Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 13 décembre 2018 06:29

Những Vạn Lý Trường Thành mới ?

Ba tuần lễ tham quan không cho phép tôi nói về Trung Quốc như một chuyên gia, dù trước đó tôi cũng đã nghiên cứu và suy nghĩ khá nhiều về đất nước này. Tôi chỉ ghi ở đây những cảm nghĩ của một người mới thăm Trung Quốc lần đầu.

vanly1

Vạn Lý Trường Thành

Tuy vậy, có một câu nói mà tôi tin là đúng : những ấn tượng đầu tiên thường đúng. Kinh nghiệm cho thấy như vậy, và cũng dễ hiểu. Những cảm nghĩ đầu tiên là những cảm nghĩ của một người còn giữ nguyên vẹn khả năng so sánh, còn có thể quan sát trong toàn cảnh và một cách độc lập, không bị chìm đắm trong những chi tiết. Và nhất là chưa bị bối cảnh khống chế đến độ chấp nhận những giá trị và những điều "hiển nhiên phải như thế" trong cách suy nghĩ của những người trong cuộc. Chúng vừa có sự khách quan của một người ngoài cuộc, vừa có cái mãnh liệt của sự ngạc nhiên.

Mọi thực tại đều có lý do hiện hữu của nó. Xã hội Trung Quốc đã sinh hoạt một cách có tổ chức từ ít nhất ba ngàn năm và là một xã hội khá ổn vững, ít nhất về nhân sinh quan và chế độ chính trị, vậy tất nhiên thực trạng Trung Quốc phải có lý của nó. Điều quan trọng là không được chấp nhận cái "lý" này nếu ta muốn phán đoán về nó một cách đúng đắn. Trên cách tiếp cận đó, tôi đã từ chối quan sát và suy nghĩ về Trung Quốc như một người Trung Hoa dù tôi có thể hiểu họ, cũng như tôi vẫn thường cố không suy nghĩ về Việt Nam như một người Việt Nam, dù tôi hiểu tại sao đồng bào tôi lại ứng xử như thế.

vanly2

Cảnh đẹp Quảng Tây

Cuộc thăm viếng Trung Quốc của tôi dĩ nhiên là để tìm hiểu đất nước bao la này. Nhưng còn một lý do khác không kém quan trọng, đó là tìm hiểu thêm về đất nước mình và chính mình. Trung Quốc hiện diện một cách áp đảo trong lịch sử, tâm lý và văn hóa Việt Nam. Chúng ta tiếp xúc lần đầu tiên với một nền văn minh thực sự nhờ người Trung Quốc. Họ trực tiếp đô hộ chúng ta trong hơn một ngàn năm và gián tiếp đô hộ chúng ta qua văn hóa trong gần hết phần còn lại của lịch sử. Tư tưởng, thi ca, nghệ thuật của chúng ta đầy những điển tích, nhân vật và địa danh Trung Quốc.

Trong ngôn ngữ của chúng ta, hầu hết những khái niệm trừu tượng là mượn của tiếng Trung Hoa. Chính sách mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang theo đuổi cũng rập khuôn theo Trung Quốc và trái ngược với trào lưu chung của thế giới. Chính vì vậy mà chúng ta khó có thể hiểu rõ đất nước mình nếu không hiểu khá rõ Trung Quốc. Tôi đã đầu tư khá nhiều thời giờ để học hỏi về Trung Quốc và đến đây trong một cố gắng tìm những sự kiện phản bác những gì mình cho là đã biết hoặc hiểu về đất nước này.

Nhận xét đầu tiên của tôi là Trung Quốc rất biệt lập với thế giới bên ngoài. Không thể tìm thấy một cuốn sách, một tạp chí hay một tờ báo nước ngoài nào trong các nhà sách hay sạp báo. Trong suốt ba tuần lễ tôi chưa gặp được một người Trung Hoa biết nói một ngôn ngữ nào ngoài tiếng Trung Quốc, trừ một vài hướng dẫn viên du lịch và nhân viên phi trường.

Đoàn của chúng tôi hơn mười người, nửa Pháp nửa Việt, đi theo một chương trình do chúng tôi tự sắp đặt. Chúng tôi đã biết trước là rất khó tìm được những người Trung Quốc biết ngoại ngữ và đã thuê trước những hướng dẫn viên thạo tiếng Việt, nhưng chúng tôi không thể ngờ người Trung Quốc kém ngoại ngữ đến mức độ đó. Ngay trong những khách sạn dành cho du khách mà chúng tôi đi qua không có bất cứ ai, kể cả các tiếp viên và ban quản lý, biết một chữ tiếng Anh nào (đừng nói những ngôn ngữ phương Tây khác). Tôi cũng không tìm ra những quán café-internet, mặc dù chúng tôi luôn luôn ở những khu trung tâm náo nhiệt nhất.

Tôi vẫn biết Trung Quốc là một nước đóng kín nhưng không thể ngờ là họ ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài đến mức độ đó. Trừ tôi, tất cả những bạn trong đoàn đều đã thăm viếng Việt Nam gần đây. Họ đều đồng ý là về điểm này Việt Nam và Trung Quốc khác hẳn nhau. Mặt khác, tôi cũng lưu ý là chỉ có rất ít du khách đến từ nước ngoài. Cho tới nay du lịch Trung Quốc chủ yếu là du lịch nội địa.

Vài ngày trước khi lên đường đi Trung Quốc, tôi có đọc trên một tạp chí Mỹ một chương trình dạy tiếng Anh cho 175 triệu người, nghĩa là 12% dân số Trung Quốc. Chương trình này hình như chưa khởi sự.

Mỗi ngôn ngữ đều chuyên chở một lịch sử và một cách suy nghĩ. Người Trung Quốc chỉ biết một ngôn ngữ của họ. Cách suy nghĩ của họ sẽ không thay đổi bao nhiêu trong một tương lai gần. Người Trung Quốc có thể làm việc một cách khác nhưng họ sẽ vẫn tiếp tục suy nghĩ như trước trong một thời gian dài. Nhận xét này khiến tôi tự hỏi logic nào đã khiến cho những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong cố gắng đổi mới lại chọn bắt chước Trung Quốc, một quốc gia chưa thể đổi mới thực sự ?

Điều ngạc nhiên thứ hai của tôi là người Trung Quốc rất trẻ. Trong tất cả những thành phố mà chúng tôi đi qua chỉ thấy những thanh thiếu niên, từ 15 đến 30 tuổi, và trẻ em. Tất cả những người bạn cùng đi với tôi đều khẳng định người Trung Quốc trẻ hơn người Việt Nam nhiều. Rất khó mà gặp ở ngoài đường, trong khách sạn, những nhà hàng hay những cửa hiệu một người mà tôi có thể đoán là ngoài 50 tuổi.

Vậy những người đứng tuổi và những người già ở đâu ? Họ tập trung ở những công viên, tập thái cực quyền, từng toán từ 20 đến 30 người. Một cảnh ngộ nghĩnh thường gặp là có những người ngồi ghế công viên đánh đàn và hát một mình. Ai thích thì đứng lại nghe, người hát hoàn toàn không có vẻ bị làm phiền hay được khuyến khích.

Nhưng nếu kể cả trong những người già trong các công viên, và ước lượng một cách rộng rãi, thì số lượng của họ cũng không đáng kể so với thanh thiếu niên. Sự trẻ trung của người Trung Quốc là một trong những hiện tượng làm tôi bối rối nhất trong cuộc thăm viếng này. Tôi được biết là từ gần nửa thế kỷ nay chính quyền Trung Quốc thi hành triệt để chính sách "mỗi gia đình một đứa con duy nhất". Một người bạn Trung Quốc của tôi gọi là chính sách 421, nghĩa là bốn ông bà, hai cha mẹ, một đứa con. Nếu đúng như thế thì dân số Trung Quốc đã phải giảm đi rất nhanh chóng và tuổi trung bình của người Trung Quốc phải cao chứ không thể trẻ, quá trẻ, như vậy được. Như vậy cả chính sách một con lẫn cái tuổi thọ trung bình 71, theo thống kê chính thức, đều rất xa sự thực.

Về chính sách một con, tôi có dịp trò chuyện với một anh hướng dẫn viên. Anh này cười nói với tôi là đã có hai con gái và còn muốn có thêm một con trai như hầu hết mọi người Trung Quốc. Anh ta là công chức như hầu hết mọi nhân viên các công ty du lịch, nếu bị phát giác là có quá một con sẽ bị đuổi việc và mất hết mọi quyền lợi. Vợ anh ta về nhà quê đẻ đứa con thứ hai, chính quyền địa phương không làm khó dễ, coi như không biết đến việc chị ấy đẻ con, một thời gian sau chị ấy bồng con về thành phố sống bình thường, không ai thắc mắc chuyện họ có hai đứa bé trong nhà. Thế còn đến lúc cháu bé phải đi học ? Cũng không sao vì nhà trường chỉ đòi hỏi khai qua loa. Tại cơ quan, ông giám đốc dù biết anh ta có hai con cũng làm như không biết. Nói chung, về điểm này, cả xã hội sống trong sự giả dối.

Tôi có hỏi về cuộc sống của những người già. Anh ta nói tùy trường hợp. Ban ngày họ ra công viên sống với các bạn cùng tuổi và ăn trưa với nhau, nếu thuận với con cháu thì về sớm nấu cơm cho các cháu, nếu không thì tối mịt mới về, ăn uống cho xong rồi đi ngủ. Còn nếu yếu quá không đi ra công viên được nữa ? Hay nếu ban ngày mệt mỏi muốn nằm nghỉ ? Anh hướng dẫn của tôi trả lời bằng một nụ cười. Hình như chưa ai hỏi anh như vậy.

Tôi từng đọc nhiều bài và sách nhận định rằng "phát triển của Trung Quốc chỉ có bề mặt chứ không có chiều sâu". Ngay ngày đầu tiên tới đây tôi ý thức rằng câu nói này phải được hiểu theo cả nghĩa đen của nó. Các khách sạn dù là cao nhiều chục tầng đều không có các tầng hầm. Tuyệt đối không có bãi đậu xe dưới mặt đất. Không cần cố gắng lắm cũng có thể suy ra rằng hệ thống cống rãnh thoát nước được đơn giản hóa tới mức tối đa, nếu có.

Trên máy bay từ Tây An về Côn Minh, tôi đọc trên tờ China Daily, tờ nhật báo duy nhất bằng ngoại ngữ tại Trung Quốc, dĩ nhiên là báo nhà nước và cũng chỉ tìm thấy trên máy bay : 278 thành phố, 5.000 thị xã và 20.000 thị trấn hoàn toàn không có hệ thống xử lý nước thải. Một trong những hậu quả thấy được của sự kiện "phát triển bề mặt mà không có bề sâu" này là kẹt xe. Dù trong những thành phố giàu có nhất, nếu kể cả ngoại thành, số hộ có xe hơi mới chỉ ở mức 30% (riêng ở thành phố Quảng Châu, thành phố giàu có nhất Trung Quốc, hơn cả Thượng Hải và Thẩm Quyến, tỷ lệ này là 50%), giao thông đã kẹt cứng hầu như suốt ngày. Lý do đầu tiên là vì các xe đều phải đậu trên mặt đất và choán lề đường. Lý do kế tiếp là vì các thành phố Trung Quốc chủ yếu chỉ có những đại lộ rất rộng ở khá xa nhau và rất thiếu những đường nhỏ cho phép đi tắt. Do đó có thể xe phải chạy một lộ trình dài gấp nhiều lần khoảng cách theo đường chim bay giữa điểm đi và điểm tới. Sự thiếu hệ thống thoát nước thải có lẽ không có trách nhiệm về tình trạng dơ bẩn và hôi thối của các cầu tiêu. Các anh hướng dẫn viên nói đùa rằng đây là hương vị quốc hồn quốc túy của Trung Quốc. Trừ những ngoại lệ rất hiếm hoi, các WC không có giấy vệ sinh.

Nói đến hệ thống thoát nước là đã đề cập đến vấn đề môi trường. Một lần nữa không gì bằng đến tận nơi và nhìn tận mắt. Cả thế giới biết rằng Trung Quốc đang có vấn đề môi trường nghiêm trọng. Một mặt miền Bắc Trung Quốc đang dần dần bị sa mạc hóa và rất thiếu nước, lượng nước để sử dụng cho mỗi người Trung Quốc chỉ bằng từ 10 đến 15% mức trung bình thế giới. Mặt khác, chính sách phát triển kinh tế bất chấp môi sinh, xây ồ ạt các nhà máy, không xử lý nước thải và phế liệu, sử dụng tối đa phân hóa học đã khiến toàn bộ sông ngòi và các mạch nước ngầm bị nhiễm độc.

Những thống kê tôi đã đọc cho biết 2/3 dân chúng Trung Quốc không có nước sạch để uống. Khi đến nơi tôi nhận ra rằng con số này rất sai. Sự thực là toàn dân Trung Quốc, có lẽ trừ một thiểu số không đáng kể ở miền Tây ngay thượng nguồn các dòng sông, đều không có nước uống được. Tất cả mọi người Trung Quốc đều quả quyết điều này. Họ phải uống nước đã được đun sôi. Các hướng dẫn viên khuyên chúng tôi đừng đánh răng bằng nước máy. Nhưng đun sôi chắc chắn không phải là giải pháp, bởi vì các hóa chất độc vẫn còn nguyên vẹn. Thật khó tưởng tượng một khối một tỷ rưỡi người không còn nước sạch.

vanly3

Mặt trời không còn mọc trên bầu trời Trung Quốc

Một điều khó tưởng tượng khác mà tôi nhận ra khi đến đây và không hiểu tại sao các tài liệu không nhấn mạnh là mặt trời không còn mọc trên Trung Quốc. Ngay cả trong những ngày nóng nực, người ta biết là mặt trời ở đâu đó trên đầu mình nhưng không thể nhìn thấy, bởi vì nó bị cả một khối hơi vàng đục che khuất. Tôi hỏi cả bốn anh hướng dẫn viên của tôi, họ đều trả lời đó là vì khí thải của các nhà máy. Đã bao giờ nhìn thấy mặt trởi chưa ? Một anh đáp không nhớ. Các anh khác lắc đầu.

Chính sách đổi mới kinh tế đã giúp người Trung Hoa đủ ăn và đủ mặc nhưng đã cướp mất của họ hai tài sản quí báu hơn nhiều : nước và không khí. Một tài liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết chính quyền Trung Quốc đã bỏ ra một ngân khoản 5 tỷ USD để cứu con sông Dương Tử. Chương trình này được khởi sự năm 2002 và vừa chấm dứt sau khi số tiền đã tiêu hết với kết luận : không thể cứu được sông Dương Tử, nước sẽ ngày càng độc hơn và mọi sự sống sinh vật sẽ chấm dứt trên dòng sông này trong vài năm nữa. Dĩ nhiên nếu nhanh chóng thiết lập hệ thống xử lý nước thải một cách nghiêm chỉnh cho tất cả mọi nhà máy, hay nếu đóng cửa các nhà máy, trên lưu vực thì trong một vài năm nước sông Dương Tử sẽ sạch trở lại, nhưng như thế kinh tế sẽ phá sản và Trung Quốc sẽ rơi vào bạo loạn. Nhiều chuyên viên về Trung Quốc đã khẳng định rằng tất cả những thành tựu kinh tế của 30 năm hiện đại hóa nếu qui ra tiền thì cũng không đủ để sửa chữa những tàn phá gây ra cho môi trường trong cùng thời gian. Phải đến đây mới thấy rằng họ nói đúng.

vanly4

Thắng cảnh Tây Sơn Long Môn

Sự tàn phá môi trường không phải chỉ do chính sách mà còn do sự ngu xuẩn của những người lãnh đạo. Một thí dụ là hồ Điền Trì ở Côn Minh (Vân Nam) mà tôi đã thấy khi thăm thắng cảnh Tây Sơn Long Môn. Hồ này là cả một kỳ quan của thiên nhiên. Nó rộng 320 km2, trên cao độ 2.000 m. Ba mươi năm trước chính quyền đã cho xây dựng trên bờ hồ một số nhà máy hóa chất. Chỉ vài năm sau khi các nhà máy này bắt đầu hoạt động nước hồ bị nhiễm độc hoàn toàn. Người ta nhận ra và hốt hoảng gỡ bỏ các nhà máy, nhưng đã quá trễ, các chuyên gia ước lượng phải 50 năm nữa nước hồ mới trở lại tình trạng bình thường. Hiện nay vẫn còn một lớp váng xanh dầy bao phủ mặt hồ.

Sự hủy hoại môi trường, và chính đất nước Trung Quốc, có thể ngăn chặn và đảo ngược được không ? Tôi nghĩ là không dưới chế độ này. Một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao là sự chính đáng duy nhất của chế độ vì thế nó phải được duy trì bằng mọi giá. Họ không thể đóng cửa những nhà máy gây ô nhiễm, cũng không thể bắt buộc các nhà máy phải có hệ thống xử lý chất thải vì như thế giá thành của hàng Trung Quốc sẽ tăng vọt và xuất khẩu sẽ sụp đổ. Và họ cũng không thể ngừng xây dựng các nhà máy, kể cả những nhà máy phát điện chạy bằng than đá, vì như thế đà tăng trưởng sẽ khựng lại ngay. Trên thực tế họ đang dự trù xây dựng thêm hàng trăm nhà máy phát điện chạy bằng than đá khác dù chúng là nguyên nhân ô nhiễm chính. Chế độ Trung Quốc đã đi vào logic tự sát, nó sẽ phải tiếp tục tàn phá môi trường. Thay đổi sẽ chỉ đến khi người Trung Quốc thấy rằng họ không thể sống được nữa với tình trạng ô nhiễm này. Trong lịch sử của họ người Trung Quốc đã chỉ nổi dậy khi họ bị dồn vào chỗ chết. Lần này có thể họ sẽ chỉ phản ứng khi đã quá trễ để Trung Quốc còn có thể có một tương lai đúng nghĩa.

Và làm sao người Trung Quốc có thể sống với nước và không khí ô nhiễm đến mức độ như vậy và còn đang tiếp tục ô nhiễm hơn ? Điều này có thể giải thích tại sao người Trung Quốc trẻ như vậy. Họ không thể sống thọ.

Tôi đã từng nghe nói tới một khối từ 100 đến 200 triệu người Trung Hoa từ nông thôn ra các thành phố lớn sống lang thang bằng những công việc chân tay tạm bợ. Tôi mới chỉ có dịp tiếp xúc rất giới hạn với họ. Tại nhà ga Bắc Kinh. Trước nhà ga, trên quảng trường dài khoảng một kilômét và rộng trên 200 mét, chen chúc những con người. Họ đi lại, nằm và ngủ la liệt bên cạnh những gói hành lý. Người đông và chật đến độ phải chen lấn mới vào được nhà ga. Cả đoàn chúng tôi chỉ sợ lạc nhau, không ai nghĩ tới chụp ảnh. Tôi chưa bao giờ thấy một đám đông như thế. Buổi sáng chúng tôi tới nhà ga Tây An và cũng thấy một đám đông ghê gớm, dù không thể so sánh được với Bắc Kinh. Tây An cũng đang phát triển mạnh và người ta cũng đổ xô về đây tìm việc làm.

Chúng tôi đi đường sắt ba lần, Bắc Kinh-Tây An, Côn Minh-Quảng Châu và Quảng Châu-Hàng Châu. Tất cả đều là những tuyến đường rất dài, trên 12 giờ. Chặng đường Côn Minh-Quảng Châu kéo dài 18 giờ. Những chặng đường dài đó cho phép tôi nhận xét nông thôn Trung Quốc còn rất nghèo, đồng thời cũng cho thấy sự chênh lệch giàu nghèo giữa miền Đông và miền Tây, giữa miền Nam và miền Bắc. Ngay tại miền Nam, giàu có hơn hẳn so với miền Bắc, đồng quê Trung Quốc cũng còn tiều tụy hơn hẳn những làng tại Pháp đã bị bỏ rơi từ một nửa thế kỷ qua. Điều này chứng tỏ rằng trong chiều sâu Trung Quốc còn chậm hơn Châu Âu ít nhất một thế kỷ.

Sự phồn vinh của Trung Quốc chỉ tập trung trong một vài thành phố lớn : Bắc Kinh, Tây An, Trùng Khánh, Côn Minh, Quảng Châu, Thẩm Quyến, Thượng Hải… Và như trên đã nói, nó chỉ có bề mặt chứ không có chiều sâu, xây dựng dưới lòng đất quá tốn kém, không đem lại lợi nhuận trước mắt, lại không phơi bày được sự hào nhoáng. Phải nói thêm là nó cũng chỉ có bề ngoài chứ không có bề trong. Tôi đã cố gắng để ước lượng bề dầy của nó. Ngay tại những khu rất sang, chỉ cần đi vào các đường hẻm - mà tiếng Trung Quốc gọi là hutong (hồ đồng) - là đã có thể nhìn thấy sự nghèo khổ. Ấn tượng khá mạnh vì, khác với Việt Nam, sự nghèo khổ đi đôi với dơ bẩn và hôi hám.

vanly5

Ai đến Quế Lâm mà không đi du thuyền trên dòng Lý Giang từ Quế Lâm tới Dương Sóc thì quả là một sai lầm, cảnh đẹp ở đây chỉ có thể nhìn và ngưỡng mộ chứ không thể tả.

Những gì tôi viết trên đây có thể cho cảm giác một bức tranh đen tối về Trung Quốc. Không hẳn như vậy. Có những nơi tuyệt đẹp. Thạch Lâm (Vân Nam) xứng đáng là "thiên hạ đệ nhất kỳ quan". Quế Lâm đẹp hơn mọi thành phố trên thế giới, rất sang và cũng rất sạch, bên cạnh dòng sông Lý Giang thơ mộng (rất tiếc là đang cạn dần nước, cũng như sông Châu Giang mà nó đổ vào). Quế Lâm không đẹp đến độ gây sửng sốt như Thạch Lâm, nhưng rộng hơn và thơ mộng hơn. Quế Lâm giống như một Hoa Lư phóng đại ở tỷ lệ Trung Quốc/Việt Nam. Nguyên soái Trần Nghị, có lúc làm bộ trưởng ngoại giao, từng nói đã tới Quế Lâm rồi thì cũng không cần mơ tới chốn thần tiên nữa. Tôi chia sẻ cảm giác này.

Ai đến Quế Lâm mà không đi du thuyền trên dòng Lý Giang từ Quế Lâm tới Dương Sóc thì quả là một sai lầm, cảnh đẹp ở đây chỉ có thể nhìn và ngưỡng mộ chứ không thể tả. Trên bờ sông này có núi Phục Ba thờ Mã Viện, danh tướng Hán có tước hiệu Phục Ba Tướng Quân, người đã đánh bại cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng và áp đặt ách đô hộ trong gần một ngàn năm của Trung Quốc trên nước ta. Quế Lâm như vậy có một ý nghĩa biểu tượng của sự thống trị của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đó cũng là nơi mà năm 1948 Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chọn để gửi một ngàn thiếu niên ở lứa tuổi từ 10 đến 15 để đào tạo thành những đảng viên cốt lõi ; nhiều người sau này trở thành những cấp lãnh đạo cao cấp, trong đó có ông Trần Đình Hoan, ủy viên bộ chính trị, trưởng ban tổ chức trung ương đảng. Một sự tình cờ có ý nghĩa.

Từ Côn Minh tới Quảng Châu, đường sắt nhiều đoạn đi song song với dòng sông Việt Giang, con sông lớn thứ ba của Trung Quốc. Con sông này đã là nguyên nhân khiến nước ta mang tên Việt, bởi vì người Trung Hoa gọi gộp tất cả những dân tộc phía Nam cách khá xa sông Dương Tử, nơi có sông Việt Giang, là Bách Việt. Những dân tộc này nói chung là những dân tộc ở Nam Hoa và hầu như không có liên hệ chủng tộc nào với chúng ta trước khi người Trung Quốc áp đặt sự thống trị của họ.

Một cách ngộ nghĩnh, dân tộc Việt duy nhất còn lại không phải là Việt theo nghĩa ban đầu của người Trung Hoa. Chỉ còn rất ít người biết đến tên Việt Giang. Con sông này mang nhiều tên qua các tỉnh khác nhau. Ở Vân Nam nó mang tên Bàn Long Giang, sang tỉnh Quảng Tây trở thành Ung Giang, vào Quảng Đông nó thành Hương Giang, từ Quảng Đông ra biển nó mang tên Châu Giang. Ngày nay người ta thường biết tới nó như là Châu Giang, do tầm quan trọng kinh tế áp đảo của khu vực Quảng Châu, Thẩm Quyến, Hồng Kông, Chu Hải.

