Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phương Tây mệt mỏi với việc hỗ trợ chiến tranh Ukraine ?

Về chiến tranh Ukraine, báo La Croix hôm nay, 04/10/2023, có tựa "Những đồng minh của Ukraine đang có nguy cơ ‘hết hơi’". Nhật báo Công giáo cho biết Kiev đang phải lo lắng liệu các hỗ trợ từ phương Tây sẽ ngày càng giảm đi hay không khi mà lực lượng Ukraine gặp khó khăn, khó tiến triển trên chiến trường.

metmoi1

Từ phải qua : Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell đến viếng Bức tường Tưởng niệm Tử sĩ Bảo vệ Tổ quốc Ukraine, Kiev, Ukraine, ngày 02/10/2023 via Reuters – Ministry of Foreign Affairs of Ukraine

Theo La Croix, phương Tây giảm bớt trợ giúp cho Ukraine cũng là ván cược của tổng thống Nga Vladimir Putin. Vào đầu tuần này, phát ngôn viên tổng thống Nga Dmitri Peskov, đã bảo đảm rằng "sự mệt mỏi đối với việc ủng hộ Ukraine một cách vô lý sẽ gia tăng tại nhiều quốc gia". Trước tiên là căng thẳng với Ba Lan khi quan chức nước này đưa ra tuyên bố gây bất ngờ hôm 20/09 vừa qua : mong muốn chấm dứt viện trợ thiết bị quân sự cho Ukraine. Ba Lan là một trong nước hỗ trợ chủ chốt cho Ukraine kể từ đầu cuộc chiến, với các loại vũ khí từ thời Liên Xô. Đảng cầm quyền Ba Lan PiS đưa ra thông báo này giữa cuộc bầu cử lập pháp vì lo ngại rằng những cử tri của mình sẽ bị lôi kéo bởi phe cực hữu phản đối hỗ trợ Ukraine.

Tình hình ở Slovakia cũng đáng lo ngại đối với Kiev khi nước này cũng là một nước hỗ trợ nhiều cho Ukraine, với các hệ thống phòng không như S-300 hay các chiến đấu cơ cũ Mig-29. Trước tình trạng lạm phát gần 10% và sự mệt mỏi của người dân đối với việc tiếp đón người tị nạn Ukraine, hôm 01/10, đảng thân Nga Slovak Social Democracy của ông Robert Fico với lập trường phản đối ủng hộ cho Ukraine, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp. Có nguy cơ Slovakia sẽ cùng với Hungary phản đối các biện pháp hỗ trợ Ukraine tại các cuộc họp của Liên Hiệp Châu Âu, như phiếu phản đối của Budapest đối với gói hỗ trợ 500 triệu euro cho Kiev.

Điều đáng lo ngại nhất đối với Ukraine hiện nay đó là từ phía Hoa Kỳ, quốc gia đã cung cấp một nửa thiết bị mà quân đội của Kiev đang sử dụng tại chiến trường hiện nay. Quốc hội Hoa Kỳ gần đây đã tạm đình chỉ khoản trợ giúp cho Ukraine lên đến gần 6 tỷ đô la, do những bất đồng giữa phe Cộng hòa và Dân chủ. Nga thì đang tính đến việc các trợ giúp của phương Tây dành cho Kiev sẽ dần mất đà, thậm chí là tê liệt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm sau. Nhất là việc cựu tổng thống Donald Trump, với tham vọng trở lại Nhà Trắng và "muốn chấm dứt xung đột Ukraine trong một ngày".

Nhật báo công giáo dẫn lời tướng Michel Ykovleff, cựu phó tham mưu trưởng của cơ quan chỉ huy của NATO, cho rằng "hỗ trợ Ukraine là vì lợi ích của người dân Mỹ , với 5% ngân sách quốc phòng chi cho Ukraine để tiêu diệt bộ máy quân sự Nga nhưng lãi thu về rất cao. Nhưng ngược lại, nếu từ bỏ đồng minh Ukraine thì sẽ củng cố mục tiêu chiếm Đài Loan của Trung Quốc".

Hôm thứ Hai vừa qua, các ngoại trưởng Liên Âu họp tại Kiev, để tái khẳng định ủng hộ Ukraine, bác bỏ "sự mệt mỏi đối với chiến tranh Ukraine", nhưng theo Le Monde, các ngoại trưởng Liên Âu không đưa ra được cam kết cứng rắn nào. Nếu La Croix nêu ra sự thất vọng xen lẫn tức giận của người dân Ukraine trước sự ủng hộ đang trên đà suy giảm của phương Tây, thì phóng sự của Le Monde tại Odessa, cho thấy những người dân Ukraine đăng ký học đại học vì muốn trốn nghĩa vụ quân sự. Sinh viên là một trong những trường hợp được miễn trừ nhập ngũ theo thiết quân luật. Vì thiếu nguồn lực cho chiến tranh, các xe tuần tra của các cơ sở tuyển quân hiện diện khắp thành phố, đặc biệt là trước cửa các trường đại học. Nếu bị kiểm tra và không phải trong trường hợp miễn trừ, thì người đó sẽ nhận được một giấy triệu tập. Trước lo lắng bị gửi ra tiền tuyến, một nhóm Telegram đã được thành lập, quy tụ gần 200.000 người, để cập nhật những thông tin về địa điểm mà xe tuần tra có mặt, nhằm tránh bị kiểm tra.

Tương lai của Nhà thờ Công giáo ?

Cuộc họp Thượng hội đồng toàn thể của Nhà thờ Công giáo bắt đầu hôm nay và kéo dài trong vòng ba tuần là chủ đề được nhiều báo số ra ngày 04/10/2023 quan tâm. Trong mục quốc tế, Le Monde chạy tựa lớn trang nhất "Tương lai của nhà thờ Công giáo đang được tranh luận" tại Roma, Ý. 364 người tham gia Thượng hội đồng, một số giám mục được bầu ra bởi hội đồng giám mục, một số thành viên khác thì được chính Giáo hoàng chỉ định. Đây là lần đầu tiên những giáo dân, không phải giám mục hay hồng y, có thể tham gia tranh luận tại Thượng hội đồng, trong đó 54 người là phụ nữ. Cuộc họp sẽ tranh luận về chủ đề chính như cách quản trị Nhà thờ, vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, cách xử lý tình trạng bạo lực tình dục mà các giáo sĩ vi phạm, đồng tính… Theo Le Monde, đây là một cuộc họp mang tính lịch sử, những chủ đề này có thể làm xáo động thể chế tôn giáo này. Các tín đồ từ khắp nơi trên thế giới sẽ họp tại giáo xứ của họ sau đó gửi đóng góp ý kiến tới Roma về cách mà Giáo hội nên hoạt động ra sao trong thời đại này.

Sự kiện này cũng là hồ sơ lớn trên La Croix với tựa lớn trang nhất : "Nhà thờ, đã đến lúc để cải cách ?". Nhật báo Công giáo Pháp cho biết sau hai năm tham vấn những tín đồ trên toàn thế giới, phiên họp toàn thể của Thượng hội đồng mang tính quyết định đối với Giáo hoàng Francis. Từ nhiều tháng qua, Giáo hoàng đã không ngừng nhấn mạnh rằng phiên họp này không liên quan đến chính trị và là một tiến trình tâm linh, "không có chỗ cho tư tưởng, mà thay vào đó là các cuộc đối thoại".

La Croix cũng cho biết văn bản mà Thượng hội đồng soạn ra sau khi kết thúc cuộc họp chỉ được coi là một đề xuất gửi cho Giáo hoàng chứ không có hiệu lực ngay lập tức. Giáo hoàng Francis có thể lấy lại toàn bộ hoặc một phần để soạn ra một tông huấn, nhưng văn kiện cuối cùng sẽ chỉ được công bố vào phiên họp toàn thể lần thứ hai, diễn ra vào tháng 10/2024. Trong Giáo hội Công giáo, nhiều người tỏ ra hoài nghi, một số khác bày tỏ lo sợ vì Giáo hội có thể bị suy yếu vì sự chia rẽ giữa những người muốn thúc đẩy những tiến bộ phù hợp với xã hội hiện đại, và những người bảo thủ giá trị truyền thống.

Nếu Le Monde, trong bài đăng cùng hồ sơ, nêu ra cách mà Giáo hoàng bổ nhiệm hồng y mới, thì Le Figaro Libération cùng đề cập đến việc 5 vị hồng y bày tỏ nghi ngờ về phiên họp toàn thể này. Họ đã công khai phản đối những chủ đề mang tính cải cách, như việc ban phúc cho các cặp đôi đồng tính tại nhà thờ, hoặc phong chức linh mục cho phụ nữ. Năm hồng y này cũng nhắc lại rằng Thượng hội đồng chỉ có quyền tham vấn chứ không thể thay đổi học thuyết tôn giáo. Giáo hoàng Francis đã đưa ra câu trả lời đối với các vị hồng y này, ngài nhấn mạnh rằng "chỉ sự kết hợp ổn định, bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, cho phép sinh sản con cái tự nhiên mới được gọi là hôn nhân", tuy nhiên, "chúng ta không thể là những thẩm phán, chỉ phủ nhận, bác bỏ…, cần phải xem xét những hình thức ban phúc được một hoặc nhiều người yêu cầu có truyền tải một quan niệm sai lầm về hôn nhân hay không". Libération cho biết Giáo hoàng đã tự mình bổ nhiệm một người theo Dòng chúa Giêsu người Mỹ, James Martin tham gia vào Thượng hội đồng. James Martin được biết là một người ủng hộ mạnh mẽ quyền lợi cho người đồng tính tại Nhà thờ.

Xã luận La Croix cho rằng một trong những khó khăn đối với ban tổ chức đó là làm sao để phiên họp toàn thể này không bị thu gọn thành một tập hợp các ý kiến, hoặc tạo xung đột giữa phe bảo thủ và phe ủng hộ cải cách, có thể làm rung chuyển Giáo hội. Đây sẽ là một ván cược lớn của Giáo hoàng.

Giải Nobel : Nhân tài Pháp nghiên cứu ở nước ngoài

Về giải Nobel năm nay, Le Monde nói về giải Nobel y học được công bố hôm 02/10, giành cho hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman của đại học Pennsylvania, đã nghiên cứu ra loại vac-xin ARM ngừa Covid-19, đã cứu sống hàng tỷ người. Libération tiếp tục với giải Nobel vật lý được trao ngày 03/10 cho hai nhà khoa học người Pháp Anne L’Huillier và Pierre Agostini, và một nhà khoa học người Áo Hung Ferenc Krausz vì các công trình nghiên cứu liên quan đến atto giây : 1 atto giây tương đương với 31,7 tỷ năm. Theo Libération, nghiên cứu này cho phép hiểu được thang thời gian vô cùng nhỏ của một vật chất, cho phép quan sát, kiểm soát, thậm chí là sửa đổi các electron trong vật chất. (Ví dụ biến một vật không dẫn điện thành dẫn điện). Nghiên cứu được cho là mang tính cách mạng và có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực điện toán hoặc hóa học, hay trong lĩnh vực y tế, sản xuất thuốc hoặc chuẩn đoán sớm một số bệnh.

Cũng về chủ đề này, Le Figaro thì chỉ ra rằng những nhà khoa học Pháp được vinh danh nhưng không có trường đại học Pháp nào được nêu tên. Hai nhà khoa học giành giải Nobel vật lý, thì cả hai đều đang làm việc, nghiên cứu tại nước ngoài từ nhiều năm qua. Bà Anne L’Huillier hiện đang làm việc tại trường đại học Lund ở Thụy Điển, còn ông Pierre Agostini thì đã rời Pháp từ năm 2002, hiện giảng dạy ở đại học bang Ohio của Hoa Kỳ. Nhật báo cánh hữu của Pháp cũng nêu ra các trường hợp nhà khoa học đoạt giải Nobel khác nhưng không làm việc tại Pháp. Ví dụ như trường hợp của giải Nobel hóa học năm 2020, Emmanuelle Charpentier, do không tìm được chỗ làm tương xứng ở Pháp nên đành tìm cơ hội ở Đức. Theo Le Figaro, đa số các nhà khoa học Pháp mệt mỏi vì các thủ tục giấy tờ rối rắm, mất thời gian để xin tài trợ, cùng với đồng lương ít ỏi. Nhật báo thiên hữu kết luận rằng nếu những người tài năng nhất buộc phải đi nơi khác làm việc thì Pháp sẽ dần mất đi những người đào tạo tài giỏi nhất.

Tổng thống Macron muốn sửa đổi Hiến pháp

Về thời sự nước Pháp, nếu như Les Echos cho biết bộ Tài chính dự trù tăng sức mua của người tiêu dùng vào năm nay và năm 2024, thì Le Figaro nêu ra những đường hướng sửa đổi Hiến pháp mà tổng thống Emmanuel Macron trình bày trước Hội đồng Bảo hiến hôm nay. Ông Macron trước đó đã tiết lộ một số ý định về cải cách muốn đưa vào Hiến pháp : quyền phá thai, mở rộng các cuộc trưng cầu dân ý đối với các vấn đề xã hội, hoặc quy chế tự chủ của đảo Corse… Để các sửa đổi này được thông qua thì cần phải có được đồng thuận từ Quốc hội lưỡng viện, cùng đưa ra một văn bản thống nhất, trước khi được ba phần năm nghị sĩ của Quốc hội thông qua. Điện Elysée đã thừa nhận rằng cần phải tìm được cách để huy động lực lượng chính trị, vượt qua những sự chia rẽ hiện có.

Chi Phương

Published in Quốc tế

Ukraine, nạn nhân của những tính toán thực dụng mùa bầu cử

Xã luận của Le Monde ngày 03/10/2023 nhận định, Ukraine đang đứng trước thử thách của xu hướng thực dụng kiếm phiếu từ chính phủ một số nước. Kết quả bầu cử ở Slovakia mới đây và cuộc bỏ phiếu trước đó tại Quốc Hội Hoa Kỳ để tránh shutdown (đóng cửa), là cảnh báo cho việc lợi dụng cuộc chiến tranh ở Ukraine trong đối nội.

nannhan1

Biểu tượng quốc gia Ukraine trên tấm khiên của tượng đài Mẹ tổ quốc được chiếu sáng với màu quốc kỳ, nhân Ngày những người bảo vệ Ukraine tại Kiev ngày 01/10/2023. Reuters – Stringer - STRINGER

Rasputitsa, mùa bùn lầy sắp tới không phải là trở ngại duy nhất cho cuộc phản công của quân đội Ukraine. Trong khi viễn cảnh chiến tranh sẽ kéo dài sang năm thứ ba, nỗi lo sự ủng hộ của phương Tây giảm dần ngày càng lớn. Các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu (EU) bất ngờ họp tại thủ đô Ukraine hôm qua. Cuộc họp tuy không chính thức nhưng mang nặng tính biểu tượng, nhằm chứng tỏ quyết tâm ủng hộ lâu dài, vào lúc Kiev đang cần sự giúp đỡ hơn bao giờ hết.

Hai tin không vui từ Bratislava và Washington

Tại Bratislava, cho đến nay vẫn là đồng minh vững chắc của Kiev, chính sách sẽ thay đổi hẳn nếu ông Robert Fico tập hợp được một liên minh đủ mạnh. Nhân vật dân tộc chủ nghĩa và dân túy này bị mất chức thủ tướng năm 2018 sau vụ ám sát nhà báo Jan Kuciak - người đã mở mắt cho người Slovakia qua tiết lộ về sự thâm nhập của mafia vào Slovakia - thân Nga thấy rõ, cũng giống như láng giềng Viktor Orban. Nhất là Robert Fico có thể trông cậy vào chiến dịch bóp méo thông tin mà ông chủ điện Kremlin là bậc thầy.

Cho dù xu hướng theo đuôi Nga không phải là đa số ở Slovakia, và Robert Fico trong quá khứ vẫn thực dụng, sự trỗi dậy của xu hướng này có nguy cơ ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của Châu Âu đối với Ukraine. Tin tức từ Slovakia đến sau khi vừa xảy ra xích mích giữa Kiev với Vacxava, mà thực chất do Ba Lan đang trong mùa tranh cử.

Tại Washington, Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận hiếm hoi để tạm tránh việc chính quyền liên bang phải đóng cửa trong 45 ngày. Nhưng với cái giá là hy sinh phần viện trợ cho Ukraine, mà tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến tận Quốc hội để kêu gọi. Tuy chưa phải là đáng báo động, nhưng sự đồng thuận lưỡng đảng về Ukraine sẽ bị rung chuyển vào tháng 11 tới. Phe thân Trump quyết tâm hạ bệ chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy vì hợp tác với kẻ thù Dân chủ, khiến Ukraine không còn là vấn đề trung tâm.

Theo Le Monde, những sự kiện trên đây nhắc nhở nghĩa vụ của các nền dân chủ, là phải nỗ lực không mệt mỏi để giải thích cho việc hỗ trợ Ukraine lâu dài. Bên cạnh nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, còn phải nhấn mạnh rằng giúp đỡ Kiev còn nhằm ngăn cản những thế lực tàn bạo nhất biến vũ lực thành quy luật xử sự giữa các quốc gia.

EU không phải liên bang, một nước nhỏ vẫn có thể gây trở ngại

Libération phân tích, đã hẳn Slovakia là một nước nhỏ chỉ có 5,4 triệu dân trong một Liên hiệp gần 450 triệu công dân. Tại Hội đồng Bộ trưởng, đa số quyết định phải đạt 55% (tức 15/27 nước), đại diện cho 65% dân số. Slovakia chỉ có 14/705 nghị sĩ trong Nghị Viện Châu Âu trong đó có 2 thuộc Smer, đảng của ông Fico. Thế nhưng lại có quyền phủ quyết trong tất cả những lãnh vực phải đạt đồng thuận, nhất là về trừng phạt kinh tế hay quốc phòng. Cho tới nay, chỉ có Hungary của Viktor Orbán buộc lòng phải giúp Ukraine và trừng phạt Nga, vì lệ thuộc vào trợ giúp tài chánh của EU.

