‘Nạn nhân’ đầu tiên và đông đảo hơn cả của cơn ác mộng tan vỡ đặc khu là những nhóm và cá nhân đơn lẻ đầu cơ bất động sản.
Một góc đảo Phú Quốc (screen shot of Vietravel website)
Hết thời điên loạn
Tháng 8 năm 2019, ngay sau khi chính quyền xứ Kiên Giang, với bí thư tỉnh này là Nguyễn Thanh Nghị - con trai của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - thình lình có văn bản chính thức đề nghị Chính phủ ngừng quy hoạch Phú Quốc làm đặc khu để chuyển sang hình thức khu kinh tế đơn thuần, toàn bộ con sóng đầu cơ đất nền ở Phú Quốc đã thêm một lần nữa, sau vài lần tạm thời lắng xuống, đóng băng chính thức.
Niềm hy vọng của giới đầu cơ bất động sản đến sau, những kẻ rơi vào tình thế ‘trâu chậm uống nước đục’ sau khi phải mua lại những miếng đất nền có sổ đỏ và cả đất nông nghiệp phi sổ đỏ với giá đã được những nhóm đầu cơ cá mập đẩy lên hàng vài chục lần trước đó, đã tan thành bong bóng trong nỗi tuyệt vọng chôn vốn mà chẳng biết khi nào mới ‘thoát hàng’ được.
Cơn sốt đất nền của ‘đảo ngọc’ Phú Quốc khởi sự từ năm 2015 và đã diễn tiến thành ít nhất 3 sóng tăng giá vào giai đoạn năm 2015, 2017 và 2018. Từ tình trạng một vùng đất dù có khung cảnh biển khơi thơ mộng nhưng không khí mua bán đất đai lặng như tờ và giá thấp lè tè, bất chợt được những ‘ông lớn’ như Tập đoàn Vingroup đầu tư những dự án khổng lồ để sau đó đất nền được ăn theo. Từ năm 2015 đến nay, mặt bằng giá đất nền chỉ tăng không giảm và đã vọt đến vài chục lần trong một cơn sốt mà chỉ có thể dùng từ ‘điên loạn’.
Cho tới lúc mà Kiên Giang phải chính thức hủy bỏ giấc mộng về đặc khu kinh tế Phú Quốc - động thái rất có thể đã chính thức chấm dứt thời kỳ đầu cơ bất động sản ở Phú Quốc…
Như vậy Kiên Giang đã trở thành địa chỉ thứ hai, sau Quảng Ninh, phải hủy bỏ kế hoạch làm đặc khu.
Vào tháng 6 năm 2019, Quảng Ninh đã phải xin Chính phủ cho Vân Đồn làm khu kinh tế theo cơ chế ‘đặc thù’, thay cho giấc mơ ‘lên đặc khu’ trước đó. Sóng đầu cơ bất động sản ở khu vực này cũng bởi thế chìm lắng từ đó đến nay.
Còn nạn nhân’ thứ hai của vụ hủy bỏ giấc mộng ‘đặc khu Phú Quốc’ và ‘đặc khu Vân Đồn’, nhưng đặc biệt hơn rất nhiều so với các nhà đầu cơ đất đai, chính là tác giả của dự luật Đặc khu một thời đình đám và đầy tai tiếng chính trị.
Ai ?
Đó là giàn dáo giới quan chức đã từng vỗ tay nhiệt liệt khích lệ ‘luật bán nước’ (một tục danh mà dân gian đặc chỉ về dự luật Đặc khu).
Trước khi dự luật Đặc khu được khởi sự ‘lobby’ Bộ Chính trị đảng vào ngay sau tết nguyên đán năm 2018 và được chính thức tung ra Quốc hội vào giữa năm 2018 mà trước đó không thèm hỏi ý kiến dân chúng, quan chức Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh (vào lúc còn chưa ‘mất tích dài hạn’) đã ký một thông báo thay mặt Bộ Chính trị kết luận về chủ trương ‘làm’ các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chính thức mở đường cho một khung pháp lý mà sau này bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt vì cho đó là ‘luật bán nước’.
Đáng chú ý, bản thông báo do Đinh Thế Huynh ký được dựa trên đề xuất của bí thư tỉnh Quảng Ninh - một địa phương giáp biên giới với Trung Quốc - vào thời đó là Phạm Minh Chính. Khi đó, sau những cuộc làm việc đầy ‘tình hữu nghị’ với Đào Nhất Đào - trợ lý của Tập Cận Bình về đặc khu, thậm chí Phạm Minh Chính còn nêu ra đề xuất cho thuê đất đặc khu đến 120 năm, chứ không chỉ là 99 năm !
Sau ‘thành tích’ đề xuất ý tưởng và cả kế hoạch về xây dựng đặc khu Vân Đồn dành nhiều ưu ái cho nhà đầu tư cùng giới tài phiệt Trung Quốc và lại khá tương thích với ý đồ lấn dần lãnh thổ Việt Nam của Bắc Kinh, không hiểu sao Phạm Minh Chính đã lọt vào Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tổ chức trung ương tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.
Dù đã được âm thầm chuẩn bị từ lâu, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như sự đã rồi. Trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu.
Nhưng ngay sau khi dự luật Đặc khu được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị ‘đồng chí tốt’ Trung Quốc lợi dụng để di dân. Một cuộc biểu tình khổng lồ lên tới hàng trăm ngàn người phản đối ‘luật bán nước’ đã nổ ra ở Sài Gòn và lan ra đến một nửa trong tổng số 63 tỉnh thành ở Việt Nam.
Cùng lúc, người dân đã phát hiện ra nguồn cơn vì sao Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nhấn mạnh theo lối áp đặt ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’ : vào thời gian hội thảo về chủ trương đặc khu Vân Đồn ở Quảng Ninh, Nguyễn Thị Kim Ngân nằm trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này và đã ‘nhiệt tình vỗ tay’ dành cho ‘luật bán nước’.
Rốt cuộc, ‘luật bán nước’ đã bị hoãn thông qua Quốc hội vào tháng 6 năm 2018 và hoãn trình ra Quốc hội tại hai kỳ họp cuối năm 2018 và giữa năm 2019, với lý do là luật này chưa ‘chín’ và "chính phủ đang tiếp tục hoàn chỉnh để báo cáo và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh".
Hội chứng ‘Hải Dương 8’
Trong khoảng thời gian ‘luật bán nước’ bị hoãn trình, một tin tức đã lan tràn trong giới cách mạng lão thành ở Hà Nội : Nguyễn Phú Trọng - khi đó còn là tổng bí thư mà chưa ngồi hẳn vào ghế chủ tịch nước của kẻ quá cố là Trần Đại Quang - đã có một cuộc gặp riêng kéo dài đến hai giờ đồng hồ với vài cựu quan chức thân tín để nghe báo cáo về thực chất mất chủ quyền an ninh và bị các nhóm lợi ích lợi dụng đẩy giá bất động sản trong dự luật Đặc khu. Cuối cuộc gặp này, ông Trọng đã thốt lên ‘Nó lừa mình !’.
Dù chưa biết rõ ‘nó’ là ai hoặc những ai, chỉ biết rằng từ giữa năm 2018 đến nay Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính đã ‘chém vè’ mà không một lần nào xuất hiện cổ vũ cho dự luật này như ông ta đã ồn ào khuếch trương trước đây.
Cũng từ đó đến nay, người ta không còn thấy Nguyễn Thị Kim Ngân hiện ra để PR cho luật Đặc khu.
Một sự trùng hợp nhưng không hẳn là ngẫu nhiên là vào thời tháng 5 năm 2019 - khi chính phủ phải hoãn trình ‘luật bán nước’ ra Quốc hội và sau đó tỉnh Quảng Ninh không còn lao theo dự án ‘đặc khu Vân Đồn’ nữa, phía Trung Quốc đã bắt đầu khởi động chiến dịch mà có thể đặt tên là ‘Hải Dương 8’.
Tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 được điều từ nơi khác về đã tiến vào khu vực Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam và lì lợm ở đó từ đó đến nay, gây ra một trận ‘vờn tàu’ và gấu ó ở mức độ vừa phải giữa ‘đảng anh’ và ‘đảng em’ khiến cộng đồng quốc tế phải chú ý.
Cái thây ma ‘luật bán nước’, dù vẫn có tin cho biết đang trường kỳ mai phục để chờ dịp hồi sinh, lại rơi đúng vào bối cảnh ‘chiến tranh dầu khí Việt - Trung’ ở Bãi Tư Chính. Hẳn đó là nguồn cơn chính trị rất trực tiếp mà đã khiến ‘đảng em’ tìm cách phản pháo đối với ‘đảng anh’ bằng cách cho đóng sổ giấc mơ ‘lên đặc khu’ của Phú Quốc và Vân Đồn, khiến giới đầu cơ bất động sản và những quan chức đã ôm đất giá rẻ nhưng chưa kịp ‘thoát hàng’ giá trên trời đành ôm nỗi hận thiên thu.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 16/08/2019
Ghi nhận duy nhất về tính chính danh của chính thể độc tài ở Việt Nam trong cuộc khủng hoảng Bãi Tư Chính lần 3 chỉ là động thái của Bộ Ngoại giao Việt Nam : trong một lần quá hiếm muộn của lịch sử quan hệ gấu ó Việt - Trung, cơ quan cấp bộ này đã hai lần liên tiếp gửi công hàm phản đối Trung Quốc về vụ tàu Hải Dương 8 xâm nhập Bãi Tư Chính và vụ Trung Quốc tổ chức tập trận ở Hoàng Sa.
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Nhưng những đặc trưng còn lại của đảng cộng sản Việt Nam đều thiếu hẳn tính ‘công chính’.
Cho tới nay và mặc dù đã phục hồi sức khỏe, đã tiếp đón các quan chức ngoại giao nước ngoài và xuất hiện đó đây trên cương vị chủ tịch nước, nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn không hề hé răng về vụ Bãi Tư Chính. Tình trạng ‘cấm khẩu’ quá yếm thế như vậy khiến người ta liên tưởng lại vụ Hải Dương 981 vào năm 2014 : năm đó đã dậy lên rất nhiều đồn đoán rằng Nguyễn Phú Trọng đã có đến hai chục lần gọi điện đến Bắc Kinh cho Tập Cận Bình để thương thảo về vụ rút giàn khoan Hải Dương 981, nhưng họ Tập đều kiêu ngạo từ chối tiếp chuyện. Rốt cuộc, Hải Dương 981 đã chỉ rút bởi thế chủ động rút của Trung Quốc sau hơn hai tháng trời hành hạ ‘đảng em’ Việt Nam và con dân nước Việt.
Còn vào năm 2019, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 cũng được Trung Quốc chủ động rút khỏi Bãi Tư Chính sau hơn một tháng ‘chính danh’ của lực lượng hải quân Việt Nam mà đã chẳng thể làm gì, thậm chí còn chẳng dám nói gì trước một kẻ cướp táo tợn lao vào nhà mình.
"Thế 6 cái tàu ngầm lớp Kilo mà Bộ Quốc phòng Việt Nam mua của Nga đi đâu mất mà không ra Bãi Tư Chính ứng chiến với tàu địch ?" - một số người dân cắc cớ hỏi.
Trong lúc viên tướng có tới bốn sao trên cầu vai là Ngô Xuân Lịch vẫn im như thóc, một số người dân khác lại hỏi dồn : "Đừng có nói là mấy cái tàu ngầm lớp Kilo còn phải tác chiến ở Hà Nội, Sài Gòn, Phú Quốc, Đà Lạt… - những nơi đang ngập lụt đến lút đầu !".
Chẳng khác gì Bộ Quốc phòng, cả chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân phúc và quốc hội của ‘tỷ phú áo dài’ Nguyễn Thị Kim Ngân cũng không thốt nổi từ nào để phản đối Trung Quốc - một hiện tượng rất đồng điệu với tinh thần câm nín triệt để vào năm 2014 khi nổ ra vụ Hải Dương 981.
Điều trớ trêu là trong vụ Hải Dương 981, chính là Nghị viện Hoa Kỳ đã khẩn cấp và quyết liệt tung ra một bản nghị quyết về Biển Đông lên án sự can thiệp của Trung Quốc, còn giới quân sự Mỹ đã gợi ý Việt Nam về ‘đối tác chiến lược’ với Hoa Kỳ. Song tất cả đều bị phía Việt Nam lờ đi trong cơn mê sảng đu dây ngả ngớn với Bắc Kinh để cuối cùng đã phải nhận quả báo nhãn tiền.
