Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiến tranh Ukraine : Phương Tây trước chiếc bẫy đàm phán của Putin

Le Monde ngày 03/01/2024 phân tích "Putin và chiếc bẫy đàm phán". Cuộc chiến đẫm máu kéo dài khiến không ít người ở phương Tây muốn thúc đẩy thương thảo. Nhưng những cuộc thương lượng với Putin xưa nay chưa bao giờ đạt kết quả, như Georgia (Gruzia) năm 2008 hay Donbass 2014. Kremlin chỉ lợi dụng để củng cố lực lượng trong lúc Ukraine không được viện trợ. Chính phương Tây phải tính toán xem cái giá nào cao hơn : chiến thắng hay thất bại của Ukraine.

putin1

Một tòa nhà ở Kiev bị hỏa tiễn Nga phá hủy, ngày 03/01/2024. AP - Efrem Lukatsky

Trận mưa hỏa tiễn và drone của Nga nhắm vào Ukraine ngay đầu năm mới

Le Monde  Les Echos cùng nói về chiến dịch tấn công mới trong mùa đông của Moskva. Năm mới đến với Ukraine không phải với pháo bông mà là một trận mưa hỏa tiễn và drone được Moskva gởi đến nhiều thành phố, trong đó có thủ đô Kiev, với 300 hỏa tiễn và trên 200 drone Shahed trong vòng chưa đầy năm ngày. Quân Nga đã thích ứng về chiến thuật. Giờ đây trước mỗi đợt bắn hỏa tiễn là một trận mưa drone, để khiến cho phòng không bị bão hòa và làm dự trữ đạn của Ukraine bị cạn kiệt.

Sau khi bắn sang 120 tên lửa hôm 29/12/2023, đợt oanh kích dữ dội nhất từ 22 tháng qua, quân Nga tiếp tục tấn công trong dịp năm mới. Đêm thứ Hai 01/01 rạng sáng 02/01, 99 hỏa tiễn và 35 drone lao xuống thành phố Kiev và Kharkiv, khoảng 20 tiêm kích MiG-31 và oanh tạc cơ Tupolev Tu-95, Tu-22 đã được sử dụng. Tổng thống Volodymyr Zelensky phẫn nộ tố cáo "quân Nga phi nhân" lại giết người.

Mùa đông năm ngoái Kremlin cũng cho tấn công ồ ạt vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine trong nhiều tuần lễ để gây khốn đốn cho người dân và mất đoàn kết trong xã hội. Nhưng lần này nhờ hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, NASAMS của Na Uy, l’IRIS-T của Đức và SAMP/T của Pháp-Ý, Kiev đã trụ được ; 72/99 hỏa tiễn Nga bị bắn hạ, cả 10 hỏa tiễn siêu thanh Kinjal đều bị phá hủy trong lúc đang bay. Tuy vậy khả năng bắn chận còn tùy thuộc vào số hệ thống được trang bị.

Điều đáng lo là Nga đã chuẩn bị rất kỹ, phối hợp nhiều loại vũ khí khác nhau : hỏa tiễn đạn đạo Kinjal từ trên không, hỏa tiễn hành trình Kalibr từ chiến hạm, Iskander từ đất liền, kể cả hỏa tiễn X-31P chuyên hủy diệt radar phòng không, tất cả theo những quỹ đạo khó đoán. Kiev kêu gọi viện trợ thêm phương tiện đối phó, tổng thống Volodymyr Zelensky nói : "Mỗi ngày, mỗi đêm, hàng trăm mạng sống lẽ ra đã bị tước đoạt nếu chúng tôi không có được Patriot và các hệ thống phòng không khác".

Hắc Hải không còn an toàn cho chiến hạm Nga

Ngược lại trên biển, ông Volodymyr Zelensky có thể chắc chắn một điều là Crimea và Hắc Hải "sẽ thành trọng tâm của cuộc chiến", trong bài trả lời The Economist được Le Monde trích dẫn. Cô lập bán đảo bị Nga chiếm đóng năm 2014, làm giảm sút năng lực quân sự của Hạm đội Nga nằm trong số các mục tiêu của Kiev trong năm 2024. Từ đầu cuộc xâm lăng, Ukraine đã nhiều lần ghi điểm qua việc phá hủy khoảng hai chục tàu chiến của Hạm đội Hắc Hải, trong đó có một tàu ngầm, các tàu đổ bộ và nhất là đánh chìm soái hạm Moskva. Nhiều cơ sở ở ba thành phố cảng Sevastopol, Novorossiysk, Feodosia đã bị hư hại.

Chuyên gia Russlan Pukhov của một cơ quan tư vấn thân Kremlin nói với Bloomberg : "Không một cảng nào ở Crimea là an toàn cho các chiến hạm Nga". Ông khẳng định Ukraine đã "trục xuất hạm đội" ra khỏi bán đảo. Vụ tấn công mới nhất của Ukraine đêm 26/12/2023 đã tiêu hủy một tàu đổ bộ lớn của Nga, chiếc Novocherkassk tại cảng Feodosia. Đến 74/77 thủy thủ trên tàu bị tử thương, có thể do một hay nhiều phi cơ tiêm kích Sukhoi của Ukraine dùng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow hoặc Scalp. Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy vụ nổ vô cùng mãnh liệt. Đó là do chiếc tàu bị đánh trong lúc đang đậu tại bến để dỡ xuống những drone Shahed và hỏa tiễn được vận chuyển đến.

Báo chí Mỹ thúc giục Kiev thương lượng

Trên bình diện ngoại giao, Le Monde phân tích "Putin và chiếc bẫy đàm phán". Cuộc xâm lăng của Nga bước vào năm thứ ba, là một cuộc chiến tranh tổng lực, khó khăn, tốn kém, đẫm máu cho cả hai bên và còn kéo dài. Tại Hoa Kỳ, sự nhiệt thành ủng hộ Ukraine giảm đi cùng lúc với làn sóng thân Trump, có những tiếng nói đòi ngưng bắn, nhất là Cộng hòa đang chận lại số viện trợ 60 tỉ đô la cho Kiev. Lý do rất đơn giản : Ukraine không thể thắng được về quân sự trước đối thủ đông gấp ba, tướng Valeri Zaluzhniy cũng đã nhìn nhận cuộc phản công không đạt mục đích. Vậy thì đổ nhiều tỉ đô la vào một cuộc chiến tiêu hao để làm gì ?

Trước Noël, một bài báo của New York Times cho biết Vladimir Putin đã bí mật thông qua các trung gian để tỏ ý sẵn sàng thương lượng ngưng bắn, với điều kiện ông ta có thể trình bày việc mở đàm phán như một chiến thắng đối với người Nga. Như vậy Putin có thể tự hài lòng với khoảng 20% lãnh thổ đã chiếm được của Ukraine. Nhiều bài viết khác trong những tuần qua đăng trên báo chí Mỹ hay các trang nghiên cứu địa chính trị cũng theo hướng này.

Một số lưu ý là trong chuyến thăm của tổng thống Volodymyr Zelensky hồi tháng 12, ông Joe Biden không còn nói sẽ hỗ trợ Ukraine lâu dài "cho đến khi nào còn cần thiết" mà "cho đến khi nào còn có thể". Tạp chí Politico cho rằng chiến lược của chính quyền Biden không còn là giúp Ukraine giành chiến thắng toàn diện, mà nhằm có ưu thế trong đàm phán. Nhà bình luận Serge Schmemann của New York Times cổ vũ Kiev không hình dung chiến thắng "chỉ về mặt lãnh thổ".

Thắng và bại, cái giá nào lớn hơn ?

Nhưng theo giáo sư Sam Greene của King’s College ở Luân Đôn, "Việc Putin ngỏ ý thương lượng không có nghĩa là ông ta muốn hòa bình", mà muốn "một cuộc chiến tranh có thể điều khiển". Một cuộc chiến không tạo ra phản ứng khó lường nơi dân Nga, gây nguy hiểm cho quyền lực Putin. Đây chính là cái bẫy mà những người chủ trương đàm phán không muốn nhìn ra.

Từ khi lên cai trị cách đây một phần tư thế kỷ, Vladimir Putin đã chứng tỏ tài năng mở ra những cuộc thương lượng không bao giờ đạt kết quả. Chẳng hạn như ở Genève sau cuộc xâm lăng Georgia năm 2008, hay "công thức Normandy" về Donbass năm 2014. Trong những năm dài thương thảo, cả Pháp lẫn Đức đều không viện trợ quân sự cho Ukraine, giúp Kremlin lợi được rất nhiều thời gian, vừa tiếp tục các hoạt động quân sự ở Ukraine vừa chuẩn bị cho cuộc xâm lược đại quy mô.

Người Châu Âu coi đàm phán là nghiêm túc, huy động những nhà ngoại giao giỏi nhất, tuân thủ các thể thức, nghĩ rằng thương thảo là để tiến đến hòa bình. Nhưng chiến tranh đa diện không biết đến hòa bình, và Vladimir Putin không hề biết thiện chí là gì. Đối với Putin, lợi ích là khi đang đàm phán phương Tây ngưng cung cấp vũ khí cho Ukraine và không áp dụng kinh tế thời chiến như ông ta.

Ruth Deyermond, một nhà nghiên cứu khác của King’s College tin rằng Nga không thể chiến thắng vì mục tiêu ban đầu là ảo tưởng, "thay vì phi quốc xã hóa Ukraine, Putin lại phát-xít hóa nước Nga". Ngược lại, Ukraine có thể thất bại, vì Putin không ngừng gây bất ổn. Phương Tây cũng vậy, vì đã bị Kremlin coi là kẻ thù. Như vậy chính phương Tây phải tự quyết định kháng cự hoặc đầu hàng. Và tính toán thử cái giá nào cao hơn : chiến thắng hay thất bại của Ukraine.

Lời cảnh cáo cho các thủ lãnh Hamas : Không chốn dung thân !

Liên quan đến cuộc chiến giữa Israel và Hamas, Le Figaro có bài xã luận mang tựa đề "Israel, trả thù và răn đe". Tổng thống Mỹ George W. Bush từng cho truy lùng đầu sỏ các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín, bất kể sống hay chết, với công thức ngắn gọn "Wanted dead or alive". Sau cú sốc ngày 07/10, kẻ thù bất cộng đới thiên của Israel mang tên Yahya Sinwar, kẻ chủ mưu và Mohammed Deïf, thủ lãnh nhánh quân sự của Hamas. Lần này kẻ địch không trốn trong các hang động ở Tora Bora hay khu vực bộ lạc của Pakistan, nhưng chỉ cách tòa tháp hiện đại của Bộ Quốc phòng Israel 70 kilomet, trong các địa đạo Gaza.

Benjamin Netanyahou thề sẽ tiêu diệt Hamas, phi quân sự hóa, phi cực đoan hóa Gaza nhưng sau ba tháng vẫn chưa đạt mục đích, trong khi rốc-kết của Hamas vẫn tiếp tục quấy phá Israel. Khi tiêu diệt được nhân vật số hai là Saleh al-Arouri tại Beyrouth hôm thứ Ba, Nhà nước Do Thái đã tiến hành vụ ám sát có chủ đích gây chấn động nhất, kể từ sau vụ Cheikh Yasin và Abdelaziz al-Rantissi, người sáng lập phong trào Hồi giáo và người kế nhiệm ở Dải Gaza vào đầu cuộc chiến Intifada thứ hai. Đây là lời cảnh cáo nghiêm khắc : ban lãnh đạo Hamas ở ngoại quốc không còn nơi nào an toàn để trú ẩn, trước cánh tay báo thù nối dài của Israel.

Mossad nối lại các vụ ám sát

Le Figaro nhận thấy "Với việc tiêu diệt Saleh al-Arouri, Mossad tái lập các vụ ám sát". Những năm sau vụ sát hại 11 vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich năm 1972, Mossad lao vào cuộc tìm kiếm những tác giả trực tiếp và gián tiếp. Từng người một, hơn một chục kẻ thủ ác đã bị trừ khử tại Châu Âu và các nước Ả rập trong chiến dịch "Sự phẫn nộ của Thượng Đế", kéo dài hơn 20 năm.

Danh sách đen còn kéo dài thêm : Atef Bseiso, phụ trách tình báo của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bị ám sát khi ra khỏi một khách sạn Paris năm 1992 sau khi được tình báo Pháp chính thức tiếpgay, gây giận dữ cho Pháp. Chiến dịch này còn là dịp để đặc nhiệm trẻ Ehoud Barak - sau này trở thành thủ tướng - cùng với đơn vị tiêu diệt ba viên chức Palestine ở Beyrut năm 1973. Sau khi Hamas ra đời năm 1987, đến lượt các thủ lãnh phe này bị nhắm đến vì đã khủng bố những chiếc xe buýt làm nhiều thường dân Israel thiệt mạng.

Sống ở nước ngoài cũng không thoát : hôm 20/01/2010 Mahmoud Abdel Raouf al-Mabhouh, được cho là có vai trò hàng đầu trong việc đưa vũ khí vào Gaza, bị điện giựt chết trong khách sạn ở Dubai. Các sát thủ của Mossad thường mang hộ chiếu Châu Âu. Bản thân Saleh al-Arouri, 57 tuổi, cũng không ảo tưởng về số năm còn sống tiếp, hồi tháng ông ta đã nói với Reuters là mình đã "sống được quá lâu". Không chỉ có Hamas, hôm thứ Hai một lãnh đạo cao cấp của Vệ binh Cách mạng Iran, Razi Moussavi đã bị "thanh lý" bằng một hỏa tiễn ở gần Damascus.

Nhân vật số hai bị Israel tiêu diệt : Bước ngoặt trong lịch sử Hamas

Le Monde cho rằng Israel đã ra một cú đòn rất lớn. Saleh al-Arouri là một trong những người có thể kế nhiệm Ismaïl Haniyeh, thủ lãnh nhánh chính trị Hamas ; trong khi cho đến nay Israel chỉ mới khử được một số chỉ huy cấp trung ở Gaza. Đây là bước ngoặt trong lịch sử Hamas.Theo nhà nghiên cứu Leila Seurat, Al-Arouri có uy tín cả ở West Bank (Cisjordanie) lẫn Lebanon, Yemen, Syria và Iraq ; là cầu nối giúp hòa giải giữa đảng Fatah của Mahmoud Abbas và các đơn vị Palestine khác. Israel cáo buộc Saleh al-Arouri vũ trang và điều khiển từ xa các nhóm ở Jenin, Naplouse và trong các trại tị nạn. Arouri là một nhân vật cực đoan đối với Israel, nhưng lại giúp đoàn kết các phe phái Palestine.

Theo Le Figaro, tuy việc trừng phạt các thủ phạm vụ thảm sát man rợ ngày 07/10 là chính đáng, nhưng sẽ là ảo tưởng nếu tin rằng diệt được một phong trào và ý tưởng đã bắt rễ sâu sắc trên lãnh thổ Palestine. Chiến dịch đánh vào thành trì của Hezbollah cũng ẩn chứa nguy cơ xung đột lan rộng trong khu vực.

Tổ chức thánh chiến Hồi giáo và đòn bất ngờ cho Iran

Vụ ám sát Saleh al-Arouri ngay tại thành trì của Hezbollah ở Beyrut đặt phe Hồi giáo Shia vào chân tường, khi lâu nay vẫn thận trọng tránh gây ra một cuộc chiến tổng lực chống lại Nhà nước Do Thái. Cái chết của nhân vật số hai Hamas xảy ra vào thời điểm mang tính biểu tượng là ngày giỗ của thủ lãnh Vệ binh Cách mạng Iran, Qasem Soleimani, bị drone Mỹ tiêu diệt ở Baghdad hôm 03/01/2020.

Bên cạnh đó, tại một Trung Đông đang sôi sục, vụ nổ hôm qua tại Kerman giết chết 84 người đến viếng mộ Soleimani - một nhân vật được nhiều người Iran tôn sùng - theo Libération đã đánh vào trung tâm của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Giáo chủ Khamenei và tổng thống Raissi hứa hẹn trừng phạt, nhưng thủ phạm là ai ? Các tổ chức đối lập không có khả năng, Israel không có lợi lộc gì trong vụ này và cũng không tấn công mù quáng vào đám đông. Libération cho rằng rất có thể là tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tin giờ chót cho biết phán đoán này là chính xác : tổ chức thánh chiến đã nhận trách nhiệm.

Thụy My

Published in Quốc tế

Cuộc xung đột tại Ukaine sắp sửa bước sang năm thứ ba. Trong vòng vài tháng qua, khu vực tiền tuyến dường như không có chuyển biến đáng kể, nhưng cuộc chiến tranh này sẽ thay đổi thế nào trong năm 2024 ?

uk1

Một binh sĩ Ukraine ở gần thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine

Tổng thống Volodomyr Zelensky đã thừa nhận cuộc tấn công mùa xuân của Ukraine đã không thành công như ông kỳ vọng. Nga vẫn kiểm soát được khoảng 18% lãnh thổ Ukraine.

Trong bài viết này, ba nhà phân tích quân sự chia sẻ với BBC nhận định của họ về diễn biến cuộc chiến tranh Ukraine trong 12 tháng tới.

1. Cuộc chiến sẽ kéo dài nhưng không vô thời hạn

Barbara Zanchetta, Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, Đại học King's College London

Viễn cảnh về một sự kết thúc cho cuộc chiến tranh Ukraine vẫn không có gì là sáng sủa. So với thời điểm này vào năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin mạnh hơn, xét theo khía cạnh chính trị hơn là quân sự.

Tình hình trên chiến trường vẫn không có gì rõ ràng. Gần đây, cuộc phản công mùa đông của Ukraine đã chấm dứt. Tuy nhiên, Nga cũng không đạt được đột phá nào. Hơn lúc nào hết, cục diện cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào những quyết định chính trị được đưa ra cách xa trung tâm cuộc xung đột hàng ngàn cây số - ở Washington và Brussels.

