Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc hạ thủy tàu chiến lớn nhất Châu Á (VOA, 28/06/2017)

Hải quân Trung Quc va h thy tàu chiến ti tân nht do Bc Kinh chế to gia lúc tăng cường cnh tranh vi các cường quc hi quân khác như Hoa Kỳ, Nht Bn và n Độ.

********************

Trung Quốc ra mắt tàu chiến mới nhằm tăng sức mạnh quân sự (BBC, 29/06/2017)

tau1

Trung Quốc ra mắt tàu chiến mới nhằm tăng sức mạnh quân sự

Trung Quốc hôm thứ Tư vừa cho ra mắt một tàu chiến loại mới, được đóng trong nước, là nỗ lực mới nhất trong việc hiện đại hóa quân sự, truyền thông nước này nói.

Việc ra mắt được thực hiện sau khi Trung Quốc 'trình làng' chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do nước này tự đóng, hồi tháng Tư.

Giữa lúc căng thẳng tại Biển Đông đang tiếp diễn, Bắc Kinh có quan điểm ngày càng quyết liệt về vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Chiếc tàu khu trục mới 10.000 tấn của Trung Quốc sẽ trải qua một quá trình vận hành thử nghiệm nghiêm ngặt.

Chiếc tàu chiến "được trang bị các vũ khí đối không, chống hỏa tiễn, chống tàu và chống tàu ngầm", Tân Hoa Xã nói.

Theo Hoàn cầu Thời báo, loại tàu này được cho là thuộc kiểu tàu khu trục đầu tiên 055, được phát triển, kế thừa từ loại khu trục nhỏ hơn là 052D.

Bảo vệ 'chủ quyền'

Bắc Kinh đã tái xác quyết "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với các vùng trên Biển Đông sau khi chính quyền ông Trump nói sẽ ngăn chặn việc Trung Quốc chiếm lãnh thổ trong khu vực.

Hoa Kỳ đã lặp đi lặp lại việc gửi tàu và phi cơ quân sự tới gần các hòn đảo có tranh chấp, và gọi đó là hoạt động "tự do đi lại" nhằm đảm bảo quyền tiếp cận tới các tuyến đường biển và đường không then chốt. Cả hai bên cáo buộc lẫn nhau về việc "quân sự hóa" Biển Đông.

Các nước có tranh chấp từ hàng trăm năm nay đã cãi cọ về vấn đề lãnh thổ tại vùng biển quan trọng này, nhưng căng thẳng liên tục gia tăng trong những năm gần đây.

tau2

Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền từng phần. Trung Quốc đã củng cố các yêu sách của mình bằng việc mở rộng xây dựng bồi đắp đảo và tiến hành tuần tra trên biển.

Chiếc khu trục hạm mới ra mắt được coi như một dấu mốc quan trọng nữa sau vụ hạ thủy hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên hồi tháng Tư, cũng là chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì của Trung Quốc sau chiếc mua lại của Ukraine.

Tăng chi phí quân sự

Do nền kinh tế phát triển, Trung Quốc đã tiến hành hiện đại hóa các lực lượng có vũ trang của mình.

Trong tháng Ba, nước này tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 7% trong năm nay, là năm thứ hai liên tiếp đặt mức dưới 10% sau gần 20 năm liên tục tăng ở tỷ lệ cao hơn.

Ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh tuy vậy vẫn nhỏ hơn so với Mỹ.

Trong lúc Trung Quốc có kế hoạch chi khoảng 1,3% tổng sản phẩm kinh tế ước tính trong năm 2017 cho quốc phòng, thì Mỹ chi khoảng 3%.

Do kinh tế Mỹ lớn hơn, nên quy ra tiền đô la thì sự khác biệt giữa chi phí của hai nước là rất lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đề xuất tăng 10% ngân sách quốc phòng.

**********************

Hoa Kỳ gọi đảo nhận tạo của Trung Quốc là "giả" (RFA, 28/06/2017)

Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, vào ngày 28 tháng 6 lại lên tiếng chỉ trích những đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp lên tại khu vực Biển Đông trong thời gian vừa qua, rồi bố trí các căn cứ quân sự trên đó.

tau3

Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông - AFP

Trong bài diễn văn tại Trung Tâm Chính sách Chiến lược Australia ở Brisbane, đô đốc Harry Harris, cho rằng những đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho bồi đắp ra như thế là những ‘đảo giả’. Ông này nhắc đến thực tế người ta đang dùng từ ‘tin giả’ để nhắc nhở mọi người cần cảnh giác với những ‘đảo giả’ tại khu vực Biển Đông mà Bắc Kinh dựng lên. Theo ông này thì những con người thực không nên tin vào những đảo giả.

