Một đạo luật mới từ Thượng viện Mỹ sẽ đưa tới các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất đối với Campuchia trong nhiều chục năm nay.
Trụ sở Quốc hội Mỹ
Đạo luật với tên gọi tắt là CARI đề ra các điều kiện đối với những sự hỗ trợ dành cho Phnom Penh, thêm nhiều giới chức Campuchia bị cấm visa sang Mỹ. Luật cũng đính kèm việc phong tỏa tài sản và phản đối các khoản cho vay, các khoản hỗ trợ mới từ các định chế tài chính quốc tế dành cho Campuchia, đồng thời cũng cấm xóa nợ cho nước này.
Luật của lưỡng đảng trong Thượng viện Hoa Kỳ được giới thiệu trong tháng này.
"Đạo luật CARI Act phù hợp với sự ủng hộ lâu dài mà Hoa Kỳ dành cho nền dân chủ và nhân quyền ở Campuchia kể từ sau các cuộc bầu cử do Liên hiệp quốc tài trợ vào năm 1993", trợ lý chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, ông Tim Rieser, cho VOA biết.
Ông cho biết điều này sẽ chứng tỏ rõ ràng rằng các chính sách đàn áp của đảng cầm quyền Campuchia không có lợi cho sự phát triển của nước này.
"Ngày nay, Campuchia lại là một nhà nước độc đảng như trước Hiệp định Hòa bình Paris 1991. Đây không phải là điều mà người dân Campuchia biểu quyết trong các cuộc bầu cử từ 1993 tới nay", ông Rieser nói.
Đạo luật CARI yêu cầu chính phủ Campuchia tôn trọng quyền và nghĩa vụ trong Hiến pháp, kể cả việc phục hồi quyền dân sự và chính trị của đảng đối lập mang tên Đảng Cứu nguy Dân tộc, các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông, và phóng thích tất cả tù nhân lương tâm.
Lệnh cấm visa bao gồm các giới chức chính phủ, quân sự, cảnh sát, và tư pháp. Thân nhân trực hệ với các đối tượng này cũng bị ảnh hưởng.
Bộ Ngoại giao phải trình báo cáo về các biện pháp trừng phạt cũng như danh sách các giới chức bị cấm cho các ủy ban trong Quốc hội.
Lệnh cấm sẽ duy trì hiệu lực cho tới khi Bộ Ngoại giao Mỹ xác định và báo cáo Quốc hội rằng bầu cử công bằng, tự do diễn ra ở Campuchia, bao gồm sự tham gia toàn diện và không bị cản trở của Đảng Cứu Nguy Dân tộc và các thành viên của đảng, theo đạo luật CARI.
Các biện pháp chế tài chỉ được dỡ bỏ khi Ngoại trưởng Mỹ xác nhận rằng Campuchia củng cố ổn định và an ninh khu vực, đặc biệt trong các tranh chấp Biển Đông.
Đây là luật trừng phạt nặng tay nhất nhắm vào Campuchia kể từ năm 1997, lúc Mỹ cắt viện trợ cho nước này sau khi ông Hun Sen lật đổ ông Norodom Ranariddh, đồng Thủ tướng, trong một cuộc đảo chính đẫm máu.
Kể từ năm 1993, Campuchia đã nhận hàng tỷ đô la viện trợ quốc tế và các khoản vay từ các định chế quốc tế giúp phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, Bắc Kinh đã tăng cường các khoản vay và viện trợ cho Campuchia, làm suy yếu ảnh hưởng của phương Tây đối với quốc gia nghèo khó ở Đông Nam Á này.
Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai của Mục sư đang bị giam cầm Nguyễn Trung Tôn, là một trong 22 đại diện được chọn để kể câu chuyện về nhân quyền trên thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh Nhân quyền và Dân Chủ ở Geneva vào ngày 20/2, ngay trước thềm phiên họp thường niên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Nguyễn Trung Trọng Nghĩa tại hội nghị về nhân quyền ở Geneva ngày 20/2/2018.
Thông tin cho VOA từ Geneva, Trọng Nghĩa cho biết : "Hội nghị thượng đỉnh này là để cho các cá nhân, tổ chức là những người đang bị bức hại tại nhiều nước khác nhau có cơ hội để giải trình trước các nhà ngoại giao ở các nước có dân chủ, tự do, để họ biết thêm thông tin và những câu chuyện nhỏ từ rất nhiều người để đem đến cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc".
