Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quốc hội Ukraine tạm thông qua dự luật động viên để tăng quân số chống Nga

Thanh Hà, RFI, 08/02/2024

Vào lúc Ukraine không còn nhận được viện trợ của Hoa Kỳ từ cuối 2023, Kiev thẩm định cần thêm nửa triệu lính cho cuộc chiến tranh chống xâm lược Nga. Quốc hội Ukraine chiều qua, 07/02/2024, đã thông qua dự luật gây nhiều tranh cãi cho phép chính phủ huy động thêm quân. Trong cuộc biểu quyết lần thứ nhất, dự luật đã được 243 phiếu ủng hộ. Nhưng để được tổng thống phê chuẩn, văn bản còn phải được điều chỉnh, và phải được Quốc hội Ukraine thông qua lần hai. 

uk1

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị pháo M777 trên mặt trận ở vùng Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 14/01/2024. Reuters - Stringer

Thông tín viên RFI từ Kiev Emmanuelle Chaze giải thích :

"Đây mới chỉ là chặng đầu tiên hướng tới một đạo luật mới cho phép tuyển thêm quân. Trong cuộc biểu quyết lần thứ nhất vào hôm qua tại Quốc hội, dự luật này đã được thông qua. Nhưng sau đó một số sửa đổi sẽ được bổ sung trước khi văn bản này lại được xem xét lần thứ hai, rồi sẽ được thổng thống phê chuẩn. Dự luật này chủ yếu nhằm đơn giản hóa thủ tục tuyển quân, đồng thời quy định một số các biện pháp trừng phạt trong trường hợp thanh niên Ukraine trốn nghĩa vụ quân sự.

Dự luật nói trên nhằm tăng quân số sau hai năm Ukraine bị Nga xâm lược. Theo văn bản mới, tất cả thanh niên phải có ít nhất 5 tháng huấn luyện quân sự. Quy định này từ trước đến nay chỉ giới hạn ở độ tuổi từ 18 đến 24.

Tuy nhiên, dự luật đang gây chia rẽ trong hàng ngũ chính trị và xã hội Ukraine. Đành rằng chính quyền Kiev có một số những quy định rõ ràng hơn về việc cho lính nghỉ phép, thế nhưng, vẫn có nhiều tiếng nói chỉ trích một sự thiếu minh bạch, đặc biệt là về điều khoản khi nào thì cho những người lính đã có hai năm chiến đấu được giải ngũ".

Kiev cần được tiếp tế đạn dược khẩn cấp

Tiếp lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell sáng nay tại Kiev, cả tổng thống lẫn ngoại trưởng Ukraine đồng thanh kêu gọi Bruxelles tăng tốc viện trợ những vũ khí như "đạn dược, drone và các hệ thống phòng không" cho Ukraine. Ông Borrell nhắc lại cam kết Liên Âu cung cấp 1,15 triệu đạn pháo cho Ukraine từ nay đến cuối năm. Quan chức này đồng thời nhấn mạnh "an ninh của Ukraine cũng là an ninh của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu". Từ đầu chiến tranh Ukraine đến nay, Liên Âu đã cấp tổng cộng 28 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine.

Thanh Hà

*************************

Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Zelensky ra lệnh thành lập lực lượng quân sự chuyên biệt về drone

BBC, 07/02/2024

Vào thứ Ba (6/2), Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã ra lệnh thành lập một lực lượng quân sự riêng biệt chuyên về drone - vũ khí được ông và các quan chức quân đội đánh giá là rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại Nga, theo Reuters.

uk4

Binh lính Ukraine thuộc phi đội máy bay không người lái (UAV) Rarog của Lữ đoàn cơ giới số 24 đang điều khiển một drone gần thị trấn Horlivka, giữa cuộc tấn công của Nga vào Ukraine ngày 17/1/2024.

Ông đã ký một sắc lệnh kêu gọi chính phủ và bộ tham mưu quân đội "tập trung vào các vấn đề xoay quanh việc thành lập một lực lượng drone cho quân đội Ukraine".

Trong bài phát biểu video hàng đêm của mình, Tổng thống Zelensky tuyên bố : "Tôi vừa ký một sắc lệnh nhằm khởi động việc thành lập một lực lượng riêng biệt trong quân đội của chúng ta - một lực lượng chuyên biệt về hệ thống drone".

"Đây không phải là kế hoạch cho tương lai. Nó phải mang lại kết quả cụ thể sớm. Năm nay mang tính quyết định trên nhiều phương diện. Đặc biệt là trên chiến trường".

"Những hệ thống drone đã chứng minh được tính hiệu quả trên mặt đất, trên biển và trên không", ông Zelensky nói.

Ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine, cho biết lực lượng chuyên biệt này sẽ là nguồn "động lực mạnh mẽ" cho việc phát triển công nghệ của quân đội.

Ông nói rằng năm ngoái, drone đã "làm thay đổi tình hình trên chiến trường một cách triệt để. Không chỉ hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, chúng còn hỗ trợ các cuộc phản công của quân đội Ukraine".

Theo sắc lệnh của ông Zelensky, kết quả của bản kế hoạch [cho việc thành lập lực lượng chuyên biệt] sẽ được trình lên Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia - cơ quan hoạch định chính sách.

Kể từ cuộc tấn công của Nga hai năm trước, ông Zelensky đã coi drone và việc sản xuất thiết bị này trong nước cũng như các quốc gia đối tác là một yếu tố then chốt trong chiến tranh chống lại Nga.

Tháng 12 năm ngoái, tổng thống cam kết Ukraine sẽ sản xuất một triệu drone trong năm 2024.

Các quan chức chính phủ cho biết Ukraine đặt mục tiêu sản xuất hàng chục ngàn drone mỗi tháng.

Hiện chưa có con số về sản lượng hiện tại, nhưng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, việc sản xuất drone đã tăng vọt, với hàng chục công ty phát triển và sản xuất nhiều mẫu drone khác nhau.

Trong một bình luận với CNN tuần trước, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Valeriy Zaluzhnyi, người có vị trí đang bị lung lay do những bất đồng với tổng thống, cho biết drone là yếu tố quan trọng trong việc tiến hành chiến tranh.

"Điều quan trọng là những hệ thống không người lái - như drone - cùng với các loại vũ khí tiên tiến khác, là cách tốt nhất để Ukraine không bị lôi kéo vào một cuộc địa chiến (positional warfare) – phương thức mà Ukraine không có lợi thế", ông Zaluzhnyi viết.

**************************

Tổng thống Ukraine xác nhận "sắp" cải tổ chính phủ

Minh Anh, RFI, 06/02/2024

Sau nhiều ngày đồn đoán liên quan đến khả năng cách chức tư lệnh quân đội tướng Zaluzhny, và trước sức ép công luận phải giải thích về sự bất đồng giữa hai người, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm Chủ nhật, 04/02/2024, khi trả lời phỏng vấn truyền hình Ý đã phần nào thừa nhận ý định cải tổ sâu rộng chính phủ.

uk2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (thứ 3 từ trái) cùng các binh sĩ trong chuyến thăm mặt trận vùng Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 04/02/2024. AP

Từ Kiev, thông tín viên đài RFI Emmanuel Chaze tường thuật :

"Sau nhiều tuần đồn thổi, Volodymyr Zelensky lần đầu tiên phát biểu công khai về khả năng thay đổi nhiều vị trí chủ chốt trên thượng tầng Nhà nước. Và những bình luận này đã được ông đưa ra trên truyền hình Ý chứ không phải là Ukraine.

Theo ông, việc tái phân bổ lại các quân bài là cần thiết và ông nói rằng sự thay đổi này không chỉ liên quan đến một người, ám chỉ đến những tin đồn nhắm vào vị tư lệnh quân đội tướng Valery Zaluzhny, mà là một cuộc cải tổ lớn, không chỉ ở cấp độ quân sự.

Tổng thống Ukraine biện minh cho sự thay đổi được công bố này là do nhu cầu đổi mới và nói thêm rằng chính phủ của ông cần có một năng lượng tích cực nhằm giành chiến thắng cho Ukraine trong cuộc chiến này.

Từ Kiev, cuộc cải tổ theo kế hoạch dường như đi theo hướng các tin đồn thông báo khả năng rời vị trí sắp tới của tướng Valery Zaluzhny, rất được người dân và binh sĩ đánh giá cao.

Dù tổng thống có đặc quyền chọn chỉ huy quân đội cho đất nước, nhưng ông Volodymyr Zelensky có nguy cơ gánh lấy rủi ro chính trị ở đây, có thể làm tổn hại đến điểm tín nhiệm của ông trong lòng một bộ phận người dân, giới chính trị gia và quân đội".

Minh Anh

************************

Ukraine phá vỡ một mạng lưới gián điệp Nga "lớn" trong ngành tình báo

Trọng Thành, RFI, 06/02/2024

Theo cơ quan an ninh Ukraine (SBU), hôm nay, 06/02/2024, một mạng lưới gián điệp "lớn" của Nga gồm 5 nhân viên cài trong lực lượng tình báo nước này đã bị "vô hiệu hóa".

uk3

Một cơ sở phòng không của Ukraine tại Mariupol bị Nga tập kích ngay ngày đầu cuốc xâm lược, 24/02/2022. AP - Evgeniy Maloletka

Theo SBU, nhiệm vụ của nhóm này truyền về Nga các thông tin về quân đội Ukraine và "các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng" của đất nước. Một trong 5 người làm việc cho một chi nhánh khu vực của Cục an ninh Ukraine SBU và bốn người còn lại từng làm việc cho cơ quan tình báo quân sự của bộ Quốc phòng (GUR) và cơ quan tình báo nước ngoài. Văn phòng Công Tố Ukraine cho biết 5 gián điệp Nga đều mang quốc tịch Ukraine.

Theo cơ quan an ninh Ukraine, các gián điệp này đã cung cấp cho Moskva thông tin về loại phương tiện di chuyển được tình báo quân sự Ukraine sử dụng, vị trí của các lực lượng Ukraine, hệ thống bảo vệ an ninh của hai nhà máy điện hạt nhân Ukraine, cũng như các tuyến đường vận chuyển vũ khí nước ngoài tới Ukraine.

Một gián điệp trong mạng lưới này đã chuyển tiếp thông tin về các thành phần của hệ thống phòng thủ được thiết lập gần Odessa, thành phố cảng bên bờ Hắc Hải, và các hệ thống phóng tên lửa đa nòng ở Kharkiv, ở đông bắc, trong bối cảnh cả hai địa điểm này thường xuyên là mục tiêu tấn công của Nga. Văn phòng Công Tố cho biết các gián điệp này này bị nghi ngờ "phạm tội phản quốc" vì đã bán thông tin để lấy tiền.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2/2022, Ukraine đã thông báo phát hiện một số lượng lớn điệp viên Moskva xâm nhập vào các cơ quan nhà nước và đặc biệt là các cơ quan an ninh của nước này, đôi khi ở các chức vụ cao.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Hoa Kỳ : Thỏa thuận dự luật viện trợ cho Ukraine thông qua tại Thượng Viện vẫn bị chặn ở Hạ Viện

Anh Vũ, RFI, 05/02/2024

Các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 04/02/2024 vừa đạt thỏa thuận về dự luật 118 tỷ đô la dự trù chi phí cho các biện pháp an ninh biên giới và viện trợ cho Ukraine. Ngay sau đó, chủ tịch Hạ Viện tuyên bố bác bỏ.

uk1

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson tại điện Capitol ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 14/11/2023. AP - J. Scott Applewhite

Chủ nhật 04/02, Thượng Viện Mỹ thông báo hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ đạt thỏa thuận để chi 118,3 tỷ đô la, trong đó có gói viện trợ cho Ukraine trị giá 60 tỷ, 14 tỷ cho Israel và phần còn lại dùng để chi cho các biện pháp cải cách chính sách nhập cư, thắt chặt an ninh ở biên giới Mỹ. Thỏa thuận đã được tổng thống Mỹ nhanh chóng chấp thuận và đề nghị Hạ Viện sớm thông qua để ông có thể sớm ký ban hành luật.

Để đạt được mong muốn của ông Joe Biden, dự luật ngân sách này trước tiên phải được thông qua tại Thượng Viện (do phe Dân Chủ kiểm soát), sau đó đưa qua Hạ Viện, và chính tại đây sự việc trở nên không đơn giản.

Chủ tịch Hạ Viện, Mike Johnson, một nhân vật trung thành với Donald Trump đã ngay lập tức dội gáo nước lạnh vào hy vọng của tổng thống Biden. Trên mạng X, lãnh đạo Hạ Viện phản ứng : "Dự luật này còn tồi tệ hơn cả những gì chúng ta mong đợi và còn rất xa mới chấm dứt được tai họa ở biên giới do tổng thống gây ra" và ông khẳng định văn kiện đã "chết ngay khi tới" Hạ Viện.

Tổng thống Joe Biden chỉ còn cách kêu gọi các nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ thỏa thuận giữa hai đảng. Ông tuyên bố : "Nếu các vị nghĩ, giống như tôi, rằng chúng ta phải bảo đảm an ninh biên giới ngay bây giờ, thì không làm gì không phải là giải pháp".

Chiếm phần lớn của dự luật tài chính này là gói viện trợ cho Ukraine, từ nhiều tháng nay vẫn bị mắc kẹt trước những yêu cầu khẩn khoản của tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Cuộc chiến tranh tại Ukraine đã kéo dài gần 2 năm vẫn không thấy lối thoát. Từ đầu cuộc xung đột, Quốc Hội Mỹ đã quyết định giải ngân 110 tỷ đô la cho Ukraine. Tại Hoa Kỳ, nhiều người, đặc biệt phe Cộng Hòa ngày càng thấy những chi phí này quá tốn kém cho nước Mỹ. Vấn đề viện trợ cho Ukraine càng trở thành chủ đề chính trị nóng khi mà năm nay là năm bầu cử tổng thống Mỹ.

Moskva vẫn trông chờ cuộc chiến tranh hao mòn của họ làm suy giảm sự hậu thuẫn của phương Tây cho Kiev cuối cùng sẽ giúp Nga giành chiến thắng.

Anh Vũ

******************************

Tình báo Ukraine tấn công cơ sở lọc dầu của quân đội Nga, cách biên giới 600 km

Trọng Thành, RFI, 04/02/2024

Theo chính quyền tỉnh Volgograd, miền đông nam nước Nga, cuộc tấn công diễn ra trong đêm ngày thứ Sáu rạng sáng ngày thứ Bảy 03/02/2024. Hãng tin Anh Reuters dẫn lời một nguồn tin Ukraine tại Kiev, cho biết cuộc oanh kích do các lực lượng thuộc Tình báo Quân sự của Ukraine (SBU) tiến hành.

uk2

Hình ảnh tiệm bánh mì bị tấn công hôm qua 03/02/2024, tại thành phố Lysychansk, miền đông Ukraine, khiến ít nhất 28 người thiệt mạng. AP

Trên mạng Telegram, tỉnh trưởng tỉnh Volgograd, Andrey Bocharov, cho biết : "đêm hôm nay, hệ thống phòng không và các phương tiện gây nhiễu sóng đã đẩy lùi được một đợt tấn công bằng drone tại tỉnh Volgogrod, tại Kalachiovsky và Zakanalie", "một drone bị bắn hạ đã gây ra hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Volgograd". Vẫn theo viên tỉnh trưởng Nga, đám cháy đã được khống chế, và không có nạn nhân nào".

Theo nguồn tin Ukraine, hai drone đã đánh trúng mục tiêu thuộc một cơ sở tinh chế dầu mỏ. Nguồn tin này cũng khẳng định "sẽ tiếp tục có các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở lọc dầu cộng tác với tổ hợp công nghiệp quân sự Nga". Trước đó, trên mạng Telegram hôm 01/02/2024, lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR) Kyrylo Budanov đã đe dọa là sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công nhắm vào "các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự" ngay trên đất Nga.

Hôm 02/02, lãnh đạo tình báo quân sự Ukraine giải thích chi tiết với truyền thông trong nước về cuộc tấn công bằng 6 drone, từng cho phép phá hủy tàu hộ tống tên lửa Ivanovets, ngoài khơi bán đảo Crimea, được coi là một tổn thất lớn cho Nga. Cùng ngày, Không quân Ukraine cho biết ít nhất ba phi cơ quân sự Nga tại bán đảo Crimea bị hư hại sau các cuộc oanh kích của quân đội Ukraine.

