Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hàng năm, cứ đến đầu tháng 10 là Bắc Kinh lại chào mừng ngày Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời tại Quảng trường Thiên An Môn vào mùng một tháng 10 năm 1949. Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh đang mơ chân trời mới vào năm 2049, khi Trung Quốc lên tới ngôi vị siêu cường 100 năm sau khi nền cộng hòa cộng sản này. Nhưng phải chăng đấy chỉ là giấc mơ ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện đó trong bối cảnh của cuộc thương chiến với Hoa Kỳ.

tq1

Trung Quốc không thể rao bán tư tưởng Mao Trạch Đông hay phiên bản mới của Tập Cận Bình - AFP

Những mâu thuẫn của Bắc Kinh

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, bước vào tháng 10, khi lãnh đạo Bắc Kinh làm lễ Quốc Khánh chào mừng việc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời ngày mùng một tháng 10 năm 1949 tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh thì chúng ta nên nghĩ gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Bản thân tôi thì nghĩ đến… Mao Trạch Đông và tư tưởng của ông ta về các mâu thuẫn trong tiểu luận gọi là "Mâu Thuẫn Luận". Gần đây, tại Đại Hội Đảng Khóa 19, Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng nói đến các mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới. Vì vậy, chúng ta nên kiểm lại các mâu thuẫn của họ…

Có ý thức lịch sử rất sâu đậm, lãnh đạo Bắc Kinh lại đang lúng túng với lịch sử. tháng 10 năm 2011, họ cho tổ chức rầm rộ các sinh hoạt kỷ niệm trăm năm của cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 và còn dựng chân dung vĩ đại của Tôn Trung Sơn tại Quảng trường Thiên An Môn. Họ cho thần dân ăn mừng biến cố cách mạng là sự kết thúc của chế độ quân chủ, khởi đi từ Tần Thủy Hoàng, thần tượng của Mao Trạch Đông. Thế rồi năm đó Bắc Kinh bỗng nghĩ lại !

Vở nhạc kịch ngợi ca cuộc đời và sự nghiệp của Tôn Trung Sơn, vị Tổng thống đầu tiên của Trung Quốc, bỗng dưng bị hủy. Lý cớ được thông báo là vì hậu cần, tiếp vận. Ly kỳ hơn vậy, một cuộc hội thảo do các học giả Nhật Bản chuẩn bị từ nhiều tháng trước về Cách mạng Tân Hợi cũng bị cấm, mà không cho biết lý cớ. Lý do thì chúng ta có thể rất dễ đoán ra, nếu chịu khó nhìn vào trăm năm lịch sử đó vì trăm năm qua, Trung Quốc thật ra có hai "Cách Mạng tháng Mười".

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta có lẽ đã quen với cách dẫn chuyện hay nêu vấn đề của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Nhưng thưa ông, Nguyên Lam vì sao lại có hai "Cách Mạng tháng Mười" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một là Cách mạng Cộng hòa vào năm 1911 và sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc. Hai là Cách mạng Cộng sản và sự ra đời của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày một tháng 10 năm 1949. Cả hai cuộc cách mạng đều không là điểm son của dân chủ !

Ban đầu, nhà cách mạng Tôn Trung Sơn (nguyên danh là Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, v.v...) chưa muốn lập Quốc hội và chỉ làm Tổng thống vài tháng là bị cướp mất quyền hành, xứ sở lâm nội loạn triền miên với vai trò của các lãnh chúa. Trong cảnh hỗn loạn ấy, duy nhất có một yếu tố xứng danh cách mạng là trào lưu tự do tư tưởng và khuynh hướng lập hội lập đảng để canh tân xã hội. Khi nói đến sự nghiệp cách mạng Tôn Trung Sơn, Bắc Kinh ngày nay giải thích và giải quyết thế nào về trào lưu tự do tư tưởng đó của xã hội cách đây một thế kỷ ? Giải thích thế nào về chế độ kiểm duyệt thông tin và đàn áp dân chủ hiện vẫn áp dụng ? Khi nói đến nỗ lực quốc tế vận của Tôn Trung Sơn, Bắc Kinh còn kẹt hơn và Tập Cận Bình ngày nay cũng cảm thấy như vậy khi đề ra sáng kiến về "Con Đường Tơ Lụa Mới" hay "Nhất Đới Nhất Lộ" đúng năm năm về trước.

Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng chúng ta cần trở lại lịch sử Trung Hoa cận đại thì mới hiểu ra những mâu thuẫn ngày nay của Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa đúng thế, bác sĩ Tôn Trung Sơn là một thí thức, theo Công giáo, có hậu cứ vận động từ hải ngoại là Hoa Kỳ, đã nhiều lần tìm nguồn yểm trợ tại Nhật Bản, một quốc gia phú cường, tiến bộ và tự do hơn Trung Quốc gấp bội. Nhật còn đại thắng trong cuộc chiến Hoa-Nhật năm 1894-1895, góp phần đáng kể cho sự sụp đổ của nhà Đại Thanh. Chính vì vậy mà tháng 10 năm 2011, các học giả Nhật mới sốt sắng tổ chức cuộc hội thảo về Cách mạng Tân Hợi và bị Bắc Kinh kịp thời hạ màn vì nhắc đến Tôn Trung Sơn là lòi ra vai trò yểm trợ cách mạng hoặc "diễn biến thiếu hòa bình" của Hoa Kỳ và Nhật Bản, là hai đối thủ hiện tại của Trung Quốc....

Nguyên Lam : Bây giờ, Nguyên Lam đã hiểu vì sao ông dẫn vào các mâu thuẫn của Mao Trạch Đông ! Xin đề nghị ông trình bày tiếp cho giớu trẻ của chúng ra.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sự sụp đổ của nhà Mãn Thanh là niềm tự hào chính đáng của Hán tộc. Khi Mãn tộc tiêu diệt nhà Đại Minh năm 1644 thì đấy là nỗi nhục khó rửa cho người Hán. Vì vậy "Phản Thanh - Phục Minh" là khẩu hiệu huy động nhiều thế hệ ái quốc. Và một chủ trương cách mạng của Tôn Trung Sơn là tinh thần dân tộc, để đánh đuổi nhà Mãn Thanh.

Nhưng cũng là dị tộc Mãn Thanh xấu xa ấy đã bành trướng lãnh thổ, cho phép Bắc Kinh ngày nay viện lẽ chính danh từ đời Thanh mà đòi thống trị Tân Cương và Tây Tạng, hai khu vực tự trị có vấn đề với dân Hồi giáo và Tây Tạng ! Chẳng lẽ chế độ cộng sản Trung Quốc ưu việt mà lại kế thừa di sản đế quốc của ngoại tộc Mãn Thanh sao ? Huống hồ, kẻ kế thừa di sản Tôn Trung Sơn lại là Tưởng Trung Chính, tức là Tưởng Giới Thạch !

- Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được Mao thành lập ở Hoa lục năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Trung Sơn được Tưởng Giới Thạch đem qua Đài Loan. Đảo quốc mang tiếng là lãnh thổ ngàn đời của Trung Hoa lại gợi nhớ đến tranh chấp về chủ quyền từ đời Thanh. Mà hậu thân của cái gọi là ngụy quyền Trung Hoa Dân Quốc lại xây dựng được một nền kinh tế tiên tiến với một chế độ chính trị thật sự dân chủ. Công lao chuyển hóa Đài Loan thuộc về Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch. Và lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Trung Hoa trực tiếp đi bầu ra lãnh đạo thật - một Tổng thống – là tại Đài Loan vào tháng Ba năm 1996, bất chấp hỏa tiễn của Trung Quốc bay qua đầu ! Và "tam dân chủ nghĩa" của Tôn Trung Sơn, là "dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc" vẫn là khát vọng chưa vẹn toàn của người dân Trung Quốc ngày nay dưới sự lãnh đạo quá sức tập quyền của Tập Cận Bình.

Lượng và phẩm

Nguyên Lam : Nhưng mà ngày nay, Trung Quốc đã có sản lượng kinh tế đứng hạng thứ nhì thế giới và theo các chuyên gia quốc tế thì sẽ bắt kịp hoặc vượt qua sản lượng của Hoa Kỳ vào năm 2025 hay 2030 này. Ông giải thích thế nào về chuyện đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có hai chuyện ở đây, là lượng và phẩm. Sản lượng của một quốc gia có gần một tỷ 400 triệu dân dĩ nhiên là phải lớn. Nhưng nói về phẩm thì sản lượng của một người dân, nôm na là sản lượng bình quân của một người hay năng suất lao động, mới là những tiêu chuẩn so sánh. Theo các tiêu chuẩn đó thì Trung Quốc còn mất hơn 30 năm mới hy vọng đuổi kịp Hoa Kỳ. Còn về năng suất lao động thì ngày nay chưa bằng 10% của Mỹ. Đấy là ta chưa nói đến hai mâu thuẫn khác của Trung Quốc, là "người dân chưa giàu mà đã già" và "nhà nước chưa hùng mà đã hung", khiến các quốc gia đều chú ý và báo động !

Chưa giàu mà đã già vì dân số bị lão hóa và ưu thế nhân công rẻ đang chấm dứt. Bắc Kinh có thể nghĩ đến bước nhảy vọt vào trình độ sản xuất cao hơn nhờ công nghệ tiên tiến thì thứ nhất chưa thể bằng Nhật Bản hay Nam Hàn chứ chưa nói gì đến Hoa Kỳ, và thứ hai đang bị Hoa Kỳ cùng các nước tố cáo tội ăn cắp và ăn cướp quyền sở hữu trí tuệ, một đầu mới của trận thương chiến ngày nay với Mỹ.

Chưa hùng mà đã hung là khi Bắc Kinh vừa rời vùng biển cận duyên để mon men ra biển viễn duyên thì đã đòi quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa với Trường Sa và vùng biển Đông Nam Á nên gây phản ứng ngược với các cường quốc như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ lẫn các nước Âu Châu.

Pax Sinica lên ngôi bá chủ ?

Nguyên Lam : Ông còn thấy những mâu thuẫn gì khác của Trung Quốc ?

Chinese Currencey

Đồng Nhân Dân tệ của Trung Quốc. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến một nhân vật vừa gây sôi nổi trong dư luận Trung Quốc là giáo sư Hồ An Cương mà tôi cứ gọi là Hồ Yên Cương cho dễ nhớ tới con ngựa chứng ! Ông là giám đốc một lò trí tuệ của đảng là "Quốc Tình Nghiên Cứu Viện" hay viện Nghiên cứu Tình hình Quốc gia thuộc Đại Học Thanh Hoa tại Bắc Kinh. Cách đây hơn hai chục năm, Hồ Yên Cương cùng một trí thức khác, hình như là Vương Thiệu Quang, có bài tiểu luận về lẽ hợp tan của Trung Hoa. Đó là khi triều đình thâu tóm quyền lực về trung ương thì chính trị ổn định nhưng các địa phương không có phát triển và xứ sở tụt hậu.

Ngược lại, khi trung ương tản quyền thì các địa phương lại phát triển mạnh nhưng có thể dẫn đến hỗn loạn và tan rã. Giữa các mâu thuẫn đó, Hồ Yên Cương đề cao giải pháp dân chủ pháp trị. Bây giờ hình như là ông đảo ngược lập trường và đề cao giải pháp tập quyền của Tập Cận Bình tới độ sùng bái cá nhân và còn tiên báo việc Trung Quốc sẽ sớm vượt Hoa Kỳ.

Mâu thuẫn ở đây không là hiện tượng đảo điên của một trí thức trong đảng tôi gọi là hiện tượng điền đô hay… đồ điên. Mâu thuẫn ở đây là nhiều chuyên gia khoa học kỹ thuật của Bắc Kinh lại phản bác cái thuyết "vượt Mỹ" và nói về nền khoa học kỹ thuật còn rất kém của Trung Quốc về cả kinh tế, dân sự lẫn quân sự.

Nguyên Lam : Câu chuyện này thật ra ly kỳ hấp dẫn, nhưng vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam phải đề nghị ông đưa ra một nhận định tổng kết.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ bốn thế kỷ, các nước Tây phương cứ bị mê hoặc về Trung Quốc mà không nhìn ra một đặc tính văn hóa chính trị Trung Hoa là kềm hãm khả năng sáng tạo trong khi lại chinh chiến liên miên. Ngày nay, người ta vẫn phạm sai lầm cũ mà cho rằng sau khi Đế quốc Anh khống chế thế giới vào Thế kỷ 19, thì Hoa Kỳ lập ra thật tự Mỹ hay Pax Americana vào Thế kỷ 20. Qua Thế kỷ 21, thiên hạ sẽ thấy Trung Quốc lên ngôi bá chủ, một thứ Pax Sinica.

Bản thân tôi thì không nghĩ như vậy ! Dù có là thiểu số tuyệt đối, tôi vẫn cho rằng Trung Quốc chưa giải quyết được những mâu thuẫn căn bản của họ. Làm sao có thể rao bán Khổng Tử cùng Tư tưởng Mao Trạch Đông hay phiên bản mới của Tập Cận Bình ? Làm sao dung hòa được chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa cộng sản mà không dẫn tới chế độ tư bản thân tộc đầy bất công và phản thị trường của các đảng viên cán bộ dùng quyền lực chính trị để thâu tóm quyền lợi kinh tế ? Làm sao tái xây dựng một Đế quốc xưa kia chỉ là cường quốc lục địa nay phải vươn ra biển vì quá lệ thuộc vào thị trường bên ngoài ?

Sau cùng là mâu thuẫn giữa việc tập quyền để có ổn định, khi thị trường lại chuyển dịch và phản ứng nhanh trong một nền khoa học kỹ thuật đang thu hẹp thời gian quyết định. Kết luận của tôi là Trung Quốc vừa lên tới đỉnh, mà đỉnh cao thì cũng là bước lật !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích những mâu thuẫn của Trung Quốc.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : VOA, 02/10/2018

Published in Diễn đàn

Một tầng lớp tinh hoa nhỏ bé đang tập trung quyền lực dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng tầng lớp tinh hoa này càng trở nên mạnh hơn thì lại càng có thể dễ bị tổn thương hơn.

cachmang1

Chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa : SCMP

Trong suốt cả mùa hè đã có những dấu hiệu không bình thường cho thấy rằng sự chống đối đối với Chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ đang gia tăng ở Trung Quốc, thậm chí ở ngay chính chính (thủ đô) Bắc Kinh. Ông ít nổi bật hơn so với thường lệ trong các cách "giật tít" chính thức (trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Các thành viên quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). đã chỉ trích sự phản ứng nghèo nàn yếu ớt của ông ta đối với cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Một vụ bê bối quốc gia với hàng trăm nghìn liều vắc-xin kém phẩm chất đã bùng lên trong khi ông Tập đang công du Châu Phi để quảng bá cho dự án được o bế của mình, sáng kiến Nhất Đới, Nhất Lộ.