Trọng Nghĩa được biết tiếng gần đây qua các đoạn video blog ngắn, nói lên cái nhìn của một người trẻ về những vấn đề thời sự của đất nước. Nhưng câu chuyện cá nhân mà Vblogger 22 tuổi này đem đến hội nghị ở Geneva đã khiến nhiều cử tọa ngạc nhiên và bất ngờ vì tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
"Đó là một đêm định mệnh, 30/4/2003, khi làng xóm quê em hơn 100 người bị công an xúi giục vào nhà em cắt dây điện. Họ ném đá vào nhà, không cần biết có con nít người lớn gì cả. Họ cứ thế chọi đá vào. Sau đó, họ vào đánh em và ba em. Họ kéo ba em xuống ao và cố dìm ba em xuống. Sau đó, họ kéo ba em vào. Lúc này, thân thể ba em đã tan nát và đã bị chìm dưới nước một lúc nên chỉ còn nửa phần mạng thôi. Họ đem ba em vào phòng khách và tiếp tục đánh ba em, đánh đến nỗi em lúc đó mới 10 tuổi đi vô mà không nhìn ra ba mình nữa. Mặt ông toàn máu, nước mắt chảy đầm đìa. Họ bắt ba em quỳ xuống xin lỗi họ. Họ nói nếu ba em không quỳ xuống xin lỗi và chối bỏ Chúa, bỏ đạo, thì họ sẽ giết ba em trong đêm đó. Khoảnh khắc đó em cảm giác như mọi thứ trên đời này, trời đất, mọi chuyện dường như dừng lại trong lòng em. Rồi em nghe ba nói một câu rất thấm thía. Trong giờ phút khổ đau như vậy, ba em thẳng thắn nói rằng ‘Tôi sẽ không bao giờ quỳ lạy bất kỳ người nào trên đời này và tôi sẽ không bao giờ chối bỏ Chúa của tôi’. Và họ tiếp tục lao vào đánh ba em…".
Đại diện từ các nước đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Nhân quyền ở Geneva ngày 20/2/2018.
Hội nghị thượng đỉnh về nhân quyền và dân chủ tại Geneva do liên minh gồm 25 tổ chức phi chính phủ về nhân quyền trên khắp thế giới tài trợ.
Hội nghị thượng đỉnh về nhân quyền năm nay quy tụ 22 nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có người bán sách Hồng Kông Lam Wing-kee từng bị Trung Quốc bắt cóc, cựu tù nhân sống sót sau thảm sát Thiên An Môn Trung Quốc Yang Jianli, cựu tù nhân Mỹ bị giam giữ lâu năm nhất ở Triều Tiên Kenneth Bae, ông bà Fred và Cindy Warmbier-bố mẹ của sinh viên Mỹ Otto Warmbier đã tử vong sau khi được trả về từ Triều Tiên…
Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự hội nghị lần này, Nguyễn Trung Trọng Nghĩa hy vọng câu chuyện của gia đình mình sẽ được đem ra chất vấn trong phiên họp thường niên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam sẽ tham dự và có trách nhiệm trả lời.
"Hy vọng những thông điệp của em gửi lên các chính sách quốc tế và các cá nhân sẽ dựa vào đó để giúp đòi tự do cho ba em. Còn nếu sự tự do cho ba em là một điều quá xa xỉ thì hy vọng họ sẽ có câu chuyện để làm áp lực Việt Nam dừng tra tấn, bắt bớ những tù nhân lương tâm mới", blogger có tên "Effy Nguyen" nói.
Cha Nghĩa, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, là Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Ông từng bị kết án 2 năm tù theo Điều 88 về Tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2011. Trong thời gian bị quản chế sau khi ra tù, tháng 7/2017, Mục sư Tôn lại bị bắt với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79.
Trung Nghĩa cho biết hiện Mục sư Tôn đang bị giam giữ tại trại giam B14. Sức khỏe và tinh thần của ông đều ổn và sẵn sàng tham dự phiên tòa sắp tới (chưa được ấn định ngày).
Trong Phúc trình Toàn cầu 2018 công bố vào tháng trước, tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) nói Việt Nam trong năm 2017 đã "gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền".
Phúc trình này cho biết có ít nhất 24 người bị kết án vì viết bài và vận động cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm), bà Trần Thị Nga, sinh viên Phan Kim Khánh, blogger Nguyễn Văn Hóa.. và ít nhất 28 người bị công an bắt với cáo buộc tội danh về "an ninh quốc gia" như các ông Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội…
1. Đối ngoại 2017, một mảng tươi với vài chấm đen
Nổi bật nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam năm 2017 là các chuyến thăm qua lại giữa lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam với 2 cường quốc Mỹ, Trung Quốc.
Tổng Thống Mỹ, Donald Trump và Chủ Tịch Nước Việt Nam, Trần Đại Quang, tại hội nghị APEC, Đà Nẵng.
Đầu năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, sau đại hội đảng của Việt Nam. Tương tự, ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào tháng 11. Hai bên thỏa thuận tăng cường tin cậy, hữu nghị, thúc đẩy hợp tác, duy trì cục diện hòa bình, ổn định.
Gần giữa năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ, gặp tân Tổng thống Donald Trump. Sáu tháng sau, ông Trump thăm Việt Nam. Một cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ nói chuyến thăm của ông Trump "làm sâu đậm mối quan hệ rất quan trọng đối với Mỹ". Ở Hà Nội, ông Trump tái khẳng định cam kết của Mỹ hợp tác sâu rộng hơn về quốc phòng, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc tiếp cận mở trên Biển Đông.
Ông Nguyễn Phú Trọng đón Tập Cận Bình tại Hà Nội.
