Lời người dịch : Hôm qua tôi tình cờ đọc được bài viết này trên Project Syndicate. Mặc dù nó đã được đăng trước ngày bầu cử Mỹ vài ngày nhưng tính thời sự vẫn còn nên tôi dịch vội để gửi đến anh. Theo tôi, đây là một bài viết hay. (HTN)
NEW YORK - Nhiều người Mỹ có thể thấy việc bỏ phiếu cho Tổng thống Mỹ Donald Trump giống với việc tán thành chủ nghĩa dân tộc da trắng và kiểu suy nghĩ ma mị, âm mưu, phủ nhận các mối đe dọa thực sự như đại dịch và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ta cũng cần phải công nhận rằng, việc không bỏ phiếu chống lại Trump trong cuộc bầu cử năm nay tự nó là một hình thức hợp tác với cuộc tấn công vào nền dân chủ.
Nước Mỹ ngày nay bị đe dọa không chỉ bởi chủ nghĩa độc tài mà còn bởi chủ nghĩa phát xít vốn hoạt động rõ ràng như một giáo phái phản dân chủ, xoay quanh một nhà lãnh đạo hứa hẹn khôi phục quốc gia trước sự sỉ nhục được cho là do thiểu số những người theo chủ nghĩa tự do và những người theo chủ nghĩa mác xít gây ra. Vì chủ nghĩa phát xít tôn vinh bạo lực và quân sự hóa chính trị, chúng ta nên cảnh giác trước sự thật là Trump đã từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Cho dù việc ông ta thường xuyên sử dụng các luận điệu chống dân chủ chỉ là một chiến thuật để chuyển hướng sự chú ý ra khỏi việc ông ta không quản lý được đại dịch Covid-19, thì ngôn ngữ như vậy từ một nhà lãnh đạo dân cử là rất nguy hiểm và sẽ gây sốc cho công dân ở bất kỳ nền dân chủ nào.
Nhưng nhiều người Mỹ không bị sốc chút nào cả. Bằng cách bình thường hóa lời nói và hệ tư tưởng phản dân chủ, Trump cũng đã dần dần bình thường hóa chế độ độc tài. Đó là lý do tại sao cuộc bầu cử này phải được hiểu là một cuộc đấu tranh cho sự tồn vong của chính nền dân chủ Hoa Kỳ. Chiến lược của Trump nhằm phá hoại các chuẩn mực dân chủ và tính hợp pháp của cuộc bầu cử khiến người ta nhớ lại sự suy tàn của các nền dân chủ Mỹ Latinh trong những năm 1960 và 1970, khi những kẻ chuyên quyền tạo ra một môi trường mà ở đó những hành vi trước đây bị coi là bất hợp pháp bỗng nhiên trở thành tiêu chuẩn mới.
Điều chắc chắn là, trong khi chủ nghĩa phát xít thường đưa ra một tầm nhìn lớn về việc"phục hồi quốc gia", Trump không có tầm nhìn nào như vậy để nói về việc này. Nhưng điều đó không có nghĩa là nước Mỹ an toàn trước chủ nghĩa phát xít. Các cuộc tấn công của Trump vào nền dân chủ là sự đáp trả trước những thách thức mà giáo phái tôn sùng cá nhân ông đang phải đối mặt, cả từ cuộc vận động toàn quốc chống lại chủ nghĩa dân tộc da trắng vốn là ý thức hệ trụ cột chính của ông và từ Đảng Dân chủ, có vẻ như thống nhất hơn bao giờ hết.
Hai mối đe dọa này không phối hợp với nhau, như Trump tuyên truyền. Nhưng chúng đã tạo ra cái cớ để Trump khai triển vở kịch chủ nghĩa phát xít, thậm chí còn quyết liệt hơn những gì ông ta đã làm trước đây.
Giống như các phong trào phát xít cổ điển trong quá khứ, chủ nghĩa Trump, trong giai đoạn mới và nguy hiểm hơn này, có chiến dịch tăng cường sự lãnh đạo của thiên sứ, ngầm khích động bạo lực và mở các cuộc tấn công vào trật tự hiến pháp.
Ở giai đoạn này, giáo phái tôn sùng cá nhân Trump đã hoàn toàn loại bỏ nhu cầu về các kế hoạch và các đề xuất thực tế (thật vậy, Đảng Cộng hòa mà Trump hiện đang kiểm soát thậm chí không buồn đưa ra một cương lĩnh chính sách cho cuộc bầu cử). Trump là hiện thân của bất cứ điều gì mà những người ủng hộ ông ấy muốn, ngay cả khi chính họ không biết đó là cái gì. Đây là nét điển hình nổi bật của các nhà lãnh đạo phát xít, những người thường đóng vai như cha của những người dễ bị tính cách độc đoán lôi cuốn. Với tư cách là cha đẻ của quốc gia "MAGA", Trump quyết định điều gì là tốt nhất cho con cái mình và chính quyền lực gia trưởng này biện minh cho bạo lực, dối trá và ngay cả độc tài.
Trong bối cảnh này, các khuôn mẫu quyền lực khác (có thể là khoa học hoặc pháp lý) bị coi là mối đe dọa trực tiếp đối với một nhà lãnh đạo phát xít đầy tham vọng. Chẳng có gì lạ với chuyện Trump nổi giận ngay lập tức khi Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cãi lại ông. Khi bản thân Trump bị nhiễm Covid-19, ông đã sử dụng cơ hội này không phải như một lời cảnh tỉnh mà là một cơ hội để chứng tỏ sức mạnh thể chất của mình (với sự trợ giúp của steroid mạnh mẽ). Cũng cùng cung cách như vậy, những màn thể hiện sức mạnh, sự thống trị và bạo lực của những người ủng hộ nhà lãnh đạo phát xít được khen thưởng xứng đáng, đặc biệt khi họ vi phạm trắng trợn các chuẩn mực và các giới hạn dân sự, như khi Trump ân xá cho Eddie Gallagher, Navy Seal, người bị kết án vì tội ác chiến tranh ghê tởm.
Cuối cùng, với việc Trump giữ vị trí người cha, một chiều hướng tôn giáo phát triển mạnh mẽ trong Chủ nghĩa Trump. Trong bối cảnh này, người ta không thể coi thường những biểu hiện hoài nghi và vụng về của Trump về tôn giáo. Khi những người ủng hộ Trump càng coi ông như một loại quyền lực thần thánh, thì họ càng cảm thấy có lý trong việc sử dụng bạo lực để bảo vệ ông ta. Những thường dân có vũ trang đe dọa và thậm chí còn bắn người biểu tình trên đường phố không phải để "bảo vệ tài sản". Thật ra, họ đang đòi quyền sử dụng bạo lực chống lại kẻ thù của nhà lãnh đạo. Việc huy động các lực lượng liên bang, tiểu bang và địa phương chống lại những người biểu tình được xem là hợp lý - ngay cả khi nó bất hợp pháp - để bảo vệ một mệnh lệnh bắt đầu từ cấp trên.
Gần đến ngày bầu cử, Trump nâng cao hiểm họa phát xít. Ông ta thường xuyên mô tả những người chống lại mình bằng những từ ngữ phân biệt chủng tộc trắng trợn và chính quyền của ông ta tăng cường ngược đãi những người nhập cư đang nằm trong vòng kiểm soát của mình, bao gồm cả việc cho phép một "đại dịch thầm lặng" lây lan qua một trung tâm giam giữ người nhập cư ở Georgia. Liên kết người nhập cư với bệnh tật là một thủ đoạn quen thuộc trong tuyên truyền của chủ nghĩa phát xít, cũng như chiến lược biến tuyên truyền thành hiện thực, như những người theo chủ nghĩa quốc xã (the National Sosialist) đã làm ở các khu ổ chuột(ghetto) của Châu Âu vào những năm 1930.
Trump cũng đang leo thang chiến dịch tranh cử của mình để làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với các tổ chức bầu cử. Tại đây, ông đã dựa vào lịch sử lâu dài của Đảng Cộng hòa trong nỗ lực tước quyền bầu cử của các cử tri người Mỹ gốc Phi và vẽ lại bản đồ (gerrymandering) để giảm tỷ trọng phiếu bầu ở các trung tâm đô thị thiên tả và đa dạng hơn.
Mục đích của mọi việc làm này là để loại trừ khả năng thất cử bằng cách tuyên bố rằng, một nhóm lớn trong giới tinh hoa truyền thông phản dân chủ đang "gian lận" hệ thống nhằm ngăn chặn ý chí của người dân. Như chúng ta đã thấy, không số lượng bằng chứng thực nghiệm nào có thể thuyết phục những người ủng hộ Trump để họ hiểu được rằng, tuyên bố gian lận bầu cử của nhà lãnh đạo của họ là sai. Việc xác minh dữ kiện (fact-checking) của các phương tiện truyền thông chính thống bị dễ dàng gạt bỏ vì nó bị xem đó chỉ là một thuyết âm mưu khác từ những kẻ thù của nhân dân.
Nếu kết quả đầu tiên được báo cáo vào ngày bầu cử cho thấy Trump thất bại, thì đây sẽ là cơ hội cuối cùng để ông ta tận dụng niềm tin của những người ủng hộ mình, bằng cách biến sự hoài nghi lâu dài về quy trình bầu cử thành những mối đe dọa cụ thể mới, có khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng mà ở đó ông ta sẽ tuyên bố mình đứng trên luật pháp. Nếu Trump không chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử, ông ấy sẽ không có nơi nào khác để quay trở lại ngoại trừ một hình thức độc tài phát xít rõ rệt.
Chỉ một chiến thắng rõ ràng và dứt khoát của Joe Biden mới có thể khiến chuyện đó khó xảy ra hơn. Ngụ ý rất rõ ràng : không bỏ phiếu chống lại giáo phái Trump thì không khác gì tự mình gia nhập giáo phái đó.
Jason Stanley, Federico Finchelstein, Pablo Piccato
Nguyên tác : "Will Fascism Win the US Election ?, Project Syndicate, 30/10/2020
Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ (10/11/2020)
Ghi chú về những tác giả :
Federico Finchelstein, Giáo sư Lịch sử tại Trường Nghiên cứu Xã hội Mới và Đại học Eugene Lang, là tác giả của A Brief History of Fascist Lies (Lược sử về những dối trá phát xít)
Pablo Piccato, Giáo sư Lịch sử tại Đại học Columbia, là tác giả, gần đây nhất, cuốn A History of Infamy : Crime, Truth, and Justice in Mexico (Lịch sử ô nhục : Tội ác, Sự thật và Công lý ở Mexico)
Jason Stanley, Giáo sư Triết học tại Đại học Yale, là tác giả của How Fascism Works : The Politics of Us and Them (Chủ nghĩa phát xít hoạt động như thế nào : Chính trị của chúng ta và của chúng)
Thanh Hà, RFI, 08/11/2020
Vài giờ sau khi truyền thông Hoa Kỳ chính thức thông báo danh tính vị tổng thống Mỹ thứ 46, Joe Biden - tổng thống tân cử, khẳng định đảng Dân chủ đã giành được một thắng lợi "rõ ràng" và "thuyết phục". Tuy nhiên, theo ông, đã đến lúc phải đưa nước Mỹ thoát khỏi "những chia rẽ".
Đêm qua, 07/11/2020, trong bài diễn văn đầu tiên tại Wilmington, Delaware trên quê nhà, ông Joe Biden kêu gọi toàn dân "đoàn kết, chấm dứt xem những đối thủ là kẻ thù". Với ông, "không có những bang mang màu xanh hay màu đỏ", tức là ủng hộ đảng Dân chủ hay Cộng hòa, mà tất cả đều là "những bang thuộc về nước Mỹ". Tổng thống tân cử Biden kêu gọi 70 triệu cử tri ủng hộ tổng thống Trump hãy vượt qua thất vọng và bất đồng để cùng xây dựng một đất vững mạnh.
Một trong những ưu tiên của tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 sắp tới đây là "xây dựng một nền kinh tế Mỹ vững mạnh", và ngay từ ngày Thứ Hai 09/11/2020 ông Biden sẽ triệu tập một ủy ban bao gồm các chuyên gia để chuẩn bị cho kế hoạch hành động chống Covid-19 vào lúc virus corona đã cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 và làm hàng triệu người dân Mỹ bị mất việc.
Donald Trump chối bỏ thất bại
Bốn ngày sau cuộc bỏ phiếu, danh tính tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 mới được công bố. Khoảng 10 giờ 30 sáng hôm 07/11/2020 giờ Washington, vào lúc truyền thông Mỹ thông báo thắng lợi của ông Biden, tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump đã rời khỏi Nhà Trắng đến một sân golf cách không xa thủ đô Hoa Kỳ.
Ông tố cáo đối thủ đã "vội vàng" nhận lấy chiến thắng trong lúc mà "cuộc bầu cử lần này còn lâu mới kết thúc". Các luật sư của Donald Trump thông báo tiếp tục tiến hành các thủ tục pháp lý. Trong cuộc họp báo chiều qua tại Philadelphia, luật sư Rudy Giuliani không đi sâu vào chi tiết nhưng khẳng định bên đảng Dân chủ đã có những động thái cho thấy có "gian lận" bầu cử.
Thanh Hà
************************
Tú Anh, RFI, 08/11/2020
Trong lúc Donald Trump trì hoãn không chấp nhận kết quả kiểm phiếu, hàng loạt lãnh đạo trên bốn ngả địa cầu đua nhau chúc mừng Joe Biden, kêu gọi tổng thống đắc cử "hành động chung đối phó với các thách thức" trên thế giới.
Từ NATO đến Liên Hiệp Châu Âu, từ Pháp, Đức, Anh cho đến Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở Thái Bình Dương, từ Canada cho đến Châu Mỹ Latinh và Trung Cận Đông, lãnh đạo quốc gia và các định chế quốc tế đều tỏ ra rất hài lòng và muốn nhanh chóng bắt tay vào việc với nước Mỹ của Joe Biden.
Trong số các phản ứng tiêu biểu, thông điệp chào mừng của tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tổng thống đắc cử cùng nhau hành động trước muôn vàn thách thức. Thủ tướng Đức Angela Merkel, sau bốn năm căng thẳng với Donald Trump, nhấn mạnh đến yếu tố "không thể thay thế được" trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương để cùng nhau vượt qua những thử thách lớn của thời đại.
Bên cạnh phản ứng của hai đầu tầu và các thành viên khác của Liên Âu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel khẳng định quyết tâm xây dựng đối tác bền vững với Hoa Kỳ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson chúc mừng "thành công lịch sử" của Joe Biden và Kamala Harris. Luân Đôn sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới trong các vấn đề ưu tiên chung.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không mong ước gì hơn là chào mừng "ủng hộ viên kiên cường" của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và "nóng lòng" hợp tác với tổng thống đắc cử.
Tại Châu Á, cho đến trưa hôm nay, chưa thấy phản ứng của Trung Quốc và Đài Loan. Trong khi đó, thủ tướng Nhật Bản cũng như tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Úc, lãnh đạo ba đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực gửi thông điệp với nội dung tương tự : "Chúc mừng nhị vị Joe Biden và Kamala Harris đắc cử" và mong chờ "củng cố mối quan hệ đồng minh vững bền".
Tại Trung Đông, thủ tướng Israel Netanyahu, với giọng thân mật "chúc mừng người bạn từ 40 năm". Còn chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi Joe Biden "củng cố quan hệ" Mỹ-Palestine.
Nguyên trạng
Cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào một lãnh đạo mới tại Hoa Kỳ để sang trang bốn năm quan hệ căng thẳng và quyết định tùy tiện của Donald Trump.
Vấn đề là liệu Joe Biden sẽ có đem lại những thay đổi lớn trong chính sách quan hệ quốc tế hay không ? Được RFI đặt câu hỏi, giáo sư Bertrand Badie, Đại Học Chính Trị Paris, giải thích :
"Có những cái không thể xét lại được, đó là những biện pháp gây ấn tượng mạnh như dời Đại sứ quán Mỹ ở Tel-Aviv về Jerusalem. Bản thân Joe Biden cũng từng tuyên bố là ông không đặt lại vấn đề này. Nếu làm ngược lại sẽ gây ra một loạt căng thẳng mà tổng thống mới không muốn bị vướng vào.
Còn những lãnh vực khác như chính sách đa phương, rút chân ra khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tổ Chức UNESCO, hiệp định hạt nhân với Iran… thì Joe Biden có thể khẳng định sự khác biệt giữa ông với Donald Trump.
Tuy nhiên, nếu có thay đổi thì cũng không thay đổi lớn lắm bởi vì vấn đề định chế. Thêm vào đó, còn có yếu tố cá tính của Joe Biden. Ông là một người có tiếng thận trọng, tổng hợp các quan điểm dị đồng. Joe Biden sẽ duy trì nguyên trạng các quyết định của Donald Trump nhưng sẽ tỏ ra thân ái hơn, chắc chắn sẽ tỏ ra lịch sự hơn với thủ tướng Angela Merkel cũng như sẽ không nắm áo veste của Emmanuel Macron".
Tú Anh
***********************
Thanh Hà, RFI, 08/11/2020
Sau hai lần thất bại, Joe Biden, 77 tuổi, sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Với sáu nhiệm kỳ thượng nghị sĩ trong vòng 36 năm và 8 năm ở chức vụ phó tổng thống Mỹ, Joe Biden được xem như là một trong những chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất. Nhưng con đường đến Nhà Trắng của tổng thống Mỹ tương lai này cũng đầy trắc trở.
Joseph Robinette Biden Jr. sinh năm 1942 tại Scranton, bang Pennsylvania. Năm 1972, ông đắc cử thượng nghị sĩ bang Delaware lần đầu tiên. Đó cũng là lúc vợ và cô con gái 13 tháng tuổi thiệt mạng trong một tai nạn giao thông. Hai cậu con trai của ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
Năm năm sau đó ông tái hôn với Jill Tracy Jacobs. Trong thời gian làm thượng nghị sĩ bang Delaware, phía nam bang Pennsylvania, Joe Biden chọn về ở hẳn Wilmington, một thành phố có đa số dân cư là tầng lớp công nhân. Cũng chính tại nơi này, hôm 07/11/2020, Joe Biden đọc bài diễn văn đầu tiên trong cương vị nguyên thủ Mỹ tương lai.
Ba mươi sáu năm ở Thượng Viện, ông Biden là người đã khởi xướng nhiều bộ luật quan trọng như luật chống bạo hành trong gia đình, luật chống tệ nạn buôn ma túy… Cũng ở cương vị thượng nghị sĩ, Joe Biden từng đứng đầu ủy ban đối ngoại của Thượng Viện từ năm 2001-2006.
Trước cuộc bầu cử lần này, Joe Biden đã hai lần ra tranh cử tổng thống vào năm 1988 và 2008. Lần đầuông đã phải sớm bỏ cuộc ngay từ các vòng bầu cử sơ bộ. Năm 2008, ông đã phải lùi bước trước một đối thủ lợi hại là Barack Obama. Nhưng rồi chính Biden là người được Obama chọn đứng liên danh và trở thành phó tổng thống Mỹ từ 2008 đến 2016.
Lần này Joe Biden được đảng Dân chủ chỉ định ra tranh cử tổng thống, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, ông không có sức thu hút lớn như Obama trước kia.
Dù vậy ngay cả các đối thủ chính trị của Biden cũng phải nhìn nhận rằng tổng thống Mỹ tương lai, vì từng trải nhiều đau thương trong cuộc sống, nên ông có tấm lòng và biết nghĩ đến những người khác. Đó sẽ là một lá chủ bài giúp Biden thành công trong nhiệm kỳ tổng thống 4 năm sắp tới.
Thanh Hà
*********************
RFI, 08/11/2020
Ngay sau thông báo Joe Biden đắc cử tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, ngày 07/11/2020, những người ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ đã đổ ra đường vui mừng chiến thắng.
Tiếng trống gõ, tiếng còi xe và có cả pháo hoa, vang lên tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ nhằm đánh dấu hồi kết một cuộc bầu cử căng thẳng, hồi hộp đến tận phút chót của cuộc kiểm phiếu.
Lễ mừng chiến thắng đầu tiên hết là ở Wilmington (Delaware) cứ địa của Biden. Tại New York, ngay khi có thông báo kết quả, nhiều ngàn người đã đổ về khu Times Square, quảng trường biểu tượng Quả Táo Lớn để vui mừng chiến thắng.