Tinh thần đoàn kết ấn tượng của Phương Tây trong năm 2022, và xuyên suốt năm 2023, giờ đây đang bắt đầu lung lay.

Gói viện trợ quốc phòng của Mỹ dành cho Ukraine đã bị đem ra làm món đổi chác - điều mà Tổng thống Biden đã gọi một cách chính xác là "nền chính trị nhỏ nhen" ở Washington. Và tương lai về một gói viện trợ kinh tế của EU dường như đang phụ thuộc vào lập trường bất thường của Hungary trong dài hạn.

Thái độ lưỡng lự ở các thủ đô Phương Tây đã khiến ý chí của Putin được củng cố. Sự xuất hiện công khai gần đây của ông và những tuyên bố hùng hồn cho thấy rằng miễn Putin còn muốn làm thì nước Nga sẽ vẫn theo đến cùng.

uk2

Trong bài phát biểu năm mới 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi tinh thần đoàn kết trong quân đội, nhưng không công khai đề cập đến cuộc chiến tranh tại Ukraine

Vậy thì, liệu Phương Tây sẽ có sức mạnh và độ bền để tiếp tục phản kháng chống Putin và tất cả những gì ông ta đại diện hay không ?

Quyết định của EU mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine và Moldova không chỉ có ý nghĩa biểu tượng. EU công khai muốn tiếp tục hậu thuẫn Kyiv, khi một tương lai về tư cách thành viên trong EU dành cho Ukraine sẽ không thể xảy ra nếu Nga có được chiến thắng toàn diện.

Tại Washington, chuyện đảo ngược hoàn toàn chính sách là điều khó xảy ra.

Dù nhiều người cho rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ đối diện với thời khắc cáo chung khi mà tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Donald Trump gia tăng trong các cuộc thăm dò, nhưng có thể thấy, dù từng rất màu mè phô trương, cựu Tổng thống đã không rút Mỹ khỏi NATO vào năm 2016. Và một mình ông sẽ không thể làm một cuộc cách mạng để thay đổi mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương của Mỹ vốn đã kéo dài trong 75 năm được.

Nói vậy không có nghĩa rằng các rạn nứt gần đây trong nội bộ Phương Tây là không đáng kể. Đối với Phương Tây, và cũng như với Ukraine, năm 2024 sẽ khó khăn hơn.

Đối với các nền dân chủ, việc đạt được đồng thuận dài hạn cho chiến tranh luôn phức tạp hơn so với các nền chuyên chế vốn không phải chịu trách nhiệm giải trình nào.

Và dù có khả năng cuộc chiến tranh Ukraine sẽ kéo dài hết năm 2024, không có nghĩa nó sẽ kéo dài vô thời hạn.

Với việc Nga đang vững tin hơn nhờ sự chần chừ của Phương Tây, và trong hoàn cảnh không xảy ra một cuộc đảo chính hoặc một vấn đề sức khỏe khiến ông Putin chết, chỉ có thể dự đoán rằng sẽ có một sự dàn xếp qua thương lượng, điều mà cả đôi bên hiện nay đều bác bỏ.

2. Một năm củng cố sức mạnh

Michael Clarke, cựu Tổng Giám đốc Viện Royal United Services Institute

Cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine năm 2022 cho thấy một cuộc chiến tranh lớn đã quay trở lại lục địa Châu Âu. Diễn biến cuộc xung đột năm 2023 đã đánh dấu một thực tế là chiến tranh kỷ nguyên công nghiệp hóa cũng đã quay trở lại.

Chiến tranh thời công nghiệp hóa đẩy phần lớn, trong một số trường hợp là toàn bộ các nền kinh tế, vào việc sản xuất trang thiết bị phục vụ chiến tranh vốn được coi là ưu tiên. Ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2021 và sẽ ngốn 30% chi tiêu chính phủ vào năm sau.

Điều này sẽ khiến cuộc chiến tranh ở Ukraine kéo dài lâu hơn và gây ra những tổn thương về kinh tế hơn bất kỳ điều gì mà Châu Âu đã biết đến kể từ giữa thế kỷ 20. Năm 2024 sẽ cho thấy Nga - và hai nước cung cấp vũ khí Bắc Hàn và Iran - hay Ukraine - và các quốc gia ủng hộ từ Phương Tây - có đủ năng lực đáp ứng rất nhiều yêu cầu của dạng chiến tranh thời kỳ công nghiệp.

Sẽ là sai lầm khi nói rằng các khu vực tiền tuyến ở Ukraine đã rơi vào thế bế tắc, thực ra cả hai bên đều đủ sức cầm cự để tìm cách giành được những mục tiêu chiến lược.

Quân Nga có thể sẽ lại tìm cách tấn công trên toàn mặt trận, ít nhất là nhằm giữ vững toàn bộ vùng Donbas. Ukraine có thể sẽ ra sức khai thác thành công mà họ đạt được trong việc tái kiểm soát vùng tây Biển Đen và hành lang thương mại quan trọng dẫn đến eo biển Bosphorus.

Có thể Kyiv cũng sẽ tìm cách gây ra một số bất ngờ về quân sự cho quân xâm lược Nga, từ đó đánh bật đối phương ra khỏi một số khu vực.

Nhưng xét về bản chất, năm 2024 sẽ là năm củng cố sức mạnh cho cả Kyiv và Moscow.

Nga thiếu trang thiết bị và nhân lực được huấn luyện nên chưa thể tiến hành một cuộc tấn công chiến lược ít nhất là cho đến mùa xuân năm 2025.

uk3

Một binh sĩ Ukraine sử dụng súng phóng lựu trên tuyến đầu Avdiivka, vùng Donbas

Trong khi đó, Ukraine cần sự hỗ trợ về quân sự và tài chính của Phương Tây để tiếp tục chiến đấu trong năm 2024, cùng lúc phải tăng cường quân lực để tạo điều kiện cho một loạt các cuộc tiến công giải phóng trong tương lai.

Chiến tranh kỷ nguyên công nghiệp hóa là cuộc chiến giữa các xã hội. Chuyện xảy ra trên chiến trường thực ra chỉ là triệu chứng của cuộc chiến đó.

Diễn biến quân sự trong cuộc chiến tranh năm 2024 sẽ được định đoạt tại Moscow, Kyiv, Washington, Brussels, Bắc Kinh, Tehran và Bình Nhưỡng hơn là tại các thành phố của Ukraine như Avdiivka, Tokmak, Kramatorsk hay bất kỳ chiến trường giao tranh ác liệt nào dọc theo khu vực tiền tuyến.

3. Ukraine sẽ gây sức ép lên Nga quanh Crimea

Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy, Lục quân Mỹ tại Châu Âu

Nga thiếu sức mạnh đột phá và quyết định để đè bẹp Ukraine và sẽ làm những gì có thể tại các vùng lãnh thổ đã chiếm đóng, tận dụng thời gian để củng cố phòng thủ trong khi hy vọng Phương Tây sẽ đánh mất ý chí tiếp tục hậu thuẫn cho Ukraine.

Nhưng Ukraine sẽ không dừng lại. Ukraine đang trong cuộc chiến sống còn và hiểu điều mà Nga sẽ làm nếu họ dừng lại. Thêm nhiều quốc gia Châu Âu hiện đang bàn về yêu cầu gia tăng viện trợ trước quan ngại rằng Mỹ đang giảm ý chí.

Tuy nhiên, tôi dự đoán vào đầu năm 2024, Mỹ sẽ khám phá lại xương sống chiến lược của mình và thông qua gói viện trợ cho Ukraine, vốn đã bị hoãn tại Quốc hội vào tháng 12/2023.

Vì vậy, tôi dự đoán Ukraine sẽ thực hiện những điều này trong các tháng tiếp theo để giành lại ưu thế :

- tái thiết các đơn vị đã bị suy yếu sau nhiều tháng giao chiến, vốn sẽ rất cần thiết cho một cuộc tiến công mới ;

- cải thiện hệ thống tuyển quân bên trong Ukraine để tận dụng tối đa sức mạnh nhân lực sẵn có ;

- gia tăng sản xuất đạn dược và vũ khí ;

- cải thiện khả năng chiến đấu chống lại năng lực tác chiến điện tử mạnh của Nga - như phá sóng, can thiệp và định vị.

Đầu mùa hè năm nay, Ukraine sẽ có thể lần đầu sử dụng các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo, hy vọng sẽ giúp cải thiện khả năng đối phó với các chiến đấu cơ của Nga và củng cố hệ thống phòng không.

Khu vực quan trọng mang tính chiến lược nhất ở Ukraine vẫn còn do Nga chiếm đóng là bán đảo Crimea, mà chúng ta gọi là "địa bàn quyết định".

Ukraine sẽ làm tất cả những gì có thể để gây áp lực cho phía Nga tại đây, để quấy rối lực lượng hải quân Nga tại căn cứ Sevastopol, cũng như vài căn cứ không quân ở đấy và căn cứ hậu cần tại thị trấn Dzankoy.

Họ đã chứng tỏ được điều này. Với chỉ ba tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp, quân đội Ukraine đã khiến Tư lệnh Hạm đội Biển Đen rút một phần ba lực lượng ra khỏi Sevastopol.

Ukraine đương nhiên không có nguồn lực vô hạn, đặc biệt xét về đạn pháo và các vũ khí chuẩn xác tầm xa.

Nhưng quân Nga thì lại trong tình trạng tệ hơn. Cuộc chiến tranh là một phép thử ý chí và một phép thử về hậu cần. Hệ thống hậu cần tại Nga dễ bị tác động và hiện đang chịu các áp lực thường trực liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.

Nguồn : BBC, 02/01/2024

Published in Diễn đàn

Đổi chiến thuật tấn công Ukraine : Nga có đủ tiềm lực oanh kích ồ ạt lâu dài ?

Thu Hằng, RFI, 03/01/2024

Trong vòng 5 ngày, Nga bắn gần 300 tên lửa và hơn 200 drone Shahed mang chất nổ vào Ukraine. Chiến dịch tấn công mùa đông được phát động sáng 29/12/2023 với khoảng 120 tên lửa ồ ạt nhắm vào các thành phố lớn Ukraine khiến hơn 30 người thiệt mạng. Ukraine đón hai ngày đầu năm 2024 dưới làn tên lửa và drone, trong đó có 99 tên lửa nhắm vào hai thành phố Kiev và Kharkiv sáng 02/01.

nga1

Một vụ nổ quan sát thấy trên bầu trời Kiev, trong đợt Nga tập kích ồ ạt tên lửa và drone vào thủ đô Ukraine, ngày 02/01/2023. Reuters – Gleb Garanich

Căn cứ vào tuyên bố của tổng thống Vladimir Putin, Nga sẽ "tăng cường độ" tấn công. Chiến tranh sẽ còn kéo dài chừng nào chính quyền Zelensky chưa bị "hạ bệ" vì theo ông Putin, "Ukraine không phải là kẻ thù" theo đúng nghĩa, chính quyền Kiev bị phương Tây sử dụng để "giải quyết vấn đề của họ" với Nga.

Nga tìm cách bào mòn hệ thống phòng không Ukraine

Giới chuyên gia, được nhật báo Pháp Le Monde trích dẫn, nhận định Ukraine khó đối phó được chiến dịch oanh kích mùa đông lần này của Moskva do quân đội Nga đã điều chỉnh chiến thuật để thích ứng với năng lực phòng thủ địa đối không của Ukraine, đặc biệt là với các hệ thống phòng không tối tân được phương Tây viện trợ.

Trả lời RFI tiếng Pháp ngày 02/01, Ulrich Bounat, nhà nghiên cứu cộng tác viên tại Open Diplomacy, phân tích :

"Dường như Nga đã quyết định thay đổi cách đánh, cùng lúc tấn công ồ ạt bằng tên lửa và drone với mục đích là làm bão hòa hệ thống phòng không Ukraine và như vậy tăng thêm cơ hội đạt được mục tiêu cho phía Nga. Song song đó là ý đồ phóng drone hàng đêm sang Ukraine vì chi phí không qua đắt và buộc hệ thống phòng không Ukraine luôn trong tình trạng căng thẳng".

Ngoài ra, theo François Heisbourg, cố vấn tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, chiến thuật phối hợp "drone đi trước mở đường cho tên lửa" còn "buộc quân đội Ukraine bắn những vật thể ít có lợi hơn và bỏ qua những vật thể nguy hiểm nhất".

Ngoài chiến thuật tấn công mới, Nga đã chuẩn bị tốt hơn các cuộc tấn công, "huy động các loại vũ khí có trong kho của họ", theo cáo buộc ngày 30/12/2023 của tổng thống Ukraine và từ mọi phía. Trong loạt oanh kích Ukraine đêm 01 rạng sáng 02/01, Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo Kinjal phóng từ trên không, tên lửa hành trình Kalibr bắn từ ngoài khơi, tên lửa Iskander bắn từ mặt đất… Bốn tên lửa hành trình X-31P, được thiết kế chủ yếu phá hủy các loại radar của hệ thống phòng không đối phương, cũng được phát hiện, trong đó có nhiều tên lửa "tự điều chỉnh" với lộ trình ngẫu nhiên để trúng mục tiêu nên rất khó bắn chặn.

Oanh kích ồ ạt Ukraine : "Cung" đáp ứng được "cầu" ?

Liệu Moskva có đủ tiềm lực để tiếp tục tấn công quy mô lớn như vậy không ? Chính quyền Nga đã tăng khả năng công nghiệp, chuyển sang nền kinh tế chiến tranh để sản xuất thêm tên lửa và vũ khí, dù bị thiếu nhân lực có tay nghề, thiếu nguyên liệu và bị phương Tây trừng phạt. Theo chính quyền Kiev, Moskva có lẽ còn khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình và có thể sản xuất khoảng 100 quả mỗi tháng, trong đó có tên lửa Kalibr và Kh-101.

Tuy nhiên, chuyên gia Ulrich Bounat nghi ngờ về khả năng Nga duy trì cường độ tấn công cao : "Nga không đủ khả năng tiếp tục bắn hàng trăm tên lửa hàng đêm dù đã tích lũy trong những tuần và những tháng gần đây. Đúng là "xu hướng trong mùa đông này" là có những cao điểm Nga ồ ạt phóng tên lửa cùng lúc với drone Shahed trong vài đêm để tiếp tục bào mòn hệ thống phòng không. Nhưng ngược lại, kiểu tấn công với vài trăm tên lửa này là việc mà Nga khó có thể duy trì ở cường độ cực cao".

Tấn công ồ ạt trong thời gian dài có lẽ cũng không phải là kế hoạch của tổng thống Putin, mà mục đích chính, theo chuyên gia Heisbourg, là "Nga cố làm cạn kiệt nhanh chóng khí tài phòng không mà Ukraine đã được viện trợ, vào lúc Mỹ không thể giao thêm vũ khí do Quốc Hội chặn mọi khoản viện trợ quân sự mới cho Kiev". Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu cũng bế tắc về khoản viện trợ mới do Hungary phản đối.

Có lẽ vì vậy, chính phủ Ukraine khẩn thiết đề nghị phương Tây cung cấp vũ khí bởi vì cạn kiệt tên lửa phòng không sẽ là thảm kịch cho Ukraine. Tổng thống Zelensky sẽ phải rút quân khỏi nhiều vùng chiến tuyến để ưu tiên bảo vệ thủ đô Kiev và như vậy sẽ để cho chiến đấu cơ Nga có cơ hội oanh kích hoặc yểm trợ các đợt tiến quân, trong khi Ukraine vẫn chưa sử dụng được F-16 do phương Tây viện trợ. 

Thu Hằng

*************************

Kiev muốn khẩn cấp có thêm vũ khí sau loạt tấn công ồ ạt của Nga

Thu Hằng, RFI, 03/01/2024

Thường dân Nga và Ukraine trở thành nạn nhân trong những loạt tấn công "ăn miếng trả miếng" trong những ngày gần đây. Sáng 03/01/2024, hai vùng biên giới Belgorod và Kursk của Nga, cùng với bán đảo Crimea bị Moskva sáp nhập đã bị Ukraine oanh kích, chỉ một ngày sau vụ oanh kích ồ ạt của Nga nhắm vào Kiev và Kharkiv. Chính quyền Kiev kêu gọi đồng minh viện trợ khẩn cấp thêm vũ khí.

nga2

Một tòa nhà tại thủ đô Kiev, Ukraine, bị trúng tên lửa Nga, ngày 02/01/2024. AP - Evgeniy Maloletka

Ngày 03/01, ngoại trưởng Ba Lan đã kêu gọi phương Tây trang bị cho Ukraine tên lửa tầm xa, được ông nhấn mạnh là "ngôn ngữ mà Putin hiểu", để đáp trả những loạt tấn công ồ ạt của Nga. Theo AFP, chiến lược tấn công ồ ạt của Nga trong những ngày gần đây đã được chánh văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak thảo luận với cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan, cũng như "tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống phòng không Ukraine".

Phía thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định Luân Đôn "sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraine" trong năm 2024, trong đó có việc giao thêm vũ khí cho Kiev. Ngoại trưởng Đức lên án các vụ tấn công ồ ạt của Nga và khẳng định Berlin "sát cánh với nhân dân Ukraine chừng nào họ còn cần chúng tôi".

Trên mạng X (trước là Twitter) ngày 02/01, cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk kêu gọi phải có "những biện pháp giảm căng thẳng ngay lập tức, bảo vệ thường dân và tôn trọng luật pháp quốc tế". Số thường dân Ukraine thiệt mạng trong loạt oanh kích gần nhất hôm 02/01 của Nga để trả đũa vụ oanh kích của Ukraine nhắm vào vùng Belgorod, đã lên thành 5 người và 130 người bị thương.

