Nga bác bỏ các điểm cốt yếu trong kế hoạch hòa bình của Châu Phi
Trọng Nghĩa, RFI, 18/06/2023
Sau khi "kế hoạch" hòa bình của mình bị Kiev bác bỏ, các lãnh đạo Châu Phi vào hôm qua, 17/06/2023 cũng không thành công hơn với Moskva khi tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu bật một danh sách các lý do tại sao ông tin rằng nhiều đề xuất của Châu Phi đều sai lạc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Saint Petersburg, Nga, ngày 17/06/2023. via Reuters – Host Photo Agency Ria Novosti
Tiếp đón đại diện của 7 nước Châu Phi (Senegal, Ai Cập, Zambia, Uganda, Cộng Hòa Congo, Comoros và Nam Phi) tại St Petersburg, tổng thống Nga đã mở đầu bằng cách nhấn mạnh cam kết của Nga đối với lục địa. Tuy nhiên, sau phần trình bày của các tổng thống Comoros, Senegal và Nam Phi về một loạt "biện pháp xây dựng lòng tin" mà Châu Phi đề xuất, theo hãng tin Anh Reuters, tổng thống Putin như đã dội môt gáo nước lạnh vào sáng kiến này khi lên tiếng thách thức các giả định của kế hoạch - dựa trên sự chấp nhận các đường biên giới được quốc tế công nhận.
Từ Moskva, thông tín viên RFI Julian Colling tường trình :
"Trong bài phát biểu nhằm giới thiệu kế hoạch, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, lãnh đạo thực tế của phái đoàn Châu Phi, cho biết là ông muốn khuyến khích "Nga bắt đầu đàm phán với Ukraine". Trong phái đoàn, tổng thống Ramaphosa có lẽ là thành viên có mối quan hệ chặt chẽ nhất với Nga. Ông nói thêm rằng cuộc xung đột đang gây bất ổn cho thế giới này cần phải kết thúc.
Thế nhưng ở đầu bên kia chiếc bàn tròn khổng lồ tại một trong những căn phòng của Cung Điện Constantin xa hoa, Vladimir Putin đã trả lời rằng chính Ukraine đã "vứt vào sọt rác" thỏa thuận đạt được ở Istanbul vào tháng 3/2022, rằng "Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán và luôn sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với mọi người vì hòa bình".
Ông cũng đổ lỗi cho phương Tây là đã gây ra khủng hoảng lương thực hiện nay chứ không phải là do 'hoạt động quân sự' của Nga, một cuộc khủng hoảng mà theo ông không thể được giải quyết chỉ bằng một thỏa thuận ngũ cốc.
Tuy nhiên, đây là một trong những vấn đề chính của cuộc gặp gỡ với đại diện của 7 quốc gia Châu Phi tại Saint Petersburg. Thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Ukraine thực sự vẫn rất quan trọng đối với lục địa Châu Phi.
Rõ ràng là phái đoàn Châu Phi cũng đến Nga để tìm kiếm từ ông Putin một sự đảm bảo về việc Moskva duy trì thỏa thuận mà gần đây ông Putin đã đe dọa rút khỏi."
Trọng Nghĩa
************************
Tổng thống Ukraine vẫn dứt khoát không thương lượng với Nga sau khi gặp phái đoàn Châu Phi
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua, 16/06/2023, đã một lần nữa loại trừ mọi đàm phán với Nga, sau cuộc gặp với các lãnh đạo Châu Phi trong phái đoàn trung gian hòa giải giữa Kiev với Moskva. Trong khi đó, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, một trong bốn tổng thống Châu Phi tham gia phái đoàn, đã kêu gọi Ukraine và Nga "xuống thang" trong cuộc xung đột.
Từ trái sang phải : Thủ tướng Ai Cập Mustafa Madbuly, tổng thống Senegal Macky Sall, tổng thống Liên minh Comoros Azali Assoumani, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và tổng thống Zambia Hakainde Hichilema họp báo sau cuộc họp tại Kiev, Ukraine, ngày 16/06/2023. © AP / Ukrainian Presidential Press Office
Từ Kiev, đặc phái viên Julien Chavanne tường trình :
"Đây gần như là một nhiệm vụ bất khả thi : Giữa lúc quân Ukraine đang phản công, Volodymyr Zelensky không thể thay đổi đường lối. Đối với ông, tạm ngưng chiến tranh lúc này chẳng khác gì cho Putin có thêm thời gian để củng cố vị thế của ông.
Phái đoàn trung gian hòa giải của Châu Phi đã bị suy yếu sau khi 3 trong số 7 tổng thống Châu Phi rời bỏ vào giờ chót. Không những thế, phái đoàn còn bị chia rẽ, vì các tổng thống Châu Phi có mặt tại Kiev không có cùng quan điểm. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, thân cận với Moskva, vẫn từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga, thậm chí không lên án các tội ác của quân Nga ở Bucha, nơi mà ông đã đến thăm sáng hôm qua.
Chuyến đi cũng đã gặp nhiều trắc trở với một vụ rắc rối ngoại giao : Các thành viên nhóm bảo vệ an ninh của phái đoàn tổng thống Nam Phi đã bị giữ lại ở sân bay Warszawa của Ba Lan. Trưởng nhóm an ninh của phái đoàn cáo buộc chính quyền Ba Lan có thái độ kỳ thị sắc tộc.
Chuyến đi tại Kiev cũng bị xáo trộn : Vào cuối buổi sáng, các vị nguyên thủ quốc gia Châu Phi đã được đưa xuống hầm trú ẩn của khách sạn trong vòng 20 phút, do quân Nga vừa bắn 12 tên lửa xuống thủ đô Ukraine. Đối với tổng thống Zelensky, đây là bằng chứng cho thấy Putin không hề có một cử chỉ thể hiện thiện chí hòa bình".
Sau Kiev, phái đoàn trung gian hòa giải của Châu Phi hôm nay đến Saint-Petersburg để gặp tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thanh Phương
********************
Chiến tranh Ukraine : Phái đoàn trung gian hòa giải của Châu Phi đến Kiev
Thanh Phương, RFI, 16/06/2023
Một phái đoàn trung gian hòa giải của Châu Phi đãđến Kiev hôm nay, 16/06/2023, và sẽ tới Saint-Petersburg ngày mai để cố giải quyết cuộc xung đột giữa Ukraine với Nga, nhưng cơ may thành công của phái đoàn rất thấp.
Tổng thống Zambia, Senegal, Comoros, Nam Phi và thu tướng Ai Cập đến viếng một nghĩa trang ở thành phố Butcha, ngoại ô Kiev, Ukraine, ngày 16/06/2023. Reuters – Valentyn Ogirenko
Chuyến đi của phái đoàn trung gian hòa giải Châu Phi đãđược Nam Phi thông báo vào tháng trước. Cho tới nay, Nam Phi vẫn không lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine, khẳng định mong muốn giữ thái độ trung lập, đồng thời chủ trương Kiev và Moskva nên đối thoại với nhau.
Phái đoàn Châu Phi sẽ mở các cuộc hội đàm với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và sau đó với tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, một số thành viên của phái đoàn vào giờ chót đã rút ra, cho nên tham gia chuyến đi rốt cuộc chỉ có 4 vị tổng thống, trong đó có tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, cùng với một vị thủ tướng và một đặc phái viên.
Trong một thông cáo đưa ra hôm qua, tổng thống Nam Phi cho rằng "trong bối cảnh chiến sự leo thang, việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình phải được đẩy nhanh". Về phần Kiev, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ukraine cũng ra thông cáo khẳng định : "Chúng tôi muốn mở các cuộc thảo luận để xem là, nhờ các nỗ lực chung, có thể tiến gần đến hòa bình ở Ukraine hay không".
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan nhận định :
Nhiệm vụ của phái đoàn sẽ rất phức tạp, trước hết là do tình hình quân sự hiện nay, lực lượng Ukraine vừa mới bắt đầu chiến dịch phản công. Thứ hai là phái đoàn bị suy yếu, bị mất đà. Theo dự kiến ban đầu cóđến bảy tổng thống tham gia chuyến đi, nhưng ba người đã bỏ vào giờ chót.
Cho nên, giới thân cận của các tổng thống Châu Phi phải giảm bớt tham vọng của phái đoàn, tức là không còn thương lượng về một lệnh ngừng bắn giữa Kiev và Moskva, mà sẽ tập trung vào vế ngoại giao, kinh tế, cụ thể là phái đoàn hy vọng trong vòng 24 tiếng đồng hồ tới sẽđạt được tiến bộ về vấn đề cung cấp phân bón, ngũ cốc.
Còn theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn, cơ may thành công của phái đoàn trung gian hòa giải Châu Phi rất thấp, bởi vì Ukraine đã tuyên bố không chấp nhận bất cứ nhân nhượng lãnh thổ nào, cho dùđiều này có thể giúp chấm dứt xung đột. Thứ hai là các lãnh đạo Châu Phi trong phái đoàn không thểđóng vai trò trung gian do không có trọng lượng chính trị, không có bất cứảnh hưởng nào.
Thanh Phương
Trong cuộc phản công đầy chông gai, Ukraine cần có những trận thắng lớn
Cuộc phản công của Ukraine chỉ mới bắt đầu, hai bên đều để dành các lực lượng dự trữ. Chuyên gia Michel Goya nhận định Kiev chỉ có thể khoe chiến thắng khi nào cắm được cờ ở Melitopol, Berdiansk, hay kiểm soát biển Azov ; Ukraine cần những trận thắng lớn thay vì chỉ gặm nhấm từ từ. Tướng Anh Richard Barrons cho rằng thật phi lý nếu phương Tây với GDP gấp 20 lần Nga, lại để yên cho Moskva tự tung tự tác, nuôi mộng đế quốc.
Một quân nhân Ukraine thuộc lữ đoàn bộ binh cơ giới 68 "Oleksa Dovbush" chạy đến vị trí tại làng Blahodatne vừa tái chiếm ngày 17/06/2023. AP - Yevgeny Maloletka
L’Obs tuần này chạy tựa lớn "Di dân, cuộc tranh luận bị đầu độc", L’Express lưu tâm đến việc "Khoa học nói gì về giáo dục", Le Point bàn về khái niệm "Phi văn minh hóa". The Economist đưa tít "BritGPT Làm thế nào biến nước Anh trở thành siêu cường trí thông minh nhân tạo". Hồ sơ của Courrier International nói về "Ukraine, thời điểm quyết định". Tuần báo cho biết tuy trang bìa thường được dành cho những hình vẽ hay biếm họa, nhưng lần này là những hình ảnh thật của chiến tranh. Ảnh bìa được chọn là một người lính Ukraine, chụp ngày 06/06 trong lúc đang đăm chiêu nhìn những gì còn lại của đập Kakhovka, từ một căn nhà loang lổ vết đạn. Một giai đoạn mới của chiến tranh đã bắt đầu, và có thể thay đổi tất cả.
Kiev và Moskva đều chưa tung hết lực lượng
The Economist nhận thấy cuộc phản công bước vào tuần lễ thứ hai, đã tiến triển và bắt đầu hình dung được. Một hướng về phía đông, xung quanh thành phố Bakhmut đẫm máu và tỉnh Lugansk. Hướng khác nhắm vào Velyka Novosilka và Vuhledar ở Donetsk, và hướng thứ ba mở ra ở miền nam, tại Orikhiv thuộc tỉnh Zaporijia. Nhưng cả hai bên vẫn còn giữ lại lực lượng dự trữ.
Hướng Donetsk cho đến nay có vẻ thành công nhất. Ukraine sử dụng bảy lữ đoàn gần Velyka Novosilka để giải phóng 60 kilomet vuông lãnh thổ trong vòng bốn ngày. Hai hướng còn lại chậm hơn, những trận đánh ác liệt dọc theo trục Orikhiv-Tokmak khiến Ukraine mất nhiều vũ khí và quân nhân, phía Nga cũng thiệt hại nặng. Trong cuộc họp với các blogger quân sự Nga hôm 13/06, Vladimir Putin nói rằng đã mất 54 xe tăng trong đợt phản công của Kiev.
Tầm cỡ triển khai quân ở trục chiến lược Tokmak – cánh cửa để tấn công tuyến đường chính hướng về Crimea – khiến người ta nghĩ rằng đây là hướng chủ yếu. Tuy nhiên đa số vụ tấn công là do các lực lượng Ukraine tại chỗ, nhằm nhận ra những điểm yếu của Nga hơn là để xuyên thủng. Tướng về hưu Ben Hodges cho rằng khi nào thấy những đoàn thiết giáp đông đảo tham gia, cuộc tấn công chính mới thực sự bắt đầu. Tại Zaporijia, Ukraine chỉ mới điều đến vài lữ đoàn, và Nga cũng vậy, hai bên đều muốn làm cạn kiệt lực lượng dự trữ của nhau.
Goryachev, tướng Nga đầu tiên tử trận
Ưu tiên trước mắt của Kiev là nhắm vào pháo binh Nga với những vũ khí tầm xa. Dữ liệu vệ tinh cho thấy rất nhiều đám cháy ở miền nam, các blogger Nga cho biết tướng Sergey Goryachev, tham mưu trưởng quân đoàn 35 của Nga đã thiệt mạng trong một cuộc pháo kích. Đây là vị tướng Nga đầu tiên tử trận kể từ một năm qua.
Không quân đóng vai trò quan trọng, nay được sử dụng nhiều hơn ở Zaporijia. Tại Bakhmut, drone được Nga huy động ồ ạt. Ngoài các drone Lancet có thể phá hủy xe tăng và pháo, còn có số lượng lớn drone thương mại Trung Quốc. Vụ phá đập Kakhovka đã làm đảo lộn kế hoạch của Kiev, giúp Nga rút bớt quân ở Kherson tăng cường cho Zaporijia. Phương Tây cho rằng trên lý thuyết, Ukraine có đủ điều kiện để đe dọa con đường dẫn đến Crimea và tàu Nga trên biển Azov, nhưng cần có một chút may mắn ở phía Kiev và sơ suất của Moskva.
Thời tiết cũng ảnh hưởng : Tuần tới sẽ có nhiều cơn mưa làm chậm bước tiến của Ukraine, đồng thời gây khó cho những phi vụ của Nga. Nguy cơ lớn nhất là các đơn vị Ukraine lọt vào lưới lửa của Nga – bị drone và pháo vây trong lúc vượt những tuyến phòng thủ kiên cố đầy mìn. Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố Kiev đã có những thành công và vẫn duy trì đà tiến, chuyên gia Jack Watling của RUSI cho rằng lực lượng Kiev đã vượt quá mong đợi. Nhưng theo một viên chức phương Tây, cuộc trắc nghiệm thực sự còn ở phía trước.
D-Day : Tướng Eisenhower không phải "ăn đong" vũ khí
"Ukraine và các đồng minh chuẩn bị cho một cuộc tái chiếm khó khăn", đó là nhận định của Le Figaro cuối tuần. Sau mười ngày phản công, lực lượng Kiev dần chiếm được một số vùng đất, chịu những thiệt hại trong những trận đánh ác liệt.
Truyền thông thường thiếu kiên nhẫn, những đồng minh từ lâu chờ đợi cuộc phản công, nhưng những tin tức đầu tiên từ chiến trường chỉ mang lại một ít lạc quan. Moskva khoe khoang tiêu diệt được những xe tăng phương Tây, Kiev luôn giữ im lặng về chiến dịch. Quân đội Ukraine tái chiếm được khoảng 100 kilomet lãnh thổ, nhưng quân Nga vẫn kháng cự với những bãi mìn dày đặc, chừng như đã rút được bài học về những trận thua cay đắng trước đó.
Những trận đánh mới chỉ là thăm dò, chưa dẫn đến những trận chiến lớn. Nếu tướng Eisenhower biết rằng sau khi đổ bộ trên bãi biển Normandy, ông sẽ có được lực lượng logistic vô tiền khoáng hậu, thì tướng Zaloujny tuy có được sự ủng hộ của cả nước Ukraine, nhưng lại phải "ăn đong", lệ thuộc vào vũ khí và đạn dược của đồng minh – tờ báo gọi là D-Day đảo ngược. Bộ trưởng quốc phòng Đức nhìn nhận rằng chưa thể thay thế mỗi xe tăng Leopard bị phá hủy. Liệu phương Tây có xứng tầm với thách thức ?
Ukraine cần những trận thắng lớn
Trả lời L’Express, nhà sử học quân sự, cựu đại tá thủy quân lục chiến Michel Goya nhận định Kiev chỉ có thể khoe chiến thắng khi nào cắm được cờ ở Melitopol hay Berdiansk, kiểm soát được biển Azov. Ukraine cần những trận thắng lớn thay vì chỉ gặm nhấm từ từ. Theo ông Goya, hiện chưa có bất ngờ nào, cả bên công lẫn bên thủ, chiến dịch còn kéo dài nhiều tuần lễ.
Về những xe tăng bị phá hủy mà Vladimir Putin nói là "thiệt hại khủng khiếp" của Ukraine, trang Oryx cho biết phía Kiev mất 35 xe tăng, trong đó phân nửa là của phương Tây như Leopard và Bradley. Số lượng này là khiêm tốn so với 1.000 chiến xa đang hoạt động, không như con số phóng đại của Putin (160 xe tăng, 360 thiết giáp).
Đối với tướng Pháp Nicolas Richoux, tấn công đương nhiên phải chịu thiệt hại. Nhưng có thể thấy chiếc Leopard-2 trong hình mà Nga công bố không bị cháy, ngược với T-72 của Nga thường bị nổ tung, bay mất tháp pháo. Hơn nữa, Moskva cho chiếu đi chiếu lại hình ảnh này với nhiều góc độ trong nhiều ngày liên tiếp, chứng tỏ họ không có được bao nhiêu để trưng ra.
Nguy cơ rình rập từ drone trên trời, mìn dưới đất
Michel Goya đánh giá muốn tiến được, cần phải vô hiệu hóa phương diện thứ ba của quân Nga, tức tất cả những gì trên bầu trời : máy bay tác xạ, trực thăng tấn công, pháo, drone, drone tự sát… Như vậy cần đến vũ khí phòng không mà Ukraine hiện có rất ít. Bên cạnh đó là khả năng phản pháo, và vượt chướng ngại vật.