Còn vào năm 2019, không phải ‘nghị gật’ Việt Nam mà chính là một số nghị sĩ Mỹ tiếp tục chỉ trích và tố cáo Bắc Kinh vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS 1982).
Quả báo nhãn tiền rốt cuộc đã chính danh đến mức trong cả ba vụ Bãi Tư Chính vào các năm 2017, 2018 và 2019, hầu hết các ‘đối tác chiến lược’ - mà giới chóp bu Việt Nam thường tự hào lên đến cả tá - đã chẳng đếm xỉa gì đến cử chỉ cầu cứu của Hà Nội. Cay đắng nhất là ‘đối tác chiến lược’ Tây Ban Nha - nước có Tập đoàn dầu khí Repsol liên doanh với Việt Nam ở mỏ cá Rồng Đỏ, và Cộng hòa liên bang Nga - quốc gia có Tập đoàn dầu khí Rosneft liên doanh với Việt Nam khai thác mỏ Lan Đỏ, đều lặng tăm. Trái ngược hoàn toàn, ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất Trung Quốc’ - như cái cách ca tụng tận mây xanh của Bộ Chính trị Việt Nam - lại trở thành con cá mập hung dữ muốn nuốt trọn Bãi Tư Chính và Biển Đông.
Rốt cuộc, tính ‘chính danh’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam đã được tôn vinh trọn vẹn đến mức nếu không phải là hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ tiến thẳng vào Biển Đông vào ngày 6/8 thì còn lâu, chứ không phải chỉ một ngày sau đó - 7/8, Trung Quốc mới chịu rút tàu Hải Dương 8 ra khỏi Bãi Tư Chính.
Nhưng không chỉ ‘chính danh’ bằng chính sách ‘Ba không’, chính thể ‘đảng em’ Việt Nam còn cần được bổ sung thêm một ‘không’ nữa - một ‘không rất kiên định : Không kiện ‘đảng anh’ Trung Quốc.
Quả là thế, ý chí kiện Trung Quốc đã chỉ lấp ló trên cửa miệng giới quan chức cao cấp Việt Nam vào mỗi lúc bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ về chế độ này ‘hèn với giặc, ác với dân’, nhưng sau đó hồ sơ được xem là ‘kiện Trung Quốc’ lại bị tống vào ngăn kéo đầy bụi bặm. Tâm thế lộn ngược đó khiến cho con dân nước Việt, cứ mỗi khi nhắc tới ‘đảng quanh vinh’ và ‘chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam’, thì lại ngậm ngùi bởi nhớ tới câu thơ ‘Người ta đứng bởi mi quỳ gối’.
Song cũng cần phải châm chước : chính thể độc tài Việt Nam vẫn còn vài đặc thù rất ‘chính danh’ khác : sẵn sàng đàn áp bất cứ tiếng nói bất đồng và người dân nào dám lên tiếng và xuống đường biểu thị tinh thần phản kháng ‘đảng anh’ Trung Quốc, như bao lần đàn áp dã man các cuộc biểu tình của người dân chống Trung Cộng kể từ năm 2011 đến tận giờ đây.
Mùa hè năm 2019, bất chấp vụ Bãi Tư Chính đã bị Bắc Kinh đẩy vào cơn khủng hoảng lần thứ ba trong ba năm liên tiếp, những kẻ ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười Sáu Chữ Vàng’ ở Việt Nam vẫn kiên định rào dây kẽm gai trên các đường phố và xua các lực lượng công an và dân phòng trực chiến liên tục để tác chiến với nhân dân.
Và kiên định không kém khi phát cờ cho ngư dân…
Trong bầu không khí rũ rượi của câu vè ‘ngư dân bám biển, hải quân bám bờ’ vẫn dồn nén châm chích đến buốt tim, giới quan chức mặt lầy mỡ tổ chức phát hàng chục ngàn lá cờ đỏ sao vàng cho những ngư dân xơ xác và thiểu não vì mất biển, mất kế mưu sinh và mất cả lòng tin vào lực lượng ‘quân với dân như cá với nước’, mưu biến những ngư dân này trở thành lá chắn sống lao ra biển đối đầu với tàu vũ trang của địch.
Thế là lại nổi lên một câu vè nữa : "Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động !".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 15/08/2019
Chính phủ các nước phát triển cùng các tổ chức quốc tế tài trợ ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức) hẳn phải rất ngạc nhiên khi các cơ quan Việt Nam giải ngân chậm như rùa bò đối với nguồn vốn này, dù đó được xem là ‘tiền từ trên trời rơi xuống’ mà chẳng phải trích xuất từ bầu ngân sách đang cạn kiệt.
Biểu tình chống Formosa ở Đài Loan. Ảnh minh họa
Các nhà tài trợ có biết sự thật này ?
Vụ việc gần nhất xảy ra vào gần trung tuần tháng 7 năm 2019, khi Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh một lần nữa họp với đại diện của các nhà tài trợ ODA là Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra-đồng Chủ tịch Nhóm Đại sứ các nước về hợp tác phát triển, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, và Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman. Trong cuộc họp này, bị các nhà tài trợ thúc ép, thậm chí cảnh cáo về tình trạng chậm giải ngân vốn ODA trong các dự án đầu tư công, ông Minh đã phải thừa nhận tình trạng giải ngân vốn ODA quá chậm và phải cam kết sẽ kiểm tra và yêu cầu các bộ ngành báo cáo, không để tái diễn tình trạng chậm trễ trong việc ký kết và tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại.
Tuy nhiên, phía Việt Nam đã không cho biết nguồn cơn sâu xa vì sao các bộ ngành nước này lại giải ngân chậm trễ đến thế.
Nhưng với rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những tỉnh thành được nhận vốn ODA để thực hiện loại hình dự án đầu tư công, đã chẳng có gì đáng ngạc nhiên, bởi đã cộm lên quá nhiều dư luận về việc thường xuyên phải ‘chạy’ các cửa thì mới có được dự án viện trợ, và tiếp đó lại phải ‘chạy’ không ít cửa nữa thì dự án mới được các bộ ngành rót tiền.
Danh sách các bộ ngành đó là rất quen thuộc như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước và những bộ ngành chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.
‘Chạy’ càng nhiều, chi càng ‘đậm’ thì càng nhận được nhiều dự án ODA, giá trị ODA của dự án càng lớn và tiền càng mau được giải ngân. Còn nếu không chạy, dự án dù có sẵn nhưng cứ ì ra đó, bất chấp các nhà tài trợ hối thúc và kêu réo.
Cách đây không lâu, vào những năm 2016, 2017 đã có một bằng chứng ác nghiệt về chiêu trò ngâm tiền bồi thường xã hội với động cơ rất ‘trong sáng’. Đó là vụ thủ phạm gây thảm họa xả thải ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung là Formosa bồi thường 500 triệu USD.
Ít nhất 300 tỷ đồng lọt vào túi kẻ nào ?
Tính từ thời điểm hai tháng 7 và 8 năm 2016 khi Formosa bắt đầu chuyển tiền hai đợt để bồi thường cho ngư dân, mỗi đợt 250 triệu USD mà Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đứng ra nhận, mãi đến 8 tháng sau đó số tiền được giải ngân chỉ chiếm 30% trong số 500 triệu USD, và phải nhiều tháng nữa thì gần hết số 500 triệu USD mới được xem là giải ngân xong (nói ‘được xem’ là do tiền chuyển về chính quyền các tỉnh miền Trung, nhưng lại tiếp tục bị một số cơ quan chính quyền ‘ngâm tôm’).
Vì sao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính ‘ngâm’ tiền bồi thường quá lâu như thế ?
Ngay từ đầu khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra "nhận trách nhiệm giữ dùm" 500 triệu USD, đã có dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của cơ chế này, nhất là khi xuyên suốt từ trước đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại là một trong những địa chỉ "bảo kê" rõ rệt nhất cho nạn xả thải của Formosa.
Sau khi giải ngân 30% của 500 triệu USD, với 8 tháng "giữ dùm" số còn lại, lãi tiền gửi ngân hàng của con số 350 triệu USD là ít nhất 300 tỷ đồng (tính theo kỳ hạn tiền gửi 3 tháng, lãi suất 5%/năm). Số tiền lãi này bằng đến phân nửa so với tiền "tạm ứng" đợt đầu cho một tỉnh miền Trung.
Số tiền lãi 300 tỷ đồng trên thuộc về ai ? Có phải theo "thông lệ" đã chui vào túi giới quan chức "ăn của dân không chừa thứ gì" mà không tính vào tiền bồi thường cho ngư dân ? Hẳn đó chính là nguyên do sâu xa để Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cố ý "ngâm" tiến độ bồi thường cho ngư dân càng chậm càng tốt.
Vụ ‘ngâm tôm’ rất đáng nghi ngờ và dã man trên chỉ buộc phải đi đến chỗ kết thúc sau khi mạng xã hội, chứ không phải báo chí quốc doanh, cùng người dân miền Trung lên tiếng mạnh mẽ và phẫn nộ tố cáo thái độ chây ì cực kỳ vô trách nhiệm của các bộ ngành và các cấp chính quyền địa phương liên quan đến tiền bồi thường.
Trong thực tế, dư luận từng phản ánh rất nhiều về hiện tượng nhiều cơ quan Việt Nam đã dùng tiền được ngân sách cấp và tiền từ tài trợ ODA của quốc tế (chi cho các chương trình kinh tế và xã hội) để gửi ngân hàng lấy lãi riêng cho các cơ quan này chứ không tính vào khoản chi kinh tế - xã hội theo đúng nguyên tắc tài chính. Có dấu hiệu một số cơ quan còn cố ý kéo dài việc triển khai chương trình xã hội để thu lãi tiền gửi ngân hàng càng nhiều càng tốt.
Một trong những lĩnh vực thường bị lạm dụng như trên là nông nghiệp - phát triển nông thôn. Một trong những địa chỉ bị dư luận phản ánh là "dịch vụ cầm đồ" cho những khoản tiền gửi thu lợi riêng bất chính như thế là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - tổ chức tín dụng mà đã trở thành quán quân trong giới ngân hàng Việt Nam có số vụ vi phạm pháp luật kinh tế nhiều nhất và số lãnh đạo bị bắt cao nhất.
Có lần, Đại sứ Ireland tại Việt Nam đã phải gửi thư đến các chóp bu Việt Nam, phàn nàn về sự chậm trễ giải ngân nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước này hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh giai đoạn 2017-2020. Vụ việc cực kỳ đáng xấu hổ và công phẫn này chỉ được tiết lộ bởi bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội - trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ quốc hội vào tháng 8 năm 2018.
Đến thời trả giá
Từ trước tới nay, ODA do các tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ nước ngoài đều quy định hết sức chặt chẽ về việc chính phủ Việt Nam không được sử dụng số tiền cho vay sai mục đích. Tuy nhiên trong thực tế "đúng quy trình" của ngân sách Việt Nam, tiền vay nước ngoài, đặc biệt là vay vốn ODA, có nhiều dấu hiệu đã bị chi sai mục đích và chi xài vô tội vạ. Tình trạng này rất phổ biến trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cũng từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức "hợp pháp". Thậm chí tỷ lệ "lại quả" ODA còn lên đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010.
Mặc dầu nhiều lần quốc tế đã đề nghị Việt Nam phải có cơ chế giám định độc lập về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, các bộ ngành và chính phủ Việt Nam vẫn nhắm mắt bịt tai. Cứ sau 5-7 năm, một nghị định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA lại được chính phủ ban hành. Nhưng lần nào cũng vậy, chẳng có bất cứ điều khoản nào cho thấy người dân được thông báo đầy đủ những thông tin ODA liên quan đến những dự án về dân sinh, cũng chẳng có chuyện người dân và Xã hội dân sự được đóng góp ý kiến và phản biện đối với những bất cập, bất công và nạn tham nhũng kinh hoàng trong môi trường ODA của giới quan chức. Cho tới nay vẫn không hề thấy bóng dáng của cơ chế giám định độc lập đâu.