Chính quyền Moskva khẳng định chỉ nhắm vào những cơ sở quân sự của Ukraine và toàn bộ mục tiêu đã "bị phá hủy" nhờ vào tên lửa tầm xa và drone mang chất nổ. Tuy nhiên, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraine Rustem Umerov lên án Nga "cố tình nhắm đến nhiều công trình hạ tầng trọng yếu và khu dân cư". Trong buổi điểm tin hàng ngày tối 02/01, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Nga đã bắn gần 300 tên lửa và hơn 200 drones tự sát Shahed vào Ukraine trong vòng chưa đầy một tuần, kể từ ngày 29/12/2023.

Phía Moskva cũng thừa nhận tấn công nhầm làng Petropavovka, ở vùng Voronej của Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 150 km. Trên mạng Telegram, thống đốc vùng cho biết "không có người bị thương nhưng 7 tòa nhà bị phá hủy" do "đạn dược được chở trên một máy bay của Không quân bị nổ" hôm 02/01.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 03/01/2024

Published in Quốc tế

Cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine sắp bước sang năm thứ ba. Quân đội Nga không giành chiến thắng sau một cuộc can thiệp ngắn, nhưng cũng không thảm bại như hy vọng của những người ủng hộ cuộc kháng chiến của Ukraine. Trong năm 2024 này, giới quan sát chỉ ra nhiều yếu tố cho phép tổng thống lạc quan về khả năng duy trì được thế thượng phong, tuy không có khả năng giành được thắng lợi quyết định.

putin1

Tổng thống Nga Putin tại điện Kremlin vào thời điểm phát động chiến tranh chống Ukraine, Moskva, Nga, tháng 2/2022. © via Reuters - Sputnik

Tuần báo Pháp L’Express cuối năm có chương trình giới thiệu về chủ đề này với tiêu đề "Vladimir Putin : 2024 phải chăng là năm của mọi thắng lợi với chủ nhân điện Kremlin ?". L’Express tổng hợp bốn lý do chính khiến ông Putin có thể lạc quan.

Đè bẹp đối lập trong nước

Thứ nhất là về mặt đối nội. Tháng 12 vừa qua, người cầm quyền tại Nga từ 23 năm nay thông báo sẽ ra tái ứng cử tổng thống vào tháng 3/2024. Việc ông Putin thay đổi Hiến pháp Nga cho phép chủ nhân điện Kremlin cầm quyền đến năm 2036, và nếu điều này xảy ra thì thời gian trị vì của Putin sẽ vượt quá nhà độc tài Stalin. Putin không lo thất cử tại một đất nước mà xã hội dân sự hoàn toàn bị bị miệng. Tất cả các nhà đối lập chủ chốt đều đã phải chạy ra nước ngoài, hoặc trong tù, như Alexei Navalny, đối thủ số một của Putin. 

Hậu thuẫn phương Tây giảm, chiến tranh Cận Đông, và viễn cảnh Trump trở lại

Về mặt quốc tế, có ba yếu tố có lợi cho tổng thống Nga. Thứ nhất là cuộc phản công của Ukraine bị dậm chân tại chỗ, hậu thuẫn quân sự của phương Tây cho Kiev bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm mạnh, với ngăn căn của phe đối lập tại Mỹ, và tại Châu Âu, cho dù đàm phán Ukraine gia nhập Liên Âu đã được mở, nhưng lập trường của quốc gia thành viên Liên Âu Hungary có thể khiến hậu thuẫn cho Ukraine bị suy yếu.

Cuộc chiến tại Cận Đông giữa Israel và tổ chức Hamas, bùng lên từ ngày 07/10 năm ngoái, hứa hẹn sẽ kéo dài trong năm nay. Cuộc chiến tranh tàn khốc, và chưa có lối ra này, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, có thể làm suy giảm mạnh mẽ sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev, cũng như làm sụt giảm thiện cảm với phương Tây tại nhóm các quốc gia phương Nam. Cuộc chiến Israel – Hamas với các đồng minh của tổ chức Hồi giáo Palestine đặc biệt làm gia tăng sự đối đầu trong chính giới Hoa Kỳ, giữa một bên muốn dồn sự ủng hộ cho Israel và bên kia muốn tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Theo nhiều nhà quan sát, viễn cảnh cựu tổng thống Donald Trump – người được coi là có lập trường mềm mỏng với Nga - chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới là điều mà lãnh đạo Nga Putin nóng lòng trông đợi.

Chế độ Putin siết chặt quyền kiểm soát nước Nga, hậu thuẫn quân sự phương Tây cho Ukraine sụt mạnh, chiến tranh Cận Đông kéo dài và lan rộng, Donald Trump trở lại nắm quyền. Tất cả những yếu tố trên được L’Express ví với điều tạm gọi là "các điều kiện thiên thời địa lợi" đồng loạt hội tụ cho phép tổng thống Nga lạc quan.

Kinh tế thời chiến Nga

Nhật báo Pháp Le Figaro cuối năm cũng có bài phân tích nhan đề "Điều khiến Vladimir Putin lạc quan về năm 2024’’, bên cạnh các yếu tố nói trên, có thêm ghi nhận là nền kinh tế chiến tranh của Nga hiện nay đang vận hành hết tốc lực là một yếu tố khác giúp cho ông Putin có khả năng duy trì được thế thượng phong tại Ukraine trong năm 2024 này. Nền kinh tế thời chiến của Nga đã tỏ ra có khả năng kháng cự mạnh trước các trừng phạt quốc tế, và cho thấy các kết quả tốt hơn dự kiến, đặc biệt do giá cả dầu mỏ gia tăng, cho dù về mặt cấu trúc, kinh tế Nga đang thời vào tình trạng "mất cân bằng sâu sắc".

Le Figaro cũng tóm lược về thái độ lạc quan thể hiện khá rõ của tổng thống Nga. Ngược hẳn lại với trước mùa hè vừa qua, khi quân đội Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công với tương lai chưa rõ ràng, tổng thống Nga sẽ giờ đây dường như đã tự tin hơn, các đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân được đưa ra ít hơn nhiều. Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovava, điều hành trang mạng Politik.ru, ông Putin tự tin là "ở thế thượng phong so với đối thủ, thượng phong về mặt quân sự đối diện với Ukraine, và thượng phong về mặt đạo lý, lịch sử và chính trị khi đối diện phương Tây".

Ác mộng tổng động viên và "binh biến Wagner" lùi xa

Mùa thu năm 2022, ông Putin đã buộc phải tiến hành đợt động viên binh sĩ quy mô lớn sau thất bại trong cuộc phản công đầu tiên của Ukraine. Đợt động viên đã khiến hàng trăm nghìn người Nga chạy ra nước ngoài để tránh bị đưa sang chiến trường Ukraine. Ngay trước cuộc phản công thứ hai của quân đội Ukraine, điện Kremlin phải đối mặt với "cuộc binh biến" chưa từng có, của lãnh đạo công ty lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, vốn một thời là tay chân thân tín của tổng thống Nga. Giờ đây, Yevgeny Prigozhin đã bị loại trừ. Điện Kremlin không phải tiến hành thêm đợt động viên lần thứ hai. Theo Moskva, quân số Nga tại các chiến trường Ukraine hiện tại lên đến hơn 600.000, tức gấp đôi so với số lượng hơn 300.000 quân bị loại khỏi vòng chiến đấu trong gần hai năm chiến tranh, theo một số nguồn tin phương Tây.

Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovava, lãnh đạo Nga tin tưởng năm 2023 là "một bước ngoặt trong cuộc chiến tranh chống Ukraine", cả Kiev cũng như phương Tây đều không có khả năng thay đổi cục diện trên chiến trường "bằng các phương tiện quân sự". Cuối tháng 12/2023, trong một cuộc họp báo (ngày 14/12), lãnh đạo Nga đã có thái độ "bình thản đáng kinh ngạc", khác hẳn với thông thường. Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovava, tổng thống Nga tìm kiếm "một giải pháp chính trị" với Mỹ trong việc tìm giải pháp cho xung đột.

"Chiến tranh dài hơi, cường độ thấp" hướng đến lật đổ chính quyền dân cử Ukraine

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, thế thượng phong của nước Nga Putin trên chiến trường Ukraine chỉ là tương đối. Trên L’Express, nhà báo, nhà địa chính trị Frédéric Encel nhấn mạnh đến triển vọng thắng lợi hạn chế của tổng thống Nga : "Nhìn chung, nếu thế trận dừng ở đây Putin coi là đã giành được chiến thắng. Tuy nhiên, nếu là chiến thắng, thì đó là một chiến thắng mang tính chiến thuật, chứ không phải chiến lược. Thắng lợi về chiến thuật là bởi ông ta đã chiếm được 20% lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, cần thấy rằng mục tiêu chiến lược của Putin không dừng ở đây. Mục đích của ông ta là thay Zelensky, thế vào đó là một lãnh đạo bù nhìn, và như vậy Moskva sẽ kiểm soát toàn bộ Ukraine. Tuy nhiên từ đây đến đó còn xa. Đây là một cuộc chiến dài hơi, và với cường độ thấp".

Không lật đổ được chính quyền của tổng thống Zelensky, ông Putin không thể biến thắng lợi chiến thuật thành thắng lợi chiến luợc. Đàm phán để tìm giải pháp thỏa hiệp giữa điện Kremlin và chính quyền dân cử Kiev là điều bất khả, bởi theo theo nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, đối với Putin, dường như điều kiện tiên quyết cho mọi thương lượng trực tiếp là Zelensky phải ra đi.

Le Figaro cũng trong bài phân tích nói trên chỉ ra hàng loạt yếu tố khác thách thức tham vọng của tổng thống Nga. Nền kinh tế Nga bị các trừng phạt phương Tây cắt đứt với hàng loạt công nghệ mũi nhọn và nhiều mảng của hệ thống tài chính toàn cầu. Các "đối tác" phương Nam của Nga, như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil… "còn xa mới chọn bên đứng về phía Nga (và Trung Quốc) chống lại phương Tây". Năm 2024 cũng sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của tổng thống Nga trong các hoạt động quốc tế khi điện Kremlin phải đối mặt với vấn đề đau đầu liên quan đến các di chuyển ra nước ngoài của người đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã về tội ác chiến tranh.

Ẩn số Trung Quốc và lời hứa "5 năm chiến tranh" của Putin với Tập Cận Bình

Một ẩn số tương đối ít được nói tới trong viễn cảnh tương lai của Nga trong cuộc can thiệp quân sự tại Ukraine là vai trò của Trung Quốc. Những ngày cuối năm 2023, truyền thông quốc tế loan tải thông tin về một cam kết của tổng thống Nga Putin trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc hồi tháng 3/2023, trong đó ông Putin cam kết sẽ duy trì cuộc chiến tranh tại Ukraine trong 5 năm, và bảo đảm sẽ giành thắng lợi cuối cùng (bài "Duy trì 5 năm chiến tranh tại Ukraine : Putin hứa với Tập Cận Bình", Nikkei Asia, ngày 28/12/2023). Tiến hành "một cuộc chiến tranh dài hơi với cường độ thấp", để hướng đến mục tiêu lật đổ chính quyền dân cử Ukraine, chứ không phải các đàm phán thỏa hiệp, dường như là mục tiêu thực sự của điện Kremlin. Bắc Kinh sẽ ứng xử ra sao với mục tiêu chiến lược nói trên của tổng thống Nga là câu hỏi còn để ngỏ.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Năm 2024 : Nga tăng cường oanh kích, Ukraine lui về thế thủ

Florent Parmentier, Minh Anh, RFI, 02/01/2024

Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga sắp bước sang năm thứ ba. Vào những ngày đầu năm 2024, Nga không giảm cường độ các cuộc oanh kích nhắm vào Ukraine, đặc biệt là thủ đô Kiev. Nguyên thủ hai nước còn có những lời dọa dẫm nhau trong các phát biểu đầu năm.

uk1

Thủ đô Kiev của Ukraine sau cuộc oanh kích Nga sớm ngày 02/01/2024. AP - Efrem Lukatsky

Vào lúc quân đội Nga bắt đầu lấy lại sự năng động, quân đội Ukraine buộc phải xem lại chiến lược của mình sau khi cuộc phản công không đạt được sự đột phá như mong đợi nhằm chiếm lại vùng biển Azov. Hiện nay, Ukraine đối mặt với hai vấn đề nan giải : Thiếu quân và vũ khí. Đạn dược, tên lửa, drone… chi viện từ phương Tây giảm dần.  

Trả lời ban tiếng Pháp đài RFI, nhà nghiên cứu Florent Parmentier, tổng thư ký tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị trường Đại học Khoa học Chính trị Sciences Po (Cevipof), phân tích tiến triển cuộc chiến trong năm 2024 :

"Nhìn vào thất bại của cuộc phản công Ukraine, vấn đề đặt ra hiện nay đối với Nga là phải biết nên tiếp tục tấn công ở đâu và nếu có thành công, làm thế nào khai thác những thành công đó. Từ quan điểm này, người ta nhận thấy, nếu quân Ukraine tiếp tục tấn công sẽ là phức tạp và do vậy, họ đã ngừng chiến dịch, đơn giản chỉ vì cuộc phản công này đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. 

Vấn đề đặt ra cho năm 2024 sẽ không phải là một cuộc phản công mới của Ukraine mà là khả năng nước này chống lại các cuộc tấn công mới của Nga. Trong bối cảnh này, ông Vladimir Putin chắc chắn sẽ có ý định tăng cường oanh kích nhằm làm cho tiềm năng sản xuất kinh tế và công nghiệp của Ukraine rệu rã, tốt nhất là làm cho nền kinh tế, công nghiệp Ukraine suy yếu tối đa, cho đến một thời điểm mà quân đội Nga cho rằng cuộc tấn công phải được tiến hành trên lãnh thổ Ukraine". 

Minh Anh

*************************

Ukraine : Nga tấn công bằng tên lửa vào Kiev và Kharkiv

Thanh Phương, RFI, 02/01/2023

Quân đội Nga sáng nay, 02/01/2024, đã mở một loạt cuộc tấn công từ trên không vào Ukraine, phóng nhiều tên lửa vào thủ đô Kiev và thành phố Kharkiv ở miền đông. Còi báo động đã vang lên trên toàn lãnh thổ Ukraine do mối đe dọa từ các oanh tạc cơ của Nga. 

uk2

Nga oanh kích Kiev sáng sớm ngày 02/01/2023. AP - Efrem Lukatsky

Những vụ tấn công ồ ạt bằng tên lửa diễn ra một ngày sau khi tổng thống Vladimir Putin đe dọa gia tăng oanh kích vào Ukraine để trả đũa vụ Ukraine oanh tạc với quy mô chưa từng có vào thành phố Belgorod của Nga hôm thứ Bảy tuần trước, khiến 25 người chết và hơn 109 người bị thương. 

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan tường trình : 

Từ khoảng 7 giờ 30 sáng, tại khu vực thủ đô Kiev đã vang lên nhiều tiếng nổ, tiếng súng phòng không, tiếng tên lửa bị bắn chặn, tạo nên những chấn động làm rung chuyển các bức tường và cửa sổ các tòa nhà. 

Ít nhất đã có khoảng hơn 10 vụ nổ lớn, nhưng hiện giờ chưa thể biết được bao nhiêu tên lửa đã bị bắn chặn và bao nhiêu tên lửa đã bắn trúng đích. 

Rất có thể đó là những tên lửa siêu thanh Kinjal được bắn từ các oanh tạc cơ của Nga, bởi vì vào cuối đêm qua, hoạt động của 16 máy bay đã được ghi nhận. 

Đến giờ này, báo động vẫn được duy trì, chúng tôi đang nhận được những thông tin đầu tiên về những thiệt hại. Một tòa nhà đã bị bắn trúng, khiến 10 người bị thương. Ở vùng ngoại ô Kiev, một siêu thị và các kho hàng đã bốc cháy. Chắc phải nhiều tiếng đồng hồ nữa mới có thể thẩm định được thiệt hại vật chất cũng như thiệt hại nhân mạng

Nhưng điều đáng nói là điện đã bắt đầu bị cúp tại 4 quận của thủ đô Ukraine, và ở một số nơi trong Kiev, mạng Internet không ổn định, cho thấy là các cơ sở hạ tầng năng lượng đã bị tấn công. 

Theo thống kê mới nhất của chính quyền Ukraine, ít nhất có 4 thường dân đã thiệt mạng và hơn 90 người bị thương trong các cuộc oanh kích hôm nay, chủ yếu ở Kiev và Kharkiv. Hơn 250.000 người bị cúp điện ở Kiev sau các cuộc oanh tạc. Còn quân đội Ukraine thì khẳng định quân Nga đã phóng tổng cộng 99 tên lửa, trong đó có 72 tên lửa đã bị bắn hạ.

Thanh Phương

************************

Zelensky cam kết "nghiền nát" quân Nga tại Ukraine, Putin tuyên bố Nga "không lùi bước"

Trọng Thành, RFI, 01/01/2024

Trong bài diễn văn đầu năm mới, 01/01/2024, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định quyết tâm đẩy lùi quân xâm lược Nga. Về phần mình, lãnh đạo Nga Vladimir Putin tuy hoàn toàn tránh nhắc đến "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, nhưng nhấn mạnh đến "toàn xã hội Nga đoàn kết" đằng sau "những người lính trên tuyến đầu".

uk3

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đọc diễn văn vào đêm giao thừa ở Kiev, Ukraine, ngày 31/12/2023 via Reuters - Ukrainian Presidential Press Service

Theo báo Le Monde, trong bài diễn văn năm mới, tổng thống Zelensky đặc biệt quảng bá kho vũ khí tự chế hùng hậu của Ukraine với khoảng một triệu drone dự trữ, cùng nhiều chiến đấu cơ, sẵn sàng cho sử dụng trong năm 2024. Ông cho biết các phi công Ukraine cũng "đã làm chủ được phi cơ F-16, và quân thù sẽ chứng kiến những đòn giáng trả dữ dội của chúng ta". Bài diễn văn của nguyên thủ Ukraine được phát trên truyền hình trên nền các hình ảnh pháo binh và chiến đấu cơ Ukraine xung trận.

