Ukraine mở đợt phản công mới nhằm cắt đứt bán đảo Crimea với vùng Donbass
Phan Minh, RFI, 27/07/2023
Lực lượng Ukraine đã mở đợt phản công mới chống lại quân đội Nga với hàng nghìn quân tiếp viện được phương Tây huấn luyện. Chiến dịch phản công mới dự kiến sẽ kéo dài từ một đến ba tuần. Nhật báo Mỹ The New York Times ngày 27/07/2023 đã trích dẫn hai quan chức Lầu Năm Góc ẩn danh, cho biết Washington đã được Kiev thông báo về cuộc phản công.
Binh sĩ thuộc Lữ Đoàn 1 Vệ binh Quốc gia Ukraine chuẩn bị sử dụng lựu pháo 105mm OTO-Melara Mod 56 do Ý sản xuất để tấn công lực lượng Nga ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 23/07/2023. Reuters - Stringer
Theo lời thuật của các quan chức Mỹ, mục tiêu chính của quân đội Ukraine là thị trấn Tokmak, thuộc tỉnh Zaporijjia, trước khi Kiev tập trung lực lượng để tiến vào thành phố Melitopol, xa hơn một chút về phía nam để cắt đứt cầu nối các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng và bán đảo Crimea, bị Moskva sáp nhập hồi năm 2014.
Các quan chức Nga do điện Kremlin cử đến các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng đã xác nhận thông tin nói trên.
Vẫn về tình hình chiến sự, lực lượng Không Quân Ukraine, hôm qua 26/07, cho biết đã đánh chặn 36 tên lửa hành trình do Nga bắn trong một cuộc oanh kích mới.
Được AFP trích dẫn, trung tướng Mykola Olishchuk cho biết lực lượng Ukraine đã đánh chặn 3 tên lửa Kalibr trong loạt oanh kích đầu tiên vào buổi chiều và 33 tên lửa X-101 và X-555 vào buổi tối. Các tên lửa được 8 máy bay ném bom Tu-95 phóng đi, từ phía đông nam hướng về phía tây Ukraine.
Không Quân Ukraine, trong cùng ngày, cũng đề cập đến một cuộc oanh kích khác của Nga nhắm vào khu vực Khmelnytsky ở phía tây Ukraine, vùng thường xuyên bị Moskva tấn công.
Phan Minh
*************************
Sáng kiến cung ứng lốp xe cho quân đội ở các vùng chiến sự
Phan Minh, RFI, 27/07/2023
Từ gần một năm nay, nhiều tình nguyện viên Ukraine đã đi khắp đất nước để thu gom lốp xe và chuyển đến những vùng chiến sự nơi đang rất cần loại phụ tùng này.
Xe thiết giáp chuyển quân FV103 Spartan do Anh Quốc cung cấp được chở đến vùng nông thôn gần Bakhmut, miền đông Ukraine, ngày 09/07/2022. AFP – Miguel Medina
Từ Sloviansk, đặc phái viên RFI Emmanuelle Chaze gửi về bài phóng sự :
Quân đội Ukraine cần vũ khí, nhưng không chỉ có vậy. Các binh sĩ cần một vật dụng thiết yếu : lốp xe cho cho các phương tiện vận chuyển. Ở mặt trận, ô tô và xe tải của các binh sĩ hàng ngày bị hư hại do bị bắn phá, trúng các mảnh đạn hay thậm chí là trúng mìn.
Để đáp ứng nhu cầu này, từ tháng 9 năm ngoái, Slavik, một tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ Zampotech của Ukraine, đã đi thu gom lốp xe và mang ra mặt trận.
Slavyk nói : "Chúng tôi đến đây trong một đoàn xe khởi hành từ Kiev, đi cùng với hai thợ sửa lốp xe cùng với một chiếc ô tô".
Khi các khoản quyên góp tiền giảm dần, một chiến dịch thu thập trực tiếp lốp xe đã được phát động.
Slavyk nói : "Nếu có thể, chúng tôi muốn khuyến khích những người có lốp xe, không phải bánh xe cũ bị bỏ xó, mà là những lốp họ không dùng đến, gửi chúng qua đường bưu điện cho các lực lượng vũ trang, và chúng tôi sẽ lo việc gửi lốp đến những nơi đang cần".
Ở vùng tiền tuyến như Sloviansk, dịch vụ này được đánh giá rất cao : không bị chậm trễ về mặt hành chính, không phải trả tiền. Một người lính tỏ ra phấn khởi : "Dịch vụ này thật tuyệt vời !"
Với hơn một nghìn lốp xe được phân phối, các tình nguyện viên của Zampotech đã trở thành một nguồn hỗ trợ quan trọng cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Phan Minh
Đội quân công dân, những người hùng bình dị chiến đấu cho tổ quốc Ukraine
Báo Le Figaro hôm nay 25/07/2023 có bài về "Đội quân công dân đang chiến đấu để giải phóng Ukraine khỏi ách thống trị của quân Nga". Lữ đoàn cơ giới số 67, nguyên là binh đoàn tình nguyện DUK-Pravyi Sektor, đã đóng vai trò chủ chốt trong việc cứu vãn cuộc cách mạng Maidan và bảo vệ Donbass. Đơn vị này là biểu hiện cho mối liên hệ "quân dân cá nước".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự tang lễ của Dmytro Kotsiubaylo tức anh hùng "Da Vinci" tại thánh đường Micae ở Kiev ngày 10/03/2023. AP - Thibault Camus
Thời thế tạo anh hùng
Qua trung gian của David Piguet, cựu sĩ quan Pháp đã gia nhập đội ngũ chí nguyện quân quốc tế sau khi Nga xâm lăng Ukraine, nhà báo gặp được Andriy Stempitskiy, phó chỉ huy lữ đoàn và tham mưu trưởng Oleksandr Sachko. Cả hai vừa từ chiến trường về, hẹn gặp bên cạnh một con đường ở đông nam Ukraine, ở một địa điểm được giữ bí mật đến phút chót. Họ cho biết : "Hầu hết lính của chúng tôi là thường dân, sẽ quay lại với nghề nghiệp chính sau khi đuổi xong giặc. Đó là các doanh nhân, kiến trúc sư… thậm chí có cả một ca sĩ của Nhà hát Opéra Paris là Wassyl Slipak đã tử trận".
Còn có Dmytro Kutsiubailo tức anh hùng "Da Vinci" đã hy sinh ở Bakhmut tháng Ba năm nay. Anh được tổ chức quốc tang với sự hiện diện của tổng thống Zelensky và tổng tham mưu trưởng quân đội Zalujny, mọi người đều quỳ gối trước quan tài để tiễn biệt. Da Vinci từng chiến đấu dưới quyền của Stempitskiy và Sachko. Họ đều có niềm tin vững chắc là Ukraine sẽ giành lại được tất cả những vùng đất bị tạm chiếm, dù quân số ít hơn nhiều và đang bị thiệt hại nặng.
Cả hai không giấu diếm rằng vượt được "vạn lý trường thành" mà quân Nga dựng lên không khác nào cuộc đổ bộ Normandy đối với người Ukraine. Sachko đưa điện thoại cho xem ảnh một chiến binh bị mất cả hai chân sau khi đạp phải mìn khi cố vượt qua phòng tuyến Nga, một nỗ lực "đã và sẽ còn đẫm máu".
Từ cách mạng Maidan, Donbass đến toàn quốc kháng chiến
Cuộc phiêu lưu của tiểu đoàn tình nguyện "Pravyi Sektor" (nghĩa là "cánh bên phải") bắt đầu từ năm 2013, khi nổi lên cuộc cách mạng Maidan chống lại tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich. Cũng như Putin và Lukachenko, ông ta ra tay đàn áp, nhưng lực lượng Berkut vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ bất ngờ. Một số người biểu tình yêu nước ở "khu vực bên phải" quảng trường Maidan đã bí mật đưa vũ khí đến để bảo vệ người dân. Đó là những chiến binh trong đó có vài nhóm dân tộc chủ nghĩa và cực hữu kịch liệt chống cộng, họ làm thành chiếc khiên bảo vệ cho những người phản kháng.
Sau khi đã có 62 người chết và hàng trăm người bị thương, Yanukovich chạy trốn. Những người ở "cánh phải" đã giúp cách mạng thắng lợi. Đến năm 2014 khi Luhansk và Donetsk ly khai dưới sự giựt dây của Moskva, đơn vị tình nguyện quân DUK-Pravyi Sektor hình thành với hàng trăm người "cánh phải" Maidan tham gia. Nhiệt huyết và sự linh hoạt của đội ngũ này giúp ích rất nhiều cho quân đội vẫn còn chưa thoát khỏi nạn quan liêu thời xô-viết.
Khi quân Nga tràn sang ngày 24/02/2022, họ đã sẵn sàng chiến đấu : 1.000 quân đang ở Donbass cộng với 7.000 quân dự bị và thêm 10.000 người tình nguyện gia nhập ngay từ ngày đầu tiên. Từ 2014 đến 2022, những chiến sĩ tình nguyện không hề có lương, họ lệ thuộc hoàn toàn vào sự đóng góp của người dân. Cũng như tiểu đoàn Azov và Svoboda, DUK-Pravyi Sektor từ lâu mang tiếng là cực hữu do tuyên truyền của Nga. Trên thực tế, đơn vị thu hút một xã hội dân sự đa dạng, trong đó có nhiều người nói tiếng Nga, người gốc Do Thái và cả người Hồi giáo. Những khuôn mặt cực đoan, phân biệt chủng tộc, bài Do Thái đều đã bị trục xuất.
Nhà báo Natalya Pozniak-Khomenko, chủ tịch một tổ chức tình nguyện khẳng định : "Ai nói Azov hay DUK là phát-xít ? Chính là tuyên truyền của Nga ! Chương trình hành động của Pravyi Sektor là đuổi quân Nga chiếm đóng, giảng dạy tiếng Ukraine, giáo dục tình yêu đất nước. Chẳng lẽ đó là điều xấu ?". Đến tháng 4/2022, việc hội nhập DUK vào quân đội đã xóa bỏ mối hoài nghi cuối cùng về lực lượng này. Chín năm sau khi thành lập, những chiến binh DUK tượng trưng cho dân tộc cô-dắc cầm súng bảo vệ tổ quốc, hoàn toàn khác với những đội quân lính đánh thuê như Wagner mà Putin sử dụng, cầm súng vì tiền.
Ngõ cụt chính trị của Tây Ban Nha
Cũng tại Châu Âu, Le Monde trong bài xã luận nhận định "Tây Ban Nha đang trong ngõ cụt chính trị". Khi thủ tướng Pedro Sanchez giải thể Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn sau khi phe tả thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương hôm 28/05, mục tiêu là làm rõ tình hình chính trị tại một đất nước chưa bao giờ chia rẽ như vậy. Rốt cuộc Tây Ban Nha lại lâm vào tình thế rối rắm hơn. Cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật 23/07 dẫn đến bế tắc còn trầm trọng hơn trước. Không đảng nào chiếm được đa số, không loại trừ khả năng phải tổ chức cuộc bầu cử mới, và cũng không có gì bảo đảm rằng sau đó sẽ có được một đa số ổn định. Chỉ có một liên minh rộng rãi mới mở ra được triển vọng, nhưng ai có thể tin vào kịch bản này khi mâu thuẫn giữa cánh tả và cánh hữu chưa bao giờ sâu sắc đến thế ?
Bầu cử Cam Bốt : Không được bỏ phiếu trắng !
Liên quan đến Đông Nam Á, Le Monde cho biết "Tại Cam Bốt, đảng của ông Hun Sen chiến thắng trong cuộc bầu cử đã được đo ni đóng giày". Đảng đối lập duy nhất là Ánh Nến (The Candlelight Party hay CLP) bị loại hồi tháng Năm do không cung cấp được bản chính đăng ký hoạt động ở Bộ Nội vụ. Kim Suor Phirith, phát ngôn viên đảng này nói rằng đã xin cấp bản sao nhưng không được. Tài liệu bị mất trong vụ khám xét trụ sở năm 2017, đặt chung địa chỉ với đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt đã giải thể.
Trong số 17 đảng nhỏ, Funcipec quay lại chính trường nhưng có thể trở thành bù nhìn cho gia tộc Hun Sen. Ông hoàng Chakravuth, lâu nay làm giám đốc tin học cho một tập đoàn đa quốc gia ở nước ngoài, ít được biết đến trong nước. Để tránh rủi ro bị tẩy chay, một đạo luật đưa ra ngay trước cuộc bầu cử nhằm trừng phạt mọi xúi giục bỏ phiếu trắng, có nghĩa là gạch chéo trên phiếu bầu. Bốn nhà tranh đấu của đảng Ánh Nến đã bị bắt vì tội này trong những tuần vừa qua. Hôm Chủ nhật lúc bầu cử đang diễn ra, báo chí liên tục đưa tin về 37 người được cho là "nổi loạn" thuộc một nhóm Telegram "âm mưu" kêu gọi bỏ phiếu trắng và "phá hoại dân chủ".
Với 78% số phiếu, 84% cử tri tham gia, đảng PCC chiếm 120/125 ghế trong Quốc hội. Số chỗ còn lại có thể của đảng bảo hoàng Funcinpec, ít khi chỉ trích thủ tướng. Điều quan trọng là vị trí dân biểu cho con trai của Hun Sen là Hun Manet, 45 tuổi, tướng bốn sao và là phó tổng tham mưu trưởng quân đội Cam Bốt. Hun Manet ứng cử tại thủ đô Phnom Penh và chiếm được gần 80% số phiếu, giai đoạn đầu tiên trước khi chuyển giao quyền lực từ cha sang con. Trong bài phỏng vấn ngày 21/07, thủ tướng loan báo con trai ông sẽ lên thay "trong ba hoặc bốn tuần nữa". Chính phủ mới Cam Bốt sẽ tuyên thệ ngày 29/08.
Hun Sen-Hun Manet : Thủ tướng cha truyền con nối
La Croix nhận thấy "Tái đắc cử, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen chuẩn bị sẵn chỗ cho con trai". Le Monde trích lời Dim Sovannarom, phát ngôn viên Ủy ban bầu cử quốc gia : "Có gì sai nếu con ông Hun Sen làm thủ tướng ? Cuộc bầu cử của chúng tôi là tự do, công bằng và bình đẳng, đáp ứng mọi tiêu chí. Ở Singapore, con ông Lý Quang Diệu đang là thủ tướng, tại Nhật Bản, các dân biểu là con cái của những nghị viên trước đây". Tuy nhiên nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher của IFRI nhận định trên La Croix về cuộc bầu cử : "Hoàn toàn không phải là một tiến trình dân chủ, mà là một chế độ độc tài tự khoác cho mình tính chính danh".
Hun Manet có thành tích học tập ấn tượng, dù theo Sophie Boisseau du Rocher thì "vừa do cái tên, vừa bằng năng lực bản thân". Năm 1999 tốt nghiệp trường võ bị West Point, sau đó lấy bằng thạc sĩ kinh tế ở New York, đến 2009 là tiến sĩ kinh tế đại học Bristol. Trở về nước, Hun Manet giữ nhiều chức vụ khác nhau trong quân đội và đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột biên giới với Thái Lan năm 2008 và 2011, nhờ đó chiếm được sự tin cậy của 16,5 triệu dân Cam Bốt.
Hun Manet cũng lãnh đạo đoàn thanh niên, thường xuyên tháp tùng cha trong những chuyến công du, đã gặp Tập Cận Bình năm 2020. Bà Boisseau du Rocher cho rằng quá trình và kinh nghiệm giúp Hun Manet "có thể được cả Trung Quốc và Mỹ chấp nhận".
