Thông thường khi nói đến thành tích là nói đến thành quả tốt đẹp của những việc làm tốt đẹp. Vi phạm nhân quyền là hành vi xấu xa thường phải dẫn đến những hậu quả tồi tệ mà gọi là thành tích là trái luận lý. Vậy phải chăng khi viết tiêu đề "Thành tích vi phạm nhân quyền năm 2018 của nhà cầm quyền Cộng đảng Việt Nam" là cưỡng từ đoạt lý ?
Theo thống kê của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), hiện có khoảng 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam
Xin thưa, phải dùng cụm từ có tính "Cưỡng từ đoạt lý" như vậy mới diễn đạt đúng thực tế bao lâu nay tại Việt Nam với một nhà cầm quyền độc tài toàn trị cộng sản luôn làm những điều nghịch lý, trái với luận thường đạo lý bao đời của tổ tiên và nhân loại văn minh. Vì thông thường, tự do và nhân quyền là một quyền tự nhiên bất khả phân (có con người là phải có tự do, nhân quyền) và bất khả xâm phạm (không ai kể cả nhà cầm quyền được vi phạm). Vì thiếu tự do "con người sẽ sống trong lo âu sầu tủi và nhân phẩm bị hạ thấp ngang tầm loài vật…" (1).
Thế nhưng đối với các chế độ độc tài nói chung, độc tài toàn trị cộng sản tại Việt Nam nói riêng, thì nhân quyền lại là một ân huệ do nhà cầm quyền ban phát cho người dân nào chỉ biết phục tùng bất cứ mệnh lệnh nào của nhà cầm quyền, dù đúng hay sai ; nếu ai chống lại sẽ bị các công cụ bảo vệ chế độ như quân đội, công an, tòa án, nhà tù, pháp trường trấn áp thẳng tay. Vì vậy đảng và nhà cầm quyền cộng đảng Việt Nam đã có một định nghĩa về nhân quyền trái ngược với định nghĩa về nhân quyền phổ quát ở các nước tự do dân chủ trên thế giới. Và vì vậy vi phạm nhân quyền đã là thành tích của chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Việt Nam một cách nghịch lý là như thế.
Vậy thì thành tích vi phạm nhân quyền nổi bật năm 2018 vừa qua của nhà cầm quyền Cộng đảng Việt Nam là gì ?
Theo nhận định tổng quát chung của các nhà đấu tranh cho dân chủ, giới truyền thông và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, thì năm 2018 là một năm tồi tệ nhất về "thành tích" vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, với hàng trăm người bất đồng chính kiến bị bắt, nhiều người bị án tù cao hơn trước nhiều so với hai năm trước 2017 và 2018. Trong khi các nhà tranh đấu luôn bị nhân viên an ninh hành hung, sách nhiễu đủ điều ; phong trào đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam tiếp tục bị đàn áp một cách khốc liệt, nhân quyền tiếp tục bị vi phạm trầm trọng.
Thật vậy, người ta ghi nhận từ đầu năm 2018, diễn ra những vụ xử án nhắm vào các nhà hoạt động và đấu tranh, điển hình như vụ xét xử ông Lê Đình Lượng tại Nghệ An với mức án lên đến 20 năm tù giam và 5 năm quản chế. Kế đến là hàng loạt các thành viên của Hội Anh em Dân chủ như Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, và Phạm Văn Trội, với mức án tổng cộng lên đến 66 năm tù giam, 17 năm quản chế.
Ông Lê Đình Lượng bị kết án với mức án lên đến 20 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Theo 88 Project, một tổ chức phi lợi nhuận về nhân quyền của Hoa Kỳ, cho biết có đến 103 nhà hoạt động bị bắt, 120 nhà hoạt động bị xử án tù trong 2018, nặng hơn và nhiều hơn so với năm 2017. Trong số 120 người bị kết án, có 11 người bị án tù từ 10 đến 14 năm, có hai người bị kết án 15 đến 19 năm tù.
Còn người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Người Bảo vệ Nhân quyền, cho VOA biết : "Trong năm 2018, theo thống kê của Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam bắt giữ 26 nhà hoạt động và kết án 39 nhà hoạt động, với tổng mức án lên đến 294,5 năm tù và 66 năm quản chế. Con số này chưa kể đến hàng trăm người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình giữa tháng 6 phản đối Luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu kinh tế".
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 16/12, trong một báo cáo đệ trình đã nêu các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam bao gồm quyền tự do báo chí, tôn giáo, xã hội dân sự, hội đoàn độc lập, tra tấn trong tù…HRW lên án chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật mơ hồ để bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo một cách ôn hòa.
Phúc trình hàng năm mới của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho thấy Việt Nam nằm trong số những nước kết án tù nhiều nhà báo nhất trong bối cảnh có hơn 250 nhà báo bị bỏ tù trên toàn thế giới trong năm 2018. Trong năm qua, chính quyền Hà Nội đã kết án tù 11 nhà báo, cao hơn số người bị kết án trong năm 2017. Theo thống kê của của CPJ, hồi năm ngoái có 10 nhà báo bị đưa vào sau song sắt của các nhà tù ở Việt Nam và tất cả những người này đều bị kết án với cáo buộc ‘chống phá nhà nước’. Việt Nam đứng thứ 6 trên danh sách những nước kết án tù nhiều nhất đối với những người làm truyền thông trong năm qua. Đứng đầu danh sách mà CPJ công bố hôm 13/12 là Thổ Nhĩ Kỳ với 68 nhà báo. Trung Quốc, quốc gia Cộng sản láng giềng của Việt Nam, đứng thứ hai với 47 nhà báo bị bỏ tù…
Ở Việt Nam, nhà báo bị kết án tù gần đây nhất là ông Đỗ Công Đương, một người làm truyền thông độc lập. Ông Đương nhận bản án 9 năm tù về nhiều tội danh khác nhau trong đó có tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước" theo điều 331 của Bộ Luật hình sự. Nhà báo tự do này đã sử dụng Facebook và một số trang mạng khác để nói về những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, nhất là ở thị xã Từ Sơn, Hà Nội.
Trước đó vào tháng 7, một nhà báo tự do và là cộng tác viên thường xuyên của VOA Tiếng Việt, ông Lê Anh Hùng, cũng bị chính quyền Hà Nội bắt giữ với những cáo buộc tương tự. Trước khi bị bắt, ông Hùng, cũng là một thành viên của Hội nhà báo Độc lập, viết một số bài bình luận về Luật An ninh mạng - một bộ luật gây tranh cãi vì được cho là sẽ trao cho nhà nước thêm nhiều quyền lực để kiểm soát và khống chế tự do ngôn luận trên mạng internet.
Shawn Crispin, đại diện cao cấp của CPJ ở Đông Nam Á đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội hãy hủy bỏ bản án đối với nhà báo và nhà hoạt động Công Đương, và thả blogger Anh Hùng ngay lập tức. Và rằng
"Nếu Việt Nam muốn được nhìn nhận một cách nghiêm túc như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì họ phải ngừng đàn áp và bỏ tù các nhà báo".
Ngoài các nhà báo, nhiều tù nhân lương tâm cũng bị kết án tù ở Việt Nam. Theo thống kê của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), hiện có khoảng 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam.
Thực tế quả đúng như những nhận định trên của các giới. Thế nhưng nhà cầm quyền cộng đảng Việt Nam thực tế đã ngày càng tỏ ra cao ngạo, coi thường nhân dân và dám thách thức công luận quốc tế bằng các hành động bắt giam tràn lan và kết án nặng nề các nhà bất đồng chính kiến đã đấu tranh ôn hòa cho nhân quyền tại Việt Nam. Vì sao ?
Như chúng tôi đã lên tiếng nhiều lần, mọi sự tố cáo, lên án suông của quốc tế về các hành động vi phạm nhân quyền ở Việt Nam mà không đi kèm các biện pháp chế tài hữu hiệu, thì nhà cầm quyền cộng đảng Việt Nam vẫn cứ coi thường. Tuy nhiên trong quá khứ, các chính quyền Hoa Kỳ tiền nhiệm trên nguyên tắc vẫn đặt nặng vấn đề nhân quyền trong quan hệ đối tác làm ăn với Việt Nam, nên ít nhiều cũng hạn chế số lượng và cường độ các vụ vi phạm nhân quyền của nhà đương quyền cộng đảng Việt Nam. Đồng thời, tại Việt Nam các nhà dân chủ đấu tranh cho nhân quyền vì thực tế nhà cầm quyền cộng đảng Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, chứ không phải trông chờ quốc tế hỗ trợ mới đấu tranh. Thành ra sự gia tăng đàn áp các nhà đấu tranh cho nhân quyền trong nước, nếu có gây thêm khó khăn, gian khổ cho họ, song tuyệt đối nhà cầm quyền cộng đảng Việt Nam sẽ không thể tiêu diệt được ý chí và quyết tâm đấu tranh đến cùng cho mục tiêu dân chủ hóa đất nước của họ.
Trong bài viết "khai bút" đầu năm này, người viết xin cầu chúc các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền đang bị nhà cầm quyền cộng đảng Việt Nam cầm tù hay sẽ bị cầm tù : Một Năm Mới 2019 sức khỏe dồi dào, ý chí, nghị lực kiên cường, góp phần sớm đưa Việt Nam đến chế độ dân chủ pháp trị ; để mọi tầng lới nhân dân Việt Nam sớm được sống trong "Tự do, Ấm no, Hạnh phúc" thực sự ; với các dân quyền, nhân quyền được tôn trọng, bảo vệ và hành xử ; tạo tiền đề cho đất nước phát triển toàn diện đến giầu mạnh và văn minh tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại. Đồng thời, để nhân dân Việt Nam có được sức mạnh tổng hợp đủ thế lực đập tan cuồng vọng xâm lăng bất cứ từ đâu tới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc và sự trường tồn của Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Houston, ngày Mùng 2 Tết Dương lịch 2019
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 10/01/2019
(1) Trích "Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977"
Ðêm 24 rạng ngày 25/12 hàng năm cũng như năm nay 2018, tại thành phố Houston này, cũng như đêm qua, đêm mai tại những vùng đất có dân cư ở những múi giờ khác nhau trêm mặt địa cầu, con người nói chung, các tín đồ Thiên Chúa Giáo nói riêng, bằng nhiều hình thức, nghi lễ khác nhau, với tâm tình khác nhau, đã, đang và sẽ đón mừng kỷ niệm ngày Giáng Sinh lần thứ 2018 của một con người siêu phàm, có tên là Giêsu, đã xưng mình và đã minh chứng Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Như vậy, Giáng Sinh đã là một sự kiện và là một biến cố có thật trong lịch sử nhân loại, mang ý nghĩa lịch sử bên cạnh ý nghĩa mầu nhiệm tôn giáo nói chung, của Thiên Chúa giáo nói riêng.
Cây thông giáng sinh.
Là một sự kiện có thật, vì quả thật trong lịch sử nhân loại đã có một con người siêu phàm tên là Giêsu sinh ra cách nay 2018 năm, trong một máng cỏ nơi một hang đá dành cho bò lừa trú ngụ, vào một mùa đông giá lạnh. Hang đá ấy có tên là Bê-lem(Bethlem), miền Giu-đê thuộc nước Do Thái cổ xưa, dưới thời đế quốc La Mã thống trị, nay cũng đã và đang diễn ra tranh chấp đẫm máu giành quyền làm chủ giữa hai dân tộc Israel và Palestin.
Là một biến cố có thật, vì sự xuất hiện của con người phi phàm Giêsu, đã làm cho vua Hê-rô-đê (Herode) lo sợ mất quyền bính, nên đã ra lệnh sát hại hàng ngàn sinh linh trẻ thơ vô tội. Biến cố ấy đã được lịch sử ghi nhận và thực tiễn đã làm thay đổi tư duy, đời sống con người và bộ mặt thế giới. Biến cố ấy cũng đã được con người chọn làm mốc thời gian năm tháng cho cuộc sống (Dương lịch). Nhưng điều hệ trọng hơn là sự kiện và biến cố ấy đã mang một ý nghĩa mầu nhiệm (miraculous) của đức tin tôn giáo, được thể hiện qua các hiện tượng lạ phát sinh từ và chung quanh con người siêu phàm mang tên Giêsu ấy.
Là một mầu nhiệm, vì để hiểu, biết và tin sự kiện "Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần Cứu Chuộc nhân loại" là sự thật, con người không thể bằng tầm tri thức hữu hạn (đức lý), mà cần được trang bị bằng "cặp mắt đức tin" thuộc phạm trù tôn giáo.
Thật vậy, với tầm tri thức hữu hạn, con người làm sao có thể hiểu được và chấp nhận một hài nhi bé nhỏ, sinh ra trong cảnh nghèo hèn, bởi một trinh nữ có tên là Maria, sống chung mà không phải vợ chồng, với một người bạn có chung niềm tin, làm nghề thợ mộc có tên là Giuse. Nghĩa là Hài Nhi Giêsu ấy, đã được thụ thai trong cung lòng Trinh Nữ Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (mà ngày nay khoa học đã chứng minh được qua sự thụ thai không chỉ qua giao hợp lưỡng tính) và Hài Nhi ấy sau này lại xưng mình là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần để cứu chuộc nhân loại, đã làm nhiều phép lạ cả thể, nhất là những phép lạ xẩy ra vào ba năm cuối đời đi rao giảng Tin Mừng và mạc khải cho loài người về Thiên Chúa và Ơn Cứu Ðộ. Sau cùng đã hoàn tất chương trình cứu độ bằng một cái chết treo khổ nhục trên thập tự giá vào tuổi 33, để rồi sau ba ngày Ðức Giêsu đã sống lại và lên Trời trước mặt nhiều người đương thời.
Những người chứng kiến các phép lạ xảy ra từ và chung quanh con người phi phàm Giêsu có thể biết và tin vào mầu nhiệm Giáng Sinh, song chỉ là số ít. Còn biết bao người đương thời, cũng như con người các thời đại sau này không được tận mắt chứng kiến các phép lạ thì sao ?
Hiển nhiên khó mà có lòng tin vào Mầu Nhiệm Giáng Sinh cũng như các mầu nhiệm khác thuộc quyền năng của Thượng Ðế. Tuy nhiên đây chỉ là nói theo luận lý thông thường của tầm tri thức hữu hạn của con người. Ngoài tầm tri thức hữu hạn này, con người còn tiềm ẩn một khả năng vượt trội, siêu hình, đó là Ðức Tin, một khi được khơi động sẽ có thể hiểu biết và cảm nghiệm được mọi mầu nhiệm trong thế giới siêu hình vô hạn. Các tín đồ có niềm tin nơi Thượng Ðế, chính là những con người được trang bị "cặp mắt Ðức Tin" tôn giáo, đễ có thể nhận thức được những gì vượt tầm tri thức hữu hạn của con người.
Hiện tại, sau 2018 năm Hài Nhi Giêsu ra đời, đã có hàng tỉ nhân loại tin vào ơn Cứu Ðộ qua mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần cứu chuộc nhân loại. Bằng niềm tin này, người ta có thể lý giải dễ dàng những sự kiện siêu tự nhiên từ một căn bản : Nếu đã tin và chấp nhận một tiền đề Thượng Ðế Toàn Năng đã tác tạo vũ trụ vạn vật và cho nó vận hành theo những quy luật riêng cho từng loài và quy luật chung cho mọi loài, thì không có gì Thượng Ðế không làm được.
Một điển hình, nếu ngày nay con người đã có thể bắt chuớc quy luật cấu tạo con người của Thượng Ðế(chứ không phải "cướp quyền" Thượng Đế) bằng cách lấy chất liệu từ con người vốn là vật thụ tạo của Thượng Ðế, cho thụ thai trong ống nghiệm có điều kiện môi sinh như trong cung lòng người nữ ; hay cho thụ thai trong chính cung lòng người nữ, thì đối với quyền năng Thượng Ðế, việc thụ thai của Hài Nhi Giêsu trong cung lòng trinh nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần vào 2018 năm trước đây, là điều hiển nhiên, không có gì phải tranh luận. Trinh Nữ Maria sau khi sinh Hài Nhi Giêsu vẫn còn đồng trinh là hệ quả tất nhiên do cách thụ thai ngoài sự giao hợp lưỡng tính thông thường cũng là điều hiển nhiên không cần biện giải.Vì các tín điều tôn giáo nói chung, Thiên Chúa giáo nói riêng như những định đề toán học không thể chứng minh và không cần chứng minh (Như định đề Euclide : "Từ một điểm, ngoài một đường thẳng, ta chỉ có thể kẻ một đường thẳng thẳng góc hay hay song song với đường thẳng ấy" chẳng hạn). Nhưng tin hay không tin và chọn niềm tin tôn giáo nào là quyền tự do của con người không thể áp đặt.
Ðến đây vấn đề chỉ còn là mỗi con người có chấp nhận mầu nhiệm Giáng Sinh cũng như các mầu nhiệm khác của Thượng Ðế hay không. Vì đó là quyền tự do lựa chọn của mỗi con người, mà chính Thượng Ðế đuợc tin là Ðấng sáng tạo ra con người, vạn vật, vũ trụ… cũng phải tôn trọng tuyệt đối quyền tự do của con người, kể cả quyền chối bỏ hay chống lại Thượng Đế. Bởi vì chỉ với quyền tự do tuyệt đối, con người mới chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình và Thượng Ðế mới có dữ kiện xét thưởng phạt công minh về các hành vi công phúc hay tội lỗi mỗi con người khi còn sống, sau cái chết, trở về với cát bụi.
Một so sánh cụ thể và tương đối về vai trò của Thượng Ðế có thể ví như người thợ nặn tượng sau khi bán một bức tượng cho người mua, người này có toàn quyền sử dụng tự do bức tượng theo ý muốn. Người sử dụng bức tượng chỉ có hai lựa chọn khi bức tượng cũ hay hư hỏng, nếu muốn tu bổ để tiếp tục sử dụng sẽ tìm đến người thợ nặn tượng nhờ thực hiện, hoặc vứt bỏ bức tượng đó đi. Theo niềm tin tôn giáo nơi Thượng Ðế cũng vậy, một khi tạo ra thân xác con người theo quy luật truyền sinh, là trao cho linh hồn quyền tự do tuyệt đối trong việc sử dụng thân xác. Linh hồn có thể nuôi dưỡng, tu bổ thân xác độc lập tự chủ hay chậy đến cậy nhờ Thượng Ðế giúp sức (cầu nguyện…), hoặc tự hủy thân xác (tự tử, tai nạn…) là quyền tự do lựa chọn của mỗi con người. Thượng Ðế sẽ chỉ xét đoán, định công, tội nơi mỗi con người sau cái chết để được tái sinh trong "Nước Hằng Sống " cực lạc (Thiên đàng) hay nơi cực khổ đời đời (Hỏa Ngục đời đời).theo niềm tin Thiên Chúa giáo.
Là những người có niềm tin nơi Thượng Ðế, đôi điều suy tư trên đây về mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng tôi chỉ muốn xác tín rằng : Hơn 2018 năm trước đây, quả thật đã có một Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần, thực hiện sứ mạng cứu chuộc con người khỏi tội nguyên tổ, tạo điều kiện cho con người tái sinh trong nước hằng sống. Nếu không có sự Giáng Sinh này, số phận con người đã khác, chắc chắn là bi thảm hơn nhiều.
Ðể cảm tạ và tri ân Thượng Ðế, đêm nay cũng như đêm qua và đêm mai, nơi các giáo đường khắp nơi trên mặt địa cầu, những con người có chung niềm tin vào mầu nhiệm Giáng Sinh đều cất cao lời ca chúc tụng, bằng mọi ngôn ngữ khác biệt của loài người. Chúc tụng và ngợi ca ơn Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng trần cứu độ muôn dân, đem an bình, ơn phúc và yêu thương đến cho mọi người thiện tâm, mọi dân tộc thiện chí qua các thời đại hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho đến tận thế.