Ngược lại, theo AFP, bài diễn văn được phát trước giao thừa năm nay của tổng thống Nga tương phản hoàn toàn với giọng điệu của ông Putin hồi tháng 12/2022, khi lãnh đạo xuất hiện trước các đơn vị vũ trang. Lần này, thông điệp chính của tổng thống Nga, phát đi từ điện Kremlin là "củng cố đoàn kết". Đối với ông Putin, năm 2024 sẽ là năm của "gia đình". Nguyên thủ Nga nhấn mạnh "đoàn kết thống nhất trong tư tưởng, trong việc làm, trong chiến đấu… Phẩm chất quan trọng nhất của người dân Nga là đoàn kết, thương yêu và dũng cảm".

Tháng 03/2024 nước Nga bầu tổng thống mới. Theo AFP, trên thực tế, bất chấp các khó khăn về kinh tế, ông Putin chắc chắn sẽ dành chiến thắng trong bối cảnh đối lập bị triệt hại hoàn toàn, giới bất đồng chính kiến không thể lên tiếng. Theo một kết quả thăm dò dư luận công bố hôm qua, 80% cử tri Nga sẵn sàng ủng hộ Putin.

Nga tấn công Ukraine ồ ạt bằng drone trong đêm giao thừa

Tổng thống Nga không nhắc đến chiến tranh tại Ukraine trong bài diễn văn, nhưng bom đạn vẫn liên tục trút xuống Ukraine. Theo thông báo của Không quân Ukraine sáng nay, trong đêm giao thừa, "kẻ thù đã tung ra một số lượng kỷ lục drone Shahed (do Iran sản xuất)". Theo Không quân Ukraine, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 87 trên tổng số 90 drone phóng đi từ lãnh thổ Nga. Ba tên lửa S-300 bị bắn hạ tại vùng Kharkiv.

Các cuộc tấn công của Nga tại tỉnh này khiến ba người bị thương. Thiệt hại nặng nề nhất với Ukraine trong đêm qua là trận oanh kích tại Odessa, khiến một người chết. Trong khi đó, tại Donetsk, miền đông Ukraine, do quân Nga kiểm soát, có bốn người chết và 13 người bị thương do bom đạn. Chính quyền thủ đô Kiev cho biết đã tìm thấy thêm 23 thi thể người chết do đợt tấn công chưa từng có của Nga hôm 29/12.

Trọng Thành

****************************

Nga : Hơn 38.000 người ủng hộ trang Telegram kêu gọi Putin "hồi hương" các binh sĩ động viên

Trọng Thành, RFI, 01/10/2023

Tổng thống Nga nhấn mạnh đến "tinh thần đoàn kết" và chủ đề "gia đình" trong bài diễn văn Năm Mới, hôm qua, 31/12/2023, trong bối cảnh làn sóng giận dữ của gia đình quân nhân bị động viên vào cuộc chiến tại Ukraine đang gia tăng. Theo AFP, trên mạng xã hội Telegram, trang "Đường trở về nhà" kêu gọi hồi hương binh sĩ thu hút 38.000 người tham gia.

uk4

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi lễ kỷ niệm "Ngày Người bảo vệ Tổ quốc" ở Moskva, Nga, ngày 23/02/2023. © AP / Pavel Bednyakov

"Putin hãy trả lại cho chúng tôi các binh sĩ động viên" là một khẩu hiệu nổi bật. Trang mạng này cung cấp nhiều hình ảnh những người vợ của binh sĩ bị động viên sang Ukraine, và kêu gọi nỗ lực hơn để cứu lấy người thân trước khi quá muộn. Bà Maria Ishkova có ý định đến mừng Năm mới cùng chồng tại chiến trường ở Zaporijjia, miền nam Ukraine. Khi đến Berdyansk, tỉnh Zaporijjia, người vợ lính này nhận được tin chồng mình đã tử trận.

Người phụ nữ này ngay lập tức đưa lên mạng Telegram một đoạn video kêu gọi các phụ nữ Nga có chồng đi lính hành động khẩn cấp : "Tôi muốn nói với tất cả những ai đang nỗ lực vì những người đàn ông thân thiết của mình : các bạn không còn nhiều thời gian đâu ! Bởi mỗi ngày trôi qua chứa đầy rủi ro. Tôi cho rằng điều duy nhất các bạn có thể làm, đó là tẩu thoát nhanh chóng. Nếu chồng các bạn trở về nhà, hãy bỏ trốn cùng anh ấy !".

Tại Nga, những ai mạo hiểm bày tỏ thái độ phản đối chiến dịch quân sự tại Ukraine đều có nguy cơ bị chính quyền đàn áp. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, xuất hiện nhiều nhóm kêu gọi hồi hương binh sĩ động viên, trang "Đường trở về nhà" chỉ là một trong số đó.

Chính quyền Nga không trực tiếp đàn áp các hoạt động này, nhưng giới tuyên truyền của điện Kremlin đã gây áp lực để mạng Telagram dán nhãn "tin đồn nhảm" (Fake) trên trang "Đường trở về nhà". Cũng trên mạng Telegram, các lực lượng cổ vũ cho cuộc chiến xâm lược đã lập ra các nhóm phụ nữ trẻ để kích động tinh thần chống Ukraine.

Trọng Thành

*****************************

Nga lên án Ukraine "vô đạo đức" sau vụ tấn công vào Belgorod

Chi Phương, RFI, 31/12/2023

Năm 2023 sắp khép lại nhưng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không có dấu hiệu hòa dịu. Tình hình thậm chí căng thẳng hơn sau "cuộc tấn công đẫm máu" vào thành phố Belgorod của Nga hôm thứ Bảy 30/12/2023. Moskva ngay lập tức đã lên án Ukraine "vô đạo đức" và yêu cầu Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn. 

uk5

Thành phố Belgorod của Nga bị tấn công ngày 30/12/2023 via Reuters – Russian Emergencies Ministry

Quan chức Nga cho biết "cuộc tấn công" của Kiev vào chiều hôm qua 30/12, đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, theo AFP, Ukraine đã thực hiện nhiều vụ tấn công vào lãnh thổ Nga tại các khu vực giáp biên giới giữa hai nước, nhưng đây được coi là "cuộc tấn công đẫm máu nhất" nhắm vào thường dân.

Phía Nga cho biết các bệ phóng tên lửa đa nòng được bố trí ở khu vực Kharkiv của Ukraine, cách đó 80 km. Những hình ảnh trên Internet cho thấy các làn khói đen bốc lên, nhiều xe ô tô bốc cháy, cửa kính nhiều tòa nhà bị vỡ. Bộ quốc phòng Nga nhanh chóng lên án hành động "khủng bố", "vô đạo đức của Kiev" và bảo đảm sẽ trả đũa.

Cuộc họp tại Hội đồng Bảo an

Từ New York, trụ sở của Liên Hiệp Quốc, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm thông tin về cuộc họp tại Hội đồng Bảo an, được triệu tập theo yêu cầu của Nga : 

"Cầm tờ giấy in mã QR trong tay, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vasily Nebenzya, mời những ai muốn xem các hình ảnh về những thiệt hại mà cuộc tấn công của Ukraine gây ra tại Belgorod. Ông Vasily Nebenzya lên án "một cuộc tấn công mù quáng, có chủ ý, nhắm vào các thường dân" của "băng đảng Kiev". Đại sứ Nga không ngần ngại đề cập đến khủng bố và tố cáo Ukraine đã sử dụng bom chùm. Ông cũng cảnh báo rằng Ukraine sẽ phải lãnh hậu quả sau một cuộc tấn công như vậy. 

Tại cuộc họp, các thành viên khác của Hội đồng Bảo An, tuy bày tỏ thương tiếc đối với cái chết của các thường dân Nga, nhưng đều đưa ra một lập trường chung : "Nếu Nga không xâm lược Ukraine, nếu quân Nga không tiến vào lãnh thổ của Ukraine, thì chúng ta sẽ không phải họp tại đây", như nhận định của đại sứ Pháp. 

Về phần mình, đại diện của Ukraine tuyên bố rằng đây là cách duy nhất để ngăn chặn những cái chết xảy ra, để chấm dứt chiến tranh, đồng thời khẳng định : một quyết định phụ thuộc vào một người duy nhất : Vladimir Putin". 

Nga oanh kích Kharkiv để trả đũa

Rạng sáng hôm nay, Moskva đã thực hiện nhiều cuộc tấn công để trả đũa Kiev sau vụ Belgorod. Chính quyền Ukraine cho biết đã bắn hạ được 21 trong số 49 drone Shahed của Nga ở phái bắc thành phố Kharkiv.

Quân đội Nga khẳng định đã nhắm vào các mục tiêu quân sự, nhưng thị trưởng Kharkiv Oleg Sinegubov thì bác bỏ, cho biết đó không phải là các cơ sở quân sự mà là các quán cà phê, văn phòng, nhà ở. Ít nhất 28 thường dân đã bị thương sau vụ tấn công của Nga.

Chi Phương

*************************

Vì sao Ukraine chọn đánh Belgorod để trả đũa Nga ?

Minh Anh, RFI, 31/12/2023

"Cuộc tấn công" nhắm vào Belgorod của Nga làm thiệt mạng 22 người và 108 người khác bị thương là cuộc tấn công thảm khốc nhất nhắm vào thường dân Nga từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 02/2022. Đòn đánh này xảy ra một ngày sau chuỗi không kích kinh hoàng của Nga nhằm vào toàn lãnh thổ Ukraine giết chết 40 người theo Kiev. 

uk6

Ảnh do cơ quan báo chí của tổng thống Ukraine công bố ngày 29/12/2023, cho thấy tổng thống Volodymyr Zelensky (thứ 2 từ trái qua) thăm lữ đoàn cơ giới số 110 ở thị trấn Avdiivka, tiền tuyến miền đông Ukraine. AFP – Handout

Nếu đúng như lời cáo buộc từ Nga là cuộc tấn công này do Ukraine thực hiện, vì sao Kiev lại chọn thành phố này như mục tiêu để tấn công ? Trả lời câu hỏi ban tiếng Pháp đài RFI, giáo sư Guillaume Lasconjarias, nhà sử học về quân sự, trường đại học Paris Sorbonne giải thích : 

"Chọn một thành phố như Belgorod, thứ nhất, bởi vì đây là một vùng sát với biên giới Ukraine. Từ Belgorod đến biên giới với Ukraine chỉ cách có 30 km. Vùng này rất gần với Kharkiv, Soumy của Ukraine. Thứ hai, Belgorod đã và vẫn luôn được Nga sử dụng như là một trung tâm quân sự, để trung chuyển hậu cần quân sự Nga bằng đường sắt.

Vì vậy, oanh kích Belgorod là để cho thấy rằng thành phố này cũng không an toàn, để minh chứng là chiến tranh cũng có thể diễn ra trên đất Nga, và nhất là một đòn đánh trả đũa nhanh đến như thế mang ba ý nghĩa, gởi đến ba đối tượng.

Đầu tiên, đây là một thông điệp gởi đến chính người dân Ukraine, để nói với họ rằng chính phủ và quân đội không để kiểu tội ác này xảy ra mà không có trừng phạt, và chúng ta cũng có những phương tiện để đánh trả. 

Đối tượng thứ hai là người dân Nga, nói với họ rằng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt. Rõ ràng là chúng ta đang ở trong một kiểu đối thoại chiến lược. Cuối cùng, người nghe thứ ba là chúng ta, nghĩa là các cường quốc phương Tây, những nước cung cấp vũ khí cho Ukraine vào thời điểm mà tình hình đang trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề thiết yếu, Ukraine cần được trang bị vũ khí và có thể bắt đầu năm 2024 trong điều kiện tốt nhất có thể". 

Minh Anh

Published in Quốc tế

Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Halyna Korba & Kateryna Khinkulova, BBC, 26/12/2023

Là tâm điểm của truyền thông quốc tế trong gần hai năm qua, cuộc chiến tranh toàn diện tại Ukraine sẽ tiếp tục bước sang năm 2024 với diễn biến có thể khác đi.

uk1

Binh sĩ Ukraine, ảnh ngày 13/12

Sau đây là năm yếu tố có thể tác động đến cuộc chiến tranh này trong năm 2024.

Tiền bạc

Khả năng kháng cự của Ukraine trong cuộc chiến tranh chống Nga vào lúc bắt đầu nổ ra cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2/2022 đã khiến nhiều người ngỡ ngàng và trở thành một trong những lý do chính khiến các đối tác quốc tế của Kyiv bắt đầu viện trợ thêm vũ khí.

Năm 2024, điều này có thể thay đổi, khi hai gói viện trợ đang bị hoãn lại.

Tại Mỹ, gói viện trợ dành cho Ukraine cần được Quốc hội phê chuẩn và có liên quan đến cuộc thảo luận giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ liên quan đến khoản chi. Phải đến đầu tháng 1 năm sau thì gói viện trợ quân sự lên đến 61 tỷ USD mới được đưa ra thảo luận.

Tại Liên Hiệp Châu Âu (EU), gói tài chính trị giá 55 tỷ USD cũng còn phụ thuộc vào cuộc đàm phán căng thẳng giữa Hungary và phần còn lại của liên minh. Không giống các quốc gia còn lại của EU, Hungary thực tế đã đứng về phía Nga và muốn chấm dứt viện trợ cho Ukraine.

Khí tài

Sự trễ nải của viện trợ nước ngoài đang làm chậm khả năng của Ukraine trong việc cung cấp vũ khí cho quân đội, khiến Kyiv ngày càng lo ngại còn Moscow thì ngày càng vững tin.

Trong cuộc họp báo vào cuối năm, Tổng thống Vladimir Putin nói quân đội Nga càng đánh càng mạnh trong khi mô tả Kyvi đang "rơi tự do" khi Phương Tây có thể "sẽ sớm cạn kiệt".

uk2

Ukraine cần gói viện trợ vũ khí từ nước ngoài để cung cấp nguồn đạn dược cho quân đội

Trong cuộc họp báo cuối năm 2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định tình hình đang khó khăn nhưng bày tỏ hy vọng vấn đề viện trợ quân sự sẽ được giải quyết sớm và rằng Ukraine sẽ có thể tăng tốc sản xuất thiết bị bay không người lái, vũ khí đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh.

Hồi tháng 11, EU cho biết đã không đạt mục tiêu cung cấp một triệu quả đạn pháo 155 ly cho Ukraine trước thời điểm tháng 3/2024. Tổng thống Zelensky nói một trong những lý do mà cuộc phản công của Ukraine không bắt đầu sớm hơn là do thiếu vũ khí. Trong cuộc phỏng vấn mới đây của BBC, quân đội Ukraine nói họ đang phải tiết kiệm đạn pháo.

Việc có ít đạn dược hơn đồng nghĩa người Ukraine có thể phải từ bỏ thêm các vị trí và cũng như các vùng lãnh thổ. Hiện Nga đã kiểm soát khoảng 17% lãnh thổ của Ukraine.

Ukraine ước tính cuộc chiến tranh đã khiến nền kinh tế quốc gia này tiêu tốn 150 tỷ USD. Năm 2024, Ukraine có kế hoạch chi 43,2 tỷ USD cho quân đội. Ngân sách dành quân sự của Nga ước tính vào ở mức kỷ lục 112 tỷ USD.

Nhân lực

Quân số đầy đủ sẽ là một thách thức cho cả hai phía.

Trước tháng 2/2022, dân số Ukraine vào khoảng 44 triệu người.

Ước tính sáu triệu người dân Ukraine đã rời bỏ quê hương mặc dù nhiều người được cho là đã trở về. Hàng trăm ngàn người đã phải di tản ở trong nước do sự chiếm đóng của Nga và các cuộc tấn công tiếp diễn. Hàng ngàn dân thường đã bị thiệt mạng.

Việc huy động và huấn luyện lực lượng quân sự mới sẽ là một thách thức. Theo thiết quân luật, Ukraine đã cấm nam giới tuổi từ 18 đến 60 rời khỏi quốc gia này. Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov nói Kyiv có thể cần yêu cầu đàn ông Ukraine sống ở nước ngoài thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hàng trăm ngàn đàn ông Ukraine trong độ tuổi chiến đấu được cho là đang ở nước ngoài. Estonia đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Kyiv trong việc huy động các công dân Ukraine phù hợp phục vụ trong quân ngũ, những người hiện đang sống tại Estonia.

Dù Nga có lực lượng quân đội lớn hơn nhiều và tổng dân số lớn hơn hẳn, con số chính thức vào khoảng 144 triệu người, tổn thất binh sĩ của Nga trong gần hai năm qua cũng rất đáng kể. Các chuyên gia quân sự và chính những người lính cũng đã nói về dạng tác chiến kiểu "máy nghiền thịt".

Nhiều binh sĩ được huấn luyện tốt nhất của Nga đã bỏ mạng, chẳng hạn các lính nhảy dù và lực lượng không quân tinh nhuệ, những người trải qua công tác huấn luyện tốn kém và mất nhiều năm.

Ước tính khoảng một triệu người Nga đã rời khỏi quốc gia này theo sau cuộc xâm lược Ukraine và khi lệnh tổng động viên được công bố. Chính quyền Nga đã tìm đến cách tuyển các tù nhân hoặc những người nhập cư không giấy tờ nhằm tăng cường quân số.

uk3

Bất chấp tổn thất nặng nề, Tổng thống Putin đã kiên quyết tiếp tục cuộc chiến tranh tại Ukraine

Cả hai phía đều không công bố con số đầy đủ về tổn thất binh sĩ, nhưng ước tính ít nhất là hàng chục ngàn người về phía Ukraine.

Về phía Nga, BBC Tiếng Nga đã tập hợp một danh sách các quân nhân được xác nhận đã thiệt mạng lên đến 40.000 người vào cuối tháng 12/2023.