Chuyến thăm của hai lãnh đạo Mỹ, Trung diễn ra ngay sau hội nghị APEC, một điểm nhấn khác trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Bất chấp Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam và 10 thành viên APEC khác đồng thuận thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bức tranh đối ngoại Việt Nam 2017 hẳn sẽ tươi hơn nếu không có mảng tối là vụ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, khi ông này đang xin tị nạn. Việt Nam phủ nhận cáo buộc đó, nói rằng ông Thanh bị truy nã đã "tự thú". Vụ này làm căng thẳng quan hệ hai nước nhưng dường như đã lắng xuống sau khi ông Thanh bị kết án về tội tham ô vào đầu năm 2018.
2. Các bà mẹ Việt rơi vào vòng lao lý
Trong năm 2017 Việt Nam gia tăng bắt bớ và xét xử các nhà tranh đấu nhân quyền, với ít nhất 23 nhà hoạt động trong tổng số 53 người bị bắt và kết án vì lên tiếng ôn hòa.
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Trong số này có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) và nhà tranh đấu Trần Thị Nga (Thúy Nga), là những bà mẹ có con nhỏ, rơi vào vòng lao lý với án tù dài hạn. Mẹ Nấm bị chính quyền Việt Nam kết án 10 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước ;" với cùng tội danh, nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế.
Bà Trần Thị Nga bị bắt tại Hà Nam ngày 21 tháng Giêng.
Vào tháng 10/ 2017, em Nguyễn Bảo Nguyên, còn gọi là Nấm, con gái blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, viết thư cho Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, Melania Trump, nhờ can thiệp để mẹ con được đoàn tụ. Con gái 11 tuổi của Như Quỳnh nói với VOA rằng "với bức thư này, con hy vọng bà Melania sẽ hiểu được và giúp đưa mẹ về với con. Con và em rất nhớ mẹ. Rất mong bà giúp mẹ có thể trở về với con".
Trước đó, bà Melania Trump đã vinh danh và trao giải thưởng (khiếm diện) "Phụ nữ Cam đảm Quốc tế’ cho Mẹ Nấm tại Washington D.C.
3. Người Việt ‘gây rúng động’ phi trường quốc tế
Nghi can "vồ" lấy nạn nhân từ phía sau, nhanh chóng ra tay, rồi bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra. Vụ giết hại ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn, ngay giữa thanh thiên bạch nhật ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur đầu năm 2017, với một trong các nữ nghi can là cô Đoàn Thị Hương, nhanh chóng lan truyền khắp thế giới. Cô Hương bị cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh để sát hại ông Kim, dù cô nói mình bị lừa, tưởng tham gia một chương trình truyền hình thực tế. Nhiều câu hỏi hiện vẫn chưa có lời đáp và diễn biến vụ giết người đã được hé lộ phần nào trong phiên tòa vẫn đang tiếp diễn.
Nghi can Đoàn Thị Hương (giữa) ra tòa tại Kuala Lumpur.
Một vụ khác xảy ra cuối năm liên quan tới doanh nhân bị Việt Nam truy nã vì tội "tiết lộ bí mật nhà nước" : ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "Nhôm". Ông này bị chặn tại phi trường Changi ở Singapore trong khi chuẩn bị tìm đường tới Đức để xin tị nạn. Dù có luật sư ở cả Singapore và Đức tìm cách ngăn không để ông bị đưa về Việt Nam, chính quyền quốc gia Đông Nam Á vẫn trục xuất người được cho là "sĩ quan tình báo của Việt Nam" vì vi phạm luật xuất nhập cảnh. Vụ việc cũng tốn giấy mực của báo chí khắp nơi nhưng hệ lụy của nó như thế nào hiện vẫn chưa rõ.
Phan Văn Anh Vũ, người "gây rúng động" phi trường tại Singapore. (Photo by VnExpress)
4. BOT, Đồng Tâm, và làn sóng bất tuân dân sự
Bất bình vì tiền phí vô lý dẫn đến bất tuân dân sự kéo dài của giới tài xế tại nhiều trạm thu phí BOT trong năm qua.
Tài xế vui mừng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh tạm dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy.
Vụ phản đối đầu tiên nổ ra hồi tháng Tư, 2017 ở Hà Tĩnh, lan tới Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang.
"Chiến thuật" phổ biến nhất là tài xế trả tiền lẻ, gây ùn tắc, buộc một số trạm giảm hoặc miễn phí. Phản ứng này được xem là ôn hòa, thông minh.
"Chiến thắng" nổi bật nhất là đầu tháng 12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trạm Cai Lậy tạm dừng thu phí một tháng.
Nhưng đầu năm 2018, có lẽ do e sợ hệ lụy khó lường, chính quyền trở nên cứng rắn. Thủ tướng Phúc chỉ thị xử lý nghiêm những ai lợi dụng cuộc phản đối để "chống phá, làm mất an ninh trật tự, phá hoại chính sách của Đảng, Nhà nước".