Cho đến nay, có rất ít những trận cận chiến. Chiến binh Ukraine không gặp nhiều lính Nga, họ đang "chiến đấu với những bóng ma". Mối đe dọa đến từ trời cao và mìn ở dưới đất. Không có những trận giáp lá cà như trong phim, mà đòi hỏi kiên nhẫn và quyết tâm để tiến lên trong nhiều ngày, nhiều tuần lễ, dưới hỏa lực bao phủ và những thiệt hại. Rất dễ mệt mỏi về thể chất và tâm lý vì căng thẳng, và phía Nga cũng có thể kiệt quệ trước những cuộc tấn công liên tục.
So sánh với những chiến dịch trước đây, chuyên gia Goya cho rằng chiến thắng Kharkiv là một sự bất thường. Quân Nga khá thưa, phải đặt cả những hình nộm trong chiến hào để che giấu, Ukraine nhận ra và nhanh chóng đột phá. Tại Kherson, Nga có tổ chức hơn nhưng thiếu chiều sâu, dù vậy Kiev phải mất hai tháng mới tái chiếm được. Trong khu vực từ Zaporijia đến Donetsk hiện nay, phòng thủ của Nga mạnh gấp ba Kherson lúc trước và trải dài. Ukraine sẽ phải vượt mấy chục kilomet chiến lũy trước khi tới được vùng đất có thể chiến đấu cơ động hơn, chẳng hạn một trận chiến xe tăng ở Melitopol. Ukraine thủ rất giỏi nhưng công thì chưa biết ra sao.
Kháng chiến quân biến cuộc sống những kẻ chiếm đóng thành địa ngục
Trong trận phản công này, L’Express nhận thấy "Cuộc chiến đấu bí mật của du kích là một ưu thế quan trọng của Kiev" tại những vùng đất bị tạm chiếm. Những chiếc ruy-băng mang màu cờ Ukraine vẽ bằng sơn trên tường, trên cây cối ở Lugansk, Crimea… là dấu hiệu thách thức cho quân Nga đang kiểm soát thành phố. Các thành viên của phong trào kháng chiến Yellow Ribbon (Ruy-băng vàng) thành lập hai tháng sau khi cuộc chiến khởi đầu, đấu tranh chống xâm lược bằng phương pháp không bạo lực.
Những người khác chọn lựa cầm vũ khí. National Resistance Center (NRC) hôm 11/06 đã trừ khử được một nhóm lính Nga ở làng Skalove gần Melitopol. Cùng ngày, một chiếc cầu dành cho xe lửa bị tấn công ở làng Yakymivka miền bắc, một quả bom làm nổ tung đường rầy ở Crimea. Tướng Nicolas Richoux, cựu chỉ huy trưởng lữ đoàn thiết giáp số 7 của Pháp nhận xét, hoạt động tích cực ở hậu phương, du kích làm rối loạn hậu cần của quân Nga, một lợi thế quý giá trong lúc chiến dịch phản công đang diễn ra.
Nhiều trường hợp viên chức Nga, những kẻ nằm vùng, hợp tác với địch bị du kích ám sát. Có thể kể : thị trưởng Kreminna thân Nga Volodymyr Struck bị bắt cóc và bắn chết ; giám đốc người Nga phụ trách thanh niên ở Kherson Dmitro Savluchenko bị ám sát trong xe hơi ; phó thị trưởng Nova Kakhovka, Vitaly Gura bị bắn hạ ngay trên đường phố ; và mới đây cảnh sát trưởng Melitopol, Oleksandr Mishchenko tử thương vì một vụ nổ khi vừa bước vào nhà… Những người kháng chiến nhấn mạnh phương châm : "Hãy cùng nhau biến cuộc sống của những kẻ chiếm đóng thành địa ngục".
Xác minh được 25.000 lính Nga chết trận ở Ukraine
Về thiệt hại của Nga từ đầu cuộc xâm lăng, Courrier International cho biết "BBC đã kiểm tra và có tài liệu về 25.000 lính Nga tử trận". Hôm 16/06, đài này công bố kết quả một cuộc điều tra tỉ mỉ được thực hiện với nhiều đối tác.
Nikita Lobourets, 21 tuổi thành viên lực lượng đặc biệt, đã chết ngày 20/05/2022 tại một làng miền đông Ukraine. Alexander Zubkov, 34 tuổi, án tù 9 năm vì mua bán ma túy, tham gia Wagner với hy vọng tìm lại tự do sau sáu tháng, và chết tại Bakhmut. Đó chỉ là hai trong số 25.000 lính Nga tử trận kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lăng, được nhận diện bởi BBC, trang web độc lập Nga Mediazona và một ê-kíp tình nguyện viên ; thông qua những tin tức từ các báo cáo chính thức, báo chí, mạng xã hội, những ngôi mộ mới. Cuộc điều tra này cung cấp những bằng chứng cụ thể, đồng thời cho thấy sự thay đổi của quân đội Nga theo với nhịp độ chiến tranh.
Jack Watling, thuộc think tank Royal United Services Institute nhận xét, Alexander Zubkov và những người như anh ta được sử dụng như một thứ hàng hóa "dùng một lần rồi vứt bỏ". "Nga gởi họ ra mặt trận và biết rằng họ sẽ bị giết chết. Quân đội Nga tiêu thụ những người lính loại này với tốc độ đáng kể". Trong ba tháng gần đây, có 1.236 người chết trận là tù nhân, 780 thường dân bị động viên, 752 lính đánh thuê Wagner và 148 sĩ quan. Để so sánh, trong ba tháng đầu của cuôc chiến, 792 sĩ quan và 22 lính của Yevgeny Prigozhin tử trận, nhưng không có tù nhân và lính động viên nào.
Tất nhiên con số của BBC chỉ là số tử trận xác minh được. Hồi tháng 2, tình báo Anh ước tính số lính Nga thiệt mạng từ 40.000 đến 60.000, còn Ukraine đưa ra con số 200.000 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến. Trong khi đó Nga nói rằng chỉ có 6.000 lính tử trận.
Vỡ đập Kakhovka : Tác hại khôn lường
Liên quan đến hậu quả của việc phá đập Kakhovka, phóng sự của L’Express dẫn lời người dân địa phương "Người Ukraine chúng tôi còn phải chịu đựng trong nhiều thập niên nữa". Courrier International ghi lại lời kể của những người sơ tán khỏi khu vực ngập lụt về cơn ác mộng mà họ vừa trải qua.
Buối sáng khi đập bị vỡ, cư dân vẫn chưa hiểu những gì đã diễn ra. Ông Vassyl 70 tuổi chẳng hạn, đã chạy đến bên bờ sông Dniepr để xem, và kinh hoảng trước những gì được chứng kiến. Dòng nước lũ ồ ạt cuốn theo súc vật, mái nhà, những mảnh vỡ của các tòa nhà… tất cả những gì trên đường đi. Người dân từng chịu đựng hỏa tiễn, drone, đạn pháo, mìn, nhưng không tưởng tượng được kẻ thù phi nhân cho phá cả đập thủy điện. Một người dân Kherson nói : "Không còn gì nữa : chẳng còn sinh vật, không nhà cửa, không công ăn việc làm. Người ta chẳng biết làm gì. Nhiều người chỉ còn cách trèo lên cây chờ đợi giúp đỡ".
Có đến 94% hệ thống tưới tiêu không còn sử dụng được. Ở thượng nguồn, hồ chứa của đập Kakhovka là nơi tập trung lượng cá nước ngọt nhiều nhất Ukraine, gần 100.000 tấn cá đã bị chết ngộp. Gần 584.000 hecta đất trồng trọt từng mang lại nguồn lợi 1,5 tỉ đô la có nguy cơ biến thành sa mạc. Chưa kể nạn ô nhiễm trầm trọng từ xác người, xác động vật chết đuối, nước thải, hóa chất…
Nguyên tử : Thảm họa sắp tới ?
"Thảm họa sắp tới phải chăng sẽ là nguyên tử ?" - đó là câu hỏi của nhật báo Vysokyi Zamok được Courrier International dịch lại. Tạm thời nhờ hệ thống khẩn cấp, các tổ máy ở nhà máy điện nguyên tử Zaporijia vẫn được làm mát nhưng về lâu về dài phải tìm nguồn khác ổn định. Bà Tetiana hồi xảy ra sự kiện Tchernobyl năm 1986 đã đến sống ở Mykolaiv vì con gái bị nhiễm xạ, và nay lo sợ : "Nếu tai nạn lại xảy đến, chúng tôi biết đi đâu bây giờ ?".
Các chuyên gia cảnh báo nếu xảy ra sự cố, sẽ không thua thảm họa Fukushima ở Nhật Bản. Nhưng Fukushima là do thiên tai, không thể so sánh với việc Putin chủ động để xảy ra thảm kịch. Ukraine và những vùng rộng lớn của Châu Âu cũng như thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Không thể đặt hy vọng vào Liên Hiệp Quốc hay Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), những định chế quốc tế bất lực. Thảm họa sinh thái và nhân đạo ở nhà máy thủy điện Kakhovka cho thấy từ lâu không còn có thể thương lượng, thuyết phục Putin, mà cần phải có phương tiện hiệu quả để chống lại nạn khủng bố quốc tế của Kremlin.
Cái giá phải trả vì không vũ trang cho Ukraine sau khi Crimea bị chiếm
Trên The Economist, tướng Richard Barrons, cựu chỉ huy trưởng Lực lượng Liên quân Anh đưa ra ba khả năng. Hoặc quân xâm lăng bị đánh bại phải rút hết về nước. Hoặc Nga có những cải thiện khiến Ukraine thiệt hại nhiều nhưng giành được rất ít đất, có nghĩa là việc chiếm đóng sẽ không kết thúc nếu Kiev không có được hỏa lực mạnh hơn. Giả thiết thứ ba nằm giữa hai khả năng trên : Ukraine tái chiếm được một số dải đất dọc theo chiến tuyến dài 1.000 kilomet. Như vậy khó thể chấm dứt chiến tranh vào dịp Noel.
Nhiều nước phương Nam và một số chính khách Mỹ cho rằng đó là chuyện giữa Ukraine và Nga, không liên quan đến mình. Nếu quan điểm này lan rộng, Châu Âu cần coi thành bại của cuộc phản công là vấn đề an ninh khu vực. Lại càng khẩn cấp hơn nếu đến một lúc nào đó Mỹ sau khi đóng góp đến 80 tỉ đô la, nhường lại vai trò lãnh đạo cho Châu Âu trong hồ sơ này để chú tâm vào nội trị và quan hệ với Trung Quốc. Châu Âu sẽ phải dành 100 tỉ đô la/năm trong ít nhất ba năm. Số tiền này tuy lớn nhưng chính là người Ukraine phải chiến đấu và đổ máu. Bị bại trận, Nga không còn có thể theo đuổi tham vọng đế quốc.
Tuy nhiên cần phải nhìn xa trông rộng hơn, cuộc phản công phải đi kèm với nỗ lực của Mỹ và Châu Âu (có GDP tổng cộng 40 ngàn tỉ đô la) để đối phó với Nga (2 ngàn tỉ đô la), giành thắng lợi trên chiến trường. Sự chênh lệch quá lớn về kinh tế cho thấy thật phi lý nếu phương Tây để cho Nga tùy tiện gây chiến ở Châu Âu. Có một cái giá phải trả vì đã không trang bị cho Kiev sau khi Nga chiếm mất Crimea năm 2014, để ngăn cản một cuộc xâm lăng mới. Phản ứng tức thời của phương Tây từ tháng 2/2022 giúp Ukraine sống sót nhưng chưa thể ca khúc khải hoàn. Phương Tây phải hiểu rằng để bảo vệ an ninh, thịnh vượng và những giá trị của mình, cần một cam kết không gì lay chuyển để tái lập toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, ngay cả với cái giá cao mà Nga đã đặt ra.
Thụy My
Bộ trưởng Quốc phòng NATO bàn về vấn đề vũ khí phương Tây bị tổn thất ở Ukraine
Anh Vũ, RFI, 16/06/2023
Tại trụ sở Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO ở Bruxelles (Bỉ), bộ trưởng quốc phòng của 31 nước thành viên họp từ ngày 15 đến 16/06/2023 nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh của khối vào tháng 7 tới tại Vilnius, Litva. Cuộc họp chủ yếu thảo luận về tiến trình Thụy Điển gia nhập Liên minh, hiện vẫn đang bị Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản và về diễn tiến chiến sự ở Ukraine.
Toàn cảnh cuộc họp của Ủy Ban NATO-Ukraine cùng với Thụy Điển nhân hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO tại trụ sở của Liên Minh ở Bruxelles (Bỉ) ngày 15/06/2023. Reuters – Yves Herman
Trong lúc Kiev khởi sự cuộc phản công dự kiến sẽ bị tổn thất khá lớn về khí tài, các đồng minh NATO đang bị áp lực làm thế nào về lâu dài có thể thay thế các vũ khí phương Tây bị phá hủy trong chiến trận và cấp thêm rất nhiều đạn dược cho Ukraine, mà không ảnh hưởng đến phương tiện phòng thủ của các nước trong Liên minh. Đây chính là mối quan tâm chính của NATO trong phiên họp lần này.
Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles cho biết thông tin :
Bộ trưởng quốc phòng Ukraine đề nghị các đồng nghiệp trong NATO cung cấp xe bọc thép, vũ khí chống tăng và đạn dược. Đòi hỏi của ôngOleksiy Reznikov khác hẳn với thời điểm Ukraine yêu cầu được cung cấp các giàn tên lửa phòng không sau đó đến xe tăng và cuối cùng là máy bay. Giờ đây là phải phản công thắng lợi và điều quan trọng là sử dụng những khí tài đã có.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin phát biểu : "Đây là chiến tranh nên chúng ta biết trên chiến trường sẽ luôn có tổn thất về trang thiết bị, xe pháo. Tôi nghĩ Nga cho chúng ta thấy vẫn 5 chiếc xe ấy khoảng một nghìn lần, ở cả chục góc độ khác nhau, nhưng thực sự thì Ukraine vẫn còn nhiều phương tiện chiến đấu. Tôi tin là yếu tố lâu bền suy cho cùng có lẽ sẽ tạo được lợi thế. Điều quan trọng là quân đội Ukraine có thể thu hồi các thiết bị hư hại, sửa chữa lại nếu được và đưa các trang thiết bị đó trở lại chiến đấu".
Theo các bộ trưởng của NATO, cần phải bảo đảm "tính liên tục" cho Ukraine để họ có thể tiếp tục chiến đấu và có thể nhận được đạn dược cho các vũ khi đang có. Bảo trì vận hành của các phương tiện cơ giới và hệ thống vũ khí đã cung cấp cho Ukraine trở nên cốt yếu đối với NATO.
Trước khi hội nghị bắt đầu, tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg cho biết các nước đồng minh sẽ thảo luận cách thức mở rộng hỗ trợ Ukraine trong lâu dài và làm sao để tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của Liên minh.
Anh Vũ
*************************
NATO đào tạo phi công Ukraine, mở đường gửi chiến đấu cơ F-16 cho Kiev
Thu Hằng, RFI, 16/06/92023
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO bắt đầu chương trình huấn luyện phi công chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Tổng thư ký Jens Soltenberg khi đến dự cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tối 25/06/2023, cho biết, "việc huấn luyện (phi công) đã bắt đầu cho phép chúng ta có thể quyết định cung cấp các máy bay và lúc đó, các phi công (Ukraine) sẽ sẵn sàng".
Từ trái qua : Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, tham dự cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine, tại trụ sở NATO, Bruxelles, Bỉ, ngày 15/06/2023. Reuters – Yves Herman
Ngay sau phát biểu của tổng thư ký NATO, người phát ngôn Không quân Ukraine Yyriy Ihnat cho biết Kiev dự định cử vài chục quân nhân"tham gia học lái chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất", và "phi công được chọn đều dày dặn kinh nghiệm". Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước ngày 16/06, ông cũng nhấn mạnh :"Mọi việc được triển khai để chương trình khởi động càng sớm càng tốt".
Hai nước thành viên NATO Hà Lan và Đan Mạnh vận động một liên minh quốc tế để huấn luyện phi công, nhân viên bảo trì và cuối cùng là cung cấp F-16 cho Ukraine. Trước đó, bộ trưởng quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho Reuters biết là chương trình huấn luyện có thể bắt đầu ngay mùa hè này và kéo dài 6 tháng. Khóa huấn luyện có thể được tiến hành ở Đan Mạch, nơi có các mô hình máy bay. Mỹ, Bỉ và Luxembourg ủng hộ chương trình đào tạo, còn Pháp và Anh cũng đã hỗ trợ.
Kể từ khi chuẩn bị chiến dịch phản công, Kiev liên tục đề nghị NATO viện trợ chiến đấu cơ để làm đối trọng với ưu thế trên không của Nga. Tuy nhiên, theo bộ trưởng quốc phòng Hà Lan, quyết định chính thức vẫn chưa được đưa ra. Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, tướng Mark Milley, tham dự cuộc họp tối 15/06 tại Bruxelles của NATO, cũng cho rằng"còn quá sớm để thông báo ngày cung cấp chiến đấu cơ".
Về cuộc phản công của Ukraine, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh mới"chỉ ở bước đầu", "các cuộc giao tranh rất khốc liệt và cuộc phản công có thể sẽ mất rất nhiều thời gian". Tuy nhiên, ông tin tưởng"quân đội Ukraine vẫn có khả năng và sức mạnh chiến đấu lớn", đồng thời trấn an Kiev rằng NATO"sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để thành công".
Thu Hằng
***********************
ISW : Quân đội Ukraine tiếp tục phản công theo ít nhất ba hướng
Trọng Thành, RFI, 15/06/2023
Viện nghiên cứu chiến tranh ISW, trụ sở tại Washington, hôm qua 14/06/2023, dựa trên một số nguồn tin của hai bên, cho biết quân đội Ukraine đang tiếp tục cuộc phản công theo ít nhất ba hướng.
Xe bọc thép của lực lượng Ukraine tại vùng Donetsk, Ukraine, ngày 12/06/2023. Reuters - Stringer
Cụ thể là chiến sự tiếp tục diễn ra dữ dội tại một số khu vực xung quanh thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, cũng như tại khu vực xung quanh làng Makarivka, cũng thuộc tỉnh Donetsk. Đây là một trong những ngôi làng đầu tiên quân Ukraine giải phóng kể từ khi mở cuộc phản công, theo thông báo của chính quyền Ukraine hôm 12/06.