Chuyến đi này cũng đã cho phép tôi đến những địa danh và dấu tích của những nhân vật đã hiện diện một cách mạnh mẽ trong lịch sử và văn học nước ta, và đã phần nào nuôi dưỡng trí tưởng tượng của tôi trong tuổi thiếu thời. Cung cấm Bắc Kinh, Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Đường Cao Tông, Huyền Trang, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, v.v. Tôi cũng đã đi dạo thuyền trên Tây Hồ để nhớ đến Tây Thi, và thăm lăng Triệu Văn Vương (tức Triệu Hồ, cháu nội Vũ Vương Triệu Đà). Lăng này được coi là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của Trung Quốc. Nó còn nguyên vẹn và ngày nay một viện bảo tàng lớn được xây dựng ngay trên ngôi mộ, trưng bày hàng chục ngàn di vật được chôn theo vị vua thứ hai của nước Nam Việt, cùng với di cốt của 15 người, trong đó có hoàng hậu và bốn cung nữ, bị chôn theo để tháp tùng hầu hạ vua trong thế giới bên kia.

Từ trước vẫn có một cuộc tranh luận chung quanh câu hỏi : nhà Triệu có phải là một dòng vua Việt Nam không ? Đại Việt Sử Ký Toàn Thư coi nhà Triệu là một dòng vua Việt Nam, Nguyễn Trãi cũng nghĩ như thế khi ông viết trong Bình Ngô Đại Cáo : "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần dựng ra nước ta…". Một số sử gia lại chỉ coi nhà Triệu như một ngoại bang thống trị. Cho tới nay tôi không có ý kiến trong cuộc tranh luận này, nhưng sau khi thăm viếng ngôi mộ này và những di vật của nó, tôi thiên về lập trường thứ hai. Tất cả mọi dấu hiệu cho thấy nhà Triệu thuần túy là một triều đình Trung Quốc. Vả lại, bản đồ nước Nam Việt được các nhà sử học vẽ lại và trưng bày trong viện bảo tàng cũng chỉ gồm có hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và một phần rất nhỏ của miền Bắc nước ta ven vịnh Hạ Long. Sử Việt Nam cũng không chép lại được một việc gì nhà Triệu đã làm trên nước ta, dù họ kéo dài một thế kỷ. Nhận định thực tế nhất có lẽ là Nam Việt chỉ là một vương quốc tự trị ở Quảng Tây, Quảng Đông có uy quyền trên một phần nhỏ của Bắc Việt mà thôi.

Có một nét đặc trưng nổi bật trong suốt dòng lịch sử Trung Quốc và vẫn còn rõ rệt ngày nay, đó là người Trung Hoa có khuynh hướng lấy lượng để thay thế cho phẩm, lấy sự to lớn thay thế cho sự sáng tạo, lấy số nhiều tạo ấn tượng cho sự độc đáo. Các nhà trong các cung điện không khác gì nhau, chúng chỉ gây ấn tượng vì số lượng. Ngày nay người Trung Quốc hình như vẫn giữ tâm lý đó. Họ phát triển về lượng hơn là về phẩm. Khác với Ấn Độ, kinh tế Trung Quốc tập trung vào những sản phẩm kỹ thuật thấp. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu nhiều chứ không phải nhờ xuất khẩu những mặt hàng đắt giá. Và họ dùng tiền thu được của xuất khẩu để mua những mặt hàng có giá trị khoa học kỹ thuật cao. Họ phải xuất khẩu một tỷ áo sơ mi để mua vào một máy bay Airbus 380. Cũng vẫn một công thức.

Tôi cũng đến Trung Quốc để nhận định về mô hình phát triển Trung Quốc vì đó là mô hình mà Đảng cộng sản Việt Nam đang cố bắt chước.

Cho tới nay Trung Quốc luôn luôn hóa giải những dự đoán bi quan về họ. Đã có rất nhiều chuyên gia quả quyết Trung Quốc sẽ lâm vào bế tắc và phá sản. Họ là những chuyên gia thượng thặng, lý luận của họ rất vững chắc và không thể sai, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng hơn 10% mỗi năm và ngày càng tỏ ra giàu đẹp hơn. Có một bí mật nào đó cần được giải thích. Trong chuyến viếng thăm này, tôi có cảm tưởng đã nắm bắt được phần đầu của câu trả lời : Trung Quốc còn một dự trữ khổng lồ của một khối người nghèo khổ siêng năng và cần mẫn, sẵn sàng chấp nhận tất cả. Trung Quốc vẫn còn có thể tiếp tục như hiện nay - nghĩa là khai thác và xuất khẩu sự nghèo khổ - khá lâu, rất lâu. Với cái giá mà đại đa số người Trung Quốc sẽ phải trả. Họ sẽ phải sống rất cực nhọc và sẽ không sống thọ với nước và không khí rất ô nhiễm và ngày càng ô nhiễm hơn.

Một cái giá khác là Trung Quốc sẽ định cư trong sự thua kém trong một thế giới đã đi vào kỷ nguyên văn minh tri thức, trong đó ý kiến và sáng kiến quyết định chỗ đứng của các dân tộc. Nhưng ý kiến và sáng kiến chỉ phát triển trong những xã hội tự do, nơi con người liên tục từ chối hiện tại để đổi mới và vươn lên. Tôi không thảo luận những vấn đề chính trị và xã hội với những người bạn Trung Quốc của tôi. Qua ánh mắt họ tôi biết trước họ không có gì để nói. Tôi có thói quen quan sát một dân tộc qua cái nhìn và thái độ của họ. Cái nhìn của những người Trung Quốc là cái nhìn của những người sống bên lề cuộc đời, thái độ của họ là thái độ nhẫn nhục và chịu đựng. Họ không đòi hỏi và chờ đợi gì ở đất nước họ. Chắc chắn họ cũng không đặt vấn đề về cái trở thành của Trung Quốc. Không cần biết tới hay vì mặc cảm bất lực ?

Các hướng đẫn viên của tôi đều quả quyết nếu được ra nước ngoài sinh sống thì người Trung Quốc nào cũng đi. Như vậy họ cũng biết một cái gì đó mà không nói ra, như tập quán của ông cha họ. Trong khu mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An tôi đã xem những bức tranh cổ được tái tạo để ghi lại cảnh xây lăng. Một người vì kiệt lực đánh rơi tảng đá đang vác trên vai và lập tức bị chém. Một thanh niên phục xuống lạy cha bị đem đi chôn sống vì đã đến tuổi 60 và bị coi như không còn sức lao động. Người Trung Quốc chấp nhận tất cả. Khi các vua chúa đày đọa họ, họ coi là số phận. Khi các vua chúa để họ sống, họ mang ơn. Các triều đại Nguyên và Thanh đã kéo dài rất lâu và đã chỉ bị sụp đổ, như mọi triều đại thuần túy Trung Quốc khác, vì quá suy đồi và đẩy dân vào chỗ chết chứ không phải vì là những chế độ thống trị ngoại bang. Cuộc cách mạng cộng sản đã là một ngoại lệ, nhờ Thế Chiến 2. Tinh thần dân tộc hoàn toàn không phải là một đặc tính của người Trung Quốc.

Trung Quốc là thiên hạ, là thế giới, hơn là một nước. Việc nước là việc của thiên hạ. Hơn nữa đa số người Trung Quốc hiện còn có vẻ cảm ơn đảng cộng sản đã nới lỏng dây trói cho họ. Điều này tôi nhận thấy rất rõ trong những con người ở mọi nơi tôi đã đi qua. Nguyện vọng dân chủ của họ còn rất yếu, có lẽ vì dân chủ cũng chỉ được nhìn như là một vấn đề của thiên hạ. Như vậy chế độ độc tài đảng trị của Trung Quốc sẽ còn có thể kéo dài rất lâu. Những người đấu tranh cho dân chủ còn cô đơn hơn những người dân chủ Việt Nam. Một tỷ rưỡi người Trung Quốc chỉ là một tỷ rưỡi người cô đơn và cam chịu. Điểm khác biệt căn bản giữa Trung Quốc và Việt Nam là tại Trung Quốc những biện pháp nới lỏng đến từ lãnh đạo, tại Việt Nam chúng đến từ áp lực quần chúng.

Trong cách nhìn của họ, đảng trước nước sau, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã có lý khi gắn bó chế độ của họ với Trung Quốc, Trung Quốc quả là một chỗ dựa rất vững chắc. Dân chủ và tự do chỉ có thể từ Việt Nam ảnh hưởng vào Trung Quốc chứ không thể từ Trung Quốc lan tới Việt Nam.

vanly6

Tô Châu có chùa Hàn San, nổi tiếng qua bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế.

Trong những ngày cuối cùng chúng tôi thăm viếng Hàng Châu, Tô Châu và Thượng Hải. Hàng Châu và Tô Châu tuyệt đẹp. Tô Châu có chùa Hàn San, nổi tiếng qua bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế. Người Trung Quốc có câu "chưa tới Bắc Kinh chưa thấy chức mình nhỏ, chưa tới Hàng Châu chưa thấy vợ mình xấu, chưa tới Thượng Hải chưa thấy nhà mình thấp". Bắc Kinh là nơi tập trung những quan chức cao cấp từ nhiều thế kỷ nay. Phụ nữ Hàng Châu và Tô Châu quả là rất đẹp.

Còn Thượng Hải ? Đó đúng là thành phố của những nhà chọc trời. Có hơn 1.600 cao ốc trên 40 tầng. Đi thuyền trên dòng sông Hoàng Phố về đêm là một bắt buộc đối với mọi người thăm Trung Quốc lần đầu. Tráng lệ. Thượng Hải đồ sộ hơn hẳn New York.

Thượng Hải, theo lời những người bạn Trung Quốc của tôi, là điều mà Trung Quốc muốn chứng tỏ với thế giới họ có thể làm. Đúng vậy. Người Trung Quốc đã chứng tỏ họ có thể làm những điều khó tưởng tượng. Họ đã xây Vạn Lý Trường Thành, lăng Tần Thủy Hoàng, lăng Võ Tắc Thiên, Minh Thành Tây An, Cấm Thành Bắc Kinh, Lâu Đài Mùa Hạ v.v. Tất cả đã làm kiệt quệ Trung Quốc, như những kim tự tháp đã làm kiệt quệ Ai Cập. Thượng Hải, Thâm Quyến và những kiến trúc vĩ đại tại Bắc Kinh, Tây An, Côn Minh, Quảng Châu có thể chỉ là những Vạn Lý Trường Thành mới. Phải lo hơn là mừng cho người Trung Quốc.

vanly7

Đời sống thường ngày trong một phố cổ ở Vân Nam

Dĩ nhiên tôi cũng muốn đo lường nguy cơ lấn chiếm của Trung Quốc tại vùng biên giới với nước ta. Cảm nghĩ rất rõ rệt của tôi là nguy cơ này hoàn toàn không thể có nếu chúng ta có được một chính quyền khá. Người dân trong cả hai tỉnh giáp ranh với Việt Nam, Vân Nam và Quảng Tây, đều không gắn bó với Bắc Kinh, và với Trung Quốc nói chung. Trong thế kỷ 19 họ đã chiến đấu quyết liệt để ly khai với kết quả là hơn 70% dân chúng bị tàn sát. Ngày nay nguyện vọng chính của họ cũng vẫn chỉ là một mức độ tự trị lớn hơn, độc lập nếu có thể được. Vả lại hiện nay Vân Nam đã có rất nhiều khu tự trị sắc tộc, Quảng Tây đã là một tỉnh tự trị. Người dân trong cả hai tỉnh này đều có thiện cảm đối với Việt Nam, rất nhiều người nói được tiếng Việt. Nếu Việt Nam có được một chính quyền sáng suốt thì không có gì phải lo ngại Trung Quốc cả, nhưng đây là một chữ NẾU khá lớn.

Một cách tình cờ, tôi đã gặp một nhóm viên chức Việt Nam sang Bắc Kinh tham dự một hội nghị. Chúng tôi đã thảo luận về mô hình Trung Quốc và đồng ý là mô hình này chắc chắn dẫn tới thảm kịch. Tất cả vấn đề là lúc nào và như thế nào. Những anh chị em này đều khẳng định là Việt Nam đang làm một điều rất dại dột là cóp nhặt mô hình Trung Quốc. Nhưng họ lại nhận định là không thể có hướng đi khác dưới chế độ này, dù họ là những viên chức của chế độ.

Và khi qua câu chuyện họ biết tôi là tác giả cuốn Tổ Quốc Ăn Năn thì không khí thay đổi hẳn. Chúng tôi thực sự là anh em.

Nguyễn Gia Kiểng

(30/10/2007)

Published in Quan điểm

I. Sau mười năm thách đố

Lần trước tôi thăm Trung Quốc là vào cuối năm 2007. Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 chưa nổ ra. Kinh tế Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ như chưa bao giờ thấy và đang ở đỉnh cao của sự thành công dưới mắt thế giới. Tăng trưởng trên 10% trong gần 20 năm liền. Và đang tưng bừng chuẩn bị tổ chức Thế Vận 2008.

Chinese dragon statue at twilight time

Vào cuối năm 2007, kinh tế Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ như chưa bao giờ thấy và đang ở đỉnh cao của sự thành công dưới mắt thế giới.

Trong suốt một tháng tôi đã vội vàng đi khắp Trung Quốc từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây chỉ để tìm những ấn tượng xác nhận hay phủ nhận những gì đã học hỏi trước đó qua các tài liệu. Đối với Trung Quốc tôi tự cho mình hai nguyên tắc chỉ đạo, một là phải theo dõi thật chăm chú bởi vì những gì xảy ra tại Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn lên thế giới và nước ta, hai là phải hết sức khách quan và trung thực bởi vì mọi nhận định sai lầm về Trung Quốc đều có thể dẫn tới sai lầm trong cách nhìn những thử thách của đất nước ta ; nói cách khác nạn nhân của sự chủ quan sẽ là chính mình.

Trái với tâm lý bài Hoa của nhiều người Việt Nam kể cả một số bạn tôi, tôi yêu Trung Quốc. Tôi không đồng hóa Trung Quốc với chế độ mà nó đang phải chịu đựng. Tôi lớn lên với những điển tích và địa danh Trung Quốc. Phạm Lãi Tây Thi, Hán Sở tranh hùng, Chiêu Quân cống Hồ, Tam Quốc, Thủy Hử, Dương Quý Phi v.v. Tuy vậy tôi không thăm Trung Quốc để du ngoạn.

Lần trước cũng như lần này tôi tới Trung Quốc với một số dữ kiện và ý kiến đã gom góp được trong mục đích nhận ra những gì cần xét lại. Kinh nghiệm đã cho tôi thấy là ngay cả nếu những gì mình đã biết và nghĩ đều đúng chúng cũng sẽ đúng một cách khác sau khi được bổ túc thêm bằng những gì mắt thấy tai nghe. Giác quan có những khả năng riêng của nó. Cuộc thăm viếng Trung Quốc lần đầu đã diễn ra trong lúc mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đang được coi là rất thành công và đã tạo ra "phép màu Trung Quốc" nhưng đã khiến tôi có một cái nhìn khác với nhiều chuyên gia. Tôi đã viết một bài đánh giá mô hình này là độc hại và đang tàn phá Trung Quốc. Sau đó tôi cũng đã viết thêm một số bài khác theo cùng quan điểm này (1).

tq2

Tu viện Songzanlin nổi tiếng và chùa Vàng ở Shangri-La - Tây Tạng

Năm nay trở lại Trung Quốc tôi chỉ có thì giờ để tập trung vào Vân Nam và Tây Tạng, hai trong số những vùng nhạy cảm và nhiều thay đổi nhất của Trung Quốc trong khúc quanh lịch sử hiện nay. Nhưng trước hết ghé Quảng Châu.

Cảm giác đầu tiên là Trung Quốc hoành tráng hơn rất nhiều so với mười năm trước. Phi trường Bạch Vân lớn hơn, đẹp hơn và sạch hơn hẳn. Quảng Châu cũng thế. Quảng Châu không chỉ là thành phố lớn thứ ba mà còn là thành phố giầu nhất của Trung Quốc, hơn cả Hồng Kông và Thượng Hải.

Đi kèm với cảm giác này là một nhận xét : Trung Quốc đã không thành công lắm trong dự án được tung ra một cách rầm rộ vào năm 2007 là huấn luyện cho 175 triệu người biết nói tiếng Anh trước Thế Vận 2008. Tại phi trường Bạch Vân nhóm chúng tôi lạc mất mấy người, chủ yếu do không được hướng dẫn chính xác vì ngôn ngữ bất đồng. Họ đi lạc sang một hướng khác. Tôi cố tìm họ và hỏi rất nhiều nhân viên phi trường, an ninh cũng như dân sự, nhưng không ai biết tiếng Anh, dù là một cách sơ sài. Chật vật mãi mới tìm lại được họ nhờ may mắn.

Điều này tôi cũng nhận thấy ở khắp nơi trong suốt thời gian thăm viếng, dù trong các khách sạn một số tiếp viên bắt đầu biết chút tiếng Anh. Tôi không ngạc nhiên vì rất khó học một ngoại ngữ nếu không hiểu văn hóa của nó. Đàng sau mỗi ngôn ngữ là một cách suy nghĩ và diễn tả. Ông bà hàng xóm của tôi cũng người Trung Quốc, họ sống ở Pháp đã gần 40 năm, con cái đều đã tốt nghiệp đại học, nhưng họ vẫn không nói được tiếng Pháp. Phi trường Bạch Vân bây giờ không còn những người nghèo khổ chầu chực để khuân vác đồ cho du khách. Cảnh sát cũng nhã nhặn hơn nhiều dù chưa hẳn là thân thiện. Mười năm trước họ nhìn du khách như những phần tử đáng ngờ vực và sẵn sàng can thiệp không chút nể nang.

kunming0

Thành phố Côn Minh ngày nay

Những thiện cảm càng mạnh hơn khi tôi tới Côn Minh, bắt đầu cuộc tham quan thực sự. Côn Minh đã thay đổi hẳn. Mười năm trước đây là một thành phố duyên dáng còn giữ được phần lớn quá khứ của nó. Đó cũng là thành phố mà tôi thích nhất một phần vì nó có nhiều liên hệ với nước ta trong thế kỷ 20, chủ yếu nhờ đường xe lửa Hà Nội – Côn Minh. Thành phố bây giờ hoàn toàn khác. Tấp nập và hoành tráng. Các cao ốc mọc lên như nấm.

Côn Minh cũng như tất cả các nơi tôi đi qua trong hai tuần lễ đều xác nhận một tiến bộ ngoạn mục của Trung Quốc về vệ sinh và môi trường. Sạch không thua gì các thành phố Châu Âu, có phần hơn cả Paris. Không còn rác rưởi. Cách đây mười năm nỗi kinh hoàng của các du khách, ngay cả trong các khách sạn bốn sao, là các nhà vệ sinh. Dơ bẩn và hôi thối ở mức độ khó mô tả và nhiều khi không có giấy vệ sinh. Hình ảnh quen thuộc là một nhân viên đứng trước nhà vệ sinh của các nhà hàng phát cho mỗi khách hàng một số lượng giấy vệ sinh vừa đủ dùng. Bây giờ các nhà vệ sinh trong các khách sạn đều sạch sẽ, trong các nhà hàng chúng cũng đều ít nhất chấp nhận được. Tôi chắc các nhà vệ sinh trong các nhà hàng dành cho người Trung Quốc cũng đã phải sạch hơn rất nhiều. Tuy vậy người ta không dễ đoạn tuyệt với một di sản văn hóa, và văn hóa Trung Quốc khá đặc biệt.

tq4

Một WC trong một nhà hàng sang

Một hiện tượng ngộ nghĩnh vẫn còn khá phổ biến là trong nhiều nhà hàng khá sang trọng vẫn còn những nhà vệ sinh trong đó nhiều người, dĩ nhiên là cùng giới tính, ngồi đại tiện bên nhau một cách rất tự nhiên vừa làm động tác tiêu hóa vừa trò chuyện hoặc lướt mạng internet bằng điện thoại di động một cách thoải mái. Vài lần trong những nhà hàng sang tôi còn thấy những cầu tiêu rất sạch với hai bệ kiểu ngồi xổm kế bên nhau. Tôi được giải thích là hai người bạn thân có thể rủ nhau cùng đi đại tiện để trò chuyện. Không phải để tiết kiệm chỗ mà vì lý do văn hóa.

Người Trung Quốc hình như không coi đại tiện, hoặc khạc nhổ, là những việc hoàn toàn cá nhân và kín đáo, trái lại họ coi đại tiện là một khoảng khắc thoải mái có thể chia sẻ với bạn bè. Tôi còn nhớ một đoạn trong cuốn The New Emperors (Những hoàng đế mới) của Salisbury được giải Pulitzer trong đó người y sĩ cá nhân của Mao Trạch Đông thuật lại rằng Mao và bộ tham mưu trong giai đoạn Trường Chinh thường thảo luận trong khi cùng đại tiện. Phải nói rằng có những điểm trên đó người Trung Quốc và người Việt Nam rất khác nhau.

tq5

Thạch Lâm ngày nay trở thành một công viên

Tiến bộ rất đáng phục khác của Trung Quốc trong mười năm qua là về môi trường. Trung Quốc không chỉ nói là phải cải thiện môi trường, họ thực sự làm với tất cả quyết tâm. Hầu như không còn xe gắn máy chạy bằng xăng, chúng đã bị thay thế bởi xe đạp điện im lặng và sạch sẽ.

Tuy vậy tiến bộ lớn nhất chính là con người. Chỉ vài ngày sau khi tới đây tôi nhận ra là con người Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Mười năm về trước họ là những con người sợ sệt, lầm lũi và đầy nghi kỵ, nhìn du khách như những con bò sữa, thậm chí như những đe dọa, không dám có quan hệ nào ngoài buôn bán. Phần lớn từ chối chụp ảnh với du khách.

tq6

Người dân Trung Quốc ngày nay không còn sợ chụp ảnh với du khách

Ngày nay họ khác hẳn. Họ tươi cười vồn vã, sẵn sàng trò chuyện với khách lạ hoặc qua một vài câu tiếng Anh lõm bõm kèm theo động tác cơ thể, hoăc qua thông dịch của hướng dẫn viên mà họ thừa biết là công an. Một đặc điểm của Trung Quốc là các công ty du lịch không chỉ là của công an mà còn chính là công an. Bây giờ có hơi khác so với mười năm trước. Cô hướng dẫn viên của tôi cho biết trước đây cô ấy là công an và đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhưng bây giờ cô ấy đã xin ra khỏi công an để làm hướng dẫn viên tự do, tư cách đảng viên cũng không còn trên nguyên tắc vì từ hai năm nay cô ấy không đóng đảng phí ; theo nội quy của đảng như vậy là mất tư cách đảng viên trừ khi chịu đóng liễm trở lại, điều mà cô ấy sẽ không làm.

Người Trung Quốc không còn là những con người ngoài cuộc lầm lũi ngay trên chính quê hương mình nữa. Họ đang tự cởi trói để làm chủ đời mình trước khi, chắc chắn, giành quyền làm chủ đất nước. Tôi cũng đã làm một việc mà trước đây mười năm tôi không hề nghĩ đến. Trên đường bộ hoành tráng ở trung tâm Côn Minh tôi chợt nhìn thấy một công an trẻ đẹp đang canh gác. Tôi nhìn anh ta và anh ta mỉm cười. Tôi nhờ cô hướng dẫn viên hỏi anh ta có bằng lòng chụp một tấm hình kỷ niệm với tôi không và anh ta vui vẻ nhận lời. Mười năm trước điều này không thể tưởng tượng nổi.

Phải nói cảm giác trong những ngày đầu tiên của tôi là ngạc nhiên, thú vị và thán phục. Nhưng vài ngày sau sự lạc quan dần dần nhường chỗ cho ngờ vực và phân vân, rồi sau cùng một kết luận ảm đạm cho tương lai của cả chế độ cộng sản Trung Quốc lẫn đất nước Trung Quốc nói chung. Tất cả không tốt đẹp như ấn tượng ban đầu.

tq7

Bác sĩ dược thảo Hồ Thạch Thấu

Sự nghi hoặc bắt đầu khi tôi gặp người mà tôi muốn gặp nhất tại Vân Nam, bác sĩ dược thảo Hồ Thạch Thấu (Hu Shixui). Ông là một trong những người Trung Quốc nổi tiếng và được ái mộ nhất. Đã có vài chục cuốn phim tài liệu về ông và những khảo cứu về dược thảo của ông được phổ biến trên khắp thế giới, không phải do chính quyền cộng sản Trung Quốc thực hiện mà do các hãng thông tấn phương Tây. Năm nay ông đã 96 tuổi nhưng vẫn còn rất tỉnh táo. Điều làm tôi ngạc nhiên là ông ngồi một mình cô đơn nhìn ra đường phố ngay trước cửa tiệm thuốc trống trơn được gọi là y viện của ông, dù Lệ Giang và "bác sĩ Hồ" là một chặng đường bắt buộc của mọi du khách muốn tìm hiểu Trung Quốc. Lúc đó tôi mới nhận ra là số du khách nước ngoài không có bao nhiêu. Hỏi ra mới biết là số du khách nước ngoài ngày càng giảm đi trong khi du khách Trung Quốc không tăng lên.

