Sau khi bị nghi ngờ về ‘tay trong’ và phải chịu chỉ trích thâm cay không chỉ từ báo chí và dư luận xã hội mà còn từ nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, Bộ Công an đã phải tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 31/5/2019 để thông tin về "ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường, không trình diện, cũng không có mặt ở nơi cư trú kể từ lúc khám xét cho đến khi khởi tố vụ án".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị triển khai Nghị định 01 và ngàn công an vào chiều 7/8. Ảnh : Quang Hiếu
"Sao bắt hàng được mà bắt người thì không ?"
Vẫn là Lương Tam Quang, Chánh văn phòng - Người phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam - quan chức đã được phong hàm Trung tướng sau nhiều lần lập thành tích trả lời theo lối ‘chưa có thông tin gì’ trước báo chí về hàng loạt vụ việc mà đến khi đó đã rõ như ban ngày, như Vũ ‘nhôm’ - tức Trần Đại Vũ mà được đồn đoán có họ hàng với Trần Đại Quang - đào thoát sang Singapore, vụ câu lưu và sau đó là bắt giam Trung tướng công an kiêm ‘anh hùng lực lượng vũ trang’ Phan Văn Vĩnh về tội ‘bảo kê đánh bạc công nghệ cao’…
Theo Lương Tam Quang, do trong thời gian khám xét, Bộ Công an chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy nên chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
"Riêng Bùi Quang Huy, từ lúc khám xét đến lúc khởi tố vụ án, đã không đến trình diện, mặc dù đã vận động gia đình, và cũng không có mặt ở nơi cư trú. Do vậy, ngày 18/5, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Bùi Quang Huy" - tướng Quang giải thích thêm trong cuộc họp báo ngày 31/5.
Nhưng Bộ Công an sẽ lẹo lưỡi ra sao trước câu hỏi "Sao bắt hàng được mà bắt người thì không ? Nhẽ ra lúc đó anh có thể khởi tố vụ án và bị can cùng lúc" của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - một tiếng nói phản biện hiếm hoi trong số gần 500 mái đầu ‘nghị gật’ mà đã bị Bộ Công an gầm ghè vì cái tội ông Nhưỡng lôi tuột ‘thành tích’ tiếp nhận và điều tra quá chậm trễ đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân ra trước mặt báo chí và công luận ?
Một câu hỏi không hề dễ nuốt. Nhưng vẫn chưa hết…
"Khả năng thứ nhất là lộ lọt, qua quá trình triển khai nghiệp vụ để lộ lọt thông tin và bị can biết được nên trốn thoát. Khả năng thứ hai là quy trình không chặt chẽ, quá trình làm việc xác minh chưa chặt chẽ. Khả năng thứ ba là có người nào đó báo tin cho bị can Bùi Quang Huy" - khi kỳ họp Quốc hội mới khai mạc, một đại biểu Quốc hội là ông Lê Thanh vân đã liên tiếp xuất hiện trên mặt một số tờ báo nhà nước với những câu hỏi và nhận định ‘chết người’ dành cho Chung ‘con’ và Bộ Công an.
Rốt cuộc, kẻ nào đã mật báo cho Bùi Quang Huy để ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn ngay trước mũi Bộ Công an, Nguyễn Xuân Phúc và cả ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ?
Có ‘dính’ Chung và Hải ?
Hàng loạt đồn đoán và ám chỉ trong dư luận, trên mạng xã hội và trên mặt báo quốc doanh từ trước khi Hội nghị trung ương 10 diễn ra vào trung tuần tháng 5 năm 2019 về sân sau Bùi Quang Huy của Chung ‘Con’, tức Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, giờ đây trở nên phức tạp hơn hẳn bởi sự biến mất của Huy.
Trong khi đó, lại rộ lên dư luận về vụ khám xét công ty Nhật Cường và truy bắt Bùi Quang Huy là nhằm lôi ra chuyện buôn lậu hàng Tàu mà có người nghi là có thể có các thiết bị gián điệp được Trung Quốc cài vào.
Không đề cập trực tiếp về dư luận trên, nhưng báo điện tử Viettimes rút tít một cách hàm ý : "Báo động nguy cơ đối với chủ quyền quốc gia Việt nam nhìn từ vụ án Công ty Nhật Cường", mà cụ thể trong bài là những khái niệm "chủ quyền thông tin" hoặc "chủ quyền trong không gian số".
Cùng thời gian này, vụ Huawei của Trung Quốc vẫn đang gây chấn động trong chính giới quốc tế. Nhiều quốc gia đã cắt hợp tác với Huawei vì lo sợ bị thiết bị tình báo Trung Quốc theo dõi.
Cũng đang xuất hiện dư luận cho rằng vụ Nhật Cường sẽ ‘đốt’ không chỉ Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung mà cả Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải. ‘Đốt’ như thế nào và với nhiệt lượng đến mức độ nào thì chưa rõ, nhưng xác suất Chung và cả Hải ‘vô can’ trong vụ Nhật Cường thì gần như không thể có.
Vết đen nhơ nhớp
Trong khi đó, Bộ Công an lại phải nhận một vết đen nhơ nhớp bởi cách thông tin cái sau đá cái trước của về vụ Bùi Quang Huy. Bởi vào ngày 14/5/2019, chính Bộ Công an thông báo là đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Bùi Quang Huy và 8 người khác vì tội "Buôn lậu và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" - được hiểu rõ ràng là Huy đã phải tra tay vào còng. Nhưng đến ngày 19/5/2019, cũng Bộ Công an lại thông báo Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ ngày 9/5.
Cho đến nay, vở kịch vẫn được tái công diễn và còn nguyên giá trị lịch sử ‘và giá trị ‘nghệ thuật’ của nó kể từ vụ Dương Chí Dũng vào năm 2012, Trịnh Xuân Thanh năm 2016, Vũ Đình Duy và Vũ ‘Nhôm’ trong năm 2017…Tất cả đều có thời gian để cao bay xa chạy khiến người ta không khỏi nghi ngờ rằng nhờ được mật báo bởi những người ‘trong ngành.’
Đặc biệt là vụ Trịnh Xuân Thanh đầy kỳ bí. Bởi cho dù Thanh đã ‘tự nguyện về nước đầu thú’ theo cách tuyên truyền của Bộ Công an và đã có quá đủ thời gian để cơ quan điều tra Bộ này bắt Thanh phải mở miệng, cho tới nay vẫn không có bất kỳ công bố nào bởi bất kỳ quan điều tra nào về việc nhóm nào hoặc quan chức cao cấp nào đã bắn tin và mở đường cho Thanh ‘ra đi tìm đường cứu nước’ ở tận Đức.
Còn nhớ vào năm 2012 sau khi bị bắt lại ở Campuchia và bị đưa ra tòa, cựu tổng giám đốc Vinalines Dương Chí Dũng đã khai về một ‘ông anh trên Bộ Công an’ đã mật báo để Dũng kịp thời đào thoát chỉ ít tiếng đồng hồ trước khi lực lượng cảnh sát điều tra từ từ bước vào nhà y theo một cung cách rất ‘đúng quy trình’. Khi đó đã ồn ào dư luận về kẻ mật báo chính là Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an. Nhưng rất may cho Ngọ là ông ta đã tránh bị truy tố vì căn bệnh xơ gan cổ trướng trong bụng, nhưng ông ta đã không thể tránh khỏi cửa địa ngục.
Những viên tướng nào phải chịu trách nhiệm ?
Rốt cuộc, vụ Bùi Quang Huy đào thoát ngay trước mũi công an khi vụ việc đã được đưa vào ‘tầm ngắm’ - mà bằng chứng rõ nhất là vụ khám xét cơ sở doanh nghiệp Nhật Cường - phải được ‘giải thích’ như thế nào để đầu xuôi đuôi lọt ? Vụ khám xét cơ sở Nhật Cường có phải là động tác đánh động cho Bùi Quang Huy bỏ trốn ? Các cơ quan an ninh điều tra, cảnh sát điều tra và quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an đã ‘làm ăn’ đến nông nỗi nào mà khiến lại phát sinh thêm một Bùi Quang Huy đến mức phải ‘truy nã quốc tế’, sau những tiền lệ đậm màu sắc ‘phe cánh chính trị’ như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng, Phan Văn Anh Vũ ?
Vụ Bùi Quang Huy đào thoát ngay trước mũi công an khi vụ việc đã được đưa vào ‘tầm ngắm’ - Ảnh minh họa
Rốt cuộc và sau tiền lệ Tổng cục 5 tình báo Bộ Công an phải giải thể với hàng loạt tướng lĩnh bị khởi tố và tống giam vì cung cách làm tình báo chỉ toàn mùi ‘hai đê’ (đất và đô), những viên tướng nào trong đội ngũ có đến 200 tướng công an phải chịu trách nhiệm về vụ Bùi Quang Huy đang biến mất và sẽ có thể biến mất mãi mãi ?
Một chuyên án an ninh quốc gia về ‘gián điệp’ và tội danh ‘phản bội’ nữa chăng ?
Nếu Bùi Quang Huy bỏ trốn không đơn thuần bởi tội danh ‘buôn lậu’ mà là ‘xâm phạm an ninh quốc gia’, vụ việc sẽ trở nên ghê gớm và sắc máu hơn nhiều. Lẽ đương nhiên là khi đó không chỉ Nguyễn Đức Chung mà cả Hoàng Trung Hải sẽ phải cùng chịu trách nhiệm về vụ này, để Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ có thêm một đầu việc kiểm tra hoặc thêm một đầu vụ án.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 06/06/2019
Cháy nhà ra mặt chuột
Cú tăng giá điện phi mã của Bộ Công thương và Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đến 8.36% vào Tháng Ba, 2019, dù gì cũng có một chút khai dân trí. Nó khiến lộ ra hàng loạt quan chức cao cấp, hoặc thô bạo hoặc tỏn tẽn trong nghị trường quốc hội nhằm "bảo kê" hoặc ngụy biện cho chiến dịch bóp hầu bóp cổ dân chúng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong một lần trả lời chất vấn tại Quốc hội. (Hình : Dân Trí)
Cũng như ông bà ngàn đời nói cấm sai : Cháy nhà ra mặt chuột.
Không chỉ những quan chức được liệt vào loại "hót hay nhảy giỏi" như Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng công thương kiêm con ruột của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương), bằng não trạng độc tài đàn áp vào giai đoạn cuối của chế độ cầm quyền (khi đòi xử lý những người dám phản đối tăng giá điện,) mà cả "cậu học trò nghèo hiếu học", từ mà báo đảng dành riêng cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cũng tham chiến bữa tiệc "dây máu ăn phần".