28 người chết tại vùng Nga chiếm đóng ở miền đông Ukraine

Lực lượng cứu nạn của Nga thông báo cuộc tấn công, được coi là của Ukraine, nhắm vào một tiệm bánh mì tại thành phố Lysychansk, miền đông Ukraine, ngày hôm qua, khiến ít nhất 28 người chết. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết thêm là 65% cơ sở hạ tầng thành phố này bị phá hủy trong chiến tranh. Trước đó, hồi tháng 6/2022, quân Nga đã chiếm được thành phố Lysychansk, hiện cách khu vực do Ukraine kiểm soát khoảng 15 km.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine : Liên Âu đã "dàn xếp" thế nào với Hungary ?

Hoàng Nguyên, Trọng Thành, RFI, 02/02/2024

Các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua, 01/02/2024, đã đạt được thỏa thuận viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine chống xâm lược Nga, khoản viện trợ đã bị Hungary ngăn chặn cho đến phút cuối. Thỏa thuật đạt được ngay trong buổi sáng được coi là khá bất ngờ. Liên Âu đã có những thỏa hiệp nào với Hungary và thủ tướng Hungary đã khai thác những gì từ cuộc đối đầu với Liên Âu trong hồ sơ này để khẳng định quyền lực ? Nhận định của thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest.

ukraine0

Thủ tướng Hungary Orban Viktor trong một cuộc họp tại Bruxelles, Bỉ, tháng 12/2023. © Yves Herman / Reuters

RFI : Trước hết, xin anh cho biết những kịch bản được đặt ra trước hội nghị, về phía Hungary và về phía Liên Âu trong hồ sơ 50 tỉ euro viện trợ Ukraine ?

Hoàng Nguyên : Kịch bản thứ nhất là chính phủ Hungary có thể duy trì đến cùng quan điểm của mình, theo đó quyết định về các khoản hỗ trợ tài chính dành cho Ukraine phải được thông qua với sự nhất trí của tất cả 27 thành viên EU, và họ vẫn tiếp tục sử dụng quyền phủ quyết nếu không vừa ý. Khi đó, khả năng là 26 nước thành viên còn lại sẽ tìm kiếm một giải pháp riêng, ngoài ngân sách EU. Kịch bản thứ hai là các thành viên EU có thể chấp thuận đề xuất mang tính thỏa hiệp của Hungary, rằng hàng năm phải tổ chức thảo luận về khoản viện trợ cho Ukraine, nhưng phần biểu quyết sau đó chỉ cần đa số ủng hộ, chứ không cần 100% phiếu thuận. Kịch bản thứ ba là, giống như tháng 12/2023, ông Orbán cũng có thể rời khỏi phòng họp khi 26 thành viên còn lại của EU biểu quyết.

Những khả năng trừng phạt, trả đũa có thể được áp dụng với Hungary cũng được nhắc tới, nếu ông Orbán vẫn tiếp tục phủ quyết trong hội nghị thượng đỉnh này. Đó là Hungary có thể tiếp tục bị gia tăng "truy cứu" theo Điều 7 của Hiệp ước EU, mà hậu quả nặng nhất là tước quyền biểu quyết của nước này trong Liên Âu. Tiếp theo đó, vì những quan ngại về nhà nước pháp quyền, nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Hội Đồng Châu Âu của Hungary bắt đầu từ tháng 7/2024 sẽ bị hoãn lại cho đến khi các vấn đề được giải quyết, và do đó, Ba Lan, đứng sau Hungary, sẽ đảm nhiệm vai trò này.

Dường như có những trao đổi tại EU nhằm gây cô lập, khiến Hungary lâm vào tình trạng tê liệt tài chính bằng cách giữ lại tất cả các nguồn vốn của Liên Âu. Việc một số quốc gia thành viên EU rò rỉ các ý tưởng khác nhau cho báo chí cho thấy rõ là hầu hết các nước Liên Âu đã hết kiên nhẫn và tin tưởng vào Hungary.

RFI : Tại sao thủ tướng Orbán lại nhanh chóng lùi bước ? Các dàn xếp đã diễn ra như thế nào ?

Hoàng Nguyên : Bên cạnh những hậu quả có thể xảy ra về kinh tế, tài chính, ông Orbán Viktor đã phải chịu áp lực nặng nề từ nhiều phía trước hội nghị thượng đỉnh. Giới lãnh đạo các thành viên Liên Âu cho hay hội nghị sẽ kéo dài chừng nào chưa đạt được sự đồng thuận tuyệt đối, bằng không chỉ có một kẻ vui mừng, đó là tổng thống Nga Vladimir Putin. Rất nhiều nỗ lực thuyết phục và cả chỉ trích ông Orbán đã diễn ra từ ngày hôm trước, cho tới sáng 1/2, trong đó gay gắt nhất lại đến từ một cựu đồng minh của Orbán, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Thủ tướng Ba Lan cho rằng "không thể hiểu được, cũng chẳng thể chấp nhận được trò chơi tự cao tự đại của Orbán". Theo ông, việc ủng hộ Ukraine là không cần bàn cãi, nên Orbán cần quyết định là có thuộc về cộng đồng hay không, và cần bỏ phiếu theo đó, chứ Hội Đồng Châu Âu không có "kế hoạch B" trong trường hợp Hungary tiếp tục phủ quyết. Nhà lãnh đạo Ba Lan nhấn mạnh, sự chống đối của Orbán không chỉ mang lại rủi ro cho an ninh Ukraine, mà cho cả EU, và thủ tướng Hungary sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của Ukraine nếu vẫn phủ quyết.

Tuy nhiên, có vai trò quyết định là cuộc họp diễn ra tới phút cuối vào sáng 1/2, giữa các vị chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Ủy Ban Châu Âu, cùng lãnh đạo Pháp, Đức và Ý với ông Orbán Viktor, và sau đó, một số thủ tướng khác, trong đó có Ba Lan, Hà Lan và Bỉ cũng nhập cuộc. Một số nhượng bộ từ phía EU đã được đặt lên bàn, đảm bảo cho ông Orbán vẫn giữ được thể diện, vẫn có thể nói là mình đã chiến thắng, trong khi ông Orbán không thể tiếp tục cản trở nỗ lực ủng hộ Ukraine của Liên Âu, và rốt cục đôi bên đã đạt được đồng thuận.

Một số phân tích về sau cho thấy, ông Orbán Viktor ý thức rõ ràng là mình có thể đi xa đến đâu. Trước nay, chưa bao giờ ông phủ quyết tại EU trong một vấn đề mà ông hoàn toàn không được ai ủng hộ. Chiến thuật của ông luôn là khiến các đối tác không thể biết là ông thực sự nghĩ nghiêm túc về vấn đề đang bàn, hay ông chỉ muốn "vòi vĩnh" để kiếm thêm lợi. Khi đạt tối đa điều mình muốn, ông đã lập tức đồng ý. Các đối tác không cần đưa ra lời cảnh cáo về những hậu quả có thể xảy ra nếu thủ tướng Hungary tiếp tục "quậy phá".

RFI : Liên Âu đã có những nhượng bộ cụ thể nào với Hungary ?

Hoàng Nguyên : Trong thực tế, ba thỏa hiệp mà Liên Âu đề xuất để ông Orbán Viktor rút lại quyền phủ quyết đều là những điều mà EU cho là "lặt vặt", không có vai trò đáng kể gì, và điểm chính yếu là ông Orbán sẽ không còn có cơ hội can thiệp vào vấn đề này trong tương lai. Những điều gọi là thỏa hiệp là :

- Uỷ Ban Châu Âu hàng năm sẽ đưa ra báo cáo về gói hỗ trợ Ukraine và nếu cần, lãnh đạo các nước EU sẽ thảo luận về vấn đề này.

- Sau 2 năm, Ủy Ban Châu Âu sẽ tái xem xét các khoản chi cho Ukraine.

- Đảm bảo việc xem xét giải ngân các nguồn tiền EU cho Hungary sẽ diễn ra một cách khách quan và công bằng.

RFI : Thủ tướng Hungary đã buộc phải chấp nhận chủ trương viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine, điều mà ông Orbán đã tỏ ra nỗ lực chống lại đến cùng. Thủ tướng Orbán đã nói gì với người dân trong nước về điều mà một số nhà quan sát cho là "thất bại" này ?

Hoàng Nguyên : Một số đánh giá cho rằng, với những thỏa hiệp này, thực chất ông Orbán "không nhận được gì" và "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc đồng ý hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, từ Bruxelles, thủ tướng Hungary tuyên bố về trong nước rằng ông đã "chiến thắng", vì đã nhận được sự nhượng bộ thích hợp cho những gì chính phủ nước này lo ngại. Thứ nhất, nguồn tiền EU bị giữ lại sẽ không được chuyển cho Ukraine (đây là cách giải thích do chính phủ Hung thêu dệt), và các nguồn ủng hộ cho Ukraine về dài hạn sẽ được đặt dưới sự giám sát .

Như vậy, như nhiều lần đã xảy ra, với người dân trong nước, ông Orbán một lần nữa lại khiến nhiều người tin rằng ông đã bảo vệ được lợi ích của Hungary, vì ông mà Liên Âu phải tổ chức một hội nghị thượng đỉnh bất thường, vì ông mà những lãnh đạo cao cấp nhất của EU phải lao tâm khổ tứ và đến phút cuối, chính họ là những người thở phào mừng rỡ khi được ông chấp thuận. Phân tích của báo chí cho thấy, ông Orbán vẫn "thành công" trong việc khiến các đối tác hoặc là các đối thủ Châu Âu phải hoang mang, đau đầu vì không biết thực sự ông muốn gì.

Orbán Viktor chưa bao giờ ra khỏi một xung đột mà ở trong thế yếu. Con bài hay nói đúng hơn là đường lối mà ông đặt ra, đối với các nhà nghiên cứu, các nhà phân tích, là rất rõ ràng. Đó là ông ấy luôn luôn dựng ra các đối thủ, các địch thủ hoặc kẻ thù hoàn toàn không có thực, nhưng nhiều khi do bộ máy truyền thông nhắc đi nhắc lại hàng ngày mà người dân tin tưởng, và họ tỏ ra sợ hãi trước chuyện đó, và họ tin là chỉ có Orbán Viktor mới có thể đứng ra để bảo vệ được họ thôi. Toàn bộ hệ thống truyền thông bị ông ấy thao túng. Chính trường Hungary hiện tại, kể từ 15 năm nay, không có gương mặt nào sáng giá để đối đầu với Orban cả.

Quan hệ Hungary và Ukraine, cũng như các nỗ lực chung của Liên Âu hỗ trợ Ukraine dài hạn cho đến khi nào nước này chiến thắng trong cuộc chiến vệ quốc đặt ra vấn đề. Có thể thấy các định chế của Châu Âu còn nhiều điểm yếu kém, tạm gọi là sơ hở, không đáp ứng được tình hình, nếu một thành viên nào đó luôn có những hành vi gọi là ''gây rối'' như thế, liệu có biện pháp chế tài nào không, để giảm thiểu, hạn chế chuyện đó.

RFI : Gói hỗ trợ 50 tỉ euro và tương lai của quan hệ Hungary – Ukraine

Hoàng Nguyên : Chưa thể khẳng định được sau quyết định này của chính phủ Hungary, mối quan hệ giữa hai nước có được cải thiện đang kể hay không, nhưng các sự kiện vừa diễn ra cho thấy có thể có những hòa dịu nhất định. Cuối tháng 1/2024, ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter lần đầu tiên gặp mặt người đồng nhiệm Ukraine kể từ khi cuộc chiến xâm lược do Liên bang Nga tiến hành xảy ra vào cuối tháng 2/2022. Tâm điểm của cuộc gặp mặt là những quyền lợi mà Hungary muốn đòi hỏi cho cộng đồng Hung kiều ở vùng biên giới hai nước.

Chính phủ Hungary từ nhiều năm nay vẫn coi việc cộng đồng này bị "bạc đãi" - theo cái nhìn của Budapest - là lý do để Hungary ngăn cản mọi bước tiến của Ukraine hướng tới Châu Âu : trong chuyến công du lần này của ngoại trưởng Hungary, phía Hung đưa ra 11 yêu cầu nhằm mục đích phục hồi những quyền lợi của cộng đồng Hung kiều, mà theo Budapest thì họ từng có cho đến năm 2015, nhưng sau đó đã bị tước đoạt. Trong cuộc họp và họp báo về sau đó, quan điểm của Hungary về cuộc chiến xâm lược của Nga cũng được đề cập.

Trái với ông Orbán Viktor, người đã từng nói rằng "Ukraine đã không tồn tại về mặt lãnh thổ", "đã đánh mất nền độc lập", v.v..., ngoại trưởng Szijjártó Péter tỏ ra mềm dẻo hơn khi tuyên bố Hungary trước sau như một ủng hộ nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và liệt kê những hỗ trợ nhân đạo mà Hungary đã và đang thực hiện. Chuyến công du cũng nhằm bàn bạc chuẩn bị cho một cuộc gặp mặt trong tương lai giữa thủ tướng Orbán và tổng thống Zelensky, mà phía Ukraine đánh giá là "một trang mới trong lịch sử hai nước".

Quan điểm của hai nước về việc chấm dứt cuộc chiến còn cách nhau xa, khi Hungary muốn lập tức có một thỏa thuận ngừng bắn, còn Ukraine muốn chấm dứt chiến tranh theo công thức của tổng thống Zelensky (tức là cần quản lý và giải quyết các khủng hoảng nảy sinh do hậu quả của chiến tranh). Tuy nhiên, lá phiếu thuận của ông Orbán, có thể là ánh sáng đầu tiên cuối đường hầm trong quan hệ giữa hai nước, vào lúc Liên Âu khẳng định quyết tâm hỗ trợ Ukraine một cách dài hạn, tới khi nào nước này chiến thắng trong cuộc chiến vệ quốc.

Trọng Thành, Hoàng Nguyên

Nguồn : RFI, 03/02/2024

**************************

Liên Âu không thể giao đạn pháo cho Ukraine đúng tiến độ

Anh Vũ, RFI, 03/02/2024

Quân đội Ukraine đang cần đạn dược mà nhất là đạn pháo và trông chờ chủ yếu vào những hứa hẹn của Liên Hiệp Châu Âu. Dù khoản viện trợ tài chính 50 tỷ euro cho Kiev đã được thông qua, nhưng Liên Âu xác nhận không thể giao đủ số lượng đạn dược cho Kiev theo đúng hẹn đã hứa.

ukraine2

Binh lính Ukraine sử dụng pháo tự hành Caesar do Pháp chế tạo tại chiến tuyến ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 26/12/2022. AP - Libkos

Từ hôm 31/01, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, ông Josep Borrell đã thừa nhận là từ giờ đến tháng Ba, Liên Âu sẽ không thể giao một triệu đạn pháo như đã hứa với Kiev mà chỉ giao thêm được 200 nghìn đầu đạn, tức là khoảng 52% so với kế hoạch. Cho đến hiện tại mới chỉ có 330 nghìn đầu đạn pháo đã được giao. 

Liên Âu không giữ được tiến độ như vậy là bởi trong các kho không còn đủ và các ngành công nghiệp liên quan không hẳn đã mặn mà tham gia. Một loạt lãnh đạo các nước như Đức, Hà Lan, Estonia, Cộng hòa Czech và Đan Mạch đã kêu gọi các nước trong Liên Hiệp Châu Âu "nỗ lực gấp bội" để bảo đảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể kéo dài cho đến hết mức cần thiết. Các lãnh đạo trên đã viết trong một bức thư chung đăng trên nhật báo Financial Times : "Chúng ta cần phải tìm các cách thức tăng tốc cung cấp đạn pháo như đã hứa cho Ukraine".

Nhiều nước như Pháp, Ý, hay Tây Ban Nha bị chỉ trích vì đã không hành động đủ để hỗ trợ quân đội Ukraine. Paris, hồi tháng 01/2024, đã ra thông báo thành lập một liên minh pháo binh để hỗ trợ hiệu quả hơn cho quân đội Ukraine.

Liên Âu đặt mục tiêu trong năm nay sản xuất 1,4 triệu quả đạn pháo. Sang năm 2025 sẽ tăng lên 2 triệu, theo khẳng định của ủy viên Châu Âu Thierry Breton. So với số lượng 7 đến 8 triệu quả đạn pháo Nga bắn xuống Ukraine trong năm qua thì năng lực sản xuất của Châu Âu sẽ còn phải mất nhiều thời gian để bắt kịp.

