Cuộc chiến do Nga gây ra tại Ukraine gợi ý cho Việt Nam những bài học về chiến lược an ninh, quốc phòng.
Các quân nhân Ukraine đang đứng gần Robotyne, vùng Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, ngày 21/2/2024
Cuộc chiến Nga – Ukraine đã bắt đầu bước sang năm thứ ba với tình thế giằng co, bất lợi cho quân đội Ukraine. Trong bối cảnh đó, Việt Nam mới kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa (1974), 45 năm Chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979-1989) và sắp tới là 36 năm Hải chiến Trường Sa (1988).
Trong tiếng Latin có câu tục ngữ "Si vis pacem, para bellum" có nghĩa rằng, "Nếu muốn có hòa bình, phải chuẩn bị cho chiến tranh".
Việt Nam và Ukraine có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa chính trị chiến lược : cùng nằm cạnh cường quốc ; Nga cần có Ukraine trong tầm ảnh hưởng, chi phối với Crimea để duy trì sức mạnh, còn Trung Quốc cần Biển Đông và chi phối Việt Nam để vươn mình trong "Giấc mộng Trung Hoa", hóa giải thế bao vây ở chuỗi đảo thứ nhất.
Việt Nam và Ukraine cùng nằm ở điểm va chạm giữa các đại chiến lược của các cường quốc và các khối cạnh tranh ảnh hưởng. Do vậy, sự xung đột tiềm tàng trong hiện tại và tương lai với các cường quốc là điều khó tránh khỏi và phải có sự chuẩn bị một cách hữu hiệu.
Nhìn từ nhiều góc độ, đây là lúc Việt Nam cần đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm của Ukraine trong hiện tại và của chính Việt Nam trong cuộc chiến năm 1979-1989, kết hợp với nghiên cứu, đánh giá tình hình toàn cầu và nội tại của đất nước để cải tổ, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các cuộc xung đột, tranh chấp tiềm tàng trong tương lai.
Cần xác định đối thủ tiềm tàng
Trong tuyên truyền, giáo dục hay trong tài liệu chính trị công khai, Việt Nam và cụ thể hơn là Đảng cộng sản Việt Nam luôn xác định đối tượng, mục tiêu phòng chống của họ một cách mơ hồ, chung chung và lỗi thời là "thế lực thù địch", chủ nghĩa đế quốc ám chỉ Hoa Kỳ và các quốc gia tư bản phương Tây.
Cái bóng của Chiến tranh Lạnh, đối đầu ý thức hệ chưa thoát khỏi tư duy. Cái họ bảo vệ trước nhất là vị thế lãnh đạo của Đảng cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Nhưng thời thế đã thay đổi từ rất lâu và Hoa Kỳ cũng như các quốc gia phương Tây không phải là mối đe dọa quân sự hiện hữu hay tiềm tàng với Việt Nam.
Trong khi đó, thực tại của Việt Nam là tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc : quần đảo Hoàng Sa bị chiếm đóng toàn bộ, quần đảo Trường Sa bị gặm nhấm, vùng đặc quyền kinh tế thường xuyên bị xâm phạm, quấy nhiễu ; các vùng không tranh chấp bị Trung Quốc cố tình biến thành có tranh chấp...
Mặt khác, giới quan tâm tình hình chính trị Việt Nam còn lo ngại sự thâm nhập, chi phối của Trung Quốc trên đất liền thông qua các dự án phát triển hạ tầng, thuê đất tại các khu vực trọng yếu ven biển, gần biên giới.
Ukraine đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau khi Nga lật mặt, sáp nhập Crimea và ngấm ngầm ủng hộ phe ly khai ở Donbas năm 2014. Họ biết đối thủ hiện tại của họ là ai, kẻ xâm phạm đến lợi ích quốc gia của họ là ai, ai đứng về phía họ khi cần bảo vệ quyền dân tộc tự quyết và nền dân chủ.
Mức độ của Việt Nam hiện tại mới chỉ là tranh chấp trên biển, nhưng đã có hai cuộc hải chiến, có đổ máu, hải đảo bị chiếm đóng đến tận bây giờ, thì ai là đối thủ tiềm tàng, ai là đối tác tiềm tàng về an ninh cũng đã rõ ràng.
Do vậy, dù có thể không công khai, Việt Nam cần thay đổi tư duy và chính sách về xác định đối thủ tiềm tàng, mục tiêu, đối tượng cần lưu tâm một cách cụ thể, sát tình hình thực tiễn, gắn bó mật thiết với lợi ích và an ninh quốc gia, chứ không thể là sự viển vông về đụng độ ý thức hệ cũ mèm.
Tư duy về quân sự và phương thức tác chiến
Sau khi xác định đúng đối thủ tiềm tàng, bước kế đến là nghiên cứu, đánh giá về đối thủ, so sánh "địch – ta" về tương quan lực lượng, sức mạnh để có đối sách, phương thức tác chiến phù hợp, từ đó huấn luyện, diễn tập sát với thực tiễn chiến trường và mua sắm, phát triển vũ khí, hiện đại hóa quân đội đúng hướng hơn.
So tương quan Việt Nam với đối thủ tiềm tàng - giả định ở đây là quân đội có quy mô, sức mạnh như Trung Quốc - thì quân đội Việt Nam cần học kinh nghiệm của Ukraine, chứ không phải quân đội Nga như cách nhiều người thiện cảm với Nga và Putin đang tung hô.
Tình huống cuộc chiến Nga - Ukraine cho thấy bài học về một quân đội nhỏ hơn chống lại đội quân của một cường quốc với ưu thế vượt trội gấp nhiều lần. Đó chính là chiến tranh bất cân xứng.
Bên cạnh đó, quân đội hai bên giằng co tại các "thành trì" như Bakmut, Avdiivka, Kupiansk, Lyman,... cho thấy tác chiến đô thị, không gian hẹp chiếm phần lớn thời gian cuộc chiến. Hơn nữa, sự tham gia của các phương tiện không người lái trên không (UAV) và dưới nước (UUV) cũng góp phần thay đổi diện mạo cuộc chiến. Ngoài ra, sự phối hợp của hải - lục - không quân trong các hoạt động quân sự cũng cần quan sát và rút kinh nghiệm.
Quan trọng hơn, Ukraine ở thế phòng thủ - phản công tái chiếm lãnh thổ, không phải là bên tấn công, củng cố vị trí chiếm đóng. Điều này tương đồng với vị thế của Việt Nam trong chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979-1989. Những kinh nghiệm chống lại quân Trung Quốc giai đoạn này là quý giá, nhưng PLA nay đã lột xác, không còn như thời chiến tranh biên giới với Việt Nam và cách thức tiến hành chiến tranh hiện nay cũng đã khác nhiều, nên quân đội Việt Nam buộc phải thay đổi, hiện đại hóa cả về tư duy lẫn trang bị vụ khí.
Quân đội Ukraine đã có sự chuyển mình mạnh mẽ từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Từ một đội quân yếu đuối, rệu rã, không thể đối phó được với quân ly khai ở Donbas, sau khi cải tổ đã mạnh mẽ chiến đấu ngang ngửa với đối thủ có ưu thế gấp nhiều lần. Cái mà họ thay đổi nhiều nhất là loại bỏ tư duy tổ chức, tác chiến có từ thời Liên Xô, mà thay vào đó là những thứ đối chọi lại đến từ các đối thủ của Liên Xô và nay là nước Nga.
Nhìn lại quân đội Việt Nam, họ vẫn huấn luyện, diễn tập theo lối "công thành chiếm đất" mang đậm tư duy của cuộc chiến tranh với người anh em Việt Nam Cộng hòa và xung đột ý thức hệ thời Chiến tranh Lạnh. Điều này hoàn toàn lỗi thời và nên thay đổi.
Quân nhân thuộc lữ đoàn 24 của quân đội Ukraine thực hiện các cuộc thử nghiệm với thiết bị không người lái FPV gần Kostiantynivka, Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2024
Diễn giải lại chính sách ‘Bốn không’
Trong Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019 và các tài liệu công khai của Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam, chính sách "bốn không" được khẳng định rõ ràng. Đó là : 1. Không tham gia liên minh quân sự ; 2. Không liên kết với nước này để chống lại nước khác ; 3. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác ; 4. Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, chính sách quốc phòng Việt Nam còn có "một đồng" và "một tùy" khác. Đó là, "Đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung" và "Tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".
Điều đó có nghĩa rằng : tuy áp dụng chính sách "bốn không" để cân bằng quan hệ, tránh căng thẳng với Bắc Kinh, Việt Nam vẫn để ngỏ khả năng phát triển các mối quan hệ hợp tác an ninh - quân sự với nhiều nước khác nhằm củng cố năng lực phòng thủ.
Trên thực tế, điều này đã có trong quan hệ với Ấn Độ, Nhật, Israel,... và kể cả Hoa Kỳ, nhưng vẫn ở mức độ thấp, trong các lĩnh vực ít nhạy cảm với Bắc Kinh – như nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển, an ninh hàng hải, đối phó với vấn đề an ninh phi truyền thống...
Các nước tiêu biểu viện trợ quân sự cho Ukraine
Điều mà Hà Nội quan ngại nhất trong các mối quan hệ hợp tác là sự ảnh hưởng về mặt chính trị, các yêu cầu bắt buộc Hà Nội phải cải cách chính trị theo hướng bảo đảm dân chủ - nhân quyền.
Điều này khiến Việt Nam bị hạn chế rất nhiều trong quan hệ hợp tác quân sự với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là trong các thương vụ mua bán vũ khí. Rào cản chủ yếu xuất phát từ niềm tin chính trị giữa hai bên và một phần tâm lý đề phòng của giới lãnh đạo ở Hà Nội. Cùng lúc, quan hệ hợp tác quân sự, mua bán vũ khí với Nga gặp trở ngại do hệ lụy từ cuộc chiến ở Ukraine.
Do đó, Việt Nam cần thay đổi tư duy "địch – ta" về mặt ý thức hệ trong quan hệ quốc tế, kết hợp với sự cởi mở về chính trị trong nước để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác với các quốc gia không cùng mô hình phát triển.
Nhiều người thân Nga ở Việt Nam đánh giá Ukraine không biết cân bằng quan hệ, không khéo léo như Việt Nam, mà chọn phe, theo phương Tây nên mới dẫn đến cuộc chiến với Nga. Điều này hoàn toàn không chính xác. Ukraine đã mạnh mẽ thoát ra khỏi tầm kiểm soát của Điện Kremlin, bảo vệ lợi ích quốc gia và phẩm giá dân tộc trong việc tự quyết định con đường phát triển tiến bộ hơn, chứ không lay lắt trong nạn tham nhũng và trì trệ. Còn mưu đồ của Moscow thì chưa bao giờ bị che giấu. Nếu Ukraine không nằm trong quỹ đạo của Nga thì sẽ bị tấn công dù sớm hay muộn.
"Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình cũng vậy. Đó là điều Việt Nam bé nhỏ hơn không thể ngăn chặn, chỉ có thể kiềm chế phần nào và tìm đối sách ứng phó. Và thực tế Việt Nam không thể ứng phó một mình, mà phải có sự hợp tác đa phương - một cách nói tránh cho sự liên kết về an ninh hiện hữu, tuy vẫn chỉ ở mức độ thấp, dè dặt do lo ngại phản ứng từ Bắc Kinh.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động diễn tập quân sự đa phương thông qua việc cử chiến hạm, như sự kiện Hải quân đa phương MILAN 2024 tới đây tại Ấn Độ, chứ không chỉ dừng ở mức cử quan sát viên đi như nhiều năm trước. Nhưng ngoại giao quốc phòng như vậy là chưa đủ khi Việt Nam rơi vào tình thế có xung đột vũ trang.
Nếu như không có sự hỗ trợ như của phương Tây dành cho Ukraine hiện nay, Việt Nam liệu có đủ sức chống lại một lực lượng hùng hậu, trang bị tối tân hơn nhiều lần như quân đội Trung Quốc hay không ?
Do vậy, về lâu về dài, Việt Nam vẫn cần một sự bảo đảm an ninh, một sự liên kết an ninh chắc chắn, mạnh mẽ với những đối tác xứng tầm để cân bằng lực lượng trên Biển Đông nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung.
Trên tất cả, Việt Nam cần tăng cường nội lực, củng cố sức mạnh kinh tế và hiện đại hóa quân đội dựa trên thành tựu tăng trưởng kinh tế, sự hợp tác với các quốc gia thân thiện.
Song song đó, Việt Nam cần dần thoát khỏi "vòng kim cô", tầm ảnh hưởng, chi phối của Bắc Kinh về mọi mặt, mà hiện hữu rõ nhất là trong vấn đề kinh tế, sâu xa hơn là con đường phát triển và sự ảnh hưởng về chính trị.
Nguyễn Đình Hà
Nguồn : BBC, 26/02/2024
Tác giả Nguyễn Đình Hà là một blogger sống và làm việc tại Hà Nội, Việt Nam.
Ngày 24/02/2024, kỷ niệm tròn 2 năm ngày Cộng hòa Liên Bang Nga phát động cuộc tấn công xâm lược toàn diện vào Ukraine, một đất nước có chủ quyền. Hàng trăm ngàn quân lính Nga, cùng với những thiết bị quân sự - được tự xưng là "Hiện đại, tinh vi nhất thế giới" của một "Cường quốc quân sự" đứng hàng đầu thế giới - đã ngang nhiên vượt qua biên giới tấn công một đất nước láng giềng.
Ngày 24/02/2022, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin phát động cuộc tấn công xâm lược toàn diện vào Ukraine
Putin, một tổng thống Liên bang Nga đã nuốt lời, liếm lại bãi nước bọt vừa nhổ ra bằng những lời thề thốt trước cả thế giới, rằng Nga không xâm lược, không tấn công Ukraine mới rời khỏi miệng để tiến hành một cuộc chiến xâm lược một thành viên Liên Hợp Quốc, dù Nga là một thành viên là Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc.
Trắng trợn và bất chấp luật pháp
Ukraine một quốc gia thành viên của Liên bang Xô Viết, sau khi liên bang tan rã, đã xây nền độc lập của mình trong sự chính danh, được sự công nhận của cả thế giới, trong đó có Liên bang Nga. Đường biên giới giữa hai nước, lãnh thổ hai quốc gia này đã được xác đinh rõ ràng. Bằng chứng không thể chối cãi, là căn cứ hải quân Sevastopol của Nga phải thuê lãnh thổ, lãnh hải của Ukraine trên bán đảo Crimea.
Thế rồi, bằng những trò bẩn thỉu, láu cá vặt chẳng qua mặt được ai, năm 2014, Putin chơi trò tháu cáy đánh cướp bán đảo Crimea của Ukraine trước những phản ứng yếu ớt của thế giới. Những phản ứng khi đó, một phần là do cái danh xưng Cường quốc quân sự hàng đầu thế giới với đủ loại vũ khí tinh vi, hiện đại và vô địch làm thế giới phải lo ngại khi làm mất lòng Nga chứ chưa nói đến việc đối đầu. Những đòn trừng phạt qua loa, lấy lệ và chẳng có mấy tác hại đối với Nga đã làm Putin tự thấy mình to lớn, thấy mình vĩ đại và vô địch.
Nhưng âm mưu xâm lược và bành trướng của Putin không chỉ dừng ở bán đảo Crimea. Dù cái miệng Putin leo lẻo cách nào, thì nó cũng không thể đánh lừa cả thế giới. Và mới đây, Putin đã huỵch toẹt ra rằng : Lẽ ra Nga đã tấn công toàn bộ quốc gia Ukraine từ 2014, nhưng khi đó chưa thể tiến hành vì Nga chưa có vũ khí siêu thanh và "nước Nga cần phải có nền tảng kinh tế vững vàng để sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn". Putin cho rằng : "Kết quả sản xuất nông nghiệp tốt trong giai đoạn 2021-2022 và sự tiến bộ của các lĩnh vực tài chính trong nước là điều kiện thích hợp cho một chiến dịch như vậy" do đó Putin đã lập tức tiến hành cuộc chiến xâm lược.
Điều đó, cũng có nghĩa là vấn đề chính nghĩa, vấn đề mà Putin cho rằng bị đe dọa, vấn đề an ninh quốc gia của Nga… chỉ là lý do bịa đặt che đậy âm mưu xâm lăng vẫn luôn tồn tại. Nó sẽ biến thành hành động lúc có đủ điều kiện theo sự đánh giá của Putin.
Điều đó, cũng có nghĩa là một nước Nga hùng mạnh, vững vàng là mối đe dọa cho hòa bình và an ninh của các quốc gia lân bang và cả thế giới nhất là các quốc gia yếu thế, bé nhỏ lân cận.
Điều này, người Việt Nam cũng nghe quen quen với cách hành xử của anh bạn láng giềng Phương Bắc của mình.
Người ta còn nhớ rất rõ rằng : Ukraine đã từng là một quốc gia sở hữu một khối lượng rất lớn vũ khí hạt nhân, với số lượng đứng thứ 3 trên thế giới, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Và người ta đặt câu hỏi rằng : Nếu Ukraine vẫn giữ nguyên số đầu đạn hạt nhân đó, liệu Nga có dám coi thường và tấn công ngang nhiên bất chấp luật pháp quốc tế hay không ?
Câu hỏi được đặt ra trong sự tiếc nuối của người dân Ukraine vì đã quá tin lời quân kẻ cướp.
Bởi Nga, cũng chính là một bên đã ký kết thỏa thuận chính trị tại hội nghị OSCE ở Budapest, Hungary vào ngày 05/12/1994 nhằm cung cấp đảm bảo an toàn cho Ukraine và một số quốc gia tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo đó, Nga, Mỹ và Anh cam kết "tôn trọng độc lập và chủ quyền cũng như các biên giới hiện có của Ukraine". Bản ghi nhớ có đoạn : "Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định nghĩa vụ kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và rằng sẽ không có vũ khí nào của họ được sử dụng để chống lại Ukraine ngoại trừ để tự vệ hoặc theo cách khác phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc".