"Tháng Ba đột ngột mưa rào
Để cho em trộm bước vào hồn anh"
Vương Đình Huệ tỏn tẽn đọc thơ của Đoàn Thị Lam Luyến với chất giọng như ru ngủ trong nghị trường quốc hội tháng 5/2019, từ đó lái sang lý do "thời tiết năm nay trái mùa, ai biết đâu Tháng Tư lại nóng thế" và khẳng định "tăng giá điện vào 20/3 là đúng".
Cái tâm hồn chẳng biết gọi là dân túy hay mị dân giả dối bằng thơ văn như thế đã từng được Vương Đình Huệ lộ ra từ năm 2017, khi ông ta mới bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ phó thủ tướng và còn được một số người xem là "trong sáng và có trình độ".
Đó cũng là khoảng thời gian mà Huệ hứa hẹn trên mặt báo chí về "sẽ không tăng giá điện" – một cung cách rất nặng mùi Nguyễn Xuân Phúc – viên thủ tướng cũng rất sính thơ văn, theo lối râu ông nọ cắm cằm bà kia, cũng quan tâm đến hoàn cảnh khốn khó của đám tiện dân đến mức luôn thích hứa hẹn "sẽ không tăng giá" nhưng ngay sau đó lại ngấm ngầm chỉ đạo làm ngược lại.
"Để cho quan trộm cắn vào quần dân"
Từ năm 2017 đến nay, đã có không ít bằng chứng về cặp đôi Phúc – Huệ "bảo kê" cho một chiến dịch tăng giá điện đã được lên kế hoạch chi tiết về lộ trình tăng giá vả có thể cả chiến thuật gạt dân cùng ép dân.
Khác hẳn thái độ đầy vẻ dân túy vào đầu năm 2017 khi hứa hẹn trên mặt báo rằng về khả năng không tăng giá điện trong năm 2017, đến Tháng Mười Một cùng năm Vương Đình Huệ đã lật giọng. Trong một cuộc họp của Ban Chỉ Đạo Điều Hành Giá, Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình chính phủ quyết định, trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể.
Điều kỳ lạ là ngay khi đó Bộ Công thương đã "khẩn trương" đến mức trùng với thời điểm có yêu cầu trên của Vương Đình Huệ, bộ này đã hoàn thành phương án tăng giá điện với "kịch bản thấp nhất có thể" là giá điện sẽ tăng 6.08%.
Ngay sau đó, giá điện được công bố tăng vọt !
Khi đó, hơn 6% là một tỷ lệ tăng cao và đã kích thích lạm phát tăng vọt theo, trong bối cảnh kinh tế ngập ngụa suy thoái và đời sống người dân ngày càng khốn khó, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam ngày càng tăng cao.
Trước đó vào quý 3 năm 2017, Thủ tướng Phúc đã ký một quyết định cho phép EVN được tự quyết tăng giá điện hai lần mỗi năm với mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công thương được quyết tăng giá điện từ 5% đến 10%. Cho đến lúc đó, cùng với Bộ Công thương là cơ quan chủ quản của "cá mập" EVN, sự nghiệp "lobby tăng giá" của EVN đã thành công bước đầu. Và nhóm lợi ích điện lực chỉ cần có thế !
Bởi không cần đến trường hợp phải tăng giá điện trên 10% mà do đó Bộ Công thương phải xin ý kiến chính phủ, chỉ cần được chính phủ bật đèn xanh tăng giá điện và tăng vài chục phần trăm mỗi năm đã đã đủ để bù những khoản lỗ quá khứ – 30.000 tỷ đồng do đầu tư vào chúng khoán, bất động sản trong những năm 2007, 2008 – lên đầu dân chúng.
Thâm ý tăng giá điện của Thủ tướng Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lại xảy ra trong bối cảnh một khoản nợ khổng lồ lên đến 9,3 tỷ USD của EVN được công bố. Chi tiết cần đặc tả không kém là vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh, mà nếu EVN không trả được nợ thì chính phủ cũng sẽ phải ra "trước vành móng ngựa".
Nhưng 9,3 tỷ USD chưa phải hết. Tổng số nợ phải trả của EVN đã lên đến xấp xỉ 487 ngàn tỷ đồng, biến EVN trở thành con nợ lớn nhất Việt Nam !
"Không tăng giá, EVN sẽ phải phá sản" – Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải từng thú nhận như thế vào năm 2015.
Song thay vì chấp nhận để EVN rời xa môi trường độc quyền hay chịu phá sản, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại thể hiện sự ưu ái một cách kỳ lạ và cực kỳ đáng nghi ngờ với "đứa con hư hỏng", để khó có thể hiểu khác hơn là đã có những cú "đi đêm" giữa các đối tượng này với nhau.
Đến đầu năm 2019 thì không còn là "đi đêm" nữa, mà đã trắng trợn lộ ra giữa ban ngày ban mặt : chiếu theo nghị quyết "tăng giá điện 8,36%", giới "âm binh" thuộc EVN đã làm loạn xã hội khi đẩy vọt mức thu tiền điện ở nhiều hộ gia đình đến 50 – 70% do với mức thu trước đó, bằng vào "cách tính tiền của ngành điện" mà đã bị giới phân tích độc lập vạch trần đó là thói tăng giá cực kỳ gian dối và ti tiện.
"Cướp có trình độ !"
Đến lúc này, những ai còn thích thú lối trích dẫn thơ văn của cặp đôi Phúc – Huệ thì hẳn phải vỡ mộng vì tâm hồn đích thực của những quan chức ấy đã từ lâu chìm nghỉm trong cái bể tanh nồng mùi tiền và cả mùi máu.
Để sau khi mơ màng nói về "hoa sữa" và ngâm thơ tình của Đoàn Thị Lam Luyến giữa một quốc hội mà "gật" đã trở thành cốt cách, Vương Đình Huệ lập tức đổi giọng và lật mặt : "Nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác trong năm thì mức tăng sẽ gấp đôi" – cái ý rất tương thích và đồng lõa với "giải tán EVN hoặc giải tán các doanh nghiệp nhà nước đang làm điện thì giá điện tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngay !" – lời đe dọa không thể trắng trợn và côn đồ hơn từ Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN), cũng là một bộ hạ "tư bản thân hữu" của Vương Đình Huệ.
Khi nghệ thuật và thơ văn được ngụy trang trên đầu môi chót lưỡi để phụng sự cho tư duy "thu thuế như vặt một con vịt, vặt làm sao được càng nhiều lông càng tốt… làm sao để nó kêu ít nhất, đừng để nó kêu toáng lên", nhất là khi những cái lưỡi đó lại là của giới quan chức, ai có thể trách được dân nghèo Việt phải thốt lên "cướp có trình độ !" để đặc tả Vương Đình Huệ cùng những quan chức đồng lõa ?
Tỏ ra không mấy kém cạnh trước một Nguyễn Xuân Phúc thơ văn đang khát khao cái ghế tổng bí thư cùng những cuộc vận động đến mức "mệt mỏi rã rời luôn" cho đại hội 13 – nếu còn có đại hội đó, "cậu học trò nghèo hiếu học" Vương Đình Huệ cũng đang lấp ló nổi lên như một thế lực tranh giành cái ghế thủ tướng theo đúng quy luật "thân hữu sân sau". Dù cửa miệng của Huệ vẫn tụng ca không biết chán "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và bài bản kinh viện Mác-Lê mà luôn khiến Nguyễn Phú Trọng hài lòng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 02/06/2019
Một hiện tượng chính trị lý thú đang xảy đến tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019 : tiếng nói của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dường như to hơn và có hồn có khí hơn là khi bà ta phát biểu đượm tính vuốt đuôi đảng lẫn thỏa hiệp bắt buộc với chính phủ ở những kỳ họp trước đó.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ở giữa) và hai người tâm phúc : Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) - Ảnh : VH
Quốc hội ‘nổi loạn’ ?
Danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn nên để cho Quốc hội quyết định thay vì Chính phủ - theo kiến nghị của đa số đại biểu Quốc hội và được báo nhà nước tường thuật, liên quan đến Luật Đầu tư công (sửa đổi).
‘Chính phủ’ lại là Bộ Kế hoạch - đầu tư, có nguồn gốc từ Ủy ban Kế hoạch nhà nước, địa chỉ độc quyền lập kế hoạch, phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương cho các bộ ngành và tỉnh thành và duyệt dự án đầu tư công.
Có thể ghi nhận đây là lần đầu tiên gần 500 mái đầu ‘nghị gật’ có vẻ bừng tỉnh và đang muốn ‘nổi loạn’ trước một chính phủ đã nặng thói quen hành xử ‘trình gì gật đó’.
Trước đây, một ít đại biểu Quốc hội đã ‘cắc cớ’ về cơ chế duyệt dự án đầu tư công, đặt dấu hỏi về tình trạng quá chậm trễ của phía chính phủ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hàm ý các cơ quan này không chỉ yếu kém về năng lực phê duyệt dự án mà còn phát sinh nạn ăn hối lộ.
Trong thực tế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư là một ‘cửa’ mà toàn bộ dự án đầu tư công của các chủ đầu tư phải ‘chạy’ qua, khiến phát sinh rất nhiều dư luận và phản ứng về tình trạng ‘ăn không chừa thứ gì’ của Bộ này và những bộ ngành liên quan khác nằm trong khâu thẩm định và phê duyệt dự án (như Bộ Tài chính và những bộ chuyên môn). Tuy nhiên, chính phủ từ thời Nguyễn Tấn Dũng đã át đi tất cả những ý kiến này và cột giới dân biểu nhu nhược vào thế ‘bắt câm mồm phải câm mồm, cho gâu gâu mới được phần gâu gâu’.
Nhưng vào kỳ họp Quốc hội lần này, hẳn không thể ngẫu nhiên mà cùng lúc với hiện tượng hàng loạt đại biểu Quốc hội bỗng oai dũng đăng đàn đòi chính phủ để cho cơ quan này được duyệt dự án đầu tư công, một số tờ báo quốc doanh đã đột ngột vạch trần một sự thật mà lâu nay chính phủ giấu kín : "Kiểm toán Nhà nước kết luận Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt tăng tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 8.770 tỷ đồng lên trên 18.000 tỷ đồng mà không qua cửa Quốc hội".
Ngạn ngữ ‘con voi chui lọt lỗ kim’ hoàn toàn có thể thích ứng với vụ việc khổng lồ này. Không thể tưởng tượng rằng trong một chế độ chính trị có hẳn một cơ quan lập pháp nhưng một bộ chuyên môn như Bộ Giao thông Vận tải vẫn qua mặt một cách sỗ sàng, không coi giới ‘nghị gật’ ra gì, trong khi Luật Đầu tư công đã quy định rõ những dự án có mức vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải được Quốc hội thông qua.