Liên Hiệp Châu Âu đang rơi vào tình thế buộc phải tăng tốc nhịp độ sản xuất đạn trong khi mà toàn bộ viện trợ của Washington cho Ukraine vẫn bị chặn ở Quốc Hội Mỹ.

Anh Vũ

**************************

Tổng tham mưu trưởng : "Ukraine phải chuẩn bị cho khả năng viện trợ bị cắt giảm"

Minh Anh, RFI, 02/02/2024

Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, Valery Zaluzhny, ngày 01/02/2024, kêu gọi Ukraine nên chuẩn bị cho khả năng "viện trợ từ các đồng minh bị cắt giảm" và điều này buộc ông sẽ phải điều chỉnh chiến lược quân sự.

ukraine3

Một tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn sau một cuộc oanh kích bằng tên lửa Nga vào Sloviansk, Ukraine, ngày 27/01/2024. AP - Efrem Lukatsky

Tuyên bố này được vị chỉ huy quân đội Ukraine rất được lòng dân đưa ra trong một bài viết cho đài CNN của Mỹ. Ông Zaluzhny cảnh báo Ukraine "sẽ phải đối phó với nguy cơ suy giảm nguồn viện trợ quân sự từ các đồng minh chính, hiện đang gặp những căng thẳng chính trị trong nước".

Ông Zaluzhny khẳng định Ukraine cũng chưa thể tăng quân số trừ phi Quốc Hội ra quyết định "mất lòng dân" huy động thêm nhiều người, một vấn đề đang gây tranh cãi trong nước.

Quân đội Ukraine đã đề nghị tổng thống Ukraine tuyển mộ thêm nửa triệu binh sĩ để thay thế số quân nhân đã bị kiệt sức, đối đầu với khoảng 600 ngàn quân Nga được triển khai ở Ukraine. Tuy nhiên, vào tháng 1/2024, Nghị Viện Ukraine đã từ chối thảo luận về một dự luật gây tranh cãi huy động thêm binh lính.

Cảnh báo của tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine được đưa ra vào lúc các lãnh đạo Châu Âu hôm qua vừa đạt được thỏa thuận về khoản viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine, cho đến nay vẫn bị Hungary ngăn chặn.

AFP cho biết, vài giờ sau khi Liên Hiệp Châu Âu thông qua gói viện trợ bổ sung cho Kiev, lãnh đạo khối nghị sĩ Dân Chủ ở Hạ Viện Mỹ, ông Chuck Schumer, thông báo Hạ Viện vào cuối tuần này sẽ công bố một dự án viện trợ mới cho Ukraine.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Ngày 16/01/2024, tổng thống Pháp Emmanuel thông báo giao thêm 40 tên lửa hành trình địa đối không Scalp và 500 quả bom dẫn đường AASM cho Ukraine. Hai ngày sau, ngày 18/01, bộ trưởng Quân Lực Pháp Sebastien Lecornu chính thức ra mắt "liên minh pháo binh", nhằm tài trợ và cung cấp 78 khẩu đại bác Caesar cho Ukraine trong năm 2024. Liệu Paris có đủ phương tiện để thực hiện các cam kết vào lúc khả năng sản xuất vũ khí của Pháp thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của Ukraine ?

vientro1

Đại bác Caesar của Pháp được binh sĩ Ukraine sử dụng tại mặt trận miền đông Ukraine, ngày 15/06/2022. © ARIS MESSINIS/AFP

Những thông báo này được đưa ra vào lúc một báo cáo của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Thượng Viện Pháp, được công bố ngày 17/01, kêu gọi nước Pháp tăng tốc càng nhanh càng tốt hậu thuẫn quân sự cho Ukraine. Chủ tịch ủy ban Cedric Perrin cùng với ba thượng nghị sĩ khác, sau chuyến thăm Kiev hồi cuối tháng 12/2023, đã lấy làm tiếc là hậu thuẫn của phương Tây dành cho Ukraine đã suy giảm mạnh.

Báo cáo của Thượng Viện Pháp nêu rõ : "Trợ giúp của phương Tây đang hụt hơi và tình hình ở Ukraine ngày càng trở nên phức tạp. Trong giai đoạn tháng 5 đến 12/2023, Nga vẫn chiếm ưu thế. Quân số Nga trên mặt trận dường như đã được tăng thêm 20% và số lượng xe tăng, khẩu đại pháo tăng 60%".

Bốn thượng nghị sĩ Pháp cảnh báo : "Nga rất có thể mở lại chiến dịch trên bộ quy mô lớn trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ. Một cuộc tấn công mới của Nga nhắm vào Kiev là không thể loại trừ trong trung hạn nếu nguồn hậu thuẫn của phương Tây bị thất bại".

Pháp : Nhà hảo tâm xếp thứ 15 ?

Theo số liệu chính thức, tính từ đầu cuộc xung đột, Paris đã giao cho Kiev nhiều trăm đơn vị, đủ loại vũ khí, từ đại bác Caesar, pháo kéo TRF1, hệ thống pháo phản lực đơn nòng (LRU), nhiều loại xe bọc thép, rồi còn có tên lửa hành trình không đối địa Scalp, các loại hệ thống phòng không SAMP/T và Crotal NG, hệ thống radar Ground Master 200, tên lửa Mistral, Milan và Akeron MP, cũng như drone trinh sát, nhiều thiết bị thăm dò phát hiện tấn công mạng hiệu quả…

Dù vậy, Pháp chỉ là nhà hảo tâm xếp thứ 15 về trợ giúp quân sự cho Kiev. Báo cáo mang tên Ukraine Support Tracker do Viện Kiel, một trung tâm nghiên cứu của Đức, công bố gần đây, cho thấy đến cuối tháng 10/2023, nguồn hậu thuẫn của Paris được ước tính ở mức 500 triệu euro, thua xa Mỹ (43, 9 tỷ), Đức (17,1 tỷ), Vương Quốc Anh (6,6 tỷ), Na Uy (3,6 tỷ) và Đan Mạch (3,5 tỷ). Pháp thậm chí còn bị Slovakia, Cộng hòa Séc và Litva qua mặt trong bảng tổng sắp.

Phương pháp thống kê này của Viện Kiel đã bị Pháp phản đối, cho là chỉ tính đến những cam kết đóng góp mà không xét đến thực tế đã giao. Bộ trưởng Quân Lực Pháp, khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Inter ngày 18/01, chỉ trích bảng xếp hạng này là không đáng tin cậy, khi "trộn lẫn bắp cải và cà rốt", và "chỉ dựa trên các tuyên bố".

Nhưng Paris cũng chưa bao giờ đưa ra được những con số thay thế khả tín, trang mạng Challenges lưu ý. Một báo cáo do Quốc Hội Pháp công bố hồi tháng 11/2023 đưa ra con số 3,2 tỷ euro viện trợ quân sự dành cho Ukraine, nhưng phương pháp thống kê này cũng có thể gây tranh cãi, nếu không muốn nói là mù mờ.

Bất kể ra sao, nguồn hậu thuẫn này của Pháp rõ ràng là chưa đủ. Báo cáo của các nghị sĩ đánh giá, "việc chuyển qua nền kinh tế chiến tranh, như yêu cầu, đã không diễn ra". Thượng nghị sĩ Cedric Perrin còn cho rằng cụm từ "kinh tế chiến tranh" mà tổng thống Macron sử dụng là không phù hợp. Trên kênh truyền hình Public Senat, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Thượng Viện Pháp giải thích :

"Trong một nền kinh tế chiến tranh giống như trong nền kinh tế mà chúng ta không may đã trải qua sau Đệ Nhị Thế Chiến, ngân sách dành cho quốc phòng chiếm đến 28% của GDP. Tỷ lệ này là 5% trong những năm 1960 và hiện nay gần như chưa tới 2%. Đó là thời kỳ mà người ta trưng dụng vật tư, trưng dụng nhân lực và trưng dụng nhà xưởng.

Hiện chúng ta chưa rơi vào trong tình trạng đó. Một nền kinh tế chiến tranh nghĩa là phải có phương tiện để sản xuất nhanh hơn, sản xuất nhiều hơn. Nước Pháp hiện không trong tình trạng chiến tranh. Do vậy, theo tôi, khi nói chúng ta đang trong nền kinh tế chiến tranh, thì tuyên bố này chỉ mang tính chất truyền thông !"

Nòng pháo Caesar : Điểm hạn chế của Pháp ?

Liệu Pháp có khả năng tăng thêm mức viện trợ quân sự cho Kiev như thông báo ? Cũng trên đài France Inter, bộ trưởng Quân Lực Sebastien Lecornu nêu rõ chi tiết cách thức chi viện 78 khẩu đại bác Caesar cho Ukraine trong khuôn khổ "liên minh pháo binh" : Sáu khẩu đầu tiên do Ukraine chi trả sẽ được giao trong những tuần sắp tới, 12 khẩu tiếp theo là do Pháp tài trợ với tổng trị giá là 50 triệu euro và 60 chiếc còn lại sẽ do các nước khác đóng góp. Vậy những nước nào sẽ gánh vác phần còn lại đó ? Đây vẫn là một câu hỏi lớn.

Giới quan sát cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng thực hiện cam kết của Paris. Lãnh đạo bộ quốc phòng Pháp khẳng định, hãng Nexter có thể sản xuất 72 khẩu đại bác đó trong năm nay cho Ukraine. Theo phóng sự của kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, lãnh đạo Nexter cho biết hiện tại hãng này có thể cung cấp 6 khẩu đại bác mỗi tháng. Con số này sẽ tăng lên thành 8 trong năm 2024.

Mức tăng đó có được là nhờ vào những khoản đầu tư được dự trù trước khi có xung đột. Ông Stephane Ferandon, phụ trách bộ phận sản xuất nòng pháo của hãng ở vùng Bourges, cho biết, trong tương lai, những cỗ máy mới của Nexter còn có thể sản xuất các loại nòng đại bác dài 12 mét, calip 62 thay vì nòng 155 ly, dài 9 mét, calip 52 như hiện nay.

Tuy nhiên, trên làn sóng Sud Radio, Jean-Baptiste Noé tổng biên tập trang mạng Conflit, chuyên về địa chính trị, lưu ý thêm một chi tiết :

"Rắc rối của đại bác Caesar là ở nòng pháo. Loại đại bác này phải được sử dụng tương đối ít, nhưng trong cuộc chiến tranh này, chúng được sử dụng quá mức, điều đó có nghĩa là nòng pháo bị hao mòn rất nhanh. Vì vậy, chúng phải được thay thường xuyên, tốn nhiều tiền hơn, kim loại sử dụng để sản xuất cũng hiếm. Thế nên, rủi ro ở đây là dù có đại bác Caesar, nhưng nếu bị sử dụng quá nhiều, chúng sẽ trở nên không sử dụng được."

Pháo 155 ly : Cung không đáp ứng đủ cầu

Bên cạnh việc cung cấp đại bác, Pháp cũng thông báo chi viện đạn 155 ly cho Ukraine. Trang mạng Challenges ngày 18/01/2024 nhắc lại một báo cáo khác của Thượng Viện công bố hồi tháng 11/2023 do hai thượng nghị sĩ Hugues Saury và Hélène Conway-Mouret đồng ký tên, từng nhận định trong năm 2024, việc cung cấp đạn pháo 155 ly do Pháp sản xuất phải đạt mức 20 ngàn quả.

Nhưng sản lượng này chỉ đủ để Ukraine tiêu thụ trong vòng từ 3-4 ngày chiến sự. Trong báo cáo mới nhất của bốn thượng nghị sĩ Pháp, mỗi ngày Ukraine sử dụng từ 5-8 ngàn quả đạn pháo, phía Nga là từ 10-15 ngàn. Ngay cả khi Pháp có tăng sản lượng từ 2.000 quả đạn pháo lên thành 3.000 mỗi ngày như thông báo của bộ trưởng Quân Lực Pháp, thì con số này chỉ tương ứng với hai ngày chiến sự bên phía Nga.

Giải thích với kênh truyền hình France 24, Anthony Cesbron, phó giám đốc nhà máy Forges de Tarbes, xưởng vũ khí duy nhất nằm ở tây nam nước Pháp có thể sản xuất loại pháo đại bác 155 ly, cho biết hãng có kế hoạch tăng gấp ba sản lượng, đi từ 55 ngàn quả pháo trong năm 2024 lên thành 160 ngàn từ đây đến năm 2026. Nhưng điều này đòi hỏi phải gia tăng nhân sự.

"Một trong những khó khăn của chúng tôi là tuyển dụng được những người có trình độ. Chúng tôi không tìm được người và hầu hết các vị trí ở hãng chúng tôi, quá trình đào tạo kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Điều này có nghĩa là chúng tôi buộc phải có kế hoạch trước."

Xung đột ở Ukraine đã làm lộ rõ những điểm yếu của phương Tây về sản xuất vũ khí đạn dược. Chiến tranh lạnh kết thúc, bức tường Berlin sụp đổ, cỗ máy công nghiệp quốc phòng của Pháp giảm mạnh nhịp độ hoạt động. Giờ mục tiêu đặt ra là nâng cao trở lại nguồn dự trữ và khuyến khích các ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn.

Nhưng mong mỏi này không thể thực hiện trong một sớm một chiều, theo như giải thích của Renaud Bellais, đồng giám đốc Đài Quan sát Quốc phòng ORION với kênh truyền hình France 24 :

"Chúng ta gần với sản xuất thủ công hơn là đại trà. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà ở họ có cảm giác rằng tất cả mọi thứ đều có thể là tức thì. Người ta có thể được cung cấp hàng hóa một cách cực kỳ nhanh chóng. Thế giới kỹ thuật số là một thế giới của tốc độ, nhưng họ cũng chợt nhận ra rằng trong thế giới cụ thể, việc chế tạo một cỗ máy đòi hỏi nhiều thời gian. Bất kỳ hoạt động công nghiệp nào đều phải được chuẩn bị, ngay cả khi chúng ta tăng mức sản xuất xe ô tô trong lĩnh vực dân dụng hay nơi khác thì cũng phải lên kế hoạch cho nhiều năm."

Điểm yếu nhưng cũng là thế mạnh của Pháp

Trước nhu cầu lớn từ phía Ukraine, trước sự cấp thiết tái lập lại kho dự trữ của quân đội Pháp và trước những hạn chế của ngành công nghiệp quốc phòng hiện nay, báo cáo của các thượng nghị sĩ đề nghị Pháp "tăng tốc sản xuất vũ khí tại Ukraine cùng với doanh nghiệp Pháp", như trường hợp nòng đại bác Caesar chẳng hạn.

Nhu cầu của Ukraine là rất rõ ràng : Từ đại bác Caesar, cùng với đạn pháo và các loại nòng pháo thay thế, pháo 155 ly, tên lửa hành trình Scalp, vốn đã chứng tỏ tính hiệu quả khi phá hủy tầu ngầm, tầu chiến và tầu đổ bộ của Nga tại bán đảo Crimée, cho đến các loại bom dẫn đường AASM Hammer, hệ thống phòng không SAMP/T và Crotale và tên lửa tầm ngắn Mistral…

Tuy nhiên, các báo cáo viên lại không đề cập đến tiêm kích Mirage 2000 của Pháp. Loại chiến đấu cơ, phiên bản Mirage 2000D (dành để yểm trợ tấn công trên bộ), do hãng Dassault sản xuất, đã được lãnh đạo không quân Ukraine Mykola Oleshchuk ngày 14/01 nhắc đến trên mạng Telegram. "Nếu có thể, năng lực oanh tạc cơ Su-24M cũng nên được tăng cường bằng Mirage 2000D và máy bay tấn công Su-25 bằng chiếc A-10 Thunderbolt II (Thần sấm II của Mỹ)."

Cuộc đua sản xuất vũ khí đã được khởi động. Mục tiêu là làm sao đáp ứng cùng lúc nhu cầu to lớn của Ukraine và nhu cầu thiết yếu cho quân đội Pháp. Nếu chiến tranh Ukraine đã phơi bày những hạn chế công nghiệp quốc phòng phương Tây nói chung và Pháp nói riêng, thì điều an ủi là, cuộc xung đột này khẳng định rõ tầm nhìn đúng đắn của Pháp từ nhiều thập niên qua : Quyết tâm duy trì thế mạnh công nghiệp bất chấp chiến tranh lạnh kết thúc.