Gần thời điểm nổ ra phản kháng BOT, nông dân Đồng Tâm, một xã của Hà Nội, cũng đứng lên hồi giữa tháng Tư, chống lại việc cưỡng chế đất bất công.
Người dân nói quân đội "nhập nhèm" để lấy 59 ha đất nông nghiệp dưới chiêu bài "mục đích quốc phòng".
Tiếc phần đất canh tác ít ỏi còn lại, người dân chống lực lượng cưỡng chế, bắt giữ 38 cán bộ, cảnh sát trong nhiều ngày, chỉ thả ra sau khi chủ tịch Hà Nội cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự nhân dân Đồng Tâm.
Một cảnh sát cám ơn người dân Đồng Tâm khi được trả tự do, 22 tháng Tư, 2017.
Sau 2 tháng, chính quyền ra quyết định khởi tố điều tra vụ "bắt người trái luật" ở xã. Nhưng do có nhiều phản ứng từ xã hội, chưa có bị can nào bị khởi tố.
5. Người Việt với nguy cơ trục xuất
Từ Campuchia...
Cuối năm 2017, chính quyền Campuchia do Thủ tướng Hunsen lãnh đạo ra chiến dịch tước giấy tờ nhắm vào 70.000 người gốc Việt. Trong tuần đầu của tháng 12/2017, hơn 1.700 gia đình gốc Việt tại tỉnh Kampong Chhnang bị thu hồi giấy tờ.
Trường học từ thiện cho trẻ em Việt trên Biển Hồ, Campuchia. (Ảnh Báo Lao động)
Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên thí điểm thực hiện chiến dịch vì là nơi có nhiều người Việt sinh sống trên các làng bè Biển Hồ. Một người Việt sống ở khu vực này nói với VOA rằng chiến dịch có thể có "động cơ chính trị" nhằm vận động cho ông Hunsen tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa trước làn sóng đảng đối lập chỉ trích ông "là con rối" của Hà Nội.
Bộ Nội vụ Campuchia nói sẽ không trục xuất người bị tịch thu giấy tờ, nhưng khẳng định nếu muốn tiếp tục lưu trú tại, họ phải đóng thuế theo quy chế di dân.
… tới Mỹ
2017 cũng đánh dấu âu lo của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, với chiến dịch truy quét gắt gao chưa từng có đối với người bị lệnh trục xuất của chính phủ Mỹ.
Biểu tình phản đối chính sách di dân của Tổng thống Trump ở Bắc California trong năm 2017. (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Luật sư Khanh Phạm từ văn phòng BPSOS cho VOA Việt Ngữ biết đối tượng bị nhắm đến là người chưa có quốc tịch Mỹ, phạm tội hình sự, từng bị tuyên án, hay người vi phạm luật di trú tới Mỹ bất hợp pháp, lưu trú trái phép sau khi visa du học, du lịch, hay làm việc hết hạn.
Việt-Mỹ vào năm 2008 ký biên bản ghi nhớ trong đó Hà Nội đồng ý nhận người gốc Việt tới Hoa Kỳ sau năm 1995 và có lệnh trục xuất. Trên thực tế, con số Việt Nam đã tiếp nhận không nhiều và tin cho hay Mỹ đang áp lực Việt Nam nhận thêm, kể cả những người tới Mỹ trước năm 1995.
6. Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam
Từ ngày 21/8 – 27/8/2017, Tòa Trọng tài Quốc tế (ICC) ở Paris xử kín vụ một công dân Hà Lan gốc Việt, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, kiện Chính phủ Việt Nam với cáo buộc vi phạm thỏa thuận mà hai bên đã ký kết năm 2006.
Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình năm 1990.
Ông Bình, người được mệnh danh "Vua Chả Giò", về Việt Nam đầu tư từ rất sớm, mang theo 2.328.250 đôla và 96 ký vàng. Sau một thời gian thành công, ông lại trở thành một phạm nhân bị cáo buộc tội trốn thuế, bị chính phủ Việt Nam tịch thu toàn bộ tài sản. Trước cáo buộc này, ông Bình "vượt biên" ra khỏi Việt Nam, trở về Hà Lan. Sau đó, ông kiện nhà nước Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế năm 2005. Hai bên đạt thỏa thuận ngoài tòa năm 2006, ký kết tại Singapore. Theo thỏa thuận này, ông Bình cho biết, Chính phủ Việt Nam đồng ý bồi thường 15 triệu USD và trả lại toàn bộ tài sản đã tịch thu của ông trước đây.
Gần 10 năm sau, với cáo buộc Việt Nam vi phạm thỏa thuận vì không trả lại tài sản, tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình lại kiện Chính phủ Việt Nam ra tòa ICC lần 2.
Cho tới nay, ICC chưa đưa ra phán quyết chính thức cho vụ kiện này.
7. Chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’
Việc ông Đinh La Thăng, ủy viên của Bộ Chính Trị đầy quyền lực, "ngã ngựa" giữa năm 2017 vì các sai phạm thời còn nắm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gây rúng động chính trường.
Đinh La Thăng (trái) và Trịnh Xuân Thanh tại tòa Hà Nội.