Đó là một loạt các sự cố bất thường và những sai sót về chính sách và sau đó là những lời than phiền/phàn nàn mà người ta tự hỏi liệu chúng có phải là một sự tấn công được phối hợp hay không, nếu được che giấu, nhắm vào ông Tập.

Nhưng ai dám cả gan trở thành đối thủ/kẻ thù của nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao ? Ông Tập không có đối thủ thuộc (phạm trù) ý thức hệ. Nhiều người trong số các quan chức quyền lực nhất của đất nước này (Trung +) đã bị bỏ tù, bị rớt đài bởi chiến dịch chống tham nhũng trống giong cờ mở của ông, hoặc đã qua đời (vì bệnh tật). Hồi đầu năm nay, Hiến pháp đã được sửa đổi để loại bỏ các giới hạn nhiệm kỳ, kể cả nhiệm kỳ chủ tịch nước.

Chỉ mới hơn năm năm dưới triều đại của ông Tập, dàn diễn viên của các nhân vật trong cuộc đấu tranh quyền lực của Trung Quốc đã trở thành một tiêu điểm. Một mặt, những nhân vật đó được gọi là các nhà quý tộc đỏ ("the so-called Red Aristocrats" – người Việt vẫn gọi nôm na là "đảng phái" – những người xuất thân từ các vị trí lãnh đạo của đảng – người dịch), trong đó ông Tập được coi là người giương cao ngọn cờ của họ. Mặt khác, đó là những nhân vật được gọi là các Plebeians (những người đối lập – những người mà người Việt vẫn gọi nôm na là "đoàn phái" – những người xuất thân từ các vị trí lãnh đạo từ đoàn thanh niên cộng sản – "cánh tay phải, đội hậu bị của đảng" - người dịch) – đây là cách diễn đạt của tôi (của tác giả bài báo) – đứng đầu là các nhà lãnh đạo thuộc các chính quyền trước đây, mà nổi bật nhất là Giang Trạch Dân.

Các nhà quý tộc đỏ xuất thân từ các gia đình của các nhà cách mạng (thuộc thế hệ) đội cận vệ già (tức là những nhà lãnh đạo thuộc thế hệ đầu tiên, thế hệ cùng với Mao – người dịch) chủ yếu sống và làm việc cùng nhau trong khu vực (gọi nôm na là "khu vực gia binh" - thuộc loại) tử cấm thành của các triều đại phong kiến cũ có tên là Trung Nam Hải (Zhongnanhai), cấu kết với nhau thành một nhóm xã hội chặt chẽ, cho đến khi cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản khiến họ tan tác mỗi người phiêu tán đi một nơi. Các quan chức thuộc hàng con cháu trực hệ với các bậc khai quốc công thần này, những người tự xưng là những người thừa kế hợp pháp của nước cộng hòa (nhân dân Trung Hoa), đã trải qua một sự tái trỗi dậy dưới thời của ông Tập.

Danh xưng "Plebeians" đề cập đến các quan chức không có lý lịch xuất thân cách mạng quan trọng trước năm 1949, những người mà đã leo cao lên tới tận đỉnh của hệ thống phân chia cấp bậc cầm quyền hoặc là được phóng lên đó sau khi Mao và sau đó là Đặng Tiểu Bình đã cho các nhà cách mạng lỗi thời về vườn.

Hai phe phái này hiện đang thống trị GIAI CẤP MỚI của Trung Quốc ("China’s New Class"), một cách diễn đạt được vay mượn từ cách diễn đạt của Milovan Djilas (1911 – 1995, một nhân vật cộng sản đầy mâu thuẫn thuộc thế hệ đầu tiên của Nam Tư – người dịch) để chỉ giới tinh hoa cộng sản Xô viết. Cả hai phe phái đều là những con người tự tư tự lợi/ích kỷ, tham nhũng và độc tài, nhưng lại thể hiện những khác biệt chính sách quan trọng và đã trở thành những phe phái kình chống nhau một cách hung hãn.

Phe quý tộc Đỏ thì muốn đảng cộng sản Trung quốc và khu vực nhà nước kiểm soát các thị trường và các tập đoàn, một sự chuyển giao từ những người cha sáng lập theo chủ nghĩa Mác của họ. Phe đối lập thì lại là những người thiên về (kinh tế) thị trường nhiều hơn, có lẽ vì họ củng cố quyền lực (và tích luỹ được nhiều tài sản và các đặc quyền đặc lợi) trong cuộc đại tu nền kinh tế mang tính chất Mao-ít của Đặng Tiểu Bình vào những năm 1980.

Dười thời ông Tập, các nhà quý tộc đỏ đã gạt bỏ phương châm "thao quang dưỡng hối" (giấu mình đợi thời = "the lie-low-bide-time approach") vốn được ưa thích bởi Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm ông ta (Đặng Tiểu Bình) đối với tư tưởng bành trướng và vị thế siêu cường – điều này gợi nhớ tới tư tưởng của Mao.

Lenin đã tiêu diệt tầng lớp quý tộc Sa hoàng của nước Nga, đã tiêu diệt những con người tư sản và những người nông dân giàu có được gọi là kulak. Vào những năm 1930, Stalin đã tiêu diệt hầu hết những người Bolshevik thuộc thế hệ đầu tiên. GIAI CẤP MỚI sau đó đã xuất hiện ở Liên bang Xô viết bao gồm phần lớn các nhà kỹ trị với nền tảng chính trị không được phân biệt.

Mao thì lại khác, và di sản của ông ta ngày nay cũng vậy. Ông ta cũng vậy, cũng tiêu diệt giới địa chủ. Và ông ta đã cho ra rìa, đã hạ nhục và đã lưu đày nhiều những đồng chí của mình từ trước năm 1949. Nhưng ông ta không giết họ (những đồng chí cận vệ già này – người dịch). Sau khi ông ta qua đời vào năm 1976, các thành viên của đội cận vệ già này trở lại nắm quyền. Họ lại bị hạ bệ một lần nữa sau đó, bởi Đặng sau cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, bởi vì các đồng chí cận vệ già này đã cảm thông với các sinh viên ủng hộ dân chủ hoặc chống lại cải cách mang tính chất/màu sắc tư bản chủ nghĩa của Đặng Tiểu Bình.

Cũng vào năm đó, ông Giang (Trạch Dân) trở thành tổng bí thư của đảng cộng sản Trung quốc. Ông nắm giữ quyền lực chính thức hoặc ảnh hưởng lớn trong gần hai thập kỷ, bao gồm cả một thời gian dài sau khi ông ta (đã về hưu) không còn là tổng bí thư đảng nữa, và cài cấy nhiều những đệ tử trung thành vào các vị trí chủ chốt. Những người (cài cắm) của ông, phần lớn có nguồn gốc xuất thân "không ai cả"(ý nói không phải con ông cháu cha – người dịch), vơ vét, tích lũy tài sản cho cá nhân trong thời gian nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhảy vọt – điều này gây ra những cú sốc tinh thần và sự đố kị của nhiều nhà quý tộc đỏ. Nhóm Plebeian bành trướng ảnh hưởng trong những năm của thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo : Họ khai thác các cơ sở quyền lực của họ trong đoàn thanh niên cộng sản, một bệ phóng cho những người bình thường muốn được là những người trung thành/tin cậy để trở thành đảng viên của đảng.

Nhưng sau đó, ông Tập, một quý tộc đỏ "gạo cội", người mà người cha thân sinh của ông là một nhà lãnh đạo cấp cao trong những năm đầu tiên của nước cộng hòa (nhân dân Trung Hoa). Giống như (Hoàng tử) Hamlet (trong vở Bi kịch của Hamlet – Hoàng tử xứ Đan-mạch của Shakespeare, 1564 – 1616, người dịch) đã tống cổ những kẻ chiếm đoạt - một sự so sánh phổ biến thường gặp - ông Tập đã nhanh chóng thanh toán từng tiểu nhóm một trong hai tiểu nhóm của "đoàn phái".

Trước hết, ông Tập điều hướng chiến dịch chống tham nhũng của mình chủ yếu vào những người Plebeian (thuộc đoàn phái) - những người mà hầu hết, lúc đầu, là người của (phe phái của) ông Giang nhưng sau đó cũng là những "cự nhân" – những người khổng lồ của đoàn thanh niên. Sau đó, vào năm 2016, ông đã công khai hạ nhục (tổ chức) đoàn thanh niên này, cắt giảm kinh phí (hoạt động) của họ và đặt nó dưới quyền của đảng cộng sản Trung quốc - nghĩa là dưới quyền kiểm soát của chính ông.

Nếu ông Tập nắm giữ quyền lực trong hơn hai nhiệm kỳ năm năm, thì sự "đời lên hương"/thăng tiến của các nhà quý tộc đỏ có thể sẽ là không thể cầm giữ được. Vậy tình hình sau đó sẽ ra sao ?

Có một sự than phiền rằng Trung Quốc dưới thời của ông Tập đang trở về với ý thức hệ của thời Mao. Nhưng nếu tầng lớp quý tộc đỏ tiếp tục thăng tiến, đời sống sinh hoạt chính trị của Trung Quốc có thể sẽ quay trở lại thời trung cổ.

Xã hội Trung Quốc đã trải qua những thay đổi cơ bản triệt để giữa thời gian của triều đại nhà Đường (618–907) và triều đại nhà Tống (960-1279). Naito Konan, một nhà Trung quốc học nổi tiếng của Nhật, đã lưu ý vào những năm 1910 và 1920 rằng trước khi có tầng lớp qúy tộc được khai sáng của thời nhà Tống, trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã được cai trị bởi một tầng lớp quý tộc cha truyền con nối phi chính thống, một tầng lớp quý tộc mà các hoàng đế của họ bổ nhiệm các vị trí cao cấp trong triều đình và kiểm soát các kỳ thi tuyển chọn quan lại. Các hoàng đế này đã tạo ra một tầng lớp tinh hoa khép kín, tự tư tự lợi/ích kỷ và tham lam - cho đến khi toàn bộ hệ thống này bất thần sụp đổ.

Ông Naito lưu ý rằng trong nhiều thập kỷ các triều đại này vẫn ổn định ngay cả khi các hoàng đế thường bị lật đổ bởi các nhà quý tộc khác. Một sử gia khác, ông Nicolas Tackett, người gần đây đã giải thích tại sao sự cáo chung của tầng lớp quý tộc cuối cùng lại đã diễn ra, và tại sao lại nhanh chóng đến như vậy. Sau khi khảo sát hàng trăm văn bia trên các ngôi mộ từ thế kỷ thứ chín, ông kết luận rằng đế chế nhà Đường đã bị Hoàng Sào (Huang Chao, 835 - 884), một thương nhân buôn muối đã trở thành một kẻ nổi loạn đầy bất bình, người mà đã khai thác sự bất mãn phổ biến để kích động một cuộc nổi dậy và rồi sau đó nhanh chóng trở thành một cuộc tắm máu - một cuộc diệt chủng (mang tính) giai cấp và trên thực tế đã tiêu diệt toàn bộ tầng lớp quý tộc thời trung cổ.

Đây là một tiền lệ mà sẽ gây lo ngại cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay.

Phe phái của ông Tập có vẻ hùng mạnh, nhưng "chân đứng" của ông ta lại khá khiêm tốn : Số lượng quý tộc đỏ chỉ vào khoảng 40.000 người, theo (ước tính của) một người trong số họ. Và trong phe phái của ông Tập vẫn tàng ẩn những kẻ thách thức đầy nguy hiểm. Ông Tập lên nắm quyền như một ứng cử viên của những thỏa hiệp (giữa các phe phái). Một âm mưu tranh giật quyền lãnh đạo của Đcộng sảnTQ bởi một người khác, một quý tộc đỏ đầy ma lực lôi cuốn – Bạc Hy Lai - đã bị triệt phá chỉ vài tháng trước khi ông Tập lên nắm quyền lãnh đạo đảng vào cuối năm 2012. (Ông Bạc sau đó bị kết án tù chung thân vì tham nhũng). Đã có những tin đồn - và đôi khi là những tuyên bố chính thức - về những cuộc đảo chính được cố gắng tổ chức, kể cả cuộc đảo chính vào hồi năm ngoái.

Trong khi bộ phận/tầng lớp tinh hoa (thượng lưu/ăn trên ngồi trốc này) đằng sau ông Tập đã kết tập thành một tầng lớp quý tộc chính trị, nó cũng giám sát việc đóng cửa khép kín xã hội Trung Quốc, thông qua các hạn chế về internet, lược tả xã hội và theo dõi chặt chẽ người dân, hay đàn áp một cách bất thường đối với sắc tộc Duy ngô nhĩ (Uighur) ở tỉnh Tân Cương. Tham nhũng vẫn tràn lan, và các cuộc biểu tình và các biểu hiện công khai khác của sự bất mãn phổ biến vẫn tiếp tục mặc dù có những sự đàn áp nghiêm trọng hơn.

Nếu như trong những năm săp tới, khi mà các nhà quý tộc đỏ của ông Tập vốn đã trở thành một thế lực xã hội và bám rễ sâu hơn chắc hơn bị cản trở hơn bởi các quyền lợi được ban phát, thì việc khai thác kinh tế sẽ được đẩy mạnh, tiếp thêm năng lượng cho các khác biệt giai cấp. Khi những người Plebeian thuộc "đoàn phái" có nguy cơ bị thất bại, thì sự xung đột giữa các đầu sỏ chính trị đầy quyền uy trong tầng lớp quý tộc đỏ sẽ là (màn diễn) trung tâm của sân khấu chính trị.

Liệu rằng một Hoàng Sào của ngày nay có sẽ xuất hiện hay không - và sẽ làm thế nào để kích hoạt một số dân chúng đứng lên khởi nghĩa - không một ai có thể nói trước được, tất nhiên. Nhưng có một số người dường như đang lo lắng về khả năng này.

Hồi năm 2012, Vương Kỳ Sơn, một nhân vật tin cẩn của ông Tập và là người lãnh đạo những nỗ lực chống tham nhũng của ông Tập vào thời điểm đó, đã kêu gọi các đảng viên cấp cao của đảng cộng sản Trung quốc nên đọc cuốn "Chế độ cũ và Cách mạng" của Alexis de Tocqueville (1805 - 1859) về cuộc nổi dậy nổi tiếng lật đổ chế độ quân chủ ở Pháp năm 1789. Việc đề cập đến (cuộc khởi nghĩa) Hoàng Sào có thể đã xảy ra quá gần ngôi nhà (của mình).

Yi-Zheng Lian

Nguyên tác : Could There Be Another Chinese Revolution ?, The New York Times, 07/09/2018

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 12/09/2018

Yi-Zheng Lian, nguyên chủ bút kiêm chủ nhiệm tờ Hong Kong Economic Journal.

