu tư Trung Quốc vào Bắc Mỹ và Âu Châu giảm 73% trong năm 2018 (Người Việt, 14/01/2019)
Mức đầu tư trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào Bắc Mỹ và Âu Châu giảm khoảng 73% trong năm 2018, xuống tới mức thấp nhất từ sáu năm nay, trong lúc Mỹ gia tăng việc xem xét các thỏa thuận đầu tư, cũng như biện pháp giới hạn đầu tư ra nước ngoài từ phía chính quyền Trung Quốc, theo bản báo cáo của tổ hợp luật sư Baker & McKenzie hôm Chủ Nhật, ngày 13 Tháng Giêng.
Họp báo của giới chức công ty Trung Quốc ChemChina về việc mua lại công ty Syngenta của Thụy Sĩ. (Hình : Sebastien Bozon/AFP/Getty Images)
Bản tin của hãng thông tấn Reuters nói rằng các con số này cho thấy ảnh hưởng của cuộc đối đầu cả về chính trị lẫn mậu dịch giữa Washington và Bắc Kinh. Và nếu tính luôn cả việc các công ty Trung Quốc bán đi các cổ phần đầu tư để rút ra thì nguồn tiền đầu tư FDI vào Mỹ đã ở mức âm.
Trong khi mức đầu tư vào Mỹ giảm 83%, số tiền các công ty Trung Quốc đầu tư vào Canada lại tăng 80% trong cùng thời gian. Tại Âu Châu, dù rằng nói chung có sự giảm sút, nguồn đầu tư FDI của Trung Quốc vào các quốc gia như Đức, Pháp và Tây Ban Nha lại tăng.
Trị giá các thỏa thuận đầu tư FDI của Trung Quốc vào Bắc Mỹ và Âu Châu giảm xuống còn 30 tỉ USD trong năm 2018, so với con số 111 tỉ USD của năm trước đó, theo bản báo cáo của Baker & McKenzie, cùng thực hiện với công ty nghiên cứu Rhodium Group.
Các kiểm soát gắt gao hơn về đầu tư cũng khiến phía Trung Quốc hủy 14 thỏa thuận tại Bắc Mỹ, có trị giá chung vào khoảng 4 tỉ USD, cùng với 7 thỏa thuận ở Âu Châu, trị giá 1,5 tỉ USD. (V.Giang)
******************
Hun Sen dọa sẽ tiêu diệt phe đối lập nếu EU rút ưu đãi thuế quan (VOA, 14/01/2019)
Hôm 14/1, Thủ tướng Campuchia Hun Sen dọa sẽ trả đũa phe đối lập nếu Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngừng quy chế ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa Campuchia vì quan ngại về những hành động vi phạm nhân quyền của Phnom Penh.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Khmer Đỏ hôm 7/1/2019.
Vào tháng 11/2018, EU bắt đầu tiến hành thủ tục chính thức để tước bỏ một quy chế ưu đãi gọi là "Mọi thứ trừ Vũ khí - EBA) đối với Campuchia, sau khi ông Hun Sen tái đắc cử trong các cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2018, khi đảng của ông giành được tất cả các ghế trong quốc hội sau một chiến dịch đàn áp phe đối lập.
Phát biểu tại lễ khánh thành một tuyến đường vành đai thủ đô Phnom Penh hôm 14/1, Thủ tướng Hun Sen nói :
"Nếu các ông muốn phe đối lập chết, thì cứ việc cắt nó đi", ông Hun Sen nói khi đề cập tới quy chế EBA của EU.
"Còn nếu các ông muốn phe đối lập tồn tại thì đừng cắt và hãy cùng đàm phán", ông Hun Sen nói thêm.
EBA là một sáng kiến nhằm giúp đỡ các nước nghèo hơn, nhưng sáng kiến này có thể bị rút lại trong trường hợp nước liên hệ có hành động vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế về nhân quyền.
EU đe dọa sẽ rút các ưu đãi thương mại đối với Campuchia vì một chiến dịch đàn áp nhắm vào phe đối lập trước cuộc bầu cử tháng 7/2018.
EU lên án kết quả cuộc bầu cử này là không đáng tin cậy.
Cam Bốt nới lỏng gọng kềm với phe đối lập (RFI, 04/12/2018)
Chính quyền Cam Bốt ngày 03/12/2018 tuyên bố các nhà đối lập đang lưu vong nước ngoài từ khi đảng của họ bị cấm, có thể hoạt động trở lại.
Lãnh đạo đối lập Cam Bốt, Kem Sokha. Ảnh ngày 05/09/2017. Reuters/Samrang Pring
Văn phòng các đài phát thanh Mỹ như Châu Á Tự Do RFA và Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA được mở cửa lại, tờ báo độc lập Cambodia Daily được phép tái bản.
Theo hãng tin Pháp AFP, lý do đã đến các quyết định trên là việc chính quyền Hun Sen lo ngại bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt và xét lại thỏa thuận thương mại với Cam Bốt.
Từ khi đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt – CNRP bị giải thể cách đây một năm, cả trăm thành viên của đảng này bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm, và một số đông đã đi lưu vong, trong lúc chủ tịch đảng Kem Sokha bị bắt giam với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền". Truyền thông nước ngoài và báo chí độc lập đã bị đóng cửa.
Tình hình này khiến Châu Âu cũng như Hoa Kỳ lên tiếng đe dọa trừng phạt Cam Bốt. Sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 7 năm ngoái, với việc chỉ có Đảng Dân Tộc của thủ tướng Hun Sen chiến thắng, Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 10, đã dọa xem xét lại thỏa thuận thương mại đã dành nhiều ưu đãi cho Phnom Penh.
Theo AFP, sau cuộc bầu cử mà ông toàn thắng, thủ tướng Hun Sen đã trả tự do cho một số nhà hoạt động, nhà báo từng chỉ trích chính phủ, nhưng những cử chỉ đó không thuyết phục được Châu Âu.
Cho dù vẫn tuyên bố là sức ép nước ngoài không có ảnh hưởng gì, nhưng thủ tướng Hun Sen cảm thấy vẫn nên hòa dịu với Châu Âu để tránh thiệt thòi, mất đi cả tỷ đô la trong ngành may mặc Cam Bốt.
Bộ Ngoại Giao Cam Bốt vào hôm qua, thông báo : "Để cổ vũ hơn nữa nền dân chủ và Nhà Nước Pháp Quyền, Quốc Hội đang xem xét việc sửa đổi luật để cho phép những người bị cấm hoạt động chính trị có thể tiếp tục trở lại".
Tuy nhiên thông báo trên không nói rõ là việc truy tố một số người như với ông Kem Sokha có được bãi bỏ hay không. Phe đối lập tỏ ra rất thận trong trước thông báo trên.
Mai Vân
********************
Bị EU dọa cấm vận, Campuchia tái xét lệnh cấm đối lập hoạt động (VOA, 04/12/2018)
Quốc hội Campuchia đang xét lại lệnh cấm hoạt động năm năm áp dụng cho hơn 100 thành viên đảng đối lập chính trong nước. Nếu được thực hiện, điều này có thể cho phép các chính khách đối lập trở lại chính trường, sau khi Liên minh Châu Âu đe dọa sẽ không cho Campuchia giao dịch miễn thuế.
Tư liệu : Ông Kem Sokha, lãnh tụ đảng Cứu quốc Campuchia, 28/5/2017. Reuters/Samrang Pring
Tháng trước, EU phát động một thủ tục chính thức để tước quyền của Campuchia được tham gia sáng kiến "Mọi thứ trừ vũ khí" (EBA), sau khi Thủ tướng Hun Sen trở lại nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7, trong đó đảng của ông giành được tất cả các ghế trong quốc hội.
"Mọi thứ trừ vũ khí" (EBA) là một sáng kiến của Liên minh Châu Âu, theo đó tất cả hàng nhập khẩu vào EU từ các nước kém phát triển nhất, ngoại trừ vũ khí, sẽ được miễn thuế và không có hạn ngạch. EBA có hiệu lực từ ngày 5 tháng 3 năm 2001.
Bộ ngoại giao Campuchia hôm thứ Hai nói : "Để thúc đẩy dân chủ và quyền pháp trị, Quốc hội đang xem xét các quy định pháp lý để cho phép những cá nhân bị cấm được tiếp tục các hoạt động chính trị".
Đó là lệnh cấm hoạt động chính trị do Tòa án tối cao Campuchia ban hành, áp dụng đối với 118 thành viên của đảng đối lập CNRP. Đảng này đã bị giải tán hồi năm ngoái theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen sau khi đảng này bị cáo buộc là âm mưu lên chiếm quyền với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Lãnh đạo của đảng CNRP, Kem Sokha, được thả khỏi nhà tù hồi tháng 9 sau hơn một năm tù giam về tội phản quốc, nhưng ông vẫn bị quản thúc tại gia.
Phó chủ tịch đảng, bà Mu Sochua, đòi trả tự do cho ông Sokha, hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông và đảng CNRP được phục hồi hoạt động.
Trong thời gian qua, truyền thông độc lập của Campuchia cũng đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ ông Hun Sen và các đồng minh của ông trước cuộc bầu cử tháng Bảy.
Báo Campuchia Thời báo bằng tiếng Anh đã đóng cửa hồi năm ngoái sau khi chính phủ Hun Sen đói họ trả hàng triệu đô la tiền thuế, bằng không sẽ bị đóng cửa. Khoảng 30 đài phát thanh cũng đã đóng cửa trong năm ngoái.
Đài phát thanh Á Châu Tự do (RFA) có trụ sở tại Washington đóng cửa văn phòng tại Phnom Penh hồi tháng 9, phàn nàn về một "chiến dịch đàn áp không ngừng chống lại những tiếng nói độc lập".
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Campuchia nói chính phủ "luôn luôn trân trọng và cổ vũ cho tự do báo chí và tự do ngôn luận".
Bộ nói thêm rằng RFA và VOA được tự do mở cửa văn phòng trở lại ở Campuchia.
EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, đã tiến hành quy trình thẩm định theo định kỵ sáu tháng về quyền miễn thuế của Campuchia, có nghĩa là hàng may mặc, đường và các mặt hàng xuất khẩu khác của Campuchia có thể bị EU áp thuế quan nội trong vòng 12 tháng tới.
Phát ngôn viên của đài RFA Rohit Mahajan nói một số vấn đề cần được giải quyết trước, chẳng hạn như hủy mọi cáo buộc đối với hai cựu phóng viên RFA, trước khi đài Á Châu Tự do xét tới việc nối lại hoạt động tại Campuchia.
Ngày 28 tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Lần nói chuyện trước của Hun Sen tại đây là vào năm 2005, 15 tháng 9, cách đây 13 năm. Lần này, cũng như lần trước, Hun Sen dùng cơ hội này để ngợi ca những thành quả mà Campuchia đã đạt được (dưới sự lãnh đạo của mình), đưa đất nước này từ một quá khứ tăm tối, từ những cánh đồng tàn sát (killing fields), sang một Campuchia có tỷ lệ phát triển kinh tế 7 phần trăm hơn một thập niên qua, một Campuchia đã thật sự giành được nền hòa bình, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền tại đây được tôn trọng. Bàn về dân chủ, Hun Sen tuyên bố Campuchia là nền dân chủ cấp tiến đa đảng, với các cuộc bầu cử được tổ chức thường xuyên, công bằng và tự do, để người dân có thể bầu chọn lãnh đạo quốc gia của họ.