Đô đốc Harry Harris nói rõ Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự làm xói mòn trật tự quốc tế đặt trên căn bản luật pháp. Ông này tố cáo Bắc Kinh tiến hành xây dựng sức mạnh chiến đấu và lợi thế vị trí khi cố khẳng định chủ quyền trên thực địa tại khu vực Biển Đông.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói thêm là Washington sẽ không để những lĩnh vực mà hai phía cùng chia sẻ bị đơn phương khép lại. Những lĩnh vực mà hai phía còn bất đồng không thể bị tác động bởi những tiến triển từ những lĩnh vực khác. Đô đốc Harry Harris nói rằng trong lĩnh vực nào hai phía có thể hợp tác thì hợp tác, nhưng vẫn phải sẵn sàng đối đầu trong lĩnh vực nào phải cứng rắn.

Mỹ cương quyết chống lại biện pháp sử dụng cưỡng ép và hăm dọa để thực hiện các tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh vạch ra bao trọn gần 90% vùng biển này. Đường 9 đoạn này bị Tòa Trọng tài Thường trực PCA vào tháng 7 năm 2017 tuyên không có giá trị cả về mặt pháp lý cũng như lịch sử.

Ngoài Trung Quốc, còn các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Đài Loan có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại khu vực Biển Đông.

************************

Đô đốc Mỹ đả kích 'đảo giả' của Trung Quốc (VOA, 28/06/2017)

Chỉ huy B Tư lnh Thái Bình Dương ca Hoa Kỳ, Đô đc Harry Harris, t cáo Bc Kinh nâng cao kh năng chiến đu và li thế đa lý nhm khng đnh ch quyn ti bin Đông đy tranh chp.

Published in Châu Á

Tàu xưa nay là bậc thầy trong việc sử dụng những chiến thuật kiểu như "tằm ăn dâu", đặt người ta trước sự đã rồi. Cứ nhìn lại trước năm 1974, Trung Quốc rõ ràng một thước đất cắm dùi trên Biển Đông cũng không có, nhờ bắt được thời cơ vàng tiến đánh rồi cướp được Hoàng Sa của Việt Nam rồi từ đó có thế tiến dần, vừa xây vừa chiếm, đến bây giờ Biển Đông đã gần như trở thành "ao nhà" của họ.

ech2

Đối với Việt Nam hay các nước láng giềng nhỏ yếu hơn, Bắc Kinh đều chơi cái trò "luộc ếch".

Một chiến thuật khác cũng rất hay được Trung Quốc sử dụng đó là "luộc ếch". Ai cũng biết chuyện luộc ếch, nếu luộc nước sôi ngay từ đầu thì con ếch đã nhảy ngay ra ngoài, nhưng nếu nước nóng dần dần, con ếch không cảm thấy cho đến khi nước sôi muốn nhảy ra thì không còn kịp nữa… Mọi việc đối với Việt Nam hay các nước láng giềng nhỏ yếu hơn, Bắc Kinh đều chơi cái trò như vậy.

Còn nhớ tháng 11 năm 2007, khi Trung Quốc tuyên bố thành lập một đô thị cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là Tam Sa có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo tranh chấp với Việt Nam : Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa), Sài Gòn, Hà Nội rần rần biểu tình, lần đầu tiên là vào ngày 9/12/2007. Đây là cuộc biểu tình tự phát có sự tham gia của đông đảo giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ trí thức đầu tiên sau bao nhiêu năm hầu như không có những hoạt động như vậy kể từ biến cố tháng 4/1975, chỉ trừ những cuộc biểu tình do chính nhà nước tổ chức có mục đích tuyên truyền chính trị. Sau đó cứ Chủ Nhật hàng tuần lại diễn ra biểu tình cho tới khi bị đàn áp. Người Việt nước ngoài cũng lên tiếng, khí thế, ở nơi này nơi khác, để ủng hộ người trong nước.