"Con vua lại làm vua", con bộ trưởng lại làm bộ trưởng
Xuất hiện thường xuyên trên Facebook và Telegram, nhưng ông ta không bộc lộ nhiều về ý đồ chính trị. Nhà nghiên cứu không chờ đợi những thay đổi quan trọng khi Hun Manet lên cầm quyền : "Đó là một người con của chế độ, sẽ không bao giờ chối bỏ và chắc chắn muốn làm hệ thống được trường tồn". Tuy vậy trong giai đoạn đầu, Hun Sen khó thể giao trọn quyền cho Hun Manet.
Một nhà quan sát nói với Le Monde, điều đáng lo tại Cam Bốt là những gì diễn ra bên trong đảng PPC : một đảng của những người đã đi qua chiến tranh muốn giành chỗ cho con cái mình. Hun Sen muốn chắc rằng con ông ta sẽ lên thay, và không ai dám chống lại. Từ nhiều tháng qua, đã có những cuộc thương lượng trong hậu trường để phân bố các bộ cho con cái hoặc người thân của các bộ trưởng hiện nay. Nếu Hun Sen vẫn bình thường thì sẽ ổn thỏa, còn nếu ông ta bị bệnh hay qua đời, mọi khả năng đều có thể xảy ra.
"Cơn sốt thú cưng" tại Trung Quốc
Trên lãnh vực xã hội, Le Monde cho biết tại Trung Quốc, nuôi thú cưng là phong trào đang phát triển mạnh trong giới trẻ giàu có. Ngành kinh doanh thức ăn, trang bị cho đến dịch vụ cho chó mèo đã tạo nên một lãnh vực đầy triển vọng. Lâu nay, ngành kinh doanh này phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Châu Âu. Sau khi bị ông Donald Trump tăng thuế, các công ty như PetPal đã xây nhà máy tại Việt Nam và Cam Bốt để tránh né trừng phạt. Và giờ đây thì thị trường Hoa lục phát triển nhanh.
Sau Thượng Hải, "pet mania" đã lan đến Bắc Kinh. Chó mèo không chỉ được cung cấp thức ăn hữu cơ (bio) có truy vết, mà cả bánh sinh nhật và bánh trung thu. Những người chủ không chỉ mang chó mèo đi khám sức khỏe, mà cần cả thẩm mỹ viện. Chỉ riêng hệ thống Noble Pet đã có đến hơn 200 đơn vị nhượng quyền kinh doanh và chuẩn bị tăng lên 10.000 trong ba năm tới, với một số dịch vụ mới như tiệc cocktail và chiếu phim.
Tựa chính báo Pháp
Libération hôm nay 25/07/2023 đặt câu hỏi "Cảnh sát đứng trên luật pháp ?". Nhật báo thiên tả phản ứng trước phát biểu của giám đốc cảnh sát quốc gia, rằng trước khi xét xử, "chỗ của một cảnh sát viên không phải là trong nhà tù". Le Figaro nhận thấy "Macron đặt ra vấn đề trật tự nhưng mơ hồ về vụ nổi loạn". Vừa đặt chân lên Châu Đại Dương trong khuôn khổ chuyến đi bốn ngày, tổng thống Pháp muốn nhấn mạnh đến trật tự xã hội, một tháng sau đợt bạo loạn, và xem xét lại chính sách để hỗ trợ cho 500 thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất vì bạo lực.
Về thời sự quốc tế, Le Monde đưa tít trang nhất "Tây Ban Nha không tìm được đa số để lập chính phủ sau cuộc bầu cử Quốc hội". Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa "Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới : Giáo hội lắng nghe thế hệ Z" (sinh từ 1997 đến 2010). Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến "Mối đe dọa lên tăng trưởng Châu Âu" : nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài khối đều trì trệ.
Thế vận hội Paris 2024 : Đoàn Pháp sẽ mặc "hàng hiệu"
Riêng về Thế vận hội Paris 2024, tập đoàn Pháp LVMH đứng đầu thế giới về hàng xa xỉ, lần đầu tiên sẽ trở thành đơn vị bảo trợ chính, sau nhiều tháng thương thảo. Ông Antoine Arnault, giám đốc hình ảnh của tập đoàn cho biết đó sẽ là một số tiền đáng kể, rất nhiều thương hiệu sẽ góp mặt. Lần đầu tiên nhà kim hoàn Chaumet sẽ vẽ kiểu huy chương thế vận, được Monnaie de Paris sản xuất. Do luật Evin hạn chế quảng cáo, rượu Hennessy hiện diện lặng lẽ hơn nhưng sẽ được phục vụ khách.
Vai trò của những thương hiệu thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Christian Dior, Berluti… sẽ được xác định sau. Dường như đoàn vận động viên Pháp sẽ mặc trang phục của một trong số những thương hiệu thuộc LVMH trong lễ khai mạc và bế mạc, còn Louis Vuitton chế tạo hộp đựng các mề-đay. Thời điểm loan báo vào lúc còn 365 ngày nữa Thế vận hội Paris khai mạc, ngẫu nhiên trùng hợp với việc Léon Marchand, vận động viện được LVMH bảo trợ vừa phá kỷ lục thế giới bơi 400 mét hỗn hợp của huyền thoại Michael Phelps.
Thụy My
Phải chăng hàng loạt tướng lãnh Nga đang bị thanh trừng ?
L'Express nói về không khí bất an trong quân đội Nga sau gần 17 tháng chiến tranh, với tình trạng thay quân đổi tướng liên tục mà tuần báo gọi là "Những tướng lãnh xài một lần rồi bỏ". Một loạt sĩ quan cao cấp bị kỷ luật, gây ra tâm trạng hoang mang. Nếu họ được thay thế bằng những kẻ nịnh hót, sẽ là tin vui cho Ukraine, vốn đang tiến rất chậm trong chiến dịch phản công.
Tướng Sergei Surovikin (trái) và bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu (giữa) trong chuyến thăm bộ tham mưu liên quân ngày 17/12/2022 tại một địa điểm không được xác định. Tướng Surovikin không hề thấy xuất hiện sau vụ binh biến của Yevgeny Prigozhin ngày 24/06/2023. AP - Gavriil Grigorov
Những đề tài nhẹ nhàng của mùa hè chiếm trang nhất các tuần báo kỳ này. Courrier International nghỉ hè sớm, ra ba số nhập một với chủ đề "Tiếng gọi của những hòn đảo". Le Point nói về "Quyền lực siêu việt của giấc ngủ". L’Obs chạy tựa "Bye Lady Jane", tưởng niệm nữ nghệ sĩ gốc Anh Jane Birkin vừa qua đời trong tuần. L’Express tuy dành trang bìa cho nhà báo kiêm nhà hoạt động sinh thái Hugo Clément, nhưng có hồ sơ công phu về "Những người thân Nga và những kẻ ngốc hữu dụng".
Cuộc phản công "lâu dài và khó khăn" của Kiev
Về chiến tranh Ukraine, L'Obs đặt câu hỏi "Tái chiếm 200 kilomet vuông một tháng : Tại sao cuộc phản công lại tiến chậm như vậy ?". Quân đội Ukraine đã chiếm lại được 210 cây số vuông (gồm 180 kilomet vuông ở miền nam và 30 kilomet vuông ở miền đông), tổng cộng gấp đôi diện tích Paris, trung bình giành lại được 35 kilomet vuông một tuần. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định : "Mỗi kilomet giành lại được, mỗi trận thắng của các đơn vị được đều xứng đáng được hàm ân".
Hệ thống mìn bẫy của Nga dày đặc chưa từng thấy, kéo dài "từ 4 đến 16 kilomet", đặc biệt ở Zaporijia còn được gài rất sâu, các chiến binh không thể tiến được nếu chỉ có những chiếc thiết giáp. Trước bức tường mìn chống tăng, mìn chống cá nhân, bẫy rập được rải khắp nơi bằng giàn phóng rốc-kết hoặc drone, quân đội Ukraine phải thay đổi chiến thuật. Quá thiếu công binh gỡ mìn, họ phải cho những toán nhỏ chiến binh làm việc ngày đêm, bò trườn trên mặt đất để mở đường. Kiev mới nhận được chưa đến 15% số thiết bị phá mìn được phương Tây hứa như loại MICLIC nổi tiếng của Mỹ.
Đối với nhà phân tích quân sự Franz-Stefan Gady của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, lực lượng Ukraine tiến chậm do không nắm vững hợp đồng tác chiến quy mô, thường chỉ tấn công trực tiếp vào các vị trí Nga. Kiev nêu ra tính chất "lâu dài và khó khăn" của cuộc chiến, đề nghị được chi viện chiến đấu cơ và xe tăng.
Ukraine đang cần khẩn cấp thêm 200 đến 300 thiết giáp, 60 đến 80 chiến đấu cơ F-16, 5 đến 10 hệ thống phòng không. Về đạn dược, Ukraine sử dụng 4.500 đến 6.000 quả đạn pháo cỡ lớn mỗi ngày, 150 đến 200 hỏa tiễn tầm xa mỗi tháng, đặc biệt là Storm Shadow của Anh. Hoa Kỳ loan báo viện trợ thêm 1,3 tỉ đô la, nhưng vũ khí không thể đến nơi sớm vì không thể lấy trực tiếp từ kho của quân đội Mỹ. Được chờ đợi từ lâu, thực ra đây là đợt phản công thứ ba sau khi giải phóng Kharkiv và Kherson, chưa kể trận Kiev. Bên cạnh đó Ukraine vẫn chưa tung ra hết lực lượng.
Địa ngục chiến tranh Ukraine và cuộc sống dưới lòng đất
Trên chiến trường, L'Obs có bài phóng sự cảm động mô tả "Cuộc sống nơi tiền tuyến". Ngôi làng bị tàn phá, những người sống sót trú ngụ trong những căn hầm dưới lòng đất, các cha tuyên úy xông pha dưới đạn bom chỉ được bảo vệ bằng đức tin, những chiếc xe jeep chở thương binh tử sĩ... Đó là hình ảnh thường nhật trong giai đoạn phản công của những người đang sống trong địa ngục chiến tranh.
Những gì còn sót lại của làng Velyka Novossilka chỉ là những ngôi nhà bị xé toang, những mảng tường đổ. Nhưng trên mảnh đất đầy mảnh vỡ hỏa tiễn, là những bông hoa - Bakhmut cách đó 30 kilomet vốn là "thành phố hoa hồng". Ngôi làng nhỏ bé có vị trí chiến lược vì mở ra phía nam hai thành trì đang bị Nga chiếm : Melitopol, cửa ngõ duy nhất để vào Crimea, và Mariupol, thành phố tuẫn đạo mà Ukraine đang mơ giải phóng. Những tiếng gầm thét của đại bác Howitzer, tiếng rít của moọc-chê, và mùi thuốc súng nồng nặc…
Tưởng chừng như một vùng đất chết, nhưng ngay khi chiếc xe jeep dừng lại, một đạo quân ma bỗng từ lòng đất chui lên. Những khuôn mặt nhợt nhạt, mắt hấp háy vì chói sáng, những người già chống gậy, những phụ nữ lớn tuổi choàng khăn, số khác chạy xe đạp đến. Tất cả đều vui sướng siết chặt tay những người trên xe, vỗ vào người như để chắc chắn là họ có thật. Phóng viên cùng với hai vị tuyên úy là sứ giả của một thế giới của những người sống, một thế giới bình thường có điện có nước. Từ một năm qua, những người già không di tản sống nhờ những chuyến hàng nhân đạo chở đến đồ hộp, gạo, mì, nước đóng chai, có người đã bị điếc vì suốt ngày nghe tiếng đạn pháo.
Trên những con đường Donbass không ít những chuyến xe "200". Quân đội Ukraine vẫn giữ mã số của thời Liên Xô : "100" là xe chở đạn dược, "200" là tử sĩ, "300" là thương binh. "Những người hy sinh vì Tổ quốc không chết bao giờ", nhưng những người hùng vẫn gục ngã, lấp đầy các nghĩa địa. Trên đường đi, thỉnh thoảng vẫn hiện ra hình ảnh đau lòng của một biển cờ màu xanh vàng phấp phới trong gió, trên những nấm mộ đơn sơ cắm cây thánh giá.
Một loạt tướng Nga bị cách chức, kỷ luật
Cũng liên quan đến cuộc chiến với Ukraine, L'Express nói về không khí bất an trong quân đội Nga sau gần 17 tháng chiến tranh, với tình trạng thay quân đổi tướng liên tục mà tuần báo gọi là "Những tướng lãnh xài một lần rồi bỏ". Nạn nhân mới nhất được cho là tướng Vladimir Seliverstov, chỉ huy sư đoàn dù 106, bị cách chức hôm 15/07 – mà theo nhiều nguồn tin Nga là do công khai bảo vệ lính tráng.
Ba ngày trước đó, thiếu tướng Ivan Popov lãnh đạo quân đoàn 58 cũng bị ngưng chức vì lý do tương tự. Chưa kể sự mất tích của tướng Sergei Surovikin, chỉ huy trưởng lực lượng không gian, kể từ sau vụ nổi loạn của Yevgeny Prigozhin hôm 24/06. Theo tin đồn đãi, có nhiều sĩ quan cao cấp bị kỷ luật như vụ Ramil Ibatullin, chỉ huy sư đoàn xe tăng 90 bị bắt cùng với hai viên phó ; hay Alexander Kornev, chỉ huy trưởng sư đoàn dù số 7 bị cách chức.
Tướng Pháp Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng, cho rằng đây là biểu hiện cho sự lúng túng của quân đội Nga, vẫn chưa tìm ra giải pháp chiến thuật. Tướng Nicolas Richoux, cựu chỉ huy trưởng lữ đoàn thiết giáp số 7 của Pháp nhấn mạnh, tình trạng này gây hoang mang, sẽ dẫn đến việc không một sĩ quan nào dám nói sự thật.
Tệ hơn nữa, sau khi nghe đồn chỉ huy trưởng lực lượng dù (VDV) là Mikhail Teplinski được cho là thân cận với Prigozhin sắp bị bắt, các blogger quân sự Nga hôm 16/07 đăng lên đoạn ghi âm cho thấy nhiều lính dù đe dọa sẽ bỏ vị trí. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng nếu đây là sự thật, sẽ là mối đe dọa đào ngũ hàng loạt. Theo tướng Richoux, nếu các tướng lãnh trên đây bị thay thế bằng những kẻ nịnh hót, thì không biết quân Nga sẽ xoay sở ra sao, và như vậy là tin vui cho bộ tham mưu Ukraine.
Những "kẻ ngốc hữu dụng" của Kremlin tại Pháp
Hồ sơ của L'Express chỉ ra "Giới quân sự, trí thức, chính khách... Ai là những người thân Nga tại Pháp ?". Tuần báo phân biệt bảy loại người đang đưa ra mọi lý lẽ để biện minh, hợp thức hóa hành động xâm lược của Nga. Đó là những nhân vật chống Mỹ, đổ lỗi cho Washington đã gây chiến. Những sĩ quan yêu thích nước Nga vì những huyền thoại trong quá khứ. Những người theo thuyết âm mưu, cho rằng Obama vẫn giựt dây, muốn nước Nga bị bất ổn. Những kẻ thủ lợi nhờ làm ăn với Nga, những người mê văn hóa Nga với Dostoievsi, Bolchoi…, phe chủ hòa và cực hữu.