Hướng tiến công thứ ba của quân đội Ukraine là tại khu vực phía nam thị xã Orikhiv, tỉnh miền nam Zaporijjia. Ngày 11/06, vào lúc quân đội Ukraine mở mũi tiến công tại đây, thị xã Orikhiv, nằm ở hữu ngạn sông Dniepr, chỉ cách tiền tuyến khoảng 6 km.
Đại diện của bộ Tổng tham mưu Ukraine Oleksiy Gromov, trong một cuộc họp báo hôm nay, cho biết quân đội Ukraine đã giải phóng hơn 100 km² lãnh thổ trong một tuần phản công đầu tiên.
Trong khi đó, ở làng Malokaterynivka, cũng thuộc tỉnh Zaporijjia, cách không xa tiền tuyến, người dân phấn chấn hơn kể từ khi quân đội Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công, theo phóng sự của thông tín viên Stéphane Siohan :
"Ở phía nam Zaporijia, nước của hồ chứa trên sông Dniepr rút dần, cư dân Malokaterynivka bắt đầu mất nước sạch. Đằng xa vẫn là tiếng đạn pháo vang rền, nhưng sau nhiều tháng hứng chịu bom đạn, lần này đến lượt quân đội Ukraine tấn công, họ tiến theo hướng ngược lại. Tuy nhiên, bà Svetlana, một người về hưu, cảm thấy không hoàn toàn an tâm.
Bà nói : "Chúng tôi không còn nước nữa. Thật là khổ. Chiến tranh thật đáng sợ. Hiện tại, kể từ khi cuộc phản công bắt đầu, làng chúng tôi ít bị oanh kích hơn. Chúng tôi biết là binh sĩ của mình đang ở đó. Và họ đang giáng những đòn sấm sét vào quân Nga. Thật kinh hoàng ! Nhưng lần này thì đạn từ đây bắn đi. Giờ đây, chúng tôi lo sợ bị họ trả thù".
Trong làng này, đã có gần 150 cư dân bị trúng bom đạn những tháng gần đây.Và cũng như những nơi khác, rất đông người ra trận chống quân chiếm đóng Nga, bà Tetiana xác nhận. Suốt ngày người phụ nữ này dính vào điện thoại. Bà nói :
"Chúng tôi hy vọng quân đội Ukraine sẽ chiến thắng. Ngày nào cũng vậy, chúng tôi đều cầu nguyện cho tổng tham mưu trưởng, tướng Zaloujniy. Tôi cầu nguyện và thường xuyên khóc. Con trai tôi đã ra chiến trường, nhiều người trong gia đình tôi cũng vậy. Chúng tôi cố gắng liên lạc với nhau, nhưng không phải lúc nào cũng được, bởi vì đôi khi không có mạng. Ngày nào tôi cũng gọi cho con tôi. Điều quan trọng nhất với tôi là được nghe con tôi trả lời qua điện thoại, có khi tôi gọi nó, nó ngắt điện nếu như không thể nói chuyện. Trong trường hợp này, đấy là dấu hiệu cho thấy là con tôi còn sống".
Trên mặt trận, lực lượng Ukraine đang tiến rất chậm, nhưng dân chúng hy vọng mùa hè này sẽ là thời điểm giải phóng".
Cũng về chiến sự, Ukraine cho biết đã bắn hạ một tên lửa và 20 drone của Nga trong đêm qua. Một số cơ sở công nghiệp tạiKryvyï Rig,thành phố quê hương của tổng thống Ukraine, một lần nữa bị trúng ba tên lửa, theo chính quyền địa phương. Về phần mình, Nga thông báo bắn hạ 9 drone tại bán đảo Crimée.
Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế hôm qua, 14/06/2023, thông báo đã được phép đến thăm tổng cộng khoảng 1.500 tù binh của hai bên kể từ đầu chiến tranh. Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế thường xuyên bị tổng thống Ukraine chỉ trích đã không thật sự nỗ lực tiếp cận các tù binh Ukraine bị Nga giam giữ.
Trọng Thành
Chiến dịch phản công : Vì sao Ukraine khó chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga ?
Thu Hằng, RFI, 14/06/2023
Trong chiến dịch phản công hiện nay, quân Ukraine tiến rất chậm, thậm chí là "khó khăn", theo phát biểu tối 12/06/2023 của tổng thống Volodymyr Zelensky. Hiện tại mới chỉ có 7 ngôi làng ở vùng Donetsk miền đông và vùng Zaporijjia miền nam được giải phóng. Một số nhà phân tích cho rằng Kiev mới chỉ trắc nghiệm khả năng phản ứng của Nga, nhưng có một điều chắc chắn, Ukraine sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vì quân Nga đã có thời gian củng cố các tuyến phòng thủ.
Binh sĩ Ukraine trên xe bọc thép BMP-1 tại ngôi làng được giải phóng, thuộc tỉnh Donetsk, ngày 13/06/2023 © Oleksandr Ratushniak / Reuters
Nga có thời gian củng cố các tuyến phòng thủ
Sau thành công chớp nhoáng của Ukraine ở Kherson, quân Nga đã dựng tuyến phòng thủ kiên cố, được đặt tên là "Fabergé", thợ kim hoàn của các sa hoàng Nga. Tuyến phòng thủ này rất khó vượt qua theo giải thích với RFI ngày 11/06 của đại tá Frédéric Jordan (thuộc Trung tâm học thuyết quân sự và đào tạo chỉ huy) :
"Tuyến phòng thủ này rất dày đặc, sâu khoảng 30 km với 6 lớp nối tiếp nhau, trước tiên là giúp quân Nga theo dõi một cuộc tấn công của Ukraine, tiếp theo là cố đánh chặn. Toàn tuyến phòng thủ này phần lớn được củng cố bằng các phương tiện công binh, đặc biệt là mìn, các hầm trú ẩn kiên cố và một số chiến hào. Những vị trí đó không hoàn toàn liên tục, có nhiều khoảng trống, nhưng được bố trí ở những nơi được coi là hành lang cơ động, có thể bảo vệ các khu vực, điểm giao nhau và các vùng có tầm quan trọng chiến lược".
Ngoài ra, quân đội Ukraine còn phải vượt qua được đội "pháo binh đặc biệt" gồm các xe tăng cổ lỗ T54 được Nga xuất kho hồi mùa đông. Thân xe tăng được chôn dưới đất, chỉ để pháo và tháp pháo nhô lên, nhằm gây tối đa thiệt hại cho đối phương. Thông báo mở phản công được Kiev liên tục nhắc đến từ nhiều tháng qua buộc phía Nga phải củng cố lực lượng. Do đó, tình hình trở nên phức tạp cho Ukraine, theo nhận định với RFI ngày 13/06 của cựu đại tá Peer de Jong, hiện là phó chủ tịch Viện Themiis :
"Đối mặt với quân Ukraine là các đoàn quân Nga được cắm chốt từ nhiều tháng qua. Người ta gọi đó là "bố trí thực địa". Thêm vào đó là việc đập thủy điện Kakhovka bị phá khiến toàn bộ miền nam, có nghĩa là khoảng 400-500 km ở miền nam bị chia cắt, bởi vì không ai vượt qua được cho nên toàn bộ mặt trận tập trung vào khoảng 500 km ở khu vực phía bắc vùng này".
Lực lượng Ukraine không được trang bị đồng nhất
Ngoài những khó khăn do Nga gây ra, liệu Ukraine có đủ lực để tấn công cùng lúc toàn bộ mặt trận ở miền đông và miền nam, trong khi các cuộc giao tranh hiện tập trung trên ba trục chính : Bakhmut, vùng Vugledar (đông nam) và vùng Orikhiv (miền nam) ? Cựu đại tá Peer de Jong cho là rất khó "bởi vì Ukraine có khoảng 15 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có từ 3.000 đến 4.000 quân và lại được trang bị khác nhau, lữ đoàn này dùng thiết bị của Pháp, lữ đoàn kia lại được trang bị vũ khí của Mỹ, của Đức…". Tuy nhiên, theo ông, tinh thần chiến đấu của quân và dân Ukraine mới là chìa khóa cho thành công của chiến dịch.
Cùng chung nhận định với nhiều nhà phân tích quân sự, chuyên gia Peer de Jong nhận định, Ukraine đang trắc nghiệm phòng tuyến để tìm điểm yếu của Nga, với "mục tiêu là xác định một điểm gãy và từ điểm đó có thể đột phá và khai thác đột phá đó. Nên có thể nói rằng (Ukraine) vẫn đang trong giai đoạn đánh giá mặt trận chung".
Theo nhà sử học quân sự Michel Goya, "nếu Ukraine chọc thủng được các tuyến phòng thủ Nga và tạo được đột phá, thì như trường hợp ở tỉnh Kharkiv vào tháng 09/2022, họ sẽ tung lực lượng cơ động để tìm cách tiến sâu nhất có thể về phía các vùng do Nga chiếm đóng và lúc đó chúng ta có thể chứng kiến những trận giao tranh thực sự. Đó sẽ là những trận chiến di động có vài trăm xe tăng của mỗi bên tham gia. Nếu Ukraine chọc thủng được phòng tuyến thì có lẽ chúng ta có thể sẽ thấy xe tăng trực tiếp đối đầu nhau".
Tuy nhiên, một tuần sau khi tổ chức phản công, Kiev mới chiếm lại được 7 ngôi làng, một kết quả khá nhỏ nhưng cho thấy "đà tiến". Nhà báo Pierre Haski, phụ trách mục Địa Chính Trị trên đài Pháp France Inter, trích nhận định của giới phân tích cho rằng mối nguy thực sự cho Kiev là chỉ giành được một vài chiến thắng quân sự, nhưng không đủ để làm thay đổi cục diện thực địa. Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ cuộc chiến ác liệt hiện nay trở thành một "cuộc xung đột được đóng băng", kéo dài tình trạng mất lãnh thổ và khiến các nước phương Tây nản lòng.
Thu Hằng
************************
Quân Ukraine giành thêm được ba ngôi làng ở miền đông nam
Trọng Thành, RFI, 13/06/2023
Bộ quốc phòng Ukraine hôm 12/06/2023, thông báo đã giành thêm được "ba ngôi làng ở miền đông nam" tiếp theo các chiến thắng ở miền đông. Tổng cộng quân đội Ukraine đã chiếm được 7 làng kể từ đầu cuộc phản công. Bốn ngôi làng chiếm được trước đó thuộc tỉnh miền đông Donetsk.
Lính Ukraine trước một tòa nhà có treo quốc kỳ Ukraine trong một chiến dịch nhằm giải phóng làng đầu tiên trong cuộc phản công tại Blahodatne, vùng Donetsk, Ukraine. Ảnh được công bố ngày 11/06/2023 via Reuters – 68th Separate Bunting Brigade 'O
Theo hãng tin Anh Reuters, trên mạng Telegram, thứ trưởng quốc phòng Ukraine Hanna Maliar hôm qua, 12/06/2023, cho biết ba làng mà họ mới chiếm lại nằm dọc chiến tuyến dài khoảng 100 cây số, phía nam thành phố Zaporijjia, thủ phủ tỉnh Zaporijjia. Trong phát biểu hàng ngày vào tối hôm qua, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định chiến dịch phản công đẩy lùi quân Nga là "khó khăn", nhưng "đang tiến triển".
Phóng sự của Julien Chavanne và Jad El Khoury từ Kiev :
Một người đàn ông tên Sacha nói : "Binh sĩ của chúng tôi đã sẵn sàng 100%". Sacha tin tưởng hoàn toàn là chiến dịch được bắt đầu từ mấy ngày nay để đẩy lùi quân Nga sẽ đạt kết quả. Người đàn ông về hưu này không thể hình dung một viễn cảnh nào khác hơn là chiến thắng. Ông nói : "Tôi tin tưởng 100%. Tôi đã nghe tổng thống Zelensky khẳng định là chiến dịch đã bắt đầu, và không có đường lui".
Trong khi đó, Yulia, phóng viên của một tờ báo mạng, cảnh báo về tâm lý tin tưởng quá mức. Nữ phóng viên này tỏ ra thận trọng : "Không nên ăn mừng chiến thắng quá sớm. Tất cả mọi người đều biết chiến dịch phản công sẽ diễn ra. Giờ đây chúng tôi chỉ biết chờ quân đội chính thức thông báo các chiến công. Như chúng ta đã thấy, khi Kherson được giải phóng, ai cũng đều trào nước mắt. Nhưng phải đợi thông báo chính thức của quân đội".
Đối đầu với cuộc phản công, quân đội Nga lần này đã có thời gian chuẩn bị và đây là điều khiến Arthur - một quân nhân tình nguyện thuộc binh đoàn quốc tế bảo vệ Ukraine - lo ngại. Súng lục đeo trên thắt lưng, trong bộ quân phục ngụy trang, Arthur cho biết : "Tại vùng Donestk, quân Nga đã chiếm được nhiều vị trí chiến lược và về phía Zaporijjia, họ đã có thời gian để củng cố chiến tuyến, đào giao thông hào. Họ đã có thời gian chuẩn bị, họ đã sử dụng tốt khoảng thời gian này. Họ cũng đã có một chiến lược tốt, nhưng tôi không nghĩ rằng điều này sẽ giúp họ".
Quân đội Ukraine đang tiến hành nhiều cuộc đột kích, đặc biệt là nhằm xác định được các điểm yếu của phía Nga. Về phần mình, Nga khẳng định đã "đẩy lùi" nhiều đợt tấn công của các lực lượng Ukraine".
Trong khi đó, quân Nga đã oanh kích vào một khu chung cư ở Kryvyï Rig, tỉnh Dnipropetrovsk, miền trung Ukraine. Ít nhất 6 người chết, 25 người bị thương, và 7 người khác "có thể đang bị vùi trong các đống đổ nát", theo thông báo của chính quyền địa phương hôm nay, 13/06/2023. Kryvyï Rig, với khoảng 600 nghìn dân trước chiến tranh, là thành phố quê hương của tổng thống Ukraine Zelensky.
Pháp, Đức, Ba Lan họp bàn phối hợp tăng cường hỗ trợ Kiev
Lãnh đạo ba nước Pháp, Đức và Ba Lan đã có cuộc họp hôm qua, 12/06/2023, tại điện Elysée, bàn về việc "thúc đẩy sự phối hợp của Châu Âu" nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn Ukraine trong cuộc phản công và bàn về "các bảo đảm an ninh lâu dài" cho Ukraine.
Theo Reuters, trong cuộc họp báo chung với hai lãnh đạo Đức và Ba Lan, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh Paris "làm tất cả" để có thể trợ giúp Kiev trong cuộc phản công "dự kiến kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng này". Về phần mình thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Ukraine "sẽ được hậu thuẫn cho đến khi nào vẫn còn cần" về xe tăng, đại pháo, cũng như về hệ thống phòng không.
Riêng tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda, đòi hỏi các nước Châu Âu "gửi một thông điệp rõ ràng" về triển vọng của Ukraine gia nhập NATO tại thượng đỉnh ngày 11 và 12/07, ở Vilnius, Litva.
Theo báo chí Pháp, cuộc họp theo công thức "Tam giác Weimar" – tức cơ chế hợp tác phi chính thức Pháp, Đức, Ba Lan - có mục tiêu chủ yếu là tìm cách thu hẹp các bất đồng, hiện đang còn rất lớn, giữa các nước Châu Âu trong vấn đề "bảo đảm an ninh lâu dài" cho Ukraine. Trong khi chờ đợi NATO kết nạp Ukraine, tổng thống Pháp hôm 31/05, trong một hội nghị tại Bratislava, Slovakia, đã đề xuất các bảo đảm an ninh "lâu dài" cho Kiev nhằm răn đe mọi mưu toan xâm lược mới của Nga.
Trọng Thành
Ukraine phản công : Những bãi mìn dày đặc của Nga là trở ngại lớn
Nga đã biến lãnh thổ Ukraine thành một trong những bãi mìn lớn nhất thế giới, tổng cộng 170.000 kilomet vuông, gấp 6 lần diện tích của cả nước Bỉ. Gần đây, các đồng minh đã hỗ trợ cho Kiev những thiết bị đặc biệt để phá mìn hoặc giúp sống sót trong khu vực đầy mìn bẫy, nhưng theo Le Monde số ra hôm nay 15/06/2023 vẫn còn quá ít.
Mìn chống tăng tại một cánh đồng gần làng Pravdyne của Kherson, được quân đội Ukraine giải phóng ngày 06/12/2022. AP – Yevgeny Maloletka
Các bệnh viện Pháp chuẩn bị cho một mùa hè căng thẳng vì thiếu nhân lực và thời tiết nóng. Châu Âu tố cáo tập đoàn Google lợi dụng thế mạnh để cạnh tranh trong thị trường quảng cáo trên mạng, đe dọa áp dụng luật chống độc quyền. Một tàu di dân bị chìm ở Địa Trung Hải làm ít nhất 79 người thiệt mạng, một trong những thảm họa đắm tàu gây chết người nhiều nhất trong những năm gần đây. Đó là những đề tài được các báo đưa lên trang nhất hôm nay.
Về chiến sự Ukraine, Le Monde nhấn mạnh đến "Bức tường thành những bãi mìn Nga ở Ukraine" : Các đơn vị tham gia cuộc phản công của Kiev phải đối phó với những khu vực dày đặc mìn chống tăng và chống cá nhân.
Những bãi mìn dày đặc của Nga
Nga đã biến lãnh thổ Ukraine thành một trong những bãi mìn lớn nhất thế giới. Theo các ban tham mưu phương Tây, khoảng 170.000 kilomet vuông đất ở Ukraine bị gài đầy mìn, gấp 6 lần diện tích của cả nước Bỉ ; nhưng trong đó có tính cả mìn do Kiev bố trí trước chiến tranh, chủ yếu ở Donbass. Được gài dọc theo những chiến tuyến kiên cố của Nga, những quả mìn này là nỗi ám ảnh cho thiết giáp Ukraine. Những chiến xa bị hư hại trong các video do phía Nga công bố chứng tỏ đã vướng phải mìn.