Và tất nhiên nhà cầm quyền phải ngăn chặn ngay, đặc biệt là tại Sài Gòn, nơi vốn có truyền thống đấu tranh của sinh viên, học sinh, trí thức trước năm 1975 mà nhà nước này quá biết rõ bởi chính họ đã lợi dụng lòng yêu nước, phản đối chiến tranh và sự ngây thơ chính trị của một số người dân Sài Gòn lúc đó.

Khi tàu Trung Quốc lần thứ 3 ngang nhiên cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vào ngày 30/11/2012, những lời kêu gọi biểu tình đã nổ ra trên mạng trong tháng 12/2012, nhưng những đợt biểu tình lần này chỉ có thể diễn ra tại Hà Nội còn Sài Gòn hoàn toàn bị khống chế. Còn nhớ lời kêu gọi từ trang web Nhật ký yêu nước.

Một lần khác khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981) vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, nhà nước cộng sản Việt Nam lên tiếng phản đối, đồng thời tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm. Lần đó người Việt cũng xuống đường biểu tình mạnh mẽ.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra trong tháng 5 năm 2014 tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam : Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hóa… Tại đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia. Người Việt ở nước ngoài cũng sôi nổi tiếp sức.

Nhưng rồi tinh thần của mọi người cứ nguội dần, những cuộc biểu tình thưa vắng dần, một phần do sự đàn áp càng ngày càng mạnh của nhà nước cộng sản. Một phần do nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta sẽ phân tích dưới đây.

Ngày 20/6 vừa qua, báo Thanh Niên vừa đưa tin Trung Quốc lại kéo giàn khoan Hải Dương-981 xuống Biển Đông chưa kịp bao lâu thì lẳng lặng rút bài xuống. Người dân chỉ còn có thể đọc thấy tin tức này trên những báo, đài bên ngoài như RFA, VOA… để biết rằng Trung Quốc lại điều dàn khoan Hải Dương HD-981 đi xuống khu vực thuộc vùng biển ngoài khơi cửa vịnh Bắc Bộ, nơi chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Còn chúng nó làm gì, tình hình diễn biến ra sao, người dân hoàn toàn không rõ. Giả dụ bây giờ Trung Quốc có bất thình lình đánh úp lấy nốt những đảo còn lại ở Trường Sa cũng chẳng ai hay, nếu báo đài nước ngoài không nói không viết !

Trên facebook sáng nay, Chủ Nhật 25/6/2017 có đưa tin, hình ảnh một số bạn trẻ ở Sài Gòn phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam và lập tức bị công an đàn áp, có người bị bắt về đồn, có người bị đám công an đội lốt côn đồ đánh đập man rợ, tóe máu… Tất nhiên, cuộc biểu tình nhanh chóng bị dập tắt. Nỗ lực lên tiếng của những con người yêu nước thật đáng quý.

Nhưng nỗi buồn đọng lại trong lòng tất cả chúng ta là gì ?

Đó là từ năm 2007 khi nổ ra cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lần đầu tiên tại Sài Gòn, Hà Nội cho đến nay, phong trào dân sự, phong trào dân chủ ở Việt Nam vẫn chưa thật sự lớn mạnh hơn. Các hoạt động biểu tình, phản đối Trung Quốc hay phản đối những chính sách cụ thể của nhà nước Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức tự phát, từ những nhóm lẻ khác nhau, chưa thể tập họp thành một phong trào mạnh mẽ, có sự chuẩn bị đối phó lâu dài.

Chỉ cần nhìn qua phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên Hongkong năm 2014, còn gọi là "cách mạng dù" bao gồm những cuộc biểu tình, phản biểu tình và những hành động như trưng cầu dân ý trên mạng đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, và có những gương mặt thủ lĩnh thực sự, là chúng ta thấy. Vậy mà "cách mạng dù" ở Hongkong còn không thành công nổi ! Nhưng chí ít nó cũng đã gây tiếng vang trên thế giới, khiến thế giới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của tuổi trẻ Hongkong.

Việt Nam chưa có được những phong trào như vậy, ngược lại, theo thời gian những cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc (khoan nói đến phản đối nhà nước cộng sản Việt Nam, đòi tự do, dân chủ, đòi thay đổi thể chế) cứ ngày càng thưa thớt, chỉ dăm chục, một trăm con người quan tâm đến chuyện bọn Tàu đang làm gì ngoài kia trên biển của ta, còn lại hơn 90 triệu con người vẫn sống bình thường "mọi chuyện đã có nhà nước lo".