Điều này giải thích vì sao Pháp vẫn có thể đáp ứng mức cầu tăng, dù là hạn chế, theo như nhận xét của Renaud Bellais với France 24 : "Tại Pháp, chúng ta vẫn có khái niệm về tự chủ chiến lược. Quả thật, chúng ta cố gắng có toàn bộ mọi lĩnh vực. Vì vậy, chúng ta đã chọn giữ lại hầu hết các năng lực bởi vì chúng ta muốn có thể tự mình phát triển chúng, sản xuất chúng tại Pháp và đôi khi với các đối tác. Và vì vậy, chúng ta đã chọn giảm toàn bộ các hoạt động sản xuất xuống mức tối thiểu thay vì hy sinh các ngành sản xuất này."

(Theo Challenges, France 24, Sud Radio, France Inter)

Minh Anh tóm lược

Nguồn : RFI, 25/01/2024

Published in Quốc tế

Ukraine bắt đầu xây dựng phòng tuyến trong "cuộc chiến đạn pháo"

Le Figaro ngày 24/01/2024 cho biết giờ đây đến phiên Ukraine lập ra một số công sự kiên cố như kiểu "Surovikin". Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Thierry Burkhard băn khoăn, Châu Âu đã sực tỉnh, lo sản xuất thêm đạn cho Kiev, nhưng đến cuối 2025 mới giao được. Liệu Ukraine có chịu đựng nổi đến lúc đó, trong khi Nga đã khởi động nền kinh tế chiến tranh ? Chỉ trong năm 2023, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Putin 1 triệu quả đạn.

tranchée1

Một kỹ sư công binh Ukraine bên cạnh khu vực công sự gồm cả những dãy "răng rồng" và hàng rào kẽm gai ở tiền tuyến gần ngoại ô Kupiansk, Ukraine, ngày 28/12/2023. Reuters – Thomas Peter

Đến lượt Ukraine xây dựng công sự với "răng rồng"

Đặc phái viên Le Figaro nhận thấy "Đến lượt Ukraine củng cố phòng tuyến ở Zaporijia". Những chiếc máy xúc làm việc không ngơi nghỉ từ ba tuần qua, một pháo đài bê-tông cao 16 mét đã hình thành với lưới chống đạn bao quanh. Phía trước là những dãy "răng rồng" và bãi mìn để chận xe tăng và bộ binh địch. Hai phòng tuyến khác cũng được xây dựng ở Orikhiv, cách quân Nga từ 1 đến 6 kilomet.

Những công trình này giống như "phòng tuyến Surovikin" gồm ba lớp chiến hào, mìn, bẫy xe tăng mà quân Nga đã ra công dựng lên để chặn lại cuộc phản công của Ukraine. Nhưng theo trung tá Vitali, các công trình này không chạy theo suốt giới tuyến 1.000 kilomet như Nga, mà chỉ tập trung vào các điểm chiến lược, với chủ trương "phòng thủ tích cực".

Trung sĩ Ivan Rebiye cho biết mìn của Nga thực sự là vấn đề lớn cho chiến dịch phản công. "Họ gài mìn với số lượng khủng khiếp, lên đến 10 quả một mét vuông. Chúng tôi thu lượm để gài lại trên tuyến số 0, đó là ưu tiên. Phải đi vào ban đêm cho đến 3 giờ sáng để tránh drone Nga". Anh là người duy nhất trong đơn vị không bị thương. Họ vừa nhận được một xe chở hàng điều khiển từ xa nhờ người dân quyên góp, nhờ đó có thể đặt mìn chống tăng ở cách 3 kilomet trên tuyết và bùn lầy, tiết kiệm được sinh mạng. Bên phía Nga dường như có nguồn nhân lực vô tận, hết đợt tấn công này tới đợt khác không ngưng nghỉ. Những đợt xung phong này giúp nhận ra được các vị trí của Ukraine rồi sau đó pháo kích hoặc cho drone đánh vào.

Ngoài Zaporijia, các tuyến phòng thủ của Ukraine cũng được củng cố xung quanh các thành phố Donetsk, Lyman, Avdiivka, Kupiansk ; nhằm làm chậm lại quân địch nếu họ vượt qua được giới tuyến số 0. Người chỉ huy lữ đoàn 41 giải thích, phòng thủ tích cực nhằm tăng cường các vị trí phía sau vững chắc hơn trước khi tấn công. Trên mặt trận Kupiansk, cách Kharkiv khoảng 100 kilomet, những người lính từ ba tuần qua phải chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công lớn của Nga. Họ chỉ được phép bắn ba quả đạn một ngày để tiết kiệm số đạn dược ít ỏi.

Mùa đông không yên tĩnh cho thường dân

La Croix quan tâm đến thiệt hại của thường dân khi từ nhiều tuần qua Nga và Ukraine gia tăng oanh kích lẫn nhau. Hôm qua hỏa tiễn Nga đã tấn công vào thủ đô Kiev và thành phố Kharkiv làm mấy chục người dân thương vong. Moskva dùng đến các hỏa tiễn chống hạm X-22 và tên lửa từ hệ thống phòng không S300, những vũ khí có sức công phá khủng khiếp để tiêu diệt các mục tiêu trên không và trên biển, nhưng lại kém chính xác trên đất liền. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, trong đêm, Nga bắn đến 41 hỏa tiễn vào hai thành phố trên, trong đó có 21 bị bắn hạ.

Vụ oanh kích đẫm máu này nhằm trả đũa việc Ukraine gây thiệt hại cho một kho khí đốt quan trọng ở cảng Ust-Luga gần Saint-Petersburg một ngày trước đó. Tuần rồi lực lượng Kiev cho biết đã tiến hành hai vụ tấn công vào các kho dầu trên đất Nga, một cách để buộc Moskva phải trả giá cho các vụ oanh kích hàng ngày vào các thành phố Ukraine, hủy hoại cơ sở hạ tầng dân sự và nhà ở, làm mấy chục thường dân thiệt mạng trong vài tuần qua. Đồng thời khiến cho dân Nga cảm nhận được hậu quả từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Vladimir Putin.

Trong khi mùa hè và mùa thu khá yên tĩnh, đến mùa đông hầu như không có đêm nào Nga không oanh kích thủ đô Ukraine. Một chiến dịch oanh tạc được các nhà phân tích coi là nhằm đánh gục tinh thần của người dân, đồng thời làm cạn nguồn đạn phòng không dự trữ, vốn hoàn toàn dựa vào viện trợ của phương Tây. Mối đe dọa này khiến Kiev phải khẩn cấp kêu gọi các đồng minh Châu Âu và Mỹ chi viện những hệ thống phòng không mới và đạn dược kèm theo.

Nhưng Ukraine cũng bị chỉ trích về những vụ oanh kích mới đây làm chết vài chục thường dân ở Nga và vùng tạm chiếm. Chẳng hạn ở một ngôi chợ tại Donetsk cách tiền tuyến 20 kilomet, hay ở thành phố biên giới Belgorod. Vụ Belgorod được cho là nhằm trả đũa đợt tấn công quy mô của Nga trước đó một hôm làm 58 người dân Ukraine thiệt mạng chỉ trong một đêm.

Châu Âu đã thức tỉnh, nhưng còn kịp cứu Ukraine ?

Cũng liên quan đến Ukraine, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Thierry Burkhard đề cập đến những khó khăn của Châu Âu để thích ứng với môi trường chiến lược mới. Một sự thức tỉnh liệu có đủ để cứu vãn Ukraine khỏi tay đế quốc Nga, và duy trì mô hình dân chủ của phương Bắc ? Le Figaro ghi lại bài nói chuyện của vị tướng trong một cuộc hội thảo ở đại học Sorbonne. Ông cho rằng "Pháp phải có năng lực tiến hành một cuộc chiến tranh cường độ cao, nhưng mục tiêu là chiến thắng trước khi tham chiến".

Tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh "Ukraine không thể thất bại" và hứa sẽ chi viện khoảng 40 hỏa tiễn Scalp và hàng trăm quả bom. Theo tướng Burkhard, cho dù lực lượng Nga có mạnh hơn trên chiến trường, nhưng "Moskva đã thất bại trong cuộc chiến tranh này". "Nếu cuộc chiến dừng lại lúc này, thì kết quả ra sao ? Ngược với mọi dự đoán, Ukraine đã kháng cự được. Thụy Điển và Phần Lan đứng về phía phương Tây và tham gia NATO. Lục quân Nga đang trong tình trạng vô cùng thảm hại, không còn là mối đe dọa trước mắt cho NATO. Nga bây giờ thành chư hầu của Trung Quốc, một sự thất bại chiến lược".

Pháp và Châu Âu dần ra khỏi tình trạng mê ngủ trong hòa bình, nhưng liệu có đủ nhanh để giúp Ukraine giành chiến thắng ? Viện trợ phương Tây giúp Kiev kháng chiến, nhưng không đủ để chiến dịch phản công thắng lợi. Elie Tenenbaum, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh của IFRI nhận xét, năm 2025 sẽ là năm quyết định. Nga đã bước vào nền kinh tế chiến tranh, đầu tư 5,6% GDP cho quân sự và đang chiếm ưu thế trên chiến trường. Ukraine hiện chỉ bắn được 2.000 phát đạn một ngày, còn Nga đến 10.000.

Cuộc chiến đạn pháo quá chênh lệch

Trong khi đó viện trợ Mỹ bị Quốc hội chận lại, Châu Âu chỉ chuyển giao được 1/3 trong số 1 triệu đạn pháo và hỏa tiễn hứa hẹn. Một triệu quả đạn : đó là số lượng đạn được Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga trong năm 2023. Khoảng cách cũng rất xa về nhân lực, tổng thống Volodymyr Zelensky khó thể huy động thêm 400.000 quân, còn Nga có lượng dự trữ lớn.

Ý thức được chiến tranh Ukraine là "cuộc chiến đạn pháo", tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg loan báo đã đặt hàng 1,1 tỉ euro đạn dược cho Kiev để giúp các nước như Pháp, Đức tăng sản lượng. Nhưng số đạn này không thể được giao trước cuối năm 2025. Câu hỏi mà tất cả mọi người đều đặt ra : Liệu Ukraine có chống chọi được lâu như vậy hay không ?

Chiến trường Ukraine và Cận Đông còn có tác động chiến lược đến các khu vực khác, khi những tác nhân nhận thấy khả năng phản ứng của phương Tây giảm sút bèn tỏ ra hung hăng hơn. Đó là trường hợp ở Sahel và Châu Phi, khi Pháp phải rút đi và được Nga nhảy vào thay thế. Các tập đoàn quân sự hài lòng khi không còn bị đặt điều kiện về nhân quyền hay chính sách đối nội.

Pháp cũng như các đồng minh Châu Âu đứng trước những thách thức mới. Các cường quốc tái vũ trang với những vũ khí ngày càng tân tiến, cùng với mối đe dọa nguyên tử. Bạo lực quay lại, cả trên mạng và trên không gian. Trật tự thế giới sụp đổ, "các nước phương Nam" muốn làm đối trọng với phương Tây, chiến tranh lại trở thành một giải pháp.

Vẫn bế tắc về Gaza hậu chiến, Israel chịu một ngày tang tóc

Về Trung Đông, La Croix chạy tựa trang nhất "Gaza, một thời hậu chiến mơ hồ". Quốc tế không ngừng tranh luận về tương lai của dải đất này, trong khi các trận đánh ác liệt tiếp diễn. Laure Foucher của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận thấy nội bộ Israel bất đồng nhưng đều không muốn cơ quan quyền lực Palestine (PLO) quay lại Gaza. Washington thì đòi "tiếp thêm sinh lực" cho PLO để lãnh đạo Gaza và Cisjordanie. Nhà nghiên cứu Hugh Lovatt cho rằng ý định này không thực tế, vì chính quyền của ông Mahmoud Abbas đã đạt kỷ lục mất lòng dân do tham nhũng, độc tài.

Libération nhận xét "Israel tang tóc, Netanyahou sa lầy" : Israel vừa mất 24 người lính, trong đó có 21 quân nhân dự bị, chỉ trong một vụ tấn công. Một người lính bộ binh dự bị từng phục vụ ba tháng ở Gaza nay đã trở về với đời sống dân sự cho biết, vẫn giữ thói quen thức giấc vào năm giờ rưỡi sáng, khi quân đội chính thức thông báo số quân nhân tử trận. Đôi khi chẳng có ai, có ngày hai, ba người. Nhưng hôm qua, đến 24 cái tên được phát ngôn viên đọc lên, mất mát lớn nhất kể từ ngày 27/10. Nhóm quân dự bị này không tham gia chiến đấu mà chỉ làm công việc phá hủy những tòa nhà ở nam Gaza và bị tấn công bất ngờ - những chi tiết hiện đang được làm rõ. Thiệt hại lớn lao này đã tác động nặng nề lên chính phủ, trong lúc các gia đình con tin không ngừng gây sức ép.

Pháp : Lạm phát quy định

Nông dân Pháp gia tăng áp lực, nhiều xa lộ bị phong tỏa, chính phủ Gabriel Attal cố gắng tìm giải pháp, đó là vấn đề được chú ý nhiều hôm nay. Les Echos lý luận, không phải với những lý do chính đáng mà người ta có được những quyết định đúng đắn. Để cứu vãn hành tinh, giảm ô nhiễm, chống bất bình đẳng, tránh gian lận, bảo vệ người tiêu thụ, người lao động, người thuê nhà, người khuyết tật… nước Pháp đã trở thành vô địch về đủ loại tiêu chí, quy định và luật lệ.

Một sự lạm phát quy định làm phức tạp mọi vấn đề, đè nặng lên hoạt động kinh tế và tâm lý doanh nghiệp cũng như các gia đình. Mỗi tân bộ trưởng đều ra luật mới. Trong vòng 20 năm, Luật môi trường đã dày thêm 653%, Luật Thương mại 364%, Luật thông tin 311%...

Nông dân biểu tình là do vô số nguyên nhân, nhưng điều làm cho họ tức giận nhất là thói quan liêu hành chánh của Pháp và Châu Âu. Và phía sau cơn giận này, một nước Pháp trầm lặng đến lúc nào đó có thể nói không với việc chuyển sang dùng xe điện, tiết kiệm nước… từ chối điền vào những tờ khai quá dài và quá rắc rối. Tại sao lại làm phức tạp thêm cho cuộc sống ?

Thụy My

Published in Quốc tế

Bất chấp luật quốc tế, Nga dùng khí độc trên chiến trường Ukraine

Thụy My, RFI, 24/01/2024

Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, các đặc phái viên của Le Monde tại nhiều điểm ngoài mặt trận trong bài phóng sự ngày 23/01/2024 báo động tình trạng Nga sử dụng khí độc vốn bị công ước quốc tế cấm đoán. Viện Kiểm sát Ukraine khẳng định trong 626 ca ghi nhận được, có 64 ca quân Nga dùng khí CS. Tuy vậy chính quyền Kiev lại ít đề cập đến.

gaz1

Một quân nhân Ukraine trong chiến hào trên tiền tuyến ở vùng Sumy, Ukraine, ngày 20/01/2024. Reuters – Gleb Garanich

Moskva muốn gieo rắc kinh hoàng

Trung tá Dmytro Klymenko, chỉ huy lữ đoàn đặc biệt số 1 Ivan Bohun, cho biết từ nhiều tháng qua tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Bắt đầu là lựu đạn hơi cay do drone ném xuống và nay là bằng đại bác, trước kia chỉ thả vào những địa điểm khép kín như chiến hào hay xe bọc thép, nay thì khắp nơi. Vị sĩ quan này khẳng định đã phải cấp cứu nhiều chiến sĩ bị thương, và một quân nhân do không đưa ra kịp đã tử vong vì khí độc trong chiến hào. Việc dùng khí độc có hai mục đích : buộc các chiến binh ra khỏi hầm trú ẩn để giết chết họ bằng drone tự sát, và loại ra khỏi vòng chiến càng nhiều người càng tốt. Bởi vì một người lính bị thương không đi nổi cần được bốn đồng đội dìu, như vậy dễ chiếm được một vị trí hơn.