Việc Robert Fico quay lại nắm quyền có nguy cơ tạo ra trục Budapest-Bratislava, kéo theo một số chính quyền Đông Âu đang có các phe thân Kremlin như Bulgaria. Bên cạnh đó, cánh hữu cực đoan PiS ở Ba Lan đang gặp khó khăn trước cuộc bầu cử ngày 15/10 phản đối nhập khẩu nông sản Ukraine - vốn là sống còn với Kiev. Chính quyền Mateusz Morawiecki tuyên bố ngưng giao vũ khí, như vậy coi như đứng về phía Hungary và Robert Fico. Ẩn số là nếu PiS tiếp tục nắm quyền, chưa thể biết đảng này có liên minh với đảng cực hữu Konfederacja và giữ nguyên chủ trương mang tính cơ hội hay không.

Ở Tây Âu, phe dân túy đe dọa đến sự đoàn kết. Dù thủ tướng cực hữu Ý Giorgia Meloni vẫn ủng hộ Ukraine, đảng BB ở Hà Lan, một số đảng cực tả và cực hữu Pháp, AfD ở Đức muốn ngưng giao vũ khí cho Ukraine. Một lần nữa cho thấy khuyết điểm chính của EU : Liên Hiệp Châu Âu không phải là một liên bang với những định chế độc lập được bầu lên để tiến hành các chính sách Châu Âu, mà chỉ đơn giản là một tập hợp các nhà nước, các chính phủ được chọn lựa dựa theo nhu cầu từng nước. Vladimir Putin biết điều đó, cũng như biết rằng thời gian là đồng minh của ông ta : chiến tranh càng kéo dài, Châu Âu và có thể là Hoa Kỳ có thể chuyển thành trung lập, có nghĩa là hồi kết của Ukraine.

Mọi ngờ vực chỉ làm lợi cho Moskva

La Croix lạc quan hơn, cho rằng không nên nghi ngờ về cam kết của các đồng minh. Nếu phóng đại sự "chán nản" của phương Tây, sẽ làm lợi cho Moskva, vốn chỉ chờ đợi có thế. Robert Fico chỉ chiếm được 23% số phiếu và ông Donald Trump, người thân Nga nhất trong số những ứng cử viên tổng thống Mỹ, đang tiến gần đến một bản án hơn là một nhiệm kỳ thứ hai. Về sự ủng hộ của người dân Ba Lan đối với người tị nạn Ukraine thì vẫn vững chắc.

Những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên này cho thấy áp lực tìm kiếm hòa bình đang tăng lên, nhưng bỏ rơi Kiev sẽ là sai lầm cả về đạo đức lẫn chính trị. Bởi vì cuộc chiến sẽ không ngưng lại dù không có sự ủng hộ của Hoa Kỳ và Châu Âu, không nên đánh giá thấp quyết tâm chiến đấu bảo vệ sự tồn vong đất nước của người Ukraine. Hòa bình duy nhất phải là nền hòa bình sau khi luật pháp quốc tế chiến thắng vũ lực.

Viễn cảnh Kiev gia nhập EU

Trong một bài viết khác, La Croix cho biết sắp tới, EU cũng phải quyết định về việc mở thương lượng về kết nạp Ukraine, mà yêu cầu trước hết là phải có những tiến bộ trong chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nêu ra khả năng gia nhập vào năm 2030.

Trong khi chờ đợi, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại Kiev cổ vũ Châu Âu thông qua "một kế hoạch bảo vệ Ukraine trong mùa đông, gồm phòng không, cung cấp máy phát điện, tăng cường nguồn cung năng lượng". Mùa đông năm ngoái được đánh dấu bởi chiến dịch oanh tạc rầm rộ của Nga nhắm vào tất cả các trạm biến điện, để cả nước Ukraine chìm trong bóng tối, giảm thiểu sức kháng cự của người dân.

Về việc mở rộng EU, Les Echos cho rằng không nên lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Sau khi kết nạp 8 nước thuộc Liên Xô cũ, Malta, Chypre năm 2004, rồi đến Romania, Bulgaria năm 2007, Croatia 2013, EU dừng lại ở đây. Cuộc xâm lăng Ukraine đã thay đổi hẳn cục diện, nay Liên hiệp tin rằng cần thu nhận thêm Ukraine, Moldova và các nước Balkan vốn đã chờ đợi gần 20 năm qua. Tuy nhiên thay vì tiến trình mang nặng tính kỹ thuật, ảo tưởng những thành viên mới gắn bó với các giá trị căn bản… cần hội nhập từ từ, không ấn định thời điểm cứng nhắc.

Hợp tác sản xuất vũ khí tại Ukraine

La Croix nhận thấy Châu Âu cũng đang thay đổi chiến lược viện trợ quân sự. Theo yêu cầu của Kiev, kỹ nghệ phương Tây nghiên cứu khả năng sản xuất vũ khí tại Ukraine để bảo đảm nguồn cung cấp lâu dài. Tháng 9 vừa qua, Kiev đã tổ chức diễn đàn kỹ nghệ quốc phòng đầu tiên, và muốn chuyển đổi công năng những nhà máy thời Liên Xô cũ để làm ra những vũ khí tân tiến, hợp tác với phương Tây. Thụy Điển dự kiến đặt nhà máy sản xuất thiết vận xa CV90. Pháp có khoảng 20 công ty đến tham dự diễn đàn cùng với bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu.

Nhiều công ty Pháp đã ký các hợp đồng : Nexter, chi nhánh tập đoàn Pháp-Đức KNDS giao thêm 6 đại bác Caesar ; Arquus nhận bảo trì tại chỗ các phụ tùng thiết giáp, CEFA cung cấp 8 robot gỡ mìn hạng nặng SDZ và 8 thiết bị đổ bộ. Delair nhận đơn đặt hàng 150 drone, Thales và Turgis & Gaillard ký hợp đồng hợp tác phát triển drone, Vistory lập một trung tâm in ấn 3D ở Ukraine để cung cấp phụ tùng thay thế.

Le Figaro dẫn lời một viên chức Châu Âu nhận xét : "Có hai chủ đề mà Châu Âu chưa thể đáp ứng đúng mức : đạn dược, vì không có dự trữ, và tình báo, vì khả năng của Mỹ vượt trội". Trước mắt, khó thể rút ngắn được khoảng cách ; và vấn đề chính hiện nay là sản xuất.

Nga : Phong trào gởi bưu thiếp cho tù chính trị

Tại Nga, thông tín viên La Croix cho biết mỗi thứ Năm cuối tháng, khoảng vài chục người dân Moskva tụ tập lại để viết và gởi hàng trăm bưu thiếp đến những tù nhân chính trị. Đây là hình thức gián tiếp phản đối Kremlin, hiện vẫn chưa bị cấm đoán.Một tình nguyện viên cho biết hiện có gần 1.000 tù nhân chính trị tại Nga, và họ cảm thấy có bổn phận phải ủng hộ tinh thần những người này.

Trên những chiếc bàn chồng chất những tấm bưu ảnh, những tờ giấy A4 và rất nhiều cái tên – tất cả đang trong nhà tù. Một số là những khuôn mặt nổi tiếng như nhà báo Ivan Safronov bị kết án 22 năm tù vì dán một tấm áp-phích chống chiến tranh, hay đạo diễn Zhenya Berkovich đang bị tạm giam vì cáo buộc "cổ vũ khủng bố", có nguy cơ lãnh 7 năm tù.

Một thanh niên nói, chúng tôi viết thư cho họ vì sắp tới cũng có thể chính mình phải ngồi tù, và như vậy rất mong nhận được thư từ bên ngoài để không cảm thấy bị bỏ rơi. Chỉ là những từ ngữ bình thường, không liên quan đến chính trị vì sẽ nguy hiểm. Được biết gần 20.000 người Nga phản đối chiến tranh với Ukraine đã bị bắt kể từ đầu cuộc xâm lăng, theo tổ chức phi chính phủ OVD-Info, một số bị kết án nặng nề. Chỉ riêng trong tuần này, các tòa án Nga xét xử 85 vụ liên quan đến chính trị.

"Woke", đồng minh tốt nhất của độc tài

Nhìn chung về địa chính trị, một bài viết trên mục Ý kiến của Le Figaro cho rằng "phong trào wokisme (thức tỉnh) là đồng minh tốt nhất của các chế độ độc tài". Sinh ra từ các trường đại học Mỹ vào thập niên thứ nhì của thế kỷ 21, ý tưởng "woke" dựa trên bản sắc liên quan đến chủng tộc, giới tính, xu hướng tính dục ; gây sốc cho tinh thần cổ điển Pháp. Những người theo chủ trương "woke" không chấp nhận những quan điểm khác biệt, muốn xóa bỏ những ý tưởng khác, theo đuổi "cancel culture" (văn hóa chối từ). Họ muốn đổi tên thủ đô nước Mỹ, lấy cớ là Washington sở hữu nô lệ trong trang trại ở Virginia. Từ chối đặt vấn đề vào bối cảnh lịch sử, chủ nghĩa "woke" mang tính toàn trị, vừa giản đơn vừa nguy hiểm. Vô hình trung họ đã làm lợi cho Vladimir Putin và Tập Cận Bình, các nhà độc tài luôn đàn áp những ai dám phản biện. 

Loạn sách do AI viết, các nhà văn lo sợ

"Thật kỳ lạ, ai đã viết ra tiểu sử của tôi ?". Tác giả Anh Rory Cellan-Jones, cựu tổng biên tập BBC vừa xuất bản cuối Hồi ký, cuối tuần trước đã bất ngờ khi phát hiện trên Amazon một bản sao giả mạo được số hóa, nằm trong số những cuốn được tìm kiếm nhiều nhất. Tò mò, ông đặt mua một quyển, và nhận thấy tất cả đều sai, rõ ràng là do trí thông minh nhân tạo (AI) viết ra. Vài ngày trước đó, các tác giả Mỹ Jane Friedman và Charlie Poter cũng khám phá trên nền tảng này có những tựa sách mang tên mình tuy họ chưa hề viết ra.

Trên đây là vài ví dụ đáng ngại về việc thương mại hóa các sách do AI soạn thảo, bắt đầu nở rộ từ đầu năm nay. Về phía Amazon đã cho rút nhiều sách giả khỏi trang web và bắt đầu có một số biện pháp để ngăn chặn. Những cỗ máy như ChatGPT có thể soạn ra văn bản, công cụ Midjourney vẽ minh họa và làm bìa sách. ChatGPT nay có thể đứng tên tác giả mà không cần mượn tên tuổi người khác : Le Figaro thống kê được 988 cuốn sách do robot này viết ra bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, về công nghệ mới, sách thiếu nhi, hướng dẫn du lịch, gia chánh. Các tác giả và nhà xuất bản trên thế giới hết sức lo sợ những tác phẩm sẽ bị dùng để nuôi dưỡng cơ sở dữ liệu của AI mà không hề được đền bù về tài chánh.

Thụy My

Published in Quốc tế

Tổng thống Biden khẳng định Mỹ "không bỏ rơi" Ukraine

Thanh Hà, RFI, 02/10/2023

Chính quyền Mỹ đang ra sức trấn an Ukraine. Sau khi Hạ Viện từ chối thông qua gói viện trợ mới 24 tỷ đô la cho chính quyền Kiev, tổng thống Joe Biden hôm Chủ Nhật 01/10/2023 nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ "không bỏ rơi" Ukraine. Nhà Trắng cho biết thêm đã đạt được với chủ tịch Hạ Viện Mỹ về một "dự luật riêng" liên quan đến các khoản viện trợ cho Ukraine. Kiev xác nhận bộ Quốc Phòng Mỹ cam kết tiếp tục các chương trình đào tạo cho quân nhân Ukraine.

uk1

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, ngày 01/10/2023. AP - Manuel Balce Ceneta

rong cuộc họp báo hôm 01/09/2023, tổng thống Mỹ Biden giải thích là đảng Cộng hòa cam kết tiếp tục yểm trợ Ukraine bằng cách sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu riêng, liên quan đến viện trợ quân sự cho Kiev, và trong "mọi trường hợp" viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine "không bị gián đoạn".

Tại Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định "không gì làm suy yếu công cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Nga". Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraine, Rustem Umerov, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, cho biết đồng nhiệm Mỹ, tướng Lloyd Austin đã trấn an là các chương trình đạo tạo cho binh sĩ Ukraine sẽ tiếp diễn và Ukraine vẫn được Hoa Kỳ "yểm trợ mạnh mẽ trên các mặt trận".

Báo chí chính thức của Nga hài lòng trước những dấu hiệu rạn nứt về quyết tâm hỗ trợ Ukraine của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ, cũng như kết quả bầu cử lập pháp ở Slovakia hôm 01/10/2023 với thắng lợi của phe thân Nga.

Thông tín viên Anissa El Jabri từ Moskva tường thuật :

"Ngay từ sáng Chủ Nhật, truyền thông Nga đã bày tỏ sự hài lòng với kết quả bầu cử Slovakia, và nhất là trước ‘chiến thắng của đảng chống lại việc gửi vũ khí sang Ukraine’. Trên đây là những hàng tựa lớn của báo chí Moskva sáng nay, 02/10.

Một số báo nhấn mạnh nhiều vào sự chia rẽ trong khối Châu Âu. Báo Kommersant khẳng định ‘Slovakia có thể trở thành một vấn đề lớn thách thức sự đoàn kết của Liên Âu’. Những tờ báo chính thức khác cũng tập trung nhiều vào thời sự Hoa Kỳ. Tờ Konsomolskaya Pravda đắc thắng chạy tựa : Mỹ ‘không bỏ một xu cho Ukraine’. Còn báo Vesti đi xa hơn khi cho rằng ‘dân Mỹ vất bỏ những gì không quan trọng đối với họ : đó là Ukraine’.

Thời sự trong hai ngày cuối tuần cho phép xác nhận những định kiến đã bắt rễ sâu trong hàng ngũ tinh hoa ở Nga và trong suy nghĩ của Vladimir Putin. Đó là cùng với thời gian, các nền dân chủ phương Tây dễ bị tổn thương trước những mối chia rẽ. Điều đó minh chứng cho kế hoạch B của một cuộc chiến tiêu hao đang diễn ra tại Ukraine. Moskva câu giờ và khai thác tất cả những dấu hiệu để lộ điểm yếu của phương Tây". 

Cuộc họp "lịch sử" cấp ngoại trưởng Liên Âu tại Kiev 

Để khẳng định tình đoàn kết và quyết tâm của toàn khối sát cánh với Ukraine trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, hôm nay ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại thủ đô Kiev. Đây cũng là một cử chỉ mang tính biểu tượng mạnh mẽ vào lúc Ukraine đang nỗ lực vận động để được gia nhập khối này.

Đến Kiev sáng nay, ngoại trưởng Pháp, Catherine Colonna tuyên bố Nga chớ ảo tưởng rằng Liên Hiệp Châu Âu sẽ "mệt mỏi" vì chiến tranh Ukraine. Triệu tập một cuộc họp tại một quốc gia ngoài khối là một "động thái ngoại giao mạnh mẽ" thể hiện quyết tâm của khối này đứng về phía Ukraine một cách "lâu dài" và Ukraine là một "thành viên của đại gia đình Châu Âu". Tuy nhiên, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell lưu ý là cuộc họp tại Kiev sẽ không đưa ra bất kỳ một quyết định cụ thể nào", bởi đây chỉ là một cuộc "thảo luận không chính thức"

Thanh Hà

***************************

Hai vố đau cho Ukraine : Đảng thân Nga sắp nắm quyền tại Slovakia và viện trợ bị ngăn chặn tại Hoa Kỳ

Trọng Nghĩa, RFI, 02/10/2023

Trong cuộc chiến chống Nga kéo dài từ tháng 02/2022, Ukraine đã có thể trông đợi vào sự giúp đỡ cực kỳ hào phóng của đồng minh Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt trong lãnh vực vũ khí. Thế nhưng, trong ngày 30/09/2023, Kiev đã liên tiếp bị hai vố đau, với hai sự kiện không liên quan gì đến nhau nhưng lại có thể cùng chung hệ quả : giảm bớt nguồn chi viện vũ khí mà Ukraine rất cần để đánh lại Nga.

uk2

Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ Viện Mỹ, trả lời báo giới, tại Washington, ngày 29/09/2023. Reuters – Jonathan Ernst

Vố đau đầu tiên và có thể được cảm nhận rõ nhất đến từ Washington, với sự kiện Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ ngày 30/09/2023 đã cấp tốc thông qua một biện pháp khẩn cấp nhằm giúp chính quyền Mỹ tránh được tình trạng bị tê liệt vì không còn ngân sách vận hành kể từ ngày 01/10.

Văn bản được Quốc hội Mỹ thông qua quy định rằng chính quyền Mỹ tiếp tục được tài trợ để hoạt động, nhưng chỉ tạm thời trong 45 ngày. Để đạt được thỏa thuận đó, trước thái độ khăng khăng của một vài dân biểu cực đoan trong đảng Cộng hòa, không chấp nhận ghi vấn đề viện trợ cho Ukraine vào ngân sách, đảng Dân chủ cũng như Nhà Trắng đã phải đồng ý loại bỏ khỏi thỏa thuận các khoản viện trợ tài chính và quân sự mới cho Ukraine để cho văn kiện được thông qua.

Bị loại bỏ trong luật tài chính tạm thời, liệu các khoản viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine có được thông qua bằng ngả khác hay không ? Trong những ngày sắp tới, một dự luật riêng biệt sẽ được đệ trình, dự trù cấp thêm cho Kiev 24 tỷ đô la viện trợ quân sự và nhân đạo.

Vấn đề sẽ lại được đặt ra một lần nữa với nhóm dân biểu cực đoan trong đảng Cộng hòa thuộc giới đi theo cựu tổng thống Trump, vốn đã thề quyết là sẽ ngăn chặn bất kỳ khoản viện trợ mới nào cho Ukraine, cho rằng những khoản tiền này nên dùng cho việc quản lý cuộc khủng hoảng di cư ngay tại Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là liệu nhóm dân biểu này có đủ sức bác bỏ dự luật riêng biệt đó hay không.

