Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc đã trở thành cường quốc khoa học và công nghệ như thế nào sau nhiều thập kỷ "bắt chước"

Từ lâu, Trung Quốc được xem là một quốc gia chuyên đi "bắt chước", "cài gián điệp" để phát triển khoa học và công nghệ. Thế nhưng ngày nay, Trung Quốc đã trở thành đối thủ của các cường quốc thế giới, thậm chí còn dẫn đầu trong một số lĩnh vực.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế, giáo sư Stéphane Aymard tại đại học La Rochelle, Pháp, đã có bài phân tích về chủ đề này, theo đó Trung Quốc không còn là một "lò sản xuất khoa học" chỉ thiên về số lượng hơn là chất lượng. 

RFI xin giới thiệu.    

tqsieucuong1

Trong một xưởng sản xuất của Công ty Jiangxi Lanke Semiconductor Co., LTD., ở Jiujiang, Trung Quốc, tháng 5/2022. humphery/Shutterstock

Trong giai đoạn phát triển quan hệ kinh tế giữa các nước phương Tây và Trung Quốc, sau khi Pháp công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1964, đến lượt Mỹ vào năm 1978, các thỏa thuận đầu tiên đã được thực hiện dựa trên "đối tác chiến lược", với việc triển khai các loại công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc.   

Về phía Pháp, các dự án đường sắt hoặc hạt nhân dân sự đã mở ra các hợp đồng quan trọng. Ví dụ rõ ràng nhất là nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á - Daya Bay (Quảng Đông, Trung Quốc). Sau đó, các hợp tác được cân bằng hơn, với các hợp đồng bán và hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không, đi kèm với các chuyển giao công nghệ. Theo thời gian, Trung Quốc đã có được những tri thức và hiểu biết. Quốc gia này ngày càng ít phụ thuộc vào công nghệ từ phương Tây và đã có thể tự phát triển công nghệ của riêng mình.    

Theo một báo cáo của Viện Chính sách Khoa học Úc (Australian Sciences Policy Institute - ASPI), Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, và đứng trước Hoa Kỳ 37 trong số 44 loại công nghệ "quan trọng", mà ASPI đã xác định. Các loại công nghệ như : liên lạc tần số vô tuyến 5G, 6G, hydrogen, pin điện, vật liệu nano, siêu âm, lớp phủ tiên tiến… Trong số đó, có 8 công nghệ mà Trung Quốc có khả năng độc quyền rất cao.     

Ngay cả khi nghiên cứu này được dựa trên các cải tiến về công nghệ và không phải về thương mại hóa các công nghệ đó, thì rõ ràng là các chuyển giao công nghệ từ những thập kỷ trước đã cho phép Trung Quốc gặt hái được thành quả.   

Điều này đã khiến các doanh nghiệp phương Tây bị thụt lùi trên thị trường quốc tế, trong các lĩnh vực điển hình như điện gió, đường sắt hay hàng không. Sau khi thực hiện chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, các doanh nghiệp phương Tây trong các lĩnh vực này đã bị cạnh tranh mạnh, thậm chí là bị các công ty Trung Quốc vượt mặt.    

Cuộc đua bằng sáng chế   

Tại các thị trường mới nổi, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc rất ngoạn mục. Ví dụ rõ nhất là trong lĩnh vực xe ô tô điện mà Trung Quốc chiếm tới 60% thị trường thế giới vào năm 2022. Nhìn chung, về đổi mới và công nghệ mới nổi, việc phân tích các hồ sơ xin cấp bằng sáng chế cho phép có cái nhìn tổng quan. Theo Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Thế giới, World Property Office (WIPO), trực thuộc Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã vượt xa và dẫn trước các nước khác từ lâu về số lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế.     

Trung Quốc tập trung trên hết vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và điện tử. Ngày nay, tập đoàn Hoa Vi (Huawei), là tập đoàn đứng đầu thế giới về đăng ký sáng chế, trước cả Samsung.  

Để đánh giá các chỉ số nói trên, tổ chức WIPO cũng đã công bố "Global Innovation Index", dựa trên 80 thông số, bao gồm môi trường chính trị, quy định, đào tạo, cơ sở hạ tầng, cũng như thị trường tài chính…, thêm vào đó là các cải tiến theo đúng nghĩa. Trung Quốc đã lên đến vị trí thứ 11 và tiến bộ qua từng năm, cùng với các kết quả đáng chú ý đối với các tiêu chí chủ chốt : đứng đầu trong bảng xếp hạng PISA - so sánh chất lượng của hệ thống giáo dục, đứng thứ hai về số lượng cụm công nghệ, đứng thứ ba về chi tiêu trong nghiên cứu và phát triển (R&D), được tài trợ bởi các doanh nghiệp.    

Tạp chí Nature đã đăng một chỉ số gồm các dữ liệu từ 82 tạp chí khoa học lớn nhất thế giới. Chỉ số này cho phép đánh giá các cơ quan nghiên cứu trên quy mô toàn cầu. Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (CSA) dẫn đầu bảng xếp hạng, đứng trước Harvard, Max Planck Society và CNRS của Pháp. Với hơn 60.000 nhà nghiên cứu, tổ chức này lớn gấp đôi so với CNRS, vốn từ lâu là tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới.   

Chi tiêu dành cho khoa học và công nghệ lên đến 5 tỷ đôla (trong khi CNRS dành 4 tỷ đôla). Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc có các hạ tầng nghiên cứu, nằm trong số các tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới.     

Ấn phẩm khoa học áp đảo về số lượng và chất lượng  

Về cấp độ cá nhân, nghĩa là ở cấp các nhà nghiên cứu, Trung Quốc từ lâu đã chú trọng đến việc tuyển dụng những người giỏi nhất thế giới, trước khi dần dần cho phép một thế hệ mới tỏa sáng trên trường quốc tế. Ngày nay, các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày càng có vị trí tốt hơn trong các bảng xếp hạng quốc tế. Để tránh gặp phải những khó khăn liên quan đến việc phân tích "một lò sản xuất khoa học" đại trà, chất lượng thấp, các tiêu chí đánh giá mới đã được sử dụng, như là số lần trích dẫn trong các nghiên cứu khoa học đã được đăng.     

Trong số các chỉ số mới, AD Scientific Index (Alper-Doger Scientific Index) là được chú ý nhiều nhất. Chỉ số này dựa vào 9 thông số, giữa những lần đăng và lần được trích dẫn lại. Theo chỉ số này, trong bảng xếp hạng toàn cầu vào năm 2023, có 304 nhà khoa học Trung Quốc đứng trong top 10.000, 1982 nhà khoa học trop top 50.000 và 4178 trong top 100.000.   

Để so sánh, số các nhà khoa học Pháp chỉ bằng một nửa, ít hơn nhiều so với các nhà khoa học Trung Quốc.     

Với bảng xếp hạng này, vị trí dẫn đầu của Hoa Kỳ vẫn không bị đe dọa, nhưng Trung Quốc hiện, về mặt số lượng, như là một cường quốc khoa học, đi trước phần lớn các cường quốc phương Tây.  

Ở cấp độ các cơ sở đào tạo và nghiên cứu cao cấp, các bảng xếp hạng quốc tế cũng chỉ ra sự hiện diện lớn của Trung Quốc. Ví dụ, 16 cơ sở của Trung Quốc nằm trong số 25 cơ sở đứng đầu theo bảng xếp hạng Leiden, đánh giá các trường đại học theo tiêu chí số lượng (tổng số bài đăng khoa học) và chất lượng (chỉ tính đến các ấn phẩm thuộc nhóm 10% được đánh giá cao nhất).    

Nhìn chung, Trung Quốc ngày nay giống như là một quốc gia có khả năng của riêng mình về nghiên cứu và cải tiến, cạnh tranh với các nước lớn nhất trên thế giới, thậm chí vượt trước họ.    

Nghi vấn gián điệp ?  

Từ nhiều thập kỷ qua, các nước phương Tây nghi ngờ Trung Quốc có gián điệp trên quy mô lớn, trong lĩnh vực quân sự cũng như trong các lĩnh vực khác như khoa học, công nghệ và công nghiệp. Các tác giả của cuốn "Chinese industrial espionage : technology acquisition and military modernisation", 2013, phân tích các phương tiện thu thập thông tin khoa học, nhất là từ chuyển giao công nghệ thông qua con đường ngoại giao, các doanh nghiệp Trung-Mỹ, hoặc Trung Quốc tại Hoa Kỳ cũng như cộng đồng Hoa kiều, gồm các nhà khoa học và các doanh nhân sáng tạo hoạt động ở Châu Âu và Hoa Kỳ.  

Việc thu hút các nhà khoa học phương Tây đến Trung Quốc và sự dịch chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) sang Trung Quốc góp phần vào hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Tương tự như việc huy động các sinh viên Trung Quốc đạt được kiến thức tại các trường đại học phương Tây.   

Các vụ kiện về "gián điệp mạng" gia tăng ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như là vụ kiện liên quan đến việc ăn cắp bằng sáng chế của doanh nghiệp công nghệ cao American Superconductor. Tại Pháp cũng vậy, một số vụ đã thu hút sự chú ý, như trường hợp của sinh viên Li Li Whuang, bị bắt vì làm gián điệp công nghiệp vào năm 2005 sau khi thực tập lại Valeo.   

Nhiều nghi vấn khác cũng được tiết lộ vào năm 2019 trong cuốn "France-Chine, Les liaisons dangereuses" (Pháp-Hoa, những quan hệ nguy hiểm) của Antoine Izambard.    

Thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ    

Các trường hợp này cho thấy sự tiến bộ của Trung Quốc, ngay cả khi có được vị trí thống trị, cũng không ngăn cản được một cuộc cạnh tranh khốc liệt, đi kèm với các hoạt động gián điệp. Điều này có thể thấy rõ hơn trong giới kinh doanh, khi doanh nghiệp thống lĩnh thị trường tiếp tục theo dõi trực tiếp hoặc gián tiếp các đối thủ cạnh tranh.   

Đối mặt với các hoạt động gián điệp như vậy, chủ nghĩa bảo hộ trở nên mạnh mẽ hơn. Tại Pháp, Cơ quan Thanh tra Tài chính (Inspection générale des finances-IGF), đã đăng một báo cáo vào năm 2022 về những thách thức trong việc bảo vệ kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Thượng Viện Pháp cũng đã công bố một báo cáo vào năm 2021, với tựa đề : Cần bảo vệ tốt hơn di sản khoa học và những tự do học thuật của Pháp. Những nỗ lực có thể là chưa đủ hoặc muộn màng.  

Stéphane Aymard

Nguyên tác : La puissance scientifique et technologique chinoise : de l’imitation au leadership mondial, The Converstion, 10/08/2023

Chi Phương biên dịch

Nguồn : RFI, 18/08/2023

Additional Info

  • Author Stéphane Aymard, Chi Phương
Published in Diễn đàn

Một vấn đề quan trọng trong các cuộc tranh luận hiện nay về đại chiến lược của Mỹ là các ưu tiên của nước này trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Mỹ nên dành bao nhiêu nguồn lực (tiền bạc, con người, thời gian, sự chú ý…) cho vấn đề này ? Liệu Trung Quốc có phải là thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ từng đối mặt, hay chỉ là gã khổng lồ với đôi chân bằng đất sét ? Việc chống lại Trung Quốc có nên được ưu tiên hơn tất cả các vấn đề khác (như Ukraine, biến đổi khí hậu, di cư, Iran…), hay nó chỉ nên là một trong số nhiều vấn đề và không nhất thiết phải quan trọng nhất ?

trungquoc1

Một chú gấu trúc con khổng lồ trong Chương trình nhân giống lớn nhất của Trung Quốc tại Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc khổng lồ Thành Đô vào ngày 19/9/2007 tại Thành Đô, Trung Quốc.

Đối với một số nhà quan sát – chẳng hạn như Elbridge Colby – chống lại Trung Quốc là ưu tiên cao nhất, và các nhà lãnh đạo Mỹ không được để mình bị phân tâm bởi Ukraine hoặc bất kỳ vấn đề chính sách đối ngoại nào khác. John Mearsheimer, người thỉnh thoảng là đồng tác giả với tôi, và Graham Allison, đồng nghiệp Harvard của tôi, đều quan tâm đến thách thức Trung Quốc, và đặc biệt đến những gì họ coi là nguy cơ chiến tranh đang gia tăng. Một nhóm cố vấn của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại gần đây đã lập luận rằng các xu hướng quân sự ở Châu Á đang thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, và kêu gọi nỗ lực gấp đôi để củng cố khả năng răn đe, đặc biệt là tại Eo biển Đài Loan. Hal Brands và Michael Beckley cho rằng sức mạnh của Trung Quốc đang gần đạt đến đỉnh, và Bắc Kinh sẽ chẳng thể làm gì để ngăn chặn sự suy tàn sau cùng của mình, nhưng họ coi khả năng này là một vấn đề cần cảnh giác hơn là một sự trấn an. Ngược lại, Michael Swaine, đồng nghiệp tại Viện Quincy của tôi, và Jessica Chen Weiss, học giả Đại học Cornell, cho rằng chúng ta đang phóng đại mối nguy mà Trung Quốc gây ra và lo lắng rằng hai nước sẽ rơi vào vòng xoáy tự ngờ vực, theo đó khiến cả hai bên cùng thiệt hại bất kể ai là người chiến thắng cuối cùng.

Những đánh giá khác nhau này chỉ là một ví dụ nhỏ về các ý kiến mà bạn có thể tìm thấy nhằm dự đoán quỹ đạo tương lai của Trung Quốc. Tôi không biết ai đúng – và bạn cũng vậy – và tôi thừa nhận rằng một vài trong số các nhà quan sát này biết nhiều về Trung Quốc hơn tôi. Tất nhiên, tôi có linh cảm của mình, nhưng tôi khá thất vọng khi cộng đồng các nhà quan sát Trung Quốc không đạt được sự đồng thuận. Do đó, như một hành động công ích (và hy vọng có thể truyền cảm hứng cho họ), tôi xin nêu năm câu hỏi lớn hàng đầu của tôi về Trung Quốc. Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ cho bạn biết rõ hơn mình nên lo sợ đến mức nào.