Hun Sen đọc diễn văn tại buổi họp khoáng đại Liên Hiệp Quốc, New York, 28 tháng Chín, 2018. (AP Photo/Richard Drew)
Hun Sen đã làm Thủ tướng Campuchia kể từ năm 1985, được xem là một trong những thủ tướng và lãnh đạo quốc gia lâu đời nhất trên thế giới. Tháng 7 năm nay, Hun Sen và đảng của ông, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã thắng tất cả 125 ghế quốc hội khi bên đối lập, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), đã bị giải tán và nhiều thủ lãnh của đảng này đã lần lược bị bắt bớ và tù đầy. Do đó Hun Sen sẽ tiếp tục nắm toàn bộ quyền lực trong tay, ít nhất là 5 năm tới, nếu không phải là 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
Vậy thì Hun Sen muốn gì khi phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc và ông muốn gửi thông điệp gì tại đây ?
Trước tiên là để phản hồi lại các phản ảnh tiêu cực của các chính phủ Tây phương, kể cả Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu, và Canada, trong thời gian qua về chính quyền ông đang lãnh đạo. Thứ nhất, cuộc bầu cử cuối tháng 7 vừa qua bị nghi ngờ là bất chính, rằng chính quyền Hun Sen đã thổi phồng số cử tri đi bầu và đã dọa nạt cử tri. Thứ hai, bản báo cáo đặc biệt của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet tại cuộc họp Hội đồng Nhân quyền thứ 39 đã đặt nhiều vấn đề đối với chính quyền Hun Sen. Vào ngày 10 tháng 9, trong bản tường trình này, bà Bachelet đã nêu lên các quan ngại về sự xuống cấp nghiêm trọng của các quyền dân sự và chính trị tại Campuchia, từ sự đàn áp đối với các tiếng nói và các cơ quan truyền thông đối lập cho đến việc giải thể đảng đối lập CNRP, mà bà cho là đã tước đoạt quyền lựa chọn của người dân. Bà cảnh báo rằng sự phát triển bền vững đòi hỏi chính quyền bảo vệ và phát triển không gian của xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, đối lập truyền thông và chính trị, trong một môi trường đối thoại nhau, cho phép mọi người Campuchia có tiếng nói, kể cả những người có thể phê phán các quyết định của chính quyền. Thứ ba, vào đầu tuần mà Hun Sen phát biểu, Báo Cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc tại Campuchia Rhona Smith cho rằng cuộc bầu cử vừa qua đã "chôn vùi nền dân chủ cấp tiến đa đảng vào lịch sử trong vòng năm năm tới".
Tóm lại, mang tiếng dân chủ cấp tiến đa đảng nhưng Hun Sen lại đi triệt tiêu đảng đối lập để chỉ có đảng của mình cai trị thì tính chính đáng của nền dân chủ sẽ bị lung lây. Khi uy tín và thể diện quốc gia đang bị thách thức trước dư luận quốc tế, Hun Sen nhận thấy khai mạc của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc là cơ hội toàn hảo để biện minh cho các hành động của mình.
Trong phần phát biểu, Hun Sen cảnh báo sự can thiệp của bên ngoài vào nội tình chính trị của Campuchia. Ngoài ra Hun Sen đã lợi dụng cơ hội này để lên lớp dạy đời Hoa Kỳ và lấy lòng Trung Quốc. Tuy không nêu thẳng tên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Hun Sen đề cao nhu cầu duy trì và củng cố chính sách đa phương, và phê phán chính sách bảo hộ mậu dịch, đơn phương và chiến tranh thương mại có hại cho toàn cầu. Hun Sen cũng muốn làm vừa lòng Trung Quốc khi lên án Hoa Kỳ vì quan hệ với Trung Quốc hiện đang là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn của Hun Sen và đảng CPP.
Những lời phát biểu của Hun Sen tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc có lẽ chẳng ảnh hưởng gì lên chính trường quốc tế. Nhưng dù sao sự xuất hiện này cũng là tính toán chiến lược của Hun Sen.
Theo tường trình của Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), chính quyền Hun Sen (ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp đều nằm gọn trong tay của đảng CPP), trong ba năm qua đã gia tăng đàn áp giới hoạt động bảo vệ nhân quyền, giới truyền thông độc lập, các tổ chức xã hội dân sự cũng như các lãnh đạo của đảng đối lập CNRP. Đảng đối lập CNRP đã gia tăng ảnh hưởng đáng kể vào cuộc bầu cử toàn quốc năm 2013 cũng như bầu cử thôn xã/địa phương năm 2017, làm cho Hun Sen lo sợ đến kết quả bầu cử toàn quốc được ấn định ngày 29 tháng 7 năm 2018. Do đó Hun Sen và Đảng CPP đã tìm cách tu chính luật về Đảng Chính trị vào tháng Hai và tháng 7 năm 2017, cho phép Bộ Nội vụ và tòa án quyền lực mới đối với các đảng chính trị và ngăn chặn các cá nhân đã có tiền án tiền sự tham gia giữ các vai trò lãnh đạo chính trị. Ngày 16 tháng 11 năm 2017, Tòa án Tối cao do một thẩm phán, cũng là ủy viên trung ưng đảng của CPP, đã quyết định giải tán đảng CNRP và cấm 118 đảng viên và dân biểu quốc hội thuộc đảng CNRP hoạt động trong vòng 5 năm tới.
Trong 33 năm cầm quyền dưới những chức vụ hàng đầu của quốc gia, Hun Sen lên nắm được quyền lực này và tiếp tục duy trì cho đến ngày hôm nay phần nào nhờ công ơn của hai quan thầy mình. Một là Đảng Cộng Sản Việt Nam và hai là Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tính ra thì Hun Sen có bản lãnh hơn cả hai quan thầy. Trong khi ĐCSVN và ĐCSTQ đều không dám, trong suy nghĩ khoan nói hành động, cho phép bất cứ hình thức đối lập nào, thì Hun Sen dám chấp nhận một thể chế tương đối có dân chủ trong một thời gian, trong đó có các đảng đối lập thực sự, có nền tự do báo chí phần nào, và các các tổ chức xã hội dân sự năng động. Nhưng kẻ độc tài chuyên quyền nào cũng lo sợ. Sợ mất quyền lực, mất quyền lợi, mất ảnh hưởng, và nhất là khi quyền lực vào tay người khác, những hành động bất chính của mình trước đây, sợ sẽ bị phơi bày. Do đó sợ mất hết, không còn gì, có khi còn phải đi tù nữa. Những nỗi lo sợ này là cái vòng luẩn quẩn của cường quyền. Do đó Hun Sen đã tiếp tục sử dụng nhiều thủ đoạn và chiến thuật khác nhau để kìm chế đối lập và duy trì quyền lực.
Tính ra Hun Sen không phải là một tay vừa : có bản lãnh, biết đu dây giỏi, dám chơi khăm quan thầy, nhưng cũng biết sợ. Nhưng trong lịch sử xưa nay thì đâu có ai có thể sống mãi để bảo vệ cơ ngơi của mình.
Úc Châu, 10/10/2018
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 11/10/2018
Sihanoukville, thuộc địa Trung Quốc ? (RFI, 05/07/2018)
Vài chữ Hán và những số điện thoại hiện lên trên các tòa nhà và khu đất trống ở Sihanoukville, với các lời rao mua bán. Thành phố cảng Cam Bốt bên bờ vịnh Thái Lan, theo nhận xét của Le Monde Diplomatique, từ vài tháng qua đã trở thành vùng đất hứa cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Lối vào một sân bay do tập đoàn Trung Quốc Union Development Group xây dựng ở Koh Kong, Cam Bốt, từ đây có thể đi thẳng đến các bãi biển Sihanoukville. Reuters/Samrang Pring
Trên quảng trường Độc Lập, hai tòa nhà đang xây dựng của phức hợp Blue Bay cao đến 38 tầng, đè bẹp tất cả quang cảnh xung quanh. Tại phòng giao dịch, các brochure (tài liệu quảng cáo) để sẵn được in bằng Hoa ngữ và tiếng Anh. Cô nữ nhân viên, trước ma-két dự án, giới thiệu : "Chúng tôi đã bán hết toàn bộ các căn hộ trong tòa tháp thứ nhất, và 65% của tòa tháp thứ hai. Khách hàng chúng tôi là người Trung Quốc, Cam Bốt và Singapore".
Trên bãi biển, sẽ có một hồ bơi và các bungalow dạng nhà sàn. Trên đất liền, một casino và một trung tâm thương mại. Có đến 1.450 căn hộ sẽ được giao vào năm 2019 với giá từ 2.500 đến 3.500 đô la một mét vuông, với những cơ sở dịch vụ sang trọng chưa từng thấy tại thành phố này.
Ông Paul H., một nhân viên môi giới địa ốc cho biết : "Người Trung Quốc rất mê những địa điểm như thế này. Các khách hàng của tôi săn lùng những khu đất, chủ yếu là phải nhìn ra biển. Các chủ đất Cam Bốt sẵn sàng trục xuất những người đang ở thuê hiện nay để thu được khoản tiền thuê lớn hơn".
Từ khi ông Tập Cận Bình đến thăm Cam Bốt hồi tháng 10/2016, số lượng du khách từ Hoa lục không ngừng tăng lên trên toàn quốc, đến cuối năm 2017 là khoảng 1,2 triệu khách (tăng 46%). Mỗi tuần có một chuyến bay nối liền Sihanoukville với Macao và bảy thành phố khác của Trung Quốc, ngoài ra chính quyền Phnom Penh sắp sửa cấp thêm khoảng 30 giấy phép bay khác.
Các nhà đầu tư làm cho người ta phấn khởi hay lo ngại ? Đó là tùy theo người đối thoại với bạn là ai. Kheng, một người lái xe tuk-tuk mỉa mai : "Các sở hữu chủ rất vui vì họ bán hoặc cho thuê với giá do họ đưa ra". Ngược lại, đại đa số người dân Cam Bốt không thể đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội như vậy.
Bãi biển bình dân Ochheuteal được những người có túi tiền eo hẹp ưa thích, là một ví dụ điển hình. Những tiệm ăn mà người ta có thể ngồi trên mái tôn hay ngay trên bãi cát để vừa ăn uống vừa ngắm biển, đã biến mất không còn dấu vết. Thay vào đó, một khách sạn năm sao và một casino sẽ xuất hiện. Đó là công trình của một công ty liên doanh giữa Royal Group - một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Cam Bốt, do một người thân của thủ tướng Hun Sen làm chủ - và một đối tác Trung Quốc.
Cơn sốt đầu tư này khiến dân thành phố bức xúc. Một công ty du lịch địa phương cho biết : "Người Trung Quốc có mạng lưới riêng của họ. Những du khách vừa đến nơi là được đưa thẳng đến các khách sạn kiêm sòng bạc, và lưu trú ở đó". Pheap, một công nhân xây dựng trẻ nhận xét : "Chúng tôi chẳng được lợi lộc gì từ lượng du khách người Hoa đông đảo, ngoài việc vật giá tăng lên".
Trên 10.000 người lao động Trung Quốc – gồm các nhân viên casino, và đa số là công nhân xây dựng – sẽ đến làm việc tại đây. Khó thể biết được số lượng chính xác. Hồi tháng Giêng vừa qua, trong một báo cáo cho Bộ Nội vụ, được tờ Phnom Penh Post tiết lộ, chính thống đốc Sihanoukville đã cảnh báo chính phủ về một số biến tướng. Có thể kể : sự gia tăng các hoạt động tội phạm của bọn mafia, tác động tiêu cực của việc giá nhà tăng phi mã đối với vật giá địa phương, không có lợi ích nào từ các hoạt động kinh tế do người Trung Quốc kiểm soát và chỉ nhằm phục vụ người Trung Quốc.
Với viện trợ tiền mặt chiếm 1/3 trong tổng số 732 triệu đô la mà Phnom Penh nhận được năm 2016, người láng giềng khổng lồ phương Bắc đã trở thành đối tác kinh tế chủ chốt, qua mặt Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. Trao đổi thương mại song phương năm ngoái đạt 5 tỉ đô la, và sẽ tăng lên 6 tỉ đô la từ nay đến năm 2020, theo cam kết của hai chính phủ.