Nhưng trước đó, sóng gió đã nổi lên, khi ông Trịnh Xuân Thanh, vốn làm dưới quyền của quan chức từng được tung hô là "Đinh Tư lệnh", bị truy tố "cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô" thời còn làm ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam, công ty con của PVN.
Trong khi cựu quan chức này "cao chạy xa bay" sang Đức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ông Thanh "không thoát được", gây nhiều ngờ vực về khả năng truy bắt nhân vật từng "gặp nạn" từ vụ chiếc xe sang cá nhân mang biển của cơ quan nhà nước trị giá nhiều tỷ đồng. Nhưng ít lâu sau đó, phía Đức cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" ông Thanh ở ngay thủ đô Berlin, rồi đưa về nước, trong khi Hà Nội nói ông ra "đầu thú". Khi ông Thanh đã "lọt lưới", sinh mệnh chính trị của ông Thăng cũng đến hồi kết.
Những tình tiết từ vụ Thăng - Thanh khiến nhiều người liên tưởng tới chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" không khoan nhượng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng quyết tâm của Tổng bí thư kiêm Trưởng ban chống tham nhũng của Việt Nam còn mạnh tới đâu và liệu nó có động cơ chính trị như nhiều nhà phân tích nhận định hay không, thời gian mới có câu trả lời.
8. Nhiều ‘thái tử Đảng’ bị ‘trảm’
Năm 2017 chứng kiến nhiều vụ xử lý các "thái tử Đảng", trong đó nổi bật nhất là vụ cách chức Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, Ủy Viên Trung Ương Đảng, Nguyễn Xuân Anh, xóa tên đảng viên, bãi tất cả các chức vụ ; và vụ hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm đối với Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam, Lê Phước Hoài Bảo.
Nguyễn Xuân Anh, lúc còn là Bí Thư Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, con trai cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Văn Chi.
Cùng với Bí thư tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Anh được báo chí ca tụng là một trong hai bí thư tỉnh tiềm năng và trẻ nhất Việt Nam khi trở thành Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.
Tháng 9/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính trong nhiều sai phạm về mặt Đảng, nhưng dư luận để ý nhất là vụ ông nhận và sử dụng xe hơi và 2 căn nhà do tư doanh biếu.
Ngay sau vụ Nguyễn Xuân Anh là đến "hạt giống đỏ" Nguyễn Phước Hoài Bảo, con trai nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam, Lê Phước Thanh, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xóa tên đảng viên, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm khác.
Lê Phước Hoài Bảo (giữa), được bổ nhiệm giám đốc Sở khi 30 tuổi. Ảnh : Sở Kế hoạch Quảng Nam.
Ông Bảo được xem là tỉnh ủy viên trẻ nhất Việt Nam, với quan lộ "thần tốc", leo lên chức Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam chỉ trong vòng 5 tháng, ở tuổi 30.
Ngoài Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo, một số "thái tử Đảng" khác, trong đó có Huỳnh Minh Phong, con trai nguyên bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc cũng bị chú ý vì "quan lộ thần tốc".
Nguồn : VOA, 15/02/2018
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng hôm 6/2 loan báo rằng dự trữ ngoại hối đạt 57 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay từng được công bố.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức 57 tỷ USD, theo thông báo của Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên thống kê của The World Book cho biết mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt gần 39 tỷ USD tính đến hết năm 2017.
Tuy nhiên, thống kê của The World Factbook cho thấy mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ đạt 38.75 tỷ USD tính tới ngày 31/12/2017. Việt Nam đứng thứ 45 trên bảng thống kê của 175 quốc gia trên thế giới trong đó dẫn đầu là nước láng giềng Trung Quốc với mức dự trữ ngoại hối là 3.194 tỷ USD.
Các trang tin trong nước đồng loạt cho rằng đây là mức kỷ lục mới trong dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tạp chí Tài Chính cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong những năm trở lại đây.
"Mức dự trữ ngoại hối cao này đặc biệt quan trọng trong việc củng cố uy tín và vị thế của Việt Nam", người đứng đầu Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của Dân Trí, chuyển động này đang góp phần làm tăng thêm sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thống đốc Ngân hàng nhà nước không cho biết ngân hàng trung ương đã thu mua ngoại tệ bằng cách nào và dùng nguồn tiền từ đâu ?
"Trong cơ cấu 57 tỷ USD đó là cái gì thì cho tới giờ ngân hàng nhà nước hoàn toàn không công bố", Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng cho VOA biết.
Tiến sĩ Dũng cho rằng điều này "hoàn toàn thiếu minh bạch" và làm giảm đi ý nghĩa của dự trữ ngoại hối Việt Nam.
Theo một phân tích riêng mà tiến sĩ kinh tế này nắm được, trong dự trữ ngoại hối của Việt Nam có 13-15 tỷ USD là mua trái phiếu của chính phủ Mỹ, tức là không phải bằng tiền mặt và không có sẵn để Việt Nam dùng, và phần còn lại gồm đồng ngoại tệ chuyển đổi được và vàng". Tiến sĩ Dũng cho rằng phần ngoại tệ chuyển đổi được và vàng "là bao nhiêu thì không được nhà nước công bố".