1. Tương lai kinh tế của Trung Quốc sáng sủa, đen tối, hay ở đâu đó giữa hai thái cực này ?

Quyền lực trong chính trị quốc tế sau cùng vẫn dựa trên kinh tế. Cứ nói tất cả những gì bạn muốn về "sức mạnh mềm", tài năng của các nhà lãnh đạo cá nhân, tầm quan trọng của "bản sắc dân tộc", vai trò của cơ hội, và hơn thế nữa. Nhưng khả năng để một quốc gia tự bảo vệ mình và định hình môi trường rộng lớn hơn vẫn phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế của nó. Bạn cần một dân số đông để trở thành một cường quốc, nhưng bạn cũng cần một lượng của cải đáng kể, cùng một nền kinh tế đa dạng và phát triển. Sức mạnh kinh tế cứng là thứ cho phép một quốc gia chế tạo nhiều vũ khí tiên tiến và huấn luyện một quân đội hạng nhất, cung cấp loại hàng hóa và dịch vụ mà những nước khác muốn mua, từ đó nâng cao cuộc sống của chính các công dân nước đó, đồng thời tạo ra thặng dư có thể được sử dụng để xây dựng ảnh hưởng khắp thế giới. Được nước khác công nhận là có năng lực và thành công về kinh tế cũng là một cách để giành được sự tôn trọng của họ, khiến họ lắng nghe lời khuyên của bạn, và nâng cao sức hấp dẫn cho mô hình chính trị của bạn.

Thành tích kinh tế của Trung Quốc trong 40 năm qua thật phi thường, và không một nhà phân tích nghiêm túc nào tin rằng nền kinh tế nước này sẽ suy thoái đến mức bị tụt khỏi hàng ngũ các cường quốc. Tuy nhiên, như sự phục hồi chậm chạp sau Covid đã cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược ngày càng mạnh và khó mà yếu đi. Dân số nước này đang già đi và giảm dần, nghĩa là lượng người lao động ngày càng ít sẽ phải hỗ trợ lượng người về hưu ngày càng nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là hơn 21%, và tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity, TFP) đã giảm mạnh trong thập niên vừa qua. Hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn thiếu minh bạch và ngập trong nợ, trong khi lĩnh vực bất động sản – từng là một nguồn tăng trưởng chính – cũng gặp khó khăn lớn. Tổng hợp những điều này lại với nhau, chúng ta sẽ hiểu tại sao nhiều nhà phân tích lại bi quan về triển vọng dài hạn của Trung Quốc. Như tôi sẽ thảo luận dưới đây, chính sách của Mỹ và chất lượng lãnh đạo của Trung Quốc có thể làm cho những vấn đề này trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, tin vào thất bại của Trung Quốc sẽ là một vụ cá cược rủi ro. Các ngành công nghiệp của nước này đang thống trị một số lĩnh vực quan trọng – bao gồm công nghệ năng lượng mặt trời và gió – và ngành xe điện của họ cũng vượt trội hơn phần còn lại của thế giới. Ba trong số các công ty xây dựng hàng đầu thế giới (gồm cả công ty có doanh thu hàng năm lớn nhất) là của Trung Quốc. Nước này đã tìm đủ mọi cách để đảm bảo quyền tiếp cận các khoáng sản và kim loại quan trọng, và dần dần có thể ở vào vị trí từ chối quyền tiếp cận của những nước khác. Có đủ mọi lý do để kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục là một chủ thể kinh tế lớn trong tương lai xa. Nhưng câu hỏi lớn là liệu họ có vượt qua được Mỹ, và để Mỹ vĩnh viễn tụt lại phía sau trong hầu hết các khía cạnh của sức mạnh kinh tế, hay hai bên sẽ ngang hàng với nhau. Ngay cả khi biết câu trả lời cho câu hỏi này, bạn vẫn còn lâu mới biết mình nên lo lắng đến mức nào.

2. Các biện pháp soát xuất khẩu của Mỹ có hiệu quả không ?

Cách bạn trả lời câu hỏi đầu tiên phụ thuộc một phần vào việc bạn có tin rằng cuộc thương chiến của chính quyền Biden chống lại Trung Quốc sẽ thành công hay không. Bằng cách ngăn Trung Quốc tiếp cận chất bán dẫn tiên tiến (và các công nghệ liên quan), Mỹ đang hy vọng duy trì ưu thế công nghệ trong lĩnh vực quan trọng này. Dù các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng những biện pháp này chỉ giới hạn trong các quan ngại an ninh quốc gia hẹp (điều mà Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan mô tả là "sân nhỏ và hàng rào cao"), mục đích thực sự có lẽ là làm chậm bước tiến công nghệ của Trung Quốc trên diện rộng.

Câu hỏi đặt ra là liệu chiến dịch này có thành công trong dài hạn hay không. Ngay cả việc phân tách một phần cũng đòi hỏi sự trả giá, và những hạn chế này sẽ làm chậm sự đổi mới ở Mỹ, chưa kể, các quốc gia khác phải tuân theo thì chiến dịch của Mỹ mới có thể hoạt động. Các rào cản công nghệ không bao giờ hiệu quả 100%, và chính sách này mang lại cho Trung Quốc một động lực lớn để dần trở nên tự chủ hơn. Vì lý do này và những lý do khác, các chuyên gia thường không đồng ý về mức độ hiệu quả của các biện pháp này.

Đừng quên rằng khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phát huy tác dụng – như trường hợp Nhật Bản năm 1941 – thì quốc gia bị nhắm mục tiêu sẽ không khoanh tay chịu đựng. Trung Quốc đã sẵn sàng trả đũa các công ty và đồng minh của Mỹ, và các biện pháp đối phó của họ có thể không dừng lại ở đó.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là nếu bạn tin rằng chiến dịch này sẽ hoạt động hiệu quả, thì bạn sẽ bớt lo lắng hơn về thách thức dài hạn mà Trung Quốc đặt ra đối với vị thế bá chủ của Mỹ hoặc với trật tự toàn cầu hiện có. Nếu bạn tin rằng chiến dịch này chỉ hiệu quả trong một thời gian chứ không phải mãi mãi, hoặc nó cuối cùng sẽ gây ra phản ứng dữ dội ở Trung Quốc và một số quốc gia quan trọng khác, thì bạn nên lo lắng nhiều hơn.

3. Tập Cận Bình là Mao Trạch Đông hay Lý Quang Diệu mới ?

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đã bắt đầu dưới "sự lãnh đạo tập thể" thời hậu Mao, dù thực ra Đặng Tiểu Bình là "người đứng đầu trong số những người ngang hàng" trong hệ thống phân cấp của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay, Tập đã tập trung quyền lực ở một mức độ chưa từng thấy kể từ thời Mao, và đã nuôi dưỡng một sự sùng bái cá nhân giống như Mao, theo đó những ý tưởng của ông được cho là không thể sai lầm và những quyết định của ông là không thể bị nghi ngờ.

Để cho một người nắm giữ quyền lực không được kiểm soát trong một quốc gia thường là công thức dẫn đến thảm họa. Không có con người nào lại không thể sai lầm, và việc để một người đầy tham vọng và quyết tâm tự do hành động mà không bị kiểm soát sẽ làm tăng khả năng mắc phải những sai lầm lớn và không được sửa chữa trong một thời gian dài. Bạn chỉ cần nghĩ tới Đại Nhảy Vọt đầy thiếu sót của Mao (gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người), hoặc thiệt hại mà Trung Quốc phải gánh chịu trong Cách mạng Văn hóa. Nếu những ví dụ này chưa đủ, hãy xem cái giá phải trả cho những quan điểm tai hại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về chính sách tiền tệ, hoặc mớ hỗn độn xảy ra sau khi Elon Musk tiếp quản mạng xã hội trước đây được gọi là Twitter.

Chắc chắn, vẫn có một số cá nhân đặc biệt, những người liên tục đánh bại thị trường và không bao giờ mắc sai lầm nghiêm trọng. Các nhân vật như Warren Buffett hoặc Lý Quang Diệu đã tiệm cận mức độ thông thái này, nhưng phần lớn các nhà lãnh đạo đều còn thiếu sót. Quan điểm của tôi là tương lai gần và trung hạn của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu Tập Cận Bình có khôn ngoan bằng một nửa những gì ông ta nghĩ hay không. Ông rõ ràng là một thiên tài trong việc củng cố quyền lực – như được thấy trong cuộc thanh trừng gần đây đối với cựu Ngoại trưởng Tần Cương và một số sĩ quan quân đội hàng đầu – nhưng ông cũng mắc sai lầm trong quản lý đại dịch, kìm hãm một số ngôi sao sáng nhất của nền kinh tế Trung Quốc, và đã chứng kiến sự suy giảm hình ảnh toàn cầu của nước này. Và càng tích lũy được nhiều quyền lực, thì các quyết định chính sách của ông dường như càng tồi tệ hơn. Những người bi quan về triển vọng kinh tế của Trung Quốc có lẽ đã lưu tâm đến thực tế rằng Tập có thể sẽ giữ chức vụ này cả đời.

4. Liệu Châu Á có cân bằng hiệu quả ?

Một trong những thất bại lớn của Tập Cận Bình là đã không làm nhiều hơn để ngăn cản các nước láng giềng của Trung Quốc tham gia vào lực lượng đối trọng với Bắc Kinh. Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn khiến các quốc gia Châu Á khác lo ngại, nhưng việc công khai tuyên bố tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, áp dụng "chính sách ngoại giao chiến lang", phản ứng thái quá trước những hành vi được cho là xem thường, và sử dụng chiến thuật cắt lát salami hung hăng ở Đài Loan và Biển Đông đã khiến vấn đề trở nên càng tồi tệ hơn.

Kết quả là gì ? Ấn Độ và Mỹ tiếp tục xích lại gần nhau hơn, và giờ đây, họ cùng với Nhật Bản và Australia tham gia Đối thoại An ninh Bốn bên. Thỏa thuận AUKUS đã củng cố quan hệ chiến lược (và hợp tác an ninh) giữa Mỹ, Australia, và Vương quốc Anh. Nhật Bản đang nhanh chóng tăng chi tiêu quốc phòng và hàn gắn quan hệ với Hàn Quốc. Xa hơn, Liên Hiệp Châu Âu dần ít hứng thú với đầu tư từ Trung Quốc, và dư luận ở Châu Âu và Châu Á đã trở nên thận trọng hơn nhiều đối với vai trò toàn cầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ hiệu quả cuối cùng của các biện pháp này. Như tôi từng nhận xét, một liên minh cân bằng ở Châu Á sẽ phải đối mặt với các vấn đề quan trọng về hành động tập thể, và Châu Âu sẽ không đảm nhận vai trò chiến lược chính ở đây. Khoảng cách địa lý giữa các quốc gia này là rất lớn (có thể khiến một số nước quyết định rút lui nếu rắc rối ở xa họ), không ai muốn mất hoàn toàn quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, và các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản có một quá khứ đầy rắc rối. Nhiều quốc gia trong số này có thể muốn để Chú Sam xử lý Trung Quốc trong khi họ chỉ là kẻ ăn theo, điều này sẽ làm suy yếu khả năng răn đe, và cuối cùng có thể dẫn đến phản ứng dữ dội tại Mỹ. Cũng chính những quốc gia này thường có xu hướng lo lắng nếu Mỹ trở nên quá đối đầu, bởi họ không muốn chịu thiệt hại trong một cuộc đụng độ Mỹ-Trung.

Ngày nay, Mỹ và các đối tác Châu Á của họ đang tích cực cân bằng – như kỳ vọng của lý thuyết cân bằng quyền lực/ cân bằng đe dọa – nhưng liệu họ có làm đủ hay không thì gần như không thể đoán trước. Nếu câu trả lời là đủ, Trung Quốc sẽ khó mà trở thành bá quyền Châu Á và nguy cơ chiến tranh sẽ giảm xuống. Nếu câu trả lời là không đủ, có lẽ bạn nên lo lắng hơn một chút. Phần lớn vấn đề phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có thể lãnh đạo một liên minh dễ bị chia rẽ và tìm ra điểm cân bằng giữa làm quá nhiều và làm quá ít hay không. Và ai sẽ muốn đặt cược vào điều đó ?

5. Phần còn lại của thế giới sẽ làm gì ?

Vấn đề sau cùng không phải là về Trung Quốc, mà là về cách phần còn lại của thế giới sẽ phản ứng. Một mô hình rõ ràng đang nổi lên : Các quốc gia Châu Á lo lắng nhất về Trung Quốc đang xích lại gần nhau và hướng về Mỹ ; phần lớn Châu Âu miễn cưỡng đi theo sự dẫn dắt của Mỹ, bởi họ vẫn phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ và do đó không có nhiều sự lựa chọn ; Nga cũng có rất ít sự lựa chọn ngoài việc gắn bó với cường quốc đối tác duy nhất của mình ; và các cường quốc tầm trung trên khắp thế giới đang phòng bị nước đôi, tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng chiến lược (về thương mại và đầu tư, quan hệ ngoại giao và hỗ trợ quân sự), đồng thời cố gắng tránh phải chọn phe. Đối với Nam Phi, Ả Rập Saudi, Brazil, và một số quốc gia khác, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là cơ hội để hai cường quốc này loại bỏ lẫn nhau, còn họ thì hưởng lợi từ mối quan hệ với cả hai.

Quan trọng là ai trong hai cường quốc mạnh nhất sẽ chơi trò chơi mới này một cách hiệu quả nhất. Trong 30 năm qua, Mỹ đã nhiều lần bỏ lỡ thiện chí ở các nước đang phát triển, và những thất bại của họ đã tạo cơ hội cho Trung Quốc. Nhưng các hành động của chính Trung Quốc – bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường được ca tụng – lại không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi mà nhiều người mong đợi. Nhìn về phía trước, chúng ta sẽ thấy một trật tự thế giới trông giống thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh đến mức đáng ngạc nhiên : Mỹ liên kết với Châu Âu, phần lớn Đông Á và Thái Bình Dương, Trung Quốc liên kết với Nga và một số nước đang phát triển chủ chốt, trong khi các cường quốc tầm trung khác dao động giữa hai bên. Đội hình cuối cùng sẽ không phải là một đội hình hoàn hảo, và một số người chơi sẽ đổi đội, nhưng mô hình tổng thể giống với mô hình mà chúng ta từng thấy trước đây.

Ngoài ra, vẫn còn những điều ta chưa biết được. Nếu bạn thực sự muốn lo lắng về Trung Quốc, hoặc nếu thổi phồng mối đe dọa là một phần trong mô tả công việc của bạn, thì bạn luôn có thể tin vào những tình huống đáng sợ mà người ngoài gần như không thể hiểu được. Nỗi sợ Cộng sản (Red Scare) hồi thập niên 1950 là một ví dụ điển hình : Nhiều người Mỹ thực sự tin rằng xã hội của họ đang bị xâm nhập và phá hoại bởi rất nhiều người giả vờ là công dân yêu nước, nhưng thực chất lại bí mật trung thành với các lãnh chúa độc ác của Điện Kremlin. Những nỗi sợ kiểu này đã bị thổi phồng quá mức nhưng cũng khó bác bỏ, vì làm sao ta có thể biết được những suy nghĩ và lòng trung thành sâu kín nhất của người khác ?