Các cơ sở hạ tầng được Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ dự án "Con đường tơ lụa mới" mọc lên khắp nơi. Trên 2.700 kilomet đường bộ đã được cải tạo – theo Bộ Công chánh ; một xa lộ nối liền Phnom Penh với Sihanoukville, một cảng nước sâu tại Kampot và một sân bay rộng mênh mông ở phía nam thủ đô đã được chính thức lên kế hoạch. Chưa kể các đập thủy điện đang được xây dựng, hay các dự án dọc theo dòng sông Mêkông. Chính quyền Cam Bốt còn nhờ Bộ Công An Trung Quốc hỗ trợ để đấu tranh chống "khủng bố" và tội phạm mạng.
Chỉ trong vài năm, Cam Bốt đã trở thành con tốt đắc lực nhất của Bắc Kinh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cho đến nỗi năm 2012 và sau đó là năm 2016, Cam Bốt đã chận lại bản dự thảo tuyên bố chung của ASEAN phản đối thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, và việc quân sự hóa các đảo nhỏ mà Trung Quốc tranh giành với Việt Nam, Philippines.
Ảnh hưởng của Trung Quốc từ giữa thập niên 90 bắt đầu mạnh mẽ hơn, ngày càng tăng thêm với việc phương Tây chỉ trích Cam Bốt không tôn trọng nhân quyền. tháng Ba năm nay, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tái khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Cam Bốt "để bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích", cũng như việc tổ chức bầu cử vào tháng Bảy.
Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt thương mại nếu phe đối lập không được tham gia tranh cử. Từ đầu tháng Năm, Ủy ban Châu Âu loan báo có thể sẽ tổ chức điều trần về sáng kiến Tout Sauf les Armes (Tất cả đều có thể, trừ vũ khí - TSA), theo đó Liên Hiệp Châu Âu miễn thuế hải quan cho đại đa số mặt hàng của 48 quốc gia kém phát triển nhất – điều hết sức quan trọng đối với hàng dệt may của Cam Bốt. Hiện giờ thì chưa có biện pháp nào được dự kiến.
Dù sao đi nữa, thủ tướng Cam Bốt cũng chẳng quan tâm đến một phương Tây hay "giảng moral", nhắc nhở rằng trong thập niên 80, phương Tây vẫn làm ngơ cho phe Khmer Đỏ chễm chệ tại Liên Hiệp Quốc. Và hồi tháng Hai, ông Hun Sen còn nhấn mạnh : "Các đại diện Trung Quốc tôn trọng tôi, đối xử với tôi như ngang hàng".
Còn về việc Bắc Kinh ủng hộ phe Khmer Đỏ (từ 1975 đến 1979) hay xâm lược Việt Nam năm 1979, đối với Hun Sen chỉ là những chi tiết của một lịch sử mà ông ta không muốn quay lui lại. Ngày nay, hai đối tác Trung Quốc – Cam Bốt đều vui vẻ trước mối quan hệ "đôi bên cùng có lợi". Và như ông Sok Eysan, phát ngôn viên đảng Nhân Dân Cam Bốt cầm quyền đã tuyên bố, Trung Quốc hoạt động rất tốt với chế độ độc đảng. Thế thì tại sao Cam Bốt lại không thể như vậy ?
Thụy My
****************
Cam Bốt : Giấc mộng vương triều của thủ tướng Hun Sen (RFI, 05/07/2018)
Cấm đoán đối lập, kiểm duyệt thông tin, kết chặt quan hệ với Bắc Kinh, ưu đãi đầu tư Trung Quốc, bổ nhiệm con cái vào các chức vụ then chốt. Trong bối cảnh sắp bầu cử Quốc hội và sau 33 năm cầm quyền tại Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen không giấu giấc mơ xây dựng đế chế cha truyền con nối.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen thăm công nhân dệt may tại tỉnh Kandal, ngày 04/07/2018. Reuters/Samrang Pring
Phóng sự của nhà báo Christine Chaumeau, trên Le Monde Diplomatique, số tháng 7/2018.
Chủ nhật 01/06/2018, tại Phnom Penh, hàng ngàn người tham gia một lễ hội văn hóa cùng ôm trong tay một tấm lụa krama truyền thống nhưng có chiều dài kỷ lục 1149,8 mét. Kỷ lục này sẽ được ghi vào quyển Guiness, làm dân Cam Bốt hãnh diện. Có điều công trình nghệ thuật này, huy động 23.000 nhân công nỗ lực trong sáu tháng, xuất phát từ sáng kiến của phong trào thanh niên đảng Nhân Dân, một tổ chức ngoại vi của đảng cầm quyền. Trong bối cảnh sắp bầu cử, màn biểu diễn trên đây chắc hẵn không phải tình cờ.
Thêm vào đó, người lãnh đạo tổ chức ngoại vi này là Hun Many, dân biểu Quốc hội, con trai út của thủ tướng Hun Sen. Người con trai thứ hai là Hun Manit làm chỉ huy trưởng an ninh quân đội. Con trai trưởng, Hun Manet, tướng ba sao sắp được thăng bốn sao, vừa được bổ nhiệm làm quyền Tham mưu trưởng liên quân, kiêm nhiệm một loạt chức vụ khác như là tư lệnh Tổng Hành Dinh quân đội, chỉ huy trưởng lực lượng chống khủng bố, tự lệnh phó lực lượng cận vệ của thủ tướng…bố.
Các biện pháp gia đình trị trên đây vừa được các hãng thông tấn quốc tế loan tải chỉ là bề nổi của tảng băng sơn. Trong bối cảnh tổng tuyển cử vào ngày 29 tháng 7, thủ tướng Cam Bốt quét sạch các chướng ngại, dọn đường thực hiện giấc mơ lập chế độ cha truyền con nối, bất chấp khát vọng tự do của thế hệ trẻ và ước mơ bình thường của người dân muốn có mái nhà và cuộc sống lương thiện. Đó là nội dung bài phóng sự của nhà báo Christine Chaumeau, trên Le Monde Diplomatique, số tháng 7 giúp độc giả muốn biết ông Hun Sen chuẩn bị như thế nào tại một nước quân chủ lập hiến, quyền lực trong tay thủ tướng còn quốc vương Sihamoni, không vợ không con, chỉ ngồi hư vị.
Phnom Penh : tụ điểm ăn chơi
Phnom Penh 2018 là một thành phố sinh động. Ban đêm đầy những địa điểm ăn chơi mọc lên như nấm cho đủ thành phần. Giàu chơi theo giàu với những tụ điểm sang trọng, ít tiền thì cũng có những quán rượu bình dân phục vụ. 60% dân chúng, dưới 30 tuổi, không biết chiến tranh, không biết chế độ diệt chủng Khmer đỏ, chỉ biết ông Hun Sen từ lúc chào đời.
Xã hội lớn dần nhưng chế độ bị đóng khung
Trong số tài tử giai nhân, Bopha, tự cho mình thuộc thế hệ được ưu đãi. Tuy nhiên, Bopha linh cảm tình trạng đất nước của mình dường như mong manh. Cô rùng mình khi nghĩ đến bầu cử Quốc hội cuối tháng 7 : Tôi không dám bàn luận đến chính trị nhưng tôi không biết là sẽ đi bầu hay không và bầu cho ai.
Vì sao cô gái trẻ có học thức nhìn tương lai với đôi mắt lo âu ?
Tổ chức đối lập chính, đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt bị Tòa tối cao giải thể hồi tháng 11/2017. Các thẩm phán cho rằng đối lập "âm mưu một cuộc cách mạng lật đổ chế độ". Đêm 03/09/2017, chủ tịch mới Kem Sokha bị bắt giam, 118 thành viên bị cấm hoạt động trong năm năm. Trong số 55 dân biểu, gần một nửa lưu vong lánh nạn. Lãnh đạo cũ, Sam Rainsy, trước nguy cơ ra tòa với những tội danh dàn dựng, đã bay sang Pháp lánh nạn.
Thanh toán đối thủ chính trị và tiếng nói phản biện để độc tôn
Giải tán đảng Cứu Nguy Dân Tộc là để dọn đường cho đảng Nhân Dân. Trong cuộc bầu cử lần trước, hơn 45% cử tri dồn phiếu cho đối lập. Theo giới phân tích, theo đà này, bầu cử tháng 7 tới, đảng Nhân Dân sẽ thua to. Giải tán đối lập đồng nghĩa với "ổn định và hòa bình".
Điều này cho thấy lập luận tuyên truyền của chính quyền Hun Sen nào là thủ tướng Hun Sen là "cứu tinh dân tộc" là "anh hùng đem lại hòa bình" cho dù nhồi sọ "đến nôn mửa" cũng không lọt vào tai tuổi trẻ. Hố sâu chia rẽ giữa Hun Sen càng ngày càng sâu. Thanh niên sinh từ năm 2000 lớn lên trong hòa bình, tiếp xúc với văn hóa Tây phương, học tiếng Anh qua các tổ chức phi chính phủ hoặc ở các trường tư thục mọc khắp nước. Facebook giúp cho thanh niên, học sinh tiếp cận với thông tin đa chiều thay vì đọc báo nhà nước. Cảm thấy bị đe dọa, đầu tháng 5, chính phủ thông báo tập trung kiểm soát mọi luồng thông tin điện từ vào tay bộ Viễn Thông.
Caroline Hughes, đồng tác giả một công trình nghiên cứu về tuổi trẻ Cam Bốt phân tích : Đối với thế hệ sinh trước 1990, Hun Sen và đảng Nhân Dân có tính chính đáng. Nhưng với các thế hệ sau, cho dù ý tưởng dân chủ còn trừu tượng nhưng họ ý thức là một chính phủ phải biết phục vụ dân.
Đây chính là lời chỉ trích chế độ Hun Sen bởi vì cho dù nạn nghèo đói đã thụt lui đáng kể (13,5% trong năm 2014 so với 47% theo thống kê 2007) nhưng bất công xã hội tràn đầy, thanh niên bỏ học sớm, chỉ có 46,8% là có tú tài, tuổi trẻ thất nghiệp, tương lai bế tắc, khoảng 1 triệu người tha phương cầu thực ở Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc. Thanh niên cảm thấy bị bóc lột, bị bỏ rơi bên lề tăng trưởng kinh tế. Ngay những người có băng cấp cũng khó tìm ra việc làm. Xã hội cam Bốt bị băng hoại vì tham nhũng và độc tài (Caroline Hughes).
Trong một bản báo cáo năm 2016, tổ chức phi chính phủ Global Witness nhận định gia đình của thủ tướng Hun Sen, vợ con, anh em, dâu rể nắm trong tay từ 500 triệu đến 1 tỉ đôla, tương đương với 467.000 tháng lương của một công dân có mức thu nhập trung bình.
Trong bầu không khí bất an này, những người tiếp xúc với nhà báo Pháp Christine Chaumeau "yêu cầu thận trọng khi nói về chính trị". Một phụ nữ phải vào tù vì đăng trên Facebook tấm ảnh tự ném giày vào một bảng quảng cáo của đảng Nhân Dân. Hơn 30 đài phát thanh tiếp vận chương trình của RFA và VOA bị đóng cửa, hai cộng sự viên của đài Á Châu Tự Do chờ ngày ra tòa, báo giấy Cambodia Daily ngưng phát hành, Phnom Penh Post, nhật báo độc lập cuối cùng bị một doanh nhân Malaysia, thân với Hun Sen mua lại, nhà bình luận thời cuộc có uy tín, Kem Ley, bị ám sát năm 2016. Kem Ley, bị bắn chết giữa thủ đô, một ngày sau khi ông đề cập đến bản báo cáo của Global Witness về tài sản của gia đình, dòng họ Hun Sen. Hơn một triệu người ngưỡng mộ đi dự đám tang người "anh hùng của nền dân chủ". Kem Ley có một cái tội đáng chết là "muốn gánh trên vai trách nhiệm đưa Cam Bốt ra khỏi tình trạng chính trị đối đầu bằng những đường lối mới".