Tưởng chừng sau khi Vladimir Putin quyết định đưa quân sang Ukraine, sau thảm sát Bucha, phá hoại đập thủy điện Kakhovka, lính đánh thuê Wagner tiến về Moskva… họ sẽ im lặng, nhưng không. Những người thân Nga và những kẻ ngốc hữu dụng vẫn rất năng động ở nước Pháp. Không ít người cho rằng nước Nga bảo vệ những giá trị truyền thống đang bị xói mòn tại Pháp, nhưng Vera Grantseva, giảng viên Science-Po Paris khẳng định hoàn toàn sai lầm. Tại Nga hiện nay, cứ 2 cặp cưới nhau thì 1 cặp sau đó ly dị, số tiền trợ cấp nuôi con mà những ông chồng không chịu trả lên đến 40 triệu euro, và chỉ có 4-8% người Nga là tín đồ Chính thống giáo ngoan đạo !
Trả lời phỏng vấn của L'Express, nhà chính trị học Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận xét : "Một số người không có khả năng nhìn ra bản chất nước Nga của Putin". Ông Tertrais cho rằng có nhiều nhân tố tác động : tính lãng mạn, chủ nghĩa De Gaulle và ý muốn là "cường quốc thăng bằng", chống Mỹ - cả tả lẫn hữu. Lý do thứ tư là hệ quả của cả ba yếu tố trên : cho rằng Nga là đồng minh tự nhiên, kể cả trong chống thánh chiến. Điểm chung : cả hai nước đều là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là cường quốc nguyên tử. Nhà nghiên cứu chỉ ra những ảo tưởng của nhiều trí thức Pháp : về khả năng thay đổi ván cờ, về việc gắn kết Nga với Châu Âu, xây dựng một cơ cấu an ninh mới phù hợp với tất cả.
Donald Trump khiến Ukraine và EU lo lắng
L'Obs cảnh báo thêm "Cái bóng của Donald Trump đang đe dọa Ukraine và...nChâu Âu". Kịch bản ác mộng cho Kiev và cho cả Liên hiệp Châu Âu, là việc cựu tổng thống Trump quay lại Nhà Trắng năm 2024, khiến các đồng minh của Washington lo lắng. Nếu rốt cuộc Donald Trump là người kết thúc cuộc chiến Ukraine thì sao ? Ông Trump từng khẳng định có thể "chấm dứt chiến tranh trong 24 giờ", và mới đây trả lời Fox News, Trump hàm ý rằng nếu trong nhiệm kỳ của ông sẽ không có việc Nga xâm lăng Ukraine vì ông sẽ "deal", và "thực ra một số vùng nói tiếng Nga…".
Có thể nghĩ rằng nếu lại cầm quyền, Donald Trump sẽ đe dọa cúp quân viện cho Kiev. Hồi tháng Năm tại Bratislava, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đặt câu hỏi : "Liệu chính quyền Mỹ luôn luôn như nhau ? Không ai có thể khẳng định, và chúng ta không thể giao phó an ninh và ổn định cho sự chọn lựa của cử tri Mỹ".
Châu Âu thiếu cảnh giác trước gián điệp Trung Quốc
Nhìn sang phía "người bạn thiết" ở Châu Á của Putin, Le Point đặt vấn đề "Gián điệp Trung Quốc, Châu Âu có thể làm gì ?". Sau một thời gian dài đánh giá thấp mối đe dọa từ Nga, không thể lặp lại sai lầm này trước Bắc Kinh.
Trái với tổng thống Mỹ Joe Biden có thông tin từ CIA, nguyên thủ các nước Châu Âu mà trước hết là Emmanuel Macron không nhận ra được chiến tranh đang ập vào Ukraine. Liệu lần này họ có cảm thấy mối đe dọa nghiêm trọng mới từ Trung Quốc ? Không còn gì phải nghi ngờ về việc rất nhiều gián điệp người Hoa, tất cả đều dưới quyền Đảng cộng sản, đang tạo thành mạng lưới thu thập thông tin và lũng đoạn lớn nhất thế giới. Trong khi đó những nước lớn Châu Âu vẫn không đánh giá đúng tầm vấn đề.
Gần đây nhất, Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc hội Anh ngày 13/07 kết luận sau bốn năm nghiên cứu, rằng công tác phản gián hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu, các chính phủ liên tiếp chú trọng đầu tư Trung Quốc mà không chú ý về mặt an ninh. Tại Đức, giám đốc tình báo tuyên bố "Nếu Nga là cơn bão, thì Trung Quốc là biến đổi khí hậu". Dù vậy một phần tư cảng Hambourg vẫn bị bán cho Cosco của Trung Quốc : Berlin vẫn chưa rút ra được bài học từ Nord Stream.
Thù địch với phương Tây, Moskva tỏ rõ sự hung hăng trên phương diện quân sự, Bắc Kinh âm thầm theo đuổi mục đích tương tự nhưng mang tính chiến lược. Tình báo Thụy Sĩ lưu ý, gián điệp Trung Quốc khó phát hiện hơn Nga : thay vì hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao, "họ đóng vai nhà khoa học, nhà báo và doanh nhân". Bên cạnh những cách dọ thám truyền thống, từ lâu Bắc Kinh vận động hành lang một cách quy mô và mua chuộc, một phần dựa vào việc kiểm soát chặt Hoa kiều, mặt khác tài trợ cho giới tinh hoa để họ phục vụ cho lợi ích Trung Quốc mà cứ ngỡ rằng hoạt động cho hòa bình.
Ngoại trưởng Tần Cương biến mất : Bị bệnh hay thất sủng ?
Cũng về Trung Quốc, Courrier International và The Economist đều thắc mắc về sự vắng mặt của ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) kể từ lần xuất hiện cuối cùng ngày 25/06 đến nay. Câu hỏi đặt ra là "Ông ta bị bệnh hay bị thất sủng ?". Sau khi tiếp các nhà ngoại giao cao cấp của Nga, Việt Nam và Sri Lanka trong ngày hôm đó, Tần Cương biệt tăm, không có mặt trong cuộc họp quan trọng với bộ trưởng tài chánh Mỹ Janet Yellen và đặc sứ về khí hậu John Kerry.
South China Morning Post hôm 19/07 cho biết Bắc Kinh chỉ giải thích "vì lý do sức khỏe". Hai ngày trước đó, nhà báo độc lập Philip J. Cunningham, cộng tác viên của tờ báo phàn nàn rằng có năm câu trong bài nói về sự mất tích của Tần Cương đã bị xóa, trong khi đây là điểm nhấn của bài viết. Theo tin đồn đãi trên mạng, ông ta dan díu với người dẫn chương trình của đài Phượng Hoàng ở Hồng Kông là Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian), cô này cũng đã biến mất.
Đài Úc ABC lưu ý, phần trả lời của phát ngôn viên bộ ngoại giao Vương Văn Bân (Wang Wenbin), dù chỉ nói là "không có thông tin" về Tần Cương, cũng không thấy trong thông cáo về cuộc họp báo ngày 07/07. Tuần báo nhắc lại hồi tháng 2/2012, Tân Hoa Xã cũng nói rằng phó thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân (Wang Lijun) đang "nghỉ bệnh", nhưng thực ra ông Vương đến lãnh sự quán Mỹ xin tị nạn.
Thụy My
Tổng thống Ukraine tuyên bố cần "vô hiệu hóa" cầu Crimea
Trọng Thành, RFI, 22/07/2023
Trong bài phát biểu trực tuyến tại một diễn đàn về an ninh, hôm qua 21/07/2023, tổng thống Ukraine khẳng định cầu Kerch bắc từ Nga qua bán đảo Crimea, cũng thường được gọi là "cầu Crimea", là một mục tiêu tấn công hợp pháp, bởi đây là cây cầu phục vụ cho cuộc xâm lăng của Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng nhắc lại mục tiêu "thu hồi lại toàn bộ bán đảo Crimea", bị Nga sát nhập từ năm 2014.
Trực thăng chữa cháy sau vụ nổ trên cầu nối đất Nga với bán đảo Crimea ngày 08/10/2022. AP
Theo Le Monde, phát biểu tại Aspen Security Forum, diễn đàn an ninh và chính trị quốc tế tổ chức hàng năm vào mùa hè tại Colorado (Hoa Kỳ), tổng thống Ukraine khẳng định : "Cầu Crimea không chỉ là một tuyến đường vận tải thông thường. Đây là con đường được sử dụng hàng ngày để cung cấp đạn dược phục vụ cho chiến tranh, và quân sự hóa bán đảo Crimea. Đây là một cơ sở mà kẻ thù xây dựng bất chấp luật pháp quốc tế, vì vậy rõ ràng đó có thể là một mục tiêu (tấn công)". Lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh: "Mọi phương tiện phục vụ cho chiến tranh đều cần phải được vô hiệu hóa".
Cầu Crimea dài hơn 18 km, được khánh thành năm 2018, 4 năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Cầu gồm hai phần, phần đường sắt và phần đường cho xe cộ. Cầu được thiết kế cho khoảng 40.000 xe qua lại mỗi ngày. Ngày 17/07 vừa qua, một dầm cầu đường bộ bị sập, sau một vụ tấn công bằng drone. Theo AFP, tình báo (SBU) và Hải quân Ukraine khẳng định đứng sau cuộc tấn công, theo một thông tin từ cơ quan tình báo Ukraine SBU.
Đây là lần thứ hai cầu Crimea bị tấn công. Cuộc tấn công đầu tiên vào tháng 10/2022, bằng xe chứa thuốc nổ, đã khiến cả hai cầu đường bộ và đường sắt bị hư hại. Vào thời điểm đó, chính quyền Ukraine không chính thức thừa nhận là tác giả vụ tấn công. Nga phải mất nhiều tháng để khôi phục lại giao thông trên tuyến đường huyết mạch này.
Bulgaria lần đầu tiên viện trợ xe bọc thép cho Ukraine
Khoảng một trăm xe bọc thép sẽ được Sophia viện trợ cho Kiev. Quốc hội Bulgaria hôm qua, 21/07/2023, thông qua quyết định này với đa số áp đảo (148 phiếu thuận, 52 phiếu chống). Đây là các xe bọc thép chuyển quân BTR, do Liên Xô chế tạo, được Bulgaria mua từ những năm 1980, nhưng chưa bao giờ sử dụng.
Đảng xã hội đối lập (PSB), hậu thân của Đảng cộng sản cầm quyền thời Chiến tranh Lạnh và đảng cực hữu thân Nga Vazrajdane, phản đối quyết định này. Đảng Vazrajdane gọi đây là một sự "phản bội" và "nỗi ô nhục".
Tổng thống Ukraine đã đến Sophia hồi đầu tháng 7/2023 để vận động chính quyền Bulgaria tăng tốc hỗ trợ vũ khí. Sau chuyến đi của ông Zelensky, chính phủ Bulgaria đã thông báo một gói viện trợ chưa từng có. Theo AFP, tại quốc gia thuộc khối cộng sản cũ này, việc cung cấp vũ khí cho Kiev gây chia rẽ trong xã hội. Chính quyền tiền nhiệm không muốn can dự vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Trọng Thành
*****************************
Nga bắt giam cựu đại tá an ninh từng được điện Kremlin hậu thuẫn
Trọng Thành, RFI, 22/07/2023
Thêm một vụ việc cho thấy xung đột nội bộ chính quyền Nga thêm trầm trọng. Igor Girkin, cựu "bộ trưởng quốc phòng" nước Cộng hòa tự phong Donetsk ở miền đông Ukraine, được điện Kremlin hậu thuẫn, hôm qua 21/07/2023 đã bị tư pháp Nga bắt giam tại nhà riêng ở Moskva.
Igor Girkin, còn được gọi là Igor Strelkov, cựu đại tá an ninh Nga, 52 tuổi, nổi tiếng với quan điểm dân tộc cực đoan, bị cáo buộc phạm tội kích động các hành vi cực đoan, ngồi sau bức tường kính ở khu vực dành cho bị cáo, trước phiên tòa ở Moskva, Nga, ngày 21/07/2023. Reuters – Ulia Morozova
Theo AFP, viên cựu đại tá an ninh Nga, 52 tuổi, nổi tiếng với quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, hôm thứ Ba 18/07, trong một thông điệp cuối cùng trên mạng Telegram, đã lên án "một kẻ tồi tệ" lãnh đạo nước Nga từ 23 năm nay, và hy vọng đất nước "sẽ không phải chịu đựng thêm 6 năm dưới quyền của phần tử hèn nhát này". Hành động lên án gần như trực tiếp nhắm vào tổng thống Nga.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Washington, trong bản tin về Ukraine hôm qua, nhận định: "Vụ bắt giữ cựu sĩ quan an ninh Nga Igor Girkin có thể là một biểu hiện rõ ràng cho những thay đổi trong cán cân quyền lực giữa các phe phái ở điện Kremlin".
Thông tín viên Jean-Didier Revoin từ Moskva cho biết cụ thể :
"Tháng 04 năm ngoái, Igor Girkin đã bị điều tra vì cáo buộc "làm mất uy tín của quân đội Nga".Từ hơn một năm nay, viên cựu đại tá an ninh Nga này đã chỉ trích rất dữ dội các chiến dịch quân sự ở Ukraine, và không bỏ lỡ cơ hội để chỉ ra sự kém cỏi của bộ Tổng Tham Mưu hoặc bộ trưởng quốc phòng Nga, hoặc thậm chí là những sai lầm chiến thuật của họ.
Các chỉ trích của Girkin đã từng được dung thứ, nhưng rõ ràng là giờ đây điều này không còn được phép. Người đàn ông có biệt danh là Strelkov, tức "xạ thủ" trong tiếng Nga, bị buộc tội theo chủ nghĩa cực đoan, sau khi một cựu thành viên của công ty lính đánh thuê Wagner đệ đơn kiện chống lại đương sự. Hiện tại, chi tiết về vụ này chưa được tiết lộ.
Tuy nhiên, vụ bắt giữ này đã đặt ra một số câu hỏi về tình hình nước Nga, đặc biệt là về mối liên hệ có thể có giữa nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan này và công ty lính đánh thuê Wagner,và thực chất của mối quan hệ này.
Như vậy là nhà cầm quyền Nga rút cục đã thổi còi chấm dứt trận đấu đối với "Strelkov".Xin nhắc lại là Igor Guirkin nằm trong số những người bị (một tòa án Hà Lan) kết án tù chung thân vắng mặt, vì vụ chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa bắn rơi trên bầu trời Ukraine hồi năm 2014, khiến 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng".
Vẫn theo Viện ISW, vụ bắt giữ nhân vật biệt danh "xạ thủ" này có thể là hệ quả của việc phe thân tổng thống Nga, đứng đầu là phó chánh văn phòng thứ nhất của phủ tổng thống Nga, ông Serge Kiriyenko, đang giành lại quyền kiểm soát không gian thông tin trong nước, sau vụ "binh biến" bất thành của ông chủ công ty Wagner, Prigozhin. Cựu sĩ quan an ninh Girkin có khả năng đã nhận được hậu thuẫn của một thế lực trong bộ máy an ninh Nga ("siloviki"), sử dụng blogger này như một kênh tiết lộ thông tin nội bộ với các mạng xã hội do giới dân tộc chủ nghĩa cực đoan Nga điều hành.
Đương kim phó chánh văn phòng Serge Kiriyenko, nguyên thủ tướng Nga (từ tháng 03 đến tháng 08/1998), được coi là người đã bổ nhiệm ông Putin đứng đầu cơ quan an ninh Nga FSB tháng 07/1998. Theo France 24, Serge Kiriyenko là người đưa ra chính sách tổ chức "trưng cầu dân ý" nhằm sát nhập 4 tỉnh miền đông và miền nam của Ukraine hồi mùa thu 2022.
Trọng Thành
Nga xem các tàu chở ngũ cốc Ukraine ở Biển Đen là "những mục tiêu quân sự"
Phan Minh, RFI, 20/07/2023
Nga hôm qua, 19/07/2023, thông báo sẽ coi mọi tàu chở ngũ cốc đi đến Ukraine qua Biển Đen là các mục tiêu quân sự, sau khi Moskva quyết định rút khỏi thỏa thuận bảo đảm an toàn cho các tàu chở ngũ cốc tại khu vực này.