Cụ thể, bản ghi nhớ đó cũng ghi rõ : Nga, Anh, Mỹ "tái khẳng định cam kết tìm kiếm hành động ngay lập tức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, với tư cách là Quốc gia không sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu Ukraine trở thành nạn nhân của một hành động xâm lược hoặc bị đe dọa xâm lược trong đó vũ khí hạt nhân được sử dụng".
Thế rồi, chính Nga, một bên tham gia bản thỏa thuận, ghi nhớ đó đã tấn công Ukraine bằng các loại vũ khí và sức mạnh tổng lực nhằm xóa sổ chính quyền, nhà nước Ukraine độc lập để sáp nhập Ukraine vào lãnh thổ của mình.
Đó là thái độ, bộ mặt trơ trẽn, phản trắc mà các nhà cầm quyền cộng sản thường có, bất chấp lẽ phải, bất chấp liêm sỉ hay luật pháp, nguyên tắc của xã hội loài người.
Để giải thích việc xua quân xâm lược Ukraine, Putin nói rằng : "Vì sao ư ? Bởi vì chúng ta đã bị tấn công trước. Đầu tiên, họ tìm cách tấn công Crimea, sau đó đến Donbass". Hài hước thay, cái "Chúng ta" của Putin nói ở đây, là lãnh thổ của Ukraine mà Liên bang Nga đã trịnh trọng công nhận từ xưa và mới nhất là năm 1991, nhưng chỉ vì ở đó có Cộng đồng nói tiếng Nga. Bởi người ta cũng nghe điều tương tự khi Đặng Tiểu Bình xua quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979 cũng với lý do "Để dạy cho Việt Nam một bài học trong vấn đề Nạn kiều".
Xem ra, lời lẽ của quân cướp thì ở đâu cũng có một mùi, một dạng như nhau. Đặc biệt, lời lẽ từ miệng cái nòi cộng sản thì càng không mấy khác nhau vì có chung bản chất.
Hai năm cuộc chiến : Thui ra mới biết béo gầy
Nếu không có cuộc chiến xâm lược toàn diện với Ukraine, thì chắc giờ đây trên thế giới, người ta vẫn cứ nhắc nhở nhau cẩn thận và kính nể một Đại cường quốc đứng hàng đầu thế giới là Liên bang Nga với diện tích 17.098.246 km2, rộng nhất thế giới về lãnh thổ, với gần 145 triệu dân.
Ở đất nước ấy, có một Tổng thống được người dân yêu quý nên không nỡ thay đổi đã mấy chục năm nay, tài danh vẹn toàn. Những hình ảnh Tổng thống Nga cởi trần tắm băng, cở trần cưỡi ngựa, cưỡi gấu, phóng xe máy… làm thổn thức nhiều triệu trái tim đàn bà trên thế giới. Tổng thống ấy, "nói nhiều người nghe, đe cả thế giới sợ" chứ không bỡn.
Dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Tống thống ấy, nước Nga đã liên tục trải qua các trận chiến ở ngoài biên giới và trận nào cũng đã xuất quân là chiến thắng. Bởi Nga và chư hầu Nga vẫn tự cho rằng Nga có nền kinh tế vững vàng, nền quốc phòng hiện đại và tinh vi với nhiều vũ khí mà khi nói đến, thì cả thế giới đã xanh mắt mèo.
Đặc biệt, tại các quốc gia "chư hầu" những quốc gia phản dân chủ mà lãnh đạo là những nhà độc tài như Việt Nam, Bắc Hàn… thì dàn Dư luận viên, đội quân ba xu, an ninh mạng… tha hồ tâng bốc và tô vẽ lên tận mây xanh. Mà không chỉ có mấy đứa Dư luận viên hay An ninh mạng, đến cả như Lê Văn Cương, tướng Công an, đã từng là Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an vẫn cứ ngước nhìn "Cụ Putin sĩ quan KGB 71 tuổi" như một thánh sống và dùng những lời lẽ trên mây để ca ngợi hoặc chỉ biết tấm tắc bởi không còn từ ngữ nào để ca ngợi sự lớn mạnh, tinh nhuệ và vô địch của quân đội Nga.
Cựu Thiếu tướng công an Lê Văn Cương, từng là Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, ca ngợi "Cụ Putin sĩ quan KGB 71 tuổi" như một thánh sống
Thậm chí với những sự cuồng tín và bất chấp phải trái, đúng sai, đám Lê Văn Cương, Lê Thế Mẫu… còn bỏ qua những lẽ phải đơn giản nhất để biện hộ cho cuộc xâm lược của Nga chiếm Crimea năm 2014 là bởi vì : "Nga là một "cường quốc" nhưng không có đường ra biển, các đồng chí ơi" - Lê Văn Cương đã gào lên như vậy.
Thế rồi, khi xua quân qua biên giới và tấn công thẳng vào Kiev, Putin chắc mẩm rằng cuộc chiến chỉ cần 72 tiếng đồng hồ để quân và dân Ukraine có đủ thời gian đón tiếp đội quân hùng mạnh của đại đế Putin sang Ukraine "diệt tân phát xít". Thậm chí, truyền thông còn cho biết rằng trong đội quân xâm lược ấy, còn có cả đoàn quân lễ nghi của Nga để chuẩn bị cho cuộc diễu binh mừng chiến thắng của quân đội Nga tại Kiev.
Cả thế giới sửng sốt, bàng hoàng bởi sự trở mặt và dã man của đội quân Nga lúc bấy giờ. Người ta chỉ biết ái ngại cho Ukraine, một đất nước đã không may phải sống cạnh một láng giềng bẩn thỉu và tham lam với mưu đồ bành trướng không thể giấu diếm và sức mạnh gấp bội.
Thậm chí, Hoa Kỳ còn gợi ý sẽ giúp đỡ Tổng thống Ukraine một cuộc bỏ chạy ra nước ngoài an toàn rồi mọi chuyện tính sau.
Thế rồi, cả thế giới lại sửng sốt trước thái độ của người Ukraine từ Tổng thống đến người dân. Tổng thống Ukraine nói: "Chúng tôi cần vũ khí chứ không cần chuyến xe đi nhờ" và "Nếu quân thù đến đây, chỉ thấy mặt chúng tôi chứ không phải cái lưng".
Tổng thống Volodymir Zelensky kêu gọi toàn dân Ukraine chống lại quân xâm lược nga ngày 23/02/2022
Từ đó, cả đất nước Ukraine đứng dậy chống chiến tranh xâm lược bảo vệ bờ cõi bằng cuộc chiến hy sinh, gian nan, nhưng anh dũng.
Và những gì Nga đã nhận được hai năm qua, không chỉ là bài học cho sự ngông cuồng của Putin mà là tấm gương tày liếp cho những thế lực bành trướng khác đang nhăm nhe lãnh thổ láng giềng bởi sự phản ứng không chỉ của Ukraine mà của cả thế giới.
Công cuộc của người dân Ukraine trong việc chống xâm lược từ Nga như câu chuyện "châu chấu đá xe" đã tạo nên những kỳ tích buộc thế giới phải kính nể.
Về quân sự, đến nay, đội quân có "sức mạnh vô địch, tinh vi và hiện đại của một cường quốc" ấy đi đấu với một đội quân không tên tuổi như quân đội Ukraine được coi là một sự khập khễnh lớn mà Nga có thể ăn tươi nuốt sống ngay lập tức. Chính Putin năm 2014 đã mạnh mồm tuyên bố : "Nếu muốn, tôi chiếm cả Kiev trong hai tuần".
Nhưng hại thay, quân đội vô địch kia đã tự chứng minh cho cả thế giới biết rằng cái mớ vũ khí tinh nhuệ, hiện đại và vô địch ấy, thực chất chỉ là một đống bầy hầy những sản phẩm của truyền thông tuyên truyền tự sướng. Hàng ngàn xe tăng, hàng trăm máy bay đã đưa theo gần nửa triệu lính Nga bỏ xác trên chiến trường Ukraine là một minh chứng không cần nhiều lời. Hệ lụy của nó, là Nga không đủ thịt để đưa ra chiến trường, buộc phải huy động nhân lực bằng mọi cách, báo hại hàng loạt thanh niên, trai tráng Nga chạy tán loạn ra nước ngoài và cuối cùng thì Putin đại đế đã phải sử dụng thịt của tù nhân đem ra chiến trường để "Chiến đấu cho chính nghĩa".
Những thực tế sinh động này tại chiến trường Ukraine, đã làm cho các quốc gia xưa nay vẫn tin tưởng mà mua các thiết bị quân sự của Nga đãng phải đứng ngồi không yên.
Một cường quốc quân sự đã đến lúc phải cậy nhờ những tên "côn đồ quốc tế" mạt hạng như Iran, Bắc Hàn thì đủ biết cái gọi là "Sức mạnh Nga" chỉ là con gấu bằng giấy bồi mà thôi.
Hạm đội Biển Đen xưa nay được nhắc đến với những lời thầm thì vì muôn cái "Nhất", đã buộc phải bỏ cả đại bản doanh của mình ở căn cứ Sevastopol để tránh nạn sau khi vài ba chục chiến hạm thuộc hàng hiện đại, lừng lẫy, vô địch nhất đã bị đánh chìm và chôn thây dưới Biển Đen. Khu vực Biển Đen một thời Nga làm mưa làm gió như sân nhà của mình, đã trở lại yên tĩnh cho tàu bè Ukraine xuất lương thực đi ra thế giới tự do qua lại.
Và điều mà Nga không bao giờ muốn và hành động bằng mọi cách để "ngăn chặn từ xa" là không để biên giới NATO đến gần Nga, thì ngay sau cuộc xâm lược tỏ rõ bản chất của mình, NATO có thêm 1.400 km biên giới chung với Nga sau khi Phần Lan đã tỉnh ngộ, cảnh giác trước trò ăn cướp của Nga để từ bỏ chính sách trung lập mấy chục năm qua mà gia nhập NATO. Đồng thời, hành động của Nga cũng đã đẩy Ukraine gia nhập vào khối Liên Hiệp Châu Âu và cơ hội gia nhập NATO lớn hơn bao giờ hết.
Chưa hết, khối NATO đã có thời rệu rã đến mức được Tổng thống Pháp coi là "chết não", và Tổng thống Mỹ Donald Trump định rút ra khỏi khối này, thì nay đã đoàn kết và lớn mạnh hơn bao giờ hết trong việc kết nạp thêm các thành viên mới.
Về mặt ngoại giao, cuộc xâm lược của Nga đã để cho ít nhất là 141/193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không ngần ngại thẳng thừng yêu cầu Nga rút quân đội và dừng ngay thói ăn cướp. Những quốc gia còn lại, hoặc "há miệng mắc quai" như Việt Nam, hoặc là những quốc gia cơ hội như Trung Quốc im lặng để nhân cơ hội loạn lạc chiến tranh này mà kiếm chác, trong khi người dân nước họ vẫn dành sự ủng hộ cho Ukraine chính nghĩa. Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Nga bị khai trừ ra khỏi Hội đồng Nhân quyền thế giới, các quốc gia đàn em trước nằm dưới trướng Nga đã dần dần tách khỏi chiếc ô rách nát chẳng có tác dụng gì của Nga.
Điều hài hước nhất là "Con gấu Nga" Putin đã bị nhốt trong chiếc lồng vô hình sau khi có lệnh truy nã của Tòa án hình sự Quốc tế. Có lẽ đây là một nỗi nhục cho một thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc, một "Cường quốc quân sự" một đất nước leo lẻo là yêu hòa bình, tự do như họ đã tụng niệm xưa nay.
Về kinh tế, 16.500 lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, từ khắp thế giới, đã buộc Nga vào tình thế "tự cung tự cấp" là mô hình của xã hội "cộng sản nguyên thủy" mà chủ nghĩa Mác – Lenin đã định nghĩa. Điều đặc biệt, là Châu Âu đã tự cắt được cơn nghiện năng lượng Nga mà Nga đã sử dụng như một thứ vũ khí để khống chế Châu Âu mấy chục năm qua một cách hiệu quả. Nga mất đi mỏ vàng tự nhiên có đã mấy chục năm khai thác này và đối diện với hàng loạt sự trừng phạt nghiêm khắc khi muốn xuất khẩu món "vàng đen" chủ lực là dầu khí. Hàng trăm tỷ đô la bị phong tỏa, bị đá ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài bỏ của chạy lấy người, các hãng hàng không Nga rơi vào tình thế tự cung tự cấp và bay loanh quanh trong lãnh thổ Nga.
Những hậu quả mà Nga đã nhận được từ cuộc chiến này, không chỉ về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao mà là lòng người dân khắp thế giới biết rõ tường tận tâm địa kẻ cướp của Nga mà luôn luôn cảnh giác.
Và điều ác hại hơn cả, là ngày nay, Nga hầu như không có lối ra tại Ukraine.
Không có lối ra, bởi sự kiêu ngạo, sự ngạo mạn mà Putin đã xây dựng xưa nay cho mình trên sự hão huyền về "sức mạnh Nga".
Không có lối ra, bởi âm mưu xâm lược đã rõ, ngay cả khi rút ra khỏi cuộc chiến, phần lãnh thổ cướp được cũng không thể giữ lại được cho mình.
Và càng sa lầy vào cuộc chiến, thì bộ mặt của một "cường quốc" ngày càng thảm hại.
Và đó cũng là bài học cho những thế lực bành trướng khác, đang ngày đêm nhòm ngó lãnh thổ của láng giềng.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 25/02/2024
Chiến tranh sang năm thứ 3 : Ukraine chuyển sang thế thủ
Thu Hằng, RFI, 24/02/2024
Ngày 24/02/2024, Ukraine khẳng định sẽ chiến thắng "màn đêm" Nga đúng ngày kỉ niệm tròn hai năm tổng thống Putin ra lệnh mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" và tự tin chiếm Kiev chỉ trong vài ngày. Bước sang năm thứ ba chiến tranh, Ukraine bị suy yếu trên mặt trận miền đông và nam sau thất bại của chiến dịch phản công mùa hè 2023. Nga hiện vẫn chiếm khoảng 17% diện tích của Ukraine.
Lính Ukraine chuẩn bị vũ khí trong một buổi thao dượt quân sự gần chiến tuyến ở Donetsk, ngày 23/02/2024. AFP – Anatolii Stephanov
Kiev đang phải đối phó với lực lượng Nga được củng cố nhờ chuyển sang nền kinh tế chiến tranh. Quân Nga gặm nhấm từng mảnh đất ở miền đông. Sau khi quyết định rút hết quân khỏi Avdiivka ngày 17/02, Kiev hiện coi Mariinka là "điểm nóng". Trong khi đó, quân đội Ukraine phàn nàn về thiếu lực lượng, đạn pháo và trang thiết bị phòng không.
Trong những ngày qua, các đồng minh phương Tây không ngừng thông báo viện trợ cho Ukraine, tuy nhiên, khoản viện trợ lớn nhất mà Kiev cần vẫn bị chặn ở Hạ Viện Mỹ. Khi tiếp thủ tướng Đan Mạch tại Lviv ngày 23/02, tổng thống Zelensky gián tiếp chỉ trích Hạ Viện Mỹ : "Điều quan trọng là mọi quyết định (về giao vũ khí) được đưa ra kịp thời. Tôi nghĩ đó là điều ưu tiên".
Tuy nhiên, gần 70% người dân Ukraine, được đài truyền hình Nhật NHK và cơ quan nghiên cứu Rating Group (tại Kiev) thăm dò ý kiến, cho rằng Ukraine phải tiếp tục đẩy lùi cuộc xâm lược Nga, lấy lại những vùng lãnh thổ bị chiếm. Khi được AFP đặt câu hỏi, nhiều người dân ở Kiev cho biết vẫn kiên quyết chiến thắng kẻ xâm lược. Thủ đô của Ukraine trải qua một mùa đông ổn hơn so với năm ngoái. Trả lời đài RFI sáng 24/02, đô trưởng Kiev Vitali Klitschoko cho biết :
"Năm ngoái (2023) thực sự là khó khăn. Chúng tôi thiếu điện trầm trọng vì Nga oanh kích các công trình hạ tầng. Năm nay, tôi cảm ơn các đồng minh của Ukraine đã cung cấp cho chúng tôi nhiều hệ thống phòng không hiện đại. Gần như mỗi đợt oanh kích bằng drone, tên lửa nhắm vào Kiev, đều bị vô hiệu hóa.
Nhưng tình hình vẫn phức tạp. Năm ngoái, còi báo động vang lên hơn 800 lần ở Kiev. Trên tổng số 12 tháng, người dân đã phải trốn trong boong-ke hay dưới hầm trú ẩn mất tổng cộng 1 tháng. Hiện giờ thành phố được bảo vệ tốt hơn, người dân đã trở lại. Trước chiến tranh, có 3,8 triệu người sống ở Kiev. Hiện giờ có 3,5 triệu nhưng đừng quên là trong số này có khoảng 400.000 người di cư từ miền đông và nam Ukraine".
Còn tại thành phố Kharkiv, cuộc sống cũng dần quay trở lại. Từ Kharkiv, thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze cho biết thêm thông tin :
"Kharkiv là thành phố đầu tiên bị tấn công trong cuộc xâm lược này, và thực tế vẫn đang tiếp tục bị tấn công. Nhưng đến giờ, thành phố vẫn chưa bao giờ rơi vào tay quân Nga. Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine trước cuộc xâm lược, đã vắng bóng cư dân vào năm 2022. Nơi đây giống như một thị trấn ma. Trong chuyến thăm đầu tiên của tôi, tôi có thể nhận thấy rằng cuộc sống đã thay đổi rất nhiều kể từ đó, xin nhắc lại rằng vào tháng 9 năm 2022, toàn bộ vùng Kharkiv đã được quân đội Ukraine giải phóng.