Trung tâm phân tích NRBC chấp nhận tiết lộ thêm một số thông tin. Ngoài hơi cay CS, những vụ tấn công hóa học khác đang được điều tra. Đó là những loại khí gây nghẹt thở, nôn mửa, ngứa ngáy trên da và mắt và nếu đậm đặc sẽ gây phỏng. Một người lính Ukraine đã bị mù sau khi phỏng mắt vì khí. Đại úy Dmytro Serhiyenko khẳng định việc dùng khí độc gần đây đã trở thành "chiến thuật chung" của quân Nga, thậm chí cẩm nang sử dụng còn được phổ biến trên các mạng xã hội. Trưởng bộ phận điều tra của Viện Kiểm sát ở Kiev, Yuriy Belusov, cho biết hầu như tất cả khí CS đều từ lựu đạn K-51.

Nhiều chiến binh bực tức vì chính phủ không thẳng thừng tố cáo tội ác này của quân Nga. "Họ luôn nói về những tin tốt lành, còn chúng tôi hàng ngày sống trong địa ngục". Một sĩ quan cho rằng chính quyền muốn binh lính giữ vững tinh thần, nhất là sau một năm đầy khó khăn và chuẩn bị động viên. Bởi vì, như đại úy Dmytro Serhiyenko nhận xét, "mục tiêu của việc dùng khí độc là gieo rắc kinh hoàng".

Kim Jong-un quyết định gây xung đột…

Tại Châu Á, Le Figaro nói về "Mối đe dọa chiến tranh từ Kim Jong-un khiến phương Tây lo ngại". Nhà độc tài Bắc Triều Tiên liên tục có những hành động khiêu khích như sắp lao vào một cuộc xung đột.

Từ đầu năm Bắc Triều Tiên đã có những hành động thù địch : oanh kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, hăm he "chiếm đóng toàn bộ" nước anh em tư bản chủ nghĩa, dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Từ nay Hàn Quốc bị ghi vào Hiến pháp là "quốc gia thù địch số một", Bình Nhưỡng quay lưng lại với mục tiêu "thống nhất" xưa nay, làm sống lại bóng ma chiến tranh Triều Tiên. Thứ Sáu tuần trước, Bắc Triều Tiên loan báo thử nghiệm một hệ thống vũ khí nguyên tử dưới biển để trả đũa cuộc tập trận của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson với Hải quân Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy chế độ Bắc Triều Tiên vẫn thường có những hành động thị uy, lần này trong bối cảnh Mỹ bận bịu với cuộc chiến Gaza và Ukraine, "Kim Jong-un đã có quyết định chiến lược là gây xung đột" - theo hai nhà nghiên cứu Robert Carlin và Siegfried Hecker, từng phát hiện địa điểm nguyên tử ở Yongbyon năm 2010. Kim Jong-un có thể tiến hành những hành động "vượt khỏi mọi sự tính toán của chúng ta" và liên kết với Moskva.

…hay chỉ là "chiến tranh tâm lý" ?

Bình Nhưỡng sở hữu 50 đến 60 đầu đạn nguyên tử, đã thử nghiệm một hỏa tiễn ICBM mới là Hwasong 18, và hôm 14/01 đến lượt hỏa tiễn tầm trung (IRBM) trang bị đầu đạn siêu thanh khó phát hiện. Những tiến bộ này được tuyên truyền ầm ĩ nhưng khó thể xác định được. Nhiều người cho rằng Kim Jong-un muốn phục thù sau khi thất bại trong cuộc gặp Donald Trump ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang của Sejong Institute cho rằng "Bắc Triều Tiên rất tự tin với những tiến bộ vũ khí, nhất là chiến tranh ở Ukraine bộc lộ sự hạn chế của viện trợ Mỹ cho các đồng minh". 

Theo ông Cheong, Kim Jong-un không còn muốn đàm phán với Hoa Kỳ, mà nay có thể dựa vào Nga và Trung Quốc. Còn theo Jean Lee, cựu giám đốc văn phòng Associated Press ở Bình Nhưỡng, Kim Jong-un vẫn hy vọng được đàm phán với Trump. Nhưng nhà nghiên cứu Go Myong-hyun ở Seoul cho rằng, đây chỉ là "chiến tranh tâm lý" của Bắc Triều Tiên, lợi dụng dịp bầu cử và có sự hỗ trợ của Nga. Hàn Quốc sẽ bầu Quốc hội vào tháng 4 và Mỹ bầu tổng thống tháng 11.

"Thống chế" có thể đi xa đến đâu ? Tuy việc xâm lăng một láng giềng - có hiệp ước hỗ tương quốc phòng với Washington và sở hữu kho vũ khí thuộc loại tiên tiến nhất - có thể coi là tự sát, nhưng Bắc Triều Tiên có thể oanh kích để thử phản ứng của Mỹ, tiếp tục đòi hỏi năm hòn đảo tranh chấp ở Hoàng Hải.

Putin, "người bạn thiết của nhân dân Bắc Triều Tiên" thăm Bình Nhưỡng

Trong khi đó Vladimir Putin sắp được tiếp đón trọng thể tại quảng trường Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) ở Bình Nhưỡng. Hôm Chủ nhật chế độ độc tài loan báo "Người bạn thân thiết nhất của nhân dân Triều Tiên" đã chấp nhận lời mời của Kim Jong-un – một cách vừa thách thức phương Tây vừa "đá xéo" Trung Quốc của Tập Cận Bình. Tuần trăng mật giữa "lãnh tụ tối cao" và ông chủ điện Kremlin bắt đầu từ cuộc gặp ở Siberia tháng 9 năm ngoái. Sự kiện này xác nhận việc Bắc Triều Tiên cung cấp đạn cho quân đội Nga trên chiến trường Ukraine, đổi lại được Moskva trợ giúp trong lãnh vực không gian.

Từ tháng 10/2023 Mỹ khẳng định Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Nga trên 1.000 container vũ khí, đạn dược. Đáng lo nhất là trong đó có nhiều hỏa tiễn. Loại KN-23 tương đương với hệ thống đạn đạo Iskander của Nga, có thể phóng đầu đạn 500 kg xa 450 kilomet, loại KN-24 tầm xa 410 kilomet, và các hỏa tiễn tương tự như MGM-140 Atacms của Mỹ. Kênh truyền hình dân tộc chủ nghĩa Nga Tsargrad đưa tin này từ tháng 11 năm ngoái, nói rằng Moskva còn nhận được "vũ khí bí mật" KN-25, là loại rốc-kết phóng loạt (MLRS) dùng loại đạn lên đến 600 ly, độc nhất trên thế giới...

Theo phía Mỹ, Nga đã dùng hỏa tiễn Bắc Triều Tiên trong đợt tấn công quy mô vào Ukraine vừa qua. Cụ thể hôm 30/12 một tên lửa của Bắc Triều Tiên đã rơi xuống Zaporijia và ngày 02/01 thêm nhiều hỏa tiễn khác bắn vào lãnh thổ Ukraine. Nhưng trang Grey Zone vốn thân cận với Wagner nói rằng trên thực tế vũ khí từ kho tồn trữ cũ của Bắc Triều Tiên "đúng là đồ hàng mã", không đánh trúng mục tiêu và lượng thuốc súng thì ít hơn so với thông tin.

Moskva hy vọng bớt lép vế trước Bắc Kinh

Chuyến thăm Bắc Triều Tiên lần đầu tiên từ 24 năm qua gây lo ngại một sự leo thang trên bán đảo và một mặt trận mới tại Đông Á, trong bối cảnh Nga đối đầu với Hoa Kỳ và đồng minh. Vấn đề là Vladimir Putin có tìm cách tăng cường quan hệ để làm đối trọng với phương Tây ở Châu Á-Thái Bình Dương hay không. Bắc Kinh và Washington đều theo dõi hồ sơ này, thêm một trắc nghiệm sau Đài Loan và Biển Đông. Đang gặp khó khăn kinh tế, Trung Quốc không mấy ưa việc hai láng giềng ở đông bắc xích lại gần nhau, tuy cùng chống Mỹ, nhưng lại đe dọa sự ổn định ở biên giới.

Chuyên gia Nga Dmitry Mosyakov nhấn mạnh, một khối không chính thức Nga-Trung Quốc-Bắc Triều Tiên sẽ đối đầu với nỗ lực của Mỹ liên kết với Philippines, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc về quân sự. Một liên minh như vậy đã có từ thời chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Trung Quốc cung cấp lính và vũ khí, Nga yểm trợ trên không và các phương tiện khác. Tất nhiên, tình hình bây giờ khác, Nga đang khốn đốn với Ukraine nên không ham mở thêm một cuộc xung đột mới. Nhưng tam giác Đông Á này, với Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí nguyên tử, là hòn sỏi khó chịu trong chiếc giày Bắc Kinh. Một lá bài mà Moskva đặt hy vọng, trong lúc quan hệ với Trung Quốc ngày càng bất lợi.

Bối cảnh bất ổn này nhắc lại mùa hè 1950, khi ông nội của Kim Jong-un gây chiến với miền nam, được Stalin bật đèn xanh nhưng Mao do dự. Thời đó Washington tỏ ra nhập nhằng trước bức màn sắt ở Châu Âu. Tính toán sai lầm của Kim Nhật Thành đã làm 3 triệu người chết, trong cuộc "xung đột nóng" đầu tiên của chiến tranh lạnh.

Nikki Haley, cơ hội cuối cùng của cánh hữu chống Trump

Nhìn sang Hoa Kỳ, các báo đều chú ý đến việc bà Nikki Haley đang "chơi ván bài cuối cùng" trước ông Donald Trump ở New Hampsphire, sau khi ông Ron DeSantis bỏ cuộc và tuyên bố ủng hộ ông Trump. La Croix coi New Hampsphire là "Cơ hội cuối cùng của cánh hữu chống Trump", Libération nói về "Nikki Haley, đối thủ cuối cùng của Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ". Les Echos tự hỏi, liệu chiến dịch tranh cử sơ bộ có dừng lại tối nay hay không, sau cuộc bỏ phiếu tại bang này ?

Sau Iowa, mà Trump đã chiến thắng tại 98/99 hạt, New Hampsphire chỉ mới là bang thứ hai, nhưng chừng như đã mang tính quyết định. Cử tri độc lập khá nhiều tại đây, nhưng khoảng cách trong thăm dò khá lớn : 50% cho Donald Trump và 39% cho cựu thống đốc Nam Carolina. Các nhà tài trợ đang dòm ngó để xem có thể đầu tư tiếp hay không. Một người nhận xét, người ta đi bầu khi hào hứng hoặc phẫn nộ, nhưng hiện nay nhiệt tình chỉ có ở phía ông Trump. The Wall Street Journal dự báo cựu tổng thống có thể được đảng Cộng Hòa đề cử chính thức từ ngày 19/03.

Libération nhận thấy trong thời điểm bình thường thì Nikki Haley là một ứng cử viên tuyệt vời : nghiêm túc, quyết tâm, tài năng, hai lần là thống đốc Nam Carolina, kiến thức đối ngoại hơn hẳn các ứng cử viên khác. Nhưng 2024 không phải là một năm bình thường, "cuộc cách mạng Trump" đã đạt đến mức kiểm soát được đảng Cộng Hòa, và chưa ai tìm được chiến lược đúng đắn để thắng ông Trump. Đối đầu như Chris Christie, bắt chước như Vivek Ramaswany, cạnh tranh như Ron DeSantis đều đã thất bại. Nikki Haley thành công hơn khi tránh tấn công trực diện Donald Trump, nhưng rốt cuộc bà đã "quên rằng vì sao lại ra ứng cử" chống lại Trump.

Thụy My

Published in Quốc tế

Vì nhu cầu bổ sung kho súng đạn của các nước thành viên và cũng để hỗ trợ cho Ukraine, Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), vừa đặt hàng thêm 1,2 tỷ USD đạn pháo.

uk1

Quân nhân Ukraine ở chiến trường chống Nga bê đạn pháo 155 ly, nặng 45kg

Phát biểu ngày 23/01/2024, Tổng thư ký NATO ông Jens Stoltenberg và lãnh đạo ngành hậu cần của khối (NSPA), bà Stacy Cummings thông báo về các hợp đồng mới nhất, trị giá 1,2 tỷ USD.

Ông Stoltenberg nói cuộc chiến của Nga ở Ukraine "là cuộc chiến về số đạn dược, nên điều rất quan trọng nay là để các nước trong NATO bổ sung kho của họ, khi mà chúng tôi tiếp tục ủng hộ Ukraine".

Các báo Châu Âu đưa tin về sự kiện này cho biết NATO ký thay cho một số quốc gia thành viên vì họ "sẽ chuyển số đạn pháo này cho Ukraine, hoặc bổ sung vào kho của nước họ".

Cùng nhau mua số lượng lớn sẽ rẻ hơn là mua đơn lẻ, trang RFERL cho hay.

Hiện nay, pháo cỡ 155mm, nặng chừng 45kg, theo ‘chuẩn vàng’ NATO đã được dùng ở chiến trường phía Đông và Nam của Ukraine.

Kể từ tháng 7/2023, khi NATO đồng ý về một kế hoạch hành động cho sản xuất vũ khí, NSPA đã ký các hợp đồng trị giá 10 tỷ USD để mua đạn dược.

Những thỏa thuận mới nhất gồm hợp đồng 5,5 tỷ USD để mua 1000 tên lửa Patriot, và 4 tỷ USD mua đạn pháo 155 ly, hỏa tiễn chống tăng và đạn cho xe tăng. NSPA cũng mua thêm sáu phi cơ E-7A Wedgetail với hợp đồng dự kiến ký trong năm nay, 2024.

Theo các thỏa thuận đã công bố từ mấy tháng trước, Hoa Kỳ sẽ sản xuất ít nhất 100 nghìn đạn pháo 155 mm mỗi tháng vào năm 2025, và Châu Âu sẽ phải tăng năng suất chế tạo đạn pháo cùng loại lên 150% trong năm 2024.

Cuộc chạy đua về đạn pháo lớn

Trong tháng 12/2023, tin tức từ chiến trường chống quân Nga của các lực lượng vũ trang Ukraine cho hay họ đã thiếu đạn dược, nhất là đạn pháo 155mm.

Chính quyền Ukraine một mặt tìm cách hợp tác sản xuất với Hoa Kỳ, một mặt kêu gọi các nước NATO ủng hộ họ về đạn pháo.

Nga cũng đã đẩy nhanh tiến độ sản xuất đạn pháo 155mm M2, loại cải tiến của đạn Krasnopol vốn có đường kính nhỏ hơn (152mm) và tầm bắn ngắn hơn (20km).

Pháo dùng đạn 155mm M2 của Nga nay có tầm bắn tới 26km và một số nguồn Phương Tây nói Nga đang trên đà tăng 25% số lượng đạn này trong năm nay, chủ yếu để dùng cho chiến trường Ukraine.

Trước đó có tin Nga nhận đạn pháo từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vì thiếu đạn ở Ukraine.

NSPA tức NATO Support and Procurement Agency, là cơ quan chuyên lo về việc hỗ trợ và đặt hàng của NATO, tuyển chừng 1200 người và có cơ sở ở Pháp, Ý, Luxembourg và Hungary.

Nguồn : BBC, 23/01/2024

*****************************

Pháp tăng tốc sản xuất vũ khí để viện trợ cho Ukraine như thế nào ?

Thu Hằng, RFI, 22/01/2024

Pháp "tiếp tục hỗ trợ Ukraine", "không để cho Nga chiến thắng". Cam kết này được tổng thống Emmanuel Macron tái khẳng định khi chúc mừng Năm mới các lực lượng vũ trang tại căn cứ hải quân Cherbourg ngày 19/01/2024. Ông Macron khẳng định : "Một nền kinh tế chiến tranh không còn là khẩu hiệu, mà phải tăng khả năng sản xuất nhanh hơn và mạnh hơn". Mục đích là tăng số vũ khí viện trợ cho Ukraine và nhất là rút ngắn thời gian chuyển giao.

uk1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kiểm tra hệ thống pháo Caesar trong chuyến thăm căn cứ hải quân Cherbourg, Pháp, ngày 19/01/2024 via Reuters - Pool

Tổng thống Pháp khẳng định đích thân ông sẽ thông báo giao vũ khí trong chuyến công du Kiev dự kiến vào tháng 2. Cụ thể, Pháp sẽ giao 6 khẩu pháo Caesar, 40 tên lửa SCALP, khoảng 50 tên lửa không đối địa, vài trăm quả bom, tăng số lượng đạn pháo sẽ giao. Thực ra, tên lửa SCALP được dự kiến thay thế bằng chương trình tên lửa FMAN/FMC ngay cuối thập niên này.