Tình hình đối với Ukraine còn phức tạp hơn nữa trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy vừa qua tại Quốc hội Hoa Kỳ còn cho thấy là một số người trong đảng Dân chủ cũng sẵn sàng "hy sinh" Ukraine.

Ngoài ra, Kiev cũng lo ngại trước nguy cơ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, một người từng ca ngợi Vladimir Putin và không mặn mà lắm với Ukraine, trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử vào cuối năm 2024 và thay đổi thái độ của Washington đối với Kiev.

Vố đau thứ hai đối với Ukraine chính là việc đồng minh Slovakia có thể thay đổi thái độ sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 30/09 vừa qua.

Tại nước láng giềng này, đảng dân túy cánh tả Smer-SD đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp. Dưới quyền lãnh đạo của cựu thủ tướng Robert Fico, đảng nổi tiếng là thân Moskva đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng Slovakia sẽ không gửi "hy sinh"một viên đạn nào" tới Ukraine và kêu gọi quan hệ tốt hơn với Nga.

Theo một số nhà phân tích, một khi lên cầm quyền, chính phủ Fico có thể thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại của Slovakia. Báo Pháp Le Monde nhận xét : Toàn bộ chiến dịch tranh cử của ông Fico trong thời gian qua đã dựa trên những hứa hẹn điều chỉnh chính sách đối ngoại của quốc gia Trung Âu này đi theo đường lối của nước láng giềng Hungary, từ việc "từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine" vì điều đó "chỉ kéo dài xung đột", cho đến phản đối "các lệnh trừng phạt gây hại cho Châu Âu hơn là Nga" hoặc "bình thường hóa quan hệ" với Moskva.

Dù ông Fico đảm bảo rằng ông vẫn muốn Slovakia tiếp tục là thành viên của Liên Âu và NATO, nhưng việc ông trở lại nắm quyền có khả năng chấm dứt chính sách thân Ukraine của chính phủ sắp mãn nhiệm, một chính sách đã đi xa đến mức sẵn sàng cung cấp MiG-29 của quân đội Slovakia cho Ukraine.

Trọng Nghĩa

************************

Slovakia : Thủ tướng tương lai tái khẳng định chủ trương không cấp vũ khí cho Ukraine

Trọng Nghĩa, RFI, 02/10/2023

Tại Slovakia, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội của đảng Smer-SD, vào hôm nay 02/10/2023, lãnh đạo đảng này là cựu thủ tướng Robert Fico đã được tổng thống Zuzana Caputova trao quyền thành lập chính phủ mới. Là người nổi tiếng thân Moskva và chống lại việc chi viện quân sự cho láng giềng Ukraine đang bị Nga xâm lược, ngay từ hôm qua, Robert Fico, người gần như chắc chắn sẽ trở lại làm thủ tướng Slovakia, đã không ngần ngại tái khẳng định các chủ trương được cho là thân Nga.

uk3

Lãnh đạo đảng Smer-SSD Robert Fico (G) phát biểu trong cuộc họp báo tại Bratislava sau cuộc bầu cử Quốc hội Slovakia, ngày 01/10/2023. Reuters – Radovan Stoklasa

Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với các nhà báo vào hôm qua sau khi có kết quả rõ rệt về chiến thắng của đảng Smer-SD, ông Robert Fico đã khẳng định ngay : "Đất nước và người dân Slovakia có những vấn đề quan trọng hơn là quan hệ với Ukraine".

Là người đã vận động tranh cử với những lời kêu gọi cải thiện quan hệ với Nga, đồng thời cam kết đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine, với khẩu hiệu gây sốc - "không một viên đạn nào cho Ukraine", nhân vật này cho biết quan điểm của ông "không thay đổi".

Theo ông Fico, lập trường của đảng Smer-SD là "sẵn sàng giúp đỡ Ukraine về mặt nhân đạo… sẵn sàng giúp đỡ việc tái thiết Nhà nước", nhưng không sẵn sàng trang bị vũ khí cho Ukraine.

Theo nhật báo Anh The Guardian, lập trường thân Moskva của người được chỉ định lập chính phủ Slovakia, đã làm dấy lên lo ngại là ông sẽ cùng với thủ tướng Hungary Viktor Orban, môt lãnh đạo thân Nga khác, thách thức sự đồng thuận của Liên Hiệp Châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine.

Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 30/09 vừa qua, đảng cánh tả Smer-SD đã về đầu, giành được tổng cộng 42 trên tổng số 150 ghế dân biểu. Để thành lập chính phủ, đảng này có thể liên minh với đảng trung tả Hlas-SD, có 27 ghế trong Quốc hội mới, và đảng cực hữu SNS có 10 ghế. Liên minh của ba đảng này như vậy sẽ chiếm được 79 ghế, đủ đa số để cầm quyền.

Chính quyền Kiev dĩ nhiên rất lo ngại trước việc một người thân Moskva lên cầm quyền tại một nước cho đến nay đã tích cực hỗ trợ cho cuộc chiến chống Nga. Slovakia thuộc diện các nước tài trợ nhiều nhất cho Ukraine, tính theo tỷ lệ với GDP.

Phản ứng sau chiến thắng của đảng thân Nga Smer SD trong cuộc bầu cử Quốc hội Slovakia, ngoại trưởng Ukraine vào hôm nay đã tỏ thái độ rất thận trọng, tuyên bố "tôn trọng sự lựa chọn của người dân Slovakia", đồng thời cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán về tương lại quan hệ giữa hai nước.

Trọng Nghĩa

***************************

Slovakia : Đảng thân Nga giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội

Trọng Nghĩa, RFI, 01/10/2023

Theo kết quả kiểm phiếu gần như là đầy đủ, đảng dân túy Slovakia Smer-SD, phản đối viện trợ cho Ukraine, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vào hôm qua 30/09/2023 ở Slovakia. Lãnh đạo đảng này cựu thủ tướng Robert Fico có nhiều triển vọng trở lại nắm quyền.

uk4

Cựu thủ tướng Slovakia Robert Fico (thứ hai từ trái qua) mừng chiến thắng của đảng Smer-SD trong cuộc bầu cử lập pháp hôm 01/10/2023, tại Bratislava. AFP – Tomas Benedikovic

Theo hãng tin Anh Reuters, kết quả của 99,98% phiếu đã kiểm cho thấy là đảng Smer-SD của ông Robert Fico đã giành được 22,94% phiếu bầu, dẫn trước đảng Tiến Bộ Slovakia thuộc cánh trung, chỉ được 17,96% cử tri ủng hộ. Về thứ ba là đảng trung tả Hlas, được 14,70% số phiếu.

Cựu thủ tướng cánh tả Robert Fico, người được tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ, nhờ đó đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử lập pháp này. Nhưng không có đa số tuyệt đối, ông sẽ phải tìm đồng minh để thành công trong việc thành lập chính phủ.

Cuộc bỏ phiếu ở đất nước 5,4 triệu dân này, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, được coi là mang tính quyết định, để biết liệu Slovakia có thể tiếp tục con đường thân phương Tây hay hướng nhiều hơn về phía Nga.

Vào lúc Slovakia cho đến nay là một trong những nước ủng hộ chính của Ukraine thì đảng Smer-SD theo chủ nghĩa dân túy, có thiện cảm nhiều hơn với nước Nga của Vladimir Putin và không giấu giếm ý định hủy bỏ các khoản viện trợ cho nước láng giềng đã bị Nga xâm lược từ tháng 2 năm 2022.

Theo thông tín viên RFI Alexis Rosenzweig, phụ trách khu vực, thì ông Robert Fico, người có nhiều triển vọng nhất để trở lại nắm quyền tại Slovakia, bị coi là một "Viktor Orban thứ hai", thân thiện với Moskva và phản đối mọi viện trợ cho Kiev. Từ Praha, Thông tín viên RFI tường trình :

"Vào sáng hôm nay, Chủ Nhật, đài truyền hình Slovakia rốt cuộc đã công bố kết quả chúng cuộc của cuộc bầu cử. Bất chấp nhiều vụ tham nhũng khác nhau và tiếng tăm không mất tôt, ông Robert Fico vẫn là người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu.

Đây là một sự trở lại nắm quyền rất rõ nét đối với người đã lãnh đạo chính phủ Slovakia trong mười năm và đã khẳng định trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ đình chỉ mọi viện trợ quân sự cho láng giêng Ukraine, một nước bị ông tố cáo là đã kích động chiến tranh vào năm 2014 và không muốn thấy gia nhập NATO.

Để thành lập một liên minh chính phủ, ông Robert Fico và đảng Smer-SD có thể đặc biệt tin tưởng vào đảng cực hữu, đảng từng liên minh với ông trong quá khứ, điều đã khiến ông tạm thời bị loại ra khỏi Đảng Xã Hội Châu Âu.

Đối với nhiều nhà phân tích, ông Fico là một "Viktor Orban thứ hai". Giống như thủ tướng Hungary, ông có lập trường còn hơn là thân thiện với Moskva".

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Ukraine : Chiến tranh giao thông hào và viễn cảnh trường kỳ kháng chiến

Le Monde ngày 02/10/2023 cho biết "Trên mặt trận, chiến tranh giao thông hào đã quay lại". Để xuyên qua phòng tuyến Nga, lực lượng Ukraine bỏ lại các xe bọc thép, ưu tiên chiến đấu bằng bộ binh. Đứng trước thách thức của thời gian, không còn ảo tưởng đánh nhanh thắng nhanh, Kiev chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài.

uk1

Tổng thống Volodymyr Zelensky đặt hoa tại Bức tường tưởng nhớ những chiến binh Ukraine đã hy sinh, nhân Ngày của những người bảo vệ Ukraine, 01/10/2023 tại Kiev via Reuters – Ukrainian Presidential Press Ser

Không phi pháo hay xe tăng, chỉ có những trận xáp lá cà

Từ nhiều tuần qua, các video chiến trường do drone quay được, đăng trên mạng xã hội cho thấy những cảnh giống nhau trên chiến tuyến từ Zaporijia cho đến Donetsk, là những nơi đụng độ ác liệt nhất. Những toán quân Ukraine tiến gần các chiến hào Nga, những loạt súng giòn giã, những trận đánh gần như xáp lá cà. Không hề có yểm trợ của không lực hay thiết giáp. Một cách có phương pháp, những chiến binh của Kiev tiễu trừ thành lũy địch theo từng giao thông hào một, đồng thời cố tránh thiệt hại.

Trong khi chiến tranh hiện đại từ nhiều thập niên qua vẫn là những trận chiến từ xa với không quân và pháo binh, cuộc phản công của Kiev chú trọng dùng bộ binh để tiến lên. Thibault Fouillet, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng giải thích, người Ukraine áp dụng lại chiến tranh giao thông hào, với chiến thuật giống như Strumtruppen của quân Đức thời Đệ nhất Thế chiến, sử dụng những người lính tinh nhuệ làm xung kích.

Ban đầu, giới quân sự phương Tây đặt cược vào thiết giáp, chiến thuật mang lại thành công cho NATO trong những cuộc xung đột gần đây, nhất là ở Iraq năm 2003 ; nhưng rốt cuộc không hiệu quả trước chiến tuyến "Surovikin". Một nguồn tin quân sự Pháp lấy làm tiếc khi "Ukraine tiến lên theo từng đoàn mà không chuẩn bị pháo binh lẫn hỏa mù để giấu vị trí". Theo một ước lượng phương Tây, những đơn vị đợt đầu đã bị thiệt hại đến 20%.

Ukraine tái chiếm được một số nơi nhờ chủ động đổi chiến thuật

Kết quả là đến mùa hè bộ tham mưu Kiev đã từ bỏ những trận hiệp đồng tác chiến cần phối hợp giữa pháo binh, thiết giáp, công binh và bộ binh, quay lại với sở trường lâu nay. Giám đốc tình báo quân đội Kyrylo Budanov xác nhận hiện nay những trận đánh chủ yếu bằng bộ binh, xe thiết giáp chỉ dùng để sơ tán hay chuyển quân khẩn cấp đến một địa điểm cụ thể.

Họ không có chọn lựa nào khác, khi một số khu vực cứ mỗi mét vuông có đến năm quả mìn chống tăng, các drone Nga thường xuyên lượn trên đầu. Ông Fouillet cũng khẳng định khi địch thủ không chuẩn bị, có thể dựa vào tốc độ và tính cơ động của chiến xa, nhưng khi mặt trận đóng băng và được phòng thủ kiên cố thì rủi ro quá lớn. Không chỉ xe tăng hạng nặng bị tạm thời "nghỉ hưu" mà cả những model loại nhẹ.

Trước sự ngạc nhiên của phương Tây, chiến thuật này đã giúp Kiev tái chiếm nhiều vùng đất trong những tuần qua, từ Orikhiv cho tới Bakhmut. Đặc biệt tại Verbove, phòng tuyến thứ nhì của Nga đã bị chọc thủng. Theo đà này, Ukraine hy vọng mở đường đến Tokmak và nhất là Melitopol. Nhưng như vậy chỉ có bộ binh là chưa đủ, theo các chuyên gia. Đến một lúc nào đó, Ukraine phải đưa thiết giáp xung trận ở những trọng tâm để có thể tiến sâu.

Theo Thibault Fouillet, khuyết điểm của chiến thuật Kiev là gặm nhấm dần mà không khai thác những lỗ hổng đã phá được. Người Ukraine ý thức được điều này, nhưng vấn đề là nguồn nhân lực hạn chế : Nga có đến 146 triệu dân còn Ukraine chỉ 42 triệu. Vì vậy Kiev đề nghị các đồng minh cung cấp những vũ khí mãnh lực lớn hơn như tiêm kích F-16 hay hỏa tiễn tầm xa 300 kilomet ATACMS, để thay đổi thế trận. Ông Budanov nói : "Chúng tôi không thể tiếp tục một đấu một".

Thách thức của một cuộc chiến dài hơi

Le Monde cũng nhận thấy Ukraine đang đứng trước thử thách của thời gian. Giai đoạn đầu của cuộc chiến đầy những bất ngờ, che khuất nhịp độ chiến tranh quy ước cổ điển, với những trận đánh chiếm từng mét đất. Không còn ảo tưởng đánh nhanh thắng nhanh, nay Kiev chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài. Một trong những người sáng suốt nhất chính là tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Valeri Zalujny, từ lâu đã cảnh báo cuộc chiến có thể kéo dài, nhưng ít người chịu hiểu. Ông không loại trừ khả năng Putin có thể đánh chiếm thủ đô Kiev lần nữa. Và mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ như biên giới năm 1991, nếu không ngoài tầm với, thì cũng đòi hỏi nỗ lực vượt bực và cần thời gian.

Cuộc xâm lăng bắt đầu vào ngày 24/02/2022 nhưng trước đó quân đội Nga đã chuẩn bị từ 2014 với việc chiếm Crimea và tấn công Donbass, như vậy thật ra chiến tranh đã hiện diện từ 10 năm qua. Phía Ukraine, sau khi giải phóng Kiev đã ý thức được hai thực tế. Một mặt, vụ quân Nga thảm sát thường dân khiến không thể thương thảo được với Vladimir Putin. Mặt khác, Nga dù mạnh vẫn có thể bị đánh bại trên chiến trường. Niềm tin này được củng cố hôm 11/11/2022 khi giải phóng Kherson. Từ "hiệu ứng Bucha" đến "hiệu ứng Kherson", chiến tranh cho thấy sẽ còn kéo dài. Tờ báo nhắc nhở, những ai chỉ trích cuộc phản công là chậm chạp, đừng quên rằng trước khi có được chiến thắng Kherson, đã diễn ra nhiều tháng trời chiến đấu gian khổ, giành giựt từng ngôi làng một. Rốt cuộc quân Nga phải rút khỏi thành phố, đơn giản là nhờ đặc điểm địa lý : Kherson nằm bên dòng sông Dniepr, lính Nga có nguy cơ bị vây hãm.

Armenia, nạn nhân gián tiếp của cuộc xâm lăng Ukraine

Về sự kiện Thượng Karabakh phải đầu hàng trước quân Azerbaijan, Le Monde cho đây là "Một kết thúc bi thảm nhưng đã được báo trước". Việc phong tỏa hành lang Latchine, con đường duy nhất nối Thượng Karabakh với Armenia cho thấy quyết tâm của Baku ; còn 2.000 lính Nga đóng tại đây không hề động ngón tay để giải tỏa hay ít nhất là bảo vệ dân chúng. Les Echos nhận thấy "Armenia là nạn nhân liên đới của chiến tranh ở Ukraine". 

Đành rằng phương Tây phải tập trung cho mặt trận này, nhưng với cái giá là từ bỏ việc bảo vệ một sự thăng bằng "phải đạo" giữa Armenia và Azerbaijan. Làm thế nào giải thích sự khác biệt giữa việc can thiệp vào Kosovo cách đây gần 25 năm, và thái độ thụ động ở Nam Kavkaz ngày nay ? Dù những hình ảnh rất giống nhau, ngoại trừ người tị nạn Thượng Karabakh chen chúc trong những chiếc xe buýt và xe hơi còn người Kosovo trong xe lửa. Thêm một lần nữa, vũ lực đã đè bẹp mọi hy vọng thương thuyết.

Có thể nghĩ rằng Moskva đã bật đèn xanh cho Baku khi tổng thống Azerbaijan cho phong tỏa ngặt nghèo Thượng Karabakh. Với cuộc xâm lăng Ukraine, Azerbaijan trở thành con đường chính của Nga đi xuống phía nam. Tuy Moskva khoe khoang vai trò bảo vệ những người Công giáo phương đông và Chính thống giáo, về địa chính trị và địa kinh tế, Armenia Công giáo chẳng là gì so với Azerbaijan Hồi giáo.

Vận mệnh quốc gia và năng lực lãnh đạo

Ở Nam Kavkaz, phương Tây mơ một thỏa thuận theo mô hình Balkan, với lực lượng gìn giữ hòa bình trung lập, tòa án xét xử tội phạm chiến tranh, quyền tự quyết chính trị và chung sống hòa bình giữa đôi bên. Những gì vừa diễn ra trước mắt chúng ta đầy bi kịch, nhưng phải chăng đây là bước đầu tiên hướng về một thế giới hoang dã, hay là một thảm họa đã được báo trước ?