Năm 2023 kéo theo rất nhiều vụ đánh bom, nhất là vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và cơ sở hạ tầng chiến lược. Những vụ đánh bom này lại tiếp tục gia tăng vào tháng giêng năm nay, tuy nhiên cư dân đã trở về và cuộc sống đã dần quay trở lại với thành phố này, nơi vẫn luôn kháng cự, ngay cả khi tình hình ở phía đông đất nước, chỉ cách Kharkiv vài giờ lái xe, vẫn luôn rất căng thẳng.
Vẫn về tình hình chiến sự ở Ukraine, từ hôm qua đến sáng nay, lực lượng Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một máy bay do thám A-50U của Nga trên biển Azov cùng với 12 drone và 2 trong số 3 tên lửa Kh-59 được quân đội Nga phóng đi trong đêm.
Thu Hằng
**************************
Chiến tranh Ukraine : Liên Âu ra thông cáo lên án Nga, Hungary lại bất hợp tác
Hoàng Nguyễn, RFI, 24/02/2024
Ngày 24/02/2024 là tròn 2 năm bùng nổ cuộc chiến xâm lược do Liên bang Nga khởi sự chống lại Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã không ra được một tuyên bố chung nhằm lên án Điện Kremlin và bày tỏ quyết tâm đứng bên Kiev như theo dự định, do sự phủ quyết của Hungary, như đã nhiều lần xảy ra. Không thể ra được tuyên bố chung, nhưng EU với 26 thành viên còn lại vẫn cương quyết thể hiện lập trường thống nhất ủng hộ Ukraine.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) trò chuyện với đồng nhiệm Slovakia, Robert Fico trong hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles ngày 01/02/2024. Hoàn toàn bị cô lập, ông Orban đành chấp nhận thông qua gói viện trợ cho Ukraine, ngay cả đồng minh Slovakia cũng ông cũng ủng hộ. AP - Geert Vanden Wijngaert
Thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình từ Budapest :
"Một thông cáo chung đứng tên các lãnh đạo 3 cơ quan thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu - Hội đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu - đã được công bố vào chiều 23/2, gọi mốc thời gian 24/2 như là một "dịp kỷ niệm bi thảm". Thông cáo gọi thời gian đã qua là "hai năm của bạo lực, tàn bạo, khủng bố và hủy diệt", của "cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện của Nga chống lại Ukraine, vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc".
Thông cáo ca ngợi nỗ lực vệ quốc của Ukraine. "Cuộc chiến anh hùng bảo vệ quê hương" của dân tộc Ukraine, "cuộc đấu tranh cho tự do của mình" bằng lòng dũng cảm, sự quyết tâm của người dân Ukraine cũng được thông cáo đánh giá là "cuộc đấu tranh bảo vệ các giá trị chung của Châu Âu". Thông cáo khẳng định Liên Âu "vẫn quyết tâm buộc Nga phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả tội ác xâm lược", và đề cập đến khoản hỗ trợ tài chính 50 tỷ euro cho Ukraine mà Hungary chỉ chấp thuận vào phút cuối cùng cách đây vài tuần, sau khi đã cố tình gây ra rất nhiều khó dễ.
Theo thông cáo, Liên Âu tiếp tục giải quyết các nhu cầu quân sự và quốc phòng khẩn cấp của Ukraine, và cam kết hỗ trợ Ukraine cho tới khi nào Ukraine còn cần, đồng thời đã thực hiện các biện pháp chưa từng có ở cấp Liên Âu. EU cũng sẵn sàng tăng áp lực lên Nga nhằm làm suy yếu khả năng chiến tranh của Nga, kể cả việc phong tỏa các nguồn thu từ tài sản Nga. Liên Âu "ủng hộ một công thức hòa bình công bằng, lâu dài ở Ukraine dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế".
Như đã trở thành thông lệ, Hungary từ chối tham gia tuyên bố chung của EU. Điểm đáng chú ý là Budapest đã không đưa ra bất cứ lời giải thích cụ thể nào. Như để bày tỏ lập trường khác biệt với EU, Trung tâm Thông tin của chính phủ Hungary hôm 23/2, đưa ra thông báo nhấn mạnh quan điểm dứt khoát của chính phủ nước này, rằng "xung đột không có thể giải pháp về mặt quân sự". Hungary kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán hòa bình, đây cũng là điều mà nội các cánh hữu của ông Orbán Viktor viện dẫn trong 2 năm nay để phản đối đường lối của Bruxelles, mà họ gọi là "chủ chiến"".
Lãnh đạo phương Tây tới Kiev kỉ niệm tròn 2 năm Nga tấn công Ukraine
Nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu và Canada tới Kiev ngày 24/02 "để đánh dấu tròn hai năm Nga mở cuộc chiến chống Ukraine". Trên mạng X, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi "cuộc kháng chiến phi thường của dân tộc Ukraine" và khẳng định "hơn bao giờ hết, chúng tôi (phương Tây) ủng hộ mạnh mẽ Ukraine. Về tài chính, kinh tế, quân sự, tinh thần. Cho đến khi đất nước hoàn toàn tự do". Tổng thống Pháp nhắn tới đồng nhiệm Nga Putin là "đừng trông chờ" vào "sự mệt mỏi của Châu Âu". Luân Đôn thông báo viện trợ cho Kiev 245 triệu bảng Anh để mua đạn dược.
Hoàng Nguyễn
Sau hai năm xâm lược Ukraine, đã đến lúc phương Tây buộc Putin phải trả giá
Đúng hai năm sau khi quân Nga đổ sang cuộc xâm lăng Ukraine ngày 24/02/2022, các tuần báo đều dành rất nhiều giấy mực cho cuộc chiến tranh ác liệt nhất tại Châu Âu kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.
Một phụ nữ Ukraine cầm nến trong cuộc biểu tình ở Budapest (Hungary) kỷ niệm hai năm ngày Nga xâm lược Ukraine, 24/02/2024. AP - Denes Erdos
Trên trang bìa L’Express là một khuôn mặt vừa giống Putin vừa giống Stalin nhô lên trên một tờ giấy bạc Nga, với dòng tít lớn "Hãy buộc Putin phải trả giá". Courrier International đăng hình vẽ một người lính ba lô trên lưng và khẩu súng trên tay đang tiến lên phía trước "Châu Âu trên ngưỡng cửa chiến tranh". Trang nhất của The Economist dành cho bức hình vẽ Vladimir Putin đang dùng ống dòm quan sát, bên cạnh là một người đang quay lưng lại, chạy tít "Châu Âu có sẵn sàng chưa ?". Le Point tố cáo "Từ Stalin tới Putin : Những người Pháp phục vụ cho Moskva".
Cuộc xâm lăng Ukraine làm đảo lộn cả thế giới
Nhìn lại hai năm qua, Courrier International dịch bài viết của tờ El País ở Tây Ban Nha phân tích "Chiến tranh ở Ukraine đã làm thay đổi thế giới ra sao". Bằng tác động domino, cuộc chiến đã làm đảo lộn nhiều xã hội, các nền kinh tế và thế thăng bằng ngoại giao trên toàn cầu.Ngày 24/02/2022, thế hệ trẻ Châu Âu bỗng thức giấc với những hình ảnh các thành phố bị oanh tạc, những đoàn xe tăng dài vô tận, hàng loạt binh lính tiến lên, thường dân bị thảm sát, những hầm trú ẩn đầy các gia đình, những hàng dài người tị nạn, người bị thương trong bệnh viện…
Ba thập niên qua cũng đã có những cuộc chiến như ở Balkan và ở ngay Donbass nhưng chỉ giới hạn, những vụ khủng bố, những trận đánh du kích… Nhưng sự kiện vừa mới mẻ vừa quen thuộc này bỗng dưng như vừa ra khỏi màn ảnh truyền hình, xi-nê ; và là một cuộc chiến tranh cường độ cao với sự góp sức của công nghệ. Một cuộc chiến huy động toàn xã hội, hai quốc gia đối đầu, tiêu hủy những mạng sống, tài sản và cả tương lai. Con quái vật chiến tranh làm sững sờ những thế hệ trẻ Châu Âu sinh ra vào thời hậu chiến, đã quen giao phó an ninh cho Mỹ, được Nhà nước phúc lợi bảo bọc, sống an bình trong việc xây dựng nền kinh tế thịnh vượng và cuộc sống tiện nghi. Họ quên mất cái giá máu mà những người trẻ đã phải trả cho đến tận năm 1945.
Những kẻ đã dựng dậy bóng ma chiến tranh ngỡ rằng sẽ nhanh chóng vô hiệu hóa quân đội Ukraine, lật đổ chính phủ Zelensky để thay bằng một chính quyền bù nhìn. Nhưng kẻ học đòi làm phù thủy đã phải ngạc nhiên với diễn biến sau đó, hàng trăm tài phiệt Nga phải vội vã bỏ chạy, quân đội của cường quốc nguyên tử Nga gây thất vọng trong khi Liên Hiệp Quốc tê liệt với quyền phủ quyết của Moskva. El País cho rằng không chỉ là cuộc xâm lược, mà còn là sự đối đầu giữa hai quan điểm về trật tự quốc tế. Một bên dựa trên ngoại giao, đàm phán và các định chế để giải quyết xung đột, bên kia dựa vào "luật của kẻ mạnh". Một cuộc chiến chống lại chính ý tưởng Châu Âu – một không gian hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.
Quái vật chiến tranh hủy diệt hiện tại, đe dọa tương lai
Cách tiến hành chiến tranh cũng thay đổi : bên cạnh hình ảnh những xác người bị tra tấn, bắn vào sau ót như trong quá khứ, xuất hiện các hỏa tiễn siêu thanh, drone sát thủ, điện thoại di động của chiến tranh mạng. Một trục mới chống phương Tây hình thành giữa Moskva, Tehran và Bình Nhưỡng ; một trục thứ ba là "các nước phương Nam" như Ấn Độ, Indonesia, Brazil muốn tìm kiếm trọng lượng lớn hơn trong trật tự mới.
Hiện thời NATO mạnh mẽ hơn với Phần Lan và Thụy Điển, mở cửa cho Ukraine – chiến thắng đầu tiên của Kiev vì Putin xua quân sang chính là để cản trở điều này. Lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) vận dụng được cơ chế để gởi vũ khí, đạn dược cho Ukraine, trích ngân sách chiến lược để viện trợ 50 tỉ euro cho cuộc kháng chiến.
Những cuộc chiến khác sẽ còn diễn ra, nhất là khi không còn siêu cường nào để ngăn cản. Nếu Nga xâm lăng được Ukraine, Azerbaijan có thể hành động tương tự với Armenia, Venezuela tấn công Guyana, Trung Quốc chiếm Đài Loan hay Bắc Triều Tiên đánh vào Hàn Quốc. Con quái vật chiến tranh tái thúc đẩy chạy đua vũ trang, kỹ nghệ của thần chết nở rộ với những món tiền khổng lồ, nhất là nơi các chế độ độc tài như Iran và Bắc Triều Tiên. Châu Âu cũng phải đầu tư ồ ạt vào quân sự để phòng khi Trump đắc cử.
Về tác động kinh tế, chiến tranh gây rối loạn các chuỗi cung ứng, giá cả tăng cao, những nước nghèo bị nạn đói đe dọa vì không còn lúa mì Ukraine, các nước giàu không còn nhận được năng lượng giá rẻ, dòng người tị nạn tăng lên. Trong chiến tranh, mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí. Bóng ma nguyên tử quay lại : khi xâm lăng Ukraine, Nga ỷ vào kho vũ khí hạt nhân và đã nhiều lần dùng nó để đe dọa các đồng minh của Kiev khiến phương Tây phải thận trọng chỉ cung cấp vũ khí nhỏ giọt, nhất là đại pháo, xe tăng, chiến đấu cơ. Giá trị răn đe của nguyên tử, chưa bao giờ được dùng đến kể từ 1945, sắp tới sẽ được các cường quốc khác vận dụng. Quái vật chiến tranh đã hủy diệt hiện tại và đang đe dọa tương lai.
Bucha và những cuộc đời bị đánh cắp trong cơn loạn lạc
Đối với những người dân Ukraine bình thường, cuộc đời họ đã bị đảo lộn hẳn vì cuộc xâm lăng – như Le Monde cuối tuần đã thuật lại trong bài phóng sự "Từ cây bút đến cây súng, một nhà văn trong chiến tranh". Nhà văn trẻ Ukraine Oleksandr Mykhed đã buông bút để trở thành tình nguyện quân bảo vệ đất nước, dù trước đó chưa hề biết cầm súng. Hai vợ chồng tuổi chưa đến ba mươi đã mua nhà ở Hostomel, trong một khu phố mới gần rừng thông mà đường phố mang những cái tên nên thơ không bị lịch sử chiến tranh đè nặng như "Nắng sáng", "Thơ mộng" ….
Cha mẹ anh, đều là giáo sư đại học, dọn đến Bucha để ở gần con, mua một căn chung cư trên tầng bảy nhìn ra công viên và phía xa là phi trường Hostomel. Đầu năm 2022, tin đồn đã rộ lên về nguy cơ bị quân Nga tiến đánh, Oleksandr thuyết phục cha mẹ di tản khỏi Bucha nhưng bà mẹ không chịu vì lo cho con mèo Babychka tức Baby. Tinh mơ sáng thứ Năm 24/02/2022, hai vị giáo sư văn chương thức giấc vì sức ép của bom và tiếng rú của hỏa tiễn Nga : trận đánh Hostomel đã bắt đầu. Bà mẹ đứng ở ban-công đếm : một, hai… mười ba chiếc trực thăng bay qua, cứ như trong phim Apocalypse Now.
Hai vợ chồng Oleksandr chạy khỏi Hostomel đến Chernivtsi, nhà văn đứng trong số hàng dài người chờ tình nguyện tham gia lực lượng nhân dân tự vệ. Đơn vị của anh gồm những người từ 20 tới 60 tuổi thuộc đủ mọi giới, mỗi người đều lấy bí danh kháng chiến. Anh trở thành chiến hữu thân thiết của "Lucky", nhà nghiên cứu về cá và "Brioche", một người bán pizza. Như mọi người dân Ukraine, hai năm qua Oleksandr sống với chiếc điện thoại, theo nhịp độ những đợt cảnh báo và tin nhắn của người thân.
Về phần cha mẹ anh sau những ngày sống trong hầm trú ẩn, không còn điện nước, ngày 02/03 những chiến sĩ Ukraine tiến vào kêu gọi người dân di tản vì sẽ đánh lớn. Trên đường chạy loạn, họ mới nhận ra thảm cảnh : nhà cửa sụp đổ, xe cộ bị cháy, những xác chết trên mặt đất ; sau đó được một gia đình không quen biết bảo bọc, nhường cơm sẻ áo. Khi quân Nga đã bị đánh đuổi ngày 01/04, toàn thế giới mới biết được những gì đã diễn ra trong thời gian bị chiếm đóng : 458 xác người trong hai hố chôn tập thể hoặc rải rác ngoài vườn, hơn 1.000 thi thể thường dân trong khu vực.
Nhà của Oleksandr bị cháy một phần và bị cướp bóc tài sản, cha mẹ anh không còn muốn sống tại Bucha với những kỷ niệm kinh hoàng về những người láng giềng bị tra tấn dưới hầm nhà, sát hại, bắt bớ, họ mướn tạm một nơi khác. Mèo cưng Babychka chết một tháng sau những đợt hỏa tiễn Nga đầu tiên, vì không còn thiết đến ăn uống. Bà mẹ, giáo sư chuyên về văn chương Mỹ, nay chuyển sang đọc những cuốn sách về chiến tranh Việt Nam.
Châu Âu, sự thức tỉnh muộn màng
L’Express chỉ trích "Sự thức tỉnh muộn màng của Châu Âu". Hai năm sau khi Nga khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraine, Châu Âu vẫn chưa huy động được bao nhiêu sức lực để tránh khỏi thảm họa Kiev bại trận trước nước láng giềng to lớn và hung bạo. Hai năm chiến tranh, quân đội Ukraine đã có trên 70.000 chiến sĩ hy sinh và 120.000 bị thương, phía Nga đến 300.000 lính thương vong, và một mặt trận bị đóng băng từ nhiều tháng qua.
Cách đây một năm, L’Express đã cổ vũ "Hãy trụ vững" - trước bộ máy chiến tranh tàn bạo của Vladimir Putin, trước nguy cơ bị công luận thờ ơ, Hoa Kỳ trong chiến dịch bầu cử không thể thực hiện cam kết viện trợ. Vòng công du mới nhất của tổng thống Volodymyr Zelensky tại Berlin, Paris và Munich đã giúp cứu vãn được điều cốt yếu : đánh thức lương tâm, báo động với các nhà lãnh đạo về an ninh. Và với những ai còn nghi ngờ mục đích đen tổi của Vladimir Putin, thì cái chết của Alexei Navalny hôm 16/02 đã nhắc nhở rằng tổng thống Nga tại vị từ một phần tư thế kỷ sẵn sàng làm mọi cách để có thể cai trị mãn đời.
Tuần báo kêu gọi con bồ câu Châu Âu hãy thức tỉnh, sau thời gian quá lâu dựa vào sự bảo vệ của Mỹ, những tuyên bố thẳng thừng của Donald Trump về NATO như một gáo nước lạnh. Hiện Châu Âu chưa thể tự lực, "kinh tế chiến tranh" mà Emmanuel Macron hứa hồi tháng 6/2022 được khởi động quá chậm. Nhưng cuộc chơi chưa kết thúc. Việc Anh, Pháp, Đức ký thỏa thuận an ninh song phương với Kiev mới đây cho thấy một bước ngoặt ở Châu Âu. Không còn là việc "bố thí" cho một ít đạn trong kho, những chiếc xe tăng già nua hay một ít hỏa tiễn, mà là giúp Kiev tạo dựng một kỹ nghệ quốc phòng thực sự trong vòng hai năm. Trước mắt, cần khẩn cấp chi viện cho quân đội Ukraine đạn dược, vũ khí cần thiết.