Tình báo Mỹ gần đây đã công bố các báo cáo mật cho thấy con số tổn thất từ phía Nga, bị giết hoặc bị thương, lên đến 315.000 người.

Tình trạng 'mệt mỏi Ukraine'

Điều khiến Kyiv lo ngại nhất là tình trạng có tên gọi "sự mệt mỏi Ukraine" - khi lòng cảm thông và ủng hộ của công chúng bị suy giảm tại các quốc gia đối tác của Kyiv.

Kết quả các cuộc bầu cử gần đây tại Hà Lan và Slovakia đã dẫn đến sự ủng hộ bị suy giảm. Slovakia đã ngừng một gói viện trợ tương đối lớn dành cho Ukraine, trong khi Hà Lan có thể sẽ không chuyển các chiến đấu cơ F-16 mà nước này từ lâu đã hứa sẽ viện trợ cho Ukraine.

Tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11/2024, sự trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump có thể đồng nghĩa là một thay đổi chính sách nghiêm trọng đến Ukraine và Nga.

Các cuộc thăm dò ý kiến tại Mỹ cho thấy số người cho rằng Washington đang giúp Ukraine quá nhiều đang tăng từ mức 21% lên 41%. Tại 8 trong số 27 quốc gia EU, càng có thêm người chống lại việc viện trợ cho Ukraine.

Cả Ukraine và Nga sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ tại Nam Bán Cầu trong năm mới. Theo truyền thống, nhiều quốc gia tại Trung Đông, Mỹ La-tinh và Châu Phi đã trở nên thân thiện với Moscow trong cuộc đối đầu với Mỹ. Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, Nga đã ra sức củng cố vị thế của mình, trong khi Ukraine ra sức giành lấy sự ảnh hưởng.

Trong 12 tháng qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã công du đến Châu Phi bốn lần, thăm 14 quốc gia. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã thăm chín quốc gia trong hai chuyến đi đến Châu Phi cùng quãng thời gian này.

Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại sức ảnh hưởng của Nga ở Châu Phi, nơi vẫn có cả bộ máy tuyên truyền của Moscow và tại một số nước, nhóm đánh thuê Wagner đã trở thành công cụ hiệu quả để củng cố sức ảnh hưởng của Nga.

Hồi kết

"Cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc như thế nào ?" là câu hỏi mà nhiều chính trị gia và chuyên gia đã cố gắng tìm lời đáp.

Ukraine tuyên bố chỉ có việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi vùng chiếm đóng và quay trở lại đường biên giới được quốc tế công nhận mới giúp chấm dứt cuộc xung đột.

Kyiv đã cảnh báo rằng bất kỳ sự thỏa hiệp nào với Nga đều sẽ khuyến khích không chỉ Moscow thâu tóm thêm các vùng lãnh thổ mà còn khuyến khích các hàng động tương tự ở những phần khác trên thế giới. Nga tuyên bố đang bị mắc kẹt trong cuộc một xung đột rộng lớn hơn với Phương Tây và quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh.

uk4

Kyiv tiếp tục hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái từ Nga

Hầu như sẽ không thể kết thúc trong năm 2024, cuộc chiến tranh này sẽ vẫn tiếp diễn, với giao tranh tiền tuyến ngày càng ác liệt hơn, Ukraine gánh chịu thêm tổn thất và số người bỏ mạng hằng ngày tại Ukraine gia tăng, Nga thì ngày càng bị cô lập hơn và gánh chịu khó khăn về mặt kinh tế.

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh Gaza vẫn chưa có lối thoát và nguy cơ các điểm nóng mới xuất hiện, cuộc xung đột này sẽ trở nên ít được quan tâm hơn bất chấp quy mô về sức tác động của nó đối với trật tự chính trị thế giới và nền kinh tế toàn cầu.

Halyna Korba & Kateryna Khinkulova

Nguồn : BBC, 26/12/2023

*************************

Nội bộ Ukraine bất đồng về động viên quân để đối phó với cuộc chiến tranh hao mòn

Anh Vũ, RFI, 28/12/2023

Cuộc chiến chống Nga xâm lược của Ukraine đang trong hoàn cảnh khó khăn, cả quân sự cũng như chính trị. Ngoài nguồn viện trợ quân sự của các nước đồng minh có nguy cơ bị cắt giảm, trên chiến trường, nhiều dấu hiệu thất thế quân sự trong nước những bất đồng nội bộ ngày càng được thể hiện rõ.

uk5

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhny (thứ 2 từ trái qua) đến thăm một trung tâm huấn luyện quân sự, tại một địa điểm không xác định, ngày 03/11/2023. AFP - Handout

Hôm thứ Ba 26/12, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga, tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valeri Zalouzhny đã tổ chức một cuộc họp báo. Dù là một lãnh đạo quân sự khá nổi tiếng ở Ukraine, nhưng cho đến giờ ít khi người ta thấy ông Zalouzhny tiếp xúc với báo chí, cũng như ông chưa bao giờ tổ chức họp báo riêng như lần này tại Kiev.

Cuộc tiếp xúc với báo giới của chỉ huy quân sự Ukraine diễn ra một ngày sau khi Quốc hội nước này công bố văn bản dự luật, mục đích để sửa đổi việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, tạo điều kiện để động viên quân, trong đó chủ yếu là quy định tuổi nhập ngũ hạ từ 27 xuống 25 tuổi. Dự luật này đã được hội đồng các bộ trưởng Ukraine thảo luận từ nhiều tháng qua, ngay khi được công bố đã gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Nếu như những ngày đầu khi Nga mở chiến dịch tấn công Ukraine, người ta đã chứng kiến hàng chục nghìn công dân tình nguyện gia nhập quân đội để bảo vệ tổ quốc thì giờ đây khí thế này không còn được như trước.

Cải cách đăng ký nghĩa vụ quân sự giờ là chủ đề rất nhạy cảm đối với dân chúng Ukraine, đang bắt đầu cảm thấy quá mệt mỏi không thấy chút hy vọng chấm dứt cuộc chiến tranh đã kéo dài gần hai năm.

Với giới chuyên gia, phải động viên quân thường trực chạy theo cuộc chiến tranh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực phát triển kinh tế.

Phát ngôn không nhất quán

Điểm được giới quan sát chú ý nhiều là trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, tướng Zalouzhny đã nhiều lần chỉ rõ trách nhiệm của tổng thống Volodymyr Zelensky về những khó khăn của quân đội Ukraine trong chiến dịch phản công. Trong cuộc họp báo trước đó một tuần, hôm 19/12, tổng thống Volodymyr Zelensky, đã tuyên bố ông không thấy thuyết phục với đề nghị của bộ tổng tham mưu huy động từ 450 nghìn đến 500 nghìn quân mới để luân chuyển, giảm áp lực cho các binh sĩ đang chiến đấu ở mặt trận từ hai năm nay. 

Những phát ngôn không nhất quán giữa tham mưu trưởng quân đội, tướng Zalouzhny và tổng thống Zelensky về chiến dịch phản công Nga không phải là mới. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo The Economist được đăng tải hồi đầu tháng 11, tướng Zaluzhny đã đưa ra nhận định quân đội Ukraine đang ở trong "ngõ cụt" và cuộc phản công Kiev đang tiến hành theo cách như hiện nay có thể kéo dài nhiều năm. Những nhận định của tham mưu trưởng quân đội ngay sau đó đã được sự ủng hộ của thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko, một người cũng khá nổi tiếng trong thời kỳ đầu chiến tranh. Ông khẳng định điều mà tướng Zalouzhny nói "là sự thật". Vài ngày sau, cũng qua kênh báo chí, trong một cuộc phỏng vấn tại Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky đã lên tiếng phản bác những nhận định về chiến dịch phản công của chỉ huy quân đội Ukraine.

Mặc dù chiến dịch phản công của Ukraine vẫn dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là thất bại, tướng Zaluzhny vẫn có uy tín rất cao trong dân chúng vì thành tích đã đẩy lùi quân Nga ra khỏi Kiev trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh và đã thành công trong hai đợt phản công Nga hồi mùa thu năm 2022. Một số chuyên gia còn tin rằng vị tướng này có thể là một sự thay thế chính trị đáng tin cậy cho Zelensky, trong kỳ bầu cử tổng thống Ukraine sắp tới, trên lý thuyết vào cuối tháng 3 năm 2024, nhưng chưa có quyết định chính thức vì tình hình đất nước có chiến tranh.

Những đồn đoán về quan hệ bất hòa, căng thẳng giữa tham mưu trưởng quân đội và tổng thống Ukraine, hai lãnh đạo vốn được coi là những người thân cận, đã được báo chí loan truyền vào thời điểm mà người Ukraine hơn bất cứ lúc nào đang cần đến tinh thần đoàn kết.

Anh Vũ

****************************

Nga gia tăng sức ép trên nhiều mặt trận miền đông Ukraine

Thùy Dương, RFI, 28/12/2023

Trong những ngày qua, quân đội Nga liên tục gia tăng sức ép trên nhiều mặt trận ở miền đông Ukraine. Theo báo Pháp Le Monde ngày 27/12/2023, chỉ huy lục quân Ukraine, Oleksandr Syrsky, đã nói đến tình hình "khó khăn" ở miền đông đất nước, và viết trên mạng Telegram rằng Nga đang "tiếp tục các cuộc tấn công cường độ cao theo các hướng Kupiansk, Lyman, Siversk và Bakhmut". 

uk6

Lính Ukraine tham gia huấn luyện gần chiến tuyến ở vùng Donetsk, 25/12/2023. Reuters – Thomas Peter

Đồng thời, các vụ tấn công bằng drone Shahed của Nga vẫn tiếp diễn. Theo Reuters, hôm nay 28/12 lực lượng phòng không Ukraine cho biết đã bắn hạ 7 trong số 8 drone Shahed mà Nga phóng vào miền trung và miền nam Ukraine trong đêm hôm qua rạng sáng hôm nay, nhưng không nói rõ liệu các drone có nhắm trúng mục tiêu hay không. Về phía Nga, bộ Quốc Phòng loan báo đêm qua đã ngăn chặn được một cuộc tấn công bằng drone của Ukraine nhắm đến bán đảo Crimea. 

Tuyển thêm quân 

Trong bối cảnh mặt trận miền đông đang gặp nhiều sức ép, chính quyền Ukraine phải tính đến việc động thêm binh sĩ. Một đại tá có uy tín tại Ukraine lưu ý là nếu không đủ quân thì muộn nhất đến cuối năm 2024 Ukraine sẽ thất bại về quân sự. 

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan giải thích : 

"Thứ Tư (27/12), đại tá Yevhen Mejevikin, một sĩ quan có uy tín, đã tuyên bố là nếu Ukraine không huy động đủ quân thì đương nhiên, muộn nhất đến cuối năm 2024 sẽ có nguy cơ thất bại về quân sự. 

Đại tá Mejevikin kêu gọi là việc huy động binh lính cần đạt mức thời điểm bắt đầu chiến tranh, hồi năm 2022, cho dù ông nói là hiểu được nỗi lo sợ của người dân về việc phải tòng quân, và thách thức đối với chính phủ là giành được lòng tin của người dân bằng cách nói ra sự thật. 

Thế nhưng, chính phủ Zelensky lại đang làm điều ngược lại. Họ đã đệ trình lên Quốc hội một đạo luật sửa đổi các điều kiện về nghĩa vụ quân sự, vào đúng ngày Giáng Sinh 25/12 để tránh mọi cuộc thảo luận công khai. 

Toàn văn dự luật không được đưa lên trên trang web Rada. Mọi người chỉ có thể đọc những điều ngắn gọn về ý tưởng hạ tuổi nhập ngũ bắt buộc từ 27 tuổi xuống còn 25 tuổi, về việc đóng cửa các văn phòng tuyển quân vốn dĩ đã bị phản đối và về việc gửi thư điện tử để thông báo lệnh động viên nhập quân ngũ. 

Điều mơ hồ liên quan đến việc tòng quân của phụ nữ. Tuần trước, cho dù bộ trưởng Quốc Phòng Rustem Umerov đã nói đến việc huy động nhập ngũ người Ukraine đang sống ở nước ngoài, nhưng các tùy viên báo chí của chính phủ đã tránh đề cập đến chủ đề này và đưa ra các tín hiệu trái ngược nhau … 

Báo chí Ukraine biết được rằng đảng "Người phục vụ nhân dân" của tổng thống đã yêu cầu tất cả các dân biểu của đảng không bình luận trên các phương tiện truyền thông về luật huy động binh sĩ mà gửi mọi câu hỏi đến ban chỉ huy quân sự". 

Về sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự, vẫn theo báo Pháp Le Monde, trong cuộc gặp với các đại diện ngành công nghiệp quốc phòng, tổng thống Zelensky ngày 27/12 thông báo là Ukraine trong năm 2023 đã tăng gấp 3 sản lượng vũ khí và trang thiết bị quân sự. Sản xuất đạn dược, nhất là đạn pháo cũng tăng nhiều đáng kể. Tổng thống Ukraine nhấn mạnh năm 2024 sẽ đặc biệt chú ý đến sản xuất chất nổ và thuốc súng, mà hiện thế giới đang khan hiếm.

Thùy Dương

**************************

Mỹ tháo khoán 250 triệu đô la, gói viện trợ cuối cùng trong năm 2023 cho Ukraine

Minh Phương, RFI, 28/12/2023

Hôm qua 27/12/2023, Hoa Kỳ thông báo viện trợ 250 triệu đô la cho Ukraine. Đây là khoản viện trợ quân sự cuối cùng trong năm 2023 sẵn có mà Washington có thể chi và không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. 

uk7

Lính Ukraine dỡ các kiện hàng do Hoa Kỳ viện trợ tại sân bay Quốc tế Boryspil, Kiev, Ukraine, ngày 13/12/2022. Reuters – Serhiy Takhmazov

Cho đến nay, các cuộc đàm phán căng thẳng vẫn đang diễn ra giữa các dân biểu đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ về khoản viện trợ 61 tỷ đô la mà tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky mong đợi. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, được AFP trích dẫn, khẳng định Quốc hội phải hành động càng sớm càng tốt để bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia "thông qua việc hỗ trợ Ukraine tự vệ". Gói viện trợ sẽ bao gồm đạn dược cho các hệ thống phòng không và vũ khí chống tăng. Trên mạng X, chánh văn phòng phủ tổng thống Ukraine, Andriy Yermak cũng đã lên tiếng cảm ơn và khẳng định Kiev "sẽ giành chiến thắng". 

Trước đó, Nhà Trắng đã cảnh báo nguồn viện trợ cho Ukraine sẽ "cạn kiệt" vào cuối năm nay. "Chúng tôi chỉ còn lại một gói viện trợ duy nhất" trước khi quỹ dành cho Ukraine "cạn kiệt", người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby tuyên bố hôm 18/12/2023. 

Cũng liên quan tới việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, chính quyền thành phố Troisdorf, phía tây nước Đức, đã phản đối dự án mở rộng sản xuất vũ khí cho Kiev tại thành phố này. 

Cơ sở sản xuất ở Troisdorf là mắt xích quan trọng để Châu Âu hỗ trợ vũ khí Ukraine trong bối cảnh Châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng khó đáp ứng nhu cầu của Ukraine. 

Vẫn về vấn đề tài chính, Hoa Kỳ ngày hôm nay đã đề xuất G7 tìm cách tịch thu 300 tỷ đô la tài sản của Nga. Đây là khoản dự trữ ngoại hối của Nga đã bị phương Tây "đóng băng" theo các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Minh Phương

*************************

Quân đội Ukraine xác nhận rút khỏi thành phố Marinka

Thu Hằng, RFI, 27/12/2023

Nga tiếp tục dùng drone oanh kích Ukraine và gây sức ép trên chiến trường miền đông. Ngày 26/12/2023, một ngày sau khi Moskva khẳng định kiểm soát thành phố Marinka, nằm ở phía đông Ukraine, chính quyền Kiev xác nhận đã rút các lực lực lượng vũ trang ra "ngoại vi" thành phố chiến lược, cách tây nam Donetsk 5 km.

uk8

Binh sĩ Ukraine gần Marinka, Ukraine, ngày 26/12/2023. © via Cheslav Ratynskyi / Reuters

Theo AFP, phát biểu lần đầu tiên trong buổi họp báo hôm 26/12, tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhny giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của việc rút quân ra "ngoại vi" khi nhấn mạnh Marinka "không tồn tại nữa" do mức độ tàn phá, hủy diệt. Lính Ukraine vẫn có mặt tại phía bắc thành phố, được biến thành điểm trọng yếu từ năm 2014, nhưng trước đó đã "chuẩn bị một tuyến phòng thủ bên ngoài địa phương này" (Marinka) để rút lui. Tướng Valeriy thừa nhận Nga "hiện có thể huy động lực lượng để phá hủy một thành phố như Bakhmut cách đây ba tháng".

Song song với các trận giao tranh trên chiến trường, Nga tiếp tục các vụ tấn công bằng drone vào nhiều vùng của Ukraine. Trong đêm 26 sáng sớm 27/12, hệ thống phòng không Ukraine đã bắn hạ 32 trên tổng số 46 drone của Nga, chủ yếu nhắm vào chiến tuyến ở miền nam và miền đông Ukraine. Một nhà ga ở Kherson đã bị Nga oanh kích tối 26/12, khiến một người thiệt mạng và 4 người bị thương, vào lúc có khoảng 140 thường dân đang chờ tầu sơ tán.

Ukraine xem xét chiến lược tuyển quân mới

Để bù đắp tổn thất trên chiến trường do chiến lược phản công không mang lại hiệu quả, tổng thống Zelensky đã nhắc đến khả năng huy động khoảng nửa triệu người Ukraine nhập ngũ trong năm 2024. Tuy nhiên, tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny tỏ ra thận trọng về số liệu và nêu chiến lược tuyển quân mới :

Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev giải thích :

"Tướng Zaluzhny phát biểu hôm 26/12 rằng chiến tranh sẽ thay đổi trong năm 2024 và cần phải chứng tỏ hiệu quả gia tăng, đặc biệt là trong một cuộc xung đột quy mô lớn như thế này, và phải cải thiện tỉ lệ sống sót của người lính trên chiến trường.