Published in Diễn đàn

Trung Quốc thâm nhập ngành năng lượng do Châu Âu thiếu đoàn kết

Báo Le Monde (30/08/2018), trên phụ san kinh tế có bài viết chỉ trích những yếu kém cũng như thiếu đoàn kết trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, để rộng đường cho Trung Quốc thâm nhập vào lĩnh vực năng lượng. Một lĩnh vực được đánh giá là chiến lược.

nangluong1

Các tuốc-bin điện gió tại một khu vực ở phía đông bắc Lan Châu (Lanzhou), tỉnh Cam Túc (Gansu), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 15/09/2013 Reuters/Carlos Barria

Bài viết đề tựa "Trung Quốc mua ngành năng lượng Châu Âu". Bởi vì, từ năm 2008 đến nay, Bắc Kinh đã đầu tư đến hơn 34,5 tỷ đô la trong lĩnh vực này từ khai thác điện hạt nhân, điện khí gió cho đến xây dựng mạng lưới cung cấp điện. Đến mức, năng lượng đã trở thành ngành công nghiệp thứ hai, đứng sau hóa học, được Trung Quốc đổ vốn đầu tư nhiều nhất, mà doanh nghiệp đi đầu là tập đoàn State Grid Corporation of China SGCC.

Tập đoàn năng lượng lớn hàng thứ hai thế giới này, những năm gần đây đã dần củng cố vị thế tại một số nước Nam Âu như Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha… Bất chấp một số thất bại tại Bỉ, Pháp và Đức, các tập đoàn năng lượng của Trung Quốc đang tìm cách lấn dần lên phía Bắc, sang Trung và Đông Âu.

Câu hỏi đặt ra : Vì sao Trung Quốc lại ráo riết gia tăng đầu tư tại Châu Âu ? Và tại sao nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu lại mở rộng vòng tay đón đầu tư Trung Quốc trong một lĩnh vực được cho là chiến lược ?

Về câu hỏi thứ nhất, theo ông Jacques Percebois, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật trong năng lượng tại Montpellier, đối với Bắc Kinh, không có gì sinh lợi đều đặn và ổn định bằng đầu tư vào ngành năng lượng, vốn dĩ là những tài sản chiến lược.

Với câu hỏi thứ hai, chính sự rạn nứt, thiếu tình liên đới của Liên Hiệp Châu Âu, đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc tham gia thị trường năng động này tại các nước Nam Âu như Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha… vào thời điểm gặp khó khăn về kinh tế. Quả thật, các hoạt động đầu tư của Trung Quốc đã cho phép "cứu sống" nhiều doanh nghiệp Châu Âu và bảo vệ việc làm.

Giờ đây, trước những tham vọng ngày càng lớn của Bắc Kinh, Châu Âu bắt đầu tỏ ra lo ngại. Bởi vì, các nhà đầu tư Trung Quốc đều là các tập đoàn Nhà nước hay có vốn Nhà nước. Châu Âu nghi ngờ những doanh nghiệp này hàm chứa cả yếu tố chính trị, phản ảnh các lợi ích Nhà nước Trung Quốc.

Bởi vì, năng lượng nằm trong danh sách các lĩnh vực Bắc Kinh cho phép đầu tư ở nước ngoài, bên cạnh các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp… tóm lại, đó là những dự án nào có liên quan đến "sáng kiến Một vành đai, Một con đường", dự án quốc tế lớn do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng.

Mặt khác, Châu Âu chỉ trích Trung Quốc đối xử không công bằng khi hạn chế nghiêm ngặt các doanh nghiệp Châu Âu tham gia các dự án hạ tầng mà Bắc Kinh đánh giá là chiến lược, trong khi mà Châu Âu làm điều ngược lại, mở rộng cửa cho Trung Quốc.

Cuối cùng, Le Monde trích dẫn nhận xét của ông Jacques Percebois cho rằng các chiến lược Trung Quốc đã làm lộ rõ những yếu kém của Liên Hiệp Châu Âu : Không có khả năng có một chính sách năng lượng chung, các khó khăn về tài chính tại các nhà khai thác điện truyền thống, mở rộng cạnh tranh mà không có luật bảo vệ.

Trung Quốc mở trung tâm cải tạo người Duy Ngô Nhĩ

Báo Libération dành hai trang báo lớn cho bài phóng sự điều tra liên quan đến các trại cải tạo bí mật dành cho người Duy Ngô Nhĩ của chế độ Trung Quốc.

Tờ báo cho biết từ nhiều tháng qua, hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở vùng tự trị Tân Cương đã bị chính quyền bắt nhốt nhằm cải huấn tư tưởng. Theo nhiều lời chứng hiếm hoi mà nhật báo có thể tiếp xúc thì những gì nhiều người Duy Ngô Nhĩ phải hứng chịu về mặt thể xác và tinh thần gợi nhắc lại nhiều hình ảnh thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa.

Libération thuật lại một số sự việc như làm lễ chào cờ từ 5 giờ sáng, hát quốc ca, quỳ gối học khẩu hiệu hay các bài thơ ca ngợi chiến công của đảng, học thuộc lòng tư tưởng Tập Cận Bình, xem các video tuyên truyền, chỉ trích tôn giáo và học các ký tự tiếng Hoa. Vẫn theo những lời chứng này, những ai không cho thấy có tiến bộ, tỏ ra quá sùng đạo hay tiếng Hoa quá kém sẽ bị trừng phạt và thời gian bị nhốt kéo dài thêm.

Libération cho hay các trại cải tạo này được dựng lên từ các trường học cũ hay được xây thêm mới, bao bọc bằng hàng rào kẽm gai. Họ bị giam giữ trong điều kiện ngặt nghèo như phòng giam quá tải (40 người trong một phòng), ngủ luân phiên, mỗi tháng chỉ được tắm một lần…

Libération lưu ý, do báo chí bị kiểm duyệt, thiếu tự do ngôn luận và người dân thường xuyên bị dọa dẫm nên khó có thể thu thập các thông tin. Tuy nhiên, tờ báo cho rằng không có nghi ngờ gì về tầm mức vụ việc.

Bắc Kinh nới lỏng chính sách sinh con

Về phần mình, báo La Croix chú ý đến vấn đề "Trung Quốc lão hóa thả lỏng việc sinh con".

Sau 40 năm áp đặt chính sách một con, một đạo luật dân sự mới đang được soạn thảo, có thể sẽ được thông qua vào năm 2020, nhằm chấm dứt việc kiểm soát sinh con. Theo quan điểm của nhà dân số học và Trung Quốc học, Isabelle Attané, Trung Quốc sẽ phải chuyển hướng sang "một chính sách hỗ trợ sinh con" vào lúc việc dân số nước này ngày càng lão hóa đang là một quả bom nổ chậm thật sự.

Bởi vì, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động ngày càng sụt giảm. So với năm 2017, thị trường lao động Trung Quốc đã thiếu mất 5,5 triệu người, trong khi mà số người già có nguy cơ tăng thêm 35% từ đây đến năm 2020.

Macron : Mục tiêu tấn công của Orban và Salvini

Khủng hoảng di dân tiếp tục gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu, với sự kiện đáng chú ý là hai lãnh đạo Ý và Hungary, nhân cuộc gặp tại Milano, đã cùng nhau chỉ trích mạnh mẽ tổng thống Pháp là "lãnh đạo các đảng ủng hộ di dân". Le Monde chạy tựa "Orban và Salvini biến Macron thành mục tiêu tấn công".

Đang công du tại Đan Mạch, nguyên thủ Pháp đã thẳng thừng đáp trả là "quả thật đang có một sự đối đầu giữa phe chủ nghĩa dân tộc và những người cấp tiến" nhưng ông khẳng định "không nhường bước trước phe dân túy và những ai khơi dậy sự thù hằn".

Theo Les Echos, "Emmanuel Macron là kẻ thù số một của Matteo Salvini". Tổng thống Pháp trở thành "vật tế thần" lý tưởng cho bộ trưởng Nội vụ Ý công kích, vừa để chuyển hướng công luận Ý trước những khó khăn trong việc triển khai ngân sách sắp tới, vừa che giấu những phát biểu trái ngược nhau của ông về chính sách di dân.

Nam Mỹ cũng đau đầu vì di dân

Không chỉ Liên Hiệp Châu Âu phải đối phó với di dân. Người dân Venezuela ồ ạt chạy sang các nước Nam Mỹ lân cận khiến cho quan hệ giữa Caracas với các nước trong khu vực trở nên căng thẳng. "Châu Mỹ Latinh báo động khủng hoảng người tị nạn Venezuela" và "Brazil điều quân đội đến biên giới đối phó với dòng người Venezuela" là các bài viết trên Les EchosLibération.

Tổng thống Brazil Michel Temer ngày hôm qua thông báo triển khai quân đội tại thành phố biên giới Pacaraima, từ ngày 29/8 đến ngày 12/9 nhằm bảo vệ an ninh cho người dân thành phố cũng như là người tị nạn, trước nguy cơ bùng nổ xung đột.

Theo ông Temer, khủng hoảng di dân Venezuela đang "đe dọa mối quan hệ hài hòa trên toàn Châu lục không chỉ tại Brazil mà còn để lại các hậu quả nghiêm trọng tại Peru, Equador, Colombia và nhiều quốc gia khác". Đồng thời, ông kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế có các biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn Venezuela chạy trốn cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế.

"Hãy để con trẻ được chơi đùa !"

Đây là lời cảnh báo của các chuyên gia khoa nhi dành cho các bậc phụ huynh. Việc ai cũng mong con mình sau này thành đạt là một tâm lý bình thường. Nhưng việc rút ngắn thời gian vui đùa của con trẻ để dành cho các chương trình học vấn trước khi đến trường là một sai lầm. Bởi vì, các trò chơi dân dã như mèo bắt chuột, trốn tìm,… hay các hoạt động giải trí ngoài trời góp phần tích cực trong quá trình phát triển trí não của trẻ.

Các chuyên gia ghi nhận trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tại Mỹ ngày nay đã bị mất đến 30% thời lượng cho các hoạt động vui chơi đó. Trong vòng có gần 2 thập kỷ (1981-1997), trẻ nhỏ trong độ tuổi 3-11 đã bị mất đến 12 giờ chơi mỗi tuần.

Theo các nhà nghiên cứu, việc cắt giảm thời lượng vui đùa của trẻ để dành cho việc học là phản tác dụng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những nước nào trẻ nhỏ được vui đùa nhiều đều cho kết quả học tốt. Cuối cùng, các chuyên gia lưu ý vui chơi trên máy tính bảng hay điện thoại thông minh không giúp trẻ học tốt bằng các trò chơi thực sự ngoài đời.

Trang nhất các báo Pháp

Quyết định từ chức của bộ trưởng Môi trường Pháp, Nicolas Hulot tiếp tục là tâm điểm thời sự của một số nhật báo lớn hôm nay. Tờ Le Monde trên trang nhất đề tít "Hulot : cú sốc chính trị từ một sự từ nhiệm". Nhật báo thiên tả Libération, nhân vụ việc này đặt câu hỏi lớn "Phải chăng Macron nằm trong tay các nhà vận động hành lang ?".

Nhật báo kinh tế quan tâm đến bản "Báo cáo muốn tái khởi động chương trình điện hạt nhân". Tài liệu do các chuyên gia đệ trình lên chính phủ dự kiến xây thêm 6 trung tâm phản ứng hạt nhân EPR kể từ năm 2025.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro loan báo "Nước Pháp quá tải đơn xin tị nạn". Trong vòng 7 tháng đầu năm, số đơn xin tị nạn vào Pháp đã tăng 17%. Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix đề xuất "10 hướng đi chống lại hiện tượng chủ nghĩa tăng lữ" nhằm cách tân cách thức vận hành Giáo hội Công giáo.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ sức mạnh của mình trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại, văn hóa, cũng như là quân sự.

bach1

Các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, Trường Sa, Biển Đông (Ảnh vệ tinh do CISIS công bố ngày 29/06/2017) Reuters

Theo phân tích của chuyên gia Tanguy Struye de Swielande, giáo sư Đại học Công giáo Louvain trên tạp chí Diplomatie (Đối Ngoại) số ra cho tháng 6-7/2018, cùng với ba chiến thuật "Tianxia, Salami và Push and Pull" trong chiến lược con bạch tuộc, Bắc Kinh đang dồn nhiều cường quốc đối thủ vào thế bị động, gây lo ngại cho các nước láng giềng, đồng thời nhắm đến mục tiêu trở thành siêu cường thế giới năm 2049. Ban Tiếng Việt đài Phát thanh Quốc tế Pháp lược dịch.

Ngày 31/12/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân bài diễn văn cuối năm, tuyên bố "Trung Quốc muốn hành động với tư cách như là người kiến tạo hòa bình thế giới, góp phần phát triển toàn cầu và là người bảo vệ trật tự thế giới. Việc xây dựng một cộng đồng có một tương lai chung vì nhân loại, một khái niệm quan trọng cho thời kỳ ngoại giao mới của Trung Quốc, tất phải dựa trên nền tảng hợp tác theo mô hình đôi bên cùng có lợi và biến đổi hành tinh Trái Đất thành một gia đình thuận thảo".

Thế nhưng, theo quan sát của ông Tanguy Struye de Swielande, đằng sau những lời lẽ bóng bẩy đó, là cả một chiến lược lớn đã được Trung Quốc kỹ lưỡng thiết lập. Hơn bao giờ hết, Bắc Kinh hiểu rõ sức mạnh của ngôn từ và với tài "biến hóa", Trung Quốc đã làm cho phương Tây mất phương hướng.

Bắc Kinh lần lượt đẩy phương Tây cũng như nhiều nước khác vào tình thế như trong một ván cờ vây, mà thoạt nhìn thì những quân cờ được triển khai một cách rời rạc, nhưng thật ra không có gì là ngẫu nhiên cả. Trái lại, mọi việc được thực hiện theo một phương châm tạo dựng "lợi thế tiềm ẩn".

Đây chính là điểm khác biệt lớn trong cách lập chiến lược giữa phương Tây và Trung Quốc. Phương Tây nhất nhất theo một khuôn mẫu định sẵn, đặt sự việc trong mối quan hệ lý thuyết – thực hành, nên khó mà đi trệch ra ngoài.

Ngược lại, Trung Quốc có cách tiếp cận linh hoạt, vạch ra những đường hướng/lô-gic chính khi hoạch định chiến lược. Không như phương Tây, Trung Quốc không muốn nhìn sự việc theo hai mặt đối lập tốt/xấu, dân chủ/độc tài, vì thế nước này có rộng đường hành động, tránh cưỡng ép hay áp đặt và như vậy có thể truy tầm, lựa chọn "lợi thế tiềm ẩn".

Hơn nữa, giữa phương Tây và Trung Quốc có một sự khác biệt lớn về văn hóa và triết lý. Do đó, nếu phương Tây tìm hiểu chiến lược Trung Quốc một cách khiên cưỡng qua cách nhìn của mình thì chỉ sẽ không nhìn thấy gì hoặc diễn giải lệch lạc.