Làm thế nào có thể gọi người Armenia là "ly khai", khi họ sinh sống tại quê cha đất tổ từ nhiều đời, trên vùng đất được coi là "cái nôi của Armenia" ? Công giáo hiện diện tại đây ít nhất từ thế kỷ V, chỉ bấy nhiêu cũng đủ chứng tỏ quyền được tự trị của Thượng Karabakh. Những người bôn-sê-vich công nhận điều này, năm 1921 đã trao quy chế tự trị cho cộng đồng người Armenia trong Azerbaijan thuộc Liên Xô cũ.

Azerbaijan liệu có dừng ở đây, khi phía sau là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, còn phương Tây thì thờ ơ ? Armenia có thể là mục tiêu sắp tới, không có chọn lựa nào khác là xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu, cũng đang lệ thuộc Azerbaijan về khí đốt. Bị Nga phản bội, bị phương Tây bỏ rơi, chỉ là một con cờ trên ván cờ của Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia còn là nạn nhân của nhiều tính toán sai lầm từ các nhà lãnh đạo.

Có những quốc gia mà địa lý và lịch sử bi kịch hơn những nước khác, và không phải lúc nào cũng có những người lãnh đạo xứng tầm. Les Echos kết luận, Thượng Karabakh không còn hiện hữu, cần phải làm mọi cách để Armenia không cùng chung số phận. Cuộc xâm lăng Ukraine đã mở ra chiếc hộp Pandore về sử dụng bạo lực như một giải pháp tất nhiên.

Khủng hoảng địa ốc Trung Quốc : Đủ loại quà tặng để dẫn dụ người mua

Tại Châu Á, Le Monde cho biết người dân Hoa lục bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng địa ốc, các công ty kinh doanh bất động sản liên tục trưng ra những món quà giá trị để thu hút người mua nhà. Thông tín viên của tờ báo tại Thượng Hải mô tả, trong một sảnh bán hàng rộng mênh mông với những bức tường bằng cẩm thạch giả, chiếc xe hơi điện hiệu Wuling màu kem ngự trên nền lót đầy giấy óng ánh vàng, giữa hai băng-rôn đỏ chót. Bên cạnh là một nồi cơm điện, một máy lọc không khí, một tủ lạnh và một ấm điện lớn. Đó là những món quà dành cho khách mua căn hộ. Một nhân viên mặc đồ vét nói những món đồ trên trị giá 40.000 nhân dân tệ (5.175 euro) nhưng nếu không thích, có thể trả thẳng bằng tiền mặt.

Theo số liệu chính thức, các công ty địa ốc Trung Quốc trong tháng 8 còn tồn 313 triệu mét vuông nhà ở, tức khoảng 3,5 triệu căn hộ, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Khủng hoảng lan tới những vùng sâu vùng xa như ở ngoại ô Tây An, đặc phái viên Le Monde nhận thấy những công nhân xây dựng làm công nhật ngồi chờ người thuê với những tấm bảng ghi rõ chuyên môn của mình "thợ ống nước", "thợ điện", "khoan cắt"… Cạnh một khu nhà đang xây của Evergrande, một chủ tiệm hớt tóc đã sa thải 4/5 người thợ, một loạt cửa hàng trang trí nội thất đã đóng cửa. Một người bán hàng nói, ngay cả những người đã trả xong tiền mua nhà vẫn để trống, không trang bị đồ đạc.

Rệp, "personna non grata" ở Pháp

Nước Pháp và tình trạng bùng nổ lượng người xin tị nạn, Ukraine trước nguy cơ chiến tranh kéo dài, Covid câu chuyện không hồi kết, thương mại thế giới đứng trước vòng xoáy lịch sử là những chủ đề trên trang nhất báo Pháp hôm nay. Bên cạnh đó là cuộc biểu tình cả triệu người ở Ba Lan, nhân vật chống Ukraine có thể lên làm thủ tướng Slovakia, chính phủ Mỹ thoát "shutdown" vào phút chót.

Trên lãnh vực xã hội, loài rệp giường hôm nay được các báo chú ý, thậm chí chân dung còn ngự trên trang nhất của Libération với dòng tít lớn "Rệp, personna non grata" (nhân vật không được chào đón, từ ngữ dùng trong ngành ngoại giao).

Loài rệp đã tồn tại ít nhất 115 triệu năm. Người ta phát hiện rệp giường trong những ngôi mộ cổ Ai Cập đóng kín từ 3.500 năm qua, tìm thấy dấu vết của chúng ở Hy Lạp từ 400 năm trước Công nguyên, trong những bài viết của triết gia Aristote. Năm 2023 chuyển sang một giai đoạn mới : lũ rệp tràn ngập mạng xã hội. Từ mùa hè, cư dân mạng liên tục đăng những vụ bị rệp cắn trong rạp xi-nê, tàu cao tốc, métro ; với hình ảnh làm bằng chứng. Còn một năm nữa đến Thế vận hội Paris, rệp cũng chiếm những hàng tít lớn trên báo chí quốc tế.

Tòa đô chánh Paris kêu gọi Nhà nước coi đây là vấn đề nghiêm túc cho sức khỏe cộng đồng, có kế hoạch hành động thích đáng. Rệp đã lờn với thuốc trừ sâu, phát triển theo làn sóng du lịch quốc tế, cứ 10 gia đình thì có 1 bị rệp hoành hành. Các nạn nhân bị thương tổn kéo dài (mất ngủ, trầm cảm, phải dành một số tiền lớn để diệt rệp…). Trả lời Libération, nhà nghiên cứu về côn trùng Claudio Lazzari nhấn mạnh, loài rệp rất khó diệt trừ vì trốn rất kỹ và có thể nhịn đói từ 6 tháng đến 1 năm. Thật ra sự hiện diện của rệp không liên quan đến vấn đề vệ sinh. Le Figaro cho biết tại New York, trong số 24.000 vụ "báo động" nhà có rệp trong năm 2010 có hai nạn nhân : Bill và Hillary Clinton !

Thụy My

Published in Quốc tế

Crimea bị Ukraine oanh kích ác liệt, dân Nga bắt đầu nếm mùi chiến tranh

The Economist nhận thấy một năm rưỡi sau khi khởi động, cuộc chiến tranh của Putin đã lan đến Crimea. Ukraine dần dà giảm thiểu hỏa lực Nga trên bán đảo bị chiếm đóng. Dùng những drone tự chế mới và hỏa tiễn hành trình, Ukraine liên tục oanh kích, tìm cách cắt đường tiếp tế cho quân Nga. Trên biển, Kiev cố phá thế độc quyền của Moskva ở Hắc Hải, tấn công chiến hạm Nga ở bất kỳ nơi nào có thể.

crimea1

Lính cứu hỏa Nga nói chuyện qua bộ đàm, phía sau là một kho chứa xăng dầu bốc cháy vì bị drone Ukraine tấn công. Ảnh chup tại Sevastopol, Crimea ngày 29/04/2023. AP

Vĩnh viễn mất đi mảnh đất quê hương từ 2.500 năm

Đặc phái viên L’Obs tả lại cuộc chạy trốn trong hoảng loạn và nước mắt của người dân Thượng Karabakh. Đó là hồi kết của bài kinh cầu hồn, phát súng ân huệ, phút cuối của quá trình hấp hối. Ngày 19/09, quân Azerbaijan tràn vào thủ phủ Stepanakert để "chống khủng bố" : 200 người chết, 400 người bị thương, trên 1.000 người mất tích. Hôm sau, nước cộng hòa độc lập Artsakh (tên chính thức của Thượng KaraBakhmut đầu hàng sau khi thương lượng trong tình thế dao kề cổ. Một người dân nói : "Cứ 6 người lính trang bị sơ sài của chúng tôi, có đến 300 ‘ninja’ trước mặt".

Những tràng súng bắn loạn xạ vào trường học, giáo đường, nhà cửa bị tịch thu, người bị thương không ai chăm sóc, người chết bị bỏ mặc, người sống sót câm lặng vì sợ hãi. Ani, 25 tuổi tóm tắt : "Ở đây, ngay cả hỗn loạn cũng diễn ra trong im lặng". Họ chỉ còn là những chiếc bóng âm thầm, từ nay phải chia lìa mảnh đất quê hương. Một người di tản nghẹn ngào : "Tất cả đều ở đó, cha mẹ, ông bà, nhà cửa, gia súc của chúng tôi, những đám cưới, những đám tang". Người Armenia đã sinh sống ở Thượng Karabakh suốt từ 2.500 năm qua. Nhưng họ đành hạ vũ khí trong nước mắt.

Thượng Karabakh, cuộc chiến tranh đơn côi nhất thế giới

Về số phận của Thượng Karabakh vừa bị Baku bức tử, sau cuộc chiến được Courrier International gọi là "trận chiến đơn côi nhất thế giới", Le Point bất bình "Những Churchill, những De Gaulle đâu rồi ?". Bi kịch Armenia cho thấy sự hèn nhát của những người đang lãnh đạo thế giới, đã nhắm mắt làm ngơ trước tội ác của Azerbaijan.

Trước hết, nhà độc tài Aliev với vô số tội ác chiến tranh, đồng đạo của một lãnh tụ Hồi giáo khác là Erdogan, đã biến nước cộng hòa tự trị nhỏ bé Artsakh thành một trại tử thần. Trong hơn 9 tháng trời, 120.000 dân Armenia bị phong tỏa không còn thực phẩm, thuốc men, nói chung chẳng có gì cả. Tiếp theo, bực tức trước sức chịu đựng của họ, ngày 19/09 ông ta quyết định tiến đánh lãnh thổ này, không quên bắt giam những người Armenia bị gọi là "khủng bố", nếu không tàn sát họ.

Sau vụ Azerbaijan thảm sát 20.000 người Armenia tại Shushi năm 1920, Stalin với trò chơi vẽ lại biên giới của ông ta, đã cắt Thượng Karabakh tức Artsakh, tỉnh thứ mười của Armenia cho nhập vào Azerbaijan ; rồi hai năm sau đó lại cho tự trị. Người Armenia còn bị sát hại hàng loạt ở Sumgait năm 1988 rồi Baku năm 1991. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, Artsakh tuyên bố độc lập. Câu chuyện có thể dừng lại ở đó nếu Erdogan gần đây không quyết định liên minh với Aliev, hai nước có cùng "nền văn minh Thổ Nhĩ Kỳ".

Quốc tế bênh vực Bosnia Hồi giáo, nhưng bỏ rơi Armenia Công giáo

Năm 2020 Azerbaijan (10 triệu dân) cộng với Thổ Nhĩ Kỳ (85 triệu dân) đã thắng chớp nhoáng khi Armenia (3 triệu dân) đến cứu người anh em Artsakh. Giờ đây Armenia có thể là nạn nhân sắp tới để hoàn tất công cuộc diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915. Hơn nữa đất nước nhỏ bé này không còn được Nga bảo hộ : Putin quá cần Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan trong cuộc chiến với Ukraine. Rõ ràng Sa hoàng đỏ đã bán đứng Armenia cho những tên đao phủ !

Trước mối đe dọa thanh lọc chủng tộc và tôn giáo, thế giới đã đứng sau lưng Bosnia Hồi giáo vào đầu thập niên 90. Thế nhưng tại sao lại bỏ rơi Armenia ? Là ốc đảo Công giáo giữa một biển Hồi giáo, không còn ai quan tâm đến xứ sở này kể cả Giáo hoàng Francis. Ngược với các nhà lãnh đạo khác, tổng thống Emmanuel Macron nhiệt tình bênh vực Armenia, nhưng khi ông quyết định hành động thì xung quanh chẳng còn ai.

Erdogan và Aliev ca khúc khải hoàn

Trong một bài viết khác, Le Point đặt câu hỏi "Ai sẽ chận lại cuộc diễn binh khải hoàn của Erdogan ?". Nhà độc tài gặt hái được nhiều thắng lợi để trưng ra nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/10. Từ Kazkav đến Cyprus, từ Libya đến Balkan, ông ta dấn lên những con cờ, tuyên bố khởi đầu "thế kỷ Thổ Nhĩ Kỳ". Ankara trang bị và huấn luyện cho quân đội Azerbaijan. Erdogan và Aliev đều biết lợi dụng tình thế.

Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đã phá vỡ điều cấm kỵ thay đổi biên giới bằng vũ lực, cho thấy sự hạn chế của quân đội Nga mà Armenia đang dựa vào. Thủ tướng Nikol Pachinian quay sang phương Tây nhưng đã trễ. Châu Âu chịu một phần trách nhiệm về bi kịch. Nhờ được hỗ trợ khai thác dầu khí, nền kinh tế Azerbaijan vốn tương đương với Armenia trước khi Liên Xô sụp đổ, đã tăng gấp mười. Châu Âu cho rằng khí đốt Azerbaijan dễ chấp nhận hơn Nga, trong khi đây cũng là một trong những nước tệ hại về nhân quyền. Liệu EU có sẵn sàng ngừng ve vãn Aliev, trừng phạt Baku và gởi quan sát viên đến Armenia hay không ?

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng, ai sẽ cứu Armenia ?

L’Express nhận thấy "Bị trói tay chân, Châu Âu không thể đến cứu Armenia". Nếu một ít xe hơi thoát được Thượng Karabakh để đến Armenia, hàng mấy chục ngàn người dân lo sợ bị chế độ Azerbaijan tàn sát. Tổng thống Pháp, thủ tướng Đức, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu đều bày tỏ nỗi lo "thanh lọc chủng tộc" tại vùng đất nay chuyển sang tay Baku. Sự quan ngại còn dành cho chính Armenia. Nếu Aliev thừa thắng xâm lăng luôn cả nước này, ai có thể ngăn cản ? Chẳng có mấy ai.

Theo ông Jean-Luc Théus, cựu tùy viên quân sự ở Kavkaz, Armenia là vùng đất hẻo lánh khó vào. Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này lại nằm giữa ba quốc gia độc tài (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan) đang tạo thành một liên minh không tuyên bố. Và quan hệ thương mại, quân sự giữa Erevan với Moskva, cho dù thủ tướng Pachinian đã đặt lại vấn đề, là trở ngại cho những ủng hộ từ phương Tây. Hơn nữa để thay thế khí đốt Nga, 27 nước EU đã ký thỏa thuận mua của Azerbaijan tháng 2/2023, trở thành khách hàng lớn nhất của chế độ Baku.

Crimea bắt đầu nếm mùi chiến tranh

Trên chiến trường Ukraine, The Economist nhận thấy "Chiến tranh đã lan sang Crimea". Chậm nhưng có phương pháp, Ukraine đã giảm thiểu hỏa lực Nga trên bán đảo bị chiếm đóng. Hôm 22/09, hai hỏa tiễn Ukraine đã phá hủy tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải, trong lúc các sĩ quan cao cấp Nga đang họp. Moskva cố gắng kiểm duyệt tin tức nhưng không xuể, cư dân mạng mỉa mai : "Ngày thứ 576 của cuộc chiến ba ngày để chiếm Kiev", "Những lằn ranh đỏ đâu rồi ?". Chính quyền bắt đầu cho kéo còi báo động oanh kích, một điều xưa nay vẫn né tránh.

Một năm rưỡi sau khi khởi động, cuộc chiến tranh của Vladimir Putin đã lan đến Crimea. Từ đầu mùa hè, Ukraine đã tăng cường mạnh mẽ những vụ oanh kích vào bán đảo. Dùng những drone tự chế mới và hỏa tiễn hành trình, Kiev tấn công vào các căn cứ quân sự và sở chỉ huy. Ngày 13/09, một tàu đổ bộ cùng với một trong số sáu tàu ngầm lớp Kilo có thể phóng hỏa tiễn vào duyên hải Ukraine đã bị phá hủy. Một ngày sau, hệ thống phòng không S-400 trị giá hơn 1 tỉ đô la cũng bị tiêu diệt. Và hôm 23/09 sau vụ tấn công tổng hành dinh, thêm một loạt hỏa tiễn hành trình khác đánh vào một bến cảng ở Sevastopol ; song song đó là cuộc phản công trên bộ ở Zaporijia, đông bắc Crimea.

Tất cả những thành công của Ukraine trong việc làm suy yếu sức mạnh không quân, tuyến đường sắt và hậu cần đều nhằm hạn chế tiếp tế cho quân Nga ở Crimea. Trên biển, Kiev cố phá thế độc quyền của Moskva ở Hắc Hải, tái kiểm soát những đường hàng hải quan trọng. Ukraine tiêu diệt chiến hạm Nga ở bất kỳ nơi nào có thể, hoặc đẩy lùi ra xa để khó thể tấn công các thành phố, tuyến giao thông. Bắt đầu từ tháng 4/2022 với việc dùng hỏa tiễn Neptune tự chế đưa soái hạm Moskva chìm sâu xuống đáy biển, và từ đó đến nay Kiev đã đánh đắm hoặc làm hư hại 19 chiến hạm Nga.

Kinh tế Ukraine trông cậy vào việc giữ an toàn cho hành lang hàng hải đi và về Odessa mở từ tháng 8 sau khi Nga từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Mới đầu các chiến hạm Nga đe dọa, nhưng nay chúng hiếm khi đi vào tây bắc Hắc Hải – một thành công lớn lao cho Hải quân Ukraine vốn chỉ có mỗi một chiến hạm hoạt động được. John Foreman, cựu tùy viên quân sự Anh cho rằng việc Kiev sử dụng đội ngũ drone hải chiến, hỏa tiễn và pháo binh là một chiến lược cổ điển để "cấm biển" như Hải quân Hoàng gia Anh đã vấp phải trong quá khứ.