Vụ việc tự tung tự tác và vượt quyền vừa kể của Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn xứng với một ‘mức án’ không nhẹ về hành vi hình sự, chẳng hạn như ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn…’ và ‘cố ý làm trái…’.
Nếu sắp tới Luật Đầu tư công (sửa đổi) bổ sung quy định Quốc hội có thẩm quyền duyệt dự án đầu tư công với mức vốn dưới 10.000 tỷ đồng, chẳng hạn Quốc hội sẽ phê duyệt những dự án đầu tư công có mức vốn trên 1.000 tỷ đồng hoặc từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, đó sẽ là một thắng lợi đáng kể của ‘cơ quan giám sát’, bởi đó sẽ là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện được nhiệm vụ giám sát lại những dự án đầu tư công mà rất nhiều khả năng trước đây đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các ngành khác thẩm định, phê duyệt vô tội vạ, ‘vận dụng’ quá nhiều hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai, cùng quá nhiều cảnh ‘lót tay’.
Đây cũng là lần đầu tiên mà nguy cơ ‘mất nồi cơm’ diễn biến cận kề đến thế đối với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, khiến Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - chỉ có thể gượng gạo đánh đố : "Quốc hội duyệt hết được 9.000 dự án đầu tư công không ?".
Hiện tượng cơ quan Quốc hội đòi ‘chia sẻ quyền lực’ diễn ra tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, trong bối cảnh cơn bạo bệnh xảy ra với ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã mang hơi hướng như một bước ngoặt thay đổi trong chính trường Việt Nam, chuyển từ cơ chế tập quyền cá nhân sang hình thức tản quyền tập thể.
‘Đa trung tâm quyền lực’
Vào tháng 4 năm 2019, tức chỉ ít ngày sau khi Nguyễn Phú Trọng suýt bị quật đổ ở Kiên Giang ‘nhà ba X’, không biết vô tình hay hữu ý mà phía chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ đã đòi ‘tăng quyền cho Thủ tướng’.
Cặp bài trùng tân cựu Thủ tướng - Phía chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ đã đòi ‘tăng quyền cho Thủ tướng’ - Ảnh minh họa
Khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - được xem là ‘người tâm phúc’ của Nguyễn Xuân Phúc, đã phát ra tờ trình dự án luật của chính phủ đề nghị bổ sung thêm một số quyền cho Thủ tướng : Thủ tướng có quyền quyết định tổng biên chế công vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến địa phương ; Thủ tướng cũng sẽ có quyền thực hiện phân cấp và ủy quyền về quản lý công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đối với những nội dung thuộc thẩm quyền. Văn kiện này cũng đồng thời yêu cầu bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong việc quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Thủ tướng cũng sẽ có thêm quyền quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện.
Nguyễn Xuân Phúc đang tràn đầy cơ hội ‘tăng quyền cho Thủ tướng’, nhưng muốn vậy thì không chỉ dừng ở mặt quyết định cơ cấu tổ chức mà còn phải đạt được quyền lực quyết định về nhân sự cấp Bộ trưởng theo cách mà các nước phương Tây vẫn hành xử, cùng lúc hạn chế đến mức tối thiểu sự can thiệp của khối đảng về nhân sự chính phủ và ‘cái gì cũng phải có ý kiến đảng và do đảng quyết định’.
Nếu Nguyễn Xuân Phúc chứng tỏ rằng ông ta sẽ thành công hơn kẻ tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, ‘tăng quyền cho Thủ tướng’ về thực chất sẽ là cầu nối để Phúc vươn tới vị trí Tổng bí thư, thay cho Trọng, và biết đâu đấy còn ngồi luôn cả ghế Chủ tịch nước như lý tưởng ‘hai trong một’.
Nhưng ở bên kia ‘chiến tuyến’, rất có thể Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chẳng muốn kém cạnh gì Thủ tướng Phúc về mặt ‘nhị quyền phân lập’ - nhằm lấy lại một chút cân bằng từ cái thế tòn teng chổng ngược của khối lập pháp trong trò bập bênh với các cơ quan hành pháp từ trước tới nay.
Nếu trong tương lai Nguyễn Phú Trọng không thể đủ sức khỏe để ‘cống hiến lâu dài cho cách mạng’, khuynh hướng chuyển giao quyền lực cho các khối đảng, lập pháp, hành pháp và gia tăng quyền lực trong từng khối sẽ hiện ra một cách tất yếu, để từ đó phát sinh mô hình ‘đa trung tâm quyền lực’ mà nhiều quan chức cao cấp thèm muốn nhưng chẳng ai dám chính thức công khai tham vọng ấy.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 04/06/2019
Chỉ sau khi dư luận, mạng xã hội, báo chí quốc doanh và có thể cả ‘một bộ phận không nhỏ’ trong giới đồng chí của nội bộ đảng cầm quyền phản ứng dữ dội về thảm họa tăng giá điện vô tội vạ của Bộ Công thương và EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), giới chóp bu của chính phủ ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ mới vội vàng chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ tiến hành ‘kiểm tra việc tăng giá điện’ như một động tác chữa cháy và rất có thể chỉ mang tính dân túy (hoặc gọi thẳng ra là mị dân).
Trần Tuấn Anh, Bộ Trưởng Bộ Công thương - cơ quan chủ quản của EVN.
Chiến thuật ‘núp lùm’
EVN đã tăng giá điện đến 8,36% vào đầu năm 2019, nhưng đến khi tính giá điện cụ thể với các hộ gia đình thì lại xảy ra quá nhiều trường hợp người dân ngã ngửa khi mức thu hàng tháng vọt đến 50 - 70% so với tháng trước, thậm chí một số hộ dân bị thu gấp đôi.
Như vậy, động tác tự biên tự diễn kiểm tra giá điện’ của Bộ Công thương - cơ quan chủ quản của EVN và cũng là kẻ từ lâu đã bảo kê rất lộ liễu cho tập đoàn này - đã bị dư luận phản ứng đến mức phía chính phủ phải cho bộ này ‘núp lùm’. Còn Trần Tuấn Anh - con trai cựu ‘nguyên thủ quốc gia’ Trần Đức Lương kiêm bộ trưởng công thương và là một trong những thủ phạm phi mã giá điện, còn được Quốc hội ‘gật’ ưu ái đến mức không xếp ông ta vào danh sách bộ trưởng phải trả lời chất vấn với lý do… có quá ít yêu cầu chất vấn.
Vậy có thể tin được Thanh tra chính phủ sẽ công tâm trong ‘kiểm tra tăng giá điện’ hay không ?
Những ‘tội đồ’
Vào năm 2011, EVN từng bị thanh tra và bị phát hiện đã hạch toán cả các công trình hồ bơi và sân tennis vào giá thành điện và bắt người tiêu dùng phải lãnh đủ. Nhưng bất chấp báo chí và dư luận kêu gào, từ đó đến nay Thanh tra chính phủ vẫn chưa có bất kỳ xử lý nào. Cũng từ đó đến nay, đã dậy lên rất nhiều dư luận về việc các thành viên trong đoàn thanh tra của Thanh tra chính phủ đã được ‘lót tay’ hậu hĩ.
Vụ việc cho chìm xuồng đó là quá lộ liễu và trơ trẽn, đến mức danh sách ‘tội đồ ngành điện’ ngoài Bộ Công thương, EVN còn được bổ sung thêm cái trên Thanh tra chính phủ.
Dưới thời Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, còn nhiều vụ bê bối khác đã nhanh chóng bị chìm xuồng.
Vào năm 2015, EVN bị phát hiện trốn thuế gần 5.000 tỷ đồng – theo một kết luận thanh tra của Bộ Tài chính.
Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện tập đoàn có những khoản hạch toán không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2015 -2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Tp.HCM (giai đoạn 2012-2015) dù thực tế chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Tp.HCM mà EVN phải trả cho Tập đoàn Dầu khí là 1.938 tỉ đồng.
Ngoài ra, EVN còn không hạch toán 4.847 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2016. Theo quy định, lãi chênh lệch tỉ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỉ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này…
Trước đó, vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến nay, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN giải quyết xong.
Cho tới nay, cấp trên trực tiếp của EVN vẫn là Bộ Công thương - một ‘cá mập’ lớn mà suốt từ thời cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến bộ trưởng đương nhiệm là Trần Tuấn Anh thuộc diện cán bộ ‘hót hay nhảy giỏi’, đều trắng trợn bao che cả tập đoàn tài phiệt trên không chỉ cho những âm mưu tăng giá điện, mà còn về hàng loạt cú xả lũ thủy điện bất nhân của EVN từ năm 2013 đến nay ở các tỉnh miền Trung mà đã trở thành tác nhân chính giết sống ít nhất hàng trăm mạng dân nghèo nơi rốn lũ.
Còn quan chức chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ ‘kiểm tra tăng giá điện’ - Nguyễn Xuân Phúc - thì lại ‘dính’ vụ chính ông ta chỉ đạo và quyết định việc tăng giá điện.
"Sau khi Thủ tướng có ý kiến phê duyệt, Bộ Công Thương mới ban hành quyết định tăng giá" - quan chức Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thanh minh với báo chí về việc tăng giá điện khi kể lể việc doanh nghiệp này đã đề xuất để "Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành liên quan trình Chính phủ phương án tăng giá điện".
Cùng lúc, trên mạng xã hội hiện ra thêm một bằng chứng rõ như ánh sáng ban ngày : Quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020. Quyết định này là của Thủ tướng chính phủ, mang số 34, được ký ngày 25/7/2017 và dóng dấu ‘MẬT’, trong đó duyệt mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.
Trách nhiệm nào của Thủ tướng Phúc ?
Vào năm 2017, Chính phủ Việt Nam và EVN đã có một màn diễn mới : đề án tái cơ cấu EVN được Chính phủ phê duyệt đã không có bất cứ một cải cách nào để xóa vai trò độc quyền tàn hại dân sinh của EVN.
Với đề án trên, EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối mà không hề có một chút hơi hướng nào về điều mà giới quan chức hay phủ dụ là "hướng đến thị trường điện cạnh tranh".
Trong đề án trên, nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ có một đầu mối EVN mua điện và bán điện. Mặt khác, theo quyết định của Chính phủ thì Nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không hề có cơ hội để tham gia…
Và với đề án "tái cơ cấu EVN" được chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, nhân dân đã tràn đầy cơ hội hoặc phá sản hoặc bị "móc túi".
Cũng cần nhớ lại EVN đã độc quyền đến thế nào về chuyện mua điện.