Việc lời nói không đi đôi với hành động của Trung Quốc cũng giống như bao cường quốc khác mong muốn có được vị thế nước lớn hay siêu cường. Tuy nhiên, theo chuyên gia người Bỉ, điểm khác biệt đáng chú ý là cho đến hiện nay Bắc Kinh đã tỏ ra khôn khéo hơn nhiều cường quốc trong cùng một vị thế. Chính các điểm đó thôi cũng đủ thấy Trung Quốc càng trở nên nguy hiểm dường nào so với các cường quốc khác.

Ba chiến thuật

Điều này giải thích phần nào thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Tanguy Struye de Swielande nhắc lại mục tiêu "2049" - tức đạt vị thế cường quốc hàng đầu – là ưu tiên đối với Trung Quốc. Nhưng phương thức để đạt mục tiêu này đang chia rẽ nội bộ Trung Quốc theo hai luồng ý kiến.

Một bên muốn tiếp tục ẩn mình, cho rằng thời cơ hành động với tư cách là một đại cường và/hoặc lãnh đạo thế giới là chưa tới. Bên kia muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc đang trở lại thành cường quốc, và muốn được công nhận có một vị thế cường quốc, cũng như là xóa tan một thế kỷ nhục nhã (1839 – 1949). Tuy nhiên, Trung Quốc của Tập Cận Bình dường như đi theo hướng trung dung.

Đối với các nước lân bang, trong đó có vùng Biển Đông, quan điểm của Trung Quốc ngày càng rõ nét, cho rằng khu vực này phải được hội nhập vào các lợi ích trọng tâm của nước này. Các chính sách thực hiện từ sáu năm qua đã xác nhận chính sách này, và Bắc Kinh gần như đã truy tầm thành công "lợi thế tiềm ẩn", tận dụng được việc thiếu các phản ứng nghiêm túc từ phía các cường quốc khu vực đối với chính sách xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Vượt lên trên các lợi ích trọng tâm này, bất kể là ở cấp độ khu vực hay toàn cầu, chính sách của Trung Quốc chủ yếu vẫn tự cho mình như là một giải pháp thay thế cho trật tự tự do phương Tây, mà Trung Quốc đánh giá là đang suy tàn. Ở đây, một lần nữa, Trung Quốc sẽ tận dụng "thời thế" để đẩy các quân cờ của mình, hơn là khẳng định vai trò và vị thế cường quốc của mình.

Vẫn theo chuyên gia Swielande, dù rằng các mục tiêu khu vực (bao gồm thành lập một Tianxia 2.01, tức là "châu Á cho người châu Á") và mục tiêu toàn cầu (các con đường tơ lụa mới) đều rất rõ ràng, Trung Quốc không có ý định thúc ép mọi việc, chấp nhận đầu tư và chờ đợi lâu dài để có được các thời cơ thuận lợi.

"Trung Quốc có một mối liên hệ với thời gian khác xa với phương Tây. Không những nước này có khả năng nhìn xa trong dài hạn (2049) mà còn có thể đầu tư về lâu dài : "Thời điểm hiện tại" được xem như là một sự "đầu tư". Như giải thích của ông François Julien, đó là sự thu hồi vốn đầu tư dài hạn thông qua bước khởi đầu của một tiến trình.

Phương Tây có xu hướng đi theo chiều ngược lại, thích sự thu hồi vốn nhanh (ví dụ như phần đông các chính sách kinh tế và môi trường được tiến hành dưới thời chính quyền Donald Trump được cho là đi theo xu hướng này)".

Trung Quốc : Con bạch tuộc khôn ngoan

Trước sự linh hoạt, khôn khéo trong cách thực hiện các chính sách của Trung Quốc, ông Tanguy Struye de Swielande đã không ngần ngại ví chiến lược lớn của Trung Quốc với hình ảnh con bạch tuộc. Một loài sinh vật biển được cho là thông minh, giảo quyệt và khôn khéo.

"Vì không có khung xương, nên bạch tuộc dễ dàng thay hình đổi dạng, sự linh hoạt này chính là nét đặc trưng của các chính sách do Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông chẳng hạn, nơi mà nước này áp dụng chính sách vừa trừng phạt vừa ban thưởng. Một kiểu chiến thuật được gọi là "salami2" và "push and pull3".

Bạch tuộc còn được biết đến có tài trá hình, cho phép nó không bị nhận dạng ; điều đó nhắc chúng ta nhớ đến chính sách do Trung Quốc thi hành trên trường quốc tế thông qua sức mạnh ngôn từ, cho phép nhấn mạnh đến sự "hài hòa, chuẩn mực, ý định không muốn xem xét lại vấn đề trật tự thế giớiʺ.

Với hình ảnh con bạch tuộc, Trung Quốc còn được biết đến khả năng bắt chước bằng cách tự thích nghi. Điều đó được thực hiện bằng cách sao chép trên các phương diện, chẳng hạn như quốc phòng (chiến đấu cơ, tầu chiến, thiết bị bay không người lái…), kinh tế (tầu siêu tốc, xe ô tô…), ngay cả đến các định chế (Ngân hàng Phát triển Hạ tầng Á châu - AIIB). Những sao chép này đôi khi thành công đến mức trở thành đối thủ cạnh tranh với bản gốc.

Mặt khác, giống như con bạch tuộc, Trung Quốc cũng cách tân và sáng tạo. Cùng với những chiếc vòi giác mút mạnh, bạch tuộc có thể bắt lấy mồi trước khi phun nọc độc thần kinh vào chúng. Đó chẳng phải là những gì Trung Quốc đang làm với chính sách chiếc bẫy nợ, nghĩa là cấp các khoản tín dụng cho nhiều quốc gia, để rồi sau đó những nước này không có khả năng hoàn trả ? Thế là họ buộc phải nhượng quyền sở hữu nhiều tài sản chiến lược (mỏ khai thác, cảng biển…). Tóm lại, hình ảnh con bạch tuộc này cho phép minh họa một cách rõ nét và đơn giản một vài điều phức tạp".

Minh Anh

Nguồn : RFI, 24/08/2018

Chú thích :

(1) "Tianxia 2.0" : Với chiến thuật "Thiên hạ 2.0" này, Trung Quốc muốn đặt vùng Đông Nam Á trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh qua việc làm cho khu vực này, cũng như nhiều vùng khác phải lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc khi sử dụng chiêu bài "bản sắc châu Á".

(2) "Chiến thuật Salami" : Tiến từng bước thật nhỏ sao cho không đối phương không có phản ứng vì cho rằng chẳng có tác hại. Nhưng trong dài hạn, Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng mà vẫn tránh bị phản đòn. Một khi mục tiêu đạt được, đối phương không kịp phản ứng vì quá trễ, mà ví dụ điển hình là việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông thành các tiền đồn quân sự của Trung Quốc.

(3) "Push and Pull" : Cách thức mà Trung Quốc sử dụng cho chiến thuật thay thế. Một hình thức phạt và thưởng, cưỡng ép và chiêu dụ. Chẳng hạn như tại Biển Đông, Trung Quốc cố tình xây dựng các đảo nhân tạo, nhưng khi bị phản ứng mạnh mẽ, Bắc Kinh đề nghị thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử mới nhằm hạ nhiệt tình hình. Một khi sự việc đã được kiểm soát, Trung Quốc "push" trở lại.

Published in Diễn đàn

Bên cạnh việc phô trương sức mạnh quân sự tại các vùng tranh chấp lãnh thổ trên bộ cũng như trên biển, trong thời gian gần đây Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng một cách tiếp cận mới trong những quan hệ quốc tế của mình. Đó là thúc đẩy sự hợp tác văn hóa, kinh tế, nghiên cứu khoa học,… với nhiều nước trên thế giới.

soft1

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh (phải) tiếp ông Dương Khiết Trì, nhân vật cao cấp nhất của ngoại giao Trung Quốc, tháng 6/2014 tại Hà Nội, sau căng thẳng giàn khoan Trung Quốc, 5/2014. AFP

Một trong những sự thể hiện sức mạnh mềm của Trung Quốc ở Đông Nam Á là sáng kiến Hợp tác Lan Thương Mekong.

Lan Thương là tên đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, thuộc tỉnh Vân Nam. Hội nghị đầu tiên của Lan Thương Mekong được tổ chức vào tháng 3/2016 tại thành phố Tam Á, trên đảo Hải Nam của Trung Quốc, bao gồm sáu quốc gia là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Thực ra viễn cảnh hợp tác tất cả các quốc gia ở lưu vực Mekong, bao gồm cả Trung Quốc đã được các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mekong đưa ra từ trước. Ủy hội này bao gồm bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, được thành lập chính thức vào năm 1995, dựa trên những sáng kiến đưa ra từ rất xa, vào năm 1957. Ủy hội sông Mekong luôn muốn kết nạp hai quốc gia Trung Quốc và Myanmar làm thành viên chính thức.

Nhưng thay vì gia nhập một tổ chức đã có sẵn, Trung Quốc đã đề xướng việc thành lập một tổ chức mới, Lan Thương Mekong.

Với tổ chức này Trung Quốc bắt đầu dùng một khoản tiền lớn để tài trợ cho những dự án nghiên cứu và phát triển dọc sông Mekong.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nói với đài Á châu tự do :

"Mới đây chính Trung Quốc dự tính sẽ đầu tư khoảng 10 tỉ đô la Mỹ vào Tiểu vùng Mekong mở rộng. Riêng trong số đó có 300 triệu dành riêng cho nghiên cứu Lan Thương và Mekong. Theo tôi biết thì nó đã được sử dụng từ năm 2016, cho khoảng 40 dự án gọi là thu hoạch sớm, cho các trung tâm về môi trường, về nguồn nước, về nghiên cứu Mekong".

Vào ngày 6/8/2018, Học viện ngoại giao của Việt Nam đã làm lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu sông Mekong, và ngay trong ngày lễ khánh thành này đã tổ chức một cuộc hội thảo mang tên Định hình vành đai phát triển kinh tế Lan Thương Mekong. Tham dự hội thảo này, ngoài các chuyên gia Việt Nam là những chuyên gia của những quốc gia đã tham gia vào dự án Lan Thương Mekong, có cả người đại diện của Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội.

Từ những thông tin trên, đã có lời đồn đoán rằng Trung tâm nghiên cứu sông Mekong của Học viện ngoại giao được thành lập với sự giúp đỡ tài chính của Trung Quốc.

soft2

Tranh biếm họa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo các quốc gia trong vấn đề hợp tác sông Mekong - RFA

Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với người điều hợp hội thảo ngày 6/8, nhưng không nhận được trả lời.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói ông không có thông tin, nhưng nếu thực sự có sự giúp đỡ của Trung Quốc thì ông cũng không ngạc nhiên. Ông nói thêm rằng vì Việt Nam đã tham gia vào tổ chức Lan Thương Mekong, nên việc xây dựng trung tâm nghiên cứu Mekong là cần thiết. Tuy nhiên ông đặt ra nghi vấn rằng liệu tiền bạc của Trung Quốc có thể được sử dụng cho việc nghiên cứu tác hại của những đập nước trên thượng nguồn, do chính Trung Quốc gây ra ? Ông nói rằng nếu việc nghiên cứu đó được thực hiện thì nó quả là một câu chuyện cổ tích.

Một trong những chuyên gia Việt Nam tham dự hội thảo ngày 6/8 là Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Đại học Khoa học xã hội nhân văn ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói với chúng tôi rằng Trung Quốc đang bắt chước theo mô hình của Mỹ sau thế chiến thứ hai, nhằm khuếch trương những giá trị về văn hóa, thể chế,… của một cường quốc ra bên ngoài.

Đó là cách tiếp cận bằng sức mạnh mềm.

Một trong những chương trình được dùng để khuếch trương sức mạnh mềm là thành lập các Viện Khổng tử, tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Viện Khổng Tử tại Việt Nam được chính thức khánh thành vào tháng 12/2014 tại Đại học quốc gia Hà Nội.

Ảnh hưởng của Viện này hiện nay ở Việt Nam như thế nào ?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, từng tốt nghiệp Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc cho biết :

"Hiện tại Học viện Khổng tử đó cũng chỉ hoạt động theo cơ chế là giảng dạy tiếng Hoa, tổ chức thi lấy bằng, … để tạo nguồn thu cho học viện. Thỉnh thoảng có một số hoạt động giao lưu văn hóa với các giảng viên từ Trung Quốc sang, như là viết thư pháp, trình bày những seminar về văn hóa Trung Quốc. Tôi thấy những hoạt động đó cũng chưa có gì nổi bật".

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng thì nói rằng tầm ảnh hưởng của Viện Khổng Tử tại Hà Nội không thể so sánh với các trung tâm văn hóa của các quốc gia Mỹ, Pháp, Nhật Bản tại Việt Nam được.

soft3

Hình minh họa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ khai trương Viện Y học Khổng Tử ở trường đại học RMIT tịa Melbourne, Australia hôm 20/6/2010. AFP

Ông nói tiếp về cái gọi là sức mạnh mềm của Trung Quốc :

"Tôi thấy Trung Quốc họ đã giết chết cái sức mạnh mềm của họ, nếu quả như họ có sức mạnh mềm, trước khi mà họ có ý bỏ tiền ra xây trung tâm này học viện nọ để khuếch trương quyền lực tại Việt Nam. Tôi thấy cái sức mạnh mềm mà họ muốn tung ra đó chả có mấy giá trị ở Việt Nam".

Cựu viên chức ngoại giao Việt Nam này đưa ra những ví dụ là chỉ cách đây vài ngày tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam, Trung Quốc liên tục dùng sức mạnh quân sự đe dọa Việt Nam dừng lại việc thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, câu khẩu hiệu bốn tốt 16 chữ vàng mà các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam hay nêu ra trước đây về tình hữu nghị Việt Nam Trung Quốc, thực chất cũng là biểu hiện của việc tuyên truyền sức mạnh mềm của Trung Quốc, nhưng việc sử dụng câu khẩu hiệu tuyên truyền đó ở Việt Nam đã giảm đi rất nhiều, nhất là sau vụ giàn khoan dầu của Trung Quốc xâm lấn thềm lục địa Việt Nam vào năm 2014.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam hiện đang làm việc tại Singapore, trong một tin nhắn với chúng tôi nói rằng những người cộng sản Việt Nam hiểu rất rõ những ý định của các đồng chí Trung Quốc của họ, vì trong quá khứ người Trung Quốc đã nhiều lần chơi lấn lướt về mặt ngoại giao và chính trị đối với nước láng giềng Việt Nam.