Chiến thuật "luộc ếch" đã bắt đầu phát huy hiệu quả, cũng như mọi chiến thuật "tằm ăn dâu", "bất chiến tự nhiên thành" khác mà Trung Quốc đã áp dụng từ trước tới nay đối với Việt Nam.

Đó là chưa nói đến những nguyên nhân khác. Thời thế đã khác. Thế và lực của Hà Nội, ngày càng yếu, uy tín của chính quyền này trong mắt dân và trên trường quốc tế, ngày càng giảm sút.

Hà Nội từ lâu đã ở trong thế cô đơn tuyệt vọng khi đối đầu với Bắc Kinh, nay càng tuyệt vọng. Nhìn quanh không có một mống đồng minh, bạn bè nào. Mỹ thì đang thời của Donald Trump chỉ lo "American first", Trump cũng chả quan tâm gì mấy đến chuyện nhân quyền thành ra chính quyền cộng sản Việt Nam khỏi chơi trò du dây được nữa, khỏi hy vọng nếu có chuyện gì Hoa Kỳ còn lên tiếng cho.

Còn nếu đánh nhau ? Thua là cái chắc. Không chỉ thua về tài chính, tiềm lực vũ khí, tài trí của những người lãnh đạo (nhìn mấy cái mặt của các vị Trọng, Quang, Phúc, Ngân thì bản lãnh đâu mà đọ lại với Tập Cận Bình, với Lý Khắc Cường ?), mà thua vì tinh thần chiến đấu không còn. Xưa đánh Mỹ ít nhất những người cộng sản cũng còn có tinh thần, có cái lý tưởng (mà họ tin là đúng), có sự hậu thuẫn hùng hậu của Liên Xô, Trung Quốc và cả khối xã hội chủ nghĩa phía sau. Nay có ai, lý tưởng cũng không còn. Nay từ quan chức cho tới quân đội cả một đám chỉ lo vơ vét, làm giàu, tài sản "khủng" nên sợ mất, sợ chết hơn bao giờ hết, tinh thần đâu mà đánh nhau ?

Dân Việt Nam bao giờ cũng yêu nước, nhưng liệu bây giờ người dân có sẵn sàng lên đường hy sinh xương máu cho một đảng cầm quyền bán nước buôn dân, một chế độ hèn với giặc ác với dân ?

Trong bao nhiêu năm qua, một mặt Bắc Kinh tung tiền của mua chuộc đám quan chức Việt làm cho họ hèn yếu đi, đổ đủ thức chất độc lẫn thực phẩm, hàng hóa độc hại vào Việt Nam vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa đầu độc sức khỏe người Việt Nam, làm cho người Việt bịnh hoạn, yếu sức ; mặt khác, Trung Quốc ráo riết, quyết liệt "rào lưới", bao vây Việt Nam, từ ngoài biển khơi cho tới trên bờ, từ Nam ra Bắc chỗ nào cũng nhung nhúc người Hoa, vị trí đắc địa, quan trọng nào các công ty của Trung Quốc cũng cài cắm hết rồi, đánh nhau một cái, từ trên biển đánh vào, từ trong bờ tản ra, trên cao nguyên úp xuống… Đảng cộng sản Việt Nam còn trụ được bao lâu ?

Chẳng lẽ số phận Việt Nam lại nghiệt ngã đến thế. Chẳng lẽ giang sơn này ông cha ta nghìn năm nay đổ máu xây dựng và giữ gìn để cuối cùng đảng cộng sản phá nát, hai tay dâng cho Tàu mà người dân chịu được ?

Chẳng lẽ hơn 90 triệu con người chấp nhận làm những con ếch bị luộc chín ?

Song Chi

Nguồn : RFA, 25/06/2017

Published in Diễn đàn

Khai mạc lễ hội thịt chó ở Trung Quốc (RFA, 21/06/2017)

Lễ hội thịt chó tại thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây miền Nam Trung Quốc vẫn được khai mạc vào ngày 21 tháng 6, mặc dù trước đó có tin đồn là chính quyền sẽ cấm do sự chống đối của các nhóm bảo vệ động vật trong và ngoài nước.

cho1

Chợ bán thịt chó tại Yulin, phía nam Quảng Tây của Trung Quốc vào ngày 21 tháng 6 năm 2017. AFP

Người ta thấy có nhiều cảnh sát xuất hiện trong thành phố, và năm nay mỗi sạp chỉ được quyền treo hai con chó mà thôi.