Tăng tốc viện trợ vũ khí cho Ukraine

Để đáp ứng nhịp độ giao vũ khí mới, Pháp triển khai "nền kinh tế chiến tranh", các nhà máy sẽ phải tăng tốc và nâng cao năng suất. Trả lời RFI sáng 22/01, dân biểu đảng Renaissance (Phục Hưng) Thomas Gassillou, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Các lực lượng Vũ trang của Hạ Viện, giải thích : "Nền kinh tế chiến tranh đã được triển khai và tiếp tục phát triển. Ví dụ về sản xuất pháo Caesar, chúng ta đã giảm bớt 2 lần thời gian sản xuất và hiện giờ chúng ta có khả năng hỗ trợ Ukraine nhiều hơn so với năm ngoái".

Trước đó, bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu cho biết tập đoàn Nexter đã giảm một nửa thời gian sản xuất pháo, có thể sản xuất 6 khẩu mỗi tháng. Theo dự kiến, sẽ có 72 khẩu pháo Caesar được sản xuất trong năm 2024, chủ yếu được giao cho Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cung cấp đủ đạn và đặt cơ sở của Nexter gần Kiev để bảo trì pháo, thậm chí là sản xuất đạn tại Ukraine.

Ngay trong năm 2024, Pháp sẽ giao khoảng 3.000 đạn pháo mỗi tháng, thay vì 2.000 như năm 2023 và 1.000 trong thời gian đầu khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Theo nhật báo kinh tế Les Echos, con số này còn khiêm tốn so với nhu cầu trên chiến trường, nhưng cả thế giới đang bị thiếu thuốc pháo. Chính phủ Pháp vừa cho khởi động lại nhà máy sản xuất thuốc pháo Eurenco ở Bergerac, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025.

Hiện giờ, về tương quan lực lượng trên chiến trường, Ukraine bị yếu thế so với Nga. Quân đội Ukraine chỉ "bắn từ 5.000 đến 8.000 đạn pháo 155 ly mỗi ngày", bằng một nửa so với "10.000 đến 15.000 quả" từ phía Nga. Trong báo cáo được công bố ngày 17/01 sau chuyến công du Ba Lan và Ukraine tháng 12/2023, Ủy Ban đối Ngoại và Quốc Phòng Thượng Viện Pháp còn cảnh báo về "ưu thế của Nga về quân số, từ tháng 05-12/2023, số lính Nga trên mặt trận có lẽ đã tăng 20%, số xe tăng và pháo có lẽ tăng đến 60%".

Ngành công nghiệp quốc phòng tăng tốc

Báo cáo nhận thấy "hỗ trợ của Châu Âu bị hụt hơi và tình hình ngày càng phức tạp hơn", Liên Hiệp Châu Âu (EU) không giữ được lời hứa cung cấp 1 triệu đạn pháo cho Ukraine. Nhưng thực tế đằng sau là ngành công nghiệp Châu Âu trì trệ, trong đó có Pháp. Khi tuyên bố không để cho Nga chiến thắng tại Ukraine, tổng thống Macron còn trực tiếp hướng đến ngành công nghiệp quốc phòng Pháp.

Dân biểu Thomas Gassillou giải thích : "Nền công nghiệp quốc phòng của Pháp trong vòng 20-30 năm chỉ quen với tình trạng khá thoải mái. Ý tôi muốn nói nhà nước là khách hàng, nhà nước là nhà đầu tư. Nhà nước đồng hành với các doanh nghiệp này ở nước ngoài. Hiện giờ, những doanh nghiệp quốc phòng này nên có đầu óc phiêu lưu, tái cấu trúc để sản xuất nhiều hơn, để tăng tốc nỗ lực về sáng tạo. Tình hình ở Ukraine đã cho thấy tính ưu việt của công nghệ mới, trong đó có drone, trí thông minh nhân tạo… Cho nên, đây lại là một dấu hiệu thức tỉnh để cho nền kinh tế chiến tranh làm tốt hơn, nhiều hơn và tiếp tục sáng tạo".

Cuộc chiến tại Ukraine sắp bước sang năm thứ ba và chưa có triển vọng chấm dứt. Các nước đồng minh đang hỗ trợ Ukraine chuyển từ vũ khí thời Liên Xô sang vũ khí tương thích với NATO. Đây là lý do giải thích cho sự thành lập các nhóm "năng lực" theo loại vũ khí. Pháp đồng điều hành "liên minh pháo binh" với Hoa Kỳ và tham gia "liên minh phòng không" do Đức điều phối.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 22/01/2024

*****************************

Cuộc chiến trên sông ở Ukraine : Drone đồng nghĩa không còn nơi nào an toàn

James Waterhouse, BBC, 22/01/2024

Có rất ít nơi nào tại Ukraine mà từ đó bạn có thể phóng tầm mắt đến vùng lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng.

uk2

Kherson nằm trên sông Dnipro ở phía nam Ukraine, hiện là một phần quan trọng trên tiền tuyến giữa lực lượng Ukraine và Nga

Bờ tây con sông Dnipro ở thành phố Kherson là một trong số đó.

Bạn không thể nhìn thấy binh lính Nga ở bờ sông thấp và bùn lầy bên kia, nhưng bạn biết họ ở đó.

Tiếng pháo ập đến khi chúng tôi tới một khu chung cư bỏ hoang, như một lời gợi nhắc chói tai.

Trong chiến tranh, pháo kích là điều không có gì xa lạ. Nhưng đơn vị chúng tôi gặp đang phải đương đầu với một trong những vũ khí hiện đại quan trọng trong cuộc xâm lược này, đó là drone (thiết bị bay không người lái).

Đứng nép vào một bên tòa nhà và ẩn nấp dưới cầu thang, chúng tôi được dẫn vào bên trong, từ những cơn gió mùa đông buốt giá chuyển sang sự ấm cúng trong một phòng khách quân sự.

Mùi thuốc lá điện tử hương dâu tây trên người những binh lính Ukraine đang ngồi trên những chiếc ghế bành, với vẻ ngoài tập trung tĩnh tại bên cạnh lon nước tăng lực Monster.

Bạn thấy rằng tấm giấy dán tường hoa hòe phía sau không phải là sự lựa chọn của họ.

uk3

Những người lính đeo bộ điều khiển drone FPV từ một tòa nhà ở bờ tây Dnipro

Artem, một phi công 20 tuổi, đột nhiên đứng dậy. Họ được biết quân Nga đã phóng một thiết bị drone từ phía bờ bên kia.

Tymur, chỉ huy đội Samosud thuộc Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 11 của Ukraine giải thích : "Chúng đến từ một địa điểm mà chúng tôi biết".

"Mục tiêu của chúng tôi là hạ các phi công. Chúng tôi nắm được tọa độ nên sẽ bay tới đó ngay bây giờ".

Có ít nhất hàng chục chiếc drone trên sàn nhà - tất cả đều chứa đầy lựu đạn.

Một con mèo, linh vật không chính thức của đơn vị, chui rúc vào một trong những cánh quạt.

uk4

Drone là vũ khí đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả trong cuộc chiến tranh này

Drone được mang ra ngoài khi Artem đeo bộ kính thực tế ảo (VR) của mình.

Chúng tôi xem màn hình hiển thị khi anh ấy cho chiếc drone di chuyển qua sông, tiến vào lãnh thổ bị chiếm đóng. Từ vị trí thuận lợi này, không có dấu hiệu rõ rệt nào của sự sống.

Sau vài km, chiếc drone của Artem bay đến một khu công nghiệp. Nó di chuyển qua một nhà kho trước khi bay sát một dãy nhà chung cư, giống như căn hộ chúng tôi đang ngồi.

Cuối cùng, anh ta phát hiện ra một ăng-ten bên cạnh cửa sổ ở cầu thang và bay thẳng vào đó. Màn hình chuyển sang màu xanh. Artem thở ra và gỡ bộ VR xuống.

Artem nói : "Khi lần đầu tiên làm điều này chúng tôi cảm thấy thật xúc động. "Bây giờ đây là công việc bình thường".

"Tôi không có đủ thời gian để chơi game trước [cuộc xâm lược toàn diện]. Giờ thì tôi đang tranh thủ !"

uk5

Drone có thể bay hàng km để tìm mục tiêu ở phía sông do Nga chiếm đóng

Họ phóng một chiếc drone khác nhưng màn hình chuyển sang màu xanh ngay khi nó băng qua sông.

Người Nga đã bật hệ thống phá sóng.

Chiếc drone thứ ba sau đó thực hiện cuộc hành trình tương tự. Lần này chiếc drone vượt qua được và Artem quay trở lại khu chung cư.

Anh ta có thể xác nhận ăng-ten đã bị phá hủy. Khi pin còn đủ cho 10 phút, anh ta cho nó bay đi để dò xem có phát hiện hay tiêu diệt được những gì khác không.

Đơn vị của Artem đang nhắm vào con đường chính mà người Nga sử dụng để vận chuyển vật tư. Dân thường bị cấm lái xe ở đó, vì vậy các phi công điều khiển drone của Ukraine đã dùng bánh xe tông vào bất cứ thứ gì.

Artem phát hiện một trạm kiểm soát của Nga và bay về phía đó. Thật không may cho anh, quân Nga sử dụng súng áp chế drone và màn hình chuyển sang màu xanh khi anh cho drone bay đến gần. Anh lại thở dài.

Tymur nói : "Cho dù chúng tôi có đánh trúng vào những nơi tương tự nhau bao nhiêu lần đi chăng nữa, [người Nga] vẫn liên tục tăng cường lực lượng". "Họ thuộc kiểu không biết sợ là gì".

Với mỗi chiếc drone có giá khoảng 500 USD, đó là một chu kỳ của việc phóng, tìm kiếm và tiêu diệt liên tục.

Tuy nhiên, lợi thế đạt được có thể rất đáng kể. Tymur cho biết nhóm của anh từng phá hủy hệ thống tên lửa phòng không S-350 trị giá 136 triệu USD.

Drone đồng nghĩa là người Nga không thể ẩn náu ở bất cứ đâu trong phạm vi 10 km tính từ tiền tuyến.

Nhưng điều quan trọng nhất là những kẻ xâm lược đang làm điều tương tự với người dân Ukraine.

Dưới sự giám sát liên tục của drone và sự bắn phá của kẻ thù, sự sống dần thoi thóp trên đường phố Kherson. Ngoài việc di chuyển hạn chế lên Dnipro gần thị trấn Krynky, các cuộc tấn công của Ukraine ở đây chỉ mang tính thăm dò và đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Trong một công viên phủ đầy tuyết ở Kherson, chúng tôi gặp một đội phòng không cơ động dưới lối đi có mái vòm. Chúng tôi được yêu cầu di chuyển theo nhóm nhỏ để quan sát drone của Nga.

Khi chúng tôi sải bước về phía trước trong bộ giáp chống đạn, những người dắt chó đi dạo quay lưng lại với chúng tôi với vẻ có chút bối rối.

"Biệt hiệu của tôi là King", phó chỉ huy Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ 124 nói khi đập tay để chào hỏi. Họ đang vây quanh một chiếc xe tải đăng ký ở Anh với một khẩu súng máy cỡ nòng 50 mm gắn ở phía sau.

"Chúng tôi làm việc 24/7", ông nói. "Chúng tôi tiêu diệt tất cả các loại drone, chủ yếu là Shahed do Iran sản xuất".

uk6

Các đơn vị phòng không cơ động ở Kherson liên tục di chuyển để tránh bị phát hiện

"Các nhà máy của Nga đang gia tăng sản xuất phục vụ quân đội. Họ không ngừng tăng cường sức mạnh. Tại thời điểm này, họ hoạt động không ngừng nghỉ".

Vậy King có nghĩ liệu lực lượng Ukraine có thể vượt sông với binh số đông đảo trong năm nay không ?

"Thật khó để nghĩ về chuyện đó", ông đáp. "Chúng tôi chỉ đang làm công việc của mình để đảm bảo điều đó xảy ra càng sớm càng tốt".

Với các gói viện trợ quân sự lớn đang bị rơi vào thế bế tắc liên quan đến những bất đồng chính trị ở Mỹ và Liên minh Châu Âu, Ukraine đang phải xoay sở và tự thân vận động.

Một gói viện trợ quân sự trị giá 2,5 tỷ bảng Anh mới từ London đã được Ukraine đón nhận, trong đó 200 triệu bảng được dành riêng cho drone. Nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã cam kết sẽ sản xuất một triệu chiếc như vậy ở biên giới Ukraine.

Ở vùng ngoại ô Kherson, trên một cánh đồng tuyết phủ giá băng, các phi công thực hành lái bằng drone với chai nhựa buộc bên dưới thay cho lựu đạn.

Chỉ mất 14 giờ đào tạo để đủ tiêu chuẩn trở thành phi công lái drone. Chính phủ Ukraine đang khuyến khích người dân tham gia huấn luyện miễn phí cũng như sản xuất drone trong nước để gửi đến tiền tuyến.

uk7

Những người lính nói rằng họ có thể hội đủ điều kiện trở thành phi công lái drone chỉ sau 14 giờ

Đội chiếc mũ trùm đầu, Stitch giải thích tầm quan trọng của drone trong cuộc chiến tranh hao mòn này.

Người chỉ huy drone nói : "Chúng tôi đang tham gia vào một cuộc đấu tranh về công nghệ, một cuộc chạy đua vũ trang : ai sẽ là người đầu tiên phát minh ra cái gì, ai sẽ lắp ráp thứ gì đó hay ho".

Người ta thừa nhận rộng rãi rằng một số cải tiến hiện nay cần phải diễn ra cùng lúc để tiền tuyến có những bước thay đổi đáng kể.

Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyy nói với tạp chí Economist vào tháng 11 rằng Nga và Ukraine đã "đạt đến trình độ công nghệ khiến đôi bên rơi vào bế tắc".

Vấn đề đối với Ukraine chưa bao giờ là những gì được các đồng minh cung cấp mà là khi nào.

Stitch nói : "Trong Thế chiến thứ Nhất, ngành hàng không đã ra đời. Bây giờ chúng ta đang bắt đầu cuộc chiến tranh drone trong tương lai, có thể trong hai thập kỷ nữa sẽ lật ngược tình thế của bất kỳ cuộc chiến nào".

James Waterhouse

Nguồn : BBC, 22/01/2024

****************************

Tổng thống Zelenskyy ca ngợi kiều dân Ukraine giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Nga

Reuters, VOA, 22/01/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 22/1 đã cảm ơn kiều dân Ukraine ở nước ngoài vì sự hỗ trợ của họ trong cuộc xâm lược của Nga và đề xuất thay đổi Hiến pháp để cho phép song tịch.

uk8

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy

Hiến pháp Ukraine không cho công dân Ukraine quyền có hai quốc tịch, vì vậy hàng triệu người gốc Ukraine sống ở nước ngoài không thể giữ hộ chiếu Ukraine.

Trong một cử chỉ mang tính biểu tượng vào Ngày Thống nhất Ukraine, vốn đánh dấu kỷ niệm ngày thống nhất miền đông và miền tây Ukraine vào năm 1919, Tổng thống Zelenskyy cho biết ông đang đệ trình dự thảo luật cho phép song tịch lên quốc hội.

"Hôm nay tôi đệ trình lên Quốc hội dự luật quan trọng cho phép thông qua các sửa đổi lập pháp toàn diện và đưa ra điều luật nhiều quốc tịch", ông Zelenskyy cho biết.

"Và nó sẽ cho phép tất cả người Ukraine và con cháu của họ từ khắp nơi trên thế giới có quyền công dân Ukraine. Tất nhiên, ngoại trừ công dân của đất nước xâm lược".

Các quan chức Ukraine thường gọi Nga là quốc gia xâm lược sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào ngày 24/2 năm 2022 và chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ Ukraine.

Ông Zelenskyy thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết phải đoàn kết trong khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine kéo dài và Kyiv phụ thuộc nhiều vào viện trợ quân sự và tài chính từ nước ngoài.

Cảm ơn cộng đồng kiều bào Ukraine vì sự hỗ trợ của họ, bao gồm cả những người đã về nước chiến đấu cho Ukraine, ông Zelenskyy cho biết dòng chữ ‘Tôi là người Ukraine’ mang ý nghĩa đặc biệt, đồng thời ca ngợi ‘sự bất khuất của dân tộc chúng ta’.