Bài trừ tham nhũng và mua chuộc cử tri đối lập
Trước làn sóng chỉ trích, chính phủ Cam Bốt thực hiện một số cải cách trong chiều hướng chống tham ô.
Một bộ trưởng Giáo Dục mới được bổ nhiệm để bài trừ nạn mua bằng, gian lận thi cử. Lương công chức tăng thêm 6,8% hồi đầu năm và cho đến tháng Tư thêm 10,7%, tương đương với 230 đôla mỗi tháng. Lương tối thiểu của 700.000 nhân công dệt may cũng lên một ít, từ 140 đôla lên 160 đôla cộng thêm bảo hiểm sinh đẻ. Thủ tướng Hun Sen liên tiếp có cử chỉ xoa dịu giới cử tri truyền thống của đối lập, những người chống chính quyền : tiếp xúc, cho tiền… Trên Facebook thủ tướng, đầy những "xen" dàn dựng, Hun Sen "thu hút" được 1 triệu fan. Hư thực ra sao ? Theo Phnom Penh Post, ba phần tư "fan" của thủ tướng là dư luận viên được thuê ở nước ngoài như Thái Lan, Miến Điện và Philippines.
Bất chấp, thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân Dân gia tăng các hoạt động chinh phục giới trẻ, bắt đầu là con cái của thủ tướng : Hun Manet, Hun Many, Hun Manit. Mỗi năm, nhân ngày đầu năm Khmer, (tháng 4) Liên hiệp Liên đoàn Thanh niên Cam Bốt, do Hun Many thủ lĩnh, tổ chức ngày hội truyền thống. Hàng ngàn thanh niên tham gia các trò chơi, vũ nhạc vinh danh văn hóa dân tộc. Hình thức này không khác chi thủ đoạn của cố quốc vương Sihanouk, tạo cho mình tính chính đáng của một vị vua. Theo phân tích của Astrid Noren Nilsson, giáo sư văn minh Đông Nam Á, đại học Lund, Thụy Điển, chế độ Hun Sen tìm cách "cổ vũ niềm tự hào dân tộc để đánh lạc hướng giới trẻ. Cam Bốt đang tiến tới một chế độ mà mọi chỉ trích bị xem là chống lại tổ quốc".
Để thực hiện giấc mộng Bắc Triều Tiên ?
Từ khi quốc vương Sihanouk qua đời năm 2012, thủ tướng Hun Sen dùng thủ đoạn của cố quốc vương để tạo cho mình tính chính đáng của một vị vua mới. Trong diễn văn chính thức, trong bộ phim nhiều tập Sdech Kan, Hun Sen gán cho mình là hậu thân của một ông vua xuất thân từ hàng dân dã, hay là lễ hội hoành tráng linh đình tổ chức hai tuần sau khi giải thể đảng đối lập số một : "đó là dấu hiệu cho thấy chế độ Hun Sen theo con đường chuyên chế tự trao cho mình thiên mệnh chính thống và lập ra khái niệm cha truyền con nối", theo phân tích của Astrid Noren Nilsson.
Chưa hết, tháng Hai năm nay, Cam Bốt ban hành "luật chống phạm thượng" theo khuôn mẫu Thái Lan, siết chặt khâu cuối cùng của bộ máy trấn áp.
Hai nhà đối lập bị bắt giam vì chỉ trích quốc vương Sihamoni không quan tâm đến chính sách độc tài của thủ tướng Hun Sen. Vương triều Cam Bốt đã bị kết chặt vào chế độ độc tài và mất dần tính độc lập.
Theo giáo sư Thụy Điển Astrid Noren Nilsson, Cam Bốt đang tiến dần đến chế độ cha truyền con nối mà những kẻ nối ngôi là con cháu của Hun Sen.
Tuy nhiên, cho dù Hun Sen chắc chắn sẽ thắng cuộc bầu cử không đối lập, nhưng với thế hệ trẻ khao khát tự do và đòi hỏi chính phủ phải phục vụ dân chúng, không có gì bảo đảm là Hun Sen, do Hà Nội dựng lên vào năm 1979, sẽ thực hiện được giấc mơ tranh bá đồ vương.
Tú Anh
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền : "Hun Sen là nhà độc tài quân sự" (VOA, 30/06/2018)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã trở thành ‘một nhà độc tài quân sự hoàn toàn’ với sự hỗ trợ đắc lực của các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một bản phúc trình được công bố hôm thứ Năm ngày 28/6.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và phu nhân, bà Bun Rany
Với tựa đề ‘12 người bẩn thỉu của Campuchia : Quá trình vi phạm nhân quyền lâu dài của các tướng lĩnh của Hun Sen’, bản phúc trình dài 213 trang cho thấy mức độ kiểm soát cá nhân của ông Hun Sen đối với lực lượng quân đội và cảnh sát thông qua danh sách 12 quan chức an ninh cấp cao vốn ‘tạo thành xương sống của một chế độ chính trị chuyên chế và đàn áp’.
Bản phúc trình được đưa ra trong bối cảnh Campuchia sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử 5 năm một lần vào tháng Bảy mà nhiều khả năng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do ông Hun Sen lãnh đạo sẽ tiếp tục chiến thắng để đảm bảo cho ông thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng nữa sau khi ông đã có những hành động đàn áp các lãnh đạo đối lập và đỉnh điểm là giải tán Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) hồi năm ngoái.
Nhiều người trong số 12 tướng lĩnh này, trong số đó có tướng Pol Saroeun, tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang hoàng gia Campuchia và Tướng Neth Savoeun, tư lệnh cảnh sát tối cao của Campuchia, đều từng phục vụ trong quân đội Khmer Đỏ cùng với bản thân Hun Sen.
Mỗi người trong số các tướng lĩnh này có được địa vị cao và chức vụ béo bở như hiện nay là nhờ vào các liên hệ chính trị và cá nhân với Hun Sen trong vòng trên dưới hai thập niên qua, theo thông cáo báo chí của HRW. Theo đó, ông Hun Sen đã tạo dựng được nền cai trị chuyên chế của mình bằng cách cất nhắc các tướng lĩnh dựa trên lòng trung thành của họ đối với ông.
"Thay vì phục vụ dân chúng, những tướng lĩnh này lại đi bảo vệ cho sự cai trị của ông Hun Sen vốn đã cầm quyền được 33 năm", thông cáo viết và cho biết mỗi người trong số họ đều thể hiện sự sẵn sàng vi phạm nhân quyền cho Hun Sen.
HRW còn cho rằng mặc dù phục vụ trong chính quyền với mức lương chính thức khá khiêm tốn nhưng các tướng lĩnh này ‘đã gom được một lượng tài sản kếch xù không rõ nguồn gốc’.
"Qua nhiều năm, ông Hun sen đã tạo dựng và phát triển thành phần chủ chốt của các tướng lĩnh an ninh vốn thực thi mệnh lệnh của ông ta một cách bạo lực và tàn nhẫn", ông Brad Adams, giám đốc Á Châu của HRW, được dẫn lời nói.
"Tầm quan trọng của các tướng lĩnh này đã trở nên càng rõ ràng hơn trước cuộc bầu cử vào tháng Bảy khi họ tiến hành đàn áp các nhà báo, các đối thủ chính trị và những người phản đối chính phủ và vận động công khai cho Hun Sen", ông nói thêm.
Bản báo cáo tường trình lại trách nhiệm của 12 tướng lĩnh cao cấp này trong các vi phạm nhân quyền ở Campuchia từ cuối những năm 1970 cho đến nay.
Mặc dù các quan chức này có trách nhiệm pháp lý hành động vì lợi ích của quốc gia thay vì đảng phái và phải thực thi chức trách một cách trung lập và không thiên vị nhưng tất cả họ lại ‘hành động mang tính đảng phái công khai’, theo HRW.
Theo đó, tất cả các tướng lĩnh này đều là thành viên của Ủy ban trung ương Đảng CPP và do đó họ phải thực thi tất cả các chính sách của Đảng. Điều này, theo HRW, là mâu thuẫn với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế vốn đòi hỏi các quan chức không được có thái độ đảng phái khi thực thi chức trách và không được thiên vị đảng này so với đảng kia.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết từ lâu họ đã theo dõi và ghi lại những vi phạm nhân quyền quá mức của chính quyền Hun Sen. Theo đó, trong hơn ba thập niên, hàng trăm các nhà báo, các nhân vật đối lập, các lãnh đạo công đoàn và những người khác đã bị sát hại. Mặc dù trong nhiều trường hợp những kẻ đứng sau những vụ việc này ‘là các thành viên của lực lượng an ninh’, nhưng ‘không có trường hợp nào mà chính quyền thực hiện điều tra và truy tố một cách đáng tin cậy, nói gì đến kết tội thủ phạm’ và trong một số trường hợp, ‘những kẻ ra tay bị truy tố còn cấp trên ra lệnh cho họ lại không hề hấn gì’.
Ngoài ra lực lượng an ninh Campuchia còn ‘bắt giữ tùy tiện, đánh đập, quấy rối và đe dọa nhiều người chỉ trích chính quyền, trong đó có những nhà hoạt động nhân quyền, các nhà hoạt động công đoàn hay đấu tranh về quyền lợi đất đai, các blogger và những người khác bày tỏ quan điểm trên mạng’.
"Không có nhà độc tài nào vươn tới hay trụ trên đỉnh quyền lực mà không có sự hỗ trợ của những con người tàn bạo khác", ông Adams nói và nhắc lại việc nhóm tướng lĩnh trụ cột này của Hun Sen cũng không thêm đếm xỉa gì đến nền dân chủ hay tính đa nguyên chính trị cũng giống như Hun Sen trong suốt 33 năm cầm quyền của ông".
"Cũng như ông chủ của họ, các viên tướng này cần phải được chỉ mặt đặt tên và phải chịu trách nhiệm cho nhiều tội ác của họ".
Hun Sen làm Thủ tướng Campuchia từ năm 1985. Kể từ năm 2015, ông trở thành Chủ tịch của Đảng CPP. Sau khi Tổng thống Zimbabwe, Robert Mugabe, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm ngoái, giờ đây ông Hun Sen nằm trong số năm nhà lãnh đạo chuyên chế tại vị lâu nhất trên thế giới.
HRW cho biết ông Hun Sen công khai tạo dựng sự sùng bái cá nhân cho ông ấy, trong đó có việc đặt tên ông cho hàng trăm trường học mà nhiều trường trong số này được xây bằng tiền của các nhà tài trợ. Hun Sen tự gọi mình là ‘tướng năm sao vĩnh viễn’ trong khi danh hiệu chính thức của ông là ‘Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen’ vốn dịch ra nghĩa đen là ‘Tư lệnh tối cao vĩ đại được tán dương huy hoàng của quân đội chiến thắng vinh quang’.
"Hun Sen thật sự đã trở thành một nhà độc tài quân sự hoàn toàn, điều mà ông ấy hy vọng có thể che giấu với màn bầu cử vào tháng Bảy vốn sẽ không hề tự do hay công bằng", tờ Guardian dẫn lời ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á của HRW, nói.
"Điều mà bản phúc trình này cho thấy là cội rễ quân sự vốn định hình chế độ của Hun Sen", ông Robertson nói. "Ở mỗi bước đi trong những năm nắm quyền, Hun Sen đã tìm cách tập trung sự kiểm soát đối với quân đội và cảnh sát dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông ấy và với sự hỗ trợ của 12 tướng lĩnh nguy hiểm này".
Bên cạnh quân đội và cảnh sát, Hun Sen còn có một lực lượng cảnh vệ - một lực lượng quân sự do cá nhân ông điều khiển vốn chỉ có 60 người vào giữa những năm 1990 phát triển lên thành 23.000 lính vào năm 2015, Guardian dẫn lời ông Lee Morgenbesser, một chuyên gia về các chế độ chuyên chế ở Đông Nam Á, cho biết.