Một góc cảng Odessa của Ukraine ngày 10/04/2023. AFP – BO AMSTRUP
Trong khi đó, tổng thống Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga cố tình gây tổn hại cho cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, làm gia tăng rủi ro cho các nước vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực. Cáo buộc được đưa ra sau khi Kremlin liên tục oanh kích thành phố Odessa, trung tâm trung chuyển ngũ cốc quan trọng nhất của Ukraine.
Kiev đã kêu gọi các quốc gia khác trong vùng Biển Đen lên tiếng để bảo đảm an toàn cho các tàu chở hàng qua lại khu vực này. Ngoài ra, Ukraine cũng đề xuất tổ chức các tuần tra quân sự quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ để bảo đảm an ninh cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này qua Biển Đen.
Từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin cho biết thêm chi tiết :
''Sau các cuộc không kích nhắm vào cảng Odessa, phá hủy các kho chứa ngũ cốc, Moskva hiện coi tất cả tàu thuyền hướng tới các cảng Ukraine ở Biển Đen đều là tàu quân sự, bất kể là tàu mang cờ nước nào. Đây là kết quả của việc không gia hạn thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, chấm dứt các hành lang phi quân sự hóa được thiết lập cách đây một năm.
Vladimir Putin đổ lỗi cho phương Tây đã để cho tình hình trở lại như trước, vì theo tổng thống Nga, Moskva đã tỏ ra hết sức kiên nhẫn, gia hạn thỏa thuận nhiều lần và đã hy vọng phương Tây thực hiện các điều khoản liên quan đến Nga.
Tổng thống Nga nhấn mạnh ông đang chờ đợi những hành động cụ thể về việc áp dụng tất cả các điều khoản liên quan đến Nga để nối lại đàm phán, chứ không phải những lời hứa mới. Ông nói thêm rằng Moskva sẵn sàng thay thế số lượng ngũ cốc Ukraine xuất khẩu và thậm chí cung cấp miễn phí cho các nước nghèo. Đây là cách mà Putin khiến phương Tây phải chịu trách nhiệm về tình hình đang xấu đi ở Biển Đen, đồng thời xóa bỏ mọi trách nhiệm của mình''.
Phan Minh
****************************
Nga tiếp tục bắn phá các cảng Ukraine, đe dọa tàu bè trên Biển Đen
Reuters, VOA, 20/07/2023
Nga đã nhắm vào các tòa nhà dân cư hôm 20/7 trong đêm thứ ba liên tiếp bắn phá các cảng Ukraine và đưa ra lời đe dọa mới đối với tàu bè đi đến Ukraine mà Mỹ nói có nghĩa là Moscow có thể tấn công tàu bè ngoài biển khơi.
Nhân viên cứu hộ Ukraine đưa một thi thể ra khỏi một tòa nhà bị phá hủy trong cuộc tấn công tên lửa của Nga vào trung tâm Mykolaiv hôm 20/7/2023
Vài ngày sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc do Liên Hợp Quốc làm trung gian, những tín hiệu mới cho thấy Moscow sẵn sàng sử dụng vũ lực để tái phong tỏa một trong những quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt.
Moscow cho biết họ sẽ không tham gia trở lại thỏa thuận ngũ cốc vốn đã kéo dài một năm mà không có các điều khoản tốt hơn để họ có thể bán lương thực và phân bón của họ. Liên Hiệp Quốc nói rằng quyết định của Nga đe dọa an ninh lương thực của những nước nghèo nhất thế giới.
Kiev hy vọng sẽ nối lại xuất khẩu mà không cần sự tham gia của Nga, và hôm 19/7 nói rằng họ đang thiết lập tuyến đường thay thế đi qua vùng biển của nước láng giềng Romania vốn là thành viên NATO.
Nhưng không có tàu bè nào xuất phát từ các cảng của Ukraine kể từ khi Moscow rút khỏi thỏa thuận hôm 17/7 và các công ty bảo hiểm nghi ngờ việc liệu họ có thể bảo hiểm cho giao thương trong khu vực có chiến sự hay không.
Kể từ khi rút khỏi thỏa thuận, hàng đêm Moscow đã trút tên lửa như mưa xuống hai thành phố cảng lớn nhất của Ukraine là Odesa và Mykolaiv.
Các cuộc không kích hôm 20/7 dường như là nặng nề nhất, và giới chức Mykolaiv cho biết có ít nhất 19 người bị thương.
Lính cứu hỏa đang vật lộn với đám cháy lớn tại một tòa nhà dân cư màu hồng ở Mykolaiv bị trúng pháo kích và nổ tung thành đống đổ nát. Một số tòa nhà dân cư khác ở đó cũng bị hư hại.
Các quan chức cũng cho biết ít nhất hai người bị thương ở Odesa, nơi các tòa nhà cũng đang bốc cháy.
Trong lời đe dọa rõ ràng nhất, quân đội Nga tuyên bố sẽ coi tất cả các tàu bè trực chỉ vùng biển Ukraine kể từ sáng ngày 20/7 là có khả năng chở vũ khí và nước nào có quốc kỳ treo trên tàu là bên tham chiến bên phía Ukraine. Họ tuyên bố một số chỗ trên Biển Đen là không an toàn.
Washington gọi đây là tín hiệu cho thấy Moscow có thể tấn công tàu dân sự, đồng thời cho biết Nga cũng thả thêm thủy lôi xuống biển.
"Chúng tôi tin rằng đây là nỗ lực phối hợp để biện minh cho bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào tàu bè dân sự trên Biển Đen rồi đổ lỗi cho Ukraine", phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông Adam Hodge, nói.
Giá lúa mì hợp đồng giao sau của Mỹ đã tăng thêm 1,5% vào đầu giờ ngày 20/7 sau khi tăng 8,5% vào ngày 19/7, mức tăng nhanh nhất trong một ngày kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng Hai năm ngoái.
Cả Ukraine và Nga đều nằm trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc và lương thực lớn nhất thế giới. Liên Hợp Quốc cho biết việc thị trường mất đi hàng chục triệu tấn ngũ cốc Ukraine sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt trên toàn thế giới.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hàng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng các cuộc tấn công của Nga vào các cảng của Ukraine đã chứng tỏ rằng ‘mục tiêu của họ không chỉ là Ukraine, không chỉ là cuộc sống của người dân Ukraine’.
Các cảng bị tấn công chứa khoảng một triệu tấn ngũ cốc, ông nói.
"Đó chính xác là số ngũ cốc lẽ ra đã được chuyển đến các ở Châu Phi và Châu Á", ông nói và cho biết rằng một bến cảng bị hư hại hôm 19/7 chứa 60.000 tấn nông sản sắp được vận chuyển sang Trung Quốc.
(Reuters)
Vũ khí cho Ukraine : Phương Tây cần chạy đua với thời gian
L’Express và L’Obs cho rằng thời gian không còn nhiều đối với phương Tây, mười sáu tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể tước đi nhà cung cấp vũ khí chính của Kiev. Cung cấp cho người lính Ukraine những gì họ cần, mới hy vọng kết thúc được cuộc chiến bẩn thỉu này. Về phía Nga, tổng số tướng lãnh thiệt mạng cho đến nay cao chưa từng thấy, theo Nikkei Asia đã lên đến 20 người. Kremlin cũng chưa thể tống khứ được Yevgeny Prigozhin sau vụ binh biến bất thành.
Một quân nhân Ukraine dùng súng phóng lựu đạn chống tăng tấn công vị trí quân Nga ở tiền tuyến gần Bakhmut, ngày 13/07/2023. Reuters - Stringer
Đã vào mùa hè, như mọi năm, các tuần báo đưa những chủ đề ít mang tính chính trị. L'Express chạy tựa "Địa ốc : Cuộc chiến vùng duyên hải", Courrier International giải thích làm thế nào các thành phố thích ứng với những đợt nóng lặp đi lặp lại L'Obs nói về những nghịch lý của cuộc cách mạng xe hơi chạy bằng điện. Tuy nhiên chiến tranh Ukraine là đề tài không thể thiếu.
Viện trợ vũ khí cho Kiev : Sự chậm trễ đáng trách
L'Express nhận định "Chuyển giao vũ khí : Sự chậm chạp đáng trách". Đối mặt với những phòng tuyến kiên cố do quân Nga xây dựng, quân đội Ukraine cần nhiều vũ khí hơn, và nhanh chóng hơn. Kể từ đầu cuộc xâm lăng ngày 24/02/2022, cách biệt ngày càng tăng giữa các đồng minh của Ukraine. Các quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ chỉ cung cấp 50% vũ khí hạng nặng đã hứa, còn các nước vùng Baltic và Đông Âu nói ít hơn, nhưng đã thực hiện 80% các cam kết của họ.
Trả lời L'Obs, chuyên gia Bỉ Joseph Henrotin, tổng biên tập tạp chí "DSI" (Quốc phòng & An ninh Quốc tế) cũng nhận thấy phương Tây quá chậm trễ. Cần phải mất nhiều tháng quý giá từ khi những quả đạn đầu tiên được giao cho Kiev cho đến quyết định lập những dây chuyền sản xuất mới. Cũng phải nhiều tháng Luân Đôn, Berlin hay Washington mới gởi xe tăng, trong khi Warszawa, Praha đã chi viện ngay từ tháng 4/2022.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 3/ 2023, Ukraine phải đối mặt với một chiến dịch không kích quy mô nhắm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng. Các giàn phòng không được viện trợ rất muộn và nhỏ giọt: hai giàn Patriot và một giàn Mamba của Pháp-Ý đã đến sau trận chiến, cùng với hàng chục giàn hỏa tiễn tầm ngắn hơn.
Mệt mỏi vì sự trì hoãn của các đối tác, các quan chức Ukraine liên tục yêu cầu được giao nhanh và nhiều vũ khí hơn, để có thể tái chiếm lãnh thổ của họ. "Ở một số hướng, chúng tôi thậm chí không thể nghĩ đến việc bắt đầu phản công, vì không có những vũ khí cần thiết" - tổng thống Volodymyr Zelensky than thở trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 05/07.
Lời hứa mơ hồ của NATO không làm an tâm
Về hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva, chuyên gia Joseph Henrotin nhận định tổng thống Volodymyr Zelensky Zelensky không ra về tay trắng; nhưng viễn cảnh đề ra còn mơ hồ. NATO sẽ quyết định khi nào Ukraine được gia nhập, tuy nhiên thừa nhận rằng một khi đã khởi động, quá trình này nhanh chóng hơn so với các ứng cử viên khác. Theo ông Henrotin, sẽ đơn giản hơn nhiều nếu ấn định một mục tiêu mang tính biểu tượng, chẳng hạn như giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, đồng thời cung cấp các phương tiện hiệu quả để giành chiến thắng.
Mọi người đều biết vào tháng 11 năm 2024, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể tước đi nhà cung cấp vũ khí chính của Kiev. Do đó, Zelensky có lý do để thất vọng, vì ngoài thông báo chuyển giao hỏa tiễn tầm xa Scalp của Pháp và viện trợ của Na Uy, những lời hứa mới về quân viện không có gì đặc biệt. L’Express cũng cho rằng thời gian không còn nhiều đối với phương Tây, mười sáu tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể làm đảo lộn tình hình nếu đảng Cộng hòa lên nắm quyền. Ngày càng có nhiều người Cộng hòa tin rằng đất nước mình đã tặng cho Ukraine quá nhiều.
Nhật báo Gazeta của Ukraine tỏ ra thực tế, kêu gọi người dân hãy chấp nhận một vài sự thật không dễ chịu. Tờ báo viết : "NATO không buộc phải nhận lấy rủi ro một cuộc chiến tranh nguyên tử vì Ukraine (…). Mới cách đây vài năm, đối lập Syria đã bị tàn sát mà không ai giúp đỡ, họ phải chiến đấu với máy bay Nga chỉ bằng những khẩu Kalachnikov".
Theo L’Express, đối mặt với một nước Nga đã bước vào nền kinh tế chiến tranh, các đồng minh của Kiev không còn cách nào khác ngoài việc đẩy mạnh tốc độ sản xuất. Các nhà máy chờ đợi cam kết dài hạn từ chính phủ, bảo đảm rằng những dây chuyền sản xuất mới của họ sẽ không bị ngưng sau vài năm. Cung cấp cho người lính Ukraine những gì họ cần, sẽ hy vọng kết thúc được cuộc chiến bẩn thỉu này.
Cuộc phản công của Ukraine đang đúng hướng
Khi tấn công theo nhiều hướng từ Bakhmut đến Kherson, Ukraine buộc Nga phải rải quân khắp nơi. Kiev có hơn 90 lữ đoàn tác chiến (bộ binh, thủy quân lục chiến, lính dù, kỵ binh), chưa kể các đơn vị hỗ trợ (công binh, pháo binh, không quân, v. v.). Hơn một chục lữ đoàn đang chiến đấu, số khác được tái cơ cấu và số còn lại cố định ở biên giới Nga và Belarus. Ukraine vẫn chưa tung ra toàn lực. Kiev đang nỗ lực làm tiêu hao lực lượng Nga về hậu cần hoặc năng lực chỉ huy, bên cạnh đó tạo ra những kẽ nứt trong hệ thống phòng thủ của địch.
Theo Joseiph Henrotin, cần được đánh giá sự thành công qua tác động lâu dài, thay vì số diện tích tái chiếm lập tức. Quân Nga đã tạo ra phòng tuyến kiên cố chưa từng thấy trong lịch sử quân sự, và vẫn chiếm ưu thế về không quân và pháo binh. Tuy nhiên, Ukraine có lợi thế về nhân lực, tinh thần chiến đấu, thông thạo địa hình, được hỗ trợ về mặt tình báo. Cuộc phản công năm nay của Ukraine bắt đầu sớm hơn nhiều (ngày 04/06) so với năm ngoái (ngày 29/08). Do đó, vẫn còn quá sớm để nói về thành công hay thất bại, nhưng chừng như cuộc phản công đang đi đúng hướng.
Kreminna, chiến trường ác liệt
Trên chiến trường, Courrier International dịch bài phóng sự của báo UnHerd, tại "khu rừng của những bất ngờ" ở mặt trận miền đông. Phóng viên tờ báo Anh theo chân lữ đoàn tình nguyện Dnipro 1 ở tiền tuyến Kreminna, nơi những trận đánh diễn ra gần như là xáp lá cà.Nhà báo đi cùng một người lính chạy theo kiểu zig zag để mang một drone đến cho các đồng đội, dưới tiếng gầm rú, tiếng rít của các loại đạn pháo và các drone của địch đang quan sát. "Bất ngờ" có nghĩa là xe tăng, mìn, pháo, máy bay không người lái… Chiến hào đôi bên chỉ cách nhau có vài mét.
Khi Ukraine đánh bật được quân Nga ra khỏi thành phố Lyman bên cạnh ngày 01/10/2022, Kreminna trở thành trung tâm hậu cần thiết yếu cho lính Nga. Thống đốc Luhansk nhận xét, quân Nga biết rằng nếu mất Kreminna, toàn tuyến phòng vệ sẽ sụp đổ. Nga tấn công với tất cả những gì họ có : pháo, drone, chiến xa, phi cơ. Trên 90% người lính của Dnipro đều đã bị thương một lần, 70% bị thương hai lần và gần phân nửa ba lần bị thương. Họ chỉ có trong tay những chiếc xe cũ và vũ khí từ thời Liên Xô, trong khi chỉ cần moọc-chê và pháo là có thể giải phóng thành phố trong hai tuần lễ. Đơn vị luôn chờ đợi các vũ khí được hứa như thiết giáp Bradley và súng máy Browning nhưng đến nay vẫn chưa thấy, bỏ lỡ nhiều cơ hội đẩy lùi quân Nga.