Nhiều loại drone, hỏa tiễn nhắm vào "gót chân Achille" của Nga

Các nhà chiến lược Ukraine luôn coi Crimea là gót chân Achille của Nga : tuy thiết yếu nhưng dễ bị cắt đứt khỏi đất liền. Tổng tham mưu trưởng Ukraine Valery Zaluzhny nhấn mạnh cần làm cho cuộc sống ở Crimea trở nên khó chịu đựng hơn. Sắp tới sẽ có thêm nhiều drone mới, bên cạnh loại "Sea Baby" đã đánh vào cầu Kerch, gần đây còn xuất hiện "Marichka", một loại ngư lôi có sức công phá 450 ký. Hỏa tiễn hành trình có Storm Shadow, Scalp của Anh, Pháp, một phiên bản địa-địa khác của Neptune ; đồng thời chuẩn bị triển khai những loại mới tương đương Kalibr và Kh-101 của Nga.

Chuyên gia Hanna Shelest ở Odessa cho biết chẳng phải tìm đâu xa, vì Ukraine vốn là cường quốc hỏa tiễn. Có một số dự án trước 2014 bị xếp xó vì thiếu tiền và trong một số trường hợp do bị phá hoại, tài liệu biến mất. Chế tạo một hỏa tiễn mới thường mất mười năm, nhưng dùng các mẫu cũ sẽ nhanh hơn rất nhiều. Những hỏa tiễn ATACMS được tổng thống Joe Biden hứa hẹn tuần rồi sẽ giúp mở rộng phạm vi tấn công.

Nga đã dời một số tàu đến các cảng an toàn hơn như Novorossiysk ở phía bên kia Hắc Hải, nhưng tầm quan trọng về tâm lý của Crimea khiến Putin cố bám trụ. Ukraine đã thành công đáng kể trong việc làm thay đổi cán cân lực lượng hải quân, tuy Nga vẫn còn chiếm thế thượng phong. Từ tỉ lệ 12 trên 1 vào đầu cuộc xâm lăng, nay chỉ còn 4 trên 1.

Không chỉ ở Crimea, L’Express cho biết "Giữa Belgorod và Moskva, người Nga đối mặt với các drone". Khi ồ ạt cho máy bay không người lái xuất kích, Ukraine muốn dân Nga nhận ra thực tế chiến tranh. Vùng biên giới Belgorod thường xuyên bị tấn công, và cả thủ đô nước Nga, nhưng sau mỗi vụ oanh kích chính quyền vội vã xóa đi dấu vết.

Đồng rúp lao dốc

Về kinh tế, cái giá của chiến tranh bắt đầu cảm nhận được tại Nga. The Economist nhận xét trong năm qua, ít có đồng tiền nào tệ hại hơn đồng rúp của Nga.Tháng 9 năm ngoái, một đô la Mỹ đổi được 60 rúp, nay là gần 100 rúp. Sự mất giá liên tục này vừa mang tính biểu tượng đối với người dân bình thường, vừa là nguyên nhân gây căng thẳng trong bộ máy nhà nước. Sự đồng thuận giữa Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chánh không còn nữa.

Nga có thể dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường tiền tệ, nhưng phân nửa trong số 576 tỉ đô la đã bị phương Tây đóng băng, muốn sử dụng số còn lại cũng khó khăn vì hầu hết các định chế đều bị trừng phạt. Vả lại số dự trữ vốn đã giảm 20% trước chiến tranh cũng chỉ có thể cứu được đồng rúp trong một thời gian ngắn. Putin có thể cắt giảm chi tiêu quân sự, nhưng kế hoạch 2024 cho thấy ông ta không quan tâm đến việc này.

Trên hoang tàn đổ nát, Ukraine vẫn hy vọng gia nhập EU

Cuộc xâm lăng Ukraine còn là lý do thuyết phục để mở rộng và cải thiện Liên Hiệp Châu Âu, với 9 quốc gia đang là ứng cử viên, trong đó có Ukraine. Nỗi kinh hoàng của hai trận đại chiến thế giới đã thúc đẩy Pháp, Đức và phương Tây hợp sức, thành lập tổ chức bây giờ là Liên Hiệp Châu Âu. Bảy mươi năm sau, chiến tranh quay lại với châu lục. Những hoang tàn của Ukraine đã gây xúc động cho những quốc gia sáng lập EU. Tham gia câu lạc bộ của những nền dân chủ, hòa bình và thịnh vượng đặt đất nước bị chiến tranh tàn phá và các nước vùng Balkan, Georgia, Moldova vào một con đường mới đầy hứa hẹn.

Với bản thân EU còn là sự kiện lịch sử, đánh dấu hồi kết của một tiến trình được bắt đầu bằng chiến thắng trước phát-xít. Tuy nhiên cách vận hành sẽ phải thay đổi. Theo The Economist, EU nên đưa ra cam kết, nếu các ứng viên thực hiện đủ những cải cách cần thiết sẽ được gia nhập. Thứ hai, một khi từ 27 nước mở rộng lên 36, không thể tiếp tục để cho một chính phủ duy nhất phủ quyết một chủ trương của toàn khối. Cuối cùng, phải có cơ chế trừng phạt những nước vi phạm những thỏa thuận mà họ đã ký kết.

Đón nhận một loạt thành viên mới là rất khó khăn, nhưng từ 2004 đến 2007, EU đã kết nạp hàng chục nước đa số thuộc Liên Xô cũ, những gì tưởng chừng bất khả đã làm được. Nếu Châu Âu muốn được coi là thế lực quan trọng trên thế giới, cần chứng tỏ mình có khả năng hành động. Tương tự, L’Obs cũng đặt vấn đề "Liên Hiệp Châu Âu có nên tiếp nhận các quốc gia mới ?". Bà Laurence Boone, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Châu Âu cho bối cảnh thế giới đã thay đổi, và nay để chống lại ý đồ can thiệp của các chế độ độc tài như Nga, khi mở rộng, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tăng thêm sức mạnh.

Trung Quốc : Chính trị kìm hãm tăng trưởng

Hồ sơ Le Point tuần này dành cho "Những người Pháp mà thế giới muốn có", những khuôn mặt xuất sắc trong khoa học, công nghệ, kinh tế, y tế, ẩm thực, thời trang, nghệ thuật… L’Express nói về tỉ phú Kretinsky, người đã mua lại nhiều thương hiệu nổi tiếng của Pháp. L’Obs phân tích "Quyền lực thực sự của cảnh sát" qua lời kể của những cựu bộ trưởng Nội Vụ. Courrier International quan tâm đến giấc ngủ, đã trở thành nỗi ám ảnh trong các xã hội phương Tây phải đối mặt với nạn mất ngủ triền miên. The Economist chọn ảnh bìa là màu cờ xanh với những ngôi sao vàng của EU, chạy tựa "Vì sao Liên Hiệp Châu Âu cần phải mở rộng"

Nhìn sang Châu Á, The Economist cho rằng "Chính trị đã cản trở nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc". Cách đây mười năm, trên 200 ủy viên trung ương đảng họp đại hội ở Bắc Kinh đã quyết định trao cho thị trường vai trò chủ đạo trong việc phân bổ nguồn lực chứ không phải Nhà nước. Nhưng việc Tập Cận Bình không tôn trọng cam kết này là phần lớn nguyên nhân của sự thất vọng về kinh tế Trung Quốc trong thập niên qua.

Người tiêu dùng đã mất niềm tin sau thời kỳ bị phong tỏa trong đại dịch, không còn muốn vung tiền đầu tư mà đem gởi tiết kiệm. Họ đặc biệt thận trọng trong việc mua bất động sản, vốn là trụ cột của nền kinh tế, khiến nhiều nhà kinh doanh địa ốc vỡ nợ. Tại đa số quốc gia, Ngân hàng Trung ương là định chế phải can thiệp đầu tiên, nhưng ở Hoa lục chỉ có mỗi một "nhạc trưởng" là ông Tập. Theo truyền thống, trách nhiệm kinh tế dành cho thủ tướng. Thời kỳ khủng hoảng tài chánh Châu Á năm 1998, Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) đã vực dậy được lòng tin khi hứa giữ tăng trưởng ở mức 8%. Nhưng thủ tướng hiện nay là Lý Cường (Li Qiang) do Tập Cận Bình đưa lên hoàn toàn lệ thuộc vào hoàng đế đỏ.

Đi tìm giấc mộng Trung Hoa

Trên Le Monde Diplomatique số tháng 10, nhà nghiên cứu người Canada David Ownby cất công tìm hiểu giới trí thức Hoa lục cảm nhận như thế nào về ba năm bị phong tỏa khắc nghiệt. Trước đây bay thẳng từ Montréal đến Bắc Kinh chỉ mất 12 tiếng đồng hồ, nhưng nay đường bay này đã biến mất. Ông phải bay vòng Montréal-Toronto-Zurich-Hồng Kông mất hơn 30 giờ. Ownby gặp được tất cả những trí thức muốn gặp kể cả những người lâu nay chỉ liên lạc trên mạng. Họ không phải là bút nô của chế độ cũng không là nhà ly khai, chỉ là chủ trương đa chiều, tự do tư tưởng, mà họ cho là một phần của "giấc mơ Trung Hoa". Thế nhưng quan điểm của Tập Cận Bình ngược lại, không chấp nhận phản biện.

Nhìn bên ngoài, Trung Quốc vẫn bình thường, cuộc sống vẫn tấp nập. Nhưng phía sau bộ mặt có vẻ năng động này, ông phát hiện một Trung Quốc u ám hơn nhiều. Di chứng của chính sách "zero Covid" vô cùng sâu đậm. Năm đầu chừng như ngăn chặn được virus, năm thứ hai xuất hiện những nhược điểm nhưng vẫn tiếp tục, năm thứ ba kiểm soát ngặt nghèo chưa từng thấy rồi bỗng đột ngột mở tung cửa ngay trong mùa đông, bất chấp hàng trăm ngàn người bị chết oan ức...

Một hôm tại Bắc Kinh, Ownby gặp nhà báo X và biên tập viên Y đều ở độ tuổi ba mươi. Sau khi đóng cửa nhà cẩn thận, họ trút nỗi phẫn nộ : cứ ngỡ rằng chính quyền quan tâm, nhưng thực ra họ chẳng ngó ngàng đến việc dân sống hay chết. Hóa ra zero Covid chỉ để đánh bóng hình ảnh của ông Tập. Hôm sau, một giảng viên đại học xác nhận có cùng ý kiến, nói rằng mọi người đều bị chấn thương theo nhiều mức độ khác nhau, một vết thương đau đớn khó liền sẹo, nhất là với những người có tuổi. Hầu hết trí thức Hoa lục cho rằng đó là "ngày 4 tháng 6 của chúng tôi", hàm ý vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989. Một người bạn chủ trương tự do cho biết một số người cực đoan hơn còn ủng hộ ông Donald Trump, hy vọng một cuộc chiến tranh với Đài Loan sẽ làm đảng cộng sản sụp đổ.

Thụy My

Published in Quốc tế

Chiến tranh ở Ukraine : Bulgaria từ lâu đã bí mật chuyển vũ khí cho Kiev

Les Echos hôm 26/09/2023 có bài điều tra cho biết Bulgaria là nước ủng hộ Kiev một cách bí mật và thiết thực. Quốc gia này thừa hưởng một kho đạn dược lớn thời Liên Xô phù hợp với vũ khí của Ukraine, đồng thời còn là nhà cung cấp nhiên liệu.

bulgaria1

Các xe thiết giáp trong cuộc tập trận "Noble Blueprint 2023" của NATO tại căn cứ quân sự Novo Selo ở Bulgaria ngày 26/09/2023. Reuters – Stoyan Nenov

100 thiết giáp đầu tiên cho Ukraine

Hôm 21/07, một tuần sau chuyến thăm Sofia của tổng thống Volodymyr Zelensky, Quốc hội Bulgaria thông qua với số phiếu 148/52 việc gởi 100 xe thiết giáp BTR-60PB cho Kiev, mở đường cho việc chuyển giao trực tiếp thiết bị quân sự đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng. Thông cáo nói rằng số xe mua của Liên Xô trong thập niên 80 "không còn cần thiết", nhưng có thể giúp được Ukraine "trong cuộc chiến bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ".

Quyết định này được hầu hết các nhà quan sát hoan nghênh, coi đây là sự dứt khoát với chính sách của các chính phủ tiền nhiệm : cho đến lúc đó, chỉ có Bulgaria và Hungary từ chối giao thẳng vũ khí cho Ukraine. Phải đợi đến ngày 06/06, sau hai năm bất ổn và năm cuộc bầu cử Quốc hội, một chính quyền liên minh mới lên nắm quyền gồm hai đảng thân Châu Âu (GERB và PP-DB), Sofia mới có cùng lập trường với những nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu (EU). Nhà nghiên cứu Mark Voyger ở Washington nhận định đây là một thay đổi rất quan trọng.

Là thành viên cũ của Hiệp ước Warszawa, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, Bulgaria có được kho vũ khí dự trữ lớn và kỹ nghệ quốc phòng đáng kể. Tuy không phải là công nghệ cao, nhưng đủ để cung ứng đạn dược theo tiêu chí xô-viết mà Ukraine đang rất cần. Những loại súng và chiến xa của Kiev hầu hết từ thời Liên Xô, đạn dược đã gần cạn sau một năm rưỡi chiến tranh với cường độ cao.

Hai tỉ đô la vũ khí thông qua nước thứ ba

Việc gởi 100 chiến xa tuy mang tính biểu tượng cao, nhưng theo điều tra của nhật báo Đức Die Welt, chỉ là phần nổi của băng sơn. Ngoài mặt tỏ ra trung lập, nhưng thực ra chính phủ Bulgaria đã bí mật bán vũ khí cho một nước thứ ba là thành viên NATO để chuyển cho Ukraine. Trong số các trung gian chính, có Cộng hòa Czech, đã giao xe tăng, giàn phóng rốc-kết đa nòng và pháo cho quân đội Ukraine.

Tổng cộng trên hai tỉ đô la thiết bị đã được Bulgaria xuất khẩu bằng đường bộ hoặc đường hàng không qua Ba Lan, Romania và Hungary. Ông Kiril Petkov, cựu thủ tướng Bulgaria ước tính 1/3 số đạn mà quân đội của Kiev cần vào đầu cuộc chiến là từ Sofia, thông tin này được cựu ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba xác nhận.

Ngoài vũ khí, đạn dược, Bulgaria còn là một trong những nguồn cung cấp chính diesel, có thể lên đến 40% nhu cầu. Dầu thô nhập từ Nga nhờ một lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt, trước hết được lọc tại một trạm ở Hắc Hải của công ty Nga Lukoil rồi mới chuyển sang Ukraine. Thủ thuật này nhằm tránh né sự chống đối của đảng Xã hội và tổng thống Rumen Radev rất thân Nga. Ông Radev mới đây còn tố cáo Ukraine "ngoan cố tiếp tục chiến đấu", cho thấy lập trường trái hẳn với tân thủ tướng Nikolai Denkov, đã đáp trả "Những ai thúc đẩy cuộc chiến này chính là những người thân cận của Putin".

Nguy cơ bị "thế lực xấu" trả đũa

Cũng như chính quyền, xã hội Bulgaria cũng chia rẽ : đa số phản đối chuyển giao vũ khí tuy 76% ủng hộ viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Ông Voyger giải thích, Bulgaria luôn được coi là mắt xích yếu ở sườn phía đông NATO, do sự xâm nhập sâu sắc của Nga. Tuy nhiên ảnh hưởng này đã giảm xuống, cuộc xâm lăng đã làm cho nhiều người sáng mắt. Hôm Volodymyr Zelensky thăm Sofia, Quốc hội Bulgaria thông qua tuyên bố ủng hộ Ukraine gia nhập NATO một khi chiến tranh kết thúc.

Tuy không đạt được đồng thuận, nhưng hợp tác quân sự với Kiev rất có lợi cho Bulgaria, một trong những nước nghèo nhất Châu Âu. Ngoài thu nhập từ việc sản xuất và bán vũ khí, quân đội Bulgaria còn được hưởng chương trình hiện đại hóa như "Ringtausch" của Đức, giúp những nước gởi xe tăng, thiết giáp cho Kiev được nhận miễn phí các vũ khí hiện đại để đền bù. Tháng 12 năm ngoái Hoa Kỳ đã đề nghị một cơ chế tương tự về hệ thống phòng không.

Dù vậy, khi chính thức hóa việc ủng hộ Ukraine, Bulgaria có nguy cơ bị Moskva trả đũa, trong lúc quan hệ đôi bên đã nhạt dần. Theo chuyên gia Mark Voyger, có thể là phá hoại năng lực quốc phòng hay tấn công tin học. Hôm 25/06, vài ngày sau khi chính phủ Bulgaria loan báo ý định tham gia sáng kiến Châu Âu nhằm cung cấp đạn dược cho Kiev, một vụ nổ đã phá hủy các kho trữ đạn ở miền đông. Những kho này thuộc sở hữu của nhà buôn vũ khí Emilian Gebrev, từng bị mưu toan ám sát bằng chất độc Novitchok năm 2015. Thủ tướng Nikolai Denkov quy trách nhiệm cho những "thế lực xấu" nhưng không chỉ đích danh.

Cuộc chạy trốn ngậm ngùi của cả trăm ngàn dân Thượng Karabakh

Nhìn sang Thượng Karabakh (120.000 dân), các báo đều có những bài phóng sự và bình luận. La Croix đăng ảnh trang nhất một bà cụ đang ngồi ủ rũ, chạy tựa "Thượng Karabakh, cuộc chạy trốn". Le Figaro nhận thấy "Sau thất bại, người Armenia ở Thượng Karabakh lên đường lưu vong", Les Echos cho rằng "Azerbaijan bắt đầu nuốt chửng Thượng Karabakh". Đối với Le Monde, "Châu Âu bất đồng trước Azerbaijan".