Sau đó dần dần những sự kiện mà tôi không quan tâm lúc ban đầu trở thành rõ rệt. Các khách sạn mà tôi đã ghé qua đều vắng, chỉ vào khoảng một phần ba số phòng có khách. Chúng sẽ không thể trụ lâu, sự bi quan có thể nhìn thấy ngay trên nét mặt của những người quản lý khách sạn. Lý do không khó tìm ra. Trung Quốc đúng là đồ sộ và sạch sẽ hơn hẳn so với mười năm trước nhưng thực ra không đẹp hơn, trái lại đã mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Một thí dụ điển hình là Thạch Lâm, một "Vịnh Hạ Long trên đất liền" từng được ca tụng là "thiên hạ đệ nhất kỳ quan". Bây giờ Thạch Lâm không còn là một thắng cảnh thiên nhiên nữa, chưa nói thắng cảnh thiên nhiên đẹp nhất thế giới, mà đã trở thành một công viên. Một công viên lớn và đẹp nhưng không còn gì là thiên nhiên. Quá nhiều xây dựng và bê tông đã cướp đi tâm hồn của nó. Đây cũng là tình trạng chung của mọi thành phố Trung Quốc, ngay cả những địa danh du lịch như Shangri-la, Lệ Giang và Đại Lý. Hy vọng Quế Lâm vẫn còn nguyên vẹn.

tq8

Côn Minh nhìn từ lầu cao, mù mịt và xây cất vô trật tự

Tôi may mắn được ở một trong những khách sạn cao nhất tại ngay chính trung tâm Côn Minh và qua cửa kính của phòng ăn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố. Nhận xét rất rõ rệt là các cao ốc được xây một cách lộn xộn không theo một quy hoạch đô thị nào cả. Một nhà chọc trời có thể mọc lên cô đơn ngay chính giữa một khu lụp xụp.

Không khí vẫn vẩn đục vì khói dù Côn Minh, với cao độ 2000m và hồ Điền Trì rộng lớn ngay kế bên, chắc chắn phải là một trong những thành phố ít ô nhiễm nhất. Môi trường Trung Quốc đã bị hủy hoại quá nặng để có thể phục hồi trong vòng một hai thế hệ. Vật giá cũng đã gia tăng khá nhiều. Khó chịu nhất là sự cô lập. Không có Google, Facebook, Youtube, Gmail, Twitter, điện thoại và SMS rất đắt. Chỉ có thể truy cập những mạng của Trung Quốc với điều kiện là phải cài đặt những software của Trung Quốc. Trung Quốc là một thế giới riêng. Tập Cận Bình cổ võ cho toàn cầu hóa tối đa nhưng chủ trương toàn cầu hóa của ông phải được hiểu là Trung Quốc can thiệp trên toàn thế giới chứ không có nghĩa là Trung Quốc hội nhập vào thế giới.

Và tôi nhận ra là không thể đi 50 mét mà không gặp một toán cảnh sát võ trang, điều này chứng tỏ chính quyền cộng sản Trung Quốc đang rất lo sợ trước thái độ ngày càng tự tin của quần chúng. Đáng lẽ tôi đã phải nhận ra điều này ngay khi tới Côn Minh. Hôm đó, vừa nhận phòng và cất hành lý xong tôi xuống đi dạo trên đường bộ hành trung tâm thành phố. Đường này là niềm kiêu hãnh của Côn Minh. Rộng lớn và nhộn nhịp, đầy rẫy những cao ốc mới. Vừa ra khỏi khách sạn chừng vài chục bước tôi gặp một ông già gánh một thứ trái cây rất lạ đi bán rong. Bọn tôi tới coi và ông hạ gánh xuống. Chưa kịp hỏi gì thì bất ngờ hàng chục công an đã ập tới một người khóa tay một người bẻ cổ ông già kéo đi bất chấp sự vùng vẫy la hét của nạn nhân, những người kia bao vây gánh hàng. Cô hướng dẫn viên giải thích rằng công an nghi ông ấy giấu chất nổ dưới trái cây. Thế là ông già và quang gánh bị đẩy lên xe bít bùng chở đi đâu không biết. Chắc chán là oan vì sau đó không thấy tin tức gì trên báo.

Mười năm qua, từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 nổ ra đã là mười năm Trung Quốc thách đố thế giới. Họ đã cố gắng phủ nhận cuộc khủng hoảng này và cố gắng bằng mọi cách duy trì một tỷ lệ tăng trưởng cao bởi vì, theo như lời cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, một tỷ lệ tăng trưởng dưới 8% chắc chắn sẽ dẫn Trung Quốc tới bạo loạn sau những hy sinh về con người và môi trường mà mô hình gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã áp đặt. Các phương cách đã được thử nghiệm là tăng lương công nhân để tăng cường thị trường nội địa, bơm tiền và vận động dân chúng dồn tiền vào chứng khoán để biến Thượng Hải và Thẩm Quyến thành những trung tâm tài chính quốc tế, và nhất là tăng chi tiêu công cộng và tín dụng để đẩy mạnh xây dựng, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng ở cả trong lẫn ngoài nước qua sáng kiến Đai và Đường (Belt and Road Initiative). Kết quả là chi phí công nhân lên cao khiến xuất khẩu giảm nhưng tiêu thụ nội địa vẫn không tăng, các thị trường chứng khoán Thương Hải và Thẩm Quyến đang nguy ngập sau khi đã làm mất hàng ngàn tỷ USD, các thành phố ma mọc lên khắp nơi với con số ước lượng năm 2016 là 64 triệu căn hộ không người ở, bây giờ có thể là trên 70 triệu. Còn sáng kiến Đai và Đường ? Cho tới nay nó đã chỉ khiến Trung Quốc chi hàng nghìn tỷ USD chứ chưa thu lại được gì.

Và mối nguy lớn nhất -vượt rất xa mọi khó khăn kinh tế dù không được các chuyên gia nói tới- là cuộc đấu ngày càng gay go giữa một bên là nhân dân Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, tự tin hơn đang quyết tâm tự cởi trói và một bên là Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã mất lý tưởng, đã phân hóa và bối rối nhưng lại cố xiết chặt hơn nữa ách độc tài toàn trị. Kết cuộc là hiển nhiên và có thể sẽ rất dữ dội.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc không chỉ thách thức thế giới. Họ thách thức cả thực tế và mọi logic. Cụ thể là nếu chính sách kinh tế này của Trung Quốc mà thành công thì phải xét lại ngay cả những kiến thức kinh tế nền tảng nhất. Tuy vậy cho tới nay những dự đoán về sự sụp đổ của Trung Quốc đều đã không thành sự thực. Lý do là vì người ta đã lý luận về Trung Quốc như một quốc gia trong khi nó là một đế quốc, nghĩa là một thế giới nhỏ. Thực ra sự suy yếu của Trung Quốc đã bắt đầu rồi và ngày càng khó che giấu. Điển hình là khối nợ đã vượt mức 300% GDP và hàng trăm triệu người đã phải quay trở lại nông thôn sau khi mất việc. Tuy vậy, khác với trường hợp một quốc gia, gian đoạn suy tàn của một đế quốc có thể kéo dài khá lâu như lịch sử thế giới đã cho thấy. Cũng khác với một quốc gia điều quan trọng mà lịch sử cũng đã chứng tỏ là một đế quốc suy yếu không còn là một mối nguy cho thế giới nữa. Nó phải lo giải quyết những khó khăn nội bộ.

Tôi chia sẻ quan tâm của nhiều thân hữu về mối quan hệ lệ thuộc nhập nhằng và mờ ám của chính quyền cộng sản Việt Nam với Bắc Kinh. Tôi cũng đồng ý là chúng ta phải rất cảnh giác, nhưng tôi thành thực nghĩ rằng chúng ta không cần phải hoảng hốt và mất lòng tin vào tương lai đất nước.

Nguyễn Gia Kiểng

(20/11/2018)

(1)  Tôi cũng đã viết thêm một số bài khác theo cùng quan điểm này :

Trung Quốc : Những Vạn Lý Trường Thành mới ?

Nhận diện bài toán Trung Quốc

Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang

Published in Quan điểm

Trung Quốc hứng bão tại Liên Hiệp Quốc vì giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 07/11/2018)

Hôm 06/11/2018 tại Genève, trong suốt cả buổi sáng, phái đoàn đông đảo của Trung Quốc do thứ trưởng ngoại giao Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) làm trưởng đoàn, đã phải hứng chịu một trận bão chỉ trích trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) ở Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

tq1

Biểu tình trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève ngày 06/11/2018 phản đối Bắc Kinh. Dòng chữ trên biểu ngữ : "Trên 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện tại Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc cần phải lên tiếng !" - Reuters/Denis Balibouse

Đại diện Mỹ Mark Cassayre đòi hỏi Bắc Kinh "chấm dứt tất cả các kiểu bắt giam tùy tiện, trả tự do ngay lập tức cho hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương". Đại sứ Pháp François Rivasseau cũng yêu cầu "kết thúc việc giam giữ người hàng loạt trong các trại tập trung", và đề nghị cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet giám sát tình hình tại chỗ.

Trong lúc đại sứ các nước liên tục đặt câu hỏi, đả kích, chất vấn đoàn Trung Quốc, bên ngoài trụ sở Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khoảng 500 người biểu tình với các khẩu hiệu đòi "Chấm dứt diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ".

Phía Trung Quốc, như thường lệ, bác bỏ các cáo buộc mà họ cho là "đầy định kiến" đối với "cuộc chiến chống khủng bố" của Bắc Kinh.

Một phóng sự trước đó của hãng tin Pháp AFP ghi nhận, nếu cứ tin vào các hình ảnh trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, thì một trong những "trung tâm huấn nghiệp" dành cho những người Hồi giáo ở miền tây bắc nước này là một trường học hiện đại, nơi đó học viên được dạy tiếng Hoa, một môn thể thao hay múa cổ truyền.

Trại tập trung được giới thiệu trên kênh truyền hình nhà nước CCTV vào tuần rồi là một trong số 181 trại cải tạo được lập ra tại Tân Cương kể từ năm 2014, theo điều tra của AFP. Đài CCTV nói rằng việc nhập trại là tự nguyện, chiếu cảnh các học viên đang vui vẻ học tiếng Hoa, và học các nghề may mặc hay chế biến thực phẩm.

Ma trắc, còng… tại các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ

Nhưng cơ quan chính quyền phụ trách về trung tâm này ở thành phố Hòa Điền (Hotan) nơi các hình ảnh trên được quay, hồi đầu năm đã đặt mua cả một kho vũ khí chẳng liên quan gì đến giáo dục. Có thể kể : 2.768 cây ma-trắc, 1.367 bộ còng tay, 2.792 bình xịt hơi cay.

Danh sách trên đây nằm trong số hàng ngàn đơn đặt hàng của các chính quyền địa phương ở Tân Cương, từ hai năm qua phải chịu trách nhiệm về việc thiết lập một mạng lưới "các trung tâm huấn nghệ", nhằm đối phó với các phong trào Hồi giáo và ly khai đang tăng lên tại khu vực đại đa số dân cư là người theo đạo Hồi, nằm cách Bắc Kinh 2.200 km về phía tây.

Theo các nhà tranh đấu lưu vong, thực ra đó là những trại cải tạo, đang giam giữ đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ, trên tổng số 11,5 triệu người thuộc sắc tộc này. Bên cạnh đó, các sắc tộc thiểu số khác theo đạo Hồi như người Kazakhstan mang quốc tịch Trung Quốc, cũng nằm trong tầm ngắm.

Do bị đả kích tại Liên Hiệp Quốc cũng như từ các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, Bắc Kinh sau nhiều tháng chối cãi sự hiện diện của các trại giam này, đã tung ra một chiến dịch truyền thông nhằm giới thiệu các trại cải tạo trên đây như là các trung tâm dạy nghề. Mục tiêu lập ra, theo chế độ cộng sản Trung Quốc là : ngăn ngừa khủng bố trỗi dậy, trong bối cảnh người Duy Ngô Nhĩ là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu trong những năm gần đây.

Tuy nhiên một cuộc điều tra của AFP dựa theo trên 1.500 tài liệu có thể tham khảo trên mạng – gồm cáo thị gọi thầu, dự chi ngân sách, báo cáo công tác – cho thấy các trung tâm trên là nhà tù thay vì trường học.

Hàng ngàn quản giáo được trang bị hơi cay, ma-trắc, súng điện giám sát các trại cải tạo bao quanh là những hàng rào thép gai và camera hồng ngoại. Những trại này phải "giảng dạy như ở trường học, được quản lý như trong quân đội và được canh gác như nhà tù" - một văn bản dẫn lời bí thư tỉnh ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) chỉ đạo như trên.

Một tài liệu khác nhấn mạnh, "các biện pháp đặc biệt rất cần thiết để chấm dứt nạn khủng bố". Để tạo ra các công dân tốt, những trung tâm này phải giúp "cắt đứt việc tạo ra các thế hệ (khủng bố) mới, cội rễ, các quan hệ và nguồn lực của họ".

Chỉ tiêu mỗi gia đình một người đi cải tạo

Các trại cải tạo loại này trở nên phố biến từ năm ngoái, sau khi có chỉ thị của chính quyền Tân Cương. Một danh sách 25 thái độ "khả nghi" về tôn giáo và 75 dấu hiệu "cực đoan" đã được phổ biến, trong đó có việc bỏ hút thuốc, để râu dài hay mua một căn lều "mà không có lý do chính đáng"… Hoặc những người đã sống "quá lâu" ở nước ngoài, những gia đình có thành viên bị công an bắt hoặc giết chết.

Theo báo cáo của Human Rights Watch, các quy định mới được đưa ra từ năm 2014 cấm hàng loạt hành động, mơ hồ cho đến nỗi muốn bắt ai cũng được. Nhiều nhân chứng khẳng định có những người Duy Ngô Nhĩ bị bỏ tù chỉ vì đi học tiếng Ả Rập ở Ai Cập, hoặc công an tìm thấy những văn bản tôn giáo trong máy tính của họ, thậm chí chỉ do tiếp xúc với người nước ngoài. Có công an viên cho biết họ phải "hoàn thành chỉ tiêu". Một chỉ thị cho chính quyền địa phương đòi hỏi mỗi gia đình phải có ít nhất một người vào trại cải tạo trong thời gian tối thiểu ba tháng.

Số vụ bị bắt vào trại cải tạo đã tăng vọt, và vào mùa xuân năm 2017 chính quyền các địa phương bắt đầu đưa ra nhiều cáo thị gọi thầu để xây dựng thêm các trại mới. Trong số các đơn đặt hàng có : các loại giường tầng, máy điều hòa, chén bát… Vào đầu năm nay, chỉ trong vòng một tháng, riêng cơ quan phụ trách "huấn nghệ" ở Hòa Điền đã đặt mua 194.000 sách dạy tiếng Hoa, và 11.310 đôi giày. Có cả camera giám sát, thiết bị nghe trộm điện thoại, cảnh phục, nón bảo hộ, khiên chống bạo động, lựu đạn cay, ma-trắc dùng điện và loại có gai nhọn được mệnh danh là "răng chó sói".

Có ít nhất một trại cải tạo đặt mua loại ghế có thể trói tay chân các nghi can vào. Các cán bộ đảng ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương đã đòi được cung cấp ngay súng điện cho các trại cải tạo, giải thích rằng nhằm "bảo đảm an toàn cho nhân viên". Loại vũ khí không sát thương này giúp "giảm bớt nguy cơ xảy ra sự cố khi không cần thiết phải dùng đến súng".

Hãng tin Pháp đã liên lạc với các cơ quan chính quyền địa phương về các thông tin trên nhưng không được trả lời.

Theo một chỉ thị vào cuối năm 2017, học viên phải thường xuyên được trắc nghiệm về tiếng Hoa, về chính trị và làm các bản tự kiểm thảo, bày tỏ lòng trung thành với đảng Cộng sản. Suốt cả ngày, họ phải "hô khẩu hiệu, hát những bài ca cách mạng và học thuộc lòng Tam Tự Kinh ca ngợi chế độ", như thời mao-ít trước đây (1949-1976).

Các cán bộ được lệnh phải thường xuyên đi thăm gia đình các "học viên" để quảng bá việc giáo dục "chống cực đoan" và phát hiện kịp thời các dấu hiệu phẫn nộ trước khi đối tượng trở thành người chống đối đảng cộng sản Trung Quốc. Một số cơ quan được lập ra năm 2017 để tập trung quản lý các trại cải tạo, bảo đảm "an toàn tuyệt đối" tại đây, tránh các vụ vượt ngục.

Học viên được phân loại theo mức độ "nhiễm độc ý thức hệ" để tẩy não. Nếu phản kháng, họ sẽ bị trừng phạt như bỏ đói, không cho ngủ, biệt giam, bị đánh đập. Một bài điều tra trên báo Libération dẫn lời Omurbel Eli, một người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo khoảng 20 ngày mô tả : "Trong xà lim có khoảng 40 tù nhân, tất cả đều là người đạo Hồi, có hai camera giám sát. Ngủ thì phải thay phiên, mỗi tháng chỉ được tắm một lần. Việc đánh đập thường xuyên diễn ra, có những người không chịu nổi đã tự sát".

Bị đàn áp như thế, nhưng theo chuyên gia Thierry Kellner trên Le Monde, khả năng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đứng lên đấu tranh vũ trang là rất thấp. Ngoài sự bênh vực từ các tổ chức phi chính phủ, ít có Nhà nước nào muốn chọc giận Bắc Kinh. Chuyên gia này lý giải, do là vùng đất bản lề trong dự án "Con đường tơ lụa mới", nên Trung Quốc muốn kiếm soát toàn bộ Tân Cương, không chấp nhận bất kỳ một rủi ro nào.

Thụy My

******************

Triển lãm hàng không Trung Quốc bị dính tai tiếng ăn cắp công nghiệp (RFI, 06/11/2018)

Triễn lãm hàng không Trung Quốc sẽ diễn ra ở thành phố ven biển Châu Hải (Zhuhai) kể từ ngày hôm nay, 06/11/2018 cho đến ngày Chủ nhật 11/11.

tq2

Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc biểu diễn trên bầu trời Châu Hải nhân cuộc Triển Lãm Hàng Không khai mạc ngày 06/11/2018. China Daily via Reuters

Cuộc triển lãm hai năm một lần này là dịp để Bắc Kinh phô trương tiến bộ công nghệ hàng không Trung Quốc trước thế giới. Thế nhưng năm nay, mây đen như đã kéo đến che phủ bầu trời hội chợ hàng không Châu Hải, với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đang diễn ra gay gắt và việc Bắc Kinh bị tố cáo hoạt động gián điệp công nghiệp. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng khiến các hãng hàng không thận trọng

Theo hãng tin Anh Reuters, với Triển Lãm Hàng Không Châu Hải, Bắc Kinh muốn chiêu dụ các lãnh đạo hàng không không gian, các khách hàng mua vũ khí đến từ 40 quốc gia. Nhưng giới phân tích nhìn thấy trước là năm nay sẽ khó mà có những thông báo long trọng hay những đàm phán mua bán lớn.

Trên các sân bãi, sẽ có đầy những loại máy bay như của hãng Airbus SA và Embraer, biểu tượng chính của cao vọng hàng không thương mại Trung Quốc, nhưng chiếc C919, máy bay đường trường mà tập đoàn chế tạo phi cơ dân dụng COMAC (Commercial Aircraft Corp of China) của Trung Quốc sản xuất, thì sẽ không được đưa ra vì như một viên chức cao cấp Trung Quốc đã giải thích, phi cơ này đang trong quá trình bay thử.

Không chỉ vắng bóng chiếc máy bay mới mà Trung Quốc tự sản xuất, mà phi cơ của các tập đoàn khác như Boeing cũng vậy. Tập đoàn chế tạo phi cơ Mỹ đã mở một xưởng lắp ráp hoàn chỉnh loại phi cơ 737 tại Trung Quốc, nhưng sẽ không đưa đến triển lãm bất kỳ máy bay nào, mà chỉ trưng bày máy bay mẫu ở gian hàng của mình mà thôi.

Tác động của hiệu quả kinh tế không mỹ mãn

Chuyên gia về hàng không Trung Quốc, ông Lí Hiểu Tân (Li Xiaojin), thừa nhận rằng Bắc Kinh không chờ đợi là Triển Lãm Hàng Không Châu Hải năm nay sẽ có nhiều người tham dự. Lý do : kinh tế Trung Quốc không có thành quả mỹ mãn cho nên các tập đoàn ngoại quốc, bình thường vẫn cử 10 người tham dự, thì năm chỉ cử 5 người.

Trung Quốc đã trở thành "trường săn" của các tập đoàn nước ngoài, đổ xô đến Trung Quốc tìm kiếm hợp đồng bán máy bay do việc các hãng hàng không Trung Quốc gia tăng đội máy bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng mạnh. Dự kiến Trung Quốc sẽ là thị trường hàng đầu, vượt cả Mỹ trong thập niên tới đây.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi do hai nguyên nhân : Một là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã yếu đi, xuống đến mức thấp nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính, và hai là quan hệ của Trung Quốc với các nước khác cũng đã bị thử thách do tham vọng của Bắc Kinh muốn phát triển các loại phi cơ do chính Trung Quốc chế tạo.

Hiện thời, các loại máy bay do Hoa Kỳ chế tạo vẫn chưa bị vướng vào vòng áp thuế của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho biết là họ vẫn đợi xem những tập đoàn Mỹ như Boeing, Honeywell và Gulfstream sẽ bị cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng ra sao. Đây là những tập đoàn đang chịu cạnh tranh rất mạnh ở Trung Quốc trước các đối thủ như Airbus hay các hãng chế tạo phi cơ khác.

Vào năm ngoái 2017, Hoa Kỳ đã xuất được 16,3 tỷ đô la máy bay dân sự sang Trung Quốc. Đây là loại mặt hàng có trị giá lớn nhất theo số liệu công bố của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang St Louis.

Marc Szepan, một chuyên gia về hàng không Trung Quốc ở Đại Học Oxford cho là có khả năng Trung Quốc sẽ mua Airbus trong tương lai hơn là Boeing. Một chọn lựa chiến lược. Và họ cũng sẽ đánh giá lại, chọn đối tác công nghiệp cho những chương trình máy bay tương lai, như chiếc CR929, có thể thiên về thiết bị, linh kiện Châu Âu hơn là Mỹ.

Cho đến giờ này, Trung Quốc cố tránh không cho thấy là họ thiên hẳn về bên nào trong bối cảnh mà những cuộc đàm phán, thương lượng của các hãng của Trung Quốc để mua máy bay nước ngoài đang được giữ kín hoặc đã bị dời lại.

Cáo buộc gián điệp công nghiệp

Những cáo buộc liên tiếp gần đây của Washington nhắm vào Bắc Kinh, theo đó Trung Quốc đã tìm cách đánh cắp công nghệ hàng không của Mỹ cũng phủ bóng đen lên Triển Lãm Châu Hải

Theo ghi nhận của Reuters, tư pháp Mỹ mới đây lại tố cáo tình báo Trung Quốc tìm cách ăn cắp thông tin về một động cơ phản lực cánh quạt đẩy Mỹ- Pháp dùng cho máy bay thương mại dân sự. Phía Mỹ không cho biết đó là loại gì, nhưng theo hãng tin Anh, đó rõ ràng là là động cơ Safran-General Electric LEAP.

Mỹ không chỉ tố cáo mà còn truy tố những nghi can cụ thể. Trong một thông báo chính thức công bố hôm 30/10 vừa qua, bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã truy tố 10 người bị cho là điệp viên Trung Quốc tìm cách thâm nhập vào hệ thống máy tính của một công ty Mỹ và một công ty Pháp có văn phòng tại thành phố Tô Châu (Trung Quốc), để ăn cắp công nghệ liên quan đến loại động cơ phản lực cánh quạt do liên doanh Pháp-Mỹ này sản xuất.

Theo phía Mỹ, mục tiêu của hành vi trộm cắp đó là nhằm cung cấp dữ liệu thiết yếu cho các công ty Trung Quốc, để các hãng này có thể sản xuất một động cơ tương tự mà không phải bỏ tiền và thời gian nghiên cứu.

Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc bị tố cáo đích danh

Điểm đáng nói là trong số những người bị truy tố, có hai đặc vụ của Bộ An Ninh Trung Quốc tại tỉnh Giang Tô, một cơ chế được cho là tương đương với cơ quan CIA tại Mỹ. Bản khởi tố đã nêu rõ tên của hai nhân viên tình báo này là Tra Vinh (Zha Rong) và Sài Mạnh (Chai Meng).