Một sự thật cay đắng và công phẫn là vốn tài trợ cho chính phủ Việt Nam để "cải cách luật pháp" và "chống tham nhũng" trong vài chục năm qua từ các nước Tây Âu và Bắc Âu đã hầu như không mang lại kết quả. ODA vẫn là miếng mồi béo bở nhất cho các giới chức tham nhũng ở Việt Nam, còn ‘cải cách’ vẫn ì ra và nạn thâm lạm đâu vẫn vào đấy.
Quá hiển nhiên, đó là lý do vì sao ngay cả những quốc gia được coi là có "thiện cảm" với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với một chính quyền "ăn của dân không chừa thứ gì".
Trong khi cái thói ăn uống ti tiện trên vẫn không hề suy xuyển mà thậm chí ngày càng dày mặt hơn, làm thế nào để "bày tỏ mong muốn tiếp tục được các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn ODA" như một cách nói tha thiết của quan chức phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp với các nhà tài trợ quốc tế vào tháng 7 năm 2019 ?
Những kẻ xin tiền
Lại nhớ 4 năm trước - vào đầu năm 2015 - về chuyến đi Úc thất bại của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Úc Tony Abbott, gương mặt ông Dũng đã xạm hẳn khi ông Tony Abbott không những không quan tâm đến lời chào mua nợ xấu của phía Việt Nam mà còn tuyên bố thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với quốc gia này.
Cho đến nay, dù các bộ ngành vẫn cố tuyên truyền là còn đến 22 tỷ đô la mà Việt Nam đã ký với đối tác quốc tế nhưng chưa giải ngân, sự thật là từ tháng 7/2017 trở đi, Việt Nam phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi như vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ phải chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh khắt khe hơn hẳn, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm.
Sau vài chục năm tận tình đào mỏ ODA, cuối cùng mọi thứ đã đắt gấp đôi. Nếu từ năm 2014, Việt Nam đã gần như trắng tay ODA, thì từ năm 2018 trở đi có thể xem là không còn ‘ODA ưu đãi’ nữa.
Đến lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh… đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn ‘xin tiền’ không biết mệt mỏi và có lẽ chẳng còn mấy liêm sỉ.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 12/08/2019
Một bài viết mang tựa đề rất ấn tượng "Sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà, trách nhiệm của thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng C03, Bộ Công an và các điều tra viên có liên quan" của một tác giả ẩn danh hiện ra trên mạng xã hội vào đầu tháng Tám, 2019 – xảy ra gần như đồng thời với thời điểm "lên tiếng" của phát ngôn viên Bộ Công an là Lương Tam Quang về "cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã phối hợp với Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác định nguyên nhân, hiện chưa có kết quả" – đã vô hình trung tiết lộ nhiều dấu hiệu và dấu vết mang "mùi" gấu ó nội bộ.
Tang lễ Trần Bắc Hà diễn ra hôm 22 tháng Bảy. (Hình : Tiền Phong)
Từ sự mô tả của bài viết trên về quá trình tạm giam Trần Bắc Hà từ Trại giam T16 của Bộ Công an, sau đó chuyển sang Trại 771 của Cục Điều Tra Hình Sự Bộ Quốc phòng, việc Trần Bắc Hà bị đối xử rất thiếu "nhân quyền" và sau đó phải tuyệt thực đến chết, cùng tên và chức danh một số điều tra viên phụ trách vụ án Trần Bắc Hà chi tiết đến mức cứ như thể tác giả là người trong cuộc, tận mắt nhìn thấy toàn cảnh vụ Trần Bắc Hà đã chết như thế nào…
Có thể xác định gần như chắc chắn là bài viết này được đạo diễn, viết ra và loan tải công khai trên mạng xã hội bởi một số, nếu không muốn nói là một thế lực chính trị trong nội bộ đảng. Hiện tượng này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong khoảng một thập niên qua và đã dẫn đến một kết luận như đinh đóng cột rằng, chỉ có những tác giả nằm sâu trong nội bộ đảng mới có được thông tin sắc đến thế.
Một khi bài viết trên có nguồn tin từ nội bộ đảng, có thể cho rằng tính xác cứ của một số thông tin trong bài viết này là đáng tham khảo hoặc đáng tin cậy.
Hình thức thông tin này cũng rất giống cách thức đưa tin của trang mạng Chân Dung Quyền Lực về Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh trong những ngày gần đất xa trời vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 (bệnh viện ở Mỹ nơi ông Thanh điều trị, tình trạng sức khỏe của ông Thanh, số hiệu chuyến bay và ngày giờ chuyến bay đưa ông Thanh về Đà Nẵng, cái chết thực thể của ông Thanh trong lúc báo chí nhà nước vẫn ra rả dẫn lời quan chức quản lý y tế về "tau khỏe mà, có chi mô"…).
Hoặc cũng khá giống với cách thức đưa tin của một vài trang mạng xã hội về Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh (đi chữa bệnh ở Pháp, chuyến bay về Việt Nam, nhân vật đóng thế Phùng Quang Thanh…).
Việc kiểm nghiệm lại thông tin của trang mạng Chân Dung Quyền Lực sau khi Nguyễn Bá Thanh được chính quyền thông báo chính thức qua đời, cũng như kiểm nghiệm lại thông tin mạng xã hội sau khi Phùng Quang Thanh chính thức "biến mất" khỏi chính trường kể từ khi trở về từ Pháp, đã cho thấy những thông tin trên mạng xã hội là cơ bản phù hợp với thực tế diễn biến của hai vụ việc đình đám đó.
Nhưng vào lần này, có sự khác biệt cơ bản giữa một kết luận rất quan trọng của bài viết "Sự thật cái chết của Trần Bắc Hà…" của tác giả ẩn danh với những gì xảy ra ngay sau cái chết này.
Tuyệt thực hay bị diệt khẩu ?
Bài "Sự thật cái chết của Trần Bắc Hà…" đã chỉ xoáy vào trách nhiệm của Bộ Công an đối với cái chết của Trần Bắc Hà mà không hề nói đến trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, dù Trần Bắc Hà chết trong trại tạm giam 771 của Bộ Quốc phòng chứ không phải trong trại tạm giam của công an.
Vì sao thế ? Phải chăng tác giả, hoặc nhóm tác giả của bài viết này được đạo diễn bởi một bàn tay nào đó bên quân đội ?
Cũng theo bài viết trên, nguyên nhân Trần Bắc Hà chết là do tuyệt thực – khác với đồn đoán đã dậy sóng về việc Trần Bắc Hà bị đầu độc hoặc bị ám sát trong trại giam nhằm diệt khẩu. Nếu quả đúng là Trần Bắc Hà chết do tuyệt thực, đó là nguyên nhân dễ chịu nhất để khi bị quy trách nhiệm về việc để Trần Bắc Hà chết trong thời gian bị tạm giam, trại giam đang "phụ trách" Trần Bắc Hà (Trại 771) và cấp trên của nó (Cục Điều Tra Hình Sự Bộ Quốc phòng) sẽ phải chịu mức kỷ luật nhẹ nhàng nhất.
Thế nhưng lại có dấu hiệu về cái chết của Trần Bắc Hà không phải do tuyệt thực.
Vào ngày 18 tháng Bảy khi Trần Bắc Hà được báo chí nhà nước, có thông tin từ nguồn tin nào đó trong nội bộ, bất ngờ cho biết ông ta "tử vong ngoại viện". Một số tờ báo thậm chí còn khẳng định Trần Bắc Hà chết do bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, hoặc do bệnh cao huyết áp – những bệnh lý mà hẳn báo nhà nước đã được ai đó mớm cho để đăng tải nhằm định hướng dư luận rằng cái chết của Trần Bắc Hà là rất bình thường.
Thế nhưng từ đó đến nay lại không có bất kỳ lời nhận xét nào của bệnh viện quân y 105 – nơi Trần Bắc Hà được đưa đến cấp cứu, cũng chẳng có bất kỳ thông tin nào từ cơ quan pháp y về nguyên nhân gây ra cái chết của Trần Bắc Hà, trong khi việc khám nghiệm tử thi và đưa ra kết luận là quá đơn giản với các cơ quan này, nếu quả đúng Trần Bắc Hà đã tuyệt thực mà chết.
Chỉ đến cuối tháng Bảy năm 2019, không phải Cục Điều Tra Hình Sự Bộ Quốc phòng mà là Trung Tướng Lương Tam Quang (phát ngôn viên của Bộ Công an) cho báo chí biết là việc giảo nghiệm tử thi (khám nghiệm tử thi) được chủ trì bởi Bộ Quốc phòng.
Vì sao việc giảo nghiệm tử thi được chủ trì bởi Bộ Quốc phòng mà không phải bởi Bộ Công an, trong khi Trần Bắc Hà bị bắt bởi công an chứ không phải quân đội ? Và vì sao Trần Bắc Hà được thông báo chết ngày 18 tháng Bảy, đã được chôn cất sau đó nhưng đến cuối tháng Bảy mới có tin về giảo nghiệm tử thi ? Phải chăng đã có nghi ngờ về cái chết này không phải là "tự chết" mà bởi một nguyên do ẩn khuất ?
Những câu hỏi trên lại cần được khớp nối với những dấu hỏi trước đó vào lúc hiện ra thông tin Trần Bắc Hà "tử vong ngoại viện" : Vì sao Trần Bắc Hà bị bắt bởi công an nhưng lại chuyển sang giam tại trạm tạm giam quân đội chứ không phải trại tạm giam công an ?
Phải chăng vụ án Trần Bắc Hà không chỉ thuần túy do những sai phạm kinh tế mà còn liên quan, hoặc liên đới rất sâu đến cả nội bộ đảng và nội bộ cao cấp bên quân đội ? Hoặc thuộc loại án "an ninh quốc gia" nhưng nằm trong tuyến phụ trách của Tổng Cục 2 (Tổng cục tình báo quân đội) chứ không phải thuộc trách nhiệm của Bộ Công an ?
Hay do "Tổng Tịch" Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà đã không thật sự tin cậy vào các trại giam của Bộ Công an – nơi mà vẫn có thể còn ủ nguyên "đội hình chiến lược" các quan chức công an được bổ nhiệm từ thời Nguyễn Tấn Dũng, nên phải lệnh chuyển Hà sang trại giam quân đội – khu vực mà Trọng có vẻ nắm chắc quyền bính hơn ?
Và nếu Trần Bắc Hà không phải chết do tuyệt thực thì ông ta đã bị ai giết ?
Trong khi vụ Trần Bắc Hà đã xuôi tay khó bề nhắm mắt vẫn chìm trong màn sương mù mờ đục lạnh lẽo, Nguyễn Phú Trọng đã mất đi một nguồn thông tin và cũng là nhân chứng cực kỳ quan trọng nhằm phục vụ cho quy trình tố tụng hình sự những cái bóng thấp thoáng sau lưng Trần Bắc Hà.
Bầu không khí vụ án, hoặc kỳ án Trần Bắc Hà, đang trôi ngược về thời gian cuối năm 2014, phảng phất hương hồn Nguyễn Bá Thanh sau khi lan tràn đồn đoán ông ta bị đầu độc.
Và cả hương hồn của những kẻ còn sống sót. Sát cạnh "tử thi ngoại viện" Trần Bắc Hà…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 11/08/2019
Trong khi vẫn chưa biết nguyên nhân nào đã khiến Trung Quốc rút tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 ra khỏi khu vực Bãi Tư Chính vào ngày 7/8/2019, một ẩn số kèm thách thức mới dành cho giới chóp bu (chứ không phải người dân) Việt Nam là Hải Dương 8 sẽ ‘một đi không trở lại’ và đặt dấu chấm hết cho chiến dịch ‘tống tiền’ của Bắc Kinh đối với các lô dầu khí ngon lành mà Việt Nam cùng các đối tác Tây Ban Nha và Nga đang khai thác ở Bãi Tư Chính, hay chỉ là chiến thuật rút tàu tạm thời để rồi sau đó hoặc cho tàu Hải Dương 8 quay trở lại Bãi Tư Chính, hoặc thay thế tàu này bằng một tàu khảo sát địa chất khác có tầm vóc tương đương hoặc vượt trội Hải Dương 8.
Giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB (Đông Phương 13-2 CEPB) của Trung Quốc - Ảnh : Southcn.com
Rút tàu hay chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ ?