Số tướng lãnh Nga thiệt mạng cao ngất ngưởng
Trong khi đó, Courrier International cho biết "Báo chí Ukraine đặt câu hỏi về cái chết của nhiều sĩ quan cao cấp Nga". Trung tướng Oleg Tsokov đã thiệt mạng ngày 11/07 do hỏa tiễn tấn công vào Berdiansk thuộc Zaporijia. Trước đó một hôm, sĩ quan thủy quân lục chiến Stanislav Rzhytsky bị bắn hạ ở Krasnodar của Nga. Phải chăng là một cuộc trả thù có tổ chức của Ukraine ?
Từ một tháng qua, liên tục có những sĩ quan Nga mất mạng. Trang web NV.ua nhắc lại, đêm 13/06 Nga loan báo thiếu tướng Sergei Goryachev, tham mưu trưởng quân đoàn 35 đã tử trận vì hỏa tiễn. Được bộ máy tuyên truyền Nga ca ngợi là "một trong những người chỉ huy tài giỏi và hiệu quả nhất", ông Goryachev từng lãnh đạo lực lượng Nga tại Transnistria rồi một lữ đoàn xe tăng. Theo NV.ua, nhiều sĩ quan cao cấp khác cũng chết trong tình huống tương tự, như đại tá Sergei Posotovalov, tử nạn khi hỏa tiễn đánh vào một khách sạn ở Henitchesk.
Nikkei Asia dẫn lời tướng về hưu Nhật Bản Kiyofumi Iwata nói rằng số tướng lãnh Nga thiệt mạng "cao quá sức tưởng tượng", lên đến khoảng 20 người. Một viên chức tình báo cấp cao của Nhật Bản nêu nghi vấn "Có thể có những người cung cấp thông tin ở Donetsk và Luhansk". Riêng trường hợp Stanislav Rzhytsky, cựu chỉ huy tàu ngầm Krasnodar thì bị một người lạ mặt bắn chết khi đang chạy bộ. Chiếc tàu ngầm này hôm 12/07/2022 đã bắn hỏa tiễn Kalibr vào Vinnytsia, cướp đi mạng sống của 27 người, trong đó có 3 trẻ em. Theo Kyiv Post, rất có thể Rzhytsky nằm trong danh sách các mục tiêu cần trừ khử.
Wagner nổi loạn : Vì sao Putin không tống khứ được Prigozhin ?
Trên danh nghĩa là lưu vong ở Belarus, nhưng chỉ năm ngày sau vụ binh biến bất thành, Moskva nhìn nhận ông chủ Wagner đã có cuộc trao đổi với tổng thống Nga ở Kremlin. Nhà nghiên cứu Maxime Audinet của IRSEM nhận xét trên L’Express, Yevgeny Prigozhin không bị đối xử thẳng tay như các tài phiệt bị thất sủng trước đây. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là ông ta còn được trả lại 10 tỉ rúp (101 triệu euro) đã bị tịch thu.
Nhắc lại trường hợp tỉ phú Mikhail Khodorkovski, chủ tập đoàn dầu lửa Yukos, chuyên gia Raphael Parens cho biết điểm khác biệt là đế chế của Prigozhin rất đa dạng, có sự tham gia của những người thân thiết với Putin, FSB và các cơ quan an ninh khác khiến việc xử trí thêm phức tạp. Hiện thời Kremlin phải làm tắt tiếng mạng lưới truyền thông hùng mạnh của Prigozhin, tung ra chiến dịch bôi bác đời tư ông ta. Gai góc nhất là vấn đề đội quân lính đánh thuê Wagner, cánh tay nối dài của Moskva tại Syria và hơn một chục nước Châu Phi.
Hệ thống này đã bắt rễ sâu vào cơ cấu địa phương, không dễ thay thế trong ngày một ngày hai. Ông Parens nhấn mạnh, nếu đế chế Prigozhin biến mất hoàn toàn, Nga có thể nhanh chóng mất đi ảnh hưởng quốc tế, đặc biệt ở Châu Phi. Những công ty lính đánh thuê tư nhân khác không có đủ kinh nghiệm và mối quan hệ để thay thế. Bên cạnh đó, sáp nhập lính Wagner vào bộ Quốc Phòng không đơn giản. Marat Gabidullin, một cựu chỉ huy Wagner dự báo, đa số sẽ từ chối ký hợp đồng, và kết luận : "Tôi không nghĩ là thời kỳ hoàng hôn của Prigozhin đã đến".
Thế kỷ 21 là của Ấn Độ ?
Về Châu Á, Ấn Độ liên tục được báo chí chú ý, đặc biệt thủ tướng Ấn lại là khách mời danh dự trong dịp Quốc khánh Pháp. Le Point chạy tựa lớn trên trang bìa "Siêu cường thách thức Trung Quốc : Thế kỷ Ấn Độ". Bên cạnh cuộc đối đầu Mỹ-Trung, nổi lên một người khổng lồ thứ ba. Đất nước này đã thay đổi tầm vóc, năm ngoái vừa kỷ niệm 75 năm độc lập. Ấn Độ trở thành nền kinh tế thứ năm thế giới sau Anh quốc – quốc gia lần đầu tiên được một thủ tướng gốc Ấn lãnh đạo là ông Rishi Sunak.
Trong bối cảnh chiến tranh quay trở lại Châu Âu, Ấn Độ với vai trò chủ tịch luân phiên G20 tháng Chín tới muốn xây dựng một trật tự thế giới có lợi cho các nước phương Nam. New Delhi cũng đồng thời đứng đầu Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, với lịch trình tập trung cho toàn vẹn lãnh thổ để đáp trả những vụ đụng độ với Trung Quốc ở Himalaya.
Tương quan lực lượng với Bắc Kinh dần được rút ngắn, do tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn 3% một năm vì dân số giảm, khủng hoảng địa ốc, đảng kiểm soát chặt kinh tế xã hội, xử trí tệ hại đại dịch Covid. Trong khi đó Ấn Độ có hy vọng trở thành cường quốc kinh tế thứ ba thế giới vào năm 2030. Trước hết nhờ dân số đã vượt qua Trung Quốc, tiền lương chỉ bằng 1/3, được hưởng lợi trước làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Hoa lục theo chiến lược China Plus One. Cộng đồng Ấn kiều 28 triệu người hàng năm gởi về 90 tỉ đô la góp phần làm thăng bằng cán cân thanh toán.
Xích gần với phương Tây, Ấn Độ thách thức Trung Quốc
Ấn Độ đang xích gần lại với phương Tây để ngăn chận Trung Quốc : tham gia Bộ Tứ, siết chặt hơn quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc.Về quân sự, New Delhi tăng ngân sách quốc phòng từ 49 tỉ lên 77 tỉ đô la trong 10 năm, và đa dạng hóa nguồn cung : mua drone Reaper của Mỹ, chiến đấu cơ Rafale và tàu ngầm của Pháp trong khi lâu nay mua đến 86 % vũ khí từ Nga. Dù Ấn Độ nhiều lần tỏ thiện chí, Bắc Kinh không ngừng khiêu khích ở vùng biên giới Himalaya, yêu sách toàn bộ bang Arunachal Pradesh của Ấn với lý do liên hệ lịch sử và văn hóa với Tây Tạng – vùng đất đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm năm 1950. Tâm trạng thù địch với Bắc Kinh nay phổ biến nơi người Ấn.
Sự cất cánh của Ấn Độ tiếp tục vấp phải nhiều trở ngại : 68% dân chúng sống ở nông thôn, nạn nghèo đói và bất bình đẳng - hơn phân nửa dân số thu nhập dưới 650 đô la/năm và 1% người Ấn sở hữu 33% tài sản quốc gia, thâm hụt ngân sách, tham nhũng, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Gót chân Achille cuối cùng : Ấn Độ đứng thứ 7 trong số các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Về xã hội, điểm bị chỉ trích nhiều nhất là cách cai trị độc tài của chính quyền dân túy Narendra Modi.
Là cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương, trung tâm mới của toàn cầu, Ấn Độ có lực lượng lao động giỏi tiếng Anh, có nền kinh tế kỹ thuật số, hàng năm đào tạo ra 500.000 kỹ sư. Le Point cho rằng Hoa Kỳ và Châu Âu cần đặt quốc gia này vào trung tâm chiến lược của mình. Cuối tháng Sáu, ông Narendra Modi được tổng thống Joe Biden tiếp đón trọng thể ở Nhà Trắng, cho thấy sức mạnh của các ông chủ gốc Ấn. Từ Sundar Pichai (Google) đến Satya Nadella (Microsoft), hay Shantanu Narayen (Adobe Systems) và Arvind Krishna (IBM), họ lãnh đạo những tập đoàn công nghệ đa quốc gia sừng sỏ.
Ấn Độ có thể là nền kinh tế thứ ba thế giới trong thế kỷ 21, nhưng liệu có còn là nền dân chủ lớn nhất thế giới ? Le Point cho rằng New Delhi không nên từ bỏ việc bảo vệ các giá trị phổ quát, như Mahatma Gandhi đã khẳng định : "Lòng yêu nước không phải là độc quyền: nó cũng giống như lòng nhân đạo. Tôi là một người yêu nước vì tôi là con người và mang tính nhân bản".
Hun Sen chuẩn bị cho con trai kế vị
Cũng liên quan đến Châu Á, The Economist nói về Hun Sen, nhà độc tài Cam Bốt đã chuẩn bị người kế nhiệm là con trai ông. Tuy xuất thân khiêm tốn từ một gia đình nông dân, thủ tướng Cam Bốt vẫn ngự trị suốt 38 năm qua. Dù đang vận động tái tranh cử, thủ tướng tại vị lâu nhất Châu Á đã chỉ định con trai lớn Hun Manet lên kế vị.
Tốt nghiệp trường võ bị West Point, có bằng tiến sĩ kinh tế đại học Bristol, Hun Manet, 45 tuổi, cũng có vị trí trong đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP) cầm quyền vốn đang nắm giữ tất cả 125 ghế trong quốc hội. Hệ thống tuyên truyền sùng bái cá nhân của chế độ luôn gieo rắc ý tưởng rằng một mình ông Hun Sen đã cứu Cam Bốt thoát khỏi Khmer Đỏ.
Nhà độc tài 70 tuổi cho xây dựng một công trình bằng cẩm thạch và bê-tông ở ngoại ô Phnom Penh để tự vinh danh mình. Tại khu tượng đài này có một bức phù điêu mô tả hai cha con bên cạnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo tuần báo, đưa ông Tập vào là phù hợp : Hun Sen đã mang lại cho Trung Quốc ảnh hưởng kinh tế, quân sự và chính trị to lớn ở Cam Bốt, trên thực tế đã biến nước này thành một quốc gia chư hầu của Trung Quốc.
Hun Sen chắc chắn sẽ thắng cử. Ông ta đã cấm đảng đối lập lớn nhất tham gia, đóng cửa đài Tiếng nói Dân chủ, một trong những cơ quan báo chí độc lập cuối cùng. Trong suốt nhiệm kỳ rất dài của ông, khoảng 6.000 nhà đối lập đã bị ép buộc hoặc thúc giục gia nhập đảng cầm quyền, số còn lại đang sống trong sợ hãi. Tuy tăng trưởng ấn tượng, nhưng đất nước này còn nhiều vấn đề trầm trọng như hủy hoại môi trường, tội phạm và tham nhũng : xếp hạng thứ 150/180 trong danh sách của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Thụy My
NATO còn xa vời, người dân Ukraine vẫn tin vào chiến thắng
Theo Le Monde ngày 13/07/2023, sau hơn 500 ngày chiến tranh tổng lực, 87% người dân Ukraine cho biết vẫn lạc quan. Niềm tin vào chiến thắng và vào Châu Âu tương phản với sự bực tức của giới tinh hoa trước tâm lý e sợ Nga của phương Tây.
Một quân nhân Ukraine sử dụng rốc-kết đa nòng Partyza tấn công quân Nga tại Zaporijia, Ukraine, ngày 13/07/2023. Reuters – Stringer
Vẫn phải chờ đợi NATO, Ukraine được G7 bù đắp bằng quân viện
Về hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bắc Đại Tây Dương vừa bế mạc, Le Monde cho rằng "Tại Vilnius, NATO không du di trước sức ép của Zelensky". "Zelensky tìm chỗ đứng trong số các đồng minh", theo Le Figaro, "G7 cam kết sát cánh với Ukraine cho đến khi nào còn cần thiết", theo Les Echos. La Croix nhận định "Thượng đỉnh NATO : Volodymyr Zelensky nửa thất vọng, nửa hàm ân".
Tuy không mời tham gia Liên minh như mong muốn của Ukraine, nhưng các nước G7 đã cam kết quân viện lâu dài cho Kiev. Sau khi chỉ trích "sự phi lý" trong thông cáo Vilnius hứa hẹn "một tương lai trong NATO" "khi nào các đồng minh quyết định rằng các điều kiện đã hội đủ", Volodymyr Zelensky muốn bỏ lại phía sau những bất đồng về sự thiếu vắng một lịch trình cụ thể.
Tổng thống Ukraine liên tục họp song phương với các nhà lãnh đạo đồng minh, cơ hội để cảm ơn những người ủng hộ, trước khi tham dự buổi họp đầu tiên của Hội đồng NATO-Ukraine vừa được thành lập. Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh nhiệm vụ khẩn cấp là cung ứng cho Kiev các vũ khí đang cần, và G7 loan báo kế hoạch viện trợ quân sự dài hạn. Theo Les Echos, Putin có thể hài lòng về kết quả, Kremlin chỉ phản đối cho có lệ. Le Monde cũng cho rằng thỏa thuận ở Vilnius chỉ mạnh hơn Bucarest 2008 chút ít.
Riêng về việc Pháp chuyển giao hỏa tiễn Scalp cho Kiev thì Moskva thực sự giận dữ. Có tầm bắn trên 250 kilomet, Scalp, viết tắt của "Système de croisière conventionnel autonome à longue portée" (hệ thống hỏa tiễn hành trình quy ước tự động tầm xa) giá trên 2,2 triệu euro một quả, giúp tấn công chính xác các kho đạn, trung tâm hậu cần, sở chỉ huy ở rất xa của địch, có thể đe dọa quân Nga ở tận Crimea. Số lượng chi viện không được rõ, nhưng theo thông tin của Le Monde thì khoảng 50. Pháp coi gởi Scalp là việc đáp trả vô số vụ Nga bắn hỏa tiễn sang Ukraine làm nhiều thường dân thiệt mạng, tuy nhiên đã thỏa thuận với Kiev là không sử dụng ngoài đường biên giới đã được quốc tế nhìn nhận của Ukraine.
Thất vọng về hội nghị, nhưng Zelensky thắng cuộc chiến hình ảnh
Bên cạnh đó Les Echos cũng cho rằng được mời dự thượng đỉnh NATO, Zelensky đã thắng trong cuộc chiến hình ảnh, cho dù ông mong đợi những hành động cụ thể hơn. Những cam kết của G7 khiến Moskva càng bị cô lập. Đã quá xa xưa, những kỷ niệm của G8 với Nga ! Gia nhập nhóm vào năm 1998, Vladimir Putin bị đuổi ra năm 2014 sau khi chiếm Crimea.