Vị đắng trong dịp kỷ niệm hai năm
Le Point nói về "Ukraine, một dịp kỷ niệm đắng cay". Các nhà lãnh đạo Châu Âu bắt đầu hiểu rằng chiến thăng của Putin có nghĩa là thất bại của châu lục.Vladimir Putin có thể hài lòng nhân kỷ niệm năm thứ hai cuộc xâm lăng Ukraine. Alexei Navalny, khuôn mặt chủ chốt chống độc tài đã qua đời trong gu-lắc tận Bắc Cực ; phản ứng của phương Tây nhìn chung là chừng mực. Thành phố kỹ nghệ Avdiivka bị chiếm có thể dẫn đến thất bại ở một số nơi khác do quân đội Ukraine không còn đạn, viện trợ Mỹ vẫn bị treo. Điểm sáng duy nhất là trong Hội nghị an ninh Munich lần thứ 60, những người có trách nhiệm, sững sờ trước sự độc ác của Putin đã ý thức được vấn đề.
Từ lâu vẫn là một trong những người ôn hòa với Kremlin, tổng thống Emmanuel Macron khi tiếp đồng nhiệm Volodymyr Zelensky tại Paris hôm 16/02 đã tuyên bố : "Nước Nga của Vladimir Putin đã trở thành một tác nhân gây bất ổn cho thế giới một cách có phương pháp". Muộn còn hơn không, nhưng phương Tây đã mất bằng ấy thời gian mới nhận ra thực tế ! Từ năm 2014 Putin đã sáp nhập Crimea, chiếm Donbass, nhưng suốt mười năm qua Châu Âu không quan tâm đến những cảnh báo.
Cuộc xâm lăng thực tế đã bắt đầu từ mười năm trước
Trả lời La Croix Hebdo, nhà đấu tranh Oleksandra Matvytchuk, giải Nobel Hòa bình 2022 khẳng định thực ra cuộc xâm lăng của Nga đã bắt đầu từ tháng 2/2014. Ngay từ lúc đó, Trung tâm vì tự do dân sự, tổ chức phi chính phủ nơi cô làm việc đã đưa những ê-kíp cơ động đến Crimea và Donetsk, Luhansk để thu thập bằng chứng tội ác chiến tranh. Những vụ bắt cóc, hãm hiếp, tra tấn, sát hại thường dân đã xảy ra từ lúc đó tại vùng chiếm đóng. Đó là những câu chuyện khủng khiếp về những người bị đánh đập, chặt ngón tay, rút móng tay, sốc điện… trước mắt người thân - một địa ngục trần gian.
Cô đã gởi báo cáo đến tất cả những tổ chức quốc tế, từ Liên Hiệp Quốc đến Hội đồng Châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu nhưng vô ích. Oleksandra Matvytchuk phẫn nộ kể : "Bạn nói chuyện với một phụ nữ mang thai bị bắt vô cớ rồi đánh đập dẫn đến trụy thai, và bạn biết rằng trong lúc trao đổi, những vụ tương tự đang diễn ra tại 143 trại tạm giam bất hợp pháp khác đã được nhận diện". Nhưng cộng đồng quốc tế vẫn làm ngơ trước tình trạng vi phạm nhân quyền ở những vùng đất Ukraine bị Nga chiếm đóng.
Những người Pháp làm tay trong cho Moskva
Sau khi L’Express tuần trước đã công khai việc cựu chủ bút tuần báo Philippe Grumbach làm gián điệp cho KGB, đến lượt Le Point dành hẳn một hồ sơ về những người Pháp tiếp tay cho Kremlin. Những kẻ nằm vùng ngỡ rằng chủ nghĩa cộng sản là vĩnh cửu, không biết rằng hồ sơ lưu trữ một ngày nào đó sẽ lên tiếng, vì ông chủ lưu lại tất cả. Nhà báo Vincent Jauvert khi lục lọi tàng thư của tình báo Praha, đã nhận thấy nước Pháp là mảnh đất màu mỡ cho KGB với ít nhất 35 nhà báo được trả tiền để cộng tác, trong đó có những tên tuổi của đài Europe 1, tuần báo Nouvel Observateur…
Từ 1972, Vassili Mitrokhine, trưởng phòng lưu trữ của KGB đã sao chép và chôn giấu tài liệu ở "dacha" của mình đến tận khi về hưu năm 1984. Khi sang Anh lưu vong, nhà sử học Christopher Andrew đã hợp tác với Mitrokhin để công bố trong một cuốn sách năm 1999, và kho dữ liệu bắt đầu được giải mật năm 2014.
Nhưng tại sao lại là Pháp ? Từ 1944, Stalin đã coi Paris là mục tiêu gây bất ổn trong mọi lãnh vực, người Pháp thường ba hoa, đồng tiền dễ quyến rũ trong thời buổi khó khăn sau chiến tranh, và Paris lúc đó thiếu nhân sự để xử lý cả một núi báo cáo. Và vì giới báo chí thân cận với các chính khách, qua đó có thể thăm dò được chủ trương. Mối liên hệ nguy hiểm này dưới hai dạng : tình báo chính trị và bóp méo thông tin. Le Point kể thêm một số cái tên nữa như Georges Pâques, từng lãnh đạo bộ phận truyền thông của NATO ; Charles Hernu, cựu bộ trưởng quốc phòng…
Tăng mạnh quân viện cho Kiev để đánh bại Putin
Theo Le Point, lẽ ra phải vũ trang cho Ukraine một cách nghiêm chỉnh, đặt kỹ nghệ quốc phòng trong tình thế thời chiến. Và vấn đề không chỉ là đạn dược, đại bác. Bài học chính của cuộc chiến là sự kháng chiến dũng cảm của dân tộc Ukraine khi bị một cường quốc nguyên tử siêu vũ trang xâm lược. Đan Mạch đã tặng toàn bộ kho đạn pháo cho Kiev, nhưng Pháp vẫn từ chối giao những chiến đấu cơ Mirage 2000-D cũ, Đức không muốn chi viện hỏa tiễn tầm xa Taurus. Cuộc xâm lăng Ukraine là hậu quả bi kịch từ chính sách hòa hoãn với Vladimir Putin của phương Tây.
Tuần tới tổng thống Nga sẽ tự tặng cho mình thêm sáu năm nữa ở Kremlin thông qua trò hề bầu cử. Chỉ có các tăng mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine mới có thể làm thất bại tham vọng của ông ta và bảo đảm cho sự sống còn của Ukraine. Nhiều lãnh đạo quốc phòng Châu Âu mới đây đã cảnh báo nếu không bị chận lại ở Ukraine, Nga sẽ tấn công các nước NATO trong những năm tới. Những ai bác bỏ giả thiết này, nói rằng một cuộc chiến như vậy không có lợi cho Moskva, cần nhớ lại là họ cũng đã từng tuyên bố y hệt hồi năm 2022.
Không có Mỹ, Châu Âu có thể tự bảo vệ ?
Nhưng liệu Châu Âu có thể tự vệ mà không nhờ đến Hoa Kỳ hay không ? Đây là câu hỏi lớn được The Economist đặt ra. Châu Âu nay có thể sản xuất được 1 đến 2 triệu quả đạn vào cuối năm 2024, nhưng có thể là quá muộn đối với Ukraine, đang cần 1,5 triệu rưỡi quả ngay trong năm nay. Chi tiêu quốc phòng đã tăng lên đáng kể, ít nhất 18/28 thành viên Châu Âu của NATO sẽ đạt mức 2% GDP trong năm 2024, với tổng chi 380 tỉ euro.
Nhiều tiền hơn vẫn chưa đủ, cần có lực lượng sẵn sàng chiến đấu như các sĩ quan tham mưu điều hành các tổng hành dinh lớn, năng lực tình báo và giám sát, drone, vệ tinh, hậu cần… Ba Lan là một điển hình đáng học hỏi, đầu tư đến 4% GDP cho quân đội. Các giàn Himars của Ba Lan có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 300 kilomet nhưng tình báo của nước này không thể nhìn xa đến thế, nên phải dựa vào Mỹ.
Châu Âu có thể tập hợp nguồn lực, nhưng các quốc gia có kỹ nghệ quốc phòng lớn như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha thường không thống nhất được mục tiêu đầu tư và cách phân công sản xuất. Nếu chiếc dù nguyên tử của Mỹ biến mất hoàn toàn, Pháp có thể chia sẻ với các láng giềng về năng lực răn đe, nhưng số đầu đạn hạt nhân của Anh, Pháp hãy còn quá ít. Theo tổng thư ký NATO, Liên Hiệp Châu Âu không thể bảo vệ châu lục, 80 % chi tiêu quốc phòng của NATO đến từ các đồng minh ngoài EU.
Thụy My
Những bài học rút ra sau 2 năm chiến tranh Ukraine
Thanh Hà, RFI, 23/02/2024
Ngày 24/02/2024 chiến tranh Ukraine bước sang năm thứ ba. "Nga đã trở nên nguy hiểm hơn, Mỹ là một điểm tựa kém vững chắc. Còn bản thân Châu Âu thì vẫn chưa được chuẩn bị để đối phó trong trường hợp bị tấn công". Một số giới chức quốc phòng và tình báo Châu Âu báo động trong từ 3 đến 5 năm nữa, Matxcơva sẽ sẵn sàng đương đầu với một thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Một góc thành phố Bakhmut, Ukraine, trong trận chiến khốc liệt giữa quân đội Ukraine và Nga, ngày 26/04/2023. AP - Libkos
Olivier Sueur, cựu quan chức Pháp tại NATO trong bài tham luận hôm 21/02/2024 đăng trên trang mạng Le Rubicon, (trang mạng tập hợp các viện nghiên cứu quân sự chiến lược của Pháp và Canada), đưa ra một thực tế phũ phàng : Từ khi tổng thống Putin khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/02/2022, xâm chiếm Ukraine, "sau hai năm chiến tranh, Nga quyết tâm hơn bao giờ hết, Ukraine không còn làm chủ được vận mệnh mà đã phải phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Hoa Kỳ. Châu Âu (bao gồm Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc và Na Uy) thì hoàn toàn bị trói tay vì hậu quả từ những quyết định mà chính họ đã lựa chọn". Câu hỏi then chốt là xung đột ở Ukraine đi về đâu ? Đâu là chiến lược của Châu Âu và Mỹ về lâu dài ?
Nhìn từ Washington tình hình Ukraine được hiểu như sau : về mặt quân sự Ukraine "không thể đi xa hơn" trong mục tiêu giành lại phần lãnh thổ đã bị Nga cướp mất. NATO sẽ không khi nào đương đầu với một cường quốc hạt nhân để giúp Kiev chiếm lại 17 % đất đai đã rơi vào tay quân Nga. Về mặt chiến lược theo Olivier Sueur, Ukraine không phải là một ưu tiên của Hoa Kỳ. Sự lơ là của Mỹ cũng có thể giải thích phần nào khi mà "kho các loại vũ khí của Mỹ cũng đang rơi xuống thấp đến mức báo động" và "không đủ trước một số rủi ro trên những mặt trận khác, chẳng hạn như ở Thái Bình Dương".
Về phía Châu Âu, cựu quan chức NATO Olivier Sueur cũng không mấy lạc quan với đánh giá Lục Địa Già chỉ có hai lựa chọn hoặc là cứ tiếp tục "cắm đầu đi theo Mỹ" hoặc phải "tự chủ" về mặt an ninh. Trước mắt, giải pháp thứ nhì là điều không thể thực hiện được khi mà "kho đạn dược và vũ khí, khả năng sản xuất (trang thiết bị quân sự) của Châu Âu còn không đủ để hỗ trợ Ukraine". Thêm vào đó tương tự như NATO, "không một thành viên Liên Âu nào" cả gan đọ sức với Nga mà không được bảo đảm rằng sẽ có Hoa Kỳ "yểm trợ ở phía sau".
Trong hoàn cảnh đó phải chăng đã đến lúc Châu Âu ngộ ra rằng Emmanuel Macron có lý ?
Trong diễn văn trước Nghị Viện Châu Âu hôm 19/01/2022 nguyên thủ Pháp đã kêu gọi "Châu Âu cần trang bị vũ khí, không vì ngờ vực bất kỳ một siêu cường nào khác, mà vì sự tự chủ và để không bị trói buộc vào quyết định của những quốc gia khác (…)".
Tiếc là phải mất đến ba năm sau thủ tướng Đức Olaf Scholz mới hiểu khi mà chính trường ở Washington đã bị tê liệt từ nhiều tháng qua và Hạ Viện Hoa Kỳ cương quyết chận gói viện trợ quân sự 60 tỷ đô la cho Kiev, một khoản viện trợ mang tính sống còn đối với Ukraine. Chính sự tê liệt về chính trị tại Hoa Kỳ đang "từng bước bóp nghẹt những khả năng chiến đấu của những người lính Ukraine". Lính Ukraine đang phải "tiết kiệm từng viên đạn" trong mỗi đợt chạm súng với quân đội Nga. Ukraine chỉ dám bắt từ 4 ngàn đến 7 ngàn đạn pháo mỗi ngày trong lúc ở góc đài bên kia, quân đội Nga có đến 20 ngàn để đè bẹp đối phương.
Cũng chuyên gia người Pháp này nhắc nhở "chớ quên rằng Mỹ có thể đưa ra những quyết định rất thô bạo" và Olivier Sueur không loại trừ khả năng "cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024 là dấu chấm hết" trong chính sách của Washington đối với Ukraine. Điều đó có nghĩa là từ giờ trở đi, Mỹ chỉ tính đến cách để thoái lui khỏi hồ sơ cồng kềnh này. Viễn cảnh đó hoàn toàn có lợi cho phía Nga.
Vậy biết đâu là để chuẩn bị cho hồi kết đó, tức là khi mà Kiev không còn có thể trông cậy vào hàng tỷ đô la viện trợ của Mỹ, cho nên các nước Châu Âu - Anh, Pháp, Đức hay Đan Mạch đã hối hả ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine nhưng cùng lúc các giới chức quân sự tại Châu Âu đồng loạt ghi nhận "đã cung cấp vũ khí cho Ukraine gần như tối đa trong những điều kiện cho phép".
Là một chuyên gia về chiến lược, từng là quan chức cao cấp điều hành liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, Olivier Sueur trong bài phân tích đã kết luận : "Bế tắc hiện nay trên vấn đề Ukraine một lần nữa lại làm dấy lên câu hỏi về khả năng tự lập của Châu Âu" với ô dù an ninh mà đến nay Hoa Kỳ vẫn bảo đảm cho các nước đồng minh trên lục địa già.
Người dân Ukraine đang trả giá bằng xương máu sau hai năm chiến tranh, hy vọng rằng Châu Âu cũng rút ra được những bài học quý giá để tăng cường khả năng phòng thủ, và không ỉ lại vào Mỹ.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 23/02/2024
*****************************
Hai năm chiến tranh Ukraine đã thay đổi nước Nga như thế nào ?
BBC, 23/02/2024
Hai năm chiến tranh tại Ukraine đã làm thay đổi nước Nga và cho thấy một Vladimir Putin hoàn toàn khác.
Nữ nhạc sĩ Alexandra Skochilenko ở Saint Petersburg bị tuyên án 7 năm tù vào cuối năm 2023 vì các hoạt động phản chiến
Khi tôi đứng nhìn những người Nga đặt hoa tưởng niệm thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, một cậu thanh niên đã chia sẻ cảm xúc về cái chết trong tù của ông Navalny.
"Tôi bị sốc", cậu ấy nói với tôi, "giống ngày 24/2 hai năm trước, ngày mà cuộc chiến bắt đầu".
Tâm sự ấy khiến tôi nghĩ về tất cả những gì đã xảy ra ở Nga trong suốt hai năm qua, từ khi Tổng thống Putin ra lệnh tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine.
Đó là một chuỗi bi kịch, đổ máu và đau thương.
Cuộc chiến tranh của Nga đã gieo chết chóc và sự hủy diệt lên đất nước Ukraine. Quân đội Nga cũng chịu tổn thất nặng nề.
Các thị trấn của Nga bị pháo kích và tấn công bằng drone.
Hàng trăm ngàn đàn ông Nga bị bắt nhập ngũ.
Đội quân đánh thuê Wagner nổi loạn và hành quân về Moscow. Sau đó, thủ lĩnh của họ là Yevgeny Prigozhin đã chết trong một vụ tai nạn máy bay.
Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt tổng thống Nga với cáo buộc tội ác chiến tranh.
Giờ đây, người chỉ trích Putin gay gắt nhất đã chết.
24/2/2022 là cột mốc mang tính bước ngoặt.
Tuy nhiên, khi nhìn lại, đã có những dấu hiệu báo trước rõ ràng.
Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine và lần đầu tiên can thiệp quân sự vào vùng Donbas.
Năm 2020, ông Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, rồi bị bắt giam vào năm 2021.
Đàn áp trong nước ở Nga đã diễn ra trước cuộc xâm lược Ukraine, nhưng nó đã leo thang kể từ khi chiến tranh khởi phát.
Hai năm chiến sự, ông Putin càng có vẻ tự tin và kiên định hơn trong việc đánh bại kẻ thù trong và ngoài nước.
Ông ta công kích Mỹ, NATO và EU, đồng thời mô tả cuộc chiến mà Nga gây ra ở Ukraine là cuộc chiến mà "các nước phương Tây" thực hiện để chống lại Nga và Nga đang chiến đấu để sinh tồn.
Bao giờ và bằng cách nào cuộc chiến này sẽ kết thúc ? Tôi không thể dự đoán tương lai. Tuy nhiên, tôi có thể hồi tưởng quá khứ.
Mới đây, trong chiếc tủ ở nhà, tôi tìm thấy một tệp hồ sơ phủ bụi chứa các bài viết của tôi về nước Nga từ hơn 20 năm trước – những năm đầu cầm quyền của ông Putin.