Sự đàn áp của chính phủ Hun Sen diễn ra khi ông lo sợ phe đối lập giành được quá nhiều sự ủng hộ trong dân chúng trong thời gian bầu cử sắp đến và sự đàn áp này diễn ra thuận lợi với thay đổi của bối cảnh quốc tế.
Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ vào Campuchia nằm trong dự án ‘Một vành đai, Một con đường’ của họ và Bắc Kinh sẵn sàng hậu thuẫn cho chế độ chuyên chế của Hun Sen. Bắc Kinh đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử vào tháng Bảy tới sẽ diễn ra ‘tự do và công bằng’.
Trong khi đó, chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump không còn quan tâm đến những vi phạm nhân quyền ở những quốc gia như Campuchia hay Việt Nam như dưới thời của Tổng thống Barack Obama, ông Lee Morgenbesser nói thêm.
"Nói một cách đơn giản, chính quyền này của Mỹ không quan tâm đến dân chủ và nhân quyền ở Đông Nam Á và điều đó là tiền đề để cho Hun Sen gia tăng đàn áp", Morgenbesser nói. "Cuộc chơi giờ đây đã thay đổi. Ông Hun Sen gần như không cần phải giả vờ chính danh trong cuộc bầu cử sắp tới đối với Mỹ - chẳng ai còn quan tâm nữa".
**********************
Hun Sen bổ nhiệm con trai làm tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cam Bốt (RFI, 30/06/2018)
Hôm 30/06/2018 con trai cả của ông Hun Sen đã được bổ nhiệm hai chức vụ cao cấp trong quân đội, vào lúc thủ tướng Cam Bốt đang tìm cách mở rộng quyền lực gia đình.
Trung tướng Hun Manet, con trai cả của thủ tướng Hun Sen. Wikipedia/Hean Socheata/VOA Khmer
Trung tướng Hun Manet, con trai đầu của ông Hun Sen được thăng chức tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cam Bốt, đồng thời phụ trách Bộ Tổng tham mưu. Năm nay 40 tuổi, ông Hun Manet tốt nghiệp trường võ bị West Point, vẫn tiếp tục là người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của Bộ quốc phòng, và sẽ được thăng lên tướng bốn sao cho tương xứng với chức vụ mới.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Cam Bốt, Chhum Socheat nói với AFP là sự thăng chức này dựa trên năng lực, chứ không phải do là con thủ tướng. Ông nói : "Chẳng có gì lạ cả, sự thăng tiến này dựa trên phẩm chất và kinh nghiệm trong quân đội của ông Hun Manet".
Thủ tướng Hun Sen, 65 tuổi, cầm quyền từ 33 năm qua, là một trong những nhà lãnh đạo trị vì lâu nhất thế giới, rất nhiều lần khẳng định sẽ tại vị trong một thập niên nữa. Ông bị cáo buộc xây dựng một đế chế chính trị, khi bổ nhiệm ba người con trai vào các chức vụ quan trọng.
Được biết con trai thứ hai của thủ tướng Hun Sen là Hun Manith hiện đang là người đứng đầu lực lượng tình báo quân đội vốn rất nhiều quyền hành, và con trai út Hun Many là dân biểu, lãnh đạo phong trào đoàn thanh niên của đảng cầm quyền.
Trong đợt này, nhiều lãnh đạo quân đội được điều chuyển, như tư lệnh lực lượng quân cảnh Sao Sokha trở thành tư lệnh không quân. Hai người khác là Pol Saroeun và Kun Kim đã rời chức vụ quân đội để ứng cử Quốc Hội trong kỳ bầu cử ngày 29/7 tới. Cả hai đồng minh trên của ông Hun Sen đều nằm trong số 12 tướng lãnh bị Human Rights Watch tuần này tố cáo phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.
Đảng Nhân dân Cam Bốt của ông Hun Sen được cho là sẽ thắng lớn trong kỳ bầu cử tới, vì đảng đối lập chính đã bị giải thể.
Thụy My
**********************
Cam Bốt : HRW công bố danh sách "12 tướng tay bẩn" (RFI, 29/06/2018)
Ngày 29/07/2018, người dân Cam Bốt đi bầu quốc hội mới. Cuộc bầu cử bị xem là thiếu công bằng từ khi đảng đối lập quan trọng nhất bị giải thể vào tháng 11 năm 2017. Sự kiện đảng Cứu Nguy Dân Tộc bị cấm hoạt động được giới quan sát xem là cách dọn đường cho đảng Nhân Dân của thủ tướng Hun Sen, cầm quyền từ 33 năm qua, độc chiếm chính trường với sự tiếp tay của một nhóm tướng lãnh thân cận. Đó cũng là kết luận của bản báo cáo "12 tướng bàn tay bẩn", Human Rights Watch công bố hôm nay, 29/06.
Ảnh minh họa : tướng Hing Bun Hieng, chỉ huy đội cận vệ của thủ tướng Hun Sen. Ảnh ngày 17/04/2018. Reuters/Stringer
Từ Phnom Penh, thông tín viên Juliette Buchez tường thuật :
Bộ quốc phòng Cam Bốt phản ứng tức khắc, mô tả bản phúc trình có nội dung xâm phạm chủ quyền đất nước. Báo cáo của Human Rights Watch nhắm vào 12 tướng an ninh Cam Bốt bị xem có trách nhiệm trong các vụ vi phạm nhân quyền liên tục.
Theo tổ chức phi chính phủ quốc tế, hầu hết các viên tướng này cho phép thuộc hạ sử dụng bạo lực một cách quá đáng, thậm chí giết người, đàn áp các cuộc biểu tình của dân chúng. Trong số họ, có người xuất thân là cán bộ của chế độ Khmer Đỏ, thủ phạm diệt chủng, tiêu diệt một phần tư dân số xứ Chùa Tháp từ năm 1975 đến 1979.
Tất cả đều là người thân cận của thủ tướng Hun Sen ít nhất từ 20 năm nay và đều là ủy viên trung ương đảng Nhân Dân, đảng của thủ tướng.
Quyền sinh hoạt chính trị của nhân viên an ninh được luật quốc tế bảo đảm. Tuy nhiên, theo Human Richts Watch, tại Cam Bốt, tham gia chính trị chồng chéo với bổn phận tôn trọng nhân quyền. Với sự hỗ trợ của nhóm hộ vệ này, thủ tướng Hun Sen thường xuyên bị tố cáo trấn áp mọi tiếng nói phê phán trước cuộc bầu cử ngày 29 tháng 7 tới.
Trong khi các quốc gia tây phương hoài nghi tính chính đáng của cuộc tuyển cử, Hoa Kỳ đi thêm một bước hôm 12/06 vừa qua. Tướng Hing Bun Hieng, chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ thủ tướng Hun Sen, bị Washington cấm nhập cảnh. Tài sản ở Mỹ bị phong tỏa.
Tú Anh
***********************
Dù Hun Sen thân Bắc Kinh, quan hệ Campuchia-Việt Nam không thể đổ vỡ ? (VOA, 27/06/2018)
Nếu bí quyết để trở nên có chỗ đứng trong làng báo đối lập của Campuchia là có giọng điệu bài Việt Nam thì quy luật bất thành văn của các kênh truyền hình do chính phủ kiểm soát chặt chẽ là tránh càng xa luận điệu này càng tốt.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen là người được Việt Nam đưa lên lãnh đạo Campuchia
Với tất cả các kênh truyền hình mặt đất hoặc là thuộc sở hữu của các quan chức hàng đầu của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) hoặc thuộc sở hữu của các đồng minh của họ, thì đó là chuẩn mực mà tất cả các cơ quan truyền thông muốn được các nhà lãnh đạo mà Hà Nội dựng lên vào tháng Giêng năm 1979 ưu ái phải cố gắng hết sức lưu ý.
Tuy nhiên điều này đã thay đổi vào ngày 13/6 khi Soy Sopheap, một người vốn nổi tiếng là tay chân của Thủ tướng Hun Sen, sử dụng chương trình trò chuyện trên truyền hình của ông ta trên kên BTV News – vốn thuộc sở hữu của con gái Hun Sen là Hun Mana – để nêu lên ý tưởng về biểu tình chống Việt Nam.
Để ý đến các cuộc biểu tình mới đây ở Việt Nam về luật đặc khu trong đó có điều khoản cho thuê đất 99 năm mà những người biểu tình cho rằng sẽ cho các công ty Trung Quốc thuê, Sopheap than phiền về sự hiện diện tương tự của Việt Nam với các khu đất cho thuê với 99 năm trên đất Campuchia với ‘gần 30.000 hectare’. Soy Sopheap thậm chí còn cáo buộc Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh là ‘khinh thường Campuchia’.
Trong màn độc thoại kéo dài 12 phút, Sopheap, người cũng là tổng biên tập của trang mạng Deum Ampil có lập trường ủng hộ CPP và là người sáng lập trang tin yêu thích nhất của Hun Sen, Fresh News, đã đặt vấn đề tại sao Phnom Penh không chứng kiến các cuộc biểu tình tương tự chống Việt Nam ở Campuchia.
"Khi người dân Việt Nam chống Trung Quốc, họ có đủ can đảm để lên tiếng, nhưng chúng ta chưa bao giờ đủ can đảm để lên tiếng do chúng ta luôn sợ Việt Nam", Sopheap nói. "Giờ đây tôi sẽ lên tiếng. Tôi sẽ lên án và tôi sẽ đi biểu tình".
"Cũng cùng là một vấn đề mà chúng ta đã nhìn thấy bùng nổ thành các cuộc biểu tình ở Việt Nam – người dân Campuchia nên suy ngẫm", ông nói. "Người dân Campuchia cũng có quyền biểu tình phản đối".
Đối với một số người thì đây có lẽ là điều bất ngờ. Nhưng đối với nhiều người khác, đó chỉ là bằng chứng mới nhất sau một loạt những bài báo hồi năm ngoái cho rằng việc Hun Sen theo đuôi Bắc Kinh đã đẩy Đảng CPP ngày càng xa rời Việt Nam.
Một bài báo hôm 27/3 trên tờ Asia Times có tiêu đề là ‘Hun Sen sẵn sàng liều đánh mất đồng minh lâu năm nhất’ của tác giả Alan Parkhouse, người vừa rời khỏi chức vụ tổng biên biên tập của tờ Khmer Times có quan điểm thân chính phủ, thậm chí còn cho rằng bản thân Việt Nam đã quay lưng lại với Thủ tướng Campuchia.
"Việt Nam đã nói với Hun Sen rất thẳng thừng rằng ông đã nắm quyền quá lâu giờ đã đến lúc phải ra đi", Parkhouse dẫn lời một quan chức chính phủ cấp cao của Campuchia cho biết. "Hai vấn đề khiến Hà Nội bực mình nhất là mối quan hệ chặt chẽ của Hun Sen với Trung Quốc và việc trục xuất công dân Việt Nam khỏi Campuchia".
Tuy nhiên nếu mối giao tình kéo dài 40 năm giữa Hun Sen với Việt Nam đã trở nên xấu đi do việc ông kết thân với Bắc Kinh và việc Phnom Penh thay mặt Trung Quốc phá hoại sự đoàn kết của Asean trên Biển Đông thì đó cũng là điều được giữ kín.
Từ những chuyến thăm viếng lẫn nhau đầy phấn khởi cho đến việc khánh thành những trường học và bệnh viện chất lượng cao của Việt Nam ở Phnom Penh, mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia dường như đã vượt qua được những sóng gió vốn gây ra căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
"Các nhà lãnh đạo và giới chức Việt Nam có đầu óc thực dụng", ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc và là chuyên gia về Việt Nam, cho biết. "Họ không chống đối quan hệ chặt chẽ giữa Campuchia và Trung Quốc bởi vì Việt Nam cũng muốn có mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác với Bắc Kinh".