Dưới góc độ này, chúng ta nên hiểu như thế nào về câu chuyện gần đây trên tờ New York Times mô tả những nỗ lực của Mỹ nhằm tìm kiếm và loại bỏ mã độc mà tin tặc Trung Quốc được cho là đã bí mật cài vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, có lẽ là để làm gián đoạn hoặc trì hoãn phản ứng quân sự của Mỹ trước một cuộc xung đột trong tương lai ? Những lo ngại về một Trân Châu Cảng trên không gian mạng đã xuất hiện từ lâu, nhưng bài báo cho rằng mối nguy đang thực sự hiện hữu. Tuy nhiên, rất khó để biết chúng ta nên lo lắng đến mức nào vì không ai biết mức độ hiệu quả của loại mã độc này, và không ai có thể chắc chắn 100% rằng không có những mã độc thậm chí còn nguy hiểm hơn đang ẩn nấp đâu đó mà các chuyên gia an ninh mạng của chúng ta vẫn chưa tìm thấy.

Có lẽ chúng ta nên thực sự lo lắng, nhưng điều gây ấn tượng với tôi về bài viết của tờ Times, dựa trên các cuộc phỏng vấn với các quan chức chính quyền cấp cao giấu tên (nghĩa là rò rỉ thông tin một cách chính thức), là nó hầu như không nhắc đến những nỗ lực của Mỹ để làm điều tương tự ở Trung Quốc. Bài báo có trích lời một quan chức Trung Quốc phàn nàn về các cuộc tấn công mạng mà nước này phải đối mặt, mà ông nói rằng hầu hết đến từ "các nguồn ở Mỹ", nhưng còn lại thì bài báo không đề cập đến điều mà các chiến binh mạng của Mỹ đang làm. Thật khó để tin rằng Trung Quốc đã cài đặt phần mềm độc hại trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ suốt nhiều năm, nhưng những thiên tài được tài trợ dư dả ở Cơ quan An ninh Quốc gia hoặc Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ lại chỉ đang chơi trò phòng thủ. Nếu sự thực đúng là vậy, thì chúng ta nên lo lắng về một vấn đề khác, lớn hơn.

Tóm lại thì, ta nên sợ hãi đến mức nào ? Tôi không biết. Nếu lịch sử là một bài học, thì Mỹ nhiều khả năng đang phản ứng thái quá, hơn là phản ứng dưới mức, trước một thách thức có thể đến từ Trung Quốc, và sự nhiệt tình hiện tại của lưỡng đảng trong việc đối đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt trận đã củng cố dự đoán này. Nhưng việc bạn nghĩ chúng ta đang làm quá nhiều hay quá ít phụ thuộc phần lớn vào cách bạn trả lời năm câu hỏi được liệt kê ở trên. Tôi sẽ vô cùng biết ơn nếu một số chuyên gia về Trung Quốc cùng nhau cố gắng thu hẹp phạm vi bất đồng. Sẽ tốt hơn nữa nếu họ làm như vậy một cách công khai và trình bày nguồn gốc cũng như lý do của họ càng chi tiết càng tốt, để những người quan tâm đến các câu hỏi này có thể có những cuộc tranh luận đầy đủ thông tin hơn về câu hỏi chiến lược quan trọng này.

Stephen M. Walt

Nguyên tác : "Here’s How Scared of China You Should Be", Foreign Policy, 07/08/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/08/2023

Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.

Additional Info

  • Author Stephen M. Walt, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Khi căng thẳng địa-chính trị gia tăng, nới rộng khoảng cách giữa Trung Quốc và phương Tây, ít du khách phương Tây nào muốn đặt đến, vì nguy cơ sẽ bị bắt giữ một cách vô nguyên tắc.

1574810246

Vài khách du lịch đi dạo tại vườn dự viên, điểm nóng du lịch nổi tiếng ở Thượng Hải trong đêm hè ngày 3/8/2023 ở Thượng Hải, Trung Quốc. (ảnh : Ying Tang/NurPhoto via Getty Images)

Tác động bởi quan hệ xấu đi

Nửa năm sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 và mở cửa lại giao thông với thế giới, rất ít du khách quốc tế đến tham quan đất nước này, một dấu hiệu khác cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa Trung Quốc và phương Tây, đang gây ra những tác động xấu cho nhiều lĩnh vực, kể cả du lịch.

Nhưng không chỉ có du khách phương Tây, ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi số du khách ngoại quốc đến trong nửa đầu năm 2023 chưa bằng một phần tư so với cùng kỳ năm 2019, trước Covid-19. Tính chung, toàn đại lục Trung Hoa chỉ có 52,000 du khách ngoại quốc đến trong Quý I, so với 3.7 triệu người cùng kỳ 2019.

Hai năm trước, gần một nửa số du khách đến Trung Quốc từ hòn đảo tự trị Đài Loan và Hong Kong, Ma Cao và rất ít người đến từ Hoa Kỳ, Châu Âu và Đông Á. "Số lượng du khách từ Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm đáng kể" – Xiao Qianhui, Giám đốc Hiệp hội Du lịch Trung Quốc cho biết.

Công viên quốc gia Trương Gia Giới (Zhangjiajie) ở miền Trung Trung Quốc, một khu vực có những khối đá nổi bật, nơi quay những ngọn "núi nổi" trong bộ phim Avatar, chỉ có 25,600 du khách ngoại quốc đến trong 5 tháng đầu năm so với 500,000 du khách của cùng kỳ năm 2019.

Snow Yu, hướng dẫn viên du lịch ở Thượng Hải từng kiếm được nhiều tiền từ du khách ngoại quốc, đã phải đi dạy kèm Anh ngữ để kiếm sống, khi biên giới đóng cửa thời đại dịch. Yu trở lại với công việc cũ của mình nhưng đa phần là hướng dẫn các nhóm du lịch địa phương cho ít tiền tip hơn.

"Thu nhập của tôi giảm gần một nửa so với trước đại dịch", Yu nói. Các chuyên gia cho biết ít du khách và doanh nhân từ nước ngoài hơn, có nghĩa là ít cơ hội hơn cho người ngoại quốc tham quan các danh thắng của Trung Quốc và tương tác với người dân địa phương, một điều cần thiết để tăng cường hiểu biết và giảm căng thẳng địa chính trị.

Sự biến mất của du khách cũng làm giảm đầu tư vào Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp ngoại quốc vào nước này chỉ còn $20 tỷ trong Quý I năm nay so với $100 tỷ của cùng kỳ năm ngoái (theo phân tích số liệu chính phủ của công ty nghiên cứu Mark Witzke), khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ với thị trường nhà đất suy thoái, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục và lo ngại giảm phát sắp đến.

Nền kinh tế Trung Quốc hầu như không tăng trưởng trong Quý II so với Quý I. Thiếu các chuyến bay đến Trung Quốc do các hãng vận tải chưa khôi phục lại công suất trước Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến lượng du khách giảm.

Nhưng các chuyên gia du lịch xem yếu tố quan trọng nhất là nhiều du khách nước ngoài tránh xa Trung Quốc vì mối quan hệ xấu dần giữa Trung Quốc và phương Tây khiến người nước ngoài dễ bị làm phiền hơn khi đến quốc gia khó đoán này.

Sợ chuốc họa vào thân

Hồi Tháng Sáu, chính phủ Hoa Kỳ cảnh báo người Mỹ hãy suy nghĩ kỹ trước khi du lịch đến Trung Quốc để tránh là nạn nhân của "việc thực thi luật pháp địa phương một cách tùy tiện", gồm cả lệnh cấm xuất cảnh và bị bắt giam vô pháp.

Nhà tư vấn kinh doanh Matt Kelly có trụ sở tại Boston cho biết ông có những kỷ niệm đẹp về chuyến đi đến Trung Quốc cách nay 15 năm, như đạp xe quanh thành phố đồi núi đẹp như tranh vẽ tại Quế Lâm ở miền Nam, khiến ông phải quay trở lại nơi đây hai lần nữa, nhưng giờ thì ông… hết hứng rồi. "Sắp tới không biết sao, chứ vào lúc này tôi không thể đến Trung Quốc, vì họ đang quyết liệt chống phương Tây, đặc biệt là chống Mỹ, nên tôi rất khó chịu".’

Peggy Goldman, người sáng lập và chủ tịch công ty Friendly Planet Travel có trụ sở tại Pennsylvania cho biết công ty bà từng đưa hơn 1,500 du khách đến Trung Quốc mỗi năm, nhưng kể từ Covid-19, công ty bà không nhận được yêu cầu nào. "Trong các điểm đến được mọi người tìm kiếm trực tuyến, Trung Quốc nằm ở cuối danh sách. Nơi đó có rất nhiều sự thù địch", bà nói.

Theo Mondee Holdings, một công ty công nghệ du lịch có trụ sở tại Austin (Texas), lượng khách du lịch giải trí từ Bắc Mỹ đến Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019, là năm mà Mondee bán khoảng nửa triệu chuyến bay từ Bắc Mỹ đến Trung Quốc thông qua các đại lý du lịch và các bên trung gian khác, chiếm khoảng 1/5 tổng số chuyến bay từ Bắc Mỹ đến Trung Quốc.

Dan Harris, một đối tác ở Seattle tại công ty luật Harris Bricken lý giải : "Dù các giám đốc điều hành doanh nghiệp du lịch vẫn quan tâm đến du lịch Trung Quốc, nhưng nhiều người nghĩ nhiều đến những rủi ro, trong khi trước đây, họ chỉ tìm hiểu cách cấp thị thực nhanh và tư vấn đầu tư vào Trung Quốc. Họ lo lắng về sự an toàn khi khách của mình đến Trung Quốc.

Đọc tin tức về các cuộc điều tra gần đây của Trung Quốc đối với các công ty có liên quan đến phương Tây, gồm cả cuộc tấn công của chính phủ vào các công ty tư vấn toàn cầu như Bain & Co, sẽ không có ai dám đến Trung Quốc trừ khi họ phải đến, bản thân tôi cũng không còn muốn đến đó nữa".

1505133192

Một du khách đến từ Vương quốc Anh bắt chước robot công nghệ cao tại khu triển lãm Mianyang trong Hội chợ Quốc tế Miền Tây Trung Quốc (WCIF) lần thứ 19 vào ngày 29 Tháng Sáu 2023, tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. (ảnh : VCG/VCG via Getty Images)

Một nhóm khác đang tránh xa Trung Quốc là những người từng đóng vai trò là cầu nối giữa xã hội Trung Quốc và quê hương họ. Nhiều người còn mời gia đình và bạn bè đến thăm Trung Quốc. Nay, nhà tư vấn đầu tư Alexander Sirakov, 37 tuổi quyết định giã từ Thượng Hải để trở về quê hương Bulgaria vào Tháng Tám năm ngoái. "Hầu hết những người trong nhóm thân hữu của tôi cũng đã rời Trung Quốc, gồm cả 8/10 gia đình người nước ngoài sống trong khu nhà với tôi. Họ xem Trung Quốc là một quốc gia rất xa cách và phải xa lánh. Bốn năm trước hoàn toàn ngược lại".

Vận động trở lại

Gần đây, các quan chức Trung Quốc đã tổ chức các cuộc họp với các hiệp hội doanh nghiệp từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản để trấn an họ là Trung Quốc vẫn hoan nghênh đầu tư nước ngoài. Tại Diễn đàn An ninh Aspen diễn ra vào Tháng Bảy, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Xie Feng khuyên "du khách hai nước nên đến thăm lẫn nhau". Ông đề nghị tổ chức một diễn đàn du lịch và tăng số chuyến bay, đồng thời kêu gọi Washington điều chỉnh thông báo tư vấn du lịch đến Trung Quốc.

Sự vắng mặt của du khách nước ngoài có vẻ không ảnh hưởng đến Trung Quốc giống như Thái Lan hay Iceland (những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khách du lịch) vì du khách Trung Quốc đang chi tiêu nhiều cho du lịch nội địa so với 2019. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sống dựa vào du khách nước ngoài ; và thiếu du khách, Trung Quốc sẽ đánh mất cơ hội thể hiện mình dưới góc độ tích cực hơn với những người ở các quốc gia khác.

Sự sụt giảm du khách từ phương Tây và một phần Đông Á được bù đắp một phần bởi sự gia tăng số du khách Nga, nhưng những người này chi tiêu ít hơn. Vào Tháng Sáu, khi công viên quốc gia Trương Gia Giới (Zhangjiajie) mời hơn 80 công ty du lịch quốc tế đến tham quan, phần lớn là công ty Nga. Các quan chức địa phương hứa sẽ bổ sung thêm nhiều chuyến bay từ nước láng giềng phía Bắc hoặc từ các thành phố khác của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu, Xiao Qianhui, Giám đốc Hiệp hội Du lịch Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền trung ương hỗ trợ nhiều hơn. Ông nhấn mạnh : "Du lịch có thể giúp xoa dịu căng thẳng địa-chính trị theo cách tương tự như ngoại giao bóng bàn (đề cập đến hoạt động trao đổi bóng bàn trong thập niên 1970 đã giúp làm tan băng quan hệ giữa Mỹ-Trung)". Ông trích dẫn chuyến thăm Trung Quốc gần đây của người mẹ của tỷ phú Elon Musk mà khi về nước đã đăng những cảm nghĩ tích cực về trải nghiệm của bà trên Instagram.

Lê Tây Sơn

Nguồn : SaigonnhoNews, 04/08/2023

Additional Info

  • Author Lê Tây Sơn
Published in Diễn đàn

Sự biến mất bí ẩn của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương là một lời nhắc nhở kịp thời rằng tương lai của quan hệ Mỹ-Trung sẽ được quyết định không chỉ bởi chính sách của Mỹ và những gì đang xảy ra trong nước Mỹ, chẳng hạn như vận động bầu cử tổng thống, nó cũng sẽ được định hình bởi những diễn biến ở Trung Quốc, hiện không rõ ràng nhưng đáng lo ngại.

fareed1

Nhà bình luận Fareed Zakaria

Từ những gì người bên ngoài có thể nói, Trung Quốc hiện đang quay trở lại phong cách chính trị thời kỳ Mao mà chúng ta tưởng đã biến mất sau nhiều thập niên. Quan trọng hơn chuyện loại bỏ bí ẩn Tần Cương khỏi quyền lực, sau khi chính quyền cho rằng sự vắng mặt của ông ta là vì lý do sức khỏe, là chính sách xóa bỏ sự tham gia và thành tựu của ông ta trong quá khứ ra khỏi các trang web và thông cáo báo chí.

"Ai kiểm soát quá khứ kiểm soát tương lai", George Orwell viết trong cuốn "1984", câu nói đáng ngại đó dường như là kim chỉ nam cho lãnh đạo chính trị của Trung Quốc ngày nay.

Điều này khác xa với chính quyền kỹ trị mà Đặng Tiểu Bình đã mở ra khi ông cải cách Trung Quốc vào những năm 1980. Trong những ngày đó, hệ thống chính trị Trung Quốc dường như là một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ, một chế độ độc tài có giới hạn độ tuổi hoặc giới hạn nhiệm kỳ cho các chức vụ cao. Có nơi nào mà người ta thấy chế độ độc tài lại có giới hạn ?