Lần giở lại các bài viết ấy như đang đọc về một thiên hà xa xôi cách nhiều năm ánh sáng.
"Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây, 59% người Nga ủng hộ ý tưởng Nga gia nhập Liên minh Châu Âu", tôi viết vào ngày 17/5/2001.
"NATO và Nga đang tích cực tìm kiếm những cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn : một dấu hiệu cho đôi bên thấy rằng mối đe dọa thực sự đối với hòa bình thế giới không đến từ đối phương…" [ngày 20/11/2001]
Thế thì, đâu là thời điểm mọi việc đi chệch hướng ? Tôi không phải là người duy nhất băn khoăn về điều này.
Bức tranh tường ở thị trấn Solnechnogorsk vẽ những binh lính Nga tử trận
"Ông Putin mà tôi từng gặp, từng hợp tác tốt đẹp và cùng thành lập Hội đồng Nga-NATO rất, rất khác so với vị lãnh đạo gần như cuồng vọng hiện nay", cựu lãnh đạo NATO là Nam tước Robertson nói với tôi trong cuộc gặp mới đây ở London.
Người đàn ông đứng cạnh tôi hồi tháng 5/2002, đứng ngay cạnh tôi, đã nói rằng Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, có thể tự đưa ra quyết định về an ninh, giờ lại tuyên bố [Ukraine] không phải là một quốc gia".
Nam tước Robertson thậm chí vẫn nhớ rõ lúc ông Vladimir Putin cân nhắc việc Nga gia nhập NATO.
"Trong cuộc gặp thứ hai giữa tôi với ông Putin, ông ta đã hỏi thẳng : 'Khi nào các ông mới định mời Nga gia nhập NATO ?'.
Tôi đáp, 'Chúng tôi không mời các nước tham gia NATO, họ nộp đơn xin gia nhập. '
Thế là ông ấy bảo : 'Chà, chúng tôi sẽ không đứng xếp hàng với một đống các nước không quan trọng đâu.'
Nam tước Robertson nói rằng ông không nghĩ ông Putin thực sự muốn nộp đơn xin gia nhập NATO.
"Ông ta muốn được mời gia nhập, bởi ông ta vẫn luôn nghĩ – và ngày càng tin tưởng – rằng Nga là một quốc gia hùng mạnh trên trường quốc tế và cần nhận được sự tôn trọng như Liên Xô từng có", ông ấy nói với tôi.
"Ông ta sẽ không bao giờ chịu ở trong một liên minh bao gồm các quốc gia bình đẳng, nơi tất cả đều có thể ngồi quanh bàn tròn để tranh luận và thảo luận về các lợi ích của chính sách chung".
Nam tước Robertson nói rằng việc Nga đánh mất vị thế siêu cường đã bào mòn cái tôi của Tổng thống Putin
‘Cái tôi ngày càng lớn’
Nam tước Robertson nhấn mạnh rằng dù Liên Xô từng được công nhận là siêu cường quốc thứ nhì thế giới, Nga hiện nay không thể đưa ra tuyên bố tương tự.
"Tôi nghĩ điều đó phần nào bào mòn cái tôi [của ông Putin]. Thử kết hợp điều đó với việc phương Tây đôi khi yếu kém, cộng với những khiêu khích mà ông ta đã đối mặt, cũng như với cái tôi ngày càng lớn của ông ta thử xem. Tôi nghĩ điều đó đã biến con người từng muốn hợp tác với NATO thành kẻ giờ đây coi NATO là mối đe dọa".
Moscow lại nhìn vấn đề theo cách khác.
Các quan chức Nga cho rằng chính việc mở rộng sang phía đông của NATO đã làm suy yếu an ninh Châu Âu và dẫn đến chiến tranh.
Họ cáo buộc NATO phá vỡ lời hứa với Điện Kremlin, được cho là đưa ra trong những ngày cuối của Liên Xô, rằng liên minh này [NATO] sẽ không kết nạp các nước từng nằm trong quỹ đạo của Moscow.
"Chắc chắn là không có gì trên giấy tờ cả", Nam tước Robertson nói với tôi. "Không có gì được đồng thuận, không có hiệp ước nào có hiệu lực như thế. Nhưng chính ông Vladimir Putin đã ký Tuyên bố Rome vào ngày 28/5/2002. Cũng chính là tờ giấy mà tôi đã ký, trong đó thể hiện sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về toàn vẹn lãnh thổ và cam kết không can thiệp vào nước khác. Ông ta chẳng thể đổ lỗi cho ai khác được".
Đài tưởng niệm ở thị trấn Solnechnogorsk dành cho những người Nga thiệt mạng trong "chiến dịch quân sự đặc biệt"
Tại thị trấn Solnechnogorsk, cách Moscow hơn 64 km, hai năm lịch sử đầy biến động của Nga được trưng bày trong công viên.
Tôi bắt gặp những hình vẽ graffiti ủng hộ tập đoàn đánh thuê Wagner.
Có những bông hoa tưởng nhớ Alexei Navalny.
Và có một bức tranh tường lớn vẽ hai người đàn ông địa phương, là lính Nga, đã thiệt mạng ở Ukraine. Bên cạnh là một thiếu sinh quân người Nga đứng nghiêm chào.
Ở trung tâm thị trấn, tại đài tưởng niệm những người thiệt mạng trong Thế chiến II và chiến tranh Liên Xô-Afghanistan, một mục mới vừa được bổ sung :
"Dành cho những người lính đã hy sinh trong chiến dịch quân sự đặc biệt".
46 cái tên được khắc lên đá.
Tôi hỏi bà Lidiya Petrovna, khi đó đi ngang qua cùng cháu trai, rằng cuộc sống đã thay đổi ra sao sau hai năm.
"Nhà máy của chúng tôi giờ đây đang sản xuất những thứ mà chúng tôi từng mua từ nước ngoài. Điều đó thật tốt", bà Lidiya nói.
"Nhưng tôi buồn cho các chàng trai trẻ tuổi, cho mọi người, những người đã bị giết. Hẳn là chúng tôi không cần chiến tranh với phương Tây. Nhân dân chúng tôi xưa nay thấy toàn chiến tranh là chiến tranh, chiến tranh suốt cuộc đời họ".
Khi tôi nói chuyện với Marina, bà ca ngợi những người lính Nga mà bà bảo là "đang làm nhiệm vụ" ở Ukraine.
Sau đó, bà nhìn sang cậu con trai 17 tuổi Andrei và nói :
"Nhưng với tư cách là một người mẹ, tôi sợ cảnh con trai mình bị gọi đi chiến đấu. Tôi muốn hòa bình càng sớm càng tốt, để chúng tôi không phải lo sợ những gì sẽ đến vào ngày mai".
Nguồn : BBC, 23/02/2024
Giúp Ukraine đánh bại Nga, cách tốt nhất để trừng phạt Putin
Sát hại nhà đối lập Alexei Navalny, bắt cóc hàng ngàn trẻ em Ukraine, bố trí một hệ thống vũ khí trên không gian có thể hủy diệt liên lạc viễn thông, đẩy nhân loại lùi lại hai thế kỷ… Theo Le Figaro ngày 22/02/2024, giấc mơ đế quốc của Vladimir Putin không dừng lại ở biên giới Ukraine, và Le Monde cho rằng cách tốt nhất để trừng phạt là dành cho nhà độc tài ở Kremlin điều mà ông ta sợ nhất : bại trận.
Người biểu tình giơ cao chân dung của nhà đối lập Alexei Navalny vừa chết trong ngục tù ở Bắc Cực, trước cổng đại sứ quán Nga ở Kappara, Malta ngày 19/02/2024 để phản đối Vladimir Putin. Reuters – Darrin Zammit Lupi
Tranh của các họa sĩ tên tuổi Việt Nam được săn đón
Liên quan đến Việt Nam, Le Figaro chú ý tới "Sự hồi sinh của các họa sĩ Việt trong nghệ thuật hiện đại". Lâu nay nói về Đông Dương người ta chỉ nhớ đến trận Điện Biên Phủ, nhưng người Pháp còn để lại dấu ấn sâu sắc trong lãnh vực văn hóa. Năm 2025 sẽ là dịp kỷ niệm 100 năm trường Mỹ thuật Đông Dương, và những họa sĩ tài năng của nửa đầu thế kỷ 20 đã ra khỏi quên lãng.
Các nhà đấu giá quốc tế nổi tiếng như Christie’s, Sotheby’s hay Bonhams những năm gần đây rất hào hứng với những tác phẩm của các danh họa Việt Nam như Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Mai Trung Thứ. Nhờ sang Pháp sinh sống, các họa sĩ này nổi tiếng hơn những đồng nghiệp ở lại trong nước. Cú gõ búa "triệu đô" đầu tiên của nhà Sotheby’s ở Hồng Kông dành cho một bức tranh của họa sĩ Lê Phổ năm 2017, với giá 1,17 triệu đô la, kích thích nhiều nhà sưu tập ở Đài Loan, Hồng Kông, Saigon, Hà Nội. Nhưng bức tranh đạt giá cao nhất là bức "Chân dung cô Phương", được bán với giá 3,1 triệu đô la.
Đài Loan trước chiến lược tằm ăn dâu của Trung Quốc
Tại Châu Á trên lãnh vực quân sự, Le Monde quan tâm đến "Những sự cố mới trên biển giữa Đài Loan và Trung Quốc củng cố thêm chiến lược gây căng thẳng của Bắc Kinh". Để trả đũa vụ va chạm hồi Tết, hôm thứ Hai Trung Quốc đã tăng cường hiện diện xung quanh đảo Kim Môn (Kinmen). Tuần duyên Trung Quốc tự tiện chận một tàu du lịch Đài Loan chở theo 33 khách, đòi kiểm tra kế hoạch hải hành và giấy phép của thủy thủ đoàn.
Hôm sau, bộ trưởng quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo Cheng) kêu gọi bình tĩnh, khẳng định quân đội không can dự trong vụ tai nạn hôm 15/02 để tránh xung đột. Hôm đó, hai ngư dân Trung Quốc chết đuối khi tàu của họ đi vào vùng biển Đài Loan xung quanh Kim Môn và bị chìm khi cố tránh tuần duyên. Hai người sống sót trên tàu sẽ được hồi hương sau - theo Đài Bắc.
Cho đến nay, hai bên vẫn ngầm tôn trọng đường phân ranh trên biển theo một bản đồ vào đầu thập niên 90, ghi rõ "vùng hạn chế" và "vùng cấm" xung quanh đảo Kim Môn, được xác định bởi 27 điểm GPS. Nhưng nay Bắc Kinh nói rằng ngư dân đôi bên vẫn hoạt động trong vùng biển Hạ Môn-Kim Môn từ thời cổ đại, không có "vùng cấm" hay "vùng hạn chế". Theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, lại thêm một vụ gặm nhấm mới. Điều đáng lo là Trung Quốc lợi dụng tai nạn này để chối bỏ sự hiện hữu của đường phân ranh, vì những vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc đang tăng lên trong những năm gần đây và nhiều tàu cá thực ra là dân quân biển Trung Quốc tìm cách thúc đẩy phía Đài Loan phạm sai lầm.
Cuối tháng Giêng, Trung Quốc đẩy đường trung tuyến trên không phận eo biển Đài Loan vào sâu hơn, và bên cạnh việc cho tiêm kích xâm nhập hàng ngày, còn thả thêm những khinh khí cầu gián điệp cùng loại với những quả cầu đã bị nhận diện ở Hoa Kỳ năm 2023. Nhà chính trị học Jacques Gravereau phân tích về những vụ khiêu khích ở Kim Môn, Bắc Kinh tính toán rằng Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines) sẽ không gánh lấy rủi ro một cuộc chiến tranh vì một lãnh thổ nhỏ bé như thế.
Úc đầu tư mạnh vào Hải quân để chống bành trướng Bắc Kinh
Lo sợ trước sự bành trướng của Trung Quốc, Úc đầu tư ồ ạt vào Hải quân. Le Figaro cho biết chính phủ Úc dự định dành 6,7 tỉ đô la trong mười năm mới để hiện đại hóa các chiến hạm, khiến ngân sách quốc phòng sẽ chiếm 2,4 % GDP. Mười một chiến hạm đa nhiệm sẽ được mua, có sự hợp tác với các công ty hàng hải Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, cộng thêm sáu tàu tự hành có tầm bắn xa, ba tàu chống ngư lôi. Số hỏa tiễn có thể bắn đi từ 430 hiện nay sẽ tăng lên 700.
Theo nhà phân tích Euan Graham, đây là điểm quan trọng vì Hải quân Châu Âu thường kém vũ trang so với hỏa lực lớn của các chiến hạm Trung Quốc. Đối với Úc tình hình càng khó hơn vì một khi đã bắn hết các hỏa tiễn, chiến hạm phải đi mất 10 ngày để tiếp liệu, thế nên cần tăng khả năng mang vũ khí. Bên cạnh năng lực răn đe qua AUKUS với 8 tàu ngầm nguyên tử, còn phải có hạm đội để bảo vệ đường hàng hải. Đây là điều căn bản cho một hòn đảo như Úc vì dự trữ nhiên liệu chỉ đủ dùng ba tuần.
Chính phủ cam kết tăng quân số 30 % từ nay đến 2040, riêng Hải quân từ 15.000 lên 20.000. Hiện nay quân đội Úc còn thiếu 4.300 quân nhân chưa tuyển được, và do thiếu 881 lính thủy, 8 chiến hạm không thể hoạt động. Đó là lý do khiến Úc không thể gởi chiến hạm sang Hồng Hải tham gia liên minh chống phiến quân Houthi. Đội tàu hiện đại hóa và các tàu ngầm AUKUS sẽ được giao từ nay đến 2040, vừa vặn với thời điểm Trung Quốc tự đề ra để thâu tóm Đài Loan.
Chiến trường ác liệt, Zelensky càng siêng năng ra mặt trận
Tại chiến trường nóng bỏng Ukraine, Le Monde nhận thấy "Sau hai năm chiến tranh, Volodymyr Zelensky tìm kiếm một sức bật mới". Tổng thống Ukraine ngày càng can dự nhiều hơn vào các chiến dịch quân sự, đồng thời liên tục thuyết phục các đồng minh chi viện thêm vũ khí. Ông Zelensky đã trải qua hai thay đổi lớn, từ một diễn viên hài bỗng trở thành tổng thống, và từ một tổng thống chủ trương hòa bình phải lãnh đạo một cuộc chiến ác liệt chưa từng thấy. Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ukraine vừa mừng sinh nhật lần thứ 46 trong bối cảnh đầy căng thẳng, và ngày càng cứng rắn hơn trước. Khi quân Nga kéo sang Kiev, Volodymyr Zelensky khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào các tướng lãnh. Hai năm sau, ông bổ nhiệm một tổng tham mưu trưởng mới và giám sát các kế hoạch tác chiến.
Những chuyến đi thăm chiến trường ngày càng thường xuyên hơn. Zelensky luôn chứng tỏ lòng can đảm đáng ngưỡng mộ, ông có mặt trên những đường phố thủ đô bị oanh tạc dữ dội trong trận đánh Kiev, rồi các thành phố vừa được giải phóng từ Izyum đến Kherson. Nhưng khi cuộc chiến trở thành chiến tranh tiêu hao, quân Nga phải mất một năm rưỡi mới chiếm được Bakhmut và Avdiivka, những chuyến đi của tổng thống làm bộ phận an ninh phải toát mồ hôi lạnh. Volodymyr Zelensky muốn chứng tỏ tình liên đới với những người lính chiến trong giai đoạn khó khăn này, duy trì sự đoàn kết quốc gia.
Trong khi đó Nhật Bản đặt mục tiêu tái thiết Ukraine. Dù Hiến pháp không cho phép viện trợ quân sự, nhưng vẫn có thể hỗ trợ về kinh tế. Kể từ đầu cuộc xâm lăng, đến nay Nhật đã viện trợ cho Kiev 11,2 tỉ đô la. Tokyo cũng chi viện các thiết bị quân sự không sát thương như nón sắt, áo giáp, xe cộ. Một số tập đoàn lớn của Nhật đã chuẩn bị tham gia xây dựng lại Ukraine trong thời hậu chiến.
Trên khía cạnh văn hóa, tại Liên hoan phim quốc tế Berlin, đạo diễn Oksana Karpovych giới thiệu bộ phim "Intercepted". Phim sử dụng những cuộc gọi từ mặt trận Ukraine của lính Nga cho người thân, được tình báo Ukraine nghe được và đưa lên mạng xã hội. Đạo diễn nhận định những trao đổi này cho thấy tính chất đế quốc của Nga, việc xâm lăng một quốc gia khác được coi là chuyện bình thường, và lính Nga tỏ ra hoàn toàn phi đạo đức.
Cách trừng phạt nào hiệu quả nhất với Vladimir Putin ?
Le Monde đặt vấn đề "Trừng phạt Putin, nhưng làm thế nào ?". Hai giờ sau khi nghe tin Alexei Navalny qua đời trong ngục tù, người vợ của ông, Yulia Navalnaia tại Hội nghị an ninh Munich đã nén đau buồn, đòi hỏi Vladimir Putin và chế độ Kremlin phải bị trừng phạt vì tội ác này. Vài tiếng đồng hồ sau đó, tổng thống Mỹ Joe Biden tố cáo "tội ác chiến tranh", nói rằng lịch sử sẽ xem xét.
Cách đây ba năm, ông Biden đã từng cảnh cáo Kremlin về "những hậu quả thảm họa" nếu Navalny chết trong tù. Hồi 2013, Barack Obama ấn định "lằn ranh đỏ" cho Damascus, tuy nhiên khi Bachar Al-Assad vẫn dùng vũ khí hóa học giết chính dân mình, Obama vẫn để yên ; và 10 năm trước khi Nga chiếm Crimea, Obama khuyên chính quyền mới của Kiev đừng chống cự. Nay sự phẫn nộ của phương Tây tại hội nghị Munich về số phận của nhà đối lập Alexei Navalny là chân thành, nhưng trừng phạt Putin cách nào đây ?