Từ năm 2009, EVN đã mua điện từ các doanh nghiệp Trung Quốc với giá gấp đến 3 lần mức thông thường của doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, EVN mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, vin vào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thái độ kinh doanh bất chấp này đã bất chấp một thực tế là trong thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn, nhiều nhà máy điện ngoài EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam. Nhưng bởi lối hành xử đầy ngờ vực, EVN đã cố tâm mua điện trong nước với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc, kèm theo các điều kiện rất khắt khe…
Còn vào lần này, chính phủ ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ sẽ thông qua đoàn kiểm tra Thanh tra chính phủ, với cả thành viên của Bộ Công thương, để vừa đá bóng vừa thổi còi, xoa dịu dư luận và mị dân, và sẽ khiến ‘vụ án’ EVN sẽ lại chìm xuồng như những lần trước đây ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 30/05/2019
Sau khá nhiều lần ‘mất tích’ trong vòng một tháng rưỡi qua, bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa đánh đố dư luận về việc ông ta đã không thể tái hiện vào ngày 29/5/2019 để ‘trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98’.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Ảnh Người Đưa Tin
Khi Đặng Thị Ngọc Thịnh phải làm ‘chủ tịch nước’
Trám vào tình trạng trống vắng đáng nghi ngờ trên là "Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận sự ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế" - như báo đảng đưa tin đúng vào ngày 29/5.
Công ước 98 là một trong 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan mật thiết đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và công đoàn độc lập mà nhà nước Việt Nam chây ì từ quá lâu mà chưa chịu ký kết. Nếu không chịu trình, ký kết và phê chuẩn ít nhất là công ước này, chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ mất hẳn cơ hội có được EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam).
Ngoài Công ước 98, còn có 2 công ước còn lại về lao động. Trong đó đặc biệt là công ước 87 về quyền tự do lập hội, liên quan mật thiết đến công đoàn độc lập - một định chế mà từ lâu chính quyền Việt Nam đã luôn gán ghép nó với tổ chức Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ XX, để từ đó quy kết cho công đoàn độc lập là nhằm thu hút, tập hợp số đông công nhân để lật đổ chính quyền.
Tại cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ, các nghị sỹ đã đòi hỏi cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA.
Chỉ sau khi EVFTA bị Hội đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền chưa từng được cải thiện của Hà Nội, mãi đến tháng 4 năm 2019 chính thể Việt Nam mới buộc phải nhượng bộ trước EU về ký và phê chuẩn ít nhất Công ước 98 trong số 3 công ước chưa ký.
Với Nguyễn Phú Trọng, EVFTA có tầm quan trọng rất lớn, nếu không muốn nói là mang tính sống còn đối với nền kinh tế đang bế tắc và nền ngân sách đang lao nhanh vào hội chứng hộc rỗng ở Việt Nam. Nếu không có được EVFTA, đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ rơi vào tình cảnh ‘hết tiền hết bạc hết ông tôi’ sớm hơn.
Nhưng bệnh tình Nguyễn Phú Trọng đã đến nông nỗi nào khiến ông ta không thể hùng dũng ‘tái xuất’ tại nghị trường quốc hội để đọc trình Công ước 98 ?
Còn lâu nữa mới phục hồi sức khỏe ?
Ít hôm trước lần ‘tái xuất’ đầu tiên vào ngày 14/5 kể từ khi Trọng bị cơn bạo bệnh quật đổ ở xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’, báo đảng đã vội vã thông tin về việc ‘Chủ tịch nước sẽ trình Công ước 98 ra Quốc hội vào ngày 29/5’, trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn và đầy thách thức của dư luận trong nước và quốc tế về tình trạng ‘mất tích’ của Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt về khả năng ‘tập nói’ và ‘tập đi’ của ông ta.
Sau đó, Nguyễn Phú Trọng đã liên tiếp xuất hiện tại vài sự kiện ‘họp lãnh đạo chủ chốt’ với Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Văn Nên ; đặc biệt là ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ - là hai cuộc họp mà về nguyên tắc là tuyệt đối bảo mật, nhưng trong thực tế lại được Đài truyền hình Việt Nam dẫn thẳng lên sóng về phát hình và phát âm, khiến dậy lên dư luận về việc Trọng và Bộ Chính trị đảng đã nặng về ‘trình diễn’ trong những cuộc họp đó.
Nhưng đến phiên khai mạc kỳ họp quốc hội vào ngày 20 tháng 5 năm 2019 thì Nguyễn Phú Trọng lại… biến mất. Dấu ấn của phiên khai mạc này là đã không có bất cứ hình ảnh nào về Trọng, và trong lời giới thiệu thành phần tham dự kỳ họp cũng không có thể loại ‘kính thưa đồng chí…’ như thường thấy trong những kỳ họp trước. Từ đó đến nay, đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã không một lần được báo chí đưa tin và hình ảnh về việc tham dự kỳ họp quốc hội.
Hiện tượng trống vắng Nguyễn Phú Trọng trong nghị trường quốc hội khiến dư luận xã hội và giới quan sát một lần nữa dậy lên mối ‘lo lắng’ và tò mò về bệnh tình mà chắc còn khá lâu nữa mới hồi phục thật sự của ông ta.
Điều rõ ràng và an ủi hơn cả là trong hai cuộc họp với ‘lãnh đạo chủ chốt’ và ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ gần đây nhất, Nguyễn Phú Trọng vẫn thể hiện phát ngôn, nói năng và trí não khá ổn định, chẳng khác mấy cái cách trước khi ông ta bị nhấn sâu trong cơn bạo bệnh, cho thấy đồn đoán trước đó về việc ông ta bị méo miệng là không có cơ sở.
Trong khi đó, tiến trình quan hệ Việt - Mỹ vẫn tiếp tục được đẩy lên và nhanh hơn bằng vào những chuyến đi con thoi của các quan chức hai nước, đặc biệt là chuyến tiền trạm Hoa Kỳ của Phạm Bình Minh - Bộ trưởng ngoại giao, mà có thể hiểu là Mỹ và Việt Nam đã cơ bản thống nhất về lịch trình chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng trong vài tháng tới, cũng có nghĩa là Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương đã dự kiến rằng đến khi đó sức khỏe của Trọng sẽ hồi phục hoàn toàn.
Vì chuyến tiền trạm của Phạm Bình Minh diễn ra vào tháng 5 năm 2019, chuyến công du của Nguyễn Phú Trọng đến Washington có thể xảy ra trong vào tháng 7 hoặc tháng 8 cùng năm, nếu đến khi đó Trọng kịp thoát hẳn khỏi cơn tai biến.
Tuy nhiên điều kém an ủi hơn nhiều là trong lúc khả năng ‘tập nói’ đã gần như phục hồi thì việc ‘tập đi’ của Trọng lại có vẻ là một vấn đề lớn. Trong hai cuộc họp với các thành viên của Bộ Chính trị, người ta đã không một lần chứng kiến Nguyễn Phú Trọng di chuyển khỏi chỗ ngồi ‘chết cứng’ của ông ta.
Cho đến lúc này, việc Trọng liên tiếp vắng mặt trong kỳ họp quốc hội rõ ràng không phải là kế sách ‘giả chết bắt quạ’ hay ý đồ nào na ná như thế, mà đang khiến dư luận trong xã hội và trong nội bộ đảng trở nên bất lợi đối với ông ta. Tình trạng này cũng khiến người ta hoài nghi về việc Trọng có thể thực hiện chuyến công du Mỹ một cách hoàn hảo.
Sự cố nào ?
Rốt cuộc, phép thử 29 tháng Năm trình Công ước 98 đã không mang lại may mắn cho ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’. Việc Nguyễn Phú Trọng phải ủy quyền cho Đặng Thị Ngọc Thịnh, dù trước đó Trọng đã cho báo đảng loan báo rộng rãi và chắc chắn về sự xuất hiện của ông ta vào thời điểm đó, cho thấy đã xảy ra một sự cố nào đó khiến ông ta phải cam chịu một lần nữa ‘biến mất’, bất chấp vô số phản ứng dư luận thật sự bất lợi.
Sự cố đó là gì ?
Phải chăng Nguyễn Phú Trọng chỉ có thể xuất hiện trong một không gian hẹp với thành phần hẹp như ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ - ngữ cảnh mà không thể có đến gần 500 cặp mắt của giới ‘nghị gật’ và thêm vài trăm cặp mắt khác của giới phục vụ quốc hội, với nhiều động cơ khác nhau, săm soi xem ông ta làm cách nào - tự đi hay ngồi xe lăn - để đến được cái bục cao ngất nơi đọc trình Công ước 98 ?
Hay thực tế còn có thể tệ hơn, tức dù cơn ‘đột quỵ’ không mấy ảnh hưởng đến khả năng phát âm nhưng lại có chiều hướng lan dần xuống tứ chi, ứng với đồn đoán trước đó về ‘liệt nửa người’ ?
Tình thế hiện thời của Nguyễn Phú Trọng là khá khó khăn : không chỉ đánh đố dư luận, ông ta còn phải tự hóa giải lời đánh đố từ chính bản thân. Toàn bộ tương lai chuyến đi Mỹ của Trọng sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhịp độ phục hồi sức khỏe của ông ta mà không để xảy ra bất kỳ một cú ‘đột quỵ’ nào khác.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 30/05/2019
Tại Hội nghị trung ương 10 của đảng vẫn còn cầm quyền ở Việt Nam diễn ra vào tháng 5 năm 2019, có lẽ điểm nhấn nổi bật nhất không phải là chủ đề nhân sự gần như không có gì cụ thể mà lần đầu tiên ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng khen kinh tế tư nhân ‘phát triển tốt’, trong lúc đặt dấu hỏi về năng lực thực tế của khối kinh tế nhà nước và có nên tồn tại loại hình này hay không.
Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị 10, ông Trọng không nhấn mạnh về vai trò chủ đạo của khối kinh tế nhà nước như trước đây.
Lần đầu tiên kinh tế tư nhân được Trọng khen
Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị 10, ông Trọng đã không trực tiếp nhấn mạnh về vai trò chủ đạo của khối kinh tế nhà nước như cái cách mà ông ta đã nhấn mạnh trong rất nhiều lần trước đây.
Ngay trước khi Hội nghị trung ương 10 diễn ra, đã có một hội nghị về kinh tế tư nhân do phía chính phủ tổ chức. Có ý kiến cho rằng không phải tự nhiên mà Nguyễn Xuân Phúc đứng ra tổ chức hội nghị này, mà phải có chỉ đạo từ bên đảng mà trực tiếp là từ Nguyễn Phú Trọng.
Cùng lúc, giới truyền thông nhà nước không chỉ cổ vũ cho kinh tế tư nhân mà còn lập ra những diễn đàn trên truyền hình, kể cả đài truyền hình quốc gia là VTV để so sánh giữa thực trạng kinh tế hiện thời với những ưu điểm của kinh tế thời chế độ cũ, tức thời Việt Nam Cộng Hòa - một nội dung truyền thông mà trước đây bị xem là ‘nhạy cảm chính trị’ và thuộc vào loại cấm kỵ đối với báo chí quốc doanh.