Ngoài số lượng, giới quân sự phương Tây chú ý đến cách thức mà Nga sử dụng. Bãi mìn không nhằm ngăn chiến xa, nhưng để dẫn dắt đến một địa điểm khác, nơi đó hỏa tiễn chống tăng hay đạn pháo bắn vào đoàn xe bị kẹt trong khu vực. Nga có các thiết bị giúp gài bẫy những vùng này từ xa. Những video trên mạng xã hội Nga cho thấy các xe ISDM Zemledeliye hoạt động gần Zaporijia.
Hệ thống này tương đương với thiết bị phóng rốc-kết 122 ly, có thể phóng cả loạt 600 quả mìn chống tăng hay mìn chống cá nhân ở khoảng cách đến 15 kilomet, để chận xe thiết giáp hay gài bẫy trở lại những khu vực đã được dọn sạch. Một nguồn tin quân sự Kiev xác nhận quân Nga dùng Zemledeliye trong lúc Ukraine đang tấn công để bao vây và chận đường rút lui. Theo nhà sử học quân sự John Helin, đại học Helsinki, chỉ trong ngày 11/06, Ukraine bị mất ba trong số sáu thiết bị phá mìn Leopard 2R do Phần Lan cung cấp.
Thiết bị phá mìn và sinh mạng người lính
Được biết những tháng gần đây, các đồng minh đã tăng tốc hỗ trợ cho Kiev những thiết bị đặc biệt để phá mìn hoặc giúp sống sót trong khu vực đầy mìn bẫy. Mỹ viện trợ các MRAP, loại xe được chế tạo để chống lại các vụ nổ, xe tăng trang bị gầu xúc mìn, xe bánh xích mang theo chất nổ M-58 làm nổ mìn theo chiều ngang và phá hủy các "răng rồng", và thiết giáp M-60 trang bị những cầu dã chiến để vượt qua các chiến hào, hố chống tăng. Về phía Đức gởi sang các xe phá mìn Wisent-1.
Chuyên gia quân sự Ukraine Vladislav Selezniov giải thích : "Có những thiết bị kỹ thuật giúp phá mìn từ xa. Thiết giáp, xe tăng tác chiến được trang bị phù hợp có thể vượt được những cánh đồng đầy mìn, nhưng chúng tôi chỉ có được rất ít loại này. Đương nhiên là tất cả đều phải chịu đựng đạn pháo Nga, thiệt hại của chúng tôi rất đáng kể. Tuy vậy những xe này đều có thể thu hồi và sửa chữa". Chuyên gia này nhấn mạnh, quan trọng nhất là giữ được mạng sống cho người lính.
Moskva dùng mọi phương tiện để tấn công chiến xa của Kiev
Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, tướng Pháp Olivier Kempf cho rằng "Xe tăng, thiết giáp phương Tây bị phá hủy hoặc tịch thu là tin xấu bất ngờ cho Kiev". Theo trang web Oryx chuyên thống kê thiệt hại của cả hai bên dựa theo video được kiểm chứng, có một chiếc Leopard 2A4 và ba Leopard 2A6 bị phá hủy hay bỏ lại, và 16 chiếc M2A2 Bradley trong số 109 chiếc được phương Tây chuyển giao. Nhiều video đăng trên mạng cho thấy Nga tung ra mọi phương tiện để tấn công xe tăng Ukraine, từ pháo, trực thăng Ka-52 trang bị hỏa tiễn chống tăng cho đến drone tự hủy Lancet.
Ông Kempf dự đoán, do không có đạn dược hay phần mềm để có thể sử dụng, những xe này sẽ được dùng vào việc tuyên truyền, như trưng bày ở Moskva chẳng hạn. Sẽ không có những trận chiến xe tăng quy mô vì Nga chiếm ưu thế trên không, cộng với drone và pháo binh. Ukraine cũng đã nhanh chóng thích ứng, thay vì tập trung chiến xa như trong giai đoạn đầu, các đơn vị tấn công đã gọn nhẹ hơn.
Mục tiêu sắp tới ? Putin không xác định được !
Le Monde trong bài "Mục đích chiến tranh bất định của Putin" ghi nhận khi xuất hiện trên truyền hình, ông chủ điện Kremlin có vẻ lúng túng về giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến. Trong cuộc gặp hôm thứ Ba 13/06 với các thông tín viên Nga chuyên đưa tin về "chiến dịch quân sự đặc biệt" - những tiếng nói cuối cùng được phép chỉ trích tại Nga, Vladimir Putin cho rằng cuộc phản công của Ukraine đã thất bại. Về những vụ đột kích vào Belgorod, Putin nhìn nhận "lẽ ra phải bảo vệ tốt hơn" vùng biên giới.
Ông có vẻ kém tự tin hơn khi nói về mục đích chiến tranh, trong khi có những ý kiến cho là việc "phi quân sự hóa", "phi quốc xã hóa" Ukraine đều không đạt nổi. Ngay cả mục tiêu tối thiểu sau khi phải rút chạy khỏi Kiev là "bảo vệ người dân vùng Donbass", cũng không làm được - Putin nhìn nhận. Còn về khả năng động viên thêm lính ? Tổng thống Nga nói rằng "hiện giờ chưa cần thiết", cũng như việc áp đặt thiết quân luật và gởi tân binh đến vùng chiến sự. Nhưng ông không cho biết cụ thể bao giờ những người bị động viên được quay về, chỉ nói rằng "còn tùy theo tình hình".
Thương binh Ukraine gặp khó khăn khi lắp chi giả
Ở hậu phương, phóng sự của La Croix nói về "Cuộc chiến đấu thứ hai của những người lính Ukraine bị thương tật", khi làn sóng thương binh nặng tràn ngập hệ thống y tế vốn đã quá tải. Trên lý thuyết, có 245 cơ sở được Bộ Y tế công nhận có thể tiếp nhận họ, nhưng thực tế chỉ có khoảng 50 cơ sở y tế có đủ thiết bị và nhân sự. Ruslan, 20 tuổi, mất đôi chân vì bom, may mắn tìm được "Unbroken", một cơ sở bán công ở Lviv, được lắp chân kim loại và tập đi ba ngày trong tuần mà không mất một đồng hryvnia nào. Anh hy vọng quay lại quân đội vài tháng tới để điều khiển drone : "Tôi không thể rút lui khi chúng tôi chưa thắng trận".
Tại trung tâm "Bez Obmejen" ở Kiev, một số chi giả từ Châu Âu được chỉnh lại cho vừa với từng thương binh. Trước khi bị xâm lăng, cơ sở tiếp đón cùng lúc tối đa một hoặc hai người lính, nay khoảng 30 người đang tập đi, tập cầm nắm… Serhy, cựu công binh gỡ mìn cho biết sẽ trở lại với quân ngũ : "Tôi sẽ nghỉ ngơi sau khi chiến thắng".
Các nhà chuyên môn về chỉnh hình chuẩn bị tinh thần nhận một đợt bệnh nhân mới, khi cuộc phản công chỉ mới bắt đầu. Danh sách chờ đã rất dài, có nguy cơ làm chậm lại quy trình lắp chi và tập luyện để tự vận động. Bộ Y tế cho biết còn thiếu rất nhiều nhân viên có chuyên môn. Cách đây sáu tháng ngành đã mở chiến dịch đào tạo các sinh viên năm cuối, nhưng việc huấn luyện phải mất cả năm. Các hiệp hội lao vào xây dựng những dưỡng đường chỉnh hình nhất là tại miền tây.
"Centre Superhumans" ở Lviv thu thập được nhiều món tiền quyên góp từ các mạnh thường quân Ukraine và ngoại quốc, sau một chiến dịch có sự tham gia của ca sĩ Sting nổi tiếng. Chỉ riêng tỉ phú Mỹ Warren Buffet đã giúp 16 triệu euro, khiến trung tâm có được những tiện nghi và thiết bị mới nhất. Tuy vậy nhìn chung nạn hành chánh quan liêu vẫn là cơn ác mộng cho các thương binh. Những người phải lắp tay chân giả khó tìm được chỗ trong bệnh viện để tập vật lý trị liệu.
Kazakhstan đi dây giữa Nga và Trung Quốc
Trên lãnh vực ngoại giao, Le Monde nhận thấy Kazakhstan, láng giềng của Nga có chính sách rất khôn khéo. Theo tờ báo, còn phải đợi nhiều tuần lễ hoặc nhiều tháng nữa mới có thể rút ra những bài học đầu tiên về chiến dịch phản công của Ukraine ở miền nam và miền đông. Những bài học này có giá trị vượt ra ngoài phạm vi Kiev và các đồng minh, cuộc tấn công của Kiev có tác động xa khỏi chiến tuyến. Cách đó 3.000 kilomet là Astana, thủ đô Kazakhstan, nơi vẫn chịu ảnh hưởng của Moskva nhưng nay Nga đang có nguy cơ trở thành chư hầu của Trung Quốc, hệ quả của cuộc xâm lăng Ukraine.
Ngày 09/05, năm tổng thống các nước Trung Á đều hiện diện trên Quảng trường Đỏ dự lễ mừng chiến thắng phát-xít Đức, chắc hẳn là dưới sự thúc giục của Vladimir Putin để cảm thấy đỡ cô đơn. Hai tuần sau, các nhà lãnh đạo này cũng có mặt tại Tây An, Trung Quốc bên cạnh Tập Cận Bình. Riêng Kazakhstan, từ khi độc lập vẫn chủ trương đa phương, và giờ đây mở rộng tiếp xúc với Thổ Nhĩ Kỳ, các nước vùng Vịnh, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ. Với vị trí địa lý là hành lang giữa Âu và Á, Astana muốn chứng tỏ không thụ động chịu đựng những hành vi của các cường quốc láng giềng.
Một tháng trước khi Nga xâm lăng Ukraine ngày 24/02/2022, đối mặt với những cuộc nổi dậy đẫm máu, tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã nhờ Moskva can thiệp trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. Nhưng sau đó Tokayev giữ khoảng cách với ông chủ điện Kremlin, do quân đội Nga lộ rõ những điểm yếu. Bắc Kinh muốn thay chân Moskva, dẫn dụ bằng kinh tế, nhưng Kazakhstan vẫn thận trọng.
Thủ đoạn tinh vi của Nga để thao túng dư luận
Liên quan đến hồ sơ Nga can thiệp vào Pháp bằng cách tung tin giả, Le Monde tiếp tục vạch trần các thủ đoạn tinh vi của Moskva. Chiến dịch "Doppelganger" của Nga đã mạo danh những trang web chính thức giống y như các trang thật, đăng những thông cáo và bài báo giả mạo. Những bài viết này bắt chước từ kiểu chữ, cách trình bày, logo… y như thật, cho thấy cách hoạt động hết sức tinh vi.
Từ cuối 2022, sau cuộc điều tra ban đầu của báo chí Đức và các tổ chức phi chính phủ EU DisinfoLab và Qurium, Meta, công ty mẹ của Facebook đã mạnh tay chận lại chiến dịch được cho là "quy mô nhất, phức tạp nhất của Nga kể từ đầu cuộc chiến tranh Ukraine, với mức độ tinh tế và mạnh mẽ chưa từng thấy". Trên 1.600 danh khoản và 700 trang Facebook đã bị xóa. Nhưng sáu tháng sau, chiến dịch của Nga được DisinfoLab đặt tên là "Doppelganger" (bản sao) vẫn tiếp tục thậm chí còn mở rộng, với các trang giả mạo Bộ ngoại giao Pháp, Bộ nội vụ Đức, các tờ báo cả ở Israel. Tại Pháp, những bài trả tiền quảng cáo trên Facebook từ chiến dịch này đã có đến 3 triệu lượt xem, với những tin thất thiệt như quân nhân Ukraine đào ngũ hàng loạt.
Có những trang thông tin xưng rằng không có mục đích thương mại, nhưng đội ngũ biên tập, nhà báo chẳng biết là ai ; và cả những tổ chức phi chính phủ giả hiệu. Bên cạnh việc nói theo giọng lưỡi Kremlin nhưng kín đáo không nhắc đến Ukraine, một mục tiêu nữa là tạo cảm giác có sự ủng hộ Nga đông đảo bên trong Liên Hiệp Châu Âu. Những người chủ trương "Doppelganger" chừng như không có ý định dừng lại : Chỉ vài phút sau khi bị Bộ ngoại giao Pháp phát đi thông báo tố cáo hôm 13/06, thêm một loạt thông cáo giả hiệu được tung ra, lần này lấy tên Bộ Nội Vụ Pháp, cảnh báo "lừa đảo".
Thụy My
Cuộc phản công của quân đội Ukraine đã thực sự bắt đầu. Tuy nhiên, việc không có nhiều thông tin (đúng) không cho phép theo dõi diễn tiến chiến sự một cách đáng tin cậy.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp tại Kherson, ngày 08/06/2023. AP
Kể từ khi Nga xâm lược và thất bại trong ý đồ nhanh chóng đánh gục Ukraine hồi năm ngoái, thì cuộc phản công của quân đội Ukraine hiện nay mang tính quyết định và quan trọng nhất. Do vậy, theo nhà báo Pierre Haski, phụ trách mục Địa Chính Trị trên đài Pháp France Inter, có một số điều cần chú để tránh rơi vào bẫy "thông tin" và hiểu được những gì đang xẩy ra trong cuộc phản công này.
Trước hết, không nên tìm cách theo dõi, "bám sát" diễn tiến cuộc phản công từng giờ, từng phút. Thông tin là một vũ khí mà cả hai bên, Nga và Ukraine, đều "chăm chút" sử dụng. Không thể đánh giá được một cuộc phản công có quy mô như vậy trong vài giờ, mà cần có thời gian, vài tuần, vài tháng. Một hai thông tin lẻ tẻ, "nóng hổi" chỉ cho phép nhìn thấy được một phần của sự thật.
Ví dụ, trong các ngày cuối tuần 10 – 11/06 vừa qua, Nga loan tải các vidéo cho thấy các thiết bị quân sự mới nguyên của Mỹ, Đức, Pháp, bị phá hủy trong những giờ đầu của cuộc phản công. Thậm chí, một số bloggers Nga, ủng hộ chiến tranh, còn hào hứng đề xuất cho đặt các loại vũ khí bị phá hủy này ngay trước sứ quán của các nước phương Tây ở Moskva.
Thế nhưng, có thể thấy trước được các thiệt hại quân sự này khi mới bắt đầu một chiến dịch quân sự vốn đã được nói nhiều từ vài tháng nay. Và các thông tin đó không nói lên được gì về diễn biến tiếp theo của cuộc phản công.
Cũng trong cuối tuần, phía Ukraine công bố các video xe tăng Nga bị phá hủy.
Tương tự, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, xuất hiện các hình ảnh, vidéo về cảnh treo cờ Ukraine ở ngôi làng đầu tiên được giải phóng. Các hình ảnh này không nói lên được gì về chiến cuộc nhưng giúp lên tinh thần.
Điều cần chú ý tiếp theo là không nên chỉ quan tâm đến "chiều kích" quân sự của các sự kiện. Đương nhiên, "góc nhìn" quân sự giúp đánh giá được xem quân đội Ukraine đã khai thác các thiết bị quân sự mới, hiện đại, được phương Tây viện trợ như thế nào, cũng như phân tích khả năng kháng cự của quân Nga, và liệu giới tướng lãnh Nga có rút ra những bài học hay không sau những khiếm khuyết của họ hồi năm ngoái.
Một cuộc phản công quy mô như quân đội Ukraine đang tiến hành còn có những mục tiêu chính trị. Ukraine cần chứng minh cho các đồng minh-thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) thấy rằng viện trợ quân sự ồ ạt của họ đã giúp cho quân đội Ukraine tạo ra sự khác biệt, thế mạnh trên chiến trường. Ví dụ, theo các thông tin rò rỉ từ phía Nga, quân đội Ukraine đã có nhiều lợi thế, hoạt động trong đêm dễ dàng, nhờ có các ống kính hồng ngoại và các thiết bị mà phương Tây viện trợ. Qua đó, các thành viên NATO càng có động lực tiếp tục giúp đỡ, và có thể đưa ra những quyết định viện trợ các loại vũ khí mới cho Ukraine, như máy bay tiêm kích F-16 mà quân đội Ukraine không có trong cuộc phản công hiện nay.
Theo giới phân tích, mối nguy thực sự đối với Ukraine là giành được một vài chiến thắng quân sự nhưng không đủ để làm thay đổi bối cảnh và tương quan lực lượng trên thực địa. Nếu quân đội Ukraine chỉ giải phóng được một số vùng bị quân Nga chiếm giữ mà không chia cắt được các lãnh thổ nối liền nước Nga với bán đảo Crimea, thì tác động của các chiến thắng quân sự rất hạn chế.
Một thắng lợi quân sự hạn chế là không tạo lợi thế cho Kiev nếu họ chấp nhận đàm phán. Trong khi đó, áp lực hướng tới đàm phán sẽ càng mạnh nếu hoạt động quân sự không hiệu quả.
Nếu chỉ đạt thắng lợi quân sự một cách "tương đối", Ukraine sẽ phải đối mặt với nguy cơ cuộc chiến ác liệt hiện nay trở thành một cuộc "xung đột được đóng băng", kéo dài tình trạng mất lãnh thổ, một dạng "hưu chiến" trong khi chờ đợi chiến sự lại bùng phát mãnh liệt hơn. Vả lại, bản thân Nga cũng không hề muốn thấy kịch bản này.
Đức Tâm
Nguồn : RFI, 13/06/2023
Cuộc phản công của Ukraine "sẽ kéo dài và gây nhiều chết chóc"
Cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, được tiến hành từ 475 ngày qua, cho đến nay vẫn là tiêu điểm thời sự quốc tế của nhiều tờ báo Pháp số ra hôm nay 13/06/2023.
Lính Ukraine chụp hình trước một ngôi làng vừa được giải phóng ở vùng Donetsk, Ukraine. © 35th Separate Brigade of Marines via Facebook/via Reuters
La Croix đăng tựa lớn trang nhất "Kiev tìm kiếm lỗ hổng" trong hàng phòng thủ của Nga. Gần đây, Ukraine đã bắt đầu phản công và đã đạt được nhiều tiến bộ khi tuyên bố giành lại được một số khu vực ở Donetsk từ tay quân Nga. Nhật báo công giáo nhận định cuộc phản công này "sẽ kéo dài và gây nhiều chết chóc". Theo La Croix, để chuẩn bị, Kiev đã có các hoạt động bí mật trong nhiều tuần trên lãnh thổ Nga, phá hủy kho nhiên liệu, bắn phá các trung tâm hậu cần, trước khi dồn lực tấn công.