Những biện pháp cấm vận từ hai năm qua tuy nghiêm khắc nhưng kém tác dụng, do những nước nhập khẩu quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn mua dầu khí của Nga, và Moskva tránh né cấm vận với sự tiếp tay của một số nước. Ngày càng nhiều quan chức phương Tây nghĩ đến việc tịch thu tài sản của Nga đang bị đóng băng, tuy nhiên vướng vấn đề pháp lý. Một cách trừng phạt khác nhắm vào cá nhân Vladimir Putin là lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), thế nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp đón Putin và tại Moskva vẫn có những nhà lãnh đạo đến thăm.
Thế thì phải làm sao ? Theo Le Monde, cách duy nhất và làm cho Vladimir Putin sợ nhất, là bại trận ở Ukraine. Phương Tây có phương tiện để giúp Kiev làm nên chiến thắng, chỉ còn thiếu ý chí để biến sự phẫn nộ thành hành động.
Nước Nga của Putin đe dọa thế giới
Cũng về Ukraine, nhà bình luận Édouard Tétreau đặt vấn đề trên Le Figaro "Phải chăng nên có một ủy viên quốc phòng Châu Âu để làm Vladimir Putin phải run sợ ?", thay vì giao phó cho các viên chức bàn giấy quan liêu".Nga bước vào giai đoạn tự hủy diệt vì giới tinh hoa cầm quyền tệ hại và sự trầm cảm sâu sắc sau thất bại của thập niên 90, nhưng cũng có thể là bi kịch đáng sợ của thế kỷ qua". Đó là dự báo của tác giả Thérèse Delpech từ năm 2005 về sự tàn bạo sẽ quay lại trong thế kỷ 21.
Nước Nga "bệnh hoạn" từ lâu, nơi mà tuổi thọ trung bình của nam giới trước cuộc xâm lăng Ukraine chỉ là 59 tuổi, theo tác giả, đang đẩy nhanh quá trình hấp hối dưới quyền của Putin. Alexei Navalny bị sát hại trong một gu-lắc xây dựng dưới thời Stalin, bắt cóc hàng ngàn trẻ em Ukraine… Moskva còn bố trí một hệ thống vũ khí chống vệ tinh trong không gian, có thể biến toàn bộ liên lạc viễn thông thành tro bụi, đẩy nhân loại lùi lại hai thế kỷ.
Đó là một nhà độc tài với bàn tay đẫm máu theo phương pháp Stalin, điên cuồng với ý định trả thù, và giấc mơ đế quốc không dừng lại tại biên giới Ukraine. Theo các viên chức quốc phòng Đức và Đan Mạch, từ ba đến tám năm tới Nga sẽ tấn công một quốc gia thành viên NATO. Như vậy không còn có nhều thời gian để chuẩn bị đối phó.
Chiến tranh ngấp nghé, Châu Âu vẫn tự trói bằng những quy định thời bình
Châu Âu chỉ có thể tự lo thân chứ không thể trông cậy vào Hoa Kỳ ngày càng muốn đứng ra xa, và NATO vốn dựa vào quyết tâm và tài chánh của Mỹ. Viện trợ kinh tế của Châu Âu cho Ukraine không thay thế được những vũ khí mà Mỹ không còn giao nữa, hay hỏa tiễn mà Đức không muốn cho. Việc đưa ngân sách quốc phòng vào các tiêu chí Maastrich không phù hợp khi chiến tranh đã ở trước ngưỡng cửa.
Cần giúp các nước Châu Âu tự tái vũ trang nhanh chóng, qua việc dỡ bỏ tất cả những rào cản ngân sách, tiêu chuẩn rắc rối, ngưng áp dụng các chỉ thị điên rồ để cấp tốc sản xuất ra đạn dược và những vũ khí đang cần đến (drone, hỏa tiễn, chiến tranh mạng, trí thông minh nhân tạo quân sự hóa). Riêng Pháp có thể gia tăng thêm số đầu đạn nguyên tử. Trước những mối đe dọa vây quanh : nước Nga của Putin và một Trung Quốc bành trướng ở phía đông, nước Mỹ co cụm ở phía tây, Hồi giáo ở phía nam ; tác giả kêu gọi chuyển những buổi tưởng niệm những người anh hùng đã hy sinh sang hành động quyết liệt để tự vệ.
Thụy My
Xâm lăng Ukraine : Thương vong của Nga cao nhất kể từ 1945
Về thiệt hại nhân mạng sau hai năm chiến tranh ở Ukraine. Les Echos ngày 21/02/2024 dẫn các nguồn tin phương Tây ước tính 120.000 lính Nga đã tử trận, cao gấp đôi so với phía Ukraine.
Các xe tăng Nga bị phá hủy ở làng Bohorodychne thuộc vùng Donetsk, Ukraine ngày 13/02/2024. Reuters 9 Stringer
Con số thương vong khủng khiếp
Kremlin chỉ công bố một lần duy nhất hồi tháng 10/2022 là 5.937 lính Nga tử trận, một con số không hề phù hợp với cường độ cuộc chiến. Những nguồn khả tín nhất ước tính từ 107.000 (BBC News) đến 120.000 (tình báo Mỹ) lính Nga đã bỏ mạng, tổng cộng 320.000 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến, con số này suýt soát với số 350.000 mà bộ trưởng quốc phòng Anh James Heappey đưa ra cuối tháng Giêng.
Phía Ukraine, từ 60.000 đến 70.000 chiến binh tử trận, 170.000 bị loại khỏi vòng chiến. Chưa kể có 23.000 lính của cả hai bên bị mất tích, theo Hồng thập tự Quốc tế. Nguồn từ Na Uy thuộc loại khách quan ước tính số thương vong của Nga gấp đôi so với Ukraine, do phía Kiev phòng thủ là chính và khả năng tệ hại của các sĩ quan Nga. Thiệt hại nhân mạng của Nga hiện đã cao gấp 10 lần so với mười năm chiến tranh ở Afghanistan, và nặng nề nhất kể từ 1945. Nhưng dân số Nga đông gấp bốn lần Ukraine.
Từ đầu cuộc xâm lăng đến nay đã có 10.500 thường dân Ukraine bị sát hại, trong đó có 3.000 người bị thảm sát sau khi tra tấn và hãm hiếp ở nhiều nơi nhất là Bucha. Tuy nhiên, không thể nào thống kê được số thường dân thiệt mạng tại những vùng bị quân Nga chiếm đóng. Theo Liên Hiệp Quốc, con số thực lớn hơn rất nhiều, Kiev cho là khoảng 50.000 người dân bị chết, trong đó phân nửa ở thành phố Mariupol đã bị bom Nga san bằng. Phía Nga, trang 7x7 đếm được 138 thường dân.
Chần chừ không trả thi hài Navalny, Moskva muốn gì ?
Còn một tháng nữa đến bầu cử tổng thống, cái chết đáng ngờ của nhà đối lập Alexei Navalny được loan báo hôm thứ Sáu 16/02 gây phẫn nộ cho các nước dân chủ, làm Moskva bối rối. Mãi đến thứ Ba, phát ngôn viên Kremlin mới lên tiếng, cho rằng những cáo buộc là "thô thiển và vô căn cứ". Dù người mẹ và luật sư của Navalny đã đến tận nơi, chính quyền nói rằng thi hài sẽ không được trả cho gia đình trước 14 ngày để "giảo nghiệm".
Thời hạn này khiến các nhà chuyên môn được Le Figaro đặt câu hỏi tỏ ra kinh ngạc. Chuyên gia Marc Augsburger ở Thụy Sĩ cho biết việc giảo nghiệm tử thi chỉ cần vài tiếng đồng hồ, và trong những ca phức tạp cũng chỉ mất một ngày mà thôi. Các bác sĩ pháp y dễ dàng nhận ra những dấu hiệu bị bạo hành, và có thể cho chụp X quang hay cộng hưởng từ. Tiếp đến là giải phẫu để biết cái chết là tự nhiên hay bị tác động. Việc tìm kiếm chất độc sẽ mất nhiều tuần lễ, nhưng không cần phải giữ lại xác, chỉ cần lấy mẫu vật. Theo giáo sư Jean-Claude Alvarez, trong trường hợp bị đầu độc bằng một chất nào đó, thời gian khó xóa được dấu vết, nhưng khí độc thì có thể biến mất nhanh chóng nếu không lưu giữ một mẫu phổi. Riêng chất độc Novichok mà chỉ Liên Xô mới có thì khó thể phát hiện vì phương Tây không biết được thành phần.
Phi công Nga từng đào thoát sang Ukraine bị ám sát
Le Figaro dẫn nhiều nguồn tin cho biết nạn nhân bị bắn chết bằng nhiều phát đạn cách đây một tuần gần Alicante (Tây Ban Nha) là Maksim Kuzminov, người phi công Nga 28 tuổi hồi tháng 8/2023 đã bay sang giao nộp chiếc trực thăng cho quân đội Ukraine và chọn sang Tây Ban Nha sinh sống. Ban đầu các nhà điều tra nước sở tại ngỡ là một vụ thanh toán, nhưng rốt cuộc trường hợp này phù hợp với cam kết của Kiev cho những quân nhân Nga chạy sang : thưởng một món tiền lớn và cung cấp giấy tờ cho danh tính mới.
Tinh thần Maidan bất diệt
Cũng liên quan đến Ukraine, Le Figaro quay lại với tinh thần của cuộc cách mạng Maidan mười năm sau. Những nhân tố thời đó nay trở thành cột trụ trong quân đội, xã hội dân sự và trong bộ máy chính quyền. Tổng cộng khoảng 100 người biểu tình Maidan đã thiệt mạng, 2.500 người bị thương do bạo lực cảnh sát. Nhưng thực ra phía sau có bàn tay của Nga, theo kết luận của Viện Kiểm sát Trung ương ngày 17/02/2024. Và những người bị giết chết là các nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến đã được Moskva âm thầm chuẩn bị từ lúc đó.
Nhà báo trẻ Mustafa Nayyem là người đầu tiên đăng lên Facebook kêu gọi tập họp tại quảng trường Maidan, sau khi tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych thông báo sẽ không ký thỏa thuận hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu (EU). Vassil Vehin, lúc đó là sinh viên luật nhớ lại : "Maidan giống như một thành phố nho nhỏ với những chiếc lều, quầy thức ăn, có cả bệnh viện và một trường đại học tự do, xung quanh là rào chắn, mỗi người đều có nhiệm vụ".
Đêm 20 rạng 21/02/2014, tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych chạy trốn sang Nga khi dùng bạo lực không thành. Ít lâu sau, 30.000 lính Nga không quân hàm quân hiệu tiến vào Crimea, bán đảo chính thức bị sáp nhập vào tháng 3/2014. Kể từ 2022 đến nay, quảng trường Maidan dầy đặc chướng ngại vật chống xe tăng.
Trên lãnh vực văn hóa, Le Monde nhận thấy ngôn ngữ đã trở thành một hành động kháng chiến. Nhiều người dân Ukraine vốn quen nói tiếng Nga từ nhỏ vẫn cố gắng từ bỏ thứ ngôn ngữ được cho là của kẻ thù. Những người lớn tuổi sống ở những vùng nói tiếng Nga khá khó khăn để chuyển sang tiếng Ukraine, nhưng đối với các quân nhân là hết sức cần thiết để phân biệt bạn thù, vì lính Nga khó thể phát âm được tiếng Ukraine.
Trung Á muốn chận ảnh hưởng truyền hình Nga
Trong khi đó tại Trung Á, do ảnh hưởng từ thời Liên Xô, các kênh truyền hình Nga vẫn đứng hàng đầu, nhưng từ khi Nga xâm lăng Ukraine ngày càng có thêm những tiếng nói chỉ trích. La Croix cho biết cuối tháng Giêng, một chương trình của kênh Nga NTV khiến cư dân mạng Uzbekistan phẫn nộ, vì nói rằng tính chất quốc gia của nước này là giả tạo, có được sự hiện diện là nhờ Liên Xô, và Kazakhstan, Kyrgyzstan cũng vậy. Những tuyên bố mang tính đế quốc trở nên thường xuyên từ đầu cuộc xâm lược tháng 2/2022, gây tranh cãi tại các nước Trung Á về việc có nên hạn chế thậm chí cấm phát các kênh truyền hình Nga.
Phó chủ tịch Quốc hội Uzbekistan Alisher Qodirov dẫn ra những lời lẽ sô-vanh nước lớn, kêu gọi thay thế các chương trình tiếng Nga bằng chương trình các nước láng giềng Trung Á. Nhưng chính quyền Uzbekistan vẫn thận trọng, vì Moskva là đối tác thương mại lớn nhất. Đối với Kazakhstan, bên cạnh kinh tế còn có vấn đề an ninh vì nước này có đến 7.600 kilomet đường biên giới với Nga và thiểu số gốc Nga sinh sống tại đây.
Dù vậy Kazakhstan vẫn cho nhưng phát nhiều kênh truyền hình Nga, trong đó có kênh tuyên truyền quan trọng nhất là Pervyi Kanal, lý do bề ngoài là thương mại ; đồng thời đóng cổng streaming Sputnik24, lấy cớ một vấn đề hành chánh. Kênh dân tộc chủ nghĩa Tsargrad của doanh nhân Nga Konstantin Malofeïev cũng bị đóng vì " tuyên truyền cực đoan ", dùng từ ngữ mang tính miệt thị đối với dân Trung Á. Còn tại Kyrgyzstan, nghèo hơn nhiều so với láng giềng Kazakhstan, không thể cạnh tranh nổi với các chương trình tiếng Nga. Pervyi Kanal, nằm trong gói căn bản không cần phải trả tiền thuê bao, tiếp tục gây ảnh hưởng.
Qatar, trung gian không thể thiếu trong việc trao trả con tin Israel
Nhìn sang Trung Đông, Libération tiết lộ hậu trường những vụ thương lượng thả con tin. Chỉ trích việc thay đổi chính sách của Pháp đối với Qatar, nhưng tờ báo thiên tả nhìn nhận vai trò khó thể thay thế của quốc gia Ả rập này trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Libération dẫn ra một câu nói đùa trong thập niên 90 : "Cần phải nhìn nhận một thực tế là có hai siêu cường trên thế giới, nhưng đó là Hoa Kỳ và Qatar". Tất nhiên là rất nhiều máu đã đổ ở Trung Đông, những món tiền lót tay ở Bruxelles, nhiều huấn luyện viên kế tiếp ở câu lạc bộ Paris Saint-Germain, nhưng quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh vẫn gia tăng ảnh hưởng.
Bộ trưởng quốc phòng Khalid bin Mohammad al-Attiyah đến Paris ngày mai với tấm séc không hạn chế, Macron chuẩn bị tiếp đón trọng thế quốc vương Al-Thani tại điện Versailles. Những lời phản đối Qatar về mối liên hệ với Hamas sau vụ khủng bố ngày 07/10 đã được quên đi, cả số tiền 30 triệu đô la hàng tháng tài trợ cho phe này và việc để cho các thủ lãnh Hamas sống lưu vong một cách vương giả. Tuy nhiên, sự can thiệp của Qatar đã giúp nhiều con tin được trả tự do.
Việc 11 con tin Thái Lan và 1 con tin Philippines được phóng thích ngay trong ngày đầu hưu chiến gây ngạc nhiên cho toàn thế giới, nhưng đó là do họ bị thường dân Palestine bắt và sau đó không thể nuôi nổi con tin ! Đặc biệt trường hợp cô Mia Shem, 21 tuổi, không có con, không bị bệnh gì, tức là không nằm trong số ưu tiên được thả, và cũng không chứng minh được quốc tịch Pháp. Người mẹ của cô đã liên lạc với bà Brigitte Macron, và cựu tổng thống Nicolas Sarkozy gọi điện cho quốc vương Qatar. Song song đó, theo lệnh của tổng thống Emmanuel Macron, một hộ chiếu được cấp trong thời gian kỷ lục. Nhờ đó cô được sum họp với gia đình, một ca may mắn ngoài dự kiến.
Cuộc tái đấu Biden-Trump : Chưa biết mèo nào cắn miêu nào
Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Le Figaro vẽ ra bức tranh không lấy gì làm tươi sáng. Một tổng thống tái ứng cử tức giận trước một báo cáo mô tả mình là một ông già kém trí nhớ. Một cựu tổng thống đang bị khởi tố nhiều tội danh vẫn muốn quay về Nhà Trắng, đe dọa sẽ bỏ rơi các đồng minh. Một Tòa án Tối cao loay hoay tìm cách tránh né quy định trong Hiến pháp cấm một ứng cử viên từng tham gia nổi loạn ra tranh cử. Một Quốc hội chia rẽ không thể thông qua luật, đặt việc đánh bại đối thủ lên trên lợi ích quốc gia…
Thông tín viên Le Monde tại New York nhận định những ý kiến cho rằng Donald Trump sẽ quay lại nắm quyền là quá vội vã. Nước Mỹ trong nhiệm kỳ Joe Biden việc làm tích cực : tăng trưởng, sáng tạo, kỹ nghệ phát triển, lạm phát được kềm chế, sức mua tăng lên trở lại, nguồn năng lượng dồi dào. Khi kinh tế suy trầm trước đây, nhiều tổng thống đã bị thất cử như Gerald Ford (1976), Jimmy Carter (1980), George Bush (1992). Donald Trump cũng vậy. Vào đầu nhiệm kỳ của ông thì rất thịnh vượng, nhưng trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, đại dịch Covid làm hàng triệu người Mỹ thất nghiệp mà chưa có vac-xin. Nếu Pfizer và Moderna được loan báo hai tuần trước đó, kết quả có thể đã khác.