Theo loan báo của Ngân hàng nhà nước được truyền thông trong nước trích dẫn, Ngân hàng trung ương đã mua được 13 tỷ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối trong năm 2017. Trong hơn 1 tháng của năm nay, Ngân hàng nhà nước mua vào hơn 4 tỷ USD.
Theo nhận định của Tiến sĩ Dũng, Việt Nam gom được 16 tỷ USD trong năm 2017 nhưng điều này làm ông ngạc nhiên vì nó diễn ra trong bối cảnh lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng ít ỏi.
Tiến sĩ Dũng nói Việt Nam không công bố con số tổng kiều hối năm 2017. "Họ chỉ công bố con số kiều hối về Sài Gòn là 5,2 tỷ USD". Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/2 lượng kiều hối đổ về Việt Nam hàng năm.
Nhà báo độc lập này cho rằng lượng kiều hối về Việt Nam có thể giảm mạnh so với mức 9 tỷ USD vào năm 2016.
Kiều hối là một trong những kênh chính mà dòng ngoại hối chuyển vào Việt Nam phụ thuộc, theo các chuyên gia kinh tế và tài chính.
FDI, tức đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng là một kênh chính khác. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, FDI của Việt Nam đang giảm mạnh, đặc biệt trong tháng đầu năm nay.
"Như vậy thì ngoại tệ ở đâu và Ngân hàng nhà nước đã dùng tiền nào để gom ngoại tệ ? Đó là một dấu hỏi lớn. Trong bối cảnh năm 2017 ngân sách được coi là rất eo hẹp, rất khó khăn thì tiền ở đâu để nhà nước tung ra ?".
Tiến sĩ Dũng cho rằng Ngân hàng nhà nước có thể "có những động thái in tiền, tung tiền đồng ra để thu gom ngoại tệ, nhưng làm như vậy, vô hình chung sẽ thúc đẩy lạm phát".
Mức lạm phát của Việt Nam tăng cao từ 0,63% năm 2015 lên 4,37% vào năm 2017, theo thống kê của Statista. Cổng thông tin điện tử về nghiên cứu thị trường này dự báo mức lạm phát của Việt Nam sẽ duy trì ở mức 4% cho tới 2022.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush hôm 8/2 cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông gọi Tổng thống Vladimir Putin của Nga là một "chiến thuật gia xuất sắc", theo Reuters.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush.
Trả lời phỏng vấn tại một hội nghị kinh doanh ở thủ đô Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Tổng thống Bush nói có bằng chứng rõ ràng cho thấy người Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử, nhưng liệu điều đó có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử hay không "lại là một chuyện khác".
Ông Bush nói : "Họ đã xen vào cuộc bầu cử Mỹ, và đó là điều nguy hiểm cho nền dân chủ".
Cựu Tổng thống Mỹ nói thêm rằng Nga cũng đã làm điều tương tự trong Chiến tranh Lạnh, và rất khéo léo trong nỗ lực thao túng và lôi kéo công luận tại Hoa Kỳ và Châu Âu.
"Ông Putin là một chiến thuật gia xuất sắc, có khả năng phát hiện điểm yếu và khai thác nó", ông Bush nói.
Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ những lời tố cáo của các giới chức tình báo Mỹ và những người khác cho rằng Nga đã can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài, kể cả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong phát biểu có tính cách chỉ trích chính sách nhập cư của Tổng thống Trump, ông Bush kêu gọi nên thay đổi các quy định của Mỹ về vấn đề di trú. Ông nói điều quan trọng là phải thừa nhận rằng Hoa Kỳ có một lịch sử là luôn chào đón những người nhập cư, bất kể tôn giáo hay nơi sinh quán.
"Hệ thống của chúng ta bị hỏng, nhưng chúng ta phải giải quyết thôi. Tôi đã thử, nhưng không thành công", ông Bush nói mà không nêu tên ông Trump.
"Điều quan trọng đối với nền kinh tế và cũng quan trọng đối với tinh thần của chúng ta, là hệ thống nhập cư phải hoạt động tốt".
Nói về Mexico, cựu Tổng thống Mỹ phát biểu : "Tôi coi đó là một mối quan hệ thiết yếu cho nền kinh tế và cho sự ổn định của nước Mỹ. Chúng ta phải củng cố biên giới và thực thi luật pháp của chúng ta".
Ông Bush nói thêm :
"Có những người sẵn sàng làm những công việc mà người Mỹ không muốn làm. Rất nhiều người Mỹ không thích hái bông gòn trong nhiệt độ 37,8 độ C. Nhưng cũng có những người vì miếng ăn cho gia đình, họ sẵn sàng làm công việc đó".
Ngày 6/2, nhà chức trách Pháp cho hay vừa bắt giữ 27 người trong cuộc đột kích vào một lán trại nằm trong rừng của di dân Việt Nam đang tìm cách sang Anh.