Các cuộc giao tranh tập trung ở ba khu vực : Dọc theo chiến tuyến dài hơn 1000 km từ biên giới Nga đến sông Dniepr, tại vùng Donestk và Zaporijjia. Riêng tại khu vực Zaporijjia, các nhà phân tích quân sự từ lâu đã cho rằng những thắng lợi của Ukraine tại đây có thể đe dọa tuyến đường bộ giữa Nga và bán đảo Crimea (bị Nga sáp nhập qua trưng cầu dân ý từ năm 2014). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ đâu là khu vực mà Kiev tập trung chủ lực.
La Croix cho rằng cả Ukraine và Nga vẫn chưa triển khai phần lớn lực lượng của mình. Vụ phá đập thủy điện Nova Kakhovka bắc qua sông Dniepr gần đây cũng khiến cho các kế hoạch tấn công tại khu vực này bị hoãn này, vì rất khó điều động binh lính tại vùng ngập lụt. La Croix trích dẫn quan điểm của tướng Mỹ Ben Hodges nhận định "có vẻ như Ukraine vẫn đang trắc nghiệm hệ thống phòng thủ của Nga để tìm kiếm các lỗ hổng, xây dựng các chiến thuật". Việc Ukraine dàn trải lực lượng khiến Nga khó có thể xác định đâu là trục tấn công chính. Trong trường hợp này, Nga buộc phải kéo dài các tuyến phòng ngự và có thể dễ dàng để lộ ra lỗ hổng.
Le Monde thì đăng bài của đặc phái viên đến Belgorod, một vùng của Nga, gần với biên giới Ukraine, với tựa đề "Tại Belgorod ở Nga, 'chúng tôi đơn độc trên chiến tuyến'". Nơi đây đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công của phe ủng hộ Ukraine ở Nga trong thời gian vừa qua. Chính quyền Nga đã huy động đông đảo nguồn lực, hỗ trợ sơ tán thường dân khỏi vùng chiến sự, xây dựng các khu tạm cư. Theo quan sát của Le Monde, khi chiến tranh xảy ra trước cửa nhà, trái với mong đợi của nhiều người, người dân Belgorod không lên tiếng chỉ trích "chiến dịch đặc biệt" của Vladimir Putin. Những vụ oanh kích lại củng cố thêm chiến dịch này và tạo ra cuộc huy động xã hội quy mô lớn hơn, đồng thời chỉ ra sự can thiệp ngày càng gia tăng của phương Tây vào cuộc xung đột. Sự ủng hộ từ những người dân vùng biên giới đối với điện Kremlin dường như còn vững chắc hơn so với các vùng khác. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản những lời chỉ trích đối với quân đội Nga vì bất lực trong việc bảo vệ biên giới.
NATO tiếp tục củng cố khả năng quân sự
Về phần mình, Le Figaro quan tâm đến cuộc trập trận Air Defender 23 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đức, bắt đầu từ ngày hôm qua, 12/06, đến ngày 23/06. Với sự tham gia của hơn 250 máy bay quân sự, 10.000 binh lính từ 25 quốc gia thành viên NATO và đối tác, bao gồm Nhật Bản và Thụy Điển, đây là cuộc tập trận không quân lớn nhất lịch sử của khối này trong bối cảnh chiến tranh xảy ra tại sườn đông Châu Âu. Cuộc tập trận mô phỏng một cuộc tấn công từ kẻ thù miền đông, với tên gọi Occasus, không sử dụng tên Nga để tránh làm gia tăng căng thẳng với điện Kremlin. Air Defender 23 cho phép kiểm tra năng lực phản ứng nhanh của NATO, đồng thời chỉ ra rằng Đức sẵn sàng cam kết, nhận trách nhiệm trong Liên minh quân sự.
Theo nhật báo thiên hữu, trên thực tế, việc tổ chức cuộc thao dượt quân sự với quy mô như vậy đã được nêu ra từ 2018, trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra, nhưng cuộc xâm lược của Nga đã thúc đẩy các nước trong khối nhận thức được nguy hiểm và tăng cường các chương trình củng cố liên minh quân sự. Theo Le Figaro, việc bảo vệ lãnh thổ của NATO trở thành một mối quan ngại và NATO cần phải chứng minh là một khối "có thể tin tưởng được về mặt quân sự."
Hiện tượng tôn thờ Putin trong Binh đoàn Lê dương Pháp
Vẫn về chiến tranh Ukraine, nhưng Libération đưa độc giả đến Binh đoàn Lê dương Pháp, một đơn vị của Lục quân, nơi mà các binh sĩ đều là những người nước ngoài tình nguyện chiến đấu cho nước Pháp. Từ những năm 2010, một phần tư lính tình nguyện gia nhập những người nói tiếng Nga. Đến năm 2022, trong số 9.000 lính lê dương đang tại ngũ, có 700 người gốc Ukraine, 200 người trong số họ đã nhập tịch Pháp, và 500 người mang quốc tịch Nga. Kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Binh đoàn Lê Dương ngừng tuyển dụng các tình nguyện viên từ hai nước này.
Libération nêu ra trường hợp của một người lính Ukraine, Mykhaylo Jerdin, gia nhập lực lượng của Pháp từ năm 2011, từng chiến đấu cho nước Pháp ở Nigeria hay Sahel. Ông được mô tả như là một người lính mẫu mực, được lựa chọn để xuất hiện trên truyền hình. Thế nhưng, đến năm 2014, cuộc chiến với phe ly khai thân Nga nổ ra, trong đơn vị bắt đầu xuất hiện những chia rẽ giữa bên thân Nga và phe Ukraine. Điều đáng nói là những người lãnh đạo đơn vị lại là người Nga, gây áp lực đối với những người không thuộc phe của mình.
Các cuộc xung đột nội bộ trở nên căng thẳng hơn khi chiến tranh Ukraine nổ ra. Người lính gốc ở Lviv cho biết đã nhiều lần bị chèn ép, phải chịu đựng chung sống với những người tôn thờ ảnh của Putin hay Stalin, cho đến khi bị loại khỏi quân đội chỉ vì "nướng thịt quá chín". Mykhailo Jerdin lên án một hiện tượng "Putin hóa" trong một bộ phận lính Lê Dương, và sự thờ ơ của những chỉ huy, vào lúc mà Nga xâm lược Ukraine. Theo ông Mykhailo, những kẻ "cuồng Putin" giống như là một giáo phái trong quân đoàn Pháp.
Silvio Berlusconi : Chính trị gia bảo thủ giàu nhất nước Ý qua đời
Về thời sự quốc tế, sự ra đi của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi hôm 12/06, bao trùm khắp các mặt báo. Theo Le Figaro, người được mệnh danh là "Il Cavalière" (hiệp sĩ của Ý) đã ra đi ở tuổi 86, tại một bệnh viện ở Milan khi phải đương đầu với căn bệnh máu trắng. Xã luận La Croix cho rằng sự kiện này đã lật qua một trang đen tối đối với cánh hữu ở nước Ý. Berlusconi, một doanh nhân đào hoa, đứng đầu nhiều doanh nghiệp trên bán đảo, bảo thủ, và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong hệ thống phân cấp công giáo. Cuộc đời đeo nhiều mặt nạ của Berlusconi đã làm mờ những ranh giới giữa các hoạt động của ông, dù đó là trong lĩnh vực, tài chính, truyền thông, thể thao, hay chính trị. Cựu thủ tướng Ý cũng đã vướng phải vô số vụ kiện về tham nhũng hay trốn thuế.
Libération cũng dành hồ sơ lớn để nói về vị chính trị gia giàu nhất nước Ý. Khi bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, vào đầu những năm 1990, Berlusconi đã tự giới thiệu như là một người có khả năng chống lại chủ nghĩa cộng sản và có thể hiện đại hóa nước Ý. Berlusconi cũng là người lập ra đảng bảo thủ Fonza Italia, đưa chủ nghĩa cá nhân vào trong chính trị, qua một đảng theo chủ nghĩa dân túy. Với tư cách là một doanh nhân trong ngành truyền thông, Berluscni đã biến phương tiện truyền thông của ông trở thành kênh chính trị chính yếu.
Le Figaro ví Berlusconi như một con "sư tử già" của cánh hữu Ý. Nhật báo thiên hữu lược lại cuộc đời của ông : xuất thân từ một gia đình khá giả, xây dựng cơ đồ, rồi dấn thân vào chính trị. Những thành tựu mà Berlusconi đạt được sau 9 năm lãnh đạo nước Ý vẫn gây tranh cãi. Cuộc cách mạng tự do chưa được hoàn thành, Berlusconi cũng không đưa ra được cải cách lớn nào đối với đất nước.
Vào những năm cuối đời, Berlusconi cố quay trở lại chính trường, thậm chí tham gia tranh cử tổng thống, nhưng rồi lại rút hồ sơ. Ông được bầu làm chủ tịch Thượng Viện vào năm 2022, nhưng lập trường thân Nga, thân Putin của ông đã khiến cánh hữu Ý khó xử. Berlusconi cũng không có sự chuẩn bị tốt đối với người kế nhiệm vị trí lãnh đạo trong đảng Fonza Italia mà ông sáng lập, khiến cho chỗ đứng của đảng bị lung lay trên chính trường Ý, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ trước sự ra đi của ông. Le Figaro kết luận rằng, ít nhất, vị tỉ phú với khối tài sản lên đến 7 tỉ đô la, cũng đã chuẩn bị di chúc, chia tài sản cho 5 người con của ông, hiện vẫn ẩn danh.
Về thời sự nước Pháp, nếu như Libération nêu ra thất bại của liên minh cánh tả Nupes trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ lần thứ 17 ngày hôm qua,với kết quả là chính phủ của thủ tướng Elisabeth Borne vẫn đứng vững, thì La Croix đề cập đến ý tưởng làm việc 4 ngày một tuần, băn khoăn "liệu đây có phải là một tiến bộ về kinh tế hay rủi ro về xã hội ?". Cách đây đúng 25 năm, ngày 13/06/1998, nước Pháp đã thông qua luật Aubry, giảm giờ lao động từ 39 giờ xuống còn 35 giờ một tuần. Hơn hai thập kỷ sau, ý tưởng giảm số ngày làm việc tiếp tục được nhen nhóm, thu hút sự quan tâm của nhiều lao động, nhất là sau đại dịch Covid-19. Đây được xem là một giải pháp để cho giới lao động có thể cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc tốt hơn, nhưng giới chủ và các nhà kinh tế học thì vẫn quan ngại.
Nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất cho vấn đề về đãi ngộ giới công chức tại Pháp với thông báo tăng lương cho hơn 5,7 triệu người, tùy theo cấp bậc. Chính phủ đã chi 7 tỷ euro cho việc này, nhưng giới công đoàn cho là chi như thế vẫn chưa đủ trong lúc lạm phát tăng cao.
Nhiều báo cũng quan tâm đến chiến lược của Macron về việc chuyển dịch, tái công nghiệp hóa, tái sản xuất nhiều sản phẩm trên lãnh thổ Pháp, nhất là trong ngành dược phẩm. Hôm nay, ông Macron đến vùng Ardèche, thăm nhà máy sản xuất các thiết bị y tế và dược phẩm, mà 60 đến 80% dây chuyền sản xuất được thực hiện ở nước ngoài, chủ yếu là ở Trung Quốc. Trước tình trạng khan hiếm thuốc, theo Les Echos, tổng thống Pháp sẽ thông báo danh sách 300 loại thuốc thiết yếu cho sức khỏe của người Pháp và xem xét đến chiến lược di dời các cơ sở sản xuất đó trở lại Pháp.
Theo Le Figaro, chiến lược này đã được tổng thống Emmanuel Macron nêu ra trong chiến dịch tranh cử từ năm 2017. Cuộc khủng hoảng Covid-19 và sau đó là chiến tranh Ukraine, đã cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Châu Âu dường như phụ thuộc quá mức vào các nhà sản xuất bên ngoài lãnh thổ 27 nước.
Le Monde thì dành hồ sơ lớn nói về cách mà nước Pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi sắp bước vào mùa hè, trước tình trạng nắng nóng kéo dài, các cảnh báo, nhắc nhở về nguy cơ cháy rừng được đưa ra tại nhiều vùng của Pháp. Chính vì vậy, Le Monde lựa chọn khai thác chủ đề rừng và các hệ sinh thái ở trong đó, cũng như các giống cây khác nhau. Có những loại cây bị đe dọa trước hiện tượng biến đổi khí hậu như cây sồi rừng, nhưng cũng có những loại cây có thể thích ứng với việc Trái đất bị hâm nóng như loài cây thuộc Họ Cử (Chêne Zène), có thể sinh trưởng tốt mà không cần nhiều nước.
Chi Phương
Nga thổi phồng thiệt hại của Kiev, Ukraine tận dụng ưu thế vũ khí hồng ngoại
Báo chí Pháp hôm 12/06/2023 chú ý nhiều đến cuộc phản công của Ukraine. Bộ máy tuyên truyền của Nga phổ biến rộng rãi hình ảnh bốn chiến xa phương Tây bị hư hại trên chiến trường, để cố gắng tạo cảm giác là cuộc phản công của Kiev thất bại (Le Monde). Trong khi đó lực lượng Ukraine tiến đánh cùng lúc nhiều địa điểm, tái chiếm ít nhất ba ngôi làng, tấn công chủ yếu vào ban đêm nhờ vào lợi thế vũ khí hồng ngoại được viện trợ (Libération).
Các chiến binh Ukraine khai hỏa đại bác tại Bakhmut thuộc Donetsk ngày 15/05/2023. AP - LIBKOS
Bên cạnh vấn đề di dân, sự sống sót kỳ diệu của bốn trẻ em trong rừng rậm Colombia, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phải ra tòa án liên bang vì cất giữ tài liệu mật tại tư gia, cuộc phản công của Ukraine là đề tài nóng nhất được các báo Pháp khai thác hôm nay. Le Monde chạy tựa "Kiev tung ra cuộc phản công trên nhiều mặt trận", Libération đăng ảnh trang nhất một chiến binh đang tung lên một drone trong màn đêm đen với dòng tít lớn "Ukraine phản công : Lợi thế của việc đánh ban đêm".
Ba hướng tiến công chính của Ukraine
Libération ghi nhận Kiev giữ kín như bưng chiến dịch phản công, bản tin trên đài phát thanh và truyền hình đều không nhắc đến. Tuy nhiên Les Echos và Le Monde đều nhận thấy cuộc phản công của Ukraine diễn ra dữ dội theo ba hướng chính. Lực lượng đôi bên đều tương đương với khoảng 200.000 quân. Do kiểm duyệt và bóp méo thông tin, cần phải nhiều tuần nữa mới đánh giá được cuộc chiến nghiêng về phía nào. Nhưng có thể nhận thấy hướng thứ nhất của quân đội Ukraine là nhằm bao vây Bakhmut, thành phố đã rơi vào tay Nga sau trận đánh kéo dài 10 tháng, lâu nhất trong lịch sử đương đại. Nếu bị tái chiếm, sẽ là một cái tát cho Moskva, thậm chí thanh trừng nội bộ ở Kremlin.
Hướng thứ hai thiên về phía nam, tiến đến các thành phố Velyka Novosilka, Vuledar và Novodonestsk. Hôm qua, Ukraine đã tái chiếm được ba ngôi làng Blagodatne, Neskushne, và Makarivka. Cách đó 100 kilomet là cảng chiến lược Mariupol mang tính biểu tượng cao. Hướng thứ ba về phía đông, thành phố Orikhiv-Tokmak nằm cách thượng nguồn của nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia 80 kilomet, từ đó có thể đe dọa Melitopol gần biển Azov. Tại đây quân đội Ukraine đã chọc thủng được phòng tuyến đầu tiên, nhưng sẽ phải đối đầu với đơn vị 58 tinh nhuệ của Nga.
Do không áp đảo về quân số, chiến dịch phản công không phải là một cuộc đối đầu trực diện quy mô như mọi người hình dung, mà là một loạt tấn công phối hợp thiết giáp, pháo binh và bộ binh với một ít yểm trợ của không quân, nhằm đạt được một sự đột phá. Mục tiêu là đến tháng Tám sẽ tiến đến duyên hải biển Azov, cắt quân Nga làm đôi và chận tiếp tế cho lực lượng địch đóng ở Kherson và Crimea, để "rụng dần như trái chín".
Cựu binh Azov quyết tái chiếm Mariupol
Tiếp xúc với các cựu chiến binh của trung đoàn Azov, Le Monde ghi nhận ý chí quyết tái chiếm Mariupol của họ. Được nâng lên cấp lữ đoàn, Azov lao vào cuộc chiến mới để giành lại thành phố miền nam Ukraine. Sau trận Mariupol, trung đoàn Azov vẫn còn 1.150 chiến sĩ bị bắt hoặc mất tích, và nay phải đối mặt với hai thách thức khác.
Trở thành lữ đoàn, quân số Azov từ 1.500 lên 7.000 người, trong vài tháng phải huấn luyện nhiều tân binh. Thứ hai là vấn đề hình ảnh : trung đoàn tình nguyện thành lập năm 2014 để chiến đấu tại Donbass dưới dạng phong trào dân quân cực hữu, bị Moskva lấy đó làm cái cớ để "phi quốc xã hóa" Ukraine. Sự kiện trung đoàn tham gia trong hàng ngũ vệ binh quốc gia, thu nhận những người tình nguyện đủ mọi khuynh hướng chính trị, và trận chiến ngoan cường ở Mariupol khiến Azov trở thành một trong những đơn vị nổi tiếng nhất thế giới, đồng thời trách nhiệm cũng nặng nề.
Chỉ huy trưởng Bohdan Krotevych tin chắc rằng "Ukraine sẽ chiến thắng vì lính Nga chẳng hiểu tại sao họ lại phải tiến hành cuộc chiến này, động cơ chiến đấu là rất quan trọng". Bên cạnh ông, chỉ huy phó Ilya Samoilenko, biệt danh "Gandalf" là bằng chứng sống động cho tinh thần hy sinh. Bị mất bàn tay trái và mắt phải trong một trận đánh, Gandalf cho biết : "Những chiến binh bị bắt được trao trả, và các thương binh đã hồi phục đều tiếp tục chiến đấu". Họ biết rằng cuộc sống là ngắn ngủi, nhưng thà chết vinh hơn sống nhục.
