Nguyễn Phú Trọng có phải là một nhà bảo thủ thuần túy mà không hề quan tâm đến "báo chí tư bản" ?
Bài viết của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đăng trên trang quảng cáo (Publicité) của báo Pháp Le Monde ngày 26/03/2018
Vụ tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tự quảng cáo bài viết của mình trên tờ Le Monde nhân chuyến công du Pháp vào tháng Ba năm 2018 là một dấu chỉ hài hước và phát lộ hiếm hoi, cho thấy ông Trọng đang đặc biệt quan tâm và tìm cách triển khai một chiến thuật mới về "chủ động thông tin đối ngoại" để không chỉ "nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế" mà cả "hình ảnh và uy tín cá nhân lãnh tụ" : chuyển dần quan điểm khai thác hiệu ứng truyền thông từ khối báo chí quốc doanh sang báo chí quốc tế nhằm "kiến tạo" dư luận xã hội.
Từ "không đọc mạng xã hội" đến tự tạo hình ảnh
Từ giữa năm 2017 trở về trước, có nhiều dư luận cho rằng thậm chí ông Trọng còn không đọc mạng xã hội - nhu cầu đang chiếm đến hơn 70% dân số Việt Nam. Mà đã không quan tâm đến mạng xã hội thì cũng gần như chẳng ngó ngàng đến "báo chí tư bản".
Tất cả những gì mà ông Trọng đề cập về truyền thông chỉ là "báo chí cách mạng" cùng hơn 800 tờ báo lớn nhỏ trong hệ thống quốc doanh. Quá hiếm hoi để nhận ra một bài trả lời phỏng vấn, dù theo "khuôn đúc sẵn", của Tổng bí thư Trọng trên một tờ báo quốc tế nào đó.
Nhưng sau khi vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" xảy ra ngay trong lòng thủ đô Berlin giữa Châu Âu vào tháng Bảy năm 2017, có những dấu hiệu cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "phản ứng nhanh" đối với những tin tức lan tràn về câu chuyện mật vụ Việt Nam đã sang tận Đức để bắt cóc Thanh về nước. Đội ngũ tuyên giáo của ông Trọng cùng một số tờ báo đảng theo dõi rất sát các bài viết trên báo chí nước ngoài và mạng xã hội để kịp thời "phản bác những luận điệu sai trái", bám sát quan điểm "Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú", bất chấp một thực tế tư pháp không thể hiểu nổi là người "tự nguyện đầu thú" này đã phải nhận đến hai án chung thân vào đầu năm 2018.
Cũng từ giữa năm 2017 đến nay, "chủ động thông tin đối ngoại" không còn là một nhiệm vụ chỉ được nêu ra cho có trong báo cáo của Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam, mà còn được chính Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Rốt cuộc là vào tháng Ba năm 2018 và trùng với chuyến công du Pháp, ông Trọng thậm chí còn không ngại tung 4 hoặc 5 tỷ đồng tiền è cổ đóng thuế của dân Việt để tự quảng bá chuyến đi của mình nhân danh "45 năm quan hệ Việt - Pháp" trên một trang quảng cáo của Le Monde - một trong những tờ báo lớn nhất ở nước Pháp và thuộc loại uy tín trên thế giới.
Quyền lực không tự đến thì phải biết tự giành lấy quyền lực.
Hình ảnh không tự đến thì cũng phải biết tự tạo ra hình ảnh.
Dù chỉ là hình ảnh trên một trang quảng cáo mà còn lâu mới được xem là trang chính thống.
"Kinh nghiệm" Nguyễn Tấn Dũng
Vụ tự quảng cáo trên Le Monde của ông Trọng có thể khiến nhiều người nhớ lại vào những năm 2014 và 2015, trong khung cảnh "toàn đảng, toàn dân và toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 12", thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã được một tờ báo ở Hàn Quốc ca ngợi không tiếc lời như một "thủ tướng ngôi sao" ở Việt Nam và cả trên bình diện Châu Á.
Song nhiều người lại nhận ra đó chỉ là một tờ báo nhỏ chuyên viết về thương mại ở Hàn Quốc, và cũng như nhiều báo ở Việt Nam, có hẳn mục "tin tài trợ" để nhận "viết thuê".
Cũng có nhiều tin cho biết chính nhóm cận thần của Thủ tướng Dũng đã tổ chức một đội ngũ "dư luận viên" để đánh bóng tên tuổi ông Dũng nhằm vượt qua đối thủ chính trị Nguyễn Phú Trọng - vào khoảng thời gian mà trong lúc ông Trọng có vẻ chẳng biết facebook là gì thì Thủ tướng Dũng đã tán thán trong một cuộc họp "không thể cấm được mạng xã hội đâu các đồng chí à !".
Mà nhóm của ông Dũng lại được người đời xem là "tiền như núi" và hành sự theo quan niệm "cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền".
Có lẽ không thể dồi dào tiền bạc như nhóm ông Dũng, nhưng nhóm ông Trọng cũng biết cách xuất ngân sách để tự quảng cáo trên Le Monde, thay vì bỏ tiền túi của mình.
Điều an ủi còn lại dành cho nhiều triệu người dân Việt đóng thuế là 4 - 5 tỷ đồng mà ông Trọng dùng để quảng cáo chỉ bằng một phần nhỏ so với con số 25 triệu USD mà cũng ông Trọng đã lấy từ ngân sách để tặng quốc hội "nước bạn" Campuchia khi ông Trọng đến Phnom Penh vào giữa năm 2017. Cho dù chỉ sau đó ít lâu, món quà ấy trở nên vô nghĩa khi Bộ Nội vụ Campuchia bất thần tuyên bố sẽ trục xuất 70.000 người Việt tại Campuchia về Việt Nam.
Nếu giữa năm 2016 bắt đầu phát xuất dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng suy nghĩ một cách nghiêm túc việc tổ chức một chiến dịch truyền thông trong nước nhằm "đánh" Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, để hành động tương tự được tái hiện ở mức độ cao hơn vào giữa năm 2017 đối với ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, đồng thời phục vụ đắc lực cho chiến dịch được xem là "chống tham nhũng" của ông Trọng, thì đến đầu năm 2018, ông Trọng có vẻ manh nha "tiến ra biển lớn" - một cụm từ mang màu sắc tuyên giáo - hướng đến giới truyền thông quốc tế.
Làm thế nào "chinh phục truyền thông quốc tế" ?
Thật ra, mọi việc đều có logic của nó. Vào những năm 2016 và 2017, một biểu hiện khá bất thường là một số cơ quan báo đảng như Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Cộng Sản đã âm thầm cử đoàn sang Anh để "giao lưu" với đài BBC, bất chấp ít năm trước đó BBC vẫn bị hệ thống tuyên giáo và công an Việt Nam xem là "thế lực phản động".
Điều được hệ thống tuyên giáo và báo đảng ca ngợi là "thành công ngoài mong đợi" của Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế APEC được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng Mười Một năm 2017, và được một số tờ báo và hãng tin lớn trên thế giới đưa tin - nhấn mạnh thành công "Việt Nam không có khủng bố", có thể càng khiến giới chóp bu Việt Nam nói chung và Tổng bí thư Trọng nói riêng choáng ngợp và thèm muốn "tiếng hót" của báo chí quốc tế.
Nhiệm vụ "chủ động thông tin đối ngoại" cùng với chủ nghĩa duy ý chí "vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế" cũng đang khiến lấp ló kế hoạch của Nguyễn Phú Trọng chinh phục giới truyền thông quốc tế, bắt đầu từ những tờ báo nhỏ ở khu vực Đông Nam Á. Một vài cái tên của trí thức mang quan điểm "phản biện trung thành" đã xuất hiện với những bài viết trung dung trên một vài tờ báo như thế.
Còn với báo lớn hơn - chẳng hạn như Le Monde - trước mắt đành chấp nhận "tự quảng cáo có trả phí".
Tuy nhiên, mục tiêu chinh phục truyền thông quốc tế lại muôn vàn khó khăn so với hệ thống báo quốc doanh đã bị "vòng kim cô". Ai, quan chức nào sẽ thay mặt Nguyễn Phú Trọng để thực hiện một cuộc chinh phục báo chí nước ngoài, đặc biệt đối với những tờ báo không thể "mua" được ?
Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo trung ương chăng ?
Nhưng chỉ nội phát ngôn lấp lửng "sẽ tổ chức đối thoại với những cá nhân khác biệt quan điểm" từ tháng Năm năm 2017 nhưng bất chợt lặng tăm mất biệt từ đó đến nay, Võ Văn Thưởng hay những quan chức tương tự của đảng phỏng sẽ làm được gì để "thu phục nhân tâm giới truyền thông thế giới" ?
Có lẽ đến lúc này, ông Trọng mới nhận ra đảng của ông đang thực sự rơi vào một cơn khủng hoảng nhân sự đối ngoại.
Ngạn ngữ "Tất cả các con đường đều dẫn tới La Mã" (All roads lead to Rome) – biểu thị cho sự tự hào của đế chế La Mã (khởi đầu từ năm 27 trước Công nguyên và kéo dài cho đến thế kỷ thứ 16) về sự hùng mạnh của đế chế ấy, giờ có thể dùng để truy nguyên hiện tình chính trị, kinh tế, xã hội của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo hướng… ngược lại.
Cựu phó Thống đống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình.
***
Những kiểm sát viên thay mặt hệ thống bảo vệ pháp luật của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực thi vai trò công tố trong vụ án "cố ý làm trái", xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), vừa đề nghị Hội đồng xét xử, phạt ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN vào giai đoạn xảy ra vụ án mà Tòa đang xử) từ 18 đến 19 năm tù.
Cách nay hai tháng, ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, từng phải hầu Tòa và đã bị phạt 13 năm tù cũng vì "cố ý làm trái" khiến công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình bị thất thoát 119 tỉ đồng.
Lần này ông Thăng hầu Tòa vì bị xem là thủ phạm chính trong vụ đem 800 tỉ của PVN góp cho Ocean Bank rồi mất trắng.
So với phiên xử lần trước, trong phiên xử lần này – khi không còn hy vọng được làm "ma tự do" nữa – ông Thăng khai báo rõ ràng hơn. Theo ông Thăng, chuyện đem 800 tỉ giao cho Ocean Bank không phải là sự tùy tiện, vụ góp vốn này đã tham khảo ý kiến chính phủ và được Thủ tướng lúc ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng cho phép. Bốn năm sau (2012), PVN đã tính đến chuyện rút lại 800 tỉ đã góp vào Ocean Bank. Lúc đầu, chính phủ đồng ý với đề nghị của PVN - được rút lại 800 tỉ đã góp cho Ocean Bank trong ba năm từ 2013 đến 2015. Đã có hai doanh nghiệp, một của Singapore, một của Việt Nam đồng ý mua lại 20% cổ phần của PVN trong Ocean Bank (tương đương 800 tỉ đồng) nhưng giờ chót vì Ngân hàng Nhà nước ngăn cản, một Phó Thủ tướng đã ra lệnh cho PVN ngưng chuyển nhượng cổ phần. PVN mất trắng 800 tỉ là vì sau đó, Ocean Bank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Ông Thăng nhấn mạnh : Ai ra lệnh cho PVN ngưng chuyển nhượng cổ phần của PVN trong Ocean Bank để thu hồi lại 800 tỉ mà PVN đã góp vào Ocean Bank, người đó phải chịu trách nhiệm (1).