Ngày nay, một lần nữa, không có giới hạn nào đối với quyền lực của các nhà cai trị Trung Quốc. Điều mà học giả Elizabeth Economy gọi là cuộc cách mạng thứ ba của Trung Quốc – cuộc cách mạng đầu tiên với Mao là trung tâm, cuộc cách mạng thứ hai với Đặng và bây giờ với Tập – vẫn đang tiếp diễn một cách mạnh mẽ.

Cuộc cách mạng thứ ba đó không chỉ liên quan chính trị trong nước. Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của chính mình và đưa Đảng cộng sản trở lại vai trò xã hội trung tâm, nhưng cũng tìm cách giới thiệu với thế giới một Trung Quốc mạnh mẽ và quyết đoán hơn.

Và những quyết định đó đã có tác động lan tỏa trên toàn cầu, đặc biệt là ở Châu Á, nơi các nước láng giềng của Trung Quốc đang lao xao do thái độ và chính sách hung hăng hơn của họ Tập.

Hoa Kỳ đã không tiến hành mối quan hệ với Trung Quốc một cách hoàn hảo. Chính quyền Biden đã có thái độ đối đầu không cần thiết ngay từ đầu, công khai trên đe dưới búa với Bắc Kinh ngay trong cuộc họp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao.

Hoa Kỳ cũng duy trì chính sách thuế quan của Donald Trump đối với Trung Quốc, bất chấp thực tế đã gặp những thất bại đắt giá. Hãy nhớ rằng, chính người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cho những mức thuế đó, chứ không phải Trung Quốc. Trump đã phải trợ cấp hàng chục tỷ cho nông dân để bù đắp cho những tổn thất mà họ phải chịu vì những chính sách này. Và trong một thời gian, dường như chính sách của Mỹ đối với Bắc Kinh đã được công bố mà không chú ý đến việc duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc, mặc dù nước này là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một cường quốc vũ khí hạt nhân có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc.

Nhưng Tổng thống Biden đã điều chỉnh hướng đi. Một số quan chức cấp cao của ông, bao gồm các bộ trưởng ngoại giao, thương mại và tài chính đã gặp các đối tác Trung Quốc và cố gắng ngăn chặn sự suy giảm quan hệ giữa hai nước.

Ngoại trưởng Anthony Blinken nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn rằng các nhà lãnh đạo thế giới đã nói với ông rằng họ mong đợi Mỹ và Trung Quốc xây dựng một mối quan hệ làm ăn tốt đẹp. Chính quyền Biden đã coi trọng ý kiến đó, bằng chứng là họ đã bớt lại số lượng công nghệ cao được phép chia sẻ với Trung Quốc, theo kiểu nói ẩn dụ là một cái sân nhỏ có hàng rào cao.

Ngay cả một số chính sách của Mỹ có thể khiến Trung Quốc phản đối, chẳng hạn như các quy định mới sắp áp dụng cho các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, cũng được thông báo trước cho Trung Quốc, trong trường hợp này, do Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Vẫn còn những lĩnh vực mà Mỹ có thể nỗ lực hơn một chút nếu chính quyền Biden muốn có cuộc đối thoại quân sự mang lại hiệu quả. Duy trì các biện pháp trừng phạt thời Trump đối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dường như đi ngược lại nỗ lực đó. Tốt hơn hết là nên từ bỏ các biện pháp trừng phạt để hai bên có thể nói chuyện và tránh gặp hiểu lầm về các vấn đề như Đài Loan.

Nhưng thực ra, quả bóng đang nằm trong phía sân của Trung Quốc. 

Đáng tiếc, chính sách của Trung Quốc được đánh dấu bằng sự quyết đoán và thậm chí mang tính hiếu chiến, hoàn toàn khác với ba thập niên qua.

Tập đã đưa ra các yêu sách tốn kém đối với Trung Quốc và Biển Đông, tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, đụng độ với Ấn Độ ở dãy Himalaya, yêu cầu Úc chấm dứt mọi chỉ trích đối với nước ông, cam kết hỗ trợ chắc chắn cho Moscow ngay cả khi cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine leo thang. Và Tập cũng leo thang chỉ trích Hoa Kỳ.

Không có chính sách nào của Tập trong số này có vẻ thành công. Các quốc gia xung quanh Trung Quốc tích cực hơn nhiều để tìm cách chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh và tìm kiếm sự hỗ trợ ở những nơi khác, đặc biệt là với Mỹ. Từ Nhật Bản cho đến Philippines qua Ấn Độ, quốc gia nào cũng muốn đẩy Bắc Kinh ra.

Liệu Bắc Kinh có nhận ra điều này và thay đổi ?

Trung Quốc đang là một cơ chế ra quyết định ngày càng độc đoán, khép kín, có khả năng học hỏi và thích nghi. Nhưng việc loại bỏ Tần Cương một cách bí ẩn không cho thấy có câu trả lời tích cực.

Fareed Zakaria

Nguyên tác : Fareed’s Tak e: China’s ‘third revolution’ has sent ripple effects across the world, CNN, 31/07/2023

Nguồn : Đàn Chim Việt, 31/07/2023

Fareed Zakaria là bình luận gia CNN bàn về lãnh đạo chính trị của Trung Quốc và hiệu ứng lan tỏa của nó trên toàn thế giới.

Additional Info

  • Author Fareed Zakaria
Published in Diễn đàn

Bộ trưởng kinh tế Pháp khẳng định ý muốn "tiếp cận" Trung Quốc tốt hơn

Trọng Nghĩa, RFI, 30/07/2023

Nhân chuyến công du Trung Quốc, bộ trưởng kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire đã tiếp xúc với giới lãnh đạo kinh tế Trung Quốc tại Bắc Kinh. Phát biểu vào hôm nay, 30/07/2023, ông Le Maire khẳng định rằng Pháp không hề muốn "tách rời" khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà chỉ muốn tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc và có mối quan hệ thương mại "cân bằng" hơn.

tq1

Bộ trưởng kinh tế tài chính Pháp Bruno Le Maire (ở giữa bên trái) và phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong họp báo chung sau cuộc Đối thoại kinh tế và tài chính cấp cao Trung Quốc-Pháp lần thứ 9 được tổ chức tại Bắc Kinh, ngày 29/07/2023. AP - Ng Han Guan

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, một hôm sau cuộc đàm phán thương mại mà ông gọi là "mang tính xây dựng" với phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) bộ trưởng kinh tế Pháp xác định: "Chúng tôi không muốn đối mặt với một số rào cản pháp lý hoặc một số rào cản khác khi tiếp cận thị trường Trung Quốc… Đó tất nhiên là cốt lõi trong các cuộc thảo luận của chúng tôi. Chúng tôi muốn tiếp cận tốt hơn và cân bằng hơn với thị trường Trung Quốc".

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng Pháp đã nhắc lại rằng Pháp không hề muốn "tách rời" khỏi nền kinh tế Trung Quốc, một quan điểm chung của Liên Hiệp Châu Âu.

Các quan chức Châu Âu đã nhiều lần nói rằng họ không muốn "tách rời" hay "đoạn tuyệt" với kinh tế Trung Quốc – từ tiếng Anh là "decoupling", mà chỉ muốn "giảm thiểu rủi ro" (tiếng Anh là "derisking") trước cái mà Nhóm G7 gọi là hành vi "ép buộc kinh tế" của Trung Quốc.

Theo ông Le Maire : "Giảm thiểu rủi ro không có nghĩa là Trung Quốc là một rủi ro. Điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn độc lập hơn và chúng tôi không muốn đối mặt với bất kỳ rủi ro nào trong chuỗi cung ứng của mình nếu có một cuộc khủng hoảng mới, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Covid với sự sụp đổ hoàn toàn của một số chuỗi giá trị".

Theo ghi nhận của Reuters, trong cuộc họp hôm qua, phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cho biết là Bắc Kinh hy vọng Paris có thể giúp hạ nhiệt trong quan hệ EU-Trung Quốc, đồng thời khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác với Pháp trong một số lĩnh vực.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Pháp, nhưng các công ty Pháp ngày càng lo ngại rằng họ có thể bị cuốn vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh, hai siêu cường kinh tế của thế giới.

Khi được hỏi về lo ngại của một số nhà sản xuất ô tô Châu Âu rằng xe điện (EV) giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường Châu Âu, ông Le Maire cho biết Pháp có kế hoạch riêng và đang hợp tác với Châu Âu để tập trung tốt hơn các khoản trợ giá cho xe điện tại Pháp và Châu Âu nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Bộ trưởng Pháp đồng thời khuyến khích giới đầu tư Trung Quốc : "Chúng tôi sẵn sàng đón nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp ô tô ở Pháp và Châu Âu". Đối với ông, sẽ là "một điều rất tốt" khi các công ty Trung Quốc đầu tư và phát triển ở Châu Âu.

Trọng Nghĩa

**************************

Hoa Kỳ săn lùng các phần mềm độc hại Trung Quốc cài vào hạ tầng an ninh Mỹ

Thanh Hà, RFI, 30/07/2023

Theo nhật báo Mỹ The New York Times ngày 29/07/2023, các quan chức Hoa Kỳ đang truy lùng các phần mềm độc hại của Trung Quốc, tức là các mã độc bị tình nghi là đã được cài trong các hạ tầng an ninh quan trọng, âm mưu làm gián đoạn các hoạt động liên lạc, và tiếp ứng quân sự của Hoa Kỳ trong trường hợp xung đột xảy ra, ví dụ như trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan.

tq2

Hoa Kỳ tình nghi Trung Quốc đã cài mã độc vào các hạ tầng cơ sở của Mỹ để sẵn sàng khởi động nếu xảy ra xung đột. AP - Michel Spingler

Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki tường trình :

"Cuộc săn lùng đã diễn ra từ nhiều tháng qua. Quân đội, tình báo, an ninh quốc gia, tất cả các cơ quan đều đang tìm kiếm phần mềm gián điệp.

Theo The New York Times, ban đầu, các báo cáo chỉ ra có lỗ hổng thông tin, bắt đầu được loan truyền từ tháng Năm vừa qua, nhưng trên thực tế, tình trạng này đã kéo dài hơn một năm. Nhật báo Mỹ trích dẫn các nguồn tin từ quân đội, chỉ ra rằng lỗ hổng này đáng lo ngại hơn nhiều so với ước tính ban đầu.

Chương trình độc hại có thể được đặt ở bên trong một mạng lưới chiến lược, quản lý hạ tầng của quân đội Hoa Kỳ. Một khi được kích hoạt, nhất là trong trường hợp xung đột, chương trình này có thể làm rối loạn mạng lưới điện, nước uống và nhất là mạng lưới liên lạc. Điều này có thể làm gián đoạn các hoạt động của quân đội và chuyển hướng sự chú ý của Hoa Kỳ. The New York Times nhận định rằng như vậy thì chẳng khác nào "một quả bom nổ chậm".

Hiện tại, Washington vẫn chưa rõ quy mô của lỗ hổng thông tin (do mã độc của Trung Quốc), nhưng bảo đảm rằng không ảnh hưởng đến hệ thống bảo mật. Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng. Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đã khá căng thẳng".

Thanh Hà

*************************

Đức lo ngại nguy cơ sinh viên Trung Quốc cũng có thể làm gián điệp

Thu Hằng, RFI, 30/07/2023

Sinh viên Trung Quốc được cấp học bổng của chính phủ và theo học tại các trường đại học Đức cũng có thể làm gián điệp khoa học. Bộ trưởng giáo dục Đức đã kêu gọi đề cao cảnh giác khi trả lời phỏng vấn tập đoàn báo chí Mediengruppe Bayern ngày 29/07/2023.

tq3

Bộ trưởng Giáo dục Stark-Watzinger cảnh báo rằng Trung Quốc đang ngày càng trở thành một đối thủ trong lĩnh vực khoa học - và coi các tổ chức nghiên cứu phải có trách nhiệm. Hiệp hội đại học phản ứng thận trọng.

Bà Bettina Stark-Watzinger lưu ý rằng "Trung Quốc ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh và đối thủ hệ thống về khoa học và nghiên cứu". Trong bối cảnh này, bộ trưởng giáo dục Đức hoan nghênh quyết định của Đại học Friedrich-Alexander (FAU) ở Erlangen, vùng Bayern.

Từ ngày 01/06/2023, đại học thường xuyên hợp tác với ngành công nghiệp Đức trong lĩnh vực nghiên cứu không nhận du học sinh Trung Quốc được cấp học bổng của Hội đồng Học bổng Trung Quốc (China Scholarship Council, CSC).

Về quyết định của đại học FAU, bộ trưởng Giáo Dục Đức cho rằng đại học này "nhận thấy tự do ngôn luận và tự do về khoa học được khắc trong luật cơ bản của Đức không thể được các sinh viên có học bổng của chính phủ Trung Quốc thực hiện đầy đủ do những điều kiện cấp học bổng và do nguy cơ gián điệp khoa học gia tăng". Do đó, bà khuyến khích các cơ sở khác "xem xét lại những điều kiện hợp tác với Hội đồng Học bổng Trung Quốc".

Theo nghiên cứu được đài phát thanh Deutsche Welle và tổ chức diều tra Correctiv mới công bố, và được AFP trích dẫn, những sinh viên được cấp học bổng của chính phủ Trung Quốc phải ký cam kết trung thành với Nhà nước. Những người không tuân thủ những quy định này sẽ chịu hậu quả theo pháp luật.

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa, Thanh Hà, Thu Hằng
Published in Châu Á

Kho sát toàn cu cho thy quan đim tiêu cc v Trung Quc cao chưa tng thy

Mt cuc kho sát v quan đim ca người dân đi vi Trung Quc trên 24 quc gia cho thy 67% người trưởng thành không có cm tình vi đt nước này và chưa ti 28% s người được hi cho biết có cm tình vi Trung Quc. hu hết các quc gia có thu nhp cao, quan đim tiêu cc v Trung Quc đu mc gn bng hoc cao nht trong lch s.

tq1

Ch tch Trung Quc Tp Cn Bình.

Cuc kho sát ca Trung tâm nghiên cu Pew công b ngày 27/7 thu thp ý kiến ca hơn 27.000 người trưởng thành t 24 quc gia t ngày 20/2 đến ngày 22/5 năm nay, tp trung vào ý kiến ca nhng người được hi v mt s vn đ liên quan đến Trung Quc và nim tin ca h đi vi nhà lãnh đo Trung Quc Tp Cn Bình. Các quc gia ni bt trong cuc kho sát bao gm các nn kinh tế tiên tiến Bc M, Tây Âu và Châu Á Thái Bình Dương, và các nn kinh tế trung bình Châu M Latin và Châu Phi.