Ông đưa ra một nhận xét rất thú vị là hiện nay các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đi chữa bệnh ở nước ngoài thì họ không sang Trung Quốc nữa. Người cuối cùng làm việc đó là ông Lê Đức Anh nguyên Chủ tịch nước, năm nay đã 97 tuổi.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 08/08/2018

Published in Diễn đàn

Tập Cận Bình cổ võ cho Con đường tơ lụa (Một con đường một vòng đai) và Giấc mơ Trung Hoa

Trung Hoa là một nước xưa cổ, có nền văn minh lâu đời... Kinh tế của Trung Quốc phát triển vượt bực từ 30 năm qua. Chiến tranh thì Trung Quốc thắng Mỹ tại Việt Nam, tiêu diệt đồng minh của Mỹ trên toàn cõi Đông Dương. Nhìn trên đồ thị kinh tế, chính trị, quân sự thì Trung Quốc tiếp tục phát triển, lấy lại phong độ của thế kỷ 16-17 thời Minh-Thanh và sẽ thống trị thế giới.
Nếu Trung Quốc chỉ cần tiếp tục con đường đang đi, không cần thay đổi thì năm 2035 Trung Quốc là siêu cường quốc số một. Các nước quanh Trung Quốc nộp cống xưng thần.

silk0

Nếu đà này cứ tiếp tục thì năm 2035 Vạn lý trường thành Trung Quốc sẽ bao trùm thế giới.

Tuy nhiên, nhìn kỹ lại thì không có gì bảo đảm vị trí siêu cường đó sẽ lọt vào tay Trung Quốc.

Năm 2035 dân số Trung Quốc sẽ bị lão hóa nặng, 2 người trẻ đi làm nuôi 1 người già nghỉ hưu. Trung Quốc đang mắc nợ tới 280% GDP do đó không còn giữ vị trí đáng nể. Chi phí cho quân sự tăng 50%, nhanh hơn tăng trưởng GDP mỗi năm. Cứ như vậy, Trung Quốc không thể để tình trạng này kéo dài vĩnh viễn. Ước muốn tăng tiêu thụ nội địa thay cho xuất cảng rất khó vì tuyệt đại đa số người giàu hiện nay toàn là người trong đảng cộng sản, khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa rất thấp. Hơn nữa Tập Cận Bình đang chống tham nhũng, số người giàu trong Đảng cộng sản Trung Quốc không dám xài tiền vì sợ vô tù.

Trung Quốc thuở xưa có nhiều nước chư hầu và dễ dàng hù dọa các nước nhỏ mà không cần phải làm gì hết. Đừng quên thời Minh không có những cường quốc Tây phương tranh giành thị trường và ảnh hưởng của Trung Quốc. Thời Minh chưa có cường quốc Hoa Kỳ. Đồng minh của Trung Quốc hiện nay gồm có Việt Nam, Bắc Hàn và Pakistan. Không có gì là ghê gớm.

Trung Quốc hiện nay đang giữ nhiều công khố phiếu Mỹ, đây là mối lo nhiều hơn là mối lợi cho Trung Quốc. Con nợ này của Trung Quốc rất mạnh, võ trang tận răng. Chọc giận nó, nó sẽ quịt nợ, dựng rào thuế quan và ngưng mua hàng hóa thì Trung Quốc sẽ đối diện ngay với nạn thất nghiệp và bất ổn xã hội sẽ tràn lan khắp lãnh thổ Trung Quốc.

Lịch sử 4000 năm không giúp ích gì cho Trung Quốc khi phải đánh nhau với những nước có tuổi đời trẻ hơn nhưng lại khỏe mạnh hơn. Chiến tranh nha phiến đời Thanh đã làm chứng cho điều đó.

Ông Trump đang đưa quan hệ Mỹ - Hoa vào giai đoạn phức tạp và gay cấn hơn thời Obama. Bóng ma của cuộc chiến nha phiến thời vua Đạo Quang đang lững lờ trở lại. Chiến tranh vì bất đồng ngoại thương. Ngoài bất đồng về ngoại thương hôm nay chúng ta còn thấy một nguy hiểm khác, đó là cái bẫy Thucydides trap, nghĩa là chiến tranh giành ngôi bá chủ.

Thucydides, người đã viết lại lịch sử chiến tranh Peloponnesian thời Hy-Lạp, cho rằng sức mạnh kinh tế quân sự của thành Nhã Điển (Athens) đe dọa sức mạnh của Sparta khiến chiến tranh giành ngôi bá chủ không tránh khỏi.

Sử gia Graham Alison cho biết trong 500 năm qua có 15 lần thay đổi vai trò bá chủ thế giới thì đã có 11 lần xảy ra chiến tranh.

Hôm nay Trung Quốc đang thách đố Hoa Kỳ về ngôi vị bá chủ này. Chúng ta không phải chỉ có một mà đến hai lý do để hai đại cường Hoa-Mỹ lâm vào thế đối đầu nảy lửa với nhau.

Ở đây, chúng ta đang chứng kiến bóng ma cuộc chiến tranh Nha phiến đời Thanh và cái bẫy Thucydides lặp lại và đi chung với nhau. Ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia mới của tòa Bạch ốc nói rằng 'chúng ta đã có cái nhìn sai lạc và ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ vươn lên trong hòa bình. Thực tế đã ngược lại, Trung Quốc không những đang chuẩn bị chiến tranh mà còn thách thức Mỹ bằng võ lực, đặc biệt là trên vùng Biển Đông”. 

Tuy rằng Mỹ không tranh giành tài nguyên Biển Đông với ai, nhưng Mỹ cũng không muốn tài nguyên đó lọt vào tay Trung Quốc, một đối thủ vừa kinh tế lẫn quân sự. 

Đúng là ông Trump đang khơi động chiến tranh mậu dịch, đánh thuế lên 1.300 mặt hàng made in China với một tổng trị giá ước lượng trên 250-600 tỉ US dollars sẽ thu về cho ngân sách. Tập Cận Bình chắc chắn sẽ không để bị mất mặt và sẽ tỏ ra cứng rắn tương tự chứ không lùi bước.

Tuy nhiên lý do kinh tế không là tất cả. Còn lý do khác nóng hơn, đó là ảnh hưởng chánh trị. Mặc dù kinh tế và sưc mạnh quân sự của Trung Quốc chưa thể đương đầu trực diện với Mỹ, do đó chưa phải là đối thủ của Mỹ. Hiện nay Trung Quốc đang tăng-cường sự hiện-diện tại khắp nơi qua Con đường tơ lụa mới, trên đất liền từ Trung-Á đến Châu Âu, trên biển từ Đông Nam-Á qua Ấn-Độ Dương, xuyên Địa Trung Hải đến Bắc Phi và Nam Âu.

Vấn đề là trong cuộc chạy đua đường dài này, khả năng kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc rất giới hạn, chưa đủ tầm vóc để trang trải trên một địa bàn quá lớn và quá phức tạp mà ngay cả những siêu cường quốc Tây Âu đầy kinh nghiệm, và ngay cả Hoa Kỳ hiện nay cũng không dám nghĩ tới. Những số tiền khổng lồ bỏ ra để xây dựng hạ tầng và mua chuộc khai thác tài nguyên tại Châu Phi hiện nay coi như mất trắng : giá cả dầu thô và quặng mỏ bán trên thị trường thấp hơn giá thành mà các công ty xí nghiệp Trung Quốc đang khai thác, do đó chỉ có lỗ và lỗ.

Ai cho rằng chiến tranh mậu dịch hoặc quân sự là đi ngược lại quyền lợi kinh tế quốc gia thì người đó cố tình quên đi yếu tố văn hóa và lịch sử.

Văn hóa Trung Hoa là một nền văn hóa độc tôn, muốn thống trị tất cả, muốn thu tất cả tài nguyên và của cải trên thế giới vào tay mình. Trung Hoa là nước trung tâm, tất cả mọi dân tộc hay sắc tộc đều phải quy phục và triều cống.

Lịch sử nước Trung Hoa là một chuổi dài những cuộc chiến tranh tiêu diệt: không ai có quyền khác biệt. Một thí dụ: không mộ phần nào của người chống đối còn nguyên vẹn, không một ngôi mộ vị vua hay hoàng đế nào còn để lại vết tích nếu không được giấu kỹ.

Trong cuộc đọ sức về kinh tế lần này với Hoa Kỳ, chắc chắn Tập Cận Bình và bộ tham mưu đã bàn thảo rất kỹ. Đụng Mỹ thì Trung Quốc sẽ thua. Thua kinh tế thì sẽ thua luôn quân sự. Do đó, trong những ngày sắp tới chúng ta sẽ thấy Trung Quốc một mặt thì cứ lên gân, mặt kia thì tìm cách đi đêm hay nhượng bộ để không bị mất mặt.

Với một đối thủ có lối suy nghĩ bình thường thì rất dễ tiên đoán phản ứng, nhưng với Donald Trump thì rất khó, vì đây là một vị tổng thống không được tôi luyện trong chốn quan trường chính trị, quân đội hay ngoại giao. Donald Trump chỉ là một doanh nhân, do đó chỉ biết và có một ưu tư duy nhất là tiền.

Tập Cận Bình biết rất rõ điều này. Ông Tập đã cố gắng mua chuộc vòng đai thân tình của Donald Trump bằng tiền. Nếu ít tiền không được thì nhiều tiền. Điều này có thể thành công với những người làm chính trị có cuộc sống thanh đạm, nhưng với Donald Trump thì chỉ như nước đổ lá môn, bao nhiêu tiền cũng không đủ.

Giải pháp hay nhất cho Tập Cận Bình là mềm dẻo, thương lượng trong hòa bình. Vấn đề là những cố vấn thân cận của Donald Trump hiện nay là những diều hâu về kinh tế: John Bolton và Peter Navarro, hai người có lập trường chống Trung Quốc kịch liệt. Những ngày sắp tới sẽ rất khó khăn cho Tập Cận Bình và Giấc mộng Trung Hoa của ông. Do đó thế kỷ 21 này sẽ không là thế kỷ của nước Trung Hoa cộng sản.

Trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai đại siêu cường này, chỗ đứng của Việt Nam ở đâu ?

Nếu không có gì thay đổi, đảng cộng sản và nhà nước cộng sản Việt Nam, như lịch sử đã chứng minh, luôn đứng về phía cộng sản, không phân biệt chủng tộc hay vùng miền. Phía mà đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay chọn là phía Trung Quốc. Những tiếp cận với phương Tây chỉ là hỏa mù.

Khôn hay dại ? Mỗi người Việt Nam phải tìm cho mình lời giải đáp.

Võ Thanh Liêm

(19/07/2018)

Published in Quan điểm

Tây Tạng dưới gót giày Đại Hán

Le Figarohôm nay 13/07/2018cho biết "Bắc Kinh tăng cường đô hộ Tây Tạng", mà điển hình là việc cưỡng chế giải tỏa tu viện Phật giáo Lạc Nhược Hương (Larung Gar). Hàng ngàn tăng ni đã bị trục xuất khỏi quần thể tu viện bị giám sát nghiêm ngặt.

Résultat de recherche d'images pour "Tây Tạng dưới gót giày Đại Hán"

Toàn cảnh quần thể tu viện Tây Tạng Lạc Nhược Hương (Larung Gar) trước đây, nay đang bị cưỡng chế giải tỏa. Wikimedia

Lạc Nhược Hương là một trong những thiền viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới, với tu viện trung tâm bao quanh là vô số những ngôi nhà gỗ nhỏ sơn đỏ, cất chi chít quanh sườn đồi ở độ cao 4.000 mét thuộc huyện Sắc Đạt (Sertar), Châu tự trị Tạng Cam Tư tỉnh Tứ Xuyên.

Chính quyền Trung Quốc từ mùa hè 2016 đã tung ra chiến dịch san ủi nhà cửa, cưỡng chế tăng ni đi nơi khác. Tuy nhiên khó thể biết cụ thể những gì đang diễn ra tại đây, vì muốn vào Lạc Nhược Hương phải đi qua một trạm kiếm soát của công an để kiểm tra danh tính, còn người ngoại quốc thì bị cấm cửa.

Đặc phái viên Le Figaro đã tìm gặp Phuntsok, một nhà sư ở Lạc Nhược Hương đi thăm người thân bị bệnh tại một thành phố gần đó. Nhà sư tuổi đôi mươi kể lại, chỉ muốn khóc mỗi lần nhớ đến sự xuất hiện của những cỗ xe ủi, và các tăng ni bị lùa lên hàng loạt xe buýt trong khi cư dân chỉ biết đẫm lệ nhìn theo. Năm 2016, chỉ trong vài tháng có đến 30-40% người đang tu tập bị đuổi đi, trong số 20.000 nhà sư và ni cô ở Lạc Nhược Hương. Human Rights Watch ước tính khoảng 5.000 tăng ni bị cưỡng chế, và mục tiêu của nhà cầm quyền Bắc Kinh là giảm số cư dân xuống còn 5.000 người.

Các tăng ni bị cưỡng chế về quê phải viết giấy nói mình "tự nguyện" ra đi, hứa sẽ không quay lại Lạc Nhược Hương. Họ còn phải cam kết "ủng hộ chính sách của chính phủ", không có bất cứ hành động chống đối nào. Một số còn bị buộc phải tham gia những khóa "cải tạo ái quốc". Một video của tổ chức phi chính phủ Free Tibet cho thấy các ni cô mặc quân phục, bị bắt buộc hát những bài khẳng định Trung Quốc và Tây Tạng là "những người con của cùng một Mẹ Tổ quốc".

Sau khi giải tỏa, chính quyền cho xây lên những tòa nhà hiện đại, đưa khoảng 100 cán bộ đảng cộng sản về làm nòng cốt tại Lạc Nhược Hương, sáu quan chức đảng đã được cử làm lãnh đạo tu viện. Bắc Kinh không quên các cuộc biểu tình của tu sĩ Phật giáo tại Lhassa hồi tháng 3/2008, sau đó mở rộng trên toàn cao nguyên Tây Tạng. Người biểu tình đòi hỏi phải cho Đạt Lai Lạt Ma quay về, tố cáo bị chèn ép về kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng. Phong trào đã bị đàn áp thẳng tay, nhưng một dạng phản kháng khác nổi lên : trên 150 người Tây Tạng đã tự thiêu phản đối Trung Quốc kể từ năm 2009.

Le Monde còn nêu ra trường hợp Tashi Wangchuk, một thanh niên 30 tuổi bị kết án 5 năm tù hồi tháng Năm vì "xúi giục ly khai". Tội của anh là đã công khai xuất hiện trong một video dài 9 phút của New York Times hồi cuối năm 2015, đòi hỏi trẻ em Tây Tạng phải được học tiếng mẹ đẻ trong trường học. Anh tố cáo : "Trên toàn vùng Tây Tạng, từ tiểu học cho đến trung học, không còn có một chương trình nào được giảng dạy bằng ngôn ngữ của chúng tôi".

Theo Wangchuk, đây là "sự thảm sát có hệ thống nền văn hóa Tây Tạng". "Về chính trị, khi một quốc gia muốn diệt trừ một quốc gia khác, thì trước hết phải tiêu diệt ngôn ngữ và chữ viết của quốc gia đó".