Thở phào nhẹ nhõm, nỗi vui mừng hòa lẫn cùng hy vọng một tương lai mới là những gì thông tín viên đài RFI, Loubna Anaki, ghi nhận trong bầu không khí lễ hội tại New York :
"Trump đi đi, hãy xéo khỏi đây… Người dân New York cất vang tiếng hát phỏng theo một bài nhạc Rap phổ biến.
Ngay khi thông báo Joe Biden thắng cử, hàng ngàn người đã túa ra đường reo hò vui mừng.
Một người nói : Chúng tôi đã có 4 năm khốn khổ với một người lẽ ra không nên đứng đầu đất nước này. Giờ đây, chúng tôi thật là vui mừng có một tổng thống mới.
Người thứ hai nói thêm : Tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng vui mừng như thế này ở đây cả. Tôi nghĩ là có một cảm giác nhẹ nhõm to lớn và nỗi vui mừng rất lớn !
Cùng với những tiếng còi xe, tiếng gõ xoong nồi, người dân New York gây huyên náo. Họ biết rõ là vị tổng thống sắp mãn nhiệm có một mối quan hệ phức tạp với thành phố quê hương của ông kể từ khi ông lên cầm quyền. Hôm nay, người dân gởi đến ông một thông điệp.
Một người đàn ông hô to : Vĩnh biệt, tạm biệt. Ông đã thua rồi. Đã đến lúc phải thay đổi.
Một phụ nữ nói thêm : Ông ấy không còn được chào đón ở đây nữa. Nếu quý vị còn nhớ, trong cuộc vận động tranh cử, ông ấy có nói là ông có thể đến nhắm bắn một ai đó trên đại lộ số 5. Thì đây, chúng tôi đang trên đại lộ số 5 đây. Câu trả lời của chúng tôi đó !
Hôm nay, nhiệt độ ở New York là 23°C. Ở ngoài phố, lễ hội có nguy cơ kéo dài suốt đêm !"
RFI tiếng Việt
*********************
Thanh Hà, RFI, 08/11/2020
Bất chấp kết quả thông báo công nhận thắng lợi của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, phe ủng hộ Donald Trump vẫn không chấp nhận thất bại của ứng viên đảng Cộng hòa.
Những người này trông đợi nhiều vào khả năng kiện đảng Dân chủ gian lận bầu cử. Phóng sự của đặc phái viên RFI Marie Normand từ Phoenix, bang Arizona :
"Eric đội mũ lưỡi trai màu đỏ với hàng chữ Make America Great Again, đứng dưới một lá quốc kỳ Mỹ thật to. Anh không có ý định bỏ cuộc. Như tất cả những người có mặt, Eric tới đây để tố cáo điều được cho là gian lận trong kỳ bầu cử lần này tại một bang có kết quả rất sít sao.
Anh nói : Bầu cử lần này không công bằng, không hợp pháp. Quý vị muốn tôi tin rằng Biden đã thu được hơn 10 triệu lá phiếu so với Barack Obama, ông tổng thống Mỹ da đen đầu tiên, cách nay 12 năm ? Ở đây tất cả mọi người đều nghĩ là Donald Trump đã đắc cử một cách chính đáng. Không ai được phép cướp đi thắng lợi này. Chúng ta không còn là đảng Cộng hòa như trong quá khứ nữa, không còn ngoan ngoãn quỳ gối và nói, "OK Kumbaya – Hãy đến đây, tất cả chúng ta đều là anh em !".
Chủ tịch đảng Cộng hòa bang Arizona phát biểu trên khán đài. Bà hứa sẽ đấu tranh đến cùng để tất cả những lá phiếu đều được kiểm và yêu cầu những người phát hiện những hành vi gian lận hãy lên tiếng.
Cách đó xa hơn một chút, Jonathan mặc áo chống đạn, tay cầm một khẩu súng tự động. Anh nói đến đến đây "trước hết để bảo vệ điều khoản thứ 2 trong bản Hiến pháp. Rõ ràng là Joe Biden chống mang súng và ông đã nêu lên khả năng tước đi cái quyền này của chúng tôi. Nhưng có hàng triệu người sẽ không để yên. Chúng tôi quyết chiến đến cùng để bảo vệ quyền được mang súng đó".
Những người ủng hộ Trump tại đây không phải là đa số trong hàng ngũ cử tri của đảng Cộng hòa ở bang Arizona. Trong những ngày qua nhiều người cho biết họ sẽ chấp nhận khả năng Donald Trump thất cử".
Thanh Hà
*********************
RFI, 07/11/2020
Truyền thông Mỹ ngày 07/11/2020 loan báo Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2020. Với chiến thắng này, Kalama Harris, người đứng liên danh với Joe Biden, chính thức trở thành phụ nữ đầu tiên được bầu làm phó tổng thống Mỹ.
Cuộc đánh cược liều lĩnh của Joe Biden đã thành công ! Năm nay 56 tuổi, Kamala Harris từng là nữ thẩm phán da mầu đầu tiên tại California, rồi cũng chính bà là phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên bước vào Thượng Viện.
Có cha là người Jamaica, giáo sư ngành kinh tế, và mẹ là người Ấn Độ, một nhà nghiên cứu chuyên về ung thư vú, tuổi thơ của Kamala Harris trải qua ở Oakland, bang California, đắm mình vào những cuộc đấu tranh của cha mẹ di dân vì các quyền công dân. Bà tốt nghiệp đại học Howard tại Washington, vốn dĩ được thành lập để tiếp nhận các sinh viên người Mỹ gốc Châu Phi ngay giữa lòng cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.
Hành trình sự nghiệp của bà là một minh chứng rõ nét cho những "giấc mơ Mỹ" đẹp nhất. Năm 2004, Kamala Harris là thẩm phán tại San Francisco. Vị trí này bà nắm giữ trong vòng 8 năm trước khi hai lần được bầu làm chưởng lý tại bang California. Ở cương vị này, Kamala Harris là phụ nữ da mầu đầu tiên điều hành các cơ quan tư pháp của bang đông dân nhất nước Mỹ.
Năm 2017, Kamala Harris được bầu vào Thượng Viện, trở thành nghị sĩ da mầu thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.
Năm 2019, bà nếm mùi thất vọng đầu tiên. Mơ ước trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên đã bất thành. Tháng 12/2019, Kamala Harris phải rút lui khỏi cuộc đua bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ do thiếu nguồn tài chính. Tháng 3/2020, bà liên kết với Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
(Theo LCI)
**********************
Thanh Phương, RFI, 07/11/2020
Hôm 07/11/2020, báo chí Mỹ loan tin là ứng cử viên Dân chủ chính thức đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, sau bốn ngày kiểm phiếu căng thẳng. Theo các kênh truyền hình CNN, NBC và CBS, cựu phó tổng thống Mỹ, năm nay 77 tuổi, đã thu được phiếu của 273 đại cử tri nhờ thắng lợi tại Pennsylvania, một trong những bang chủ chốt trong cuộc bầu cử tổng thống lần này.
Hiện giờ 3 bang Nevada, Georgia và Arizona, 3 bang mà Biden đang dẫn đầu, chưa kiểm phiếu xong, và như vậy là ứng cử viên Dân chủ có thể thu được nhiều hơn 273 phiếu đại cử tri. Trong một thông cáo, ông Biden hứa sẽ là " tổng thống của mọi người dân Mỹ". Ông nói : "Tôi rất vinh dự và khiêm nhường trước sự tin cậy mà người dân Mỹ dành cho tôi và cho phó tổng thống tân cử. Nay chiến dịch tranh cử đã chấm dứt, đã đến lúc để lại đằng sau chúng ta nỗi tức giận và những lời lẽ đao to búa lớn và chúng ta đoàn kết lại như một quốc gia."
Hiện giờ ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump vẫn chưa công nhận thất cử trước ông Biden.
Theo hãng tin AFP, hàng chục ngàn người dân Mỹ đã bắt đầu ăn mừng chiến thắng của Joe Biden tại nhiều thành phố. Cựu tổng thống Dân chủ Barack Obama vừa lên tiếng ca ngợi chiến thắng "lịch sử" của nhân vật từng là phó tổng thống của ông. Ngay cả thượng nghị sĩ Mitt Romney, một trong những gương mặt hàng đầu của đảng Cộng hòa, cũng đã chúc mừng ông Joe Biden.
Nhiều lãnh đạo thế giới như tổng thống Pháp Macron, thủ tướng Anh Johnson, thủ tướng Đức Merkel, thủ tướng Canada Trudeau cũng đã ngay lập tức chúc mừng tổng thống tân cử Joe Biden.
Thanh Phương
*********************
Minh Anh, RFI, 07/11/2020
Hãng tin Anh Reuters ngày 07/11/2020 cho biết cuộc chiến giành quyền kiểm soát Thượng Viện, một trận đồ khác của cuộc bầu cử ngày 03/11, rất có thể sẽ kéo dài đến ngày 05/01/2021.
Trong số 35 ghế phải bầu mới lại, đảng Cộng hòa chiếm giữ được 23 ghế. Với kết quả này, phe đối lập Dân chủ hy vọng có thể đe dọa được đa số ít ỏi của đảng Cộng hòa có được dưới thời Donald Trump (53 thượng nghị sĩ Cộng hòa so với 47 Dân chủ).
Căn cứ vào các kết quả tạm thời và theo các dự phóng, hai chính đảng dường như mỗi bên đã có được 48 trong số 100 ghế ở Thượng Viện.
Thách thức chính hiện nay nằm tại bang Georgia. Do đặc thù địa phương, một cuộc bỏ phiếu vòng hai dành hai ghế thượng nghị sĩ nhất thiết sẽ phải được tổ chức vào 05/01/2021. Nếu đảng Dân chủ thắng cử, Thượng Viện sẽ rơi vào thế cân bằng giữa hai phe. Tiếng nói quyết định sẽ thuộc về phó tổng thống Mỹ, Kamala Harris hay Mike Pence, tùy thuộc vào việc ông Joe Biden hay Donald Trump đắc cử tổng thống.
Ngược lại, chỉ cần chiếm được một ghế ở bang Georgia, đảng Cộng hòa có thể bảo toàn đa số ở Thượng Viện. Trong trường hợp Biden đắc cử, đây có thể sẽ là một trở ngại lớn, gây khó khăn cho nhiệm kỳ tổng thống của ông, nhất là trong các chính sách có liên quan đến vấn đề sức khỏe và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Minh Anh
Lá phiếu cử tri đoàn
Đinh Yên Thảo, VOA, 05/11/2020
Rất hiếm hoi mà một cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa có kết quả sau đôi ngày bầu cử. Trong khi số phiếu phổ thông cho thấy cựu Phó Tổng thống Joe Biden vượt đương kiêm tổng thống Donald Trump hơn 3,5 triệu phiếu, cả thế giới vẫn chưa biết chắc ai sẽ là tổng thống Hoa Kỳ trong bốn năm đến. Điều này liên quan đến thể thức cử tri đoàn mà nhân dịp này chúng ta có thể điểm lại đôi nét tại sao nó ra đời và tại sao nước Mỹ vẫn còn sử dụng cho đến nay.
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 : Kết quả tạm thời chiều ngày 04/11/2020.
Mỗi mùa bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, người ta lại nhắc về thể thức bầu cử cử tri đoàn chỉ có mỗi Hoa Kỳ áp dụng, thay cho phổ thông đầu phiếu được áp dụng trên thế giới. Đã có năm lần trong lịch sử, dù ứng viên thắng phiếu phổ thông, tức có tổng số phiếu bầu cao hơn nhưng đã thất cử vì thua phiếu cử tri đoàn. Chính vì vậy vẫn luôn có cuộc tranh luận cho đến nay là, liệu thể thức hơn 200 tuổi này đã lạc hậu và cần thay đổi hay sẽ vẫn là thể thức bầu cử lâu dài của Hoa Kỳ ?
Cử tri đoàn là thể thức chính thức bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ do hiến pháp Hoa Kỳ quy định. Số lượng cử tri đại biểu hay còn gọi là "đại cử tri" trong cử tri đoàn sẽ tương ứng cùng con số 435 dân biểu Hạ Viện và 100 Thượng Nghị Sĩ của Quốc hội Hoa Kỳ, cộng thêm ba đại cử tri của đặc khu Washington DC, tổng cộng là 538 người. Ứng viên nào nhận được quá bán tổng số cử tri đoàn, tức 270 phiếu sẽ thắng cử chức vụ tổng thống.
Khi cử tri đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử Tổng thống, họ thực sự đang bỏ phiếu cho nhóm đại cử tri cam kết sẽ thay mặt cử tri để bỏ lá phiếu của họ cho các ứng viên có đa số phiếu bầu trong tiểu bang mình, mà hầu hết các bang đều theo công thức "được ăn cả, ngã về không", tức thắng phiếu phổ thông tại tiểu bang nào sẽ nhận hết các lá phiếu cử tri đoàn tại tiểu bang đó.
Quay lại cùng lịch sử, trong số rất nhiều vấn đề hóc búa được những nhà lập quốc tham dự Công ước Hiến pháp tại Philadelphia vào năm 1787 (Constitutional Convention) tranh luận là cách bầu chọn tổng thống. Cho đến bấy giờ thì chưa có quốc gia nào có thể thức bầu chọn tổng thống, cũng như là quốc gia non trẻ vừa thoát khỏi ách thuộc địa của Anh đi theo thể chế cộng hòa nên các nhà lập quốc phải bàn thảo, tìm ra phương cách áp dụng cho riêng mình. Các nhà lập quốc đã tranh luận trong nhiều tháng trời, với một số lập luận rằng Quốc hội nên là cơ quan bầu chọn tổng thống và những người khác kiên quyết đòi một cuộc bầu cử đầu phiếu phổ thông dân chủ.
Giải pháp Quốc hội bầu chọn tổng thống bị cho rằng sẽ tạo ra sự thông đồng, cấu kết giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp, đưa ra các tệ nạn chính trị và tham nhũng mà không kiểm soát nhau theo thể chế tam quyền phân lập. Còn theo thể thức phổ thông đầu phiếu thì lúc bấy giờ người dân ở rải rác, các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh không có phương tiện để biết đến các ứng viên tổng thống, hoặc sự lo ngại có thế lực khống chế người dân bỏ phiếu cho kẻ độc tài hay một ứng viên mang chủ nghĩa dân túy có khả năng quyến dụ người dân nhưng thực chất là kẻ nguy hiểm cho quốc gia. Kết quả và thỏa thuận cuối cùng sau các tranh luận là thể thức "Cử Tri Đoàn" ra đời và được sử dụng cho đến nay.
Cử tri đoàn là thế nào ?
Trong số các cuộc tranh luận kéo dài đó, đã có một thỏa hiệp dựa trên ý tưởng của giải pháp "trung gian" qua việc bầu cử trung gian. Những đại biểu trung gian sẽ không được chọn bởi Quốc hội hoặc do người dân bầu chọn mà do mỗi bang sẽ chỉ định những "đại cử tri" độc lập, những người sẽ thực sự cân nhắc bỏ phiếu cho nhiệm kỳ tổng thống. Điều cần lưu ý ở đây là vào thời điểm này, chưa có đảng phái chính trị nên lá phiếu đầy thận trọng của các đại cử tri này rất độc lập và chính trực, không bỏ theo lịnh của tiểu bang hay mang tính đảng phái.
Tổng thống George Washington là tổng thống duy nhất đã từng được sự đồng thuận tuyệt đối của các đại cử tri để trở thành tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng kể từ sau cuộc bầu cử này, các tiểu bang thay đổi luật lệ cũng như sự ra đời của các đảng phái chính trị, với đảng Dân chủ ra đời năm 1828 và đảng Cộng hòa ra đời năm 1854, bỏ phiếu theo cử tri đoàn đã bắt đầu có những thay đổi về số đại cử tri tri mỗi tiểu bang, cách chọn đại biểu, đại diện theo phiếu phổ thông... nhưng nói chung vẫn giữ theo thể thức như ban đầu.
Các tiểu bang đã có danh sách các đại cử tri của tiểu bang mình để bỏ lá phiếu thông thường vào trung tuần tháng 12 theo sau cuộc bầu cử, năm nay sẽ là ngày 14 tháng 12. Mỗi tiểu bang sẽ có cách chọn đại cử tri khác nhau nhưng thông thường là các tiểu bang sẽ đề cử các đại cử tri, là những người tích cực hoạt động đảng phái chính trị được đảng mình đề cử hay tự ra ứng cử và được bầu chọn tại đại hội đảng cấp tiểu bang.
Những người ủng hộ thể thức này cho rằng nó là yếu tố căn bản của chủ nghĩa liên bang, cân bằng quyền lực giữa các tiểu bang và tạo sự ổn định chính trị. Những người chỉ trích thì cho rằng xã hội và hệ thống chính trị Hoa Kỳ đã khác xa hơn 200 năm trước, nó thiếu dân chủ và không thể hiện ý nguyện toàn dân. Với một phân bổ địa chính trị rõ ràng giữa các tiểu bang như hiện nay, rốt lại thể thức bầu cử này đã làm cho các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ chỉ còn phụ thuộc vào kết quả từ một số tiểu bang dao động, cũng như sự chọn lựa toàn dân cũng không là kết quả cuối cùng như mọi người đang thấy hiện nay.
Tuy nhiên việc thay đổi thể thức này xem ra khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Các đảng phái chính trị không muốn thay đổi vì một khi chuyển sang phổ thông đầu phiếu thì nó sẽ có lợi cho đảng nào được đông đảo người dân ủng hộ và đảng đó sẽ có nhiều cơ hội thắng cử liên tục trong các cuộc bầu cử. Việc cần hai phần ba dân biểu Quốc hội chuẩn thuận và ba phần tư tiểu bang đồng ý đã giúp cho đảng bất lợi duy trì được thể thức này. Nên dù nhìn nhận thế nào thì thể thức cử tri đoàn này sẽ còn duy trì rất lâu trong nền chính trị Hoa Kỳ.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 05/11/2020
**********************
Thanh Phương, RFI, 05/11/2020
Tính đến tối 04/11/2020, ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đã tiến gần hơn đến Nhà Trắng sau khi giành thắng lợi ở hai bang chủ chốt. Về phần tổng thống mãn nhiệm Mỹ, Donald Trump phát động một cuộc chiến tư pháp để ngăn chận thắng lợi của đối thủ.
Sau khi giành được thêm hai bang Wisconsin và Michigan (sau Arizona) từ tay ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump, ông Joe Biden kể từ nay nắm trong tay lá phiếu của 264 đại cử tri, tức là chỉ cần 6 phiếu nữa là đủ mức tối thiểu 270 đại cử tri để đắc cử tổng thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Trong khi đó tại bang Pennsylvania, tính đến hôm qua, ông Donald Trump vẫn qua mặt đối thủ Dân chủ, nhưng khoảng cách giữa hai ông đang ngày càng bị thu hẹp, khi ngày càng có nhiều phiếu bầu qua bưu điện được kiểm. Đa số các phiếu được kiểm xong là bầu cho ông Biden.
Không chấp nhận thua cuộc, tổng thống Donald Trump đã cho tiến hành nhiều thủ tục tư pháp. Tai Wisconsin, nơi mà ứng cử viên Dân chủ thắng sát nút, nhóm phu trách tranh cử của ông Trump đòi kiểm lại phiếu và yêu cầu một thẩm phán địa phương xem xét lại các phiếu đã được kiểm. Họ cũng kiện để đòi tạm ngưng kiểm phiếu ở bang Pennsylvania. Bản thân ông Trump đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư cũng đã dọa sẽ yêu cầu Tối Cao Pháp Viện can thiệp, nhưng không nói rõ là để làm gì. Phe của ông Trump cũng loan truyền nhiều tin đồn về gian lận phiếu. Hôm qua, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu đã chỉ trích "những cáo buộc vô căn cứ" của tổng thống Mỹ về bầu cử.
Như vậy là lần đầu tiên kể từ năm 2000, người dân Mỹ vẫn chưa biết tên của vị tân tổng thống một ngày sau bầu cử. Chưa bao giờ người dân Mỹ đi bỏ phiếu đông đảo như thế : 160 triệu cử tri đã đi bầu, tức là tỷ lệ tham gia lên đến 66,9%, so với 59,2% năm 2016, theo US Elections Project. Đặc biệt lần này có rất nhiều cử tri bỏ phiếu qua bưu điện. Tại một số thành phố, việc mở thư và scan các phiếu bầu sẽ mất nhiều tuần.