Còn trước đó thì sao ?
Vào năm 2017, tại Hội nghị trung ương 5, Nguyễn Phú Trọng đã cho ban hành "Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", trong đó khư khư giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, bất chấp cho đến lúc đó ông ta đã phải đối mặt với 12 đại án doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ ngập đầu và tham nhũng vô biên.
Trong thực tế ở Việt Nam, sẽ rõ nhất nếu đối chiếu giữa khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân. Khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 2/3 tổng tài sản, 60% nguồn vốn tín dụng, 70% nguồn vốn ODA và được ưu đãi rất lớn về khả năng tiếp cận tín dụng và những điều kiện về chính sách, nhưng lại hoạt động quá tệ. Ít nhất 30% doanh nghiệp nhà nước bị lỗ và khối này chỉ đóng góp được khoảng 1/3 tổng sản phẩm xã hội.
Gần như ngược lại, khối doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 1/3 tài sản, chẳng mấy được ưu đãi về tín dụng và chỉ có thể "hớt cặn" vốn ODA, lại còn bị phân biệt đối xử đủ đường, nhưng lại tạo ra đến 2/3 tổng sản phẩm xã hội.
Tuy nhiên, khác biệt trên đã tồn tại từ quá lâu, với một trong những lý do chính là não trạng bảo thủ của Nguyễn Phú Trọng.
Vậy vì sao Trọng lại có hơi hướng thay đổi cách nhìn về kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân tại Hội nghị trung ương 10 ?
Làm thế nào để được công nhận ‘kinh tế thị trường’ ?
Nguồn cơn trực tiếp nhất của sự thay đổi trên rất có thể đến từ chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng. Từ giữa năm 2017, ông ta khởi động nhanh chiến dịch này và liên tiếp phải đối diện với quá nhiều vụ đại án tham nhũng và thua lỗ do các doanh nghiệp nhà nước gây ra. Thực trạng cay đắng về sự hư đốn đã trở thành bản chất của những con đẻ của chế độ như thế đã buộc Trọng phải nhìn nhận lại lý thuyết về vai trò chủ đạo kinh tế nhà nước của ông ta, hoặc cách nào đó phải ngầm thừa nhận lý thuyết đó đã thất bại chua chát.
Mặt khác, chuyến đi sắp tới của Nguyễn Phú Trọng đến Washington gặp Donald Trump là rất quan trọng, trong đó có một nội dung là làm thế nào để Mỹ công nhận Việt Nam là ‘kinh tế thị trường’.
Nếu được công nhận "kinh tế thị trường", hàng Việt Nam xuất khẩu sang nhiều quốc gia sẽ được hưởng mức thuế suất nhẹ nhàng hơn nhiều so với hiện thời, do đó mang lại lợi ích cho các danh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp độc quyền nhà nước, bổ trợ cho chân trụ của khối "còn đảng còn mình" hãm bớt đà rệ rã hiện thời và củng cố thêm hy vọng cho đảng "thở được ngày nào hay ngày nấy".
Nếu được công nhận "kinh tế thị trường", Việt Nam sẽ được các tổ chức tín dụng lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á Châu cho vay tín dụng với những điều kiện ưu đãi hơn là cơ chế mặt bằng lãi suất tăng gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa như hiện nay.
Nhưng trong tất cả các định chế về vay mượn tín dụng trên thương trường quốc tế, lại hoàn toàn không có một nội dung nào đề cập hoặc chấp nhận "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", mà chỉ là kinh tế thị trường…
Việt Nam lại là quốc gia tỏ ra hăng hái với kinh tế thị trường, trên đầu môi chót lưỡi, đặc biệt khi cần phải "vác rá xin viện trợ".
Từ năm 2013, những chuyến đi Mỹ của các nhân vật như ông Trương Tấn Sang – khi đó còn là chủ tịch nước, và ông Nguyễn Tấn Dũng – khi đó còn là thủ tướng, vẫn một mực đề nghị "Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam". Không hề có tính từ "xã hội chủ nghĩa" gắn kèm cửa miệng.
Đó là thói khôn vặt của giới chính khách Việt ! Khi cần tỏ ra kiên định thì luôn "chua" tính từ trên vào bất cứ khẩu hiệu nào. Nhưng để đối ngoại thì lại giấu kín vào túi quần.
Muốn có được một phần vay ưu đãi thì Việt Nam phải dứt khoát chuyển sang nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa.
"Đúng nghĩa" có nghĩa là phải minh bạch, công bằng, chống tham nhũng… như những tiêu chí của kinh tế thị trường mà quốc tế quy định. Nhưng về tất cả nhũng mặt này, Việt Nam vẫn luôn là "điển hình tiên tiến" trên thế giới khi nằm trong nhóm hàng đầu về tham nhũng và chót bảng về độ minh bạch.
Ngay trước mắt, trong khi các cánh cửa cho vay ưu đãi đã khép chặt trước mũi giới chóp bu Việt Nam, bản nghị quyết "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Nguyễn Phú Trọng được ban hành thành văn bản đang thực sự ngáng chân chính phủ của Nguyễn Xuân Phúc.
Vào tháng 5 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Thương Mại Mỹ Wilbur Ross đã phải nhắc lại "Khởi động lại cơ chế trao đổi về quy chế thị trường cho Việt Nam" khi gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Washington. Rốt cuộc, quốc tế đã không còn kiên nhẫn nổi với thói lập lờ về mặt khái niệm trong lúc không có bất kỳ cải cách nào của Việt Nam.
Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm thế nào để trả lời câu hỏi "làm thế nào để một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được vay vốn và quan hệ thương mại song phương ?" của các tổ chức tài chính quốc tế ?
Mà không vay được tiền thì lấy cái gì để nuôi cái đảng sắp hết sạch tiền này ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 30/05/2019
"Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn..."?
Văn phòng Tổ chức Lao Động quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Châu Âu và Benelux (Belgium, Nederland và Luxemburg) - Ảnh minh họa
Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam có thể sẽ phải nhận thêm một bài học đắt giá nữa do thái độ cả tin thái quá đối với một chính thể đã có quá nhiều bài học để chẳng xứng đáng nhận được một chút tin cậy nào về ‘cải thiện nhân quyền’.
Chọn ký công ước ‘nhẹ’ nhất và đối sách câu giờ
Cho tới sát ngày 29/5/2019 - thời điểm mà ‘Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98’ như báo đảng thông tin ngay trước khi ông Trọng sửa soạn ‘tái hiện’ vào giữa tháng Năm, trong số những nội dung nghị trình của Quốc hội ‘gật’ vẫn chỉ đề cập đến Công ước 98, trong lúc 2 công ước quốc tế còn lại về lao động vẫn kiên định mất tích.
Ba công ước còn lại của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) lại chính là đòi hỏi rất dứt khoát của Nghị viện Châu Âu - thể hiện trong bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam mà Nghị viện Châu Âu đã tung ra với nhiều nội dung cùng từ ngữ mạnh mẽ chưa từng có vào giữa tháng 11 năm 2018.
Trong đó, Công ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động.
Trước đó tại cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ, các nghị sỹ đã đòi hỏi cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam).
Chỉ sau khi EVFTA bị Hội đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền chưa từng được cải thiện của Hà Nội, mãi đến tháng 4 năm 2019 chính thể Việt Nam mới buộc phải nhượng bộ trước EU về ký và phê chuẩn ít nhất Công ước 98 trong số 3 công ước chưa ký.
Với Nguyễn Phú Trọng, EVFTA có tầm quan trọng rất lớn, nếu không muốn nói là mang tính sống còn đối với nền kinh tế đang bế tắc và nền ngân sách đang lao nhanh vào hội chứng hộc rỗng ở Việt Nam. Nếu không có được EVFTA, đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ rơi vào tình cảnh ‘hết tiền hết bạc hết ông tôi’ sớm hơn.
Công ước số 98 mà phía Việt Nam dự kiến sẽ ký và phê chuẩn tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019 được xem là công ước ‘nhẹ’ nhất về những điều kiện cải thiện nhân quyền. Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể, tự nguyện, thiện chí.
Nhưng vì sao chính thể Việt Nam chỉ ký và phê chuẩn Công ước 98 mà không nói gì đến hai công ước quốc tế còn lại về lao động? Công ước 87 đã bị phía Việt Nam nhét bỏ đi đâu? Phải chăng chính thể này đang tìm cách qua mặt Liên Hiệp Châu Âu, ký cho có để đạt được mục tiêu có được EVFTA?
Khỏi phải nói là 3 công ước quốc tế lao động còn lại về lao động, đặc biệt là công ước 87, thể hiện mối ‘an nguy’ đến thế nào đối với chế độ cầm quyền ở Việt Nam, vì những công ước này, đặc biệt là công ước về quyền tự do lập hội, liên quan mật thiết đến công đoàn độc lập - một định chế mà từ lâu chính quyền Việt Nam đã luôn gán ghép nó với tổ chức Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ XX, để từ đó quy kết cho công đoàn độc lập là nhằm thu hút, tập hợp số đông công nhân để lật đổ chính quyền.
Chiến thuật ‘câu giờ’ của chính quyền Việt Nam liên quan đến việc ký 3 công ước quốc tế về lao động là rõ như ban ngày. Hứa hẹn ‘sẽ ký’ từ trước cuộc điều trần ở Bỉ cho tới nay vẫn chỉ là một lời hứa gần như chẳng có giá trị gì, bởi nếu chỉ ký công ước 98 mà không chịu ký công ước 87 thì chủ đề cải thiện quyền lợi và nhân quyền cho người lao động ở Việt Nam trong EVFTA sẽ hầu như vô nghĩa.
Trong khi đó, Việt Nam vừa âm thầm vừa công khai vận động một số nước Châu Âu nhằm tác động đến Nghị viện Châu Âu để sớm thông qua EVFTA, với toan tính rằng nếu việc thông qua này diễn ra sớm trong nửa cuối năm 2019 thì Việt Nam sẽ có luôn EVFTA trong tay mà chẳng phải ký thêm bất kỳ một công ước quốc tế lao động nào.
"Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn"
Hầu như không hoài nghi rằng chiến thuật ưa thích nhất của chính quyền Việt Nam trong ít ra vài năm tới vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về công đoàn độc lập, vừa kéo dài lâu đến mức có thể việc luật hóa CPTPP về công đoàn độc lập, vừa tung ra chiến dịch "công đoàn độc lập cuội".