Sau khi cắt đứt mọi nguồn tiếp tế suốt 9 tháng tại hành lang Latchine của Thượng Karabakh, Azerbaijan tấn công hôm 18/09 làm hơn 200 người chết, và đội quân Armenia nhỏ bé ở đây phải đầu hàng. Người dân lũ lượt chạy sang Armenia vì sợ bị đàn áp, bỏ lại nhà cửa, toàn bộ tài sản và mồ mả người thân, họ cay đắng và bất mãn vì bị bỏ rơi. Dòng xe hơi, xe tải bất tận trên mui chất đầy hành lý, nệm…

Từ 21/09, thủ tướng Nikol Pachinian loan báo chuẩn bị chỗ ở cho 40.000 người chạy loạn. Ở tuyến đầu là vùng Siunik sát với hành lang Latchin, cho biết có thể đón 10.000 người tạm cư tại sân vận động, trường học, nhà hát, khách sạn… Nhiều dân làng cũng sẵn lòng cho người tị nạn ở nhờ như hồi năm 2020. Dân biểu Châu Âu Nathalie Loiseau nói trước Nghị Viện hôm 20/09 : "Châu Âu đã bất lực không thể ngăn trở một cuộc tấn công diễn ra ngay trước mắt mình".

Thùng thuốc súng Nakhchivan

La Croix giải thích "Vì sao sau Thượng Karabakh, mọi cái nhìn hướng về Nakhchivan ?". Hôm qua tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev đã gặp gỡ đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại vùng đất hẻo lánh này, và Armenia lo ngại một cuộc chiến tranh mới. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối Chủ nhật 24/09, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo rất rõ ràng : "Pháp rất lưu tâm đến toàn vẹn lãnh thổ của Armenia". Đây là thông điệp gởi tới ông Aliev, vừa cùng với Erdogan khánh thành một căn cứ quân sự ở Nakhchivan.

Vùng núi non rộng 5.500 km2, tương đương một tỉnh của Pháp, năm 1921 được Stalin coi là một nước cộng hòa tự trị thuộc Liên Xô, rồi lại cho nhập vào Azerbaijan năm 1923, có khoảng 400.000 dân. Từ lâu Baku vẫn mơ có được một con đường bộ đi xuyên qua Armenia để đến đây, khoảng cách chỉ 35 kilomet đường chim bay. Trong thỏa thuận ngưng bắn năm 2020, Armenia chấp nhận trên nguyên tắc, nhưng tổng thống Azerbaijan đầy tham vọng còn muốn con đường này là một "hành lang" không đặt dưới pháp luật Armenia.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ chưa chi đã đặt tên là "hành lang Zangezur". Con đường chạy dọc theo biên giới Iran ở miền nam Armenia xuyên qua thành phố Meghri, mà 12.000 cư dân đã cảm thấy bị đe dọa. Nếu sáp nhập bằng vũ lực sẽ là thách thức cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên Teheran không muốn có hành lang này. Iran có một thiểu số người Armenia sinh sống, và có quan hệ thương mại với Yerevan.

Để có một chọn lựa khác, tháng 8 Tehran đã ký bản ghi nhớ với Baku cho mở một con đường giữa Azerbaijan và Nakhchivan, chạy qua lãnh thổ Iran khoảng 5 kilomet, phải xây nhiều chiếc cầu và đặt dưới sự kiểm soát của Iran. Những điều kiện như vậy chưa chắc thỏa mãn được Ilham Aliev, vốn đang cảm thấy mọc thêm đôi cánh sau khi chiếm Thượng Karabakh.

Vùng đất Công giáo từ thế kỷ V sắp bị xóa sổ

Le Figaro đặt câu hỏi "Liệu Phương Tây có hy sinh Armenia ?". Việc sử dụng vũ lực đã vi phạm thỏa thuận ngưng bắn ba bên ngày 10/11/2020 được các lãnh đạo Azerbaijan, Armenia và Nga ký kết : nhưng cả Armenia lẫn Nga đều không ra tay cứu giúp Thượng Karabakh. Thủ tướng Nikol Pachinian cho rằng đành phải hy sinh vùng đất anh em, còn Vladimir Putin đã cay nghiệt tính toán, ưu tiên cho quan hệ với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ hơn là Armenia đáng thương.

Thế là một vùng đất Công giáo từ thế kỷ thứ V sẽ bị xóa sổ trên bản đồ, trong sự thờ ơ hay nước mắt cá sấu của phương Tây. BBC cho biết một giáo đường ở một khu vực Thượng Karabakh bị Azerbaijan chiếm hồi năm 2020 đã hoàn toàn bị san bằng. Chiến lược của chính quyền Baku là xóa bỏ tất cả mọi dấu vết xưa cũ của Armenia trên những vùng đất chiếm được bằng vũ lực.

Armenia là một nước nghèo 2,5 triệu dân nằm ở vị trí hẻo lánh, Azerbaijan có số dân đông gấp bốn lần và giàu gấp mười lần nhờ dầu khí : được Thổ Nhĩ Kỳ 85 triệu dân hỗ trợ về quân sự và chính trị, có quan hệ hữu nghị với Israel. Nếu mai đây Armenia bị Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chưa bao giờ công nhận nạn diệt chủng Armenia năm 1915, tấn công : phương Tây sẽ phản ứng thế nào ? Khoanh tay đứng nhìn như đã để yên cho Thổ Nhĩ Kỳ chiếm phía bắc đảo Chypre vào mùa hè 1974 ? Trừng phạt kẻ xâm lăng như đối với Nga, chuyển giao vũ khí tân tiến cho Armenia như với Ukraine ?

Sự thờ ơ của phương Tây đối với số phận người Công giáo phương Đông là không có gì mới. Năm 1975, Pháp và Mỹ đã bỏ rơi người Công giáo Liban khi họ bị người Palestine tấn công. Năm 2003, tổng thống Bush đưa quân sang Iraq, tình trạng hỗn loạn sau đó khiến 4/5 cư dân thuộc một trong những cộng đồng Công giáo cổ xưa nhất ở phương Đông phải lưu vong. Với chủ nghĩa tiêu thụ, quên đi lịch sử, phương Tây hầu như không còn tự coi mình là Công giáo. Nhưng như vậy những kẻ thù lại hoan hỉ mỗi lần một vùng đất Công giáo truyền thống bị xóa đi trên bản đồ.

Niger : Thất bại và ảo tưởng

Về việc Pháp liên tiếp rút khỏi Châu Phi, xã luận của Le Figaro nói về "Cái giá của thất bại". Khi Paris can thiệp vào Mali tháng 1/2013 để chận đoàn quân thánh chiến tiến vào Bamako, ai có thể tưởng tượng rằng mười năm sau Pháp lại bị xua đuổi khỏi vùng Sahel ? Về quân sự, Pháp đã có một số thành công, bảo đảm an ninh cho một phần vùng sa mạc mênh mông, nhưng không diệt trừ được các nhóm vũ trang và ngăn cản những vụ đảo chánh (Mali, Ghinê, Burkina Faso, Niger, Gabon).

Bị đội ngũ dư luận viên của Wagner ra sức bôi lọ, hình ảnh của Pháp bị xấu hẳn đi. Trong khi đó Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ thủ lợi mà chẳng cần hỗ trợ để giữ an ninh cũng như giúp xóa đói giảm nghèo. Với ý đồ tốt, Paris lại thất bại ở Châu Phi. Mức độ trầm trọng sẽ ước lượng được theo với số di dân từ những nước này đổ vào, hay khi xuất hiện một tổ chức nhà nước Hồi giáo mới buộc Pháp phải quay trở lại.

Trong bài "Niger : Ảo ảnh", La Croix cay đắng đếm, như vậy đã là ba : sau Mali và Burkina Faso, Pháp lại bị đuổi khỏi Niger. Một nước Pháp thảm hại trước một Niger ca khúc khải hoàn, đó là hình ảnh mà những người đảo chánh muốn mang lại, tự khen ngợi "một giai đoạn mới hướng về chủ quyền". Nhưng tình trạng Niger vô cùng bấp bênh, phe đảo chánh bị cô lập, có được rất ít ủng hộ của quốc tế dù đã ký thỏa thuận phòng vệ với Mali, Burkina Faso - cũng là hai chính phủ nắm quyền nhờ đảo chánh. Liên Hiệp Châu Phi, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ… đều đòi hỏi quay lại với trật tự Hiến Pháp.

Thụy My

Published in Quốc tế

Ukraine gia tăng oanh kích Crimea, tư lệnh Hạm đội Hắc Hải tử thương

La Croix hôm nay 25/09/2023, nhận xét Kiev đang "đẩy mạnh áp lực lên Crimea bị chiếm đóng" qua một loạt cuộc oanh kích ngoạn mục, hy vọng gây rối loạn cho quân Nga. Le Figaro cập nhật tình hình với thông báo của Ukraine : đô đốc Viktor Sokolov, tư lệnh Hạm đội Hắc Hải đã tử thương trong vụ tấn công vào tổng hành dinh hôm thứ Sáu. Đây là sĩ quan cao cấp nhất trong số những tướng lãnh Nga bị thiệt mạng kể từ đầu cuộc xâm lăng.

SIPAUSA30373028_000003

Ảnh tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol, Crimea, bị hỏa tiễn của Ukraine tấn công  hôm thứ Bảy 23/09/2023 / AP

Crimea bị oanh kích liên tục, chiến hạm Nga vắng dần

Người ta vẫn chưa biết rõ kết quả vụ không kích đã xé toang tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol trên bán đảo Crimea hôm 23/09. Nga nói có một quân nhân mất tích, nhưng Ukraine cho biết "quân chiếm đóng có mấy chục người chết và bị thương, trong đó có các chỉ huy cao cấp của hạm đội" đã họp lại vào hôm đó trong tòa nhà. Điều chắc chắn là hai hỏa tiễn hành trình loại Storm Shadow (hay Scalp) của Anh và Pháp đã tránh được hệ thống phòng không S-400 của Nga để tấn công địa điểm chiến lược này, tạo ra một cuộn khói đen khổng lồ.

Đây là lần thứ hai trong vòng mười ngày, hậu cứ của Nga bị đánh vào ngay trung tâm. Hôm 13/09, cũng các hỏa tiễn hành trình đã gây ra một vụ hỏa hoạn lớn ở nhà máy đóng tàu Sevastopol, nơi hai tàu Nga đang đậu. Vỏ của chiếc tàu ngầm Rostov trên sông Đông bị xuyên thủng đến nỗi việc sửa chữa phải mất "nhiều năm trời", theo tình báo Anh. Còn tàu đổ bộ Minsk và nhà máy đóng tàu cũng bị hư hại nặng, bị tê liệt nhiều tháng.

Những cuộc oanh kích này làm Hạm đội Hắc Hải càng yếu đi, sau khi soái hạm Moskva đã bị đánh chìm xuống đáy biển vào mùa xuân 2022, cũng như một số tàu khác kém quan trọng hơn. Ụ tàu bị phá hủy khiến một bộ phận hạm đội không hoạt động được, hạn chế việc đổ bộ và phóng hỏa tiễn từ Hắc Hải. Trong khi mỗi chiến hạm bị loại khỏi vòng chiến đều không thể thay thế được do Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng các eo biển Bosphorus và Dardanelles đối với tàu quân sự từ đầu cuộc xâm lăng.

Ukraine "nói là làm" và những dấu hiệu lạc quan

Crimea vốn là hậu cứ của quân Nga để tấn công miền nam Ukraine. Chuyên gia Stéphane Audrand nhận xét : "Việc vô hiệu hóa Crimea diễn tiến tốt đẹp nhờ các hỏa tiễn hành trình, drone trên không và drone biển. Bán đảo này nằm ở vị trí lý tưởng, kiểm soát được toàn bộ vùng bồn trũng của Hắc Hải, khóa chặt biển Azov và khiến cho việc ra khỏi vùng duyên hải Ukraine rất nguy hiểm".

Tại Crimea tập trung trên 200 cơ sở quân sự của quân Nga chiếm đóng, đe dọa thường xuyên không phận Ukraine. Cũng từ bán đảo này, vô số hỏa tiễn hành trình trên biển và trên không được bắn đi, những chuyến hàng tiếp tế cho quân Nga đang đối đầu với Ukraine ở Zaporijia. Nhà phân tích kết luận : "Nếu những chuyến xe lửa và xe tải không đến được, mọi lực lượng Nga đều bị bóp nghẹt".

Giả thiết này, theo La Croix, trước mắt khó thể xảy ra. Nhưng tờ Corriere della Sera của Ý nhắc lại, Zelensky đã hứa tấn công vào Crimea và giám đốc tình báo quân đội Budanov báo trước những vụ tấn công chiều sâu. Kiev chứng tỏ nói là làm, và những cuộc oanh kích trở nên thường xuyên, chính xác hơn.

Les Echos cho rằng "Kiev đã ghi điểm" qua vụ tấn công ấn tượng giữa thanh thiên bạch nhật, chứng tỏ không có mục tiêu nào của Nga trên lãnh thổ Ukraine được an toàn. Bên cạnh đó việc Nhà Trắng sau nhiều tháng do dự đã đồng ý cấp hỏa tiễn tầm xa ATACMS, cùng với khoảng 30 chiến xa Abrams M1 sẽ được triển khai trong những ngày tới tại Ukraine, là những dấu hiệu đầy lạc quan.

Tư lệnh Hạm đội Hắc Hải bị tiêu diệt : Tin gây chấn động

Trang web Le Figaro hôm nay cập nhật tình hình, nhấn mạnh rằng tính biểu tượng của cuộc oanh kích hôm thứ Sáu vào tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải đã được khoác thêm tầm vóc mới, với thông báo của Ukraine : đô đốc Viktor Sokolov, tư lệnh Hạm đội đã tử thương trong vụ này.Đây là sĩ quan cao cấp nhất trong số những tướng lãnh Nga bị thiệt mạng kể từ đầu cuộc xâm lăng. Moskva chưa xác nhận thông tin này. Theo dân biểu Andrei Gurulev, sáu tướng Nga đã tử trận từ tháng 2/2022.

Kiev cho biết đã phóng hỏa tiễn vào Sevastopol vào lúc đang diễn ra "một cuộc họp các lãnh đạo của hải quân Nga", có sự tham dự của đô đốc Sokolov. Năm nay 61 tuổi, sinh tại Moldova, ông được bổ nhiệm làm tư lệnh Hạm đội Hắc Hải vào tháng 9/2022. Thông tín viên tờ báo dẫn các nguồn tin phương Tây khẳng định việc tấn công các địa điểm dân sự của Ukraine là quyết định cá nhân của Sokolov, do vậy ông ta có thể bị truy tố vì tội ác chiến tranh.

Tốt nghiệp trường Hải quân cao cấp Frounzé, Sokolov khởi đầu binh nghiệp trên các chiến hạm phóng ngư lôi và phá mìn, rồi sang Hạm đội Thái Bình Dương. Khi trở thành phó đô đốc Hạm đội Hắc Hải, Sokolov chỉ huy một chiến dịch ở Địa Trung Hải ngoài khơi Syria, có sự tham gia của hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga là chiếc Đô đốc Kuznetsov. Sự kiện ông ta bị tử thương cùng với những cộng sự thân tín nhất cho thấy Ukraine có được những tin tình báo quan trọng, gây tác động tâm lý nặng nề cho quân Nga ở Crimea – vốn thường xuyên là mục tiêu tấn công của drone và hỏa tiễn, tuy khó thể làm xoay chuyển hẳn thế trận.

Trung Quốc áp đặt trật tự luật pháp theo "tư tưởng Tập Cận Bình"

Nhìn sang Châu Á, trang Ý kiến của Le Monde đăng bài viết của luật gia Isabelle Feng, nói về "Một trật tự luật pháp Trung Quốc". Tác giả nhấn mạnh đến việc Bắc Kinh ra sức áp đặt các tiêu chí của mình về pháp lý, nhưng có nguy cơ làm các doanh nghiệp phương Tây bỏ chạy khỏi Hoa lục. Kể từ ngày 01/01/2024, các công ty ngoại quốc có thể bị khởi tố trước các tòa án Trung Quốc, cả thể nhân lẫn pháp nhân – một giai đoạn quan trọng của "Nhà nước pháp quyền được tư tưởng Tập Cận Bình chỉ đạo". Cuộc chiến với Hoa Kỳ từ kinh tế rồi công nghệ nay tiến đến luật pháp.

Ngày 26/02, Đảng và Nhà nước long trọng đưa ra một chỉ thị chung, mang tên "Làm thế nào củng cố giáo dục và chủ thuyết luật pháp trong kỷ nguyên mới". Trong đó tên Tập Cận Bình được nhắc đến rất nhiều lần, việc Hiến pháp bảo đảm các quyền căn bản, tam quyền phân lập và độc lập tư pháp bị coi là "những ý tưởng sai lạc của phương Tây". Trung Quốc phải xây dựng trật tự pháp lý mác-xít "đỏ" và xúc tiến tư tưởng Tập Cận Bình, lập ra trật tự tầm cỡ thế giới "mang đặc thù Trung Hoa" trước năm 2035… Bởi vì Bắc Kinh không muốn đạo luật "made in China" chỉ được áp dụng bên trong biên giới.

Luật gia Feng nhắc lại, nếu thời Mao nghề luật sư bị cấm, các tòa án bị dẹp bỏ : thì khi tham gia vào xu hướng toàn cầu hóa từ 2001, Trung Quốc đã chấp nhận khái niệm Nhà nước pháp quyền của Âu Mỹ. Nhưng với việc ông Tập lên nắm quyền, từ 2012 các luật sư phải tuyên thệ trung thành với đảng. Điều kiện làm việc của giới luật sư trở nên khó khăn đến nỗi hoạt động "Ngày dành cho các luật sư đang gặp nguy hiểm" tổ chức tại Paris năm 2017 được dành trọn cho Trung Quốc.

Trong khi kinh tế đang chậm lại, chiến lược "de-risking" (giảm lệ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh) có thể chuyển sang "decoupling" (tách rời hẳn với Hoa lục). Cũng trên Le Monde, chuyên gia Nhan Tuệ Hân (Huai Shing Yen) của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Pháp chế ở Đài Loan lưu ý về "Một sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng thế giới". Trong đó một số lãnh vực thiết yếu như chất bán dẫn hay trí thông minh nhân tạo, các nước dân chủ ưu tiên cho việc lập chuỗi cung ứng không có Trung Quốc tham gia.