Trong khi đó tình hình tại nhiều bang đang ngày càng căng thẳng, theo tường trình của thông tín viên Eric de Salves từ San Francisco :
"Người dân Mỹ vẫn chưa biết tên vị tân tổng thống, căng thẳng bắt đầu dâng lên tại nhiều bang mà hai ứng cử viên tranh phiếu gay go như Michigan hay Arizona. Những ủng hộ viên của Donald Trump, mà một số có mang vũ khí, đã biểu tình trước trung tâm bầu cử nơi mà phiếu đang được kiểm. Một số người đòi phải ngưng kiểm phiếu, những người khác thì ngược lại, đòi phải kiểm cho đến cùng tại những nơi mà họ nghĩ là có nhiều phiếu bỏ cho ứng cử viên của họ.
Những cuộc biểu tình này diễn ra sau khi có những cáo buộc của ông Donald Trump về gian lận bầu cử. Trên mạng Twitter, tổng thống mãn nhiệm khẳng định "phe Dân chủ đã làm việc cật lực để tạo ra 500.000 lá phiếu ở Pennsylvania, Michigan", nhưng ông không đưa ra một bằng chứng nào.
Trong khi đó, đối thủ của ông có vẻ như tiến gần hơn đến Nhà Trắng. Joe Biden đã giành chiến thắng ở hai bang vùng Midwest đã từng bầu cho Trump vào năm 2016 : Wisconsin và Michigan. Một bang khác của Trump là Arizona cũng nghiêng hẳn về phía ứng cử viên Dân chủ. Donald Trump vẫn dẫn đầu ở Georgia và Pennsylvania. Nhưng khoảng cách dẫn đầu ngày càng bị rút ngắn khi ngày càng có nhiều phiếu bầu qua bưu điện được kiểm".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 05/11/2020
*********************
Trọng Nghĩa, RFI, 05/11/2020
Sau những tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump về những điều mà ông cho là "gian lận" trong cuộc bầu cử ngày 03/11 vừa qua, các quan sát viên quốc tế của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) mà Hoa Kỳ là thành viên, vào hôm qua, 04/11/2020, đã lên tiếng chỉ trích gay gắt những "cáo buộc vô căn cứ" của chủ nhân Nhà Trắng.
Dân biểu Đức Michael Georg Link, điều phối viên của các quan sát viên của OSCE, chịu trách nhiệm theo dõi cuộc bầu cử cho rằng : "Không ai - không một chính trị gia hay một người dân cử nào – có quyền hạn chế quyền bỏ phiếu của người dân". Dân biểu này nói thêm : "Sau một chiến dịch vận động căng thẳng như vậy, việc bảo đảm mọi phiếu bầu đều được kiểm là nghĩa vụ cơ bản đối với tất cả các cơ quan chính phủ".
Phái bộ OSCE kết luận rằng "cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 đã diễn ra một cách có hiệu quả và tốt đẹp, bất chấp thách thức đến từ đại dịch Covid-19".
Tuy nhiên, phái bộ cũng ghi nhận : "Chiến dịch vận động tranh cử đã bộc lộ tình trạng chia rẽ sâu sắc, đôi khi cản trở cuộc tranh luận chính trị và bao gồm các cáo buộc vô căn cứ về việc gian lận có hệ thống".
Vào lúc kết quả đang lần lượt được công bố trong đêm từ 03 đến 04/11, ông Donald Trump đã sớm tuyên bố "chiến thắng lớn" của ông và cáo buộc đảng Dân chủ "đánh cắp" thắng lợi này bằng cách bỏ phiếu sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Đối với OSCE : "Những tuyên bố này của một tổng thống tái ứng cử làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các thể chế Nhà nước và bị nhiều người coi là nguy cơ làm bạo lực chính trị gia tăng sau cuộc bầu cử".
Với 57 thành viên, bao gồm cả Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả các nước Châu Âu, OSCE là một trong số ít các diễn đàn đối thoại giữa phương Tây và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Facebook và Twitter cố gắng kềm chế Trump và những tin đồn thất thiệt
Cũng liên quan đến tổng thống Mỹ, Facebook và Twitter đã phải đối mặt với một loạt thông tin sai lệch trong ngày diễn ra cuộc bầu cử Mỹ, đặc biệt là các nguồn tin bị đánh giá là sai lạc đến từ ông Trump, theo đó chủ nhân Nhà Trắng tự nhận là mình đã thắng cử.
Twitter đã gắn vào hầu như là một nửa các tin nhắn của tổng thống Mỹ hàng chữ cảnh báo : "Một phần hoặc toàn bộ nội dung được chia sẻ trong thông điệp đang bị phản bác và có khả năng gây hiểu lầm về cách tham gia một cuộc bầu cử".
Trên Facebook, các tin nhắn của Donald Trump vẫn có thể đọc được, nhưng Facebook đã liên kết những tin này với Trung Tâm Thông Tin Bầu Cử của mình, cho thấy kết quả chính thức chưa ngã ngũ, đang rất khít khao giữa ông Trump và đối thủ Biden trong cuộc chạy đua giành đại cử tri. Facebook nói rõ : "Ngay sau khi tổng thống Donald Trump bắt đầu tuyên bố chiến thắng sớm, chúng tôi đã đăng thông báo trên Facebook và Instagram cho biết rằng việc kiểm phiếu đang được tiến hành và vẫn chưa có người chiến thắng".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 05/11/2020
********************
Mười khác biệt trong cách bỏ phiếu của người Mỹ so với thế giới
Eric Bjornlund, Nghiên cứu quốc tế, 05/11/2020
Nhiều người Mỹ không biết quá trình bầu cử của họ kỳ lạ như thế nào so với phần còn lại của thế giới - từ Đại cử tri đoàn cho đến cách xác định phạm vi địa lý các khu vực bỏ phiếu. Nhưng ngay cả bản thân quy trình bỏ phiếu cũng rất khác so với các nền dân chủ khác, khiến việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ gian lận cũng như tranh chấp giữa các đảng phái.
Dưới đây là 10 khác biệt trong cách người Mỹ bỏ phiếu so với thế giới :
1. Ngày Bầu cử được tổ chức vào ngày làm việc. Hầu hết các nền dân chủ khác đều bỏ phiếu vào cuối tuần hoặc chuyển ngày bầu cử của họ thành ngày nghỉ, có nghĩa là nhiều người hơn có thể bỏ phiếu mà không phải lo lắng về việc bỏ lỡ công việc.
2. Không có sự thống nhất trong các cuộc bầu cử quốc gia. Hoa Kỳ dường như là nền dân chủ duy nhất trên thế giới không cố gắng đưa ra các quy tắc và thủ tục thống nhất để áp dụng cho tất cả các cuộc bầu cử quốc gia. Bỏ phiếu diễn ra trên hàng nghìn khu vực chính quyền với vô số loại phiếu bầu, tiêu chí xác định tư cách hợp lệ của cử tri, thiết bị bỏ phiếu, phương pháp kiểm phiếu và khung thời gian, thủ tục bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu vắng mặt, cũng như các quy tắc giải quyết tranh chấp khác nhau.
3. Không có cơ quan quản lý bầu cử quốc gia. Không giống như hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ thiếu một ủy ban bầu cử quốc gia hoặc một cơ quan nào đó chịu trách nhiệm về quy trình bầu cử. Ngay cả các quốc gia khác có truyền thống liên bang mạnh mẽ như Ấn Độ, Canada và Mexico cũng có ủy ban bầu cử quốc gia điều hành các cuộc bầu cử liên bang với các quy tắc thống nhất trên toàn quốc.
4. Quản lý bầu cử theo đảng phái. Tại 33 bang của Hoa Kỳ, quan chức giám sát bầu cử chính được bầu trong các cuộc bầu cử đảng phái và có quan hệ liên minh với một đảng chính trị nào đó - Mỹ là nền dân chủ duy nhất trên thế giới lựa chọn các quan chức bầu cử cấp cao của mình theo cách này. Do đó, tính khách quan và công bằng trong việc điều hành bầu cử phụ thuộc quá nhiều vào sự chính trực của các quan chức phụ trách bầu cử của bang và địa phương, những người thường ủng hộ các ứng cử viên hoặc tham gia tranh cử trong chính các cuộc bầu cử mà họ giám sát. Điều này làm tăng nguy cơ tranh chấp và kiện tụng rất nhiều.
5. Thủ tục đăng ký cử tri phức tạp. Không giống như hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ thiếu cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri ở cấp quốc gia hoặc mang tính thống nhất. Thay vì đăng ký tự động hoặc diễn ra theo sự chủ động của chính phủ như ở hầu hết các quốc gia khác, thì gánh nặng đăng ký bỏ phiếu thuộc về mỗi cá nhân. Điều này có xu hướng khuyến khích sự không tham gia của cử tri.
6. Tranh cãi lan rộng về việc xác định danh tính cử tri. Hầu hết các quốc gia có quy định thống nhất về những gì mà cử tri phải cung cấp tại các địa điểm bầu cử để được bỏ phiếu. Nhiều quốc gia có thẻ căn cước quốc gia hoặc thẻ căn cước cử tri mà mọi cử tri đều phải xuất trình.
7. Gây khó khăn cho cử tri đi bỏ phiếu. Trong lịch sử Hoa Kỳ, thường có ít nhất một đảng lớn cố tình gây khó khăn hơn cho một số nhóm người trong việc đi bỏ phiếu. Hiện tại, một đảng chính trị lớn dường như đang cố gắng ngăn cản sự tham gia của cử tri. Điều này dường như không phổ biến ở những nơi khác trên thế giới. Việc một số bang của Hoa Kỳ tước bỏ quyền bầu cử của những người có tiền án hình sự cũng rất bất thường.
8. Bộ phận quản lý bầu cử có ít thẩm quyền. Các nhà quản lý bầu cử ở Hoa Kỳ nói chung có ít quyền quyết định hơn so với đồng nghiệp của họ ở các quốc gia khác trong việc điều chỉnh các quy tắc và thủ tục - ví dụ như về cách phản ứng với đại dịch Covid-19.
9. Không có quy trình bỏ phiếu hoặc đếm phiếu tiêu chuẩn. Ngay cả trong một tiểu bang, các công nghệ và quy trình cũng khác nhau giữa các quận. Các quy tắc về cách tính phiếu bầu vắng mặt rất khác nhau trên cả nước - đây là một nguồn tranh chấp tiềm tàng khác. Một lần nữa, dường như không có quốc gia nào khác làm theo cách này.
10. Không có cơ chế dành riêng cho việc giải quyết tranh chấp bầu cử. Trên toàn cầu, xu hướng là thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp bầu cử chuyên biệt. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, những ai có khiếu nại về quy trình này thường phải đến tòa án, nơi có xu hướng giải quyết khiếu nại chậm hơn với các thẩm phán ít có chuyên môn về bầu cử hơn.
Eric Bjornlund
Nguyên tác : "10 Problematic Ways in Which U.S. Voting Differs From the World’s", Foreign Policy, 03/11/2020.
Phan Nguyên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/11/2020
Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay cũng là một thách thức lớn đối với các nền tảng công nghệ số. Facebook, Twitter, YouTube hay TikTok liên tiếp đưa ra các biện pháp phòng xa để tránh nền tảng dịch vụ của mình trở thành kênh bóp méo thông tin hay kích động bạo lực trong và cả sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong quá khứ gần đây đã bị nhiều chỉ trích, các mạng xã hội lần này không được phép mắc sai sót. Các mạng xã hội hiểu điều đó và sẽ có nhiều việc phải làm. Facebook, Twitter, YouTube, Google và cả các dịch vụ mạng Snapchat, Reddit hay TikTok đã chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn bầu cử và hậu bầu cử ở Mỹ, được đánh giá là kỳ tuyển cử biến động nhất và tiềm ẩn những rủi ro cho chính các mạng xã hội.
Thách thức ở đây là tránh không để xảy ra tình trạng bóp méo thông tin ồ ạt như ở kỳ bầu cử tổng thống 2016, điển hình là vụ bê bối Cambridge Analytica, làm sao để các mạng xã hội không trở thành công cụ khích động thù hằn giữa các cử tri.
Trong nhiều tháng qua, các mạng xã hội đã liên tiếp các nỗ lực nhằm ngăn chặn việc phổ biến các tin đồn trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu ghi nhận không có tiến bộ nào đáng kể, đồng thời tất cả các nghiên cứu đều nhận thấy trong giai đoạn vận động tranh cử, tin thất thiệt trên các mạng xã hội vẫn gia tăng.
Kỳ bầu cử nhiều rủi ro
Các rủi ro của kỳ bầu cử này có rất nhiều : phản đối kết quả bầu cử, xúi giục bạo lực hậu bầu cử, bóp méo thông tín trong qua trình kiểm phiếu….Trong một đất nước như Hoa Kỳ, nơi mà "các mạng xã hội là nguồn thông tin chính cho đại đa số người dân, thì trách nhiệm của những người khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ là rất lớn", hãng tin CNN nhấn mạnh.
Để đối mặt với những thách thức đó, các nền tảng dịch vụ mạng xã hội đã tăng tốc các hoạt động giám sát từ tháng 9. Trang mạng Election Integity Partneship, một liên kết giữa tổ chức phi chính phủ và các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học Mỹ, có nhiệm vụ giám sát diễn tiến bầu cử, trong vòng hai tháng đã cập nhật lại tới 6 lần trang tin dành để các mạng xã hội đưa ra sáng kiến nhằm ngăn chặn những mối đe dọa đến tinh trung thực của tiến trình bầu cử.
"Nguy cơ lớn nhất theo chúng tôi bắt nguồn từ khả năng tổng thống và đảng của ông nghi ngờ quy trình kiểm phiếu", một nhân viên muốn ẩn danh của một trong các mạng xã hội nêu trên nói với CNN. Những công kích thường xuyên của ông Doald Trump đối với hình thức bỏ phiếu bầu qua bưu điện, cho rằng hình thức này có lợi cho phe Dân Chủ, làm dấy lên lo ngại những người ủng hộ tổng thống tuyên bố thắng lợi trước khi kiểm xong hết phiếu bầu.
Chính vì thế Facebook và Twitter dự trù ngay trong tối thứ Ba 03/11, cấm người sử dụng mạng hô hào chiến thắng trước khi kết quả được kiểm tra và xác nhận bởi những hãng truyềzn thông tin cậy, như hãng tin Reuters, AP.
Các mạng xã hội Facebook, Twitter và Google đều cho hiển thị các thông điệp cảnh báo nhắc nhờ khi chưa có kết quả chính thức thì không được tuyên bố chiến thắng sớm. YouTube cũng cảnh báo các video có ý thông báo kết quả phiếu bầu không đúng.
Hai mạng xã hội chủ yếu trên hy vọng việc nhắc đi nhắc lại việc kiểm phiếu cần phải có thời gian sẽ tránh cho mạng phải kiểm duyệt các thông điệp của những chính khách có thể vô tình hoặc cố ý loan các thông tin sai lệch. Các mạng xã hội không hề muốn một lần nữa bị cáo buộc đã thiên vị ứng cử viên này hay ứng cử viên kia.
Các mạng xã hội trái lại còn khắt khe hơn với các quảng cáo chính trị. Đã bị cấm từ hai tuần nay, những quảng cáo chính trị vẫn tiếp tục bị cấm sau ngày bầu cử chính thức ít nhất 7 ngày. Đó cũng là sự lựa chọn của Google trên dịch vụ tìm kiếm và YouTube, nhằm tránh " các quảng cáo làm lộn xộn thêm hậu bầu cử", BBC nhận xét.
TikTok, mạng xã hội có nguồn gốc Trung Quốc bị Donald Trump căm ghét nhưng lại được lứa tuổi thiếu niên ưa thích, đã triển khai đối tác với nhiều trang kiểm chứng thông tin để có thể giám sát tích cực hơn các hoạt động của mạng. Mạng này cũng đưa một tiện ích giúp người sử dụng báo cáo khi có những tin thất thiệt về kết quả phiếu bầu.
Về phía Reddit, nhà mạng này sẽ phải làm nhiều hơn các mạng xã hội khác, BBC nhận định. Trang mạng cộng đồng khổng lồ này, nơi hàng chục triệu cư dân mạng gặp gỡ để tranh luận về tất cả các vấn đề, đã quyết định xóa bất kỳ một thông điệp nào có biểu hiện nhỏ nhất gây ảnh hưởng đến tính trung thực của bầu cử. Nhiều chuyên gia – các nhà chính trị, thẩm phán, nhà báo- sau ngày bầu cử mới trả lời mọi câu hỏi của người sử dung internet về cuộc bầu cử này. Lâu nay, Reddit vẫn bị coi như là một trong những chiếc nôi của nhiều thuyết âm mưu. Giờ đây trang mạng này hy vọng những biện pháp nhiêm khắc sẽ giúp lấy lại danh dự.
Những mạng xã hội lớn này đều không muốn sống lại trải nghiệm năm 2016. Khi đó họ bị tố cáo đã để các thế lực nước ngoài lợi dụng phổ biến tin giả về bầu cử Mỹ.
Đặc biệt lần này, các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo là Nga không phải là nước duy nhất muốn gây rối loạn tiến trình bầu cử Mỹ. Cần phải tính đến các nước như Trung Quốc và Iran, William Evanina, lãnh đạo cơ quan phản gián Mỹ nhấn mạnh.
Các tin tặc Iran đã thò tay vào trong rỏ hồi cuối tháng 10, khi giả mạo là thành viên của Proud Boys, một nhóm cực hữu Mỹ ủng hộ Donald Trump, gửi các tin nhắn đe dọa cử tri phe Dân Chủ.
Facebook và Twitter tăng cường phương tiện và nhân sự để dò mọi hoạt động nghi ngờ do các nước bên ngoài tiến hành. Facebook đã cho triển khai các công cụ như đã sử dụng để hạn chế loan truyền các thông điệp kích động bạo lực sau bầu cử ở nhiều nước như Miến Điện, theo báo Mỹ New York Times.
Facebook và Instagram bảo đảm họ đã chuẩn bị tốt hơn cách đây 4 năm. Từ tháng 3 năm nay, Facebook khẳng định đã xóa hơn 2 triệu quảng cáo đáng ngờ và hơn 135 nghìn tin giả. Các mạng xã hội như Twitter, YouTube hay TikTok khẳng định là còn tham gia kêu gọi cử tri tham gia bầu cử. Snapchat cho biết đã hỗ trợ hơn một triệu người đăng ký bầu cử. Chủ yếu đó là những cử tri trẻ. Facebook cũng nhận đã góp phần cho 4 triệu cử tri mới đăng ký. Quả thực kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020 này cũng là một bài trắc nghiệm cho chính các mạng xã hội.
(Tổng hợp từ France 24.com và Le Figaro)
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 04/11/2020
Thanh Hà, RFI, 03/11/2020
Hơn 230 triệu cử tri Mỹ được kêu gọi bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ 4 năm. Trước thời hạn 03/11/2020, 95 triệu trong số này thi hành bổn phận công dân. Tỷ lệ cử tri tham gia lần này được dự trù cao kỷ lục. Đâu là những yếu tố quyết định phân chia thắng bại giữa hai ứng cử viên của Joe Biden và Donald Trump ?
Bốn năm trước, cuộc đọ sức giữa ứng viên Donald Trump của bên đảng Cộng hòa và nữ ứng viên tổng thống Mỹ đầu tiên đại diện cho đảng Dân chủ, Hillary Clinton, chỉ có sức thu hút 138 triệu cử tri. Lần này cử tri ồ ạt bỏ phiếu sớm, góp tiếng nói để định đoạt lấy tương lai Hoa Kỳ trong bốn năm sắp tới. Nhiều yếu tố giải thích cho hiện tượng cử tri Mỹ đã mau mắn thi hành nhiệm vụ công dân.
Yếu tố virus corona
Trước hết, đại dịch Covid-19 khiến mọi người lo xa, tránh hiện tượng các phòng phiếu bị quá tải trong ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 11 đúng theo truyền thống chính trị Hoa Kỳ. Cũng vì virus corona tới nay vẫn cướp đi sinh mạng, tính trung bình, của 1000 người mỗi ngày, cử tri có khuynh hướng chọn bỏ phiếu qua bưu điện, hạn chế sự tiếp xúc với những người khác tại các phòng phiếu.
Do tác động khủng hoảng y tế, báo New York Times thẩm định 76 % cử tri Mỹ có thể chọn giải pháp này. 45 trong số 51 bang tại Mỹ xem đây là một hình thức bỏ phiếu phổ thông.