Phó Thủ tướng nào đã ra lệnh cho PVN ngưng chuyển nhượng cổ phần trong Ocean Bank ? Không thấy ông Thăng kể tên ! Cũng có thể ông Thăng đã hài tên nhưng báo chí cách mạng không tường thuật. Báo chí cách mạng bám rất sát diễn biến phiên xử Đinh La Thăng và các đồng phạm "cố ý làm trái", tuyệt nhiên không làm gì thêm, dẫu ông Thăng đã tặng họ một tình tíết đặc biệt hấp dẫn : Dường như một trong năm Phó Thủ tướng của chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016 mới là thủ phạm vụ công quỹ mất 800 tỉ. Đồng chí ấy là ai ? Tại sao lại làm như vậy ?
Chẳng riêng báo chí cách mạng, hệ thống bảo vệ pháp luật – thực thi công lý ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng… chủ động bỏ qua tình tiết vừa kể khi tính sổ Ocean Bank và PVN. Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát không thèm chú ý đã đành, các Hội đồng xét xử những vụ án đã xảy ra ở Ocean Bank và PVN cũng "chủ động" lờ luôn.
Lúc 15 giờ 50 phút ngày 1 tháng 9 năm 2017, khi thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm trong phiên xử sơ thẩm lần thứ hai ông Hà Văn Thắm và 47 cá nhân bị cáo buộc "tham ô tài sản", "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", khiến Ocean Bank thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng, lúc ông Thắm trình bày những tình tiết liên quan đến việc PVN xin chuyển nhượng cổ phẩn của tập đoàn này trong Ocean Bank cho hai đối tác khác… Hội đồng Xét xử đã ra lệnh cho bị cáo Thắm ngưng, không kể lể nữa… (2).
***
Cho đến giờ này, dấu hỏi về quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi 2015 : Mua lại ba ngân hàng thương mại (Ngân hàng Xây Dựng - VNCB, Ngân hàng Đại Dương - Ocean Bank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) với giá… 0 đồng, càng lúc càng lớn.
Tuy Ngân hàng Nhà nước giải thích, quyết định mua lại ba ngân hàng thương mại vừa kể với giá… 0 đồng là nhằm tiếp tục "tái cơ cấu hệ thống ngân hàng", bảo vệ an ninh kinh tế - tài chính quốc gia nhưng tháng 10 năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước cho biết, sau hai năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá… 0 đồng – thực chất là quốc hữu hóa, dùng công quỹ để duy trì hoạt động của ba ngân hàng này - thực trạng tài chính của cả ba ngân hàng vẫn thế, vẫn tiếp tục thua lỗ lớn, chủ sở hữu tiếp tục phải rót thêm vốn và nếu không có biện pháp hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều ngàn tỉ đồng (3).
Cũng tháng 10 năm ngoái, sau khi hoàn tất vụ ông Hà Văn Thắm và 47 cá nhân bị cáo buộc "tham ô tài sản", "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", Tòa án thành phố Hà Nội đề nghị chính phủ xem xét lại chuyện mua các ngân hàng thương mại với giá 0 đồng vì "không bảo đảm quyền lợi của các cổ đông" (4).
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã thực hiện ba đợt "tái cơ cấu" hệ thống ngân hàng. Đợt "tái cơ cấu" nào cũng có chuyện đóng cửa một số ngân hàng thương mại, cho ngân hàng này mua lại ngân hàng khác, hợp nhất ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với công ty tài chính cổ phần, chuyển ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần vào với nhau.
Mỗi đợt tái cơ cấu lại tạo ra những đại gia mới và theo sau đó là hàng loạt đại án ngân hàng : Nguyễn Đức Kiên – Ngân hàng Á Châu (ACB), Phạm Công Danh – Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Trầm Bê – Ngân hàng Phương Nam (PNB) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Những đại gia này kéo theo nhiều thuộc cấp vốn chỉ thực hiện mệnh lệnh của ông chủ vào tù và chỉ có thế mà thôi. Theo thời gian, thiệt hại mà các đại án ngân hàng gây ra cho kinh tế - xã hội càng ngày càng lớn và càng ngày, các đại án càng có quan hệ mật thiết với nhau.
Sau khi mua đa số cổ phần của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng chỉ vì "thấy thích, chứ chưa có kế hoạch gì" vào năm 2003, ông Hà Văn Thắm trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này vào năm 2004. Nhờ chủ trương "tái cơ cấu" ngân hàng, năm 2006, Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng được chuyển từ ngân hàng khu vực nông thôn thành ngân hàng khu vực đô thị rồi xin đổi tên. Ocean Bank ra đời. Năm 2007, vốn điều lệ của Ocean Bank chỉ có 1,2 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2013 tăng lên thành 11.424 tỉ đồng, gấp… 7.000 lần !
Theo các cơ quan tiến hành tố tụng thì năm 2012, ông Thắm dọa bà Hứa Thị Phấn – người nắm giữ 85% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín - là sẽ bạch hóa những sai phạm của bà Phấn trong điều hành Ngân hàng Đại Tín để ép bà Phấn bán lại toàn bộ cổ phần với giá 4,5 tỉ. Có một điều mà ông Thắm không dè là nợ xấu của Ngân hàng Đại Tín quá lớn. Khi thấy bị hố, ông Thắm gạ bán Ngân hàng Đại Tín cho ông Phạm Công Danh và đòi khoản hoa hồng cho việc môi giới là 800 tỉ. Để ông Danh có thể làm chủ Ngân hàng Đại Tín, ông Thắm dùng tiền của Ocean Bank cho một công ty của ông Danh vay 500 tỉ. Mua được Ngân hàng Đại Tín, ông Danh xin đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). VNCB vỡ nợ gây ra khoản thiệt hại 9.500 tỉ, trong đó Ocean Bank mất 500 tỉ mà ông Thắm đã cho ông Danh vay để mua Ngân hàng Đại Tín. Xử ông Danh không thể bỏ qua ông Thắm và chẳng còn cách nào khác hơn là phải bắt ông Trầm Bê vì ông Bê phải chịu trách nhiệm về việc cho ông Danh vay 1.800 tỉ sai qui định…
***
Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam loan báo, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Thế nhưng đến tháng 6 năm ngoái - một năm sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng thôi làm Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Bình thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính phủ Việt Nam thú thật, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17,21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600.000 tỉ đồng và vì các đại biểu Quốc hội được nhắc nhở rằng đó là tiền của dân nên họ lập tức thông qua "Nghị quyết về xử lý nợ xấu" (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi).
Chưa ai tính xem nợ xấu làm bao nhiêu công trình phúc lợi liên quan tới dân sinh bị đình trệ, nợ xấu tương ứng thế nào với tình trạng tận thu thuế và phí vắt kiệt sức dân. Bởi tạo ra nợ xấu, gây ra thiệt hại, các "đại gia" đã và sẽ phải trả giá bằng tự do, thậm chí bằng sinh mạng của họ, song còn trách nhiệm của những cá nhân ban hành các chủ trương, phê duyệt các quyết định, góp phần biến những cá nhân vốn hết sức bình thường thành "đại gia" tung hoành ngang dọc một thời thì sao ?
***
Tin mới nhất cho biết, Viện kiểm sát tối cao vừa quyết định truy tố ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Hồi tháng 7 năm ngoái, ông Bình bị khởi tố bị can vì được xác định là liên đới về trách nhiệm trong vụ mua bán Ngân hàng Đại Tín, tạo điều kiện cho ông Phạm Công Danh đẩy VNCB đến chỗ thất thoát 9.000 tỉ đồng.
Ngoài ông Bình, Viện kiếm sát tối cao còn truy tố bốn viên chức khác của Ngân hàng Nhà nước vốn nằm trong nhóm giám sát hoạt động của VNCB với cùng tội danh.
Ngân hàng Nhà nước còn một ông Bình nữa – giữ vai trò Thống đốc – nhạc trưởng của các đợt "tái cơ cấu" hệ thống ngân hàng, tác giả của khối nợ xấu trị giá chừng 600.000 tỉ đồng vẫn bình an vô sự. Cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình giờ là Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban kinh tế của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên xét cho đến cùng, những Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình, Đặng Thanh Bình dường như chỉ là đồng phạm. Sẽ không có các đại án nếu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được xác định là "trụ cột" của "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", được tạo điều kiện tối đa để hút kiệt toàn bộ nguồn lực quốc gia và phung phá. Sẽ không có các đại án nếu hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung được điều hành theo đúng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
Khi kinh tế kế hoạch – nền tảng của chủ nghĩa xã hội hết hạn sử dụng trên toàn cầu, "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" được đem ra dùng như một phát kiến để vừa có thể gá nghĩa với kinh tế thị trường, vừa duy trì được thể chế chính trị theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Đó mới là chính phạm. Đó mới là… "La Mã" của các bi kịch.
Vở bi kịch mới nhất đang công diễn mang tên "Đốt lò" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/03/2018
Chú thích :
(3) http://plo.vn/thoi-su/sau-khi-duoc-mua-lai-0-dong-ca-3-ngan-hang-van-lo-nang-735619.html
(4) https://nld.com.vn/kinh-te/mua-ngan-hang-0-dong-phai-xem-xet-lai-20171009204114707.htm
Xã luận
Hôm chủ nhật 25/03/2018, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng thư ký Đảng cộng sản Việt Nam đã đến Paris cùng với một phái đoàn cao cấp của Đảng và Nhà Nước cộng sản Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức ở mức độ quốc gia. Tối hôm 26/03, vẫn chưa thấy thông báo một cuộc tiếp xúc quan trọng nào. Ngày mai ông sẽ rời Pháp để sang thăm Cuba. Điều đầu tiên đáng nói và đáng chú ý là cuộc thăm viếng này đã không gây được sự chú ý nào. Nó âm thầm và lặng lẽ một cách lạ thường.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến sân bay quân sự Orly ở thủ đô Paris
Không phải vì chính quyền Việt Nam có lý do gì để coi cuộc thăm viếng này là không quan trọng và muốn nó diễn ra một cách kín đáo. Ông Nguyễn Phú Trọng đã đem theo một phái đoàn rất hùng hậu, với ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao, bà Tòng Thị Phóng, phó chủ tịch thường trực quốc hội, ông Nguyễn Văn Nên, chánh văn phòng Trung Ương Đảng, ông Hoàng Bình Quân, trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và ba bộ trưởng.
Báo chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã thông báo, đánh giá cuộc thăm viếng này là quan trọng, quan hệ Việt Pháp là tốt đẹp. Tuy vậy đã không có một cơ quan truyền thông Pháp nào -một đài truyền thanh, truyền hình hay một tờ báo, báo giấy hay báo mạng- nói tới cuộc thăm viếng này dù là một cách qua loa. Ngay trong ngày phái đoàn ông Trọng tới Paris tin duy nhất mà Thông Tấn Xã Pháp (AFP) thông báo liên quan tới Việt Nam là một đám cháy tại Sài Gòn làm 13 người thiệt mạng.
Một ngoại lệ là tờ báo L'Humanité của Đảng cộng sản Pháp. Tờ báo này có loan tin, nhưng chỉ có tác dụng làm cho chuyến thăm buồn hơn. L'Humanité là một tờ báo đang hấp hối của một Đảng cộng sản Pháp đang chết. Tờ báo chỉ còn sống thoi thóp nhờ tài trợ của chính quyền Pháp, còn Đảng cộng sản Pháp đã không dám có ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử gần đây nhất, sau khi chỉ được 1,2% trong cuộc bầu cử trước đó.