Theo các nhóm bảo vệ động vật thì đây là thỏa thuận họ đạt được với những người bán hàng.

Tuy nhiên người ta vẫn có thể tìm được thêm nhiều thịt chó trong thành phố. Một chủ nhà hàng nói rằng công việc làm ăn lúc nào cũng khấm khá vào dịp lễ hội, và thực khách hay yêu cầu món thịt chó, và lúc nào cũng có.

Theo thống kê thì có khoảng vài ngàn con chó bị thịt trong lễ hội Ngọc Lâm được tổ chức hằng năm vào ngày hạ chí, với nhiều món thịt chó kèm theo niềm tin dân gian rằng nó có nhiều vị ngon lành và bồi bổ sức khỏe.

Ăn thịt chó là một tập quán ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, Hàn Quốc… Tại Trung Quốc, theo số liệu của Hiệp hội Quốc tế Nhân bản (HIS) thì có khoảng từ 10 triệu đến 20 triệu chú cẩu bị giết thịt hàng năm phục vụ thực khách Hoa Lục và nước ngoài đến thưởng thức.

********************

Trung Quốc : Lễ hội thịt chó vẫn tưng bừng, dù bị lên án (RFI, 21/06/2017)

Những con chó được thui vàng rượm bày trên quầy, thịt chó nấu ra-gu, thịt chó xào lăn… Lễ hội thịt chó nổi tiếng nhất ở Trung Quốc hôm nay 21/06/2017 tưng bừng diễn ra dù trước đó có tin là bị cấm, do các cư dân nhất quyết bảo vệ truyền thống.

cho2

Hội thịt chó tại Quảng Tây, Trung Quốc, 2014. REUTERS/Stringer

Lễ hội ẩm thực này hàng năm đều diễn ra tại thành phố Ngọc Lâm (Yulin) ở tỉnh Quảng Tây, vào tiết hạ chí ; gây phẫn nộ trên thế giới và ngay tại Trung Quốc.

Hiệp hội Mỹ Humane Society International (HSI) tháng trước khẳng định chính quyền Trung Quốc sẽ cấm việc bán thịt chó trong dịp lễ hội 2017. Nhưng hôm nay tại Ngọc Lâm, những hàng thịt vẫn bày ra những tảng thịt chó, xào nấu trong những chiếc chảo lớn. Và những người bán trưng ra những con chó vừa bị giết thịt và thui vàng, chặt ra từng mảnh, với những chiếc đuôi dựng đứng và răng nanh còn đẫm máu.

Tại quán của ông Yang, khách hàng gọi món mì để điểm tâm, nhưng đòi thịt chó vào bữa trưa. "Trong dịp lễ hội, doanh số của chúng tôi tăng gấp 9 lần. Yên tâm, lúc nào cũng có hàng". Ông Yang nói, với hy vọng mỗi ngày bán được sáu con chó.

Theo các hiệp hội bảo vệ súc vật, chính quyền rốt cuộc đã thỏa hiệp được với những người bán, cho phép họ bày bán mỗi quầy hai con chó. Nhưng một số hàng có vẻ vượt hẳn quota này.

Bà Irene Feng, thuộc tổ chức phi chính phủ Animals Asia, nói với AFP : "Dường như nhà nước không cấm hẳn việc buôn bán thịt chó. Nhưng lễ hội có vẻ ít quy mô hơn năm ngoái, với số chó bị giết trong kỹ nghệ tàn bạo này ít hơn trước".

Hàng năm, trên 10.000 con chó bị giết trong dịp lễ hội Ngọc Lâm, trong những điều kiện bị các nhà bảo vệ súc vật lên án : một số bị đập chết, số khác bị nhúng nước sôi cạo lông lúc còn sống.

Nhiều công an đứng canh hôm nay bên ngoài khu chợ thịt chó của thành phố để tránh mọi sự cố. Theo Liu Zhong, chủ một quầy thảo dược, thì công an "theo dõi sát" các hoạt động của chợ thịt chó Ngọc Lâm. Nhưng người ta bán lén trực tiếp tại nhà hay tại những địa điểm khác.