Đây là lần thứ ba trong không đầy hai tháng, nhân viên tình báo của chính quyền Trung Quốc bị tư pháp Mỹ cáo buộc về tội đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ.

Thậm chí vào thượng tuần tháng 10, Hoa Kỳ đã dẫn độ được về Mỹ một nhân viên tình báo Trung Quốc tên là Từ Ngạn Quân (Xu Yan Jun), bị gài bẫy và bắt tại Bỉ vào tháng Tư. Sau khi bị dẫn độ qua Mỹ, điệp viên Trung Quốc này đã bị truy tố về âm mưu đánh cắp thiết kế kỹ thuật của một động cơ máy bay do hãng Mỹ General Electric Aviation chế tạo. Từ Ngạn Quân sẽ trở thành điệp viên Trung Quốc đầu tiên có quan hệ chính thức với một cơ quan chính quyền Trung Quốc bị xét xử trước một tòa án Mỹ.

Trước vụ Từ Ngạn Quân, vào cuối tháng 9, Mỹ cũng đã bắt một công dân Trung Quốc tên là Kỷ Siêu Quần (Ji Chao Qun) tại Chicago, bị cáo buộc là đã hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh, dưới sự chỉ đạo của quan chức tình báo thuộc Sở An Ninh Quốc Gia Giang Tô.

Đối với ông John Brown, lãnh đạo văn phòng FBI tại San Diego, "các mối đe dọa từ các hoạt động tin tặc do chính phủ Trung Quốc bảo trợ là có thật và diễn ra liên tục". Còn ông Adam Braverman, công tố liên bang tại Nam California thì tố cáo đích danh bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc.

Bắc Kinh từ lâu đã coi hàng không là ngành quan trọng trong kế hoạch mang tên Made in China 2025 nhằm biến Trung Quốc thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng các chuyên gia cho rằng công nghệ hàng không của nước này đang tụt hậu, đi sau 20-30 năm so với các quốc gia khác. Để đuổi kịp Mỹ, đánh cắp công nghệ là một trong những biện pháp.

Mai Vân

Published in Châu Á

Cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đang tập trung vào nhiều sản phẩm khác nhau, từ hàng hóa nông nghiệp để đồ dùng gia đình, nhưng Hoa Kỳ và các nước dân chủ khác nên lo lắng về một loại hàng xuất khẩu Trung Quốc : chủ nghĩa kỹ thuật số.

so1

Người Duy Ngô Nhĩ cầu nguyện trong một nhà thờ Hồi giáo ở Hotan, trong khu vực Tân Cương phía tây của Trung Quốc, trong năm 2015. Cư dân nơi đây bị theo dõi bằng những thiết bị không người lái, camera lắp đặt trên đường phố, và phần mềm gián điệp bị bắt buộc tải trên điện thoại của họ.

Các quan chức ở Bắc Kinh đang cung cấp công nghệ và đào tạo cho nhiều chính phủ trên thế giới trong việc kiểm soát công dân của mình. Khi các công ty Trung Quốc cạnh tranh với các đối tác quốc tế của họ trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo và dịch vụ di động 5G, các chuẩn mực dân chủ điều chỉnh Internet toàn cầu từ xa xưa đang bị suy giảm. Khi nói đến tự do Internet, nhiều chính phủ khác đang nóng lòng trong việc mua mô hình kiểm soát mà Trung Quốc đang bán.

Các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc khá cởi mở về ý định của mình trong việc thay thế trật tự quốc tế tự do với tầm nhìn độc đoán của riêng mình, một dự án mà rõ ràng kéo dài sang lĩnh vực kỹ thuật số.

Dự án "Một Vành đai- Một con đường"là một kế hoạch mở đầy tham vọng của Trung Quốc với mục tiêu tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn thế giới bằng những khoản vay song phương và các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có dành một phần lớn về công nghệ thông tin. Theo một khảo sát của Freedom House về tự do Internet và được tổ chức này công bố hôm 01/11 thì 38 quốc gia trong số 65 quốc gia được khảo sát đang sử dụng các thiết bị truyền thông sản xuất bởi một số công ty của Trung Quốc như Huawei, ZTE hoặc Tập đoàn China Telecomthuộc sở hữu nhà nước.Huawei đang xây dựng mạng WiFi công cộng lớn nhất khu vực Mỹ Latinh ở Mexico, mạng di động 5G Bangladesh và dịch vụ 4.5G của Campuchia, và nó đang tư vấn cho chính phủ Kenya về "Quy hoạch tổng thể" của quốc gia này trong công nghệ thông tin và truyền thông.

Khi các công ty này xây dựng một "Con đường tơ lụa kỹ thuật số" liên kết các quốc gia chủ nhà thông qua cáp quang, các chuyên gia đã cảnh báo rằng các thiết bị này có thể bị giám sát bởi cơ quan tình báo của Trung Quốc. Vào tháng Giêng, một vụ việc đã được phanh phui rằng mạng IT được xây dựng ở trụ sở Liên minh Châu Phi ở Ethiopia bởi Trung Quốc đã truyền dữ liệu bí mật đến Thượng Hải hàng ngày trong năm năm qua.

Một số công ty Trung Quốc đang tập trung vào việc xuất khẩu công nghệ giám sát. Trong 18 trong số 65 quốc gia được khảo sát bởi Freedom House, bao gồm Zimbabwe, Singaporevà một số quốc gia Trung Á, các công ty như Yitu, CloudWalk và công ty thuộc sở hữu nhà nước một phần Hikvision đã kết hợp những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt để tạo ra "thành phố thông minh" và hệ thống theo dõi tinh vi. Điều này cho phép nhà chức trách có thẩm quyền rất lớn để theo dõi mọi hoạt động của mọi công dân một cách liên tục.

Sự bức hại không ngừng của các nhà chức trách Trung Quốc đối với người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương của đất nước cho thấy tiềm năng đáng lo ngại của những công cụ này. Cư dân bị theo dõi thông qua máy bay giám sát không người lái, camera trên đường phố và các ứng dụng phần mềm gián điệp bắt buộc trên điện thoại của họ. Người bị nghi ngờ sẽ bị đưa đến các trại tập trung bí mật ở Tân Cương.

Bắc Kinh không chỉ chuyển giao công nghệ theo dõi cho các chính phủ nước ngoài mà còn mời quan chức và báo chí của các quốc gia này đến Trung Quốc để tập huấn phương cách đàn áp giới bất đồng chính kiến và lũng đoạn ý kiến trên mạng.Các quan chức Trung Quốc đã tổ chức các buổi đào tạo về phương tiện truyền thông mới hoặc quản lý thông tin với đại diện từ 36 trong số 65 quốc gia mà Freedom House đã khảo sát. Trong một cuộc hội thảo kéo dài hai tuần năm ngoái, các quan chức đã đến thăm trụ sở của một công ty tham gia vào "các hệ thống quản lý quan điểm của công chúng".

Các nền dân chủ cần phải có hành động ngay lập tức để làm chậm sự bành trướng của kỹ thuật số Trung Quốc. Các chính phủ dân chủ nên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty cố ý cung cấp công nghệ đàn áp ở những nơi như Tân Cương. Các nhà lập pháp tại Hoa Kỳ cần phải giới thiệu lại và bỏ phiếu Đạo luật toàn cầu tự do trực tuyến, một đạo luật sẽ chỉ đạo Ngoại trưởng đưa các quốc gia có hạn chế về Internet và ngăn cấm việc xuất khẩu sang các nước này bất kỳ mặt hàng mà có thể được sử dụng để thực hiện việc kiểm duyệt hay đàn áp. Luật cũng sẽ yêu cầu các công ty công nghệ hoạt động trong các môi trường đàn áp để đưa ra các báo cáo hàng năm về những gì họ đang làm để bảo vệ quyền con người và tự do thông tin.

Nhưng cách tốt nhất cho các nền dân chủ để chống lại độc tài kỹ thuật số là chứng minh rằng có một phương cách tốt hơn để quản lý Internet. Chúng ta sẽ phải giải quyết các vấn đề về thao tác truyền thông xã hội và lạm dụng dữ liệu theo cách tôn trọng nhân quyền, đồng thời bảo toàn Internet toàn cầu, tự do và an toàn.

Các nhà hoạch định chính sách nên thực hiện những nỗ lực nghiêm túc để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và dữ liệu cá nhân của công dân khỏi bị lạm dụng bởi chính phủ, công ty và tội phạm. Các công ty công nghệ nên mở rộng việc thảo luận về công việc của họ với các chuyên gia dân sự-xã hội để tối đa hóa sự minh bạch của họ và đảm bảo rằng nền tảng của họ không bị lạm dụng để lan truyền thông tin không chính xác. Sau cuộc bầu cử năm 2016 tại Hoa Kỳ cho thấy, việc quản lý có trách nhiệm hơn về truyền thông xã hội và quyền riêng tư mạnh mẽ hơn là cần thiết để ngăn chặn các tác nhân độc hại khai thác các xã hội mở để làm suy yếu dân chủ.

Bắc Kinh đang nỗ lực để tuyên truyền hệ thống của mình trên khắp thế giới. Nếu các nền dân chủ không thể thúc đẩy các nguyên tắc và lợi ích riêng của họ với sự quyết tâm bình đẳng, thì chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số đe dọa sẽ trở thành hiện thực mới cho tất cả chúng ta.

Michael Abramowitz  Michael Chertoff

Nguyên tác : The global threat of China’s digital authoritarianism, Washington Post, 01/11/2018

Vũ Quốc Ngữ chuyển ngữ

Nguồn : VNTB, 04/11/2018

Michael Abramowitz là chủ tịch của Freedom House còn Michael Chertoff là Chủ tịch của Freedom House, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa và giám đốc điều hành của Tập đoàn Chertoff, một công ty đưa ra những đề xuất về an toàn không gian mạng và bảo mật vật lý cho các tập đoàn.

Published in Diễn đàn

Nếu hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình không thỏa hiệp được với nhau, cuộc chiến tranh mậu dịch giữa hai nước có thể làm kinh tế cả thế giới đi xuống trong năm tới. Cuộc suy thoái sẽ bắt đầu khi Trung Quốc không thể ngăn quả bom nợ bùng nổ.

suythoai1

Không ai cầu mong kinh tế Trung Quốc lâm nạn, vì tai họa sẽ lan truyền khắp thế giới, kể cả nước Mỹ. Trong hình, công nhân tại một nhà máy ở phía Đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, hôm 18 Tháng Mười, 2018. (Hình : STR/AFP/Getty Images)

Tổng số nợ trong kinh tế Trung Quốc đã lên gấp ba lần Tổng sản lượng nội địa (GDP). Số nợ của tư nhân chiếm 18,6% GDP vào năm 2008 đã tăng lên thành 46,5% vào giữa năm 2018. Những món nợ có cơ không thể trả được, nguy hiểm nhất, là do các chính quyền địa phương, đã lên tới 163% GDP vào năm 2017.

Nhưng một mối đe dọa lớn cho hệ thống tài chánh Trung Quốc là những món nợ vay của nước ngoài và vay bằng đô la Mỹ, phải trả lãi và vốn cũng bằng đô la Mỹ.

Kể từ năm 2008, khi kinh tế Mỹ và cả thế giới suy yếu, số trái khoán bằng đô la (dollar-denominated bonds) của các công ty Trung Quốc đã tăng lên gấp bốn lần, theo số liệu của Ngân hàng Thanh hoán Quốc tế (BIS, Bank of International Settlenmants) ở Thụy Sĩ !

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đã tăng số nợ bằng đô la. Các nước đang lên khác cũng đang bị dè nặng dưới thứ trái phiếu này, khi họ vay đô la trên thị trường tài chánh quốc tế ; số nợ đô la của Brazil, Mexico đã tăng gấp đôi, Nam Phi và Indonesia đã vay thêm gấp ba, Chile và Argentina gấp bốn lần như Trung Quốc.

Những nước trên đây đều đang lo khó trả nợ khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất, và đồng đô la Mỹ tăng giá. Nếu đô la tiếp tục tăng giá, số đô la dùng để trả tiền lãi và vốn sẽ đắt hơn khi các nước này dùng tiền bản xứ mua đô la Mỹ. Khi lãi suất ở Mỹ tăng, muốn vay thêm đô la để trả nợ cũ sẽ phải chịu trả lãi nhiều hơn ; đó là một mối lo khác.

Nhưng không phải chỉ có các nước mang nợ lo lắng, mà cả thế giới đều lo với họ. Vì hệ thống tài chánh và kinh tế thế giới ngày nay đã liên hệ chặt chẽ với nhau, rút dây là động rừng. Nền tài chánh thế giới, trong đó đô la Mỹ đóng vai trò chính, đã trở thành một đại dương, tài chánh mỗi quốc gia là một khu biển nhỏ, nhưng nước biển cùng lên hay cùng xuống với nhau. Khủng hoảng tài chánh và ngân hàng ở một nước sẽ gây ảnh hưởng trên các nước khác. Đáng lo nhất vẫn là kinh tế Trung Quốc ; nếu họ chìm thì sẽ kéo cả thế giới xuống theo.

Trước năm 1975, hệ thống tài chánh thế giới còn được kiểm soát chặt chẽ ; ít xảy ra những cuộc khủng hoảng ngân hàng. Sau đó, hệ thống ngân hàng các quốc gia được "cởi trói" và đồng tiền lưu chuyển giữa các nước cũng dễ dàng hơn. Hiện tượng này giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng, đặc biệt từ năm 1990, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Châu Âu ; nhưng từ đó mỗi năm trung bình có 13 nước lâm vào khủng hoảng ngân hàng.

Khi hệ thống tài chánh được toàn cầu hóa, đồng tiền vốn chạy nhanh giữa các quốc gia ; giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển. Số tiền vay nợ "xuyên quốc gia" vào năm 1998 là 9.000 tỷ USD, năm 2008 đã tăng lên thành 35.000 tỷ USD ; hiện nay đã xuống còn khoảng 30.000 tỷ USD. Chúng ta có thể thấy hiện tượng vay nợ xuyên quốc gia này rõ nhất từ năm 2000.

Trong thập niên đầu thiên niên kỷ, những nước bán nhiều, mua ít, "tiết kiệm" được nhiều nhất là những nước xuất cảng dầu lửa, cùng với Trung Quốc, một nước xuất cảng hàng giá rẻ nhờ trả lương công nhân rất thấp. Những đồng tiền thặng dư đó được chuyển qua những nước tiên tiến, cho vay hoặc đầu tư. Dòng tiền tệ này đã đẩy lãi suất ở Mỹ xuống thấp, và giá các loại tài sản lên, đặc biệt là trong thị trường địa ốc. Nước Mỹ hưởng lợi nhiều nhất vì được vay với lãi suất rất rẻ ; nhưng chính sách kiểm soát dễ dãi đã đưa tới cuộc khủng hoảng địa ốc, sau đó lan qua hệ thống tài chánh làm kinh tế suy thoái trong những năm 2007, 2008.

Sau cuộc "đại suy thoái" này, dòng tiền tệ bắt đầu chảy ngược chiều, từ các nước tiên tiến qua các nước đang phát triển, như Trung Quốc ; vì phản ứng từ các nước Âu Mỹ.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng 2008, Ngân hàng Trung ương Mỹ và các nước Tây Âu đã giảm lãi suất. Họ lại bơm thêm tiền ra cho công chúng dùng để kích thích kinh tế, bằng cách mua trái phiếu quốc gia – nói cách khác là in tiền rồi cho chính phủ vay. Khi lãi suất ở Mỹ và Tây Âu xuống, giới đầu tư quốc tế, trong đó có những nước dư tiền, đưa tiền đi nơi khác tìm lợi suất cao hơn. Dòng đô la bắt đầu chạy qua những nước "đang lên". Vì thế, những món nợ ở Trung Quốc, Chile và Argentina tăng nhanh như chúng ta đã thấy. Các xí nghiệp ở nhiều nước đang lên đi vay nợ, vay bằng đô la Mỹ, đã tăng lên gấp bốn lần từ năm 2009.

Từ năm 2015, khi thấy kinh tế Mỹ đã đủ vững, Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu tăng lãi suất, lật ngược chính sách lãi suất thấp trước đó. Đồng đô la Mỹ lên cao, tới nay đã tăng giá trị thêm 25%. Như trên đã giải thích, đô la lên giá khiến các nước vay nợ bằng đô la gặp khó khăn. Vay một đô la năm 2014 chẳng hạn, giờ muốn có một đô la trả nợ thì phải mua với giá cao hơn 25% ! Nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina đã gặp nạn, và căn bệnh này rất dễ lan truyền qua các nước đang phát triển khác, trong đó có Trung Quốc. Trong 30 năm qua, kinh tế những nước gọi là đang phát triển đã tăng lên, từ tỷ lệ 36% năm 1989 nay lên tới 59% GDP của cả thế giới. Cho nên nếu các nước này "lâm nạn" thì những nước nghèo hơn hay giầu hơn cũng bị họa theo.

Tại Trung Quốc, quả bom nợ phồng lên cùng với trào lưu đô la chạy sang các nước mới phát triển. Năm 2009 tổng số nợ lớn bằng 175% GDP nay đã lên bằng 300% GDP. Riêng với những món nợ bằng đô la Mỹ ; năm 2009 hầu như chưa xí nghiệp nào đi vay trong thị trường thế giới ; nhưng đến nay số nợ đô la đã lên tới 450 tỷ USD, bằng nửa số tiền mà Trung Quốc dùng ngoại tệ dự trữ đem cho chính phủ Mỹ vay.

Vay nợ không phải là một vấn đề ! Đối với các xí nghiệp hay với các quốc gia, đi vay bao nhiêu cũng được nếu số tiền vay được dùng vào việc đầu tư sinh lợi, suất lợi kiếm được cao hơn lãi suất phải trả. Lợi suất càng cao thì vay càng nhiều càng tốt. Vấn đề của Trung Quốc là hầu hết các món nợ đều dùng cho những dự án không sinh lời hoặc hoàn toàn thua lỗ.

Trung Quốc biết như vậy, và Tập Cận Bình đã bắt đầu "cải tổ" từ khi nhậm chức năm 2012. Nhưng hai việc cải tổ rất khó khăn là làm sao hãm bớt không cho các doanh nghiệp nhà nước yếu kém vay nợ và cắt số nợ của chính quyền các địa phương. Cả hai kế hoạch đều bị luồn lách lảng tránh hoặc chống đối. Giữa lúc đó, cuộc chiến tranh mậu dịch do ông Donald Trump gây ra khiến Tập Cận Bình lại thêm mối lo mới : Ngành xuất cảng sẽ xuống, kéo theo những ngành khác. Để đối phó, muốn giữ cho kinh tế không xuống nhanh quá, Tập Cận Bình lại phải thả lỏng cho các xí nghiệp và chính quyền vay nợ thêm, miễn là vẫn còn giữ được công ăn việc làm để kinh tế tiếp tục tăng trưởng trên 6% một năm.

Nhưng muốn giữ mức tăng trưởng đó, phải nâng cao cả phía cung và phía cầu, mà điều này không dễ dàng. Trước đây, chính quyền Trung Quốc đã "kích cung" bằng cách xây dựng rất nhiều nhà máy, cao ốc, đường xe lửa, xa lộ, vân vân, bây giờ đã xây quá thừa, nhiều nơi bỏ trống không dùng tới. Muốn nâng cao phần cung bây giờ thì phải gia tăng năng suất với kỹ thuật tân tiến, và chuyển tài nguyên vào các lãnh vực có năng suất cao hơn. Nhưng cho tới nay, kế hoạch đó chưa thực hiện được. Tập Cận Bình vẫn phải thỏa hiệp, tiếp tục cho ngân hàng bơm tiền vô những xí nghiệp quốc doanh không sinh lợi.

Nhưng nếu Tập Cận Bình có thể "kích cung" theo hướng trên đây, nỗi khó khăn về phía cầu sẽ tăng lên. Việc nâng cao năng suất bằng cách bỏ bớt các doanh nghiệp nhà nước xưa nay chỉ ăn hại sẽ gây hậu quả trước mắt là công nhân trong các xí nghiệp đó sẽ mất việc. Một số lớn người tiêu thụ bắt buộc phải thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó thì kế hoạch chuyển nền kinh tế từ xuất cảng sang tiêu thụ nội địa chưa đạt được kết quả nào đáng kể. Hơn nữa, vì kế hoạch kích thích tiêu thụ này mà số nợ của tư nhân đã tăng vọt lên, từ 18.6% GDP vào năm 2008 nay thành 46,5%, như đã nói trên đây. Tăng lợi tức của người tiêu thụ cũng là một biện pháp kích cầu tốt, nhưng từ năm 2016 đến nay tỷ lệ lợi tức của các gia đình so với Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) đã giảm chứ không tăng.

Tập Cận Bình có thể cố giữ số hàng xuất cảng không cho rớt xuống nhanh quá, bằng cách hạ thấp giá đồng nguyên của Trung Quốc so với đô la Mỹ. Nhưng làm như vậy sẽ càng chọc giận Donald Trump, cuộc chiến tranh quan thuế sẽ tàn nhẫn hơn. Hơn nữa, khi đồng nguyên xuống giá so với tiền Mỹ, những món nợ vay bằng đô la của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trở thành nặng nề hơn.

Không ai cầu mong kinh tế Trung Quốc lâm nạn, vì tai họa sẽ lan truyền khắp thế giới, kể cả nước Mỹ. Năm 1989, kinh tế Trung Quốc chỉ bằng 4% của GDP của thế giới, bây giờ đã lên thành 19%. Nếu kinh tế Trung Quốc suy sụp thì những nước đang bán hàng cho họ gặp nguy, những ngân hàng đang cho họ vay tiền cũng lâm nạn. Hậu quả lan ra khiến hệ thống ngân hàng quốc tế cũng khó thoát nạn. Khi ngân hàng khắp nơi phải giảm bớt số tiền cho vay thì kinh tế toàn cầu sẽ xuống theo.

Hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ được mọi người chung quanh nhắc nhở mối nguy chung này trong lần gặp gỡ sắp tới. 

Ngô Nhân Dụng

Người Việt, 02/11/2018

Published in Diễn đàn

Vì sao Tập Cận Bình đẩy mạnh đàn áp

Nhiều chuyện đáng lo đã xảy ra ở Trung Quốc gần đây. Hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) theo Hồi giáo đã bị đưa vào các trại cải tạo kiểu Orwellian (*) tại tỉnh Tân Cương (Xinjiang) ở phía tây. Một đảng chính trị ở Hong Kong bị đặt ra ngoài vòng pháp luật bất chấp quy chế đặc biệt và lịch sử tự do ngôn luận của thành phố. Các giáo viên ở một thành phố cảng miền nam bị yêu cầu phải nộp lại hộ chiếu để [chính quyền] có thể theo dõi kỹ hơn mọi cuộc đi lại của họ.

dânp1

Hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo đã bị đưa vào các trại cải tỉnh Tân Cương (Xinjiang) ở phía tây.

Một nhà bất đồng chính kiến bị đau ốm, người được giải Nobel Hòa bình, ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), bị ngăn không cho ra nước ngoài chữa bệnh. Trong khi về thăm quê ở Trung Quốc, người lãnh đạo tổ chức chống tội phạm quốc tế, Interpol, bỗng biến mất rồi tái xuất hiện trong sự giam cầm của chính phủ và đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Danh sách các sự việc như thế còn kéo dài.

111111111111111

Thông tin về những sự kiện như vậy dần dần lộ ra, mỗi sự kiện tự nó đều có thể gây sốc, nhưng tất cả đều bị bỏ qua dễ dàng như là những lớp vỏ bề ngoài không quan trọng của những xu thế tích cực hơn. Tuy nhiên, gộp chung lại, những dấu chấm được kết nối sẽ thể hiện một bức tranh rõ ràng – và đáng lo ngại – về con đường của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình (Xi Jinping). Bất chấp tất cả những câu chuyện về tiến lên phía trước, đất nước này, ở nhiều phương diện, đang quay lại với quá khứ, và các quan chức và nhà lãnh đạo của nó đang bộc lộ một thái độ vô liêm sỉ mới trong hoạt động đàn áp. Bắt nhốt từ năm đến mười phần trăm số dân của cả một sắc tộc, như chính phủ [Trung Quốc] đã làm ở Tân Cương là một phương pháp dường như thuộc về thế kỷ trước chứ không phải thế kỷ này.

Nhưng những biện pháp mạnh tay này không chỉ đảo ngược những cuộc cải cách và cởi mở ở các thập niên trước. Bắc Kinh còn đang mở rộng quy mô địa lý của những biện pháp ấy, kéo dài chúng từ các vùng biên giới phía tây của đất nước sang những vùng có thời tương đối tự do hơn, và sử dụng những phương pháp hiện đại để phục vụ những tham vọng toàn trị chủ nghĩa cổ lỗ. Tóm lại, những gì chúng ta đang chứng kiến không phải là sự tiếp tục trạng thái đàn áp của Trung Quốc mà là sự khởi đầu của một cái gì đó mới mẻ hơn, đáng báo động hơn.