Lán trại trong rừng ở Pháp là điểm trung chuyển đưa lậu người Việt sang Anh. Ảnh : The Guardian.
Theo AP, cảnh sát đã tiến hành bố ráp lán trại nằm ở miền bắc nước Pháp với mục tiêu bắt giữ những kẻ buôn lậu người. Tuy nhiên, không rõ liệu có ai trong số 27 người bị bắt là những tên buôn người hay không.
Tin cho hay các cuộc đột kích tương tự cũng đã được tiến hành ở nhiều nơi khác tại Pháp trong thời gian qua.
Cuộc bố ráp lán trại nằm gần thị trấn Lens được tiến hành theo lệnh của một thẩm phán điều tra. Trại này được biết là một trong những nơi trú ẩn của người Việt Nam tìm cách vượt biên sang Anh theo các đường dây buôn người.
Theo tường thuật của The Guardian hồi tháng 9, khu vực rừng miền Bắc nước Pháp là nơi những kẻ buôn người tập trung các nạn nhân người Việt lại, rồi lẻn tống họ vào các xe tải chở hàng dừng lại đổ xăng hay nghỉ ngơi, và theo đó sang Anh.
Nhiều người Việt theo các đường dân buôn người sang Anh để làm việc bất hợp pháp trong các ngôi nhà trồng lậu cần sa.
Vẫn theo nguồn tin này, có gần cả trăm người Việt Nam, bao gồm cả trẻ em, sống trong lán trại nằm ẩn sâu trong rừng gần thị trấn Angres, cách Calais khoảng 100 cây số về hướng đông nam. Nơi đây được những kẻ buôn người chọn và gầy dựng thành "phố Việt Nam" vì tình trạng thiếu kiểm soát an ninh, dễ dàng cho việc vận chuyển người.
Điều kiện sống ở lán trại được mô tả là cực kỳ tồi tệ. Các cư dân nấu nướng, ăn, ngủ trong lán do các thợ mỏ bỏ lại từ nhiều năm, mái lán bị sập và không có máy sưởi.
Mặc dù khu vực này đã tồn tại hơn cả thập niên, nhưng nhà chức trách Pháp không mấy quan tâm nên nó vẫn tồn tại và trở thành điểm trung chuyển của đường dây buôn người Việt Nam.
Theo The Guardian, cư dân địa phương và các tổ chức từ thiện vẫn thường xuyên đóng góp giúp đỡ và cung cấp thực phẩm cho trại đều đặn.
Sau khi đến trại, các nạn nhân của đường dây buôn người được đưa sang Anh để làm việc bất hợp pháp tại các trại trồng cần sa, các tiệm làm móng và nhà hàng.
Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một thất bại về mặt quân sự đối với các lực lượng chính quy miền Bắc và Việt Cộng, theo nhận định của các chuyên gia quân sự, giáo sư sử học và cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.
Rạng sáng ngày 31/1/1968, giữa lúc người dân Việt Nam đang đón Tết thì các lực lượng Cộng sản phát động một đợt tấn công bất ngờ trên toàn miền Nam. Chiến dịch này được coi là cuộc tấn công lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam đã dẫn đến nhiều thương vong tại nhiều thành phố và thị trấn trên khắp miền Nam.
"Về mặt quân sự, Bắc Việt đã thua to. Toàn bộ các cơ sở hạ tầng của Việt Cộng bị quét sạch", William Ridley, cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam nói với VOA-Việt ngữ.
Binh sĩ hải quân Mỹ trong lúc nghỉ giữa các trận đánh ở Huế trong khuôn khổ cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 của quân Bắc Việt.
Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Bing West và giáo sư sử học của Đại học Tiểu bang San Diego Pierre Asselin cũng nhận định tương tự với VOA sau một cuộc hội thảo tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS tại Washington hôm 31/1.
Trong khi đó Hà Nội tuyên bố đây là một thắng lợi về chiến thuật và là một trận đánh gây tiếng vang lớn, "một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị" – theo lời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn. Chính quyền Hà Nội không công bố con số thương vong chính thức nhưng theo ước tính của phía Mỹ, con số này có thể lên tới 58.000 sau toàn bộ chiến dịch kéo gần hết năm 1968. Theo truyền thông trong nước, quân "giải phóng" Bắc Việt đã hoàn thành một trong những mục tiêu quan trong được đề ra là "đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn thương lượng".
Một nửa thập kỷ sau cuộc tổng tiến công bắt đầu từ Tết Mậu Thân 1968 và kéo dài hơn 300 ngày ở nhiều nơi, gồm cả Huế và Sài Gòn, người Mỹ vẫn bàn luận về những bài học được rút ra từ cuộc tấn công được coi là đã thay đổi cục diện của chiến tranh Việt Nam.
"Tôi cho rằng bài học lớn nhất là nếu anh là Tổng thống, nếu anh là Tổng Tư Lệnh và đưa quân vào một cuộc chiến thì phải có ý chí để quyết thắng", ông West nói. "Đừng nhụt chí như cách mà Tổng thống Lyndon Johnson đã làm. Ông ấy đã quay lưng bỏ đi chỉ vì (cuộc tấn công) Tết Mậu Thân. Ông ấy lẽ ra không nên làm như thế".