Trung Quốc cao giọng khoe bảo vệ các sắc tộc thiểu số, nhưng theo nhà nghiên cứu Maya Wang của Human Rights Watch, việc kết án Tashi Wangchuk nằm trong quy trình "đồng hóa nền văn hóa Tây Tạng".

"Chim thần" Hainan Airlines bơ vơ

Cũng liên quan Trung Quốc nhưng về kinh tế tư doanh, Le Monde mô tả những chiếc phi cơ A330 mới tinh đậu trên phi trường Toulouse, như những đứa trẻ bị bỏ rơi. Một con chim thần xòe đôi cánh vàng với chiếc đuôi màu đỏ : đó là biểu tượng của Hainan Airlines, công ty hàng không có trụ sở ở đảo Hải Nam Trung Quốc.

Tập đoàn Airbus không giao máy bay vì chưa được công ty mẹ của Hainan Airlines là HNA thanh toán. Tập đoàn tư nhân Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Những chiếc phi cơ trên và cả HNA đang "mồ côi" : ông Vương Kiện (Wang Jian) đồng chủ tịch tập đoàn đã tử nạn sau khi rơi từ độ cao 15 mét hôm 4/7 tại Bonnieux, vùng núi Luberon của Pháp. Để chụp hình với hậu cảnh đồng quê nước Pháp xinh đẹp, ông Vương Kiện đã leo lên một bức tường nhỏ bên vách đá, và bị mất thăng bằng. Cuộc điều tra xác nhận đây là một tai nạn.

Tin xấu này đến vào lúc HNA đang cố xoay sở để giảm số nợ 90 tỉ đô la. Từ ba năm qua, HNA lao vào chiến dịch mua các công ty tên tuổi nước ngoài ; đổ ra gần 40 tỉ đô la để mua cổ phiếu Hilton, các cao ốc văn phòng Mỹ, những chuỗi cửa hàng phân phối. Nhưng đó là trước khi Bắc Kinh siết lại chính sách đầu tư, và Donald Trump khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nay HNA phải vội vàng bán đi gần 14 tỉ đô la cổ phiếu trong sáu tháng gần đây. Le Monde kết luận, kinh nghiệm xương máu này là bài học cho "chủ nghĩa tư bản theo kiểu Trung Hoa".

Những ngôi làng Miến Điện cấm cửa người Hồi giáo

Cũng về Châu Á, đặc phái viên Libération tìm đến "Những ngôi làng Miến Điện cấm cửa người Hồi giáo". Đó là West Phar Gyi và Sin Ma Kaw ở miền tây nam, hai trong số 20 làng Phật giáo trên cả nước đã tuyên bố "vùng cấm đối với đạo Hồi".

Ở lối vào West Phar Gyi, là một loạt những tấm bảng kỳ lạ, cảnh báo : "Quý vị bước vào một ngôi làng hòa bình, chỉ có người đạo Phật cư ngụ". Bên bờ sông là một tấm bảng rõ ràng hơn : "Vùng cấm Hồi giáo".

Tại "ngôi làng hòa bình" này, những tín đồ đạo Hồi bị cấm mua nhà đất, cấm cả việc buôn bán với dân làng. Đây là niềm hãnh diện của nhà sư đứng đầu ngôi làng, liên kết với phong trào 969 chủ trương dân tộc chủ nghĩa và bài Hồi giáo. Cách đó gần 200 km, làng Sin Ma Kaw cũng dựng những tấm pa-nô phân biệt chủng tộc : "Chúng tôi lương thiện và thuộc một chủng tộc thượng đẳng. Sin Ma Kaw phải luôn là một làng thuần Phật giáo".

Trong khi đó đền thờ Hồi giáo gần West Phar Gyi bị hư hại nặng nề do trận bão Nargis năm 2008, mười năm qua vẫn chưa xin được giấy phép tu sửa. Những bức tường nứt rạn, chuẩn bị đổ sụp xuống nền nhà chi chít những khe rãnh như một tấm gương vỡ.

Thái Lan : Bí mật cuộc giải cứu đội bóng Heo Rừng

Tại Thái Lan, Le Figaro tiết lộ những bí mật trong cuộc giải cứu các trẻ em bị kẹt trong hang động Tham Luang. Cả 13 cầu thủ nhỏ tuổi cùng với huấn luyện viên của đội bóng Heo Rừng đã được đưa lên mặt đất an toàn, và sẽ coi trận chung kết Cúp bóng đá thế giới từ giường bệnh.

Tại trung tâm chỉ huy ở tỉnh Chieng Rai, nơi 1.000 viên chức được huy động, nhà chức trách đã làm mọi cách, chuẩn bị chiến dịch giải cứu chưa từng thấy. Lực lượng hải quân Navy Seal đặt các bình oxy cứ mỗi 25 mét trong hang, tổng cộng 700 bình, trong lúc các máy bơm nước hoạt động hết công suất, tháo đi một lượng nước tương đương 400 hồ bơi Olympic, theo tính toán của Wall Street Journal.

Và Chủ nhật tuần rồi, các thợ lặn đã vào hang tối kèm từng em một, vượt qua dòng nước bùn trong năm tiếng đồng hồ. Sức nước mạnh đến nỗi có khi mặt nạ dưỡng khí bị tuột khỏi người cứu hộ. Mỗi em được một thợ lặn nắm chặt tay hướng dẫn, và một thợ lặn khác mang giúp bình oxy, ngoài bình dưỡng khí của bản thân mình, mỗi một bước hụt đều rất nguy hiểm.

Mối lo chính là tinh thần, nếu hoảng sợ có nguy cơ chết chìm. Do đó các trẻ em được cho uống thuốc an thần, tất cả đều trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh trong suốt cuộc hành trình. Chiến lược này được tướng Prayut Chan-O-Cha mập mờ tiết lộ, vì tất cả đều phải được giữ bí mật cho đến phút chót.

Donald Trump "đại náo" NATO

Về thời sự quốc tế, chủ đề được tất cả các báo đề cập đến là Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, được báo chí Pháp mô tả là diễn ra trong một không khí nặng nề.

Le Monde cho biết, khi chuyên cơ chở ông Trump hạ cánh xuống thủ đô Bỉ vào lúc 21 giờ thứ Ba 10/7, ra đón tổng thống Mỹ chỉ là người phụ trách nghi thức của Bộ Ngoại giao Bỉ. Không phải là thủ tướng, cũng không có bộ trưởng nào hiện diện, thành viên hoàng gia lại càng không.

Loạt đại bác đầu tiên của Donald Trump : "Nhiều nước không chịu trả tiền, và nói thẳng là nợ chúng tôi khá lớn từ nhiều năm qua". Loạt thứ hai : "Chúng tôi bảo vệ Đức, Pháp… và nói chung là tất cả". Viên đạn thứ ba dành cho bà Angela Merkel : "Đức hoàn toàn bị Nga kiểm soát vì dùng đến 60-70% năng lượng từ Nga". Tuy nhiên thủ tướng Đức vẫn trấn tĩnh, vì trong thâm tâm bà rất tin tưởng vào NATO.

Cũng theo Le Monde, trước khi ông Trump đến, chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã yêu cầu tổng thống Mỹ "tôn trọng các đồng minh hơn". Ông Tusk nhắc nhở, sau khi nước Mỹ bị khủng bố ngày 11/09/2001, lần đầu tiên kể từ năm 1949 NATO đã kích hoạt Điều 5 trong hiệp ước : trong trường hợp một đồng minh bị tấn công, thì tất cả các quốc gia thành viên đều liên quan.

Nước Pháp tràn trề hy vọng, Les Bleus thận trọng

Cuối cùng là World Cup 2018, đề tài chiếm nhiều trang báo nhất hôm nay, từ "Didier Deschamps, cuộc sống vì một ngôi sao thứ hai" (Le Figaro) cho đến đối thủ "Zatko Dalic, người lính cứu hỏa của Croatia (Libération)… Bài xã luận của La Croix nhắc nhở "Lòng ái quốc phải đặt đúng chỗ", trong khi xã luận Le Figaro ngoặt sang "Một trận bóng khác" - trận đấu giữa Donald Trump và cựu lục địa. Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định "World Cup, sức bật kinh tế cho bóng đá Pháp".

Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) chưa bao giờ có ngân sách dồi dào như thế, với thu nhập trên 250 triệu euro trong năm nay, hàng loạt nhà tài trợ quay trở lại, còn đội tuyển áo lam được trang Transfermarkt đánh giá có tổng trị giá 1,08 tỉ euro. Chỉ riêng tài năng trẻ Kylian Mbappé đã có thể đạt 400 triệu euro, theo L’Equipe.

Nếu thắng trong trận chung kết Chủ nhật tới, cả 23 cầu thủ đội Pháp sẽ nhận số tiền thưởng rất lớn : từ 350.000 đến 400.000 euro mỗi người, còn nếu thua cũng được 280.000 euro. Tuy nhiên Mbappé đã hứa sẽ tặng lại cho một hiệp hội giúp người khuyết tật, và các đồng đội của anh không ít thì nhiều, cũng sẽ tặng tiền cho các tổ chức từ thiện khác nhau.

Trong bài "Les Bleus đã rút được bài học của Euro 2016", Le Figaro ghi nhận câu nói của trung vệ 25 tuổi Paul Pogba, nhìn nhận hồi đó cả đội đều chủ quan, chắc thắng trước Bồ Đào Nha, nhưng nay sẽ không phạm lại sai lầm cũ là khinh địch.

Tựa chính báo Pháp

La Croixhôm nay đăng ảnh đội tuyển áo lam, chạy tựa "Một sự nhiệt thành đặc Pháp" : bản anh hùng ca đưa Les Bleus đến trận chung kết World Cup Chủ nhật 15/07/2018, đã tạo ra sự năng động trên toàn quốc.

Về giáo dục, Libération phàn nàn "Giáo dục đại học và cao đẳng : Các trường tư trúng số". Học phí đắt đỏ và thường thiếu nghiêm túc, các tư thục có một thị trường đang tăng trưởng với số sinh viên tăng lên.

Trong khi đó Le Figaro báo động "Khí hậu : Nóng gắt trên toàn hành tinh". Từ một tháng qua, các kỷ lục về thời tiết nóng nối tiếp nhau tại Bắc bán cầu. Các nhà khí tượng học dự báo những thời kỳ nóng bức sẽ trở nên thường xuyên hơn, gắt gao hơn và kéo dài hơn.

Le Mondenhìn sang "Thượng đỉnh NATO : Trump ngược đãi các đồng minh". Tổng thống Mỹ cáo buộc các quốc gia NATO không đầu tư đúng mức cho quốc phòng, đòi tăng chi quân sự lên 4% GDP. Donald Trump đả kích Đức lệ thuộc Nga về năng lượng, và cũng không nhẹ lời đối với Anh quốc đang trong vòng xoáy Brexit.

Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định "Chiến tranh thương mại đè nặng lên tăng trưởng" : Ủy ban Châu Âu phải giảm dự báo về mức tăng GDB trong khu vực đồng euro.

Thụy My

Published in Quốc tế

Trung Quốc thử nghiệm hàng không mẫu hạm tự chế tạo đầu tiên (RFI, 13/05/2018)

Truyền thông Trung Quốc loan báo chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do Bắc Kinh tự thiết kế và chế tạo đã bắt đầu chạy thử ngày 13/05/2018.

hkmh1

Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc đang rời cảng Đại Liên (Dalian), Liêu Ninh, ngày 13/05/2018 Reuters

Đây cũng là chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của hải quân Trung Quốc. Điều này khẳng định quyết tâm của Trung Quốc muốn tăng cường sức mạnh hải quân đối phó với Hoa Kỳ.

Truyền hình nhà nước CCTV và hãng thông tấn Tân Hoa Xã còn cho biết thêm là chiếc hàng không mẫu hạm mang tên "Type-001A", được hạ thủy hồi năm 2017, hôm nay đã chính thức rời cảng biển Đại Liên, đông bắc Trung Quốc lúc 6 giờ 45 phút.

Lần ra khơi đầu tiên của "Type-001A" này có mục đích thử nghiệm các hệ thống thủy lực, động cơ, và hải hành. Theo dự kiến, chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ được giao cho hải quân Trung Quốc trong năm 2018.

Hiện tại hải quân Trung Quốc chỉ có một chiếc hàng không mẫu hạm đang hoạt động : đó là chiếc Liêu Ninh, do Liên Xô thiết kế và được mua lại từ Ukraina.

Theo AFP, điểm giống nhau của cả hai chiếc hàng không mẫu hạm này là động cơ chạy bằng dầu (chứ không phải bằng năng lực hạt nhân), có thể chở khoảng 40 chiến đấu cơ và trang bị một bệ phóng máy bay bằng lực nhún. Thế nhưng, điểm bất lợi của hệ thống bệ phóng cũ này là để cất cánh, máy bay phải giảm bớt các loại vũ khí đạn dược, để có thể mang thêm nhiên liệu.

Hiện có nhiều phỏng đoán về việc Bắc Kinh đang tiến hành thiết kế một chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba, có thể được lắp đặt một hệ thống phóng máy bay bằng lực đẩy, theo như tiết lộ của một số chuyên gia quân sự với truyền thông Nhà nước.

Điều này cho phép hàng không mẫu hạm có thể chuyên chở các loại chiến đấu cơ có trang bị tên lửa và có thể thực hiện các nhiệm vụ lâu hơn.

Được xem như là cường quốc thứ hai trên thế giới, quân đội Trung Quốc đang công khai thể hiện sức mạnh quân sự hải quân đối phó với Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, cho dù ngân sách quân sự của Trung Quốc vẫn còn thấp hơn của Mỹ gần gấp 3 lần.

Minh Anh

*********************

Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay tự đóng (VOA, 13/05/2018)

Hàng không mẫu hm t đóng đu tiên ca Trung Quc hôm 13/5 đã ri cng đông bc nước này, bt đu hành trình chy th.

hkmh2

Tàu sân bay tự đóng ca Trung Quc ri cng Đi Liên.

Reuters dẫn li tin ca Tân Hoa Xã xác nhn tàu sân bay đã ri cng Đi Liên.

Hãng tin của Trung Quc nói rng chuyến hi hành này "ch yếu nhm kim tra s n đnh ca h thng cơ khí và các thiết b khác".

Tin cho hay, thiết kế ca tàu sân bay này da trên kinh nghim có được t hàng không mu hm đu tiên ca Trung Quc, tàu Liêu Ninh.

Liêu Ninh là tàu cũ, mua của Ukraine vào năm 1998 và được tái trang b ti Trung Quc.

Tờ South China Morning Post đưa tin rng tàu sân bay "made in China" này d kiến s đi vào hot đng vào cui năm nay, 12 tháng sm hơn d kiến.

hkmh3

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quc trong mt cuc tp trn tây Thái Bình Dương.