Bưu điện Mỹ, nạn nhân của sự chiếu cố quá tận tình
Năm 2016, trên tổng số 138 triệu cử tri đi bầu, đã có 33 triệu (24 %) bỏ phiếu qua bưu điện. Báo New York Times chờ đợi lần này có "ít nhất 80 triệu" cử tri chọn bầu qua thư, lượng phiếu bầu gửi qua bưu điện năm nay tăng gần gấp 3 lần so với bốn năm trước. Thế nhưng ngân sách của cơ quan này để bảo đảm cho dịch vụ nói trên lại không tăng theo. Bưu điện Mỹ báo trước nguy cơ thư đến chậm, tức là không thể kiểm phiếu như dự kiến vào cuối ngày 03/11/2020 khi các phòng phiếu bắt đầu đóng cửa.
Trả lời RFI, giáo sư Christine Zumello chuyên về tình hình chính trị Mỹ giảng dậy tại đại học Paris Sorbonne Nouvelle trình bày về những thách thức đặt ra đối với bưu điện Mỹ khi phải xử lý hàng chục triệu phiếu bầu qua thư. Kèm theo đó là những hoài nghi của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa.
Christine Zumello : Bưu điện Mỹ là một cơ quan trực thuộc chính phủ và như tất cả mọi cơ quan công cộng khác, ngành bưu điện Mỹ có vấn đề về ngân sách. Tổng thống Donald Trump lại không sốt sắng giải ngân thêm cho cơ quan này để đối mặt với làn sóng cử tri chọn đi bầu qua đường bưu điện. Có nhiều khả năng những lá phiếu bầu này sẽ bị kẹt đâu đó trong các thùng thư ! Đây là điều mà cả bên đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa cùng lo ngại nhưng mỗi bên vì những lý do khác nhau. Phe Cộng hòa cho rằng bỏ phiếu qua bưu điện sẽ dẫn đến gian lận và sẽ không kiểm soát xuể các lá phiếu của cư tri đi qua ngả này. Điều đó có nghĩa là sẽ có những tiếng nói không được công nhận trong cuộc bầu cử lần này và phe Cộng hòa nghĩ rằng kết quả chung cuộc sẽ bất lợi cho ông Trump. Ngược lại bên Dân chủ thì nghĩ là sở bưu điện đã không có đủ phương tiện để vận chuyển những lá phiếu của người dân đến đúng thời hạn kiểm phiếu. Mà thông thường thì cử tri của bên Dân chủ hăng hái bỏ hiểu qua bưu điện hơn so với cử tri của bên đảng Cộng hòa.
Hoa Kỳ đang đứng trước một cuộc bỏ phiếu qua đường bưu điện quy mô chưa từng thấy, và đây là bài toán trắc nghiệm chưa bao giờ xảy ra. Do vậy có rất nhiều lời đồn đoán, những kịch bản tưởng tượng cho rằng bầu qua bưu điện đồng nghĩa với việc gian lận. Kế tới, hiện tượng bỏ phiếu qua bưu điện đang gây ra nhiều hoang mang và lo sợ. Trên Twitter Donald Trump viết : "Tất nhiên là những lá phiếu này chống lại tôi, đó là một sự gian lận". Cũng phải nói là từ trước tới nay tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu chọn tổng thống ở Mỹ luôn rất thấp, do vậy cả Donald Trump lẫn bên đảng Dân chủ của Joe Biden cùng hoang mang không biết số cử tri này sẽ bỏ phiếu cho ai".
Y tế và bất công xã hội có lợi cho phe nào ?
Vào lúc hai phe Cộng hòa và Dân chủ tập trung vào lá phiếu gửi qua đường bưu điện, những bất bình đẳng trong xã hội Mỹ là một yếu tố mang tính quyết định không kém. Trả lời RFI tiếng Việt giáo sư Thérèse Rebière, Trường Kỹ Nghệ Quốc Gia Pháp, CNAM, nêu bật yếu tố bất công trong xã hội Mỹ và kết quả bầu cử tổng thống lần này :
Thérèse Rebière : "Những bất bình đẳng trong xã hội Mỹ cũng là những bất bình đẳng về chủng tộc. Nếu nhìn vào mức lương thì thu nhập của cộng đồng da đen ở Hoa Kỳ thấp hơn rất nhiều so với người Mỹ da trắng. Ngoài ra cách biệt này có khuynh hướng tăng lên thêm, nhưng phải lưu ý rằng hiện tượng này không bắt nguồn từ dưới chính quyền Trump mà đã xuất phát từ 2010 tức là khi nước Mỹ bắt đầu thoát khỏi khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime 2007/2008. Trong giai đoạn kinh tế Mỹ phục hồi từ 2010 các bất bình đẳng trong xã hội cũng tăng theo".
Vậy thì hai ứng viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ, bên nào sẽ tranh thủ được lá phiếu của những thành phần bất mãn về chênh lệnh giàu nghèo và những bất bình đẳng trong xã hội đó ? Giáo sư Rebière cho rằng câu trả lời phức tạp hơn bức tranh mà truyền thông thường muốn đưa ra :
Thérèse Rebière : "Những bất bình đẳng đó có thể là những yếu tố quyết định khi cử tri đến phòng phiếu, nhưng lá phiếu của họ hoàn toàn có thể được dành cho bất kỳ bên nào. Tình hình tháng 11/2020 giờ đây không còn như hồi cuối năm ngoái. Một năm trước đây các chỉ số kinh tế hoàn toàn có lợi cho tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Chưa bao giờ số người nghèo trên toàn quốc lại rơi xuống mức thấp như hồi cuối 2019, dao động ở mức 10,5 %. Ngay cả cộng đồng thiểu số da màu cũng đã thịnh vượng hơn, kể cả cộng đồng người Mỹ da đen và thiểu số nói tiếng Tây Ban Nha. Công bằng mà nói khuynh hướng này đã bắt đầu xuất hiện từ dưới thời tổng thống Obama, nhưng đây là một lập luận tranh cử để kiếm phiếu của ông Donald Trump".
Thế nhưng bức tranh tươi sáng đó đã bị một con siêu vi phá hỏng : tỷ lệ thất nghiệp cuối năm ngoái đang ở mức thấp nhất kể từ 50 năm qua đã tăng vọt lên 14,7 % vào tháng 4/2020. Hàng chục triệu người bị mất việc trong một sớm một chiều.
Thérèse Rebière : "Vâng, đúng như vậy virus corona đã hoàn toàn làm thay đổi cục diện của nước Mỹ. Trung tâm kiểm dịch từ tháng 7 đã báo động rằng nguy cơ một người Mỹ gốc Phi bị nhiễm và phải nhập viện cao hơn so với trong cộng đồng da trắng. Bất bình đẳng ở đây không chỉ về mặt kinh tế, xã hội mà kể cả về mặt y tế nữa. Dân mà càng nghèo thì tác động của Covid-19 đối với sức khỏe của họ càng tai hại, các triệu trứng nghiêm trọng càng thấy rõ".
Vào lúc công luận Mỹ phẫn nộ vì kinh tế ảm đạm, vì đại dịch Covid-19, liệu cử tri có dễ dàng dồn phiếu cho ứng cử viên của đảng đối lập, bất luận người đó là ai hay không ?
Thérèse Rebière : "Một phần của thế giới đang mong mỏi điều đó. Sẽ là điều ngạc nhiên nếu như những tâm trạng chán ngán Trump không dồn phiếu cho đối thủ của ông ta bất kể người ấy là ai. Nhưng đừng quên rằng có một thành phần cử tri nòng cốt hết sức trung thành với Trump. Trong số này bao gồm cả những người nghèo, người giàu, người da trắng cũng như da màu. Số này tin chắc như đinh đóng cột rằng ông Trump mới là người của tình huống. Chỉ có ông ấy mới vực dậy được kinh tế Hoa Kỳ và ông ấy là tác giả của những thành quả kinh tế tốt đẹp mà nước Mỹ đã có được cho đến cuối năm 2019, trước khi dịch Covid-19 cuốn trôi đi tất cả. Họ cũng tin rằng, trong tình cảnh khó khăn hiện nay, cũng chỉ có Trump mới đủ sức đảo ngược thế cờ. Đây chính là lý do giải thích hai đảng Cộng hòa và Dân chủ có hai cái nhìn trái ngược hẳn về virus corona.
Bên Dân chủ cho rằng phải cứu lấy mạng người trước đã và y tế có ổn định thì kinh tế mới được phục hồi. Trái lại phe của ông Trump thì cho rằng, kinh tế sẽ được khởi động trở lại, Mỹ sẽ thịnh vượng lại như hồi cuối 2019, tỷ lệ thất nghiệp sẽ lại rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Vì vậy mà phe này dứt khoát bác bỏ mọi khả năng tái phong tỏa, giữ mức hoạt động kinh tế bằng mọi giá bất chấp virus corona chủng mới đang hoành hành".
Sự hăng hái và đam mê của cử tri thách thức truyền thông Mỹ
Đặc điểm thứ ba của mùa bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này là sự hăng hái khác thường của cổ động viên ủng hộ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Điều này chính là thách thức lớn đối với truyền thông Hoa Kỳ. Nhà báo Võ Thành Nhân, giám đốc điều hành chi nhánh của hệ thống truyền hình SBTN tại thủ đô Washington cho biết về kinh nghiệm và những điều mà các phóng viên tại chỗ ghi nhận trong những lần tác nghiệp :
Phỏng vấn nhà báo Võ Thành Nhân- SBTN Washington DC
Võ Thành Nhân : "Số người trẻ đi bầu sẽ là một kỷ lục. Covid-19 khiến mọi người thấy trách nhiệm của mình với cuộc bầu cử này quan trọng hơn (...) Trong những lần làm phóng sự, chúng tôi vận động trong cộng đồng Việt Nam tránh để xảy ra những xung đột hay va chạm vì mỗi bên bênh vực nhiều quá cho ứng cử viên của mình. (...) Sau bầu cử, chắc chắn chúng ta phải chấp nhận kết quả, cho dù là ai đắc cử đi chăng nữa. Ai là tổng thống cũng được nhưng đừng để người Việt trong cộng đồng không nhìn mặt nhau nữa".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 03/11/2020
************************
Minh Anh, RFI, 03/11/2020
Donald Trump, 74 tuổi hay Joe Biden, 78 tuổi, ai sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ sau ngày bỏ phiếu lịch sử 03/11/2020 này ? Lịch sử là vì trong cuộc bầu tổng thống 2020 này, người dân Mỹ phải bầu chọn giữa hai ứng viên cao tuổi nhất, và đặc biệt là, cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh xã hội Mỹ bị phân hóa sâu sắc.
Đây cũng là một kỳ bỏ phiếu đầy rủi ro nhất. Bởi vì chưa có một kỳ bầu cử tổng thống nào, mối lo bạo động bùng phát hậu bầu cử lại nặng nề như lúc này. Lần đầu tiên, trong lịch sử bầu cử Hoa Kỳ, người ta nhìn thấy nhiều tiểu thương phải cho ốp ván gỗ che chắn trước cửa hiệu đề phòng bạo lực ngay khi có kết quả kiểm phiếu.
Một dấu hiệu khác cho thấy rõ xã hội Mỹ giờ như một sợi dây đàn bị căng hết mức : Tổ chức phi chính phủ International Crisis Group, trong tuần trước ra một báo cáo nhấn mạnh đến "rủi ro có thể có về việc tổng thống mãn nhiệm không chấp nhận kết quả bầu cử, dẫn đến hệ quả bạo lực vũ trang".
Để thấy rõ tầm mức quan trọng của lời cảnh báo, Liberation dẫn lời ông Stephen Pomper, một trong số lãnh đạo của tổ chức này lưu ý độc giả rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm tồn tại của International Crisis Group, một tổ chức phi chính phủ chuyên dự báo và hỗ trợ các giải pháp về các cuộc xung đột, "ra báo cáo về chuyện nội tình nước Mỹ".
Bởi vì bầu cử năm nay diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt : Nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng xã hội trên nhiều phương diện. Khủng hoảng dịch tễ Covid-19 bùng phát mà Hoa Kỳ đứng đầu bảng xếp hạng về số nạn nhân (230.000 người chết), khiến nền kinh tế lao đao, thất nghiệp gia tăng.
Nhất là xã hội Mỹ bị phân hóa sâu sắc hơn bao giờ hết, mà vụ Georges Floyd, một người da đen bị cảnh sát chẹt cổ đến chết ngạt là một ví dụ điển hình. Người ta nhận thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của những nhóm cực hữu chủ trương người "Da Trắng thượng đẳng", phần đông ủng hộ Trump, đối lập với bên kia là những nhóm cực tả, xu hướng vô chính phủ.
Bầu cử Mỹ 2020 còn mang đậm dấu ấn của một chiến dịch vận động tranh cử ngoại hạng, với những lời lẽ đả kích đối phương ở một mức độ "hung hãn" chưa từng thấy. Thái độ hung hăng đó không chỉ từ hai ứng viên mà cả từ những ủng hộ viên, đến mức ICG phải lên tiếng khuyến nghị rằng "chính quyền phải ngăn chặn mọi hành động hăm dọa cử tri, và tiếp tục kiểm phiếu ngay cả trong trường hợp có mất trật tự".
Theo giới quan sát, căng thẳng trong bầu cử, những khó khăn tiếp cận phòng bỏ phiếu luôn tồn tại trước đây, nhưng chính cá tính của vị tổng thống sắp mãn nhiệm là một biến số mới trong cuộc bầu cử lần này.
E sợ xảy ra xung đột, thậm chí người ta còn mơ hồ nói đến nội chiến khi ông Donald Trump luôn có những phát biểu nuôi dưỡng hay kích động tâm lý nghi kị tiềm tàng trong lòng các cử tri của ông về khả năng có gian lận bầu cử.
Chủ nhân Nhà Trắng đòi hỏi kết quả cuối cùng phải được công bố ngay trong đêm mồng 03/11 mà không đợi kết quả kiểm những lá phiếu gởi qua bưu điện, do tình hình dịch Covid-19. Căng thẳng đó còn gia tăng một nấc khi tổng thống Trump tuyên bố thẳng thừng không thể thua trong cuộc bầu cử này trừ phi có gian lận.
Chưa có lúc nào tâm trạng lo lắng có gian lận lại cao như lúc này. "Một bầu không khí nghi kỵ, ngờ vực đối với cuộc bỏ phiếu chưa từng thấy", mà ông Christian Vinel, chuyên gia về lịch sử Mỹ, trường Đại học Paris, trên đài RFI đánh giá rằng "đó là một dấu hiệu của một nền dân chủ đang lâm bệnh".
Quan điểm này được ông Robert Malley, giám đốc tổ chức International Crisis Group, một lần nữa xác nhận khi trả lời phỏng vấn đài RFI tại Washington, cho rằng "nguy cơ tràn bờ là hiện hữu nhất là bởi vì bản thân tổng thống Mỹ đang phiêu lưu thêu dệt căng thẳng hơn là làm dịu chúng".
Minh Anh
**********************
Minh Anh, RFI, 03/11/2020
Thứ Ba 03/11/2020, cử tri toàn nước Mỹ được kêu gọi bỏ phiếu bầu chọn tổng thống mới. Một kỳ bầu cử lịch sử theo như lời hô hào của hai ứng viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Nếu như tỷ lệ người dân tham gia bỏ phiếu lần này rất có thể phá mọi kỷ lục, nhưng nỗi lo bạo lực bùng nổ trong trường hợp kết quả sít sao hay bị phản đối không phải là nhỏ.
Tại thủ đô liên bang, nhiều cửa hiệu, hàng quán cho dựng các hàng rào, ốp ván gỗ che chắn, đề phòng xảy ra bạo động.
Từ Washington, thông tín viên RFI, Anne Corpet gởi bài phóng sự :
"Cách Nhà Trắng vài bước, nhiều công nhân đang dựng những ván gỗ trước cửa kính của một hiệu bán quần áo. Tất cả những cửa hàng khác trong khu phố đã được gia cố bảo vệ. Trước những quầy áo sơ mi, Sarah và Alin, hai nữ nhân viên tỏ chút lo lắng.
Cô Sarah nói : "Chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng, vì không biết điều gì có thể xảy ra".
Ailin nói thêm : "Tôi nghĩ đó là do cái cách người ta nghĩ về tổng thống của chúng tôi. Nếu ông ấy tái đắc cử, thì sẽ có bạo động".
Cô Ginger, làm việc trong một tiệm bán sô-cô-la đối diện, cũng lo ngại bao động: "Trong tòa nhà của chúng tôi, họ hỏi chúng tôi là ai sẽ làm việc thứ Ba này và họ còn hỏi tên những người cần phải liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Đất nước trong lúc này bị chia rẽ đến mức bất kể kết quả bầu cử như thế nào thì bạo động đều có thể xảy ra".
Tại tiệm của Joy, doanh số bán hàng đã bị giảm nhiều, và giờ đây lối đi vào cửa hiệu lại bị những tấm ván che lấp, không dễ gì tìm ra và bầu không khí này còn làm cho cô thêm nản lòng.
Joy thổ lộ : "Tôi nghĩ là chúng tôi đang sống trong một nền dân chủ và sẽ không thể phải đối mặt với những chuyện như vậy, nhất là tại thủ đô của liên bang. Thế nhưng, tình hình hiện nay thật khiếp hãi"
Rất nhiều người dân Mỹ lần đầu tiên đi mua vũ khí nhân kỳ bầu cử. Đó là điều chưa từng thấy !".
Minh Anh
**********************
Thụy My, RFI, 03/11/2020
Texas rất được các ứng cử viên săn đón, và thống đốc bang này lo ngại tình hình sẽ căng thẳng trên các đường phố. Ông quyết định triển khai vệ binh quốc gia tại các thành phố chủ chốt để đề phòng hỗn loạn. Đích thân thống đốc Greg Abbott loan báo sẽ gởi 1.000 vệ binh quốc gia đến năm thành phố Houston, Dallas, Fort Worth, San Antonio và Austin.
Từ Houston, thông tín viên Thomas Harms tường thuật :
Thống đốc Abbott nói : "Chúng tôi muốn chắc chắn rằng trong trường hợp có những phong trào phản kháng sau bầu cử, sẽ có nhân sự thích ứng tại chỗ, sẵn sàng hành động nếu biểu tình phản đối biến thành nổi dậy".
Các quân nhân này được triển khai hôm nay tại những địa điểm lịch sử như khu tượng đàiAlamo ở San Antonio hay Capitol ở Austin, hoặc các dinh thự công như tòa án.Không có vệ binh quốc gia nào được bố trí bên trong hay phía trước các phòng phiếu.
Tuy nhiên Art Acevedo, cảnh sát trưởng Houston không thấy lợi ích gì trong việc triển khai này. Ông cho biết : "Chúng tôi chẳng thấy có lợi gì khi đưa lực lượng vệ binh đến đây. Nếu thống đốc đã ra lệnh, đó là quyền của ông ấy. Nhưng chúng tôi không thể giao nhiệm vụ gì cho vệ binh quốc gia, và nghĩ rằng cũng không cần đến lực lượng này ở Houston hay thành phố nào khác của Texas".
Được biết các thị trưởng Houston, Dallas, Austin đều không được liên lạc trước.
Cơ quan cảnh sát của năm thành phố lớn đều chuẩn bị đối phó với các cuộc biểu tình sau bầu cử. Về phía FBI dự báo phe cực hữu có thể có những hành động bạo lực ở phía bắc Texas".
Thụy My
********************
VOA, 03/11/2020
Người gốc Việt họ Nguyễn đứng đầu về số lượng cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tại hạt lớn nhất của tiểu bang Texas.
Theo thống kê của Houston Chronicle, cử tri có tên họ "Nguyễn" đứng đầu về số lượng người bỏ phiếu sớm ở hạt Harris ở Houston, hạt lớn thức 3 trên toàn nước Mỹ với số dân hơn 4 triệu người, vượt qua những cử tri khác có họ "Smith" hay "Williams". Tính đến ngày 27/10, có 8.848 cử tri họ "Nguyễn" đã đi bầu sớm tại phòng phiếu của hạt Harris, đứng đầu trong số những cử tri được thống kê theo họ của Houston Chronicle. Đứng thứ 2 là số lượng cử tri họ "Smith", 8.051, và thứ 3 là số lượng cử tri họ Williams, 7.624.
Ngày bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào 3/11 nhưng số lượng cử tri Mỹ đi bầu sớm trong năm nay tăng đột biến, dự kiến sẽ đạt 100 triệu vào ngày bầu cử chính thức, một phần do đại dịch Covid-19 và một phần do việc nhiều cử tri Mỹ hơn muốn tham gia đầu phiếu trong cuộc đua của hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, của đảng Cộng hoà, và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, của đảng Dân chủ.