Hay ứng với kịch bản được cho là tồi tệ nhất hiện nay, nếu chưa tính đến kịch bản Trung Quốc gây ra một cuộc xung đột quân sự trên biển với lực lượng tàu chiến áp đảo hải quân Việt Nam, là tàu Hải Dương 8 sẽ được thay thế bằng một giàn khoan lớn, tức ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất của Việt Nam’ chẳng còn muốn ngụy trang bằng việc thăm dò khảo sát địa chất biển nữa, mà sẽ lao thẳng vào Bãi Tư Chính nhằm ăn cướp dầu - nguồn tài nguyên thên nhiên gần như duy nhất còn lại để chính thể độ tài ở Việt Nam dùng để nuôi đảng…
Vẫn chưa có gì đáng để giới chóp bu Việt Nam ăn mừng trước tin tức Trung Quốc rút tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 khỏi Bãi Tư Chính.
Nếu kịch bản tồi tệ trên xảy ra, những quan chức Việt vẫn tụng niệm ‘Bốn Tốt’ và Mời sáu Chữ Vàng’ sẽ đối phó ra sao ? Nếu chỉ với tàu Hải Dương 8 mà hải quân Việt Nam còn bất lực và Bộ Chính trị Việt Nam còn lúng túng như gà mắc tóc trên cả trường quốc tế lẫn quốc nội, thì làm cách nào có thể đẩy đuổi cả một giàn khoan khổng lồ được hộ vệ bởi hàng trăm tàu chiến của Trung Quốc ?
Kịch bản tồi tệ trên không phải chỉ là một dự báo mang tính phòng xa, mà trong thực tế đã có những cơ sở khá gần về tính nguy cơ và về mặt địa lý.
Đông Phương có tái hiện Hải Dương 981 ?
Vào tháng 4 năm 2019, Trung Quốc đã thình lình tung ra động thái đưa giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai là Đông Phương vào Lưu vực Yinggehai ở Biển Đông. Giàn khoan này nặng 17.247 tấn, tương đương với 10 nghìn chiếc xe ôtô thông thường và rộng bằng một sân bóng đá và không thua kém gì giàn khoan Hải Dương 981 mà đã ngự trị ở Biển Đông trong năm 2014. Vụ Đông Phương hờm sẵn kịch bản tái hiện hải Dương 981 hiện ra trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sắp công du Hoa Kỳ (nhưng cũng vào tháng 4 đó, ông Trọng bất thần bị một cơn bạo bệnh tại Kiên Giang nên chuyến đi Mỹ của ông ta phải dời lại).
Vào thời điểm trên, chiến thuật ép và lấn từng bước của Trung Quốc là quá dễ nhìn ra : tùy thuộc vào thái độ của Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình ra sao và liệu Trọng có ‘đi Trung trước, Mỹ sau’ hay không mà giàn khoan Đông Phương hoặc nằm yên ở vùng chồng lấn biển hoặc lao thẳng vào hải phận Việt Nam theo đúng cái cách của Hải Dương 981 vào năm 2014 - như một cú tát tai nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị ở Hà Nội, nhất là với những quan chức Việt vẫn còn mộng mị ngủ ngày mà đã biến thành cơn mê sảng bi kịch trong thói đu dây quốc tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Song trong vụ Hải Dương 981, nguồn cơn chính yếu lại là ‘chiến tranh dầu khí’. Vào thời điểm đó, đã xuất hiện những kế hoạch khai thác dầu khí ở giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với những đối tác nước ngoài là Repsol (Tây Ban Nha) tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở vùng biển Đông Nam, và với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga tại mỏ Lan Đỏ, cũng như bắt đầu có kế hoạch thăm dò khai thác với tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ tại mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Biến cố Hải Dương 981 đã kéo dài suốt vài tháng và gây ra một cơn chấn động lớn trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng trong lúc toàn bộ đảng này không hề dám có một phản ứng ra mặt nào mà chỉ im thin thít, còn quốc hội cũng không phát ra nổi một nghị quyết về Biển Đông mà chỉ nói như vẹt về từ ngữ ‘tàu lạ’, hàng chục ngàn người dân Việt Nam đã rùng rùng phẫn nộ xuống đường biểu tình để phản kháng cú khiêu khích của Trung Quốc thông qua Hải Dương 981. Khi đó, một lần nữa châm ngôn ‘hèn với giặc, ác với dân’ đã ứng nghiệm : làn sóng biểu tình này đã bị chính quyền và công an Việt Nam đàn áp thô bạo và dã man.
Trong suốt thời gian hai tháng trời phải đối mặt với Hải Dương 981, phía Việt Nam đã chỉ ‘vận động thuyết phục’ và đánh võ miệng trên mặt trận ngoại giao, nhưng không dám có bất cứ hành động đủ mạnh mẽ nào nhằm đẩy đuổi giàn khoan Trung Quốc. Thậm chí, cơ hội quá đầy đủ cho việc kiện Trung Quốc theo Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển UNCLOS 1982 cũng không được giới chóp bu Việt Nam tận dụng. Rốt cuộc là giới lãnh đạo Bắc Kinh đã nắm thóp được não trạng chưa đánh đã sợ và tâm lý tác chiến đến mức ‘đái ra quần’ của những đồng chí tốt ở Việt Nam.
Nhân đà đó, Hải Dương 981 đã có một màn khiêu vũ lòng vòng ở biển Đông, hết nằm một chỗ lại di chuyển vòng quanh nhưng chưa chịu ra khỏi vùng chồng lấn. Chỉ sau một thời gian diễu binh như thế, giàn khoan này mới thực sự rút về nước.
Giờ đây, kịch bản Hải Dương 981 hoặc Đông Phương vẫn có thể tái hiện sau vụ tàu Hải Dương 8.
Đánh thì sợ mà không đánh thì chẳng còn ra thể thống gì
Một cách ‘nhẹ nhàng’ nhất, cho dù tuyên bố rút Hải Dương 8 khỏi Bãi Tư Chính, Trung Quốc vẫn có thể cho tàu địa chất này xuất hiện trở lại vào bất kỳ lúc nào, hoặc thay thế Hải Dương 8 bằng những tàu Hải Dương khác, cho đến khi nào chán thì thôi. Trong lúc đó, các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển và tàu thương mại dân sự vẫn thả sức chơi trò ‘vờn tàu’ với phía hải quân và ‘lực lượng ngư dân tự vệ’ được trang bị hàng chục ngàn lá cờ của Việt Nam, và nếu hứng thú thì tổ chức xịt vòi rồng hoặc đâm va…
Đó là một kiểu hành hạ tinh thần giới chóp bu Việt Nam, hệt như cái cách chính quyền và công an Việt Nam đã hành hạ tinh thần và thân xác nhiều người dân bất đồng chính kiến lên tiếng phản đối vô số bất công của chế độ cầm quyền và dám xuống đường chống Trung cộng.
Một khi bộ phim Bãi Tư Chính đã được Trung Quốc công diễn đến 3 lần trong ba năm liên tiếp 2017, 2018 và 2019, thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu cuốn phim này sẽ được tái diễn vào những năm sau, đều đặn mỗi năm một lần hoặc có thể đến hai lần.
Còn nếu Trung Quốc liều lĩnh điều cả một giàn khoan vào Bãi Tư Chính để ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam’ - như cái cách mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã trịch thượng yêu sách với giới chóp bu Hà Nội khi đến Việt Nam vào đầu năm 2018, đó sẽ là một thảm họa với Bộ Chính trị đảng Việt Nam. Đánh thì sợ mà không đánh thì chẳng còn ra thể thống gì.
Chỗ dựa dẫm duy nhất giờ đây của Hà Nội chỉ còn là Hoa Kỳ - đối trọng duy nhất của Trung Quốc tại Biển Đông.
Việc Bộ Ngoại giao Việt Nam mau mắn ra tuyên bố ‘tôn trọng tự do hàng hải’ - đồng thời với động thái hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ tiến vào Biển Đông - đã cho thấy ‘nghĩa cử’ không còn lựa chọn nào khác của một chế độ ‘văn dốt võ dát’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 09/08/2019
****************
Tàu Hải Dương 8 rút nhưng tàu Hải cảnh Trung Quốc vẫn ở gần lô 06.1 (RFA, 09/08/2019)
Mặc dù nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng điều đáng ngại là tàu Hải cảnh của Trung Quốc đến lúc này vẫn quanh quẩn ở khu vực lô dầu khí liên doanh với công ty Rosneft. Ông Greg Poling, Giám đốc trang Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải – trang chuyên theo dõi các tin ở Biển Đông – viết như vậy trên Twitter hôm 8/8.
Hình minh họa. Tàu Hải cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2014 - AFP
Hôm 7/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết nhóm tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển của Việt Nam.
Theo thông tin cập nhật trên Twitter của Phó Giáo sư trường Đại học Hải chiến Hoa Kỳ Ryan Martinson hôm 7/8, tàu Hải Dương 8 đã đến Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, sau khi rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông Ryan Martinson là người đã theo dõi lộ trình các tàu Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam từ hồi đầu tháng 7.
Chuyên gia Greg Poling viết trên Twitter rằng, hiện không rõ việc tàu Hải Dương 8 rút về Đá Chữ Thập là để tiếp nhiên liệu và sẽ quay lại hay sẽ rút hẳn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó cho biết phía Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục theo dõi hành trình của nhóm tàu này.
Trong khi đó, theo Minh Bạch Hàng Hải, từ khoảng giữa tháng 6, tàu Hải cảnh 35111 của Trung Quốc đã xuất hiện ở gần lô dầu khí 06.1 thuộc liên doanh giữa Việt Nam và Nga. Khu vực này nằm gần hơn về phía Bãi Tư Chính so với khu vực mà tàu Hải Dương 8 đã vào.
Theo ông Greg Poling, tàu Hải cảnh của Trung Quốc hiện chưa rút đi và vẫn tiếp tục quấy nhiễu hoạt động ở lô dầu khí 06.1
Bị can Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tử vong bất ngờ hôm 18/7/2019 với nguyên nhân được báo chí trong nước loan là tử vong do mắc bệnh hiểm nghèo về gan. Sau đó trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết cho rằng ông Trần Bắc Hà chết do tuyệt thực và đơn tố cáo Thiếu tướng công an Nguyễn Duy Ngọc là một tác nhân gây ra cái chết cho ông Trần Bắc Hà.
RFA phỏng vấn ông Phạm Chí Dũng, người từng có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng.
Thiếu tướng công an Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 - Bộ Công an. Photo : Sputnik
Diễm Thi : Thưa ông Phạm Chí Dũng, đây là lần đầu tiên có một bức thư tố cáo có tên tuổi rõ ràng được gửi tới các cấp lãnh đạo tố cáo một thiếu tướng công an. Theo ông thì vì sao lại có chuyện này ? Bao nhiêu phần trăm ông tin vụ tố cáo này là đúng ? Ông có nghĩ rằng "tố cáo" do tư thù cá nhân hoặc phe –nhóm "đánh" nhau vì quyền lợi ?
Phạm Chí Dũng : Nói một cách chính xác thì có thể nói đây là một trong những lần hiếm hoi có đơn thư tố cáo mà có địa chỉ, tên tuổi và số điện thoại di động rõ ràng và được công khai lên mạng xã hội. Điều nầy nhắc chúng ta trở lại thời tiền Đại hội XII vào năm 2015 để chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam thì lúc đó cũng có khá nhiều đơn thư tố cáo. Và trong đó có một ít đơn thư tố cáo trong nội bộ đã đưa lên mạng xã hội. Vấn đề hiện nay, thư tố cáo này tố cáo trực tiếp Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục 3 của Bộ Công an về vấn đề để cho Trần Bắc Hà chết trong trại giam.