Thay đổi Hiến pháp cần sự phê chuẩn của Quốc hội, quá trình có thể mất khoảng một năm, và sự cho phép của Tòa án Hiến pháp.

Nguồn : VOA, 22/01/2024

****************************

Xảy ra vụ nổ tại cơ sở khí đốt ở St Petersburg, giới chức Nga nói

Oliver Slow, BBC, 21/01/2024

Một vụ nổ đã xảy ra tại cơ sở xuất khẩu khí đốt gần thành phố St Petersburg của Nga, giới chức cho hay.

uk9

Vụ nổ đã gây ra hỏa hoạn lớn, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti nói. Hãng này cho biết đám cháy đã được khống chế và cho đến nay không có tin thương tích.

Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ cháy nhưng truyền thông địa phương tường thuật rằng người ta đã nhìn thấy máy bay không người lái trong khu vực.

Cả Nga và Ukraine đều đã sử dụng máy bay không người lái trong cuộc xung đột hiện nay. Ukraine thường không thừa nhận những cuộc tấn công như vậy.

Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine gần hai năm trước nhưng đạt được không mấy tiến bộ trong những tháng gần đây.

Hôm Chủ Nhật, 13 người đã thiệt mạng và 10 người bị thương do pháo kích ở thành phố Donetsk do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine, ông Alexei Kulemzin, thị trưởng thành phố do Nga bổ nhiệm cho biết. Kiev cũng chưa bình luận về cuộc tấn công đó.

Liên quan đến vụ nổ hôm Chủ Nhật gần St Petersburg, thống đốc khu vực Alexander Drozdenko cho biết "chế độ cảnh báo cao" đã được áp dụng sau vụ việc tại cơ sở của hãng sản xuất khí đốt Novatek, ở Ust-Luga trên Vịnh Phần Lan. Ông đã chia sẻ một đoạn video về một đám cháy lớn.

Hãng tin Shot của Nga dẫn lời người dân địa phương cho biết họ nghe thấy tiếng máy bay không người lái, sau đó là một số vụ nổ ở Ust-Luga, gần biên giới Nga với Estonia.

Fontanka, một hãng tin có trụ sở tại St Petersburg, cho biết ít nhất hai máy bay không người lái đã được phát hiện bay về phía thành phố trước khi đám cháy bùng phát.

Cơ quan này cho biết có ba tàu chở dầu quốc tế lớn ở gần đám cháy, mặc dù không có báo cáo về thiệt hại đối với ba tàu này.

BBC chưa xác minh chi tiết những gì đã xảy ra và các quan chức Ukraine cũng không đưa ra bình luận nào.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết họ đã bắn hạ ba máy bay không người lái của Ukraine ở Vùng Smolensk, gần biên giới với Ukraine vào tối thứ Bảy. Trước đó, nước này cho biết họ đã bắn hạ các máy bay không người lái ở Tula và Oryo, đều thuộc miền tây nước Nga.

Không có báo cáo về thương vong.

Nga và Ukraine đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau, và hôm thứ Sáu, một đám cháy đã bùng phát tại một kho dầu ở Bryansk, phía tây nam nước Nga , mà Moscow đổ lỗi cho cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.

Vụ việc xảy ra một ngày sau vụ tấn công nhằm vào một kho dầu lớn ở St Petersburg.

Hôm thứ Năm, Nga tuyên bố đã chiếm được một ngôi làng gần thành phố Bakhmut bị tàn phá, ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Kiev chưa xác nhận thông tin này.

Ukraine đã nhiều lần cảnh báo rằng quân đội nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng, nhưng đã đặt mục tiêu sản xuất trong nước một triệu máy bay không người lái trong năm nay.

Nga đã tiến hành cuộc xâm lược quốc gia láng giềng gần hai năm trước.

Oliver Slow

Nguồn : BBC, 21/01/2024

Published in Quốc tế

Liên Hiệp Châu Âu sẽ gia tăng sản xuất đạn pháo cho Ukraine

Thanh Phương, RFI, 20/01/2024

Tuyên bố trong chuyến viếng thăm thủ đô Tallinn của Estonia hôm qua, 19/01/2024, Ủy viên Châu Âu đặc trách thị trường nội địa và công nghiệp Thierry Breton cho biết Liên Hiệp Châu Âu sẽ đẩy mạnh sản xuất đạn pháo để vừa viện trợ cho Ukraine, vừa khôi phục các kho dự trữ của Liên Âu.

uk1

Binh lính Ukraine sử dụng pháo tự hành Caesar do Pháp chế tạo trong cuộc chiến chống Nga. AP - Libkos

Theo AFP, ông Breton khẳng định từ đây đến cuối năm Liên Hiệp Châu Âu sẽ có khả năng sản xuất ít nhất 1,3 triệu đạn pháo và sẽ tăng mạnh sản lượng vào năm tới. Theo Ủy viên Châu Âu đặc trách công nghiệp, phần lớn đạn pháo do các công ty Châu Âu sản xuất sẽ được ưu tiên dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga.

Về phần thủ tướng Estonia Kaja Kallas, bà lưu ý là theo nguồn tin của Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Nga hơn một triệu quả đạn pháo, để được Moskva giúp phát triển công nghệ vệ tinh quân sự. Cho nên, đối với ông Breton, viện trợ đạn pháo cho Ukraine là một nhu cầu vô cùng cấp thiết.

Hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron cũng đã kêu gọi các công ty quốc phòng của Pháp đẩy mạnh tiến trình chuyển sang "nền kinh tế chiến tranh" để nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu của Ukraine. Phát biểu tại căn cứ hải quân Cherbourg ở miền bắc khi chúc Tết Dương lịch các binh chủng quân đội Pháp, tổng thống Macron tuyên bố : " Chúng ta sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine, bởi vì chúng ta không thể để cho Nga nghĩ rằng họ sẽ chiến thắng. Một chiến thắng của Nga đồng nghĩa với sự cáo chung của an ninh Châu Âu".

Trong tuần này, Paris đã thông báo viện trợ thêm cho Kiev 40 tên lửa tầm xa Scalp, cung cấp Ukraine khoảng 50 quả bom mỗi tháng trong vòng 1 năm, gia tăng sản xuất đạn pháo 155mm và tài trợ cho việc sản xuất thêm 12 súng đại bác Caesar.

Trong khi đó, hôm qua, Nga đã triệu đại sứ Pháp tại Moskva lên để chính thức phản đối về vai trò "ngày càng lớn" của Paris trong cuộc chiến Ukraine, vài ngày sau khi thông báo đã oanh kích vào "một nhóm lính đánh thuê Pháp".

Thanh Phương

**************************

AIEA : Mìn được gài lại xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraine

Chi Phương, RFI, 20/01/2024

Trong lúc Nga và Ukraine vẫn tiếp tục giao tranh trên nhiều mặt trận, tối 19/02/2024, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) cho biết khu vực nhà máy điện Zaporijjia lại bị gài mìn", đe dọa đến an ninh của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu.

uk2

Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia tại Ukraine, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. © Anissa El Jabri / RFI

Thông cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, được AFP trích dẫn, nói rõ các quả mìn đã được "gỡ bỏ từ tháng 11 năm ngoái, nhưng sau đó đã được gài lại" và điều này "không phù hợp với các yêu cầu về an ninh" của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu. Các nhân viên vận hành nhà máy bị cấm vào các khu vực có mìn, giữa hàng rào bên trong và bên ngoài của nhà máy. 

AIEA cũng cho biết Nga đã ngăn cản tổ chức này tiếp cận một số lò phản ứng và nhiều khu vực khác, viện dẫn lý do an ninh.

Bị Nga chiếm đóng từ hồi tháng 03/2022, nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia đã nhiều lần bị cúp điện do các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine. Quân đội Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine đe dọa an ninh của cơ sở này. Nhà máy từng cung cấp một phần năm sản lượng điện cho Ukraine cũng nhiều lần bị cắt khỏi mạng lưới điện, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.

Ukraine và Nga tiếp tục giao tranh 

Về tình hình chiến sự tại Ukraine, sáng nay, chính quyền thành phố Koupiansk, gần Kharkiv, cho biết một tòa nhà đã bị hư hại sau khi trúng bom của Nga. Trong đêm hôm qua, theo quân đội Ukraine, Nga tiếp tục không kích vào các thành phố Avdïivka, Horlivka, Novomykhailivka và phía Ukraine đã bắn hạ được 4 trong số 7 drone Shahed của Nga. Kiev cũng nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào một kho dự trữ dầu của Nga ở khu vực biên giới Bryansk, gây ra một vụ hỏa hoạn lớn vào trưa hôm qua. 

Chi Phương

Published in Quốc tế

Putin và chiến lược "làm kiệt quệ" đối phương

Trong những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Nga ồ ạt tấn công nhiều thành phố lớn của Ukraine bằng tên lửa và drone với quy mô lớn chưa từng có. Giới chuyên gia cho rằng Nga thay đổi chiến thuật nhằm "phá mật mã" phòng không và làm kiệt quệ nguồn dự trữ đạn dược của Ukraine.

tieudiem1

Thành phố Kiev của Ukraine bị Nga oanh kích dữ dội ngày 02/01/2024 © Reuters - Stringer

Ukraine đã có một khởi đầu khó khăn cho năm 2024. Đất nước kiệt quệ sau hai năm chiến đấu, nhiệt độ ngoài trời xuống -15°C , các cuộc phản công chiếm lại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng gần như bị đóng băng, chỉ trong vòng hơn một tuần đầu năm mới, Ukraine liên tiếp hứng chịu những đợt oanh kích có quy mô lớn.

Chỉ riêng trong giai đoạn từ ngày 29/12/2023 đến 02/01/2024, Nga dùng hơn 500 drone và tên lửa bắn phá các thành phố lớn của Ukraine. Tuy nhiên, theo các quan chức và nhà phân tích quân sự, quy mô và mức độ phức tạp của các cuộc không kích vừa qua của Nga có trật tự hơn so với các cuộc tấn công vào mùa đông năm 2023.

Chiến lược tiêu hao

Thay vì nhắm vào thường dân và các cơ sở năng lượng, các mục tiêu chính lần này dường như là ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine như vụ Artem, nhà máy vũ khí ở Kiev bị bắn phá hư hại. Bộ quốc phòng Ukraine cho biết thêm, trong loạt tấn công ngày 13/01, Nga đã dùng đến 40 drone và tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo nhằm vào khu "tổ hợp công nghiệp – quân sự của Ukraine".

Các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch cẩn thận, với các đợt drone và tên lửa được thiết kế xen kẽ nhằm áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine. Tướng Dominique Trinquand, cựu trưởng đoàn phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, trong một chương trình truyền hình của báo Le Figaro phân tích :

"Trên thực tế, đây là những cuộc tấn công làm bão hòa, tức là họ bắn đi nhiều drone và tên lửa nhắm vào các mục tiêu sao cho, một mặt, một số tên lửa có thể vượt qua, hệ thống phòng không của Ukraine đã không thể nào bắn chặn được, và mặt khác, làm tiêu hao một lượng lớn tên lửa bắn chặn của Ukraine đến mức làm cạn kiệt chúng. Mục tiêu chính ở đây là làm cạn nguồn đạn dược dự trữ của Ukraine".

Về điểm này, cựu đại tá thủy quân lục chiến Pháp Michel Goya, trên đài phát thanh France Culture, giải thích thêm rằng "nếu có 100 chiếc tên lửa đạn đạo hay hành trình bắn vào Ukraine, thì ta cần khoảng 2 tên lửa phòng không để đánh chặn mỗi tên lửa, như vậy tổng cộng phải có khoảng 200 tên lửa. Đây cũng chính là số tên lửa mà Anh Quốc thông báo chi viện. Nhưng 200 tên lửa này chỉ đủ cho một ngày chiến đấu. Đây thật sự là một thách thức lớn".

Patriot vs Tên lửa đạn đạo của Nga

Điểm đáng chú ý là đợt tấn công ngày 08/01, Ukraine chỉ bắn chặn được 18 trong số 51 tên lửa do Nga bắn đi so với tỷ lệ bắn chặn thành công thông thường là 80%. Theo nhận định từ nhiều nhà phân tích quân sự được Financial Times trích dẫn, dường như Nga đang tìm cách phá mã phòng không của Ukraine và đã vạch ra được những điểm yếu của hệ thống phòng không của nước này sau nhiều ngày oanh kích.

Chuyên gia Dara Massicot, thành viên cao cấp thuộc trung tâm cố vấn Carnegie Endowment tại Washington cảnh báo "nếu Nga thành công và Ukraine không thể bảo vệ không phận của mình, thì đó sẽ là một vấn đề lớn, mở ra cơ hội cho Nga điều máy bay ném bom hạng nặng đến Ukraine".

Để phá vỡ hàng phòng thủ Ukraine, quân Nga thường phóng drone bay chậm, sau đó là tên lửa hành trình cận âm bay thấp và cuối cùng là tên lửa đạn đạo được phóng thẳng đến mục tiêu với tốc độ nhanh gấp nhiều lần vận tốc âm thanh khiến chúng khó bị bắn hạ. Giới quan sát cho rằng, Nga dường như đã sử dụng 6 tên lửa đạn đạo Iskander và 8 tên lửa đạn đạo Kinjal, loại tên lửa nguy hiểm nhất mà tổng thống Nga Vladimir Putin không ngớt lời ca ngợi là "siêu vũ khí".

Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington, được trang mạng Al Jazeeara của Qatar trích dẫn, tên lửa đạn đạo tầm ngắn có vẻ có hiệu quả hơn trong việc xuyên thủng hoặc tránh hệ thống phòng không của Ukraine. "Lực lượng phòng không Ukraine đã đánh chặn 149 trong số 166 tên lửa hành trình của Nga trong các cuộc tấn công tăng cường kể từ ngày 29/12/2023, nhưng họ chỉ bắn chặn được một số tên lửa đạn đạo mà Nga đã bắn vào Ukraine trong cùng thời gian".

Quả thật, chiến lược "kết hợp vũ khí siêu thanh và cận âm" của Nga đã khiến cho hệ thống phòng thủ của Ukraine, được mệnh danh là "Franken SAM" và được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa các hệ thống phòng không và tên lửa địa đối không phải vật lộn đối phó. Phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine, đại tá Yuriy Ignat cho biết chỉ có hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất mới có thể bắn hạ được tên lửa đạn đạo.

Ukraine chỉ có vài khẩu đội, trong khi nguồn cung lại đắt đỏ và tương đối ít do phải chia sẻ nhu cầu với Israel. Đây thật sự là một thách thức lớn cho Ukraine và cả phương Tây, theo như lưu ý từ ông Ian Lesser, thuộc Quỹ Marshall của Đức, trên kênh truyền hình Euronews :

"Người ta e sợ là Ukraine thiếu nguồn đạn dược thiết yếu, nhưng cần phải có thời gian để tích trữ lượng nguồn vũ khí này. Thậm chí còn có một vấn đề khác nghiêm trọng hơn đối với loại vũ khí này, nhất là trên phương diện phòng không. Chúng được sử dụng với một tốc độ đến mức làm cạn kiệt cả nguồn dự trữ của phương Tây. Trong khi các tên lửa Patriot có giá rất đắt, từ hai đến bốn triệu đô la mỗi chiếc".

Sự việc cũng làm lộ ra những khó khăn của phương Tây hiện tại. Châu Âu không thể sản xuất một triệu đạn pháo như họ đã cam kết với quân đội Ukraine. Từ đây đến năm 2024, Châu Âu chỉ sẽ giao được tổng cộng 300 ngàn đạn dược. Trong khi đó tại Mỹ, phe Cộng Hòa ngăn chặn khoản viện trợ bổ sung hơn 61 tỷ đô la mà tổng thống Joe Biden đề xuất.

Đổi lại ở phía Nga, các nhà máy sản xuất drone và tên lửa đã hoạt động hết công suất và sản xuất nhiều hơn bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây. Theo chuyên gia về Nga Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, trên đài France Culture, cỗ máy chiến tranh Nga vận hành tốt còn nhờ vào việc "họ không bị thiếu hụt công nhân tay nghề như các đối thủ. Người dân Nga tình nguyện tham gia vì mức lương trong lĩnh vực này đã được tăng lên và bởi vì phần lớn các doanh nghiệp này cũng đề nghị tạm hoãn đi quân dịch, không phải ra thẳng chiến trường".