Di dân, sinh thái : Tựa chính báo Pháp

Dư âm chuyến thăm của Đức giáo hoàng Francis và thời sự nước Pháp chiếm trang nhất các báo Paris hôm nay. Le Monde đưa tít "Di dân : Giáo hoàng kêu gọi chống lại sự vô cảm". Ngay ngày đầu chuyến thăm Marseille, người đứng đầu Giáo hội Công giáo đã có bài phát biểu xúc động, cổ vũ Châu Âu và nhân loại "hành động" trước bi kịch "làm Đại Tây Dương nhuốm máu", những người có nguy cơ chết đuối cần phải được cứu vớt, đó là "nghĩa vụ nhân đạo và văn minh". La Croix nhấn mạnh "Tại Marseille, tiếng kêu vang vọng cho tình huynh đệ" : Trong 26 tiếng đồng hồ lưu lại trên thành phố cảng, Giáo hoàng Francis liên tục đưa ra những lời kêu gọi cho các nhà lãnh đạo Châu Âu.

Le Figaro nói về "Dự luật nhập cư : Darmanin dưới áp lực". Trong khi Châu Âu phải chịu đựng làn sóng di dân mới, bộ trưởng nội vụ bị kẹt giữa một đảng cầm quyền đang chia rẽ và cánh hữu quyết thông qua dự luật. Les Echos chạy tựa "Macron bảo vệ cho "sinh thái tiến bộ"" với một kế hoạch chi tiết được công bố hôm nay, trong khi Libération chơi chữ "Kế hoạch hóa sinh thái : Xanh hay chưa chín ?"

Dân Pháp bỗng "ngoan" : Câu chuyện chiếc xe song mã và trái bí

Về thời sự Pháp quốc, xã luận của Le Figaro tóm tắt : Quốc vương Anh tại cung điện Versailles, Giáo hoàng đến Marseille, ngôi sao bóng bầu dục Pháp Antoine Dupont hồi phục và tham dự Cúp thế giới. Chẳng có thùng rác nào bị đốt trên đường phố Paris hay xe hơi bị cháy đen ở thành phố cảng, vùng ngoại ô bị khuấy động sau hồi còi kết thúc trận đấu. Nước Pháp trật tự hẳn, ít nhất là tại những địa điểm nêu trên.

Tuy chẳng phải là trên cả nước, và chỉ có một tuần lễ, nhưng cường quốc thứ sáu thế giới đã tổ chức được những ngày "lịch sử" này - nhất là trước đó chuyến công du đầu tiên của Charles III đã phải hủy bỏ vì lý do trật tự công cộng. Chuyến thăm của quốc vương và hoàng hậu Anh diễn ra tốt đẹp, không có những đám đông hô to "Macron hãy từ chức !" quả là phép lạ. Nguyên thủ Pháp ý thức được điều này, nên tranh thủ để nói chuyện trên truyền hình tối qua để chia sẻ với người dân niềm tự hào.

Tuy vậy ông Emmanuel Macron không phải là vua một nước quân chủ lập hiến, mà là tổng thống của nền cộng hòa. Đại diện cho quốc gia không đủ, mà còn phải lãnh đạo mọi việc. Niger, Ukraine, Armenia là những hồ sơ đang đè nặng trong khi tầm vóc ngoại giao của Pháp giảm sút. Về đối nội, kế hoạch sinh thái có thể gây tranh cãi - việc từ bỏ quyết định cho bán lỗ xăng dầu cho thấy Macron đã lường được - và vấn đề di dân. Tổng thống Pháp đang tận dụng bối cảnh thuận lợi, "trước khi chiếc xe song mã trở lại nguyên hình là trái bí".

Thụy My

Published in Quốc tế

Ukraine đã phá vỡ vòng phong tỏa của Hải quân Nga như thế nào ?

Trọng Nghĩa, RFI, 26/09/2023

Ukraine đã phá vỡ, hay ít ra là chọc thủng được vòng phong tỏa mà Nga đã thiết lập trong thực tế trên Biển Đen nhằm ngăn chặn đường xuất khẩu ngũ cốc của đối thủ. Kiev được cho là đã thành công nhờ một loạt hành động quân sự đánh vào chiến hạm cũng như cơ sở của Nga trong khu vực.

crimea1

Tàu Resilient Africa mang cờ Palau đi dọc theo eo biển Bosphorus qua Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 22/09/2023. Đây là chiếc tàu chở ngũ cốc đầu tiên đi từ Ukraine kể từ khi Nga tái áp dụng lệnh phong tỏa Biển Đen vào tháng 7/2023. AFP – Yasin Akgul

Ngày 24/09/2023, tàu chở ngũ cốc Aroyat, treo cờ Palau, xuất phát từ cảng Chormomorsk, phía nam Odessa (Ukraine), sau một hành trình hai ngày trên Biển Đen đã ghé cảng Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, một chặng dừng tạm thời trước khi trực chỉ Ai Cập. Sau chiếc Resilient Africa trước đó ba hôm, đây là con tàu thứ hai sử dụng hành lang hàng hải do Kiev thiết lập để vượt qua hàng rào phong tỏa của Nga, quốc gia đã rút khỏi thỏa thuận quốc tế cho phép xuất khẩu nông sản Ukraine qua ngã Biển Đen vào tháng 7.

Theo các nhà quan sát, Ukraine như vậy đã phá vỡ, hay ít ra là chọc thủng được vòng phong tỏa mà Nga đã thiết lập trong thực tế trên Biển Đen nhằm ngăn chặn đường xuất khẩu ngũ cốc của đối thủ Ukraine. Kiev được cho là đã thành công nhờ một loạt hành động quân sự đánh vào chiến hạm cũng như cơ sở của Nga trong khu vực.

Chiến thắng "nhỏ" của Ukraine

Nhật báo Pháp Le Monde ngày 22/09/2023 không ngần ngại gọi đây là một "chiến thắng nhỏ" của Ukraine, cho dù không có gì bảo đảm rằng nó sẽ tồn tại lâu dài.

Gọi là chiến thắng không sai vì đây là lần đầu tiên kể từ ngày 17/07, khi Nga từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, mà liên tiếp hai con tàu đã đến cảng của Ukraine, bốc hàng rồi chở đi một cách an toàn, bất chấp việc Nga từng đe dọa rằng bất kỳ tàu thương mại nào đi đến hoặc rời cảng Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu quân sự, một động thái đồng nghĩa với việc áp đặt lệnh phong tỏa đường biển trên thực tế.

Trước hai chiếc Resilient Africa và Aroyat, trong khoảng thời gian từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 15 tháng 9, đã có năm con tàu khác rời Odessa. Tuy nhiên các con tàu đó đã cập bến kể từ khi chiến tranh bắt đầu và việc các con tàu này rời cảng mang ý nghĩa sơ tán, trong lúc hai chiếc mới đây thực sự là đã khai trương hành lang hàng hải mà Ukraine đã thiết lập trên vùng biển mà Nga vẫn hoàn toàn nắm quyền kiểm soát cho đến gần đây.

Trên danh nghĩa, Moskva không hề chính thức công nhận hành động phong tỏa Biển Đen. Thế nhưng, theo nhật báo Pháp Le Figaro ngày 22/09, kể từ tháng 8 năm 2023, tức là sau khi quyết định hủy bỏ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga đã tấn công các cảng của Ukraine hơn 120 lần. Các cuộc tấn công không ngừng nghỉ có tác dụng đe dọa, khiến cho các tàu buôn ngoại quốc không còn dám lai vãng đến các cảng Ukraine. Các vụ bắn phá của Nga như vậy đã gây ra những hệ quả không khác gì một cuộc phong tỏa thực thụ.

Quốc tế hóa hành lang

Hành lang hàng hải mới mà Ukraine vừa thiết lập là gì và đã được hình thành như thế nào ? Theo ông Andriy Klymenko, tổng biên tập của Black Sea News, một tạp chí Ukraine chuyên về Biển Đen, thì chính quyền Kiev đã coi việc tạo ra một hành lang không có thỏa thuận với Nga là "mục tiêu ưu tiên".

Trả lời nhật báo Pháp Le Figaro, ông Klymenko nói rõ : "Vào giữa tháng 7 năm nay, Ukraine đã lập bản đồ tuyến đường mới đi qua lãnh hải của mình và sau đó trình lên Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế. Hành lang này chạy dọc theo bờ biển vùng Odessa, đến Đảo Rắn rồi đến lãnh hải Rumani". Để khuyến khích các chủ tàu nước ngoài chấp nhận rủi ro khi sử dụng hành lang này, Ukraine đã dự trù một ngân sách 500 triệu đô la nhằm bảo hiểm cho các tàu thuyền sẽ đến Odessa.

Về mặt ngoại giao, Ukraine đã ra sức vận động. Cho dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn im hơi lặng tiếng, nhưng không thể che giấu việc hai chiếc tàu Aroyat và Resilient Africa vừa phá vỡ phong tỏa Nga là hai tàu Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Andrii Klymenko, chắc chắn sự can dự của các tàu Thổ Nhĩ Kỳ vào hành lang này là một biện pháp răn đe : "Nga không thể tấn công một chiếc tàu Thổ Nhĩ Kỳ vì phụ thuộc quá nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ về mặt kinh tế cũng như cơ hội cho phép công dân của họ vào Châu Âu".

Ngoài người Thổ Nhĩ Kỳ, thủy thủ đoàn của các con tàu đến Odessa còn có người Bỉ, người Azerbaijan và người Ai Cập. Ukraine dường như đang đặt cược vào việc quốc tế hóa hành lang và Nga sẽ không dám gây vạ lây.

Một chiến lược có quy mô lớn

Hành lang trên Biển Đen được cho là sản phẩm của một chiến lược quân sự có quy mô lớn từ phía Ukraine : Tăng cường màng lưới phòng không dọc theo bờ biển - ngày nay gần 80% các cuộc tấn công của Nga đều bị ngăn chặn – chiếm lại các điểm chiến lược ở Biển Đen, và cuối cùng là mở các cuộc tấn công ngày càng nhiều và càng sâu vào hạm đội Nga và các cảng của hạm đội này.

Vào ngày 11/09, Ukraine tuyên bố đã chiếm được một số giàn khoan do Nga chiếm giữ ở phía tây bắc Biển Đen. Đây là các cơ sở không có người, nhưng được trang bị radar và các phương tiện do thám, được Nga sử dụng để giám sát giao thông hàng hải trong khu vực.

Vào cuối tháng 8, một trạm radar lớn đặt tại mũi Tarkhankout, ở cực tây Crimea, cũng bị phá hại, có thể là do một cuộc đột kích ban đêm của biệt kích Ukraine, đến từ đất liền trên những chiếc thuyền cao tốc. Theo các chuyên gia quân sự, trạm mang tên Mayak đó cho phép Nga kiểm soát tất cả các máy bay bay qua khu vực phía bắc và trung tâm Biển Đen. Một nguồn tin quân sự khẳng định : "Mục tiêu rõ ràng là chọc mù mắt lực lượng Nga".

Trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga, nằm ở trung tâm Sevastopol, cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa, nghiêm trọng nhất là vào ngày 22/09 vừa qua.

Nga thiếu phương tiện đối phó

Hiện tại, Moskva chưa có phản ứng quân sự nào trước những nỗ lực phá vỡ phong tỏa trên Biển Đen. Theo Le Monde, quả đúng là phương tiện của Nga có giới hạn.

Các tàu chiến Nga không còn dám tiến gần bờ biển Ukraine kể từ khi bị tên lửa chống hạm hoặc drone của Ukraine tấn công. Hạm đội Biển Đen của Nga - không còn được tăng viện kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles – lại bị đã mất một số tàu, trong đó có soái hạm Moskva - hiện đang thiên về bảo vệ thực lực của mình hơn là tiến hành tấn công.

Hơn nữa, phương Tây, đặc biệt là Anh, đã cho biết rằng sẽ không tha thứ cho bất kỳ một cuộc tấn công vào tàu thương mại. Văn phòng Thủ tướng Rishi Sunak cho biết trong một tuyên bố hôm 7/9 : "Chúng tôi sẽ sử dụng các dịch vụ tình báo, giám sát và trinh sát của mình để theo dõi hoạt động của Nga ở Biển Đen". Luân Đôn khẳng định là Không quân Hoàng gia Anh thường xuyên bay qua khu vực này để "ngăn không cho Nga thực hiện các cuộc tấn công bất hợp pháp vào tàu dân sự chở ngũ cốc".

Liệu lời đe dọa đó có đủ để ngăn cản Nga thực hiện hành động quân sự ? Đây là điều chưa có câu trả lời chắc chắn, những trước mắt nhiều chiếc tàu buôn đã lên đường đến Ukraine. Theo chính quyền Ukraine, hiện đã có ba chiếc tàu chở hàng đi dọc bờ biển Ukraine để đến các cảng Chornomorsk và Pivdenny, dự kiến sẽ bốc cả trăm ngàn tấn nông sản và quặng sắt để đưa sang Trung Quốc, Ai Cập và Tây Ban Nha.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 26/09/2023

************************

Ukraine lại phóng tên lửa oanh kích bán đảo Crimea

Thùy Dương, RFI, 26/09/2023

Tối thứ Hai 25/09/2023, quân đội Ukraine đã tấn công bằng tên lửa bán đảo Crimea, bị Nga sáp nhập. Thống đốc Sevastopol, Mikhail Razvozhayev, trên Telegram khẳng định "đẩy lùi một cuộc tấn công vào Crimea", và lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ một tên lửa của Ukraine gần sân bay quân sự Belbek.

crimea2

Ảnh vệ tinh cho thấy khói bốc lên từ tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải Nga, Crimea, bị tấn công, ngày 22/09/2023 via Reuters - Handout

Theo AFP, chính quyền Crimea dưới quyền kiểm soát của Nga tối hôm qua vào 20h57 đã phát báo động bị oanh kích trên toàn bán đảo. Các cuộc tấn công vào các vị trí của Nga ở Crimea ngày càng gia tăng trong những tháng gần đây. Với vũ khí phương Tây tài trợ, Kiev hy vọng giành lại toàn bộ các vùng đang bị Nga chiếm đóng.

Cuối tuần qua, theo báo Pháp Le Monde, bà Iryna Verechshuk, phó thủ tướng Ukraine chuyên trách tái hội nhập các lãnh thổ bị chiếm đóng, đã kêu gọi người dân Ukraine "rời khỏi bán đảo Crimea" cho đến khi nào lực lượng Ukraine giành lại được nơi này.

Cũng trong ngày hôm qua 25/09, phía Nga cho biết, các lực lượng phòng không đã vô hiệu hóa được 7 drone của Ukraine trên bầu trời Belgorod của Nga, gần biên giới với Ukraine, không có thiệt hại về nhân mạng. Bốn drone khác của Ukraine đã bị bắn hạ tại vùng Koursk, cũng gần biên giới hai nước.

Nga tiếp tục tấn công Ukraine bằng drone

Trong khi đó, sáng hôm nay không quân Ukraine thông báo, trong đêm hôm qua, Nga phóng tổng cộng 38 drone Shahed tấn công nhiều vùng của Ukraine, nhưng lực lượng Ukraine đã bắn hạ được 26 chiếc.

Trên mạng Telegram, lãnh đạo chính quyền quân sự vùng Kherson của Ukraine cho biết các đợt oanh kích của Nga vào tối qua làm 5 thường dân ở Kysselevka bị thương. Các drone Shahed của Nga cũng oanh kích thành phố cảng Izmaïl, miền nam Odessa, gần biên giới với Rumani, khiến hai người bị thương và làm hư hại cơ sở hạ tầng cảng Izmaïl. Thành phố Kryvyi Rig, thuộc vùng Dnipropetrovsk, miền tây Ukraine, cũng bị oanh kích bằng tên lửa nhưng không có thiệt hại nhân mạng, tình hình tại Nikopol cũng tương tự.

Thùy Dương

**********************

Ukraine khẳng định chỉ huy Hạm Đội Hắc Hải của Nga đã thiệt mạng

Minh Anh, RFI, 26/09/2023

Quân đội Ukraine ngày 25/09/2023 tuyên bố đô đốc Viktor Sokolov chỉ huy Hạm Đội Hắc Hải của Nga đã bị thiệt mạng trong vụ trụ sở hạm đội Nga ở Sevastopol, bán đảo Crimea trúng tên lửa của Ukraine hôm thứ Sáu 22/9. Phía Nga chưa xác nhận thông tin. 

crimea3

Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga, Phó Đô đốc Viktor Sokolov nhân một buổi lễ tiễn quân tại Sevastopol, Crimea ngày 27/09/2022. Reuters – Alexey Pavlishak

Trên mạng Telegram, lực lượng đặc nhiệm Ukraine khẳng định "34 sĩ quan, trong đó có chỉ huy hạm đội Hắc Hải đã bị giết chết" trong vụ oanh kích nhưng không đưa ra bằng chứng. Cũng theo nguồn tin này, còn có "105 quân chiếm đóng khác đã bị thương. Tòa nhà tổng hành dinh đã bị hư hại nặng". 

AFP cho biết chưa thể thẩm định thông tin trong khi Moskva không công bố những thiệt hại tại Ukraine. Ngay sau vụ tấn công, Nga chỉ loan báo một quân nhân bị mất tích. 

Tuy nhiên, theo nhận định của Le Figaro, nếu thông tin từ Ukraine là đúng sự thật thì vụ việc này có tính biểu tượng cao. Đây là sĩ quan cao cấp nhất trong số các tướng lĩnh của Nga bị thiệt mạng kể từ đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine tháng 2/2022.

Theo Kiev, cuộc pháo kích được thực hiện hôm thứ Sáu ở Sevastopol vào lúc có "một cuộc họp các chỉ huy hải quân" với sự hiện diện của đô đốc Sokolov. Năm nay 61 tuổi, sinh ra ở Moldova, ông Sokolov bắt đầu sự nghiệp nhà binh trên các chiến hạm phóng ngư lôi và vớt mìn. 