Những biên giới mới của sự đàn áp

Trong lãnh thổ rộng lớn của Tân Cương, sự chống đối của người bản xứ đối với ách cai trị của Trung Quốc đã có lịch sử lâu dài, cũng dài như vậy là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đè nén sự chống đối này thông qua việc kiểm soát hành vi đi lại, phát ngôn và thể hiện văn hóa. Nhưng trong vòng hai năm qua, nhà cầm quyền đã có những bước đi chưa hề có tiền lệ để đồng hóa dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác trong vùng theo văn hóa của người sắc tộc Hán.

Nhà nước đã xây dựng một mạng lưới hơn 180 trại "chuyển hóa thông qua giáo dục", trong các trại này có đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác bị giam cầm mà không qua bất kỳ hình thức xét xử nào. Nhà cầm quyền tuyên bố rằng những trung tâm này được dùng để dạy nghề và huấn luyện về pháp lý. Nhưng những cựu tù nhân từ đó ra đã mô tả một hệ thống kỷ luật kiểu trại lính và sự lạm dụng lan tràn, nơi tù nhân phải hát những khẩu hiệu của đảng, phải học Tư tưởng Tập Cận Bình.

Trong khi đó, nhà cầm quyền đã tuyển dụng một số lượng lớn công dân Trung Quốc người gốc Hán đến ở trong nhà người Duy Ngô Nhĩ, giám sát các gia đình và chọn ra những cá nhân để đưa vào trại cải tạo. Những hành vi như bỏ hút thuốc lá, không chào các quan chức hoặc chỉnh đồng hồ theo giờ địa phương, theo như tường trình, đều bị coi là dấu hiệu của "chủ nghĩa cực đoan" – và là căn cứ cho việc giam giữ không thời hạn. Theo các quan chức địa phương, mục đích của biện pháp này là nhằm xóa bỏ "những mầm mống" và "những khối u" đã "bị nhiễm độc những bệnh tật ý thức hệ".

Nếu như Tập Cận Bình chứng tỏ sự đàn áp của Bắc Kinh đang gia tăng như thế nào thì Hong Kong lại cho thấy sự đàn áp đó đang trải rộng ra những vùng đất mới, ngay cả những vùng không có nhiều người sắc tộc thiểu số. Công dân của đặc khu bán tự trị Hong Kong được hưởng hàng loạt quyền tự do chính trị và dân sự không hề có ở Trung Quốc lục địa.

Ấy vậy mà đảng Quốc gia Hong Kong (Hong Kong National Party – HKNP) – một tổ chức nhỏ thành lập năm 2016 thẳng thắn kêu gọi [Hong Kong] phải được độc lập hoàn toàn khỏi Bắc Kinh, đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, trên cơ sở rằng những tín điều của nó bị cho là có tính chất lật đổ một cách nguy hiểm. Các tổ chức đối lập từ lâu vẫn thường bị dẹp ở Trung Quốc lục địa, nhưng với Hong Kong, lệnh cấm này là lệnh đầu tiên gây kinh ngạc trong 21 năm mà đặc khu này độc lập khỏi sự kiểm soát của người Anh.

Cuộc tranh luận cũng làm nổi bật các nỗ lực của quan chức nhằm phỉ báng các nhà lãnh đạo đảng Quốc gia Hong Kong như là những "người ly khai", tuy bất bạo động nhưng chẳng tốt đẹp gì hơn "những kẻ khủng bố". Ở Tây Tạng (Tibet), các quan chức Trung Quốc từ lâu đã dùng lối vu vạ này để làm mất uy tín những người ủng hộ đức Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama), còn ở Hong Kong, thứ ngôn ngữ như vậy là chưa hề có tiền lệ.

Trong khi đó, các nhà báo ngoại quốc làm việc ở Bắc Kinh từ lâu đã biết rằng thị thực (visa) của họ có thể bị hủy bỏ nếu những bài tường thuật của họ biến thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Điều này chưa bao giờ xảy ra ở Hong Kong – cho đến tháng Mười vừa qua khi biên tập viên Châu Á của tờ Thời báo Tài chính (Financial Times – Vương quốc Anh), ông Victor Mallet, bị hủy visa. Nhà cầm quyền từ chối giải thích về quyết định hủy visa, nhưng hiển nhiên là đó là một hành động trả đũa chống lại ông Mallet vì ông đã điều phối một sự kiện tại Câu lạc bộ Nhà báo nước ngoài cùng với nhà lãnh đạo đảng Quốc gia Hong Kong vừa bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Mãi tới gần đây, nhà cầm quyền không áp dụng luật của Trung Quốc lục địa trên lãnh thổ Hong Kong, nhưng điều này đang thay đổi. Tại một chốt kiểm tra di dân ở nhà ga West Kowloon tại Hong Kong – nơi một tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ chạy vào lục địa – các nhân viên an ninh của lục địa áp dụng luật của lục địa.

Bắc Kinh cũng đang xuất khẩu áp lực ra khắp mọi nơi. Năm 2015, nhà nước bắt đầu cấm các bậc cha mẹ ở Tân Cương đặt tên con cái theo tên của đạo Hồi. Giờ đây, kiểu cảnh sát văn hóa này đang lan ra tỉnh láng giềng Ninh Hạ (Ningxia), một tỉnh mà theo truyền thống được cai trị nhẹ nhàng hơn. Hồi tháng Chín, chính quyền Ninh Hạ tuyên bố họ sẽ đặt lại tên một dòng sông địa phương để xóa bỏ mọi sự đề cập tiềm tàng tới quá khứ Hồi giáo. Vì tên cũ của dòng sông, Aiyi, bị nghi là ám chỉ bà A’isha, phu nhân của nhà tiên tri Muhammad nên bây giờ dòng sông được gọi là Điền Nông (Diannong) giang.

Không cần phải đi về các tỉnh xa thuộc vùng biên cương miền tây của đất nước : hồi cuối tháng Chín, các quan chức yêu cầu giáo viên ở thành phố Hạ Môn (Xiamen) vùng đông nam phải nộp lại hộ chiếu của họ trước kỳ lễ quốc khánh vào đầu tháng Mười, nhằm ngăn cản họ đi du lịch tới Hong Kong gần đó hoặc ra nước ngoài mà không được cho phép chính thức. Đây là một chiến thuật quen thuộc ở Tây Tạng và Tân Cương nhưng là điều mới mẻ ở các thành phố lục địa trên vùng duyên hải phía đông.

Sự trở về của quá khứ

Những câu chuyện này kết hợp lại, cùng với nhiều câu chuyện khác nổi lên trong 5 năm kể từ khi Tập lên cầm quyền chứng tỏ rằng nhà nước Trung Quốc đang đối phó với những mối bất bình và những sự căng thẳng chính trị hiện đại bằng những công cụ đàn áp mà họ đã bắt đầu vứt bỏ. Đất nước Trung Quốc đã có những bước tiến rất dài về công nghệ và phát triển kinh tế trong vài thập niên qua. Trên mặt trận chính trị, nó chỉ đi loanh quanh.

Tập không phải là Mao Trạch Đông (Mao Zedong). Nếu như Mao dùng các phong trào quần chúng để khuấy động mọi chuyện lên, Tập nhấn mạnh vào sự ổn định và trật tự. Mao sỉ vả Khổng Tử như là một nhân vật "phong kiến" mà những tín điều đã kiềm hãm Trung Hoa; Tập lại tán dương những giá trị Khổng giáo truyền thống.

Thế nhưng quá khứ đang thực hiện cuộc quay về đáng chú ý. Các trại cải tạo, một cơ chế được ưa chuộng để kiểm soát xã hội trong những thập niên 1950-1960, đã dần dần không được sử dụng nữa nhưng những ngày này, chúng lại trở thành mốt thời thượng. Các tù nhân chính trị có thời bị ngăn không cho ra nước ngoài chữa bệnh nhưng vào thập niên 1990, những nhà ly khai đang bị ở tù như Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) và Vương Đán (Wang Dan) đã được ra tù để chữa bệnh và được phép ra nước ngoài. Khi người được giải Nobel Lưu Hiểu Ba bị bệnh ung thư năm 2017, việc Bắc Kinh từ chối, không cho phép ông được chữa trị ở nước ngoài, gây cảm tưởng như là một cuộc quay lại thời kỳ trước cải cách. Những người tiền nhiệm của Tập đã đưa ra giới hạn nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo đất nước; Tập lên ngôi và dỡ bỏ cái rào chắn này. Sách Mao tuyển bị đặt qua một bên – đây là thời đại Tư tưởng Tập Cận Bình.

Một cuộc đảo chiều hoàn toàn khác so với các thập niên gần đây là cách thức mà những kỹ thuật có thời chỉ dùng ở những vùng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn của đất nước đã di chuyển sang những vùng từ trước tới nay được kiểm soát lỏng lẻo hơn. Trước kia những khu vực tương đối tự do có vẻ như ngày càng mở rộng : báo chí ở những địa phương gần biên giới với Hong Kong chẳng hạn, đã bắt đầu vận hành ngày càng giống với các đối trọng của họ ở phía cựu thuộc địa của Anh quốc. Ở một số thành phố của Tây Tạng và Tân Cương, đời sống thường nhật có vẻ giống, ít ra là bề ngoài, với đời sống ở bất kỳ thành phố nào trong lục địa. Ngày nay trái lại, dòng chảy đang theo hướng ngược lại.

Kết hợp với nhau, việc tái khởi động những cung cách cũ tồi tệ và cuộc chuyển dịch về hướng đông các cơ chế kiểm soát đã làm cho các nhà quan sát chính trị Trung Quốc phải giật mình và thôi thúc họ suy nghĩ lại rất nhiều giả định về con đường đi tới của đất nước này kể từ khi nó bắt đầu một kỷ nguyên cải cách gần bốn mươi năm về trước.

Đây cũng là một phần của sự thay đổi kinh tế. Tăng trưởng kinh tế chậm lại đã buộc đảng Cộng sản phải tìm những câu chuyện mới để giải thích tại sao đảng xứng đáng được nắm giữ quyền lực, và khả năng của đảng trong việc duy trì sự ổn định xã hội được đưa lên thành điểm trung tâm để rao giảng cho công chúng. Cũng với lý do như vậy, bộ máy tuyên truyền của nhà nước ngày càng dựa nhiều vào các chủ đề chủ nghĩa dân tộc vị chủng và niềm tự hào về những thành tựu của người Hán. Không phải ngẫu nhiên mà những người bị hành hạ vì những biện pháp khắc nghiệt nhất là người thuộc về những nhóm sắc tộc phi-Hán; còn trong trường hợp đảng Quốc gia Hong Kong, họ bị coi là người Hán nhưng đã trở thành kẻ phản bội sắc tộc của họ. Những sự thay đổi này bắt đầu trong thời kỳ chuẩn bị cho cuộc thăng tiến của Tập trong giới lãnh đạo Đảng vào cuối năm 2012, bốn tháng trước khi ông ta trở thành chủ tịch. Từ đó, quá trình thay đổi được tăng tốc một cách ngoạn mục dưới sự theo dõi của ông ta, một phần bởi vì ông ta có nỗi ám ảnh cá nhân đối với trật tự.

Những cuộc đàn áp gần đây cũng được khích lệ bởi các yếu tố quốc tế. Tình hình đã khác đi vì Đảng chỉ trả một cái giá tương đối nhỏ ở nước ngoài cho những hành vi đàn áp ở trong nước. Trong quá khứ, những động thái tự do hóa nhỏ thể hiện một khao khát của Bắc Kinh muốn tránh, hoặc ít ra là làm giảm xuống mức tối thiểu, sự phản kháng của các nước khác, các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về nhân quyền.

Ngày nay, Tập và những cận thần của ông ta ít lo lắng hơn, họ tin rằng sự giàu có và tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc sẽ hạn chế mọi cuộc bất đồng sinh ra từ sự đàn áp ở trong nước – đây cũng là lối tính toán đã làm cho các nhà lãnh đạo độc tài khác thêm bạo dạn, chẳng hạn như gia tộc cầm quyền ở Arab Saudi. Cộng thêm vào điều này là trạng thái hỗn loạn về chính trị ở Hoa Kỳ và Châu Âu và rõ ràng đó là lý do tại sao các lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ rằng họ có thể làm mà không bị trừng phạt những gì mà những người tiền nhiệm của họ đều né tránh. Trừ phi các nhà lãnh đạo ở khắp nơi có thể tập hợp đủ lòng dũng cảm để thách thức những hành vi vượt qua giới hạn của Bắc Kinh, và trừ phi các nhà quan sát nhận ra rằng những biến cố có vẻ như riêng biệt kia là một phần của một làn sóng đàn áp duy nhất thì đừng mong đợi những tin tức phát ra từ Tân Cương hoặc Hong Kong sẽ sớm thay đổi.

Kelly Hammond, Rian Thum & Jeffrey Wasserstrom

Nguyên tác : China’s Bad Old Days Are Back
Why Xi Jinping Is Ramping Up Repression,
Foreign Affairs, 30/10/2018

Huỳnh Hoa dịch

Nguồn : vietstudies, 31/10/2018

(*) Orwellian : từ dùng để chỉ tính chất xã hội "tù ngục" dưới chế độ độc tài hoặc toàn trị, xuất phát từ tác phẩm của nhà văn George Orwell. George Orwell (1903-1950) : nhà văn, nhà báo, nhà bình luận người Anh. Tác phẩm của ông đầy hình ảnh ẩn dụ để lên án bất công xã hội, chống lại chủ nghĩa toàn trị và ủng hộ chủ nghĩa dân chủ xã hội. Tác phẩm nổi bật của ông là Trại súc vật (1945), 1984 (1949)…

Kelly Hammond là Phó giáo sư Lịch sử, Đại học Arkansas. Công trình nghiên cứu của bà tập trung vào lịch sử Hồi giáo ở Đông Á và các tộc người thiểu số ở vùng biên địa của Trung Quốc.

Rian Thum là Phó giáo sư Lịch sử Đại học Loyola ở New Orleans, nghiên cứu viên ở Đại học Nottingham. Nghiên cứu của ông tập trung vào sự chồng lấn giữa Trung Quốc và thế giới Hồi giáo.

Jeffrey Wasserstrom là Giáo sư Lịch sử Đại học California ở Irvine và đã viết rất nhiều về các cuộc phản kháng của dân chúng ở Trung Quốc.

Nguồn : https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2018-10-30/chinas-bad-old-days-are-back ?cid=int-flb&pgtype=hpg

Published in Diễn đàn
lundi, 15 octobre 2018 21:20

Pence, Pillsbury và Trung Quốc

Sự tri dy ca Trung Quc là đ tài đã được bàn cãi sôi ni hơn hai thp niên qua. Nhưng Trung Quc đã tri dy như thế nào, mc tiêu ca h là hòa bình hay hiếu chiến, và h có đ kh năng và có dám thách thc Hoa Kỳ, để ri chiến tranh có phi là điu không th tránh khi trong ba thp niên ti, là đ tài mà được tho lun và phân tích rt nhiu trong thi gian gn đây.

pence1

Phó tổng thng Mike Pence phát biu ngày 4 tháng 10, 2018 ti Hudson Institute, Washington.

Trước hết là cách thc tri dy ca Trung Quc.

Một người đàng hoàng, không gian ln, biết và tôn trọng lut chơi, ch s dng con đường chính trc đ kinh doanh, và tr thành giàu có và quyn lc bng m hôi nước mt và trí tu ca mình, thì khó mt ai có th phê bình người đó. Nht Bn, sau Thế Chiến II, ít nhiu đã giành được s ngưỡng phc ca thế gii vì tinh thn đó. S tri dy ca Trung Quc thì li khác hn. Trung Quc, t mt quc gia nghèo đói không đ ăn, tt hu v mi mt vào các thp niên 1950, 1960 và mt phn ca 1970, đã thay đi b mt t khi bt tay bang giao vi Hoa Kỳ năm 1972 vì đã được giúp đ, vin tr và c vn v mi mt. Kinh tế và hu như mi lĩnh vc khác ngày càng phát trin k t đó. Trong vòng 17 năm qua tng sn lượng quc gia đã tăng trưởng gp 9 ln, tr thành nn kinh tế th nhì ca thế gii. Tt nhiên đó là điu tích cực cho quc gia này, nht là người dân ca h không phi sng trong lm than và ti nhc như trước.

Nhưng hu qu tiêu cc ca s phát trin bng mi giá ca gii lãnh đo Trung Quc trong các thp niên qua đi vi chính người dân ca h, đi vi các quốc gia láng ging, đi vi nn an ninh khu vc, và đi vi nn trt t thế gii do Hoa Kỳ lãnh đo trong hơn by thp niên qua, là rt quan ngi. Hoa Kỳ đã b thit hi nng n trong mi bang giao này, nhưng lãnh đo hàng đu ca Hoa Kỳ không ai công khai chính thức lên tiếng mt cách toàn din và h thng. Cho đến khi Phó Tng thng Hoa Kỳ Mike Pence phát biểu điểm mt ch tên Trung Quc ti Vin Nghiên cu Hudson vào ngày 4 tháng 10 va qua (*).

Trong bài phát biểu này, ông Pence chính thc công b cho người dân M biết v s ch đng và điu khin mt cách toàn din ca chính quyn ti Bc Kinh đ gia tăng nh hưởng và hưởng li đi vi Hoa Kỳ trong nhiu thp niên qua. H đã s dng các dng c quân sự, kinh tế và chính tr cho đến tuyên truyn đ tn công Hoa Kỳ. Ông cho rng ngày nay Trung Quc đã áp dng mt cách ch đng hơn trước na, tìm cách nh hưởng và can thip lên chính sách ni đa và nn chính tr ca Hoa Kỳ.

Một trong các thông đip chính của ông Pence là rng Hoa Kỳ mong mun mt mi quan h trên tinh thn xây dng vi Bc Kinh nơi hai bên có th cùng nhau phát trin thnh vượng và an ninh. "S cnh tranh không nht thiết phi là thù nghch", và nó không cn phi là như thế. Ông biện luận rng trong khi Bc Kinh đã đi xa t vin nh này, các lãnh đo ca Trung Quc có th thay đi phương hướng, tr li tinh thn ci cách và m mang mà đã biu th mi quan h gia hai quc gia vào nhng thp niên trước. Người M không mun gì hơn các điều đó, và người Hoa xng đáng không ít hơn thế.

Bài phát biểu rt chi tiết ca ông Pence đt lãnh đo Trung Quc hin nay vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Hiện nay người ta vn chưa rõ là Tng thng Donald Trump mun chiến đu (fight) hay mun tha thun (deal). Sau ba ln áp thuế nhp khu tng cng lên 250 tỷ đô la, ông Trump còn có ý định gia tăng lên lượng hàng nhp khu tng tr giá 500 t đô la, nếu cn. Gii chuyên gia và lãnh đo Trung Quc hin nay mun biết ông Trump tht s mun gì, nhưng ông là người khó đoán. Nếu lãnh đo Trung Quc chu "tha thun" thì ông Trump còn "chiến đu" tiếp không ? Theo mt s viên chc trong chính ph Trump thì "không có thỏa thun nào c. Thuế quan là đim sau cùng". Nhưng Ely Ratner thuộc vin nghiên cu CNAS, một trong các chuyên gia tr và ni bc v Trung Quốc hin nay, cho rng dù có đt được tha thun vi Trung Quc, Hoa Kỳ mun nhiu hơn na. Làm sao đ nn k ngh và k thut ca Hoa Kỳ ít b thit hi do nn ăn cp và cưỡng chế t Trung Quc. Nhng tn hi do s tương thuc quá nhiu vi Trung Quc chính nó sẽ là vn đ ln, cho nên theo Ratner, ch trương và chính sách ca chính quyn Trump hin nay là tách ri (decouple), mun gim bt s tương thuc này. Nếu đc k các thông đip trong toàn b bài phát biu ca ông Pence thì tha thun, nht là v thuế nhp khu, ch là phn nh đi vi các yêu cu hay mc tiêu ca Hoa Kỳ. Điu chính yếu là Hoa Kỳ mun mt quan h kinh tế được t do, công bng và h tương vi Trung Quc, và mun Bc Kinh chm dt vĩnh vin hành đng ăn cp s hu trí tu, chm dt các hành động bt buc chuyn giao công ngh. Tt nhiên đi nào mà Tp Cn Bình ca Trung Quc chp nhn mt tha thun như thế.

Chính quyền Trump có l mun đưa chính quyn Tp Cn Bình vào thế trit buc.

Điều đáng ghi nhn nht đây là gn như toàn b bài phát biểu ca ông Pence phn ánh hu hết mi quan tâm và nghiên cu sâu sc ca Tiến sĩ Michael Pillsbury trong tác phm "Một trăm năm chy đua" (được phát hành đu năm 2015 và được gii hc gi chuyên gia đánh giá rất cao). Ông Pillsbury hin đang là Giám đc ca Vin Nghiên cu Hudson, nơi ông Pence đến phát biu. Trong phn m đu, ông Pence trân trng chào riêng ông Pillsbury và trong phn phát biu có trích vài ý ca ông Pillsbury. Ông Pillsbury không phải là mt chuyên gia bình thường. Ông đã tng nm vai trò Ph tá Th trưởng B Quc phòng Hoa Kỳ thi ca c Tng thng Ronald Reagan. Ông là người nói và tranh lun tiếng Hoa lưu loát, làm vic sát cánh vi CIA và FBI trên bn thp niên, đã phc v qua bao nhiêu đời tng thng Hoa Kỳ, và đã tiếp xúc trc tiếp các lãnh đo chính tr và quân s hàng đu ca Trung Quc ngay t ban đu khi Hoa Kỳ tái lp quan h vi Trung Quc, nên tác phm trên ca ông có nhiu thông tin mt mà ít ai biết hay ít được tiết lộ trước đây. Ông Trump đánh giá ông Pillsbury là một thm quyn hàng đu v Trung Quc. Những ai đã đc tác phm s thy rng phần lớn các quan đim và bng chng mà ông Pence trình bày là da vào các d kin đã được gii tình báo Hoa Kỳ đúc kết và rút ta kinh nghim t hơn bn thp niên đi phó vi Trung Quc, trong đó có s đóng góp quan trng ca ông Pillsbury.

Phần cui ca cuốn sách, ông Pillsbury đã trình bày tổng cng 12 đ ngh chiến lược cho các chính quyn Hoa Kỳ trong tương lai. Ông Pillsbury là người hiu rõ thế c vây và các chiến lược trí trá mà gii lãnh đo chính tr và quân s Trung Quc đã và đang áp dng, t thi chiến quc cũng như hơn bn thp niên qua, đ tri dy. Chính quyn Trump đang tiến hành mt s đ ngh chiến lược này. Ông Pence đã bn phát súng đu tiên chính thc cnh báo cuc chy đua ca Trung Quc và công b các chính sách mà Hoa Kỳ s thc hin để đối phó vi s tri dy có nhiu vn đ ca Trung Quc.

Ông Pence chọn Vin Nghiên cu Hudson đ bn phát súng này, trong khi biết rõ Trung Quc đã đc tác phm và nm rõ các đ ngh ca Pillsbury, chính nó cũng là mt quyết đnh chiến lược đ gi thông điệp quan trng này đến lãnh đo Trung Quc.

Đây là cuộc chiến không lnh, chưa nóng, có th m, nhưng sc công phá s không nh. Nó s lâu dài, có lúc ngm ngm, có lúc bc phá, và cũng s có mt mát. Th thách nào cũng tim n cơ hi trong đó. Đây là cơ hi đ Vit Nam thoát Trung, nếu mun. Hoa Kỳ đã bt đèn xanh nhiu ln. Còn lãnh đo Vit Nam có mun hay không là chuyn khác.

Úc Châu, 15/10/2018

Phạm Phú Khải

Nguồn : VOA, 15/10/2018

******************

(*) Toàn văn bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Pence về Trung Quốc

Nguồn : trithucvn.net, 07/10/2018

Viện Hudson ngày 4-10, 

Cám ơn Ken (Kenneth R. Weinstein, chủ tịch Viện Hudson – người dịch) vì lời giới thiệu hào phóng đó. Xin chào các thành viên ban trị sự, Tiến sĩ Michael Pillsbury, các vị khách quý, và toàn thể mọi người, những người, đúng với sứ mệnh của mình, "nghĩ về tương lại theo những cách không bình thường" – thật vinh dự khi được quay trở lại Viện Hudson.