Tôi thấy vấn đề nầy rất không bình thường. Thứ nhất, Trần Bắc Hà chết trong trại giam 771 là của quân đội nhưng thư tố cáo lại tố cáo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc của Bộ Công an. Theo một bài viết đưa lên mạng xã hội về sự thật cái chết của Trần Bắc Hà thì cho là ông nầy đã được di chuyển từ trại T16 của Bộ Công an sang trại 771 của quân đội. Như vậy, nếu như Trần Bắc Hà chết trong trại giam nào thì cơ quan quản lý trại giam đó phải chịu trách nhiệm chứ tại sao lại tố cáo Nguyễn Duy Ngọc ? Như vậy Bộ Công an có vai trò gì trong cái chết của Trần Bắc Hà ? Trong khi đó, lại không tố cáo Bộ Quốc phòng hay một quan chức nào đó thuộc Bộ nầy vì trại giam 771 là của Cục Điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Đó là một ẩn số lớn.
Theo tôi, nó có vẻ liên quan đến nội bộ của công an. Bên cạnh đó, cũng cần ráp nối với một thông tin nữa là sau Đại hội Trung ương X vào tháng 5/2019 thì bắt đầu sắp xếp cơ bản phần nhân sự các cấp Ủy viên Trung ương để sau đó tiến tới sắp xếp phần nhân sự của cấp Ủy viên Bộ Chính trị vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Tôi nghe nói, trong danh sách Ủy viên Trung ương có Nguyễn Duy Ngọc, Thiếu tướng của Bộ Công an. Còn có thông tin nữa là Nguyễn Duy Ngọc là một trong những ứng cử viên cho chức Thứ trưởng Bộ Công an tại Đại hội XIII.
Như vậy, phải chăng đây là đòn đánh trong nội bộ nhân cái chết của Trần Bắc Hà rồi tung ra những vụ giống như "scandal" liên quan đến các nhân vật lãnh đạo và đơn thư tố cáo những nhân vật đó ?
Vấn đề thứ hai, tôi đang tự tìm hiểu thì ngoài bài viết "Sự thật về cái chết của Trần Bắc Hà" thì đã có một đơn thư tố cáo ký tên là Nguyễn Tất Thắng, cán bộ trại giam 771. Trại giam 771 là của Bộ Quốc phòng. Do vậy, cán bộ trại giam 771 cũng là quân nhân Bộ Quốc phòng chứ không phải là sĩ quan công an. Như vậy, trường hợp xảy ra là người bên quân đội tố cáo người bên công an. Có cái gì đó không hợp lý lắm vì lẽ ra phải tố cáo Cục điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý trại giam. Thêm nữa, lá thư tố cáo này được gởi đến nhiều cấp lãnh đạo nhưng chưa làm rõ được Trần Bắc Hà chết vì cái gì.
Tóm lại, theo tôi nhận xét, có một số điểm rất tương đồng với nhau giữa bài viết "Sự thật về cái chết của Trần Bắc Hà" ở trên mạng xã hội và trong đơn tố cáo mà người ký tên là Nguyễn Tất Thắng, cán bộ trại giam 771. Tôi cho rằng nó xuất phát từ một người hoặc một nhóm người, thậm chí là một thế lực chính trị. Nó logic luôn cả chuyện đưa thông tin từ trong nội bộ ra và cũng chính nhóm người đó hoặc tác giả đó đã chuyển thông tin từ trong nội bộ về cái chết của Trần Bắc Hà vào ngày 18 tháng 7 thì báo chí nhà nước mới có tin để đăng. Nguồn tin này phải từ trong nội bộ, còn độ chính xác như thế nào thì tất nhiên chúng ta không thể kiểm chứng được vì chúng ta cũng chỉ là những người bên ngoài. Kinh nghiệm trước nay cho thấy chỉ vì mục đích tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ thì tin tức nội bộ được tuồn ra.
Diễm Thi : Ngày 1/8, trả lời báo chí về quá trình làm rõ vụ việc bị can Trần Bắc Hà, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang phối hợp với Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chủ trì khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của bị can Trần Bắc Hà. Theo ông thì điều này có bình thường không khi ông Hà chết từ ngày 18/7 ?
Phạm Chí Dũng : Chúng ta cần chú ý là Trung tướng Lương Tam Quang cho biết hôm 1/8 là đang khám nghiệm tử thi, tức là sự việc đang diễn ra và theo ông Quang thì cơ quan khám nghiệm tử thi không phải là Bộ Công an mà là Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chủ trì. Như vậy rõ ràng đây có một sự không bình thường, tức là Trần Bắc Hà được thông báo chết vào ngày 18/7 và sau đó đưa về gia đình chôn cất, có thông tin là đã chôn cất mà đến cuối tháng 7 đầu tháng 8 mới khám nghiệm tử thi. Có nghĩa là lôi xác Trần Bắc Hà lên và khám nghiệm tử thi. Tại sao cơ quan pháp y lại không khám nghiệm tử thi ngay lúc Trần Bắc Hà chết tại bệnh viện 105 của quân đội, đơn giản và dễ dàng hơn nhiều ?
Việc khám nghiệm tử thi như vậy phải chăng cho thấy một số quan chức nào đó hay một cơ quan nào đó không tin Trần Bắc Hà chết một cách bình thường ?
Diễm Thi : Theo báo chí nhà nước thì ông Trần Bắc Hà chết do bệnh. Theo những bài viết trên mạng xã hội thì ông Hà chết do tuyệt thực, bây giờ lại đang khám nghiệm tử thi. Ông có cho rằng sẽ ra một kết quả khác với hai kết quả trên không ạ ?
Phạm Chí Dũng : Tôi nghĩ sẽ khó hoặc không bao giờ cơ quan điều tra công bố kết quả khám nghiệm tử thi ông Trần Bắc Hà, vì đó là việc họ không mong muốn. Thứ nhất kết quả khám nghiệm tử thi được xem là một trong những nội dung được bảo mật của bên công an và quân đội. Thứ hai là khó có thông tin Trần Bắc Hà chết được tung lên trên báo chí nhà nước, tôi nghĩ rằng có một số quan chức trong Bộ công an hoặc trong Bộ quốc phòng hoặc cả hai bộ này không hài lòng, vì họ hoàn toàn không muốn lộ ra thông tin về cái chết của Trần Bắc Hà.
Diễm Thi : Ông đánh giá phe cánh của ông Trần Bắc Hà (hay còn nói là phe của 3X – Ba Dũng) hiện nay ra sao sau cái chết của ông Trần Bắc Hà ?
Phạm Chí Dũng : Có nhiều dư luận về thực lực của phe cánh này. Có dư luận cho rằng họ tan tác từ năm 2016 tức sau Đại hội XII, nhưng cũng có dư luận cho rằng phe này cũng đang ngấm ngầm có sự vận động hậu thuẫn và tập hợp ở khu vực miền Nam để chống lại chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng.
Có điều tôi biết rõ là có một "vướng cản" đủ lớn mà chiến dịch đốt lò từ năm 2016 tới giờ chưa rớ được tới cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí chưa đến được cửa nhà Lê Thanh Hải.
Phe nhóm này đến nay chắc chắn còn tồn tại nhưng thực lực của nó có đủ mạnh để chống chiến dịch đốt lò lâu dài hay không thì lại là vấn đề khác, vì thực ra trước Trần Bắc Hà đã có một đại gia ngân hàng trong nhóm Nguyễn Tấn Dũng là Trầm Bê bị bắt vào tháng 8/2017.
Phải nói đây là vụ đình đám. Là đòn giáng khá mạnh vào phe nhóm của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng con gái ông Dũng. Có thể nói đến khi Trần Bắc Hà bị bắt thì phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng về cơ bản là tan rã.
Diễm Thi : Trong thư tố cáo Thiếu tướng Trần Duy Ngọc có đề cập tin con trai ông Trần Bắc Hà đang trốn ở Lào, ông nghĩ gì về điều này ?
Phạm Chí Dũng :Vụ này làm chúng ta nhớ lại vụ Bùi Quang Huy – Giám đốc công ty Nhật Cường cũng được Bộ Công an cho biết đã bắt, nhưng tới nay vẫn không bắt được và Bùi Quang Huy đã trốn biệt.
Như vậy trong thời gian gần đây đã có ít nhất hai hiện tượng xáo xào trong nội bộ của Bộ Công an.
Hiện tượng thứ nhất liên quan tới Nguyễn Đức Chung bị đánh vì có thông tin Nguyễn Đức Chung có thể trở lại Bộ Công an và làm Bộ trưởng, ngồi ghế Ủy viên Bộ chính trị cho nên bị đánh. Vụ thứ hai là Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc với đồn đoán có thể nhận ghế Thứ trưởng Bộ công an tại Đại hội XIII. Cho nên tổng hợp vụ Nhật Cường, Chung con và vụ Trần Bắc Hà thì thấy trong nội bộ Bộ Công an một lần nữa xáo xào trước Đại hội XII.
Diễm Thi : Là một nhà báo, ông dự đoán truyền thông chính thống sẽ đối phó như thế nào với những bài viết về cái chết Trần Bắc Hà lan truyền trên mạng xã hội như vừa qua ?
Phạm Chí Dũng : Nói về truyền thông nhà nước thì thực ra nó là một thể hỗn tương đầy mâu thuẫn không thống nhất, vì từ khi phát sinh những nhóm lợi ích và những nhóm quyền lực, sau đó là những nhóm quyền lực - lợi ích xen cài với nhau, thì truyền thông nhà nước trở nên cát cứ và phân hóa dữ dội.
Một số ủng hộ phe phái này, một số ủng hộ phe phái kia. Các phe phái không chỉ mượn mạng xã hội mà còn mượn luôn truyền thông nhà nước để tấn công nhau, đấu đá, tranh giành lẫn nhau.
Liên quan đến cái chết của Trần Bắc Hà thì tôi không nghĩ rằng sẽ có những bài viết thống nhất của nhà nước át vụ này đi hoặc mở tung vụ này ra, mà sẽ có một số tờ báo chủ yếu bên công an, quân đội, lực lượng vũ trang sẽ lên tiếng và cho rằng cái chết của ông Hà là do bệnh tật, trong khi đó sẽ có những tờ báo khác muốn khui vụ này ra.
Diễm Thi : Cảm ơn ông Phạm Chí Dũng đã dành thời gian cho RFA.
Diễm Thi thực hiện
Nguồn : RFA, 07/08/2019
Một hiện tượng đáng ngạc nhiên là cho tới lúc này, Nhà nước Cộng hòa liên bang Nga vẫn chưa có bất kỳ một phản ứng công khai nào - dù thể hiện qua kênh ngoại giao hay kênh báo chí - đối với vụ Trung Quốc gia tăng áp lực ‘tống tiền’ tại mỏ dầu khí Lan Đỏ ở vùng biển đông nam Việt Nam.
Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh : China Geological Survey)
Mối nguy hiểm thiệt kép
Lan Đỏ là dự án liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga với VietsoPetro của Việt Nam, cũng là nơi mà Rosneft của Nga cùng một công ty Nhật đang thực hiện hợp đồng khoan mở rộng để thăm dò dầu khí ở vùng biển phía đông nam Việt Nam.
Vụ Bãi Tư Chính bùng nổ từ đầu tháng 7 năm 2019 đã khiến lộ ra một vụ việc khác xảy ra ngay trước đó : vào đầu tháng 6, Trung Quốc bắt đầu có động thái cản trở việc hãng Rosneft của Nga, và hành vi đó kéo dài từ đó đến nay.
Như vậy, quy mô cuộc khủng hoảng Bãi Tư Chính năm 2019 còn vượt hơn cả hai lần khủng hoảng cùng địa chỉ : vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, các tàu hải cảnh Trung Quốc bao vây Bãi Tư Chính để gây sức ép buộc Repsol - công ty Tây Ban Nha liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải rút khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, nhưng chưa đụng chạm trực tiếp đến mỏ dầu khí Lan Đỏ.
Song với vụ cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, được hỗ trợ bởi từ vài ba chục đến mức cao điểm là 80 tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vào khu vực Bãi Tư Chính - gấp nhiều lần so với chỉ khoảng một chục tàu hải cảnh của Việt Nam trong cùng khu vực, có thể hiểu một cách không chính thức hoặc chính thức là chiến dịch mang mục tiêu biến vùng lãnh hải Việt Nam thành ‘vùng tranh chấp dầu khí’ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được Bắc Kinh mở rộng và đánh vỗ mặt cả quốc gia đang được xem là cùng ‘trục’ với Trung Quốc là Cộng hòa Liên bang Nga.