Theo Reuters, tin tức v chương trình tàu sân bay ca Trung Quc ít được loan ti vì đây là bí mt nhà nước.

Nhưng truyn thông nước này gn đây đã đưa ra các đn đoán v việc sm chy th nghim tàu sân bay đóng trong nước.

Truyền thông nhà nước Trung Quc đã trích dn các chuyên gia nói rng Trung Quc cn ít nht sáu tàu sân bay.

Chủ tch Tp Cn Bình đang giám sát mt chương trình đy tham vng nhm cng c lc lượng vũ trang của nước này, trong đó có máy bay tàng hình, gia bi cnh Trung Quc cng c ch quyn Bin Đông.

Published in Châu Á

Để hiểu cách tiếp cận ngày nay của Trung Quốc đối với các vấn đề như thương mại, chính sách đối ngoại hoặc kiểm duyệt internet, hãy cùng nhìn lại lịch sử quốc gia này.

quakhu1

Khổng tử - Ảnh minh họa

Đất nước này có lẽ tự ý thức về lịch sử của mình hơn bất cứ xã hội lớn nào khác trên thế giới. Việc hồi tưởng đó rất cục bộ - các sự kiện như Cách mạng Văn hóa của Mao vẫn rất khó để thảo luận ở Trung Quốc. Nhưng thật ngạc nhiên khi tiếng vang của quá khứ vẫn có thể được tìm thấy ở hiện tại.

Thương mại

Trung Quốc vẫn nhớ thời kỳ nước này bị buộc giao thương không theo ý muốn. Ngày nay, họ xem những nỗ lực đòi mở cửa thị trường của phương Tây như gợi nhớ về thời kỳ bất hạnh đó.

Mỹ và Trung Quốc hiện tranh cãi về việc liệu Trung Quốc có đang xuất khẩu vào Mỹ trong khi vẫn đóng cửa thị trường nội địa với hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, cán cân thương mại không phải lúc nào cũng có lợi cho Trung Quốc.

Ở Bắc Kinh có nhiều kỷ niệm về một thời kỳ, khoảng một thế kỷ rưỡi trước, khi Trung Quốc có ít quyền tự kiểm soát thương mại.

Anh tấn công Trung Quốc bằng các cuộc Chiến tranh Nha phiến, nổ ra vào năm 1839. Trong hàng thập niên sau đó, Anh thành lập tổ chức Dịch vụ Hải quan Hàng hải Hoàng gia để điều chỉnh thuế quan hàng hóa nhập vào Trung Quốc.

Tổ chức này là một phần của chính phủ Trung Quốc, nhưng vẫn mang đậm Anh, được điều hành không phải từ Bắc Kinh mà từ Portadown, Bắc Ireland.

quakhu2

Sir Robert Hart là tổng thanh tra của Cục Hải quan Hàng hải Hoàng gia của Trung Quốc từ 1863 đến 1911

Sir Robert Hart trở thành tổng thanh tra của Hải quan Trung Quốc, nơi thực tế là sân chơi cho người Anh trong một thế kỷ. Hart là người trung thực và giúp tạo ra nhiều thu nhập cho Trung Quốc.

Nhưng những ký ức của thời kỳ đó vẫn gây đau đớn.

Điều này rất khác dưới triều đại nhà Minh, vào đầu thế kỷ 15, khi Đô đốc Trịnh Hòa đưa bảy hạm đội lớn tới Đông Nam Á, sang Ceylon (tên gọi cũ của Sri Lanka ngày nay) và thậm chí tới cả bờ biển Đông Phi để giao thương và thể hiện sức mạnh Trung Hoa.

quakhu3

Những chuyến đi của Trịnh Hòa được ghi nhận ở khắp Đông Nam Á, chẳng hạn như trên bức tường của điện thờ này ở Penang, Malaysia

Những chuyến vượt biển của Trịnh Hòa một phần nhằm tạo ấn tượng.

Rất ít đế quốc khác có thể tự hào về những hạm đội viễn dương, và đó cũng là cơ hội để mang những vật phẩm kỳ lạ và tuyệt vời về Bắc Kinh, như là con hươu cao cổ đầu tiên cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, thương mại cũng rất quan trọng, đặc biệt ở các khu vực khác của Châu Á. Và Trịnh Hòa có thể, và đã chiến đấu khi ông muốn, đánh bại ít nhất một nhà cai trị của Ceylon.

Tuy nhiên, những chuyến vượt biển của ông là một ví dụ hiếm hoi của một dự án hàng hải do nhà nước thực hiện. Hầu hết giao dịch thương mại nước ngoài của Trung Quốc trong vài thế kỷ tới sẽ không chính thức.

Rắc rối với láng giềng

Trung Quốc luôn quan tâm làm sao các nước có chung biên giới với nước này ở trong tình trạng yên ổn. Đó là một phần lý do Trung Quốc quan hệ rất thận trọng với một Bắc Hàn khó đoán ngày nay.

Đây không phải là lần đầu Trung Quốc có vấn đề với các quốc gia láng giềng.

Thực tế, lịch sử cho thấy Trung Quốc còn có những người hàng xóm tệ hơn cả lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong- un, người gần đây đã có chuyến thăm bất ngờ đến Bắc Kinh, chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm 2011.

Dưới triều đại nhà Tống năm 1127, một người phụ nữ tên Lý Thanh Chiếu đã trốn khỏi nhà ở thành phố Khai Phong. Chúng ta biết đến câu chuyện của bà bởi vì bà là một trong những nhà thơ giỏi nhất của Trung Quốc, và các tác phẩm của bà vẫn được đọc rộng rãi. Bà chạy trốn vì đất nước bị tấn công.

Một bộ tộc từ miền bắc, tộc Nữ Chân đã nổi dậy chống Trung Quốc sau một thời gian dài liên minh không hài lòng với hoàng đế nhà Tống. Tầng lớp tinh hoa của nền văn minh Trung Quốc đã phải trốn chạy khắp cả nước khi thành phố bị đốt cháy.

Lý Thanh Chiếu đã phải chứng kiến bộ sưu tập nghệ thuật yêu quý của bà bị phân tán khắp các thành phố. Số phận của triều đại của bà là một bài học về sự nhân nhượng vô nguyên tắc với 'hàng xóm' có lẽ vẫn còn giá trị lâu dài.

Một thời gian, triều đại nhà Kim cai trị phương Bắc Trung Hoa, và nhà Tống lập nước mới ở Hoa Nam.

Nhưng cuối cùng, cả hai rơi vào tay Mông Cổ.

quakhu4

Được lập nên bởi Thành Cát Tư Hãn vào thế kỷ XIII, Mông Cổ trở thành đế chế láng giềng lớn nhất trong lịch sử

Các đường dịch chuyển trên bản đồ cho thấy định nghĩa về Trung Quốc thay đổi theo thời gian. Văn hóa Trung Quốc gắn liền với những tư tưởng nhất quán như ngôn ngữ, lịch sử và hệ thống đạo đức như Nho giáo.

Tuy nhiên, các tộc người khác như Mãn tộc và Mông Cổ từ phương Bắc đã nhiều lần chiếm Trung Quốc, cai trị nước này bằng việc sử dụng chung tư tưởng và nguyên tắc mà các dân tộc Trung Quốc dựa vào.

Những láng giềng này không phải lúc nào cũng ở yên. Nhưng đôi khi họ theo và thực hiện các giá trị Trung Quốc một cách hiệu quả giống như người Trung Quốc.

Lưu lượng thông tin

Ngày nay, internet Trung Quốc kiểm duyệt tài liệu nhạy cảm về chính trị và những người lên tiếng về các vấn đề chính trị bị chính quyền coi là có vấn đề có thể bị bắt hoặc tệ hơn.

Khó khăn trong việc nói lên sự thật với giới cầm quyền từ lâu đã là vấn đề. Các sử gia Trung Quốc thường cảm thấy họ phải viết điều nhà nước muốn hơn là điều mà họ nghĩ là quan trọng.

Nhưng Tư Mã Thiên - thường được coi là "sử gia vĩ đại" của Trung Quốc - đã chọn cách khác.

quakhu5

Sử ký Tư Mã Thiên có ảnh hưởng rất lớn

Tác giả của một trong những tác phẩm quan trọng nhất của biên niên sử Trung Quốc, thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, đã dám bảo vệ một vị tướng bại trận. Làm như vậy ông bị cho rằng đã sỉ nhục hoàng đế và bị thiến.

Tuy nhiên, ông đã để lại một di sản đã định hình việc viết sử ở Trung Quốc cho đến ngày nay.

Sử ký Tư Mã Thiên pha trộn nhiều nguồn khác nhau, phê bình những hình tượng từ quá khứ lịch sử, và cũng sử dụng sử truyền miệng để tìm ra thông tin trực tiếp từ những người tham gia về những gì đã thực sự xảy ra.

Tất cả điều này là một cách viết sử mới, nhưng nó tạo tiền đề cho những người ghi chép sau này : nếu bạn sẵn sàng mạo hiểm an toàn của mình, bạn có thể viết sử "một cách trần trụi" hơn là tự kiểm duyệt.

Tự do tôn giáo

Trung Quốc hiện đại khoan dung hơn với hoạt động tôn giáo so với thời kỳ Cách mạng Văn hóa của Mao - trong giới hạn - nhưng kinh nghiệm quá khứ khiến Trung Quốc thận trọng với các phong trào dựa trên đức tin có khả năng vượt tầm kiểm soát và đặt ra thách thức cho chính phủ.

Các ghi chép cho thấy sự cởi mở với tôn giáo từ lâu đã là một phần của lịch sử Trung Quốc.

quakhu6

Dưới triều đại của mình, Nữ hoàng Võ Tắc Thiên đã chấp nhận và thúc đẩy Phật giáo

Vào thế kỷ VII, Nữ hoàng Võ Tắc Thiên đã chấp nhận Phật giáo như một cách để đẩy lùi những gì bà xem như là chuẩn mực cứng ngắc của truyền thống Nho giáo Trung Quốc.

Dưới triều Minh, nhà truyền giáo Matteo Ricci đã đến triều đình và được đối xử như một người đối thoại đáng kính, mặc dù có thể có nhiều quan tâm đến kiến thức của ông về khoa học phương Tây hơn là những nỗ lực của ông nhằm thay đổi (tôn giáo) người nghe.

Nhưng đức tin luôn là một công việc nguy hiểm.

Cuối thế kỷ XIX, Trung Quốc bị biến động bởi một cuộc khởi nghĩa được khởi xướng bởi Hồng Tú Toàn, người tự xưng là em trai của Chúa Jesus.

Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc hứa hẹn mang lại một vương quốc hòa bình thiên đường cho Trung Quốc nhưng thực sự đã mang đến một trong những cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử, giết chết khoảng 20 triệu người theo một số thống kê.

Quân lính nhà nước lúc đầu thất bại trong việc kiềm chân lực lượng nổi dậy, và phải cho phép binh lính địa phương tự cách tân trước khi dập tắt cuộc khởi nghĩa với sự tàn bạo vô cùng vào năm 1864.

quakhu7

Cuộc khởi nghĩa Thái Bình cuối cùng đã bị đánh bại với sự giúp đỡ của lực lượng Anh và Pháp

Cơ đốc Giáo là trung tâm của cuộc nổi dậy khác vài thập kỷ sau đó. Năm 1900, phiến quân nông dân tự xưng là Nghĩa Hòa Đoàn xuất hiện ở miền Bắc Trung Quốc kêu gọi giết những người truyền giáo và cải đạo Cơ đốc giáo, sau này bị coi là những kẻ phản bội Trung Quốc.

Ban đầu, triều đình ủng hộ họ, dẫn đến cái chết của nhiều người theo đạo Cơ đốc Trung Quốc, trước khi cuộc nổi dậy cuối cùng bị dập tắt.

Qua thế kỷ sau, và cho đến ngày nay, nhà nước Trung Quốc đã thay đổi giữa khoan dung tôn giáo và sự lo sợ rằng nó có thể lật đổ nhà nước.

Công nghệ

Ngày nay, Trung Quốc tìm cách trở thành trung tâm thế giới về công nghệ mới. Một thế kỷ trước, Trung Quốc trải qua một cuộc cách mạng công nghiệp sớm hơn - và phụ nữ là trung tâm của cả hai.

Trung Quốc là nhà lãnh đạo thế giới khi nói đến trí tuệ nhân tạo (AI), nhận dạng giọng nói và dữ liệu khổng lồ.

Rất nhiều điện thoại thông minh trên khắp thế giới được chế tạo bằng các con chip do Trung Quốc sản xuất. Nhiều nhà máy sản xuất sử dụng nhân công là phụ nữ trẻ, những người thường phải chịu đựng điều kiện làm việc kinh khủng, nhưng cũng đang tìm kiếm một nơi trong nền kinh tế thị trường công nghiệp lần đầu tiên.

Họ thừa hưởng kinh nghiệm của những người phụ nữ trẻ cách đây 100 năm đã đến các nhà máy mọc lên ở Thượng Hải và đồng bằng sông Dương Tử.

Họ không sản xuất chip máy tính, nhưng dệt lụa và bông.

Công việc khó khăn và có khả năng gây bệnh phổi hoặc gây chấn thương và điều kiện ăn ở của công nhân vô cùng thiếu thốn.

Tuy nhiên, phụ nữ cũng nhớ lại niềm vui của việc tự kiếm đồng lương, tuy nhỏ nhoi và khả năng đến hội chợ hoặc nhà hát vào một dịp nghỉ hiếm hoi.

Một vài người thì đi xem - không phải để mua - tại các cửa hàng bách hóa mới sáng bóng ở trung tâm Thượng Hải, một trong những biểu tượng của sự hiện đại.

Ngày nay, trên đường Nam Kinh ở Thượng Hải, bạn vẫn có thể nhìn thấy tầng lớp trung lưu và công nhân mới của Trung Quốc đang được hưởng nhiều hàng hóa tiêu dùng như một phần của nền kinh tế theo hướng công nghệ hiện đại của Trung Quốc.

Quan điểm của các sử gia tương lai ?

Chúng ta đang sống ở một thời kỳ biến đổi đáng kể với Trung Quốc. Các sử gia tương lai sẽ lưu ý rằng một đất nước vốn nghèo và hướng nội vào năm 1978 đã trở thành - trong vòng một phần tư thế kỷ - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Họ cũng sẽ lưu ý rằng Trung Quốc là quốc gia quan trọng nhất để chống lại những gì dường như là một xu thế tất nhiên của dân chủ hóa.

Có thể các nhân tố khác như chính sách một con (đã chấm dứt) và việc sử dụng kiểm soát trí tuệ nhân tạo có thể thu hút sự chú ý của các nhà ghi chép tương lai. Hoặc có thể là một vài thứ khác như môi trường, thăm dò không gian hoặc tăng trưởng kinh tế, mà thậm chí còn chưa rõ ràng với chúng ta.