Vậy tại sao Biden lại mất lòng dân ? Có lẽ vì sức mua chỉ mới tăng cùng với lạm phát giảm mạnh từ 2023, thị trường chứng khoán lên trở lại từ cuối tháng 10. Trong lịch sử nước Mỹ, ứng cử viên duy nhất sống sót sau một cuộc khủng hoảng lạm phát và thất nghiệp bùng nổ là Harry Truman, sau Đệ nhị Thế chiến. Tỉ lệ tín nhiệm của vị tổng thống Dân chủ từ 90% chỉ còn 36%. Nhưng trong năm bầu cử 1948, từ tháng Giêng đến tháng 11, lạm phát từ 10% giảm còn 5%, Harry Truman thắng sát nút Thomas Dewey. Lịch sử còn lưu lại hình ảnh ông Truman giơ ra trang nhất Chicago Tribune, tờ báo đã không chịu chờ đến khi có kết quả chính thức đã vội vã loan tin chiến thắng của Dewey. Còn 8 tháng nữa mới đến bầu cử, loan báo chiến thắng của Trump cũng là một kiểu lười biếng.
Tựa chính báo Pháp
Về nước Pháp, La Croix chạy tít trang nhất "Missak Manouchian, nhân danh tất cả", nói về việc kháng chiến quân gốc Armenia và theo cộng sản bị quân Đức xử tử trong Đệ nhị Thế chiến được đưa vào điện Panthéon cùng với người vợ. Le Monde quan tâm đến việc "Châu Âu quay lại với thắt lưng buộc bụng". Le Figaro nhấn mạnh "Biden-Trump : Cuộc song đấu không thể tránh khỏi làm nước Mỹ thất vọng". Libération nói về "Chiến tranh Hamas-Israel : Qatar, trò chơi rắc rối của các ông hoàng Ả rập". Về chiến tranh Ukraine, Les Echos đưa ra "Bản tổng kết kinh hoàng".
Thụy My
Chiến tranh Ukraine : Putin khẳng định giành thêm một chiến thắng, Kiev bác bỏ
Thanh Phương, RFI, 21/02/2024
Quân đội Ukraine hôm nay, 21/02/2024, đã bác bỏ tuyên bố của phía Nga cho rằng Kiev đã mất quyền kiểm soát một ngôi làng bên bờ sông Dniepr ở miền nam Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu ở Chelyabinsk, Nga, ngày 16/02/2024. AP - Ramil Sitdikov
Theo hãng tin AFP, hôm qua, tổng thống Vladimir Putin cũng như bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu đều tuyên bố Nga đã giành lại được quyền kiểm soát ngôi làng Krinky mà quân đội Ukraine đã chiếm được trong mùa hè 2023 trong những điều kiện hết sức gian nan. Việc chiếm được ngôi làng có vị trí như một đầu cầu ở tả ngạn sông Dniepr bị Nga chiếm đóng là một trong những chiến thắng hiếm hoi của quân đội Ukraine trong chiến dịch phản công từ mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, đầu cầu này vẫn không giúp được lực lượng của Kiev tiến thêm về phía nam. Từ đó đến nay, quân Nga đã oanh kích ồ ạt vào khu vực này và làng Krinky đã bị phá hủy hoàn toàn.
Hôm qua, tổng thống Putin đã xem việc chiếm được làng Krinky là thắng lợi lớn thứ hai sau khi chiếm được thành phố Avdiivka, miền đông Ukraine. Nhưng trên các mạng xã hội hôm nay, bộ tư lệnh mặt trận miền nam của quân đội Ukraine chính thức khẳng định những thông tin nói trên là "hoàn toàn sai lạc" : "Lực lượng phòng thủ của miền nam Ukraine vẫn trấn giữ các vị trí ở làng Krinky và gây những tổn thất nặng nề cho quân địch".
Quân Ukraine hiện đang bị quân Nga tấn công dồn dập tại mặt trận miền đông lẫn mặt trận miền nam, đồng thời bị oanh tạc liên tục trong lúc đang bị thiếu đạn pháo do viện trợ của phương Tây ngày càng ít đi, thậm chí viện trợ của Mỹ vẫn bị chặn lại ở Quốc hội.
Trong khi còn vài ngày nữa là bước sang năm thứ ba, tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, chính tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Hai vừa qua đã thừa nhận là tình hình trên chiến trường hiện nay là "cực kỳ khó khăn".
Tên lửa Bắc Triều Tiên chứa linh kiện phương Tây ?
Trong khi đó, theo một tổ chức phi chính phủ, Conflict Armament Research (CAR), các mảnh còn sót lại của một tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên được tìm thấy ở Ukraine có chứa những linh kiện điện tử được sản xuất tại Châu Âu và Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là Bình Nhưỡng đã lách được các biện pháp trừng phạt của quốc tế để mua được các linh kiện đó.
Thanh Phương
*************************
Tổng thống Ukraine : Nga lợi dụng sự chậm trễ viện trợ
Reuters, VOA, 20/02/2024
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Hai nói rằng Nga đang lợi dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine và tình hình tại các khu vực mà Moscow tập trung quân của họ là "cực kỳ khó khăn".
Tổng thống Ukraine Zelenskiy thăm tiền tuyến ở khu vực Kharkiv.
Ông Zelenskiy phát biểu như vậy sau khi đến thăm khu vực Kupiansk ở tiền tuyến phía đông bắc, khu vực được Ukraine chiếm lại vào năm 2022 nhưng là nơi quân Nga đang hoạt động trong những tháng gần đây.
Chuyến thăm của ông Zelenskiy diễn ra vài ngày sau khi Nga chiếm quyền kiểm soát Avdiivka xa hơn về phía nam, sau nhiều tháng giao tranh căng thẳng, và là chiến thắng lớn nhất của Nga ở tiền tuyến trong 9 tháng.
Tổng thống Zelenskiy nói : "Hiện nay tình hình cực kỳ khó khăn ở một số khu vực tiền tuyến, nơi quân đội Nga tập trung tối đa binh lính của họ.
"Họ đang lợi dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine và đây là một vấn đề rất nhạy cảm. Tình trạng thiếu đạn pháo, vũ khí phòng không và vũ khí tầm xa".
Ông Zelenskiy bày tỏ sự tin tưởng rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua một gói viện trợ lớn, trong đó có cả hỗ trợ cho Ukraine, vốn bị trì hoãn do tranh cãi giữa các nhà lập pháp.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Hai cho biết ông sẵn sàng gặp Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson để thảo luận về dự luật tài trợ, đồng thời nói thêm rằng đảng Cộng hòa đang phạm sai lầm khi phản đối gói viện trợ.
Thượng viện trong tháng này đã thông qua gói viện trợ trị giá 95 tỷ đôla, bao gồm khoản viện trợ dành cho Ukraine, nhưng ông Johnson đã từ chối đưa gói viện trợ này ra biểu quyết tại Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa kiểm soát với tỷ lệ 219-212.
Reuters
Nguồn : VOA, 20/02/2027
*******************************
Nga chiếm Avdiivka, Ukraine tăng cường phòng thủ ở phía đông
Reuters, VOA, 20/02/2024
Ukraine hôm thứ Hai cho biết quân đội của họ đã chiếm các vị trí phòng thủ mới ở miền đông sau khi rút lui khỏi thị trấn Avdiivka vừa bị Nga chiếm, và đẩy lùi các cuộc tấn công mới của Nga.
Ảnh chụp lại từ video do Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm thứ Hai, ngày 19/2/2024, cho thấy hình ảnh của Nhà máy hóa chất và than cốc Avdiivka, miền đông Ukraine.
Nga đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn Avdiivka bị tàn phá sau khi quân đội Kyiv rút lui hồi cuối tuần. Đây là bước tiến lớn nhất của quân Nga trên chiến trường kể từ khi thành phố Bakhmut bị Ukraine chiếm lại vào tháng 5.
Việc Nga chiếm giữ Avdiivka đã đẩy lực lượng Ukraine ra xa thành phố pháo đài Donetsk mà Nga đang chiếm giữ, một trung tâm hậu cần quan trọng được Moscow sử dụng để hỗ trợ các hoạt động của Nga trên khắp miền đông Ukraine bị nga chiếm đóng một phần -- khu vực được gọi là Donbas.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả việc chiếm được Avdiivka là một chiến thắng quan trọng, và Moscow nói quân Kyiv rút lui gấp rút và rất hỗn loạn, bỏ lại nhiều binh sĩ và vũ khí.
Moscow đơn phương tuyên bố đã sáp nhập các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine vào năm 2022 mặc dù không kiểm soát hoàn toàn khu vực nào trong số đó.
Reuters
Nguồn : VOA, 20/02/2024
***************************
Kiev bi quan về tình hình quân sự "vô cùng khó khăn"
Thu Hằng, RFI, 20/02/2024
Nga mở 5 mặt trận trên chiến trường đông nam Ukraine và tiếp tục các cuộc tấn công ban đêm. Ngày 20/02/2024, Kiev cho biết đã bắn hạ 23 drone Shahed của Nga. Ngoài ra, Nga cũng phóng hai tên lửa S-300/S-400 từ vùng biên giới Belgorod và một tên lửa Kh-31. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình chiến sự "vô cùng khó khăn".
Một xe tăng của quân đội Ukraine, ở gần mặt trận Avdiivka, Ukraine. Ảnh chụp ngày 11/02/2024. AFP – Genya Savilov
Tổng thống Zelensky đã đến thăm binh sĩ Ukraine ở vùng Koupiansk ngày 19/02. Trong buổi điểm tin hàng ngày, được AFP trích dẫn, ông cho biết "tình hình vô cùng khó khăn trên nhiều khu vực chiến tuyến, nơi quân Nga đang tập trung tối đa lực lượng, tận dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine". Vẫn theo ông Zelensky, Ukraine đang thiếu pháo, cần hệ thống phòng không trên chiến tuyến và vũ khí tầm xa.
Ukraine từ thế phản công chuyển sang thế thủ nhưng khó chống lại được quân Nga khi không nhận được viện trợ quân sự từ các nước đồng minh. Trong khi đó, Nga đang tiến hành cùng lúc 5 mặt trận ở miền đông và nam Ukraine : Kreminna, Bakhmut, Avdiivka, Marinka, Robotybe và sẽ tìm cách chiếm thêm đất sau khi "kiểm soát hoàn toàn" Avdiivka.
Viện trợ quân sự cho Ukraine
Trong khi đó, khoản viện trợ lớn của Washington cho Ukraine vẫn bị chặn ở Hạ Viện Mỹ. Về phía Ukraine, sau khi ký hai thỏa thuận quân sự với Pháp và Đức vào tuần trước, Ukraine sẽ nhận được viện trợ từ Hà Lan và Canada. Ngày 19/02, bộ trưởng quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết "gửi nhiều drone cho Ukraine" nhưng "không thể tiết lộ số lượng chính xác". Hà Lan nằm trong liên minh do Latvia điều phối để cung cấp công nghệ tân tiến về drone quân sự cho Ukraine. Còn Canada thông báo sẽ chuyển cho Ukraine 800 drone SkyRanger R70.
Ngược lại, Ecuador từ bỏ ý định giao nhiều vũ khí thời Liên Xô cho Ukraine thông qua Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Ecuador Gabriela Sommerfeld trấn an trước Quốc hội rằng "Ecuador sẽ không gửi bất kỳ thiết bị quân sự nào cho một nước can dự vào một cuộc xung đột quốc tế". Tuy nhiên, quyết định rút lui của quốc gia Nam Mỹ này có thể là do tác động từ Nga. Moskva đã rất tức giận và ra lệnh cấm nhập khẩu chuối của Ecuador ngay sau lời hứa của Ecuador chuyển vũ khí cho Ukraine.
Thu Hằng
***************************
Chiến tranh Ukraine : Nga có thể mở rộng phản công sau chiến thắng Avdiivka
Trọng Thành, RFI, 19/02/2024
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Mỹ, trong một thông báo hôm nay, 19/02/2024, trên mạng X, cảnh báo là quân đội Nga có thể tranh thủ bối cảnh phương Tây giảm viện trợ để mở thêm nhiều cuộc phản công, sau chiến thắng tại Avdiivka, miền đông Ukraine.
Một khu nhà ở Lysychansk, Luhansk, Ukraine, bị tàn phá. Ảnh trích xuất từ video công bố ngày 03/02/2024 via Reuters - Russian Emergencies Ministry
Viện ISW, dựa trên các thông tin từ Ukraine và một số nguồn tin phương Tây, ghi nhận quân Nga đang tiến hành "ít nhất ba mũi phản công". Thứ nhất là dọc theo đường ranh giới giữa hai tỉnh Kharkiv và Luhansk, đặc biệt là tại các khu vực gần Kupiansk và Lyman. Thứ hai là xung quanh thành phố Avdiivka, và thứ ba là gần làng Robotyne, ở phía tây tỉnh miền nam Zaporizhzhia, khu vực mà quân đội Ukraine chọc thủng phòng tuyến Nga hồi cuối mùa hè năm ngoái.
AFP dẫn lời một chỉ huy Ukraine cho biết, riêng tại khu vực Avdiivka, các đơn vị Ukraine đã đẩy lùi 14 cuộc tấn công gần Lastochkin, cách Avdiivka khoảng 2 km, và chặn đứng 13 cuộc phản công tại khu vực gần làng Robotyne, tỉnh miền nam Zaporizhzhia.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ nhấn mạnh là "việc thiếu phương tiện quân sự phương Tây, và nỗi lo ngại trước việc Mỹ ngừng viện trợ, buộc các lực lượng Ukraine phải chuyển sang chính sách tiết kiệm vũ khí trên tất cả các mặt trận. Và chính điều này khiến các lực lượng Nga khai thác được các lợi thế để đẩy mạnh một số hoạt động phản công với quy mô hạn chế trong vòng 48 giờ qua". Theo ISW, các cuộc phản công tiếp theo của Nga "có thể cản trở quân đội Ukraine huy động binh sĩ và các phương tiện cần thiết, để chuẩn bị cho các đợt phản công mới", dự kiến được tiến hành trong năm 2024.
Trọng Thành
Chiến tranh Ukraine : Avdiivka thất thủ, một thắng lợi của Nga
Thanh Hà, RFI, 17/02/2024
Tình hình tại thành phố Avdiika, miền đông Ukraine, từ nhiều ngày qua được mô tả như "địa ngục trần gian" đối với binh lính Ukraine. Trong đêm 16/02/2024, tân tổng tư lệnh Oleksandre Syrsky ra lệnh rút toàn bộ quân khỏi thành phố này. Theo giới quan sát, tái chiếm Avdiivka, thành phố với 34.000 dân cư trước chiến tranh, là một "thắng lợi mang ý nghĩa lớn đối với Moskva" vài tuần trước bầu cử tổng thống Nga.
Thành phố Avdiïvka, vùng Donbass, sau một trận đánh khốc liệt. Ảnh ngày 15/02/2024. Reuters - RFE/RL/Serghii Nuzhnenko
Thông tín viên RFI từ Kiev Emmanuelle Chaze tường trình :
"Trong đêm qua, tổng tư lệnh quân đội Oleksandr Syrskyi tuyên bố rút toàn bộ quân Ukraine khỏi Avdiivka. Khả năng này đã được dự báo trước do tình hình ở đây rất khó khăn. Trong thông cáo, tướng Syrsky giải thích quyết định nói trên là nhằm bảo toàn tính mạng cho các quân nhân Ukraine, đưa họ về hậu phương. Chỉ huy mặt trận miền Đông Ukraine, tướng Tarnavky thì nêu bật sức mạnh của quân Nga, tương quan lực lượng bất tương xứng, Ukraine trong thế 1 chọi lại 10. Đêm qua trong lúc rút quân, nhiều binh sĩ Ukraine đã bị bắt và việc sơ tán thương binh cũng đã diễn ra trong những điều kiện hết sức khó khăn do quân đội Nga vẫn tiếp tục dồn hỏa lực về phía đối phương.
Trong khi đó công luận Ukraine, sau nhiều tuần lễ lo lắng, giờ đây người dân có vẻ như đang thở phào nhẹ nhõm, an tâm hơn về số phận của những người lính đang cầm súng chiến đấu, nhưng kèm theo đó là nỗi buồn Avdiivka thất thủ. Về phía Nga, vài tuần trước bầu cử tổng thống, thắng lợi ở Avdiikka là một cột mốc quan trọng diễn ra đúng thời điểm. Hơn nữa đây là chiến thắng quan trọng đầu tiên từ khi Nga để mất Bakhmut hồi tháng 5/2023".
Thanh Hà
*****************************
Binh sĩ Ukraine rút khỏi Avdiivka, quân đội lâm cảnh thiếu đạn dược
Reuters, VOA, 17/02/2024
Các binh sĩ Ukraine đã rút khỏi thị trấn Avdiivka bị tàn phá ở miền đông, người đứng đầu quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Bảy, mở đường cho bước tiến lớn nhất của Nga kể từ khi chiếm được thành phố Bakhmut vào tháng 5 năm ngoái.
Một quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 47 chuẩn bị xe chiến đấu Bradley sẵn sàng tham chiến, cách Avdiivka thuộc vùng Donetsk không xa, ngày 11/2/2024.
Kyiv nói sự rút lui này, được loan báo trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng do viện trợ quân sự của Mỹ bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội, là nhằm cứu binh sĩ khỏi bị lực lượng Nga bao vây hoàn toàn sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.
Thượng tướng Oleksandr Syrskyi, người nắm quyền chỉ huy quân đội Ukraine trong một cuộc cải tổ lớn vào tuần trước, nói các lực lượng Ukraine đã rút về các vị trí an toàn hơn bên ngoài thị trấn, nơi có dân số trước chiến tranh là 32.000 người.
"Tôi quyết định rút các đơn vị của chúng ta khỏi thị trấn và chuyển sang phòng thủ từ những tuyến thuận lợi hơn nhằm tránh bị bao vây và bảo toàn tính mạng cũng như sức khỏe của các quân nhân", ông được dẫn lời nói trong một phát biểu của lực lượng vũ trang.