Thu Nguyen, một cư dân của Houston hiện là giám đốc tổ chức OCA của người Mỹ gốc Á, nói với Houston Press rằng nhiều người Mỹ gốc Việt bị thu hút đến các điểm bỏ phiếu để bầu cho ông Trump vì nhận thức rằng ông Trump là một doanh nhân thành đạt sẽ mang lại việc làm cho nước Mỹ cũng như tăng tỷ lệ việc làm hơn. Còn theo Victor Nguyen, một trong số những cử tri họ "Nguyễn" đã bỏ phiếu sớm cho kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, động lực của cộng đồng Mỹ gốc Việt, nhóm sắc dân có số lượng người theo đảng Cộng hòa nhiều nhất trong cộng đồng người gốc Á Thái Bình Dương ở Mỹ, đi bỏ phiếu cho kỳ tổng thống này xuất phát từ lòng trung thành của họ.
"Cử tri Mỹ gốc Việt, đặc biệt những thế hệ nhiều tuổi hơn, bỏ phiếu dựa trên lịch sử", Victor Nguyen nói với Houston Press. "Họ nhìn vào việc ai phải chịu trách nhiệm cho một số hành động cụ thể – như việc Mỹ thất bại ở Việt Nam và ai là người có trách nhiệm chào đón những người tị nạn Việt tới Mỹ".
Nhiều người Việt tin rằng Đảng Cộng hòa đã chào đón người tị nạn Việt đến Mỹ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc và rằng ứng cử viên đang tranh chức tổng thống với ông Trump, Joe Biden, là người phản đối việc tiếp nhận người tị nạn Việt đến Mỹ. Để làm sáng tỏ lập trường của mình trước tranh cãi trong cộng đồng gốc Việt, ông Biden hôm 21/10 đã gửi một thông điệp đến 2 triệu người Mỹ gốc Việt, trong đó nói rằng ông "đã ủng hộ 130.000 người tị nạn Việt Nam tới Mỹ".
Theo Houston Press, có ít nhất 49.500 người Mỹ gốc Á đã bỏ phiếu sớm ở hạt Harris tính đến 2/11, một lượng tăng gần gấp đôi so với con số cử tri Mỹ gốc Á đi bầu sớm trong nămn 2016. Và theo nhận định của Fortune, các khu vực ngoại ô của Texas, giống như nhiều khu vực khác trên toàn nước Mỹ, không còn có đa số sắc dân da trắng nữa.
Một khảo sát của Pew đưa ra hồi tháng 5 vừa qua cho thấy người gốc Á, trong đó có Việt Nam, là nhóm thiểu số phát triển nhanh nhất trong số lượng cử tri hợp pháp ở Mỹ. Số lượng người Mỹ gốc Á được hợp pháp đi bầu tăng hơn 2 lần, với mức tăng 139%, trong 10 năm qua, và khảo sát của Pew dự báo hơn 11 triệu người Mỹ gốc Á sẽ đi bầu trong năm nay. Số lượng cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm đã đạt hơn 95 triệu tính đến ngày 2/11 và là con số kỷ lục trong một thập kỷ qua, khi đã vượt mức cử tri đi bầu sớm của năm 2016 và chiếm hơn 2/3 tổng số người đi bầu trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây 4 năm.
Bầu cử tổng thống Mỹ : Trump vận động tại 5 bang then chốt, Biden tập trung vào bang Pennsylvania
Thanh Hà, RFI, 01/11/2020
48 tiếng đồng hồ trước ngày bỏ phiếu, hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ chọn hai chiến thuật khác nhau. Donald Trump vận động tại 5 bang then chốt trong ngày 01/11/2020 và ngày mai sẽ đến 5 bang khác nữa. Ngược lại ứng viên Joe Biden chủ trương tập trung vào thành phần cử tri ở bang Pennsylvania.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 : Donald Trump và Joe Biden trong cuộc chạy đua nước rút tìm kiếm phiếu. AFP
Cụ thể hơn ứng viên của đảng Dân chủ sẽ cùng cựu tổng thống Barack Obama đến vận động tại thành phố Philadelphia trong ngày Chủ Nhật 01/11/2020.Trước đó, cặp bài trùng Biden-Obama đã vận động tại Detroit, lá phổi công nghiệp của bang Michigan, một trong những thành phố nghèo nhất nước Mỹ với gần 80 % dân số là người gốc Phi. Cách nay bốn năm, đảng Dân chủ đã thua tại bang này trong đường tơ kẽ tóc.
Thông tín viên đài RFI, Loubna Anaki từ New York tường thuật về chương trình vận động trong hai ngày cuối tuần của phe Dân chủ :
"Tại Flint cũng như ở Detroit, Barack Obama là người đầu tiên bước lên khán đài. Tại bang Michigan, lần đầu tiên ông và Joe Biden cùng tham gia vận động kể từ đầu cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Cựu tổng thống Mỹ kêu gọi cử tri đi bầu đông đảo. Ông nói "chỉ còn có ba ngày trước cuộc bầu cử quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta. Tất cả tùy thuộc vào ngày Thứ Ba này. Công việc làm của chúng ta, chính sách y tế của nước Mỹ đối với đời sống của chúng ta tùy thuộc vào sự kiện đó bất luận Hoa Kỳ có kiểm soát được đại dịch này hay không. Tất cả tùy thuộc vào lá phiếu ngày Thứ Ba này".
Để hỗ trợ Joe Biden, Barack Obama không ngần ngại mạnh mẽ tấn công Donald Trump. Cựu tổng thống Dân chủ này từ bốn năm qua đã rất thận trọng ngay cả khi ông bị người kế nhiệm lăng mạ đặc biệt là qua mạng Twitter. Thế nhưng hôm qua, ông Obama dường như đã phá vỡ thông lệ này và thoải mái chỉ trích nhà tỷ phú New York. Ông nêu lên câu hỏi : "Tại sao Trump lại bị ám ảnh về số lượng người đến dự những sự kiện mà ông có mặt ? Đây là cách duy nhất để ông ta đo lường mức độ thành công của mình. Phải chăng hồi nhỏ, chẳng ai đến dự sinh nhật Donald Trump và ông ấy bị ám ảnh vì điều đó ?".
Không phải tình cờ mà cựu tổng thống Obama đem uy tín của ông ra để phục vụ Joe Biden ở bang Michigan. Trên nguyên tắc ông Biden đang dẫn đầu trước đối thủ Donald Trump đến 8 điểm. Nhưng hồi năm 2016 cử tri bang này đã chọn bỏ phiếu cho ông Trump. Về phần tổng thống Donald Trump cùng ngày hôm qua ông đã lao vào ba cuộc vận động ở bang Pennsylvania, một bang then chốt trong cuộc bầu cử lần này".
Tính đến ngày 01/11/2020, hơn 90 triệu cử tri Mỹ trên tổng số 230 triệu đã đi bỏ phiếu sớm. Một dấu hiệu cho thấy bầu không khí căng thẳng tại Hoa Kỳ đó là nhiều cửa hàng tại bang New York và tại thủ đô Washington đã đóng cử từ chiều qua, đề phòng trước nguy cơ xảy ra bạo động nếu như kết quả bầu cử ngày 03/11/2020 quá sít sao hay bất phân thắng bại cho cả hai phái Dân chủ và Cộng hòa.
Thanh Hà
**********************
Bầu cử Mỹ 2020 : Texas dẫn đầu bỏ phiếu sớm, cử tri trẻ đông kỷ lục
RFI, 31/10/2020
Tính đến hết ngày 30/10/2020, bang Texas đã có 8 triệu rưỡi cử tri bỏ phiếu sớm bầu tổng thống Mỹ 2020, trong khi tổng số người đi bầu cử cửa năm 2016 ở bang này chỉ là hơn 400 nghìn. Lực lượng cử tri trẻ tham gia bầu cử cũng đã đạt mức cao chưa từng có, 900 nghìn người đã đi bỏ phiếu sớm, trong đó có những người không ngại đi hàng nghìn km để trở về bỏ phiếu.
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm bầu tổng thống Mỹ tại Fort Worth, Texas, ngày 29/10/2020. AFP - Montinique Monroe
Thông tín viên Thomas Harms, tại Texas, ghi nhận qua phóng sự :
Có thể gọi đó là một làn sóng triều thanh niên. So với năm 2016, số cử tri dưới 30 tuổi đã bỏ phiếu ở bang Texas lớn gấp 3 lần. Các địa điểm xung quanh những khu học xá đại học đầy kín người. Nhiều sinh viên đã đi hàng giờ đường để đến bầu cử.
Sofia Fernandez, 18 tuổi, cô vừa bắt đầu học đại học tại Austin, một trong nhiều hạt đã vượt tổng số người đi bầu của năm 2016. Trong các khu học xá, không khí bầu cử hừng hực thực sự.
Cô nói : "Phần lớn các sinh viên trong khu học xá đều vào cuộc. Họ muốn tham gia bầu cử vì những người ở lứa tuổi của chúng tôi thường không hay đi bầu cử. Nhưng năm nay các hiệp hội và phong trào chính trị đã hoạt động tích cực để ghi tên vào danh sách cử tri và thúc đẩy thanh niên đi bỏ phiếu kỳ này".
Còn những người theo học ở ngoài bang Texas cũng trở về để bỏ phiếu. Có nhiều người đi hàng giờ đường. Zachary Houdek trở về từ Washington. Anh phải mất 20 giờ chạy xe chỉ để bỏ phiếu.
Anh cho biết : "Đây là cuộc bầu cử lịch sử, chắc chắn là quan trọng nhất mà chúng tôi biết, vì thế chúng tôi không thể bỏ qua một cách đơn giản".
Theo những ước tính mới nhất, tổng số cử tri trẻ tham gia bỏ phiếu có thể sẽ cao gấp 5 đến 6 lần so với hồi năm 2016.
RFI tiếng Việt, 31/10/2020
***********************
Bầu cử Mỹ 2020 : Biden đến với người da mầu Michigan, Trump tới Pennsylvania lôi kéo cử tri Dân chủ
Thu Hằng, RFI, 31/10/2020
Hai ứng viên tổng thống Mỹ tiếp tục chạy đua nước rút ngày 31/10/2020, chỉ hai ngày trước bầu cử Mỹ. Ông Joe Biden, cùng với cựu tổng thống Barack Obama, đến Michigan để thuyết phục cử tri da mầu. Còn ông Donald Trump có hai buổi mit-tinh trong cùng ngày ở bang Pennsylvania.
Những ngường ủng hộ Donald Trump tại Waterford Township, Michigan, Hoa Kỳ trước màn hình đưa tin Joe Biden đến Michigan vận động cử trị ngày 30/10/2020. Reuters – Shannon Stapleton
Theo AP, ông Joe Biden có hai cuộc mit-tinh ở Flint và Detroit, hai thành phố có chủ yếu người da đen sinh sống. Cách đây 4 năm, số cử tri da đen đi bỏ phiếu giảm 15% ở Flint và Detroit. Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu đông đảo ở đây là điều cần thiết để đưa Michigan trở lại là bang trụ cột của đảng Dân chủ sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng ở bang này vào năm 2016.
Cùng này, ông Trump đến vận động tại Pennsylvania, từng giúp ông giành chiến thắng năm 2016. Nguyên thủ Mỹ hy vọng lập lại thành tích tại bang "chiến trường" này.
Đặc phái viên RFI Carrie Nooten tường trình từ Nanticoke, bang Pennsylvania :
"Tổng thống Donald Trump hiểu vai trò vô cùng quan trọng của bang Pennsylvania nên ông có đến 2 buổi mit-tinh tại đây trong hôm nay (31/10), trong khi cả gia đình ông, từ ba tuần nay, đã liên tục các cuộc gặp gỡ ở bang này.
Các chiến lược gia nói rõ : để thuyết phục cử tri ở đây, thường là những người ủng hộ đảng Dân chủ nhưng mất phương hướng vì cảm thấy mất bản sắc của người da trắng và tầng lớp lao động, thì phải đến gặp họ.
Ứng viên đảng Cộng hòa cũng bảo vệ suy nghĩ của những cử tri này : tự do sử dụng súng, chủ trương chống phá thai, phải tạo thêm việc làm phổ thông tại nơi từng là vùng mỏ, để 500.000 người dân tự do khai thác khí đá phiến trên đất của họ.
Nếu cử tri tại đây từng không màng đến bà Hillary Clinton, bị cho là coi thường họ, thì ông Joe Biden có lẽ có sức thuyết phục hơn. Dù sao, ông cũng lớn lên ở Scranton, phía đông bắc Pennsylvania. Hơn nữa, thanh niên cũng được huy động đông đảo hơn, tương tự với cộng đồng Mỹ gốc Phi tại Philadelphia.
Những người theo đảng Cộng hòa thất vọng về chính sách của Trump, cũng có thể bỏ phiếu cho phe Dân chủ. Cứ nhìn vào những tấm biển cắm dọc nhiều trục đường ở Pensylvania thì thấy điều đó : "Tôi theo đảng Cộng hòa nhưng tôi bỏ phiếu cho Joe Biden".
Ngoài ra, dường như ông Donald Trump không còn được những phụ nữ có học vấn sống ở những khu phố biệt thự ở Nanticoke ưu ái nữa, những người mà cách đây 4 năm đã ủng hộ nhà tỉ phú địa ốc. Họ không tha thứ cho nguyên thủ Mỹ vì thái độ thiếu tôn trọng các giá trị và về cách xử lý khủng hoảng đại dịch Covid-19 của ông".
Covid-19 : Số ca nhiễm mới lại vượt kỷ lục tại Mỹ
Các cuộc vận động nước rút diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có dấu hiệu nghiêm trọng hơn ở Mỹ. Theo số liệu tối 30/10 của đại học John Hopkins, đã có 94.125 ca nhiễm mới tại Mỹ trong vòng 24 giờ. Đây là con số cao nhất kể từ đầu mua dịch tại Hoa Kỳ. Số ca tử vong cũng ở mức báo động, thêm 919 bệnh nhân, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên thành 229.544.
Tổng thống Donald Trump tiếp tục giảm mức độ nghiêm trọng của đại dịch vì ông cho rằng "chúng ta chỉ muốn quay lại cuộc sống bình thường". Trước đám đông ủng hộ ở Michigan ngày 30/10, ông khẳng định : "Nếu bạn bị nhiễm, bạn sẽ khỏe hơn và sau đó bạn sẽ miễn nhiễm".
Thu Hằng
**********************
Hơn 90 triệu người bỏ phiếu sớm ; Trump, Biden ra sức vận động cuối cùng
VOA, 01/11/2020
Một con số kỉ lục 90 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống, theo dữ liệu cập nhật ngày thứ Bảy, trong khi Tổng thống Donald Trump và đối thủ Đảng Dân chủ Joe Biden vận động trên toàn quốc để cố gắng xoay chuyển số ít cử tri chưa quyết định còn lại.
Cử tri xếp hàng chở bỏ phiếu trong đợt bỏ phiếu sớm tại Ủy ban Bầu cử Quận Creek ở Sapulpa, bang Oklahoma, ngày 30/10/2020.
Số cử tri bỏ phiếu sớm tăng cao, khoảng 65% tổng số cử tri đi bầu trong năm 2016, cho thấy sự quan tâm cực kì lớn đối với cuộc bầu cử, với chỉ ba ngày vận động tranh cử còn lại.
Những lo ngại về việc phơi nhiễm virus corona tại các địa điểm bỏ phiếu đông đúc trong Ngày Bầu cử thứ Ba tuần sau cũng đã thúc đẩy số người bỏ phiếu qua thư hoặc tại các điểm bỏ phiếu trực tiếp sớm tăng cao.
Ông Trump, thuộc Đảng Cộng hòa, đang dành những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tái đắc cử chỉ trích các quan chức và các chuyên gia y tế công đang cố gắng chống lại đại dịch ngay cả khi nó đang bùng phát trở lại trên khắp nước Mỹ.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Trump đang thua sút cựu Phó Tổng thống Biden trên toàn quốc, nhưng bám sát hơn ở các bang cạnh tranh quyết liệt nhất mà sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử. Các cử tri nói rằng virus corona là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Tại một cuộc tập hợp nhỏ trực tiếp ở Newtown, bang Pennsylvania ngày thứ Bảy, ông Trump chế nhạo đối thủ của mình vì những lời chỉ trích nhắm vào thành tích của chính quyền ông trong việc chống lại Covid-19.
"Tôi xem Joe Biden phát biểu ngày hôm qua. Ông ta toàn nói về Covid, Covid. Ông ta không còn gì để nói nữa. Covid, Covid", ông Trump nói với đám đông, một số người không đeo khẩu trang.
Ông nói Mỹ "chỉ vài tuần nữa" là có thể phân phối hàng loạt vắc-xin an toàn chống lại dịch Covid-19, vốn đang đẩy các bệnh viện đến mức gần hết công suất và giết chết 1.000 người ở Mỹ mỗi ngày. Ông Trump không nêu thêm chi tiết nào để củng cố tuyên bố của ông về vắc xin sắp được tung ra.
Vận động tranh cử ở vùng Trung Tây vào ngày thứ Sáu, ông Trump tuyên bố các bác sĩ kiếm được nhiều tiền hơn khi bệnh nhân của họ chết vì Covid-19, tiếp tục những lời chỉ trích trước đây của ông nhắm vào các chuyên gia y tế như Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ.
Ông Biden cáo buộc ông Trump đầu hàng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh đã giết chết gần 229.000 người Mỹ, và ngày thứ Bảy đả kích ông Trump về những phát biểu về các bác sĩ.
"Ông này bị làm sao vậy ? Ông ta có thể tin điều đó là đúng bởi vì ông ta chả làm điều gì khác ngoài mục đích kiếm tiền", ông Biden nói trong một cuộc tập hợp mà mọi người ngồi trong xe tại Flint, bang Michigan, với cựu Tổng thống Barack Obama.
Trong những điểm trình bày cuối cùng của mình, ông Biden chỉ trích ông Trump thiếu chiến lược kiểm soát đại dịch, tìm cách bãi bỏ luật chăm sóc y tế Obamacare và phớt lờ thông tin khoa học về biến đổi khí hậu.
Ông cũng trình bày cương lĩnh kinh tế chú trọng vào sản xuất hàng hóa tại Mỹ của riêng ông, tương phản với cương lĩnh "Nước Mỹ Trên hết" của ông Trump. Ông cũng nói rằng ông sẽ buộc những người giàu trả phần thuế công bằng của họ và bảo đảm thu nhập được phân phối bình đẳng hơn.
Theo Reuters
*******************
Thanh Hà, RFI, 30/10/2020
Bốn ngày trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, hai ứng viên gần như không rời nhau nửa bước. Hôm 30/10/2020, Joe Biden và Donald Trump cùng vận động tại bang Wisconsin, phía bắc. Trước đó hai ứng cử viên đã cùng vận động tại bang Florida. Diễn đàn của đôi bên chỉ cách nhau có 20 phút lái xe.
Lịch vận động của hai ứng viên Trump và Biden đều dày đặc từ nay cho đến thứ Ba, mùng 03/11/2020. Chủ nhân Nhà Trắng vận động cử tri tại các bang Michigan, Wisconsin và Minnesota nội trong ngày hôm nay. Cũng ngày hôm nay, ứng viên đảng Dân chủ, ông Joe Biden, đến các bang Iowa, Minnesota và sẽ đọc diễn văn tại Milwaukee, thủ phủ Wisconsin.
Hôm qua, hai ứng cử viên đã cùng vận động tại bang Florida. Diễn đàn của đôi bên chỉ cách nhau có 20 phút lái xe. GDP của Mỹ tăng lên trở lại hơn 33 % trong quý 3, sau khi đã sụt giảm 34 % vào mùa xuân vừa qua, cho phép tổng thống Trump khoe khoang thành tích kinh tế. Trong lúc đối thủ của ông, là Joe Biden, một lần nữa lại tấn công chủ nhân Nhà Trắng trên vế y tế. Theo đại học Johns Hokins, trong 24 giờ qua, tại Hoa Kỳ đã có thêm hơn 90.000 ca nhiễm Covid-19 và có thêm 1.021 người chết vì virus corona.