Đúng như lời chúc mừng và ngợi ca Thiên Chúa của Thiên Thần vào đêm Chúa ra đời cách nay hơn 2018 năm :
"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho người thiện tâm"
Thiện Ý
Giáng sinh 2018
Nguồn : VOA, 20/12/2018
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977 do người viết khởi thảo theo yêu cầu của Mặt trận Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức đấu tranh cho nhân quyền được thành lập và hoạt động rất sớm, sau ngày cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam (1976-1978). Sau khi bị bắt cầm tù, chấp pháp công an của chế độ đã yêu cầu viết lại, cùng với các tài liệu khác do chúng tôi viết (1).
Kỷ niệm 70 năm ngày công bố Bản Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền 10/12/1948 - Ảnh minh họa
Do thực tế lúc bấy giờ, truyền thông chưa có internet, thông tin bị khép kín, nên bản Tuyên ngôn nhân quyền này không được phổ biến rộng rãi ở trong nước cũng như hải ngọai ; mà chỉ bí mật phổ biến truyền tay các bản đánh máy hay quay ronéo rất hạn chế đến những ai cùng chung lý tưởng, nghĩ là sẽ không trình báo công an. Sau khi ra hải ngoại, trong nhiều bài viết trước đây, chúng tôi đã trích đoạn từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977.
Hôm nay, nhân kỷ niệm 70 năm ngày công bố Bản Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền 10/12/1948, chúng tôi viết lại toàn văn bản Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977 theo trí nhớ. Vì vậy sẽ không đúng như nguyên bản, nhưng chắc chắn thể hiện đầy đủ, trung thực nội dung ý tưởng về các nhân quyền và dân quyền bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thời đó vi phạm nghiêm trọng. Mặc dầu sau 41 năm (1977-2018) Việt Nam vẫn chưa có nhân quyền, tình trạng đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền vẫn còn tiếp diễn. Thế nhưng thực tế cho thấy chính nhờ các cuộc đấu tranh cho nhân quyền của các thế hệ tiếp nối, cùng với áp lực quốc tế, đã buộc được đảng và nhà quyền cộng sản Việt Nam từng bước phải trả lại cho nhân dân các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền cơ bản. Mặc dầu thực tế chế độ đương quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp diễn những hành vi đàn áp nhân quyền và dân quyền nghiêm trọng, tinh vi và tàn độc hơn. Đúng như sự tố cáo mới đây nhất của các quốc gia khối Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Quốc hội Hoa Kỳ cáo buộc về tình trạng đàn áp nhân quyền vẫn tồi tệ của nhà đương quyền cộng sản Việt Nam.
Sau đây là nội dung toàn văn bản Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977.
Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)
Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977
"Khẳng định rằng : Con người sinh ra có quyền sống và phải được sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị con người.
Sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị con người, là mọi người sinh ra không phải chỉ để sống như một sinh vật, mà có yêu cầu khẩn thiết hơn, là phải được sống và sống tự do.
Sống tự do, là mọi người không phân biệt giai tầng xã hội, chủng tộc, phái tính, chính kiến, tôn giáo…phải được tôn trọng, bảo vệ và hành xử những nhân quyền cơ bản đã được ghi trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Hiến chương Liên Hiệp quốc (2) : Các quyền tự do tư tưởng, tự do chính trị, tự do kinh tế…
Vì đó là những quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm, không thể tiêu diệt !
Vì tự do và con người là một thực thể bất khả phân, có con người là phải có tự do, thiếu nó con người sẽ sống trong lo âu, sầu tủi và nhân phẩm bị hạ thấp ngang tầm loài vật.
Tiếc thay ! Một dân tộc đã và đang phải sống ngang tầm loài vật ! Đó là dân tộc Việt Nam. Vì dân tộc này đã và đang phải sống dưới ách thống trị của một chế độ độc tài đảng trị cộng sản, mọi nhân quyền, dân quyền đều bị tước đoạt và chà đạp.
Vì vậy, chúng tôi, những người Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ chống độc tài, soạn thảo và công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền này để mời gọi quốc dân Việt Nam tham gia và kêu gọi Liên Hiệp Quốc, chính quyền và nhân dân các quốc gia dân chủ trên thế giới, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, yểm trợ cho các hoạt động đấu tranh ôn hòa, dưới mọi hình thức, bằng nhiều phương cách hữu hiệu, để đòi buộc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng, bảo vệ và thực thi các nhân quyền và dân quyền cơ bản về tư tưởng, chính trị, kinh tế sau đây :
1. Quyền tự do ngôn luận :
Là mọi người được tự do suy tư, lưu trữ và truyền bá những tư duy qua các phương tiện truyền thông, như phát hành báo chí, in ấn sách vở,phát thanh, truyền hình, thuyết trình, hội luận… Đồng thời được quyền tự do tìm xem các sách báo, phim ảnh, để tiếp thu những tư duy của người khác ở trong nước cũng như trên thế giới. Vì đó là nhu cầu tinh thần không thể thiếu, thể hiện nhân cách con người khác con vật. Vì tự do ngôn luận góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ các nhân quyền và dân quyền cơ bản, được mệnh danh là "đệ tứ quyền" sau tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp).
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam áp đặt hệ tư tưởng độc tôn Marxist-Leninist để tiêu diệt, ngăn chặn mọi tư duy và hệ tư tưởng tinh hoa khác của nhân loại ; độc quyền các phương tiện truyền thông, bóp chết truyền thông tư nhân, là vi phạm thô bạo quyền tự do ngôn luận của người dân.
2. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo :
Là mọi người được tự do tin, tôn thờ và thực hành theo tín ngưỡng cá nhân, hay đức tin tôn giáo của tập thể(các Giáo hội) một cách độc lập, trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật dân chủ (khác độc tài).
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam can thiệp các hoạt động tín ngưỡng cá nhân hay công việc nội bộ của các tập thể pháp nhân tôn giáo (Giáo hội) ; cũng như tìm cách bách hại, loại trừ ảnh hưởng tôn giáo vì lợi ích chính trị cho chế độ, là vi phạm thô bạo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Vì tín ngưỡng và tôn giáo là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu của con người. Vì bản chất tín ngưỡng và tôn giáo không mang tính mê hoặc mà góp phần vào nền đạo đức xã hội. Vì một xã hội có thần linh mà tội ác còn gia tăng, thì một xã hội phi thần linh, tội ác phải gia tăng nhiều hơn nữa.
3. Quyền ứng cử vào các chức vụ dân cử hay công cử :
Là mọi người dân, không phân biệt giai cấp, lý lịch gia đình, chính kiến, giới tính, sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, nếu hội đủ các điều kiện luật định (Luật ứng cử và bầu cử) về năng lực, phẩm cách, đều có quyền ra ứng cử vào các chức vụ dân cử (Quốc hội, Hội đồng dân cử các cấp…) hay phải được tuyển dụng vào các chức vụ công cử các cấp, các ngành trong guồng máy công quyền quốc gia.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam độc quyền chọn ứng cử viên dân cử hay xét lý lịch để tuyển dụng vào các chức vụ công cử là vi phạm trắng trợn quyền ứng cử và công cử của người dân.
4. Quyền bầu cử :
Là mọi người dân, nếu hội đủ các điều kiện công dân lương hảo, đều có quyền tham gia hay không tham gia các cuộc bầu cử tự do để chọn người đại diện vào các cơ quan dân cử các cấp trong guồng máy công quyền quốc gia.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam thực hiện chủ trương "Đảng cử, dân bàu" và cưỡng ép người dân phải đi bàu là vi phạm thô bạo quyền tự do ứng cử và bầu cử của người dân.
5. Quyền tự do lập hội và sinh hoạt đoàn thể :
Là mọi người dân đều có quyền thành lập các chính đảng và các hiệp hội xã hội, nghề nghiệp, để sinh hoạt theo tôn chỉ, mục đích riêng. Đặc biệt là các chính đảng, với các sinh hoạt có mục đích giành chính quyền một cách ôn hòa, hợp pháp để thực hiện mục tiêu lý tưởng của đảng. Nghĩa là nắm chính quyền bằng phương thức hòa bình,thông qua các cuộc tranh cử và bầu cử tự do, nếu đảng nào được đa số nhân dân tín nhiệm, là được trao quyền điều hành và quản lý đất nước theo ý nguyện của nhân dân và vì lợi ích của đất nước.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam cấm các hiệp hội tư nhân cũng như các chính đảng thành lập và hoạt động, ngoài đảng cộng sản và các đoàn thể vốn là tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam (công đoàn, Mặt trận Tổ Quốc, đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…) ; nhất là tìm cách tiêu diệt các chính đảng khác để đảng cộng sản Việt nam độc chiếm chính quyền trong một chế độ độc tài toàn trị, điều hành quản trị đất nước vì lợi ích của đảng cầm quyền, trái với ý nguyện của nhân dân và lợi ích đất nước, là tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân, vi phạm thô bạo quyền tự do lập hội và sinh hoạt đoàn thể vốn có trong bất cứ xã hội dân sự văn min nào.
6. Quyền tự do biểu tình :
Là mọi người dân, cá nhân hay tập thể công dân có quyền bầy tỏ thái độ bất bình, hành động đấu tranh đòi hỏi các quyền lợi chính đáng và hợp pháp về mọi vấn đề chính trị,kinh tế, xã hội, nghề nghiệp tín ngưỡng, tôn giáo…đối với bất cứ đối tượng là cá nhân hay pháp nhân thuộc guồng máy công quyền quốc gia hay lãnh vực tư nhân.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam ngăn cấm, trấn áp các cuộc biểu tình của người dân, ngoài các cuộc biểu tình do nhà nước tổ chức và sẵn sàng đàn áp bất cứ cuộc biểu tình dân sự hay tôn giáo, tín ngưỡng…Là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do biểu tình của người dân.
7. Quyền tự do cư trú và vãng lai :
Là mọi người dân được quyền tự do chọn nơi cư trú thuận lợi cho cuộc sống và quyền đi lại đến bất cứ đâu trên đất nước của mình mà không cần xin phép và phải được phép của nhà cầm quyền.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam dùng chế độ quản lý hộ khẩu và thủ tục xin phép tạm trú, tạm vắng đã vi phạm trắng trợn quyền tự do cư trú và vãng lai của người dân.
8. Quyền tự do hoạt động kinh tế :
Là mọi người dân có quyền chọn lựa các hoạt động kinh tế phù hợp để thu lợi nhuận hầu có phương tiện tài hóa đáp ứng các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần trong cuộc sống, để mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam ép buộc toàn dân từ bỏ các hoạt động kinh tế cá thể tư nhân, đi vào con đường làm ăn tập thể quốc doanh (tập thể hóa nông nghiệp, công, thương nghiệp quốc doanh…), dưới sự lãnh đạo và quản lý duy nhất của nhà nước. Đồng thời, cưỡng bách nhân dân thành thị rời bỏ cửa nhà, đi lập nghiệp vùng kinh tế mới nơi hoang vu,rừng thiêng nước độc… là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do hoạt động kinh tế để sinh sống của người dân, làm khổ nhân dân, làm nghèo đất nước ; vì đã triệt tiêu mọi sáng kiến và các động lực của mọi hoạt động kinh tế trên mọi lãnh vực.
9. Quyền tư hữu và sở hữu tài sản :
Là mọi người dân có quyền có tài sản riêng, tích lũy, bảo quản, sử dụng và định đoạt (cho, bán…) các tài sản do công khó mình làm ra hay do thừa kế, tặng dữ vô điều kiện hay có điều kiện. Tài sản bao gồm các bất động sản (như nhà cửa, đất đai…) và các động sản (như quần áo, tiền bạc, quý kim…).
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam quốc hữu hóa đất đai (sở hữu của nhà nước...) và tịch thu nhà cửa đất đai, vàng bạc, quý kim của người dân qua các cuộc "đổi tiền bình quân", "cải tạo công,nông, thương nghiệp", "đánh tư sản"…là vi phạm thô bạo quyền tư hữu và sở hữu tài sản của người dân, làm nghèo đất nước, làm giầu cho giai cấp thống trị mới (giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản có chức có quyền chiếm dụng nhà cửa, của cải trong các đợt cải tạo, đánh tư sản …).
Vì vậy, quốc dân Việt Nam, là những công dân của Tổ quốc Việt Nam, là chủ đất nước, kiên quyết và mạnh mẽ đấu tranh đòi buộc nhà đương quyền Cộng sản Việt Nam phải trả lại các nhân quyền và dân quyền cơ bản trên đây.
Quốc dân Việt Nam tin tưởng mãnh liệt rằng :
1. Với ý chí, nghị lực và sự kiên trì đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, cùng với sự yểm trợ tích cực của Liên Hiệp Quốc, chính phủ và nhân dân các nước dân chủ, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, cuộc đấu tranh ôn hòa, trường kỳ cho nhân quyền và dân quyền của quốc dân Việt Nam sẽ tất thắng.
2. Vì một chế độ độc tài toàn trị cộng sản đã áp đặt bằng bạo lực, duy trì bằng bạo lực, trái với ý nguyện của toàn dân, thì sớm muộn cũng sẽ bị sụp đổ do tự bản chất và do sức mạnh vùng lên của những con người bị áp bức, bóc lột và bị tước đoạt các nhân quyền và dân quyền cơ bản.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền này được một tập thể quốc dân Việt Nam qui tụ trong "Mặt trận Nhân quyền Việt Nam", một tổ chức quần chúng đấu tranh cho nhân quyền, soạn thảo và công bố tại Sài Gòn, Việt Nam ngày 10/12/1977, nhân kỷ niệm ngày công bố Bản Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền 10/12/1948".
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 10/12/2018
Ghi chú :
1. Mặt trận Nhân quyền Việt Nam được thành lập vào đầu năm 1977 tại tư gia ông Nguyễn Đình Phượng (Giáo Phượng, gốc đảng Đại Việt, sau được anh em bầu là Chủ tịch Mặt Trận, sau 10 năm tù ở khám Chí Hòa đã chết sau khi hết hạn tù) nhà ở khu Bình An, Quận 8 Saigon. Đây là một quần thể những người Bắc Kỳ di cư sau 1954 lánh nạn cộng sản, bao gồm nhiều xứ đạo, trong đó có xứ đạo của Linh mục Hoàng Quỳnh, từng là Tổng chỉ huy lực lượng tự trị Bùi Chu - Phát Diệm (nên thường gọi tắt Cha Tổng) dưới sự lãnh đạo tinh thần của Giám mục Lê Hữu Từ, là lực lượng bán quân sự chủ trương chống cả thực dân Pháp lẫn Việt Minh cộng sản. Sau 30/04/1975, Linh mục Hoàng Quỳnh đã bị Việt cộng bắt cầm tù và đã chết trong tù. Khoảng cuối năm 1978, người viết được đưa từ nhà tù Số 4 Phan Đang Lưu qua Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh, khi đó nghe nói Linh mục Hoàng Quỳnh cũng đang giam trong cùng khu bị biệt giam với người viết ở đây.
Trong cả tháng trời chấp pháp đã yêu cầu tôi viết lại bản Tuyên ngôn Nhân quyền 1977 và những tài liệu khác như Chính cương và sách lược đấu tranh của Mặt trận Nhân quyền Việt Nam, Việt Nam trong chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực (Sau triển khai viết thành sách "Việt Nam trong thế chiến lược quốc tế mới" ấn hành ba năm sau khi đến định cư ở Hoa Kỳ (1992-1995) và tái bản 2015…).
Tôi đã viết lại một cách say sưa đến độ cán bộ chấp pháp tên Quyết đôi lần nhắc "Tôi thấy anh làm việc "căng quá", thôi tạm nghỉ để nói chuyến với nhau cho vui".
Mục đích muốn tôi viết lại các tài liệu này, là chấp pháp muốn xem có đúng như lời khai là do một mình tôi viết, nếu có ai khác hợp soạn sẽ bắt thêm để cầm tù. Chính những tài liều này, theo nhận xét của chúng tôi, qua các biểu hiện, dường như đã có tác động đến suy tư trái chiều với chế độ của một số công an chấp pháp vụ án Mặt trận Nhân quyền Việt Nam, là gián tiếp ngầm đồng ý với những quan điểm hữu lý của tôi, để tôi suy đoán có lẽ là trong thâm tâm nhiều đảng viên cộng sản đã "phản tỉnh từ lâu" nhưng phải câm lặng để bảo vệ sự sống bàn thân và gia đình. Những biểu hiện đó như thế nào, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết chứng minh trong một bài viết khác.
(2) Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Palais de Chaillot ởParis, Pháp. Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ. Tuyên bố phát sinh trực tiếp từ những kinh nghiệm của Chiến tranh thế giới thứ hai và là tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên trên thế giới, trong đó liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân, được hưởng, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác (điều 2). Nó bao gồm 30 điều đã được xây dựng trong các Thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia. Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cùng hai Nghị định thư không bắt buộc I và II. Năm 1966, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua hai Công ước trên, qua đó hoàn thành cơ bản Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và mọi dân tộc. Tinh thần của bản Tuyên ngôn là dùng truyền đạt và giáo dục để nỗ lực thúc đẩy các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tôn trọng các quyền con người cơ bản được đưa ra trong Tuyên ngôn.
Điều khoản cuối cùng thuộc về bản Tuyên ngôn có viết "Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này" (theo Wikipedia Tiếng Việt).
Hôm 23/11, Báo Pháp luật trong nước dẫn nguồn tin từ Bộ Tư pháp tường thuật rằng luật sư Võ An Đôn (*) có gửi thư khiếu nại về việc Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên ra quyết định xóa tên ông khỏi đoàn luật sư vào tháng 11/2017 và một quyết định của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam liên quan đến việc giải quyết khiếu nại đối với ông vào tháng 5/2018. Báo Tuổi trẻ online đưa tin, Bộ Tư pháp đã bác toàn bộ nội dung khiếu nại của luật sư này.
Luật sư Võ An Đôn.
Mọi người còn nhớ, cách đây đúng một năm, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đưa ra quyết định kỷ luật luật sư Võ An Đôn (27/11/2017), chỉ vài ngày trước phiên xử phúc thẩm Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (30/11/2017) mà ông nhận bào chữa. với hai lý do cơ bản là luật sư Đôn "đã trả lời phỏng vấn của các báo đài nước ngoài và nói xấu luật sư…".
Đứng trước sự kiện trên, chúng tôi nghĩ đến : (1) Vai trò của luật sư trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (2) Hiệu quả và ý nghĩa việc đi kiện Bộ trưởng Tư pháp, người đã đưa ra quyết định bác đơn khiếu nại của luật sư Đôn.
I. Vai trò của Luật sư trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Năm 1989, khi còn ở Việt Nam, theo yêu cầu của Hội Luật Gia Thành phố Hồ Chí Minh, để góp ý với Đại Hội VII của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng tôi đã viết một bài tham luận "Vai trò của luật sư trong nền dân chủ pháp trị xã hội chủ nghĩa". Khoảng 2 năm sau, một nữ nhân viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tìm gặp trao cho tôi 30 đồng (thời bấy giờ) tiền nhuận bút về bài viết này mới được đăng tải. Tôi thắc mắc hỏi "Bài này tôi viết cách đây 2 năm gửi cho Hội Luật gia thành phố, sao giờ này báo cho đăng tải ?". Nữ nhân viên trả lời "Khi nhân được bài viết này bên Hội Luật gia chuyển qua, Ban biên tập thấy hay giữ lại, không đăng tải. Vì lúc đó "Đảng" chưa có quan điểm về pháp quyền". Nữ nhân viên này còn nói "Lãnh đạo muốn mời anh cộng tác viết bài cho báo được không ?". Tôi trả lời "cộng tác thường xuyên thì không được. Vì tôi bận lo sinh kế. Nhưng nếu có cảm hứng với đề tài nào tôi sẽ viết gửi đến quý báo…". Nói thế, nhưng sau đó cho đến khi rời Việt Nam 1992, tôi không viết thêm bài nào nữa.
Thực ra, khi dùng tiêu đề trên, chỉ là cách "viết lách", hay "viết lái" để né tránh một đề tài nhậy cảm với chế độ, chứ làm gì có "dân chủ pháp trị xã hội chủ nghĩa". Tôi đã dùng cụm từ này một cách cưỡng ép. Vì "chế độ xã hội chủ nghĩa" là một "chế độ độc tài toàn trị" được ngụy biện bằng cái gọi là "dân chủ tập trung". Nghĩa là một thứ dân chủ tập trung trong tay đảng cộng sản Việt Nam, để sau đó ban phát "dân chủ" cho những người dân nào chấp nhận quyền lãnh đạo độc tôn, ngoan ngoãn thi hành các chủ trương chính sách của "Đảng ta" bất kể đúng sai, lợi hại cho dân cho nước, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của "Đảng ta".