Bước vào gian phòng họp, Volodymyr Zelensky được ông Stoltenberg hướng dẫn đến chỗ ngồi xếp theo mẫu tự tên nước, giữa thủ tướng Anh và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Một hình ảnh khác là Zelensky trên khán đài với các lãnh đạo G7, cạnh tổng thống Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Đây là biểu tượng mạnh mẽ về nhà lãnh đạo luôn trong màu áo kaki bên cạnh nguyên thủ các cường quốc, trong khi Vladimir Putin luôn xuất hiện trên màn hình như một kẻ cô độc. Jens Stoltenberg giải thích, Hội đồng NATO-Ukraine nhằm giúp xích lại gần hơn : "Hôm nay chúng ta gặp nhau như những người bình đẳng, và tôi nóng lòng chờ đợi ngày mà ta sẽ gặp với tư cách là đồng minh".
Tại Kiev, thông tín viên Le Figaro ghi nhận ngày 11/07, vào đúng 15 giờ, trùng hợp chính xác đến từng phút một thời điểm khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, còi báo động phòng không rền vang trên toàn quốc Ukraine. Một chiếc MiG-31 từ Belarus bay đến, có thể mang theo hỏa tiễn siêu thanh Kinjal. Chiến đấu cơ này sau đó quay về căn cứ mà không oanh kích, nhưng rõ ràng Nga "chào mừng" hội nghị bằng cách đe dọa Ukraine.
Đêm 11 rạng sáng 12/07 lại có báo động mới, lần này là thật, nhưng cả 11 drone tấn công vào thủ đô Kiev đều bị bắn hạ. Trong khi NATO bàn bạc, người Ukraine tiếp tục hy sinh : 504 ngày chiến tranh, ít nhất 9.000 thường dân thiệt mạng và 78% người dân bị mất đi một người thân.
Sau hơn 500 ngày chiến tranh tổng lực, 87% người dân Ukraine cho biết vẫn lạc quan. Niềm tin vào chiến thắng và vào Châu Âu tương phản với sự bực tức của giới tinh hoa trước tâm lý sợ Nga của phương Tây.
Dân Ukraine luôn tin vào chiến thắng
Le Monde nêu ra hai con số tượng trưng cho tâm trạng của dân chúng Ukraine những ngày gần đây : 500 và 87. Số đầu tiên là thời gian kể từ khi Nga khởi đầu cuộc xâm lăng, và con số thứ hai là tỉ lệ người dân cho biết lạc quan về tương lai đất nước, lên đến 87%.
Làm thế nào có thể lạc quan khi hơn 500 ngày qua quốc gia này phải chịu đựng sự hủy diệt, những chuyến xe tang không ngừng đưa ra nghĩa trang những con người bị tước đoạt mạng sống một cách mù quáng, 8 triệu đồng bào phải di tản ra nước ngoài, khi màn hình trên xe lửa ngoài những hình ảnh tươi vui còn chiếu cảnh những người lính trẻ cụt cả hai chân đang tập vận động ? Trả lời Viện Xã hội Quốc tế ở Kiev, lý do đầu tiên được đưa ra rất đơn giản : "Chiến thắng".
Người Ukraine tin chắc sẽ thắng trận, nhưng cũng biết là còn cần nhiều thời gian. Vẻ vô tư nơi những quán cà phê Kiev chỉ là bề ngoài. Thủ đô ở xa mặt trận, nhưng chiến tranh ở trong đầu mọi người. Một nhà thiết kế áo đầm thêu nói : "Phụ nữ diện đẹp như vậy là để không bị rơi vào trầm cảm".
EU : Ánh sáng cuối đường hầm
Ngược lại trong các cơ quan chính phủ, với các hành lang chìm trong bóng tối và che chắn bằng bao cát, những viên chức cao cấp không giấu nỗi bất bình khi gặp nhóm chuyên gia của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR). Tác giả bài viết cho biết một trong số các viên chức này dường như đã già thêm 10 tuổi kể từ lần gặp tháng 9/2022, người khác vẻ vui tươi thường lệ đã biến mất. Họ mang trên mình sức nặng của 17 tháng chiến tranh tàn phá, một cuộc kháng chiến vệ quốc kéo dài phức tạp dù được người dân ủng hộ.
Lần này, quân Nga đã có thời gian để xây dựng phòng tuyến kiên cố, gài 2 triệu quả mìn, oanh kích dữ dội. Cuộc phản công tiến chậm, thiệt hại nhân mạng nhiều hơn, và không có những cuộc tháo chạy ồ ạt như năm ngoái. Sự do dự của Washington cũng gây bất mãn. Chính phủ Kiev hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phải trả giá cho sự hỗ trợ không đầy đủ trong khi họ tin rằng cũng chiến đấu cho an ninh Châu Âu. "Người Mỹ nói chính Ukraine quyết định chiến thắng, nhưng họ giới hạn các chọn lựa của chúng tôi khi giữ lại F-16 trong nhiều tháng".
Tổng thống Zelensky nói hôm 28/06 : "Các đối tác cần ngưng nhìn về phía Kremlin khi có những quyết định quan trọng". Một trong các bộ trưởng của ông so sánh với thời kỳ 1988-1989, khi phương Tây lo sợ trước ý tưởng Liên Xô sụp đổ. Giờ đây họ lại sợ Nga sụp đổ. "Mọi người đều sợ Putin, các vị đã nuôi dưỡng con thú, và đã nhận được gì ?". Thế thì vì sao lạc quan ? Đó là nhờ triển vọng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU), đã trở thành ánh sáng ở cuối đường hầm. EU tỏ ra hào phóng và dễ tiếp cận hơn NATO, với thủ tục rõ ràng hơn. Và vào lúc này, viễn cảnh ấy giúp xua đuổi đi ý nghĩ về một cuộc chiến không bao giờ kết thúc.
Trung Quốc lo sợ khi NATO hướng về Châu Á
Trung Quốc hôm qua cảnh báo NATO về mọi hành động gây phương hại đến "lợi ích" của mình trong khu vực. Bắc Kinh tố cáo Liên minh là "đạo đức giả", muốn mở rộng sang Châu Á-Thái Bình Dương với ý đồ "bá quyền", "cực lực phản đối phong trào hướng đông" của NATO.
Trung Quốc lo sợ trước việc Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh của Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương - xích lại gần NATO, dù việc mở văn phòng liên lạc tại Tokyo đã bị Pháp ngăn chặn vào phút chót. Vương Nghị kêu gọi hai nước láng giềng hợp tác với Bắc Kinh để "hồi sinh Châu Á", tố cáo "bè lũ" do "một đại cường nào đó ngoài khu vực" xúi giục gây chia rẽ.
Hoàn toàn không nao núng trước một Trung Quốc đầy đe dọa, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vẫn hướng sang Đại Tây Dương. Hai nhà lãnh đạo còn gặp song phương ở Litva để giải quyết các bất đồng lịch sử và vụ xả nước nhiễm phóng xạ từ Fukushima, nhằm thể hiện chân trời Châu Á mới của NATO. Nếu việc Nhật đứng về phía Mỹ không có gì lạ, thì thái độ xích lại gần Washington của tổng thống Yoon làm Bắc Kinh càng tăng thêm ám ảnh bị "bao vây".
Chèn ép Hàn Quốc, Bắc Kinh bị phản tác dụng
Nền kinh tế thứ tư Châu Á đã thỏa thuận hợp tác với Liên minh trong 11 lãnh vực, trong đó có chiến tranh mạng, công nghệ mới. Hoàn cầu Thời báo chỉ trích đây là hành động "nguy hiểm và thiển cận". Nhà nghiên cứu Go Myong Hyun của Asan Institute nhận thấy ông Yoon vẫn thản nhiên tiếp tục mục tiêu đứng về phía phương Tây với các "giá trị phổ quát". Một quan điểm đáp ứng với công luận : theo Pew Research Centre năm 2022, đến 80% người dân Hàn Quốc có ác cảm với Trung Quốc trong khi năm 2015 chỉ có 37%.
Đó là do Bắc Kinh trả đũa kinh tế sau khi Seoul bố trí hệ thống chống hỏa tiễn THAAD năm 2016, nhắm vào một số tập đoàn Hàn Quốc, không cho khách du lịch sang để "trừng phạt". Cũng theo ông Go, nay Trung Quốc không dám mạnh tay như trước vì sợ bị dân Hàn càng ghét thêm. Các đại tập đoàn Hàn Quốc đã bắt đầu thu hẹp quy mô ở Hoa lục, nhưng họ cần thêm thời gian. Một trong những dấu hiệu : Korean Air vừa hủy bỏ đường bay từ phi trường Gimpo ở Seoul đến Bắc Kinh vì vắng khách.
Modi, khách mời gây tranh cãi của Pháp
Cũng liên quan đến Châu Á, Libération tố cáo "Narendra Modi, người đàn áp các tổ chức phi chính phủ và là khách mời danh dự ngày 14 tháng Bảy", tức Quốc khánh Pháp. Tờ báo đưa ra một số ví dụ : Centre for Policy Research (CPR), một trung tâm nghiên cứu độc lập, bị cảnh sát bất thần khám xét, tịch thu các thiết bị. Oxfam India, chuyên giúp người nghèo và công bố các báo cáo về bất bình đẳng ở Ấn Độ, The Independent and Public-Spirited Media Foundation, chuyên tài trợ cho các cuộc điều tra độc lập của báo chí cũng cùng chung số phận. Hàng ngàn hiệp hội bị siết nguồn thu vì những hoạt động bị cho là không có lợi cho chính quyền.
La Croix lo ngại về dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ, về chính sách coi trọng Ấn Độ giáo và trấn áp người Hồi giáo, Công giáo, dù động cơ của việc mời dự cuộc duyệt binh rất rõ : hợp đồng vũ khí, thị trường 1,4 tỉ dân, ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc và đặt một chân vào Thái Bình Dương. Tờ báo cho rằng duy trì quan hệ ngoại giao với Ấn Độ vẫn là quan trọng, nhưng cũng không nên làm ngơ trước xu hướng dân túy và bất công về tôn giáo của chế độ. Ngược lại, tác giả Jacques Attali trên Les Echos tỏ ra hào hứng trước "Ấn Độ, hay thiên đường đánh mất" - một đất nước bị lãng quên trước Trung Quốc.
Milan Kundera, văn chương chống lại toàn trị
Sự kiện nhà văn Milan Kundera qua đời ở tuổi 94 chiếm trang nhất nhiều nhật báo Pháp hôm nay 13/07/2023. Ảnh chân dung hai màu đen trắng của ông được đăng trang trọng với tít lớn "Milan Kundera, một vĩ nhân văn chương chống lại chủ nghĩa toàn trị" (Le Figaro), "Milan Kundera, nhà thám hiểm sự hiện hữu" (La Croix), "Milan Kundera, cuộc đời ở nơi xa" (Libération). Điều hiếm hoi là mục xã luận của các báo thường thiên về chính trị, hôm nay được dành cho nhà văn Pháp gốc Tiệp nổi tiếng thế giới. La Croix cho rằng Châu Âu đã mất đi một bậc thầy về tiểu thuyết, Le Figaro gọi ông là "người lưu vong của thời đại", Libération dành hẳn 6 trang báo khổ lớn với nhiều bài viết về sự nghiệp của Milan Kundera.
Sinh năm 1929 tại thành phố xinh đẹp Brno thuộc Tiệp Khắc cũ, ông trước hết là nhà thơ. Cuộc sống văn chương của ông gắn với một thế kỷ mà chủ nghĩa cộng sản sụp đổ sau khi thống trị tinh thần phần lớn giới trí thức Châu Âu. Một bi kịch khiến Milan Kundera cho xuất bản tiểu thuyết đầu tay "Lời đùa cợt". Độc giả Pháp biết đến ông nhờ tác phẩm này năm 1968. Nhà văn có đôi mắt màu xanh nhạt vừa 39 tuổi, vào thời đó xe tăng Liên Xô vừa đè bẹp Mùa xuân Praha. Như nhiều đồng chí khác bị cuốn vào phong trào, ông bị khai trừ khỏi đảng, mất việc ở Viện hàn lâm Điện ảnh, bị tước quốc tịch.
Milan Kundera nhập tịch Pháp năm 1981 và từ 1993 ông chỉ viết bằng tiếng Pháp. Tiểu thuyết "Đời nhẹ khôn kham" xuất bản tại Paris năm 1984, được dịch sang tiếng Việt và gần 50 ngôn ngữ khác ; riêng tại Pháp đến nay đã bán được một triệu rưỡi bản. Là một trong số những nhà văn được đọc nhiều nhất thế giới, đoạt nhiều giải thưởng danh giá, Kundera sống lặng lẽ, từ chối mọi cuộc phỏng vấn kể từ 1985.
Thụy My
Thiếu vũ khí, Ukraine chế thiết bị "cây nhà lá vườn"
Báo Le Monde hôm 06/07/2023 có bài của đặc phái viên tại Zaporijia nói về "Những vũ khí tự chế ở Ukraine" : Ngoài mặt trận, các pháo thủ do thiếu đạn dược đã mày mò tự tạo ra các thiết bị cây nhà lá vườn để tồn tại.
Thực tập sử dụng drone tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine ngày 30/06/2023. Reuters – Alina Smutko
Từ vài ngày qua, mưa tầm tã khiến những người lính không thể cho các drone hoạt động để hướng dẫn tác xạ. Trong khi đó bộ tham mưu cấm mọi vụ oanh kích nếu không nắm được thật cụ thể vị trí, vì không thể lãng phí số đạn ít ỏi. Lực lượng Ukraine phải chịu đựng lượng đạn pháo nhiều gấp mười lần quân Nga.
Không có đủ đạn dược, cuộc phản công khó thể thành công. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, tướng Valeri Zalujnycos có khi phải gọi điện thoại cho đồng nhiệm Mỹ, tướng Mark A. Milley, đã trở thành một người bạn : "Nếu tôi không nhận được 100.000 quả đạn trong một tuần nữa, 1.000 người sẽ thiệt mạng. Hãy thử đặt mình vào vị trí của tôi".
Từ giàn phóng rốc-kết đến drone chống tăng tự tạo
Tại đơn vị của chỉ huy trưởng Gall (bí danh kháng chiến) ở tuyến đầu Zaporijia, quân đội Ukraine chỉ có moọc-chê để giao, còn lại phải tự xoay sở. Không người lính nào phàn nàn, họ đã quen với việc tiết kiệm từng xu, từng quả rốc-kết một. Phóng viên được chỉ cho thấy hai giàn phóng rốc-kết tự tạo : ống ngắm mua trên thị trường giá khoảng 50 euro, đại bác lấy từ chiến lợi phẩm trong trận Kherson là một xe tăng Ouragan và các hỏa tiễn Nga. Vũ khí này được đặt tên là "mini Grad" vì chỉ có ba ống phóng thay vì 12 như Grad thật, trên lý thuyết bắn xa được 40 kilomet nhưng vì là đồ tự chế, họ phải đến gần mặt trận hơn để đạt mục tiêu.
Quân Nga chuẩn bị đối phó với việc Ukraine tiến công ồ ạt với vũ khí hạng nặng, nhưng Kiev chỉ tung ra những đợt nhỏ : đuổi quân địch đi bằng pháo rồi bộ binh bất ngờ xung phong, giành giựt từng mét đất. Trong đơn vị của Gall, cả 40 chiến binh đều không phải là lính chuyên nghiệp trước chiến tranh, ngay cả Gall - người chỉ huy 41 tuổi vốn là giám đốc một nhà máy hóa chất.
Jack (bí danh), một sĩ quan 49 tuổi trước đây là kỹ sư tin học, đã chế ra được một vũ khí chống drone, rẻ gấp 10 lần so với thị trường nhưng đã hạ được bốn drone của Nga khi thử nghiệm vào tuần trước. Sau đó Jack còn tạo ra một loại thiết bị chống tăng gồm một drone dân sự mang theo quả bom 2,5 ký, theo công thức được các pháo thủ Ukraine khác chia sẻ trên mạng xã hội. Chỉ tốn vài trăm euro nhưng có thể diệt được xe tăng địch giá nhiều triệu đô.