Phá được vài chiến xa phương Tây, Nga tuyên truyền ầm ĩ
Vẫn theo báo Le Monde, "Moskva cố gắng áp đặt câu chuyện Ukraine bị thua" trên chiến trường. Đưa rộng rãi những hình ảnh đầu tiên về các xe thiết giáp phương Tây bị phá hủy, hệ thống tuyên truyền của Nga hy vọng những người ủng hộ Ukraine sẽ nhụt chí. Sau hàng loạt tin giả tuôn ra trên mạng xã hội, lần này là những hình ảnh thật về những chiến xa Leopard-2 của Đức và một quân xa của Mỹ bị hư hại, có lẽ cán nhằm mìn trong một cuộc tấn công ban đêm.
Một kênh Telegram hạng nhì tên "Chiến binh Viễn Đông" đăng lên ngày 09/06, và lập tức được tất cả các mạng xã hội Nga đưa lại. Trên video chất lượng tốt do một drone Nga quay được từ xa, không thấy một xác lính nào. Phía Ukraine nếu có binh sĩ tử thương hoặc bị thương đều đã di chuyển đi nơi khác. Những chiếc loa tuyên truyền của Kremlin vô cùng hứng chí, cho rằng đó là "những hình ảnh không thể quên", "hãy thưởng thức vẻ đẹp này"… Vladimir Putin vốn hiếm khi nói về tin tức chiến trường đã nắm ngay cơ hội, tuyên bố rằng quân đội Ukraine không đạt được bất cứ mục tiêu nào trên chiến địa.
Được đà, những người bình luận Nga vội vã hòa giọng, trong bối cảnh truyền thông vô cùng bối rối trước những đả kích dữ dội quân đội Nga của thủ lãnh Wagner, Yevgeny Prigozhin. Tuy vậy Vatfor, một nhóm phân tích quân sự thân Kremlin bằng cấp đầy mình kêu gọi nên thận trọng. Trên kênh Telegram có 21.000 người theo dõi, Vatfor nhấn mạnh các blogger quân sự vui mừng có phần vội vã trước sự kiện bốn chiến xa phương Tây bị phá hủy, "địch đã nhiều lần chứng tỏ khả năng tìm ra những điểm yếu trong phòng vệ của chúng ta". Lời bình này được đăng trước khi tổng thống Putin có phát biểu chắc thắng.
Nhờ vũ khí hồng ngoại, Ukraine xuất kích ban đêm
Libération nhấn mạnh "Vũ khí phương Tây là sự hỗ trợ thiết yếu cho Kiev". Tấn công chủ yếu vào ban đêm, Ukraine có được những thiết bị quân sự của Châu Âu và Bắc Mỹ, giúp họ chiếm thế thượng phong trước quân Nga.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), lực lượng Ukraine có lợi thế chiến thuật là những trận đánh xuyên đêm, nhờ những hệ thống kính ngắm hồng ngoại chất lượng cao do phương Tây cung cấp. Le Monde cho biết thiết giáp của các đồng minh được trang bị hệ thống ngắm ban đêm trong khi chiến xa Nga không có. Khi màn đêm buông xuống, drone Nga không còn bay và pháo binh trở nên mù lòa.
Người lãnh đạo phía Nga ở Zaporijia là Vladimir Rogov cũng xác nhận trên Telegram là Kiev chọn đánh ban đêm để làm giảm hiệu quả của phi cơ Nga, tránh bị drone tấn công, tăng tối đa ưu thế về trang bị. Nhưng chuyên gia Stéphane Audrand lưu ý, những chiến binh Ukraine không thể tự giới hạn chiến đấu chỉ vào buổi tối, và họ hiếm khi được yểm trợ trên không. Thế nên nhiều nguy cơ vẫn rình rập, đặc biệt là các drone tự sát.
Cũng theo ISW, nhờ các thiết bị chính xác được phương Tây viện trợ, những ngày gần đây Ukraine đã phá hủy ít nhất hai hệ thống pháo TOS-1A của Nga. Đây là loại vũ khí dùng áp suất nhiệt có sức hủy diệt rất lớn mà quân Nga chủ yếu dựa vào để tấn công các vị trí của Ukraine. Moskva khó thể có đủ số TOS-1A để bố trí dọc theo chiến tuyến.
Xác người ở "phía Nga" trên dòng sông Dniepr
Về vụ vỡ đập Kakhovka, đặc phái viên Le Figaro mô tả thảm cảnh "Những xác chết trôi dạt trên bờ phía ‘Nga’ của sông Dniepr". Từ Olechky, ngôi làng đã trở thành hòn đảo ở phía tả ngạn do quân Nga kiểm soát, cư dân kể lại những nỗi truân chuyên : bị chiếm đóng, ngập lụt, oanh kích. Anna, một tình nguyện viên cho biết hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đang chờ đợi trên nóc nhà để được cứu. Nhóm tình nguyện gồm 50 người của Yaroslav Vasiliev, một người dân Olechky nay định cư ở Munich (Đức) đã sơ tán được hơn 1.000 người, nhưng vẫn còn 2.000 lời kêu cứu.
Thống đốc do Nga dựng lên ở Kherson, Vladimir Saldo hôm 10/06 nói rằng đã giải cứu 7.000 người, tuyên bố này gây bất bình cho người dân địa phương. Anna giải thích, Nga chỉ cho sơ tán từ địa điểm Skadovsk cách đó 20 kilomet ở phía nam, đưa đi Crimea. Đa số không muốn đi vì hầu như không có hy vọng trở về. Một phụ nữ kể lại câu chuyện của người bạn, xếp hàng suốt ngày 06/06 nhưng do không chịu qua máy kiểm tra nói dối và không trả lời câu hỏi có biết ai trong quân đội Ukraine hay không, bà đã bị đuổi trở về ngôi nhà đang bị ngập. Hôm 09/06, quân Nga bắn cả vào hàng dài 200 người đang chờ lãnh bánh mì, may mà quả đạn không nổ, nếu không chẳng biết sẽ có bao nhiêu nạn nhân.
Olha, một cư dân Olechky bày tỏ lo lắng về nguy cơ dịch tả. Sau nhiều ngày chìm trong nước, một số căn nhà cũ đã bị sập và chủ nhân chết đuối trong dòng nước ngầu đục của sông Dniepr. Bà rơi nước mắt cho biết : "Có rất nhiều xác từ nghĩa địa trồi lên, và thi thể của những người bị chết đuối. Chẳng hạn những láng giềng của tôi không sơ tán được, đã phải để cho xác người thân trôi theo dòng nước, vì họ không thể chờ mãi trên nóc nhà bên cạnh những xác này".
Phá đập Kakhovka : Putin "ăn không được thì đạp đổ"
Nhìn chung, Les Echos nhận thấy cuộc phản công vừa khởi động, đất nước Ukraine đã phải đối mặt với thảm họa sinh thái, cho thấy Vladimir Putin cố chấp như thế nào. Không có gì nguy hiểm hơn cho phương Tây nếu để Ukraine rơi vào tay Nga. Hồi năm 1672, Hà Lan từng mở van đập nước, tự làm ngập lụt để chận quân Pháp, nhằm bảo vệ lãnh thổ. Nhưng chọn lựa của Putin - nhấn chìm vùng đất chiếm được của Ukraine - là kiểu "ăn không được thì đạp đổ". Đặc biệt trong bối cảnh khí hậu nóng lên, đó là hủy diệt sinh thái, chống lại thiên nhiên, để lại hậu quả lâu dài.
Nếu Putin không ngần ngại cho nổ tung Kakhovka bất chấp con đập quan trọng này nằm gần nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, thì ông ta còn có thể dấn tới đâu nữa để tránh bại trận ? Đến chỗ phá vỡ cấm kỵ về sử dụng vũ khí nguyên tử chăng ? Có thể rút ra hai kết luận trái ngược. Thứ nhất là cho rằng cần chấm dứt ngay việc leo thang có nguy cơ dẫn đến thảm họa, áp đặt ngưng bắn trước khi quá muộn. Thứ hai, tái khẳng định phải làm mọi cách để chống lại những khiêu khích, bắt chẹt một cách vô trách nhiệm của ông chủ điện Kremlin. Không coi thường nhưng cũng không sợ hãi - một thái độ không dễ dàng. Nhưng kiên quyết ủng hộ Ukraine là chọn lựa duy nhất của niềm tin và trách nhiệm, cần có sự sáng suốt và thực tế.
Khả năng khó xảy ra nhất là Nga chiến thắng, dù là đất nước rộng gấp 16 lần và dân số đông gấp ba Ukraine. Tuy Moskva đã rút được kinh nghiệm từ những thất bại cay đắng vào đầu cuộc xâm lăng, nhưng quân đội Ukraine có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ hơn và vũ khí ngày càng tân tiến hơn. Người Ukraine biết rằng nếu thua trong cuộc chiến này sẽ bị mất nước, còn với người Nga, bại trận có nghĩa là hồi kết của Putin chứ không phải của nước Nga.
Dân chủ thế kỷ 21 tùy thuộc vào kết cuộc chiến tranh Ukraine
Nhưng liệu Kiev có thể thắng lớn, giành lại tất cả những vùng đất bị Nga chiếm từ 2022, nếu không phải từ 2014 ? Trước một đối thủ đã có rất nhiều thời gian chuẩn bị phòng thủ kiên cố, bên tấn công phải áp đảo về cả số lượng lẫn chất lượng, có thể đây không phải là trường hợp Ukraine. Trừ phi có được đột phá lớn tại một mặt trận dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt phòng tuyến khác.
Putin sẽ làm mọi cách để tránh việc bại trận nhục nhã làm mất đi quyền lực và thậm chí cả mạng sống. Ông chủ điện Kremlin chỉ còn có thể trông cậy vào Trung Quốc. Một chế độ độc tài bị dân chủ đánh bại không phải là điều tốt lành cho Bắc Kinh vốn đang lăm le chiếm Đài Loan. Nhưng Trung Quốc cũng không thể để cho Putin đi quá trớn, sử dụng cả vũ khí nguyên tử chiến thuật. Không đánh bại được Nga, nhưng Ukraine cũng không thắng rõ rệt, phải chăng về lâu về dài là hòa bình vì cả hai đều kiệt lực ? Nói cách khác, tình hình hiện nay gần giống với thời điểm 1915, khi Đệ nhất Thế chiến mới khởi đầu ; hay năm 1953, ngưng bắn ở Triều Tiên ?
Les Echos đặt vấn đề : Làm thế nào giải thích cho Kiev là phải chấp nhận nhượng bộ về lãnh thổ, trong khi Ukraine không chỉ bị tấn công mà kẻ xâm lược còn gây ra một loạt tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại ? Ngay cả việc bảo đảm an ninh trước mắt cho Ukraine, trong khi chuẩn bị hội nhập và Liên Hiệp Châu Âu và NATO trong tương lai, kể cả với viện trợ tái thiết đất nước tầm cỡ kế hoạch Marshall, vẫn không thể đủ. Có nên giơ ra cho Kiev củ cà rốt an ninh và kinh tế, đồng thời là một cây gậy dưới dạng đe dọa phe Cộng hòa – có xu hướng co cụm - chiến thắng ở Mỹ năm 2024 ? Theo Le Figaro, hồi kết của chiến tranh Ukraine đóng vai trò quyết định cho định mệnh của dân chủ trong thế kỷ 21. Ngược với trường hợp Afghanistan, Syria, Iraq hay Sahel, không thể thua trong cuộc chiến này, Hoa Kỳ và Châu Âu phải cam kết hỗ trợ Kiev lâu dài.
Thụy My
The Economist, L’Obs, L’Express, Courrier International đều nhận định cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu ở mọi hướng, nhưng dường như mũi nhọn là ở Zaporijia. Khoảng thời gian vài tuần lễ tới là rất quan trọng, người Ukraine cần một chiến thắng hơn bao giờ hết.
Các chiến binh Ukraine trên mặt trận gần Bakhmut ngày 05/06/2023. AP - Iryna Rybakova
L’Express tuần này nói về tình trạng nhập cư, Le Point quan tâm đến vấn đề tình dục của giới trẻ. Courrier International nêu ra khía cạnh đạo đức của nỗ lực tái sinh một số loài đã tuyệt chủng. Hồ sơ của L’Obsđược dành cho việc "Tái vũ trang của thế giới", còn The Economist đăng ảnh trang nhất một bàn tay giơ cao mang hai màu xanh vàng - màu cờ Ukraine – với dòng tít lớn "Ukraine phản công". Đây cũng là chủ đề nóng nhất trên trang web của các tuần báo.
Thủ lãnh Wagner : Số thương vong của Ukraine do Moskva công bố là "hoang đường"
The Economist nhận định cuộc phản công đang được tiến hành, và khoảng thời gian vài tuần tới là rất quan trọng. Ukraine đã có những hoạt động dọc theo 1.000 kilomet chiến tuyến để thăm dò những điểm yếu của phía Nga. Và nay trắc nghiệm khả năng phòng thủ của địch với cường độ chưa từng thấy kể từ nhiều tháng qua, với một loạt tấn công ở miền đông và miền nam.
Một blogger quân sự Nga hôm 08/06 đã báo động là lực lượng Ukraine đánh vào Zaporijia. Trước tiên là pháo kích ồ ạt, rồi xe tăng tiến vào. Có đến bốn đoàn xe gồm 120 thiết giáp, mỗi đoàn được mười mấy xe tăng dẫn đầu, tiến từ Orikhiv đến Tokmak, một thị trấn nằm trên dải đất chiếm đóng nối với Crimea. Cuộc tấn công trong đêm ở Zaporijia là một cột mốc quan trọng cho quân đội Ukraine kể từ đầu cuộc chiến : tiến đánh quy mô vào ban đêm, từ hai hướng.
Những dấu hiệu đầu tiên được nhận thấy từ ngày 04/06, khi nhiều lữ đoàn Ukraine tiến về phía Velyka Novosilka đến Novodonetsk, những ngôi làng nằm gần Vuhledar đang bị Nga chiếm. Theo chuyên gia Rob Lee của King’s College ở Luân Đôn, khu vực này quân Nga khá yếu vì đã bị thiệt hại nặng vào mùa xuân, và một số đơn vị đã được điều đến Bakhmut. Việc tấn công vào Tokmak và gần Vuhledar đe dọa không chỉ Melitopol mà cả những thành phố cảng Berdyansk, Mariupol nằm xa hơn ở miền nam, phía Biển Azov. Nếu xuyên thủng được hàng phòng ngự dày đặc của Nga, có hy vọng cắt đứt được cây cầu trên bộ này.
Nga nói rằng đã đẩy lùi được cuộc tấn công gần Vuhledar, phía Ukraine có đến 3.715 chiến binh thương vong. Không chỉ Kiev, mà cả thủ lãnh Wagner Yevgeny Prigozhin cũng bác bỏ, nói rằng con số này là "khoa học giả tưởng hoang đường và phi lý". Phương Tây nhận định Ukraine có được những tiến triển cho dù các video cho thấy giao tranh rất ác liệt. Chuyên gia John Helin của Black Bird Group cho biết Ukraine đã chiếm được những điểm cao ở Storozheve, tạo thuận lợi để đánh tiếp, cầm chân được hai sư đoàn cơ giới của Nga.
Quân Nga được bố trí theo hình lưỡi liềm từ Kherson ở miền nam tới Luhansk ở đông bắc, và cả hai đầu đều phải đối phó với những cuộc tấn công của Ukraine. Hơn nữa Moskva còn bị phân tâm trước những vụ xâm nhập của các lực lượng người Nga lưu vong tại Belgorod, hôm 05/06 một đại tá Nga đã tử thương.
Trong khi đó giao tranh vẫn chưa ngưng tại Bakhmut và ở Soledar - nằm phía bắc thành phố này, cho thấy quân Nga có thể bị Ukraine bao vây. Nếu Kiev giành lại được Bakhmut, sẽ xóa sạch kết quả khả dĩ duy nhất của Nga trong năm ngoái. Một bước tiến lớn hơn quanh Donbass cũng giúp Ukraine tái chiếm lãnh thổ đã mất năm 2014. Đó sẽ là nỗi nhục cho Nga, mục tiêu "giải phóng" miền đông coi như tiêu tan.
Tổng hợp những diễn biến trên đây cho thấy sau nhiều tuần chuẩn bị chiến trường bằng pháo và những hoạt động khác, cuộc phản công đã bắt đầu một giai đoạn mới quyết liệt hơn. Dữ liệu hồng ngoại từ những ngọn lửa do pháo kích và ném bom gây ra cho thấy ngày 06/06 là một trong những ngày giao tranh ác liệt nhất kể từ đầu cuộc chiến, với hầu hết đám cháy là từ khu vực do Nga kiểm soát. Tình trạng mù mờ về lực lượng và những hướng tấn công chính cho thấy Kiev đã thành công trong việc giữ bí mật kế hoạch.
Một trong số 9 lữ đoàn được phương Tây giúp huấn luyện là lữ đoàn 37 có thể đã tham gia gần Vuhledar, vì có sự xuất hiện của các xe tăng hạng nhẹ Pháp AMX-10RC và xe chống mìn Mastiff của Anh. Trên lý thuyết, chừng đó là đủ xuyên thủng phòng tuyến nhiều lớp của Nga dọc theo một chiến tuyến khoảng 20 kilomet.
Ukraine cần tập trung quân mà không bị phát hiện, đồng bộ hóa vũ khí, phối hợp các binh chủng, và bảo đảm được rằng một lực lượng được huấn luyện tương đối sơ sài vẫn can đảm tiến tới trước bão lửa tuy có nguy cơ bị thiệt hại nặng. Như vậy, quân Nga kém tinh thần, mệt mỏi có thể không giữ được những phòng tuyến dù kiên cố. Gây sốc, tốc độ và bất ngờ là rất quan trọng. Một lợi thế nữa của Ukraine là thông thạo đường đi nước bước, trái với quân xâm lược.