Khi đảng cộng sản Việt Nam đưa ra quan điểm về "nhà nước pháp quyền" (cai trị bằng pháp luật), kêu gọi nhân dân sống theo khẩu hiệu tuyên truyền "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật (của Đảng)" chỉ là biến tướng của "nhà nước nghị quyền" (cai trị bằng nghị quyết của đảng). Bằng cách đưa các nghị quyết của đảng, cho một Quốc hội công cụ của đảng, để "luật hóa" thành cái mà chúng tôi gọi là "nghị luật".
Sự biến tướng này, chẳng qua, đảng cộng sản Việt Nam muốn chuẩn bị cho một bộ mặt "ngụy dân chủ" cho phù hợp thời kỳ "Mở cửa" làm ăn với các nước dân chủ tư bản ; sau khi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã thất bại hoàn toàn (1975-1985) dù "Đổi mới" cũng không cứu vãn được (1985-1995), đảnh "mở toang cửa" đón "Đế quốc Mỹ" và các nước "Tư bản không rãy chết mà phồn vinh" tràn vào đầu tư, cứu nguy chế độ (sau khi Mỹ bỏ cấm vấn, cho thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1995).
Thế nhưng trên thực tế trước sau cai trị bằng "nghị quyết" hay "Nghị luật" vẫn không làm thay đổi bản chất chế độ độc tài toàn trị "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" đâu. Tất cả vẫn chỉ là công cụ chuyên chính của nhà cầm quyền, theo đúng luật điểm Marxist-Leninist, rằng "luật pháp chỉ là công cụ pháp lý của giai cấp thống trị để trấn áp giai cấp bị trị là nhân dân" mà thôi.
Thành ra, luật sư trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đối với nhà đương quyền, cũng không có vai trò nào khác hơn là công cụ pháp lý trang trí cho bộ mặt tư pháp Việt Nam sao cho, về hình thức gần giống với tư pháp của các nước có chế độ dân chủ và nền kinh tế thị trường tự do. Vì thế, "đoàn luật sư" hiện nay cũng chỉ là hậu thân của "Đoàn Bào chữa viên nhân dân" trong thời kỳ kinh tế chỉ huy bao cấp đều là những công đoàn do nhà nước tổ chức và lãnh đạo. Có khác chăng, bào chữa viên nhân dân trước đây không được đào tạo bài bàn về năng lực như luật sư sau này ; điều kiện trước hết phải là công nhân viên (công chức), có kiến thức, kinh nghiệm về việc thực thi các chủ trương, chính sách liên quan đến pháp luật của nhà nước.
Luật sư sau này đòi hỏi tốt nghiệp văn bằng cử nhân luật (**), thời gian tập sự 3 năm tương tự như quy chế luật sư đoàn dưới chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam trước 1975. Thế nhưng, khác với Luật sư đoàn Việt Nam Cộng hòa, là một đoàn thể nghề nghiệp tư nhân, độc lập tuyệt đối với chính quyền về tổ chức, điều hành và hoạt động nghiệp vụ theo Quy chế Luật sư đoàn và trong khuôn khổ pháp luật. Trong khi Đoàn luật sư dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay, luôn có chi bộ đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là một thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam để quản lý các đoàn thể quần chúng.
Nhớ lại, một năm trước đây, khi Quốc hội khóa 14 họp vào tháng 6/2017, trong lập pháp đã "cải lùi" hệ thống tư pháp Việt Nam khi giữ lại trong dự thảo sửa đổi, bổ sung nơi Điều 19, Khoản 3 Bộ luật Hình sự 2015, buộc luật sư phải tố cáo những điều thân chủ tiết lộ riêng với mình ; và khi Đoàn luật sư Phú Yên ra quyết định kỷ luật luật sư Võ An Đôn, chúng tôi đã lên tiếng bằng hai bài viết được VOA cho đăng tải trên diễn đàn này nhan đề" Luật Sư Đoàn có phải là công cụ của Đảng ?" (13/09/2017) và "Luật sư Đoàn mà cũng thế ư ?" (28/11/2017). Nội dung hai bài này, chúng tôi đã trình bầy chi tiết về vai trò của luật sư trong chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay tại Việt Nam, khác với luật sư trong chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa trước đây ở Miền Nam nói riêng và các quốc gia dân chủ trong thế giới văn minh ngày nay nói chung.
II. Hiệu quả và ý nghĩa việc luật sư Võ An Đôn kiện Bộ trưởng tư pháp
1. Hiệu quả
Sự thể hôm 23/11/2018 vừa qua, Luật sư nhân quyền Võ An Đôn nói với VOA rằng ông sẽ kiện người đứng đầu Bộ Tư pháp sau khi bộ này bác đơn khiếu nại của ông về việc ông bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên. Lý do kiện theo luật sư Đôn là vì "Vừa qua Bộ Tư pháp có trả lời nói rằng họ giữ nguyên kết quả giải quyết khiếu nại của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên về việc bác đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại của tôi, với lý do đưa ra hết sức mơ hồ, cho rằng tôi nói xấu các luật sư, cũng như trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài. Họ chỉ nói chung chung, không chỉ rõ cái nào. Như vậy là không đúng quy định của pháp luật, cũng như các văn bản hướng dẫn kỷ luật luật sư".
Mặc dầu chưa kiện, nhưng ai cũng biết có đi kiện, thì hiệu quả đâu lại hoàn đấy thôi. Vì ai cũng biết tư pháp trong chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là một chế độ độc tài toàn trị, Đảng lãnh đạo tất cả, làm gì có độc lập theo nguyên tắc tam quyền phân lập như trong các chế độ dân chủ pháp trị. Chi bộ đảng ở Đoàn luật sư Phú Yên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đảng bộ Bộ Tư pháp đã quyết định thế thì nhất định phải thế thôi. "Sợi chỉ đỏ" là sự lãnh đạo của "Đảng ta" luôn xuyên suốt mà. Đúng là "con kiến mà kiện củ khoai". Luật sư Nguyễn An Đôn cũng biết thế nên đã nói "Sắp tới tôi sẽ khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra tòa án tỉnh Phú Yên, khởi kiện ông về quyết định của ông. Tôi không hy vọng rằng việc khởi kiện này đem lại kết quả dù các cơ quan này ra quyết định sai trái". Biết vậy nhưng luật sư Đôn vẫn kiện vì sao ?
2. Ý nghĩa của việc đi kiện của luật sư Võ An Đôn
Biết rằng kiện không có hiệu quả, cũng như luật sư có cãi trước tòa cũng không làm thay đổi được bản án tiền định của Tòa, nhưng các luật sư vẫn cãi, cũng như luật sư Đôn vẫn kiện. Theo nhận định của chúng tôi, việc đi kiện không hiệu quả, nhưng sẽ có được những nghĩa sau đây :
- Một là dịp để tố cáo trước công luận thế giới, về một quyết định trái chiều với thế giới văn minh. Vì trong thế giới ngày này, việc tước quyền hành nghề luật sư chỉ vì người luật sư ấy có lời nói, bài viết thể hiện quyền tự do tư tưởng, ngôn luân như luật sư Đôn là điều không thể chấp nhận được.
- Hai là sự tước quyền luật sư ấy lại do một đoàn thể mang tính công đoàn (do nhà nước thành lập, chỉ đạo từ tổ chức đến chế tài các hoạt động của luật sư đều do đảng và nhà cầm quyền quyết định), cũng là trái với tính tư nhân, độc lập với chính quyền của các đoàn luật sư. Việc tổ chức, điều hành và hoạt động nghề nghiệp và các biện pháp chế tài đều theo Quy chế Luật sư Đoàn. Vì thế việc Bộ trưởng Tư pháp ra quyết định chung thẩm khiếu nại của luật sư Đôn cũng là trái chiều, gây bất bình và phẫn nộ trong công luận quốc tế. Vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã vi phạm thô bạo quyền hành nghề luật sư của luật sư Võ An Đôn ; một nghề nghiệp cao quý mà các nước dân chủ văn minh coi là đóng vai trò "phụ tá công lý", cùng Tòa án bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Luật sư mà bị trấn áp như thế thì công luận quốc tế sẽ nghĩ sao về việc thực thi các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền đối với thân phận những người dân thấp cổ, bé miệng đây ?
- Ba là việc đi kiện hiện tại không đem lại hiệu quả gì cho bản thân luật sư Võ An Đôn, cũng như các nhà đấu tranh cho dân chủ hiện tại không đem lại tự do dân chủ ngay cho nhân dân, còn bị bắt cầm tù. Thế nhưng ít nhiều đã góp phần tăng tốc tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam. Dẫu rằng "Một con én không làm nên Mùa xuân dân tộc" (khi đất nước thoát ách độc tài đảng trị, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc thật sự), nhưng "Những xác én sẽ góp phần làm nên Mùa Xuân Dân Tộc". Vì mỗi xác én sẽ có tác dụng làm chậm lại tốc độ quay của bánh xe lịch sử theo chiều hướng tiêu cực có hại cho nhân dân và đất nước. Cho đến một lúc lượng xác én thừa đủ làm ngừng bánh xe lịch sử để khởi động theo chiều hướng tích cực có lợi cho dân cho nước. Đúng theo quy luật "lượng đổi, chất đổi" phải không ạ, thưa Ngài Tổng Bí kiêm Quốc trưởng Nguyễn Phú trọng và mấy triệu đảng viên cộng sản đang nắm quyền thống trị, độc quyền "đè đầu cưỡi cổ nhân dân", độc quyền áp bức, bóc lột bao năm qua ?
III. Kết luận
Từ lâu ai cũng biết, để đáp ứng với yêu cầu "mở cửa" làm ăn với thế giới văn minh, đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn chỉ coi luật sư như những công cụ pháp lý phục vụ cho ý đồ chính trị, và Đoàn luật sự chỉ là một công đoàn trá hình được điều hành và hoạt động dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy người ta không ngạc nhiên mà chỉ phẫn nộ trước việc người đứng đầu cơ quan tư pháp cộng sản Việt Nam vừa ra quyết định bác đơn khiếu nại của luật sư Võ An Đôn về quyết định của Ban chủ nhiệm đoàn luật sư Phú Yên tước quyền hành nghề của đương sự.
Là một luật sư từng hành nghề trong ngành tư pháp chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam trước 30/04/1975 và nay đang được sống tại Hoa Kỳ, một nước có tiếng là dân chủ bậc nhất trên thế giới, người viết không khỏi phẫn nộ và xin bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ những áp bức, bất công và hiểm nguy khi hành nghề với luật sư Võ An Đôn và các luật sư đồng nghiệp đang hành nghề trong chế độ độc tài toàn trị cộng sản (đỏ vỏ xanh lòng) hiện nay tại Việt Nam.
Chúng tôi ước mong rằng, đất nước Việt Nam ta sớm chuyển đổi hòa bình, tịnh tiến từ chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị hiện nay qua chế độ dân chủ pháp trị, để quyền hành nghề độc lập, tự do của giới luật sư cũng như các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam phải được nhà cầm quyền tôn trọng, bảo vệ và hành xử trọn vẹn như trong các nước dân chủ, văn minh trên thế giới ngày nay.
Houston, ngày 23/11/2018
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 30/11/2018
Chú thích :
(*) Trong bài này, chúng tôi không dùng cụm từ"cựu luật sư Võ An Đôn" mà luôn viết "luật sư Võ An Đôn". Vì chúng tôi quan niệm "luật sư" là danh vị nghề nghiệp sẽ đi kèm với tên người hành nghề cho đến chết. Dù người này đang hành nghề, hay đã về hưu, đều được gọi là "luật sư X… hay Luật sư Y…" ; tương tự như danh vị nghề y, thường gọi "Bác sĩ X…hay Bác sĩ Y…" ; chứ không ai gọi "Cựu Bác sĩ X... hay Cựu Bác sĩ Y…".
Danh vị nghề nghiệp này chỉ bị mất khi bị có quyết định của tổ chức nghề nghiệp độc lập với chính quyền (như Hội Đồng Điều hành luật sư Đoàn Sài Gòn trước đây chẳng hạn) căn cứ trên vi phạm nghiêm trọng được ghi rõ trong Quy chế Luật sư Đoàn. Trường hợp của luật sư Võ An Đôn, không mất tư cách luật sư, dù sau này phải về làm ruộng, vì là một quyết định của một tổ chức luật sư đoàn nhà nước, tước quyền vì lý do chính trị, phi lý, bất công đối với một luật sư có thành tích đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền.
(**) Sau khi cưỡng chiếm Miền Nam vào ngày 30/04/1975, cộng sản Bắc Việt đã đóng cửa các Trường Luật ở Miền Nam. Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn trên "đường Duy Tân, cây dài bóng mát" bị đổi thành Trường Đại học Kinh tế. Sau khi đưa cả nước "tiến nhanh, chết nhanh trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội", đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải "Mở cửa" mời đón tư bản nước ngoài vào đầu tư.
Để thích dụng, Phân khoa Luật được mở ra ở Sài Gòn có cơ sở ở Bình Triệu. Khoa trưởng đầu tiên là cựu sinh viên Luật khoa Sài Gòn Triệu Quốc Mạnh, từng làm Biện lý Tòa Sơ Thẩm Gia Định, hoạt động nằm vùng và được kết nạp vào đảng cộng sản Việt Nam trong bí mật. Dường như ông đã mất chức sau đó vì bị coi là mất quan điểm, lập trường giai cấp, khi mời một số đông những đồng môn tốt nghiệp cử nhân tiến sĩ, luật sư hành nghề lâu năm vào Ban giảng Huấn. Trước đó, Triệu Quốc Mạnh từng giữ chức Trưởng đoàn bào chữa viên nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Trưởng đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khi mới thành lập. Khi được điều qua làm Khoa trưởng Luật khoa Sài Gòn, Nguyễn Đăng Trừng, một đồng môn luật khoa Sài Gòn cũng hoạt động nằm vùng cho cộng sản trong thời chiến tranh, đang là Phó đoàn Luật sư được đôn lên làm Trưởng đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thay Triệu Quốc Mạnh. Mấy năm trước đây đã mất chức, bị khai trừ khỏi đảng vì mất quan điểm lập trưởng cộng sản…
Trong bài trước, chúng tôi đã viết về nền cộng hòa được xác lập và thực hiện đầu tiên tại Việt Nam là bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa ban hành ngày 26/10/1956 tại Miền Nam Việt Nam. Mặc dầu trước đó, tại Việt Nam đã có một bản Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được Quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng thông qua ngày 9/11/1946, tuy có xây dựng trên nền tảng cộng hòa thật, theo đúng ý nghĩa chân chính của từ ngữ cộng hòa, nhưng chưa bao giờ được thực thi, nên chưa có giá trị pháp lý và thực tế, mà chỉ mang ý nghĩa lịch sử và chính trị. Vì sao ?
Hiến pháp 1946 gọi Quốc Hội là Nghị Viện Nhân Dân.
Bài viết lần lượt trình bày :
- Bối cảnh lịch sử và sự hình thành Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946.
- Nội dung Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946
- Nhận định và so sánh giá trị lập hiến của Hiến pháp 1946 với các bản Hiến pháp sau đó của đảng cộng sản Việt Nam.
I. Bối cảnh lịch sử và sự hình thành Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946
1. Bối cảnh lịch sử
Theo sử liệu tổng hợp, thì ngày 11/03/1945 tức ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20, Nhật đã trao trả độc lập cho vua Bảo Đại. Sau đó chính phủ quốc gia Trần Trọng Kim được thành lập.
Tháng 8 năm 1945, lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng, sự rụt rè của chính quyền quốc gia Trần Trọng Kim và sự phân tán của các chính đảng quốc gia, đảng Cộng sản Việt Nam (cộng sản Việt Nam) nhờ tính tổ chức cao và kinh nghiệm đấu tranh lật đổ, đã cướp được chính quyền từ tay chính quyền chính thống quốc gia Trần Trọng Kim mới tiếp nhận độc lập từ tay Nhật chưa đầy 6 tháng, ép của Vua Bảo Đại thoái vị. Việt Minh cộng sản gọi cuộc cướp chính quyền không đổ máu này là "Cách mạng Tháng 8" như là cuộc "Cách mạng Tháng 10 Nga" của đảng cộng sản Bolsevick Nga lật đổ chế độ Nga Hoàng cướp chính quyền năm 1917, thành lập nước "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Xô-Viết" (gọi tắt là Liên Xô).
Nhưng vì thế lực của Đảng cộng sản Việt Nam vào thời khoảng này còn yếu kém so với các chính đảng quốc gia ; và cũng vì quốc tế đang coi chủ nghĩa cộng sản là một hiểm họa toàn cầu của nhân loại cần ngăn chặn loại trừ ; nên lãnh tụ cộng đảng Việt Nam Hồ Chí Minh buộc lòng phải đứng ra thành lập một chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng và sau đó đẻ ra một Quốc hội Liên hiệp Quốc-Cộng tiền định ngụy dân tộc, ngụy cộng hòa, ngụy dân chủ (1).
Sau khi cướp được chính quyền không đổ máu, bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân biểu tình khắp nơi, ngày 02/ 09/ 1945, lãnh tụ Cộng đảng Việt Nam Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại phiên họp đầu tiên của chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách trước mắt, một trong sáu nhiệm vụ đó là xây dựng hiến pháp.
2. Sự hình thành Hiến Pháp 1946
Ngày 20/09/1945, Chính phủ Lâm thời ra sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp (2). Ngày 9/11/1946, sau 10 ngày làm việc, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng, khoá.1, Quốc hội đã thông qua bản dự thảo Hiến pháp. Ngày 19/12/1946 Việt Minh cộng sản phát động cuộc kháng chiến toàn quốc. Do hoàn cảnh chiến tranh hiến pháp 1946 không được công bố, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện Nhân dân không có điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, chính phủ và quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng sau đó do Việt Minh (mặt nạ của Đảng cộng sản Việt Nam) độc chiếm, lũng đoạn, dưới sự chủ đạo kháng chiến chống Pháp của lãnh tụ cộng đảng Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam.
Thế nhưng, Việt Minh cộng sản luôn dùng Hiến pháp 1946 để "ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa" để che dấu bộ mặt cộng sản trước nhân dân (vốn sợ chủ nghĩa cộng sản tam vô : vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo) và trước thế giới (vốn coi chủ nghĩa cộng sản là hiểm họa toàn cầu). Thực tâm Ông Hồ và Đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ muốn thực hiện bản Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946 tại Việt Nam. Điều họ muốn là phải thực hiện một bản Hiến pháp Xã hội Chủ nghĩa rặp khuôn bản Hiến pháp Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-Viết 1936 của đảng cộng sản Liên-Xô. Điều muốn này của ông Hồ và Đảng cộng sản Việt Nam đã được thực hiện sau khi cướp được chính quyền trên một nửa nước Miền Bắc qua Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam, với các bản hiến pháp 1959, 1980, 1992…
Qua nội dung các bản Hiến pháp này của Đảng cộng sản Việt Nam, dù hình thức Hiến pháp 1959 vẫn giữ bảng hiệu "Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa" của Hiến pháp 1946, để che đây bộ mặt "ngụy dân tộc" để tiến hành cuộc chiến tranh cộng sản hóa Miền Nam dưới ngọn cờ chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.Thế nhưng sau khi cưỡng chiếm được Miền Nam bằng bạo lực quân sự, đã lộ nguyên hình là chế độ độc tài toàn trị cộng sản mệnh danh "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa", vẫn còn chút "ngụy cộng hòa" (chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân). Vì thực chất cũng như thực tế chế độ mệnh danh "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" từ quá khứ đến hiện tại chỉ là một "chế độ độc tài Đảng trị hay toàn trị cộng sản", với chủ quyền tuyệt đối thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam ; độc lập, tự do, dân chủ, nhân quyền chỉ là bánh vẽ, biến thành ân huệ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ban phát cho người dân nào chỉ biết phục tùng mệnh lệnh của "Đảng và Nhà nước ta" mà thôi ! Kẻ nào giám chống lại sẽ bị đàn áp dã man bởi các công cụ"chuyên chính vô sản (cộng sản)" là mật vụ, công an, quân đội, tòa án, nhà tù, pháp trường…
II. Nội dung Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946
Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là một văn bản lập hiến tương đối ngắn, gọn, song khá đầy đủ những điều cơ bản hiến định. Nội dung Hiến pháp gồm có lời nói đầu và 7 chương, 70 điều.
Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này :
1. "Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo".
2. "Bảo đảm các quyền tự do dân chủ".
3. "Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân".
Chương I quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ xây dựng trên nền tảng Cộng hòa (Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân).
Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật.
Chương III quy định về nghị viện nhân dân.(Quốc hội)
Chương IV quy định về chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc
Chương V quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã ; quy định về cơ quan hành chính (ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân) các cấp.
Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp.
Chương VIIquy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết hiến pháp của dân.
III. Nhận định về bản Hiến pháp 1946
Nhận định tổng quát của chúng tôi : về hình thức và nội dung, Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946 mang tính tiến bộ, hiện tại vẫn còn phù hợp, nếu được thực thi tại Việt Nam sau khi tu chỉnh để hoàn chỉnh, thích dụng với trình độ dân trí và trào lưu dân chủ thời đại, đáp ứng được khát vọng tự do dân chủ bấy lâu nay của quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Bởi vì, đây đúng là một bản hiến pháp dân chủ xây dựng trên nền tảng cộng hòa "Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân" và quy định tương đối đầy đủ ngắn gọn, các dân quyền cơ bản : dân chủ, dân sinh, nhân quyền ; với các cơ chế tổ chức guồng máy công quyền quốc gia theo nguyên tắc tam quyền phân lập (Lập pháp-Hành pháp-Tư pháp độc lập nhưng không biệt lập) bảo đảm được các quyền tự do dân chủ của người dân. Sở dĩ có được các ưu điểm này, có lẽ là nhờ trong Ban Dự thảo Hiến pháp có một số thành viên là các nhà luật học, trong đó chúng tôi thấy có tên của Tiến sĩ Nguyễn Cao Hách, sau năm 1954 đã là một trong các Giáo sư Khoa Trưởng Đại học Luật khoa Sài gòn, nay đã quá vãng.
Theo đánh giá của nhiều người thì đây là một văn bản Hiến pháp tiến bộ nhất so với các bản Hiến pháp sau đó cho đến Hiến pháp "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" hiện hành.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng ở trong nước cho rằng Hiến pháp 1946 phản ánh đúng tinh thần pháp quyền - "những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ". Điều đó, theo ông được thể hiện ở 5 điểm :
1. Hiến pháp đã được đặt cao hơn nhà nước. Nghị viện nhân dân (tức Quốc hội) không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70 Hiến pháp 1946).
2. Các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thay vì được nhà nước ghi nhận và bảo đảm.
3. Quyền năng giữa các cơ quan nhà nước được phân chia khá rõ và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế.
4. Quyền năng giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng được phân chia rất rõ.
5. Vai trò độc lập xét xử của tòa án được bảo đảm. Các cơ quan khác không có quyền can thiệp.
Tiến sĩ Dũng đánh giá "Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới".
Giáo sư Trần Ngọc Đường, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cộng sản Việt Nam (năm 2006), đã từng nhận xét đúng khi cho rằng các điểm nổi bật của Hiến pháp 1946 là : Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân ; Tư tưởng pháp quyền ; Những quy định về quyền con người và đảm bảo quyền công dân ; Cơ chế bảo hiến ; Sửa đổi hiến pháp.v.v. Nhưng không đúng và chủ quan khi cho rằng Hiến pháp 1946 dựa trên Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nền lập hiến Việt Nam.
Đúng ra phải như nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Đại học Saarland, Cộng hòa Liên bang Đức quốc : Rằng đây là bản hiến pháp được soạn thảo theo tinh thần "tam quyền phân lập" : lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án) chịu ảnh hưởng của Hiến pháp Hoa Kỳ, Pháp, và hiến pháp của các nước cộng hòa khác. Điều 1 của Hiến pháp 1946 ghi rõ : "Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa". Nó không hề có một điều khoản nào quy định là một đảng phái nào hay một ý thức hệ nào là độc tôn và độc quyền lãnh đạo đất nước như các bản hiến pháp sau này của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa 1959 hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam.(1980-1992-2013). Ông cho rằng thực tế Hiến pháp 1946 đã có những yếu tố nhất định thể hiện cơ chế phân công quyền lực, kiểm soát và cân bằng quyền lực.
Giáo sư Phạm Duy Nghĩa, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì cho rằng Hiến pháp năm 1946 là "bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam châu Á lúc bấy giờ" và "đã có thể là một bản khế ước tốt để ràng buộc và khống chếcông bộc với lợi ích của ông chủ nhân dân". Ông tỏ ý tiếc rằng sáu mươi năm sau Việt Nam "đã không có cơ hội đi xa hơn trong chủ nghĩa lập hiến". Theo ông, Hiến pháp 1946 vẫn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam và "vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam".
IV. Kết luận
Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được hình thành trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, nên chưa được ban hành và thực thi, nên không có giá trị pháp lý cũng như thực tế, mà chỉ có ý nghĩa lịch sử và chính trị. Bản Hiến pháp này được các nhà lập hiến soạn thảo trên nền tảng cộng hòa đúng theo ý nghĩa chân chính của từ ngữ "cộng hòa"(chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân), với cơ cấu tổ chức chính quyền dân chủ được thiết định thể hiện và bảo đảm được các quyền tự do dân chủ của người dân buộc nhà cầm quyền phải tôn trọng, bảo vệ và hành xử (nguyên tắc tam quyền phân lập).
Tiếc rằng cho đến nay bản Hiến pháp này chưa có cơ may được thực hiện. Vì trước cũng như sau khi cướp được chính quyền, trong nhiều thập niên qua, đảng Cộng sản Việt Nam chỉ "ngụy cộng hòa, ngụy dân chủ, ngụy dân tộc" để thực hiện một chế độ độc tài toàn trị cộng sản "Phản cộng hòa, phản dân chủ, phản dân tộc". Hệ quả tàn hại nghiêm trọng, toàn diện, di hại lâu dài cho nhân dân, dân tộc và đất nước như thế nào không cần nói ra thì quốc dân Việt Nam từng là nạn nhân đều đã biết rõ qua thực tiễn.
Vì vậy, từ lâu đã có nhiều ý kiến, nhất là ý kiến của chính "những người cộng sản phản tỉnh", đề nghị đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tu chỉnh Hiến pháp hiện hành dựa trên Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946. Đây như là một thông điệp, rằng đã đến lúc, tuy có quá trễ, những chưa quá muộn, Đảng cộng sản Việt Nam cần "phản tỉnh tập thể", được thể hiện qua "một quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa" chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay qua chế độ dân chủ pháp trị theo đúng ý nguyện của toàn dân, vì lợi ích quốc gia dân tộc và tương lai của các thế hệ dân Việt mai sau. Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" Nguyễn Phú Trọng và các đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam nghĩ sao ?
Bao giờ Việt Nam mới có một chế độ dân chủ pháp trị, với một bản Hiến pháp dân chủ xây dựng trên nền tảng cộng hòa từng được Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xác lập năm 1946, mà chưa thực hiện được ?
Houston, ngày 9/11/2018
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 26/11/2018
Chú thích :
(1)- Theo tài liệu lịch sử, thành phần Quốc hội Liên hiệp Quốc-Cộng : cho thấy các chính đảng quốc gia được chia cho 70 đại biểu trên tổng số 403 còn lại là của Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức ngoại vi hay những cá nhân không đảng phái do Đảng cộng sản Việt Nam chọn lựa và khống chế.
Cụ thể tổng số đại biểu Quốc hội là 403, trong đó có 333 đại biểu được bầu (trá hình tiền định do Đảng cộng sản Việt Nam lựa chọn đưa vào) bao gồm Việt Minh 120 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, không đảng phái 143 ghế. Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người gồm 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách ) và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Ðảng (Việt Quốc ). Việc có các đại biểu đặc cách không qua bầu cử này là theo thoả thuận trước cuộc bầu cử đạt được ngày 24 tháng 12 năm 1945 giữa Việt Minh với Việt Cách và Việt Quốc. Việc này thể hiện chủ trương của Việt Minh về "hòa hợp dân tộc", để che đậy bộ mặt cộng sản hầu tập trung được các lực lượng kháng chiến quốc gia chống thực dân Pháp.
(2).-Theo tài liệu lịch sử : Ban dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) được Quốc hội bầu ra ngày 2 tháng 3 năm 1946 gồm có 11 thành viên : Tôn Quang Phiệt , Trần Duy Hưng , Nguyễn Thị Thục Viên , Đỗ Đức Dục (Dân chủ Đảng), Cù Huy Cận (Dân chủ Đảng), Nguyễn Đình Thi (Việt Minh), Huỳnh Bá Nhung , Trần Tấn Thọ , Nguyễn Cao Hách , Đào Hữu Dương , Phạm Gia Đỗ (4 vị thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng). Ban này tiếp tục nghiên cứu dự thảo hiến pháp. Đa số cũng thuộc Đảng cộng sản Việt Nam (6/5).
Bản hiến pháp được Quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng thông qua vào ngày 9 tháng 11 năm 1946 , tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu. Sau đó, Quốc hội ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban Thường trực Quốc hội "cùng với chính phủ ban bố và thi hành hiến pháp khi có điều kiện". Tuy nhiên, Kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào ngày 19 tháng 12 năm 1946 đã làm việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân (Quốc hội) không có điều kiện để thực hiện. Do tình hình chiến tranh, Hiến pháp 1946 chưa được chính thức công bố và chưa từng có hiệu lực về phương diện pháp lý.
Tin tổng hợp giới truyền thống quốc tế và Việt Nam cho hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường, vì cho rằng ông "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" khi xuất bản những cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các nhà khoa học tại buổi gặp mặt 18/08/2018. Ảnh minh họa : Nhan Sáng -TTXVN
Ngay sau khi Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị xem xét kỷ luật giáo sư Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, vì những căn cứ trên, giới trí thức phản ứng mạnh bằng cách tuyên bố công khai từ bỏ đảng, thậm chí từ chức. Các trí thức trong số 13 người vừa tuyên bố bỏ Đảng cộng sản Việt Nam nói với VOA rằng họ "quá bức xúc" vì Đảng "không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc", Đảng "đã chọn sai đường", và họ dự báo rằng con số thoái đảng "sẽ gia tăng sau hiệu ứng Chu Hảo".
Trước sự kiện trên, người viết tự hỏi "Vai trò của trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩaa tại Việt Nam" bao lâu nay là gì vậy ?
Để trả lời câu hỏi tự đặt ra này, chúng tôi lần lượt trình bày : (1) Ý nghĩa từ ngữ trí thức và giai cấp trí thức, (2) vai trò của trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (3) Nhận định về hiện tượng một số nhà trí thức đồng loạt từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam.
I. Ý nghĩa từ ngữ Trí thức và Giai cấp trí thức
Theo từ điển Hán-Việt của học giả Đào Duy Anh, trí thức (Intellectual) là những người có "tri thức (Knowledge). Nghĩa là "những điều người ta vì kinh nghiệm hoặc học tập mà biết, hay vì cảm xúc hoặc lý trí mà biết". Còn giai cấp trí thức (Intellectuals class) là "những người trong xã hội thuộc về hạng có tri thức, đã từng chịu giáo dục khá cao". Nghĩa là những người mà xã hội thường gọi là trí thức khoa bảng đỗ đạt các văn bằng cao như cử nhân, tiến sĩ , luật sư, bác sỹ, kỹ sư… chẳng hạn.
Trong xã hội dưới chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam xưa, giai cấp trí thức là những người có học thi đỗ đạt ra làm quan lớn nhỏ trong hệ thống công quyền quốc gia và được sắp xếp thứ bậc là giai cấp đứng đầu trong xã hội "sĩ, nông, công, thương, binh". Không biết có phải vì thế trong dân gian với có câu phiếm "nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chậy rông thì nhất nông, nhì sĩ" chăng ?
Trong xã hội ngày nay dưới các chế độ dân chủ pháp trị thì các nhà trí thức không nhất thiết tham gia vào guồng máy công quyền mà có tự do chọn lựa ngành nghề trong xã hội thích hợp theo khả năng văn bằng. Nhưng trong xã hội dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nói chung, Việt Nam nói riêng, thì vai trò của trí thức có khác.
II. Vai trò của trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong chế đô độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giai cấp trí thức được giáo dục đào tạo theo qui hoạch, để phục vụ cho các chủ trương chính sách cai trị vì lợi ích của đảng cầm quyền duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam. Nghĩa là tạo ra các trí thức "vừa hồng, vừa chuyên", là vừa thấm nhuần chủ nghĩa cộng sản (hồng) và kiến thức chuyên môn theo ngành học (chuyên). Nhưng khác với chế độ quân chủ chuyên chế xưa, "chế độ chuyên chính vô sản" xã hội chủ nghĩa lại sắp xếp giai cấp trí thức đứng đầu các giai cấp cần phải cải tạo hay tiêu diệt nếu không thể cải tạo hay thuần hóa thành công cụ của "Đảng và chế độ cộng sản" được. Công cuộc cải tạo hay thuần hóa thường được thực hiện triệt để trước và một thời gian nhất định sau khi "cướp được chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội" theo phương châm "trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn". Vì sao ?
Vì trên bình diện lý luận marxist-leninist, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Vì vậy sau khi cướp được chính quyền cần cải tạo toàn diễn xã hội cũ, trong đó có con người cũ mà giai cấp trí thức cũ (tiểu tư sản) là ưu tiên cải tạo hay thuần hóa hàng đầu. Vì trong các giai cấp cũ, trí thức là loại cứng đầu, do có trình độ hiểu biết, sống có lý trí nên chủ nghĩa cộng sản khó mê hoặc hơn những giai cấp khác, như giai cấp địa chủ(landlord class), giai cấp nông dân (peasant class), giai cấp tư sản (capitalist class) ; và ngay cả giai cấp công nhân (working class) mang danh "giai cấp vô sản" (proletarian class).
Trong cuộc đấu tranh giai cấp, công nhân hay giai cấp vô sản được chủ nghĩa cộng sản coi là lực lượng nòng cốt, tiên phong thực hiện "cuộc cách mạng vô sản" triệt để(vì không có tư sản ngoài bàn sức lao động cho tư bản, "nếu có mất thì chỉ mất cái xiềng xích, mà được toàn thề giới"…), để xây dựng "một xã hội không còn cảnh người bóc lột người" (xã hội chủ nghĩa).
Giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản,cướp chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vẫn theo lý luận Marx-Lenin, Đảng cộng sản là "Đội tiên phong của giai cấp vô sản, là thành phần tiên tiến và ưu tú của giai cấp công nhân", v.v... Thế nhưng thực tế, giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng, các nước có chung hiểm họa cộng sản nói chung đều thấy rõ "giai cấp vô sản" hay "giai cấp công nhân" cũng như nông dân và lao động nghèo đã chỉ là giai cấp lót đường cho Đảng cộng sản thực hiện tham vọng độc quyền thống trị, độc quyền áp bức, bóc lột.
Vì Đảng cộng sản Việt Nam khi chưa cướp được chính quyền "những giai cấp thấp cổ bé miệng" này đã phải hy sinh nhiều nhất kể cả sinh mạng. Nhưng sau khi nắm quyền thống trị rồi, các giai cấp được "uống nước đường", cho đi "tàu bay giấy" này lại là giai cấp đã bị áp bức, bóc lột nhất bởi một tập đoàn thống trí mới, để phục vụ cho quyền và lợi ích trên hết và trước hết của một giai cấp mới : giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản có chức, có quyền, lắm bạc nhiều tiền, sống vinh thân, phì gia một cách "vô tư"… gây phẫn nộ toàn xã hội, nhưng nếu giám phản kháng sẽ bị các lực lượng "chuyên chính vô sản" (!) đàn áp thẳng tay, không thương tiếc. Đó chính là thực tế Việt Nam sau khi Đảng cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm được Miền Nam bằng bạo lực quân sự vào ngày 30/04/1975, cộng sản hóa Miền Nam, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thật vậy, vận dụng lý luận của chủ nghĩa cộng sản Marx-Lenin, để tiến hành công cuộc "đi lên chủ nghĩa xã hội" tại Việt Nam, Nghị quyết của Đại hội IV năm 1976 của Cộng đảng Việt Nam đã đưa ra "Đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước" như một định thức chỉ đạo là "nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng : cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt…".
Để thực hiện định thức trên, đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tiến hành cuộc cải tạo trên các mặt như thế nào nhân dân trong nước, nhất là nhân dân Miền Nam từng sống dưới chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975) đều đã biết. Riêng các trí thức cả hai miền Bắc Nam sau ngày thống nhất, hiển nhiên không cần nói ra thì ai cũng đã biết chính sách cải tạo giới trí thức như thế nào.
Người viết cũng đã từng được học tập cải tạo tư tưởng qua các lớp họp tập chính trị ngắn ngày dành cho giới trí thức và còn được học toàn thời gian dài ngày về chủ nghĩa cộng sản Marx-Lenin. Nhưng kết quả thực tế đã không cải tạo được người viết để có cơ hội tiến thân trong chế độ mới (1). Trái lại người viết đã chấp nhận là kẻ "phản động" chống lại đảng và chế độ để vào tù (2).
III. Nhận định
Trước hiện tượng một số nhà trí thức đồng loạt từ bỏ đảng sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo,một công thần của chế độ, một trí thức lớn xã hội chủ nghĩa từng lập nhiều công trạng với đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, chúng tôi có vài nhận định sau đây :
1. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam bao lâu nay giới trí thức chỉ là những "công cụ tri thức" của Đảng cộng sản Việt Nam, là "chất xám" sau khi được "cải tạo" thành chất "vừa hồng, vừa chuyên", để sử dụng vào "công tác tư tưởng" trên mọi lãnh vực đời sống xã hội.
2. Giáo sư Chu Hảo bị Đảng kỷ luật đưa đến phản ứng của 13 nhà trí thức lớn cùng tuyên bố ra khỏi đảng, đều là những nhà trí thức xã hội chủ nghĩa "vừa hồng vừa chuyên", khác với số đông các nhà trí thức khác tại Việt Nam "không vào Đảng cộng sản" vì có "chuyên" mà "không hồng".
Vì ở cái tuổi giáo sư Hảo sinh năm 1940 cũng như các vị trí thức cùng trang lứa, sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa Miền Bắc sau 1954, đều được giáo dục đào tạo theo khuôn mẫu để thành "trí thức xã hội chủ nghĩa" (vừa hồng vừa chuyên) nên được kết nạp vào Đảng cộng sản, là bước vào hàng ngũ giai cấp công nhân để làm cách mạng xây dựng chủ nghĩ xã hội. Trong suốt thời gian dài giáo sư Chu Hảo đã từng kinh qua các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong bộ mày đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng trong những năm cuối đời, ông lại như "phản tỉnh" có những hoạt động tri thức đi ngược lại với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, trái với giáo điều chủ nghĩa xã hội mà đảng đã và đang tiếp tục theo đuổi (dù chủ nghĩa xã hội đã ở Giờ Thứ 25, mà chính Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng tỏ ra hoài nghi không biết đến cuối thế kỷ này Việt Nam đã có xã hội chủ nghĩa hay chưa).
Chẳng hạn, với cương vị là Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, ông đã cho phát hành những cuốn sách của các nhà tư tưởng dân chủ phương Tây, bị xem là "trái quan điểm" của Đảng là những sách về triết học, chính trị - kinh tế học như "Bàn về tự do" của John Stuart Mill, "Khảo luận thứ hai về Chính quyền" của John Locke, "Nền dân trị Mỹ" của Alexis De Tocqueville… Những cuốn sách này vẫn được giới trí thức Việt Nam xem là "tinh hoa" tri thức mà Nhà xuất bản Tri Thức cố gắng mang đến cho người dân Việt Nam.