Và còn bứt qua năm 2014, Trung Quốc đang cấp tốc triển khai cấp tốc thiết lập một căn cứ quân sự hải quân lớn tại Cambodia và nằm sát lãnh thổ Việt Nam trong năm 2019. Tình hình này buộc giới quân sự Việt Nam phải cấp tốc điều quân đội và khí tài quân sự nhằm đối phó với ‘mặt trận thứ hai’ của Trung Quốc tại vùng biên giới Campuchia - Việt Nam.
Giờ đây, chính thể độc tài ở Việt Nam thì đang trở thành nạn nhân phải gánh chịu mối nguy hiểm thiệt kép : nguy cơ không chỉ mất mỏ Cá Rồng Đỏ mà có thể cả mỏ Lan Đỏ vào tay Trung Quốc.
Vì sao Nga im lặng ?
Việc mỏ Lan Đỏ nằm trong danh sách khủng hoảng Việt - Trung vào lần này đã lý giải một trong những nguyên do khiến Nguyễn Phú Trọng, khi còn chưa ngồi vào ghế của Trần Đại Quang, đã tiến hành một chuyến thăm Nga vào tháng 9 năm 2018.
Vào khoảng thời gian đó, chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt, chỉ còn biết trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí - chủ yếu vào một số mỏ như Bạch Hổ, Cá Voi Xanh, Cá Rồng Đỏ và Lan Đỏ. Cho dù những mỏ dầu này cũng không thể cứu vãn được sự hao kiệt trữ lượng dầu mà nhiều khả năng sẽ xảy ra trước năm 2025, đó vẫn là một thứ phao cứu sinh dành cho kẻ khốn quẫn vì đang nợ đầm đìa nước ngoài ít nhất 200 tỷ USD.
Thế nhưng bi kịch đang hiện ra một phần tất yếu của nó : Việt Nam không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở phía Nam, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ còn mỗi mỏ Cá Voi Xanh là tạm thời bình an vô sự vì đối tác của Việt Nam là Tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobile của Hoa Kỳ.
Sau hai lần liên tiếp phải tháo chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đến đầu năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt có vẻ ‘khôn ra’ khi tìm cách dựa dẫm vào Công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí ngoài khơi Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách phía đông nam Việt Nam 370 km.
Nhưng vào năm 2018, ngay cả Rosneft của người Nga cũng rơi vào tình trạng cám cảnh như Repsol của Tây Ban Nha khi bắt đầu bị Trung Quốc gây sức ép phải rời bỏ mỏ Lan Đỏ.
Vào tháng Năm năm 2018, 4 tháng trước chuyến đi Nga của Nguyễn Phú Trọng, Rosneft đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Một công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng là Wood Mackenzie cho biết lô này nằm trong khu vực đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra.
Tuyên bố của Rosneft được đưa ra vào lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng cảnh cáo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.
Tuy không nói rõ chi tiết về kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí, nhưng sau cuộc gặp Trọng - Putin đã có thông tin về việc Tổng bí thư Trọng muốn thúc giục Nga cần mạnh mẽ hơn trong kế hoạch khai thác mỏ Lan Đỏ và bảo vệ quá trình khai thác đó. Hẳn là vào lúc đó ông Trọng đã ngửi thấy hơi thở tham lam và thối tha của cái lưỡi bò 9 đoạn khiến cho ông ta đã cảm thấy suýt ngạt thở vì tuyệt vọng trong kế sách tìm dầu thô nuôi đảng.
Trong một cử chỉ không cần kềm chế lòng tham vô độ, Trung Quốc đã cho vẽ lại ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ mà đã ‘liếm’ hầu hết khoảng 67 vị trí có dầu của phía Việt Nam, trong đó có mỏ Lan Đỏ. Bản vẽ mới toanh này sẽ là ‘cơ sở pháp lý’ để Bắc Kinh, trong lúc chẳng cần quái gì đến cơ sở pháp lý nào từ Công ước UNCLOS 1982 về biển, sẽ tiến hành một chiến dịch mới để biến dầu của người thành dầu của mình.
Tuy nhiên, thái độ của người bạn được xem là truyền thống của Việt Nam - Nga Xô viết và nay chỉ còn là nước Nga - lại không hề làm giới chóp bu Việt Nam an tâm. Đơn giản là trong toàn bộ vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Moscow đã giữ im lặng, cho dù quốc gia này vẫn chiếm đến 90% lượng vũ khí cung cấp cho Việt Nam, tính đến thời điểm này.
5 năm sau vụ Hải Dương 981, người Nga lại chẳng có ý kiến gì về vụ tàu Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính. Một lần nữa, giới chóp bu Việt Nam đã trắng mắt : trong khi bị ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc bắt nạt càng lúc càng quá quắt và dồn vào chân tường, chính thể này lại bị hầu hết 11 quốc gia ‘đối tác chiến lược’ còn lại, trong đó có cả Nga, thản nhiên quay lưng như không biết chuyện gì đang xảy ra.
Sự im lặng đầy chủ ý của người Nga đã có thể được lý giải phần nào : Putin đã và đang trở thành một đồng minh thân cận của Tập Cận Bình trong cuộc chiến tranh lạnh đang được khởi động với người Mỹ. Cái hệ trục mới ấy - dù dĩ vãng đã từng xung đột biên giới nhưng giờ đây lại được gắn bó bởi tinh thần ‘chống Mỹ’, có thể sẽ coi mỏ Lan Đỏ chẳng có ý nghĩa gì đáng kể.
Đã có lần Tổng thống Putin thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc bằng cách Nga từ chối công nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 phản đối ‘đường lưỡi bò chín đoạn’, để đổi lại việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014. Sau đó Nga cũng trở nên lạnh lẽo với Việt Nam cứ mỗi khi xảy ra những gấu ó Việt - Trung ở Biển Đông.
Logic của sự im lặng của Nga đang dẫn ra một nguy cơ mới đối với giới chóp bu Việt Nam : nếu Putin và Tập Cận Bình đã hoặc sẽ thỏa thuận được với nhau một lợi ích hoặc một điểm chung chính trị nào đó lớn hơn hẳn lợi nhuận từ mỏ Lan Đỏ, thì cho dù Rosneft là tập đoàn có cổ đông chính là chính phủ Nga, tương lai vẫn sập cửa trước Rosneft để tập đoàn này cũng sẽ phải cuốn cờ tháo chạy khỏi vùng chủ quyền Việt Nam như Repsol đã từng như thế. Còn những cái ghế trong Bộ Chính trị người Việt sẽ mất cả chì lẫn chài ở vùng biển đông nam.
Bị lùa vào trong vùng ánh sáng màu xám bạc chênh chếch nơi đầu Bãi Tư Chính, các tàu tuần tiễu nhỏ của Hải quân Việt Nam và cả ‘lực lượng ngư dân tự vệ’ đi cùng đang rơi một tình trạng giằng xé cực kỳ khó chịu và khó gỡ : chiến thuật ‘vùng xám’ của người đồng chí tốt Bắc Kinh.
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Màu xám chênh chếch
Theo định nghĩa của giới chuyên gia quân sự, chiến thuật "vùng xám", hay còn được gọi là những hành động "dưới ngưỡng chiến tranh", tức là không sử dụng hải quân mà thay bằng những lực lượng quân sự hoặc bán quân sự trá hình tiến hành các hoạt động trên biển nhưng không vượt qua một giới hạn nào đó để không kéo theo phản ứng quá mạnh từ các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài loại hình tàu hải giám và tàu dân quân biển, tàu thương mại dân sự cũng là một thành phần nằm trong chiến thuật ‘vùng xám’ sâu hiểm ấy của Trung Quốc.
Khi cái màu xám chênh chếch của nắng chiều đã ngả sang màu tối trong tiết hè nồng nực nén bão của năm 2019, hiện tượng ngày càng nhiều chấm đen lấm tấm của các tàu dân sự lảng vảng xung quanh tâm điểm là tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 ở khu vực Bãi Tư Chính, cùng với hiện tượng ‘đảng anh’ Trung Quốc điều động thêm tàu nghiên cứu vào khu vực này và cho tập trận máy bay SU-35 trên Biển Đông, chẳng hề phát ra tín hiệu tốt lành nào mà có thể khiến ‘đảng em’ Việt Nam kê cao gối ngủ ngày.
Đã rất rõ là phía Trung Quốc đang chơi một trò rất khó chịu : chiến thuật dân sự – quân sự hỗn hợp.
Một tổng kết của giới nghiên cứu cho biết vào năm 2014, loại hình tàu thương mại dân sự cũng đã xuất hiện trong vụ giàn khoan HD-981, để cùng với các tàu hải giám tham gia trực tiếp chặn đường ngăn cản các tàu kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan.
Còn theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu C4ADS tại Mỹ, đã có tới khoảng 30 tàu thương mại dân sự được cho là hiện diện quanh giàn khoan HD-981 hồi năm 2014, trong đó chỉ có 10 tàu có thể xác định danh tính. Báo cáo được đăng trên trang của Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC) cho biết đã có ít nhất 3 tàu thương mại quốc doanh Trung Quốc tiến hành các hành vi phun nước, đâm va và rượt đuổi các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam. Theo dõi đường đi của các con tàu cho thấy chúng phối hợp với nhau, cũng như phối hợp với các tàu Trung Quốc khác trên thực địa.
Việc Trung Quốc sử dụng tàu thương mại dân sự và tàu dân quân biển trong chiến thuật ‘vùng xám’ cho thấy nhiều khả năng Bắc Kinh muốn kéo dài vụ xâm phạm Bãi Tư Chính, còn kéo dài tới bao lâu thì còn tùy thuộc vào một số yếu tố như Trung Quốc có đạt được mục đích hoặc một phần mục đích gây áp lực buộc Việt Nam phải chia bôi tài sản dầu khí khai thác được, yếu tố về mức độ phản ứng của Việt Nam, yếu tố phản ứng của quốc tế, đặc biệt là của Mỹ, đối với Trung Quốc…
Vậy Việt Nam có gì trong tay để đối phó với ‘vùng xám’ ?
Lực lượng ngư dân tự vệ ?
Trên phương diện giấy tờ, chính thể Việt Nam xem ra chẳng thiếu thứ gì. Và ở mức độ ‘dưới ngưỡng chiến tranh’ mà chưa cần thiết phải nổ súng vào tàu Trung Quốc, Việt Nam cũng có lực lượng ngư dân tự vệ của nó.
Ở mức độ ‘dưới ngưỡng chiến tranh’ mà chưa cần thiết phải nổ súng vào tàu Trung Quốc, Việt Nam cũng có lực lượng ngư dân tự vệ
Trong một lần hiếm hoi, lực lượng dân sự có một chút dân quân trên đã được Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đề cập trong bài "Việt Nam tăng cường lực lượng ‘ngư dân tự vệ’ để đối phó với Trung Quốc" của tác giả Ralph Jennings, vào tháng Tư năm 2018. Bài này cho biết lực lượng ngư dân tự vệ được tăng cường trong năm 2009 khi Quốc hội Việt Nam thông qua một đạo luật cho phép ngư dân tự vệ hộ tống các tàu cá. Theo một nghiên cứu năm 2017 của các học giả thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, 13 đội "ngư quân" (của Việt Nam) yểm trợ hơn 3.000 ngư dân đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa, nhưng Việt Nam tuyên bố chuỗi đảo này là thuộc chủ quyền của mình. Hơn 10.000 ngư dân và khoảng 2.000 tàu đánh cá ở tỉnh Khánh Hòa được cấp ống nhòm hồng ngoại, theo nghiên cứu của Singapore. Việt Nam đã ban hành một nghị định vào năm 2014 để trợ giúp các ngư dân, những người có tàu "công suất lớn hiện đại" - thường là các tàu thép, mở rộng phạm vi hoạt động. Theo nghị định này, các ngân hàng Việt Nam đã cho các ngư dân vay 176 triệu USD để nâng cấp khoảng 400 tàu…
Nhưng trong thực tế, chính thể Việt Nam đã làm được gì cho "lực lượng ngư dân tự vệ" và sử dụng lực lượng này có hiệu quả hay không ?