Iran, Bắc Triều Tiên : Nguồn chi viện dồi dào cho Nga

Với một nền kinh tế chiến tranh và ngân sách quốc phòng tăng thêm 70% cho năm 2024, Nga hiện sản xuất hơn 100 tên lửa tầm xa mỗi tháng, so với khoảng 40 tên lửa khi bắt đầu cuộc xâm lược và khoảng 300 chiếc drone. Tuy nhiên, theo ước tính của ISW, Nga chỉ có thể sản xuất khoảng 42 tên lửa Iskander và 4 tên lửa Kinjal mỗi tháng. Lượng sản xuất đạn pháo của Nga cũng không đủ bù đắp cho nhu cầu chiến trường. Nga muốn sản xuất ba triệu đạn pháo mỗi năm, nhưng lại tiêu thụ đến khoảng một triệu đạn pháo mỗi tháng.

Sự thiếu hụt này dường như Nga đã tìm được nguồn cung để bù đắp. John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 04/01 cảnh báo khả năng Nga sử dụng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Theo ước tính, lượng dự trữ tên lửa KN-23 của Bình Nhưỡng có thể lên tới 100 chiếc, và phần lớn trong số này có thể được chuyển giao cho Nga với mức giá phù hợp.

"Chúng tôi dự đoán Nga sẽ sử dụng thêm tên lửa của Bắc Triều Tiên để bắn vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine và giết hại thường dân Ukraine vô tội. Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có tầm bắn xấp xỉ 900 km, tức là khoảng 550 dặm. Đây là bước leo thang đáng kể và đáng lo ngại về sự hỗ trợ của Bắc Triều Tiên dành cho Nga".

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ còn bày tỏ lo ngại về việc Nga đang "tích cực" đàm phán mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ Iran. "Tại thời điểm này, chúng tôi nghĩ rằng Iran vẫn chưa chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga. Tuy nhiên, Hoa Kỳ e ngại rằng các cuộc đàm phán của Nga về việc mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn đang có những tiến triển tích cực".

Tóm lại, Nga đang sử dụng "bất cứ điều gì có thể để làm hao mòn Ukraine". Nhưng nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng tình hình của Ukraine không đến nỗi vô vọng. Nhật Bản gần đây cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vũ khí để tên lửa Patriot do Nhật sản xuất có thể được vận chuyển sang Mỹ, như vậy Washington gởi thêm kho vũ khí của mình đến Ukraine.

Nhưng có lẽ mục tiêu sau cùng của những cuộc tấn công này là nhằm buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Nga, theo đó Ukraine có lẽ sẽ phải nhượng bộ khoảng 20% lãnh thổ đã bị chiếm đóng cho Nga.

Đương nhiên, với kết quả này, Nga đã thất bại trong việc lôi kéo Ukraine trở về vùng ảnh hưởng của mình, ngược lại, Kiev sẽ còn bám chặt hơn vào phe dân chủ phương Tây. Nhưng đổi lại, Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ bị mất uy tín, vì không có khả năng bảo vệ nền dân chủ.

Một bên thua là Nga chống lại hai kẻ đại bại là Ukraine và Phương Tây. Đối với tổng thống Nga, đây mới thực sự là một thắng lợi lớn. Một cuộc cá cược lớn "được ăn cả, ngã về không" của ông Putin, Le Point kết luận !

Minh Anh

Published in Quốc tế

Chiến tranh Ukraine : Kiev cầm cự ra sao nếu không được phương Tây hậu thuẫn ?

Quân đội Ukraine thiếu đạn dược trong cuộc chiến chống Nga, những hệ lụy của xung đột giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas ở dải Gaza, nạn quấy rối tình dục trong giới điện ảnh là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 19/01/2024.

kiev1

Một quân nhân Ukraine tại chiến trường Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 16/01/2024. Reuters - Stringer

Nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất cho tình trạng "thiếu đạn dược trầm trọng" của quân đội Ukraine. Bộ trưởng quốc phòng Roustem Umerov đã than thở như trên nhân dịp ra mắt "liên minh pháo binh" gồm 23 nước viện trợ quân sự cho Ukraine do Pháp và Mỹ dẫn đầu.

Ngày 17/01, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Đối ngoại của Thượng Viện, Cédric Perrin, nhấn mạnh Pháp và các nước Châu Âu "không đáp ứng được" kỳ vọng của Ukraine, đồng thời thông báo sẽ tổ chức một loạt các phiên điều trần để hiểu thêm về sự "thiếu linh hoạt" của ngành công nghiệp vũ khí Pháp.

Ông Perrin nói thêm rằng quân đội Ukraine bắn từ 5.000 đến 8.000 quả đạn pháo mỗi ngày so với 10.000 đến 15.000 quả từ phía Nga, trong khi Pháp chỉ sản xuất khoảng 25.000 quả đạn pháo 155mm vào năm ngoái. Ủy Ban Châu Âu đặt mục tiêu sản xuất một triệu quả đạn vào mùa xuân năm 2024, nhưng tính đến cuối tháng 12/2023, khả năng này khó thành hiện thực, theo Les Echos.

Sau khi cuộc phản công do quân đội Ukraine tiến hành vào mùa hè năm ngoái không mang lại kết quả như mong đợi, giờ đây mọi người đều nhận thức rằng quân đội hai nước đang hướng tới một cuộc chiến tranh tiêu hao. Nga đã gia tăng sản xuất vũ khí và còn nhận được sự hỗ trợ của Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine hiện đang vấp phải nhiều trở ngại khi các dân biểu Hạ Viện không còn thực sự "mặn mà" hỗ trợ Kiev như vào thời điểm chiến tranh mới nổ ra. Tại Châu Âu, các nhà lãnh đạo sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 01/02 để thảo luận về hồ sơ "mang tính quyết định" này.

Les Echos kết luận rằng Châu Âu giờ đây không còn có thể dựa vào nguồn lực vốn có, mà phải tăng cường sản xuất vũ khí hỗ trợ Ukraine, vào thời điểm Mỹ còn đang bị cuộc xung đột ở Trung Đông làm "rối trí". Kiev sẽ cần có thêm drone, hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa, các thiết bị tác chiến điện tử, đạn pháo và rất nhiều đạn dược.

Biden ngày càng "khó xử" về xung đột Gaza

Nhìn sang Trung Đông, trang nhất của tờ Le Figaro nhận định sự hỗ trợ mạnh mẽ về mặt quân sự và ngoại giao của Joe Biden dành cho Israel trong cuộc chiến chống Hamas đã đặt tổng thống Mỹ vào thế ngày càng "khó xử" trên trường quốc tế cũng như trong nước. Vào thời điểm cuộc chiến Israel chống Hamas ở dải Gaza đã bước sang tháng thứ tư, với số nạn nhân tăng chóng mặt lên đến 24.000 người chết (theo Hamas), cái giá mà Biden phải trả về mặt chính trị cho sự hỗ trợ vô điều kiện này rất đắt.

Về mặt ngoại giao, Hoa Kỳ ngày càng bị cô lập khi các mối đe dọa quốc tế gia tăng và xung đột có nguy cơ lan rộng ra khắp khu vực Trung Đông. Về mặt chính trị, chủ nhân Nhà Trắng phải đối mặt với chỉ trích từ chính phe Dân Chủ đúng vào lúc ông bước vào chiến dịch tái tranh cử đầy khó khăn.

Nhật báo thiên hữu nhận thấy Joe Biden và chính quyền Hoa Kỳ ngày càng khó che giấu sự thất vọng với nội các của thủ tướng Benyamin Netanyahou. Lo lắng về hậu quả của cuộc chiến, Washington hiểu rằng tiếng nói của họ dường như không còn trọng lượng trong hồ sơ này. Tổng thống Biden và ngoại trưởng Antony Blinken đã liên tục kêu gọi chính quyền Israel xem xét những lo ngại của Mỹ, nhưng bất thành. Chính quyền Biden đã không thành công trong việc thuyết phục Israel "thay đổi chiến thuật" nhằm giảm số thường dân thiệt mạng trong những cuộc tấn công dồn dập ở Gaza, hay tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

Mối quan hệ của Biden với Netanyahou đã thực sự nguội lạnh. Theo truyền thông Mỹ, hai người đã không nói chuyện trong 3 tuần qua, mặc dù hai nhà lãnh đạo từng hội đàm nhiều lần trong tuần trong hai tháng đầu của cuộc chiến. Trong chuyến thăm Israel vào tuần trước, ngoại trưởng Blinken đã chỉ trích trực tiếp chính phủ Israel : "Israel phải ngưng thực hiện các biện pháp hủy hoại năng lực điều hành đất nước của người Palestine. Tổng thống Biden từng nói với người dân Israel sau vụ tấn công ngày 07/10 rằng sẽ luôn ủng hộ Israel. Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, cho phép hay thậm chí buộc chúng tôi bày tỏ lập trường một cách thẳng thắn nhất có thể trong những thời điểm có nhiều rủi ro nhất, vào lúc phải đưa ra những quyết định quan trọng nhất".

Le Figaro nhắc lại trong chuyến công du Trung Đông gần đây của Blinken, Saudi Arabia đã từng đề xuất rằng Riyadh sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel nếu nước này cam kết tìm kiếm giải pháp hai Nhà nước. Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ đã không nhận được phản hồi nào từ nội các Netanyahou. Thủ tướng Israel hôm qua tuyên bố đã "thông báo với Hoa Kỳ rằng ông phản đối việc thành lập một Nhà nước Palestine trong bất kỳ hoàn cảnh nào sau khi chiến tranh kết thúc và Israel phải duy trì quyền kiểm soát về mặt an ninh đối với toàn bộ khu vực phía tây sông Jordan", trước khi kết luận : "Một thủ tướng phải có khả năng nói không, ngay cả với bạn của mình".

Số phận "bi thảm" của người dân Gaza phải bỏ nhà ra đi

Vẫn tại Trung Đông, tờ Libération dành trang nhất cho số phận của người dân Gaza sau 3 tháng xung đột. Đối mặt với những trận oanh kích của Israel, gần như toàn bộ 2 triệu người dân ở dải đất này đã phải bỏ nhà ra đi. Bạo lực leo thang đi kèm với tình trạng thiếu lương thực, vệ sinh không bảo đảm.

Trong những tuần gần đây, Salwa đã nhiều lần thức dậy vì gặp ác mộng : "Khi tôi mở mắt, tôi thấy hàng trăm tấm nệm xếp xung quanh, cảm thấy đứa con trai 4 tuổi đang rúc vào người tôi, và tôi nghe thấy những tiếng động, tiếng vo ve của drone Israel ở trên trời, và nhận ra đây là thực tế mà chúng tôi đang trải qua". Salwa đang ở tại một cơ sở của UNRWA, cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine, ở Khan Yunis, phía nam dải Gaza. Người phụ nữ này chuyển đến sống ở đây vào giữa tháng 10/2023 cùng với chồng và ba đứa con từ một khu dân cư thuộc tầng lớp lao động ở thành phố Gaza, nơi họ từng sống trước khi nhà bị phá hủy trong một cuộc không kích của Israel. Salwa không phải là người duy nhất "trằn trọc" về hoàn cảnh mà cô đã rơi vào từ 3 tháng qua : "Có nhiều người ở đây vẫn cứ ngỡ là đang xem một bộ phim kinh dị".

Nhật báo thiên tả thuật rằng có hàng trăm ngàn gia đình sống chen chúc trong các cơ sở của UNRWA. Trường học, văn phòng y tế hay nhà kho của cơ quan này hiện là nơi tạm trú của 1,4 triệu người trong tổng số khoảng 2 triệu người phải di dời, tức là gần như toàn bộ dân số Gaza. Những người đầu tiên đến đây như Salwa và gia đình thì được ở trong tòa nhà kiên cố có tường và trần nhà, và đây có thể coi là một đặc quyền. Bởi những người đến sau phải ở trong những căn lều khiêm tốn ngoài trời. Tại một số trung tâm tiếp nhận, người tị nạn thống nhất để cho phụ nữ và trẻ em được ở trong các tòa nhà kín, đàn ông ở trong các trại bên ngoài.

Nhưng tất cả đều sống trong những điều kiện tồi tệ và ngày càng xấu đi trong vòng 3 tháng qua. Họ thiếu mọi thứ và nhiều người đang bị đói, thực phẩm trở nên khan hiếm. Theo một nghiên cứu vào tháng 12 của tổ chức nhân quyền Euro-Med Human Rights Monitor, trụ sở tại Genève, Thụy Sỹ, khoảng 64% người dân Gaza thừa nhận phải ăn cỏ và các sản phẩm đã hết hạn sử dụng để "tồn tại" kể từ khi nổ ra xung đột. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thường xuyên lên án tình trạng nhân đạo "thảm khốc" ở dải Gaza và cảnh báo về "nạn đói tiềm tàng" và dịch bệnh gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Lạm dụng tình dục trong giới điện ảnh

Về lĩnh vực xã hội, trang nhất của nhật báo công giáo La Croix chú ý đến chủ đề bạo lực tình dục trong giới điện ảnh. Kể từ khi phong trào #MeToo bùng lên, Hollywood đã áp dụng các biện pháp mới để chống lại hiện tượng này. Tuy nhiên, 7 năm sau vụ bê bối Harvey Weinstein làm rúng động Hollywood, các chuyên gia điện ảnh vẫn nhận thấy nhiều "kẽ hở".

Sarah Ann Mass cho biết cô là "nạn nhân của Harvey Weinstein". 6 năm sau khi làn sóng #MeToo bùng nổ, nữ diễn viên này, một trong những người đầu tiên tố cáo "ông trùm Hollywood", đã nhận thấy những thay đổi rõ rệt của ngành điện ảnh Mỹ : "An ninh trong lúc quay phim đã được cải thiện rõ rệt, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm".

Malia Arrington, giám đốc Ủy ban Hollywood, cơ quan phòng chống những vi phạm trong ngành giải trí, cho biết : "Việc gia tăng số lượng chuyên viên phụ trách dàn dựng cảnh nóng trong phim là một bước tiến lớn". Những chuyên viên này nhận được rất nhiều lời đề nghị làm việc kể từ khi xảy ra vụ Weinstein, bảo đảm các diễn viên cảm thấy thoải mái khi quay những cảnh quan hệ tình dục hay khỏa thân.

Mia Schachter, một chuyên viên cảnh nóng từng làm việc cho các phim bộ như Perry Mason (HBO) hay Grey's Anatomy (ABC), cho biết : "Trước khi quay những cảnh âu yếm thân mật, chúng tôi làm việc trước với các diễn viên để mọi người nhất trí với nhau trước khi bấm máy quay".

Để ngăn chặn bạo lực tình dục, các khuyến nghị đã được các công đoàn đưa ra cách đây 5 năm : SAG-Aftra, đại diện cho các diễn viên, công bố quy tắc ứng xử kêu gọi các hãng phim tránh tổ chức các cuộc họp ở những nơi "có nguy cơ cao" như phòng khách sạn. Các công cụ mới (nền tảng báo cáo, đường dây nóng) cũng đã được các hiệp hội hoặc đoàn thể tạo ra để nạn nhân bị lạm dụng nhận được sự trợ giúp pháp lý hoặc trợ giúp tâm lý miễn phí.

Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp hiện hành, một số chuyên gia nhận thấy nhiều kẻ quấy rối tình dục vẫn không bị trừng phạt. Mặc dù một số diễn viên nổi tiếng như Johnny Depp hay Kevin Spacey đã ngay lập tức bị đưa vào danh sách đen sau khi bị cáo buộc có những hành vi lạm dụng tình dục, nhiều nhân vật khác chỉ bị cấm hành nghề trong thời gian ngắn.

Pháp : Tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm

Bài xã luận của nhật báo Le Monde báo động về việc tỷ lệ sinh đẻ của Pháp đang có dấu hiệu sụt giảm. Trong số các nước phát triển, cho tới nay Pháp là một ngoại lệ vì không nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ sinh đẻ giảm. Tuy nhiên, báo cáo nhân khẩu học năm 2023, do Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (INSEE) công bố hôm 16/01, có xu hướng cho thấy xứ lục lăng đang dần có hiện tượng này. Lần đầu tiên kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, số ca sinh được ghi nhận trong vòng 12 tháng tại Pháp đạt mức dưới 700.000 ca, giảm 20% so với năm 2010. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này : vấn đề về kinh tế, y tế, dịch vụ chăm sóc trẻ em khan hiếm, khủng hoảng nhà ở…

Phan Minh

Published in Quốc tế