Tất nhiên, ông bị "Đảng ta" kỷ luật là vì "những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng…". thì đúng rồi còn gì ? Sau đó ông tuyên bố ra khỏi đảng, có lẽ như "giọt nước cuối cùng làm tràn ly" tư tưởng phản tỉnh hình thành từ lâu trong đầu ông chăng ?
3. Qua phát biểu với VOA của một số trong 13 vị trí thức vừa tuyên bố bỏ Đảng cộng sản Việt Nam, rằng họ"quá bức xúc" vì Đảng "không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc", Đảng "đã chọn sai đường", và họ dự báo rằng "con số thoái đảng sẽ gia tăng sau hiệu ứng Chu Hảo".Nhưng chúng tôi và có lẽ nhiều người Việt Nam không cộng sản khác, thì nghĩ rằng, Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ "phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc" mà chỉ phục vụ lợi ích của Đảng cộng sản Việt Nam (cụ thể là các cán bộ đảng viên cộng sản nắm quyền) và quốc tế cộng sản (cụ thể là các đế quốc cộng sản Nga-Tàu), phản dân tộc. Và vì vậy "Đảng ta" đã "chọn đúng đường" chứ không "chọn sai đường" đâu.
Chúng tôi nghĩ rằng, những phát biểu này chỉ là cách "nói lái hay nói lách" theo cách nói của Tổng bí thư Đảng cộng sản Nam Tư Milovan Djilas trước đây sau khi phản tỉnh muộn màng, rằng "20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim, 40 tuổi mới rời bỏ cộng sản là không có cái đầu". Trên diễn đàn này chúng tôi đã có bài phản biện, rằng " 20 tuổi mà đi theo cộng sản là không có cái đầu, 40 tuổi mới rời bỏ cộng sản là không có trái tim". Vì chúng tôi cho rằng 20 tuổi là tuổi bắt đầu trưởng thành có đủ đầu óc, trí khôn để tránh được tính mê hoặc, không tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Sau đó, nếu đã lỡ theo cộng sản "vì không có cái đầu" thì sau một thời gian ngắn theo Đảng cộng sản, qua các hành động giã man tàn ác thực tiễn của cộng sản thì phải "phản tỉnh" để từ bỏ cộng sản càng sớm càng tốt chứ ?
Chẳng qua, cách nói của Tổng bí thư Đảng cộng sản Nam Tư, chỉ là sự ngụy biện cho việc tin theo Đảng cộng sản trong quá khứ là một sai lầm chính đáng, không thể tránh được của tuổi trẻ trước tính mê hoặc của chủ nghĩa cộng sản (một xã hội không còn cảnh người áp bức bóc lột người, công bằng, làm theo năng lực, hưởng theo sức lao động bỏ ra : xã hội xã hội chủ nghĩa) tiến tới xã hội cộng sản viên mãn, không còn giai cấp, không còn nhà nước, các quan hệ xã hội vận hành tự động, tự giác, tài hóa dư thừa, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, không còn biên giới quốc gia, tiến tới thế giới đại đồng, con người được sống ấm ho tự do, hạnh phúc tuyệt vời như Thiên đường của Thiên Chúa giáo hay Niết Bàn của Phật giáo…) !?!
IV. Kết luận
Sự khi bị đề nghị thi hành kỷ luật vì vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, giáo sư Chu Hảo đã tự ý rút ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam, kéo theo nhiều nhà trí thức lớn, có thể coi là một hiện tượng "phản tỉnh tập thể" chưa từng có trong hàng ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Mặc dầu đa số các nhà trí thức lớn này đã phản tỉnh khi đã về hưu, sau một thời gian dài cung hiến chất xám "vừa hồng, vừa chuyên" cho Đảng cộng sản Việt Nam xây vinh quang. Thế nhưng hành động rời bỏ đảng tập thể này vẫn là điều được nhiều người trân quý vì đã góp phần vào sự gia tốc tiến trình dân chủ hóa Viêt Nam. Vì các đảng viên trí thức chính là bộ não của Đảng cộng sản Việt Nam. Một khi bộ não teo dần, Đảng cộng sản Việt Nam ngày một suy kiệt, sự tiêu vong của chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Việt Nam sẽ là một tất yếu, vấn đề chỉ còn là thời gian sớm hay muộn mà thôi.
Vì vậy, đa số quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước ước mong các nhà trí thức đảng viên cộng sản nói riêng, các đảng viên cộng sản nói chung, hãy có hành động thức thời để cứu dân cứu nước thoát họa cộng sản vong nô, phản dân tộc, đã áp đặt nhiều năm qua, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho Đất nước và Dân tộc. Trông đợi ước mong của toàn dân Việt sớm trở thành sự thật.
Houston, 2/11/2018
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 09/11/2018
Ghi chú :
(1) Trong bài viết trước đây trên diễn đàn này "Vì sao tôi từ chối vào Đảng cộng sản Việt Nam", người viết đã nói rõ lý do. Việc được nhà trường gửi cho đi học các lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày hay học về chủ nghĩa cộng sản marxist-leninnist dài ngày, có lẽ là do chi bộ đảng nhà trường có ý định kết nạp người viết vào đảng. Vì khi đưa đề nghị kết nạp vào đảng (tháng 1/1978) Thiếu úy công an khu vực trường học tên S. (là Trung tá Trưởng công an một quận nội thành vào năm 1992 khi gia đình tôi rời Việt Nam) đã nói tôi được quan tâm bồi dưỡng là vì "đồng chí có lý lịch tốt, (thuộc thành phần lao động nghèo, có cha đi kháng chiến chống Pháp) ; có năng lực, nhiệt tình và ảnh hưởng quần chúng…".
(2) Thế những tôi đã từ chối khéo. Vì lúc đó đang tham gia Mặt trận Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức bị coi là "phản động" vì chống lại đảng và chế độ độc tài cộng sản. Đúng là tôi đã "không uống rượu mời, mà uống rượu phạt" như lời cán bộ T.A.N., Đội trưởng Đội chấp pháp (điều tra, xét hỏi) vụ án có lần nói với tôi sau khi bị bắt cầm tù. Nhưng tôi không chút hối tiếc nào, mà tự hào vì đã chọn lựa đúng theo những gì mình cho là đúng, là chân lý, lẽ phải.
Thấm thoát mà đã 62 năm (1956-2018), nền cộng hòa được thiết lập tại Việt Nam với bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa ban hành ngày 26/10/1956 tại Miền Nam Việt Nam.
Cuộc trưng cầu dân ý năm 1956 - Hình minh họa.
Năm nay, nhân ngày 26/10/2018, nghĩ về Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa ban hành ngày 26/10/1956, chúng tôi muốn gửi bài viết này đến quý độc giả người Việt Nam không cộng sản trong cũng như ngoài nước, đề cùng tự hào với quá khứ, rằng chúng ta đã chọn đúng nền tảng một chế độ chính trị phù hợp với ý nguyện của toàn dân và tin tưởng mãnh liệt ở tương lại, rằng nhất định chúng ta sẽ thiết lập được một chế độ dân chủ trên nền tảng cộng hòa đã được xác lập 62 năm qua tại Việt Nam. Nội dung bài viết lần lượt trình bày :
I. Bối cảnh lịch sử hình thành nền Cộng hòa tại Việt Nam
Như quý độc giả đã biết, sau Thế Chiến II, chủ nghĩa thực dân cũ đã bước vào thời kỳ suy tàn, xu thế giải thực đã buộc các đế quốc từng có nhiều thuộc địa như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan… đã phải lần lượt trao trả độc lập cho các nước bị trị. Điển hình là một số nước trong vùng Đông Nam Á như Ấn Độ và Hồi Quốc được Đế Quốc Anh trao trả độc lập năm 1947 ; Indonesia được Hà Lan trao trả độc lập năm 1949 ; Triều Tiên được Nhật trao trả độc lập năm 1945 ; Lào và Cao Miên Pháp trao trả độc lập năm 1953…
Do đó, theo nhận định của nhiều sử gia và học giả nghiên cứu chính trị và lịch sử, thì chẳng cần cuộc kháng chiến gian khổ 9 năm do Đảng cộng sản Việt Nam phát động và chủ đạo tiến hành (1946- 1954) làm hao tổn quá nhiều xương máu nhân dân, tàn phá tài nguyên đất nước không cần thiết theo chủ trương "tiêu thổ kháng chiến" của Việt Minh cộng sản, để có được cái gọi là "Chiến thắng Điện Biên lịch sử" (7/5/1954), thì thực dân Pháp sớm muộn cũng phải trao trả độc lập cho Việt Nam cũng như nhiều thuộc địa khác. Chẳng qua Ông Hồ Chí Minh và Cộng đảng Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến này, chỉ là lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, dùng chiêu bài độc lập dân tộc để "cướp chính quyền" ; sau đó áp đặt chế độ độc tài đảng trị cộng sản tại Việt Nam, thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ, nhuộm đỏ toàn cầu của cộng sản quốc tế, đứng đầu là hai tân đế quốc Đỏ Nga-Tàu.
Thật vậy, trên thực tế, trước áp lực của xu thế giải thực, thực dân Pháp đã phải lùi từng bước, trao trả độc lập từng phần cho Việt Nam, qua các Hiệp Định Vịnh Hạ Long ngày 5 tháng 6 năm 1948, "đề cử" hoàng đế Bảo Đại làm Quốc Trưởng, và Pháp thừa nhận Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Bảo Đại như là một quốc gia độc lập nằm trong Liên Hiệp Pháp. Ngày 8 tháng 3 năm 1949 Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Quốc trưởng Bảo Đại đã ký "Thỏa Ước Elysée". Theo đó, Pháp hứa sẽ xây dựng cho Việt Nam một quân đội quốc gia chống cộng. Đây là khởi điểm của sự thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, gồm có các binh lính và sĩ quan gốc "Khố Xanh Khố Đỏ" của Pháp chuyển qua. Chính những sĩ quan có xuất thân này, đã nắm vận mệnh quốc gia sau khi đảo chánh lật đổ Tổng thống Diệm, và đã góp phần làm mất Miền Nam vào tay cộng sản (30/04/1975).
Thế rồi, cuối cùng thực dân Pháp cũng đã phải trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam vào năm 1954. Nhưng Việt Nam có số phận không may đã rơi vào thế gọng kìm của một chiến lược quốc tế mới hậu Thế chiến II, với cuộc chiến tranh ý thức hệ(cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa), nên đất nước bị qua phân theo Hiệp Định Genève ngày 20/07/1954 ký kết giữa thực dân Pháp và Việt Minh cộng sản, có ý nghĩa như là Pháp (quân cướp nước) đã mất nửa thuộc địa Miền Bắc cho đảng cộng sản (phường bán nước cho quốc tế cộng sản Nga-Tàu). Chính quyền chính thống quốc gia của Quốc trưởng Bảo Đại, với thủ tướng chính phủ Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ, không ký vào Hiệp định Genève 1954, nên không có trách nhiệm thi hành, nhưng phải tiếp nhận độc lập chủ quyền quốc gia trên nửa nước Miền Nam, phải chấp nhận một thực tế bị áp đặt trái với ý nguyện của nhân dân Việt Nam. Vì vậy trên nguyên tắc quốc gia Việt Nam vẫn là một, chỉ tạm thời chia cắt để chờ cơ may thống nhất đất nước.
Hệ quả là một nửa nước Miền Bắc rơi vào tay Đảng cộng sản Việt Nam thiết lập "nền chuyên chính vô sản", trên đó xây dựng chế độ độc tài toàn trị cộng sản, với quyền thống trị độc tôn, độc quyền của Đảng cộng sản Việt Nam, một công cụ chiến lược của hai tân đế quốc đỏ Nga-Tầu. Nửa nước Miền Nam Việt Nam được trao trả cho chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam, thiết lập nền Cộng hòa trên đó xây dựng chế độ tự do dân chủ, tức Việt Nam Cộng Hòa, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các đồng minh Thế giới tự do trên nguyên tắc, song trên thực tế đã bị Hoa Kỳ biến thành công cụ chiến lược một thời của mình ; dù chỉ là một công cụ ngay tình(bị ép buộc) khác với đảng cộng sản Việt Nam đã là công cụ tri tình (tình nguyện, chủ động thực hiện nghĩa vụ công cụ) cho cộng sản quốc tế Nga-Tầu. Vì Đảng cộng sản Việt Nam đã tình nguyện làm một công cụ bành trướng của Cộng sản quốc tế, đứng đầu là Nga-Tầu lúc đó, nên đã phát động và tiến hành cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn kéo dài 21 năm để thôn tính Miền Nam Việt Nam (1954-1975) và cộng sản hóa cả nước cho đến nay đã 43 năm rồi (1975-2018).
Trong khi đó, chính quyền chính thống quốc gia và nhân dân Miền Nam, trong thế chẳng đặng đừng đã phải làm tiền đồn chống cộng cho Hoa Kỳ và phe Thế giới tự do ; buộc lòng phải thực hiện cuộc chiến tranh tự vệ để ngăn chặn, đẩy lùi cuộc chiến tranh xâm lược đó của cộng sản Bắc Việt, để bảo vệ phần đất tự do Miền Nam ; trong ý hướng giữ vững độc lập quốc gia, chủ quyền dân tộc, để vừa chiến đấu chống cuộc xâm lăng của cộng sản Bắc Việt, vừa nỗ lực xây dựng thành công chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa, tiến tới thống nhất đất nước, không phải bằng bạo lực quân sự, mà bằng sự ưu thắng của chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa và nền kinh tế tự do phát triển phồn vinh ở Miền Nam ; trên chế độ độc tài toàn trị cộng sản Bắc Việt và nền kinh tế chỉ huy nghèo nàn lạc hậu ở Miền Bắc. Nghĩa là chính quyền và nhân dân Miền Nam, muốn tiến tới tình trạng như Nam Bắc Hàn hiện nay, mà sự thống nhất Hàn Quốc một cách hòa bình, với sự ưu thắng của Nam Hàn dân chủ phồn vinh trên Bắc Hàn độc tài cộng sản nghèo đói và lạc hậu, chỉ còn là vấn đề thời gian.
Chính vì mục tiêu và lý tưởng vừa nêu, nền Cộng hòa đã được xác lập tại Việt Nam, bằng bản Hiến pháp ban hành ngày 26/10/1956, trên đó xây dựng chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa thay thế cho chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại nhiều thế kỷ trước đó tại Việt Nam.
II. Nền Cộng hòa và Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa 1956
1. Nền cộng hòa và cố Tổng thống Ngô Đình Diệm
Theo tự điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh, cộng hòa (Republic : Cộng đồng, dân chúng) có ý nghĩa như là nền tảng cho một chế độ dân chủ, Chế độ Cộng hòa (Repubican Regime) với "Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân". Cố tổng thống Ngô Đình Diệm được coi là người khai sáng nền cộng hòa như thế tại Việt Nam.
Cố tổng thống Ngô Đình Diệm được coi là người khai sáng nền cộng hòa như thế tại Việt Nam.
Sử liệu cận đại Việt Nam ghi nhận các sự kiện có ý nghĩa sau đây : ngày 7 tháng 7 năm 1954, chí sĩ Ngô Đình Diệm đang sống lưu vong ở hải ngoại đã về nước chấp chánh theo sự ủy thác của vua Bảo Đại trong ngôi vị Thủ tướng chính phủ chính thống quốc gia Việt Nam, để chống cộng và nếu cần chống cả thực dân và phong kiến để bảo vệ tổ quốc (Như hồi ký của cựu hoàng Bảo Đại đã viết). Vì xu thế thời đại, Thủ tướng Diệm không thể duy trì thể chế quân chủ chuyên chế, nên với sự hậu thuẫn của 18 đoàn thể chính trị (Hội Đồng Cách Mạng Quốc gia), họp tại Dinh Độc Lập đã quyết định thiết lập chế độ cộng hòa, theo xu thế thời đại, đáp ứng ý nguyện của quốc dân, qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955 truất phế vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam thiết lập nhiều thế kỷ trước đó, tôn vinh Thủ tướng Ngô Đình Diệm là Tổng thống đầu tiên chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Để có căn bản pháp lý, ngày 26/10/1955 Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã ban hành Hiến ước Tạm thời Số 1, và ngày 23 tháng 1 năm 1956 đã ký ban hành Dụ Số 8 thiết lập Quốc hội Lập hiến định hướng cho chế độ cộng hòa sẽ được xác lập. Trên căn bản các văn kiện pháp lý hành chánh này, nhân dân Miền Nam lần đầu tiên được cầm lá phiếu với tư cách là công dân một nước độc lập, có chủ quyền, đi bầu người đại diện vào Quốc hội Lập hiến để thay mặt mình soạn thảo ra một bản hiến pháp dân chủ trên nền tảng cộng hòa đầu tiên. Trong vòng 9 tháng sau, Quốc hội do dân bầu này đã hoàn thành bản Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa và ngày 26 tháng 10 năm 1956, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã ký ban hành bản hiến pháp đầu tiên làm căn bản thíêt lập các định chế quốc gia, với tam quyền phân lập và cơ cấu của một chính quyền cộng hòa với chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân.
2. Nền Cộng hòa và Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa 1956
Như trên đã trình bầy nền cộng hòa là nền tảng của một chế độ chính trị với chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, theo học thuyết chính trị dân chủ Phương Tây ; tương tự quan niệm dân chủ Phương Đông "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", đều lấy "Dân làm gốc". Tiếc rằng, quan niệm dân chủ này chỉ có trong sách vở ở xã hội phong kiến, thực tế vua vẫn là tối thượng, chủ quyền quốc gia thuộc về vua, chứ không phải của toàn dân. Cũng như trong "nền chuyên chính vô sản" chủ quyền quốc gia thuộc về đảng cộng sản, quyền "Làm chủ của nhân dân" chỉ là bánh vẽ lừa mị nhân dân, che mắt quốc tế.
Dụ Số 8 thiết lập Quốc hội Lập hiến định hướng cho chế độ cộng hòa sẽ được xác lập.
Vì vậy muốn chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, cần xây dựng một chế độ dân chủ trên nền tảng cộng hòa. Để thiết định chế độ dân chủ cộng hòa này, cần có một bản hiến pháp, là một văn kiện pháp lý căn bản qui định rõ quyền lợi nghĩa vụ người dân trong, tương quan với chính quyền và nghĩa vụ của các cơ quan công quyền, với các viên chức được người dân ủy quyền qua lá phiếu trong các cuộc bầu cử tự do, chọn người đại diện cho dân, làm nhiệm vụ công bộc ăn lương của dân, điều hành guồng máy công quyền quốc gia, từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở, theo ý nguyện của người chủ đất nước là nhân dân, sao cho xã hội ổn định, phát triển, quốc gia phú cường, mọi tầng lớp nhân dân có điều kiện phát triển đồng đều, "cộng đồng đồng tiến", có đời sống tự do, ấm nó để mưu cầu hạnh phúc riêng (cá nhân) cũng như chung (tập thể).
Trong ý hướng trên, bản Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên được soạn thảo và ban hành ngày 26/10/1956 và sau đó bản Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa thứ hai được ban hành ngày 1/4/1967.
Bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 26/10/1956 được soạn thảo dựa trên hai nền tảng triết lý và chính trị. Nền tảng triết lý là triết học duy tâm, lấy con nguời là trung tâm, là chủ thể xã hội và là đối tuợng phục vụ của xã hội. Nền tảng chính trị là chủ nghĩa nhân vị, trên đó thiết lập chế độ cộng hòa với chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền được tôn trọng, bảo vệ và hành xử. Chủ đích của các nhà lập hiến khi chọn chủ nghĩa Nhân Vị làm nền tảng cho chế độ Cộng Hòa để soạn thảo ra Hiến Pháp hữu thần Việt Nam Cộng Hòa là để đối kháng với triết học duy vật và chủ nghĩa cộng sản vô thần, là nền tảng hiến pháp của chế độ vô thần Cộng sản Bắc Việt, vốn coi tôn giáo như thuốc phiện mê hoặc con người ; con nguời chỉ là sản phẩm kinh tế, là công cụ của xã hội, cá nhân phải phục vụ xã hội và quyền lợi cá nhân phải hy sinh cho quyền lợi tập thể (thực chất cũng như thực tế là hy sinh cho quyền lợi của một tập đoàn thống trị độc quyền là Đảng cộng sản Việt Nam), trong một xã hội mà những nguời cộng sản muốn áp đặt, đó là xã hội "Xã hội chủ nghĩa", giai đoạn đầu của "xã hội cộng sản" mà đỉnh cao là "Thiên đường cộng sản" (!).