Drone lại bay quan sát được, đơn vị không tin nổi mắt mình : trong một tuần lễ, ngôi làng bị chiếm đóng đã hoàn toàn biến thành pháo đài, thêm 300 mét chiến hào đã được đào thêm vào ban đêm, nhiều sở chỉ huy chìm dưới những lớp bê-tông kiên cố. Gall nói, quân Nga muốn có bao nhiêu vũ khí cũng được và tha hồ bắn. "Họ rất đông và chẳng bao giờ ngưng tấn công".
Hậu quả vỡ đập Kakhovka và hiểm họa nguyên tử
Cũng liên quan đến Ukraine, Le Figaro mô tả "Dọc theo dòng sông Dniepr, thảm họa không hồi kết sau vụ nổ đập Kakhovka". Đầy dẫy nguy cơ dịch bệnh, mìn trôi nổi khắp nơi, nước thải từ cống... Dân làng ở những nơi bị lụt không còn phương tiện mưu sinh, sống nhờ vào trợ giúp nhân đạo.
Một cư dân từng phải bơi trong nhà bếp của mình khi đập vừa bị vỡ, cho rằng trận lụt còn tệ hại hơn cả thời kỳ bị quân Nga chiếm đóng, vì ít nhất còn có thể trốn trong hầm nhà để tránh bom, nay chẳng biết đi đâu dù nước đã rút bớt. Còn ở thượng nguồn thì ngược lại, trở thành sa mạc với những phát hiện bất ngờ như xác lính Đức và nón sắt từ thời Đệ nhị Thế chiến. Trên bãi biển Odessa, những đợt sóng liên tục đưa vào những rác rưởi từ Kherson trôi dạt đến, khắp nơi cư dân không ngừng dọn dẹp. Đáng sợ nhất vẫn là những quả mìn trôi nổi, có thể đến cả Hắc Hải.
Bên cạnh đó là nguy cơ nhà máy điện nguyên tử Zaporijia bị Nga phá hoại, dẫn đến hậu quả dòng sông Dniepr và tiếp đến là Hắc Hải bị nhiễm xạ. La Croix trong bài xã luận báo động về "Mối nguy nguyên tử" : nhà máy Zaporijia là một trong những phương tiện chính để Kremlin gây áp lực lên Kiev. Các nước láng giềng cũng lo sợ đám mây phóng xạ, trong đó Ba Lan và các nước Baltic nhân kỳ họp sắp tới có thể thúc đẩy NATO mở cửa cho Ukraine.
Nhà văn nữ Ukraine tử thương vì hỏa tiễn Nga
Ukraine mất đi một cây bút dấn thân : thông tín viên Le Monde tại Kiev viết về tang lễ của nhà văn nữ nổi tiếng Ukraine Victoria Amelina, bị tử thương do hỏa tiễn Nga đánh vào Kramatorsk thuộc Donetsk. Nhà văn 37 tuổi từng được giải thưởng văn chương Joseph Conrad năm 2021, qua đời tại một bệnh viện ở Dnipro hôm 03/07 vì vết thương quá nặng. Trước đó khi dùng bữa tối với một phái đoàn từ Colombia, trong đó có nhà văn Hector Abad Faciolince, một hỏa tiễn Nga lao xuống nhà hàng Ria Pizza làm hơn 60 người bị thương và 13 người thiệt mạng, trong đó có bà Amelina.
Cái chết của bà là cú sốc cho cộng đồng văn nghệ sĩ Ukraine. Victoria Amelina đã gác sang một bên việc sáng tác ngay từ đầu cuộc xâm lăng để tập trung thu thập tư liệu về tội ác chiến tranh của Nga. Tham gia tổ chức bảo vệ nhân quyền Truth Hounds năm 2022, bà không ngần ngại đến những nơi gần chiến tuyến.
Vài ngày trước thảm kịch, nhà văn Amelina đã đến Liên hoan sách Arsenal ở Kiev để giới thiệu nhật ký của nhà văn Volodymyr Vakulenko, bị quân Nga sát hại trong thời gian ngôi làng của ông ở Kharkiv bị chiếm đóng. Khi vùng này được giải phóng, Victoria Amelina và những người khác tìm thấy bản thảo mà ông đã kịp chôn xuống đất trước khi qua đời. Bà cũng đang viết một cuốn sách tư liệu về phụ nữ Ukraine trong cuộc xâm lăng mang tựa đề "Looking at Women Looking at War : War and Justice Diary", mà theo tổ chức Văn Bút Ukraine, sắp được xuất bản ở nước ngoài.
"Luật rừng" của Chechnya dành cho các nhà hoạt động nhân quyền
Số phận các nhà hoạt động Nga không hề khá hơn. Tại Chechnya, một luật sư và một nhà báo nữ bị tấn công dã man khi vừa ra khỏi phi trường Grozny, cho thấy sự tàn bạo của chế độ. Luật sư Alexandre Nemov đến để biện hộ cho một bị cáo hôm 04/07, có nhà báo Elena Milachina đi cùng. Họ bị ba chiếc xe hơi chận lại trên đường từ sân bay đến trung tâm thành phố và những kẻ vũ trang lôi ra khỏi xe để tấn công. Những hình ảnh từ bệnh viện chứng tỏ sự tàn ác của họ : cô phóng viên không chỉ bị lãnh những cú đá, cú đấm và dùi cui làm gãy nhiều ngón tay và chấn thương sọ não, mà còn bị cạo đầu và đổ lên chất sát trùng màu xanh lá cây. Vị luật sư cũng bị đánh tơi bời phải ngồi xe lăn vì đùi bị đâm thủng.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà hoạt động nhân quyền bị hành hung ở Chechnya. Lâu nay chính quyền nói rằng đó chỉ là những vụ hình sự thông thường, nhưng giờ đây có lẽ họ không cần giấu diếm. Thông tín viên Le Monde tại Moskva cho biết, thân chủ của Nemov là bà Zareme Moussaeva, đã bị kết án 5 năm rưỡi tù trong phiên tòa chỉ diễn ra 7 phút, không có mặt luật sư.
Đó là một phụ nữ 53 tuổi, bị tiểu đường, bị giải ra tòa trong tình trạng gần như bất tỉnh, đôi chân trần trong tuyết, với cáo buộc tấn công một nhân viên công lực. Tuy nhiên mục tiêu thực sự là các con trai của bà Moussaeva, hai anh em Yagulbaiev, một người là luật gia trong Ủy ban chống tra tấn, một tổ chức phi chính phủ Nga đã bị giải thể, người kia cộng tác với nhiều cơ quan truyền thông độc lập với Moskva. Bản thân tổng thống Chechnya, Ramzan Kadyrov cho rằng chỗ của gia đình này là "trong tù hoặc dưới lòng đất".
Dầu khí : Châu Âu gần như dứt khoát được với Nga
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos giải thích "Châu Âu đã thành công lớn trong việc chấm dứt lệ thuộc dầu khí Nga như thế nào ?". Một năm sau cuộc xâm lăng Ukraine, dầu lửa từ Nga nhập vào Liên Hiệp Châu Âu chỉ còn 5% và khí đốt 14%, tuy trước đó là nhà cung cấp lớn nhất.
Những đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy, Anh, Algeria, Azerbaijan đã thay chân, những chuyến tàu chở khí hóa lỏng (GNL) từ Hoa Kỳ hay Qatar lấp nốt khoảng trống còn lại. Chỉ có một nốt trầm là Châu Âu nhập nhiều nhiên liệu của Ấn Độ được chế biến từ dầu lửa Nga. Nhưng nhìn chung, theo chuyên gia Nguyễn Phúc Vinh của Viện Jacques-Delors, toàn cảnh đã thay đổi. Tình hình tốt đẹp hiện nay là nhờ nhu cầu GNL của Trung Quốc thấp, do các nhà máy chưa phục hồi sau đại dịch Covid. Nếu nhịp độ sản xuất ở Hoa lục đẩy nhanh, thị trường sẽ căng thẳng hơn. Ông cảnh báo, EU không nên "ngủ quên trên vòng nguyệt quế, cho rằng cuộc khủng hoảng đã ở lại phía sau".
Đành rằng Nga gần như hoàn toàn bị loại khỏi thị trường Châu Âu trong thời gian kỷ lục mà không có mấy hậu quả. Nhưng châu lục đã được hưởng một mùa đông 2022 hết sức ấm áp, hoạt động kỹ nghệ còn thấp. Các nhà nghiên cứu đề nghị EU nên cố gắng giảm bớt nhu cầu qua việc gia tăng sản xuất năng lượng tái tạo, đẩy nhanh việc tôn tạo các tòa nhà để tiết kiệm năng lượng, xúc tiến cơ chế tương trợ giữa các nước thành viên…
Bị quá tải, cảnh sát Pháp ngao ngán
Bạo loạn tại Pháp vẫn là chủ đề chính của các báo Paris hôm 06/07/2023, bên cạnh chiến tranh Ukraine. Le Monde nhấn mạnh "Cảnh sát và tư pháp trước thách thức bạo loạn thành thị", Le Figaro nói về "Luật nhập cư : Chính phủ từ chối tỏ ra cứng rắn hơn". Nhà xã hội học Hugues Lagrange phân tích trên Le Figaro "Cướp phá, dùng súng kalachnikov, black bloc : Những gì thay đổi kể từ 2005".
Các vụ nổi loạn năm đó là từ vùng ngoại ô Seine-Saint-Denis, có số lượng cao thanh niên dưới 25 tuổi thất nghiệp, gia đình đông con, nhưng nay từ phía tây Paris. Điểm khác biệt lớn là lần này các cơ quan nhà nước bị tấn công và nạn hôi của, cá biệt có việc dùng xe tông vào trụ sở, xài cả súng trường tự động. Nhưng tại những khu vực mà nạn buôn lậu ma túy trầm trọng lại ít nổi loạn, vì biết rằng cảnh sát sẽ kiểm soát và "mất việc".
Phía lực lượng cảnh sát cũng rất mệt mỏi, một cảnh binh nói với Le Monde : "Người ta bảo rằng đã yên, nhưng khi từ 1.000°C xuống còn 300°C thì vẫn nóng". Le Figaro nêu ra một số trường hợp bị "đánh nguội" không phải trong lúc đang làm nhiệm vụ, trong số 647 cảnh sát bị thương kể từ đầu cuộc bạo loạn. Tờ báo tố cáo Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đổ dầu vào lửa để gây bất ổn cho nước Pháp. Báo mạng Maghreb Intelligence vốn thân cận với tình báo Morocco kể lại, nhiều nhà ngoại giao Algeria có mặt trong buổi tuần hành tưởng niệm Nahel hôm thứ Năm 29/06. Đồng thời khoe rằng các hiệp hội ở ngoại ô có liên quan đến đại sứ quán Algeria ở Paris đã huy động để giúp tổ chức cuộc tuần hành này.
Tòa án làm việc cả Chủ nhật, nhiều án tù giam được thực thi hành ngay lập tức
Le Monde cho biết "Tư pháp đã thích ứng với tình trạng khẩn cấp ra sao", Libération nhận thấy "Sau các vụ nổi dậy, tòa án làm việc cật lực". Trên 3.600 vụ câu lưu chỉ trong một tuần lễ, mấy trăm phiên xử khẩn cấp những thanh niên rất trẻ và khoảng mấy chục vị thành niên… Một tình trạng chưa từng thấy. Các tòa án tràn ngập hồ sơ, với chủ trương của chính phủ là ra tay nhanh chóng và mạnh mẽ.
Bộ trưởng Tư pháp yêu cầu phải thích ứng với hoàn cảnh, nhất là tòa án phải có bộ phận thường trực. Với những phiên tòa bổ sung, thẩm phán tình nguyện… đôi khi xử cả ban đêm, đến tối thứ Ba tổng cộng 990 bị cáo đã ra tòa. Số phòng xử được tăng gấp đôi, và trước tỉ lệ 30% người vị thành niên bị câu lưu, các thẩm phán chuyên về trẻ em đã được huy động.
Công tố viên Eric Vaillant ở Grenoble, lần đầu tiên trong 30 năm qua đã làm việc cả Chủ nhật, kể lại, hôm thứ Bảy có đến 53 vụ câu lưu, chẳng lẽ phải thả hết ? Tương tự ở Bobigny, với 300 người bị câu lưu vào cuối tuần. Chủ tọa Peimane Ghale-Marzban nói rằng, số thẩm phán và nhân viên tăng gấp đôi, để có thể xử lý các hồ sơ như thường lệ. Tại Marseille, các bản án tù ở và tống giam ngay lập tức liên tục được tuyên, mà theo Libération đã có những thanh niên chưa tiền án tiền sự.
Một luật sư ở ngoại ô Paris cũng cho biết : "Lệnh tống giam được đưa ra hết vụ này đến vụ khác. Tôi phải nói ngay với các thanh niên mà mình biện hộ : ‘Bạn sẽ vào tù’. Các em này khóc, hoàn toàn không chuẩn bị và không hiểu được". Về phía các luật sư cũng đã vào cuộc, giúp một số bị cáo được xếp hồ sơ. Le Monde dẫn lời một công tố viên nhận định trong bối cảnh chuẩn bị cho Thế vận hội 2024, "cần chứng tỏ rằng tư pháp có thể hoạt động một cách bình thường cả trong những tình huống đặc biệt".
Mối liên hệ giữa nhập cư và bạo loạn : Thực tế không được nhìn nhận
Xã luận Le Figaro đặt vấn đề "Nổi loạn và nhập cư : Quay lại với nạn chối từ thực tế". Bộ trưởng Nội vụ viện dẫn thống kê chỉ có 10% trong số bị câu lưu là người nước ngoài. Đã hẳn nhiều người tham gia bạo động mang quốc tịch Pháp, nhưng sao họ lại muốn phá tan nát đất nước mình ? Tại sao lại có được những tuyên bố bênh vực từ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hay các chính quyền Bắc Phi ? Tại sao lại hô "One, two, three, viva l’Algeria !" (Một, hai, ba, Algeria muôn năm !) trước cảnh sát, như đang khiêu khích một quân đội ngoại quốc ?
Một sinh viên năm nhất xã hội học sẽ nhanh chóng kết luận, rằng sự thù địch thấy rõ trước lá cờ Pháp chứng tỏ họ thuộc về nước khác, nếu không phải về mặt hành chánh thì ít nhất là cảm tình và tâm trí. Ở L’Hay-les-Roses (nơi xảy ra vụ tấn công vào tư gia làm vợ con thị trưởng bị thương), tỉ lệ người dưới 18 tuổi là dân nhập cư hoặc con cái di dân từ các nước ngoài Châu Âu lên đến 42%. Thị xã ngoại ô này không phải là điển hình nhưng cũng chẳng phải ngoại lệ.
Gác sang một bên những con số thống kê. Không ai thực sự tin rằng không có mối liên hệ nào giữa chính sách nhập cư từ bốn chục năm qua và những vụ bạo loạn này, từ tổng thống François Hollande, Emmanuel Macron, đến bộ trưởng Gérald Darmanin. Câu hỏi duy nhất là : Tại sao họ không có can đảm nói ra điều mà họ đã biết ?
Thụy My
Thiếu niên Ukraine trong bóng tối chiến tranh
La Croix hôm nay 20/06/2023 chạy tựa trang nhất "Ukraine : Những thiếu niên trong bóng tối chiến tranh". Cuộc xâm lăng của Nga khiến lớp trẻ - đối mặt với nỗi sợ và cái chết - đã trở nên chín chắn hẳn.