Cũng chính vì đại dịch mà số cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm, phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác trong những ngày qua. Thông tín viên Thomas Harms tại Houston tường thuật :
"Tám phòng phiếu hoạt động liên tục trong 36 giờ qua, cho đến phút chót của đợt bỏ phiếu sớm. Cuộc bầu cử lần này huy động được rất đông đảo người tham dự. Tại phòng phiếu nơi chúng tôi có mặt, cử tri tấp nập cho đến tận nửa đêm. Chắc chắn là tỷ lệ tham gia kỳ này phải là một kỷ lục. Như vậy là số cử tri đi bầu tại Houston đã vượt hơn nhiều so với toàn bộ người tham gia cuộc bỏ phiếu ở thành phố này hồi năm 2016. Phải nói là đảng Dân chủ điều hành thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người đi bỏ phiếu sớm. Nhiều hộp thư được dựng lên để khuyến khích bỏ phiếu qua bưu điện. Mọi người đến đây phải đeo khẩu trang. Người ta cũng có thể bỏ phiếu mà không phải bước ra khỏi xe… Nhưng bên đảng Cộng hòa phản đối tất cả những điểm này, họ đâm đơn kiện và đã thắng kiện. Cuộc chiến còn lại của đảng này là tìm cách thuyết phục tư pháp không công nhận tính chính đáng của hàng trăm ngàn lá phiếu, do những cử tri bầu từ trong xe hơi của mình. Tuy nhiên về điểm này, đảng Cộng hòa ít có khả năng được toại nguyện.
Đảng Dân chủ đã triệu được bà Kamala Harris đến Houston vào tối nay. Đây là một dấu hiệu, bởi từ hàng chục năm nay, ứng cử viên của đảng Dân chủ không bao giờ nỗ lực vận động cử tri vào phút chót ở bang Texas. Tuy nhiên lần này, họ nghĩ là họ có cơ may giành được thắng lợi. Đây là một kịch bản mà bên đảng Cộng hòa cũng bắt đầu nghĩ tới. Và nếu điều này xảy ra, thì sẽ là một sự kiện chưa từng thấy kể từ 44 năm nay. Dân biểu Dan Patrick, đại diện cho khu ngoại ô phía bắc thành phố và cũng là phó thống đốc Texas tuyên bố, nếu bên Dân chủ thắng cuộc, thì đây là một thắng lợi mà họ đã đánh cắp được của bên đảng Cộng hòa".
Thanh Hà
Ngày đầu học sinh Pháp trở lại trường học sau kỳ nghỉ, với cuộc tưởng niệm người thầy môn Sử Địa bị khủng bố Hồi giáo cực đoan sát hại ; đợt tái phong tỏa thứ hai chống Covid khiến tiểu thương Pháp lao đao là hai chủ đề lớn của báo Pháp hôm nay, 01/11/2020.
Nước Mỹ hai ngày trước bầu cử tổng thống cũng là tâm điểm thời sự. Le Figaro có bài phân tích tóm tắt một nét chính của cuộc tranh cử : "Tình cảm chống Trump, lá chủ bài của Joe Biden".
Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump lấy cá nhân mình làm trung tâm của chương trình tranh cử. Trump khẳng định là "người nói thẳng, nói thật" khác hẳn với lối ăn nói khuôn mẫu thông thường của các chính trị gia, người "bảo vệ các giá trị Mỹ chống lại một ứng cử viên đại diện cho quyền lợi của giới tinh hoa cánh tả và truyền thông, đang liên minh chống lại chính ông và người Mỹ bình dân".
Donald Trump như một thỏi nam châm. Mỗi phát biểu hay hành động cực đoan lại thu hút đông đảo người ủng hộ, khiến họ trở nên hết sức phấn khích, trong lúc truyền thông phản đối dữ dội. Một cuộc tranh cử đầy xúc cảm. "Làm cho phe tự do phải nức nở một lần nữa : hãy bỏ phiếu cho Trump !" là hàng chữ trên những chiếc may ô, bán tại các điểm vận động tranh cử.
Tuy nhiên, trong một nước Mỹ bị phân hóa đến cao độ, con người cá nhân của tổng thống sắp mãn nhiệm cũng trở thành một điểm tựa giúp cho tất cả các đối thủ, thuộc đủ xu hướng, thậm chí đối lập nhau, đoàn kết lại. Mặt trận chống Trump gồm từ những người cánh tả triệt để trong đảng Dân chủ cho đến cựu thành viên phe Cộng hòa. Cánh tả triệt để, với đại diện như thượng nghị sĩ Bernie Sanders, theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, từng dẫn trước Joe Biden trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ, cho đến các chính trị gia trẻ, như Ilhan Omar hay Alexandria Ocasio-Cortez, vốn không hề thích Biden.
"Nếu hộp sốt cà chua ứng cử chống Trump, tôi cũng ủng hộ"
Một hiện tượng chưa từng có : hơn 200 tướng lĩnh, đô đốc về hữu công khai chống tổng thống sắp mãn nhiệm, ủng hộ ứng viên Dân chủ. Trong số họ có người như đô đốc McRaven, cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm tiêu diệt Ben Laden. Đô đốc McRaven - có lập trường chống nạo phá thai, bảo vệ quyền mang súng, ủng hộ một Nhà nước tối thiểu, một quân đội mạnh, tóm lại một người bảo thủ, hoàn toàn đối kháng với các giá trị của phe Dân chủ - cũng tuyên bố đã bầu Biden. Một chỉ huy nổi tiếng khác, ông Stanley McChrystal, cựu tư lệnh Mỹ ở Afghanistan, từng bị Obama cách chức vì giễu cợt Joe Biden, phó tổng thống vào lúc đó, trước báo giới, cũng kêu gọi bầu cho ông Biden.
Hàng loạt chiến lược gia và phụ trách chương trình tranh cử của đảng Cộng hòa, đã ly khai đảng, lập nhóm Lincoln Projet, với mục tiêu không để Trump tái đắc cử. Nhóm Lincoln Projet so sánh chính sách của ông Trump với "thảm họa hạt nhân Tchernobyl", cực kỳ nguy hiểm, sẽ để lại các hệ quả không biết đến bao giờ mới hết. Đối tượng vận động của nhóm là cử tri Cộng hòa chán ghét ông Trump.
Xung quanh ứng cử viên đối lập là đủ các thành phần, từ giới trẻ đô thị, các nhóm sắc tộc thiểu số, đông đảo cử tri nữ, cũng như người da trắng có học vấn cao và người cao tuổi. Le Figaro dẫn lời một cử tri thuộc nhóm Cộng hòa chống Trump tuyên bố : "Nếu một hộp sốt cà chua có thể ra ứng cử tổng thống chống Trump, tôi cũng sẽ bỏ phiếu cho nó".
10 điểm chính trong cương lĩnh của ứng viên Biden
Tuy nhiên, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ không thể chỉ tóm trong một câu "chống Trump". Báo Les Echos điểm lại 10 điểm chính trong cương lĩnh của ứng viên Biden : thuế vừa phải, đầu tư giáo dục-khoa học, giảm bất bình đẳng, mở cơ hội cho 11 triệu người không giấy tờ, không tăng thuế với người khá giả, nhưng tăng trần đóng góp với giới thu nhập cao và doanh nghiệp, nhưng mức cao nhất vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần thuế trước cải cách thuế dưới thời Donald Trump.
Cải thiện bảo hiểm y tế Obamacare. Phát triển sản xuất ngay tại Mỹ, nhưng với tham vọng nhiều hơn ông Trump. Sản phẩm chỉ được công nhận "Made in America", nếu hơn một nửa chất liệu làm tại Mỹ. Đầu tư hàng trăm tỉ đô la cho các công nghệ tương lai. Tăng cường hỗ trợ đào tạọ dân cư vùng xa xôi, tăng lương giáo viên vùng thu nhập thấp. Chú ý đến sức khoẻ tâm thần sinh viên (mà 1/5 có vấn đề, theo Joe Biden). Gia tăng học bổng cho sinh viên gia đình thu nhập trung bình trở xuống. Hỗ trợ nghiệp đoàn. Cải thiện điều kiện của người lao động "tự do". Giảm bất bình đẳng sắc tộc, tạo điều kiện người da đen vay vốn làm ăn. Tạo cơ hội cho "11 triệu người nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp" có cơ hội thành công dân Hoa Kỳ. Trở lại với Hiệp định Khí hậu Paris và bình thường hóa quan hệ với các đồng minh chủ chốt truyền thống, là những điểm khác biệt lớn trong cương lĩnh của Joe Biden với Donald Trump. Riêng về Trung Quốc, theo Les Echos, ứng viên Joe Biden tỏ ra "không thật rõ ràng".
Trump : giữ nguyên cương lĩnh như 2016
Về cương lĩnh tranh cử của ông Donald Trump, cũng Les Echos có bài tổng hợp, nhấn mạnh Donald Trump giữ nguyên cương lĩnh năm 2016. Tuy nhiên, có hai điểm mới đáng lưu ý. Một là hứa hẹn tạo thêm 10 triệu việc làm mới, để vượt qua khủng hoảng Covid. Thứ hai là, nếu đắc cử, sẽ có nhiều biện pháp để chi phối bộ máy chính quyền hơn. Donald Trump sẽ tiếp tục con đường nắm lấy tư pháp, sau khi đã bổ nhiệm hàng trăm thẩm phán liên bang. Tổng thống sắp mãn nhiệm vừa công bố sắc lệnh về tuyển mộ công chức, cũng cho phép sa thải dễ hơn nhân viên bị coi là "kém hiệu quả". Nhiều người lo ngại ông Trump sa thải hàng loạt nhân viên Liên bang, để đưa người thân cận thay thế.
"Điểm bất định" hiện nay trong phe Cộng hòa là quan hệ chính phủ với Thượng Viện, nếu phe Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Nhà Trắng và Thượng Viện. Tổng thống mãn nhiệm không thuyết phục được Thượng Viện, do Cộng hòa kiểm soát, thông qua kế hoạch chấn hưng kinh tế 1.800 tỉ đô la, trước bầu cử. Les Echos cũng dự đoán, Trump, nếu đắc cử, tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến về thuế, sẽ lại mở ra vào năm tới. Tuy nhiên, liên minh của "thế giới tự do" đoàn kết với Washington chống Bắc Kinh sẽ khó khăn, do ông Trump ngược đãi nhiều đồng minh trong bốn năm qua.
Việc miễn thuế cho các tài sản lớn, chính sách làm nên sức mạnh của ông Trump, vẫn được duy trì. Tuy nhiên, thái độ nghi ngờ khoa học và chính sách siết chặt nhập cư của Donald Trump khiến Hoa Kỳ trở nên kém hấp dẫn hơn.
Người ủng hộ Trump đe dọa cử tri Dân chủ
Hai ứng viên tiếp tục vận động quyết liệt trong hai ngày tranh cử cuối tại các bang quyết định. Theo Les Echos, điều đáng chú ý là hiện tượng nhiều người ủng hộ tổng thống sắp mãn nhiệm quấy rối một số cuộc mít tinh của phe Dân chủ. Theo một nhân chứng, ủng hộ Joe Biden, nhiều người không dám rời nhà, vì lo ngại an ninh. Tuy nhiên, đe dọa dường như không ngăn được các dòng người đi bỏ phiếu sớm. Tỉ lệ người tham gia bỏ phiếu sớm đạt kỉ lục, với 90 triệu người đã bầu trên toàn quốc, tương đương gần hai phần ba cử tri đi bầu năm 2016.
Bang Pennsylvania là bang quyết chiến. Rất đông người mít tinh ủng hộ ông Trump. Donald Trump hy vọng đoạt được 20 phiếu đại cử tri của bang. Nhưng tổng thống sắp mãn nhiệm cũng giận dữ trước việc Tối Cao Pháp Viện, mà phe Cộng hòa nắm đa số, đã cho phép bang Pennsylvania tính cả các phiếu bầu do bưu điện gửi đến, chậm tối đa 3 ngày, sau ngày bầu cử chính thức. Kết quả chung cuộc như vậy có thể sẽ bị chậm lại nhiều ngày.
Pháp : Mặc niệm thầy Paty tại tất cả các lớp học
Khủng hoảng biếm họa, thể chế thế tục Pháp bị đe dọa, với nhà trường ở tuyến đầu tiếp tục là chủ đề lớn hôm nay. Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Tưởng niệm thầy Samuel Paty : không khí căng thẳng tại trường học". Vào 11 giờ 15 sáng nay, tất cả các lớp học, từ lớp 1 đến lớp 12, học sinh sẽ dành một phút mặc niệm người thầy giáo bị khủng bố cắt cổ. Le Figaro đặt câu hỏi ngay dòng đầu tiên của bài viết đầy lo lắng : không biết tất cả học sinh có mặc niệm hay không người thầy giáo bị khủng bố sát hại, chỉ vì giới thiệu về các biếm họa nhà Tiên tri Mohamet.
Xã luận Le Figaro thiên hữu mang tựa đề "Một ngày đặc biệt" nhấn mạnh đến việc phút mặc niệm diễn ra cùng với việc học sinh được nghe lại bức thư của Jean Jaurès gửi các thầy cô giáo năm 1888. Jean Jaurès, chính trị gia theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, người ủng hộ nhiệt huyết nhà trường Cộng hòa ngay từ thuở ban đầu. Có cả một đoạn băng thu âm luật gia Robert Badinter, người thúc đẩy việc hủy án tử hình, và tiếng nói của một số ngôi sao bóng đá, nhắc nhở với học sinh về các giá trị của nhà trường. Điều mà Le Figaro lưu ý là vị thế suy yếu của người thầy giáo trong lớp học, trong bối cảnh học sinh ngày càng chịu ảnh hưởng của những lời lẽ mỵ dân, tuyên truyền đủ loại trên mạng. Người Pháp đang phải bảo vệ quyền được khẳng định các giá trị riêng, ngay tại đất nước mình.
Giáo viên : "cùng lúc 2 chiến tuyến"
Nhật báo thiên tả Libération cũng tập trung vào phút mặc niệm, nhưng đứng hẳn về phía người giáo viên, với hàng tựa trang nhất "Thể chế thế tục, Covid : Giáo viên trên tuyến đầu", với ghi nhận : các nhà giáo đến lớp với cảm giác bị bỏ rơi, khi không được chuẩn bị đủ, để giải thích với học sinh về cái chết của đồng nghiệp Samuel Paty, cũng như bị đặt vào tình huống có thể làm việc trong tâm dịch, nhưng không có các bảo đảm về vệ sinh dịch tễ".
Bài xã luận mang tựa đề "Tuyến đầu" nhấn mạnh đến hành động anh hùng của người thầy giáo vừa hy sinh, khi giải thích cho học sinh biết thế nào là tự do ngôn luận. Cái chết của ông, người thầy hy sinh khi tham gia vào việc giúp cho các tâm hồn trẻ trở thành các công dân sáng suốt sau này, giúp cho học sinh thấm thía cái giá của một "nền dân chủ tự do". Libération cũng nhấn mạnh đến tình huống đặc biệt hiện nay, hơn bất cứ nơi nào khác, nhà trường đang ở tuyến đầu trên cả hai mặt trận, một bên là bảo vệ tự do ngôn luận, xây dựng thể chế thế tục, chống lại cuồng tín đủ loại, bên kia là môi trường dịch bệnh rình rập. Nhà trường có thể biến thành ổ dịch bất cứ lúc nào. Nhưng hiện tại không có cách nào khác, bởi trường học vẫn phải tiếp tục mở cửa, để cha mẹ học sinh có thể tiếp tục làm việc.
Bỏ cực đoan, hướng đến đối thoại
Vẫn về chủ đề khủng hoảng tranh biếm họa và thể chế thế tục Pháp tại nhà trường bị thách thức, La Croix có bài xã luận "Giải thích và đối thoại". Nhật báo Công giáo một mặt vinh danh nhà giáo hy sinh, lên áo bạo lực khủng bố, nhưng mặt khác cũng nhấn mạnh đến đòi hỏi : không rơi vào các cực đoan. Cực đoan "không thừa nhận ai cũng có quyền phê phán tôn giáo", và cực đoan coi biếm họa là một "quyền thiêng liêng". Theo La Croix, không thể phó thác duy nhất cho các thầy cô giáo, nhiệm vụ giáo dục, giải thích và đối thoại với học sinh. Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ tham gia. Cần làm sáng tỏ vấn đề : bảo vệ quyền tồn tại của tranh biếm họa (về tôn giáo chẳng hạn), không có nghĩa là có quan điểm tán đồng nội dung của các bức biếm họa. Theo La Croix, đây chính là điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ trên kênh truyền hình Ả Rập Al-Jazeera, nhằm loại bỏ một số hiểu lầm. "Hơn bao giờ hết, thể chế thế tục của Pháp cần được giải thích rõ ràng".
"Chống man rợ, dạy kỹ về lịch sử tốt hơn là biếm họa"
Về chủ đề này, Les Echos có bài tiểu luận, rất đáng chiêm nghiệm của Dominique Moisi. Theo ông Moisi, nước Pháp đừng để bị rơi vào chiếc bẫy của chính mình, trở thành món mồi ngon cho các thế lực Hồi giáo cực đoan đầy thù hận, uất ức vì thất bại trên nhiều mặt trận, đang tìm cách trả thù. Nhà viết tiểu luận của Les Echos khuyến cáo, để khẳng định tự do, nên nghiêng về phía đào sâu môn lịch sử. Và cá nhân, ông "thích bức họa của Delacroix "Tự do dẫn dẳt nhân dân" hơn là các biếm họa của "Charlie Hebdo", thích bộ ngực trần của người phụ nữ, biểu tượng tự do trong bức tranh, hơn là cái mông của Mohamet". Tác phẩm đầu tiên "nâng bổng" tâm hồn, còn tác phẩm thứ hai thì không phải vậy. Châm biếm tột đỉnh là châm biếm chính mình, châm biếm mà không xâm hại người khác, đặc biệt là những người, vì nhiều lý do, như tôn giáo, văn hoá, xã hội - kinh tế, không có khả năng cất lên tiếng cười. Dominique Moisi nhấn mạnh : "tự do ngôn luận là quyền bất khả xâm phạm và không thể có giới hạn". Thế nhưng, cũng không nên "khua chiếc bật lửa ngay bên cạnh ngòi thuốc súng, chỉ đơn giản để cho vui và để khẳng định bản sắc". Sử dụng quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm cá nhân đúng lúc, cũng là đạo lý có trách nhiệm trong hành động.
Pháp tái phong tỏa : các chủ hiệu sách phẫn nộ
Nước Pháp tái phong tỏa chống Covid, nhưng lần thứ hai không chắc đã suôn sẻ như lần đầu. Les Echos nói đến việc "Các cơ sở buôn bán nhỏ : tâm điểm của mặt trận chống chính sách phong tỏa". Libération có bài : "Đối với các nhà buôn bán nhỏ, đây là cuộc chiến sống còn". Le Monde có bài xã luận "Tái phong tỏa, những người buôn bán nhỏ nổi giận", tập trung giới thiệu về giới chủ hiệu sách nhỏ. Tính chất bất công nổi rõ, bởi chính phủ nêu lý do sách là mặt hàng "không thiết yếu". Tuy nhiên, sách vẫn được bán ở các siêu thị, và rồi nếu siêu thị không được bán, thì các hãng bán sách qua mạng sẽ chiếm lĩnh toàn bộ thị trường này. Những người bán sách phẫn nộ, vì người ta có thể tiếp tục bán thuốc lá ở đầu phố, nhưng hiệu sách thì bị đóng cửa, trong lúc các hiệu sách vốn đã ở trong tình trạng bị kinh doanh qua mạng cạnh tranh quyết liệt. Bất bình này có thể châm ngồi nổ cho một cuộc phản kháng xã hội lớn. Le Monde so sánh với phong trào Áo Vàng trước đây. Nhật báo cánh trung thừa nhận chính phủ không dễ đưa ra giải pháp. Tổng thống Macron hứa sẽ xem xét lại quyết định này trong vòng 2 tuần.
Trọng Thành
Chỉ còn hai ngày nữa người Mỹ sẽ bầu lại tổng thống, quốc hội, một phần ba thượng nghị viện và một số thống đốc bang. Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất và cũng nguy hiểm nhất trong lịch sử của họ.