Tham vọng của các nhà lập hiến Việt Nam khi chọn chủ nghĩa Nhân Vị làm nền tảng cho Hiến pháp chế độ cộng hòa như là một võ khí lý luận để đánh bại đối phương về mặt ý thức hệ. Đối phương lúc đó là Đảng cộng sản Việt Nam đã thiết lập ở Miền Bắc một chế độ độc tài đảng trị cộng sản bằng bản Hiến pháp năm 1958, ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa (xanh vỏ, đỏ lòng). Vì Hiến pháp này chỉ giữ lại bảng hiệu "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa", của Hiến pháp 1946 (Một bản Hiến pháp tiến bộ, hợp lòng dân, do Quốc hội liên hiệp Quốc-cộng soạn thảo trên nền tảng dân chủ, cộng hòa thật, nhưng chưa thực hiện được. Vì sao ? Chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác), nhưng hình thức và nội dung rặp khuôn Hiến pháp 1936 của cộng sản Liên Xô vốn xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa xã hội hay cộng sản.
Với võ khí lý luận là chủ nghĩa Nhân vị và chế độ dân chủ cộng hòa, các nhà lập hiến Việt Nam Cộng Hòa tin rằng, nguời dân sẽ thấy đuợc hai con đuờng "Nhân vị chủ nghĩa" và "Cộng sản chủ nghĩa" dẫn đến mục tiêu tối hậu hoàn toàn trái nguợc : "Chủ nghĩa nhân vị" : Xây dựng một xã hội vì con nguời, tôn trọng phẩm giá con nguời và xã hội phải phục vụ lợi ích tối thuợng của con nguời. Trong khi "chủ nghĩa cộng sản" : xây dựng một xã hội vì Đảng cộng sản Việt Nam, nô dịch và xã hội hóa con nguời, biến con nguời thành công cụ phục vụ xã hội (thực chất là phụng vụ giai cấp thống trị), nhân vị bị hạ thấp ngang tầm lòai vật (theo lý luận và thực hành Duy vật biện chứng của cộng sản).
Đồng thời, chủ nghĩa Nhân Vị sẽ là nền tảng cho chế độ chính trị Cộng hòa, để bảo đảm được nhân vị và các nhân quyền căn bản của người dân. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống cộng bảo vệ nền Cộng hòa và chế độ dân chủ Việt Nam Cộng Hòa, chủ nghĩa Nhân Vị giúp nguời dân phân biệt đuợc mục tiêu và lý tuởng tranh đấu tối hậu của nguời Việt quốc gia là thiết lập cho kỳ đuợc một chế độ dân chủ cộng hòa là vì nhân vị và phẩm giá con người, vì hạnh phúc của nhân dân, quyền dân chủ dân sinh và nhân quyền được bảo đảm với tam quyền phân lập ; trái nguợc với chế độ độc tài toàn trị cộng sản , độc tôn và độc quyền thống trị của Đảng cộng sản Việt Nam, vì quyền lợi của giai cấp thống trị là các cán bộ đảng viên cộng sản, gia đình họ và các tầng lớp ăn theo.
Chính vì vậy mà chủ thuyết nhân vị đuợc xác tín qua phần "Mở đầu" của Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa ngày 26/10/1956 như sau :
"Tin tuởng ở sự truờng tồn của nền văn minh Việt Nam, cần có trên nền tảng duy linh mà toàn dân đều có nhiệm vụ phát huy ;
"Tin tuởng ở giá trị siêu việt của con nguời mà sự phát triển tự do. Điều hòa và đầy đủ trong cương vị cá nhân cũng như trong đời sống tập thể phải là mục đích của mọi họat động quốc gia…".
Như vậy, chính trên nền tảng chủ nghĩa Nhân Vị, Quốc hội Lập hiến đầu tiên của quốc gia Việt Nam đã soạn ra bản Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên (hoàn toàn khác với cái gọi là Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1958 của Cộng sản Bắc Việt "ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa"), và đã đuợc Thủ tướng Ngô Đinh Diệm, sau trở thành vị tổng thống đầu tiên chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đã ký ban hành ngày 26/10/1956.
Nội dung Bản Hiến Pháp này,ngoài phần "Mở Đầu", gồm 10 Thiên và 98 Điều thể hiện rõ nguyên tắc phân quyền : Thiên thứ nhất quy định những "Điều khoản căn bản" ; Thiên thứ hai : "Quyền lợi và Nhiệm vụ nguời dân" ; Thiên thứ ba :"Tổng thống" ; Thiên thứ tư : "Quốc hội" ; Thiên thứ năm "Thẩm phán" ; Thiên thứ sáu "Đặc biệt Pháp viện" ; Thiên thứ bẩy "Hội đồng Kinh tế Quốc gia" ; Thiên thứ tám "Viện Bảo hiến" ; Thiên thứ chín "Sửa đổi Hiến pháp" và Thiên tThứ mười "Các điều khoản chung".
Cuộc đảo chánh quân sự ngày 1/11/1963, với sự trợ giúp của ngọai bang đã đưa đến cái chết thảm thương cho cố Tổng thống Ngô Đinh Diệm, một nhà ái quốc, thiết tha với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc (là một trong những nguyên nhân ông phải chết), nguời có công khai sáng nền Cộng Hòa Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa ngày 26/10/1956 bị hủy bỏ cùng với sự cáo chung nền Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa.
Sau những năm triền miên bất ổn chính trị, xã hội xáo trộn do các phe phái chính trị, quân sự tranh giành quyền lực (1963-1967) bản Hiến pháp Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa đã được Quốc hội Lập hiến thông qua ngày 18/03/1967 và đã được Tướng Nguyễn Văn Thiệu, trong tư cách Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia ban hành ngày 1/4/1967. Cuộc bầu cử ngày 3/9/1967 đã đưa Tướng Nguyễn Văn Thiệu lên ngôi vị Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, là vị Tổng thống thứ hai của nền Đệ nhị cộng hòa Việt Nam.
III. Kết luận
Tóm lại, như vậy là cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Miền Nam bảo vệ chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại, song chỉ là thất bại tạm thời, có tính giai đoạn. Vì sau đó và cho đến nay, cuộc chiến đấu chống chế độ cộng sản độc tài toàn trị để tái lập chế độ dân chủ cộng hòa trên cả nuớc vẫn đang tiếp diễn. Đây là giai đoạn chống cộng cuối cùng vì dân chủ, cho nền cộng hòa Việt Nam của nguời Việt quốc gia hay là nguời Việt Nam không cộng sản trong cũng như ngoài nuớc, phù hợp với khát vọng của toàn dân. Thực tế đã và đang ngày một khẳng định "chính nghĩa Cộng hòa" (Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân) tất thắng "ngụy nghĩa Cộng sản" (Chủ quyền quốc gia thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam).
Nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thiết lập đuợc một chế độ dân chủ cộng hòa trên toàn cõi Việt Nam trong một tương lai không xa, với một bản Hiến pháp Dân chủ Cộng hòa, đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu ; như từng đuợc khẳng định trong "Lời Mở Đầu" của Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa tiên khởi ngày 26/10/ 1956.
Houston, ngày 26 tháng 10 năm 2018
Thiện Ý
Việc phóng thích Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước thời hạn, sau hơn hai năm thụ án phạt 10 năm tù về tội "tuyên truyền chống nhà nước", rồi đưa từ nhà tù ra sân bay Nội Bài Hà Nội trục xuất qua Hoa kỳ cùng mẹ già và hai con nhỏ vào ngày 17 /10/2018 vừa qua, đã không còn là một bất ngờ gây ngạc nhiên cho những ai từng quan tâm đến số phận nghiệt ngã của các tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Mẹ Nấm và gia đình được chào đón tại phi trường IAH ở Houston.
Bởi lẽ, đây không phải là lần đâu tiên và cũng chưa phải là lần cuối cùng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thực hiện điều này. Vì trong quá khứ xa gần, nhà cầm quyền Việt cộng đã từng thực hiện đối sách này với các nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền và dân oan, tiêu biểu như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Luật sư Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải và gần đây nhất là luật sư Nguyễn Văn Đài bị trục xuất qua nước Đức ; nay là Blogger Mẹ Nấm bị trục xuất qua Hoa Kỳ và đã đến sân bay quốc tế George H. Bush, Houston, bang Texas vào 11 giờ đêm 17/10/2018, với sự chào đón nồng nhiệt của hàng trăm đồng hương tỵ nạn cộng sản.
Vậy vì sao nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã có những hành động như vậy ? Câu trả lời tổng quát của chúng tôi : Việt cộng thả các tù nhân lương tâm theo kiểu này không đơn thuần chỉ là vì áp lực của Hoa Kỳ và quốc tế, mà còn là một thủ đoạn có tính toán để thủ lợi qua một "đối sách điệu hổ ly sơn". Nội dung "đối sách điệu hổ ly sơn" là gì và vì sao Hoa Kỳ lại chấp nhận hệ quả của đối sách này của nhà đương quyền Việt Nam ?
I. Đối sách "điệu hổ ly sơn" là gì ?
Như chúng tôi đã có dịp trình bầy nhiều lần trước đây, ngoài áp lực công luận quốc tế và các cường quốc dân chủ hàng đầu có ảnh hưởng mạnh như Hoa Kỳ, các nước EU, nhà cầm quyền Việt Nam đã phải trả tự do cho Blogger Mẹ Nấm cũng như những nhà đấu tranh cho dân chủ bị cầm tù trước đây và tiếp diễn sau này, không chỉ dựa trên sự toan tính trao đổi lợi ích song phương hay đa phương, còn là tương kế tựu kế loại trừ các phần tử nguy hiểm chống đối chế độ ra khỏi nước theo "đối sách điệu hổ ly sơn".
Vì một khi đưa được những nhà đấu tranh cho dân chủ hàng đầu không thể "cải tạo" như Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra khỏi nước, nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa được những "Con hổ đấu tranh cho dân chủ" ra khỏi "lãnh địa rừng rú của cộng sản" tại Việt Nam, nơi phát huy sức mạnh đấu tranh mạnh mẽ, có hiệu quả vốn là mối hiểm nguy cho sinh mạng chính trị của chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam. Một khi những "mãnh hổ dân chủ " này đưa ra nước ngoài, tác dụng của các hoạt động đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam của họ dầu muốn dầu không sẽ suy yếu đi, không còn là hiểm họa cận kề.
Đó là chưa kể họ sẽ bị cô lập, tấn công, chụp mũ, nhục mạ thậm từ của chính những người quốc gia chống cộng thật mà cực đoan, đa nghi ; hay chống cộng giả(Việt cộng nằm vùng) làm công tác "Đặc tình truyền thông"cho nhà cầm quyền Việt Nam.Nhất là mức độ và cường độ tấn công có thể ác liệt, tàn nhẫn hơn đối với những nhà dân chủ gốc cán bộ đảng viên cộng sản phản tỉnh, từng tham gia guồng máy công quyền dân sự hay quân sự Việt cộng như : cố nhà báo Bùi Tín lúc sinh tiền, vốn là cựu Đại tá, Phó Tổng Biên Tập báo Quân Đội Nhân Dân (QĐND) ; Luật sư Cù Huy Hà Vũ, con trai của nhà thơ Cù Huy Cận, con nuôi của nhà thơ Tố Hữu vốn là những công thần của chế độ ; hay như Blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, cựu chiến binh QĐND và Blogger Tạ Phong Tần, cựu sĩ quan công an nhân dân… Những nhà đấu tranh cho dân chủ này, dù quá khứ là thế, nhưng sau này dù đã thực sự "Phản tỉnh", nhận thức được những sai lầm quá khứ theo đảng cộng sản Việt Nam, đã có những lời nói, hành động cụ thể đấu tranh quyết liệt cho dân chủ, nhân quyền, dân oan, phải vào tù, bị đầy ải nhiều năm tháng. Thế nhưng, với đối sách "Điệu hổ ly sơn", nhà cầm quyền Việt Nam đã thành công phần nào trong ý đồ cô lập và vô hiệu hóa các hoạt động đấu tranh của các nhà dân chủ sau khi bị trục xuất ra hải ngoại… Và vì vậy, nhiều người vẫn lo ngại, rồi đây blogger Mẹ Nấm có là nạn nhân bị "đặc tình cộng sản nằm vùng" đội lốt người quốc gia đánh phá, chụp mũ hay không. Mặc dầu khi mới đến sân bay ở Houston, Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vẫn khẳng định với đồng hương ra đón, rằng trong môi trường hải ngoại sẽ tiếp tục lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ cho tự do, dân chủ nhân quyền của nhân dân cũng như các nhà dân chủ, bất đồng chính kiến đang bị cầm tù trong nước.
II. Vì sao Hoa Kỳ chấp nhận hệ quả đối sách "điệu hổ ly sơn" của chính quyền cộng sản Việt Nam ?
Theo nhận định của chúng tôi, Hoa Kỳ không tiếp tay (theo nghĩa chủ động) mà đã phải tiếp nhận (theo nghĩa bị động) các nhà đấu tranh dân chủ trong nước sau khi được phóng thích và bị trục xuất thẳng từ nhà tù qua Hoa Kỳ, là vì chính sách hai mặt của Hoa Kỳ đối với chế độ độc tài đảng trị cộng sản Việt Nam và đối với các lực lượng đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam.
1. Đối với chế độ độc tài đảng trị cộng sản Việt Nam
Sau khi nối lại quan hệ ngoại giao, từ 23 năm qua (1995-2018), Hoa Kỳ đã coi chế độ độc tài đảng trị cộng sản Việt Nam như là một đối tác làm ăn, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, không còn là đối phương như trước đây trong chiến tranh. Hoa Kỳ nhiều lần xác nhận, rằng Hoa Kỳ luôn tôn trọng sự khác biệt chế độ chính trị của Việt Nam (độc tài, độc đảng) với Hoa Kỳ (Dân chủ, đa đảng).Mặc dầu trên thực tế Hoa Kỳ không che dấu chính sách can thiệp tạo áp lực thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi qua chế độ dân chủ đa đảng. Hoa Kỳ có nhiều cách trực tiếp hay gián tiếp tạo áp lực với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam theo chiếu hướng dân chủ hóa Việt Nam .
Một cách gián tiếp như ngầm hay công khai lên tiếng yểm trợ các cao trào đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và dân quyền trong cũng như ngoài Việt Nam. Những người tham gia các cao trào này, nếu bị bắt cầm tù do các hành vi đấu tranh ôn hòa, bất bạo động, Hoa Kỳ sẵn sàng lên tiếng, áp lực cách này cách khác,đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do và ngưng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, vô điều kiện hay ngầm trao đổi có điều kiện nhằm thành đạt lợi ích nào đó.Thường thì nhà cầm quyền Việt Nam khi cần vẫn sử dụng việc bắt bớ giam cầm các nhà bất đồng chính kiến có giá trị như Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhiều người khác, như điều kiện để trao đổi lợi ích nào đó với Hoa Kỳ.
2. Đối với chính phủ Hoa Kỳ
Việc Hoa Kỳ đồng ý tiếp nhận các nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù trục xuất thẳng từ nhà tù như Blogger Mẹ Nấm mới đây, hay Luật sư Cù Huy Hà Vũ, Blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, Luật sư Nguyễn Văn Đài và nhiều người khác trước đây, trước mắt có thể đem lại lợi ích ngầm nào đó cho nhà cầm quyền Việt Nam (tỷ như lợi ích quân sự song phương qua chuyến đi Việt Nam mới đây của Bộ. trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ hay tạo thuận lợi cho chuyến đi Hoa Kỳ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo đồn đoán có thể diễn ra cuối năm nay, sau khi Quốc hội của đảng chuẩn phê nghị quyết của đảng để Tổng bí thư Trọng kiêm nhiệm Chủ tịch nước ?).Trước mắt có thể không có lợi ích gì cho Hoa Kỳ, nhưng tương lai có thể là những vốn nhân sự hữu dụng một khi Việt Nam chuyển đổi qua chế độ dân chủ, đa đảng vốn là mục tiêu tối hậu mà Hoa Kỳ muốn giúp thành đạt tại Việt Nam chăng ?
Bởi vì, đây là những vốn nhân lực, hữu dụng cho tương lai, có năng lực và phẩm chất từng được tôi luyên qua đấu tranh gian khó, cần được Hoa Kỳ bảo vệ, tích lũy đưa ra khỏi nhà tù đến nơi an toàn, hơn là tiếp tục để cho bị đầy ải, chết dần mòn và đui chột với án phạt nhiều năm trong nhà tù khắc nghiệt của chế độ đương thời tại Việt Nam. Nghĩa là, Hoa Kỳ không hợp tác, không khuyến khích cho đối sách "Điệu Hổ Ly Sơn" của Việt cộng, mà vì lý do nhân đạo và hậu ý lợi ích về sau, nên đã và sẽ tiếp tục tiếp nhận những nhà bất đồng chính kiến được phóng thích và trục xuất thẳng từ nhà tù ra nước ngoài.
Động thái này phù hợp với chủ trương bao lâu nay của Hoa Kỳ là chỉ tạo áp lực trực tiếp hay gián tiếp đẩy đưa Việt Nam chuyển đổi hòa bình từ chế độ độc tài, độc đảng qua chế độ dân chủ đa đảng (diễn biến hòa bình, tự chuyển đổi để chuyển hóa chế độ từ độc tài toàn trị qua dân chủ pháp trị…). Nghĩa là Hoa Kỳ không ủng hộ bạo lực lật đổ để thay thế, mà thực hiện chính sách "cải tạo từng bước nhà cầm quyền Việt cộng" thành công cụ chiến lược trong vùng và "chuyển hóa hòa bình chế độ độc tài, độc đảng qua dân chủ, đa đảng theo một tiến trình thời gian phù hợp, tránh bất ổn chính trị, xáo trộn xã hội". Do đó, trước sau gì Hoa Kỳ chỉ coi các lực lượng quốc gia, dân tộc, dân chủ như những công cụ mà thuật ngữ chính trị gọi là "những đoàn thể quần chúng áp lực, không giành quyền lực để nắm quyền", góp phần tạo các lực đẩy, lực xoay cùng chiều về hướng dân chủ hóa việt Nam.
III. Kết luận
Giờ đây Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã thoát khỏi nhà tù của chế độ độc tài toàn trị cộng sản trong nước, được hít thở bầu không khí tự do sau những năm tháng tù đầy (hơn 2 năm thụ án 10 năm tù vì chống chế độ độc tài toàn trị cộng sản), được một số cá nhân và đoàn thể người Việt quốc gia ở hải ngoại đón tiếp nồng hậu tại sân bay George H. Bush hôm 17-10 vừa qua và những ngày sau đó. Mặc dầu Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã có những lời tuyên bố kiên định lập trường tiếp tục con đường đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa đất nước.
Thế nhưng, nhiều người quan tâm, cảm thông không khỏi lo ngại tự hỏi, rồi đây sau khi ổn định sức khỏe và cuộc sống, liệu Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một "Mãnh hổ đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, dân sinh" ở trong nước, sẽ có còn là "Mãnh hổ đấu tranh cho dân chủ Việt Nam" ở hải ngoại nữa hay không ? Đồng thời liệu Cô có bị đối xử bất công và tàn nhẫn như đã từng xẩy ra với các nhà đấu tranh cho dân chủ cùng chung cảnh ngộ trước đây đã bị nhà đương quyền Việt Nam phóng thích và trục xuất thẳng từ nhà tù qua Hoa Kỳ ?