Ông Liu cho biết : "Chỉ cần kín đáo hơn một chút" so với năm ngoái. Ông không ăn thịt chó từ hơn mười năm nay, và sở hữu bảy con chó làm bạn. Một số chủ quán đã thay đổi bảng hiệu, xóa đi chữ "thịt chó" để thay bằng "thịt đặc sản". Một quán bình dân thì dán một tờ giấy màu vàng che đi chữ "cẩu". Người bán đặt những tảng thịt chó giữa những loại thịt thông dụng khác như lưỡi bò, chân giò, móng giò.

Khoảng 10 triệu đến 20 triệu con chó mỗi năm bị giết thịt tại Trung Quốc, theo Humane Society International. Việc ăn thịt chó không phải là bất hợp pháp, nhưng là thiểu số và ngày càng bị chống đối.

Nhưng đối với Li Yongwei, một cư dân Ngọc Lâm, ăn thịt chó chẳng có gì lạ. Người này hỏi : "Giữa thịt chó và thịt gà, bò hay heo khác nhau chỗ nào ?" Theo ông : "Đây là truyền thống địa phương, không thể áp đặt được. Cũng như không thể ép buộc người khác theo đạo Thiên Chúa, đạo Phật hay đạo Hồi. Người ta ăn gì mặc kệ người ta".

Chen Bing, một nhân viên văn phòng 25 tuổi khẳng định chính quyền chẳng bao giờ ngăn cản được lễ hội này. "Già trẻ lớn bé, ngay cả các em bé ở đây đều ăn thịt chó. Đó là truyền thống. Ngọc Lâm không có gì đặc biệt, chỉ có lễ hội thịt chó mới làm cho thành phố trở nên nổi tiếng".

Thụy My

*********************

Dù bị phê phán, hội thịt chó Quảng Tây vẫn đông người (BBC, 21/06/2017)

Lễ hội thịt chó vốn gây nhiều tranh cãi bắt đầu diễn ra tại thành phố Ngọc Lâm, Trung Quốc, dù có tin trước đó nói sự kiện này đã bị hủy bỏ hoặc giảm quy mô tổ chức trong năm nay.

cho3

Thói quen ăn thịt chó có tại Trung Quốc từ khoảng 500 năm trước

Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm Lệ Chi Cẩu Nhục Tiết được tổ chức hàng năm tại tỉnh Quảng Tây.

Hồi đầu năm, các nhà vận động Mỹ nói rằng những người bán thịt đã được giới chức yêu cầu không bán thịt chó nữa.

Tuy nhiên, các chủ sạp nói với BBC rằng họ không nghe giới chức nói gì. Hôm 15/5, các viên chức thành phố xác nhận là không có lệnh cấm.

Thịt chó vẫn được bày bán ?

Hôm thứ Tư, các tường thuật từ Ngọc Lâm nói rằng các con chó đã bị giết chết vẫn thấy được treo móc trên các sạp hàng ở chợ Động Khẩu, là chợ lớn nhất thành phố.

Cũng có những tường thuật nói cảnh sát hiện diện dày đặc trên đường phố.

Một nhà hoạt động tại đây nói với BBC rằng bà đã bị cảnh sát chặn, không cho vào chợ Dashichang, nơi bà tin là người ta đem bán chó sống.

Trong những năm trước, đã có những vụ ẩu đả giữa các chủ sạp hàng và các nhà hoạt động tìm cách cứu chó khỏi bị giết mổ.

Thành phố Ngọc Lâm không phải là nơi tiêu thụ thịt chó lớn nhất tỉnh Quảng Tây. Chỉ từ khi nơi đây tổ chức lễ hội thịt chó, từ khoảng 10 năm trước, thành phố mới thu hút sự chú ý trong nước cũng như quốc tế.

Ăn thịt chó có gì sai ?

Chuyện này liên quan tới các cáo buộc về đối xử tàn nhẫn với động vật, và về việc kêu gọi thay đổi thái độ đối với chó ở Trung Quốc.

Cư dân địa phương và những người bán thịt chó nói rằng chó được giết mổ một cách nhân đạo, và việc ăn thịt chó không hề tàn nhẫn gì hơn so với ăn bò, heo hay gà.

Ăn thịt chó là một thói quen truyền thống tại Trung Quốc, Nam Hàn và một số nước Châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Những người ưa món này tỏ ra không hài lòng và nói người nước ngoài đang can thiệp vào các truyền thống địa phương.

Trong văn hóa Trung Quốc, thịt chó được cho là bổ dưỡng trong những tháng hè nóng nực.