Trả lời tuần báo L’Obs, cựu trung tá Pháp Guillaume Ancel, chủ một blog quân sự cũng có cùng nhận định : "Cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu, và việc đập Kakhovka bị nổ là dấu hiệu". Theo ông, hai sự kiện rõ ràng có liên hệ trực tiếp với nhau. Dường như người Ukraine có ý tìm một thời điểm mang tính biểu tượng. Đợt phản công rất được chờ đợi bắt đầu từ thứ Ba 06/06, ngày kỷ niệm lần thứ 79 cuộc đổ bộ Normandy.
Việc Nga cho nổ tung đập Kakhovka vào rạng sáng có thể là phản ứng trước áp lực mạnh từ Ukraine. Nước lụt làm ngưng mọi khả năng tấn công trong vùng, không phải canh giữ 200 kilomet chiến tuyến, có thể rút lập tức các đơn vị ở phía nam sông Dniepr để bổ sung cho các mặt trận khác. Cho đến nay, Ukraine thường xuyên xâm nhập, dựa vào các ốc đảo giữa dòng sông để quấy nhiễu quân Nga. Gây ra thảm họa này, Nga làm cả vùng bị bao phủ một lớp bùn khoảng 1,5 mét, không thể vượt qua trong hai, ba tuần lễ.
Đó là một hành động khá tuyệt vọng của quân Nga để câu giờ, vì một phần tuyến phòng thủ của họ cũng bị chìm ngập, chứng tỏ đã bị rối loạn vì cuộc phản công. Vladimir Putin tìm cách gây ấn tượng mạnh, gởi thông điệp cho Ukraine và phương Tây : "Tôi sẵn sàng làm những chuyện khủng khiếp nếu cuộc phản công không dừng lại". Đã 15 tháng qua ông ta dùng bóng ma hạt nhân để đe dọa, nhưng không còn ai sợ nữa : nếu Nga tấn công nguyên tử, NATO sẽ quyết định tiêu diệt toàn bộ số quân Nga tại Ukraine. Theo ông Guillaume Ancel, Putin khó thể tiếp tục dọa dẫm bằng loại vũ khí này, nhưng vẫn có thể gây ra thảm họa.
Mọi người đều nghĩ đến nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia. Người ta biết rằng đập Kakhovka bị vỡ do bị nổ bên trong, một công trình kiên cố như vậy cần đến nhiều tấn chất nổ mới phá được, chứ không thể dùng đặc công mang lựu đạn đến tấn công. Chỉ riêng Nga mới có phương tiện và động cơ để làm việc này. Đáng ngạc nhiên là phương Tây chỉ phản ứng chừng mực, trong khi có những dữ liệu địa chấn và hình ảnh vệ tinh, có thể là muốn tỏ ra đứng ngoài chiến dịch của Kiev.
Chuyên gia Pháp cho rằng Ukraine đang chịu thiệt hại, nhưng đó là bình thường vì vấp phải sự kháng cự của những đơn vị tinh nhuệ nhất của địch bố trí ở tuyến đầu. Năm 1944, những ngày đầu của cuộc đổ bộ còn khó khăn hơn nhiều, đẫm máu hơn cho phe Đồng minh. Quân Nga có hẳn một năm rưỡi để gài mìn khắp nơi và có pháo binh rất mạnh. Hiện Ukraine đang phải lùi lại ở một số điểm, nhưng một khi đột phá được, sẽ làm phía Nga phải rúng động. The Economist và L’Express đều nhận thấy Kiev đã điều một số vũ khí nặng được viện trợ như xe tăng Leopard 2 và AMX-10 RC, lâu nay chưa hề sử dụng kể cả trong trận đánh Bakhmut, để dành cho cuộc phản công này.
Lực lượng Ukraine không được không quân yểm trợ vì Nga đã bố trí các hỏa tiễn địa-không trên toàn chiến tuyến, phi cơ, trực thăng không thể đến gần mà chỉ đánh vào hậu cứ, sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow và hệ thống định hướng JDAM. Do đắt tiền, Kiev đang tiết kiệm, chủ yếu dùng Himars. Phương Tây hy vọng một khi quân Nga rối loạn sẽ nhanh chóng tan hàng, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều tuần lễ. Sẽ diễn ra một loạt tấn công và phản công nên không thể nói về thành công hay thất bại trong lúc này. Ngược lại, nếu đến tháng 9 Ukraine vẫn không đột phá được, tình hình sẽ rất đáng lo.
Theo The Economist, có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy cuộc phản công tại Zaporijia khác với ở miền đông và miền nam, với những lữ đoàn được trang bị tốt nhất. Các chuyên gia từ lâu vẫn nghĩ rằng tập trung sức vào Zaporijia là hợp lý nhờ vị trí trung tâm trên đường giới tuyến. Quân Nga có thể bị nhốt vào bẫy ở Kherson, thậm chí cả ở Crimea nếu Ukraine lại tấn công được cầu Kerch. Tiến được đến Melitopol, lực lượng Kiev có thể cắt đứt đường tiếp tế cho bán đảo đang bị chiếm đóng. Cũng vì vậy mà Nga đã bố trí rất kiên cố tại Tokmak ở bắc Zaporijia : chiến hào, hầm trú ẩn, chướng ngại vật chống tăng, bãi mìn, trải dài suốt 30 kilomet.
Trận phản công lần này sẽ giống trận Kherson hay Kharkiv hơn ? Cuộc tấn công vào Kherson là một trận chiến tiêu hao, những phòng tuyến chỉ vỡ dần sau nhiều tháng chiến đấu. Ngược lại, trong trận Kharkiv, Ukraine đã nhanh chóng xuyên thủng một vị trí yếu của địch và dấn tới, nhanh đến nỗi quân Nga còn chưa kịp tập hợp lại. Phòng tuyến Nga lần này chắc chắn hơn Kharkiv với binh sĩ giỏi hơn, nhưng Ukraine được trang bị tốt hơn. Bên cạnh Zaporijia, Ukraine còn trắc nghiệm ở Bakhmut. L’Express nhấn mạnh, Kiev cần một chiến thắng hơn bao giờ hết.
Trên bình diện địa chính trị, The Economist phân tích làm thế nào để Nga phải gánh chịu một thất bại mang tính chiến lược. Các nhà phân tích phương Tây hình dung ba kịch bản cho cuộc chiến tranh.
Thứ nhất : Một cuộc đột phá lớn của Ukraine, cắt đứt đường tiếp tế cho Crimea, tái chiếm phần lớn Donbass. Quân Nga tan tác, Vladimir Putin mất ghế. Một số cho rằng đó là phương cách tốt nhất để tái lập hòa bình tại Châu Âu. Tuy nhiên khó thể đánh giá khả năng duy trì kỷ luật của quân Nga, sự vững chắc của chế độ Putin, mối lo nguyên tử cũng chưa hoàn toàn biến mất. Một số viên chức Mỹ sợ rằng nước Nga rơi vào cảnh hỗn loạn sẽ khó kiểm soát được kho vũ khí hạt nhân.
Thứ hai, quân Nga thất bại nhưng ít thiệt hại hơn, Putin yếu đi. Kịch bản thứ ba u ám hơn, cuộc chiến rơi vào ngõ cụt, Nga giữ được đa số phần đất đã chiếm. Dù liên tiếp thất bại, Putin vẫn không từ bỏ mộng xâm lăng, lập nên một chính phủ ngụy quyền ở Kiev. Không quân và hải quân Nga vẫn chưa thiệt hại bao nhiêu và có thể động viên thêm lính, đe dọa Tây Âu ; ông ta hy vọng Donald Trump đắc cử sẽ gây áp lực để Ukraine chấp nhận các điều kiện của mình.
Theo tờ báo, cần phải có những bảo đảm an ninh cho Ukraine. Một think tank ở Washington đề nghị kế hoạch 5 điểm để trao cho Kiev những cam kết "ít hơn điều 5 của NATO nhưng mạnh hơn thỏa thuận Budapest", theo mô hình Mỹ đang áp dụng với Israel và Đài Loan. Cũng như tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận ra một cách muộn màng là Ukraine đang bảo vệ châu Âu, tốt nhất nên giúp Ukraine hội nhập hẳn thay vì để mặc trong một vùng xám, như mời gọi Nga tấn công tiếp.
Triết gia Bernard-Henri Lévy trên Le Point khẳng định Ukraine không thể thua trong cuộc chiến này. Ông đã nói như vậy ngay từ đầu cuộc xâm lăng, và mỗi ngày trôi qua lại càng củng cố thêm niềm tin. Một bên là quân đội Nga không có tinh thần chiến đấu, chỉ huy tồi, đội ngũ lính đánh thuê Wagner đầy những tên tội phạm. Bên kia là quân đội gồm những công dân không chỉ bảo vệ đất nước mình mà còn cho ý tưởng văn minh và Châu Âu, họ biết vì sao phải chiến đấu. Trong thử thách, Ukraine đang trở thành quân đội được huấn luyện nhiều nhất, thiện chiến nhất Châu Âu. Bernard-Henri Lévy cho rằng ngưng bắn sẽ là thảm họa vì giúp kẻ xâm lăng tái vũ trang và tấn công tiếp, nhường lại Crimea cho Nga là tự sát. Lối thoát chỉ có thể là Nga phải đầu hàng, không chỉ Putin ra đi mà chế độ phải sụp đổ, một dân tộc đang mơ ngủ sẽ thức tỉnh.
Một chiến thắng toàn diện sẽ như thế nào ? Theo triết gia Pháp, chính là phương Tây chứ không phải Ukraine cần trả lời câu hỏi này. Chính các nhà lãnh đạo phương Tây, không phải Zelensky, đang nắm chiếc chìa khóa duy nhất. Đó là các chiến đấu cơ, hỏa tiễn tầm xa, các drone loại Reaper hiện đang ngần ngại chưa được chuyển giao. Hoặc là tiếp tục yểm trợ nhỏ giọt và chiến tranh sẽ kéo dài. Hoặc thay đổi cách nghĩ, chấm dứt coi Zelensky là người đi xin. Viện trợ vũ khí không phải là tặng quà, mà là tự vệ. Cần cung cấp cho Ukraine những gì có thể để chống lại kẻ thù chung, và chiến tranh sẽ nhanh chóng kết thúc. Mạng sống của những người vô tội sẽ bị tước đoạt ngày mai, ngày mốt, ngày kia…nếu phương Tây cứ mãi chi viện cầm chừng.
Nhìn toàn cảnh,L’Obs nhận định từ khi Nga xâm lăng Ukraine, chi tiêu quốc phòng bùng nổ tại Châu Âu, và trước đó Trung Quốc không ngừng gia tăng ngân sách quân sự. Một kỷ nguyên mới về địa chính trị đã mở ra, đầy dẫy nguy hiểm. Báo cáo của SIPRI hồi tháng 4 cho biết, ngân sách của các quân đội trên thế giới năm 2022 lên đến con số kỷ lục là 2.240 tỉ đô la, trong khi lúc cao điểm chiến tranh lạnh chỉ là 1.500 tỉ đô la.
Từ đầu cuộc chiến, nhiều tỉ đô la đã được phương Tây đổ ra để giúp Kiev chống quân xâm lược : những thiết bị gây nhiễu drone, băng đạn, áo giáp, kính viễn vọng, drone trinh sát, đại bác, radar, xe tăng, giàn phóng rốc-kết… Chỉ riêng quân viện của Hoa Kỳ đã là 43 tỉ đô la. Tây Âu ngủ quên một thời gian dài trong khi Mỹ, Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Ấn Độ gia tăng vũ trang. Hoa Kỳ chi quân sự đến 870 tỉ đô la trong năm 2022, chiếm 39% toàn thế giới. Trung Quốc tuy đứng hạng nhì nhưng chi quốc phòng tăng đến 75% so với thập niên trước, Nhật Bản dù Hiến Pháp chủ hòa vẫn tăng tốc vũ trang trước sự hung hăng của Bắc Kinh.
Nhà chính trị học Bruno Tertrais cho rằng chiến tranh Ukraine chỉ là bậc thang cuối cùng. Bước ngoặt đầu tiên là sau ngày 11/9, đợt tái vũ trang thứ hai vào khoảng 2012 với việc Vladimir Putin tái đắc cử và Tập Cận Bình
lên ngôi. Đến giữa những năm 2010 diễn ra đợt thứ ba với hai cú sốc liên tiếp cho phương Tây : Nga sáp nhập Crimea và khủng bố Hồi giáo. Từ tháng 2/2022, bước ngoặt thứ tư chủ yếu liên quan đến Châu Âu, sau 25 năm ngỡ đã an bình. Ông nhấn mạnh nếu chúng ta vũ trang là nhằm răn đe. "Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh".
Thụy My
Đập Kakhovka bị phá tác động thế nào đến chiến dịch phản công của Ukraine ?
Anh Vũ, RFI, 09/06/2023
Đập thủy điện Kakhovka gần thành phố Kherson của Ukraine hôm 06/06 đã bị phá vỡ. Diễn biến mới này được cho là một đòn nặng nề đối với chiến dịch phản công đã được quân đội Ukraine chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của việc vượt sông Dniepr trong các giải pháp chiến lược mà Ukraine dự định nhằm lấy lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
Sau khi con đập Kakhovka bị phá vỡ, vùng dân cư rộng lớn của thành phố Kherson bị chìm trong nước, ngày 07/06/2023. AP
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz không phải là người duy nhất đã thẳng thừng tỏ những nghi ngờ về nguồn gốc và lý do phá hủy con đập có giá trị chiến lược, Kakhovka, hôm thứ Ba 06/06. Người đứng đầu chính phủ Đức khẳng định : "Xem xét tất cả các yếu tố, đương nhiên người ta phải nhận thấy rằng đó là một cuộc tấn công của Nga nhằm ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine để giải phóng lãnh thổ của mình"
Matxcơva đã nhanh chóng bác bỏ những cáo buộc như vậy. Đó cũng là những tố cáo đã được chính quyền Ukraine lặp lại. Ông Sergey Shoigu, bộ trưởng Quốc Phòng Nga tố Kiev có thể tìm cách "ngăn chặn các hoạt động tấn công của quân đội Nga trên phần này của mặt trận" bằng cách phá hoại con đập.
Không thể vượt sông ?
Dù tác giả vụ phá đập là ai thì tình tiết mới này của cuộc xung đột, khiến hàng chục nghìn người phải chạy khỏi vùng thảm họa, cũng sẽ có tác động đến tiến trình của cuộc chiến tranh. Hàng triệu mét khối nước sông Dniepr liền kề đổ vào làm ngập lụt khắp nơi. Một sĩ quan Ukraine giấu tên, được Financial Times phỏng vấn đã quả quyết rằng, "nếu chúng tôi muốn vượt qua con sông ở khu vực đó giờ không thể được nữa rồi".
Một trong những giả thuyết thường được nói đến nhiều liên quan đến kế hoạch phản công của Ukraine sắp tới là quân đội sẽ vượt qua sông Dniepr ở khu vực Kherson, nơi lòng sông hẹp hơn, rồi tiến nhanh nhất có thể về phía Crimée. Mục đích sẽ là cắt đứt các tuyến đường tiếp viện của Nga từ bán đảo đến hỗ trợ quân đội đóng ở khu vực Zaporijiia và Donbass.
Kế hoạch như vậy giờ dường như đã hỏng. Ông Jeff Hawn, chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga, đồng thời là nhà tư vấn của Viện New Lines, một trung tâm nghiên cứu về địa chính trị của Mỹ, nhấn mạnh rõ ràng việc vượt sông giờ đây là không thể. Theo ông, "bộ binh vẫn có thể vượt qua, theo nhóm nhỏ, nhưng xe bọc thép thì không".
Vấn đề không chỉ là mực nước. Jeff Hawn cho biết thêm : "Việc cơ sở hạ tầng bị phá hủy sau lũ lụt và những thứ đổ vỡ xung quanh có nguy cơ làm chậm bước tiến của binh sĩ, những người có thể vượt được qua sông". Từng đấy lý do cũng đã đủ để hủy bỏ một cuộc vượt sông Dniepr.
Vượt sông Dniepr, một giải pháp lựa chọn
Trong kịch bản đó, việc con đập Kakhovka bị phá hủy buộc bộ tổng tham mưu Ukraine phải suy nghĩ lại về kế hoạch phản công của mình. Tờ Wall Street Journal khẳng định Matxcơva có thể tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi này để "tổ chức tốt hơn hoạt động phòng thủ của mình".
Nhưng có điều là nhiều chuyên gia được France 24 phỏng vấn nhận định rằng việc vượt sông Dniepr ở khu vực này này chưa bao giờ là một lựa chọn được cân nhắc nghiêm túc của Ukraine. Chuyên gia Sim Tack, một nhà phân tích quân sự cho Force Analysis, một công ty theo dõi các xung đột, nhận định : " Theo tôi, thảm họa này sẽ không có tác động nào đối với cuộc phản công bởi vì Kiev dường như muốn tập trung vào một cuộc tấn công lớn ở khu vực Vuledar và Donetsk".
Còn chuyên gia Huseyn Aliyev khẳng định : "Để băng qua sông Dniepr, chọn khu vực Kherson không phải là giải pháp hay, vì ở đó có địa hình lầy lội. Ngay cả trước khi bị lụt, xét về mặt hậu cần, sẽ rất phức tạp để tổ chức vượt sông cho các xe bọc thép cần để tiến hành phản công ",.
Tất cả mọi chuyện vẫn có thể tiếp tục như chưa có gì xảy ra hay sao ? Hoàn toàn không. Ông Huseyn Aliyev thừa nhận : "Thảm họa này chắc chắn loại bỏ hẳn một lựa chọn mà người Nga buộc phải tính đến".
Nói cách khác, một số ít hệ thống phòng thủ mà Matxcơva phải duy trì đề phòng ở khu vực này giờ đây có thể được bố trí lại ở nơi khác. Bắt đầu với Donetsk. Ông Jeff Hawn nhận định : "Bây giờ đó là mục tiêu có khả năng xảy ra nhất trong cuộc phản công của Ukraine. Quân đội Ukraine có thể tránh sông Dniepr và tiến xuống Mariupol, một mục tiêu mang tính biểu tượng cao đối với quân đội Ukraine".