Nhưng trước hết, vị tướng nổi tiếng tỏ ra bất bình về công việc của các văn phòng tuyển quân, vẫn bị chỉ trích mạnh, cho rằng những văn phòng này không huy động đủ quân để chiến đấu chống xâm lược Nga.

Tuy nhiên, ông Zaluzhny từ chối xác nhận con số 500.000 tân binh trong năm 2024. Dường như ông muốn nhấn mạnh đến cách làm mới, đó là để thường dân gia nhập quân đội. Vấn đề nghĩa vụ quân sự trở thành một chủ đề nhạy cảm trong xã hội, vào lúc chiến tranh chắc chắn sẽ kéo dài. Tướng Zaluzhny đề xuất cần khống chế thời gian nghĩa vụ quân sự tối đa ba năm. Theo ông, việc huy động sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu binh sĩ, đào tạo được những đơn vị mới, đồng thời thay thế những người lính đã ngã xuống khi chiến đấu.

Để làm được việc này, theo tướng Zaluzhny, cần phải đưa ra ý tưởng về thời hạn nghĩa vụ tối đa cho lính nghĩa vụ để có thể áp dụng cách thức xoay vòng, tái nhập ngũ. Trong số những giải pháp được tính đến có việc giảm tuổi lính nghĩa vụ từ 27 xuống còn 25 và huy động cả đàn ông Ukraine đang sống ở nước ngoài. Một lần nữa, tướng Zaluzhny đã khéo léo nhắc lại rằng chính tổng thống chịu trách nhiệm chính trị về những quyết định này".

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Ukraine : Những người lính gian khổ ở tiền tuyến trong cuộc chiến chưa thấy hồi kết

Gần hai năm sau khi quân Nga tràn sang, Ukraine bước vào một cuộc chiến kéo dài. Mùa đông đã đến trên chiến tuyến dài 1.000 cây số. Phóng sự của các báo Le Monde, Le Figaro  Libération hôm 28/12/2023 tại nhiều mặt trận khác nhau cho thấy nỗi nhọc nhằn của các chiến binh Ukraine, trong cuộc chiến tranh vệ quốc quá chênh lệch về quân số cũng như phương tiện. Họ tự hỏi, liệu phương Tây có thực sự muốn đánh bại Moskva.

giankho1

Các chiến binh Ukraine thực tập điều khiển xe tăng, được huấn luyện tại một địa điểm trong nước, ngày 06/12/2023. AP - Efrem Lukatsky

Ukraine thắng tại Hắc Hải, lùi ở vài điểm trên bộ

Le Figaro nhận thấy chiến trường Ukraine không hề giống như những gì mà phương Tây hình dung. Tuy hầu như không có Hải quân, nhưng chính trên Hắc Hải mà Kiev đã giành được thắng lợi huy hoàng nhất nhờ không kích.

Không quân Ukraine rất ít ỏi, chỉ có thể chặn phi cơ Nga xâm nhập không phận, và đang chờ đợi những chiếc F-16 được hứa hẹn. Lục quân đã mệt mỏi sau hai năm chiến đấu, buộc phải lùi ở vài nơi. Ở miền đông, lực lượng Ukraine phải rút khỏi ngoại ô Marinka, thành phố nằm ở phía tây Donetsk thuộc vùng Donbass bị chiếm đóng. Đối với Moskva, đây là một thắng lợi chiến thuật.

Nhưng theo Libération, việc quân Nga tiến được vài trăm mét chẳng có mấy ý nghĩa. Thành phố có 10.000 dân trước chiến tranh nay chỉ còn là bình địa. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, tướng Valeriy Zaluzhny kêu gọi không quan trọng hóa các trận đánh mang tính biểu tượng ở Bakhmut, Avdiivka hay Marinka, không nên "coi việc mất một ngôi làng là một bi kịch", mà sinh mạng chiến binh mới là quý. Đối với Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), quân Nga không thể khai thác việc đột phá này do không đủ phương tiện cơ giới.

Nếu Kiev có vài trăm hỏa tiễn chính xác, Nga khó giữ được Crimea

Le Figaro cho rằng ưu thế của Ukraine dựa vào công nghệ và tình báo, như sự kiện chiến hạm Novocherkassk bị phá hủy hôm thứ Ba ở cảng Feodosia. Chiếc tàu đổ bộ này có thể chở theo nhiều đạn dược, mười mấy xe tăng và 350 lính ; việc nó bị tiêu diệt là một cái tát cho Nga và là một thiệt hại về chiến thuật. Ba phi cơ Ukraine đã bắn hỏa tiễn địa-không vào chiếc tàu này, loại Storm Shadow của Anh hay Scalp của Pháp. Có rất ít chi tiết được công bố, nhưng cho thấy Không quân Ukraine tránh được phòng không Nga và tấn công dứt điểm, rất có thể là nhờ sự hỗ trợ của phương Tây.

Tướng Ben Hodges, cựu tham mưu trưởng lực lượng Mỹ ở Châu Âu nhận định : "Hãy tưởng tượng nếu Ukraine có được vài trăm hỏa tiễn Atacms, Taurus, Scalp và Storm Shadow. Crimea sẽ không còn là căn cứ của Nga". Tiếc thay những hỏa tiễn này là của hiếm. Kiev không có đủ để tạo được tác động quyết định trên đất liền, nơi quân Nga phân tán lực lượng và nhìn rộng hơn, thiếu đạn dược một cách nguy hiểm.

Chiến tranh còn diễn ra trên một mặt trận khác : sản xuất vũ khí. Hôm thứ Ba, tổng thống Volodymyr Zelensky đã tập hợp các đơn vị tư nhân và nhà nước trong kỹ nghệ quốc phòng. Ông tuyên bố : "Ukraine cần phải sản xuất, hoặc độc lập hoặc với các đối tác, tất cả những gì cần thiết để tự vệ trước mọi dạng thức tấn công của Nga". Theo ông, cần có 1 triệu drone trong năm 2024, đây là vũ khí đa dụng thiết thực trên chiến trường để thám sát, định vị, tấn công.

Dè dặt trước dự luật tuyển quân

Về lực lượng, nội các Ukraine xem xét một dự luật tăng cường kiểm tra hành chánh đối với những người có thể động viên. Hạn tuổi từ 27 giảm xuống 25, mỗi người Ukraine sẽ có một hồ sơ điện tử, việc cấp hộ chiếu kèm theo điều kiện phải đăng ký trong cơ sở dữ liệu của quân đội... Dự luật nhằm cải cách hệ thống cũ, tăng số lượng tân binh vào lúc đang gặp khó khăn trong việc tuyển quân. Nhiều tình nguyện quân đã hơn 40 tuổi, trong khi không ít thanh niên ồ ạt đăng ký vào đại học để trốn lính. 

La Croix cho biết một luật theo hướng này trước đó đã được thông qua, nhưng chưa bao giờ được tổng thống Volodymyr Zelensky phê chuẩn. Lần này cũng vậy, nhà xã hội học Yulia Shukan của đại học Paris-Nanterre nhận xét : "Sự kiện không phải là tổng thống mà là hội đồng bộ trưởng đưa ra dự luật cho thấy thế khó của chính quyền". Theo ông Zelensky, quân đội đòi động viên từ 450.000 đến 500.000 người. Bên cạnh đó, tướng Valeriy Zaluzhny cũng hứa rằng những quân nhân đã chiến đấu suốt 36 tháng sẽ được trở về nhà. Bà Shukan nói thêm, "Các chiến binh, dù tình nguyện hay không, đều cảm thấy bị bất công so với những người trốn tránh động viên".

Chiến sĩ Ukraine trước một cuộc chiến chưa thấy hồi kết

Trên tiền tuyến, trong nhiều tuần qua, đặc phái viên Le Monde đã thu thập được lời kể của những chiến binh Ukraine ở các mặt trận Dnipro, Donetsk và Zaporijia. Họ bày tỏ quyết tâm đồng thời thổ lộ những khó khăn khi trở về đời sống dân sự trong những ngày phép ngắn ngủi.

Dọc theo 1.000 kilomet chiến tuyến, mùa đông đã đến. Trời lạnh như cắt, tuyết và bùn phủ kín mọi thứ, gió xuyên vào da thịt. Hai mươi hai tháng sau khi quân xâm lăng kéo sang, Ukraine đang trong một cuộc chiến kéo dài. "WarWar", người lính thuộc một đơn vị đặc biệt của tình báo quân đội chiến đấu ở mặt trận Zaporijia. Anh cho biết tình hình căng thẳng hơn năm ngoái do drone tự sát của Nga, họ không thể chạy xe mà phải đi bộ nhiều cây số.

Thượng sĩ Sergiy Vengerskiy tức "Zakhar", tiểu đoàn 518 lục quân cũng nhìn nhận mùa hè vừa qua rất gian khổ. "Chúng tôi không có đủ lính cũng như đạn pháo. Cuối mùa hè, chúng tôi chỉ có 14 người chiến đấu chống lại 150 lính Nga. Họ đã bắn nát cả khu rừng, không còn một cây nào đứng vững. Quân Nga tấn công rất nhiều đợt, không có pháo để tiêu diệt sẽ không làm được gì". Trung sĩ "Dizel" của tiểu đoàn lục quân 49 cho biết quân Nga đánh theo kiểu biển người dù bị dập pháo, những ai còn sống tiếp tục tiến. Anh cho rằng họ có thể dùng đến ma túy.

Phải giết địch để mình được sống

Đại tá Oleh Uminskiy chỉ huy lữ đoàn đặc biệt số 1 ở Bakhmut nói, những trận đánh rất dữ dội nhưng không bên nào vượt lên được. Ông mô tả tiền tuyến giống như trong tác phẩm "Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh" của nhà văn Erich Maria Remarque thời Đệ nhất Thế chiến. Nhưng thay vì các chiến hào sâu, người lính phải sống và chiến đấu trong những hố như của loài cáo. "Không thể có điện, đốt lửa nấu nướng, sưởi ấm vì sẽ bị các drone tầm nhiệt của địch phát hiện. Phải đi bộ 5 đến 10 cây số mới có được một bữa ăn nóng". Tuy nhiên đại tá Uminskiy vẫn khẳng định điều cốt yếu vẫn là phải đánh bại kẻ thù.

Ngược lại, đại tá "V", chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh ở miền đông cho rằng quân đội vẫn còn "quá xô-viết", việc cung ứng vũ khí đạn dược là nỗi lo chính. Ông kể, khi lính phát hiện đạn của Nga nhờ drone, phải mạo hiểm sang thu lượm, đôi khi thường dân vùng chiếm đóng giúp một tay để đổi lấy một ít tiền hay vodka. "Việc này bị cấm, nhưng nếu quân đội gởi đủ đạn, chúng tôi không đến nỗi phải đi ăn trộm".

Trở thành một chiến sĩ tinh nhuệ, "Zakhar" cho biết chiến tranh đã thay đổi ba điều trong cuộc sống : anh luôn bị đau đầu phải uống thuốc, không thể ngủ trong bóng tối và yên tĩnh, không thể ở đâu đó một mình. Tuy vậy anh hãnh diện là thành viên của lực lượng đặc biệt, cảm thấy hàm ân những người lính bộ binh canh giữ tiền tuyến, nhờ họ mà Ukraine đứng vững. "Zakhar" thổ lộ, sau khi vượt qua tất cả những giới hạn của nỗi sợ, anh cảm thấy mình "chỉ là một cơ thể còn sống". Đứng trước một quân địch, tuy không thù oán gì nhưng phải nổ súng, "giết để được sống".

Kreminna, "khu rừng sinh tử"

Đặc phái viên Libération đến với mặt trận Kreminna ở vùng Luhansk, nơi rừng chia cắt khu vực bị Nga chiếm đóng với lãnh thổ Ukraine. Từ một năm qua, lực lượng Ukraine cật lực chiến đấu trong môi trường rừng cây dày đặc mìn bẫy và xác chết. Họ đã trải qua mùa hè nóng và khô dễ xảy ra cháy rừng, mùa thu bùn lầy khó di chuyển cũng như tiếp tế, rồi đến mùa đông lạnh giá. Thời Đệ nhị Thế chiến, quân Liên Xô và Đức quốc xã đối địch những khu rừng thông này. Gần chiến tuyến hiện nay, phía rừng bị Nga chiếm đóng, có mồ chôn tập thể 391 Hồng quân.

Không có nhà cửa, công sự, nơi duy nhất mà người lính trong rừng có thể ẩn náu chỉ là những hố bom cũ. Họ e sợ nhất là KAB (bom do laser dẫn đường được phi cơ thả xuống), tạo ra hố rộng 15 mét, sâu 4 mét, nếu rơi trúng cả đơn vị không ai sống sót được. Tại khu rừng được mệnh danh là "sinh tử" này, cái chết nhiều hơn sự sống. Xung quanh Yampil và Lyman, đã có 128.000 quả bom, mìn đủ loại được thu thập trên diện tích rừng 40 hecta.

Đồng minh có thực sự muốn Ukraine thắng Nga ?

Sau gần hai năm chiến đấu, nhiều chiến binh - không phải là quân nhân trước khi Nga xâm lăng - có cái nhìn nghịch lý về quân đội. Một mặt họ thực sự tôn trọng các sĩ quan tác chiến sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người khác, mặt khác thường chỉ trích bộ tham mưu dù tướng Valeriy Zaluzhny rất được ngưỡng mộ. "Dizel" nói các sĩ quan trong tiểu đoàn của anh không bao giờ gởi lính đến những nơi chưa biết rõ, làm mọi cách để giữ gìn mạng sống cho các chiến binh. Và chưa bao giờ một tử sĩ bị bỏ lại trên chiến trường, đó là điểm khác biệt với quân Nga.

Tuy biết ơn sự giúp đỡ của phương Tây, nhưng nhiều người lính tự hỏi liệu các đồng minh có thực sự muốn Kiev chiến thắng và Moskva bại trận trong cuộc chiến tranh này hay không ? Đại tá Oleh Uminskiy cay đắng nói, thế giới chỉ nói về lý thuyết, khi nào người Châu Âu thấy những thành viên trong gia đình phải ra trận thì họ mới chịu hiểu.

Andriy Onistrat, phụ trách tuyển quân ở Kiev nhấn mạnh, cần phải hủy bỏ lệnh cấm Ukraine không được dùng vũ khí phương Tây tấn công vào đất Nga, quyết định này làm Ukraine hao tốn hàng trăm sinh mạng mỗi ngày. "Bankir" cũng nghi ngờ quyết tâm của các đồng minh, cho rằng nên dành một ngày ra chiến trường hay ít nhất một nhà xác, một nghĩa trang, để hiểu thêm về chiến tranh.

Jacques Delors, người kiến tạo Liên Hiệp Châu Âu qua đời

Về cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu vừa qua đời hôm qua tại Paris ở tuổi 98, tất cả các báo đều có những bài viết trang trọng về ông. Libération chạy tựa trang nhất "Jacques Delors, tiểu thuyết của một người Châu Âu", và dành đến sáu trang báo khổ lớn cho chính khách dân chủ xã hội của cánh tả. La Croix cũng đăng ảnh chân dung của ông trên nền xanh lá cờ của Liên hiệp, Le Figaro nhấn mạnh đến "người kiến tạo Châu Âu".

Les Echos trong bài "Jacques Delors, ngôi sao của Bruxelles" khẳng định, thời gian ông làm chủ tịch là thời đại vàng của Liên Hiệp Châu Âu. Tờ báo nêu rõ, việc thống nhất thị trường chung châu lục, hiệp ước Maastricht lập ra đồng tiền chung euro, tăng gấp đôi quỹ cấu trúc giúp các nước Nam Âu đuổi kịp Bắc Âu, đều là tác phẩm của Delors.

Libération nhắc lại, hồi năm 1994 khi Jacques quyết định không ra tranh cử tổng thống Pháp tuy là khuôn mặt sáng chói nhất của cánh tả lúc đó, sau vầng hào quang của việc chuyển đổi từ Cộng đồng Kinh tế Châu Âu thành Liên Hiệp Châu Âu, nhiều người đã rất thất vọng. Trả lời phỏng vấn truyền hình, ông nói rằng đã sắp 70 tuổi, đã làm việc không ngơi nghỉ suốt 50 năm, hợp lý nhất là nên có cách sống khác. Nhưng ông còn tiếp tục sống và cống hiến thêm gần 30 năm nữa, một chính khách thẳng thắn, hòa đồng và đầy nhiệt huyết. Rất logic khi năm 2015 ông được tặng danh hiệu "công dân danh dự Châu Âu" - người thứ ba sau Jean Monnet và Helmut Kohl.

Thụy My

Published in Quốc tế

Không quân Ukraine phá hủy tàu đổ bộ lớn thuộc hạm đội Hắc Hải của Nga tại Crimea

Thùy Dương, RFI, 26/12/2023

Không quân Ukraine hôm nay, 26/12/2023, khẳng định đã phá hủy một tàu quan trọng của hạm đội Hắc Hải của Nga tại bán đảo Crimea. Tàu này bị nghi vận chuyển drone của Iran để phục vụ cuộc chiến xâm lược của Matxcơva. Cuộc tấn công được quân đội Ukraine tiến hành vào khoảng 2 giờ 30 sáng nay (0 giờ 30 GMT) bằng tên lửa hành trình của lực lượng "hàng không chiến thuật".

uk1

Một chiến đấu cơ Mig-29 của Không quân Ukraine đang tác chiến tại miền đông Ukraine ngày 02/08/2023. AP - LIBKOS

Le Monde trích dẫn một thông báo của không quân Ukraine trên mạng Telegram : "Tàu đổ bộ lớn Novocherkassk đã bị các phi công của lực lượng Không quân "tiêu diệt" ở Feodosia, trong vùng Crimea bị chiếm đóng". Feodosia là nơi đặt một căn cứ hải quân lớn của Nga hướng ra Biển Đen. Kkhông quân Ukraine cho biết thêm là tàu này "đang chuyên chở drone Shahed", drone mang chất nổ do Iran chế tạo và được quân đội Nga sử dụng rộng rãi để tấn công Ukraine.