Ông Thayer, vốn cũng là quan sát viên chính thức của cuộc bầu cử ở Campuchia do Liên Hiệp Quốc tổ chức vào năm 1993, cho biết tờ Quân đội Nhân dân của Việt Nam vẫn liên tục đăng tin các sỹ quan Campuchia tốt nghiệp từ các trường quân sự Việt Nam và rằng Việt Nam vẫn tiếp tục chăm sóc y tế miễn phí cho các quân nhân Campuchia được gửi sang.
Theo ông thì Hà Nội ‘nhắm về dài hạn’ và ‘ưu tiên sự ổn định trong nước của Campuchia’ và tin rằng họ cần phải chung sống – thay vì đấu tranh – với ảnh hưởng ngày một gia tăng của Bắc Kinh. "Nói cách khác", ông Thayer nói, "Cho dù Hà Nội có quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Campuchia như thế nào đi nữa, Việt Nam cũng không có lập trường trừng phạt Phnom Penh".
Bản thân ông Hun Sen cũng cho thấy ít có dấu hiệu cắt đứt với Hà Nội – ngay cả khi truyền thông bợ đỡ ông Hun Sen, như Soy Sopheap, mới đây được tự do lên án Việt Nam.
Chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử các hội đồng địa phương hồi năm ngoái, Thủ tướng Hun Sen đã công khai kỷ niệm tròn 40 năm ngày ông bỏ Khmer Đỏ chạy sang Việt Nam bằng cách tái hiện con đường băng qua biên giới đầy nguy hiểm mà ông đã đi năm nào. Khi đó, ông đã kể lại làm sao mà không có nước nào khác đến giúp Campuchia vào lúc đó.
Với sự có mặt của ba người con trai của ông, Hun Sen đã tổ chức một buổi lễ ở biên giới bên phía Campuchia trước khi lội bộ để tái hiện lại chuyến vượt biên rồi sau đó lên xe chạy tới một buổi lễ kỷ niệm khác do các quan chức Việt Nam tổ chức. Đáng lưu ý là hành trình đi vào Việt Nam của ông sau đó đã được chuyển thành phim tài liệu phát sóng trên truyền hình vào giờ vàng.
Một tháng sau đó, người vừa tái đắc cử Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, đã đến Phnom Penh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử.
Trong chuyến thăm đó, ông Trọng đã công bố Việt Nam sẽ tài trợ 25 triệu đô la để xây tòa nhà hành chính mới trong khuôn viên Quốc hội Campuchia ở Phnom Penh như là ‘món quà kỷ niệm’ cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Vài ngày sau một tượng đài Hữu nghị Campuchia-Việt Nam được khánh thành ở thành phố cảng Sihanoukville.
Đối với những căng thẳng nếu có đang xuất hiện trong quan hệ song phương thì khó mà nói rằng đó là bắt đầu hình thành sự tan rã trong quan hệ.
Trong một bài phân tích mới đây trên tạp chí Southeast Asian Affairs, ông Steven Heder, một chuyên gia lâu năm về Campuchia và là một chuyên gia nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Phương đông và Châu Phi ở London, đã tập hợp các bài báo của cả Việt Nam và Campuchia để cho thấy rằng mối quan hệ giữa Hà Nội và Phnom Penh vượt quá những quan ngại ngoại giao thông thường.
Bài viết này, có tựa đề ‘Campuchia-Việt Nam : Mối quan hệ đặc biệt chống lại các thế lực thù địch và không thân thiện’, lập luận rằng các đảng cầm quyền ở Campuchia và Việt Nam, với nền tảng chung là chủ nghĩa cộng sản, đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ khác thường do cùng chia sẻ mối quan ngại về việc lãnh thổ của nước kia được các thế lực ‘thù địch’ lợi dụng.
Do đó, mối quan hệ song phương được thấu hiểu tốt nhất, theo ông Heder, không phải qua lăng kính của mối quan hệ hai quốc gia mà là mối quan hệ giữa hai đảng – Đảng CPP của ông Hun Sen và ‘người anh cả’ của họ là Đảng cộng sản Việt Nam – hay qua mối quan hệ giữa Quân đội Hoàng gia Campuchia và Quân đội nhân dân Việt Nam.
"Hai chủ đề bao trùm trong mối quan hệ giữa hai quân đội là xét về lịch sử thì lúc nào cũng vậy vào những lúc nguy nan nhất cũng chỉ có mỗi Việt Nam là giúp đỡ Campuchia và hiện tại Quân đội nhân dân Việt Nam đang sẵn sàng giúp đỡ Quân đội Hoàng gia Campuchia ‘trong mọi tình huống’, bao gồm bất cứ lúc nào mà ‘Đảng CPP gặp khó khăn,’ ông Heder viết.
"Hun Sen đã mô tả mối quan hệ giữa hai nước như ‘môi với răng’ dựa trên cơ sở là ‘mối quan hệ chính trị’ giữa hai quân đội. Trong ngôn ngữ của các Đảng cộng sản Châu Á thì khái niệm ‘quan hệ như môi với răng’ ý muốn nói mối sự đoàn kết giữa quân đội hai bên chống lại kẻ thù chung trong thời chiến", ông giải thích.
Thật vậy, phe đối lập Campuchia không thể nào quên việc ông Hun Sen đi thăm chính thức Việt Nam chỉ vài ngày trước khi ông đàn áp những người phản đối ở Phnom Penh hồi tháng Giêng năm 2014 vốn chống lại chuyến thăm này cũng như chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Phnom Penh vài ngày sau đó.
Để đúc kết quan điểm của Việt Nam về Phnom Penh, ông Heder đặt Đảng CPP, vốn thường nhấn mạnh lòng biết ơn vai trò của Việt Nam trong việc giúp đỡ lật đổ Pol Pol, đối nghịch với kẻ thù truyền kiếp của ông Hun Sen là Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) mà các lãnh đạo của đảng này lâu nay vẫn cho là Việt Nam phải chịu trách nhiệm về sự ra đời của Khmer Đỏ.
Quan trọng nhất đối với Việt Nam là Đảng CNRP đại diện cho ‘xu thế đòi đất nguy hiểm’ nhưng cũng là một xu thế rộng rãi trong chính giới Campuchia vốn không chịu từ bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với một số vùng trong lãnh thổ Việt Nam. Ông Sam Rainsy, lãnh đạo CNRP, thậm chí còn nói rằng đảng này ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Heder nhắc lại rằng sau một cuộc gặp hồi năm 2016 với ông Hun Sen ở Hà Nội, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang ‘khẳng định chính sách nhất quán là ủng hộ Đảng CPP và đánh giá cao sự kiên định của Campuchia trong việc không cho phép bất cứ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ nước này để phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định của Việt Nam".
Chủ tịch Quang ‘đã khuyên Thủ tướng Hun Sen có sự đề phòng, không cho phép các thế lực cực đoan khơi dậy hận thù dân tộc hay phá vỡ hay phá hoại mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước’ – một sự nhắm rõ ràng đến thế lực ngày càng lớn mạnh của Đảng CNRP sau cuộc tổng tuyển cử gây tranh cãi của Campuchia vào năm 2013.
Từ bối cảnh này, việc lâu nay Việt Nam vẫn dựa vào CPP để duy trì sự ổn định của Campuchia đã trở thành thể chế hóa. Nó đã có thêm ‘ý nghĩa tâm lý và có thể là ý nghĩa hành động với tư cách là một liên minh quân sự nhằm chống lại bất kỳ sự thay đổi chính trị nào mà sẽ đưa các thế lực thù địch hay phần tử không thân thiện lên nắm quyền ở Campuchia,’ ông Heder nói.
Giá trị của sự ủng hộ này đối với Hun Sen – ít nhất không phải trong việc huấn luyện quân sự tinh nhuệ và chăm sóc sức khỏe cho những người trung thành với ông, đó là chưa nói việc thị uy với các thế lực ở trong nước do có có một quân đội lớn và có cảm tình ngay sát bên – không hề tầm thường chút nào.
Về phần mình, phát ngôn nhân của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan, giải thích mối quan hệ song phương là hai bên hoàn toàn tin cậy lẫn nhau để giải quyết các bất đồng.
"Cả hai phía đều có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề từ năm 1979", Siphan nói với tờ Cambodia Daily hai tháng sau khi thất bại của hội nghị Asean hồi tháng 7 năm 2016 mà vài ngày sau Bắc Kinh đã cho Phnom Penh món quà là 548 triệu đô la Mỹ tiền viện trợ. "Các nước láng giềng lúc nào mà không có khác biệt", ông nói.
Suy cho cùng, theo ông Thayer, thì giới lãnh đạo Việt Nam cũng có phe thân và phe chống Trung Quốc và những người lãnh đạo này hiểu tình cảnh mà ông Hun Sen phải đối mặt trong việc cân bằng mối quan hệ lịch sử (cho dù là không được lòng dân chúng) với Hà Nội với những lợi ích của việc quay sang với Bắc Kinh.
"Ngoài lập trường lớn tiếng ủng hộ Trung Quốc của Campuchia trong tranh chấp Biển Đông mà do đó phá hoại sự đồng thuận của Asean thì Campuchia không đặt ra mối đe dọa cốt tử nào đối với Việt Nam", ông nói. "Khó mà thấy được liệu mối quan hệ thắm thiết hơn giữa Trung Quốc và Campuchia sẽ dẫn đến gia tăng sự thù địch giữa Việt Nam và Campuchia".
Tuy nhiên cũng không phải không có khả năng sự dựa dẫm ngày càng nhiều của Hun Sen vào Trung Quốc một ngày nào đó sẽ làm căng thẳng mối quan hệ với Hà Nội và khi đó những lời kêu gọi biểu tình chống Việt Nam như của Soy Sopheap sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên chừng nào Đảng CPP vẫn còn nắm quyền thì quan hệ giữa hai nước khó mà rạn nứt.
(Theo bài phân tích của tác giả Alex Willemyns đăng trên The Diplomat ngày 26/6/2018)
Mỹ cắt 285 triệu đôla ngân sách cho Liên Hiệp Quốc (BBC, 26/12/2017)
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm Chủ Nhật tuyên bố chính phủ Mỹ đang đàm phán để cắt giảm một khoản đáng kể khoảng 285 triệu đôla ngân sách cho Liên Hiệp Quốc trong năm 2018-2019.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley
Theo tờ Time, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói rằng "sự kém hiệu quả và bội chi" của tổ chức này rất rõ rệt và Hoa Kỳ sẽ không để cho "sự hào phóng của người Mỹ bị lợi dụng".
Đại sứ Mỹ cũng nói thêm : "Dù chúng tôi hài lòng với kết quả của cuộc đàm phán ngân sách năm nay, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách tăng hiệu quả của Liên Hiệp Quốc đồng thời bảo vệ lợi ích của chúng tôi".
Thông báo không nêu rõ toàn bộ số tiền ngân sách hay việc cắt giảm ngân sách có ảnh hưởng như thế nào đối với các đóng góp của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo việc cắt giảm ngân sách của ông Trump sẽ làm cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của tổ chức này trở thành "không thể".
Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc hồi tháng Năm cho biết việc cắt giảm ngân sách 'đơn giản sẽ làm cho Liên Hiệp Quốc không thể tiếp tục tất cả các công việc thiết yếu để thúc đẩy hòa bình, phát triển, nhân quyền và nhân đạo".
Lực lượng mũ nồi xanh hiện đàng triển khai 16 sứ mệnh gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới
Hoa Kỳ đóng góp hơn một phần tư trong tổng số tiền 7.9 tỷ đôla ngân sách gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Phóng viên BBC Nick Bryant tại Liên Hiệp Quốc cho biết cảnh báo như vậy từ tổ chức này là 'bất thường'.