Nếu các thăm dò ý kiến không phản ánh đúng sự thực thì có nhiều triển vọng là chúng sai một cách có lợi cho Biden hơn là cho Trump. Ảnh minh họa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2020 : Joe Biden (trái) và Donald Trump, Tổng thống Mỹ mãn nhiệm
Quan trọng nhất vì chưa bao giờ người Mỹ phải quyết định giữa những chọn lựa đối nghịch nhau như lần này. Nguy hiểm nhất vì họ đang chia rẽ như chưa bao giờ thấy. Các thăm dò ý kiến cho thấy là 90% người Mỹ, Cộng Hòa cũng như Dân Chủ, đồng ý rằng chia rẽ đang là mối nguy lớn nhất của họ, nhưng 80% người Mỹ thuộc đảng Dân Chủ cho rằng nếu Donald Trump tái đắc cử nước Mỹ sẽ tiến tới một chế độ độc tài dân túy mà họ không thể chấp nhận trong khi 90% thuộc đảng Cộng Hòa nghĩ rằng Joe Biden sẽ biến nước Mỹ thành một nước xã hội chủ nghĩa trước khi thành một nước cộng sản, điều mà họ phải chống tới cùng.
Cuộc bầu cử này sẽ có kết quả nào ?
Việc Donald Trump tái đắc cử có mọi triển vọng sẽ không xảy ra, trái với niềm tin của nhiều người Việt trong cũng như ngoài nước. Lập luận và hy vọng của Trump và những người ủng hộ ông là các cuộc thăm dò dư luận -theo đó Biden đang dẫn trước khá xa- đều sai, như chúng đã sai trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2016. Bà Hillary Clinton cũng đã dẫn trước trong các thăm dò nhưng sau đó đã thua về số đại cử tri, và thất cử, do thể thức bầu cử đặc biệt của nước Mỹ. Họ nhất định không chịu nhìn nhận là tình hình hiện nay rất khác với bốn năm trước. Lúc đó bà Clinton chỉ dẫn trước từ 2% đến 4% trong ý định bầu cử trên toàn quốc và uy tín đang sút giảm trong tuần lễ cuối cùng trước ngày bầu cử. Lần này Biden liên tục dẫn trước Trump khoảng 8% từ mấy tháng nay và uy tín của ông chỉ lên chứ không xuống. Các cuộc thăm dò năm 2016 thực ra cũng không quá sai, Hillary Clinton quả nhiên đã hơn Donald Trump 2,3% trong số phiếu trên toàn quốc, bà đã thua số đại cử tri vì đã thua rất khít khao, trên dưới 1% số phiếu, trong một số bang. Trong lịch sử nước Mỹ, trong hơn 100 cuộc bầu cử tổng thống đã chỉ có năm lần mà một ứng cử viên thắng trong số phiếu nhưng thua trong số đại cử tri. Đó là những ngoại lệ chỉ có khi số phiếu của hai ứng cử viên không chênh lệch bao nhiêu. Nếu Biden duy trì được khoảng cách 8% như vào lúc này, hay thậm chí 5%, thì ngoại lệ này sẽ không xảy ra. Vả lại mọi thăm dò đều cho thấy là, khác với Hillary Clinton, Biden đang dẫn trước một cách khá xa ngay cả trong những bang mà Trump bắt buộc phải thắng nếu muốn được tái đắc cử.
Từ hai tuần nay Trump ráo riết đi vận động khắp nơi, có khi tổ chức năm cuộc mít tinh tranh cử trong cùng một ngày. Ông đang vùng vẫy trong một tình thế tuyệt vọng với hy vọng là sẽ có một October surprise (bất ngờ tháng 10) giúp ông đảo ngược tình thế. Giờ này ta có thể nói là bất ngờ này sẽ không có. Cũng sẽ không có tình trạng các cử tri đổi ý kiến vào giờ chót, như nhiều người năm 2016 cuối cùng đã bầu cho Donald Trump chỉ vì ghét Hillary Clinton. Joe Biden không phải là Hillary Clinton. Nhiều người có thể không phục ông, thậm chí còn chê ông già yếu, nhưng không ai ghét ông. Mặt khác, Donald Trump ngày nay cũng không còn là Donald Trump năm 2016. Vào lúc đó Trump là một người mới và nhiều người đặt kỳ vọng vào ông, nhưng bây giờ ông là một người đã quá quen thuộc. Dưới mắt rất nhiều người, kể cả một số người thuộc đảng Cộng Hòa, ông đã chứng tỏ là một tống thống bất tài và bất xứng.
Nếu các thăm dò ý kiến không phản ánh đúng sự thực thì có nhiều triển vọng là chúng sai một cách có lợi cho Biden hơn là cho Trump. Sức mạnh của Trump là một khối cử tri cơ sở, khoảng 60 triệu người da trắng ít học, mà Trump tin là ủng hộ ông tới cùng. Trump tin tưởng đến nỗi từng khoe rằng ông có thể ra giữa trung tâm New York bắn chết một người mà vẫn không mất đi một phiếu nào. Trong niềm tin đó Trump đã chỉ tìm cách làm hài lòng số cử tri cơ sở này vì ông nghĩ số cử tri này cùng với một vài triệu phiếu của những người ủng hộ ông vì những lý do khác đủ giúp ông giành thắng lợi. Nhưng lần này có mọi triển vọng là số cử tri này không đủ vì số người đi bầu sẽ đông hơn hẳn, có thể hơn 150 triệu người thay vì gần 130 triệu người như năm 2016. Hiện nay đã có gần 100 triệu người đã bầu xong. Số cử tri cơ sở 60 triệu người của Trump, ngay cả nếu còn nguyên vẹn, cũng chỉ là 40% của con số 150 triệu người tham gia bầu cử. Có thể dự đoán gần như chắc chắn là Biden sẽ thắng, ngay cả thắng lớn.
Vừa rất quan trọng vừa rất nguy hiểm
Lý do chính khiến số người đi bầu tăng lên là vì người Mỹ ý thức rằng cuộc bầu cử lần này rất quan trọng. Họ phải chọn lựa giữa hai mô hình nước Mỹ rất đối chọi với nhau. Joe Biden đề nghị một nước Mỹ hòa giải và đoàn kết bắt tay với thế giới để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của một Mặt Trận Dân Chủ Toàn Cầu để ngăn chặn và đánh bại các chế độ độc tài, trước hết là chế độ độc tài Trung Quốc, và thiết lập một trật tự quốc tế dân chủ ; một nước Mỹ hướng về tương lai, chấp nhận những thách thức của các kỹ thuật hiện đại như công nghệ số, năng lượng sạch, tầu điện cao tốc, thuốc trị ung thư v.v. Muốn như thế, Biden sẽ tăng thuế để tăng cường an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo. Donald Trump, trái lại, hứa hẹn một nước Mỹ co cụm lại, bất chấp thế giới và đặt quyền lợi của mình trước hết và trên hết, một nước Mỹ phục hồi lại những công nghệ truyền thống như than đá và dầu mỏ, một nước Mỹ dành chỗ đứng ưu tiên cho những người Mỹ da trắng. Chọn lựa không hiển nhiên như người ta có thể nghĩ vì vẫn có trên 40% người Mỹ ủng hộ Trump. Trong đa số họ là những người Mỹ da trắng mà cha ông đã dựng nên nước Mỹ nhưng vì quá yên chí trong sự thỏa mãn họ đã dần dần bị tụt hậu, rồi thức dậy với mặc cảm bị bỏ rơi.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Joe Biden chỉ thắng một cách khít khao ?
Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có một tổng thống tuyên bố sẽ không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử nếu thất bại (bởi vì theo Trump một cuộc bầu cử chỉ có thể là gian lận nếu ông không thắng !). Trump rất có thể sẽ phủ nhận kết quả bầu cử tại nhiều bang, sẽ kiện cáo và một Tối Cao Pháp Viện mà đa số người Mỹ tin là thiên vị có thể sẽ không phán quyết theo luật pháp và lương tâm. Như thế sẽ có những cuộc biểu tình giận dữ rất lớn tại khắp nơi, sẽ có hỗn loạn, thậm chí bạo loạn vì có hàng trăm triệu khẩu súng trong dân chúng Mỹ, giữa lúc mà dịch Covid-19 đang tàn phá trở lại. Trong trường hợp này không ai có thể tiên liệu những gì sẽ xảy ra vì tất cả đều có thể xảy ra.
Joe Biden đề nghị một nước Mỹ hòa giải và đoàn kết bắt tay với thế giới. Ảnh minh họa Viện bảo tàng Montgomery, Alabama, tạo lại khoảnh khắc quan trọng trong cách nước Mỹ nhớ lại quá khứ phân biệt chủng tộc của mình.
Sẽ rất may mắn cho nước Mỹ nếu Joe Biden thắng một cách rõ rệt đến độ mà Donald Trump không thể phủ nhận.
Như thế nước Mỹ sẽ được bốn năm để hàn gắn những đổ vỡ, để nghĩ lại mình và xét lại mình. Rất cần. Bởi vì trong gần một thế kỷ qua nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều về mọi mặt khoa học, kỹ thuật cũng như kinh tế, văn hóa và xã hội nhưng tư tưởng chính trị đã không thích nghi kịp thời để đi trước và dẫn đường.
Nguyễn Gia Kiểng
(01/11/2020)
Bầu cử Mỹ 2020 : The Economist kêu gọi bầu cho Joe Biden
Diễn biến mới nhất trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 dĩ nhiên là đề tài không thể thiếu vắng đối với các tuần báo ra vào cuối tháng 10/2020 này. Đây chính là chủ đề số một được tuần báo Anh The Economist nêu bật trên trang bìa, với tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Trang bìa tuần báo Anh The Economist với tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh chụp màn hình trang Facebook của The Economist ngày 31/10/2020. © The Economist
Các chủ đề tài khác được các báo chú ý là những vấn đề liên quan đến làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đang đánh vào Châu Âu. Trên hồ sơ này, các tuần san tuy nhiên lại khai thác mỗi tờ một khía cạnh.
Vào lúc Courrier International hoài niệm về cuộc sống về đêm sinh động đang bị Covid-19 xóa bỏ, thì L’Express lo ngại trước nguy cơ phá sản đang rình rập các ngân hàng truyền thống, còn L’Obs thì giải mã hiện tượng các đại đô thị Pháp đang mất dần cư dân.
Gắn chặt nhất với vấn đề y tế là tạp chí Le Point, đã công bố "Bảng vàng 2020" của các bệnh viện công và tư tại Pháp, tổng hợp đánh giá của 80 chuyên gia về tổng cộng 1.400 cơ sở y tế lớn nhỏ. Đứng đầu bảng xếp hạng này vẫn là Bệnh viện Đại học CHU Bordeaux, theo sau là CHU Lille và xếp thứ 3 là CHU Toulouse.
Bầu cử Mỹ : The Economist ủng hộ Joe Biden
Trang bìa The Economist dành cho cuộc bầu cử Mỹ với lời ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ : "Tại sao phải là Biden". Tuần báo Anh rất có uy tín giải thích ngay : Đó là vì "Donald Trump đã làm vấy bẩn các giá trị từng biến nước Mỹ thành ngọn hải đăng của thế giới".
Trong bài xã luận giải thích lời kêu gọi của mình, The Economist khẳng định rằng tình hình xã hội Mỹ dưới thời ông Trump đã xấu đi đáng kể, với tình trạng chia rẽ ngày càng nặng nề hơn. Trong bối cảnh đó, cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ lại bị dịch bệnh Covid-19 tác hại, một đại dịch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người.
Đối với The Economist, ông Donald Trump có đa phần trách nhiệm trong việc để xẩy ra tình trạng nêu trên và chiến thắng của ông sắp tới đây vào ngày 03/11 sẽ mang ý nghĩa công nhận rằng ông đã làm đúng.
Theo tuần báo Anh, "Joe Biden không phải là phương thuốc thần kỳ để chữa trị bệnh tình của nước Mỹ, nhưng ông là một người tốt, sẽ khôi phục lại sự ổn định và phong thái văn minh cho Nhà Trắng", một người "có đủ hành trang để bắt đầu nhiệm vụ dài lâu và khó khăn là hàn gắn một đất nước bị rạn nứt".
Và The Economist nhấn mạnh: "Đó là lý do tại sao, nếu chúng tôi có quyền bỏ phiếu, thì lá phiếu đó sẽ thuộc về Joe."
Theo The Economist, ưu điểm của Biden là nằm ở chỗ ông có lập trường trung dung, một người tôn trọng thể chế, biết xây dựng đồng thuận. Đây là những đặc điểm khiến ông trở thành "một người chống Trump được trang bị để sửa chữa một số thiệt hại trong bốn năm qua."
Còn về ông Trump, The Economist nhắc lại rằng ngay chính những người phê phán ông trong đảng Cộng hòa cũng thấy rằng "chủ nghĩa Trump" đã phá sản về mặt đạo đức. Đối với tạp chí Anh, ông Trump "chưa bao giờ tìm cách đại diện cho đa số những người Mỹ đã không bỏ phiếu cho ông… Trước làn sóng phản đối ôn hòa sau cái chết của George Floyd, bản năng của ông không phải là xoa dịu bất bình, mà là mô tả sự kiện như là những hành vi cướp bóc và bạo lực cánh tả - một cách phản ứng nằm trong mô hình gây căng thẳng chủng tộc."
The Economist cho rằng: "Trong lần bầu cử này, nước Mỹ phải đối mặt với một lựa chọn có tính chất định mệnh (vì) bản chất dân chủ của Mỹ đang bị đe dọa. Một bên là con đường dẫn đến cách cai trị mang tính chất cá nhân, ngang ngược, của một nguyên thủ quốc gia coi thường phép tắc và sự thật, và bên kia là con đường dẫn đến một điều gì đó tốt đẹp hơn, sát với những gì mà The Economist coi là các giá trị vốn đã biến nước Mỹ thành nguồn cảm hứng cho khắp thế giới."
Tối Cao Pháp Viện Mỹ sẽ là công cụ của đảng Cộng hòa?
Các tuần báo Pháp không mạnh dạn tuyên bố lập trường dứt khoát như The Economist, nhưng cũng dành nhiều trang, bài cho cuộc đua vào Nhà Trắng Mỹ đã đến giai đoạn nước rút. Rất đáng chú ý là bài phân tích trên Courrier International về một diễn biến quan trọng: Nữ thẩm phán do tổng thống Trump đề cử được Thượng Viện trong tay đảng Cộng hòa bầu vào Tối Cao Pháp Viện Mỹ.
Courrier International đã trích dịch một bài bình luận trên tờ báo Mỹ New York Times và chạy hàng tựa: "Tối Cao Pháp Viện Mỹ hơn bao giờ hết đã trở thành công cụ của đảng Cộng hòa".
Theo bài báo, vào lúc chỉ còn mấy ngày nữa là nước Mỹ sẽ bầu ra tổng thống mới, sự kiện thẩm phán vô cùng bảo thủ Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện đã củng cố sự thống trị của đảng Cộng hòa trên định chế tư pháp cao nhất nước Mỹ trong hàng thập niên tới.
Cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện Mỹ ngày 26/10, là một thủ tục thông thường, đã có từ lâu đời trong Hiến Pháp Mỹ. Thế nhưng các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ, chỉ đại diện cho một thiểu số trong dân chúng Mỹ, bằng hành động của họ, đã ảnh hưởng đến tính chính đáng của Tối Cao Pháp Viện.
Cùng với hai thẩm phán Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh mà ông Trump đã đề cử, bà Amy Coney Barrett nằm trong dự án biến các tòa án Mỹ, không phải là thành lá chắn bảo vệ quyền của giới thiểu số, mà là một lưỡi gươm phi dân chủ đe dọa những đạo luật tiến bộ như luật cải cách bảo hiểm y tế Obamacare chẳng hạn.
Theo bài báo, việc đề cử bà Barrett mang nặng tính chất đạo đức giả, vì đảng Cộng hòa đã làm mọi cách để vội vã phê chuẩn đề nghị của ông Trump, chỉ một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống 03/11, đi ngược lại nguyên tắc mà họ khăng khăng bám giữ vào năm 2016.
Covid-19 xóa bỏ cuộc sống về đêm
Courrier International đã có nhiều bài về thời sự nhưng tuần này lại dành trang nhất cho một chủ đề mang tính chất hoài niệm, nói về một quá khứ không xa đã bị dịch Covid-19 xóa bỏ.
Dưới tựa lớn trang bìa "Đêm ơi, hãy trở về", tạp chí Pháp giải thích : "Với lệnh giới nghiêm được ban hành, kể như không còn cuộc sống về đêm, không còn không gian cho kết giao xã hội, cho sáng tạo, cho sự phá cách". Trên báo chí quốc tế, bàng bạc những nỗi luyến tiếc về một thời kỳ đã qua.
Trong bài xã luận của mình, Courrier International ghi nhận tâm trạng hụt hẫng, thiếu vắng mà nhiều người cảm nhận sau khi lệnh giới nghiêm được thiết lập vào giữa tháng 10, rồi sau đó là thông báo tái phong tỏa để chống Covid-19. Hụt hẫng là vì cuộc sống xã hội về đêm đã bị mất đi, không còn bất kỳ hình thức hòa đồng xã hội nào, không còn khả năng gặp gỡ, đi chơi…
Đối với tạp chí Pháp, cuộc sống về đêm là cả một mảng hoạt động kinh tế, với các quán ba, nhà hàng, nhưng cũng là những sinh hoạt văn hóa với các nhà hát, rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, đối với mỗi người, cuộc sống về đêm còn là một nơi thử nghiệm, đôi khi là một lối thoát, một phần không nhỏ trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.
Dịch bệnh bùng phát trở lại quá mạnh đã làm mất đi tất cả những thứ đó, không chỉ ở Pháp, mà ở cả những nơi khác như ở Ý (nơi một số cuộc biểu tình đã nổ ra sau khi công bố các hạn chế mới), ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Vương Quốc Anh, thậm chí cả ở Đức.
Theo nhật báo Bồ Đào Nha Pùblico mà Courrier International trích dịch, nghe qua thì cuộc sống về đêm có vẻ không là gì, nhưng đó là không gian sống quan trọng mà chúng ta không tiếp cận được nữa. Vấn đề mà tờ báo đặt ra không phải là xem xét lại sự cần thiết phải có các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế sự lây lan của virus, mà chỉ là tìm hiểu xem việc mất đi cuộc sống về đêm sẽ ảnh hưởng thế nào đến trạng thái tâm lý con người và sự năng động của các thành phố.
Nhật báo Bồ Đào Nha đã phỏng vấn không chỉ những "con cú đêm", mà cũng gặp gỡ các triết gia, các nhà xã hội học, nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, và tất cả đều nói về tầm quan trọng của đêm trong sự cân bằng của chúng ta, trong việc hình thành nhân cách của mỗi người. Publico viết : "Ban đêm là nơi thảo luận, chung sống, sáng tạo, phá bỏ giới hạn, quyến rũ và gặp gỡ bất ngờ, là nơi đối chọi ý tưởng và thích nghi với sự khác biệt và với những thực tế mới.
"Không có đêm, Paris không còn là Paris nữa"
Nhìn dưới một lăng kính khác, phóng viên tại Paris của nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung đã đi dạo vào đêm cuối cùng ở thủ đô Pháp, một hôm trước khi bị giới nghiêm.
Đối với nữ ký giả Đức, quả là thật đau lòng khi thấy "một nửa thành phố bị mất đi, một nửa với màn đêm, một nửa với trăng". Nếu không còn cuộc sống về đêm, Paris không còn là Paris nữa, và đấy cũng là trường hợp của mọi thành phố : Berlin, Luân Đôn, Madrid, và cả Marseille, Rennes, Toulouse…
Covid-19 khuynh đảo hệ thống ngân hàng
Tạp chí L’Express cũng tập trung nói về hậu quả của đại dịch Covid-19 nhưng trong lãnh vực kinh tế, với hệ thống các ngân hàng truyền thống có nguy cơ bị điều mà tờ báo gọi là "trận sóng thần kỹ thuật số" cuốn trôi.
Tựa lớn trang bìa L’Express ghi nhận "Ngân Hàng, ngày tàn của một thế giới", bên dưới tiểu tựa "Sóng thần kỹ thuật số và nỗi lo về một thảm họa xã hôi".
L'Express dành một hồ sơ 6 trang cho sư kiện này với nhận định tổng quát : "Bị khủng hoảng xô đẩy và bị những tác nhân kỹ thuật số mới tấn công, các ngân hàng liên tục thấy lợi nhuận giảm sút. Họ bị bắt buộc phải tự tái tạo bản thân, để tiếp tục tồn tại". Đối với tạp chí Pháp, các ngân hàng truyền thống hiện nay giống như loài "khủng long" thời tiền sử.