Quân Nga cũng bị ảnh hưởng
Thảm họa này có một lợi thế khác cho người Nga : nó có thể khiến Kiev mất tập trung. Không dễ để tiến hành một cuộc tổng tiến công khi phải cùng lúc vừa phải tổ chức cứu trợ, vừa phải theo dõi diễn biến của tình hình nhân đạo. Ukraine có thể buộc phải trì hoãn các chiến dịch quân sự của mình cho đến khi tình hình tại các nợi họ quản lý trong vùng Kherson được kiểm soát.
Nhưng chính quyền Ukraine, dưới áp lực quốc tế, khó có thể trì hoãn phản công quá lâu. "Về mặt chính trị, Kiev cần chứng minh rằng viện trợ quân sự quốc tế cũng có ích. Đó là lý do tại sao, bất kể điều gì xảy ra, phản công vẫn là ưu tiên số một của chính phủ", ông Jeff Hawn nhận định. Chuyên gia Sim Tack cho biết thêm : "Ngoài ra, Ukraine vẫn có đủ nhân lực dân sự, không đến nỗi phải bỏ mặt trận để cứu giúp dân thường trong vùng lụt".
Hơn nữa, không chỉ có Ukraine bị tác động bởi lũ lụt. Theo chuyên gia Huseyn Aliyev, "Chính binh sĩ Nga phải bảo vệ bờ sông Dniepr", nơi cũng là tuyến đầu mặt trận của họ. Quân Nga cũng đã phải rời khỏi vị trí của mình khẩn cấp và có thể đã bị buộc phải để lại thiết bị khi rời đi.
"Các con đường đã bị ngập lụt bên phía sông Dniepr của Nga kiểm soát, điều này có thể tác động tiêu cực đến việc tổ chức tiếp viện từ Crimée, vốn là trung tâm hậu cần quan trọng cho quân đội Nga đóng ở miền nam Ukraine và ở Donbass", chuyên gia Aliev lưu ý.
Nhưng điều chủ yếu, về lâu dài, thảm họa này có thể là yếu tố bất lợi cho Nga. "Lũ lụt đã làm hỏng hệ thống thủy lợi của Crimean. Nếu bán đảo cạn nước, Nga sẽ gặp khó khăn trong việc giữ toàn bộ tổ chức và quân đội của mình ở đó trong một thời gian rất dài", ông Sim Tack nói.
Nếu Nga thực sự đứng đằng sau việc phá hủy con đập nhằm cố gắng phá vỡ sự chuẩn bị của Ukraine, thì tính toán của họ giống như một trò chơi bất chắc.
(Theo france24.com)
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 09/06/2023
***************************
Tình báo Ukraine công bố "bằng chứng" Nga phá hoại đập Kakhovka
Trọng Nghĩa, RFI, 09/06/2023
Cơ quan mật vụ Ukraine SBU vào hôm nay, 09/06/2023 cho biết là họ đã ghi được một cuộc điện đàm giữa hai người Nga cho thấy rõ là một "nhóm phá hoại" của Nga đã phá hủy đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraine trong đêm 05 rạng sáng 06 vừa qua.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy đập thủy điện Kakhovka trong vùng Kherson, Ukraine, bị phá vỡ ngày 06/06/2023. Planet PBC via Reuters – Handout
Theo hãng tin Anh Reuters, trong đoạn ghi âm một cuộc nói chuyện qua điên thoại dài một phút rưỡi được công bố trên mạng Telegram, một người được SBU mô tả là lính Nga, nói : "Họ (tức là người Ukraine) không phá hủy nó. Đó là nhóm phá hoại của chúng ta muốn dọa mọi người với con đập này".
Nhân vật này nói tiếp : "Sư việc không diễn ra như kế hoạch và họ đã làm nhiều hơn những gì dự kiến", và "hàng ngàn" con vật tại "công viên safari" bên dưới con đập đã bị giết.
Người đối thoại với nhân vật trên đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước lời khẳng định rằng lực lượng Nga, vốn đã chiếm đóng con đập kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022, đã phá hủy nó.
Reuters không thể xác minh độc lập tính xác thực của đoạn ghi âm, Matxcơva chưa bình luận về nội dung, trong lúc cơ quan SBU hhông cung cấp thêm chi tiết về cuộc trò chuyện hoặc những người tham gia, chỉ cho biết là đã mở một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh và "hủy diệt sinh thái".
ISW : Cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu
Riêng về tình hình chiến sự, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh (ISW), một cơ quan tham vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, vào hôm qua khẳng đinh rằng lực lượng Ukraine đã bắt đầu cuộc phản công, dựa trên sự gia tăng chung trong hoạt động quân sự trên toàn bộ chiến tuyến mà họ đã quan sát thấy.
Viện nghiên cứu chiến tranh giải thích : "Cuộc phản công có thể sẽ không diễn ra như một cuộc hành quân lớn đơn lẻ mà có thể bao gồm nhiều hành động ở nhiều nơi, khác nhau về quy mô và cường độ, kéo dài trong vài tuần".
Các thông tin trên thực địa như đã khẳng định thêm nhận định của ISW. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm qua đã khen ngợi lực lượng Ukraine là đã "làm tốt ở Bakhmut". Ông đồng thời xác nhận rằng "giao tranh đang diễn ra rất ác liệt ở Donetsk Oblast".
Còn về phía Nga, nước này hôm qua cũng khẳng định rằng đã phá tan cuộc phản công của Ukraine ở khu vực Zaporijjia.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 09/06/2023
*************************
Đập nước ở Ukraine bị vỡ ảnh hưởng ra sao tới tình hình thế giới và Việt Nam ?
Raymond Powell và Trần Bằng, RFA, 08/06/2023
Đập thủy điện tại thành phố Nova Kakhova trên sông Dnipr đã bị vỡ hôm giữa tuần, khiến toàn bộ vùng hạ lưu, đông nam của vùng Donbass, gồm khoảng 80 ngôi làng, thị trấn, thành phố, trong đó có thành phố Kherson, bị ngập.
Toàn cảnh đập nước Nova Kakhovka bị vỡ, nhìn từ trên cao - Reuters
Cả Nga và Ukraine đều "đang đổ lỗi" cho nhau. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có thể con đập này tự vỡ, do tác động của chiến tranh, bom đạn đã nổ xung quanh đập liên tục và vũ khí hạng nặng của quân Nga di chuyển thường xuyên trên mặt đập.
Đập vỡ-Ai hưởng lợi ?
Trao đổi với RFA, hai nhà nghiên cứu Raymond Powell ở Đại học Stanford và Trần Bằng từ Đại học Paris 2 Pantheon – Assas, đều cho rằng hiện còn quá sớm để nhận xét về thảm họa này tới tình hình thế giới và Việt Nam. Tuy vậy, cả hai ông đều đưa ra những nhận bước đầu về thảm họa này.
Ông Raymond Powell, nhà nghiên cứu về vấn đề Biển Đông ở Đại học Stanford nói với RFA qua tin nhắn :
"Tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng Nga là bên chịu trách nhiệm về vụ vỡ đập, nhưng chúng ta chưa thể chắc chắn. Hiện nay khó có thể đưa một kết luận quá rộng.
Chúng ta có thể đặt một câu hỏi rất mở là ai "được hưởng lợi" từ thảm họa này. Cả phía Nga và Ukraine đều bị tổn hại theo những cách khác nhau, và có lẽ ở thời điểm này, chúng ta vẫn chưa biết hết những tác động ở cấp độ hai và cấp độ ba của nó.
Nếu là Nga thì đó là một hành động tồi tệ, nhưng tôi không biết liệu đó có phải là điều tồi tệ nhất mà họ đã làm hay chưa. Họ đã xâm chiếm nước láng giềng, san bằng các thành phố một cách bừa bãi và bắt cóc trẻ em trở về Nga. Danh sách tội ác chiến tranh của họ đã dài. Vì vậy, mặc dù đây là một sự kiện khủng khiếp, nhưng tôi không chắc nó thay đổi bao nhiêu cách khu vực hoặc thế giới phản ứng với Nga.
Ví dụ, nếu trước đây Việt Nam không lên án Nga về các tội ác chiến tranh thì bây giờ Việt Nam có làm như vậy không, nhất là khi Nga phủ nhận có liên quan đến việc phá đập ?
Tôi nghĩ điều có thể thay đổi tư duy của các bên về cuộc chiến là cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine. Nếu Ukraine đạt được một bước đột phá quan trọng, điều đó thực sự sẽ thay đổi khá nhiều động lực".
Nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Paris 2 Pantheon – Assas, nhận xét với RFA qua tin nhắn :
"Nhìn trên hình ảnh và một số video thì chúng ta chưa rõ được mức độ tàn phá. Nếu người ta phá sập hoàn toàn con đập, hoặc chỗ phá ở dưới sâu so với chiều cao đập thì vấn đề sẽ khác, còn phá ở vị trí cao thì cái đập thành đập tràn, tức là mực nước hồ chứa tụt xuống ngang mức bị phá rồi ngưng lại thôi.
Đây chỉ là cảm nhận cá nhân, nhưng khi xem hình ảnh và video thì tôi cảm giác vị trí bị vỡ ở khá cao trên thân đập, nên có lẽ tác hại cũng hạn chế được phần nào. Chúng ta thử tưởng tượng nếu thổi bay cả con đập, toàn bộ nước hồ chứa thoát xuống thì thảm họa kinh khủng lắm".
Chiến lược của Việt Nam với Nga có ảnh hưởng ?
Liệu thảm hoạ vỡ đập này ảnh hưởng đến tình hình thế giới và nói riêng với Việt Nam hay không ? RFA, trong đoạn sau, trao đổi chi tiết hơn với nhà nghiên cứu Trần Bằng :
RFA : Theo ông, liệu Nga có lại bị Liên hiệp Châu Âu rồi Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án một lần nữa hay không ?
Trần Bằng : Không ai biết trước được vì chưa có kết quả điều tra vì sao đập bị vỡ và nếu bị phá thì ai là tác giả vụ phá đập. Nhưng tôi nghĩ có lẽ khả năng Nga chịu trách nhiệm cho vụ này thì nhiều hơn là Ukraine. Nhưng ngay cả giả sử sau này kết quả điều tra cho thấy Nga phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này, thì giờ đến mức này, Nga cũng sẽ mặc kệ thôi. Họ không quan tâm nữa, bị lên án nhiều rồi thì bị lên án thêm nữa cũng vậy. Bây giờ bên nào thắng trên chiến trường sẽ có tiếng nói quyết định về cục diện.
RFA : Liệu có thể dự đoán lương thực thế giới sẽ thiếu hụt hơn nữa ? Giá lương thực ở Châu Âu và Hoa kỳ có thể tăng ? Châu Âu và Mỹ sẽ có thêm khó khăn gì khi phải cứu trợ nạn nhân trận lụt, giải quyết thảm hoạ môi trường vì một kho dầu cũng bị rò rỉ theo dòng nước lụt ?
Trần Bằng : Tôi không đủ thông tin để xác định sản lượng lương thực trong khu vực ngập lụt là bao nhiêu % trên tổng số diện tích canh tác còn trong tầm kiểm soát của Ukraine. Ngoài ra cần phải có thêm thông tin về năng lực xuất khẩu qua đường bộ trước sự kiện này, và theo dõi xem nó sẽ thế nào trong tương lai. Nhưng nhìn chung tôi có cảm giác là càng xáo trộn thì giá cả sẽ tăng, trong dài hạn thì EU và Mĩ (cũng như thế giới) sẽ khắc phục được, còn trong ngắn hạn thì sẽ khó khăn.
Về cứu trợ thì có lẽ Mỹ, Châu Âu và Ukraine chỉ có thể cứu trợ nạn nhân trong vùng do Ukraine kiểm soát thôi, còn vùng Nga kiểm soát thì họ không thể.
Về vấn đề môi trường thì tôi nghĩ môi trường Ukraine đã bị nhiễm độc do thuốc nổ nhiều lắm rồi, ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc thì còn lâu nữa mới giải quyết xong.
RFA : Giả sử Putin là bên phá con đập này, liệu Putin tính toán gì đối với người dân Mỹ và Châu Âu nếu làm điều đó ? Có phải Putin muốn người dân Mỹ và Châu Âu gặp thêm khó khăn để không ủng hộ Ukraine nữa ?
Trần Bằng : Phá đập gây ngập lụt để ngăn cản đối phương tấn công không phải là mới. Ukraine cũng đã buộc phải làm vậy để ngăn xe tăng Nga tiến về Kyiv hồi 2022. Bây giờ thì Ukraine đang ở chuẩn bị tấn công. Tôi nghĩ nếu Putin là bên phá đập thì mục đích chỉ là để ngăn Ukraine phản công là chính, còn ảnh hưởng của nó đến Mĩ và EU có lẽ rất ít.
RFA : Liệu Nga có còn năng lực và cơ hội giữ được vùng Viễn Đông Nga, nơi có diện tích gấp 5 lần Trung Quốc nhưng dân số chỉ 8 triệu người, tiếp giáp với 3 tỉnh Trung Quốc với 120 triệu dân ?
Trần Bằng : Việc giữ được hay không phần Viễn Đông phụ thuộc vào sự khôn ngoan của giới chính trị Nga. Tôi không tin tin là Nga sẽ rơi vào cảnh khó khăn như Triều Tiên vì Nga vẫn còn tiềm lực công nghệ, còn tài nguyên, còn vũ khí hạt nhân và năng lực xuất khẩu vũ khí thông thường. Nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ lợi dụng để mở rộng ảnh hưởng, không loại trừ việc chiếm thêm đất. Về kinh tế, khu vực Hei Long Jiang (Hắc Long Giang) ra biển qua Vladivostok có ngắn chút so với ra Dalian (Đại Liên) nhưng có lẽ không đáng kể lắm, tuy vậy, về đất đai thì Trung Quốc luôn muốn thêm. Tư duy kiểu cũ của họ không thay đổi được.
RFA : Bắt đầu từ sự suy tàn của Nga, chúng ta hãy quay trở lại quan hệ Mỹ Trung và cuối cùng là ảnh hưởng tới Việt Nam. Liệu Mỹ có lại cần đến Trung Quốc để xử lý một nước Nga suy tàn, bị cô lập, đem vũ khí hạt nhân ra dọa thế giới, giống như họ cần Trung Quốc để giữ yên Bắc Triều Tiên ?
Trần Bằng : Không ai có thể tiên đoán hoặc khẳng định gì về tương lai. Nhưng xu thế chung là phương Tây có lẽ giải quyết xong Nga thì sẽ đến lượt Mĩ - Trung tranh hùng gây cấn hơn. Họ sẽ không đánh nhau trực tiếp, như Liên Xô và Mỹ không đánh nhau vậy. Nếu có va chạm, các cường quốc sẽ va chạm ở vùng đệm trước. Và chúng ta không thể biết vùng đệm đó là vùng nào trong tương lai.
Vùng đệm đó sẽ phải nhỏ, vừa đủ để hai bên thử sức. Không loại trừ đó có thể là Việt Nam và Biển Đông vì nó "vừa miếng" với tất cả. Thành ra tôi không nghĩ là Mĩ sẽ cần Trung Quốc để kiểm soát Nga. Châu Âu "kèm" Nga là được rồi, nó làm Châu Âu không thể thoát quá xa khỏi Mĩ, vừa giữ cho Nga không quá cực đoan.
RFA : Việt Nam và Nga đã có kế hoạch cho chuyến thăm của Putin đến Việt Nam trong mùa hè này. Giả sử có kết quả điều tra là đập vỡ vì Nga phá, liệu Việt Nam sẽ huỷ chuyến thăm của Putin vì hình ảnh xấu đó ?
Trần Bằng : Việt Nam cần Nga để cân bằng với Trung Quốc, đúng hơn là Việt Nam cố gắng neo với Nga, với hi vọng làm Trung Quốc cư xử vừa phải hơn. Đấy có lẽ là lí do lớn nhất, ngoài chuyện mua vũ khí Nga thì rất dễ dàng, do Nga không có cơ chế minh bạch như Mỹ hay Châu Âu.
Thành ra chuyện đập nước bị phá chắc không ảnh hưởng đến tính toán chiến lược của Việt Nam với Nga.
Còn nếu đánh giá về chiến lược này của Việt Nam, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của Việt Nam là neo chính trị, quân sự và kinh tế vào cả 3 hướng Trung Quốc, Nga và phương Tây. Từ trước tới nay, 3 bên có xung đột nhưng thấp, thì đó là chiến lược tốt. Từ khi chiến tranh Ukraine đến nay, cả 3 ông lớn xoay ra đánh nhau thì chiến lược đó là gánh nặng, Việt Nam nên tìm cách thay đổi để tìm giải pháp tối ưu.
Tôi nghĩ là Việt Nam không hẳn cảm thấy thoải mái khi bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết lên án Nga ở Liên Hiệp Quốc. Ví dụ như ở Đối thoại Shangri-La 2023 vừa rồi, Việt Nam tham dự nhưng im lặng. Có lẽ vì trong lúc căng thẳng ở Ukraine và Biển Đông vẫn đang diễn ra, Việt Nam không muốn phát biểu. Hoặc cũng có thể Việt Nam đang kẹt trong tư duy của chính mình, vừa là kẹt tư duy chính sách, vừa là kẹt trong tư duy thích làm "đại trượng phu", nghĩa hiệp, không bỏ bạn cũ, bất luận bối cảnh thế giới đã thay đổi.
Rất lạ là Việt Nam tuy một mặt nghĩ mình yếu và chấp nhận nhẫn nhịn cho qua chuyện, nhưng luôn thích làm người nghĩa hiệp. Trong khi Trung Quốc đang tung tàu khảo sát xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố công khai là đang hoạt động trong vùng thuộc quyền tài phán của họ, thì Việt Nam vẫn mời tàu hải quân Trung Quốc đến "giao lưu". (Xem báo Dân Việt : "Ngắm tàu Hải quân Trung Quốc đang thăm Đà Nẵng"). Có lẽ Việt Nam muốn nói rằng ta rất quân tử, tuy Trung Quốc xấu nhưng ta cư xử vẫn đúng mực. Nhìn từ một khía cạnh nào đó thì khá giống nhân vật AQ trong tiểu thuyết "AQ chính truyện" của Lỗ Tấn.
RFA : RFA xin cảm ơn hai nhà nghiên cứu Raymond Powell và Trần Bằng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nguồn : RFA, 08/06/2023