Các nhà phân tích nói vi VOA rng quan đim tiêu cc v Trung Quc nhiu quc gia là do người ta coi Trung Quc là mi đe da đi vi li ích kinh tế và h thng qun tr ca h, cũng như tình hình nhân quyn ngày càng xu đi Trung Quc k t khi ông Tp Cn Bình lên nm quyn.

Bà Zsuzsa Anna Ferenczy, tr lý giáo sư ti Đi hc Quc gia Dong Hwa, hay NDHU Đài Loan, nói : "Tình hình nhân quyn ngày càng xu đi Tân Cương và Hong Kong đã thúc đy các nước Châu Âu tho lun v cách h có th cân bng li mi quan h vi Trung Quc, và nó bao gm các bước đ h ít tiếp xúc vi Trung Quc hơn".

Các nhà nghiên cu thc hin cuc kho sát lưu ý rng các s kin quc tế ln có th nh hưởng đến quan đim ca mi người v Trung Quc. Bà Christine Huang, mt cng tác viên nghiên cu ti Trung tâm Nghiên cu Pew, nói vi VOA : "Chúng tôi đã đo lường được s gia tăng đáng k v quan đim bt li đi vi Trung Quc nhiu quc gia có thu nhp cao sau khi đi dch Covid bùng phát".

Hành đng mâu thun vi mc tiêu

Khi được hi v vai trò ca Trung Quc trên thế gii, 71% s người được hi cho biết Bc Kinh không đóng góp cho hòa bình và n đnh toàn cu. Kết lun này được đưa ra gia lúc Trung Quc c gng t đóng khung mình là "người kiến to hòa bình" trên toàn cu bng cách làm trung gian cho tha thun hòa bình lch s gia Iran và Rp Xê-út và đưa ra kế hoch hòa bình 12 đim v cuc chiến Ukraine vào đu năm nay.

Bt chp nhng n lc ca Bc Kinh nhm th hin mình là "người kiến to hòa bình toàn cu", mt s chuyên gia lưu ý rng vic Trung Quc không gii quyết được tranh chp lãnh th vi mt s quc gia trái ngược vi hình nh "người kiến to hòa bình" ca h.

Bà Sana Hashmi, mt thành viên ti T chc Trao đi Đài Loan-Châu Á, hay TAEF, ti Đài Bc, nói : "Có mt khong cách gia mc tiêu ca chính Trung Quc và hành đng ca h trong cuc sng thc".

Thêm vào đó, 76% người cho rng Trung Quc không tính đến li ích ca các nước khác khi xây dng chính sách đi ngoi ca mình và hơn mt na s người được hi (57%) cho rng Trung Quc can thip vào công vic ca các nước khác mc nhiu hoc đáng k. Ti Ý, quc gia đang cân nhc ri khi Sáng kiến Vành đai và Con đường trong nhng tháng gn đây, 82% s người được hi cho rng Trung Quc s can thip vào công vic ca các nước khác.

V các quan đim thun li

Mc dù quan đim v Trung Quc nói chung là tiêu cc, cuc kho sát cho thy mt s quc gia có thu nhp trung bình vn có quan đim tích cc v Trung Quc, ngoi tr n Đ. Hơn mt na s người được hi Kenya (72%), Nigeria (80%) và Mexico (57%) có quan đim ng h Trung Quc.

Bà Huang t Trung tâm Nghiên cu Pew nói vi VOA rng các kết qu kho sát trước đây cho thy quan đim v Trung Quc có xu hướng ít tiêu cc hơn các quc gia có GDP bình quân đu người thp hơn. Bà nói : t người các quc gia có thu nhp trung bình ch trích hành vi toàn cu ca Trung Quc và nhiu người khác thy sc hp dn ca quyn lc mm ca Trung Quc".

Mc dù có nhiu quan đim tích cc hơn v Trung Quc, nhưng t l quan đim tiêu cc vn tăng lên các quc gia này trong vài năm qua.

Quan đim tiêu cc v ông Tp

Cuc kho sát cũng cho thy hu hết trong s 24 quc gia không tin vào kh năng "làm điu đúng đn" ca nhà lãnh đo Trung Quc Tp Cn Bình khi nói đến các vn đ toàn cu. Ít nht mt na s người được hi hu hết các quc gia trên khp Tây Âu, Bc M và Châu Á Thái Bình Dương nói rng h không tin tưởng vào ông Tp Cn Bình, trong khi phn ln người dân Indonesia, Kenya và Nam Phi bày t s tin tưởng vào s lãnh đo ca ông Tp Cn Bình trên trường quc tế.

Các nhà nghiên cu nhn mnh rng nim tin ca người dân vào ông Tp có liên quan mt thiết đến quan đim ca h v Trung Quc. H kết lun trong cuc kho sát : " mi quc gia được kho sát, nhng người có quan đim bt li v Trung Quc thường ít tin tưởng vào ch tch Trung Quc và ngược li".

Trong lúc Bc Kinh đu tranh đ duy trì đà phc hi kinh tế sau đi dch, nhiu người coi Hoa Kỳ (42%) ch không phi Trung Quc (33%) là cường quc kinh tế hàng đu. S thay đi cách nhìn nhn din ra rõ ràng hơn các quc gia có thu nhp cao như Đc, Hà Lan và Thy Đin, nơi t l s người được hi coi Trung Quc là nn kinh tế hàng đu thế gii đã gim hai con s.

Khi được hi quc gia nào là mi đe da ln nht đi vi Hoa K, 50% người M cho rng Trung Quc là mi đe da ln nht và trong s nhng người được hi này, hơn 70% cho rng Trung Quc gây ra "rt nhiu" mi đe da đi vi nn kinh tế và an ninh quc gia ca Hoa K.

Nhìn chung, mt s nhà phân tích cho rng nhn thc ca công chúng v Trung Quc các quc gia dân ch có th giúp đnh hình các chính sách liên quan, vì chính ph cn đáp ng các yêu cu ca công chúng. "Trong bi cnh Châu Âu, áp lc t công chúng đôi khi có th thúc đy các chính ph hình thành mt chính sách vng chc hơn đi vi Trung Quc, như chúng ta đã thy Đc", bà Ferenczy t NDHU nói vi VOA.

Bà Hashmi t TAEF cho rng nhn thc v Trung Quc hu hết các quc gia Nam bán cu được xác đnh bi mc đ giao tiếp kinh tế ca h vi Trung Quc.

Nguồn : VOA, 28/07/2023

Additional Info

  • Author VOA tiếng Việt
Published in Châu Á

Tình báo Mỹ nghi ngờ Trung Quốc hỗ trợ quân đội Nga về công nghệ

Thanh Hà, RFI, 28/07/2023

Trung Quốc giúp Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây và "có thể" đang giúp Moskva cả về mặt quân sự bằng cách cung cấp các công nghệ lưỡng dụng được tư nhân và quân đội sử dụng. Trên đây là nội dung một báo cáo của cơ quan tình báo quốc gia Hoa Kỳ (ODNI), được tiết lộ hôm 27/07/2023. 

banco1

Một hội chợ hàng năm giới thiệu các công ty công nghệ Trung Quốc và nước ngoài, Bắc Kinh, ngày 04/06/2023. AP - Mark Schiefelbein

Hãng tin Anh Reuters trích dẫn bảo báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) được Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho công bố. Theo báo cáo nói trên, Trung Quốc đang "cung cấp một số công nghệ lưỡng dụng, đang được quân đội Nga dùng để tiếp tục chiến tranh Ukraine bất chấp các biện phát trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu" mà quốc tế ban hành.

Tài liệu nói trên cho biết thêm, căn cứ vào các thống kê của Hải quan, nhiều "công ty trong lĩnh vực quốc phòng nhà nước Trung Quốc quản lý vận chuyển thiết bị định vị, công nghệ làm nhiễu sóng và các linh kiện máy bay chiến đấu" cho các tập đoàn của Nga. Văn bản cũng ghi nhận, do chiến tranh Ukraine, Trung Quốc "thậm chí trở thành đối tác quan trọng hơn" của Nga, so với trước đây.

Reuters nhắc lại Bắc Kinh luôn bác bỏ mọi cáo buộc gửi trang thiết bị quân sự cho Nga, từ khi Moskva khởi động chiến tranh Ukraine hồi tháng 2/2022.

Ngoài ra, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cũng lưu ý rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nga và Trung Quốc đã tăng mạnh từ hơn một năm qua và các khoản giao dịch bằng nhân dân tệ cũng đã được mở rộng. Tuy nhiên báo cáo đánh giá : "Cộng đồng tình báo hiện còn thiếu các bản phúc trình đầy đủ để có thể thẩm định là Bắc Kinh có "cố tình ngăn cản công việc điều tra" của phía Mỹ về "đích đến cuối cùng" của hàng xuất khẩu Trung Quốc hay không.

Không chỉ Hoa Kỳ, cách nay 10 ngày, ông Emmanuel Bonne, cố vấn ngoại giao của tổng thống Pháp cũng đã nêu lên khả năng Trung Quốc cung cấp "thiết bị lưỡng dụng" cho Nga.

Thanh Hà

************************

Trung Quốc giúp Indonesia "dời đô"

Thu Hằng, RFI, 28/07/2023

Tổng thống Indonesia Joko Widodo công du Trung Quốc ba ngày, kể từ ngày 27/07/2023. Trong ngày đầu tiên, lãnh đạo Indonesia đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thành Đô, Tứ Xuyên, để thảo luận về nhiều dự án chung, trong đó có việc phát triển thủ đô mới của Indonesia.

banco2

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) và phu nhân Iriana tại Sân bay Quốc tế Thành Đô, Trung Quốc, ngày 27/07/2023 . AP - Laily Rachev

Indonesia dự kiến "dời đô" khỏi Jakarta trên đảo Java, quá đông dân cư và bị ô nhiễm, đến Nusantara trên đảo Borneo vào năm 2024. Theo văn phòng tổng thống Indonesia, được hãng tin Nhật NHK trích dẫn, tổng thống Joko Widodo và chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí thúc đẩy hợp tác về dự án xây dựng thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Tây Kalimantan. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hỗ trợ Jakarta phát triển khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Kalimantan.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, được AP trích dẫn, cho biết hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác về y tế, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm cho dự án đầu tư, như trong lĩnh vực xe chạy bằng năng lượng tái tạo, thành phố thông minh và thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp số. Indonesia muốn có vai trò lớn hơn trong tư cách là nhà cung cấp niken và các nguyên liệu thô khác cho ngành công nghiệp ô tô điện đang phát triển mạnh của Trung Quốc.

Về quan hệ quốc tế, hai nguyên thủ thảo luận các vấn đề trong vùng và quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN. Tổng thống Indonesia, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, nhấn mạnh đến vai trò "chiến lược" của khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, nơi "cần được bảo vệ như một khu vực hòa bình và ổn định".

Trong chuyến công du Trung Quốc, tổng thống Joko Widodo dự lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đại học Thế giới - FISU lần thứ 31 tại Thành Đô. Năm 2023, Indonesia và Trung Quốc kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước thắt chặt hợp tác kinh tế thông qua Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường - BRI của Trung Quốc, trong đó có dự án xây dựng đường tầu hỏa cao tốc nối Jakarta và Bandung.

Thu Hằng 

Additional Info

  • Author Thanh Hà, Thu Hằng
Published in Châu Á

Trung Quốc bị phương Tây cô lập

Phạm Bá Hoa, VNTB, 07/06/2023

Theo hãng tin Reuters ngày 8/5/2023 : "Trong những tháng gần đây, Chủ tịch Trung Quốc đã thực hiện một loạt các hành động ngoại giao và thương mại, dường như trái ngược nhau : Một là, tuyên bố thúc đẩy hòa bình ở Ukraine, nhưng đàm phán với kẻ xâm lược là Nga. Hai là, hoan nghênh các nhà lãnh đạo phương Tây đến thăm Trung Quốc, nhưng gia tăng đe dọa sử dụng vũ lực đối với Đài Loan. Ba là, áp dụng các biện pháp bóp nghẹt môi trường kinh doanh tại Trung Quốc.

tq1

Trung Quốc cố gắng lôi kéo các nước Châu Âu để tiếp tục chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nhưng hiệu quả không rõ ràng.

Các nhà phân tách tin rằng : "Hành động đầy mâu thuẫn của Trung Quốc, có thể là Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng lo ngại về an ninh của chính mình".

Ông Alfred Wu, Phó Giáo sư Trường Chính sách công Lee Kwan Yew tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định : "Thực tế phũ phàng mà Trung Quốc đang phải đối mặt, là lãnh vực an ninh hiện nay vượt trội hơn mọi lãnh vực từ kinh tế đến ngoại giao. Vì Trung Quốc quá tập trung vào an ninh, tự làm tổn hại đến bang giao quốc tế, và kế hoạch phục hồi kinh tế chậm lại, đồng thời biến thành vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine. Vậy là, Trung Quốc muốn nói rằng, họ muốn mở cửa với thế giới bên ngoài, nhưng thật sự là họ đang dần dần tự cô lập".

Trong báo cáo của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 hồi tháng 10/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã 89 lần nhấn mạnh đến nhóm chữ "an ninh quốc gia" trong bài phát biểu. Ông cũng thừa nhận rằng, chúng ta đang phải đối mặt với những thử thách lớn hơn, sóng gió lớn hơn, thậm chí là những cơn bão tố.

Sau đó, trong kỳ họp lưỡng hội, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng : "Các quốc gia phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo, đã "bao vây, ngăn chặn, và trấn áp chúng ta toàn diện". Đây là "những thách thức nghiêm trọng chưa từng có".

Ông Charles Parton -thành viên Hội đồng Chiến lược Anh quốc- nhận định : "Trung Quốc cố gắng lôi kéo các nước Châu Âu để tiếp tục chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nhưng hiệu quả không rõ ràng. Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Trung Quốc hồi tháng 4/2023 có vẽ như cuộc gặp gỡ thân thiện, nhưng vài giờ sau khi Tổng thống Pháp rời khỏi, thì Trung Quốc thực hiện cuộc tập trận quân sự chung quanh Đài Loan, làm suy yếu nghiêm trọng kết quả của cuộc gặp. Sự kiện đó kết hợp với những lời tuyên bố của Tổng thống Pháp ủng hộ Trung Quốc về Đài Loan, bị các nhà lãnh đạo Châu Âu chỉ trích mạnh mẽ rằng : "Pháp đang lấy lòng Trung Quốc", và rồi Liên Hiệp Châu Âu (EU) chứng tỏ đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc".