L’Express so sánh: Số khách hàng đến các chi nhánh ngân hàng đã giảm sụt một cách lịch sử, ở một số ngân hàng tại Pháp, mức giảm xuống đến hơn 30%. Trong cùng thời kỳ thì gần một trăm ngân hàng 100% kỹ thuật số và hoàn toàn trực tuyến "đã mọc lên như nấm trên hành tinh, với những ưu đãi có tính chất cực kỳ cạnh tranh".
Ra mắt vào năm 2013, ngân hàng trực tuyến Nubank của Brazil chẳng hạn, dù không có bất kỳ chi nhánh nào, mới đây đã vượt qua mức 30 triệu khách hàng. Còn tại Châu Âu, Revolut, vừa kỷ niệm 5 năm thành lập, đã có hơn 12 triệu khách và vừa khoe những số liệu cho thấy đà phát tiển không ngừng.
Để so sánh, đại ngân hàng truyền thống Pháp Société Générale chỉ có khoảng 30 triệu khách. Số lượng tài khoản ngân hàng được mở trong các ngân hàng kỹ thuật số ở Pháp đã tăng từ 3,5 lên 4,5 triệu vào năm 2020.
Nguy cơ đối với các ngân hàng truyền thống là họ sẽ bị buộc phải sa thải nhân viên để có thể đứng vững, gây nên điều mà L’Express gọi là "một cuộc tắm máu xã hội".
Covid-19 đuổi dân ra khỏi các đại đô thị
Trên trang bìa tạp chí L’Obs, cũng là một tựa đề gợi lên một hệ quả của dịch Covid-19. Đó là hiện tượng ngày càng có nhiều người chuyển nơi ở về các thành phố nhỏ hay trung bình. Tạp chí chạy tựa lớn "Rời bỏ các đô thị" và kèm theo ghi chú "Bảng xếp hạng của chúng tôi về các thành phố trung bình nơi người ta có thể sống tốt".
L'Obs đã dành trọn 14 trang cho đề tài này và nêu rõ nguyên nhân: "Đối mặt với các đô thị lớn có đời sống quá đắt đỏ, lại bị Covid-19 đe dọa và trở nên không thể sống được nữa, người Pháp thích đến cư ngụ ở các thị trấn nhỏ hơn".
Tạp chí trích dẫn một nghiên cứu của Cevipof và Hiệp Hội Các Thị Trưởng Pháp (AMF) hồi tháng 9 năm 2019, theo đó chỉ có 13% người Pháp muốn sống trong một đô thị lớn. Trước câu hỏi : "Nếu bạn có quyền lựa chọn, thì bạn muốn sống ở đâu?", 41% trả lời : "Ở một thành phố trung bình".
Theo L’Obs, đây không phải là một hiện tượng mới: Đầu năm 2014, một cuộc khảo sát của OpinionWay đã thiết lập một hình mẫu về nơi sinh sống có thể khiến nhân viên thay đổi chỗ ở : Một thành phố "có quy mô con người", gần biển, với "chi phí sinh hoạt thấp hơn". Kể từ đó, một số lượng lớn công dân đã biến điều mơ tưởng thành hiện thực. Dân số thủ đô Pháp đang giảm : Từ cuộc điều tra dân số năm 2011 đến năm 2016, 59.000 người Paris trong tổng số 2,249 triệu người đã biến mất. Một thế kỷ trước đó, thủ đô Pháp có đến 2,9 triệu dân.
Theo Đài Quan Sát các Thành Phố Trung Bình, mỗi năm có khoảng 200.000 người rời vùng Ile-de-France, tức là vùng Paris và ngoại ô gần, và dân Paris là thành phần "ngủ" bên ngoài thành phố của họ nhiều nhất căn cứ vào số lần lưu trú qua đêm mỗi năm.
Đây là dấu hiệu cho thấy họ sẽ chỉ có một mong muốn: Rời bỏ thủ đô. Xu hướng này quả là một nghịch lý, vì lợi thế số một của một thành phố lớn là cư dân có thể dễ dàng rời đi bằng xe lửa hay máy bay.
Mai Vân
Chỉ còn có vài ngày nữa là đến ngày 03/11/2020, ngày nước Mỹ chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống. Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ có thu hút báo chí, công luận Pháp hay không ? Nhìn từ nước Pháp, bầu cử tổng thống Mỹ có gì đặc biệt ?
Khi hai ứng viên Mỹ bước vào giai đoạn nước rút thì tại Pháp lại xảy ra rất nhiều chuyện, nhất là vụ khủng bố Hồi giáo chặt đầu một thầy giáo sử - địa vì cho học trò xem ảnh biếm họa đấng tiên tri Mohamet trong giờ học về quyền tự do ngôn luận, khiến dư luận Pháp rúng động, trong khi đó dịch bệnh Covid-19 trong những ngày qua bùng lên dữ dội vượt tầm kiểm soát khiến tổng thống Macron phải ban hành lệnh giới nghiêm rồi sau đó là lệnh tái phong tỏa đất nước. Tình hình trong nước phức tạp như vậy nhưng báo chí Pháp vẫn dành nhiều chỗ cho kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.
Thực ra, bầu cử tổng thống Mỹ là một trong những đề tài được báo chí, truyền thông Pháp đặc biệt quan tâm khai thác từ nhiều tháng trước nay. Không chỉ nói về quy định, thể thức bầu cử, chiến dịch vận động tranh cử của các ứng viên, các cuộc tranh luận trên truyền hình, rất nhiều câu chuyện bên lề thú vị cũng được truyền thông Pháp đề cập đến, chẳng hạn tại sao ngày chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ luôn diễn ra vào ngày 03/11, tại sao voi đại diện cho đảng Cộng hòa còn lừa là biểu tượng của đảng Dân chủ, hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, bỏ phiếu sớm…
Có thể nói là "nhất cử nhất động" trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đều được truyền thông Pháp theo dõi sát sao, dù là báo giấy hay phát thanh, truyền hình, báo chí thiên tả hay thiên hữu… Năm nay, chưa có kết quả khảo sát về việc người Pháp có quan tâm đến bầu cử Mỹ không, nhưng hồi năm 2016, tuần báo Le Point cho biết theo một cuộc khảo sát Odoxa công bố trên báo Le Parisien, có đến 64% người Pháp quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ. Bà Céline Bracq, tổng giám đốc Odoxa giải thích 84% người Pháp cho rằng bầu cử tổng thống Mỹ quan trọng đối với thế giới và 63% nghĩ rằng kỳ bầu cử tổng thống Mỹ quan trọng với nước Pháp.
Bầu cử Pháp – Mỹ khác nhau thế nào ?
Vì thể thức bầu cử ở hai nước có nhiều nét khác nhau, nên mỗi lần đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, truyền thông Pháp lại có những chương trình giải thích "Bầu cử Mỹ diễn ra như thế nào ?", chẳng hạn trên đài France Télévision ngày 29/09, nhà báo Raphael Godet khái quát cho người dân Pháp hiểu về vài nét đặc biệt của kỳ bầu cử tổng thống Mỹ :
"Trái ngược với người Pháp, người Mỹ không trực tiếp bầu cho một ứng cử viên. Họ bầu ra những người được gọi là "đại cử tri". Có tổng cộng 538 đại cử tri, và chính những người này lựa chọn chủ nhân tương lai của Nhà Trắng. Số đại cử tri thay đổi từ bang này sang bang khác tùy theo quy mô và dân số của bang. Chẳng hạn các bang Montana và Wyoming chỉ có 3 đại cử tri, trong khi đó Texas có 38 và California có 55 đại cử tri. Một ứng viên tổng thống muốn đắc cử phải có đa số tuyệt đối phiếu đại cử tri, tức là ít nhất 270 phiếu trên tổng số 538 phiếu đại cử tri.
Ở mỗi bang, ứng viên của đảng nào có nhiều phiếu nhất thì có được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Chẳng hạn, nếu ứng viên đảng Dân chủ ở bang Florida về đầu thì họ thu được toàn bộ 29 phiếu đại cử tri. Trên thực tế, cuộc đua vào Nhà Trắng diễn ra ở khoảng chục bang, đây là những địa phương mà cử tri ngả từ phe này sang phe kia tùy theo từng kỳ bầu cử. Đó là những bang được gọi là swing states, chẳng hạn như các bang Florida hay Wisconsin. Những bang này nắm giữ chìa khóa kết quả chung cuộc".
Tại sao dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống ?
Bầu cử tổng thống không phải là chỉ bầu tổng thống cũng là nét khác biệt lớn của kỳ bầu cử Mỹ. Thế nhưng, phiếu đại cử tri có lẽ là một trong những điều người Pháp cảm thấy khó hiểu nhất vì bầu cử tổng thống tại Pháp là bầu cử trực tiếp, theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Trả lời phỏng vấn của RFI tiếng Việt, nhà báo Nguyễn Văn Huy, Paris nhấn mạnh :
"Trong suốt thời gian qua, người Pháp vẫn không bao giờ có thể hiểu được thể thức bầu cử tổng thống ở nước Mỹ. Bên Châu Âu thì rất giản dị, bầu cử tổng thống thì chỉ bầu tổng thống mà thôi, không có bầu chung với các cuộc bầu cử khác. Hoặc bầu Dân biểu quốc hội thì chỉ có bầu Dân biểu quốc hội thôi, không có bầu chung với các nhân vật lãnh đạo địa phương hay các nhân vật chính trị vùng. Trong lúc đó bên Mỹ lại khác. Khi bầu cử tổng thống Mỹ thì trong đó có kèm theo bầu những nhân vật trong lưỡng viện Quốc hội và cơ quan công quyền khác, thành ra danh sách bầu của họ cũng rất dài dòng, khó hiểu. Nhưng đặc biệt điều người Châu Âu và người Pháp không hiểu được là tại sao khi dân chúng ủng hộ một nhân vật chính trị nào đó thì phải bầu qua một người đại diện của họ, rồi người đó mới bầu tổng thống.
Người Pháp thấy rằng lối bầu theo đại cử tri ở đây là có cái gì không bình thường. Hơn hai trăm năm qua, xã hội Mỹ đã tiến bộ nhiều nhưng họ vẫn giữ lối bầu cử của ngày xưa, vào thời lập quốc. Người Pháp thắc mắc tại sao nước Mỹ không chịu cải tổ để có những cuộc bầu cử bình thường. Chẳng hạn một người được 50-60% dân số ủng hộ thì phải được tương đương 50-60% số phiếu ủng hộ, nhưng đằng này… Nhất là sau cuộc bầu cử 2016, người Pháp rất ngạc nhiên là bà Hilary Clinton mặc dù có sự ủng hộ của cử tri, tức là của dân chúng, cao hơn Donald Trump nhưng theo kết quả bầu cử theo thể thức đại cử tri thì Donald Trump lại là người thắng cử".
Vận động tranh cử sao mà phải hình thức thế ?
Về chiến dịch vận động tranh cử, nhất là chiến dịch của ứng viên Donald Trump, nhiều người dân Pháp cho rằng quá chú trọng đến hình thức thể hiện và tốn kém. Về điểm này, nhà báo Nguyễn Văn Huy cho biết thêm :
"Cử tri Pháp và Mỹ ủng hộ cử tri của mình thì giống nhau, họ đều có sự đam mê, họ ủng hộ hết mình, nói thẳng ra sự ủng hộ các nhân vật chính trị đôi khi rất cuồng nhiệt. Điểm này thì người Pháp và người Mỹ giống nhau. Nhưng khác nhau là ở chỗ người Pháp ủng hộ ứng viên không theo kiểu trình diễn hình thức màu mè, ồn ào. Trong khi đó, tổng thống Donald Trump là người trong lĩnh vực truyền thông nên ông tổ chức vận động ồn ào, nhạc trống um xùm, tạo hình ảnh để gây tiếng vang như một người nghệ sĩ trên sân khấu.
Nhưng người Pháp lại quan niệm rằng dù sao ông cũng là một nhà chính trị, là một lãnh đạo quốc gia thì phải thể hiện theo cung cách của người lãnh đạo quốc gia chứ không phải theo cách người nghệ sĩ trước sân khấu. Khác biệt nằm ở chỗ đó, chứ sự cuồng nhiệt của người ủng hộ ứng cử viên hai nước là giống nhau, họ sẵn sàng hy sinh thì giờ công sức để hy vọng ứng viên của mình thắng cử".
Người Pháp nghĩ gì về Donald Trump ?
Liên quan đến cuộc đối đầu của hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden năm nay, người Pháp ngả về bên nào hơn ? Theo một cuộc thăm dò ý kiến YouGov thực hiện cho trang mạng L’Internaute, 69% số người được hỏi cho rằng Donald Trump là một vị tổng thống tệ hại, thậm chí 61% muốn ông Trump bị truất phế trước khi hết nhiệm kỳ. Trả lời câu hỏi "Quý vị muốn Donald Trump hay Joe Biden thắng cử hơn ?", 52% muốn chiến thắng thuộc về Joe Biden, chỉ có 10% ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa, 19% không muốn Trump hay Biden đắc cử và 19% không đưa ra ý kiến. Nhưng nếu chỉ được chọn giữa Trump hoặc Biden, 84% người Pháp ủng hộ ứng viên Biden của đảng Dân chủ, chỉ có 16% "bỏ phiếu" cho ông Trump.
Thực ra, không phải bây giờ mà trong mấy năm qua, năm nào cũng có những cuộc thăm dò ý kiến dân Pháp về tổng thống Mỹ Donald Trump và lần nào cũng vậy người Pháp đều có cái nhìn không mấy thiện cảm về tổng thống Mỹ Donald Trump. Chẳng hạn, theo một cuộc thăm dò của Viện Elabe thực hiện cho đài truyền hình BFMTV hồi giữa năm 2019, 75% người Pháp có cái nhìn không mấy tốt đẹp về nguyên thủ Mỹ Donald Trump. Chỉ có 25% công chức cao cấp và 16% những người thuộc các tầng lớp trung lưu và bình dân có cái nhìn tích cực về Donald Trump.
Trước đó 1 năm, theo một cuộc khảo sát của Viện Ifop, 77% người Pháp coi chính quyền Obama là đáng tin cậy, nhưng chỉ có 44% nhận định chính quyền Trump đáng tin và chỉ có 17% dân Pháp đánh giá cao tổng thống Trump. Cũng theo khảo sát của Ifop, nước Mỹ vẫn được dân Pháp coi là "bạn" trong lĩnh vực an ninh và đấu tranh chống khủng bố, hoặc là đồng minh để đối phó với Trung Quốc và Nga. Nhưng về kinh tế thì có đến 78% cho rằng Mỹ là một đối thủ của Pháp.
Trả lời phỏng vấn của RFI tiếng Việt, nhà báo Nguyễn Văn Huy giải thích :
"Lúc đầu khi hay tin Donald Trump đắc cử thì người Pháp nghĩ rằng nhân vật mới này có thể đem lại sinh khí mới trong quan hệ Pháp-Mỹ, nhất là về xuất nhập khẩu hoặc quan hệ hợp tác quân sự quốc tế giữa hai nước tích cực hơn. Nhưng sau một thời gian quan sát họ thấy đây là một vị tổng thống bảo thủ, muốn co cụm lại và xem Châu Âu như một đối thủ kinh tế và nhất là Pháp, một quốc gia có nền kinh tế phát triển tương đương và có những hàng hóa được người Mỹ ưa chuộng. Ông Trump muốn đánh thuế cao để bình thường hóa nhập siêu. Vì thế, người Pháp rất bất mãn.
Và người Pháp thấy ông Trump không phải là người mà họ nễ trọng, vì ông là người không có văn hóa lãnh đạo quốc gia, không có tầm vóc của một người đứng đầu cường quốc số một thế giới qua cách nói chuyện, đối xử. Pháp mặc dầu là một quốc gia nhỏ hơn so với Mỹ, nhưng người Pháp đánh giá cao cái tư cách, kiến thức văn hóa, cách cư xử của một nhân vật lãnh đạo. Khi một vị tổng thống cứ dùng những lời thô tục, không thể hiện sự trung thực, hôm nay nói ừ mai lại nói không, thì không ai tin tưởng là Donald Trump có giữ lời hay không, nhất là khi Donald Trump coi Pháp là đối thủ.
Mặc dù vậy, trên bình diện quốc tế và Châu Âu người Pháp vẫn ủng hộ chính sách của Mỹ, dù sao thì cũng phải hợp tác với Mỹ để bảo vệ Châu Âu trước sự đe dọa của Nga và Trung Quốc, nhưng về mặt cá nhân và con người thì người Pháp không đánh giá cao nhân vật Donald Trump".
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 30/11/2020
**********************
Hôm nay đọc trên RFI, thấy ý kiến của anh Huy :
"Trong suốt thời gian qua, người Pháp vẫn không bao giờ có thể hiểu được thể thức bầu cử tổng thống ở nước Mỹ. Bên Châu Âu thì rất giản dị, bầu cử tổng thống thì chỉ bầu tổng thống mà thôi, không có bầu chung với các cuộc bầu cử khác. Hoặc bầu dân biểu quốc hội thì chỉ có bầu dân biểu quốc hội thôi, không có bầu chung với các nhân vật lãnh đạo địa phương hay các nhân vật chính trị vùng. Trong lúc đó bên Mỹ lại khác. Khi bầu cử tổng thống Mỹ thì trong đó có kèm theo bầu những nhân vật trong lưỡng viện Quốc hội và cơ quan công quyền khác, thành ra danh sách bầu của họ cũng rất dài dòng, khó hiểu. Nhưng đặc biệt điều người Châu Âu và người Pháp không hiểu được là tại sao khi dân chúng ủng hộ một nhân vật chính trị nào đó thì phải bầu qua một người đại diện của họ, rồi người đó mới bầu tổng thống".
Nhân tiện dịp này, tôi xin được trao đổi lại. Một cách tóm tắt :
Nước Mỹ, khác nước Pháp, là một Liên bang. Tổng thống Mỹ do đa số người dân bầu chọn phải đồng thời chiếm được sự công nhận của đa số các Tiểu Bang. Tổng thống Liên Bang thì phải là tổng thống của tất cả các Tiểu Bang. Phiếu của Tiểu Bang, do đại diện của Bang bầu ra, đây chính là Đại cử tri, được người dân của Bang bầu ra để đại diện cho họ trực tiếp bầu Tổng thống. Chiếm được đa số phiếu của đại cử tri là có phiếu của Tiểu Bang đó, nghĩa là có toàn bộ số phiếu đại cử tri của Tiểu Bang đó. Điều này thỏa mãn hai điều kiện. Một là công dân của Bang hiểu rõ người địa phương hơn và người đại diện trong tiểu Bang có trách nhiệm gắn bó hơn với công dân địa phương hơn. Hai là, dân số của các tiểu Bang không giống nhau, trong khi cảm xúc chính trị của người dân, phụ thuộc vào ảnh hưởng của môi trường, cần phải là đa số để có được đa số trong tiểu Bang đó, chính là chiếm được đa số Đại cử tri. Tiểu Bang đông dân cư, nhiều phiếu bầu, nhưng vẫn chỉ có giá trị đại diện cho Tiểu Bang đó, không đại diện dân chúng toàn Tiểu Bang khác, nghĩa là chỉ có số đại cử tri của Bang đó.
Đây là cơ chế đảm bảo thực chất nền Dân chủ Liên Bang, tránh hiện tượng, các Tiểu Bang đông dân chịu ảnh hưởng của một đảng chính trị, khuynh loát quyền chính trị của các tiểu Bang ít dân cư hơn. Mỗi Bang trên hình thức là một quốc gia độc lập có quyền chính trị như nhau, lớn hay nhỏ đã được tính theo quy định số lượng đại cử tri tương ứng. Số đông phiếu bầu trực tiếp không phản ánh ý nguyện của các Tiểu Bang trong toàn Liên Bang.
Ngoài ra phải kể tới cơ chế bầu cử này có bao hàm ý tứ cảnh giác của các nhà sáng lập, rằng trình độ nhận thức và mối quan tâm của quần chúng trực tiếp nhiều khi không phản ánh đúng hiện trạng môi trường, vì vậy cần có đại diện, thường là thuộc tầng lớp cao hơn, có nhận thức sát hơn, tầm nhìn xa và bao quát hơn.
Không nói Cơ chế bầu cử của Mỹ cao hơn, sâu hơn các cơ chế bầu cử của Pháp hay các nước khác, nhưng phải thừa nhận những nhà sáng lập Mỹ là những người hiểu rất rõ những thiết chế cần thiết để đảm bảo cho một nền dân chủ đích thực khó bị hủy hoại.
Đây là vài điều cảm nhận xin được trao đổi với Diễn Đàn.
Bùi Quang Vơm
(31/10/2020)