Một cách đương nhiên, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đang và sẽ được đảng lựa chọn để tổ chức chiến dịch "công đoàn độc lập cuội". Đó cũng là lý do để tổ chức công đoàn nhà nước này tìm cách tồn tại để vẫn được uống bầu sữa ngân sách và duy trì quyền lực "tổ chức chính trị xã hội" của mình trong thời buổi chế độ độc trị phải "dân chủ hóa".
Một trong những kịch bản được đảng tâm đắc là "Quốc Doanh Hóa Công Đoàn Độc Lập": tăng cường ‘đi thăm công nhân’, dùng một phần nhỏ tiền bóc lột từ sức lao động của công nhân để ban tặng lại quà cáp giá trị nhỏ cho họ, tuyên dương và biểu dương một số công nhân nhằm tạo hiệu ứng ‘tấm gương lao động và tin đảng’, tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc doanh "chủ động tổ chức đình công" cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh hưởng của những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ trước tết nguyên đán 2019 đến nay, có đến 2/3 thành viên bụ bẫm Bộ Chính trị đảng đã cấp tập đi ‘thăm công nhân’, phát quà và ‘tuyên dương’, trong khi trước đó số này đã chẳng hề đoái hoài đến những khu nhà trọ tồi tàn và bữa ăn phần lớn là rau của người lao động.
Hãy nhớ lại cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ. Khi đó, bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.
Còn John Sifton, Giám đốc Vận động, Ban Á Châu của Human Rights Watch, đã hoàn toàn đúng khi nhận định: "Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn. Làm như vậy là tưởng thưởng cho Việt Nam trong khi nước này chẳng làm gì cả, thông qua EVFTA là đánh đi một thông điệp tệ hại cho thấy những cam kết mà Liên Hiệp Châu Âu đã đưa ra trước đây là dùng thương mại như một công cụ để quảng bá nhân quyền trên toàn cầu không còn đáng tin."
"Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu cần gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng không thể phê chuẩn hiệp định EVFTA cho tới khi nào nhà nước Việt Nam có thái độ nghiêm túc muốn giải quyết những lo ngại về nhân quyền" - ông Sifton kiên quyết - "Việt Nam nên hiểu rằng nếu Châu Âu trì hoãn hiệp định này thì đó là do lỗi của Hà Nội, chứ không phải của Brussels."
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 29/05/2019
Thấm thoắt lại gần tới 21 tháng Sáu, ngày "báo chí cách mạng Việt Nam"…
"Bản lĩnh dám nói"
Còn nhớ sát thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương 10 vào giữa tháng 5/2019, một số tờ báo quốc doanh chợt ồn ào vụ "bắt Nhật Cường Mobile", dù đây chỉ là một doanh nghiệp thuộc loại trung và chẳng có tiếng tăm gì. Chẳng bao lâu sau đó, thêm một đồn đoán ồn ào khác hé lộ : Nhật Cường là sân sau của Chung "con", tức Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Việt Nam hiện có khoảng 1.000 cơ quan báo chí và truyền thông. (Hình : Getty Images)
Bầu không khí ồn ào trên xuất hiện cùng với tin ngoài lề về việc Nguyễn Đức Chung đang có khả năng được cơ cấu vào diện "cán bộ cấp chiến lược", nhưng còn cao hơn thế – tức cơ cấu vào hàng ủy viên "Bê Xê Tê" (Bộ Chính trị) tại Đại hội 13 diễn ra vào năm 2021.
Cùng chung thân phận với Chung "con" còn có Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương, con ruột cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Vẫn là vụ "dùng xe công ra phi trường đón người nhà". Trần Tuấn Anh cũng được đồn đoán sẽ vào bảng "cán bộ cấp chiến lược" với hàm phó thủ tướng.
Và còn thêm vài thân phận khác cũng được "lên thớt", như Hoàng Trung Hải, Bí thư thành ủy Hà Nội, liên quan đến việc ký tá hàng loạt văn bản chấp thuận cho thủ phạm gây thảm họa môi trường miền Trung là Formosa được thuê đất và xả thải vô tội vạ.
Tất cả tội trạng của những nhân vật trên chẳng hề oan sai chút nào. Nhưng "bản lĩnh dám nói" của báo chí quốc doanh cũng chỉ đến thế. Vì sao chỉ đến sát Hội nghị Trung ương 10 mới dám nói mà không phải những năm trước ?
"Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy"
Đã từ lâu lắm rồi, cứ đến gần một kỳ hội nghị trung ương quan trọng về nhân sự, nhất là gần đại hội của chính thể độc đảng kiêm độc trị, một bộ phận báo nhà nước lại gào thét tinh thần "chống tiêu cực" và sau này là "chống tham nhũng", moi móc chỉ trích ủy viên bộ chính trị này, ủy viên trung ương nọ.
Chỉ có điều, chẳng có mấy phần trăm vụ việc được đào bới đến đáy, bởi hầu hết đều có khoảng "hưu chiến". Rốt cuộc, té ra là các nhóm quyền lực chỉ đi đến nửa đường, dùng báo chí để khủng bố tinh thần nhau, hất đổ nhau và "làm nhân sự", còn khi đã đi đêm và thỏa hiệp được với nhau về phân chia ghế thì bầu khí "chống tham nhũng" trên mặt báo chí bất thần chìm vào lặng câm, khiến nhiều người dân và đặc biệt là giới "cán bộ lão thành" sửng sốt kèm thất vọng chua chát.
Vào những thời khắc mang tâm trạng u ám quay quắt như thế, người ta lại nhớ đến một triết lý để đời của nhà báo đại tá công an Nguyễn Như Phong "Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy".
Về sau này và nhất là sau khi báo chí quốc doanh vừa mở miệng rên xiết trước vụ khiếu kiện khổng lồ ở Thủ Thiêm nhưng lại bị Ban Tuyên giáo chặn họng, dân gian còn phát triển thêm một triết lý mới "cho sủa mới được sủa, cho gâu gâu mới được phần gâu gâu".
Nhà tù sung túc không cần tự do !
Nền "báo chí cách mạng" đã rất thường bị chủ nghĩa cách mạng xã hội chủ nghĩa và cơ chế độc tài trùm lên đầu cái vòng kim cô mà chẳng dám hó hé nửa lời, nhưng lại rất "cách mạng" khi lao vào những trận đấu sống mái giữa các phe phái chính trị trong nội bộ đảng.
Cách nào đó, có thể xem việc phục vụ cho phe cánh chính trị là một đặc tố "tự do mở miệng" của một bộ phận báo chí quốc doanh. Được mở miệng khá thoải mái mà không bị Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông đe nẹt.
Nếu xem năm 2012 là mốc khởi đầu cho cơn bão xung đột quyền lực ngày càng sắt máu trong nội bộ đảng và bắt đầu bởi vai trò độc tôn của những trang mạng xã hội được các phe cánh chính trị trong đảng tạo ra để triệt hạ lẫn nhau, thì hoạt động của những trang mạng xã hội như thế đã chiếm lĩnh không gian truyền thông đấu đá cho đến tận thời điểm mà vai trò độc tôn quyền lực của Nguyễn Phú Trọng bất thần bị cơn bạo bệnh đè dí xuống giường.
Sau đó và như đã mô tả, một bộ phận báo chí quốc doanh đã khởi sự "tham chính" ngày càng lộ liễu hơn, thậm chí còn có triển vọng vượt xa cái thời tiền Đại hội 12 mà tuyệt đại đa số báo chí nhà nước câm như hến khi "trận chiến Trọng – Dũng" bùng nổ.
Từ năm 2016 khi Nguyễn Phú Trọng bắt đầu mở công cuộc "đốt lò", trên một số diễn đàn đã thấp thoáng ý kiến "báo chí bây giờ tự do hơn nhiều rồi" và "báo chí được tự do chống tham nhũng mà không có vùng cấm".
Nhưng khi cuộc chiến "chống tham nhũng" của Trọng phát sinh những hiện tượng khó hiểu, chỉ chăm chăm đốt "củi rừng" mà không chịu đốt "củi nhà", chỉ tập trung đánh vào nhóm "Ba X" và Đinh La Thăng mà không đụng chạm đến số cận thần vây quanh Trọng, ngay cả những cái loa gần gũi nhất với tổng bí thư cũng sượng miệng khi nói đến "tự do báo chí".
Thực tế cầm quyền của chính đảng độc tài đã chứng minh rằng phần lớn báo chí nhà nước về thực chất không cần đến tự do. Gần hết các tổng biên tập và ban biên tập ở các báo đều được cài cắm bởi người của đảng, sống dựa vào bổng lộc và dùng báo đảng để làm cần câu cơm. Với họ, một nhà tù sung túc như vậy đã là đủ mà không cần tự do hơn nữa.
Kể từ những năm 2014, 2015 và nhất là sau "án mạng" mang tên Chân Dung Quyền Lực – như một sát thủ giấu mặt chuyên ám sát một bộ phận trong Bộ Chính Trị đảng, nghề "tham chính", hay gọi thẳng là "phe cánh chính trị", của báo chí nhà nước cũng nở rộ theo.
Không lộ liễu và sắc máu như Chân Dung Quyền Lực, nhưng một số tờ báo quốc doanh vẫn tìm được cái cách phục vụ cho những ông chủ chính trị và ông chủ tài phiệt để có được nguồn kinh tài dồi dào.
Nhưng đi đầu vẫn là những trang mạng xã hội đã được những bàn tay bí mật cho biến tướng từ Chân Dung Quyền Lực thành loại hình Facebook cá nhân.
Có hẳn một đội ngũ nhà báo nhà nước vừa chân trong vừa chân ngoài hoặc nghỉ hẳn báo quốc doanh để tham gia vào mặt trận Facebook, chuyên đưa tin "đánh đấm" và "phang" nhau, thậm chí còn mượn mác đấu tranh dân chủ nhân quyền để tạo vỏ bọc thu hút quần chúng và độc giả cho mình.
Nhiều dấu hiệu đã lộ ra rằng phía sau những nhà báo này là những quan chức cao cấp và những tập đoàn tài phiệt đủ "mạnh về gạo bạo về tiền". Tiền vô thiên lủng và mức nhuận bút cho sự nghiệp "đánh đấm" là rất cao.
Loạn thần và loạn sứ quân
Đến khi "Tổng tịch" Nguyễn Phú Trọng có dấu hiệu "tịch" bởi căn bệnh tai biến mạch máu não được đồn đoán ầm ĩ xảy đến với ông ta vào tháng 4/2019, những dấu hiệu mới về trận chiến thư hùng mà không kém bẩn thỉu cũng lốm đốm hiện ra trên bộ mặt chính trị của đảng, giống hệt những triệu chứng ngoài da của ung thư di căn giai đoạn cuối.