Theo tờ New York Times, việc cắt giảm ngân sách bao gồm cắt giảm chi phí đi lại, tư vấn và chi phí vận hành khác. Nó cũng bao gồm thắt chặt các quy định về bồi thường và cách thức mới để tối đa hóa việc sử dụng trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại New York nhằm giảm nhu cầu thuê không gian đắt đỏ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói một số bộ phận của tổ chức này phải trở nên hiệu quả hơn.
Trong khi đó các nhóm nhân quyền hôm thứ Hai 26/12 lên tiếng về dự thảo ngân sách mới, cho biết cần xem thêm chi tiết việc cắt giảm ảnh hưởng thế nào tới khả năng Liên Hiệp Quốc giám sát các hành vi lạm dụng hoặc đáp ứng các trường hợp khẩn cấp - những phần việc chủ yếu của tổ chức này.
*************
Châu Âu tỏ hoài nghi về cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018 (RFI, 27/12/2017)
Sau khi Moskva quyết định loại nhà đối lập Alexei Navalny ra khỏi cuộc tranh cử tổng thống Nga 2018, hôm qua, 26/12/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã bày tỏ lo ngại là việc làm trên của Kremlin "gây hoài nghi nghiêm trọng về tính đa nguyên chính trị tại Nga".
Nhà đối lập Nga Alexei Navalny phát biểu trong một cuộc mít-tinh ở Moskva, ngày 24/12/2017 Reuters
Phát ngôn viên cơ quan đối ngoại của Liên Hiệp Châu, Maja Kocijancic, đã ra thông cáo khẳng định quyết định của Ủy ban Bầu cCử Nga loại hồ sơ ứng cử tổng thống của nhà đối lập Alexei Navalny có thể gây nghi ngờ về viễn ảnh về một cuộc bầu cử dân chủ ở Nga vào đầu năm tới.
Thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu cũng kêu gọi Nga nên mời Tổ Chức Vì An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE đến quan sát theo dõi cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 18/03/2018.
Thông báo của Ủy Ban Bầu Cử Nga hôm thứ Hai không có gì bất ngờ. Cơ quan này đã nhiều lần cảnh báo trước là nhà đối lập Navalny không thể ra ứng cử trước năm 2028 vì ông đã bị kết án 5 năm tù treo từ năm 2009. Tuy nhiên, ông Navalny lại là người có thể tập hợp được khá đông người ủng hộ, những người đang bất mãn với tệ tham nhũng ở nước Nga.
Hiện có khoảng hai chục ứng cử viên ngỏ ý tham gia cuộc đua với ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống Nga đầu năm tới, trong đó có một số nhân vật của đảng Cộng Sản, đảng chủ trương dân tộc chủ nghĩ và một nữ nhà báo thân với một đảng đối lập nhỏ có xu hướng tự do.
Mặc dù theo các cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ tín nhiệm ông Putin của dân Nga vẫn luôn ở mức cao. Mối quan tâm của chính quyền Nga trong cuộc bầu cử sắp tới không phải là ông Putin có tái đắc cử hay không mà là làm sao để tỷ lệ cử tri đi bầu cử không quá thấp và tránh làm dấy lên làn sóng biểu tình chống Putin như kỳ bầu cử trước vào năm 2012.
Anh Vũ
*********************
Cam Bốt : Thủ tướng Hun Sen muốn nắm quyền thêm 10 năm (RFI, 27/12/2017)
Cầm quyền từ 30 năm nay, thủ tướng Cam Bốt vào hôm nay, 27/12/2017, cho biết ông muốn cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, cụ thể là 10 năm. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Cam Bốt sẽ tổ chức bầu Quốc Hội mới vào tháng 7/2018 và đảng đối lập bị giải tán.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (áo xanh) trong cuộc gặp với công nhân một nhà máy ở ngoại ô Phnom Penh, ngày 08/11/2017 Reuters
Trong bài phát biểu trước hàng ngàn công nhân viên ngành dệt may, ông Hun Sen, 65 tuổi, khẳng định ông muốn ngồi lại ở chiếc ghế thủ tướng thêm 2 nhiệm kỳ 5 năm nữa, và kêu gọi cử tri dồn phiếu cho đảng Đảng Nhân Dân Cam Bốt của ông.
Ông nói : "Tôi muốn tiếp tục được bầu làm thủ tướng cho hai nhiệm kỳ nữa, kéo dài không dưới 10 năm… Tôi hy vọng là quý vị cũng như cha mẹ, ông bà trong gia đình, nếu còn sống, tiếp tục bỏ phiếu cho đảng Nhân Dân Cam Bốt vào ngày 29/07/2018".
Đối với giới quan sát, đảng của ông Hun Sen hiện giờ đang độc chiếm sân khấu chính trị Cam Bốt. Đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc đã bị giải tán vào tháng 11 vừa qua, và hơn 100 thành viên đối lập bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Chính quyền Phnom Penh bị tố cáo là đã thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói bất đồng.
Mai Vân
Cam Bốt : Thủ tướng Hun Sen đòi cấm một tổ chức nhân quyền (RFI, 26/11/2017)
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tuyên bố là phải giải thể tổ chức nhân quyền chủ yếu ở xứ Chùa Tháp bởi vì hiệp hội này do lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc, thành lập. Càng gần đến bầu cử quốc hội 2018, "người hùng" Cam Bốt càng tìm cách bóp nghẹt đối lập.Ông Hun Sen càng gia tăng các biện pháp độc đoán để bảo vệ quyền lực.
Trụ sở của Hiệp hội xúc tiến và bảo vệ nhân quyền (LICADHO) tại Phnom Penh, trong tầm ngắm của thủ tướng Hun Sen. Ảnh chụp ngày 24/11/2017. Reuters/Samrang Pring
Theo Reuters, Chủ nhật 26/11/2017, trong cuộc tiếp xúc với công nhân ngành may dệt ở ngoại ô Phnom Penh, nguồn thu ngoại tệ chính của Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen tuyên bố là phải đóng cửa "Trung tâm Nhân Quyền Cam Bốt vì do người nước ngoài, chứ không phải người Cam Bốt lập ra".
Trên thực tế, tổ chức bảo vệ nhân quyền có uy tín này do lãnh đạo đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc, giáo sư Kem Sokha thành lập vào năm 2002, năm năm trước khi ông hoạt động chính trị.
Hồi đầu tháng 09/2017, Kem Sokha bị bắt với tội danh "mưu toan phản quốc" và bị giam tại một nhà tù gần biên giới Việt Nam (Le Monde, 04/09/2017).
Ngày 16/11, Tòa án Tối cao Cam Bốt, theo yêu cầu của ông Hun Sen, ra phán quyết giải thể đảng Cứu Nguy Dân Tộc, cấm 118 thành viên cột trụ của đối lập hoạt động chính trị, ứng cử trong vòng 5 năm. Hai hôm sau, hai phóng viên Cam Bốt bị truy tố với tội danh "làm gián điệp" cho Mỹ. Nhà báo Oun Chhin và Yeang Sothearin, trước đây cộng tác với RFA, sẽ phải đối mặt với bản án 15 năm tù.
Tú Anh
*******************
Thái Lan sốc sau cái chết bí ẩn của một học viên quân đội (RFI, 26/11/2017)
Tập đoàn quân sự cầm quyền tại Thái Lan hiện đang chịu sức ép sau khi một học viên sĩ quan qua đời một cách bí ẩn và bị lấy mất nội tạng. Xác của sinh viên xấu số nói trên đã được trả cho gia đình.
Các học viên sĩ quan quân đội Thái tham gia lễ hỏa táng Vua Bhumibol Adulyadej tại Bangkok hôm 01/11/2017 (Ảnh minh họa) Reuters/Athit Perawongmetha
Học viên Phakhapong Tanyakan, 18 tuổi, đã qua đời hồi giữa tháng 10/2017. Quân đội, vốn hay bị chỉ trích vì cách đối xử tàn bạo với các học viên mới, giải thích nguyên nhân khiến học viên này tử vong là anh bị trụy tim.
Trước đó một thời gian, gia đình Phakhapong Tanyakan đã từng được anh kể về việc phải chịu các hình phạt tàn khốc, nên họ không tin vào lời giải thích của quân đội và bí mật cho khám nghiệm tử thi của anh lần thứ hai. Các bác sĩ khám nghiệm tử thi đã phát hiện nhiều xương sườn bị gãy và trên thi thể không còn não, tim và dạ dày.
AFP cho biết tiết lộ trên đã gây một cú sốc lớn cho công luận. Sau đó, quân đội giải thích họ đã lấy nội tạng của học viên Phakhapong Tanyakan để khám nghiệm. Hôm thứ Sáu 24/11/2017, quân đội Thái Lan thông báo bốn sĩ quan có liên quan đã bị thuyên chuyển công tác.
Quá sốc trước vụ việc, 30.000 người dân Thái Lan đã ký tên vào một bản kiến nghị trên Internet yêu cầu có một cuộc điều tra độc lập về các sĩ quan của trường, kêu gọi quân đội cách chức họ và chấm dứt dùng nhục hình với các học viên.
Thùy Dương
***********************
Học viên quân sự Thái Lan chết một cách bí ẩn (BBC, 25/11/2017)
Một học viên quân sự trong quân đội Thái Lan đã chết một cách bí ẩn và bị lấy mất nội tạng khiến gia đình tức giận với vô vàn câu hỏi.
Phakhapong Tanyakan là học viên năm nhất tại một học viện quân đội Thái Lan
Phakhapong Tanyakan qua đời ngày 17 tháng 10 và gia đình được cho biết nguyên nhân gây tử vong là trụy tim đột ngột.
Tuy nhiên, gia đình Phakhapong trở nên nghi ngờ vì anh đã từng kể lại việc bị đối xử tàn bạo tại học viện.
Gia đình Phakhapong bí mật tiến hành một cuộc khám nghiệm tử thi thứ hai và phát hiện nhiều vết bầm tím, xương sườn bị gãy và nhiều cơ quan nội tạng bị mất tích.
Chuyện gì đã xảy ra ?
Phakhapong Tanyakan, 18 tuổi, là sinh viên năm nhất tại Trường Dự bị Đại học Lực lượng Vũ trang.
Khi đột ngột qua đời vào tháng 10, quân đội cho biết nguyên nhân tử vong là trụy tim.
Nhưng gia đình không tin vào công bố chính thức của phía quân đội.
Khi thi thể được chuyển về cho gia đình, họ đã đem đi khám nghiệm tử thi lần thứ hai tại một phòng khám tư nhân.
Các bác sĩ sau đó phát hiện ra nhiều vết bầm tím nghiêm trọng, một vài xương sườn và xương đòn bị gãy và não, tim, dạ dày và bàng quang đã bị lấy ra khỏi cơ thể.
"Không còn lời nào để nói", cha của thanh niên trẻ nói với BBC Thái. "Vụ việc này đối với chúng tôi giống như việc lật thuyền. Thằng bé chết đuối còn chúng tôi thì trôi dạt".
Cha của Phakhapong (phải) nói ông cần lời giải thích từ phía quân đội
Hình phạt quá mức ?
Những nghi ngờ của gia đình phát sinh từ những mô tả về những hình phạt thể chất rất nặng nề Phakhapong từng nói trước đó.
Tờ Bangkok Post dẫn lời nói của mẹ của Phakhapong rằng anh đã bị buộc chống đầu xuống đất như một hình phạt và đã bị sốc và phải dùng CPR để tỉnh lại.
Phakhapong cũng đã nói với bố mẹ mình rằng anh đã bị các học viên lớp trên kỷ luật tàn bạo trong học viện.
Các nhóm nhân quyền cho biết việc trừng phạt và tra tấn thân thể là một vấn đề phổ biến trong quân đội Thái Lan.
Quân đội Thái Lan nói gì ?
Đại diện quân đội trả lời trong một cuộc họp báo, nhấn mạnh rằng nguyên nhân tử vong là do suy tim và các cơ quan nội tạng đã được lấy ra trong cuộc khám nghiệm tử thi tiến hành bởi quân đội.