Ông Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn tới Paris vào ngày chủ nhật. Chắc chắn đây là một sự dàn xếp để khỏi phải giải thích tại sao không có nhân vật cao cấp nào của chính phủ Pháp ra đón tiếp cả. Phải nói sự rẻ rúng mà chính quyền, báo chí và dư luận Pháp dành cho ông Trọng đã vượt mọi giới hạn, nhất là khi chính quyền cộng sản Việt Nam nhấn mạnh rằng chuyến công du chính thức này cũng là để long trọng kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Không biết ông Trọng và các cộng sự viên đi cùng có ý thức được sự thực đáng buồn này và rút ra những suy nghĩ đúng đắn cho tương lai hay không.
Lý do đầu tiên của sự lạnh nhạt này là chính quyền Pháp không cần và cũng không muốn có cuộc thăm viếng này. Trái với điều nhiều người có thể nghĩ, quan hệ Việt Pháp không quan trọng. Trao đổi thương mại giữa hai nước chỉ là 5 tỷ USD, sấp sỉ bằng 10% trao đổi của Việt Nam với Liên Hiệp Châu Âu, hay 1,2% ngoại thương của Việt Nam, và không có hy vọng cải tiến vì Việt Nam đang thiếu hụt ngân sách và nợ nần một cách báo động. Ngân sách hợp tác văn hóa của Pháp dành cho Việt Nam cũng chỉ là con số khiêm tốn 6 triệu USD. Pháp lại càng không có lý do để hân hoan tiếp đón ông Trọng vì thành tích quá tồi tệ về nhân quyền ngay trong lúc này của chế độ cộng sản Việt Nam.
Mặc dù sự lạnh nhạt khinh bỉ này ông Trọng vẫn đến Paris vì chính quyền cộng sản Việt Nam cần Pháp. Họ rất cần hoàn tất thỏa ước thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA) được dự trù trong năm nay và mong được Pháp yểm trợ. Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay -hơi trội hơn cả Hoa Kỳ về tổng số xuất nhập khẩu- và còn nhiều tiềm năng. Không có gì là quá đáng nếu nói Châu Âu đang là phao cứu của kinh tế Việt Nam vào lúc Donald Trump đang đòi giảm bớt khối thâm thủng mậu dịch. Nhưng ông Trọng và ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sẽ thất vọng lớn. Pháp không muốn và cũng không thể giúp họ.
Dĩ nhiên là Châu Âu muốn tăng cường sự hiện diện và trọng lượng kinh tế trong vùng Thái Bình Dương và Việt Nam, với dân số và vị trí chiến lược, có thể là một đầu cầu tốt, nhưng đây chưa phải là quan tâm lớn của Châu Âu trong lúc này. Quan tâm chính của Châu Âu trong lúc này là củng cố nội bộ để tồn tại sau khi nước Anh ly khai, kế đến là đương đầu với chế độ mafia của Putin tại Nga, rồi những bất ngờ từ Donald Trump.
Vả lại, điều mà Đảng cộng sản Việt Nam không ý thức được là Việt Nam không thể hợp tác một cách lành mạnh với Châu Âu, chưa nói tới khả năng làm đầu cầu cho Châu Âu tại khu vực Thái Bình Dương. Đức là nước có ảnh hưởng áp đảo trong Liên Hiệp Châu Âu -vừa do trọng lượng kinh tế vượt trội của chính mình vừa do sự hỗ trợ của nhiều nước khác- cũng chính là nước đang muốn trừng trị chế độ cộng sản Việt Nam. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, rồi lại dùng ngôn ngữ lưỡi gỗ để nói rằng ông này đã tự nguyện về nước đầu thú, đã biến chế độ cộng sản Việt Nam thành một chế độ côn đồ trước mắt Liên Hiệp Châu Âu.
Trong cơn mê muội ông Trọng và những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã không ý thức được rằng họ vừa gây ra một đổ vỡ không thể hàn gắn. Nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu là nhân quyền và nhà nước pháp trị, nếu coi thường những giá trị này thì Liên Hiệp Châu Âu không còn lý do tồn tại. Với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và những vụ bắt giam và xử án thô bạo những người dân chủ gần đây chính quyền cộng sản Việt Nam đã khiến Châu Âu không thể hợp tác hữu nghị với Việt Nam ngay cả nếu muốn. Dưới mắt người Châu Âu -và mọi người văn minh- việc xử án 9 và 10 năm tù hai phụ nữ trẻ có con thơ chỉ vì đã nói lên quan điểm của mình không chỉ thô bạo mà còn hèn hạ, dơ bẩn.
Tổng thống Macron không có lý do gì để giúp chính quyền cộng sản Việt Nam nhưng dù muốn ông cũng không thể làm gì khác ngoài hỏi ông Trọng có những cam kết nào về nhân quyền để ông thuật lại với Đức và Liên Hiệp Châu Âu. Ông Trọng sẽ cần rất nhiều khả năng thuyết phục, một khả năng mà người ta có quyền ngờ vực nơi ông, nhất là khi ông lại đi thăm Cuba ngay khi rời Pháp, như để khẳng định với Pháp và Châu Âu sự ràng buộc thắm thiết của ông với những chế độ hung bạo. Có mọi triển vọng chuyến công du này sẽ không chỉ bẽ bàng mà còn vô ích.
Điều mà ông Trọng và ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần ý thức và quan tâm hơn cả thái độ lạnh nhạt của chính quyền Pháp là sự lãnh đạm rẻ rúng của báo chí và dư luận Pháp và Châu Âu. Không một người lãnh đạo quốc gia nào, dù chỉ công du với một đoàn tháp tùng nhỏ, bị coi thường như thế. Lý do là vì người ta không còn quan tâm tới nước ta nữa, và đây là điều đáng buồn cho mọi người Việt Nam.
Chúng ta không còn gì đáng để ý. Không một thành tựu khoa học kỹ thuật, không một công ty tầm vóc quốc tế, không một tác phẩm văn học nghệ thuật, cũng không có ngay cả một thành tích thể thao được thế giới biết đến ; đã thế còn nghèo khổ, thiếu ngay cả những quyền làm người cơ bản, và vẫn còn phải chịu đựng một chính quyền hung bạo cố bám vào một chủ nghĩa đã bị thế giới văn minh đánh giá là ác độc để tiếp tục thống trị như một lực lượng chiếm đóng.
Chúng ta đã trở thành một dân tộc không đáng kể. Đó là thành tích chính của Đảng cộng sản Việt Nam, thành tích mà các thế hệ mai sau sẽ nhớ mãi.
Nguyễn Gia Kiểng
(26/03/2018)
Báo chí lề phải trong nước ca ngợi tâng bốc tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là "người đốt lò vĩ đại". Ghê chưa. Xưa nay danh hiệu lãnh tụ vĩ đại, nhân vật vĩ đại chỉ để dùng cho ông Hồ Chí Minh.
Những tên tham nhũng từ cỡ bự đến bọn tép riu, ngày càng chất đống trước con mắt của nhân dân.
Ông Trọng vĩ đại là do cái lò đốt củi rực lửa của ông đang thiêu ra tro cả củi khô và củi tươi - những tên tham nhũng từ cỡ bự đến bọn tép riu, ngày càng chất đống trước con mắt của nhân dân.
Nếu như gần đây ông Tập Cận Bình nổi lên là Hoàng Đế Đỏ ở Bắc kinh sẽ trị vì không kỳ hạn, ông V. Putin cũng sẽ là Sa Hoàng Đỏ vĩnh cửu của nước Nga thì ở Việt Nam con người hùng đang có quyền lực và quyền uy lớn nhất suốt trong chiều dài lịch sử sẽ là ông Nguyễn Phú Trọng. Đây là tham vọng lớn không hề che giấu của ông.
Trước khi bước vào Hội nghị trung ương lần thứ 7, kỳ XII, ông sẽ có một chuyến đi sang Pháp và Cuba. Một cuộc xuất ngoại rầm rộ, nổi đình đám, tự coi là lãnh tụ số một của đất nước, gây thanh thế ngay trước cuộc họp trung ương nửa nhiệm kỳ, thường được coi là một mini - Đại hội đảng, sẽ có những quyết định khác thường về quốc kế nhân sinh cũng như về nhân sự ở chóp bu, sẽ có khối người ra kẻ vào Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và trong bộ máy Nhà nước.
Ở trong nước theo xu thế trên đây, cuộc thanh trừng tham nhũng sẽ được đẩy lên mạnh mẽ với những cuộc sát phạt chưa từng có. Các vụ đại án của ngành ngân hàng – ngân hàng tư và ngân hàng nhà nước sẽ nối tiếp sau khi đã có những bản án tử hình và chung thân. Trách nhiệm liên quan của ủy viên Bộ Chính trị kiêm trưởng Ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình ngày càng được nhắc đến.
Trong chính phủ Bộ Công thương đang là đối tượng thanh tra trọng điểm. Vì đây là bộ lớn nhất, ôm đồm nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt, vốn từ 4 bộ lớn hợp thành (các Bộ Công nghiệp nhẹ + Công nghiệp nặng + Nội thương + Ngoại thương) trong đó có trách nhiệm của nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, người tuy đã bị tước các chức vụ của đảng và Nhà nước, nhưng vẫn chưa được kể ra hết các sai lầm, bê bối kéo dài tại cái đại bộ này. Đương kim bộ trưởng Trần Tuấn Anh bị cán bộ dưới trướng và dư luận người Việt ở nước ngoài tố cáo là tay ăn chơi kiểu công tử đại gia, tiêu xài bạt mạng, bồ bịch cờ bạc thành cố tật. Bộ này có nhiều tổng công ty quốc doanh lớn nhất, nhưng lại làm ăn bê bối nhất, lỗ nhiều hơn lãi, tiêu biểu là ngành năng lượng, ngành khai khoáng và ngành hóa chất, cũng là các ngành có tội gây ô nhiễm lớn nhất.
Bộ Giao thông vận tải của ông Nguyễn Văn Thế với gần một trăm trạm BOT cũng bị chiếu tướng, với một bộ trưởng i tờ về khoa học giao thông, ấp úng trả lời các nhà báo, lại thích duy ý chí, ra mệnh lệnh, như lệnh treo bảng không được dừng xe quá 5 phút tại các trạm BOT.
Thế nhưng cái bộ bị chiếu tướng dữ dằn nhất lại là Bộ Công an, khi vụ án Vũ Nhôm, cán bộ công an cao cấp sắp bị xét xử, một vụ án tham nhũng cực lớn về tài sản, nhà đất, có nhiều tòng phạm tại chính quyền và đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng.
Phải kể đến vụ đại án đánh bạc, rửa tiền, đánh cá cược bóng đá quy mô lớn lên đến hàng mấy nghìn tỷ đồng, với hơn một trăm người bị truy tố, bắt giam, cấm xuất ngoại, liên quan đến hơn 10 triệu tội phạm và nạn nhân đánh bạc, đến hơn 20 triệu tài khoản cá nhân trên mạng siêu quốc gia, cầm đầu do thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục C50, Cục chống tội phạm công nghệ cao, lại sử dụng chính kỹ thuật công nghệ cao để tham nhũng quy mô cực lớn. Vụ này liên quan đến trách nhiệm của Trung tướng Phan Văn Vĩnh nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cấp trên trực tiếp của tướng Hóa khi vụ đại án xảy ra, vừa về nghỉ hưu.
Một số luật sư cho rằng tướng Nguyễn Văn Hóa khó có thể thoát khỏi án tù chung thân, cũng như hai tòng phạm cùng nhóm là Nguyễn Văn Dương, một thái tử đỏ, con rể ông Phạm Quang Nghị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị và Phan Sào Nam một chuyên gia điện toán từng điều khiển mạng VTC.