Nguyễn Phú Trọng còn chưa "nằm xuống", nạn loạn thần và đầy hứa hẹn cho nạn loạn sứ quân đã chồm lên. Hội nghị trung ương 10 và cuộc đấu đá lẫn "chém giết" không thương xót trước hội nghị này chỉ là một trong những câu chuyện ban đầu. Còn tương lai từ đó đến Đại hội 13 của đảng cầm quyền, nếu còn có thể xảy ra đại hội đó, vẫn tái diễn những hội nghị trung ương không kém máu lửa của loạt hội nghị trung ương ngay trước khi Đại hội 12 vặt vẹo diễn ra. Tức vẫn còn những cuộc đấu ghê gớm, không chỉ giữa các nhóm quyền lực mà bây giờ đã được lắp ghép bằng một khái niệm mới hơn và rất hữu cơ : "nhóm quyền lực – tài phiệt".
"Tự do" của một số không nhỏ, và có lẽ ngày càng lớn, của báo chí quốc doanh sẽ được phát huy đến mức đủ thâm và đủ dày, cung cúc phục vụ cho những ông chủ quyền lực và tài phiệt mới trong cái thế giới phe phái bát nháo và đạp lên đầu nhau để sinh tồn chính trị này.
Và đến một lúc nào đó, khi đã thuần thục về "chuyên môn nghiệp vụ", biết đâu đấy báo chí quốc doanh sẽ không còn bị Ban Tuyên giáo Trung ương càm ràm bị mạng xã hội dẫn dắt, mà thậm chí còn qua mặt cả những trang mạng xã hội mang màu sắc phe cánh chính trị về thành tích nhái Kiều của Nguyễn Du "cho gâu gâu mới được phần gâu gâu".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 26/05/2019
Kịch cũ, diễn viên mới
Vở kịch đã trở nên quá nhuần nhuyễn về Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ ‘Nhôm’ lại có bề tái hiện vào năm 2019, với kịch bản hoàn toàn cũ mà chỉ thay bằng một lớp diễn viên mới.
Số phận Chung ‘Con’ sẽ ra sao ? - Ảnh minh họa
Ai đã mật báo cho Bùi Quang Huy để ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn ngay trước mũi Bộ Công an, Nguyễn Xuân Phúc và cả ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng mới ốm dậy ?
Hàng loạt đồn đoán và ám chỉ trong dư luận, trên mạng xã hội và trên mặt báo quốc doanh từ trước khi Hội nghị trung ương 10 diễn ra vào trung tuần tháng 5 năm 2019 về sân sau Bùi Quang Huy của Chung ‘Con’, tức Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, giờ đây trở nên phức tạp hơn hẳn bởi sự biến mất của Huy.
Một lần nữa kể từ năm 2012, Bộ Công an lại bị hố, phải chịu một scandal cay đắng và chắc chắn đang phải mở cuộc điều tra xem ‘kẻ phản bội’ nằm trong đội ngũ các đồng chí ‘còn đảng còn mình’ là ai.
Bởi vào ngày 14/5/2019, chính Bộ Công an thông báo là đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Bùi Quang Huy và 8 người khác vì tội "Buôn lậu và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Nhưng đến ngày 19/5/2019, cũng Bộ Công an lại thông báo Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ ngày 9/5.
Có nghĩa là Bùi Quang Huy đã có đến 5 ngày để dư dả thời gian chuẩn bị mọi thứ và đào tẩu trước khi lệnh bắt có hiệu lực.
Vở kịch chỉ được tái công diễn nhưng vẫn còn nguyên giá trị lịch sử ‘và giá trị ‘nghệ thuật’ của nó. Cả Dương Chí Dũng vào năm 2012, Trịnh Xuân Thanh năm 2016 và Vũ ‘Nhôm’ năm 2017 đều đã được mật báo bởi những người ‘trong ngành’ và đều có thời gian để cao bay xa chạy.
Sau khi bị bắt lại ở Campuchia và bị đưa ra tòa, cựu tổng giám đốc Vinalines Dương Chí Dũng đã khai về một ‘ông anh trên Bộ Công an’ đã mật báo để Dũng kịp thời đào thoát chỉ ít tiếng đồng hồ trước khi lực lượng cảnh sát điều tra từ từ bước vào nhà y theo một cung cách rất ‘đúng quy trình’. Khi đó, đã ồn ào dư luận về kẻ mật báo chính là Phạm Quý Ngọ - thứ trưởng Bộ Công an. Nhưng rất may cho Ngọ là ông ta đã tránh bị truy tố vì căn bệnh xơ gan cổ trướng trong bụng ông ta đã không thể tránh khỏi cửa địa ngục.
Nhưng vụ Trịnh Xuân Thanh đầy kỳ bí thì lại khác hẳn, bởi cho tới nay vẫn không có bất kỳ công bố nào bởi bất kỳ quan điều tra nào về việc nhóm nào hoặc quan chức cao cấp nào đã bắn tin và mở đường cho Thanh ‘ra đi tìm đường cứu nước’ ở tận Đức.
Ngoài ra, cũng có sự khác biệt là hai trường hợp Dương Chí Dũng và Vũ ‘Nhôm’ đã chỉ trốn thoát suýt soát trước lệnh bắt và ngay trước mũi trinh sát công an, còn Trịnh Xuân Thanh và Bùi Quang Huy thì khá ung dung vì có hẳn một số ngày quý báu, không những đào thoát thành công mà còn có thể chuyển tiền ra nước ngoài để ‘mưu sinh’ về sau này.
Hẳn phải có nguyên do rất đặc biệt khiến Bùi Quang Huy bỏ lại toàn bộ cơ sở kinh doanh ở Việt Nam để bỏ trốn. Nguyên do đó có liên quan đến quan chức cao cấp ?
Ai là đạo diễn vụ Bùi Quang Huy biến mất ?
Sát thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 10 vào giữa tháng 5 năm 2019, một số tờ báo quốc doanh chợt ồn ào vụ ‘bắt Nhật Cường Mobile’, dù đây chỉ là một doanh nghiệp thuộc loại trung và chẳng có tiếng tăm gì. Chẳng bao lâu sau đó, thêm một đồn đoán ồn ào khác hé lộ : Nhật Cường là sân sau của Chung ‘Con’.
Bầu không khí ồn ào trên xuất hiện cùng với tin ngoài lề về việc Nguyễn Đức Chung đang có khả năng được cơ cấu vào diện ‘cán bộ cấp chiến lược’, nhưng còn cao hơn thế - tức cơ cấu vào hàng ủy viên ‘Bê Xê Tê’ (Bộ Chính trị) tại đại hội 13 diễn ra vào năm 2021.
Đường tiến thân của Chung ‘Con’ hanh thông đáng kinh ngạc : từ một điều tra viên bình thường, chẳng bao lâu Nguyễn Đức Chung đã trở thành giám đốc công an Hà Nội, để sau đó được đặt vào ghế quản lý hành chính cao cấp và màu mỡ nhất thủ đô cộng sản.
Song trong cái chính trường giỏ cua con này kéo cẳng con kia ở Việt Nam, quy luật bất thành văn là cái gì hoặc kẻ nào đi nhanh quá đều không hay ho gì. Loại ‘tuổi trẻ tài cao’ như Chung ‘Con’ mà được cơ cấu vào Bộ Chính trị thì hẳn sẽ đụng phải cặp mắt hình viên đạn của không ít kẻ máu mê quyền lực khác.
Trong trường hợp Bùi Quang Huy không bỏ trốn mà đã bị bắt, có thể mức độ xung đột nội bộ giữa phe đánh và phe bị đánh trong đảng không đến mức quá gay gắt, mà thông thường bằng vào thái độ ‘thành khẩn khai báo’ của Huy trong trại tạm giam mà sẽ có thể hiện ra một động tác thỏa hiệp giữa hai phe.
Nhưng khi Bùi Quang Huy đã bỏ trốn vụ việc không còn là ‘chuyện nhỏ’ nữa, mà đương nhiên cống hiến cho phe đánh một cái cớ đầy thuyết phục để vụ việc ‘sân sau quan chức’ này được đẩy lên cho cấp Bộ Chính trị xử lý. Khi đó và nếu đúng là Chung ‘Con’ dính với Bùi Quang Huy, không chỉ bởi mối quan hệ sân sau mà còn bằng vào những gì mà một số quan chức và cả báo chí nhà nước đã ám chỉ ‘ai đó đã báo tin’ để Huy biến mất, số phận của Nguyễn Đức Chung - quan chức từng không ít lần xảo trá lật lọng với dân oan Đồng Tâm - sẽ không chỉ dừng ở mức ‘thuyên chuyển công tác’,., mà còn có thể theo chân những đàn anh ở Tổng cục Tình báo Bộ Công an (đã giải thể) theo cách bị giáng chức, mất chức hoặc thậm chí phải đi ‘viết nhật ký’.
Bài học xương máu gần gũi nhất và sống động nhất chỉ mới xảy ra vào năm 2017 : Đinh La Thăng - một quan chức dầu khí và bộ trưởng giao thông vào thời Nguyễn Tấn Dũng dám cười khẩy vào cặp mắt kính đẫm nước mắt của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 6 vào năm 2012, đã chẳng còn biết trời cao đất dày là gì khi không còn cái lá chắn ‘Anh Ba X’ mà lại dám ngự ngay trong Bộ Chính trị và cái ghế bí thư thành ủy TP.HCM. ‘Trèo cao ngã đau’ như ông bà khuyên răn là thế.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 23/05/2019
Vào sát thời điểm bắt đầu kỳ họp quốc hội tháng 5 năm 2019, ‘luật bán nước’ - một cái tên bi thảm mà người dân đã gọi để lên án Luật Đặc khu và vẫn tồn tại cho đến giờ đây, bất chợt bị phía chính phủ của của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ đề nghị hoãn trình Quốc hội, với lý do là luật này chưa ‘chín’ và "chính phủ đang tiếp tục hoàn chỉnh để báo cáo và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh".
Hình ảnh được nói là chụp công nhân ở Công ty Pouyuen - Tân Tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh đang đình công để phản đối dự luật đặc khu kinh tế, ngày 9 tháng 6, 2018
Hiện tượng ‘lạ’
Một hiện tượng ‘lạ’ khác là trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của cả năm 2019 và 2020 đều không có dự án ‘luật bán nước’, dù mới vào đầu tháng 4 năm 2019 Thủ tướng Phúc còn chỉ đạo cho các bộ ngành liên quan "Hoàn thiện dự án Luật Đặc khu theo hướng xây dựng một luật chung (thay vì dành cho riêng 3 đặc khu)" tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội. Tinh thần chỉ đạo sắt son như thế đã khiến dư luận một lần nữa dậy sóng phản ứng về ý chí cố đấm ăn xôi của Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhóm tài phiệt có lợi ích khổng lồ nếu ‘luật bán nước’ được thông qua.