Ông Ray Dalio -người sáng lập công ty đầu tư Bridgewater Associates- một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, nhấn mạnh rằng : "Chủ tịch Tập Cân Bình đang quản trị môi trường chính trị một cách độc đoán, đó là môi trường chống tinh hoa và thân với vô sản. Trong tầng lớp doanh nhân trẻ Trung Quốc, một số người bày tỏ rằng ; "sự đánh mất ước mơ", những người khác nói "thời kỳ hoàng kim đã qua", "rất nhiều người Trung Quốc đang rời đi, hoặc tự hỏi làm thế nào họ có thể đến các nước khác. Trong khi giới tinh hoa Trung Quốc thì tìm mọi cách để bảo vệ tài sản và sự an toàn của chính họ". (Tóm lược bài của tác giả Chen Ting do Huyền Anh biện dịch trong e-mail Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser. ngày 9/5/2023)

Kinh tế Trung Quốc vẫn sau lưng Hoa Kỳ

Micron là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn của Hoa Kỳ, chuyên về bộ nhớ máy vi tính và điện thoại cầm tay. Tuần trước, Trung Quốc ra lệnh cấm mua bán và sử dụng sản phẩm của Micron và trang thiết bị của nước này vì lý do "an ninh".

Giáo sư gốc Hoa Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Claremont McKenna, California, có bài bình luận đăng trên Bloomberg Opinion, như sau : "Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đặt trọng tâm vào an ninh quốc gia cao hơn phát triển kinh tế, nhưng mỗi quốc gia có cách hành sử khác nhau. Nhất định có một bên sai trong trò chơi cạnh tranh này, và bên đó là Trung Quốc, vì nền kinh tế quốc gia này đang bị ảnh hưởng "những biện pháp an ninh" đã cản trở sự tăng trưởng. Rồi đây, Trung Quốc sẽ phải trả giá cao hơn khi cạnh tranh kinh tế với Hoa Kỳ".

"Ông Tập phải biết rằng, việc mất quyền tiếp cận kỹ nghệ và thị trường Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng xấu đến mức tăng trưởng của Trung Quốc, vì chi phí cho an ninh quốc gia quá cao. Trong khi các công ty ngoại quốc dễ dàng bị coi là vi phạm pháp luật nếu bị nghi ngờ, vì vậy mà bất cứ công ty nào cũng có thể trở thành nạn nhân cho những quy định mơ hồ và những bản án tùy tiện.

Tuần trước, Công an Trung Quốc đã bất ngờ xông vào lục soát văn phòng của các công ty tư vấn kinh doanh Mintz Group và Bain & Co + Điều tra công ty Capvision, tra hỏi nhân viên và mang đi nhiều tài liệu, máy vi tính. Cả ba đơn vị này này đều là công ty Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về quản trị doanh nghiệp quốc tế.

Trước đó, Công an Trung Quốc bắt giữ một viên chức quản trị công ty dược phẩm Nhật Bản Astellas Pharma, khiến chánh phủ Nhật Bản cảnh báo công dân của mình phải cẩn thận, đừng để bị cáo buộc vi phạm luật chống gián điệp mới của Trung Quốc. Những vụ bố ráp các công ty ngoại quốc, bắt giữ tùy tiện theo luật chống gián điệp mới, đã làm các công ty ngoại quốc rất lo sợ. Nỗi ám ảnh về an ninh" của ông Tập, sẽ khiến các công ty ngoại quốc nghĩ nhanh đến chuyện chuyển công ty đến quốc gia khác.

Vẫn theo Giáo sư Bùi : "Trong tuần này, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) sang Hoa Kỳ, gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, và Đại diện Thương mại Katherine Tai, cùng cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, để vận động các công ty Hoa Kỳ gia tăng đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng, lời kêu gọi của Trung Quốc không được chánh quyền và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đón nhận ; nói thẳng ra là họ thờ ơ.

Bị ám ảnh về an ninh, coi trọng an ninh hơn kinh tế, ông Tập có xu hướng coi các công ty ngoại quốc -nhất là Hoa Kỳ- là cánh tay nối dài của các chánh phủ thù địch, hoạt động để bao vây, cản trở sự phát triển của Trung Quốc. Cái nhìn hoang tưởng đó của giới lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc, không phù hợp với bản chất thị trường tự do của các công ty ngoại quốc, khiến họ lo lắng và tìm cách chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất kinh doanh ra khỏi Trung Quốc" (tóm lược bài của Hiếu Chân trên báo SàiGòn Nhỏ ngày 26/5/2023).

Phạm Bá Hoa

Nguồn : VNTB, 07/06/2023

****************************

Hoa Kỳ hình thành chuỗi đảo thứ nhất ở Tây Thái Bình Dương ngăn chặn Trung Quốc

Phạm Bá Hoa, VNTB, 05/06/2023

Chuỗi đảo thứ nhất vùng Tây Thái Bình Dương có "hình lưỡi liềm" từ Đại Hàn – Nhật Bản – Đài Loan – Philippines có khả năng ngăn chận tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.

tq2

Vị trí chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Ảnh: cofda

Cuối tháng 4/2023, Hoa Kỳ và Đại Hàn đã đạt được thỏa thuận về tiềm thủy đỉnh hạt nhân hoạt động tại Đại Hàn, thì ngày 1/5/2023 Tổng thống Philippines Marcos Jr. đến thăm Hoa Kỳ. Trong tình hình căng thẳng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, Philippines và Đại Hàn là đồng minh của Hoa Kỳ, đang mở đường cho sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Hoa Kỳ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của Tổng thống Marcos, ông gặp và thảo luận với Tổng thống Hoa Kỳ, và sau đó là Bộ trưởng quốc phòng Lloyd J. Austin. 

Cùng ngày 1/5/2023, Tổng thống Philippines phát biểu rằng : "Philippines quyết tâm xây dựng mối bang giao bền chặt hơn với Hoa Kỳ, và thúc đẩy trao đổi kinh tế nhiều hơn giữa hai quốc gia".

Trong tuyên bố chung có đoạn :

"Tổng thống Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết đồng minh sắt đá của Hoa Kỳ với Philippines. Khu vực Thái Bình Dương -bao gồm Biển Đông- bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào quân đội, hoặc tàu công vụ, hay phi cơ của Philippines, thì Hoa Kỳ sẽ viện dẫn "Hiệp Ước Phòng Thủ Chung giữa Hoa Kỳ với Philippines năm 1951, có nghĩa là cả hai bên sẽ giúp bảo vệ nhau, nếu một trong hai bên bị tấn công bởi bên thứ ba".

Gần đây, Philippines đã mở 4 căn cứ quân sự mới cho quân đội Hoa Kỳ sử dụng, trong đó có một số đảo ở eo biển Bashi. Cuộc tập trận chung lớn nhất giữa Hoa Kỳ với Philippines gần Đài Loan vừa kết thúc. Báo Wall Street Journal nhận định : "Đây là cuộc tập trận đầu tiên trong mục đích bảo vệ miền Bắc Philippines, cũng là chuẩn bị bảo vệ Đài Loan khi bị Trung Quốc tấn công. 

Trước khi rời Hoa Kỳ, Tổng thống Marcos Jr. đã tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ để thu hút các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào Philippines. 

Giới chuyên gia nhận định : "Khi quân đội Hoa Kỳ mở rộng căn cứ quân sự ở Philippines, sẽ hình thành chuỗi đảo thứ nhất vùng Tây Thái Bình Dương có "hình lưỡi liềm" từ Đại Hàn – Nhật Bản – Đài Loan – Philippines. Tuyến phòng thủ quan trọng này, có khả năng ngăn chận tham vọng của Trung Quốc trong khu vực". 

Xin nhắc lại là Philippines thời Tổng thống Rodrigo Duterte với chính sách thân Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Nhưng bất chấp sự ve vãn của ông Duterte, Trung Quốc hứa đầu tư nhiều vào Philippines, nhưng thực chất thì không có gì hết, mà ngược lại họ sử dụng tàu hải cảnh thường xuyên quấy rối các tàu của Philippines. Chính vì vậy mà khi ông Marcos nhận chức Tổng thống Philippines, ông quyết định tăng cường bang giao với Hoa Kỳ. 

Philippines, mảnh ghép chống Trung Quốc ở cực Nam

Với vị thế chung quanh là biển, Philippines nằm ở cực Nam của chuỗi đảo thứ nhất, và là quốc gia đầu trong việc đối đầu với mối đe dọa từ Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Eo biển Bashi là hải trình mà Hải quân Hoa Kỳ từ căn cứ trên đảo Guam tiến vào eo biển Đài Loan, cũng là hải trình mà Trung Quốc sử dụng vào bờ biển phía Đông Đài Loan và vào Thái Bình Dương.

Giáo sư Ma Zhunwei (Adam Ma) thuộc Viện Bang giao Quốc tế & Chiến lược tại Đại học Tamkang của Đài Loan, nhận định rằng : "Với chuỗi đảo thứ nhất nói trên, nếu các chiến hạm của Trung Quốc muốn đi về phía Đông để đến Thái Bình Dương, thì chỉ có 2 lối ra : Đó là eo biển Bashi, và eo biển eo biển Miyako. Vị trí tương ứng là Philippines ở phía Nam, và Okinawa ở phía Bắc, trong khi Philippines là cửa ngõ vào lối ra phía Nam Trung Quốc của chuỗi đảo thứ nhất".

"Philippines là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Khi vùng Tây Thái Bình Dương vào tình hình khẩn cấp, thì quân đội Hoa Kỳ sẽ đến đảo Luzon đối diện với Đài Loan, nơi đây sẽ là căn cứ của Pháo binh và Hỏa tiễn của Hoa Kỳ bảo vệ eo biển Đài Loan". 

"Cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc hồi tháng 8/2022 và tháng 4/2023, họ đã sử dụng chiến đấu cơ và hỏa tiễn bắn chung quanh Đài Loan, cho thấy mục đích chiến lược của họ nhằm cắt đứt hỗ trợ từ bên ngoài trong trường hợp khủng hoảng eo biển Đài Loan. Năm nay -2023- một phần của cuộc tập trận quân sự Balikatan -vai kề vai- giữa Mỹ với Philippines thực hiện ở eo biển Bashi, cho thấy Hoa Kỳ đã nhận ra âm mưu phong tỏa của Trung Quốc. Đảo Basco và các đảo khác ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Philippines, sẽ trở thành bàn đạp cho bất kỳ phản ứng của Hoa Kỳ đối với xung đột quân sự ở Đài Loan".

Vẫn Giáo sư Ma Zhunwei : "Chiến lược an ninh quốc gia hiện tại của Hoa Kỳ củng cố chuỗi đảo thứ nhất vùng Tây Thái Bình Dương, rõ ràng là nhắm vào đối thủ số một là Trung Quốc. Chiến lược này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng của chuỗi đảo thứ hai. 

"Mặc dù xung đột giữa Philippines với Trung Quốc là ở một số đảo Biển Đông chớ không phải ở eo biển Đài Loan, nhưng Philippines cần hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ với Philippines có Hiệp ước Quân sự nên Philippines không thể đứng ngoài cuộc. Nói cách khác, nếu Hoa Kỳ cần thì Philippines chắc chắn sẽ hợp tác chặt chẽ".

Báo Wall Street Journal dẫn lời của Thiếu tướng Restituto Padilla -từng là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Philippines, nhận định rằng : "Cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc gần miền Nam Đài Loan có thể dễ dàng bị đánh chìm, khiến mọi hành động xâm lược đều khó thành công. Phạm vi tối đa của hệ thống Himars cho phép tấn công các mục tiêu trên eo biển Bashi từ đảo Basco và các đảo lân cận khác".

Giám đốc Gregory Poling -chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế- một tổ chức nghiên cứu chính sách của Hoa Kỳ, nói với hãng tin Reuters rằng : "Philippines sẽ khó giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột tại Đài Loan, do khoảng cách với Hoa Kỳ và các nghĩa vụ theo Hiệp Ước giữa hai quốc gia".

Giám đốc Su Ziyun (Su Tzu-yun/Tô Tử Vân) -Viện Nghiên cứu Tài nguyên & Chiến lược quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh quốc phòng Đài Loan- nói với Epoch Times rằng :

"Philippines là mảnh ghép mới nhất chống lại Trung Quốc, cũng là mảnh ghép tại cực Nam. Trong khi từ phía Bắc có Đại Hàn đã thật sự là một đồng minh mạnh mẽ của Hoa Kỳ, cạnh đó là Nhật Bản cùng với Đài Loan, giờ đây có thêm đồng minh Philippines ở cực Nam. Tất cả, trở thành một mạng lưới bao vây hình lưỡi liềm, chính là tuyến phòng thủ quan trọng nhất để ngăn chặn sự bành trướng quân sự của Trung Quốc".

"Phía Tây Bắc Philippines đối diện với Biển Đông, còn phía Đông Bắc đối diện với eo biển Bashi của Đài Loan. Nếu tuyến phòng thủ này được bổ sung, chẳng khác nào biến Hải quân Trung Quốc thành một hạm đội trong gọng kìm, nghĩa là trong trường hợp khẩn cấp sẽ có thể ngăn Trung Quốc đe dọa bờ Đông Đài Loan. Về vị trí chiến lược, có nghĩa là 3 vùng biển (Biển Hoa Đông – eo biển Đài Loan – Biển Đông) đã bao vây Trung Quốc. Giờ đây, có thêm Hoàng Hải – Đại Hàn Quốc cùng tham gia, vậy là Trung Quốc bị bao vây từ 4 vùng biển. Trong tình thế đó, đảo Basco là đảo chỉ cách Đài Loan khoảng 172 cây số, là nơi từng có Thủy quân lục chiến Philippines. Tại đây, Philippines đã bố trí hỏa tiễn chống hạm siêu thanh BrahMos, có thể ngăn chặn hiệu quả hạm đội Trung Quốc đi qua eo biển Bashi".

Chiến lược mà Philippines áp dụng trước đây là dựa vào Hoa Kỳ về an ninh, và gắn chặt kinh tế với Trung Quốc. Nhưng với tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, cộng thêm tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, các nước Đông Nam Á khác đang nhìn theo Philippines để cân nhắc xem "giữa an ninh quốc gia với kinh tế, lãnh vực nào quan trọng hơn".

Giáo sư Ma Zhunwei (Đài Loan) nhận định : "Sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tỏ ra hiếu chiến, sẽ tạo cảm giác lo sợ đối với các nước láng giềng nói riêng, và toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung, tất cả đang tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa của Trung Quốc, và muốn liên kết với nhau để đối phó với mối đe dọa này".

Trong khi chuyên gia Su Ziyun (Đài Loan) phân tách rằng : "Các quốc gia khối ASEAN, có thể chia thành Bắc ASEAN và Nam ASEAN. 

– Bắc ASEAN là ASEAN đất liền, bao gồm : Lào + Campuchia + Myanmar + Thái Lan + Việt Nam. Nhóm này nghiêng về Trung Quốc hơn. 

– Nam ASEAN là ASEAN đại dương, bao gồm : Singapore + Philippines + Indonesia + Malaysia + Brunei. Nhóm này gần gũi hơn với Hoa Kỳ, và cùng trong thế bao vây Trung Quốc".