Sự thật trần trụi và đau đớn
Mặc dù cảnh tượng côn đồ và giết người của tàu Trung Quốc đối với tàu ngư dân Việt đã xảy ra từ rất nhiều năm và đặc biệt từ năm 2011 trở đi, nhưng phải đến tháng Sáu năm 2016 mới lần đầu tiên xuất hiện một quan chức phụ trách các vấn đề liên quan tới ngư dân - ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn - đề cập một cách bình thản "Hơn 4.000 tàu cá Việt Nam gặp nạn với hơn 2.300 ngư dân thương vong, mất tích trên biển chỉ trong hơn hai năm qua".
Ngay cả thời gian gần đây khi Việt Nam có một chút nhúc nhích từ tư thế "đu dây" sang "dựa Mỹ đối Trung", một sự thật trần trụi và đau đớn là giới chóp bu Việt Nam đã chỉ quan tâm đến việc bảo vệ những mỏ dầu và khí đốt phục vụ cho lợi ích cùng sự tồn tại của đảng cầm quyền, trong khi chẳng hề quan tâm đến nhiều cái chết của ngư dân Việt bị bắn giết bởi tàu Trung Quốc.
Một Việt Nam đương đại đang hiện ra trên bản đồ thế giới với câu châm ngôn "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ".
Từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào án ngữ ở Biển Đông năm 2014 khiến hàng ngàn tàu cá của ngư dân Việt phải chịu cảnh nằm bờ treo niêu, cho tới nay lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn không có động tác thực chất và hiệu quả nào để hộ tống ngư dân ra khơi - như cách người Philippines và người Nhật đã làm đúng thiên chức "quân với dân như cá với nước.
Không những tư thế "bám bờ" vẫn kiên định một cách phủ phục đến khó tưởng tượng nơi quân chủng hải quân và cảnh sát biển, những hứa hẹn của chính phủ "cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt" từ giữa năm 2014 đã trôi ngược lên Trung Nam Hải. Sau một thời gian tuyên truyền lẫn tuyên giáo như thể nhà nước sẽ làm tất cả cho ngư dân của mình, một lần nữa trong rất nhiều lần người dân lại mất nốt những hy vọng xót xa còn lại. Bị giới ngân hàng chỉ biết "còn đảng còn tiền" bày ra vài chục loại thủ tục và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều ngư dân khác đã phải nuốt giận rút hoặc hủy hồ sơ vay vốn.
Kết luận thật đắng chát : Lực lượng ngư dân tự vệ của Việt Nam không chỉ phải chịu rủi ro nguy hiểm từ "tàu không rõ quốc tịch", mà còn bị chính những người cùng quốc tịch lừa gạt một cách không thể nhẫn tâm hơn.
Bởi ngay cả những ngư dân vay được ngân hàng và được ngân hàng giải ngân để "đóng tàu sắt" để đối phó với tàu cá và tàu hải giám của Trung Quốc cũng bị chính những doanh nghiệp đóng tàu lừa gạt bằng… vỏ thép Trung Quốc.
Vào năm 2016, bất chấp Nghị định 67 của Chính phủ Việt Nam về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời mà được kỳ vọng sẽ "giúp ngư dân thực hiện giấc mơ đóng tàu to, hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày", đã có đến vài chục tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung - trị giá hàng trăm chục tỷ đồng - vừa đóng mới và đi chuyến biển đầu tiên đã bị hư hỏng, phải nằm bờ. Còn một số cơ sở đóng tàu lại "qua cầu rút ván" khi xảy ra hậu quả đó. Thậm chí một trong những doanh nghiệp đóng tàu có nhiều dấu hiệu gian dối như thế lại thuộc… Bộ Công an.
Nhưng cho tới nay, đã chẳng có bất kỳ doanh nghiệp đóng tàu gian dối nào bị truy tố. Về thực chất, kế hoạch "đóng tàu sắt" của Việt Nam cho tới nay đã gần như phá sản, hoàn toàn trái ngược lại với hình ảnh hàng chục ngàn tàu sắt của ngư dân Trung Quốc được Bắc Kinh trang bị đến nơi đến chốn để ồ ạt đánh bắt cá ở Biển Đông và còn xông thẳng vào vùng hải phận Việt Nam trước cơn "ngủ ngày" của Hải quân và Cảnh sát biển nước Việt.
Song vẫn chưa hết.
Vào khoảng thời gian hàng đàn tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính, ngư dân Việt không chỉ bị hành hạ bởi kẻ cướp bên ngoài mà còn bởi ‘nội xâm’ bên trong : theo quy định mới trong Luật Thủy sản 2017 và Công văn số 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25 tháng 3 năm 2019, tàu cá có chiều dài dưới 15 m không được ra vùng biển xa bờ, mà chỉ được phép khai thác trong phạm vi 60 hải lý. Quy định ‘hành là chính’ này đã khiến hàng ngàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam không thể ra khơi, chủ tàu phải chịu lỗ, còn ngư dân thì mất việc.
Vậy thì lấy đâu ra tinh thần và vật chất cho ‘lực lượng ngư dân tự vệ’ để lao thuyền ra Biển Đông đối đầu với hàng ngàn tàu sắt kiên cố của Trung Quốc ? Hay lại ‘chống ngập bằng lu, chống giặc bằng cờ’ theo lối chính quyền phát miễn phí hàng chục ngàn lá cờ đỏ sao vàng cho những ngư dân đang muốn bục mặt vì lo lắng và sợ hãi, vừa thuyết mị vừa gây áp lực buộc họ phải xông lên nơi đầu sóng ngọn gió, trong lúc những quan chức cao cấp của đảng như Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng vẫn uốn mình sang Bắc Kinh ‘triều kiến’ và học hỏi về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc lẫn cái vùng xám của ‘đại cục’ ở Biển Đông, còn Bộ Giao thông Vận tải thì ra sức ‘cõng rắn cắn gà nhà’ bằng cách mời mọc và bảo vệ cho nhiều chục doanh nghiệp Trung Quốc tấn công vào mảng xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam và có thể cả dự án đường sắt cao tốc chạy từ Sài Gòn đến tận… Trung Quốc ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 05/08/2019
Hai tuần sau khi được báo chí nhà nước thông tin ‘tử vong ngoại viện’ vào ngày 18/07/2019 cùng lời phát ngôn như thể thanh minh của lãnh đạo Quân y viện 105 ‘Bệnh viện không tác động gì về mặt chuyên môn đối với ông Trần Bắc Hà’ và ‘Bệnh viện không chịu trách nhiệm pháp y’, cái chết của nhận vật từng một thời đình đám ‘lưu manh ngân hàng’ đồng thời là ‘cánh tay mặt của Nguyễn Tấn Dũng’ vẫn còn nguyên ẩn số với mối nghi ngờ rất lớn về yếu tố thực chất của nó.
Trần Bắc Hà thời còn làm chủ tịch BIVD. (Hình : Screenshot từ VietnamFinance.vn)
Những dấu hỏi phát sinh
Ngày cuối tháng 7 năm 2019, Bộ Công an một lần nữa ‘lên tiếng’ về cái chết của Trần Bắc Hà, sau một thời gian khá dài gần như bị ‘á khẩu’.
"Hiện nay Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đang chủ trì khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của bị can Trần Bắc Hà" - Trung tướng Lương Tam Quan, Chánh văn phòng Bộ Công an nói như thế khi trả lời câu hỏi của báo giới về nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tuy nhiên tướng Quang lại thòng thêm câu "cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã phối hợp với Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác định nguyên nhân, hiện chưa có kết quả".
Lương Tam Quan luôn khiến nhiều người nhớ về ông ta như một người phát ngôn ‘chưa có thông tin’ trước dư luận và báo chí đã trở nên rất sôi động trong hai lần rộ lên thông tin về vụ Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị bắt tại cửa khẩu biên giới Singapore - Malaysia vào tháng Giêng năm 2018, và vụ Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh bị ‘câu lưu’ vào tháng 3 năm 2018. Trong ít nhất hai lần đó, tướng Quang hoặc bị ‘hố’ nặng, hoặc đã trở thành dẫn chứng rất tiêu biểu cho tình trạng cực kỳ thiếu minh bạch thông tin trong hoạt động của Bộ Công an.
Còn vào lần này, lại một lần nữa tướng Quang ‘chưa có thông tin’. Vậy vì sao vào lúc Trần Bắc Hà chết, một số tờ báo nhà nước đã mau mắn đưa tin nguyên nhân tử vong là do bị bệnh gan và cao huyết áp - những bệnh lý quá sức đơn giản đối với công tác pháp y, nhưng cho tới nay cả hai cơ quan Cảnh sát điều tra công an và Cục Điều tra hình sự quốc phòng vẫn chưa ‘điều tra’ làm rõ được ?
Phải chăng đã có một khuất tất đủ lớn hoặc đủ ghê gớm nào đó mà đã khiến các cơ quan trên không chỉ ngậm tăm trong suốt thời gian qua mà còn chẳng dám hứa hẹn gì về việc sẽ thông tin về nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà trong thời gian tới ?
Dấu hỏi trên lại khiến người ta nhớ lại những dấu hỏi khác đã hiện ra ngay vào lúc có tin Trần Bắc Hà ‘tử vong ngoại viện’ : từ bản tin của báo Tuổi Trẻ về cái chết của Trần Bắc Hà đã lần đầu tiên cho biết Hà chết trong khi đang ở trong trại giam quân đội tại Sóc Sơn (Trại 771), phải chăng vụ án Trần Bắc Hà không chỉ thuần túy do những sai phạm kinh tế mà còn liên quan, hoặc liên đới rất sâu đến cả nội bộ đảng và nội bộ cao cấp bên quân đội ? Hoặc thuộc loại án ‘an ninh quốc gia’ nhưng nằm trong tuyến phụ trách của Tổng cục 2 (Tổng cục tình báo quân đội) chứ không phải thuộc trách nhiệm của Bộ Công an ? Hay do ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà đã không thật sự tin cậy vào các trại giam của Bộ Công an - nơi mà vẫn có thể còn ủ nguyên ‘đội hình chiến lược’ các quan chức công an được bổ nhiệm từ thời Nguyễn Tấn Dũng, nên phải lệnh chuyển Hà sang trại giam quân đội - khu vực mà Trọng có vẻ nắm chắc quyền bính hơn ?
‘Mùi’ gì từ một bài viết ẩn danh ?
Trong khi những dấu hỏi trên chưa có cơ may nào được làm rõ, trên mạng xã hội đã xuất hiện bài viết mang tựa đề rất ấn tượng "Sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà, trách nhiệm của thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng C03, Bộ Công an và các điều tra viên có liên quan" của một tác giả ẩn danh.
Theo tác giả này, việc chuyển bị can sang tạm giam tại Trại 771 chỉ áp dụng đối bị can trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, chuyên án ma tuý, hoặc vụ án mà bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bí mật nhà nước...
Cũng theo tác giả này, việc không cho phép bị can Trần Bắc Hà được hưởng quyền của bị can theo luật định, việc chuyển bị can sang Trại 711 không đúng quy định để giam giữ theo hình thức biệt giam trong những ngày hè nắng nóng... của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 rõ ràng có đủ dấu hiệu mặt khách quan của hành vi sử dụng nhục hình, song là cách dùng nhục hình hết sức tinh vi, lách luật nhằm gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với bị can Trần Bắc Hà. Hành vi này đã xâm phạm quyền con người, vi phạm Công ước Chống tra tấn là 01 trong 09 Công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1987 ; bị cấm trong hoạt động điều tra được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 về những hành vi bị nghiêm cấm là : "Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân".
Đáng chú ý, bài viết trên đã mô tả về quá trình tạm giam Trần Bắc Hà từ Trại giam T16 của Bộ Công an, sau đó chuyển sang Trại 771 của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, việc Trần Bắc Hà bị đối xử rất thiếu ‘nhân quyền’ và sau đó phải tuyệt thực đến chết… rất chi tiết đến mức cứ như thể tác giả là người trong cuộc, tận mắt nhìn thấy toàn cảnh vụ Trần Bắc Hà đã chết như thế nào.
Bài viết trên đã xuất hiện gần như đồng thời với thời điểm ‘lên tiếng’ của người phát ngôn Bộ Công an là Lương Tam Quang - như một đòn phản bác dữ dội vào bộ này.