Một điều gần như chắc chắn - một thế kỷ từ giờ, Trung Quốc sẽ vẫn là nơi mê hoặc cho những ai sống ở đó và những ai sống với nó, và lịch sử phong phú của Trung Quốc sẽ tiếp tục định hướng hiện tại và tương lai của đất nước này.

Rana Mitter

(Giáo sư Đại học Oxford)

Nguồn : BBC, 23/04/2018

Published in Văn hóa

Trung Quốc bách hại người Công giáo không "yêu nước"

Le Figaro có bài phóng sự "Tại Phúc Kiến, các tín đồ trung thành với Roma phải trốn tránh để cầu nguyện". Trong lúc Bắc Kinh và Vatican đang xích gần lại với nhau, những người Công giáo lâu nay từ chối quy phục đảng cộng sản lo ngại phải hành đạo theo Giáo hội "chính thức" dưới sự điều khiển của Nhà nước Trung Quốc.

conggiao1

Một nhà thờ ở Trung Quốc. Ảnh minh họa (Wikimedia)

Đặc phái viên Le Figaro ở Lạc Giang (Luojiang) cho biết bốn thế kỷ qua, từ khi các sư huynh dòng Đa Minh đến vùng Mân Đông ở phía bắc tỉnh Phúc Kiến, Công giáo đã bám rễ tại khu vực ngư nghiệp này. Các nhà truyền giáo bị cấm đoán trong hơn 100 năm vào triều đại nhà Thanh, cho đến khi phương Tây chiến thắng trong cuộc chiến tranh nha phiến thế kỷ 19. Sau đó cộng đồng Công giáo tiếp tục bị bách hại dưới thời Mao Trạch Đông, đặc biệt trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa.

Cho dù trải qua các thời kỳ căng thẳng dữ dội với chính quyền, niềm tin của giáo dân không hề suy suyển. Ông Zhang, một tín đồ 74 tuổi, kể lại : "Khi tôi còn nhỏ, tất cả các nhà thờ đều trở thành đống gạch vụn. Chúng tôi phải bí mật cầu nguyện tại nhà".

Còn hiện nay ? Tờ báo mô tả : Một hang động có dòng suối chảy qua, lối vào hẹp đến nỗi phải cúi mình thật thấp. Bên trong, các giáo dân quỳ trước một bàn thờ nhỏ, trên có cây thánh giá, nến và những đóa hoa hồng, hát thánh ca bằng phương ngữ. Chính tại thôn Lan Khẩu (Lankou) này, giám mục Bai, tên thật là Pedro Sanz Y Jorda, cùng với bốn nhà truyền giáo Tây Ban Nha đã bị nhà Thanh hành quyết năm 1747. Đây là những thánh tử đạo đầu tiên tại Trung Quốc.

Trong số 80.000 giáo dân ở Mân Đông, đại đa số thuộc giáo hội "bất hợp pháp", nhìn nhận giáo quyền của Vatican. Họ chưa bao giờ chịu tham gia giáo hội của Nhà nước. Nhưng nay nhiều người đang lo ngại phải nằm dưới sự điều khiển của giáo hội Công giáo "yêu nước".

Một chủ quán ăn bất bình : "Tôi sẽ không đi lễ nếu giáo hội trở thành 'yêu nước'. Trong thập niên 80, một giám mục của giáo hội chính thức đã định đến đây nhưng bị chúng tôi đuổi đi !". Cũng như nhiều giáo dân khác, bà tỏ ra hãnh diện vì gia đình theo đạo dòng "chính thống"từ nhiều thế hệ. Nhưng một người khác cho biết : "Nếu Vatican và Bắc Kinh lập quan hệ ngoại giao, và Đức giáo hoàng gởi đến một giám mục 'yêu nước', chúng tôi không có chọn lựa nào khác".

Giai cấp công nông bị chính quyền cộng sản Trung Quốc xua đuổi

Cũng về xã hội Trung Quốc, một bài điều tra trên Le Figaro hôm nay cho biết "Bắc Kinh dẹp các trường học dành cho các công dân 'cấp thấp'". Chính quyền truy quét người lao động nhập cư qua việc phá hủy hàng loạt khu nhà ở và buộc các trường tư đang nhận con cái của họ phải đóng cửa.

Thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh mô tả ngôi trường Hoàng Trang (Huangzhuang) ở quận Thạch Cảnh Sơn (Shijingshan), nằm ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh. Được thành lập từ 20 năm qua, có gần 2.000 học sinh từ mẫu giáo cho đến trung học, đây là tư thục lớn nhất ở thủ đô Trung Quốc, đã gầy dựng được uy tín. Cho đến một ngày đen tối tháng 11 năm ngoái, chính quyền địa phương nói với ban giám hiệu là trường xây "bất hợp pháp". Từ tháng 8, một chiếc xe ủi đất đã xuất hiện trong sân trường, gây khủng hoảng cho tất cả mọi người.

Khoảng 20 trường tư dành cho con cái nông dân và công nhân đã bị Bắc Kinh đóng cửa vào năm ngoái, theo ghi nhận của tổ chức phi chính phủ New Citizen Program. Các em học sinh của Huangzhuang không còn cơ hội tiếp tục học tập tại Bắc Kinh, vì tại khu phố này có hai trường học đã bị phá hủy, và những trường còn lại không còn chỗ.

Phụ huynh vốn có công ăn việc làm ổn định tại thủ đô sẽ phải gởi con về vùng quê nghèo sống với ông bà. Tại đây các em có nguy cơ bị trầm cảm, học hành sa sút. Nhiều phụ huynh cùng với các giáo viên đã gởi thư ngỏ cho chính quyền, nhưng lá thư này đã bị cơ quan kiểm duyệt xóa mất trên internet.

Sự truy quét thô bạo các "mingong" ("dân công" theo từ Hán Việt, tức những người lao động từ tỉnh lẻ đến thành phố lớn làm việc) giúp chính quyền thành phố Bắc Kinh đạt mục tiêu hạn chế dân số ở mức 23 triệu người đến năm 2020, đồng thời thu hồi đất đai để bán lại với giá đắt. Nhà nghiên cứu Chloé Froissart nhận định : "Mặc dù về mặt chính thức, chính quyền hứa hẹn giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, nhưng mục tiêu của họ rõ ràng là xua đuổi dân nghèo khỏi các thành phố lớn, để Bắc Kinh và Thượng Hải chỉ gồm toàn giới tinh hoa, giàu có và học vấn cao".

Chiếc cầu khổng lồ nối Hoa lục với Hồng Kông và Macao

"Một cây cầu khổng lồ để phát triển California của Trung Quốc", đó là tựa đề một bài viết trên Le Monde, nói về công trình dài 55 kilomet vượt qua dòng sông Châu Giang, nối liền Hồng Kông, Macao với Hoa lục.

Chi phí xây dựng cây cầu cùng với hai hòn đảo nhân tạo lên đến 120 tỉ nhân dân tệ (trên 19 tỉ đô la) do tỉnh Quảng Đông cùng với hai đặc khu Hồng Kông và Macao đài thọ. Ở đầu cầu Hoa lục, sau khi vượt qua rào chắn kiểm soát có thiết bị nhận diện, xe cộ từ Hồng Kông có thể đến Chu Hải, Quảng Đông hay sang Macao. Phía Hồng Kông, chiếc cầu bắt đầu từ đảo Đại Nhĩ Sơn (Lantau) gần sân bay quốc tế, cảng vận chuyển hàng không lớn nhất thế giới.

Một khi được đưa vào sử dụng, chỉ cần nửa giờ là sang đến bờ bên kia thay vì bốn tiếng đồng hồ đi phà như hiện nay. Chiếc cầu này sẽ góp phần phát triển kinh tế bờ tây Châu thổ, và cụ thể hóa sự hội nhập của Hồng Kông với miền nam Hoa lục, khu vực được coi là "California của Trung Quốc".

Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại là hải quan Hồng Kông và Macao tương đối độc lập so với Hoa lục. Công dân Trung Quốc cũng không thể tự do từ Hoa lục đi sang Hồng Kông hay Macao, và ngược lại.

1/3 người Hồng Kông sẽ được chính phủ tặng không 500 USD

Riêng về kinh tế Hồng Kông, Le Monde cho biết chính quyền đã phân phối lại thặng dư ngân sách cho người dân.

Làm gì đây khi có dư đến 138 tỉ đô la Hồng Kông (17,6 tỉ đô la Mỹ) trong ngân sách hàng năm ? Đây là bài toán nhức đầu đối với bộ trưởng tài chính Hồng Kông, từ 15 năm qua. Địa ốc và chứng khoán là nguồn thu chính cho ngân sách, và cả hai lãnh vực này đều phát triển.

Phản đối ý kiến "tái phân phối" cho tất cả cư dân, năm nay chính quyền quyết định cứ ba người dân thì có một người sẽ được phát 4.000 đô la Hồng Kông (500 đô la Mỹ) tiền mặt. Tính ra có khoảng 2,8 triệu người Hồng Kông sẽ nhận được khoản tiền này, đó là những công dân trên 18 tuổi không sở hữu nhà đất, không nhận trợ cấp và không thuộc diện phải đóng thuế.

Tuy giàu có nhưng từ nhiều thập niên qua, Hồng Kông vốn tự hào là nền kinh tế tự do nhất thế giới, không hề muốn tạo ra một hệ thống phúc lợi khiến người dân dựa dẫm vào Nhà nước, chẳng hạn không hề có trợ cấp thất nghiệp.

Dân Miến Điện thất vọng về chính phủ Aung San Suu Kyi

Cũng tại Châu Á, Le Monde nhận định "Miến Điện thất bại về kinh tế, xã hội". Hai năm sau khi bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, sự thất vọng của người dân là quá lớn, đặc biệt đối với những người nghèo khổ nhất.

Than Shein, phu xích lô 68 tuổi thổ lộ : "Tôi là người xưa nay vẫn ủng hộ "Lady", và tôi vẫn quý mến bà. Nhưng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD-National League for Democracy) không giữ lời hứa lúc tranh cử. Nói thẳng là tôi thất vọng".

Trong cuộc bầu cử năm 2015, ông đã chở miễn phí nhiều cử tri đến phòng phiếu để họ bầu cho "Quý bà Răngun". "Nhưng nay tôi thấy những gì ? Các láng giềng từ một khu ổ chuột khác bị đuổi đi với cớ không có hộ khẩu. NLD chẳng hề làm gì giúp cho người nghèo".

Wanna Soe, thuộc tổ chức phi chính phủ WE Generation Network, nhận định : "Trong các vấn đề xã hội, NLD không khác mấy so với chính phủ tiền nhiệm. Các nhà lãnh đạo không dành ưu tiên cho đời sống công nhân, nông dân và sinh viên". Y tế, giáo dục chẳng có tiến triển nào.

Theo Tim Aye Hardy, người khởi xướng một dự án giáo dục, vấn đề là "sự bất tài của các bộ trưởng, quan chức ; cùng với tình trạng tất cả đều phải tập trung vào bà Aung San Suu Kyi. Bà coi trọng sự trung thành hơn là năng lực cán bộ". Bên cạnh đó, chính quyền cũng thiếu tầm nhìn bao quát về kinh tế vĩ mô. Yan Myo Thein, nhà bình luận nổi tiếng, vốn là cựu tù chính trị, cũng bày tỏ sự thất vọng : "Bà Suu Kyi là một nhà lãnh đạo độc đoán, thích nói nhưng ít khi chịu lắng nghe người khác".

Mỹ ngoảnh mặt với Nga

Nhìn sang phương Tây, Le Figaro cho biết "Giữa Washington và Matxcơva không còn gì để nói với nhau", trong cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.

Ngay cả trước khi bị mất đi 60 "nhà ngoại giao" bị Hoa Kỳ cáo buộc là gián điệp, bị các cánh cửa tại thủ đô nước Mỹ lần lượt đóng lại trước mặt Anatoli Antonov, đại sứ Nga tại Washington. Những yêu cầu hẹn gặp các viên chức và dân biểu hoặc bị bác, hoặc không được trả lời, khiến ông Antonov phải "kêu cứu". Có ít nhất 20 nhà lãnh đạo Mỹ đã từ chối gặp đại diện Nga.

Tờ Washington Post nói thêm, các cố vấn Nhà Trắng có ba lựa chọn trong việc trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga. Nhẹ nhất là trục xuất 30 điệp viên, giải pháp trung gian mà họ đã chọn là trục xuất 60 người trong đó có 12 nhân viên ở Liên Hiệp Quốc và đóng cửa lãnh sự quán ở Seatle. Còn giải pháp "hạng nặng" không được tiết lộ.

Tổng thống Donald Trump rất bực tức trước tuyên bố của ông Putin là các hỏa tiễn và ngư lôi nguyên tử Nga "bất khả chiến bại". Đến nỗi ông điện thoại cho tổng thống Pháp, thủ tướng Đức và Anh, nói rằng Nga "có vẻ nguy hiểm", phương Tây cần đoàn kết lại. Trong cuộc điện đàm với Vladimir Putin để hoan nghênh việc tái đắc cử tổng thống Nga, ông Trump đã nói : "Nếu ông muốn chạy đua vũ trang thì cứ chạy, nhưng tôi sẽ thắng !".

Giấc mộng chưa thành của Martin Luther King

Hôm nay là ngày nghỉ lễ Phục Sinh, làng báo Pháp chỉ có hai tờ xuất hiện trên các kiosque là Le FigaroLe Monde. Trang nhất của Le Figaro chạy tựa "Đức giáo hoàng kêu gọi giới trẻ dấn thân", còn Le Monde nói về mục sư Mỹ da đen nổi tiếng "Martin Luther King, 50 năm sau khi ông qua đời".

Le Mondedành phụ trang gồm 12 trang báo cho "Martin Luther King, giấc mộng chưa thành" -một cuộc du hành từ quá khứ đến hiện tại, từ mơ mộng đến thực tế ; theo dấu một nhân vật lịch sử mà vấn đề người da đen trong thời đại của Donald Trump vẫn còn là tâm điểm.

"Con người của một giấc mơ", đó là tựa đề một bài báo được đăng sau khi mục sư Martin Luther King bị ám sát hôm 04/04/1968 tại Memphis, tiểu bang Tennessee. Năm mươi năm đã trôi qua, những kỷ niệm về giải Nobel hòa bình 1964 vẫn còn sống động, cho đến nỗi đôi khi xóa nhòa những điểm yếu của ông.

"Giấc mơ" được bày tỏ trong bài diễn văn lịch sử "I have a dream" của mục sư King vẫn chưa thành. Cho dù một người da đen là Barack Obama đã trở thành ông chủ Nhà Trắng trong suốt tám năm, nhưng những rạn nứt và bất công mà Martin Luther King từng tố cáo vẫn còn đó.

Thụy My

Published in Châu Á