Tướng Mykola Oleatchouk, chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, còn cho phát một video cho thấy vụ nổ và ngọn lửa bốc lên. Tuy nhiên, theo Reuters, thông tin chưa được kiểm chứng bằng một nguồn độc lập.

Về phía Nga, trước đó, thống đốc Crimea dưới quyền kiểm soát của Nga, Serguei Aksyonov, chỉ thông báo một vụ tấn công của Ukraine vào khu cảng đã gây ra đám cháy và vụ hỏa hoạn đã lan ra thành phố, nhiều người dân đã phải sơ tán.

Ukraine bắn hạ 5 máy bay Nga 

Trong khi đó, theo báo Le Monde, quân đội Ukraine thông báo riêng trong ngày hôm qua đã bắn hạ được 5 máy bay của Nga, 1 chiếc trên ở vùng Hắc Hải, một chiếc khác gần Marioupol, miền đông nam, và 3 chiếc còn lại trong vùng Kherson, miền nam. Phát biểu trên truyền hình, phát ngôn viên quân đội Ukraine, Yury Ignat, cho biết thêm là hoạt động trên không của quân Nga đã giảm ở vùng Kherson sau khi 3 máy bay của Nga bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.

Tuy nhiên, sáng nay không quân Ukraine cho biết đêm qua Nga vẫn tấn công bằng drone Shahed, nhất là tại các vùng Kherson và Odessa. Tổng cộng 13 trong số 19 drone đó đã bị không quân Ukraine tiêu diệt.

Về chiến sự ở vùng Donestk, miền đông Ukraine, bộ trưởng quốc Phòng Sergueï Choïgou tối qua tuyên bố quân đội Nga đã giành được quyền kiểm soát Marinka, nhưng Ukraine bác bỏ thông tin này và khẳng định giao tranh ở Marinka vẫn tiếp diễn.

Thùy Dương

************************

Nga xác nhận tàu chiến bị hư hại ở Biển Đen

BBC, 23/12/2023

Nga xác nhận một trong các tàu chiến của nước này đã bị hư hại trong cuộc tấn công của Ukraine vào một cảng ở Biển Đen.

uk2

Những hình ảnh chưa được kiểm chứng về vụ tấn công vào cảng Feodosiya do người đứng đầu lực lượng không quân Ukraine đăng lên

Cuộc không kích diễn ra tại Feodosiya ở vùng Crimea do Nga chiếm đóng vào sáng sớm thứ Ba.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk đã bị phi cơ Ukraine trang bị tên lửa dẫn đường tấn công.

Người đứng đầu Lực lượng Không quân Ukraine trước đó cho biết các chiến đấu cơ của họ đã phá hủy con tàu.

Một người thiệt mạng trong vụ tấn công, người đứng đầu Crimea do Nga bổ nhiệm, Sergei Aksyonov, cho biết. Tin cho hay có một số người khác bị thương.

Sáu tòa nhà bị hư hại và một số ít người phải được đưa đến các trung tâm lưu trú tạm thời, ông Aksyonov cho biết thêm.

uk3

Nga nói tàu Novocherkassk bị hư hại trong lúc Ukraine nói tàu này đã bị phá hủy (hình tư liệu)

Các hoạt động vận tải của cảng được cho là vẫn hoạt động bình thường sau khi khu vực này bị phong tỏa, đồng thời đám cháy do vụ tấn công gây ra đã được kiểm soát.

Đoạn video được cho là ghi lại cảnh một vụ nổ lớn ở cảng đã được chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola O Meatchuk, chia sẻ.

Những hình ảnh này chưa được kiểm chứng độc lập, tuy nhiên hình ảnh vệ tinh từ ngày 24/12 cho thấy có một tàu neo đậu tại cảng Feodosiya có vẻ như có cùng độ dài với tàu Novocherkassk.

Cuộc tấn công hôm thứ Ba không phải là vụ đầu tiên Novocherkassk trở thành mục tiêu của lực lượng Ukraine.

Vào tháng 3/2022, Bộ Quốc phòng Ukraine báo cáo rằng con tàu đã bị hư hại trong một cuộc tấn công vào cảng Berdyansk của Ukraine bị chiếm đóng, trong đó một tàu tấn công đổ bộ khác, Saratov, bị đánh chìm.

Trong một bài đăng trên Telegram, Trung tướng Oleshchuk viết rằng tàu Novocherkassk đã đi theo tàu Moskva - soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga, vốn đã bị chìm ở Biển Đen vào năm ngoái.

Moscow chiếm giữ và sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào Nga hồi 2014, và lực lượng của Nga đóng tại đó đã giữ vai trò quan trọng trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022.

Lực lượng Nga ở Crimea kể từ đó đã liên tục bị Ukraine tấn công. Hồi tháng trước, quân đội Ukraine nói kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Nga, họ đã phá hủy 15 tàu hải quân Nga và làm hư hại 12 tàu khác ở Biển Đen.

Sau cuộc tấn công tên lửa vào trụ sở của hạm đội Biển Đen ở Sevastopol vào tháng 9, các hình ảnh vệ tinh cho thấy hải quân Nga đã di chuyển phần lớn hạm đội Biển Đen của họ ra khỏi Crimea, chuyển đến cảng Novorossiysk của Nga ở Biển Đen.

Nguồn : BBC, 26/12/2023

************************

Những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên dường như đã đến Ukraine

Minh Phương, RFI, 25/12/2023

Từ hôm qua, 25/12/2023, trên mạng xã hội đã lan truyền các hình ảnh chiến đấu cơ Mỹ F-16 sơn màu của không quân Ukraine. Những máy bay này sẽ được triển khai trên chiến trường vào năm 2024, trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát bầu trời với quân đội Nga.

uk4

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và quyền thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thị sát những chiến đấu cơ F-16 tại Eindhoven, Hà Lan, ngày 20/08/2023. AP - Peter Dejong

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan tường trình :

Hy vọng xe trượt tuyết của ông già Noel đã tránh được khu vực Hắc Hải cũng như khu vực Donbass vào đêm 24 rạng sáng ngày 25/12, vì trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh của Ukraine, lực lượng phòng không của Kiev đã bắn hạ hai chiến đấu cơ Sukhoi của Nga, một chiếc SU-34 và một chiếc SU-30, hai tên lửa hành trình và không dưới 28 drone Shahed. Một nhà báo chuyên về quốc phòng nổi tiếng của Ukraine vui mừng chia sẻ trên Facebook : "Chuyện gì đó đang xảy ra, có lẽ ông già Noel đã mang đến cho chúng ta một chiếc F-16".

Và quả là như vậy : Chiều hôm qua, người ta đã thấy trên mạng xã hội những hình ảnh đầu tiên cuẩ chiếc chiến đấu cơ Mỹ F-16, màu xanh than, với hình biểu tượng cây đinh ba viền màu vàng trên nền xanh, màu cờ của Ukraine. Theo một số nguồn tin, những chiếc máy bay đầu tiên dường như đã được bí mật vận chuyển từ miền tây Ukraine, từ phi trường này qua phi trường khác. Trong khi đó, theo thông tin mà chúng tôi nắm được, hiện không thể phỏng vấn các phi công lái máy bay tiêm kích ở Ukraine, vì đại đa số đang được huấn luyện cấp tốc ở Châu Âu.

Quân đội Nga tuyên bố đã bắn hạ một số máy bay F-16 ở Ukraine, nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Sau các cuộc chiến trên bộ và trên biển, sắp tới đây sẽ có những cuộc đụng độ bên trên các chiến hào để giành quyền kiểm soát bầu trời.

Minh Phương

Published in Quốc tế

Người Ukraine sẽ phải đối mặt với nạn khủng bố ở quy mô chưa từng thấy tại Châu Âu kể từ kỷ nguyên toàn trị hồi thế kỷ 20.

nga1

Một người phụ nữ tạo dáng chụp ảnh trước cây thông Noel ở Melitopol, vùng Zaporizhzhia của Ukraine, với lá cờ Nga tung bay trên đầu vào ngày 18 tháng 12 năm 2022. AFP via Getty Images

Trong lúc cuộc phản công của Ukraine bị đình trệ và Quốc hội Mỹ còn đang tranh cãi về khoản viện trợ quân sự quan trọng, một số nhà phân tích đã bắt đầu lo ngại về một bước ngoặt trong cuộc chiến có thể dẫn đến thất bại của Ukraine. Dù tình hình trên chiến trường vẫn chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng nó có thể nhanh chóng xấu đi nếu không có khoản viện trợ quân sự đáng kể mà Mỹ dành cho Ukraine.

Hậu quả từ thất bại của Ukraine cần phải được hiểu đầy đủ. Trước tiên, những hậu quả địa chính trị rất dễ dự đoán. Sự thất bại của một quốc gia được phương Tây hậu thuẫn sẽ khuyến khích Nga và các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại khác thay đổi đường biên giới bằng vũ lực. Một chiến thắng của Nga sẽ khiến các nước láng giềng Châu Âu của nước này lo sợ, nhiều khả năng dẫn đến sự sụp đổ an ninh tập thể Châu Âu khi một số nước lựa chọn biện pháp xoa dịu, còn những nước khác lại ồ ạt tái vũ trang. Trung Quốc cũng sẽ kết luận rằng Đài Loan không thể trông cậy vào sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ. Thật vậy, những tác động lan tỏa từ sự thiếu quyết đoán của Mỹ đã xuất hiện : Trong một động thái gợi nhớ đến việc Nga sáp nhập bất hợp pháp một số khu vực của Ukraine, trong tháng này, Venezuela đã tuyên bố chủ quyền đối với hơn một nửa lãnh thổ Guyana láng giềng. Dù không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc xâm lược sắp xảy ra, nhưng sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng các quốc gia khác không theo dõi sát sao xem liệu Nga có chiếm đất thành công hay không.

Nhiều nhà phân tích đã mô tả những rủi ro an ninh sâu rộng kể trên. Nhưng chúng chẳng là gì so với những hậu quả thảm khốc đối với Ukraine và người dân nước này nếu Nga chiến thắng. Điều quan trọng là cả những người ủng hộ và phản đối viện trợ cho Ukraine đều phải biết những hậu quả này là gì.

Để hiểu số phận của Ukraine sẽ ra sao nếu Nga lật ngược tình thế, điểm khởi đầu tốt nhất chính là những phát biểu của Nga. Ngày 8/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng, theo quan điểm của ông, nhà nước Ukraine không có tương lai. Trước đó, ngày 5/12, ông đề xuất ý định "cải tạo" người dân Ukraine, chữa khỏi chứng "bài Nga" và "xuyên tạc lịch sử" cho họ. Ngày 12/11, cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev đã nói rõ mong muốn của Nga : "Odessa, Nikolaev, Kyiv, và thực tế là mọi nơi khác đều không phải là Ukraine". Ông đăng trên Telegram rằng "rõ ràng" Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là "kẻ tiếm quyền", rằng ngôn ngữ Ukraine chỉ là "phương ngữ lai" của tiếng Nga, và Ukraine "KHÔNG phải là một quốc gia, mà là các vùng lãnh thổ được tập hợp một cách giả tạo". Các nhà tuyên truyền chế độ khác thì khẳng định rằng nhà nước Ukraine là một căn bệnh cần phải chữa trị, và người Ukraine là một xã hội cần phải được "tẩy giun".

Cụ thể hơn, trong hai năm qua, đài truyền hình nhà nước bị kiểm duyệt gắt gao của Nga đã liên tục tuyên truyền về việc hãm hiếp người Ukraine, dìm chết trẻ em Ukraine, san bằng các thành phố, tiêu diệt giới tinh hoa Ukraine, và hành hạ thể xác hàng triệu người Ukraine. Để tóm tắt những diễn biến này, Russian Media Monitor đã biên soạn một bộ sưu tập các đoạn clip ngắn tiêu biểu  từ truyền hình Nga, có sẵn phụ đề tiếng Anh. Chiến dịch phối hợp này không phải là doạ suông, mà là điềm báo về những gì đang chờ đợi người dân Ukraine. Thông qua những hình ảnh này, chúng ta có thể nhận ra những hành động tàn bạo nào đang chờ đợi người Ukraine nếu đất nước họ bị Nga chiếm đóng toàn bộ hoặc gần như toàn bộ.

Chúng ta cũng có thể dự đoán tác động từ chiến thắng của Nga bằng những hành động tàn bạo vốn đã lan rộng ở các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng. Theo các nguồn tin chính thức của Ukraine, gần 2 triệu người Ukraine ở các khu vực bị chiếm đóng đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và cộng đồng của họ, để đến tái định cư ở Nga, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Các ước tính khác dao động từ 1,6 triệu đến 4,7 triệu người. Ủy viên về Quyền trẻ em Nga Maria Lvova-Belova cho biết hơn 700.000 trẻ em Ukraine đã được đưa từ Ukraine sang Nga kể từ tháng 2/2022 ; gần 20.000 trong số này đã được chính quyền Ukraine xác định tên tuổi. Việc đưa trẻ em rời khỏi quê hương và không cho chúng tiếp cận với ngôn ngữ và văn hóa của chúng không chỉ là một tội ác chiến tranh được quốc tế công nhận, mà việc đồng hóa cưỡng bức này còn được Công ước Liên Hiệp Quốc về Diệt chủng xác định là hành vi diệt chủng. Đó là lý do tại sao Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Lvova-Belova.

Nga không chỉ tiêu diệt người Ukraine ở những khu vực bị chiếm đóng, mà còn thay thế họ bằng những người định cư Nga – một sự tiếp nối bi thảm của các hoạt động trục xuất, thuộc địa hóa, và Nga hóa có hệ thống diễn ra từ thời Liên Xô và Đế quốc Nga. Tại thành phố Mariupol của Ukraine, nơi cuộc tấn công của Nga đã giết chết hàng chục nghìn dân thường và phá hủy 50% nhà ở của thành phố, một số tòa nhà chung cư mới đã được xây dựng gần đây. Một vài toà nhà trong số đó đang được rao bán và những kẻ trục lợi người Nga đã nhanh chóng chộp lấy món bất động sản với giá hời.

Miền nam bị chiếm đóng một phần của Ukraine mang đến một bức tranh rõ ràng hơn về các kỹ thuật được lực lượng chiếm đóng sử dụng để xác lập quyền lực. Một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền từ tháng 7/2022 đã mô tả các hình thức tra tấn, các vụ mất tích và giam giữ tùy tiện trong khu vực. Trong quá trình thẩm vấn, dân thường phải chịu đựng nhiều loại tra tấn, bao gồm đánh đập, sốc điện, và phá hoại giác quan. Một số tù nhân đã chết vì bị tra tấn, và một số lớn khác đã mất tích. Danh sách các nạn nhân có quan chức địa phương, giáo viên, đại diện của Giáo hội Chính thống Ukraine, nhà hoạt động phi chính phủ, và thành viên lực lượng bảo vệ lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra còn có một lượng lớn thông tin được thu thập bởi các nhà giám sát nhân quyền và nhà báo về hoạt động của các trại thanh lọc và trại tập trung.

Truyền bá chính trị và quân sự hóa thanh niên đã trở thành những đặc điểm chính của cuộc sống dưới sự chiếm đóng của Nga. Các biểu ngữ và áp phích chính trị cổ vũ lòng yêu nước Nga đã hiện diện khắp nơi ở các khu vực bị chiếm đóng. Sách giáo khoa mới dành cho trẻ em đã xoá bỏ hoàn toàn lịch sử Ukraine, và còn rao giảng lòng căm thù giới lãnh đạo Ukraine. Ngôn ngữ Ukraine đang bị loại bỏ khỏi phần lớn hệ thống giáo dục, và bị đẩy xuống vị thế như một phương ngữ cổ xưa, không đại diện cho bất cứ điều gì ngoài một nền văn hóa khu vực đang dần biến mất và sẽ sớm bị văn hoá chính thống của Nga đè bẹp.

Hiện tại, cuộc sống của hàng triệu người Ukraine đã bị hủy hoại bằng cách này hay cách khác bởi quá trình chiếm đóng khủng khiếp của Nga. Nếu Nga hoàn thành cuộc chinh phục của mình, con số đó sẽ tăng lên gấp bội. Sau gần một thập niên đối đầu chống lại Nga, người Ukraine đã đoàn kết và huy động cao độ để bảo vệ biên giới, dân chủ, văn hóa, và ngôn ngữ của đất nước họ, thậm chí nhiều người Ukraine nói tiếng Nga đã chuyển sang tiếng Ukraine vì căm ghét cuộc xâm lược của Moscow. Hàng triệu người Ukraine đã nổi giận và trở nên cực đoan hóa trước tội ác chiến tranh, cũng như việc quân Nga tàn phá các thị trấn và nhà cửa của họ. Hàng triệu người Ukraine đã tình nguyện hỗ trợ nỗ lực chiến tranh, hàng triệu người đã đóng góp quỹ hỗ trợ quân đội, và một con số còn lớn hơn nữa đã chuyển sang sử dụng mạng xã hội để trút giận và công khai bày tỏ sự phẫn nộ của họ đối với Putin và nhà nước Nga.