Không giống như phòng thủ của NATO Châu Âu, Hoa Kỳ có 5 đồng minh trong Hiệp Ước riêng biệt ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, là Hoa Kỳ + Australia + Đại Hàn + Nhật Bản + Philippines + Thái Lan. Với sự gia tăng đe dọa quân sự của Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản và Australia đã ký các quy định phòng thủ riêng biệt, và trong cuộc tập trận quân sự ở Philippines lần này có quân đội Australia tham dự. Vậy, trong tương lai khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể là "tiểu NATO" chăng ?

Chuyên gia Su Ziyun nhận định : "Không chỉ Hải quân Australia có mặt, mà chiến hạm của Pháp đã đi qua eo biển Đài Loan, và Anh Quốc đã quyết định sẽ điều động quân đội đến Nhật Bản để giúp chống lại mối đe dọa từ vùng xám hàng hải Trung Quốc. Giờ đây, Hoa Kỳ đang trở lại chiến lược an ninh Thái Bình Dương thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ là trung tâm và trục phụ trợ kéo dài từ Đại Hàn - Nhật Bản - Đài Loan - Philippines - Singapore".

"Lớp củng cố thứ hai, là chương trình sản xuất tiềm thủy đỉnh hạt nhân AUKUS Hoa Kỳ + Anh quốc + Australia, giúp Australia gia tăng sức mạnh quân sự trong mục đích ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Lớp củng cố thứ ba, là thỏa thuận giữa 5 quốc gia là Anh quốc + Singapore + Malaysia + Australia + New Zealand. 

"Cuối cùng, eo biển Đài Loan cũng liên quan đến an ninh và lợi ích của Châu Âu, vì giao thông đường biển giữa Đông Bắc Á với Châu Âu chiếm 26% thế giới, nếu tuyến vận tải đường biển này bị Trung Quốc kiểm soát, sẽ rất bất lợi cho Châu Âu". (tóm lược bài của Tống Đường, Dị Như, trong e-mail Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.  ngày 8/5/2023)

Phạm Bá Hoa

Nguồn : VNTB, 05/06/2023

(*) Trích thư số 140 gởi người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Additional Info

  • Author Phạm Bá Hoa
Published in Diễn đàn

Trung Quốc đang tăng cường tập trung vào an ninh quốc gia và tang cường đối đầu với Mỹ, đe dọa quá trình mở cửa trở lại với thế giới sau những năm hạn chế vì Covid chuyển thành một kỷ nguyên cô lập mới từ Phương Tây, theo một phân tích từ Reuters.

tq1

Tập Cận Bình và Vladimir Putin - Ảnh minh họa

Kể từ khi nới lỏng các lệnh hạn chế vì đại dịch Covid vốn đã khiến quốc gia này đóng cửa biên giới kể từ năm 2020, Bắc Kinh trong những tháng gần đây đã tham gia vào một loạt các bước đi về kinh doanh và ngoại giao dường như mang tính trái ngược nhau, khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về các động cơ thật sự của Bắc Kinh.

Những bước đi của Trung Quốc bao gồm : thúc đẩy hòa bình ở Ukraine trong khi hội đàm với quân xâm lược Nga, trải thảm đỏ chào đón các nhà lãnh đạo Phương Tây trong khi leo thang căng thẳng với Đài Loan, hòn đảo theo thể chế dân chủ và thu hút những giám đốc điều hành (CEO) trong khi thực thi các biện pháp được coi là bóp nghẹt môi trường kinh doanh của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng các tín hiệu lẫn lộn là kết quả của mối tập trung mới của Chủ tịch Tập Cận Bình về nền an ninh quốc gia, được củng cố từ mối quan hệ ngoại giao đang ở mức thấp nhất với cường quốc đối thủ là Mỹ.

"Một thực tiễn khắc nghiệt ở Trung Quốc... là an ninh quốc gia đang vượt lên tất cả, từ nền kinh tế đến ngoại giao", Alfred Wu, phó trưởng khoa Ttrường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, nhận định.

Ông Wu cho biết việc tập trung quá mức đối với nền an ninh đang làm tổn hại đến các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc cùng những kế hoạch tái thiết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh quốc gia này đang tìm cách ghi dấu ấn về quyền lực của mình trong các vấn đề địa chính trị quan trọng, bao gồm cuộc khủng hoảng Ukraine.

"Đối với tất cả những gì mà Trung Quốc tuyên bố về mong muốn mở cửa với thế giới bên ngoài, thì quốc gia này đang dần dần đóng cửa".

Chủ tịch Tập cũng đã chọn an ninh quốc gia, một khái niệm rộng mang tính kết hợp các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, cho đến công nghệ, và tranh chấp lãnh thổ, trong bài phát biểu sau khi tiếp tục nắm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp vào tháng 10/2022.

Bài phát biểu sau đó hồi tháng Ba tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc chỉ rõ hơn : Nền an ninh Trung Quốc đang bị thách thức từ các nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của quốc gia này, ông Tập tuyên bố.

tq2

Sách 'Tập Cận Bình về quản lý đất nước Trung Quốc', tập II

Trong khi an ninh quốc gia vẫn luôn nằm trong các mối quan tâm chính của Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, hai nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy tập trung vào các vấn đề trong nước như giới bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền và các cộng đồng thiểu số người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc.

Trong bài phát biểu hồi tháng 10/2022, ông Tập thêm vào cụm từ "an ninh bên ngoài" và "an ninh quốc tế", theo các nhà phân tích là các tín hiệu về trọng tâm mới nhằm đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài, cụ thể là Washington.

Khi được hỏi phản hồi cho một loạt các câu hỏi về câu chuyện này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ "không biết về tình hình".

Giới chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thường xuyên lặp lại tuyên bố quốc gia này là một cường quốc có trách nhiệm, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tiến trình toàn cầu hóa và đã cáo buộc các quốc gia khác đang tăng cường rêu rao về "mối đe dọa từ Trung Quốc".

'Chệch hướng ngầm'

Thế nhưng sự ám ảnh của Trung Quốc đối với vấn đề an ninh đã tác động xấu đến một số đề xuất ngoại giao gần đây của Bắc Kinh, theo các nhà phân tích.

Ví dụ, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy một bản kế hoạch hòa bình cho Ukraine đã vấp phải sự ngờ vực khi từ chối lên án Moscow, vốn là đồng minh thân cận và quốc gia cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Bắc Kinh.

Hồi tháng rồi, khi ông Tập có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra cách đây hơn một năm, một nỗ lực nhằm nhấn mạnh Bắc Kinh đang không chọn phe, một số nhà phân tích đã gọi đây là "sự kiểm soát tổn thất" sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Pháp chất vấn về vấn đề chủ quyền của Ukraine.

Charles Parton, một nhà nghiên cứu từ cơ quan Council of Geostrategy của Anh cho biết lời kêu gọi của Trung Quốc cho nền hòa bình tại Ukraine có liên quan đến cuộc chiến tranh của quốc gia này với Mỹ.

"Bắc Kinh không quan tâm liệu quá trình kiến tạo hòa bình của mình có tác dụng hay không... quan trọng đây là một cơ hội để cho thấy hình ảnh xấu xí của người Mỹ", ông nói, đề cập đến các khẳng định của Trung Quốc rằng Mỹ và những quốc gia đồng minh đang thổi bùng ngọn lửa chiến tranh khi viện trợ vũ khí cho Kyiv.

tq3

Hồi tháng Tư, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Pháp Macron rời Bắc Kinh, Trung Quốc đã tiến hành tập trận xung quanh hòn đảo Đài Loan

Michael Butler, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Clark ở Boston nói Ukraine là một phép thử quan trọng về ý chí của Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan, một hòn đảo theo thể chế dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

"Mối quan tâm đặc biệt của Tập Cận Bình là tính toán liệu Mỹ sẽ, hoặc sẽ không sát cánh bảo vệ chủ quyền của Ukraine trước quân xâm lược Nga, trong khi công khai định vị Trung Quốc như một tiếng nói điềm tĩnh về lý lẽ và Mỹ là một kẻ áp bức gây lắm chuyện", ông nhận định.

Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm lôi kéo các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu cũng là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm đối phó với sự ảnh hưởng từ Washington, nhưng cũng có thành công mang tính lẫn lộn, các nhà phân tích cho biết.

Họ cũng chỉ ra cuộc họp hồi tháng rồi ở Trung Quốc giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Một cuộc gặp dường như thân thiện, mang tính xây dựng, thế nhưng lại theo sau đó là cuộc tập trận của Bắc Kinh quanh hòn đảo Đài Loan chỉ vài giờ sau khi ông Macron rời đi.

Điều này, đi cùng với các bình luận của ông Macron, được cảm nhận là yếu về vấn đề Đài Loan, đã tăng thêm sự chỉ trích ở Châu Âu rằng chuyến công du là để vuốt ve Bắc Kinh. Giới chức Châu Âu sau đó cũng có lập trường cứng rắn hơn về Trung Quốc.

Quan ngại về kinh doanh

tq4

Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm lôi kéo các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu cũng là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm đối phó với sự ảnh hưởng từ Washington, nhưng cũng có thành công mang tính lẫn lộn, các nhà phân tích cho biết

Trọng tâm về an ninh của Trung Quốc cũng tạo rủi ro về việc quốc gia này bị cô lập về mặt kinh tế.

Tại hai kỳ họp thượng đỉnh tại Trung Quốc hồi tháng Ba, giới chức nước này đã khó khăn khi phải nhấn mạnh phải mở cửa trong lĩnh vực kinh doanh sau dịch Covid.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc cũng đã thông qua hiệu chỉnh về luật chống gián điệp của mình trên diện rộng và xem điều mà Mỹ tuyên bố là hành động "mang tính trừng phạt" đối với một số công ty nước ngoài ở Trung Quốc.

"Các lực lượng an ninh tại Trung Quốc dường như ngày càng táo bạo hơn, cùng lúc đó Trung Quốc đang tìm cách thu hút thêm đầu tư nước ngoài", Lester Ross, người đứng đầu Ủy ban chính sách Trung Quốc từ Văn phòng Thương mại Mỹ trả lời Reuters.

Giới chức Bộ Ngoại giao Trungn Quốc trước đó cho biết Bắc Kinh đã hoan nghênh các công ty nước ngoài miễn là họ tuân theo luật pháp quốc gia này.

Thay vì lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, tâm lý lạc quan của nước ngoài kéo dài hàng thập kỷ trên thị trường vốn của nước này đang bị phá vỡ, với sự cạnh tranh của Trung Quốc với Hoa Kỳ đang là mối lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư.

Ray Dalio, nhà sáng lập của Bridgewater, một trong các quỹ phòng hộ (hedge fund) lớn nhất thế giới và Sinophile, một quỹ nổi tiếng, là một trong những người quan ngại.

"(Trung Quốc và Mỹ) rất gần đến việc vượt qua lằn ranh đỏ, và nếu vượt qua, thì sẽ đẩy họ đến bờ vực không thể đảo ngược, của một dạng chiến tranh nào đó có thể gây tổn hại đến hai quốc gia và gây hại đến trật tự thế giới theo những cách nghiêm trọng và không thể đảo ngược", Dalio, hiện đã về hưu, gần đây viết trên tài khoản LinkedIn cá nhân của mình.

Nguồn : BBC, 09/05/2023

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Châu Á

Trung Quốc, đế quốc dối lừa và cuộc so găng với Mỹ

Bảy triệu người trên thế giới đã chết vì con virus xuất xứ từ Vũ Hán. Ba năm sau đại dịch, những tài liệu gây bối rối cho Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện. Phá hoại mọi cuộc điều tra, Trung Quốc còn đổ tội cho Mỹ, bắt tay với Nga để xây dựng trật tự quốc tế mới. Theo chuyên gia François Godement, đó là một trật tự "low cost", cá lớn nuốt cá bé ; The Economist nhận thấy Hoa Kỳ đang cố khống chế con cọp Trung Quốc.

tq01

Đế quốc dối lừa - Ảnh minh họa

Covid : Giả thiết virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán được đưa ra rất sớm

Ông Tập Cận Bình kỳ này đã soán ngôi Ukraine, trở thành chủ đề chính của nhiều tuần báo. Chân dung chủ tịch Trung Quốc chễm chệ trên trang bìa Le Point với tựa lớn "Trung Quốc, đế quốc dối lừa", tờ báo hài ra "giấu diếm nguồn gốc đại dịch Covid, lập lờ đánh lận con đen với Putin và phương Tây". The Economist đăng hình vẽ Chú Sam đang so găng với một con gấu trúc dữ dằn, chạy tít "Mỹ đấu với Trung Quốc". Trên nền hai màu đen, đỏ, L’Express đưa logo ứng dụng TikTok của Trung Quốc đang phổ biến trên thế giới, cho rằng đây là "Kẻ thù nguy hiểm".

Hồ sơ của Le Point đặt vấn đề : Bảy triệu người trên thế giới đã chết vì con virus xuất xứ từ Vũ Hán, làm thế nào mà thảm họa dịch tễ lớn nhất thế kỷ 21 vẫn luôn là một bí ẩn ? Ba năm sau đại dịch, những tài liệu và bằng chứng gây bối rối cho Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện. Nhà báo Julien Peyron đã viết hẳn một cuốn sách mang tựa đề "Nhân danh khoa học", tiết lộ những diễn tiến trong hậu trường ở Bắc Kinh, Washington và Paris.

Theo đó, giả thiết con virus thoát ra từ phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán đã được bí mật nêu ra ngay từ đầu, nhất là từ các nhà lãnh đạo Pháp. Hôm 22/04/2020, Hội đồng Quốc phòng đã chất vấn ông Alain Mérieux, người chịu trách nhiệm chương trình xây dựng phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán do Pháp tài trợ và đào tạo. Cuối 2020, một số nhà khoa học Mỹ đã nhận xét nguồn gốc con virus không thể trong tự nhiên mà đã được sản xuất hay biến đổi trong phòng thí nghiệm.

"China virus" và việc Bắc Kinh gắp lửa bỏ tay người

Về phía Bắc Kinh phá hoại tất cả những cuộc điều tra, hủy hàng ngàn trang trên internet của các trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, không cho lấy mẫu ở khu chợ bán thú hoang Hoa Nam. Nhà Trung Quốc học Mathieu Duchâtel nhấn mạnh, sự nhập nhằng được Bắc Kinh coi là ưu thế chiến lược của mình.

Tại Mỹ, đảng Cộng hòa đã lập một số ủy ban điều tra nhắm vào các nhà nghiên cứu hợp tác với Trung Quốc, bị cáo buộc muốn bóp nghẹt xì-căng-đan xuất xứ nhân tạo của virus. Và Nhà Trắng vừa quyết định cho giải mật các thông tin đã khiến bộ năng lượng và FBI nhấn mạnh khả năng một tai nạn phòng thí nghiệm. Trong khi người Mỹ lao vào con đường tìm kiếm sự minh bạch, Bắc Kinh vẫn câm lặng và xích lại gần với Moskva.