Trẻ em quan sát hiện trường vụ tấn công bằng hỏa tiễn mới nhất của Nga làm hư hại một tòa nhà nhiều tầng ở Kryvyi Rih, Ukraine ngày 13/06/2023 AP - Andriy Dubchak
Trẻ em Ukraine : "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ"
Đặc phái viên La Croix tại thành phố Tcherkassy bên bờ sông Dniepr nhận thấy các thiếu niên có thái độ dứt khoát hơn cả người lớn đối với văn hóa và ngôn ngữ Nga. Ở thành phố miền trung Ukraine này, chiến tranh vừa xa lại vừa gần. Những hồi còi báo động vẫn thường xuyên nổi lên, nhưng hiếm khi có tiếng nổ của đạn pháo Nga. Chỉ có chiếc cầu bắc qua sông Dniepr rộng mênh mông hai lần bị đánh bom, chỉ thiệt hại nhẹ. Tuy nhiên chiến tranh vẫn in dấu với những chuyến di tản, những gia đình chịu cảnh tang tóc, cuộc sống bấp bênh.
Vitali, 15 tuổi, nay là chỗ dựa của người mẹ và chịu trách nhiệm dạy dỗ em trai nhỏ, cha cậu đã ra chiến trường ngay từ đầu cuộc xâm lăng. Katerina cũng 15 tuổi, từ Kiev chuyển về để "an toàn" hơn, bạn bè đã tứ tán đi nhiều nơi ở Ukraine và ngoại quốc. Hàng đêm, cô bé cùng với mẹ và em hồi hộp chờ đợi tin người cha ngoài chiến trường. Hầu hết thiếu niên sống có trách nhiệm hơn kể từ khi quân Nga tràn sang xâm chiếm đất nước.
Tại Tcherkassy cũng như ở nhiều nơi khác, đa số người trẻ bắt nhịp với phong trào kháng chiến của người dân Ukraine. Một số em quyên góp giúp quân đội, số khác dệt lưới ngụy trang, đóng gói các khẩu phần cho chiến sĩ, phân phát thực phẩm. Yulia, 15 tuổi, mơ trở thành nhà báo, tạo các video trên TikTok và Telegram để kêu gọi đóng góp giúp binh sĩ.
Tẩy chay văn hóa Nga, thần tượng là chiến binh
Một nghiên cứu của Kantar-Ukraine nơi các thanh thiếu niên Ukraine từ 13 đến 19 tuổi nhấn mạnh nỗi lo về một người thân là mối quan tâm hàng đầu. Trong số hình mẫu để noi theo, cha mẹ chiếm 55%, quân đội 51%, tiếp đến là các tình nguyện viên, thầy cô giáo, còn diễn viên, ca sĩ chỉ chiếm có 11%. Có đến 95% người trẻ trong lứa tuổi này tin chắc vào chiến thắng của đất nước. Hai phần ba muốn sinh sống và học hành tại nước mình dù đang chiến tranh, 86% không nhìn thấy tương lai ở ngoại quốc.
Các em ngày càng chú trọng đến quan điểm chính thức của các thương hiệu về cuộc chiến, trước khi mua hàng. Coca-Cola và McDonald's chẳng hạn rất được ưa chuộng, khác với những nhãn hàng tiếp tục kinh doanh tại Nga. Những thần tượng mới là các blogger ngoài mặt trận hay các tình nguyện viên ở hậu phương, có người như Latchen từ vô danh nay có trên 1 triệu người theo dõi trên Telegram. Vadim cho biết không còn coi các clip của những blogger Nga. Nhóm chơi game video của cậu lâu nay với "giao du" với các "game thủ" Nga, nay chỉ chơi với các bạn Estonia hay Georgia.
Kể từ khi đất nước bị xâm lăng, nhiều thiếu niên đã ngưng dùng tiếng Nga, không hát những ca khúc Nga, những nghệ sĩ người Nga được ưa thích xưa nay bị loại khỏi danh sách. Irina, 14 tuổi nói : "Nếu nghe nhạc Nga, bạn giúp ca sĩ kiếm tiền và như vậy bạn tài trợ cho chiến tranh". Anton, 16 tuổi cho biết "đã gỡ bỏ tất cả những gì dính dáng đến Nga trong cuộc sống : thực phẩm, hàng hiệu. Đó là cách kháng chiến của tôi". Cậu thú thực tuy sợ phải đi lính, "nhưng nếu được triệu tập, tôi sẽ không trốn tránh".
Đập Kakhovka vỡ : Sống ra sao khi thượng nguồn khô cạn ?
Về vấn đề môi trường, đặc phái viên Le Monde ngược lên phía thượng nguồn và nhận thấy "Tại vùng Nikopol, tất cả vòi nước đều khô cạn" sau khi đập Kakhovka bị phá vỡ. Người dân hứng nước mưa để dùng, nước uống phải xếp hàng chờ phân phối. Thành phố 100.000 dân trước chiến tranh nay chỉ còn 40.000 người và có nguy cơ vơi thêm nếu không được cung cấp nước trở lại. Một người cho biết đây là điều đáng tiếc vì nhiều người di tản sang các nước khác đã lục tục trở về, trong số đó có một gia đình hồi hương từ Mỹ.
Hậu quả của việc phá đập Kakhovka không chỉ ở thành phố Nikopol, mà ảnh hưởng đến cả những nhà máy, trang trại ở Kherson, Zaporijia và Dnipropetrovsk. Tất cả những trạm bơm ở hữu ngạn đều ngưng hoạt động, chỉ riêng ở Kherson, nước từ đập Kakhovka tưới cho 400.000 hecta. Đội trưởng đội gác rừng ở công viên Kamianske Sick đưa cho nhà báo xem hình ảnh những kênh tưới tiêu hoàn toàn khô cạn, những tổ chim bỏ hoang, những con kỳ nhông chết khô… Thiệt hại riêng về thảo mộc ở khu bảo tồn phía hữu ngạn vùng Kherson ước tính đến 74,8 tỉ hrivna (1,9 tỉ euro), còn các loài động vật chưa thể tính được.
Canada : Trung Quốc gây sức ép lên cộng đồng Hoa kiều ở Vancouver
Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde cho biết "Tại Vancouver, cộng đồng người Hoa chịu đựng sự giám sát của Bắc Kinh". Trung Quốc gây sức ép, đe dọa những người gốc Hoa sống tại Canada. Tờ báo nêu ra trường hợp của Kay, 28 tuổi, trước buổi lễ kỷ niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn tổ chức tại một công viên ở Vancouver, nhận được một cú điện thoại nặc danh, khuyến cáo không nên đi dự. Cô gái gốc Thượng Hải, định cư ở Canada từ bốn năm qua biết rằng đã nằm trong danh sách của "họ", bàn tay vô hình của Bắc Kinh. Đảng cộng sản Trung Quốc muốn duy trì áp lực lên một trong những cộng đồng Hoa kiều đông đảo nhất ở ngoài Châu Á : có đến 1/5 trong 2,6 triệu cư dân Grand Vancouver là người Hoa.
Một thế kỷ sau đợt di dân đầu tiên gồm công nhân xây dựng đường xe lửa, đến lượt những người đối lập Hồng Kông đến định cư, khiến giá nhà tăng lên tại "Hongcouver". Chính tại khu phố sang trọng Shaughnessy của Vancouver mà bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), con của nhà sáng lập Hoa Vi (Huawei) bị quản thúc suốt ba năm, gây căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc. Tình hình trở nên tệ hại hơn từ tháng 11/2022 khi báo chí tiết lộ Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang năm 2019 và 2021.
Lũng đoạn, tuyên truyền… những mưu chước của Bắc Kinh
Bà Lý Mỹ Bảo (Mabel Tung), chủ tịch Hiệp hội Vancouver ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, một trong những người tổ chức tưởng niệm Thiên An Môn khẳng định : "Đã từ lâu Bắc Kinh xen vào công việc của chúng tôi". Là người Hồng Kông định cư ở Canada từ 1979, cho biết từ nhiều năm qua, mỗi lần biểu tình ủng hộ dân chủ là lực lượng "phản biểu tình" đông đảo gồm sinh viên Trung Quốc du học lại có mặt. Các sinh viên này chịu áp lực vì lãnh sự quán nắm được mọi thông tin khi xin visa.
Chu Vĩ Quang (Bill Chu), kỹ sư người Hồng Kông về hưu, công dân Canada từ nửa thế kỷ, đã thành lập Hiệp hội hòa giải Canada, từng ra điều trần trước một ủy ban đặc biệt ở Quốc hội. Ông tố cáo Bắc Kinh dùng những vũ khí vô hình như hối lộ đại biểu, dọ thám trong trường đại học, dùng truyền thông địa phương tiếng Hoa, lập đồn công an với danh nghĩa hiệp hội… để giám sát và tẩy não. Nhà hoạt động này tỏ ra thất vọng khi Canada vì tôn trọng "đa phương" đã không đánh giá đúng đắn mối đe dọa.
Cũng vì bị cho là "chống Trung Quốc" mà ông Triệu Cẩm Vinh (Kenny Chiu), 58 tuổi, cựu dân biểu bảo thủ ở Hạ Viện bị thất cử, do một chiến dịch quy mô bôi xấu ông trong lúc tranh cử. Tình báo Canada có được tài liệu cho thấy cựu lãnh sự Trung Quốc tại Vancouver, Đông Hiểu Linh (Tong Xiaoling) đã khoe khoang thành tích này. Theo Lưu Tế Lương (Simon Sai Leung Lau), nhà tranh đấu Hồng Kông lưu vong tại Canada sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới, tất cả cơ quan truyền thông tiếng Hoa ở Vancouver đều có nhận tài trợ của Trung Quốc. Ngoài kênh CCTV, nhật báo Global Chinese Press, Sing Tao Daily, truyền hình Fair Child TV, radio 1320 CHMB lặp lại những luận điệu của Bắc Kinh, gây ảnh hưởng nơi những người không nắm vững tiếng Anh, người già hay di dân thế hệ đầu tiên.
Nhà đầu tư không còn mặn mà với Trung Quốc
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos lý giải "Những lý do khiến các nhà đầu tư rời Trung Quốc" : tỉ lệ tăng trưởng đáng thất vọng, rủi ro địa chính trị, lãi suất trái phiếu thấp. Sự thờ ơ với Hoa lục đã rõ : với 7,2 tỉ đô la rút khỏi thị trường tài chánh trong tháng Năm, các trái phiếu Trung Quốc bị bỏ rơi trong năm tháng liên tiếp. Trước hết, chính sách tiền tệ của Châu Âu và Hoa Kỳ đã khiến lãi suất danh nghĩa của Trung Quốc thất thế, chỉ 2,6% so với trái phiếu 10 năm của Mỹ là 3,75%. Bên cạnh đó là sự phục hồi kinh tế không như chờ đợi, đặc biệt với chiến lược "China Plus One" của các tập đoàn đa quốc gia từ nhiều năm qua đã đa dạng hóa nguồn cung.
Sản xuất giảm mạnh kể từ 7 năm qua : là một trong những nước hiếm hoi gia tăng xuất khẩu vào lúc đại dịch hoành hành, nay năng lực sản xuất của Trung Quốc bị dư thừa vì các nước khác cũng đã mở cửa và tăng trưởng thế giới chậm lại. Cuối cùng, căng thẳng với Đài Loan gây lo ngại Bắc Kinh sẽ bị trừng phạt và đóng băng tài sản như trường hợp Nga. Tuy Bắc Kinh chuẩn bị bơm thêm nhiều tỉ đô la vào nền kinh tế, nhất là cơ sở hạ tầng, nhưng các nhà đầu tư nay quan tâm đến các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt Ấn Độ hưởng lợi nhiều nhất từ hiện tượng chạy khỏi Trung Quốc với ưu thế năng lượng giá rẻ, dân số và tăng trưởng năng động.
Pháp : Vụ án "con mèo và TGV"
Chuyển sang lãnh vực xã hội, Le Figaro nói về vụ án "Tàu cao tốc, con mèo và cuộc tranh luận". Sáu tháng sau khi một con mèo bị tàu cao tốc (TGV) cán chết, tập đoàn đường sắt Pháp SNCF hôm qua phải ra tòa án cảnh sát Paris vì "cố ý đả thương chí mạng một thú nuôi". Đây là lần đầu tiên tòa dành nguyên buổi chiều cho một vụ án. Theo SNCF, đó là "một tai nạn đáng tiếc", còn Quỹ 30 triệu người bạn tố cáo "một hành động tàn bạo cố tình".
Hôm 02/01, một bà mẹ cùng với con gái chuẩn bị lên tàu ở ga Paris-Montparnasse đi Bordeaux, thì mèo Neko thoát khỏi giỏ xách, trốn dưới một toa tàu. Dù đã năn nỉ nhân viên đừng cho tàu chạy, nhưng con tàu vẫn khởi hành, chú mèo chết thảm. Chủ tịch Quỹ 30 triệu người bạn, Reha Hutin tố cáo do người chủ đã mua vé cho mèo Neko nên "SNCF đã cố tình cán chết một hành khách". Một bản kiến nghị đòi công lý cho chú mèo thu thập được 100.000 chữ ký, ngay cả bộ trưởng nội vụ Gérard Darmanin cũng cho biết "rất bị sốc".
Một người ngoại quốc cộng sản được đưa vào điện Panthéon
Le Figaro hôm nay chú ý đến "Bạo lực, quan liêu, nhập cư..." dẫn đến hiện tượng nhiều thị trưởng không còn muốn làm việc ở Pháp, nhất là ở những thành phố nhỏ. Con số từ chức đã lên đến hơn 1.000 người. Les Echos nói về "Kế hoạch của chính phủ để kìm hãm chi tiêu công", với mục tiêu tiết kiệm 10 đến 15 tỉ euro cho năm tới.
Libération ra số đặc biệt về trí thông minh nhân tạo (AI), dành cho khách mời Cédric Villani vai trò tổng biên tập số báo. Nhà toán học này là người từng đoạt giải thưởng danh giá Fields năm 2010 cùng lúc với Ngô Bảo Châu. Le Monde đưa tít "Cánh hữu Châu Âu hợp tác với cực hữu", từ Ý đến Thụy Điển, Phần Lan... Các liên minh mới này hình thành dần từ những quan điểm như từ chối di dân, chống lại phong trào "woke"... Những thay đổi này mở đường cho một bộ mặt khác của Nghị Viện Châu Âu trước cuộc bầu cử tháng 6/2024.
Đặc biệt một sự kiện được các báo rất quan tâm : Missak Manouchian, người hùng kháng chiến bị quân Đức xử bắn năm 1944 được đưa vào điện Panthéon, cùng với vợ là bà Mélinée. Là người Armenia sống sót sau nạn diệt chủng, Missak di cư sang Marseille năm 1925 và tình nguyện gia nhập quân đội Pháp năm 1939. Ông trở thành một trong những thủ lãnh của FTP-MOI, mạng lưới kháng chiến của đảng cộng sản gồm những người nước ngoài.
Trong lá thư cuối cùng gởi cho vợ, ông viết : "Trong vài giờ nữa, tôi sẽ không còn trên thế gian này (…). Chúc hạnh phúc cho những ai sống sót và được hưởng tự do, hòa bình mai sau. Tôi chắc chắn rằng dân tộc Pháp và tất cả những ai chiến đấu cho tự do sẽ biết tưởng niệm ký ức một cách trang trọng". Tám thập niên sau, vinh dự này mới đến với kháng chiến quân ngoại quốc và lại là người cộng sản, ở nơi tôn vinh những nhân vật làm rạng danh nước Pháp.
Thụy My