Ông Trọng muốn ra tay chỉnh đốn tổ chức hẳn lại toàn ngành công an - cảnh sát vì lẽ ra ngành này phải là thanh kiếm lợi hại trừng phạt quốc nạn tham nhũng, thì trái lại không ít kẻ trong ngành này lại là tội phạm hình sự, như hàng nghìn cảnh sát giao thông và vô vàn công an hộ khẩu ở cơ sở chuyên làm tiền nhũng nhiễu nhân dân, chiếm đất chiếm nhà của dân, còn gây thương vong cho mấy chục công dân mỗi năm chết ngay trong đồn công an do bị tra tấn tàn bạo.
Có tin ông Trọng đã thông qua phương án mới tổ chức hẳn lại bộ máy công an theo hướng giảm hàng vạn người, bỏ rất nhiều cục và cả tổng cục, giảm biên chế sĩ quan, nhất là cấp cao (từ thượng tá trở lên) và giảm cấp tướng (bớt đến hơn một trăm tướng), làm cho bộ máy công an gọn nhẹ, giảm quỹ tiền lương và phụ cấp đáng kể cho toàn ngành theo hướng quý hồ tinh, bất quý hồ đa.
Một cán bộ an ninh từ trong nước cho biết ông Trọng trực tiếp và kín đáo làm việc này, với sự tham gia của ông Trần Quốc Vượng, chủ tịch Ủy ban Kiểm tra trung ương kiêm Thường trực Ban bí thư trung ương và ông Phạm Minh Chính, trưởng Ban Tổ chức trung ương, là một nhóm bộ ba quyền lực tối cao ở thượng đỉnh chế độ.
Đây là một đòn rất thâm đánh vào uy tín của đại tướng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người từng là Bộ trưởng Công an và đánh luôn cả Thượng tướng Tô Lâm hiện là bộ trưởng, để rồi ông sẽ dễ dàng thuyết phục quốc hội để ông kiêm chức Chủ tịch nước như ông Tập bên Trung Quốc. Ông cũng muốn thay ông Tô Lâm bằng một bộ hạ tin cẩn thuần phục ông hơn.
Để hạ bệ ông Quang, ông Trọng đã chuẩn bị vài lá bài, một là phải tính lại tuổi cho chính xác theo bản khai sinh gốc (ông Quang đã sửa năm sinh từ 1950 thành 1956), cán bộ lãnh đạo 6 tháng phải khám bệnh một lần, ai mắc bệnh hiểm nghèo thì nghỉ để điều trị (ông Quang có tin là bị bệnh phổi và thần kinh mất ngủ kéo dài), thêm nữa là việc bỏ phiếu đánh giá cán bộ lãnh đạo sẽ làm ngay tại Hội nghị trung ương 7 tới, với quảng cáo mỹ miều là theo đường lối quần chúng.
Một vấn đề sẽ được thảo luận ở Hội nghị trung ương 7 là quy hoạch cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, chuẩn bị trước cho lớp cán bộ mới, lớp ủy viên trung ương mới, lớp ủy viên Bộ Chính trị mới ngay sau Hội nghị trung ương 7 và cho cả Đại hội XIII năm 2021. Cho nên qua Hội nghị trung ương 7 sẽ có xáo trộn quy mô lớn chưa từng có trong hệ thống lãnh đạo đảng và Nhà nước, sẽ có không ít kẻ bị quẳng vào lò, bị kỷ luật mất chức, những bộ mặt mới, hoàn toàn mới, sẽ gồm những bộ hạ tin cẩn của ông Trọng.
Và ông tổng Trọng sẽ có thể lên ngôi dễ dàng, khẳng định mình là tổng bí thư vĩ đại có quyền uy lớn nhất, có tài năng cao nhất chưa ai thay thế được.
Quả thật không có một ông tổng bí thư nào có tham vọng cao, có mưu kế thâm sâu và có hiệu quả như ông Trọng. Ông tự thanh minh là ông không lú đâu, không lú chút nào hết, ông khôn ranh, ranh ma, có quỷ kế nhìn xa trông rộng, mưu lược còn hơn Tào Tháo bên Tàu. Ông tự gỡ thế bí, hạ đo ván các địch thủ dễ dàng do biết gài bẫy, leo cao dù tuổi đã cao. Như ông Tập và như Putin, ông sẽ phục vụ đảng đến hơi thở cuối cùng, không ai có thể thay ông được.
Những người đã leo được lên đỉnh cao vút sẽ sung sướng say sưa tuyệt đỉnh, không bao giờ sợ ngã đau dù đó là sự mạo hiểm chết người.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 23/03/2018
Không còn là dự cảm hay dự đoán vào cuối năm 2017, mà sự nghiệt ngã đã hóa thân vào năm 2018 một cách lộ hình rõ mồn một : Năm máu lửa.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73.
Chưa đầy một tháng sau Tết Nguyên Đán 2018, đã nổi lên bốn sự kiện và vụ việc lớn trong "chính trị nội bộ" : đầu tiên là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng được Tổng bí thư Trọng đặc cách bổ nhiệm làm Thường trực Ban bí thư và do đó đã vươn lên thành nhân vật "dưới một người, trên vạn người," quyền lực chỉ sau tổng bí thư ; 3 ngày sau đó là chính Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, thay mặt Tổng bí thư Trọng, chỉ đạo xử lý vụ "Mobifone mua AVG" ; và cũng chỉ 3 ngày sau là vụ bắt tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, chính thức mở màn chiến dịch "cải tổ Bộ Công an". Cuối cùng nhưng còn lâu mới kết thúc, đó là phiên xử "tập hai Đinh La Thăng" - vụ 800 tỷ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã không cánh mà bay ở Ngân hàng Đại Dương.
Chưa kể một chuyên án khác đang âm thầm biến thành đại án mà rất có thể biến diễn thành một trận bắt bớ nhiều quan chức ở Đà Nẵng và cả cấp trung ương trong không bao lâu nữa : vụ Vũ "Nhôm".
Ông Trọng đã hành động đúng theo "chủ nghĩa nhân văn chống tham nhũng", hay vắn tắt là "nhân văn trước tết" của ông khi đề cập vụ "xử nặng nề" Đinh La Thăng sau tết. Và khi một cái tết nguyên đán lễ lạt cúng khấn và bỉ bôi quan chức đã trôi qua, sẽ chẳng còn "nhân văn" gì nữa.
"Người đốt lò vĩ đại" - một tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam cất tiếng ca ngợi tổng bí thư của giới đảng - đang khuấy đảo mọi thứ sau tết. Cái lò vụt nóng rực, phả hơi nóng hừng hực lên nhiều gương mặt đờ đẫn như mất hồn đang không biết khi nào sẽ bị tống vào lò.
Chỉ "cải tổ" hay còn "thay máu" ?
Hai vụ liên tiếp bắt sĩ quan cao cấp của Bộ Công an - Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức đại gia Vũ "Nhôm") và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - vào những tháng đầu năm 2018 cho thấy đòn "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng đang giáng thẳng vào cơ quan bộ vẫn được xem là "bất khả xâm phạm" này.
Bộ Công an - một tổ chức quyền lực hoặc siêu quyền lực - nhưng đang có tướng công an bị bắt và được Tổng bí thư Trọng chủ trương công khai cho báo chí và dư luận theo cách "vạch áo cho người xem lưng", rất có thể sẽ bị ông Trọng tiến hành "thay máu" trong thời gian tới.
Dù vẫn còn giữ vai trò "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng", nhưng Bộ Công an đã lộ ra những dấu hiệu bị giảm sút nghiêm trọng đặc quyền "bất khả xâm phạm", nếu so sánh thực trạng của cơ quan này với Bộ Quốc phòng và Tổng cục 2.
Từ cuối năm 2017, đã lan tỏa tin tức về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng đang tính đến khả năng "cải tổ" Bộ Công an Việt Nam. Theo đó, một đề án về sắp xếp lại bộ này đã được chuẩn bị, nhiều tổng cục vốn tồn tại như một cấp trung gian sẽ bị hủy bỏ vai trò của chúng, kéo theo ghế và bổng lộc của nhiều quan chức công an sẽ không còn nữa.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng của tướng Ngô Xuân Lịch có vẻ ít được "nhắc nhở" hơn. Khác với ngành công an, Bộ Quốc phòng tỏ ra thành tâm hơn đôi chút trong việc sắp xếp lại quân đội, đặc biệt là khối kinh tế quốc phòng mà trước đó đã bị rất nhiều tai tiếng.
Sau tết nguyên đán năm 2018, thông tin về đề án "cải tổ Bộ Công an" càng hiện ra rõ hơn cùng lộ trình cụ thể là đề án này có thể được hoàn tất trước Hội nghị trương 7 (có thể diễn ra vào tháng Năm năm 2018), để hội nghị này sẽ "chốt" kế hoạch sắp xếp lại Bộ Công an và kế hoạch nhân sự đi kèm, kể cả những nhân sự cao cấp nhất của Bộ Công an.
Trong khi đó, cứ sau mỗi tháng lại hiện thêm những dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng đã nắm quyền lực một cách thực chất trong việc chỉ đạo Bộ Công an, khác hẳn vai trò mờ nhạt của ông Trọng vào năm 2016 khi ông ta phải "tự tham gia" Thường vụ đảng ủy công an trung ương vào tháng Mười năm đó.
Cũng xuất hiện ngày càng dày hơn những đồn đoán và tin tức chưa kiểm chứng về một vài lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an sẽ phải "ra đi" trước hay trong Hội nghị trung ương 7. Cơ sở của tin tức này trở nên có chân đứng hơn khi đồng thời xảy ra ba vụ Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Thanh Hóa và AVG mà ít nhất sẽ liên quan đến trách nhiệm quản lý cán bộ và ký tá của lãnh đạo Bộ Công an.
Việc Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị bắt ngay sau chỉ đạo của Tổng bí thư Trọng và cùng trong ngày 11/3/2018 đã cho thấy đây là lần thứ hai liên tiếp, ông Trọng thành công với phương châm "việc cần làm ngay", tức Bộ Công an phải triển khai chỉ đạo của ông Trọng ngay lập tức.
Lần thành công đầu tiên về "việc cần làm ngay" của Tổng bí thư Trọng là sự kiện bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào ngày 8/12/2017 : sáng họp đảng để chỉ đạo bắt, chiều họp quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu, và đến chiều muộn thì chính thức thông báo "đã bắt Đinh La Thăng" cho báo chí (nhưng có thể ông Thăng đã bị bắt từ những ngày trước).
Vụ bắt Đinh La Thăng không chỉ là một bằng chứng cho thấy tiền lệ "ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam" đã bị xóa bỏ, mà còn là lần đầu tiên chứng tỏ hiệu ứng quyền lực thực sự của Nguyễn Phú Trọng đối với Bộ Công an - điều mà những đời tổng bí thư gần đây như Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đã không với tới được.
Đòn đánh mang tính quyết liệt hiếm có của tổng bí thư đảng cầm quyền vào Bộ Công an vào đầu năm 2018 mang một nét gì đó của dĩ vãng 5 năm trước ở Trung Quốc. Vào những năm 2013 và 2014, sau khi đã xử gọn Bạc Hy Lai là Bí thư tỉnh Trùng Khánh và là ủy viên bộ chính trị, Tập Cận Bình đã tiến tới hành động "thay máu" Bộ Công an Trung Quốc, với nhân vật tiếp theo Bạc Hy Lai cũng là một ủy viên bộ chính trị - Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang. Chu Vĩnh Khang đã bị bắt, để sau đó Tập Cận Bình chính thức trở thành "bộ trưởng thứ nhất Bộ Công an".