Ngay cả nhiều người không ăn thịt chó cũng bảo vệ việc này, nếu như chó không phải là bị bắt trộm hay giết một cách dã man.

Nhưng những người chỉ trích nói rằng chó được chuyển từ các thành phố khác trong các lồng cũi chật chội tới nơi tổ chức lễ hội, và bị giết một cách tàn nhẫn. Các nhà hoạt động cũng nói rằng có nhiều con chó đã bị bắt trộm.

Những người phản đối lễ hội kéo đến từ nhiều nơi khác nhau trên cả nước Trung Quốc. Số lượng chó cưng được nuôi ở nước này tăng vọt trong các năm gần đây, với số lượng đăng ký lên tới 62 triệu con.

Điều này làm người dân dần thay đổi thái độ đối với việc ăn thịt chó.

Tại sao năm nay lại thành chuyện ?

Hồi tháng Năm, các nhà hoạt động Mỹ nói rằng đã có ban hành lệnh cấm bán thịt chó. Nhưng không phải là với lễ hội này.

Chính quyền Ngọc Lâm lặp đi lặp lại rằng họ không chính thức tổ chức lễ hội, cho nên không thể cấm. Ăn thịt chó không phải là việc bất hợp pháp tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương không hài lòng về việc tin tức được đăng tải trên khắp mặt báo hàng năm.

Hồi 2016, họ đã cấm việc giết mổ chó nơi công cộng, nhằm đáp ứng đòi hỏi của các cuộc biểu tình.

Năm nay, các tường thuật nói đã xảy ra ít các vụ giết mổ công khai hơn, tuy nhiên quy mô tổ chức lễ hội hiện vẫn chưa rõ là ở mức nào.

Các nhà hoạt động ước tính vào những năm cao điểm có khoảng 10 ngàn con chó và mèo bị giết và ăn thịt trong thời gian 10 ngày lễ hội.

Published in Châu Á

Trump hạn chế thuê lao động nước ngoài trình độ cao, Ấn Độ lo lắng

qt1

Ấn Độ là nơi cung cấp nhiều lao động trình độ cao cho thị trường Mỹ. Trong ảnh, ông Joe Biden, phó tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước tới thăm một viện công nghệ Ấn Độ (The Indian Institute of Technology) ở Mumbai. Reuters

Nhằm thúc đẩy tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, tân tổng thống Donald Trump tiếp tục tăng cường chính sách bảo hộ. Dự thảo sắc lệnh này kèm theo một dự luật mới đã khiến New Delhi lo ngại, vì Ấn Độ là sẽ nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tạp chí Thế Giới Đó Đây giới thiệu. 

Donald Trump đang chuẩn bị ra một sắc lệnh hạn chế cấp visa cho người lao động nước ngoài có trình độ cao trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ mới. Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis giải thích :

Visa Mỹ có tên gọi H1B là sợi dây kết nối các lĩnh vực công nghệ mới của Ấn Độ với Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của nền công nghiệp Ấn Độ. Nhờ loại visa này mà gần 300.000 kỹ sư Ấn Độ được sang Mỹ làm việc trong các công ty tin học của Hoa Kỳ. 

Chính quyền Washington mới lại muốn thay thế nguồn nhân lực này bằng người Mỹ. Bên cạnh dự thảo sắc lệnh của tổng thống theo đó việc cấp visa H1B sẽ trở nên phức tạp hơn, còn có một dự luật quy định số lương tối thiểu để được cấp visa H1B sẽ phải tăng gấp đôi. Dự thảo sắc lệnh và dự luật này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ cử nhân viên sang làm việc tại Hoa Kỳ. Còn trên sàn chứng khoán Bombay, kể từ hôm thứ Ba, cổ phiếu của các công ty này đều sụt giảm. 

Nhưng, chính các doanh nghiệp Mỹ cũng có thể bị thiệt hại. Ông Shivendra Singh, phó chủ tịch Nasscom - Hiệp hội các công ty tin học của Ấn Độ, giải thích : "Bộ trưởng Lao Động Mỹ đã ra một báo cáo liên quan tới công việc trong các lĩnh vực khoa học mà không thể tuyển dụng nhân lực vào năm 2018. Và một nửa trong số đó là các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tất cả các doanh nghiệp, cho dù là của Hoa Kỳ hay của Ấn Độ, đều phải bù đắp thiếu hụt này bằng cách tuyển dụng nhân công nước ngoài ngắn hạn". 