Theo cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Bing West dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, trong thời gian Tết Mậu Thân sau khi đánh bại quân miền Bắc, Tổng thống Johnson đã có cơ hội để đánh bom hệ thống đê miền Bắc và cảng Hải Phòng cũng như cắt đường cứu viện từ Trung Quốc và Nga.
"Chúng ta đã có thể nện cho họ tơi tả cho tới khi họ hiểu rằng họ không thể cưỡng chiếm miền Nam".
Lyndon B. Johnson trở thành tổng thống Mỹ sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị sát hại vào năm 1963. Ông Johnson là người khởi sự cuộc chiến tranh ở Việt Nam vào năm 1965.
Theo nhận định của cựu quan chức Bộ Quốc phòng này, Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội để chiến thắng và quân miền Bắc lẽ ra cũng không nên tấn công bởi vì cuộc tấn công đó "không hiệu quả như họ mong muốn".
Ông West nhận định "cả 2 phía đã mắc sai lầm" nhưng thừa nhận ảnh hưởng tiêu cực của cuộc tấn công này đối với phía Mỹ.
"Chúng tôi đã mất tinh thần. Tổng thống mất tinh thần khi nói ‘Trời, tôi chỉ muốn rút ra khỏi cái nơi đó.’"
Một bài học khác mà ông West rút ra từ cuộc tấn công này là "các quyết định quan trọng chỉ do một số người đưa ra". Cựu quan chức Bộ Quốc phòng cho biết điều này "đúng trước đây và bây giờ vẫn đúng", ám chỉ các quyết định của những nhà lãnh đạo Mỹ tại Afghanistan hiện nay.
Phía Bắc Việt, những quyết định quan trọng cũng do một số người đưa ra, theo nhận định của giáo sư sử học Asselin, người nghiên cứu về Đông Nam Á và Việt Nam. Ông cho rằng Tổng bí thư Lê Duẩn, chứ không phải ông Hồ Chí Minh hay Tướng Võ Nguyên Giáp, là người điều hành chiến tranh Việt Nam, và là người quyết định trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân, cùng với tướng Văn Tiến Dũng.
Nhà sử học Asselin so sánh Lê Duẩn là giống lãnh tụ Kim Il Sung của Triều Tiên về mặt "độc tài" khi đưa ra các quyết định, và giống như Stalin khi quyết định hy sinh hàng triệu quân để dành chiến thắng.
"Đối với Lê Duẩn, Việt Nam đã bị Pháp đô hộ, và trong suốt chiều dài lịch sử luôn bị Trung Quốc hăm dọa. Và Lê Duẩn sẽ làm thay đổi điều đó, làm thay đổi 2.000 năm lịch sử", Giáo sư Assalin nói với VOA. "Tôi nghĩ ông Lê Duẩn cho rằng không có sự hy sinh nào là quá lớn. Đối với ông, nói đến 1 triệu hay 2 triệu người Việt hy sinh trong chiến tranh, thì đó là cái giá và là cái giá cần thiết bởi vì khi đã đạt được mục đích thì mọi thứ sẽ được chấp nhận trong lịch sử".
Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng West đồng ý với quan điểm đó.
Tổng bí thư Lê Duẩn (thứ 2 từ bên phải) cùng các lãnh đạo miền Bắc Việt Nam vào năm 1966. Ông Duẩn được coi là người điều hành cuộc tổng tiến công Mậu Thân, chứ không phải Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp.
Theo tôi, Lê Duẩn cũng giống như Stalin. Ông ấy không quan tâm về chuyện có bao nhiêu người bị giết. Ông ấy là người có ý chí sắt. Stalin là người có ý chí sắt. Hitler là người có ý chí sắt.
Năm mươi năm sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, cuộc tranh cãi trên mạng xã hội Việt Nam vẫn tiếp diễn về những tác động của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân và liệu quyết định của ông Lê Duẩn và tướng Văn Tiến Dũng là đúng hay sai.
Cũng như những nhận định trong loạt phim tài liệu "Cuộc Chiến tranh Việt Nam" của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick được công chiếu năm ngoái, nhiều người cho rằng cuộc tấn công này do miền Bắc phát động vào các thành phố ở miền Nam nhắm vào người dân thường, bất chấp hai miền thường ngừng bắn để cùng ăn Tết. Rất nhiều thường dân đã bị giết chết trong cái gọi là "vụ thảm sát Tết Mậu Thân".
Luật sư Lê Công Định nhận định trên một bài viết trên trang Facebook cá nhân rằng "cuộc tấn công lén lút đó lại biến thành cuộc thảm sát thường dân vô tiền khoáng hậu trong ký ức và tâm khảm người dân miền Nam".
Theo thống kê mà US News thu thập được, thương vong của phía đồng minh là gần 9.000 người, trong đó hơn phân nửa là binh sĩ Việt Nam Cộng hòa.