Nếu một số cựu thần của đảng phát ra cái nhìn "cấp ủy viên bộ chính trị như Đinh La Thăng mà còn bị bắt và xử tù thì cấp tướng có là cái gì", thì khi cơ quan "thanh kiếm và lá chắn" như Bộ Công an mà còn bị ông Trọng "làm thịt", thân phận các bộ ngành và tỉnh thành khác chỉ là "con sâu cái kiến".
Cũng có thể hiểu là nếu cấp ủy viên trung ương chỉ thuộc loại ‘ruồi", thì cấp ủy viên thường vụ tỉnh thành chỉ nên được xem là "muỗi".
Liệu có diễn ra một cơn địa chấn "đốt lò" trên diện rộng tên khắp Việt Nam - hiện tượng tương đồng với chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn ở Trung Quốc mà đã mang lại kết quả đến 1,3 triệu quan chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị "bóc lịch" ?
Cơn địa chấn sắp đến
Động thái Tổng bí thư Trọng bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương là đầy ẩn ý thâm sâu.
Với cả hai chức vụ song hành trên, ông Trần Quốc Vượng sẽ không còn cần đến động tác Ủy ban Kiểm tra trung ương làm tờ trình gửi Thường trực Ban bí thư mỗi khi muốn đề xuất kỷ luật quan chức nào như trước đây, mà trong một số trường hợp và có thể nhận được sự cho phép của Tổng bí thư Trọng, ông Vượng - trong vai trò Thường trực Ban bí thư và trên tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai", sẽ "quyết luôn".
Trước đây, thông thường Ủy ban Kiểm tra trung ương phải kiểm tra đối tượng quan chức - đảng viên vi phạm, sau đó hoàn thành kết luận kiểm tra rồi làm tờ trình gửi Thường trực Ban bí thư xin ý kiến chỉ đạo, không chỉ với đối tượng thuộc loại "có máu mặt" tức vào hàng ủy viên trung ương hay bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban ngang cấp bộ không phải ủy viên trung ương, mà kể cả đối với các ủy viên thường vụ tỉnh ủy ; thành ủy và tỉnh ủy viên lẫn thành ủy viên.
Gần đây đã xuất hiện thông tin chính thức về việc trong năm 2018, Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Vượng sẽ tiến hành những cuộc kiểm tra đến tận cấp quận, huyện, thay vì chỉ kiểm tra đến cấp tỉnh, thành như trước đây. Theo đó, khối lượng công việc của cơ quan Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ tăng vọt so với trước, kéo theo một danh sách rất dài các quan chức - đảng viên dự kiến sẽ bị kỷ luật và bị cho "nhập kho".
Có lẽ đó là một trong những nguồn cơn chính yếu mà đã khiến Tổng bí thư Trọng quyết định phân quyền cho Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng. Thậm chí, có thể hình dung một cơ chế cởi nới và thông thoáng đến mức là Ban bí thư sẽ được "quyết" xử lý kỷ luật không chỉ đối với các quan chức cấp tỉnh, thành mà còn có thể ra thông báo kỷ luật luôn cấp ủy viên trung ương đảng mà không cần xin ý kiến tổng bí thư, hoặc chỉ cần thông báo cho tổng bí thư về vụ việc kỷ luật đó.
Trong thực tế, với cả hai chức vụ song hành vừa Thường trực Ban bí thư vừa Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Trần Quốc Vượng đã vươn lên trở thành nhân vật không chỉ "số 2 trong đảng" mà còn là nhân vật có thực quyền thứ hai trong bộ máy "đảng và nhà nước ta", chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cũng có thể nhìn rõ ý đồ của Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy Trần Quốc Vượng trở thành "Vương Kỳ Sơn Việt Nam" để phục vụ đắc lực hơn cho công cuộc được xem là "chống tham nhũng" của ông Trọng.
Vương Kỳ Sơn là ủy viên thường vụ bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương. Từ khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư vào năm 2012 và chủ tịch nước vào năm 2013, Vương Kỳ Sơn đã chính thức trở thành cánh tay mặt của Tập trên mặt trận "đả hổ diệt ruồi", trở thành nỗi sợ hãi đến mất ngủ của rất nhiều quan chức tham nhũng. Trong thực tế, Vương Kỳ Sơn được đánh giá là nhân vật quyền lực thứ hai trong đảng, chỉ sau Tập Cận Bình. Nhưng Vương Kỳ Sơn còn qua mặt Tập bằng vào kỷ lục số lần bị ám sát hụt.
Nếu không có gì khác hơn hoặc biến động, về thực chất sẽ là cơ chế "Vượng diệt ruồi muỗi, Trọng diệt hổ" ở Việt Nam.
Chiến dịch "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng cũng vì thế đầy hứa hẹn sôi sục và quay quắt, cùng "cái lò" của ông hứa hẹn tỏa ra hơi nóng khủng khiếp trong năm 2018 này.
Sau Đinh La Thăng, rất có thể sẽ là những cái tên quan trọng khác của giới quan chức - những "khúc củi" vừa khô vừa tươi - bị tống vào "lò".
Tin xấu đối với các đối thủ chính trị và đối tượng tham nhũng của ông Trọng là vào năm 2018, có lẽ bản "danh sách tử thần" của ông Trọng đang và sẽ ngày càng dài ra, bắt buộc Ủy ban Kiểm tra trung ương - cơ quan duy nhất được ông Trọng khen ngợi công khai "làm việc gì ra việc nấy" - phải hoạt động hết công suất, và Trần Quốc Vượng - dù muốn hay không - cũng phải trở thành "Vương Kỳ Sơn Việt Nam".
Còn tin rất xấu là vào đầu năm 2018, Nguyễn Phú Trọng dường như muốn phát đi thông điệp "chống tham nhũng công bằng", thay cho "chống tham nhũng một bên" trước đây. Nếu trong nửa đầu năm 2018, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn - nhân vật từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm phó trưởng ban tuyên giáo trung ương vào năm 2016 - bị tống vào "lò" trong vụ "Mobifone mua AVG" và do vậy có thể "theo chân" Đinh La Thăng ra tòa, quan điểm "chống tham nhũng cả phe ta" của ông Trọng sẽ bắt đầu được chứng thực và trở nên nỗi kinh hoàng cho tất cả các phe.
Chỉ riêng ngày 15/03/2018, hàng loạt Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam từ cấp cao cho đến cấp thấp ở các tỉnh, thành bị xem xét kỷ luật, tiếp tục bị đề nghị kỷ luật và bị truy tố. Có thể nói "lò củi" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục cháy, cháy lan, cháy mạnh, cháy chưa ngừng nghỉ …
Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa
Vào chiều ngày 31/07/2017, tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Tổng bí thư Đảng Đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu : "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" thể hiện quyết tâm chống tham nhũng trong nội bộ Đảng Đảng cộng sản Việt Nam và sẵn sàng đốt tươi những Đảng viên "sâu dân mọt nước". Sau lời phát biểu trên, dư luận Việt Nam, đặc biệt giới quan tâm chính sự Việt Nam muốn xem tầm ra oai của Tổng bí thư Trọng đến đâu bởi "diệt chuột đừng để vỡ bình", phải biết giữ khẽ khi xử lý việc nhà, tránh mức tối đa việc sứt mẻ tình đồng chí. Đưa Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng vào nhà giam là một trong những vụ án nổi bật cho thấy Tổng bí thư Trọng đang cụ thể hóa lời tuyên bố "đốt lò" của mình.
Dư luận và giới quan tâm chính sự Việt Nam trong những ngày qua đặc biệt quan tâm đến bản tin thời sự "nóng bỏng" vụ bắt giam thiếu tướng Công an Nguyễn Thanh Hóa và hàng chục quan chức ở các ban ngành trong vụ án cờ bạc, rửa tiền xuyên quốc gia do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Đương cầm đầu, rồi đến vụ MobiFone mua AVG lôi ra hàng loạt cá nhân, bộ, sở như Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông… để xem xét kỷ luật.
Tiếp tục chiến dịch "đốt lò" do Tổng bí thư Trọng khởi xướng, ngày 15/03/2018, hàng loạt Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam từ cấp cao cho đến cấp thấp ở các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Sài Gòn bị tiếp tục xem xét kỷ luật, bị đề nghị kỷ luật và bị truy tố.
Theo trang báo mạng VnExpress. Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa thông báo nội dung kỳ họp 23 diễn ra trong hai ngày 12 và 13/03, qua đó nêu kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020. Cụ thể người mà Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nêu rõ có khuyết điểm nghiêm trọng, phải tiếp tục xử lý kỷ luật là bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian là Giám đốc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương), bà Thanh đã chấp thuận cho triển khai thực hiện dự án Khu nhà tập thể Sở Công nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh từ tháng 6/2011 – 9/2014, bà Thanh đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, ký nhiều văn bản liên quan đến dự án đầu tư trái quy định, có biểu hiện tư lợi cho doanh nghiệp của gia đình là công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng.
Bà Thanh còn vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, Nhà nước trong việc đi nước ngoài.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra trung ương từ ngày 27 đến 30/06/2017, cơ quan này đã quyết định kỷ luật bà Mỹ Thanh bằng hình thức cảnh cáo với những vi phạm, khuyết điểm : Ký các văn bản của Ủy ban tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát nhưng không thông qua tập thể Ủy ban tỉnh cũng như chưa báo cáo Thường trực Hội đồng tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
Cũng trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại kỳ họp 23 còn yêu cầu Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020, các ông ; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng tỉnh ; ông Trần Văn Tư, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm ; ông Đinh Quốc Thái – Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban tỉnh, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận các ông này cùng chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Nội dung kỳ họp 23 của Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Trần Quốc Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục chính trị – hậu cần (B41), Tổng cục V, Bộ Công an do trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục B41, Phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an, ông Cường đã vi phạm quy chế làm việc ; ký giấy ủy quyền và bản cam kết cho phép doanh nghiệp được huy động vốn cho dự án nhà ở Đại Kim không đúng quy định pháp luật ; tạo sơ hở để cán bộ cấp dưới trực tiếp lợi dụng phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ông Cường cũng ký duyệt chi không đúng mục đích tiền đóng góp mua nhà của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Ngoài kỳ họp 23 của Ủy ban Kiểm tra trung ương nhưng cũng trong ngày 15/03/2018 tại Sài Gòn, báo mạng VnExpress đăng tin Công an Sài Gòn hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố ông Thi Danh-nguyên Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú và ông Nguyễn Duy Linh -nguyên kế toán trưởng của ban cùng về hành vi Tham ô tài sản.
Theo điều tra, từ tháng 11/2003 đến tháng 1/2016, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú được giao thực hiện nhiều dự án trên địa bàn. Khi nguồn tiền từ ngân sách hoặc từ nhà đầu tư chuyển vào ba tài khoản của Ban để đền bù cho người dân, ông Danh chỉ đạo Linh "hợp thức hoá" các hồ sơ khống để rút ra sử dụng cá nhân.
Trong đó, tại dự án cải tạo kênh và đường Tân Hóa – Lò Gốm, ông Danh và đồng phạm "rút ruột" hơn 23 tỷ đồng.
Còn tại dự án Khu liên hợp Văn hoá thể thao và dân cư Tân Thắng (phường Sơn Kỳ), ông Danh chỉ đạo Linh lập 5 hồ sơ khống (mang tên con dâu, con rể…) để rút hơn 20 tỷ đồng, chiếm đoạt.