Trong hơn một nửa thế kỷ, viện này đã tận tụy "thúc đẩy an ninh, thịnh thượng, và tự do toàn cầu. Và tuy Hudson đã thay đổi bản quán trong nhiều năm qua, có một điều vẫn nhất quán: Các vị vẫn luôn quảng bá sự thật quan trọng rằng sự lãnh đạo của Mỹ luôn soi đuốc mở đường.

Hôm nay, tôi gửi lời chúc mừng từ một nhà tiên phong cho sự lãnh đạo của nước Mỹ trong cũng như ngoài nước – vị tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump.

Ngay từ thời kỳ đầu của chính quyền này, Tổng thống Trump đã xem mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc và với Chủ tịch Tập là một ưu tiên. Ngày 6 tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Trump chào đón Chủ tịch Tập đến Mar-A-Lago. Ngày 8 tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Trump thăm Bắc Kinh, nơi nhà lãnh đạo Trung Quốc đón tiếp ông nồng hậu.

Hơn 2 năm qua, tổng thống của chúng ta đã gây dựng mối quan hệ cá nhân bền chặt với vị chủ tịch của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và họ hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quan tâm chung, quan trọng nhất là phi phạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nhưng hôm nay tôi xuất hiện trước các bạn vì người dân Mỹ xứng đáng được biết… ngay khoảnh khắc này, Bắc Kinh đang triển khai một cách tiếp cận của toàn bộ chính quyền, sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự, cũng như tuyên truyền, để thúc đẩy sự ảnh hưởng và gặt hái lợi ích ở Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng áp dụng sức mạnh này theo những cách chủ tâm hơn bao giờ hết, để áp đặt sự ảnh hưởng và can thiệp vào chính sách và chính trị nội bộ của đất nước chúng ta.

Dưới thời chính quyền của chúng tôi, chúng tôi đã tiến hành những hành động quyết liệt để đáp trả Trung Quốc bằng sự lãnh đạo của Mỹ, áp dụng những nguyên tắc và chính sách mà những người trong khán phòng này chủ trương từ lâu.

Trong "Chiến lược An ninh quốc gia" được Tổng thống Trump công bố tháng 12 năm ngoái, ông mô tả một thời kỳ mới của "sự cạnh tranh nước lớn". Các quốc gia nước ngoài đã bắt đầu "tái áp đặt sự ảnh hưởng của họ ở khu vực và toàn cầu", và họ đang "thách thức lợi thế địa chính trị (của nước Mỹ) và cố gắng thay đổi trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho họ". Trong chiến lược này, Tổng thống Trump đã nêu rõ rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã thông qua một chiến lược mới với Trung Quốc. Chúng ta tìm kiếm mối quan hệ trên cơ sở công bằng, có đi có lại và tôn trọng chủ quyền, và chúng ta thực hiện hành động dứt khoát để đạt mục tiêu đó.

Như Tổng thống đã nói năm ngoái trong chuyến thăm của ông đến Trung Quốc, "chúng ta có cơ hội tăng cường mối quan hệ giữa hai đất nước chúng ta và cải thiện cuộc sống của công dân hai nước chúng ta". Tầm nhìn tương lai của chúng ta được vun bồi trên những thời kỳ tốt đẹp nhất giữa hai nước trong quá khứ, khi Mỹ và Trung Quốc liên lạc với nhau trên tinh thần cởi mở và hữu nghị…

Khi đất nước non trẻ của chúng ta tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới sau thời kỳ chiến tranh Cách mạng, người Trung Quốc chào đón những tàu buôn Mỹ chất đầy nhân sâm và lông thú…

Khi Trung Quốc chịu đựng những sự sỉ nhục và bóc lột trong thời kỳ được gọi là "Thế kỷ Ô nhục" của họ, nước Mỹ từ chối tham gia, và chủ trương chính sách "Mở cửa", để chúng ta có thể giao thương công bằng hơn với Trung Quốc và duy trì chủ quyền của họ…

Khi những nhà truyền giáo Mỹ rao giảng tin mừng đến những vùng đất Trung Quốc, họ sửng sờ trước nền văn hóa sâu đậm của những người cổ xưa nhưng đầy sức sống, và không chỉ truyền bá đức tin, họ còn thành lập một trong số những ngôi trường đại học đầu tiên và ưu tú nhất của Trung Quốc…

Khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra, chúng ta sát cánh như những đồng minh trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc… Và sau cuộc chiến đó, Mỹ bảo đảm Trung Quốc trở thành thành viên Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và là một nước tham gia định hình vĩ đại của thế giới thời hậu chiến.

Nhưng không lâu sau khi lên nắm quyền vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu theo đuổi chủ nghĩa bành trướng chuyên chế. Chỉ 5 năm sau khi hai quốc gia là chiến hữu, chúng ta đã chiến đấu lại với nhau, trên những ngọn núi và thung lũng ở bán đảo Triều Tiên. Thân phụ của tôi đã chứng kiến chiến sự trên những tiền tuyến tự do.

Ngay cả cuộc chiến tranh Triều Tiên bạo tàn cũng không thể làm giảm đi mong muốn của đôi bên nhằm khôi phục các mối quan hệ gắn bó lâu đời. Bất hòa của Hoa Kỳ với Trung Quốc chấm dứt năm 1972, và ngay sau đó, chúng ta thiết lập lại quan hệ ngoại giao, bắt đầu mở cửa nền kinh tế cho nhau, và các trường đại học Mỹ bắt đầu đào tạo một thế hệ kỹ sư, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả và cán bộ Trung Quốc mới. Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, chúng ta cho rằng một Trung Quốc tự do là không thể tránh khỏi. Ngập trong sự lạc quan, vào đầu thế kỷ 21, Mỹ đã đồng ý cho Bắc Kinh tiếp cận với nền kinh tế của chúng ta, và đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới.

Các chính quyền trước đây đưa ra lựa chọn này với hy vọng tự do ở Trung Quốc sẽ mở rộng dưới mọi hình thức – không chỉ về mặt kinh tế, mà cả mặt chính trị, với sự tôn trọng mới dành cho các nguyên tắc tự do cổ điển, tài sản tư nhân, tự do tôn giáo và toàn thảy vấn đề nhân quyền… nhưng hy vọng này đã không được thành toàn.

Giấc mơ tự do vẫn còn xa vời đối với người dân Trung Quốc. Và trong khi Bắc Kinh vẫn chỉ chót lưỡi đầu môi về "cải cách và mở cửa", chính sách nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình giờ đây tỏ ra thiếu thành thật.

Trong 17 năm qua, GDP của Trung Quốc đã tăng gấp 9 lần; trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Phần lớn thành công này được thúc đẩy bởi đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc. Và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã sử dụng một kho chính sách không phù hợp với thương mại tự do và công bằng, trong đó thuế quan, hạn ngạch, thao túng tiền tệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp công nghiệp được ban phát vô tội vạ chỉ là một vài trong số đó. Những chính sách này đã xây dựng cơ sở sản xuất của Bắc Kinh, với hậu quả là tổn thất của các đối thủ cạnh tranh – đặc biệt là Mỹ.

Hành động của Trung Quốc góp phần vào thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ mà năm ngoái đã lên đến 375 tỷ USD – gần một nửa thâm hụt thương mại toàn cầu của chúng ta. Như Tổng thống Trump vừa nói tuần này, "chúng ta đã tái thiết Trung Quốc" trong 25 năm qua.

Bây giờ, thông qua kế hoạch "Made in China 2025", Đảng Cộng sản đã đặt mục tiêu kiểm soát 90% các ngành công nghiệp tiên tiến nhất thế giới, bao gồm robot, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Để giành được những đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế thế kỷ 21, Bắc Kinh đã chỉ đạo các quan chức và doanh nghiệp của mình thâu tóm tài sản trí tuệ Mỹ – nền tảng cho sự lãnh đạo kinh tế của chúng ta – bằng mọi phương tiện cần thiết.

Bắc Kinh hiện yêu cầu nhiều doanh nghiệp Mỹ chuyển giao bí mật thương mại của họ để đổi lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Họ cũng phối hợp và tài trợ cho việc mua lại các công ty Mỹ để giành quyền sở hữu sáng tạo của những công ty này. Tệ hại nhất là các cơ quan an ninh Trung Quốc đã chủ mưu đánh cắp trọn gói công nghệ Mỹ – bao gồm các bản thiết kế quân sự tối tân.

Và bằng cách sử dụng công nghệ bị đánh cắp đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang lấy lưỡi cày rèn gươm trên một quy mô lớn…

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc hiện bằng toàn thể phần còn lại của châu Á gộp lại, và Bắc Kinh đã ưu tiên khả năng làm xói mòn lợi thế quân sự của Mỹ – trên đất liền, trên biển, trên không, và trong không gian. Trung Quốc khăng khăng đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Tây Thái Bình Dương và cố gắng ngăn cản chúng ta hỗ trợ các đồng minh của mình.

Bắc Kinh cũng sử dụng sức mạnh của mình nhiều hơn bao giờ hết. Tàu Trung Quốc thường xuyên tuần tra quanh quần đảo Senkaku, được quản lý bởi Nhật Bản. Và trong khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đứng trong Vườn Hồng của Nhà Trắng năm 2015 và nói rằng đất nước của ông "không có ý định quân sự hóa Biển Đông", ngày nay, Bắc Kinh đã triển khai tên lửa chống hạm và phòng không trên một chuỗi căn cứ quân sự được xây dựng trên các đảo nhân tạo.

Sự hung hăng của Trung Quốc được dịp phô bày trong tuần này, khi một tàu hải quân Trung Quốc áp sát tàu USS Decatur ở khoảng cách 41 mét khi nó tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, buộc tàu của chúng ta phải nhanh chóng cơ động để tránh va chạm. Bất chấp sự quấy rối liều lĩnh như vậy, Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, đi tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và theo nhu cầu lợi ích quốc gia của chúng ta. Chúng ta sẽ không bị đe dọa; chúng tôi sẽ không rút lui.

Mỹ từng hy vọng tự do hóa kinh tế sẽ thúc đẩy Trung Quốc đi đến quan hệ đối tác lớn hơn với chúng ta và với thế giới. Thay vào đó, Trung Quốc đã chọn cách xâm lăng kinh tế, điều này đến lượt nó lại thúc đẩy quân đội của họ ngày càng phát triển. Bắc Kinh cũng không hướng tới quyền tự do lớn hơn cho người dân của họ như chúng ta kỳ vọng. Có lúc, Bắc Kinh xích gần đến quyền tự do và tôn trọng nhân quyền nhiều hơn, nhưng trong những năm gần đây, họ đã quay ngoắt về phía sự kiểm soát và áp bức.

Ngày nay, Trung Quốc đã xây dựng một nhà nước giám sát độc nhất vô nhị, và nó càng ngày càng mở rộng và bừa bãi – thường với sự giúp đỡ của công nghệ Mỹ. Tương tự, "Vạn lý hỏa thành của Trung Quốc" cũng ngày càng cao hơn, hạn chế đáng kể dòng chảy tự do thông tin đến với người dân Trung Quốc. Và đến năm 2020, các nhà cai trị của Trung Quốc nhắm đến việc thực thi một hệ thống Orwell dựa trên việc kiểm soát hầu hết khía cạnh của đời sống con người – với cái gọi là "điểm tín nhiệm xã hội". Theo ngôn ngữ trong bản thiết kế chính thức của chương trình, nó sẽ "cho phép người được tín nhiệm rong chơi cùng trời cuối đất, trong khi khiến người mất uy tín không nhấc nổi một bước".

Và khi nói đến tự do tôn giáo, một làn sóng truy bức mới đang ập xuống với các Kitô hữu, Phật tử và người Hồi giáo Trung Quốc…

Tháng trước, Bắc Kinh đóng cửa một trong những nhà thờ ngầm lớn nhất Trung Quốc. Trên khắp đất nước, nhà chức trách đang giật đổ thánh giá, đốt kinh thánh và cầm tù các tín hữu. Và Bắc Kinh giờ đây đã đạt được thỏa thuận với Vatican, mang lại cho Đảng Cộng sản vốn tuyên xưng vô thần một vai trò trực tiếp trong việc bổ nhiệm các giám mục Công giáo. Đối với các Kitô hữu Trung Quốc, đó là những thời kỳ tuyệt vọng. Bắc Kinh cũng đang trấn áp Phật giáo. Trong thập niên qua, hơn 150 tu sĩ Phật giáo Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự đàn áp của Trung Quốc đối với niềm tin và văn hóa của họ.

Và ở Tân Cương, Đảng Cộng sản đã giam giữ cả triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại của chính phủ nơi họ phải chịu đựng sự tẩy não suốt ngày đêm. Những người sống sót trong các trại đã mô tả trải nghiệm của họ như một nỗ lực cố ý của Bắc Kinh để bóp nghẹt văn hóa Duy Ngô Nhĩ và dập tắt đức tin Hồi giáo.

Nhưng như lịch sử chứng minh, một đất nước đàn áp những người dân của chính nó hiếm khi dừng lại ở đó. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu mở rộng tầm với của mình trên toàn thế giới. Như Tiến sĩ Michael Pillsbury của chính Viện Hudson đã nói, "Trung Quốc đã phản đối các hành động và mục tiêu của chính phủ Hoa Kỳ. Thật vậy, Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ riêng của mình với các đồng minh và kẻ thù của Hoa Kỳ, đi ngược lại với bất kỳ ý định hòa bình hay hảo ý nào của Bắc Kinh".

Trung Quốc sử dụng cái gọi là "ngoại giao bẫy nợ" để mở rộng ảnh hưởng của họ. Hôm nay, quốc gia đó đang cung cấp hàng trăm tỷ đô la các khoản vay cơ sở hạ tầng cho các chính phủ từ châu Á đến châu Phi đến châu Âu đến cả Mỹ Latinh. Tuy nhiên, các điều khoản của các khoản vay đó dù có hay ho đến chừng nào thì cũng luôn mơ hồ và lợi ích luôn tuôn đổ về Bắc Kinh.

Chỉ cần hỏi Sri Lanka, nước vay một khoản nợ khổng lồ để các công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng một cảng biển với giá trị thương mại đáng ngờ. Hai năm trước, quốc gia đó không còn đủ khả năng thanh toán món nợ của mình nữa – vì vậy Bắc Kinh đã gây áp lực để Sri Lanka chuyển giao cảng mới trực tiếp vào tay Trung Quốc. Nó có thể sớm trở thành căn cứ quân sự tiền phương cho lực lượng hải quân biển xanh đang ngày càng phát triển của Trung Quốc.

Trong chính bán cầu của chúng ta, Bắc Kinh đã giang tay cứu vớt chế độ Maduro tham nhũng và bất tài ở Venezuela, cam kết 5 tỉ đô la trong các khoản vay đáng ngờ có thể được hoàn trả bằng dầu. Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của quốc gia này, tạo gánh nặng cho người dân Venezuela với hơn 50 tỷ đô la nợ nần. Bắc Kinh cũng đang làm suy đồi nền chính trị của một số quốc gia bằng cách cung cấp sự hậu thuẫn trực tiếp cho các đảng phái và ứng viên hứa hẹn sẽ đáp ứng các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc…

Và kể từ năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thuyết phục 3 quốc gia Mỹ Latinh cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và công nhận Bắc Kinh. Những hành động này đe dọa sự ổn định của Eo biển Đài Loan – và Hoa Kỳ lên án những hành động này. Và trong khi chính quyền của chúng ta sẽ tiếp tục tôn trọng Chính sách Một Trung Quốc của chúng ta, như được phản ánh trong ba thông cáo chung và Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ sẽ luôn tin rằng sự đón nhận dân chủ của Đài Loan chỉ ra một con đường tốt hơn cho tất cả người dân Trung Quốc.

Đây chỉ là một vài trong số những cách mà Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy lợi ích chiến lược của mình trên khắp thế giới, với cường độ và sự tinh vi ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, các chính quyền trước đây gần như bỏ qua các hành động của Trung Quốc – và trong nhiều trường hợp, họ đã xúi giục Trung Quốc. Nhưng thời đó đã qua.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, Hoa Kỳ đã bảo vệ lợi ích của chúng ta với sức mạnh được phục hồi của Mỹ… Chúng ta đã làm cho quân đội hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới hùng mạnh hơn nữa. Đầu năm nay, Tổng thống đã ký thành luật việc gia tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ thời Ronald Reagan – 716 tỷ đô la để mở rộng sự thống trị quân sự của chúng ta trong mọi chiến trường.

Chúng ta đang hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân, chúng ta đang triển khai và phát triển những chiến đấu cơ và máy bay ném bom tối tân, chúng ta đang xây dựng một thế hệ tàu sân bay và tàu chiến mới, và chúng ta đang đầu tư vào các lực lượng vũ trang của chúng ta ở mức chưa từng có. Điều này bao gồm việc xúc tiến thành lập Lực lượng Không gian Hoa Kỳ để đảm bảo sự thống trị liên tục của chúng ta trong không gian, và cho phép tăng cường năng lực trong thế giới mạng để xây dựng sự răn đe với các đối thủ của chúng ta.

Và theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, chúng ta cũng đang áp đặt thuế quan lên 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, với mức thuế cao nhất nhắm vào các ngành công nghiệp tiên tiến mà Bắc Kinh đang cố gắng nắm bắt và kiểm soát. Và Tổng thống cũng đã nói rõ rằng chúng ta sẽ áp thêm nhiều loại thuế nữa, với khả năng tăng hơn gấp đôi con số đó, trừ khi đạt được một thỏa thuận công bằng và có đi có lại.

Hành động của chúng ta đã có tác động lớn. Thị trường chứng khoán lớn nhất Trung Quốc giảm 25% trong 9 tháng đầu năm nay, phần lớn bởi vì chính quyền của chúng ta đã chống lại những hành vi thương mại của Bắc Kinh.

Như Tổng thống Trump đã nêu rõ, chúng ta không muốn thị trường của Trung Quốc phải khốn đốn. Trong thực tế, chúng ta muốn họ phát triển mạnh. Nhưng Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh theo đuổi các chính sách thương mại tự do, công bằng và có đi có lại.

Đáng buồn thay, các nhà cai trị của Trung Quốc đã từ chối đi theo con đường đó – cho đến nay. Người dân Mỹ xứng đáng biết điều đó, để đáp trả lập trường mạnh mẽ của Tổng thống Trump, Bắc Kinh đang theo đuổi một chiến dịch toàn diện và phối hợp để làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Tổng thống, chương trình nghị sự của chúng ta, và những lý tưởng được trân quý nhất của quốc gia chúng ta.

Hôm nay tôi muốn nói với bạn những gì chúng tôi biết về hành động của Trung Quốc – một số trong đó chúng tôi thu thập từ những đánh giá tình báo, một số trong đó đã được công chúng biết đến. Nhưng tất cả đều là sự thật.

Như tôi đã nói trước đây, Bắc Kinh đang triển khai một cách tiếp cận của toàn thể chính quyền để thúc đẩy ảnh hưởng của họ và gặt hái lợi ích cho họ. Họ sử dụng sức mạnh này theo cách chủ tâm và đe dọa hơn để can thiệp vào các chính sách và chính trị nội bộ của Hoa Kỳ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tưởng thưởng hoặc hăm dọa các doanh nghiệp Mỹ, các hãng phim, trường đại học, viện nghiên cứu, các học giả, nhà báo, và các quan chức địa phương, tiểu bang và liên bang.

Tệ hại nhất, Trung Quốc đã khởi xướng một nỗ lực chưa từng có để tác động đến ý kiến công chúng Mỹ, cuộc bầu cử năm 2018, và môi trường dẫn đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020…

Nói thẳng ra, sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đang có hiệu quả; và Trung Quốc muốn một Tổng thống Mỹ khác.

Trung Quốc đang can thiệp vào nền dân chủ của Mỹ. Như Tổng thống Trump vừa nói tuần trước, chúng tôi "phát hiện Trung Quốc đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử [giữa kỳ] năm 2018 sắp diễn ra của chúng ta".

Cộng đồng tình báo của chúng tôi nói rằng "Trung Quốc đang nhắm đến các chính quyền và quan chức cấp tiểu bang và địa phương của Mỹ để khai thác bất kỳ sự chia rẽ nào về chính sách giữa chính quyền liên bang và các cấp địa phương. Họ sử dụng các vấn đề xung khắc, như thuế quan thương mại, để thúc đẩy ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh".

Vào tháng Sáu, Bắc Kinh đã lưu hành một tài liệu bí mật, có tiêu đề "Chỉ thị Tuyên truyền và Kiểm duyệt", vạch ra chiến lược của mình. Nó nói rằng Trung Quốc phải "tấn công chính xác và cẩn thận, chia tách các nhóm trong nước khác nhau" tại Hoa Kỳ.

Để phục vụ mục đích đó, Bắc Kinh đã huy động các nhân tố bí mật, các nhóm bình phong, và tổ chức tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người Mỹ về các chính sách của Trung Quốc. Như một thành viên cấp cao trong cộng đồng tình báo của chúng ta gần đây đã nói với tôi, những gì người Nga làm chẳng là gì cả so với những gì Trung Quốc đang làm trên khắp đất nước này.

Các quan chức cấp cao Trung Quốc cũng đã cố gắng tác động đến để các nhà lãnh đạo kinh doanh lên án hành động thương mại của chúng ta, tận dụng mong muốn duy trì hoạt động của họ ở Trung Quốc. Trong một ví dụ gần đây, họ đe dọa sẽ khước từ cấp giấy phép kinh doanh cho một tập đoàn lớn của Mỹ nếu từ chối phát biểu chống lại chính sách của chính quyền chúng ta.

Và khi nói đến việc tác động đến cuộc bầu cử giữa kỳ, bạn chỉ cần nhìn vào thuế quan mà Bắc Kinh đáp trả chúng ta. Họ nhắm mục tiêu cụ thể vào các ngành công nghiệp và tiểu bang sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2018. Theo một ước tính, hơn 80% các hạt của Hoa Kỳ bị Trung Quốc nhắm đến đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump vào năm 2016; bây giờ Trung Quốc muốn biến các cử tri này chống lại chính quyền của chúng ta.

Và Trung Quốc cũng đang trực tiếp chiêu dụ cử tri Mỹ. Tuần trước, chính phủ Trung Quốc trả tiền để đăng nhiều phụ trang trên tờ Des Moines Register – tờ báo có lượng phát hành lớn ở bang nhà của Đại sứ của chúng ta tại Trung Quốc, và là một tiểu bang quan trọng trong (cuộc bầu cử – người dịch) năm 2018. Phần phụ trang, được thiết kế trông giống như các bài báo, phê phán các chính sách thương mại của chúng ta là liều lĩnh và có hại cho người dân bang Iowa.

May mắn thay, người Mỹ không bị thuyết phục. Chẳng hạn : nông dân Mỹ đang đứng về phía vị Tổng thống này và đang nhìn thấy kết quả thực sự từ những lập trường mạnh mẽ mà ông đã chọn, bao gồm Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada tuần này, nơi chúng tôi đã mở rộng đáng kể thị trường Bắc Mỹ cho các sản phẩm của Hoa Kỳ – một chiến thắng lớn cho nông dân và nhà sản xuất Mỹ.

Nhưng hành động của Trung Quốc không chỉ tập trung vào việc ảnh hưởng đến chính sách và chính trị của chúng ta. Bắc Kinh cũng đang thực hiện các bước để khai thác đòn bẩy kinh tế, và sức hấp dẫn từ thị trường nội địa lớn của Trung Quốc, để tăng cường ảnh hưởng của họ lên các tập đoàn Mỹ. Bắc Kinh hiện yêu cầu các liên doanh của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc thành lập "các tổ chức đảng" trong công ty của họ, mang lại cho Đảng Cộng sản một tiếng nói – và có thể là quyền phủ quyết – trong các quyết định tuyển dụng và đầu tư.

Chính quyền Trung Quốc cũng đe dọa các công ty Hoa Kỳ mô tả Đài Loan như một thực thể địa lý riêng biệt, hoặc đi lệch khỏi chính sách của Trung Quốc về Tây Tạng. Bắc Kinh buộc Delta Airlines phải công khai xin lỗi vì không gọi Đài Loan là một "tỉnh của Trung Quốc" trên website của mình. Họ cũng gây áp lực cho Marriott để sa thải một nhân viên người Mỹ bấm thích một tweet về Tây Tạng.

Bắc Kinh thường xuyên yêu cầu Hollywood mô tả Trung Quốc theo một góc nhìn tích cực ngặt nghèo, và họ trừng phạt các hãng phim và nhà sản xuất không làm thế. Những nhà kiểm duyệt của Bắc Kinh nhanh chóng chỉnh sửa hoặc cấm chiếu những bộ phim phê phán Trung Quốc, thậm chí theo những cách nhỏ nhặt. Phim "World War Z" đã phải cắt bỏ khỏi kịch bản phần đề cập đến một loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc. "Red Dawn" đã được chỉnh sửa kỹ thuật số để biến những nhân vật phản diện thành người Bắc Triều Tiên, chứ không phải là người Trung Quốc.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chi hàng tỷ đô la cho các tổ chức tuyên truyền ở Hoa Kỳ, cũng như các quốc gia khác.

Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc hiện phát sóng chương trình thân thiện với Bắc Kinh trên hơn 30 tổ chức truyền thông ở Hoa Kỳ, phần nhiều tập trung ở các thành phố lớn của Mỹ. Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu của Trung Quốc tiếp cận hơn 75 triệu người Mỹ – và nó nhận được lệnh điều động trực tiếp từ những lãnh đạo Đảng Cộng sản của mình. Như nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc phát biểu trong một chuyến thăm trụ sở của mạng lưới, "Các phương tiện truyền thông do Đảng và chính phủ điều hành là mặt trận tuyên truyền và phải có Đảng tính".

Đó là lý do tại sao, tháng trước, Bộ Tư pháp đã ra lệnh cho mạng lưới đó đăng ký là tổ chức nước ngoài.

Đảng Cộng sản cũng đã đe dọa và giam giữ các thành viên gia đình người Trung Quốc của các nhà báo người Mỹ, những người tìm tòi quá sâu. Và họ đã chặn các website của các tổ chức truyền thông Hoa Kỳ và khiến các nhà báo của chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn để có được visa. Điều này xảy ra sau khi tờ The New York Times công bố các bài báo điều tra về sự giàu có của một số nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Nhưng phương tiện truyền thông không phải là nơi duy nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách nuôi dưỡng một nền văn hóa kiểm duyệt. Điều này cũng đúng với các học viện.

Chỉ cần nhìn vào Hội sinh viên và học giả Trung Quốc, vốn có hơn 150 chi nhánh trên khắp các cơ sở đại học của Mỹ. Các nhóm này giúp tổ chức các sự kiện xã hội cho một số trong hơn 430.000 công dân Trung Quốc đang theo học tại Hoa Kỳ ; họ cũng cảnh báo các lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc khi các sinh viên Trung Quốc, và các trường học của Mỹ, đi chệch khỏi đường lối của Đảng Cộng sản.

Tại Đại học Maryland, một sinh viên Trung Quốc gần đây đã phát biểu tại lễ tốt nghiệp của mình về những gì cô gọi là "không khí trong lành của tự do ngôn luận" ở Mỹ. Tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản đã nhanh chóng trừng phạt cô, cô trở thành nạn nhân của một cơn bão chỉ trích gay gắt trên mạng truyền thông xã hội được kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc, và gia đình cô trở ở trong nước đã bị quấy nhiễu. Đối với bản thân trường đại học, chương trình trao đổi của nó với Trung Quốc – một trong những chương trình sâu rộng nhất của nước này – đột nhiên bị tắc tị.

Trung Quốc cũng gây áp lực học thuật theo những cách khác. Bắc Kinh cung cấp tài trợ hào phóng cho các trường đại học, viện nghiên cứu và các học giả, với thỏa thuận rằng họ sẽ tránh những ý tưởng mà Đảng Cộng sản thấy nguy hiểm hoặc xúc phạm. Các chuyên gia về Trung Quốc biết rõ rằng thị thực của họ sẽ bị trì hoãn hoặc bị từ chối nếu nghiên cứu của họ mâu thuẫn với các luận điểm của Bắc Kinh.

Và ngay cả các học giả và tổ chức tránh nhận tài trợ của Trung Quốc cũng bị quốc gia đó nhắm đến, như Viện Hudson trực tiếp trải nghiệm. Sau khi bạn đề nghị tiếp đón một diễn giả mà Bắc Kinh không thích, website của bạn hứng chịu một cuộc tấn công mạng lớn, có nguồn gốc từ Thượng Hải. Bạn biết rõ hơn đa số rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng làm suy yếu tự do học thuật và tự do ngôn luận ở Mỹ ngày nay.

Những hành động này và những hành động khác, nhìn chung, cấu thành một nỗ lực đang được tăng cường để chuyển dịch ý kiến công chúng và chính sách công của Hoa Kỳ ra xa khỏi phong cách lãnh đạo Nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump. Nhưng thông điệp của chúng ta đối với các nhà cầm quyền của Trung Quốc là: Tổng thống này sẽ không lùi bước – và người dân Mỹ sẽ không bị lung lạc. Chúng ta sẽ tiếp tục đứng vững vì an ninh và nền kinh tế của chúng ta, ngay cả khi chúng ta hy vọng cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh.

Chính quyền của chúng ta sẽ tiếp tục hành động dứt khoát để bảo vệ lợi ích, công việc và an ninh của người Mỹ.

Khi chúng ta xây dựng lại quân đội của mình, chúng ta sẽ tiếp tục khẳng định lợi ích của Mỹ trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Khi chúng ta đáp trả các hành vi thương mại của Trung Quốc, chúng ta sẽ tiếp tục đòi hỏi một mối quan hệ kinh tế tự do và công bằng và có đi có lại với Trung Quốc, đòi hỏi Bắc Kinh tháo dỡ rào cản thương mại, thực hiện nghĩa vụ thương mại, và mở hoàn toàn nền kinh tế như chúng ta đã mở cửa nền kinh tế của chúng ta.

Chúng ta sẽ tiếp tục hành động cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, và chấm dứt hành vi bóc lột là cưỡng bức chuyển giao công nghệ…

Và để thúc đẩy tầm nhìn của chúng ta về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở, chúng ta đang xây dựng các liên kết mới và mạnh mẽ hơn với các quốc gia chia sẻ giá trị của chúng ta trên khắp khu vực – từ Ấn Độ đến Samoa. Các mối quan hệ của chúng ta sẽ tuôn chảy từ tinh thần tôn trọng, được xây dựng trên quan hệ đối tác, chứ không phải sự thống trị.

Chúng ta đang thiết lập các thỏa thuận thương mại mới, trên cơ sở song phương, giống như tuần trước, Tổng thống Trump đã ký một thỏa thuận thương mại cải tiến với Hàn Quốc và chúng ta sẽ sớm bắt đầu đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do song phương lịch sử với Nhật Bản.

Và chúng ta đang sắp xếp lại các chương trình tài chính và phát triển quốc tế, mang lại cho các quốc gia nước ngoài một lựa chọn thay thế minh bạch và công bằng thay vì chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc. Để đạt được mục đích đó, Tổng thống Trump sẽ ký thành luật Đạo luật BUILD trong những ngày tới.

Và vào tháng tới, tôi sẽ có đặc ân đại diện cho Hoa Kỳ tại Singapore và Papua New Guinea, tại ASEAN và APEC. Ở đó, chúng ta sẽ công bố các biện pháp và chương trình mới để hỗ trợ một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở – và thay mặt Tổng thống, tôi sẽ phát đi thông điệp rằng cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương chưa bao giờ mạnh mẽ hơn.

Để bảo vệ quyền lợi của chúng ta ở trong nước, chúng tôi đã tăng cường CFIUS – Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ – nâng cao sự giám sát đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ, để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta trước các hành động bóc lột của Bắc Kinh.

Và khi nói đến ảnh hưởng và sự can thiệp thâm độc của Bắc Kinh vào nền chính trị và chính sách của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục phơi bày nó, bất kể hình thức của nó là gì. Và chúng ta sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo ở mọi cấp xã hội để bảo vệ lợi ích quốc gia và những lý tưởng được trân quý nhất. Người dân Mỹ sẽ đóng vai trò quyết định – và trên thực tế, họ đã như thế…

Khi chúng ta tề tựu nơi đây, một sự đồng thuận mới đang dấy lên trên khắp nước Mỹ…

Có thêm nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh đang suy nghĩ vượt ra ngoài quý tiếp theo, và suy nghĩ hai lần trước khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc nếu nó đồng nghĩa với việc chuyển giao tài sản trí tuệ của họ hoặc khuyến khích sự đàn áp của Bắc Kinh. Nhưng còn nhiều thứ phải nối bước. Ví dụ : Google phải ngay lập tức chấm dứt việc phát triển ứng dụng "Dragonfly" vốn sẽ tăng cường sự kiểm duyệt của Đảng Cộng sản và xâm phạm quyền riêng tư của khách hàng Trung Quốc…

Có thêm nhiều nhà báo đang tường thuật sự thật mà không sợ hãi hoặc thiên vị và đào sâu để vạch ra nơi Trung Quốc đang can thiệp vào xã hội của chúng ta, và tại sao – và chúng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều hơn những người Mỹ, và những tổ chức toàn cầu, những tổ chức tin tức sẽ tham gia vào nỗ lực này.

Có thêm nhiều học giả đang phát biểu mạnh mẽ và bảo vệ tự do học thuật, và có thêm nhiều trường đại học và viện nghiên cứu đang tập trung nhuệ khí để khước từ món tiền dễ kiếm của Bắc Kinh, nhận ra rằng mỗi đồng đô la đều đi kèm những đòi hỏi tương ứng. Chúng tôi tự tin có thêm nhiều người sẽ tham gia vào hàng ngũ của họ.

Và trên toàn quốc, người dân Mỹ đang ngày càng cảnh giác, với một sự đánh giá cao mới dành cho các hành động của chính quyền của chúng ta nhằm thiết lập lại mối quan hệ kinh tế và chiến lược của Mỹ với Trung Quốc, để cuối cùng đưa Nước Mỹ lên trên hết.

Và dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, Mỹ sẽ đi đúng hướng. Trung Quốc nên biết rằng người dân Mỹ và đại diện được bầu của họ ở cả hai đảng đều quyết tâm.

Như Chiến lược An ninh Quốc gia của chúng ta tuyên bố : "Cạnh tranh không luôn đồng nghĩa với thù địch".

Như Tổng thống Trump đã nói rõ, chúng ta muốn có một mối quan hệ xây dựng với Bắc Kinh, nơi mà sự thịnh vượng và an ninh của chúng ta cùng phát triển, chứ không tách rời. Trong khi Bắc Kinh đã rời xa tầm nhìn này, các nhà cầm quyền của Trung Quốc vẫn có thể thay đổi hướng đi, và quay trở lại với tinh thần "cải cách và mở cửa" và sự tự do lớn hơn. Người Mỹ không muốn nhiều hơn ; người dân Trung Quốc xứng đáng không ít hơn.

Nhà văn vĩ đại người Trung Quốc Lỗ Tấn thường than trách rằng đất nước của ông "chỉ có một là khinh khi người nước ngoài như cầm thú, hoặc hai là tôn xưng họ như thánh thượng, chứ chưa bao giờ xem là đồng đẳng". Hôm nay, nước Mỹ đang vươn tay ra với Trung Quốc ; chúng tôi hy vọng Bắc Kinh sẽ sớm vươn tay lại – bằng hành động chứ không phải lời nói, và với sự tôn trọng mới đối với nước Mỹ. Nhưng chúng ta sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc đặt cơ sở trên sự công bằng, có đi có lại, và tôn trọng chủ quyền.

Có một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc nói rằng "con người chỉ nhìn thấy hiện tại, nhưng trời nhìn thấy tương lai". (Nhân kiến mục tiền, thiên kiến cửu viễn – người dịch). Khi chúng ta tiến lên, chúng ta hãy theo đuổi một tương lai hòa bình và thịnh vượng với quyết tâm và niềm tin…

Niềm tin vào sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, và mối quan hệ mà ông đã thiết lập với chủ tịch Trung Quốc…

Niềm tin vào tình hữu nghị bền vững giữa người Mỹ và người Trung Quốc…

Niềm tin rằng trời nhìn thấy tương lai – và nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng đi tới tương lai đó.

Cảm ơn các bạn. Chúa phù hộ các bạn. Và Chúa phù hộ nước Mỹ !

Duan Dang chuyển ngữ

Nguồn : trithucvn.net, 07/10/2018

Published in Diễn đàn

Chương trình Reality Check của BBC phân tích những ẩn ý của hệ thống xếp hạng tín dụng xã hội được đề xuất tại Trung Quốc.

tap1

Chính quyền Trung Quốc nhắm đến việc thực thi một hệ thống Orwell dựa trên việc kiểm soát hầu hết khía cạnh của đời sống con người

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc về việc áp dụng một hệ thống xếp hạng tín dụng xã hội.

"Chính quyền Trung Quốc nhắm đến việc thực thi một hệ thống Orwell [được mô tả trong tiểu thuyết 1984] dựa trên việc kiểm soát hầu hết khía cạnh của đời sống con người - với cái gọi là "điểm tín nhiệm xã hội", ông Pence nói trong bài phát biểu gần đây.

Chính phủ Trung Quốc khẳng định hệ thống này sẽ trao thưởng cho những ai "báo cáo hành vi vi phạm".

Vậy thì Trung Quốc có đang thiết lập hệ thống kiểm soát toàn bộ xã hội và ý thức chính trị của người dân hay không ?

'Mức độ tin cậy'

Đúng là mọi công dân Trung Quốc sẽ được yêu cầu tham gia vào hệ thống xếp hạng hành vi và thái độ xã hội, điều này có thể gây bất lợi cho những người không tuân thủ.

Đã có những chỉ dấu cho thấy hệ thống có thể rất bao quát, mặc dù nhiều người Trung Quốc dường như ủng hộ ý tưởng này.

Ở nhiều quốc gia, thực trạng tín dụng của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến khả năng được vay tiền của họ.

Nhưng hệ thống tín dụng xã hội đề xuất của Trung Quốc - hứa hẹn áp dụng từ năm 2020 - sẽ đi xa hơn, và xếp hạng tất cả các cá nhân về những gì chính quyền gọi là "mức độ tin cậy".

Điểm tín dụng xã hội cũng sẽ được áp dụng cho các công ty và tổ chức.

Về cơ bản, chính phủ dự định tính toán giá trị xã hội không chỉ dựa trên những hàng hóa/dịch vụ người dân chi xài - mà còn là cách họ cư xử và thậm chí về khuynh hướng chính trị.

tap2

Chính phủ Trung Quốc thường bị cáo buộc muốn kiểm soát dân chúng tối đa

Nếu "mức độ tin cậy" không đạt, chẳng hạn vì hút thuốc ở những khu vực cấm hút thuốc hoặc nộp thuế trễ, người đó sẽ bị điểm âm.

Ngược lại, công dân sẽ được ghi nhận điểm cộng khi tham gia hoạt động từ thiện.

Thực tế, hệ thống tính điểm có dạng "danh sách đen" và "danh sách đỏ" công khai.

Hệ thống tín dụng xã hội này đã được áp dụng một phần và nhiều tỉnh đang thử nghiệm.

Năm ngoái, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết 6,15 triệu công dân đã bị cấm bay vì "có hành vi sai trái".

Giấy phép đã được cấp cho tám công ty để đánh giá thực trạng tín dụng và các chỉ số khác.

Một công ty như vậy, Sesame Credit, lập hệ thống dựa trên các thành viên tự nguyện.

Nó được Công ty dịch vụ tài chính Ant (AFSG) liên kết với Alibaba điều hành.

tap3

Hệ thống xếp hạng tín dụng của người tiêu dùng đã tồn tại ở Trung Quốc

'Từ năm 2020'

Người dùng của hệ thống này có thể được điểm cộng nếu họ mua các mặt hàng như tã lót hoặc nếu họ lôi kéo bạn bè tham gia.

Nhưng nếu mua các vật phẩm như video games thì có thể bị mất điểm.

Người đạt điểm số cao có thể được hiển thị tốt hơn trên Baihe, dịch vụ hẹn hò online của Trung Quốc.

Nếu người dùng tích lũy đủ điểm, họ có thể thuê xe hơi mà không cần đặt cọc hoặc được ưu đãi VIP check-in tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh.

Một chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Zurich cho biết đây hệ thống xếp hạng này phức tạp hơn các chương trình khách hàng thân thiết.

Không ai chắc chắn về cách thức chính xác mà chương trình tín dụng xã hội sẽ được áp dụng từ năm 2020.

"Các nhà quan sát thực sự không biết chuyện gì đang xảy ra", Johan Lagerkvist, chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Stockholm nói.

Tuy nhiên, Rogier Creemers, Đại học Leiden, chỉ ra cách thức mà chính phủ Trung Quốc muốn kiểm soát.

"Hệ thống tín dụng xã hội là dạng khuếch tán các luật hiện hành", ông nói.

Tuy nhiên, ông tin rằng nó có nhiều khả năng là tập hợp các sáng kiến ​​khác nhau về việc xếp hạng công dân hơn là hệ thống kiểm soát.

Để tính toán điểm số của một cá nhân, chính phủ sẽ cần thu thập một lượng lớn dữ liệu.

tap4

Việc tham gia biểu tình sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng xã hội

'Nên và không nên'

Các nhà phân tích tin rằng có khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng hồ sơ chi tiêu trên WeChat Pay và Alipay, cũng như hồ sơ công cộng và các hoạt động khác như đặt phòng khách sạn/đặt chỗ nhà hàng, cũng như tình trạng hôn nhân/học vấn.

Nhà chức trách cũng sẽ thu thập dữ liệu cá nhân từ CCTV, drone, công nghệ nhận diện khuôn mặt ở nơi công cộng cũng như hành vi trực tuyến của người dân.

Trung Quốc chi rất nhiều tiền vào mạng lưới giám sát rộng lớn, và được cho là có một hệ thống nhận diện khuôn mặt tinh vi ở khu vực Tân Cương, nơi có người thiểu số Uighur theo Hồi giáo.

Danh sách "những điều nên và không nên làm" dao động từ những vấn đề nhỏ đến lớn, theo Johan Lagerkvist.

"Nên" có thể gồm :

- Hiến máu

- Tặng tiền và làm cho tổ chức từ thiện

- Mua sản phẩm/dịch vụ được đánh giá tích cực hơn là mua các sản phẩm không tốt cho sức khỏe.

"Không nên" có thể là :

- Tham nhũng

- Trốn thuế

- Gian lận

- Lan truyền thông tin được đánh giá là "có hại cho sự ổn định xã hội".

Các nhà phân tích tin rằng chính phủ sẽ thiết lập thuật toán để tính toán điểm số.

Ở Trung Quốc, nhiều người tin rằng hệ thống tín dụng xã hội sẽ giúp xử lý tội phạm, cũng như tham nhũng vặt, bằng cách gia tăng giám sát.

Nhưng giới chỉ trích nói rằng cách này sẽ bóp nghẹt tự do ngôn luận và gia tăng kiểm soát xã hội và khuynh hướng chính trị, nhất là nhắm vào nhóm dân tộc thiểu số và giới bất đồng chính kiến.

Samantha Hoffman thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc cho biết : "Điểm mấu chốt của hệ thống này là tận dụng công nghệ để bảo vệ Đảng".

Theo Chương trình Reality Check

Published in Châu Á

Các nhà hoạt động trẻ tuổi chiến đấu vì các giá trị cộng sản dường như là một mối đe dọa đối với Bắc Kinh

marx1

Các nhà hoạt động ở Thâm Quyến hồi tháng trước giăng biểu ngữ kêu gọi trừng trị các cảnh sát tham nhũng và thả các công nhân nhà máy bị giam giữ. Ảnh : Sue-Lin Wong / Reuters

Họ chính là những gì mà các trường đại học tốt nhất của Trung Quốc được hoạch định là sẽ đào tạo ra : những nam nữ thanh niên thấm nhuần ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Họ đọc Marx, Lenin và Mao và thành lập các nhóm sinh viên để thảo luận về tiến trình của chủ nghĩa xã hội. Họ điều tra việc giai cấp vô sản của trường, bao gồm cả những người làm công tác tạp vụ, đầu bếp và công nhân xây dựng, được đối xử như thế nào. Họ tình nguyện giúp đỡ các gia đình ở nông thôn gặp khó khăn và kính trọng răm rắp đọc những khẩu hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sau đó, sau khi tốt nghiệp, vào tháng trước, họ đã cố gắng áp dụng các lý tưởng đã được tuyên bố của đảng vào hành động, từ khắp Trung Quốc họ hội tụ nhau về Huệ Châu, một thành phố ở miền nam (Trung Quốc), vận động thành lập các tổ chức công đoàn tại các nhà máy gần đó và tiến hành các cuộc biểu tình kêu đòi một sự bảo vệ lớn hơn đối với những người lao động.

Đó là khi đảng chợt nhận ra rằng nó có vấn đề.

Các nhà chức trách đã nhanh chóng nghiền nát những nỗ lực của các nhà hoạt động trẻ tuổi, giam giữ hàng tá người trong số họ và bóp chết những lời kêu gọi của họ về công lý - nhưng không phải ở thời điểm trước khi ví dụ của họ trở thành một lời hiệu triệu đối với những người trẻ tuổi trên khắp đất nước (Trung Quốc) vốn không hài lòng với sự bất bình đẳng ngày càng tăng, tham nhũng và chủ nghĩa sùng bái vật chất trong xã hội Trung Quốc. Mà là sau đó.

Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu "Các bạn là lực lượng nòng cốt của giai cấp công nhân !" (gợi nhớ câu thơ "Khi là cây mác. cây chông. Khi là biển cả, khi không là gì" của Nguyễn Long – người dịch ) tại một cuộc biểu tình nói chuyện với những người công nhân tại một nhà máy thiết bị. "Chúng tôi chia sẻ những vinh quang và cả những cay đắng của các bạn" Các cuộc biểu tình là phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là bởi những người lao động những người mà vốn không có nơi nào khác để bày tỏ tình cảnh của giai cấp mình trong một quốc gia không có các công đoàn độc lập, không có các tòa án độc lập và cũng không có các phương tiện truyền thông độc lập. Nhưng các cuộc biểu tình ở Huệ Châu là không bình thường bởi vì chúng được tổ chức bởi các sinh viên (đang theo học) và sinh viên mới tốt nghiệp gần đây từ một số trường đại học hàng đầu của đất nước, những người mà thường đứng ngoài các hoạt động đường phố kể từ khi phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 đã kết thúc trong biển máu tại quảng trường Thiên An Môn.

Trong nhiều thập kỷ kể từ sau vụ thảm sát đó, sinh viên đại học nói chung đã giúp thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế và chính trị của đảng (cộng sản Trung Quốc), tập trung vào công ăn việc làm, tậu nhà tậu cửa và các khía cạnh khác của đời sống trung lưu khá giả về mặt vật chất trong khi ủng hộ ách cai trị độc đoán, hoặc ít nhất là tránh né, xa rời các hoạt động chính trị. Khi tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, các quan chức đảng đã trở nên lo lắng hơn về các ảnh hưởng của phương Tây đối với giới trẻ của đất nước (Trung Quốc), những người mà hơn bao giờ hết có thể kết nối toàn cầu và bằng kỹ thuật số.

Nhưng các nhà hoạt động tại Huệ Châu lại cho thấy có một mối đe dọa mà các nhà chức trách không hề mong đợi, không hề lường trước.

Mang theo các tấm ảnh chân dung Mao và hát vang các bài ca xã hội chủ nghĩa, họ tán thành chính những lý tưởng mà chính phủ đã bồi dưỡng, giáo dục họ nhiều năm trong các lớp học tư tưởng bắt buộc, trong khi lên tiếng phiền trách về các vấn đề như đói nghèo, quyền công nhân và bình đẳng giới - một số trong những mối quan tâm cốt lõi của ý thức hệ cộng sản.

"Những gì chúng tôi đang làm là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý", Chen Kexin, một sinh viên năm cuối của Đại học Nhân dân (Renmin) tại Bắc Kinh, đã tham gia vào các cuộc biểu tình. "Chúng tôi là những người theo chủ nghĩa Mác. Chúng tôi ngợi ca chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi đứng về phía những người công nhân. Nhà chức trách không thể nhắm vào chúng tôi (để đàn áp)".

Nhưng các sinh viên đã nhầm. Họ đã bị nhắm như những mục tiêu. Vào sáng ngày 24 tháng 8, các nhân viên cảnh sát trong trang phục cảnh sát chống bạo động đã đột kích vào căn hộ 4 phòng ngủ mà các nhà hoạt động đang thuê ở Huệ Châu và đã bắt giữ khoảng 50 người. Khi cảnh sát đạp cửa xông vào, các nhà hoạt động cùng nắm tay nhau và cùng hát vang bài Quốc tế ca (Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian - "L’Internationale").

Mặc dù một số đã được thả, nhưng 14 nhà hoạt động và người lao động khác vẫn bị giam giữ hoặc bị quản thúc tại gia, theo thông tin từ những người ủng hộ nhân quyền. Cảnh sát địa phương cáo buộc công nhân đã hành động do bị xúi giục bởi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Kể từ khi Tập Chủ tịch lên nắm quyền vào năm 2012, đảng đã tìm cách hạn chế việc sử dụng các sách giáo khoa phương Tây và ngăn chặn sự lây lan của "các giá trị phương Tây" trong khuôn viên các trường đại học, đề cập đến những lý tưởng về luật pháp và dân chủ mà có thể làm suy yếu, làm xói mòn quyền lực của họ.