Câu trả lời về mặt chủ quan xin dành cho Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ; về khách quan xin dành cho những người quốc gia chống cộng vốn đa nghi ở hải ngoại. Nhưng không cần đặt ra với những kẻ "nằm vùng"đang "đội lốt người quốc gia" làm công tác "Đặc tình truyền thông" có nhiệm vụ đánh phá không riêng gì những nhà đấu tranh cho dân chủ bị bắt cầm tù, bị phóng thích và trục xuất thẳng từ nhà tù ra hải ngoại như Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhiều người trước đó ; mà đánh phá mọi đoàn thể cũng như cá nhân chống cộng nào mà các hoạt động của họ bất lợi cho chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay tại Việt Nam.
Người viết từng nếm mùi tù đầy qua các nhà tù nổi tiếng ở số 4 Phan Đăng Lưu, Chí Hòa và lao động khổ sai ở trại tù Z.30D-K1. Hàm Tân Thuận Hải (1978-1981), thành tâm cầu chúc đồng tù Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những anh thư và nhà đấu tranh kiệt xuất cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam, sớm bình phục sức khỏe, sau những năm tháng tù đầy và nghị lực kiên cường để tiếp tục dấn thân cùng người Việt quốc gia hải ngoại và toàn dân trong nước đẩy mạnh đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa đất nước ; để mọi tầng lớp nhân dân (chứ không riên chỉ có giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản cầm quyền) được sống trong "Độc lập - Tự do - Ấm no - Hạnh Phúc" thực sự.
Houston, ngày 18/10/2018
Thiện Ý
Như mọi người đã biết, trong mấy tháng gần đây, đảng và nhà cầm quyền của chế độ độc tài toàn trị "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã liên tục đưa ra xét xử và kết án nặng nề những nhà bất đồng chính kiến và nhân dân chỉ vì các hoạt động ôn hòa đấu tranh cho các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, nhân quyền được biểu tỏ trên thực địa hay trên mạng truyền thông. Thế nhưng bị đảng và nhà cầm quyền coi là vi phạm Bộ luật Hình sự của chế độ cũng như Luật An ninh mạng mới được quốc hội của đảng cộng sản thông qua, dù bị nhân dân chống đối quyết liệt và chưa có hiêu lực chấp hành cho tới đầu năm tới 2019.
Biểu tình chống 2 dự luật, Đặc Khu Kinh Tế và An Ninh Mạng.
Sự thể này cho thấy từ đây, ngoài công cụ pháp lý là "Bộ Luật hình sự" để nhà cầm quyền trấn áp các hoạt động thể hiện các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, nhân quyền trên thực địa ; nay tăng cường thêm "Luật An ninh mạng" là công cụ pháp lý để "bịt miệng, siết cổ" nhân dân trên lãnh vục truyền thông trên mạng.
Hệ quả thực tế đúng như tuyên bố hôm 09/10 vừa qua của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, trong đó có đoạn viết "Xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và những bản án nặng nề đối với các nhà hoạt động ôn hòa từ đầu năm 2016 đến nay hết sức đáng lo ngại. Từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam đã kết án hơn 30 nhà hoạt động ôn hòa, tăng đáng kể so với năm ngoái".
Tuyên bố này nhằm bày tỏ quan ngại của Hoa Kỳ về hành động mới nhất của nhà cầm quyền Việt Nam xử phạt các nhà hoạt động thuộc "Liên minh Dân tộc Việt Nam" hôm 05/10. Theo đó, Tòa án thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù, Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù, và Phan Trung 8 năm tù.
Ngoài ra, Chiến dịch NOW ! (Now Campaign), một chương trình có sự tham gia của 14 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế cho biết chính phủ Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 246 tù nhân lương tâm trong tù hoặc trong điều kiện tương tự, tăng hơn 80 người so với con số 165 vào tháng 11 năm 2017, khi chiến dịch được khởi xướng. Tổ chức Now Campaign cũng nói rằng Việt Nam là nước đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về số lượng người hoạt động bị giam cầm, chỉ sau Myanmar.
Trong chín tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã bắt giữ 24 người hoạt động nhân quyền, và kết án 33 người hoạt động với tổng cộng mức án 225.5 năm tù và 56 năm quản chế, theo NOW Campaign.
Ngoài ra, Việt Nam đã kết án 60 người tham gia các cuộc biểu tình hồi giữa tháng 6 để phản đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu Kinh tế, với tổng cộng 113 năm và 5 tháng tù và tổng cộng 89 tháng quản chế. Có 148 tù nhân lương tâm thuộc sắc tộc Kinh và 75 người Thượng từ Tây Nguyên, hai người thuộc sắc tộc Khmer Krom.
Vẫn theo NOW Compaign, để đối phó với sự bất mãn xã hội ngày càng gia tăng và trấn áp giới bất đồng chính kiến, chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp hà khắc, bao gồm kết án nhiều người bất đồng kính kiến với những bản án nặng nề, bắt giữ nhiều blogger và cáo buộc họ với những cáo buộc chính trị, và sử dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn các cuộc biểu tình trên đường phố. Chỉ riêng từ ngày 1/7 đến ngày 30/9 năm nay, Việt Nam đã bắt giữ 19 nhà hoạt động và blogger. 10 người trong số họ bị buộc tội theo cáo buộc trong Bộ luật hình sự, trong khi các cáo buộc chống lại 9 người còn lại vẫn chưa được công bố, mới nhất là vụ bắt giữ blogger Hoàng Thị Thu Vang vào ngày 14/9 với cáo buộc "Phá rối an ninh" ở thành phố Hồ Chí Minh
Vào tháng 4 năm nay, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết có ít nhất 97 tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam, đa số phải sống trong các điều kiện tệ hại và bị ngược đãi. Ông James Gomez, Giám đốc Amnesty International tại Đông Nam Á tuyên bố :
"Việt Nam là một trong những nhà tù giam giữ nhiều nhà tranh đấu hòa bình nhất Đông Nam Á – một danh hiệu đáng xấu hổ. Cả 97 tù nhân lương tâm mà chúng tôi biết được là những con người can đảm, đã bị mất đi tự do chỉ vì muốn thúc đẩy nhân quyền. Điều tệ hại nhất là con số này có thể thấp hơn so với thực tế".
Một số vụ án điển hình
Sau đây có thể liệt kê một số vụ án điển hình cho điều mà bản Tuyên bố của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, cũng như sự ghi nhận của chiến dịch NOW, và Tổ chức Ân xá Quốc tế về sự gia tăng cường độ và mức độ đàn áp dân chủ, tước đoạt các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, nhân quyền trên thực địa cũng như trên mạng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
1. Ngày 27/9/2018. Facebooker Bùi Mạnh Đồng bị Tòa án ở Cần Thơ kết án 2 năm 6 tháng tù, cho là vì đăng tải những thông tin và hình ảnh ‘xuyên tạc’ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ông Đồng, 40 tuổi, bị kết án với tội danh ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước" theo điều 331 của Bộ Luật hình sự 2015, theo bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam. Đây là người thứ hai ở Cần Thơ nhận án tù trong tuần này vì đăng tải những thông tin mà chính quyền cho là nhằm bôi nhọ Đảng và Nhà nước trên Facebook.
2. Hôm 26/9, một tòa án ở tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt mức án gần 50 năm tù đối với 15 người với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ do tham gia vào đợt biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và Luật An ninh Mạng vào tháng 6, theo hãng tin Reuters.
3. Hôm 24/9, một tòa án ở Cần Thơ đã phạt blogger Đoàn Khánh Vinh Quang 27 tháng tù vì đăng tải thông tin xúc phạm đảng cộng sản, chính phủ Việt Nam (giống như tội "phạm húy" hay "khi quân" thời phong kiến) , và kêu gọi biểu tình.Hãng tin Reuters cho biết nhà hoạt động Đoàn Khánh Vinh Quang, 42 tuổi, chủ tài khoản "Quang Đoàn" trên Facebook, bị phạt tù 27 tháng với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
4. Với cùng tội danh như ông Quang, hôm 22/9, một tòa án ở Cần Thơ tuyên phạt Nguyễn Hồng Nguyên, 38 tuổi, và Trương Đình Khang, 26 tuổi, hai năm tù giam và một năm tù giam. Ông Nguyên, chủ tài khoản Facebook "Nguyên Hồng Nguyễn (Bồ Công Anh)" và bà Khang, chủ tài khoản Facebook "Hồ Mai Chi", bị cáo buộc là đã soạn thảo, đăng và chia sẻ những bài viết, hình ảnh và video "có nội dung nói xấu, bôi nhọ lãnh tụ vô sản quốc tế, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh".
5. Một tòa án ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hôm 18/9 tuyên án tù hai người vì tham gia biểu tình chống Luật Đặc khu hồi tháng 6. Ông Tạ Thành Duy, 47 tuổi, và ông Nguyễn Văn Ý, 32 tuổi, bị tuyên cùng mức án 1 năm 3 tháng tù giam về tội "gây rối trật tự công cộng" khi tham gia cuộc biểu tình diễn ra ở Nha Trang vào ngày 10/6.
6. Ngày 4/9, Công an tỉnh Đồng Tháp và Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt giam ông Huỳnh Trương Ca, một blogger phản ánh các vấn đề xã hội, với cáo buộc "kích động, chống phá nhà nước", theo điều 117 Bộ luật hình sự. và kêu gọi người dân xuống đường biểu tình vào dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Trong một video clip được phát trực tiếp trên Facebook hôm 16/8, ông Ca nói, dù ông bị an ninh bố ráp và khủng bố tinh thần trong thời gian gần đây nhưng ông và các blogger khác quyết tâm phát động phong trào khai hiến, đòi quyền làm người như đã quy định tại điều 25 của Hiến Pháp năm 2013 : quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.Trong thông điệp phát đi hôm 16/8, ông Ca kêu gọi xuống đường biểu tình một cách ôn hòa vào ngày 4/9 để đòi các quyền hiến định của người dân.
7. Một tòa án ở tỉnh Đồng Nai hôm 30/7 tuyên án tù từ 8 tháng đến 1 năm 6 tháng đối với 15 người biểu tình chống hai dự luật gây tranh cãi hồi đầu tháng 6 là "Đặc khu hành chánh kinh tế" và "An ninh mạng". Nhà chức trách khép những người này vào tội "gây rối trật tự công cộng". Tin cho hay, bị cáo nhận bản án cao nhất là Nguyễn Duy Quang, 35 tuổi, ngụ ở huyện Thống Nhất trong tỉnh. Mức án cao thứ nhì, 1 năm 4 tháng tù, được tuyên cho Phạm Ngọc Hạnh, 45 tuổi, sống tại thành phố Biên Hòa. 13 người còn lại nhận mức án từ 8 - 10 tháng tù.
8. Hôm 23/7, 10 người khác đã bị tòa án huyện Tuy phong tuyên án tổng cộng 27 năm tù giam vì tham gia bạo động tại thị trấn Phan Rí Cửa, theo VTC News. Trước đó, ngày 12/7, Tòa án tỉnh Bình Thuận tuyên các án tù lên tới 2 năm rưỡi đối với sáu người tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu.
Những vụ án điển hình trên đây cho thấy, đảng và nhà cầm quyền của chế độ độc tài toàn trị hiện nay đã và đang điên cuồng gia tăng cường độ và mức độ trấn áp mọi tiếng nói bất đồng chính kiến của người dân ; dù đó chỉ là sự thể hiện ôn hòa các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, nhân quyền đã được chính Hiến pháp của chế độ qui định.
Trong cuộc hội luận mới đây trên một đài Phát thanh Việt ngữ ở Houston, người điều hợp đã nêu ra tình hình thực tế trên, với sự kiện diển hình là nhà cầm quyền đã tăng cường tối đa các biện pháp trấn áp trước và trong ngày lễ 2/9 khiến không có cuộc biểu tình nào của quần chúng nhân dân dự trù trước đó diễn ra được, để nêu câu hỏi với người viết : "Với kinh nghiệm của một người từng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền bị bắt cầm tù trong nước, đánh giá thế nào về việc nhà cầm quyền tăng cường các biện pháp trấn áp đối với cao trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền của quần chúng và tinh thần của các nhà đấu tranh vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước ?".
Các biện pháp trấn áp bằng các công cụ bạo lực để bảo vệ chế độ
Sau đây là câu trả lời của chúng tôi : Các biện pháp trấn áp bằng các công cụ bạo lực để bảo vệ chế độ như quân đội, công an, luật pháp, tòa án, nhà tù, pháp trường… trong một chế độ độc tài toàn trị như chế độ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" (ngụy cộng hòa, dân chủ, ngụy giai cấp vô sản) hiện nay :
1. Đối với cao trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền của quần chúng nhân dân, thì mọi biện pháp trấn áp dù tinh vi, tàn bạo đến đâu, cũng chỉ có hiệu quả nhất thời.
Tỷ như việc tăng cường các công cụ đàn áp bằng bạo lực trước và trong ngày 2/9 vừa qua, chỉ làm cho các cuộc biểu tình của quần chúng nhân dân tạm thời không nổ ra, để tránh tổn thất, bảo toàn lực lương đấu tranh. Nhưng không thể tiêu diệt được các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục nổ ra trong tương lai, khi cần và có thời cơ, với cường độ mạnh hơn, phạm vi mở rộng hơn. Bởi vì nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình là mâu thuẫn đối kháng (một mất, một còn) ngày càng sâu sắc giữa nhân dân (đòi quyền làm chủ và các quyền tự do, nhân quyền) với nhà cầm quyền độc tài toàn trị cộng sản (bác đoạt quyền làm chủ, các quyền tự do, nhân quyền) vẫn chưa giải quyết. Nghĩa là ngày nào còn tồn tại trên đất nước ta một chế độ độc tài đảng trị cộng sản, "thiết lập bằng bạo lực (cướp chính quyền), duy trì bằng bạo lực (bằng các công cụ độc tài ngụy giai cấp vô sản, trấn áp nhân dân), thì nhân dân bị tước đoạt quyền làm chủ, bị áp bức, bóc lột sẽ tiếp tục vùng lên đấu tranh cho tới khi nào giành lại tất cả các quyền của mình.
2. Đối với tinh thần của các nhà đấu tranh vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước, từ kinh nghiệm bản thân cũng như của những nhà đấu tranh cho những lý tưởng cao cả trên khắp thế giới, từ cổ chí kim, chúng tôi cho rằng mọi biện pháp trấn áp của nhà cầm quyền dù tàn bạo (xỉ nhục, khủng bố, tra tấn…) và nghiệt ngã đến đâu (hành hạ, bỏ đói khát, để chết vì bệnh tật trong nhà tù…) cũng không thể hủy diệt được tinh thần và các hoạt động đấu tranh kiên cường của họ và không giảm số lượng những người kế tục.
Bởi vì, một khi dấn thân vào con đường đấu tranh vì nhân dân, vì đất nước và dân tộc, hầu hết các nhà đấu tranh cho dân chủ hôm nay, đều có ít nhiều bản lãnh, vượt qua sự sợ hãi , chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ cá nhân, hạnh phúc gia đình.
Chính vì vậy và nhờ vậy, khi phải đương đầu với cường quyền, tương quan lực lượng không cân sức ; dẫu ở thế yếu và dù biết rằng con đường đấu tranh còn dài, mục tiêu tối hậu có khi cả đời mình chưa đạt được, như "một con én không làm nổi mùa xuân", có thể bị cường quyền nghiền nát như"một xác én". Thế nhưng họ vẫn kiên trì, tình nguyện làm "một xác én", với niềm tin mãnh liệt là đã góp phần cùng "những xác én khác làm nên Mùa Xuân Dân Tộc".
Lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc,chống xâm lược Phương Bắc kéo dài hàng ngàn năm và chống xâm lược Phương Tay kéo dài gần 100 năm, đã chứng mình rằng, nếu không có sự tình nguyện dấn thân hy sinh làm "những xác én" của các anh hùng hào kiệt và nhân dân, thì làm sao đánh duổi được cường quyền xâm lược,đem lại "Mùa xuân cho Dân tộc"… Từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp của nhân dân Miền Nam, hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực từng khẳng định đại ý "Bao giờ quân xâm lược Pháp nhổ hết cỏ Nước Nam, thì mới hết người dân Nam chống Pháp". Trước khi cùng 12 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng bước lên máy chém của thực dân Pháp, anh hùng Nguyễn Thái Học cũng từng kêu gọi mọi người "chấp nhận cái chết cho Tổ Quốc quyết sinh".
Ngay nay cũng vậy, nếu ai cũng nghĩ rằng "Con én không làm nổi mùa xuân" khi đứng trước cường quyền độc tài toàn trị cộng sản, không dám dấn thân đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa đất nước, tình nguyện hy sinh và chấp nhận làm "những xác én" lót đường cho các thế hệ mai sau tiếp nối để tạo dựng "mùa xuân cho dân tộc".
Viết đến đây chúng tôi liên tưởng đến bài hát "Đảng đã cho ta mùa xuân" có nội dung và mục đích tuyên truyền ca ngợi công lao của đảng cộng sản Việt Nam. Bài hát thể hiện hai nghịch lý : Một là tác giả bài Viết là Phạm Tuyên, con của Thượng thư Phạm Quỳnh, đã bị Việt Minh cộng sản giết vì bị kết tội "Việt gian" sau khi cướp đưiợc chính quyền trong biến cố Tháng 8 năm 1945. Vậy mà đã tình nguyện hay phải viết (để tồn tại) một bài viết ca ngợi chính kẻ đã giết cha mình. Hai là tên và nội dung bài viết hoàn toàn trái với sự thật : Thực tế, đảng cộng sản Việt Nam đã không cho "Ta" (là quần chúng nhân dân Việt Nam ?) "Mùa Xuân", mà "Đảng" đã chỉ cho "Ta" (nhân dân ta, đất nước ta) những "Mùa Đông băng giá, nghiệt ngã và buồn thảm !".
Vậy thì, trong hiện trạng Việt Nam cũng đang cần "nhiều xác én" đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, để làm tiêu vong từng bước chế độ độc tài toàn trị"Cộng hòa xã hội chủ nghĩa", tạo dựng "mùa Xuân cho dân tộc" là một đất nước phải có "chế độ dân chủ pháp trị" đích thực, làm tiền đề đoàn kết toàn lực quốc gia, tập trung cao độ mọi tiềm năng nhân dân trong nước và người Việt hải ngoại để xây dựng và phát triển toàn diện đất nước đến phú cường và văn minh tiến bộ.
Từ đó và nhờ đó mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam sẽ được sống trong "Độc lập-Tự Do-Hạnh phúc" thực sự ; chứ không còn là khẩu hiệu tuyên truyền lừa mị của đảng Cộng sản Việt Nam (gia danh, giả hiệu) như bấy lâu nay. Phải không ạ, thưa quý độc giả thân mến !
Houston, ngày 12/10/2018
Thiện Ý
Trong chuyến đi Bình Nhưỡng, thủ đô Bắc Hàn của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, họp Thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un lần thứ ba vào tháng 9 vừa qua, để bàn về tiến trình hiệp thương đi đến thống nhất đất nước, người ta chú ý đến những hình ảnh đón tiếp cực kỳ long trọng và các màn biểu diễn các hoạt cảnh sống động đầy ấn tượng mang tính biểu tượng cho khát vọng hòa bình, hòa giải dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Bắc-Nam Triều Tiên.
Tổng thống Nam Hàn (trái) và lãnh đạo Triều Tiên tại Bắc Hàn, 20 tháng Chín, 2018.
Người viết khi ngồi xem một cuốn phim của YonhapNews trên youtube ghi nhận những hình ảnh này, nhất là hình ảnh hai nhà lãnh đạo Bắc-Nam Hàn thân thiết đi bên nhau, tươi cười vẫy tay trước sự cuồng nhiệt đón chào của đám đông hàng trăm ngàn người dân Bắc Triều Tiên, nước mắt tự nhiên ứa ra và lòng cảm thấy đau xót khi nhìn người lại nghĩ đến ta để tự hỏi "Vì đâu Việt Nam ra nông nỗi này ?".
Những nông nỗi gì và làm sao hóa giải những nông nỗi từ quá khứ đến hiện tại, để Việt Nam có được một tương lai tươi sáng tốt đẹp cho dân cho nước, như những nỗ lực của nhà cầm quyền Bắc và Nam Hàn đã và đang cùng hướng tới để đáp ứng khát vọng của nhân dân hai miền Triều Tiên ?
I. Những nông nỗi gì ?
Đó là những nông nỗi từ quá khứ đến hiện tại.