Mặc dù nhiều chi tiết của tác giả ẩn danh trên được cho là rất khó để kiểm chứng về tính xác thực của chúng, nhưng sự xuất hiện của bài viết rất chi tiết này - vào đúng lúc hai cơ quan điều ta của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có vẻ còn đang lúng túng chưa biết nên công bố nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà là do đâu hay ai đã làm cho Trần Bắc Hà phải ‘tử vong ngoại viện’ - đã khiến nồng lên một thứ mùi rất đặc trưng : mùi đấu đá phe phái.
Hầu như có thể chắc chắn là bài viết của tác giả ẩn danh trên - lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội - sẽ trở thành tâm điểm ‘điều nghiên’ của không chỉ hai cơ quan Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, mà còn có thể gây xáo động trong phòng họp của Bộ Chính trị đảng và các phòng họp cơ mật khác.
Cách đặt vấn đề và lối hành văn dẫn dắt chi tiết của bài viết trên còn cho thấy tác giả - mà đứng phía sau có thể là một lực lượng chính trị trong nội bộ đảng cầm quyền - không chỉ dừng lại ở việc quy kết ‘trách nhiệm hình sự’ đối với Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, mà còn có thể sẽ nêu ra những cái tên khác, ở cấp cao hơn.
Cái chết ‘tử vong ngoại viện’ của Trần Bắc Hà cũng bởi thế nhiều hứa hẹn trở thành một cái cớ xác đáng để thổi bùng một cơn địa chấn không mấy êm dịu vào thời kỳ ‘toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 13’, đặc biệt trước thềm những hội nghị trung ương quyết liệt ‘làm nhân sự’ sẽ diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 02/08/2019
********************
Bộ Công an vẫn đang xác minh nguyên nhân cái chết của ông Trần Bắc Hà (RFA, 02/08/2019)
Bộ Công an Việt Nam vẫn đang phối hợp với Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) chủ trì việc khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân cái chết của ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, người vừa qua đời trong trại tạm giam quân đội hôm 18/7 khi đang bị giam giữ để điều tra các sai phạm trong thời gian đương chức.
Ông Trần Bắc Hà, nguyên cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam. Courtesy of thuonggiaoonline.vn
Truyền thông trong nước loan tin hôm 2/8 dẫn lời của Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vào chiều 1/8 tại Hà Nội.
Hôm 18/7 vừa qua, báo chí nhà nước loan tin ông Trần Bắc Hà đột ngột qua đời tại trại tạm giam quân đội ở Sóc Sơn sau 7 tháng bị tạm giam.
Báo trong nước dẫn một nguồn tin không nêu tên xác nhận ông Hà qua đời vì nguyên nhân bệnh lý trước khi đưa vào bệnh viện 105. Ông Hà được nói từng có bệnh về gan trong nhiều năm và từng đi chữa ở nước ngoài.
Mạng báo Thanh Niên sau đó loan tin cho biết cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi ông Trần Bắc Hà vào chiều 18/7. Thân nhân của ông Hà được nói có mặt ở bệnh viện và sẽ đưa thi thể ông này về quê an táng sau quá trình khám nghiệm tử thi.
Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà bị Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố và bắt tạm giam, khám xét nơi ở với cáo buộc vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại điều 206 Bộ luật hình sự 2015.
Ông Hà và 3 thuộc cấp bị nói gây ra sai phạm tại dự án vay vốn chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Trần Bắc Hà được nói là một trong những người thân cận của ông Dũng và là nhân vật nắm ‘tay hòm, chìa khóa’ của ông Thủ tướng lúc đó.
Một cuộc biểu tình công khai, và hơn thế là một cuộc biểu tình rộng rãi nhằm phản đối Trung Quốc do chính quyền phát động vào thời điểm này liệu có thành công ?
Những người này biểu tình chống Dự Luật Đặc Khu, và họ bị bỏ tù.
Đó là một ẩn số rất lớn trong cái phương trình hỗn tạp vừa là ‘đồng chí bốn tốt’ vừa giành giật miếng ăn dầu khí trong quan hệ Việt - Trung.
Mít tinh trong… hội trường ?
Trong nhiều cuộc họp khẩn cấp nhằm đối phó với vụ tàu thăm dò địa chất Hải Dương - 8 được hộ vệ bởi nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển Bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 năm 2019 đến nay, đã có phương án dự định sẽ tổ chức biểu tình phản đối Tung Quốc. Phương án này nhận được ý kiến ủng hộ chủ yếu từ các cơ quan mặt trận, dân vận và đang được ‘trên’ cân nhắc.
Tuy nhiên, tổ chức biểu tình như thế nào - hẹp hay rộng rãi, chỉ huy động các thành phần cốt cán như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ… hay huy động không giới hạn ‘quần chúng nhân dân’, tổ chức ở vài đô thị chính như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hay ở tất cả các tỉnh thành… vẫn đang là những vấn đề còn bàn cãi.
Một số tờ báo nhà nước đã được cài số để sẵn sàng khua khoắng ‘các tầng lớp nhân dân’, chuẩn bị cho một cuộc tổng xuống đường ‘bảo vệ Tổ quốc’.
Nhưng ngay trước mắt, kịch bản có vẻ chiếm ưu thế là tổ chức mít tinh trong… hội trường. Sau đó tùy tình hình mà có đưa cuộc mít tinh đó lên truyền hình hay không.
Cũng như cái cách đã tổ chức mít tinh trong hội trường Nhà Văn hóa thanh niên ở Sài Gòn vào năm 2014 và một cuộc mít tinh khác trước Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, khi nổ ra sự biến giàn khoan Hải Dương 981. Nhưng tất cả chỉ có thể, tức ai đến mít tinh thì chỉ ngồi hoặc đứng chôn chân một chỗ, không có tuần hành hay biểu tình gì hết.
Còn bây giờ trong cơn khốn quẫn của đảng trước ‘bạn vàng’, nguồn tài nguyên vô tận là ‘quần chúng nhân dân’ lại được ngó ngàng. Tuy thế, phương án tổ chức biểu tình rộng rãi, hoặc nói trắng ra là biểu tình ‘cuội’ với thành phần cốt cán là hội đoàn quốc doanh để lôi kéo số đông người dân đi theo nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc phải rút tàu khỏi Biển Đông, chẳng có gì bảo đảm là sẽ không bị ‘thế lực thù địch lợi dụng’. Ý kiến lo ngại này thường thuộc về cánh công an và những quan chức mà nhìn đâu cũng thấy thù địch.
Vậy là phương án chủ động tổ chức biểu tình gặp phải chốt chặn. Bàn tới bàn lui vẫn chẳng ra được phương án nào đỡ bế tắc hơn.
Đảng muốn lo thì lo đi, rồi xem kẻ nào sẽ vỡ mặt !
Câu chuyện tuần hành phản đối Trung Quốc đang trở về bầu không khí của thói lấp ló vừa nói vừa run vào năm 2011 - thời điểm đã nổ ra đợt biểu tình phản đối Trung Quốc đầu tiên sau vụ tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị ‘tàu lạ’ cắt cáp. Khi đó, thậm chí đã xuất hiện một văn bản không số, không dấu, không chữ ký và cực kỳ không chính danh từ phía Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhằm huấn thị cơ chế biểu tình tự phát của xã hội dân sự và dân chúng, nhưng văn bản này đã lập tức trở thành trò cười của thiên hạ.
Tuy nhiên, điều có vẻ lạ lùng đối với chính quyền là vào năm 2019, sự thể đã trở nên khác hẳn. Bất chấp vụ Hải Dương - 8 đã kéo dài cả tháng trời, vẫn không có bất kỳ lời phát động từ bất kỳ tổ chức xã hội dân sự nào ở trong nước về tổ chức biểu tình chống Trung Quốc. Trong khi đó và còn hằn y nguyên não trạng ‘hèn với giặc, ác với dân’, các hàng rào kẽm gai lại được công an và các lực lượng dân phòng, dân quân dựng lên tua tủa trên các đừng phố chính ở Hà Nội và Sài Gòn, cùng hàng đàn bầy chó ngao hờm sẵn ở các góc phố sẵn sàng xồ ra cắn xé những người biểu tình tự phát. Thế nhưng công an đã hoài công mà chẳng phát hiện ra bóng dáng ‘âm mưu biểu tình’ hay người biểu tình nào.
"Lòng yêu nước của nhân dân đã bị lợi dụng và bị phản bội" - đó là nguồn cơn chính yếu mà các tổ chức xã hội dân sự, giới đấu tranh dân chủ nhân quyền phẫn nộ nêu ra, để họ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc biểu tình hay mít tinh nào phản đối Trung Quốc do chính quyền Việt Nam làm đầu trò. Từ nhiều năm qua, hầu hết các cuộc biểu tình tự phát chống Trung Quốc của người dân Việt đã bị chính quyền và công an đàn áp thẳng tay, đánh đập dã man và bắt bớ tràn lan với lý do ‘mọi việc đã có đảng và nhà nước lo’.
"Đừng ngạc nhiên và nghĩ người dân thờ ơ. Chỉ ở cái xứ xở này thì chính quyền mới có cái kiểu hành xử quái gở như những năm qua. Dân xuống đường biểu tình chống tầu Trung Quốc cắt cáp quang : Đánh. Chống dàn khoan HD981 hạ đặt trái pháp : Đánh. Dân biểu tình phản đối Formosa, bảo vệ biển : Đánh. Lên gối, xuống chỏ, đánh vỡ mặt mũi dân, quẳng dân lên xe tàn nhẫn như đối xử với những con vật. Dùng cả báo chí chụp mũ họ là những thành phần phản động, gây rối trật tự công cộng" - Facebooker Đoàn Bảo Châu cay đắng tổng kết.
Vậy thì vào lúc này, trong tình thế nguy ngập từ ‘bạn vàng’ Trung Quốc và không biết đến bao giờ tàu Hải Dương - 8 mới chịu rút khỏi Bãi Tư Chính, thậm chí còn có thể xảy ra kịch bản Trung Quốc kéo luôn một giàn khoan khổng lồ vào khoan dầu tại khu vực này, ‘đảng và nhà nước ta’ hãy ‘lo’ đi !
Xã hội dân sự và những gương mặt trong đó lại chính là đại diện cho một bộ phận không nhỏ người dân, về tâm trạng bức bối với Trung Quốc và cả phản kháng với vô số bất công của chính quyền Việt Nam. Trong bối cảnh mạng xã hội với hơn 70% dân số Việt Nam tham gia và được thông tin và dẫn dắt chủ yếu bởi giới xã hội dân sự chứ không phải bởi các cơ quan chính quyền, việc hầu hết những người hoạt động dân sự tẩy chay hình thức biểu tình hoặc mít tinh phản đối Trung Quốc do chính quyền tổ chức cũng có nghĩa là sẽ lôi kéo một số đông người dân tẩy chay theo.
Một cuộc biểu tình quá muộn màng, nếu có, do chính quyền tổ chức để lên dây cót cho các lực lượng quân sự và công an - bị xem là chết lặng trong nỗi sợ hãi trước kẻ thù - sẽ chỉ có ‘quần chúng nhân dân’ là người của những hội đoàn ‘cánh tay nối dài của đảng’, được đảng trả lương để đứng ra hô khẩu hiệu qua quýt với bộ mặt thản nhiên, xong ai về nhà nấy. Còn tàu Trung Quốc vẫn ung dung ngự trị ngay trước mũi Bộ Chính trị đảng Việt Nam như một thách thức không thèm che giấu.
Trong lúc đó, cái khó càng bó… cái ngu. Bất chấp lối tuyên truyền ‘tự sướng’ về Việt Nam có chẵn một tá đối tác chiến lược, bao gồm cả ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ Trung Quốc - theo cách tụng ca chưa biết đứng đã biết quỳ của giới chóp bu Việt Nam, duy nhất Hoa Kỳ là quốc gia tỏ thái độ ủng hộ Hà Nội trong vụ Hải Dương - 8, cũng như Quốc hội Mỹ đã là địa chỉ duy nhất tung ra bản nghị quyết lên án Bắc Kinh can thiệp thô bạo vào Biển Đông trong vụ Hải Dương 981 năm 2014.
Chưa bao giờ chính thể độc tài Việt Nam cùng thói đu dây ngả ngớn đến mức ung thư di căn của nó bị cô độc như lúc này trên trường quốc tế.
Vậy đó, đảng muốn lo thì lo đi, rồi xem kẻ nào sẽ vỡ mặt !
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 31/07/2019