Đồng thời, ông Tập đã yêu cầu các trường đại học mở rộng việc giảng dậy các giáo lý, giáo điều của họ về Mao và Marx. Hồi tháng Năm, ông Tập đã viếng thăm Đại học Bắc Kinh và khuyến khích sinh viên quảng bá chủ nghĩa Mác, nói rằng điều quan trọng là trường đại học phải "lấy chủ nghĩa Mác làm họ tên của mình".

marx2

Một nhóm các nhà hoạt động sinh viên và những người Mao trẻ tuổi đang tìm cách các công nhân nhà máy hình thành một liên minh lao động ở Huệ Châu, một thành phố ở miền nam Trung Quốc. Ảnh : Sue-Lin Wong / Reuters

Nhưng một số người trong đảng dường như không mấy an tâm trước sự gia tăng của các nhóm học sinh sinh viên nhiệt thành với chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Mao, họ lo ngại ra mặt rằng những lời kêu gọi bình đẳng kinh tế và quyền công nhân của các sinh viên có thể làm suy yếu thị trường tư bản hiện đại của Trung Quốc.

Trong khi chỉ có một số ít học sinh sinh viên tham gia, họ đại diện cho một sự phê phán từ cánh tả của xã hội Trung Quốc mà dường như càng ngày càng có sức hút đối với các khuôn viên các trường đại học, một phần vì chính quyền đã phân vân, do dự hơn trong việc đàn áp nó so với các hoạt động thảo luận chính trị khác.

Trên mạng Internet Trung Quốc, hàng ngàn thanh niên tham gia vào các phòng chat Maoist và Marxist sôi nổi, và một số đã bắt đầu các trang tin tức mang hơi hướng cánh tả, cho đến gần đây vẫn đăng bình luận về các chủ đề như ô nhiễm, toàn cầu hóa và lý thuyết kinh tế mà không có sự can thiệp của người kiểm duyệt.

Tuần này, các quan chức nhà trường đã làm khó cho các nhà hoạt động Mác-xít trẻ tuổi tại hàng chục các trường đại học và ngăn chặn một số cuộc họp. Và năm ngoái, cảnh sát ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, đã bắt Zhang Yunfan, một nhà lãnh đạo trẻ của một nhóm nghiên cứu các trước tác Maoist, cáo buộc người này là "tụ tập đám đông để gây mất trật tự xã hội" (câu này nghe quen quá ! – người dịch).

Giới trẻ Trung Quốc thường được mô tả là thờ ơ, ích kỉ và bị ám ảnh bởi tiền bạc. Nhưng Eric Fish, một nhà nghiên cứu các tác phẩm sử ký của Trung Quốc, nói rằng thế hệ sinh ra sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn không có sự sợ hãi bản năng đối với quyền lực của các thế hệ già trước đó.

Ông nói "Họ sẵn sàng đi ra ngoài đường phố hơn và liều mạng hơn. Không có nhiều sự đánh giá, sự nhìn nhận về những gì có thể xảy ra một cách sai trái".

Sự vụ ở Huệ Châu bắt đầu vào tháng Bảy, sau khi Jasic Technology, một nhà sản xuất thiết bị hàn, ngăn cản công nhân của mình thành lập một công đoàn độc lập. Trung Quốc cho phép tổ chức lao động (công đoàn) chỉ (hoạt động) dưới sự bảo trợ của Liên hiệp các công đoàn toàn Trung Quốc, một tổ chức chính thức, bị kiểm soát bởi đảng (cộng sản Trung Quốc).

Các công nhân cho biết các nhà quản lý đã nắm quyền kiểm soát các chi nhánh, chi hội của công đoàn chính thức (công đoàn quốc doanh, công đoàn cấp ủy). Khiếu nại về việc bị trả lương thấp và bị đối xử như nô lệ, họ bắt đầu tổ chức một cuộc họp kiến nghị trước khi cảnh sát can thiệp và giam giữ một số người trong số họ.

Các nhà hoạt động trẻ tuổi đã thấu hiểu hoàn cảnh bi đát của giới công nhân thông qua các ứng dụng nhắn tin trên internet và bắt tay vào sự nghiệp của họ, với khoảng 40 sinh viên và sinh viên mới tốt nghiệp gần đây đã hội tụ tại Huệ Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, một trung tâm sản xuất có dân số là 4,8 triệu người. Hàng trăm người khác đã lên tiếng hỗ trợ trực tuyến - rất nhiều trường đại học đã cảnh báo sinh viên của họ không nên đến Huệ Châu.

"Tôi không thể ngồi yên", Yue Xin, một sinh viên mới tốt nghiệp gần đây của Đại học Bắc Kinh chuyên ngành ngoại ngữ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước khi cô bị giam giữ. "Tôi không thể để bản thân mình trở thành một nhà bình luận trên internet. Tôi phải đứng dậy".

Zhang Shengye, 21 tuổi, mới tốt nghiệp hồi tháng 6 Đại học Bắc Kinh với văn bằng dược học, cho biết anh được truyền cảm hứng để tham gia các cuộc biểu tình bởi những cuộc đấu tranh của gia đình anh. Cha của anh, một thủy thủ, bị sa thải khỏi một công ty nhà nước trong làn sóng tư nhân hóa vào những năm 1990, một trải nghiệm mà Zhang mô tả như là một "ngày tận thế về tài chính và tình cảm".

Nhưng ở trường đại học, anh quyết định đáp lời kêu gọi của Marx là "lao động vì nhân loại", anh nói. Thất vọng bởi mức lương thấp và tình trạng bị đối xử tàn tệ của người lao động trong khuôn viên nhà trường, anh và 60 sinh viên khác, tự gọi mình là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (Việt nam cũng đã từng có cái Hội này ! – người dịch), công bố một báo cáo ghi lại các vi phạm lao động.

"Chúng tôi chia sẻ một sự thông cảm rất đơn giản đối với những người lao động và khát vọng của một tương lai tốt đẹp hơn đối với chủ nghĩa cộng sản", anh nói.

Ở Huệ Châu, các nhà hoạt động trẻ gọi nhau là "đồng chí" và mặc áo phông với hình ảnh nắm tay nắm chặt và khẩu hiệu "Đoàn kết là sức mạnh". Họ đồng hành bên cạnh công nhân, cầm các băng rôn tuyên bố, "Thành lập công đoàn không phải là tội ác". Họ diễn dựng lại các hành động lạm dụng mà những người công nhân cho biết là họ đã phải chịu đựng tại nhà máy.

Mặc dù họ tự nhận mình là những người theo chủ nghĩa Mao (Maoists), những các nhà hoạt động là những người bất bạo động kiên định, không giống như những phiến quân Maoist ở các nước như Nepal và Ấn Độ, những người trung thành bám lấy cuộc cách mạng bạo lực. Triết lý của họ cũng khác với những người theo chủ nghĩa Mao cổ xưa của Trung Quốc, những người mà phần lớn là tập trung vào việc loại bỏ gốc rễ của những ảnh hưởng phương Tây trong xã hội Trung Quốc và ít đối đầu với đảng (cộng sản Trung Quốc).

Những người biểu tình trẻ nhấn mạnh rằng họ là những người cộng sản tốt, những người ủng hộ Tập Chủ tịch. Trước khi bị bắt giam, cô Yue đã viết một bức thư ngỏ gửi ông Tập trong đó nói rằng cô được truyền cảm hứng từ cuộc chiến chống tham nhũng và thời gian ông (Tập) làm việc trong một ngôi làng nghèo khổ ở nông thôn như một thanh niên.

Cô Yue nói thêm rằng nguồn gốc của phong trào ở Huệ Châu không phải bắt nguồn từ những ý tưởng của nước ngoài, mà là bắt nguồn từ Phong trào Ngũ tứ năm 1919, một cuộc nổi dậy do sinh viên lãnh đạo ở Trung Quốc mà đảng (cộng sản Trung Quốc) coi là tiền thân của Cách mạng Cộng sản.

Cô Yue, cũng là một nhà lãnh đạo của phong trào #MeToo của Trung Quốc, người đã lên tiếng chống lại việc quấy rối tình dục và tấn công tình dục trong khuôn viên nhà trường, đã không có tăm tích gì kể từ khi cô bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc đột kích ngày 24 tháng 8.

Bạn bè cũng lo lắng về Shen Mengyu, một trong những sinh viên đầu tiên kêu gọi sự chú ý đối với phong trào của người lao động. Cô bị bắt giữ bởi các nhân viên an ninh tại một khách sạn và hiện đang bị giám sát tại nhà của cha mẹ cô (tức là được cho ăn bánh canh ! – người dịch), các nhà hoạt động cho biết như vậy.

Một số công nhân tại nhà máy thiết bị này cũng đã chính thức bị bắt và bị buộc tội gây rối trật tự xã hội. Huang Lanfeng, và chồng là Yu Juncong, cũng ở trong số những người bị giam giữ, nói rằng chính phủ đã trừng phạt một cách không công bằng những người lao động trong khi bỏ qua các vụ lạm dụng tại nhà máy.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc", cô nói. "Chúng tôi thề sẽ chống lại các lực lượng tà quyền cho đến tận cùng".

Trong khi năm học mới đã bắt đầu, các nhà hoạt động tuyên bố sẽ nhấn mạnh, sẽ xiển dương phong trào của họ. Anh Zhang và những người khác đã tổ chức một cuộc biểu tình tại quê hương của Mao, Thiều Sơn/ (Shaoshan), nhân dịp kỷ niệm lần thứ 42 ngày mất của nhà lãnh đạo Trung Quốc (Mao chết ngày 09tháng Chín, 1976 – người dịch) trong tháng này, và kêu gọi chính quyền trả tự do cho các bạn bè của họ. Cảnh sát đã đàn áp cuộc biểu tình và bắt giam Zhang một thời gian ngắn, người cũng bị giam giữ và thả ra sau cuộc đột kích ngày 24/8.

Anh Zhang đã cho lưu hành một bản kiến nghị kêu gọi đảng (cộng sản Trung Quốc) trừng phạt các quan chức địa phương. Anh viết :

"Chúng tôi ở đây vì chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng những gì chúng tôi làm là hợp pháp và công bằng. Chúng tôi ở đây vì chúng tôi muốn đền đáp những người công nhân vì những gì chúng tôi đã học được trong nhiều năm qua. Chúng tôi ở đây vì chúng tôi không muốn tin rằng các thế lực đen tối có thể cười cợt một cách độc ác trong thế giới mà chúng ta đang sống".

Javier C. Hernandez

Nguyên tác : China’s Leaders Confront an Unlikely Foe : Ardent Young Communists, The New York Times, 28/09/2018

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 11/10/2018

Published in Diễn đàn

Trung Quốc : Bắt học "Karl Marx" nhưng cấm thực hành

Mục Quốc tế báo Le Figaro (05/10/2018) có bài viết nói đến một nghịch lý đang diễn ra tại Trung Quốc. Bài viết đề tựa "Bắc Kinh nghiêm trị sinh viên ngành học Mác-xít". Chế độ cộng sản không chấp nhận các sinh viên tố cáo tình trạng bất bình đẳng xã hội đang hoành hành tại Trung Quốc.

hoc1

Nhiều sinh viên trường đại học Bắc Kinh đến ủng hộ cuộc biểu tình của công nhân nhà máy Jasic đòi lập công đoàn riêng ngày 15/08/2018. Le Figaro.

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ngớt lời ca ngợi triết gia người Đức, "kim chỉ nam phong trào cách mạng giai cấp vô sản và công nhân". Cũng nhân dịp này, "hoàng đế đỏ" khuyến khích trường đại học Bắc Kinh uy tín này phải phát huy hơn nữa tư tưởng Mác-xít.

Thế nhưng, giữa lý thuyết và thực hành là rào cản lớn không dễ gì vượt qua. Bởi vì chính quyền Bắc Kinh không chấp nhận những cô cậu sinh viên dấn thân có bằng cấp này tìm cách đi từ lý thuyết sang thực hành, sau nhiều năm bắt buộc học tư tưởng của Karl Marx.

Quả thật, mùa hè này, hàng chục thanh niên mang đầy tư tưởng Mác-xít và Mao Trạch Đông, mặc áo thun in đậm dòng chữ "Đoàn kết tạo nên sức mạnh" đã xuống đường cùng với các công nhân nhà máy Jasic Technology (chuyên cung cấp các trang thiết bị công nghiệp) ở Thâm Quyến, đòi lập một công đoàn riêng cho chính họ với khẩu hiệu "Thành lập công đoàn không phải là tội ác".

Chính quyền Bắc Kinh ngay lập tức tìm cách vô hiệu hóa phong trào.  Khoảng 40 sinh viên và hàng chục công nhân đã bị bắt. Theo một tổ chức phi chính phủ, hiện còn nhiều sinh viên vẫn đang bị giam giữ.

Không như phong trào sinh viên ủng hộ dân chủ Thiên An Môn năm 1989, những thanh niên này không hề có ý định lật đổ chế độ mà chỉ muốn tấn công những bất công xã hội đáng lên án trong nước. Họ chỉ muốn chắc rằng các công nhân nhà máy Jasic sẽ được đối xử công bằng.

Sự việc đã khiến nhiều nhà trí thức Trung Quốc quan ngại. Một người từng tốt nghiệp đại học Bắc Kinh tự hỏi "Chẳng lẽ những cô cậu sinh viên ưu tú này chỉ việc phải ăn, uống" và tổ chức hội hè thôi hay sao ?

Về phía những người công nhân, phàn nàn bị đối xử như là những "nô lệ" cũng muốn phản đối nghiệp đoàn chính thức duy nhất : Liên Đoàn Quốc Gia, vốn trung thành với đảng Cộng sản. Tổ chức này bị chỉ trích không đủ khả năng bảo vệ quyền của người lao động. Nhưng chế độ lại không muốn từ bỏ thế độc quyền.

Theo nhận định của Jean-Pierre Cabestan, nhà nghiên cứu Trung Quốc học trường đại học Hồng Kông, "Mối hiểm nguy thật sự đối với chế độ là việc sử dụng chủ nghĩa Mác để ủng hộ việc thành lập công đoàn tự do, giống như là Solidarnosc chẳng hạn, kẻ thù đáng gờm kể từ khi được hình thành từ đầu những năm 1980", tổ chức đã đóng một vai trò quyết định dẫn đến sự sụp đổ chế độ cộng sản Ba Lan.

Le Figaro cho biết thêm trong số các sinh viên bị bắt, nhiều người trong số này là thành viên hiệp hội Mác-xít trường đại học Bắc Kinh. Chính tổ chức này đã thực hiện các cuộc điều tra về điều kiện làm việc của tầng lớp lao động giá rẻ. Những thành viên của tổ chức này cho biết, hiệp hội đã gặp khó khăn trong việc đăng ký hoạt động với trường cho năm học mới và đang trở thành đối tượng bị "trấn áp".

Thế mới biết, giữa lý thuyết và thực hành là một khoảng cách xa vời vợi !

Tư tưởng Tập Cận Bình : Một trò chơi truyền hình

Cũng theo Le Figaro, một kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc phát sóng "Một trò chơi truyền hình tôn vinh vinh quang của ông ʺHoàng Đỏʺ để tập hợp giới trẻ".

Tờ báo mô tả : Trên nền nhạc tưng bừng, ánh sáng quét khán phòng, tiếng vỗ tay rào rào, người dẫn chương trình mở đầu tiết mục bằng lời kêu gọi "Hãy lắng nghe các lời phát biểu của chủ tịch Tập và hãy thấm nhuần tư tưởng của ông".

Trò chơi truyền hình mang tên "Nghiên cứu tư tưởng Tập trong Kỷ nguyên mới" kéo dài một giờ được phát vào giờ vàng trên kênh truyền hình tỉnh Hồ Nam, kênh truyền hình phổ biến nhất. Nội dung chương trình gồm : nhắc lại lý thuyết và hai phần câu hỏi trắc nghiệm, chủ yếu tập trung vào cuộc đời và sự nghiệp, nhất là những giai đoạn làm nên "huyền thoại" Tập Cận Bình.

Le Figaro cho rằng mục tiêu của chương trình này là nhằm đánh bóng uy tín của ông chủ Bắc Kinh bên cạnh giới trẻ Trung Quốc, vốn dĩ không màng đến chính trị. Và nhất là để kiểm soát họ.

Nếu như giới chuyên gia không mấy tin chắc gì chế độ Trung Quốc có đạt được điều mình muốn hay không, nhưng có điều chắc chắn trên mạng xã hội không thiếu lời châm biếm : "Tất cả những ai trả lời sai chắc là sẽ phải bị giáo dục lại để đáp ứng đúng những đòi hỏi của Kỷ nguyên mới", như một lời bình phẩm trên mạng Vi Bác, một dạng Twitter của Trung Quốc.

Tin tặc : Cuộc chiến công luận

Nga bị tố cáo tấn công tin học nhắm vào nhiều định chế quốc tế là chủ đề quốc tế được một số báo Pháp quan tâm đến. Le Figaro chạy tựa "NATO phản ứng trước các vụ tấn công tin tặc từ Nga". Les Echos nhận định "Tấn công mạng : Những lời cáo buộc tuôn trào nhắm vào Nga".

Luân Đôn, La Haye, Bruxelles, Canberra, Ottawa và Washington hôm qua đồng loạt đưa ra nhiều bằng chứng, tố cáo quân báo Nga từ nhiều năm nay thực hiện nhiều vụ tấn công tin học.

Hôm 04/10, bộ trưởng quốc phòng Hà Lan, Anke Bijleveld, cho biết đã kịp thời phá vỡ một chiến dịch dọ thám của Nga nhằm vào Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OIAC) đóng trụ sở tại La Haye. Bốn nhân viên quân báo Nga bị bắt tại hiện trường với đầy đủ tang vật là những thiết bị nghe lén. Những người này đã bị trục xuất ngay trong ngày.

Theo các nhà điều tra Hà Lan, những người này tìm cách thâm nhập vào các hồ sơ điều tra của OIAC như vụ chuyến bay MH-17 của Malaysia bị tên lửa có nguồn gốc từ Nga bắn hạ trên không phận Ukraina, cuộc điều tra sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hay như vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Serguei Skripal tại Anh, người mà tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Tư 03/10 xem như là một "kẻ đểu giả và phản bội".

Với xã luận nhật báo La Croix, đây thật sự là một "cuộc chiến dư luận". Căng thẳng trỗi dậy bất thình lình mang hơi hướm chiến tranh lạnh một lần nữa cho thấy một dạng đối đầu chiến lược mới giữa Nga và các nước láng giềng phương Tây.

Tờ báo viết : "Sự thay hình đổi dạng của cuộc đối đầu này chủ yếu nhắm vào một thách thức có tính chất quyết định cho sự ổn định của xã hội phương Tây : niềm tin của công luận vào hệ thống dân chủ và tự do, vốn dĩ đang ngự trị trong lòng các xã hội đó.

Thế giới số hóa mang đến cho nhiều quốc gia và nhiều nhóm có những ý đồ xấu xa nhân đôi khả năng làm đảo lộn các nguyên tắc cơ bản hình thành nên các nền dân chủ : khai mở, tự do ngôn luận và thông tin."

Do đó, theo nhật báo công giáo này, bên cạnh các nỗ lực từ chính phủ, "cuộc chiến dư luận này còn lệ thuộc vào khả năng khuyến khích người dân tham gia của các nước dân chủ. Chính các nền xã hội dân sự và truyền thông phải phát triển sức đề kháng của mình để có được một sự kháng cự tập thể".

Nam Mỹ bên bờ hỗn loạn

Nhìn sang Nam Mỹ, Les Echos có bài phân tích đề tựa "Năm của mọi sự nguy hiểm tại Châu Mỹ Latinh". Từ Venezuela, Nicaragua, Argentina cho đến Brazil, mỗi nước một kiểu khủng hoảng. Nhật báo kinh tế lần lượt điểm lại từng thành viên một.

Đầu tiên hết là Venezuela. Khủng hoảng kinh tế, chính trị Venezuela đã đẩy hàng triệu con người bỏ xứ chạy sang các nước láng, gây ra một cuộc bầu không khí căng thẳng với Colombia, Brazil và Peru. Đến mức, tổng thư ký Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ, Luis Almagro, cũng như là tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến khả năng can thiệp quân sự lật đổ chế độ Maduro.

Nicaragua cũng như Venezuela, một chế độ cánh tả, cũng đang trải qua những giai đoạn khủng hoảng tàn khốc. Tham quyền cố vị, tổng thống Daniel Ortega thẳng tay đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình làm khoảng từ 300-500 người chết, dẫn đến làn sóng di dân tràn sang Costa Rica. Điều trớ trêu là chính ông Ortega năm 1979 đã đứng lên lật đổ chế độ độc tài khát máu Somoza.

Argentina tiếp tục xoay vần với khủng hoảng tài chính tưởng chừng đã qua, xảy ra cách nay 17 năm. Đương nhiên Quỹ Tiền Tệ IMF lại phải giang tay trợ giúp, nhưng gần đến kỳ tổng tuyển cử dự kiến tháng 10/2019, tổng thống Mauricio Macri có nguy cơ đối mặt với nhiều làn sóng phản đối.

Tiếp đến là Brazil. Sau khi nữ tổng thống Dilma Rousseff bị phế truất năm 2016, quốc gia Nam Mỹ lớn nhất này giờ đang bị suy yếu chính trị. Gần đến ngày bầu cử tổng thống Chủ Nhật 07/10, phe cực hữu trỗi dậy mạnh mẽ sau quyết định của tư pháp bác bỏ tư cách ứng viên tổng thống của ông Lula, đang thọ án tù vì những cáo buộc tham nhũng.

Còn tại Colombia, bóng mây "khủng hoảng" cũng đang rình rập với việc ông Ivan Duque thắng cử. Hòa bình có được tại đất nước này sau nửa thế kỷ giao tranh với quân du kích FARC mong manh hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, tân tổng thống đòi xem xét lại thỏa thuận lịch sử có được giữa chính phủ tiền nhiệm với FARC.

Vì đâu nên nỗi ? Les Echos cho rằng chính tình trạng bạo lực triền miên và nạn tham nhũng hoành hành là hai nguyên nhân chính dẫn đến những bất ổn ngày nay.

Nước Pháp lo quá tải khách du lịch

Về thời sự nước Pháp, xã luận của báo Le Monde quan tâm đến những mặt trái của việc quá đông khách du lịch. Bài viết đề tựa "Du lịch bên bờ quá tải".

Le Monde cảnh báo : Nâng cao tính hấp dẫn nhưng cũng đừng bỏ qua những hệ quả tiêu cực của hiện tượng du lịch ồ ạt. Nhật báo nhìn nhận du lịch giá rẻ đã cho phép hàng tỷ người dân thuộc tầng lớp trung lưu có thể đến tham quan những điểm du lịch nổi tiếng ở Châu Âu. Và dịch vụ du lịch cũng đã tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề là những đám đông du khách lại tập trung quá đông vào một số ít điểm tham quan, đến mức các cơ sở hạ tầng về giao thông và tiếp đón đã trở nên quá tải, tạo ra sự mất cân đối lớn ở cấp độ địa phương.

Giá bất động sản tăng vọt, việc làm chỉ tập trung vào những công việc có tính chất thời vụ và lương thấp, môi trường bị xuống cấp, thành phố bị biến đổi thành các bảo tàng, các khu vui chơi giải trí hay các địa điểm ăn uống thường trực.

Cuối cùng, Le Monde cho rằng đã đến lúc chính phủ nên có những biện pháp điều chỉnh dòng du khách sao cho kỳ nghỉ của người này không là địa ngục cho người khác.

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình kinh tế, chính trị và xã hội là đề tài chính trên một số nhật báo. Le Monde đặt câu hỏi lớn : "Macron : Cuộc cải tổ nào để thoát khủng hoảng ?". Les Echos hoan hỉ thông báo : "Kinh tế Pháp lại khởi sắc". La Croix chú ý đến vấn đề đạo đức y sinh học với câu hỏi lớn "Ẩn danh cho tinh trùng sớm được dỡ bỏ ?".

Libération quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Brazil. Trên nền ảnh chân dung ứng viên Jair Bolsonaro mờ ảo, nhật báo thiên tả khẳng định : "Phân biệt chủng tộc, bài người đồng tính, ghét phụ nữ, thích độc tài nhưng ông ấy đang mê hoặc Brazil".

Riêng Le Figaro nhìn lại một năm phong trào Metoo với những nghi vấn : "Một năm sau vụ Weinstein, những gì đã làm thay đổi giữa cánh đàn ông và chị em phụ nữ". Le Figaro còn dành một góc nhỏ trên trang nhất để nói đến hiện tượng "Tại Trung Quốc, khi đảng cộng sản truy lùng những sinh viên Mác-xít".

Minh Anh

Published in Quốc tế