1. Nông nỗi từ quá khứ
Việt Nam đã không bị chiến tranh tàn phá đất nước, giết hại hàng triệu người dân Việt tộc trên cả hai miền đất nước, để lại những hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho đất nước, dân tộc và các thế hệ mai sau…
- Nếu như Đảng Cộng sản Việt Nam đã không tri tình, nhiệt tình, phát động cuộc chiến tranh "Nồi da sáo thịt" kéo dài nhiều năm để cướp chính quyền chính thống quốc gia ở Miền Nam, cộng sản hóa cả nước, để hoàn thành "nghĩa vụ quốc tế cộng sản" cho hai tân đế quốc đỏ Nga-Tàu.
- Nếu như Đảng Cộng sản Việt Nam theo gương đảng Lao Động Bắc Hàn, sau khi phát động chiến tranh, biết sớm giác ngộ ngừng lại cuộc chiến làm "nghĩa vụ quốc tế cộng sản cho Nga-Tàu" (như Bắc Hàn chỉ sau cuộc chiến 3 năm : 1950-1953) để tập trung nội lực (nhận lực, tài lực trong nước) và ngoại lực (thu hút viện trợ của Liên Xô, Trung quốc và các nước xã hội chủ nghĩa…) xây dựng thử nghiệm mô hình "chế độ xã hội chủ nghĩa" (như Bắc Hàn đã làm…) để chờ cơ may thống nhất đất nước một cách hòa bình (như Bắc Hàn và Nam Hàn đã và đang làm…).
Thực tế, quả là Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh mất cơ hội ngừng cuộc chiến sớm hơn, tuy có trễ, nhưng chưa muộn, để cùng chính quyền chính thống quốc gia ở Miền Nam thực hiện giải pháp thống nhất đất nước một cách hòa bình qua ba giải đoạn,như chúng tôi đã trình bày trong bài viết trước trên diễn đàn này.
Đó là cơ may sau khi ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam ngày 27/01/1973. Từ đó và sau đó, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ cần thực thi nghiêm túc bản Hiệp định này, thì giờ đây Việt Nam sau 45 năm (1973-2018). có thể đã có hay sẽ có cơ may thuận lợi thống nhất đất nước một cách hòa bình. Tương tự như Bắc và Nam Hàn, sau 65 ngừng cuộc chiến (1953-2018) cơ may thuận lợi đã đến đó là, Nam Hàn dân chủ đã phát triển kinh tế giầu mạnh, Bắc Hàn độc tài toàn trị cộng sản tuy còn nghèo yếu kinh tế, nhưng mạnh quân sự khi đã có vũ khí hạt nhân trong tay, để có thể chủ động cùng Nam Hàn thực hiện tiến trình hòa giải dân tộc đi đến thống nhất đất nước một cách hòa bình.Nhất là cơ may đã được các cường quốc có ảnh hưởng tán đồng cho các nỗ lực hòa giải dân tộc, tiến tới thống nhất Triều Tiên bằng con đường hòa bình.
Nhớ lại, sau khi Hội nghị Paris khởi sự ít lâu, người viết lúc đó còn là sinh viên, đã gửi Thư ngỏ đến "Các nhà lãnh đạo hai miền Bắc-Nam", đăng trên Nội san Sinh viên Tiến bộ Luật khoa. Trong thư chúng tôi đã tha thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo hai Miền Bắc-Nam "Nhân cơ may lịch sử này, cùng nhau tìm ra một giải pháp phù hợp với thực trạng Đất nước và nương theo ý đồ quốc tế có lợi nhất cho dân tộc Việt Nam, để chấm dứt sự đổ máu vô ích cho thế hệ thanh niên chúng tôi trên cả hai Miền Bắc-Nam…".
Trong thư chúng tôi đã dùng biểu tượng hai con tầu Bắc – Nam cùng đi về một bến ; trong một giả định rằng tất cả quý vị lãnh đạo hai miền đang lèo lái hai con tầu ấy đều có chung lòng yêu nước, đều có thiện chí muốn làm những điều tốt đẹp cho đất nước, để đưa dân tộc đến bến vinh quang. Lập luận rằng : Nhưng vì hai con tầu mang hai nhãn hiệu đối nghịch URSS (Bắc) và USA (Nam), đi theo chiều ngược nhau, tạo phản lực, gây thương tích hoặc tử vong cho những hành khách bất đắc dĩ trên hai con tầu ấy là chúng tôi (thanh niên) và nhân dân hai miền nói chung. Lúc ấy, chúng tôi đã mạo muội đề nghị, nếu quý vị không thể cùng nhau tìm ra được con đường chung tốt hơn cho dân tộc, thì xin tạm thời đường ai nấy đi, để chờ cơ may thống nhât Đất nước một cách hòa bình.
Trong khi chờ đợi cơ may ấy, quý vị cố gắng khai thác triệt để mâu thuẫn quốc tế (Chiến tranh ý thức hệ giữa Cộng sản và Tư bản) để làm lợi cho dân tộc (nhận viện trợ phát triển thay vì vũ khí giết người…). Đồng thời, vận dụng mọi thuận lợi hai bên cùng thể nghiệm hai mô hình chế độ chính trị (Xã hội chủ nghĩa chuyên chính và Cộng hòa dân chủ pháp tri) để trong tương lai khi có điều kiện thuận lợi, nhân dân hai miền sẽ lựa chọn bằng phương thức dân chủ (lá phiếu trong một cuộc tổng tuyển cử tự do…) mô hình chế độ chính trị nào thích dụng, có lợi cho đất nước (như Bắc và Nam Hàn đã và đang đi theo chiều hướng này).
Tiếc rằng lời kêu gọi và những đề nghị chân thành thể hiện ước muốn chung của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam thời bấy giờ (cũng như bây giờ) đã không được các nhà lãnh đạo hai miền Bắc-Nam mảy may quan tâm ; chỉ là tiếng kêu lạc lõng trong sa mạc, bị nhận chìm trong tiếng bom gào đạn thét. Vì giải pháp khác đã được ngoại bang sắp xếp và áp đặt. Vì sự vâng phục, lòng háo thắng, đam mê quyền lực và quyền lợi cá nhân và tập đoàn thống trị đã che lấp sự khôn ngoan, hủy diệt lòng yêu nước của quý vị. Vì quý vị đã đặt quyền lợi cá nhân và tập đoàn thống trị trên quyền lợi dân tộc, đất nước và nhân dân…
2. Nông nỗi đến hiện tại
Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng bạo lực chiến tranh sau hơn 20 năm (1954-1975) để thống nhất được đất nước hơn 43 năm qua, với cái giá của hàng triệu sinh linh trên cả hai miền Nam - Bắc ; nhưng dân tộc Việt Nam vẫn bị phân hóa do cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng vẫn chưa chấm dứt. Bởi vì mục tiêu tối hậu của ý thức hệ cộng sản và ý thức hệ quốc gia vẫn chưa bên nào đạt được.
Mục tiêu tối hậu ý thức hệ cộng sản, thì những người cộng sản Việt Nam đã có cơ hội và thời gian dài trên 43 năm thực hiện mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa trên cả nước vẫn chưa đạt được. Mặc dầu thực tế công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã thất bại hoàn toàn tại Việt Nam cũng như hầu hết các nước thử nghiệm chủ nghĩa này ; kể cả Liên Xô, nước đầu tiên vận dụng chủ nghĩa cộng sản vào thực tiễn, từng được cộng sản Việt Nam xưng tụng là "Tổ quốc xã hội chủ nghĩa".
Mặc dầu thực tế Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội khởi sự từ hơn hai thập niên qua (1995-2018). Thế nhưng bề ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ngoan cố dùng bảng hiệu "Đảng Cộng sản Việt Nam" (ngụy cộng sản) và bảng hiệu chế độ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (ngụy cộng hòa, ngụy dân chủ) để có trong tay "Công cụ chuyên chính vô sản" (ngụy vô sản) là công an, quân đội,luật pháp, tòa án, nhà tù, pháp trường… để trấn áp và bác đoạt các quyền tự do dân chủ, nhân sinh, dân quyền cơ bản của nhân dân ; để duy trì một chế độ độc tài toàn trị sắt máu, bảo vệ độc quyền thống trị cho một đảng độc tôn ; cũng là bảo vệ các ưu quyền, đặc lợi cho một giai cấp thống trị là các đảng viên cộng sản có chức, có quyền, lắm bạc, nhiều tiền cấu kết với nhau.(như đã thể hiện qua cuộc sống của họ trên thực tế không cần nói ra, ai cũng thấy và phẫn nộ…).
Chính từ thực tế trên mà cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộngg tiếp tục diễn ra (giai đoạn chót của cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng), dù cuộc chiến tranh Quốc-Cộng đã kết thúc hơn 43 năm rồi. Bởi vì mục tiếu tối hậu của người Việt quốc gia về chính trị là thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị và phát triển kinh thế theo con đường kinh tế thị trường, trong một xã hội nhân bản, khai phóng, có nhiều giai cấp sống chung, cộng đồng đồng tiến, tôn trọng quyền tư hữu, các quyền tự do kinh tế, dân chủ, dân sinh, nhân quyền được tôn trọng, bảo vệ và hành xử…
Nhưng mục tiêu tối hậu này người Việt quốc gia vẫn chưa đạt được. Và vì vậy họ tiếp tục công cuộc chống cộng sản độc tài, phản dân chủ cho đến khi thành đạt mục tiếu tối hậu này. Cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam sẽ chấm dứt ngay khi mục tiếu tối hậu này của phía Việt Quốc thành đạt cách này hay cách khác.
Vậy thì…
II. Làm sao hóa giải được những nông nỗi từ quá khứ đến hiện tại ?
Muốn hóa giải những nông nỗi từ quá khứ đến hiện tại, câu trả lời tổng quát là Việt Nam cách nào đó phải được dân chủ hóa.
Vì chỉ có dân chủ hóa mới chấm dứt được phân hóa dân tộc, thống nhất được toàn lực quốc gia để xây dựng phát triển toàn diện đất nước đến phú cường và văn minh tiến bộ ngang tầm cao thời đại ; tạo thế và lực bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trước họa xâm lăng bất cứ từ đâu tới (trước mắt là hiểm họa xâm lăng từ nước lớn láng diềng Phương Bắc)
Như chúng tôi đã có dịp trình bày trong nhiều bài viết từ nhiều năm qua cho đến lúc này, vẫn là Việt Nam cần được dân chủ hóa để giải quyết mâu thuẫn đối kháng (một mất một còn) giữa nhà cầm quyền độc tài đảng trị với mọi tầng lớp nhân dân mà quyền làm chủ bị tước đoạt. Từ đó và nhờ đó chấm dứt được cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng kéo dài nhiều thập niên qua làm phân hóa dân tộc.
Bởi vì, ý nguyện của nhân dân và mục tiêu chống cộng của người Việt quốc gia bao lâu nay vẫn là một : dân chủ hóa đất nước. Vì chỉ có dân chủ hóa đất nước thì quyền làm chủ của nhân dân mới được thu hồi trọn vẹn. Từ đó và nhờ đó các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền của mọi tầng lớp nhân dân (chứ không riêng giai cấp thống trị) mới được tôn trọng, bảo vệ và hành xử. Từ đó và nhờ đó mọi tầng lớp nhân dân mới được sống trong "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" thực sự ; chứ không phải chỉ là bánh vẽ như Đảng Cộng sản Việt Nam trưng ra làm khẩu hiệu tuyên truyền lừa mị nhân dân trước và sau khi "cướp được chính quyền" trên cả nước.
Vậy Việt Nam phải dân chủ hóa như thế nào ? - Như chúng tôi đã đề nghị nhiều lần, có hai cách dân chủ hóa đất nước :
1. Đảng Cộng sản Việt Nam đang nắm quyền độc tôn trong chế độ độc tài toàn trị cộng sản "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" tự nguyện, tự giác, chủ động thực hiện một tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Đây là cách dân chủ hóa đất nước một cách hòa bình có lợi nhất cho dân cho nước, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam tỏ ra khôn ngoan hơn, biết dừng lại đúng lúc. Trong sự chuyển đổi êm dịu này, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có thể bảo vệ được quyền và lợi cho một tập đoàn thống trị trong quá trình chuyển đổi và sau khi chuyển đổi chế độ từ độc tài toàn trị độc đảng qua dân chủ pháp trị đa đảng ; Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có chỗ đứng và tiếng nói trên chính trường (tương tự như ở Nga và các nước cựu cộng sản Ðông Âu). Nghĩa là, ở cuối quá trình chuyển đổi, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam chủ động kết thúc quá trình bằng sự tự giác từ bỏ độc quyền thống trị, một mình đi bước trước hay cùng với các lực lượng chính trị quốc gia, dân tộc, dân chủ thiết lập một thể chế chính trị dân chủ pháp trị trên nền tảng "nhất nguyên dân tộc" (khác nhất nguyên xã hội chủ nghĩa phi dân tộc) và đa đảng.
Trên thực tế, hành động cụ thể khả tín là Đảng Cộng sản Việt Nam chủ động tự mình tuyên bố tu chỉnh hay hủy bỏ toàn bộ bản hiến pháp hiện hành, làm bản hiến pháp mới hay sửa đổi biến cải bản hiến pháp hiện hành thành bản hiến pháp dân chủ đa đảng ; song song với việc trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị và chấm dứt mọi hành vi bắt bớ giam cầm những người bất đồng chính kiến hay vì lý do tôn giáo. Ðồng thời, điều chỉnh các văn kiện lập pháp và lập quy cho phù hợp với thể chế dân chủ đa đảng, song song với việc thực thi, tôn trọng, bảo vệ các quyền tự do dân chủ, dân sinh và nhân quyền cơ bản.
Tất cả nhằm hình thành khung cảnh dân chủ đa nguyên, tiền đề chế độ dân chủ pháp trị và tạo niềm tin cho các lực lượng chính trị quốc gia, dân tộc dân chủ (về sự thực tâm của người cộng sản) để bước vào sân khấu chính trị tranh cử với đảng cộng sản (nếu còn giữ nguyên tên đảng) hay đảng của những cựu đảng viên cộng sản (nếu biến thể thay tên khác). Trong điều kiện này, các chính đảng thuộc mọi khuynh hướng có thể nắm quyền bằng phương thức dân cử thông qua các cuộc ứng cử, tranh cử và bầu cử tự do. Nếu đảng cộng sản vẫn là một chính đảng mạnh, được nhân dân tín nhiệm, họ vẫn có thể tiếp tục nắm quyền. Tất nhiên, dù đảng cộng sản nắm quyền hay bất cứ chính đảng nào khác cũng phải cai trị theo hiến pháp và luật pháp chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng đã được ban hành.
2. Hai là, nếu những người cộng sản Việt Nam ngoan cố bám lấy quyền hành, trong điều kiện lượng dân chủ đã tích lũy thừa đủ, thì họ sẽ bị lật đổ bằng chính sức mạnh của quần chúng nhân dân. Nghĩa là, vào thời điểm mà, mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã không còn là mâu thuẫn với một vài giai cấp trong xã hội, mà trở thành mâu thuẫn đối kháng với mọi giai cấp, với toàn xã hội. Giai cấp cầm quyền (là Đảng Cộng sản Việt Nam) sẽ bị cô lập, sẽ tạo ra tiền đề sụp đổ cho chế độ mà chính lãnh tụ cộng sản Nga Vladimir Lenine đã chỉ ra rằng, khi "tình thế cách mạng chín muồi" cách mạng quần chúng nhằm lật đổ chính quyền sẽ nổ ra và nhất định thắng lợi.
Bởi vì, trong tình thế này thì chính sức mạnh vùng lên của nhân dân bị áp bức, bóc lột đã đạt đến biên độ"tức nước vỡ bờ", sẽ giật sập chế độ. Vì lúc đó các công cụ bảo vệ chế độ chuyên chính cộng sản (quân đội, công an…) sẽ đứng về phía nhân dân, sẽ quay súng bắn vào đầu những kẻ cầm quyền độc tài ngoan cố hay sẽ bỏ chạy để mặc làn sóng biểu tình của nhân dân ào lên đè bẹp giai cấp cầm quyền bằng sức nặng của toàn khối nhân dân, chứ không cần sức mạnh của bạo lực quân sự.
Ðây không chỉ là lý luận Marx - Lenin về đấu tranh cách mạng mà là một thực tế đã xẩy ra tại Liên Xô vào đầu thập niên 1990, khi nhân dân Liên Xô bao vây viện Duma (Hạ viện). Lúc ấy, dân chúng ào lên, quân đội, công an, mật vụ vốn là công cụ bảo vệ nền chuyên chính vô sản Xô viết thiết lập hơn 70 năm ở đất nước này(1917-1991), đã bỏ chạy. Chế độ Xô viết đã sụp đổ tan tành, kéo theo sau đó sự tiêu vong cả hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu, để cùng hình thành chế độ dân chủ pháp trị đa đảng, với cơ cấu kinh tế thị trường tự do như hiện nay,
III. Kết luận
Nỗ lực và ý hướng chung của các nhà lãnh đạo chế độ Bắc Hàn độc tài cộng sản và chế độ Nam Hàn dân chủ pháp trị là nhắm thành đạt hai mục tiêu : hòa giải dân tộc và thống nhất đất nước một cách hòa bình. Đây là một tiến trình không đơn giản và có thể kéo phải mất một thời gian nhất định, vì mới khởi sự giai đoạn 2 (Hiệp thương để hòa giải dân tộc, cân bằng phát triển kinh tế…) để kết thúc giai đoạn 3 (thống nhất đất nước…).
Trông người lại nghĩ đến ta, Việt Nam thì đã thống nhất hơn 43 năm rồi, nhờ đó hòa giải dân tộc theo nghĩa hài hòa giữa nhân dân hai miền Bắc cộng sản – Nam quốc gia thì như đã được xóa mờ qua thực tế sống chung ; nên có thể không còn là một trở ngại. Nghĩa là Việt Nam không còn vấn đề"hòa giải và hòa hợp dân tộc" mà chỉ còn vấn đế"hóa giải những nâu thuẫn về lãnh đạo dân tộc", là mâu thuẫn giữa "độc tài toàn trị" với "dân chủ pháp trị".
Mâu thuẫn đối kháng này có thể được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng hơn, vì không cần sự thương thảo song phương để tìm sự đồng thuận của đôi bên (như Bắc và Nam Hàn đang làm), mà hệ tại một bên là đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay "đơn phương, tự nguyện, tự giác, từ bỏ chế độ độc tài toàn trị cộng sản" (tự diễn biến, tự chuyển đổi) chủ động thực hiện dân chủ hóa đất nước theo một tiến trình hòa bình, tịnh tiến một cách phù hợp với tình hình thực tiễn, để duy trì sự ổn định chính trị, an toàn xã hội, tránh xáo trộn bất lợi cho đất nước (diễn biền hòa bình).
Người viết thành tâm mong muốn, Đảng Cộng sản Việt Nam cần khởi động tiến trình này càng sớm càng tốt, để giải quyết dứt điểm "cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng" kéo dài nhiều thập niên qua làm phân hóa và suy yếu dân tộc. Nhất là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tin mới từ Hội Nghị Trung ương 8 đang họp tại Hà Nội cho hay sẽ kiêm nhiệm Chủ tịch nước nay mai.
Từ vị thế tập trung quyền lực này và uy thế áp đảo trong nội bộ đảng, người dân mong rằng, nếu chưa thể là một Mikhail Gorbachev của Việt Nam, vì hạn chế tuổi tác (đã 74 tuổi rồi) và "Vòng Kim Cô Đỏ" của ngoại bang còn xiết chặt, mong ông chuẩn bị tiền đề cho sự ra đời của một Gorbachev thuộc thế hệ con cháu.
Từ đó và nhờ đó mới thống nhất được toàn lực quốc gia, để tập trung trí tuệ, nhân lực, tài lực nhân dân trong nước và người Việt hải ngoại khắp nơi vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đến phú cường và văn minh tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại. Đồng thời, tạo được thế lực bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và đập tan mọi cuộc xâm lăng bất cứ từ đâu tới.
Houston, ngày 3/10/2018
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 10/10/2018