Tổng số tiền chiếm đoạt từ 6 dự án là 54 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Trong vụ án này, ngoài ông Thi Danh và Nguyễn Duy Linh đã bị bắt giam, còn có 2 tập thể và 11 đảng viên bị xử lý kỷ luật. Trong đó, ông Huỳnh Văn Hạnh nguyên Bí thư Quận ủy Tân Phú, hiện là Giám đốc sở Tư pháp thành phố ; bà Hứa Thị Hồng Đang phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban quận, nguyên trưởng ban Tổ chức Quận ủy ; bà Lương Thị Phượng phó chủ tịch Ủy ban quận và ông Nguyễn Tiến Lực chánh thanh tra quận, nguyên trưởng phòng Tài chính – kế hoạch quận nhận hình thức kỷ luật khiển trách).
Ông Phan Tấn Lực nguyên phó bí thư quận ủy, nguyên chủ tịch Ủy ban quận Tân Phú nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.
"lò củi" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đang tiếp tục cháy, cháy lan, cháy mạnh, cháy chưa ngừng nghỉ. Tại Đà Nẵng, trong vòng một tháng qua, hay nói chính xác hơn là từ sau vụ bắt Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm" thì có quá nhiều tin đồn nhắm vào ông Cựu Chủ tịch thành phố Trần Văn Minh nào là bị khám xét nhà, nào là "đối tượng" trước sau gì cũng bị đưa vào lò đốt…căn cứ là do ông Minh dính quá nhiều trong sai phạm của Vũ "nhôm". Thực ra vụ bắt Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng cũng là một vụ án nổi bật nhưng sớm lắng xuống vì xét tầm chỉ ở mức địa phương, vì có nhiều nhận định mà dư luận cho rằng đây là vụ án liên quan đến việc đấu đá giữa hai phe Công an và Quân đội hơn là liên quan đến công cuộc chống tham nhũng của Đảng Đảng cộng sản Việt Nam. Cuối cùng, câu trả lời rõ ràng nhất của vụ án này hiện tại đang cần thêm nhiều thời gian để phân tích. Tuy vậy, vẫn phải thừa nhận một sự thật "lò củi" mà ông Trọng khởi xướng đốt đang cháy lan, cháy khắp nơi.
Quê Hương
Nguồn : CaliToday, 17/03/2018
Nguyễn Phú Trọng đang biến các đồng chí của mình thành những vật tế thần cho ngai vàng của ông ta. Ai cũng hiểu một điều, tham nhũng không bao giờ chấm dứt trong thể chế cộng sản. Hơn ai hết, với chuyên ngành xây dựng đảng, ông giáo sư Nguyễn Phú Trọng hiểu rõ điều này.
Trọng có thể ngồi đến muôn thuở vì chẳng bao giờ hết việc, chẳng bao giờ hết tham nhũng, lợi ích nhóm trong cái thể chế quái thai này
Nhưng mỗi tổng bí thư muốn trở thành chói lọi phải có đường lối, sách lược, tư tưởng nào đó mới xứng đáng là người cầm lái của đảng. Đường lối đúng hay sai không cần biết, vì cả bộ máy của đảng có vô khối kẻ không biết và những kẻ biết đường lối đó là sai cũng sẽ chẳng ý kiến gì. Bởi thế việc cần đường lối, kế hoạch của một tổng bí thư miễn sao là có, không cần nó đúng hay sai.
Tổng bí thư ầm ĩ nhất là Lê Duẩn với kế hoạch 5 năm trong thập kỷ 80 với cụm từ thời kỳ quá độ, tiếp đến là ông Nguyễn Văn Linh với kế hoạch đổi mới nói và làm. Các tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu rực rỡ với thời kỳ giải quyết quan hệ Việt Nam, Trung Quốc trở thành ấm nồng.
Ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với chuyên ngành xây dựng đảng, không hề có khái niệm nào về kinh tế mặc dù ông ta có học ở Nga. Ông ta cũng không hiểu biết gì về ngoại giao và quan hệ quốc tế, chính vì thế ông ta đã làm điều ngu xuẩn là ra lệnh bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức. Ông ta khen trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam, một sự nịnh bợ thái quá và lộ liễu làm mất thể diện dân tộc không nên có ở một vị trí như ông ta đang giữ.
Tuy nhiên, bằng chuyên môn của mình, Trọng đã phát kiến ra việc chống tham nhũng dưới chiêu bài xây dựng đảng, nói một cách nôm na là kiếm việc cho mình làm. Với cách này Trọng có thể ngồi đến muôn thuở vì chẳng bao giờ hết việc, chẳng bao giờ hết tham nhũng, lợi ích nhóm trong cái thể chế quái thai này. Vì thế các đồng chí của Trọng lần lượt ra vành móng ngựa để tô điểm cho cái ngai vàng Trọng đang xây dựng cho mình.
Các đồng chí của Trọng lần lượt ra vành móng ngựa để tô điểm cho cái ngai vàng Trọng đang xây dựng cho mình.
Trở thành vật tế cho quyền lực của Nguyễn Phú Trọng đã là một cái đau, bị chính những tên đồng chí cùng tham nhũng với mình nhưng không bị xử, chúng đứng ngoài nhởn nhơ lại càng thêm đau đớn.
Nhưng đau hơn cả với những kẻ bị mang ra xử, tù tội đã đành, ê chề cũng đành. Có cái còn đau đớn hơn là nỗi nhục để lại cho gia đình, vợ con, hàng xóm. Chiến lược đánh tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng có một điểm cực kỳ dã man, đó là dùng truyền thông vùi dập, nhục mạ, soi mói vào những kẻ bị đưa ra xét xử. Báo chí và dư luận được bật đèn xanh, mớm tin hay những câu chuyện ngoài lề để tô vẽ những kẻ bị xét xử là những kẻ tệ hại, ăn chơi sa đọa, thủ đoạn tinh vi, mưu sâu kế hiểm vô cùng. Từ chuyện vợ con, cha mẹ, anh em đều được lôi ra tuốt tuột, giỗ bố, tang mẹ, cưới con không cái gì là không khai thác với góc độ mỉa mai để dư luận căm ghét, khinh bỉ những kẻ bị đem ra xét xử. Ngay cả người đồng chí, anh cả Nguyễn Phú Trọng miệt thị gọi họ là củi tươi, củi khô. Những quan chức hàng ngày ngạo nghễ, xênh sang trong mắt mọi người, bỗng nhiên trở thành cành củi, một thứ vô tri, vô giác.
Hãy nhìn tấm gương Đinh La Thăng, một kẻ từng được phong như một vị tướng với cái tên Tư lệnh ngành, oai phong và lẫm liệt, phong cách nói và làm đầy ngang tàng khí phách. Hình ảnh Nguyễn Phú Trọng và Đinh La Thăng ôm nhau bước đi trong buổi Trọng tiễn Đinh La Thăng đi làm bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thân tình như vậy, ai ngờ có ngày Đinh La Thăng khóc lóc van xin tổng bí thư tha tội. Mặc dù Thăng trước đó luôn một điều, hai điều kính cẩn dạ vâng với Trọng, mặc dù Đinh La Thăng nhẫn nhịn cúi đầu trước những đòn đánh của Trọng ngày này qua ngày khác, đến khi đuổi khỏi chức tức bí thư, khỏi bộ chính trị ngồi chơi xơi nước, Trọng vẫn lôi ra làm vật tế ngai vàng. Những hình ảnh oai phong xông pha công việc bây giờ bị biến thành âm mưu đánh bóng bản thân, những tâm huyết muốn ngành nghề của mình tự lực phát triển bị gán mác lợi ích nhóm. Không có nhà biệt thự, tài sản ngân hàng để đánh phá thì lấy miếng ăn, miếng uống ra để hạ nhục là ăn chơi hoang tàn, nốc rượu Tây liên tục. Bố chết vì sốc cảnh con trai ra tù, sợ thiên hạ chê mình quá đáng, Trọng cho dư luận viên tuyên truyền đó là quả báo, thiên hạ hả hê trước cảnh bố Thăng chết và coi như đó là sự trừng phạt đích đáng bồi thêm cho một tên quan tham, hại dân, hại nước.
Tất cả những thanh củi tươi, củi khô khi thành củi của Nguyễn Phú Trọng đều trở thành những kẻ ghê tởm và đáng chết, đáng nguyền rủa trong mắt dư luận như thế.
Hỡi những thanh củi tươi và những thanh củi khô, và những thứ sắp thành củi hay thành củi lúc nào không biết. Hãy nghĩ đến số phận của người thân mình, khi mình đã thành củi. Các bạn sa cơ, thua trận bị kẻ thù bắt, chúng không bao giờ sỉ nhục gia đình bạn.
Có những người miền Nam đi tập kết ra Bắc lấy vợ khác không biết ngày về, chế độ Việt Nam Cộng Hòa không nhục mạ vợ con bạn, bằng chứng như chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, bố đi tập kết, mẹ ở nhà lấy sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, người sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ấy đã nuôi nấng chăm sóc Thơ như con đẻ.
Nhưng đừng mơ gia đình bạn yên lành khi bạn sa vào tay các đồng chí từng nâng cốc, sát cánh với mình. Các đồng chí của bạn sẽ lôi cha bạn ra như trường hợp Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh. Lôi con của bạn với cái gọi nhạo báng là "thần đồng chính trị".
Bạn không cho con bạn theo nghiệp, chúng gọi bạn không có truyền thống cách mạng. Bạn cho con bạn theo bạn, nếu bạn không ổn, chúng sẽ xỉ nhục con bạn là bám vào bố mẹ, loại dựa dẫm bất tài mặc dù con của bạn có học hành tử tế, bằng cấp hẳn hoi chứ không phải loại bằng mà chúng mua hay như chính bạn mua ở cái trường đại học quốc tế vô danh nào đó.
Liệu con bạn có sống nổi với những lời đàm tiếu, miệt thị như thế không ? Các bạn hãy nhìn tấm gương của viên sĩ quan công an trong vụ Đường Sơn Quán bị miệt thị, đến mức cô con gái trẻ tuổi không chịu đựng nổi phải tự vẫn.
Liệu con bạn có sống nổi với những lời đàm tiếu, miệt thị như thế không ?
Quả báo nào ở cái chế độ thối tha này mà áp vào gia đình bạn, nếu quả báo là có thật thì những kẻ lãnh đạo gây đầy những tội ác diệt chủng không thể phởn phơ sống để cả trăm tuổi, không thể sung mãn đến 70 tuổi mà vẫn có bồ nhí, vợ lẽ bằng tuổi cháu mình.
Các bạn đã làm sai, đã tham nhũng, đã ăn hối lộ nhưng các đồng chí khác đang đứng nhìn bạn bị xử như chính những kẻ xử các bạn, chúng cũng đã và đang và sẽ tiếp tục tham nhũng khi chúng đang xử các bạn tội tham nhũng. Cuộc đời như canh bạc, bạn có thể từ đỉnh cao bước vào nhà tù ăn cơm với cá khô như ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, nằm trên sàn đất và uống nước từ vòi nước trong bể xi măng. Thân thể bạn bị tù đày, khổ đau thể xác tinh thần chỉ những bạn tù và quản giáo chứng kiến. Điều đó đau làm sao bằng con các bạn đến trường, đến lớp với ánh mắt khinh bỉ, những lời giễu cợt cay đắng vào chúng. Chúng sẽ bị tù đày giữa những bạn bè và hàng xóm của chúng hàng ngày với những cái nhìn, thái độ khinh miệt và những lời dèm pha xát muối vào tuổi hoa niên của chúng.
Không phải chỉ các quan chức, mà ngay cả các đại gia hãy đoàn kết lại với nhau. Đừng để những kẻ từng nhận hối lộ của bạn ngày nào đó trở thành những kẻ đạo mạo trong mắt công chúng để phán xét bạn. Sự thối nát của chế độ này nằm ở trong thể chế chứ không phải trong con người bạn, bởi thế đừng nên chấp nhận cam chịu trở thành vật tế thần cho những kẻ thối nát hơn bạn, để tôn vinh cho chúng.