Điều đó chỉ khiến cuộc xâm lược trở nên tàn bạo và đẫm máu hơn. Bởi nếu Ukraine thua, gần như toàn bộ xã hội Ukraine sẽ phải bị trừng phạt, đàn áp, bịt miệng, hoặc cải tạo nếu mục đích cuối cùng của cuộc chiếm đóng là nhằm dập tắt sự phản kháng và sáp nhập đất nước này vào Nga. Vì lý do này, việc Nga tiếp quản sẽ đi kèm với các vụ bắt bớ, giam giữ dài hạn, cưỡng bức di cư hàng loạt đến vùng trung tâm nước Nga, các trại thanh lọc trên quy mô lớn và khủng bố chính trị. Nếu một cuộc nổi dậy xuất hiện, mức độ đàn áp sẽ chỉ thêm sâu rộng hơn.

Nga cũng sẽ tiến hành một nỗ lực trên quy mô lớn nhằm loại bỏ những tài liệu khuyến khích "lật đổ", nghĩa là tất cả các bộ phim, tiểu thuyết, thơ ca, tiểu luận, nghệ thuật, công trình học thuật, và âm nhạc chứa đựng những đề cập ủng hộ thời kỳ độc lập của Ukraine. Các thư viện và trường học sẽ không còn được chứa những nội dung mang tính "lật đổ" như vậy – về bản chất, là phần lớn các tác phẩm văn học và văn hóa mà Ukraine đã sáng tạo trong suốt ba thập niên qua. Các nhà văn và học giả sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn : hoặc từ bỏ danh tính và công việc trước đây của họ, hoặc trở thành "những kẻ không phải con người" trong trật tự mới. Nhiều người sẽ phải đối mặt với việc bị bắt giữ hoặc một bản án tồi tệ hơn, đơn giản vì họ đã giúp quảng bá văn hóa Ukraine và cản trở quá trình Nga hóa. Một lần nữa, đây không phải là suy đoán, mà là thông lệ phổ biến ở các vùng lãnh thổ khác mà Nga đã chiếm đóng.

Những bước tiến về lãnh thổ của Nga sẽ đi kèm với làn sóng người tị nạn Ukraine thứ hai, với quy mô lớn hơn nhiều so với đầu năm 2022, khi khoảng 7 triệu người Ukraine vượt biên giới vào Liên minh Châu Âu. Đối với những người Ukraine còn ở lại quê hương, tương lai của họ sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát toàn trị về văn hóa, giáo dục, và ngôn luận, kèm theo một cuộc khủng bố hàng loạt trên quy mô chưa từng thấy ở Châu Âu kể từ kỷ nguyên toàn trị thế kỷ 20.

Và đó chính là tác động cơ bản của chiến thắng của Nga. Các thành viên Quốc hội Mỹ có quyền tự do bỏ phiếu chống lại việc hỗ trợ Ukraine nếu họ nghĩ – một cách sai lầm – rằng kết quả của cuộc chiến không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của nước Mỹ. Tuy nhiên, họ không nên được phép phản đối việc hỗ trợ Ukraine mà chưa nhận thức đầy đủ về chế độ chuyên chế mà họ sẽ giúp trao quyền – và trách nhiệm của họ đối với những tội ác kinh hoàng, hoàn toàn có thể dự đoán được sẽ xảy ra sau đó.

Adrian Karatnycky là nghiên cứu viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, người sáng lập Myrmidon Group, và là tác giả của cuốn "Battleground Ukraine : From Independence to the War with Russia", sẽ được Nhà xuất bản Đại học Yale ấn hành vào tháng 6/ 2024.

Adrian Karatnycky

Nguyên tác : "What a Russian Victory Would Mean for Ukraine", Foreign Policy, 19/12/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/12/2023

Published in Diễn đàn

Chiến dịch phản công của Ukraine chỉ gặp khó khăn hay đã thất bại ?

Anh Vũ, RFI, 20/12/2023

Nga đang gia tăng các cuộc tấn công dọc theo chiến tuyến và dường như sắp đột phá được ở một số nơi. Nếu như khó khăn của Ukraine là có thật ở đầu mùa đông, thì quân đội Nga cũng chỉ có nguồn lực hạn chế. RFI giới thiệu các nhận định phân tích của chuyên gia về những khó khăn của Ukraine trên chiến trường. 

Russia Ukraine War

Một binh sĩ Ukraine tại Avdiivka (Donetsk), một mặt trận khốc liệt trong cuộc chiến chống Nga. Ảnh tư liệu ngày 25/04/2023. AP - LIBKOS

Tại Avdiivka, quân Nga đang tiến lên, tương tự như ở vùng Zaporizhia. Tuy nhiên, Ukraine đã tập trung nỗ lực ở đó để phản công. Ở bên kia Dnieper, viễn cảnh của những người lính Ukraine đã vượt qua sông "có vẻ rất mong manh", CNN ghi nhận hôm Chủ nhật 17/12.

Kênh truyền hình Mỹ không phải là kênh duy nhất vẽ bức tranh đen tối cho Ukraine. Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavsky thừa nhận khi được hãng tin Reuters phỏng vấn hôm thứ Hai 18/12 : "Chúng tôi đang rất thiếu đạn dược và chúng tôi buộc phải chuyển sang thế phòng thủ ở một số khu vực nhất định".

Trong các sĩ quan cấp cao nhất của quân đội Ukraine, tâm trạng không hề vui vẻ. Vào đầu tháng 11, Valeriy Zalouzhny, tổng tham trưởng quân đội Ukraine, đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với The Economist rằng cuộc chiến chống Nga đang "đi vào bế tắc". Phát ngôn này đã bị tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phản bác. Tuy nhiên, sau đó ông cũng đã thừa nhận thành công của các hoạt động quân sự phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của phương Tây. New York Times nhấn mạnh, sự hỗ trợ đang mất dần động lực, ở Washington cũng như Bruxelles.

Glen Grant, nhà phân tích cấp cao tại Tổ chức An ninh Baltic (Baltic Security Foundation), chuyên gia về các vấn đề quân sự Nga, tóm tắt : "Trên thực địa, hiện tại rất khó khăn, vì Nga đang đưa quân ồ ạt iên tục để áp đảo lực lượng Ukraine".

H qu là : "Quân Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ Avdiivka, một thành phố quan trọng vì nằm ở ngoại vi Donetsk. Họ có thể sẽ mất Mariïnka, nằm xa hơn về phía nam một chút. Họ đang phải hứng chịu cuộc tấn công lớn ở xung quanh thành phố Robotyne, một trong những khu vực chính mà quân Ukraine đã chiếm lại trong vùng Zaporizhia kể từ khi bắt đầu cuộc phản công", ông Huseyn Aliyev, chuyên gia về cuộc chiến ở Ukraine tại Đại học Glasgow, Scotland, nhận định.

Đó là chưa kể các cuộc giao tranh dữ dội đang tiếp diễn để giành quyền kiểm soát Bakhmut và các cuộc tấn công của Nga thậm chí còn được tiến hành xa hơn về phía bắc của tiền tuyến, hướng tới Kupiansk, ở vùng Luhansk.

Tất nhiên, chúng ta phải "cẩn thận với những thông tin sai lệch của Nga đang tìm cách tô đen bức tranh hơn nữa đối với Ukraine", Glen Grant cảnh báo. Thật vậy, những người tuyên truyền ủng hộ điện Kremlin hiện đang đẩy mạnh tung tin chiến thắng trên Telegram, và thậm chí còn tạo ra các tài khoản giả về những người lính Ukraine "kêu ca" về những khó khăn khi chiến đấu chống lại kẻ thù được mô tả mạnh hơn họ nhiều.

Ngay cả những tuyên bố của chính quyền Ukraine cũng phải được tiếp nhận một cách thận trọng. Những tuyên bố như vậy có thể được cố ý đưa ra gây ấn tượng "để thuyết phục phương Tây về tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ cho họ", Sim Tack, nhà phân tích quân sự của Force Analysis, một công ty theo dõi sát xung đột, nhấn mạnh.

Ngoài sự cường điệu của một số người, "động lực nhìn chung của các trận chiến chắc chắn đang ở về phía người Nga vào lúc này", ông Huseyn Aliyev khẳng định.

Chờ viện trợ Phương Tây

Trận chiến giành Avdiivka minh họa rõ ràng những khác biệt trong cách diễn giải. Đối với một số người, bước tiến của Nga là một thất bại nghiêm trọng với Kiev. Huseyn Aliyev giải thích : "Avdiivka là một tiền đồn quý gia cho pháo binh Ukraine để oanh kích Donetsk và gây áp lực liên tục lên hệ thống phòng thủ của Nga". Nếu lực lượng Ukraine buộc phải rút lui, điều này sẽ giải tỏa áp lực lên quân Nga để họ có thể tái triển khai ở những nơi khác trên mặt trận.

Đối với những người khác, cái giá về nhân lực và vật lực mà người Nga phải trả để vượt qua Avdiivka là rất – thậm chí là quá – cao. Chuyên gia Sim Tack lưu ý : "Theo ước tính của Mỹ, Nga đã mất số quân tương đương với cả một sư đoàn, tức là khoảng 10.000 quân và trang thiết bị của họ". Còn ông Glen Grant đặt câu hỏi : "Điều gì quan trọng hơn : lùi một chút hay gây tổn thất rất nặng nề cho kẻ thù ?"

Dù việc phân tích mức độ khó khăn của Ukraine có thể khác nhau, nhưng mọi người đều đồng ý về các nguyên do. Trước hết, "vấn đề sống còn là các nước phương Tây gửi thiết bị và đạn dược đến Ukraine", Sim Tack nhấn mạnh. Sự chậm chạp của các nước Châu Âu trong việc chốt lại thỏa thuận viện trợ 51 tỷ euro cho Ukraine do bị Hungary phủ quyết và bế tắc chính trị ở Mỹ đã làm phức tạp thêm nhiệm vụ của bộ chỉ huy quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, quân đội Ukraine chưa ở trong tình trạng tay không ngay tức khắc. Ông Sim Tack giải thích : " Vũ khí vẫn được chuyển đến, nhất là do những cam kết trước đó, nhưng tương lai thì sẽ có nhiều bất trắc hơn". Các chỉ huy quân sự Ukraine phải đưa ra những lựa chọn mà không thực sự biết ngày mai sẽ ra sao, điều này buộc họ phải hạn chế đạn dược.

Trong khi trước mặt các binh sĩ Ukraine thì chuyện đó không xảy ra. Ông Huseyn Aliyev lưu ý : "Nga hiện đang thành công trong việc hỗ trợ rất đầy đủ cho nỗ lực chiến tranh của họ". Một mặt, họ có thể tăng cường sản xuất đạn pháo, mặt khác "có thể mua drone và đạn dược với số lượng lớn từ các nước như Iran hoặc Bắc Triều Tiên", chuyên gia này nói tiếp.

Làm hài lòng "Sa hoàng Putin" trước bầu cử tổng thống

Kiev không chỉ đang thiếu đạn dược. Theo chuyên gia Sim Tack, "Ukraine cũng đang thiếu quân số nghiêm trọng. Quân đội ngày càng gặp khó khăn trong việc luân chuyển binh lính để cho họ nghỉ ngơi". Trong khi đó, ông Glen Grant nhấn mạnh vấn đề quân dự bị này một phần là do "dự luật tạo thuận lợi cho việc huy động thanh niên hiện đang gặp khó khăn trong việc thông qua ở Nghị viện".

Một lý do khác khiến các cuộc tấn công của Nga gia tăng là bởi cuộc bầu cử tổng thống gần như chắc chắn cho phép Vladimir Putin tiếp tục nhiệm kỳ mới vào tháng 3 năm tới. Ông Glen Grant nói : "Tất cả các tướng lĩnh nhỏ hiện nay đều muốn làm hài lòng "Sa Hoàng" bằng cách mang lại cho ông những thành quả để khoe khoang về 'thành công' trong cuộc chiến của ông ấy, phục vụ chiến dịch vận động bầu cử".

Theo các chuyên gia được France 24 phỏng vấn, quân đội Nga có thể đột phá thành công trên mặt trận. Tuy nhiên,chuyên gia Glen Grant tin rằng : "Quân Nga không có đủ xe bọc thép và các đơn vị có kinh nghiệm để phát huy lợi thế của mình và có thể đi xa". Huseyn Aliyev chia sẻ cùng quan điểm : " Nguồn lực của Moskva quá hạn chế để hỗ trợ một cuộc tấn công kéo dài hơn một hoặc hai tháng".

Do đó, lợi thế của Nga sẽ giống với chiến hạm Potemkin : Gây ấn tượng, nhưng chỉ ở bề ngoài. Nhất là nếu cái van viện trợ phương Tây lại mở rộng cho Kiev.

(Theo France24.com)

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 20/12/2023

*****************************

Tổng thống Ukraine thừa nhận chiến tranh chưa có hồi kết

Minh Anh, RFI, 20/12/203

Ngày 19/12/2023, trong cuộc họp báo truyền thống cuối năm, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẳng định chưa có hồi kết cho cuộc chiến chống quân xâm lược Nga, đồng thời ông tạm thời bác bỏ đề xuất của quân đội động viên thêm khoảng nửa triệu người. 

uk2

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo tại Kiev, Ukraine, ngày 19/12/2023. AP - Efrem Lukatsky

Theo AFP, những phát biểu này của nguyên thủ quốc gia Ukraine đưa ra vào lúc các đồng minh của Kiev tỏ ra mệt mỏi sau gần hai năm giao tranh và điện Kremlin ngày càng tin tưởng sẽ chiến thắng. Cuộc họp báo của ông với các phóng viên trong và ngoài nước kết thúc một năm đầy khó khăn cho Ukraine trong khi lực lượng của Kiev đang chịu nhiều sức ép trên chiến trường và các đồng minh tỏ ra dao động trong việc hỗ trợ quân sự và tài chính. 

Từ Kiev, thông tín viên Stephan Siohan tóm lược một số điểm chính cuộc họp báo : 

"Cuối cùng có ít điều để nhớ về cuộc trao đổi của ông Volodymyr Zelensky với giới truyền thông trong và ngoài nước. Nguyên thủ quốc gia Ukraine nhìn chung khá kiệm lời về việc phân tích cuộc phản công năm 2023, hay triển vọng chiến lược cho năm 2024. Zelensky muốn nhấn mạnh hơn đến điều mà ông gọi là những thắng lợi của Ukraine, quyết định của Liên Hiệp Châu Âu mở đàm phán kết nạp Ukraine, hay việc khai thông Hắc Hải sau mùa hè… 

Điểm đáng chú ý nhất trong cuộc họp báo có lẽ là thông báo đề xuất của quân đội gọi nhập ngũ thêm 500 ngàn công dân. Tuy nhiên, tổng thống Zelensky cẩn trọng nhấn mạnh rằng ông cần có thêm những giải thích từ giới chức quân sự về cơ hội của sáng kiến này, một hình thức để thanh minh cho một quyết định chắc chắn không thể tránh khỏi và có nguy cơ gây mất lòng dân. 

Tổng thống Ukraine nhiều lần tỏ ra khó chịu khi nghe nhắc đến tên Valery Zaloujny, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, nhân vật được cho là ngày càng có nhiều xung khắc với ông. Hôm qua, ông Zelensky đã chẳng làm gì nhằm xóa tan cảm giác đang có căng thẳng giữa phe dân sự và phe quân sự ở Kiev". 

Cũng trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thống Ukraine còn cho biết muốn đàm phán với thủ tướng Hungary Victor Orban để "tìm giải pháp" cho những khác biệt giữa đôi bên, đồng thời bày tỏ tin tưởng Washington "sẽ không phản bội người dân Ukraine". 

Tuy nhiên, theo AFP, các lãnh đạo Thượng Viện Hoa Kỳ hôm qua tuyên bố Mỹ sẽ không thể thông qua gói viện trợ 61 tỷ đô la cho Ukraine từ đây đến cuối năm 2023, bất chấp những khẩn khoản từ Kiev và Nhà Trắng. 

Minh Anh

*************************

Quân đội Ukraine đối mặt với tình trạng cạn kiệt vũ khí

Anh Vũ, RFI, 19/12/2023

Hãng tin Reuters ngày 18/12/2023, dẫn lời một tướng chỉ huy quân đội Ukraine cho biết các binh sĩ của nước này trên các mặt trận đang thiếu vũ khí, đạn pháo đến mức phải hạn chế một số chiến dịch quân sự.

uk3

Vũ khí được đưa lên máy bay để cung cấp cho quân đội Ukraine chống quân xâm lược Nga. Căn cứ Không quân Mỹ Dover, ngày 21/01/2022. AP - Mauricio Campino

Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy chiến dịch phản công quân Nga, xác nhận với Reuters rằng họ "đang gặp vấn đề về đạn dược". Theo ông, số lượng đạn viện trợ nhận được không đủ để quân đội Ukraine đối phó với các cuộc tấn công liên tục của quân Nga.

Vị tướng này cho biết thêm quân Ukraine hiện không thể duy trì sự hiện diện trên tất cả các chiến tuyến, một số khu vực đang phải chuyển sang thế phòng thủ, để có thể tiếp tục các cuộc tấn công ở hướng khác.

Hãng tin Nhật NHK cho biết, trong một cuộc họp hôm Chủ nhật vừa qua, lãnh đạo tình báo Ukraine, Kyrylo Budanov, đã nói rằng để duy trì được sức mạnh hiện nay cần phải huy động thêm nhiều lính mới.

Trong khi đó, Nhà Trắng, qua lời phát ngôn viên John Kirby, hôm qua cảnh báo không còn phương tiện để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, sau gói viện trợ cuối cùng cuối năm nay, trong khi Quốc Hội Mỹ vẫn đang chặn việc thông qua ngân sách 61 tỷ đô la viện trợ bổ sung cho Kiev, để gây sức ép với chính quyền Biden về chính sách nhập cư. Ít ngày trước kỳ nghỉ cuối năm, Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ chấp thuận viện trợ 300 triệu đô la cho Kiev trong năm 2024.

Anh Vũ

Published in Quốc tế