Ông Trump không phải bỗng dưng lên án Trung Quốc, trên thực tế ông chỉ trả đũa sau khi Bắc Kinh cáo buộc Washington đã "tạo ra con virus". Hôm 12/03/2020, phát ngôn viên "chiến binh sói" Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) của bộ ngoại giao Trung Quốc họp báo nói về khả năng này. Ông ta chia sẻ trên Twitter một trang web đáng ngờ ở Canada là Global Research, dẫn bài viết của "Larry Romanoff" tự cho là giáo sư đại học Phục Đán ở Thượng Hải.

Theo điều tra năm 2021 của IRSEM, trung tâm tư vấn liên kết với bộ quốc phòng Pháp, thực ra tác giả 80 tuổi này chỉ là một người làm ăn với Trung Quốc từ hơn 20 năm, quản lý một số trang web chuyên tung tin giả chống Mỹ. Một "kẻ ngốc hữu dụng", có thể được đảng cộng sản giựt dây. Vị giáo sư giả hiệu sáng tác ra một câu chuyện ly kỳ, mà đoạn cuối là con virus được các vận động viên Mỹ mang vào Vũ Hán trong Thế vận hội quân đội năm 2019, nhưng không hề đưa ra một bằng chứng khoa học nào. Thế nên ngày 17/03/2020 tổng thống Mỹ Donald Trump mới tức giận tố cáo "con virus Trung Quốc".

Trật tự thế giới theo kiểu Trung Quốc : "Cá lớn nuốt cá bé"

Coi Tập Cận Bình là "kiến trúc sư của một trật tự thế giới mới", tuần báo Pháp nhắc lại câu nói của chủ tịch Trung Quốc với ông Vladimir Putin trong cuộc gặp mới đây ở Moskva : "Hiện đang có những thay đổi chưa từng thấy từ 100 năm qua, và chính chúng ta đang dẫn dắt". Đó là cách mà hai kẻ thù của phương Tây tóm tắt cách thức chia lại ván bài quốc tế. Hai nhà lãnh đạo này hiểu rõ về nhau nhất thế giới : đã gặp gỡ 40 lần, và những cuộc điện đàm thì vô số. Lần công du Moskva thứ 9 của Tập Cận Bình được dán nhãn "nhiệm vụ hòa bình", nhưng dường như ông Tập chẳng buồn quan tâm đến việc Nga xâm lăng Ukraine.

Việc Iran và Saudi Arabia làm hòa sau bốn ngày đàm phán ở Bắc Kinh gây ngạc nhiên, nhưng thực ra vai trò hòa giải của Trung Quốc không nhiều. Sân bãi đã được dọn sẵn nhiều tháng trước bởi Iraq, Bắc Kinh chỉ là nhân tố mới nhất. Ý tưởng "Pax Sinica" (Thái Bình Trung Hoa) được nêu ra có phần vội vã, theo chuyên gia Jean-Loup Samaan của đại học Singapore, vì không chắc gì bền vững, vả lại Bắc Kinh rất cần an ninh cho các tuyến hàng hải vùng Vịnh - hiện đang được Hải quân Hoa Kỳ bảo đảm chứ không phải Trung Quốc.

Thế nào là "cộng đồng nhân loại cùng chung vận mạng" như ông Tập vẫn rao giảng ? Chuyên gia François Godement, Viện Montaigne tóm tắt : "Trung Quốc muốn một trật tự quốc tế giá rẻ, càng ít ràng buộc càng tốt, chỉ nhằm bảo đảm thương mại. Tầm nhìn của Bắc Kinh trên thực tế là một sự phân rã hoàn toàn, trong đó cá lớn nuốt cá bé". Nhà nghiên cứu Alexey Muraviev, đại học Curtin (Úc) đặt nghi vấn khi ngày 21/03 đã có một loạt cuộc họp kín giữa ông Tập và Putin với sự tham dự của các quan chức cao cấp của Nga về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên không có thông báo nào liên quan đến lãnh vực này, trong khi sự hiện diện của nguyên thủ thường vào lúc các hợp đồng đã được thỏa thuận xong.

Chận đứng độc tài Nga-Trung : vẫn còn kịp

Trước tham vọng của chế độ Trung Quốc và Nga nhằm xóa bỏ các nền dân chủ, nhà báo Nicolas Baverez trên Le Point kêu gọi "Ngăn cản các đế quốc độc tài". Tác giả bài viết cho rằng vẫn còn thời gian để thế giới tự do có thể đối phó.

Tình hình địa chính trị năm 2022 khá u ám cho các chế độ độc tài. Trung Quốc đối mặt với dân số giảm mạnh, kinh tế sa sút và tham vọng bành trướng bị phản ứng. Nga đang trong ngõ cụt hoàn toàn, lối thoát duy nhất là trở thành chư hầu của Bắc Kinh. Các giáo sĩ Iran bị người dân ồ ạt nổi dậy chống đối, Thổ Nhĩ Kỳ trong tình trạng thê thảm sau động đất. Ngược lại Ukraine chiến đấu bảo vệ tổ quốc rất hiệu quả, các quốc gia dân chủ Châu Âu và Châu Á tái vũ trang, Hoa Kỳ bênh vực Ukraine và Đài Loan, NATO mở rộng sang Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển, AUKUS hình thành và Hàn Quốc, Nhật Bản đang xích lại gần.

Tuy nhiên một trật tự thế giới mới do Bắc Kinh chủ trương và được Moskva ủng hộ có thể đặt phương Tây ra ngoài lề, với sự dẫn dụ các nước phương nam. Các chế độ tự do vẫn là thiểu số : chỉ có 21 quốc gia dân chủ hoàn toàn, và 53 nước chưa hoàn chỉnh ; lại không có chiến lược dài hạn trước các đế quốc toàn trị. Tác giả đề ra năm hướng : tái lập răn đe quân sự, chiếm hàng đầu công nghệ, củng cố sức kháng cự, đối thoại với xã hội dân sự của các chế độ độc tài, giúp các nước phương nam bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và Nga.

Mỹ và Trung Quốc : Một rừng không thể có hai cọp

The Economist nhận thấy ông "Joe Biden đang cố gắng khống chế con cọp Trung Quốc", đồng thời tỏ ra lo ngại khi "Cuộc đối đầu Mỹ-Trung bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm". Quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, mỗi bên đều có lý lẽ của mình. Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh ghi nhận một không khí thù địch rõ rệt nơi các quan chức Hoa lục, họ tin rằng Mỹ muốn bóp chết Trung Quốc, o ép cho đến khi Bắc Kinh phục tùng, chỉ là "một con mèo mập chứ không phải là cọp". Các nhà kỹ trị tuy được đào tạo ở phương Tây nhưng nay biện luận rằng toàn cầu hóa phải phục vụ cho mục tiêu chính trị của ông Tập.

Phía Mỹ lo lắng trước sự bành trướng của Trung Quốc tại Châu Á, một quốc gia độc đảng nay chỉ do một con người quyết định - đàn áp xã hội dân sự và bắt tay với Putin. Việc gì phải để cho một chế độ toàn trị sử dụng các phát minh của mình rồi trở nên nguy hiểm hơn ?

Trong khoảng 40 năm trước khi ông Donald Trump đắc cử, các đời tổng thống Mỹ liên tiếp đều nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Khi đón tiếp Hồ Cẩm Đào tại Nhà Trắng, Barack Obama tuyên bố : "Tôi hoàn toàn tin rằng sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc là tốt cho thế giới và tốt cho nước Mỹ". Ngày nay, lời bảo đảm này nghe như chuyện cổ tích. Một rừng không thể có hai cọp.

Đầu tư vào Việt Nam sôi nổi như Trung Quốc 20 năm trước

Trong khi đó theo L’Express, "Đất nước của bác Hồ thu hút những người thất vọng về Trung Quốc". Quá chán ngán trước chính sách khắt khe "zero Covid" và để tránh né các trừng phạt của Mỹ, nhiều công ty ngoại quốc đã chọn nước láng giềng Việt Nam làm nơi đầu tư.

Chẳng hạn ông Lionel Baud, chủ doanh nghiệp Pháp chuyên về cơ khí chính xác cho kỹ nghệ xe hơi và tự động hóa. Tuy đã có một chi nhánh thương mại ở Thượng Hải, nhưng ông chọn Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô kinh tế Việt Nam ở cách đó 2.500 kilomet, làm nơi xây dựng nhà máy đầu tiên của công ty ở Châu Á. Doanh nhân này tin tưởng ông đã đầu tư đúng nơi và đúng lúc. Ông chủ Baud Industries phấn khởi cho biết : "Trong kỹ nghệ, ngày nay có sự say mê đối với Việt Nam giống như với Trung Quốc cách đây 20 năm. Ngày càng có nhiều khách hàng và nhà cung cấp của chúng tôi di dời nhà máy sang, tạo ra một sự năng động thực sự". 

Ngay từ đầu cuộc thương chiến do tổng thống Donald Trump khởi động năm 2018, nhiều nhà đầu tư và doanh nhân coi Việt Nam là miền đất hứa mới ở Châu Á, nhờ sự gần gũi địa lý với người khổng lồ Châu Á, chính trị ổn định và nhân công rẻ. Thị trường 100 triệu dân này dự kiến tăng trưởng 6% trong năm nay, cao nhất trong khu vực. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng 13,5% trong năm 2022 với 22 tỉ đô la ; so với Trung Quốc 180 tỉ đô la - chủ yếu nhờ một số ít tập đoàn lớn của Đức.

Có thể kể : Tập đoàn Foxconn, nhà cung cấp cho Apple đầu tư 400 triệu đô la vào Bắc Giang, hãng Lego của Đan Mạch xây dựng một nhà máy quy mô ở phía bắc Saigon trị giá đến 1 tỉ đô la. Việt Nam đã ký ít nhất 18 hiệp định tự do mậu dịch, trong đó có một hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu (EU) năm 2020, nhờ đó xuất khẩu sang EU đã tăng 21% ngay từ 2021. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một nước chuyên lắp ráp, gia công, nên cần phải đầu tư vào giáo dục, đào tạo kỹ sư, giảm nạn quan liêu.

Cựu tổng thư ký NATO : Phương Tây đã để yên cho Putin leo thang

Nhìn sang Ukraine, L’Express nhận thấy Nga đã vét sạch số xe tăng cho cuộc quyết đấu sắp tới. Đến ngày 27/03, số xe bọc thép Nga bị tiêu diệt trên chiến trường Ukraine đã vượt qua mức 1.900 chiếc, một con số khủng khiếp ! Đó chỉ là số liệu được chứng thực, trên thực tế có thể lên đến 2.500. Viện Nghiên cứu Chiến lược ước tính có đến phân nửa số chiến xa tân tiến T-72B3 và T-72B3M đã bị tiêu hủy từ đầu cuộc xâm lược, số xe T-80BV/U chỉ còn 2/3.

Đôi khi không được pháo binh và bộ binh yểm trợ, các xe tăng Nga trở thành nạn nhân của các hỏa tiễn chống tăng phương Tây. Tệ hơn nữa, Ukraine tịch thu được ít nhất 552 xe tăng Nga. Moskva đành vét nhẵn các kho, huy động gần 800 chiếc T-62 đã thọ được 60 tuổi. Nhưng đây không phải là loại đồ cổ duy nhất, cả những chiếc T-54 và T-55 sản xuất vào cuối Đệ nhị Thế chiến cũng đã được xuất kho.

Cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng cần phải nhanh chóng viện trợ vũ khí cho Kiev nhiều hơn để cuộc chiến sớm kết thúc, hủy bỏ mọi giới hạn tự đặt ra. Ông Rasmussen phê phán phương Tây đã để yên cho Putin leo thang chiến tranh, chỉ bổ sung quân viện dần dà khi Nga dấn tới. Một ví dụ : do đợi quyết định chính trị về viện trợ xe tăng hạng nặng mới bắt đầu huấn luyện, nên việc chuyển giao bị chậm trễ. Ông cũng nhấn mạnh, muốn chiến thắng cần gây bất ngờ và trang bị hùng hậu hơn đối thủ.

Thụy Sĩ, hồi kết của một mô hình

Đất nước này đang trải qua "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến" - theo lời đại sứ Mỹ Scott Miller được Le Point trích dẫn. Washington phẫn nộ vì Bern nhân danh trung lập, cấm các quốc gia đã mua vũ khí của mình chuyển cho Ukraine. Làm thế nào mà một nền dân chủ phương Tây có thể né sang một bên trong cuộc đối đầu với phe toàn trị, bám víu vào một chủ trương từ thế kỷ 16, khi Thụy Điển và Phần Lan đã gõ cửa NATO ?

Các sông băng của dãy Alpes đang tan chảy, Thụy Sĩ sụt xuống vị trí thứ tám trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2023, quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu bị tổn hại. Tệ hại hơn cả là ngành ngân hàng. Đã bắt đầu lung lay từ 2016 khi không còn được giữ bí mật tiền gởi, sự sụp đổ của Credit Suisse càng làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia - Bern đã bỏ mặc ngành này trong nhiều năm. Thụy Sĩ vẫn là một nước giàu có, nhưng một kỷ nguyên đang kết thúc.

Đất đai phì nhiêu của Ukraine bị hủy hoại lâu dài

Tình hình hỗn loạn vì phong trào phản đối cải cách hưu trí tại Pháp tiếp tục được chú ý. Trên trang bìa của L’Obs, một cô gái trên mặt vẽ số "49.3" đối diện với một người cảnh sát đang cầm khiên bên cạnh đồng đội, với dòng tựa "Ra khỏi vòng xoáy". Courrier International kêu gọi "Hãy duy trì nguồn nước" : tái sử dụng nước ngọt để đối phó với hạn hán.

Trên khía cạnh môi trường, cuộc xâm lăng của Nga không chỉ tàn sát con người, mà khiến cho mặt đất Ukraine còn phải chịu đựng tác hại trong suốt nhiều thập niên tới. Sau một năm chiến tranh, xác xe tăng Nga nằm la liệt khắp nơi, những cánh đồng loang lổ hố bom, mìn bẫy, những khu rừng chằng chịt giao thông hào… Và Nga đã biến "tchernoziom", loại đất đen màu mỡ của Ukraine thành những vùng đất ô nhiễm nhất thế giới, bị bão hòa vì lượng oxyde chrome, đồng, nickel, chì, xăng dầu…hấp thu, trong đó có những chất gây ung thư.

Các nhà khoa học được L’Express dẫn lời nhấn mạnh, tiến trình tẩy độc phải mất ít nhất vài chục năm. Một phần ba diện tích rừng Ukraine, khoảng 3 triệu hecta đã bị ô nhiễm. Chưa kể số lượng mìn chống tăng, mìn chống cá nhân, bom bi, đạn pháo chưa nổ… nhiều hơn cả ở Syria và Afghanistan.

Thụy My

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á