Gần hai năm kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga, việc rút quân là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chiều hướng chiến tranh đã chuyển sang có lợi cho Moscow sau khi một cuộc phản công của Ukraine không thể chọc thủng phòng tuyến của Nga vào năm ngoái.
Việc triệt thoái được tiến hành theo kế hoạch nhưng một số binh sĩ Ukraine đã bị Nga bắt giữ ở những giai đoạn cuối, Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi cho biết nhưng không nêu rõ số lượng.
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy ca ngợi quân đội của ông đã "làm cạn kiệt" lực lượng Nga ở Avdiivka và nói ông đồng ý với quyết định rút lui để bảo toàn sinh mạng.
Trong phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Zelenskyy kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng cường cung cấp viện trợ quân sự và cho rằng việc rút quân một phần là do thiếu vũ khí.
"Bây giờ, (quân đội) sẽ bổ sung, họ sẽ chờ đợi những vũ khí phù hợp, đơn giản là không có đủ vũ khí", ông nói. "Nga có vũ khí tầm xa, trong khi chúng tôi lại không có đủ".
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tuần đã cảnh báo rằng Avdiivka có thể rơi vào tay lực lượng Nga vì tình trạng thiếu đạn dược sau nhiều tháng phe Cộng hòa trong Quốc hội chống đối gói viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Kyiv.
Việc chiếm được thị trấn này sẽ trao cho Tổng thống Vladimir Putin một chiến thắng trên chiến trường khi ông tái tranh cử vào tháng sau, và là một bước nhỏ khác hướng tới mục tiêu của Nga là giành quyền kiểm soát hoàn toàn hai tỉnh tạo thành khu vực công nghiệp Donbas.
Avdiivka đã hứng chịu áp lực tấn công ngày càng tăng của quân Nga ở phía đông kể từ tháng 10 năm ngoái, khi viện trợ quân sự của phương Tây không ổn định đã làm tăng thêm sự mệt mỏi của binh sĩ chiến đấu kể từ đầu năm 2022.
"Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình và duy trì vị thế của mình", ông Syrskyi nói.
Bộ Quốc phòng Nga không nêu ra trận chiến giành Avdiivka trong một phát biểu hôm thứ Bảy, nhưng nói rằng các lực lượng Nga đã "cải thiện vị trí của họ" trên mặt trận Donetsk.
Reuters
Nguồn : VOA, 7/02/2024
Cuộc quyết đấu Trump - Biden đầu mùa tranh cử 2024
Thời sự giữa tháng 2/2024 nổi bật với phát biểu của Donald Trump để mặc Nga tấn công đồng minh NATO, được ví như "cơn sốc điện" với Châu Âu. Diễn biến thu hút nhiều chú ý là khoản viện trợ quân sự 60 tỉ đô la giúp Ukraine kháng Nga, vừa được Thượng Viện Mỹ thông qua, nhưng đang bị ách lại tại Hạ Viện. Chính trị quốc tế và chính trị trong nước hòa trộn. Cựu tổng thống Trump, ra tái tranh cử, coi chống viện trợ cho Ukraine là điểm quyết đấu chống đương kim tổng thống.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Cuộc đối đầu Donald Trump (trái), và Joe Biden. AFP – Sergio Flores, Brendan Smialowski
Bất chấp các bế tắc trong hiện tại tưởng không thể vượt qua, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đang tìm kiếm nhiều phương thức hợp tác để khẩn cấp thông qua khoản viện trợ quân sự giúp Ukraine chống xâm lược. Người Hồng Kông đặt hy vọng gì đối với vùng lãnh thổ này vào Năm con Rồng vừa bắt đầu với quẻ bói đầu năm. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
***
Ngày 10/02/2024, vận động tranh cử tại bang South Carolina, ông Trump đã tung ra một phát biểu chưa từng có : đe dọa các đồng minh NATO, khuyến khích Nga tấn công những quốc gia nào bị khép tội không đóng góp đủ cho ngân sách quốc phòng ("I would encourage them to do whatever the hell they want" (tạm dịch là : "Tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn").
Sổ toẹt "nguyên tắc đoàn kết" của NATO
Với phát biểu nói trên, cựu tổng thống Mỹ đã sổ toẹt nguyên tắc đoàn kết, từng giúp cho NATO tồn tại và phát triển trong suốt 75 năm qua, với phương châm một nước bị tấn công là tất cả bị tấn công. Các phát biểu cực đoan, "văng mạng", không phải là điều hiếm có với nhà tỉ phú, từng được lãnh đạo nước Mỹ đưa ra, nhưng tuyên bố được ví như "cơn sốc điện" nói trên, đang gây lo sợ và bất bình ghê gớm tại Châu Âu. Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, Joseph Borrell, gọi đây là những lời lẽ "nguy hiểm" và "ngớ ngẩn", bởi Liên minh NATO gắn bó mật thiết hoàn toàn không phải là một câu lạc bộ lỏng lẻo, để ai muốn tham gia thế nào thì tham gia. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắc lại là, không chỉ Châu Âu cần đến Hoa Kỳ mà Hoa Kỳ cũng cần đến các đồng minh. Còn tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lên án các lời lẽ nhắm vào NATO của đối thủ đảng Cộng hòa là "dốt nát", "hèn hạ", "nguy hiểm" và "chống lại nước Mỹ".
Ông Biden lưu ý : "chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một tổng thống hèn hạ như vậy trước một nhà độc tài Nga", đồng thời nhấn mạnh đến "cam kết thiêng liêng" của NATO, "dựa trên các nguyên tắc căn bản của tự do, an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, những điều mà Donald Trump coi như "một gánh nặng" và hoàn toàn không chia sẻ, bởi đối với ông ta mọi thứ "chỉ là hàng hóa".
Trên thực tế, tuyên bố gây sốc của Donald Trump và các phản ứng dữ dội chống lại Trump, là tiêu biểu cho hai quan điểm đối lập về thế giới chủ đạo tại Mỹ. Trump đại diện cho "chủ nghĩa biệt lập" (isolationisme), có ảnh hưởng mạnh tại Mỹ, với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết". Quan điểm thứ hai, mà chính quyền Biden theo đuổi, hướng đến xây dựng các liên minh, đối tác và khẳng định"vai trò lãnh đạo của nước Mỹ giúp cho sự ổn định của thế giới" và đổi lại "người dân Mỹ cũng được hưởng lợi trực tiếp" về mặt công ăn việc làm, kinh tế thương mại, theo như phát biểu của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), khai mạc hôm 16/02.
Hỗ trợ quân sự Ukraine : Vượt cửa ải lớn Thượng Viện Mỹ
Cuộc đọ sức nổi bật nhất hiện nay, giữa hai quan điểm đối lập về thế giới này, liên quan đến các hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga. Hoa Kỳ có tiếp tục hậu thuẫn Ukraine, quốc gia trên tuyến đầu của khối các quốc gia dân chủ chống độc tài, hay bỏ mặc Kiev. Ngày 12/02, Thượng Viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua gói hỗ trợ 95 tỉ đô la, trong đó có 60 tỉ đô la cho Ukraine. Để đạt được kết quả này, dự luật đã được sự ủng hộ của hơn 20 thượng nghị sĩ đối lập Cộng hòa, bất chấp các đe dọa của phe Trump.
Theo báo chí Mỹ, hợp tác mật thiết giữa thủ lĩnh nhóm thiểu số Cộng hòa Mitch McConnel với phe đa số Dân chủ của Chuck Summer là một bí quyết của thành công. Thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington cho biết thêm :
"70 phiếu thuận, 29 phiếu chống : với đa số đặc biệt cao này, Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua gói viện trợ. Tổng số tiền là 95 tỷ đô la, trong đó có 60 tỷ đô là dành riêng cho Ukraine. Phần còn lại dành cho Đài Loan, Israel và viện trợ nhân đạo. 70 phiếu thuận có nghĩa là khá nhiều đảng viên đảng Cộng hòa, chính xác là 22 người, đã bỏ phiếu cho gói viện trợ này, cùng với đảng Dân chủ.Trong số đó, có các cựu thành viên lực lượng vũ trang hoặc các giới chức dân cử gắn bó với an ninh quốc gia Mỹ, theo mô tả của một số người trong họ.Ngoài ra cũng còn có nhiều lãnh đạo thuộc phe thiểu số Cộng hòa ở đó, bao gồm cả thủ lĩnh Mitch McConnel, người rất thiết tha với viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, 22 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận giờ đây gần như bị coi là những kẻ phản bội. Trước hết, họ chỉ chiếm chưa đến một nửa nhóm, và các thượng nghị sĩ khác đã làm mọi cách để ngăn chặn hoặc làm chậm cuộc bỏ phiếu cho khoản viện trợ này. Ông Donald Trump công khai phản đối viện trợ cho Ukraine, cũng như việc bỏ phiếu thuận cho gói viện trợ này.
22 thượng nghị sĩ cho biết họ không hề lo sợ về những hậu quả đối với bầu cử có thể xảy ra sau này, và đây là điều đúng đắn nên làm. Viễn cảnh này chắc chắn ít có khả năng xảy ra hơn ở Hạ Viện, nơi toàn bộ các ghế dân biểu sẽ được bầu lại vào tháng 11 tới. Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson, trung thành với Donald Trump, là người quyết định các văn bản sẽ được đưa ra bỏ phiếu hay không, đã nói rõ rằng, đối với ông, đề xuất này là không thể chấp nhận được."
Hạ Viện : Đa số ủng hộ giúp Ukraine, nhưng dân biểu Cộng hòa sợ Trump
Cửa ải Hạ Viện dường như rất khó vượt. Ngay sau khi dự luật được thông qua tại Thượng Viện, chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson, người do phe Trump dựng lên hồi tháng 10/2023, tuyên bố sẽ không đưa luật ra bỏ phiếu.
Theo thẩm định của các chính trị gia từ cả hai phía, nếu đưa ra bỏ phiếu, dự luật sẽ được thông qua. Đây là quan điểm của dân biểu Cộng hòa Andy Biggs (bài "US aid for Ukraine : a new chance for $60bn to get through Congress ? / Trợ giúp Mỹ cho Ukraine Cơ hội mới để khoản 60 tỉ đô la được Quốc Hội thông qua ?, Financial Times, 14/02/2024). Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ, Hekeem Jeffries, tin tưởng là sẽ có khoảng 300 trên 435 dân biểu ủng hộ.
Căng thẳng đang dâng cao khi một nhóm nhỏ dân biểu trung thành với Donald Trump đe dọa phế truất chủ tịch Hạ Viện, nếu ông Mike Jonhson đưa dự luật ra bỏ phiếu. Trong khi đó, phe Dân chủ thiểu số tại Hạ Viện cũng chủ trương "sử dụng mọi công cụ lập pháp sẵn có" để dự luật được thông qua. Trong số các biện pháp được tính đến có "Discharge petition" (tạm dịch là "Kiến nghị đi tắt"), vì chỉ cần được đa số dân biểu ủng hộ (quá 50%), dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu, không phải qua cấp tiểu ban, cũng không chờ quyết định của chủ tịch Hạ Viện.
Thủ tục tưởng như đơn giản, vì chỉ cần quá một nửa số dân biểu ủng hộ là thành công, tuy nhiên trên thực tế không dễ, đặc biệt do bên Cộng hòa có thể có rất ít người tham gia. Ủng hộ "Discharge petition" thường bị coi như phản bội lại đảng của mình. Biện pháp này trên thực tế cũng rất ít được sử dụng, và nếu được dùng, xác suất thành công không cao. Lần thành công gần nhất được ghi nhận cách nay 10 năm.
Dân biểu Cộng hòa phải lựa chọn : Đi với nước Mỹ hay đi với Trump ?
Theo một số nhà quan sát, dù sao việc một bộ phận phe Cộng hòa ở Thượng Viện đoàn kết với phe Dân chủ thông qua được luật đã là một đòn bất ngờ với Trump. Sau khi qua ải Thượng Viện, dự luật trực tiếp đặt các dân biểu Hạ Viện trước trách nhiệm với cử tri. Hôm 13/02, ngay sau khi luật được thông qua tại Thượng Viện, đích thân tổng thống Biden kêu gọi chủ tịch Hạ Viện "hãy để cho toàn thể Hạ Viện có cơ hội bày tỏ quan điểm, không để cho những tiếng nói cực đoan nhất ngăn chặn dự luật." Tổng thống Biden cũng trực tiếp nói với các dân biểu Cộng hòa : "Các vị sẽ chọn bảo vệ tự do hay đi theo đảng của độc tài, đàn áp ? Các vị chọn đi với Ukraine hay đi với Putin ? Các vị chọn nước Mỹ hay chọn Trump ?".
Báo Anh The Guardian dự báo : "còn nhiều rào cản chính trị và cơ chế cần vượt qua, trước khi khối đa số dân biểu vốn không quen làm việc cùng nhau trong Hạ Viện có thể cùng nhau vượt qua được cả Johnson (tức chủ tịch Hạ Viện), và rộng hơn là thắng được Trump" (Bài "Sự lộn xộn của đảng Cộng hòa trong việc viện trợ cho Ukraine vén lộ sự phục tùng của Đảng đối với Trump", The Guardian, 13/02/2024 ).
Trump "điều chỉnh chiến thuật" do áp lực nội bộ ?
Nếu gói viện trợ cho Ukraine được thông qua, bên hưởng lợi sẽ không chỉ là Ukraine, mà cả nền dân chủ Mỹ. Hậu thuẫn Ukraine là để bảo vệ nền dân chủ, chống độc tài. Thái độ tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, chịu trách nhiệm trước cử tri, của các dân biểu Hạ Viện, cũng sẽ chính là liều thuốc giúp cho nước Mỹ tránh chìm sâu trong xu thế độc tài – dân túy.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa McConnell lưu ý, việc nghị sĩ lưỡng đảng đoàn kết ra luật hỗ trợ Ukraine cũng chính là nỗ lực "xây dựng lại kho vũ khí dân chủ ("arsenal of democracy") và chứng minh cho các đồng minh cũng như đối thủ thấy rằng chúng ta nghiêm túc thực thi sức mạnh Mỹ". Các đồng minh của Mỹ, như Anh, cũng kêu gọi Quốc Hội Mỹ "đứng về phía bảo vệ tự do" (phát biểu của ngoại trưởng Anh David Cameron).
Dường như bắt mạch được áp lực ủng hộ đang gia tăng trong nội bộ đảng Cộng hòa, có thể khiến dự luật viện trợ Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ Viện, Donald Trump trong một phát biểu tranh cử tại North Charleston (bang South Carolina) hôm 14/02, đã đổi hướng. Trump, người kiên quyết chống viện trợ cho Ukraine, giờ đây khẳng định chính ông mới là người thực sự bảo vệ quốc gia Đông Âu này nếu tái đắc cử, và lên án đối thủ Biden để mặc nước Nga xâm lược Ukraine.
Quẻ bói năm con Rồng cho đặc khu Hồng Kông
Hồng Kông tưng bừng đón Năm mới Giáp Thìn với lượng pháo hoa nhiều nhất kể từ năm 2019, bị cấm kể từ đó do phong trào phản kháng đòi dân chủ 2019, rồi Covid. Theo truyền thống Trung Quốc, con rồng – con vật huyền thoại duy nhất trong 12 con giáp - là năm chứa đầy hy vọng. Năm Rồng là năm được coi là may mắn với hôn nhân, địa ốc hay sinh nở. Số trẻ em sinh năm nay dự kiến cũng sẽ tăng vọt, tiếp nối xu thế từ ba năm nay, với tỉ lệ sinh tăng 38% trong năm con Thỏ (2023) (tức năm Mão với người Việt).
Tại Hồng Kông cũng có một truyền thống đầu năm mới xem vận mạng của toàn vùng lãnh thổ. Quẻ được rút tại một ngôi đền cổ. Thông tín viên Florence de Changy tường trình từ Hồng Kông :
"Tại Hồng Kông, có một truyền thống rất lâu đời, liên quan đến một ngôi đền lớn thờ tướng Xa Công (Che Kung), thời nhà Tống. Hàng năm tại đây người ta tổ chức buổi rút quẻ tiên tri về Năm mới, cho toàn bộ vùng lãnh thổ này. Quẻ được rút ra từ 96 chiếc que nằm trong một chiếc ống tre. Mỗi que tương ứng với một điềm báo, trong đó 35 que mang "điềm lành", 17 mang "điềm xấu" và 44 là "điềm trung tính".Người đứng đầu các cộng đồng nông thôn Hồng Kông chịu trách nhiệm rút quẻ.
Năm nay, vị "thầy bói" rút được quẻ số 15, một quẻ "trung tính", tương tự như sáu năm trước. Quẻ kèm theo lời giải thích là "Hồng Kông đang bị mắc kẹt trong một khu rừng". Một lời tiên tri nghe rất giống với một lời chỉ trích, vào thời điểm mà nền kinh tế Hồng Kông đang gặp khó khăn : thị trường chứng khoán kém hiệu quả, giá bất động sản sụt giảm, khách du lịch giảm, các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa.
Nhưng như để bù đắp cho vận xấu này, người "thầy bói" nói thêm rằng : năm nay thuận lợi với việc áp dụng điều 23 của bộ luật An ninh mới. Đây là điều mà người dân Hồng Kông từng kịch liệt bác bỏ trước đây. Điều luật dự kiến sẽ được áp dụng vào cuối năm nay, để hoàn thiện luật An ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt vào năm 2020.
Như vậy, năm Giáp Thìn 2024, cho dù dân Hồng Kông được trông đợi sẽ có thêm nhiều đứa trẻ sinh ra năm con Rồng, nhưng có nguy cơ sẽ là một năm đen tối nữa đối với các quyền tự do dân sự tại vùng lãnh thổ này".
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 17/02/2024