Tờ Nation dẫn lời một bác sĩ bệnh viện quân đội nói rằng các cơ quan nội tạng đã được lấy ra để kiểm tra chi tiết vì cơ thể không có dấu hiệu chấn thương.
Ông nói thêm rằng nội tạng có thể được trả lại cho gia đình vì đã hoàn tất cuộc kiểm tra .
Về cáo buộc về các hình phạt tàn bạo, quân đội cho biết sẽ có hành động kỷ luật nhưng những trường hợp đó không liên quan đến cái chết của Phakhapong.
Gia đình của Phakhapong nói họ chưa hề đưa ra cáo buộc hay tố cáo nào nhưng muốn quân đội điều tra và giải thích rõ nguyên nhân cái chết.
Châu Âu và Mỹ kêu gọi Cam Bốt hủy quyết định giải tán đảng đối lập (RFI, 17/11/2017)
Ngay sau khi Tòa án tối cao Cam Bốt ra phán quyết giải tán Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt, đảng đối lập chính tại quốc gia này, vào ngày 16/11/2017, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ kêu gọi Phnom Penh hủy quyết định nói trên, bị lên án là phản dân chủ. Bruxelles để ngỏ khả năng trừng phạt Cam Bốt về thương mại.
Biểu ngữ có hình ông Kem Sokha, lãnh đạo Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt, tại Phnom Penh, ngày 17/11/2017. Reuters/Samrang Pring
AFP cho hay, tối 16/11, Nhà Trắng ra thông cáo kêu gọi "chính phủ hoàng gia Cam Bốt hủy các biện pháp mới đây chống lại đảng Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt, trả tự do cho lãnh đạo của đảng này, ông Kem Sokha, cho phép các đảng phái đối lập, xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông tiếp tục hoạt động". Hoa Kỳ lên án Cam Bốt thụt lùi về dân chủ, và báo trước sẽ chấm dứt ủng hộ Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Cam Bốt, bởi trong tình trạng hiện nay, "cuộc bầu cử năm tới (2018) sẽ không mang tính chính đáng, không tự do và không công bằng".
Về phần mình, một người phát ngôn của Liên Hiệp Châu Âu cũng nhấn mạnh là cuộc bầu cử Quốc hội Cam Bốt năm 2018 sẽ không có tính chính đáng, nếu không có sự tham gia của đảng đối lập chính, Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt. Liên Hiệp Châu Âu cũng cảnh báo : "việc tôn trọng nhân quyền" là một điều kiện tiên quyết để bảo đảm Cam Bốt có thể tiếp tục được hưởng các điều kiện thương mại ưu đãi của Liên Âu.
Theo phán quyết của Tòa án tối cao Cam Bốt, Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt phải giải thể, do bị khép tội âm mưu tổ chức dân chúng nổi dậy. Hậu quả là đảng này mất đi toàn bộ 489 lãnh đạo dân cử địa phương và 55 ghế nghị sĩ. Các ghế dân biểu bị trống tại Quốc hội sẽ được phân phối cho các đảng nhỏ thân chính quyền.
Trả lời phỏng vấn RFI, nhà chính học Mỹ gốc Cam Bốt Sophal Ear, Đại học Los Angeles, cho biết một số đảng nhỏ đã nhận tiền của chính quyền Hun Sen để kiện đảng đối lập, và kết quả là họ đã "thành công".
Theo ông, quyết định của Tòa án tối cao Cam Bốt trên thực tế chính là quyết định của thủ tướng Hun Sen, bởi chánh tòa là thành viên ban lãnh đạo Đảng Nhân Dân Cam Bốt cầm quyền. "Chúng ta đang chứng kiến những giờ phút cuối cùng của nền dân chủ tại Cam Bốt", ông nói.
Theo các nhà quan sát, cho đến nay, được chính quyền Trung Quốc chống lưng, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tỏ ra không mấy quan tâm đến các áp lực từ phương Tây. Sau vụ chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt bị bắt, hơn một nửa nghị sĩ đảng này đã phải chạy ra nước ngoài để tránh đàn áp, thủ tướng Cam Bốt đe dọa các nghị sĩ đối lập nào không tuân phục sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Trọng Thành
***************
Tòa Campuchia giải thể đảng đối lập chính (BBC, 16/11/2017)
Tòa Tối cao Campuchia đã giải thể đảng đối lập chính, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), trong bối cảnh bầu cử sẽ diễn ra năm 2018.
Thủ tướng Hun Sen nói ông dám cược cuộc đời mình rằng phe đối lập sẽ bị tòa cấm hoạt động
Phe đối lập, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), bị cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền - điều mà đảng này bác bỏ và gọi cáo buộc đó là có động cơ chính trị.
Thẩm phán xem xét vụ việc là đảng viên của đảng cầm quyền, và được trông đợi là sẽ ra phán quyết có lợi cho chính phủ.
Chủ tịch Tòa tối cao, Dith Munty, là thành viên đảng cầm quyền.
Khi loan báo quyết định, chánh án Dith Munty nói CNRP đã thừa nhận tội âm mưu làm cách mạng khi không gửi luật sư tới tòa.
CNRP trước đó tuyên bố bản án bị định sẵn.
Tòa cũng quyết định cấm 118 thành viên CNRP hoạt động chính trị trong 5 năm.
Hơn một nửa nghị sĩ của CNRP trước đó đã chạy khỏi Campuchia vì sợ bị bắt.
Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố các ghế của CNRP sẽ được chia lại cho các đảng thân chính phủ sau vụ giải tán.
Các nhóm nhân quyền đã chỉ trích vụ kiện, vốn được đưa ra ngay trước khi có kỳ tổng tuyển cử vào năm 2018.
Đảng CNRP được coi là đối thủ cạnh tranh với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) hiện đang cầm quyền.
CNRP đã giành thêm được lợi thế trước CPP trong kỳ bầu cử 2013, và là thách thức to lớn nhất cho đảng cầm quyền trong suốt hơn một thập niên nay.
Hồi đầu năm, CNRP thắng thêm ghế ở kỳ bầu cử địa phương, vốn được cho là chỉ dấu về kết quả kỳ bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra vào 7/2018 tới đây.
Tuy nhiên, nếu tòa ra phán quyết bất lợi thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc giải thể đảng CNRP, và các chính trị gia của đảng này sẽ bị cấm hoạt động trong vòng năm năm.
Chính phủ bị cáo buộc là đã trấn áp những tiếng nói chỉ trích và bất đồng chính kiến.
Hồi tháng Chín, lãnh đạo của CNRP Kem Sokha đã bị bắt, bị cáo buộc tội âm mưu cùng Hoa Kỳ lật đổ chính phủ. Ông bị cáo buộc tội phản quốc.
An ninh được thắt chặt bên ngoài trụ sở Tòa Tối cao
Hôm thứ Năm, an ninh được thắt chặt bên ngoài trụ sở tòa án tại thủ đô Phnom Penh, với cảnh sát chống bạo động được triển khai tại đó.
Nhiều đường phố chính của thủ đô bị chặn trong buổi sáng.
Thủ tướng Hun Sen trước đó kêu gọi các nhà lập pháp CNRP hãy bỏ đảng trước khi tòa ra phán quyết.
Ông cũng nói ông tin chắc rằng đảng CNRP sẽ bị giải tán, và nói thêm rằng "tôi dám đánh cược cuộc đời mình rằng điều này sẽ xảy ra".
Hun Sen, một cựu chỉ huy thời Khmer Đỏ và là người đã nắm quyền cai trị Campuchia từ hơn 30 năm nay, là một trong các nguyên thủ tại nhiệm lâu nhất thế giới.
Ông đã đem tới một giai đoạn hòa bình, phát triển kinh tế nhanh chóng cho đất nước, nhưng cũng bị các nhóm nhân quyền, trong đó có Human Right Watch, chỉ trích là một nhà lãnh đạo tàn nhẫn, luôn sử dụng tòa án và các lực lượng an ninh để gạt bỏ và hăm dọa các thành phần chính trị đối lập.
Hồi 2015, lãnh đạo của CNRP khi đó là ông Sam Rainsy đã phải bỏ chạy sang Pháp để khỏi bị bắt về cáo buộc tội phỉ báng.
Ông đã ra khỏi CNRP hồi tháng 2, nhưng hôm thứ Tư tuyên bố sẽ quay trở lại hoạt động chính trị.
Ông Kem Sokha (trái) bị cáo buộc tội phản quốc
Trong những tháng gần đây, chính phủ Hun Sen cũng đã tấn công vào các nhóm có liên hệ với Hoa Kỳ, trong đó có cả các tờ báo và các tổ chức NGO, một phần trong chiến dịch trấn áp những tiếng nói chỉ trích và bất đồng.
Hồi tháng 9, một trong những tờ báo độc lập cuối cùng ở Campuchia, Cambodia Daily, đã bị buộc phải đóng cửa sau khi chính phủ đòi họ phản trả một khoản thuế khổng lồ.
Chính phủ trước đó đã đe dọa sẽ đóng cửa các tờ báo nào giới chức thấy là làm phương hại tới "sự ổn định" ở Campuchia.
********************
Đảng đối lập Campuchia đối mặt với nguy cơ giải tán trong tuần này (RFA, 15/11/2017)
Đảng cứu quốc Campuchia (CNRP), đảng đối lập tại nước này có khả năng sẽ bị giải tán vào ngày thứ năm, 16/11 sau khi có phán quyết của Tòa tối cao.
Chủ tịch đảng cứu quốc Campuchia (CNRP Son Chhay (phải) và người phó bà Mu Sochua (giữa) đứng cùng với những người ủng hộ trong một cuộc tập trung bên ngoài tòa phúc thẩm ở Phnom Penh hôm 26/9/2017- AFP
Người đứng đầu đảng CNRP, ông Son Chhay hôm 15 tháng 11 cho báo giới biết ông không có hy vọng là phán quyết của tòa sẽ khác so với những gì Thủ tướng Hun Sen mong muốn, và vì vậy nhiều khả năng CNRP sẽ bị giải tán.
Ông Son Chhay giải thích hệ thống tòa án của Campuchia không độc lập với chính phủ cho nên việc giải tán đảng theo mong muốn của Thủ tướng là điều gần như chắc chắn.
Hồi cuối tháng 10 vừa qua chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã cáo buộc đảng CNRP có kế hoạch lật đổ chính phủ và đề nghị tòa ra phán quyết giải tán đảng. Chính phủ của ông Hun Sen cũng nói đã có hơn 20 bằng chứng chắc chắn chứng minh đảng CNRP có kế hoạch nổi dậy.
Đảng CNRP đã bác bỏ cáo buộc này.
Thủ tướng Hun Sen đã cầm quyền ở Campuchia trong suốt 32 năm qua. Chiến dịch đàn áp ở Campuchia nhắm vào đảng đối lập của Thủ tướng Hun Sen đã bị quốc tế chỉ trích. Quốc tế cho rằng ông Hun Sen đang muốn giành chiến thắng chắc chắn trong cuộc bầu cử vào năm tới, kéo dài những thời gian nắm quyền của mình ở xứ Chùa tháp.
Trong khi đó, cựu lãnh đạo đảng CNRP đang sống lưu vong là ông Sam Rainsy hôm 15/11 tuyên bố ông sẽ trở lại chính trường.
Ông Rainsy viết trên facebook rằng ông sẽ lại trở thành thành viên của đảng CNRP bắt đầu từ ngày 15/11 trở đi dù cho đảng này có bị giải tán đi chăng nữa.
Ông Sam Rainsy đã từ chức lãnh đạo đảng CNRP hồi đầu năm nay. Người thay ông nắm quyền lãnh đạo đảng là ông Kem Sokha. Chính phủ Campuchia đã bắt ông Kem Sokha hôm 3 tháng 9 với cáo buộc tội phản quốc.
Ông Sam Rainsy hiện đang ở Washington, Hoa Kỳ.