Và hơn hết, đừng khiến con bạn phải đau đớn, tự vẫn như con gái viên sĩ quan công an bị xỉ nhục bằng những luận điệu mà ngày hôm nay y và rất nhiều tên bồi bút khác đang làm.
Hỡi những thanh củi khô hay tươi hay sắp thành củi, hãy đoàn kết lại.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 17/03/2018
Chỉ riêng ngày 15/03/2018, hàng loạt Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam (cộng sản Việt Nam) từ cấp cao cho đến cấp thấp ở các tỉnh, thành bị xem xét kỷ luật, tiếp tục bị đề nghị kỷ luật và bị truy tố. Có thể nói "lò củi" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục cháy, cháy lan, cháy mạnh, cháy chưa ngừng nghỉ …
Nguyễn Phú Trọng : Cái lò đã nóng lên rồi… - Ảnh minh họa
Vào chiều ngày 31/07/2017, tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu : "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" thể hiện quyết tâm chống tham nhũng trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam và sẵn sàng đốt tươi những Đảng viên "sâu dân mọt nước". Sau lời phát biểu trên, dư luận Việt Nam, đặc biệt giới quan tâm chính sự Việt Nam muốn xem tầm ra oai của Tổng bí thư Trọng đến đâu bởi "diệt chuột đừng để vỡ bình", phải biết giữ khẽ khi xử lý việc nhà, tránh mức tối đa việc sứt mẻ tình đồng chí. Đưa Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng vào nhà giam là một trong những vụ án nổi bật cho thấy Tổng bí thư Trọng đang cụ thể hóa lời tuyên bố "đốt lò" của mình.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Ảnh : VVT
Dư luận và giới quan tâm chính sự Việt Nam trong những ngày qua đặc biệt quan tâm đến bản tin thời sự "nóng bỏng" vụ bắt giam thiếu tướng Công an Nguyễn Thanh Hóa và hàng chục quan chức ở các ban ngành trong vụ án cờ bạc, rửa tiền xuyên quốc gia do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Đương cầm đầu, rồi đến vụ MobiFone mua AVG lôi ra hàng loạt cá nhân, bộ, sở như Bộ Công an, Bộ Truyền thông& Thông tin…để xem xét kỷ luật.
Ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk. Ảnh : P.V
Tiếp tục chiến dịch "đốt lò" do Tổng bí thư Trọng khởi xướng, ngày 15/03/2018, hàng loạt Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam (cộng sản Việt Nam) từ cấp cao cho đến cấp thấp ở các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Sài Gòn bị tiếp tục xem xét kỷ luật, bị đề nghị kỷ luật và bị truy tố.
Theo trang báo mạng VnExpress. Ủy ban Kiểm tra trung ương cộng sản Việt Nam vừa thông báo nội dung kỳ họp 23 diễn ra trong hai ngày 12 và 13/03, qua đó nêu kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020. Cụ thể người mà Ủy ban Kiểm tra trung ương cộng sản Việt Nam nêu rõ có khuyết điểm nghiêm trọng, phải tiếp tục xử lý kỷ luật là bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian là Giám đốc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương), bà Thanh đã chấp thuận cho triển khai thực hiện dự án Khu nhà tập thể Sở Công nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh từ tháng 6/2011 – 9/2014, bà Thanh đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, ký nhiều văn bản liên quan đến dự án đầu tư trái quy định, có biểu hiện tư lợi cho doanh nghiệp của gia đình là công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng.
Bà Thanh còn vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, Nhà nước trong việc đi nước ngoài.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra trung ương từ ngày 27 đến 30/06/2017, cơ quan này đã quyết định kỷ luật bà Mỹ Thanh bằng hình thức cảnh cáo với những vi phạm, khuyết điểm : Ký các văn bản của Ủy ban tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát nhưng không thông qua tập thể Ủy ban tỉnh cũng như chưa báo cáo Thường trực Hội đồng tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
Cũng trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra trung ương cộng sản Việt Nam tại kỳ họp 23 còn yêu cầu Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020, các ông ; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng tỉnh ; Ông Trần Văn Tư, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm ; Ông Đinh Quốc Thái – Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban tỉnh, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận các ông này cùng chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Nội dung kỳ họp 23 của Ủy ban Kiểm tra trung ương cộng sản Việt Nam cũng đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Trần Quốc Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục chính trị – hậu cần (B41), Tổng cục V, Bộ Công an do trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục B41, Phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an, ông Cường đã vi phạm quy chế làm việc ; ký giấy ủy quyền và bản cam kết cho phép doanh nghiệp được huy động vốn cho dự án nhà ở Đại Kim không đúng quy định pháp luật ; tạo sơ hở để cán bộ cấp dưới trực tiếp lợi dụng phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ông Cường cũng ký duyệt chi không đúng mục đích tiền đóng góp mua nhà của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Ngoài kỳ họp 23 của Ủy ban Kiểm tra trung ương nhưng cũng trong ngày 15/03/2018 tại Sài Gòn, báo mạng VnExpress đăng tin Công an Sài Gòn hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm Sát đề nghị truy tố ông Thi Danh-nguyên Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú và ông Nguyễn Duy Linh -nguyên kế toán trưởng của ban cùng về hành vi Tham ô tài sản.
Theo điều tra, từ tháng 11/2003 đến tháng 1/2016, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú được giao thực hiện nhiều dự án trên địa bàn. Khi nguồn tiền từ ngân sách hoặc từ nhà đầu tư chuyển vào ba tài khoản của Ban để đền bù cho người dân, ông Danh chỉ đạo Linh "hợp thức hoá" các hồ sơ khống để rút ra sử dụng cá nhân.
Trong đó, tại dự án cải tạo kênh và đường Tân Hóa – Lò Gốm, ông Danh và đồng phạm "rút ruột" hơn 23 tỷ đồng.
Còn tại dự án Khu liên hợp Văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng (phường Sơn Kỳ), ông Danh chỉ đạo Linh lập 5 hồ sơ khống (mang tên con dâu, con rể…) để rút hơn 20 tỷ đồng, chiếm đoạt.
Tổng số tiền chiếm đoạt từ 6 dự án là 54 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Trong vụ án này, ngoài ông Thi Danh và Nguyễn Duy Linh đã bị bắt giam, còn có 2 tập thể và 11 đảng viên bị xử lý kỷ luật. Trong đó, ông Huỳnh Văn Hạnh nguyên Bí thư Quận ủy Tân Phú, hiện là Giám đốc sở Tư pháp thành phố ; bà Hứa Thị Hồng Đang phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban quận, nguyên trưởng ban Tổ chức Quận ủy ; bà Lương Thị Phượng phó chủ tịch Ủy ban quận và ông Nguyễn Tiến Lực chánh thanh tra quận, nguyên trưởng phòng Tài chính – kế hoạch quận nhận hình thức kỷ luật khiển trách).
Ông Phan Tấn Lực nguyên phó bí thư quận ủy, nguyên chủ tịch Ủy ban quận Tân Phú nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.
"Lò củi" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đang tiếp tục cháy, cháy lan, cháy mạnh, cháy chưa ngừng nghỉ và Và ngọn lửa đó "đượm" mùi tham nhũng. Tại Đà Nẵng, trong vòng một tháng qua, hay nói chính xác hơn là từ sau vụ bắt Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm" thì có quá nhiều tin đồn nhắm vào ông Cựu Chủ tịch thành phố Trần Văn Minh nào là bị khám xét nhà, nào là "đối tượng" trước sau gì cũng bị đưa vào lò đốt… căn cứ là do ông Minh dính quá nhiều trong sai phạm của Vũ "nhôm".
Thực ra vụ bắt Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng cũng là một vụ án nổi bật nhưng sớm lắng xuống vì xét tầm chỉ ở mức địa phương, vì có nhiều nhận định mà dư luận cho rằng đây là vụ án liên quan đến việc đấu đá giữa hai phe Công an và Quân đội hơn là liên quan đến công cuộc chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam. Cuối cùng, câu trả lời rõ ràng nhất của vụ án này hiện tại đang cần thêm nhiều thời gian để phân tích.
Tuy vậy, vẫn phải thừa nhận một sự thật "lò củi" mà ông Trọng khởi xướng đốt đang cháy lan, cháy khắp nơi.
Quê Hương
Nguồn : CaliToday, 16/03/2018
Dư luận xoay chiều
"Đừng vội phê phán ông Trọng, cứ để ông ấy làm. Tham nhũng là phải đánh, ai đánh cũng được, miễn là chịu đánh tham nhũng. Làm không được thì mất đảng chứ có mất nước đâu mà sợ" - phát biểu của một cán bộ đã hưu trí lâu năm không hề thích đảng cộng sản và trước đó đã nhiều lần bày tỏ "còn đảng cộng sản thì làm sao chống được tham nhũng".
Liệu Nguyễn Phú Trọng có "chống tham nhũng công bằng", hoặc phải "chống tham nhũng cả phe ta" như người dân mong mỏi và đòi hỏi ?
Vì sao lại có một sự thay đổi đáng kể về quan niệm của cán bộ hưu trí thuộc loại "cấp tiến" trên ?
Một số cuộc thăm dò bỏ túi của tác giả bài viết này đã cho ra kết quả là ý kiến trên lại đại diện cho khá nhiều người trong lớp công chức về hưu và cho người dân thuộc các tầng lớp khác. Một số trong các tầng lớp này trước đây còn không ưa Nguyễn Phú Trọng, coi thường Nguyễn Phú Trọng và cứ nói đến Nguyễn Phú Trọng là thốt ra "Cái lão Lú ấy mà !".
"Tin làm sao được ! Lão ấy nói mãi như thế mà có làm đâu !" - đó là lời tán thán của nhiều người dân ngay cả khi Nguyễn Phú Trọng bật ra triết ngôn xuất thần "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy" vào tháng Tám năm 2017.
Nhưng bắt đầu từ đầu tháng Mười Hai năm 2017, sau vụ Nguyễn Phú Trọng hạ lệnh bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, quan điểm của dư luận đã xoay dần rồi xoay rộng.
Một hiện tượng đáng chú ý không kém là chiến dịch "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng còn lôi kéo được mối thiện cảm có chừng mực của một bộ phận giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, mặc dù nhiều người thừa hiểu rằng nếu không có lệnh của Nguyễn Phú Trọng, làm sao công an dám bắt bớ và tống giam đến 25 nhà hoạt động nhân quyền, nhất là đàn áp nặng nề phong trào phản kháng Formosa ở miền Trung, chỉ trong năm 2017.
Cũng như người dân, nhiều thành viên trong phong trào dân chủ nhân quyền căm thù đến xương tủy giới quan lại nhũng nhiễu và tham nhũng giàu nứt đố đổ vách và cực kỳ vô trách niệm với dân tộc. "Cứ để chúng nó cắn xé nhau, diệt được thằng nào cũng tốt cho xã hội" - nhiều người cho biết là họ suy nghĩ như thế.
Ý nghĩ dần chuyển thành nhận thức, nhận thức lại biến thành những bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội, tạo thành một kênh thông tin không kém quan trọng cho công cuộc "đốt lò" của ông Trọng.
"Có thay đổi còn hơn không"
Khá rõ là đã có một cái gì đấy thay đổi đáng kể trong "hành động Nguyễn phú Trọng" mà đã khiến ông ta thu hút được một số ủng hộ, hoặc thiện cảm có điều kiện từ trí thức và người dân.