Viên sĩ quan này lần lượt nắm giữ các chức vụ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, phó chỉ huy Hạm đội phương Bắc. Tháng 10/2022, ông Sokolov được bổ nhiệm thay đô đốc Igor Ossipov làm quyền chỉ huy Hạm đội Hắc Hải, để rồi đến tháng Chín cùng năm chính thức làm chỉ huy đội hải quân này của Nga ở Hắc Hải.

Nhiều nguồn tin phương Tây cáo buộc tướng Sokolov đã chỉ huy các cuộc tấn công nhắm vào các vị trí thường dân ở Ukraine, và có thể bị truy tố về tội ác chiến tranh. Điểm đáng chú ý là vụ oanh kích này xảy ra 10 ngày sau đợt tấn công một công trường hải quân làm hư hại nặng một tầu ngầm của Nga và 24 người bị thương.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc : Moskva lên án phương Tây "mượn" tay Ukraine tấn công Nga

Thanh Hà, RFI, 24/09/2023

Vài ngày sau tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 23/09/2023 đến lượt ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Moskva mạnh mẽ đả kích phương Tây : "cả một đế chế dối trá", "gây xung đột", "chia rẽ nhân loại" và không có khả năng đàm phán.

nga01

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại diễn đàn kỳ họp thứ 78, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York, Hoa Kỳ, 23/09/2023. AP - Mary Altaffer

Trả lời báo chí sau đó, ngoại trưởng Lavrov còn có những lời lẽ cứng rắn hơn khi ông trực tiếp lên án phương Tây lấy danh nghĩa bảo vệ Ukraine trước một cuộc ngoại xâm, nhưng thực tế là để "trực tiếp" đối đầu với Nga.

Đặc phái viên RFI Aabla Jounaidi từ trụ sở New York tường trình :

"Suốt tuần qua tại New York, các bên đã đề cập đến nhu cầu cải tổ Liên Hiệp Quốc và nhất là việc mở rộng Hội đồng Bảo an với tiếng nói đại diện các nước đang phát triển. Lần đầu tiên Nga chính thức ủng hộ lập trường này. Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã khai thác luận điểm nói trên để tấn công phương Tây. Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ông tuyên bố :

"Theo quan điểm của Nga, rõ ràng là có những giải pháp khác, thế nhưng Hoa Kỳ và các nước phương Tây chư hầu của họ tiếp tục gây nên những cuộc xung đột, chia rẽ nhân loại thành những khối thù nghịch. Họ làm tất cả để ngăn chặn một trật tự thế giới công bằng và thực sự đa phương được hình thành. Họ tìm cách cưỡng ép thế giới phải tuân thủ những luật chơi hẹp hòi và có lợi cho chính họ".

Là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga là quốc gia sử dụng quyền phủ quyết nhiều hơn ai hết. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Ba vừa qua cũng tại diễn đàn này đã trình bày kế hoạch vãn hồi hòa bình cho Ukraine với chủ trương đòi Nga rút quân. Đây là điều không tưởng đối với ông Lavrov.

Trong cuộc họp báo sau phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Nga giải thích : "Thêm một lần nữa thực tế là kim chỉ nam đối với chúng tôi. Zelensky và tất cả những ai điều khiển ông ấy từ Washington, Luân Đôn hay Bruxelles, họ đồng loạt khẳng định là không có con đường nào dẫn tới hòa bình, ngoại trừ giải pháp của Zelensky. Muốn nói kiểu gì thì nói, nhưng tuyệt đối, giải pháp đó không thể thực hiện được".

Khi đề cập đến viện trợ quân sự cho Kiev, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tố cáo phương Tây giúp Ukraine không để bảo vệ quốc gia này mà mục đích là "trực tiếp chống lại nước Nga".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 24/09/2023

***********************

Nga xác nhận Ukraine đang dồn hỏa lực vào Sevastopol, bán đảo Crimea

Thanh Hà, RFI, 24/09/2023

Trong thông cáo chiều ngày 23/09/2023 thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev loan báo kích hoạt hệ thống phòng không bảo vệ thành phố này trước một đợt tấn công bằng tên lửa của Ukraine. Thông báo được đưa ra sau khi Kiev khẳng định "thành công trong vụ oanh kích" nhắm vào tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải của Nga trên bán đảo Crimea.

crimea1

Ảnh chụp từ vệ tinh của Planet Labs cho thấy khói bốc lên từ sở chỉ huy của hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol, Crimea, ngày 22/09/2023. AP

Theo hãng tin Mỹ AP, trên mạng Telegram quan chức này xác nhận nhiều mảnh vỡ của tên lửa đã được phát hiện ở khu vực phía bắc Sevastopol. Giao thương trên biển bị gián đoạn trong ngày hôm qua. Ngoài ra nhiều tiếng nổ lớn đã được nghe thấy gần thành phố Vilne, phía bắc bán đảo Crimea.

Trở lại với vụ tấn công bằng tên lửa của Ukraine nhắm vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải Nga cách nay hai ngày, lãnh đạo tình báo Ukraine ông Kyrylo Budanov tiết lộ với truyền thông Mỹ là có 9 người chết và 16 người bị thương. Trong số các nạn nhân có tướng Alexander Romanchuk, chỉ huy lực lượng đặc trách mặt trận đông nam Crimea.

AP thận trọng lưu ý chưa thể kiểm chứng một cách độc lập về những tuyên bố của lãnh đạo tình báo Ukraine. Chỉ biết rằng, Bộ quốc phòng Nga ban đầu loan tin một người thiệt mạng trong vụ tấn công nhắm vào tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải, nhưng sau đó đã chỉnh sửa lại và chỉ nói đến "một nhân viên bị mất tích".

Về chiến sự tại Ukraine trong ngày 24/09/2023, thêm hai thường dân Ukraine thiệt mạng tại Donetsk và Sumy - miền đông, trong các đợt oanh kích của quân Nga đêm qua. Còn tại Donbass, theo tiết lộ từ hãng thông tấn Nga TASS, chính quyền thân Nga vừa ban hành sắc lệnh giới nghiêm từ 11 giờ đên đến 4 giờ sáng trong tuần.

Trong một văn bản thứ nhì, Denis Puchilin, lãnh đạo tự nhận đứng đầu nước Cộng hòa nhân dân Donbass ban hành lệnh "kiểm duyệt thư từ những trao đổi qua internet và điện thoại liên quan đến các vấn đề quân sự". Tin trên không nói rõ khi nào các sắc lệnh mới có hiệu lực.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 24/09/2023

***********************

Ukraine tuyên bố "oanh kích thành công" vào tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải của Nga

Thanh Phương, RFI, 23/09/2023

Hôm 22/09/2023, Ukraine đã lên tiếng nhận trách nhiệm về một cuộc "oanh kích thành công" bằng tên lửa vào tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải của Nga ở thành phố Sebastopol, vùng Crimea, đồng thời khẳng định "các chỉ huy cao cấp" của hải quân Nga đã bị hạ sát hoặc bị thương trong cuộc tấn công này.

crimea2

Ảnh trích từ video giám sát cho thấy khói bốc lên từ tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải, ở Sevastopol, bán đảo Crimea, ngày 22/09/2023, sau một cuộc tấn công của lực lượng Ukraine. © Canal criméen sur Telegram / via AP

Từ thủ đô Kiev, thông tín viên Pierre Alonso tường trình :

"Sau khi đã phá hủy một tàu ngầm đang neo đậu ở bến cảng, rồi phá hủy một trung tâm chỉ huy, lực lượng Ukraine hôm qua đã đánh trúng tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sebastopol. 

Cách đây vài tuần, các cuộc tấn công vào vùng Crimea còn hiếm hoi nhưng nay diễn ra gần như mỗi ngày và Kiev không còn ngần ngại lên tiếng nhận trách nhiệm. Hôm qua, quân đội Ukraine đã khen ngợi "một cuộc oanh kích thành công". Tư lệnh không quân Ukraine nhắc lại : " Chúng tôi đã hứa là sẽ còn những cuộc tấn công khác".

Các vụ oanh kích vào sâu trong lãnh thổ Nga là nhằm gây tác động tâm lý, để cho thấy Crimea sẽ là mục tiêu tái chiếm của Ukraine. Các vụ oanh kích này giáng những đòn nặng vào hải quân Nga hiện đang phong tỏa hàng hải khiến Kiev không thể xuất khẩu ngũ cốc. Ngoài ra, khi oanh kích như vậy, Ukraine làm suy yếu khả năng tấn công của quân đội Nga, vốn vẫn bắn các tên lửa vào toàn bộ lãnh thổ Ukraine từ vùng Hắc Hải.

Đòn đánh ngoạn mục hôm qua khiến chính quyền Ukraine vui mừng. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia của Ukraine đề nghị hạm đội Nga chọn tương lai cho mình : hoặc bị đánh chìm, hoặc bị vô hiệu hóa bằng vũ lực. Đồng thời họ dọa sẽ cắt hạm đội thành từng mảnh".

Cũng hôm qua, một cố vấn của lãnh đạo do Nga bổ nhiệm của vùng Crimea cho biết vùng này đã bị một cuộc tấn công tin học "chưa từng có" nhắm vào các công ty dịch vụ kết nối Internet, khiến mạng bị gián đoạn. Nhưng viên cố vấn này không nói rõ là cuộc tấn công tin học đó có liên quan trực tiếp với các vụ oanh kích vào vùng Crimea hay không.

Theo hãng tin AFP, hôm nay, lãnh đạo thành phố Sebastopol cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc tấn công mới bằng tên lửa vào thành phố này.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 23/09/2023

Published in Quốc tế

Sau 19 tháng chiến tranh Ukraine, quân đội Nga đã xác định được ít nhất 4 nhược điểm của mình trên chiến trường và một số bất cập trong học thuyết quân sự. Cái may đối với Nga là quân đội nước này dù vậy có khả năng "thích ứng khá nhanh". Trên đây là một số điểm chính trong nghiên cứu được chuyên gia về chiến lược của Nga Dimitri Minic, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI cho công bố ngày 22/09/2023.

nga1

Tướng Sergei Surovikin (trái) và bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu (giữa) trong chuyến thăm bộ tham mưu liên quân ngày 17/12/2022 tại một địa điểm không được xác định. AP - Gavriil Grigorov

Trong bài viết mang tựa đề "Quân đội Nga nghĩ gì về cuộc chiến của họ ở Ukraine ? Những phê bình, khuyến nghị, thích ứng" (Que pense l’armée russe de sa guerre en Ukraine ? Critiques, recommandations, adaptations), tác giả đã căn cứ vào những thông tin trực tiếp của bên quân đội Nga, đặc biệt là từ tạp chí khoa học quân sự Voennaâ Mysl – Tư tưởng quân sự của Nga.

Khả năng răn đe bất cập và thiếu chuẩn bị

Chiến dịch quân sự đặc biệt mà tổng thống Vladimir Putin khởi động đã bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên tại Moskva ở thượng tầng guồng máy quân sự, mọi người có chung một quan điểm : "Chiến dịch này là một hậu quả từ sự chống đối triệt để của phương Tây nhắm vào nước Nga". Trong phần mở đầu Dimitri Minic nhắc lại "Từ tháng 2/2022, quân đội Nga đã bình luận và rút ra nhiều bài học từ chiến tranh Ukraine". Vậy những bài học đó là gì ?

Bài học đầu tiên theo tác giả bài nghiên cứu là sự "thiếu chuẩn bị từ ở "thượng nguồn". Quyết định đã được đưa ra mà không tuân thủ một nguyên tắc từng được ghi rõ trong học thuyết quân sự của Nga từ 2014. Nguyên tắc đó là "Huy động và triển khai quân đến những vùng biên giới bị đe dọa không thôi chưa đủ", mà còn phải "áp dụng luôn cả những biện pháp phi quân sự một cách hiệu quả".

Các biện pháp "phi quân sự" đó gồm nhiều lĩnh vực : "tâm lý, kinh tế, một sự cân bằng nào đó về mặt chính trị và ngoại giao". Quân đội Nga cũng đã có những thiếu sót trong việc thu thập thông tin tình báo hay "thiếu hiểu biết và kém cỏi trong khả năng cập nhật tình hình (…) xác định những đối tượng và hoạt động nguy hiểm" đối với các quân nhân Nga. Tất cả những sơ xuất ban đầu đó đã dẫn tới những tác động tai hại như là "lãng phí các nguồn lực cần thiết để vô hiệu hóa các mối đe dọa" nhắm vào quân nhân Nga.

Một ông khổng lồ "cứng nhắc"

Bài học thứ nhì là quân Nga đã thấy rõ những nhược điểm của mình. Dimitri Minic nêu lên bốn điểm khiến giới tướng lĩnh Nga lo lắng : 1. "lãng phí", 2. khả năng nghèo nàn về người và của cần thiết cho cỗ máy chiến tranh, 3. "khó khăn trong việc huy động các nguồn lực", và 4. "một phần lớn quân Nga không được đào tạo để sử dụng những trang thiết bị đời mới" hay số này quá ít và đã chóng bị việt vị ngay từ những tuần lễ đầu cuộc chiến.

Ngoài ra trên trận địa, phía Nga vấp phải hai khó khăn khác đó là sự kém cỏi về các phương tiện tình báo hay chỉ đơn giản như việc có được bản đồ "chính xác" và "được cập nhật" để tiến hành các đợt tấn công. Điểm yếu thứ hai liên quan đến "đội hình" của Nga : ra trận, chỉ huy Nga chủ trương lấy số đông áp đảo đối phương. Các đoàn quân hùng hậu của Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine đã chóng nhận thấy rằng họ là một ông khổng lồ di chuyển chậm chạp và dễ trở thành những con mồi cho đối phương. Tác giả bài nghiên cứu nhắc lại tại Irpin, gần thủ đô Kiev, hàng chục xe vận tải của đoàn quân Nga đã dễ dàng bị tên lửa, đạn pháo của Ukraine tiêu hủy. Cũng ông "khổng lồ" di chuyển chậm chạp đó đã khiến chiến dịch chiếm đóng Kiev thất bại ngay những ngày đầu tháng 3/2022.

Khả năng "nhanh chóng thích ứng với tình huống"

Dimitri Minic ghi nhận, bên cạnh rất nhiều những "lỗ hổng" từ ở khâu chuẩn bị, đến tổ chức, chiến thuật… Nga có một điểm mạnh đó là "khả năng thích ứng với tình huống khá nhanh".

Chỉ sau vài tuần đối mặt với thực tế trên trận địa, cũng ngay từ tháng 3/2022, giới chỉ huy đã "xé lẻ" những đoàn quân hùng hậu đó thành những binh đoàn nhỏ hơn, uyển chuyển hơn, dễ di động hơn. Tính toán đó đã "khá thành công ở Kherson". Phía Nga cũng đã không còn xem thường khả năng chiến đấu hay dám khinh thường những "phương tiện nghèo nàn" của đối phương. Thí dụ thứ nhì cho thấy khả năng "thích ứng" của bên quân đội Nga rất lợi hại liên quan đến các đơn vị pháo binh. Bộ phận này "chóng nhận ra rằng, một trong những vấn đề lớn của họ" là bắn không chính xác và do vậy họ đã nhanh chóng chuyển sang "sản xuất vũ khí với độ bắn chính xác cao".

Về công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại, Nga đã sớm nhận thấy không đủ sức đối chọi với vũ khí đời mới mà phương Tây cung cấp cho Ukraine. Nga không có khả năng bắn chận tên lửa Himars của Mỹ trang bị cho Ukraine nên đã khôn ngoan "lùi căn cứ hậu cần về phía sau, ngoài tầm bắn" của Himars. Chuyên gia Dimitri Minic ghi nhận, trong vài tháng, "đạn pháo và độ bắn chính xác để có hiệu quả cao nhất đã trở thành một vấn đề trung tâm" của quân đội Nga.

Liên quan đến drone, theo chuyên gia của viện IFRI : drone của Ukraine "là một trong những lý do chính dẫn đến thất bại của các đoàn quân hùng hậu Nga tiến vào Kiev một tuần lễ sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt". Drone của Ukraine đã "giữ chân" xe tăng, thiết giáp và quân Nga trước khi trở thành vũ khí tấn công vào các trung tâm hậu cần của đối phương".

Dimitri Minic không phủ nhận tính lợi hại của các loại drone Nga như Bezencev, Polakov hay Tumako… nhưng "họ có quá ít để thi hành nhiệm vụ". Song Moskva đã khắc phục nhược điểm này. Từ tháng 1/2023 đội ngũ drone của Nga có thêm loại Orlan-30.

Ba nỗi lo

Trong phần kết luận nhà nghiên cứu Dimitri Minic nhận xét : quân đội Nga có cái nhìn "phê phán" về chiến tranh do chính họ đang tiến hành và nhiều người "bi quan" về những bước sắp tới trong cuộc chiến tại Ukraine.

Tác giả ngạc nhiên khi thấy bên quân đội Nga tương đối dễ dàng nhìn nhận những "yếu kém và giới hạn" của mình so với lực lượng của Ukraine.

Một điều bất ngờ khác được ông Minic ghi nhận, "trong hàng ngũ quân đội, có một không gian tự do tương đối", để nói lên sự thật về những điểm bất cập trong chiến lược phòng thủ, trong học thuyết quân sự hay về tiềm lực thực sự của Nga. Chính nhờ có một chút tự do đó cho nên tiếng nói của một số viên tướng Nga đã xuyên thủng một bức màn vô hình, vươn đến chính giới ở Moskva.

Dù vậy ở thượng tầng cỗ máy chiến tranh Nga, hiện đang có một số lo ngại : trước hết là toàn cảnh kinh tế khó khăn của đất nước trước những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Kế tới là khả năng có hạn của guồng máy công nghiệp quân sự của Nga. Khúc mắc thứ ba là hiện tượng "chảy máu chất xám". Theo tác giả bài nghiên cứu trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, Dimitri Minic, qua các phát biểu chính thức, giới tướng lĩnh Nga ít khi dám lạc quan về hồi kết tốt đẹp cho nước Nga trong cuộc chiến hiện nay.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 22/09/2023

Published in Diễn đàn