Không biết ngẫu nhiên hay chủ ý, dự án ‘luật riêng’ theo chỉ đạo biến tướng của Nguyễn Xuân Phúc thình lình bị xem là ‘chưa đủ chín’ chỉ vài ngày sau ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng tạm hồi phục, sau khi ông ta nhiều khả năng đã phải chịu một cơn tai biến mạch máu não không hề nhẹ nhàng ngay tại ‘căn cứ địa cách mạng của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’ ở Kiên Giang vào ngày 14/4/2019.
‘Luật riêng’ biến tướng thành ‘luật chung’
Trong thời gian Trọng bị xem là nằm dưỡng bệnh tại Bệnh viện quân y 108 ở Hà Nội, nhiều thông tin cho biết dự án Luật Đặc khu vẫn được cấp tốc vận động các cơ quan của Quốc hội để sớm ‘gật’ và đưa ra kỳ họp quốc hội tháng 5 năm 2019 để bỏ phiếu thông qua. Cùng lúc và như một hiện tượng rất đồng pha, một chiến dịch ‘đánh lên’ giá đất đã bùng nổ ở các khu vực dự kiến ‘lên đặc khu’ là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và có thể cả ở Vân Phong (Khánh Hòa). Hàng loạt tờ báo quốc doanh, vốn chưa bao giờ dám lên tiếng phản ứng hay có ý định phản ứng đối với ‘luật bán nước’ theo đúng triết lý ‘làm nhà báo cứ phải như con chó ấy’ - với tác giả là nhà báo đại tá công an Nguyễn Như Phong, lại lao như thiêu thân vào cơn động kinh múa bút nhằm PR tận lực cho những ‘đặc khu tương lai’ trên, thậm chí còn viết thẳng cụm từ Đặc khu Phú Quốc, Đặc khu Vân Đồn không cần dấu ngoặc kép. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, sau cú thất bại ‘đánh lên’ vào năm 2018, vô số đất đai mà giới quan chức đã ‘tậu giá rẻ’ ở những nơi này sẽ có cơ hội bằng vàng để ‘thoát hàng’ với giá trên trời nếu các ‘đặc khu’ này được chính thức công nhận theo biến tướng ‘luật chung’.
Khái niệm ‘luật chung’ mà thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ thông báo tại phiên họp Thường vụ quốc hội vào tháng 4 năm 2019 lại khiến người ta càng nghi ngờ về việc đã từng tồn tại một thứ ‘luật riêng’ - Luật Đặc khu mà nhiều nội dung của nó chứa đựng quá nhiều ưu ái cho Trung Quốc và cứ như thể đó là một hình thức trá hình mà chính thể độc đảng ở Việt Nam luồn lách nhượng địa hoặc nói trắng ra là bán đất cho kẻ ‘ngàn năm Bắc thuộc’.
Bởi cho tới nay, dự thảo luật Đặc khu vẫn bị phản ứng dữ dội về nhiều điều khoản rất bất lợi - có thể vẫn chưa được chỉnh sửa một cách cầu thị thật sự, mà thậm chí chỉ được gia cố hết sức sơ sài và mang tính đối phó mà vẫn giữ nguyên quan điểm và quy định chi tiết về ‘cho thuê đất đến 99 năm’ hoặc gần như thế ; ‘kiến tạo’ những điều kiện cực kỳ dễ dãi để người Trung Quốc có thể ồ ạt di cư vào các đặc khu, đặc biệt là đặc khu kinh tế Vân Đồn ở Quảng Ninh, một khi luật Đặc khu đực chính thức thông qua ; vẫn giữ nguyên quyền tài phán nếu có tranh chấp và xử lý người di cư hoặc doanh nghiệp của Trung Quốc không thuộc về Việt Nam mà thuộc về ‘quốc tế’ ; vẫn không có những điều kiện chặt chẽ để loại trừ tương lai các đặc khu, nhất là đặc khu Vân Đồn, sẽ trở thành bãi thải công nghiệp khổng lồ của rác từ Trung Quốc đổ vào ; và vẫn không có quy định chặt chẽ để lại trừ tương lai một số doanh nghiệp cá mập Việt Nam (chẳng hạn như Tập đoàn FLC của Trịnh Văn Quyết - nhân vật không biết là tỷ phú đô la thực hay giả) trở thành con nợ khổng lồ khi sẵn sàng đi vay của các ngân hàng Trung Quốc để đầu tư vào đặc khu nhưng lại không thể bảo đảm năng lực thanh toán, để cũng như nhiều phi vụ vay ODA nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đẩy toàn bộ hậu quả mất khả năng thanh toán cho chính phủ…
Vậy nguồn cơn nào đã khiến Luật Đặc khu thêm một lần nữa bị hoãn trình quốc hội, sau lần bị hoãn đầu tiên xảy ra vào tháng 6 năm 2018 do bị hàng trăm ngàn người dân Sài Gòn đổ xuống đường biểu tình phản đối, lan rộng trên 50% tỉnh thành trong cả nước và lần thứ hai bị hoãn vô thời hạn vào tháng 10 năm 2018 ?
‘Nó lừa mình !’
Sau khi nổ ra cuộc biểu tình phản đối ‘luật bán nước’ ở Sài Gòn vào tháng 6 năm 2018, một tin tức đã lan tràn trong giới cách mạng lão thành ở Hà Nội : Nguyễn Phú Trọng - khi đó còn là tổng bí thư mà chưa ngồi hẳn vào ghế chủ tịch nước của kẻ quá cố là Trần Đại Quang - đã có một cuộc gặp riêng kéo dài đến hai giờ đồng hồ với vài cựu quan chức thân tín để nghe báo cáo về thực chất mất chủ quyền an ninh và bị các nhóm lợi ích lợi dụng đẩy giá bất động sản trong dự luật Đặc khu. Cuối cuộc gặp này, ông Trọng đã thốt lên ‘Nó lừa mình !’.
‘Nó’ là ai ?
Khi đó, mối nghi ngờ rất lớn của dư luận tập trung vào ‘tứ trụ’ Huynh - Chính - Ngân - Phúc.
Bởi trước khi dự luật Đặc khu trên được tung ra vào giữa năm 2018, quan chức Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh (vào lúc còn chưa ‘mất tích dài hạn’) đã ký một thông báo thay mặt Bộ Chính trị kết luận về chủ trương ‘làm’ các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chính thức mở đường cho một khung pháp lý mà sau này bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt vì cho đó là ‘luật bán nước’.
Đáng chú ý, bản thông báo do Đinh Thế Huynh ký được dựa trên đề xuất của bí thư tỉnh Quảng Ninh - một địa phương giáp biên giới với Trung Quốc - vào thời đó là Phạm Minh Chính.
Lại có một mẩu chuyện rất đáng mổ xẻ và cần thiết thì ‘hồi tố’ kể cả về sau này : sau những cuộc làm việc đầy ‘tình hữu nghị’ với trợ lý của Tập Cận Bình về đặc khu, Phạm Minh Chính đã nêu ra đề xuất cho thuê đất đặc khu đến 120 năm, chứ không chỉ là 99 năm !
Sau ‘thành tích’ đề xuất ý tưởng và cả kế hoạch về xây dựng đặc khu Vân Đồn dành nhiều ưu ái cho nhà đầu tư cùng giới tài phiệt Trung Quốc và lại khá tương thích với ý đồ lấn dần lãnh thổ Việt Nam của Bắc Kinh, Phạm Minh Chính đã lọt vào Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tổ chức trung ương tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.
Chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như sự đã rồi. Trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu.
Nhưng ngay sau khi dự luật Đặc khu được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Chỉ đến khi không khí và tâm trạng bức xúc của dân chúng lên cao độ, Thủ tướng Phúc mới lộ hình để thanh minh : ‘Giao đất 99 năm không phải mấu chốt của luật đặc khu".
Nhưng khi không khí bức xúc của dân chúng và trí thức không còn là mỉa mai hay chỉ trích đối với dự luật đặc khu mà đã bùng nổ thành rất nhiều văn thư, bài viết phản bác và phản kháng, đồng thời manh nha một làn sóng biểu tình phản đối dự luật này, ông Phúc lại ‘tự diễn biến’ khi tự thay đổi quan điểm trước đó của mình sang ‘Sẽ điều chỉnh cho thuê đất đặc khu xuống dưới 99 năm’.
Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó : không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.
Sau khi dự luật Đặc khu bị phản ứng dữ dội, người dân đã phát hiện ra nguồn cơn vì sao Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nhấn mạnh theo lối áp đặt ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’ : vào thời gian hội thảo về chủ trương đặc khu Vân Đồn ở Quảng Ninh, Nguyễn Thị Kim Ngân nằm trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này và đã ‘nhiệt tình vỗ tay’ dành cho ‘luật bán nước’.
Trọng lại chỉ đạo ‘trảm’ ?
Trong thời gian dự luật Đặc khu ‘mai phục’ chờ thời cơ thây ma sống lại, Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính đã ‘chém vè’ mà không một lần nào xuất hiện cổ vũ cho dự luật này như ông ta đã ồn ào khuếch trương trước đây. Từ đó đến nay, Phạm Minh Chính cũng bị cho rằng đã ‘thất sủng’ trước Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí Chính còn có thể bị loại khỏi danh sách Bộ Chính trị dự kiến cho Đại hội 13 vào năm 2021.
Cũng từ đó đến nay, người ta không còn thấy Nguyễn Thị Kim Ngân hiện ra để PR cho luật Đặc khu.
Trên sân khấu luật Đặc khu vào lúc này chỉ còn duy nhất ‘diễn viên’ Nguyễn Xuân Phúc - cũng là một trong những ứng cử viên sáng giá cho cái ghế tổng bí thư đảng tại Đại hội 13, nếu Nguyễn Phú Trọng ‘sức cùng lực kiệt’.
Ngay lập tức, dư luận bật lên một nghi ngờ rất lớn : sau ‘luật riêng’ của Phạm Minh Chính và Nguyễn Thị Kim Ngân, vai trò ‘luật chung’ của Nguyễn Xuân Phúc có thể được hiểu ra sao ? Liệu ông Phúc có lợi ích gì trong các phi vụ đầu cơ tài chính và chính trị của ‘luật bán nước’ ?
Còn vào lúc này và khi ‘luật bán nước’ một lần nữa bị hoãn trình ra Quốc hội, phải chăng động thái đó có liên quan trực tiếp đến sự ‘tái xuất’ của Nguyễn Phú Trọng và lời cảm thán ‘Nó lừa mình !’ trước đó của ông ta, để thêm một lần Trọng buộc phải chỉ đạo ‘trảm’ dự luật phản dân hại nước này ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/05/2019