Có thể lý giải ra sao về hiện tượng xã hội học và chính trị học trên ?
Đầu tiên, vẫn cần thừa nhận rằng cho đến tận lúc này, trong lúc ngày càng nhiều dư luận xã hội về "đảng nát như tương, nước nát như cám", bộ máy vận hành của gần 900 tờ báo đảng và báo nhà nước vẫn đem lại kết quả tuyên giáo một chiều không quá kém cỏi. Bằng chứng là sau khi nhiều tờ báo thông tin và tung hô chuyện "Tổng bí thư chống tham nhũng không có vùng cấm", nhiều quan chức bậc trung và cả bậc thấp bắt đầu run, còn người dân thì khoái.
Tâm trạng khoái cảm của người dân xuất phát từ tâm thế người dân bị đè nén quá lâu bởi thói cường quyền áp bức của giới quan lại từ thấp đến cao, phủ rộng ở nhiều địa phương, bởi thói tham nhũng vô độ của đám quan chức, đến mức khiến cho người dân nhìn đâu cũng đen như mực, tất thảy đều bế tắc, xã hội không lối thoát…
Vì thế, bất cứ một động tác "chống tham nhũng" nào có vẻ triệt để đều có ý nghĩa "mưa trên sa mạc" và nhận được thiện cảm, ủng hộ hay hò reo của đám đông đang suy kiệt niềm tin đối với chính thể cầm quyền.
Tâm lý đơn giản nhất và mang tính đám đông ở Việt Nam hiện thời là "muốn thay đổi".
Trong một chính thể bế tắc về ý thức hệ và "nền kinh tế thị tường định hướng xã hội chủ nghĩa", đến mức ngay cả Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào năm 2015 còn phải nói "có thứ đó đâu mà tìm", cùng quá nhiều triệu chứng hỗn loạn xã hội và đạo lý suy đồi ghê gớm, một thay đổi nhỏ hoặc vừa phải trong bối cảnh chưa thể có gì làm đảo lộn chế độ vẫn khiến đại đa số công chức, trí thức và người dân có được chút thỏa mãn về "thay đổi tích cực" và "có thay đổi còn hơn không".
Bầu tâm lý căm ghét tham nhũng là quá phổ biến và sâu sắc ở Việt Nam, phổ biến đến nỗi vô số người dân ngày càng không ngần ngại nói thẳng quan điểm của họ về "tham nhũng có nguồn gốc từ Nguyễn Tấn Dũng" cùng nhiều từ ngữ thật sự "hình sự" dành cho ông ta và những quan chức chia chác với ông ta.
Đó chính là lợi thế hiếm có dành cho Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến "chống tham nhũng" kèm tham vọng tập quyền của ông ta.
Có "chống tham nhũng cả phe ta" ?
Sau Đinh La Thăng, hầu như chắc chắn đường đi của Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng cùng những quan chức từng một thời thuộc "cánh hẩu" của ông Dũng. Cái cách đi như thế sẽ ít nhất, trong một vài năm, lôi kéo được sự ủng hộ của người dân, khiến nhiều người dân thỏa mãn tâm lý "cuối cùng thì cũng có thằng phải dựa cột".
Nhưng còn có nhiều kẻ khác đáng phải "dựa cột". Liệu Nguyễn Phú Trọng có "chống tham nhũng công bằng", hoặc phải "chống tham nhũng cả phe ta" như người dân mong mỏi và đòi hỏi ?
Có quá ít ví dụ để có thể chứng minh cho "chống tham nhũng cả phe ta".
Bởi cho tới giờ này ông Trọng mới chỉ chứng tỏ được sự nghiệp của ông là "chống tham nhũng thời kỳ trước", tức "thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng", hoặc còn gọi là "chống tham nhũng một bên" chứ chưa có gì gọi là công bằng, khi còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả, Võ Kim Cự - cựu bí thư Hà Tĩnh liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa, Trịnh Văn Chiến - Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch, cùng hàng lô hàng lốc quan chức đầu tỉnh thành bị dư luận xem là "cánh hẩu1 với những quan chức cận thần ở các ban đảng của Nguyễn Phú Trọng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 14/03/2018
Nguyễn Phú Trọng chính thức tuyên bố gạt Đinh Thế Huynh khỏi chức vụ thường trực Ban bí thư và cho đệ tử thân tín của mình là Trần Quốc Vượng nắm chức vụ này, Vượng còn đang giữ chức chủ nhiệm kiểm tra trung ương. Đây là trường hợp hiếm hoi hai suất trong Bộ chính trị do một người nắm giữ. Điều này khiến cho Trần Quốc Vượng có thêm rất nhiều quyền lực, Vượng mới vào Bộ chính trị được hơn 2 năm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm và thăm nơi ở, làm việc của Bác Hồ tại Nhà 67, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch - Ảnh: TTXVN
Từng giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Vượng có trong tay nhiều hiểu biết về các vụ đại án, năm 2011 khi làm tổng bí thư, Trọng đã đưa Vượng về làm trợ lý cho mình với chức chánh văn phòng trung ương đảng. Mục đích của Trọng lấy Vượng làm hạt nhân để thanh trừng các đối thủ tranh chấp quyền lực với Trọng. Trong âm mưu ấy, Trọng tiếp tục đưa Vượng vào Bộ chính trị để nắm những chiếc ghế quan trọng có điều kiện thực hiện mưu đồ này.
Việc đưa Vượng giữ chức thường trực Ban bí thư, Trọng đã hoàn tất nắm ban này trong tay. Để cho chắc ăn, Trọng bổ sung thêm hai người Nghệ An là Trạc và Thắng về ban này để tăng thêm lá phiếu ủng hộ mình trong mọi quyết định.
Song song với việc đưa Vượng thay Đinh Thế Huynh giữ Thường trực ban bí thư, Trọng còn đưa Nguyễn Xuân Thắng, người mà Trọng mới đưa gần đây vào Ban bí thư để nắm ghế Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương. Những người trước đây giữ ghế Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương đều là ủy viên Bộ chính trị, như vậy có thể dễ dàng đoán trong tương lai tới đây Nguyễn Xuân Thắng sẽ được Trọng đưa vào Bộ chính trị.
Đến lúc này câu hỏi mà Trung ương đảng chờ đợi ở Nguyễn Phú Trọng nhất, đó là Trọng giới thiệu người kế nhiệm, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng. Chưa định ra được người kế nhiệm, có nghĩa Nguyễn Phú Trọng chưa muốn về hưu, mặc dù đã sang tuổi 74. Diễn biến các nước độc tài có quan hệ với Việt Nam như Nga, Trung Quốc đang có dấu hiệu những kẻ đứng đầu chế độ như Putin và Tập Cận Bình thiết kế chính sách để tiếp tục ở lại nắm quyền, là dấu hiệu tốt cho Nguyễn Phú Trọng thực hiện dự định tiếp tục ở lại.
Cho đến lúc này thì mọi điều kiện trong và ngoài đều thuận lợi cho Nguyễn Phú Trọng, không những ở lại hết nhiệm kỳ mà có thể còn ở lại luôn nhiệm kỳ thứ ba. Nếu như Putin và Tập còn tìm cách chỉnh sửa điều lệ, hiến pháp, chế định thì Nguyễn Phú Trọng đã táo tợn hơn các đàn anh của mình, khi trắng trợn tuyên bố việc mình ở lại là "trường hợp đặc biệt".
Tất cả những kẻ có điều kiện kế nhiệm Trọng ở hàng thứ nhất đều đã bị đánh bật, bởi Trọng liên tiếp ra những quy định nhằm vào họ chẳng hạn như vấn đề lý lịch, trình độ lý luận, sức khoẻ… khiến ba kẻ ở hàng thứ nhất có thể kế nhiệm chức tổng bí thư phải vỡ mộng. Đó là Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc.
Tiếp đến Trọng đôn ba kẻ mới lên và gieo vào đầu họ tham vọng sẽ làm tổng bí thư như Phạm Minh Chính, Trần Quốc Vượng và bây giờ là Nguyễn Xuân Thắng. Việc Thắng làm tổng bí thư còn xa vời, nhưng Thắng giữ chức chủ tịch hội đồng lý luận là cản trở cho những nhân tố khác, vì nghiễm nhiên yếu tố có lý luận đã thuộc về một kẻ còn lâu mới tới vị trí kế nhiệm tổng bí thư.
Việc chia cho mỗi người một lợi thế, và cũng để cho mỗi người một yếu điểm, tạo ra một số đông những kẻ như thế, khiến chúng luôn nhòm ngó, nhăm nhe hại nhau để không kẻ nào ngoi lên được. Đó là biện pháp tài tình tạo thành sức mạnh quyền uy của Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây các ứng cử viên chức Tổng bí thư luôn phải canh chừng nhau, sẵn sàng tố cáo nhau để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tất cả đều phải lấy lòng Trọng, bởi mếch lòng sẽ bị Trọng vạch ra những điểm yếu và thành con mồi cho các đối thủ cạnh tranh khác cắn xé.
Sự tập trung quyền lực vào đảng là một chiêu bài để Nguyễn Phú Trọng tập trung quyền lực vào tay mình, nó đặc trưng cho bản chất của người Bắc già và cổ hủ, như những ông cụ, ông bố trong gia đình hay trong làng xã. Nền dân chủ bị bóp nghẹt không những ngoài xã hội, mà ngay cả trong nội bộ đảng cũng không còn dân chủ, chỉ có một nỗi khiếp sợ, e dè trước một lão tổng bí thư điên khùng, sẵn sàng chơi tới chết những kẻ nào dám đụng chạm đến quyền uy của lão.
Trong vài năm tới, chế độ cộng sản do Nguyễn Phú Trọng độc tài cai trị sẽ rất vững mạnh. Nhưng về sau này đây cũng là điểm yếu, vì quyền lực cộng sản tập trung trong tay một cá nhân, khoảng cách giữa cá nhân ấy với các đồng chí của mình khá xa, nếu như Nguyễn Phú Trọng chết giữa chừng do tuổi tác cao trong khi vẫn trên cương vị tổng bí thư, cuộc chiến tranh giành quyền lực độc tôn trong đảng cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra cực kỳ khốc liệt, thậm chí có thể dẫn đến tan rã đảng cộng sản. Trường hợp trước kia Lê Duẩn chết, lúc đó Trường Chinh còn ít nhiều có được sự cả nể trong trung ương để tạm thời tiếp quản chiếc ghế mà Duẩn để lại, giúp cho trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có thời gian sắp xếp tìm nhân sự và hướng đi.
Với kiểu xây dựng hình ảnh cá nhân, độc tài quyền lực như minh quân, lãnh tụ tối cao mà Trọng đang dành cho mình, cũng chính là Trọng đang đào hố chôn Đảng cộng sản Việt Nam vào một ngày không xa, khi mà y chết đi.
Nhưng chắc hẳn Trung Quốc sẽ không để Việt Nam xáo trộn vì không có người kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Sau khi Tập Cận Bình sửa được hiến pháp để ngồi thêm, với tuổi tác của Nguyễn Phú Trọng không biết sống chết bao lâu, Trung Quốc sẽ ép Trọng chọn người kế nhiệm để đảm bảo cho Đảng cộng sản Việt Nam tồn tại làm chư hầu cho mình.
Thế nên, thời điểm bây giờ Nguyễn Phú Trọng đột tử, khi chưa đặt ra người kế nhiệm, khi Tập Cận Bình chưa quyết định xong việc ở lại, việc Nguyễn Phú Trọng đột tử có thể là cơ hội lớn để Việt Nam thay đổi thoát khỏi Trung Quốc cũng như ách cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 09/03/2018