Phó chủ tịch hội tin học Ấn Độ nhận xét, nếu ra điều kiện là mức lương tối thiểu của họ phải cao hơn nữa thì họ mới được nhập cảnh, thì điều đó cũng chẳng thay đổi được gì cả. Bởi vì phía Mỹ không thể tuyển dụng tại chỗ các nhân công Mỹ có trình độ cao,chỉ trong ngày một ngày hai".

Chính phủ Ấn Độ cũng đã phản ứng và tỏ ra lo ngại về chính quyền mới của Hoa Kỳ.

Thái Lan : Dự luật "độc tài" về kiểm soát truyền thông

Cũng liên quan tới các dự thảo luật, nhưng tại Thái Lan, tập đoàn quân sự cầm quyền mới đây đã soạn thảo một dự luật mới nhằm kiểm soát ngành truyền thông. Nhưng tất cả các hiệp hội nhà báo đều phản đối dự luật này vì nó sẽ làm mất tự do báo chí.

Thông tín viên RFI Arnaud Dubus từ Bangkok giải thích :

Dự luật này, theo cách nói của tập đoàn quân sự cầm quyền ở Thái Lan, là nhằm đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức để đánh giá công việc của các phóng viên và để đảm bảo trật tự xã hội. Tập đoàn quân sự đánh giá là công tác tự kiểm duyệt của các tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông đã thất bại, nên chính phủ phải đứng ra kiểm duyệt. Dự luật này sẽ cho phép triển khai hội đồng kiểm duyệt gồm đại diện của báo chí, truyền thông và các quan chức cao cấp của chính phủ Thái Lan. 

Điều gây nhiều tranh cãi nhất là hội đồng này sẽ cấp giấy phép hành nghề cho tất cả phóng viên và sẽ rút giấy phép của một phóng viên, nếu người này bị hội đồng đánh giá là thiếu đạo đức nghề nghiệp hoặc làm mất trật tự xã hội. Hai khái niệm này đều rất mơ hồ và rất có thể sẽ bị hiểu sai lệch đi. 

30 hiệp hội nhà báo của Thái Lan đều coi là dự luật này xâm phạm tự do báo chí, vốn được Hiến Pháp Thái Lan bảo vệ. Tuy nhiên, tập đoàn quân sự cầm quyền cho biết họ sẽ không thay đổi bất cứ một chữ nào trong dự luật. Và vì Quốc Hội là do tập đoàn quân sự bổ nhiệm, nên chắc chắn dự luật này được Quốc Hội phê chuẩn. Tất cả các hiệp hội nhà báo cho biết là nếu điều này xảy ra, họ sẽ kiên quyết đấu tranh chống lại đạo luật mới, mà họ gọi là "độc tài".

Nhật Bản : Nhà tù, nơi "an hưởng" tuổi già 

Tại Nhật Bản, nơi người cao tuổi chiếm 25% dân số thì tỉ lệ tù nhân cao tuổi ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê chính thức, nếu vào năm 2000, chỉ có 5% tù nhân trên 65 tuổi thì con số này tăng đã lên tới 20% vào năm 2015.

Nhiều người cao tuổi ở Nhật thích cuộc sống an toàn trong nhà tù, nơi họ được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe, hơn là cuộc sống tự do, nhưng đầy bắt trắc bên ngoài. Chính vì thế, nhiều người già cố tình vi phạm pháp luật để "được" phạt tù.

Chính điều này đã khiến công việc của quản giáo tại nhiều nhà tù giờ đây giống với công việc của y tá. Ở Fuchu, nhà tù cho nam giới lớn nhất đất nước, quản giáo không sợ tù nhân bỏ trốn. Nhiệm vụ của quản giáo chủ yếu là… thay bỉm cho những tù nhân già yếu và giúp họ tắm gội. Ông Shinsuke Nishioka, một quan chức của bộ Tư Pháp thì giải thích là nhiều tù nhân cao tuổi nặng tai, họ không nghe rõ hiệu lệnh, và họ thường xuyên phải đi vệ sinh. Điều này gây khó khăn cho ban quản lý trại giam. Các nhà tù phải có nhiều quản giáo hơn nữa.

Trước tình trạng này, chính phủ Nhật đã quyết định từ tháng 04/2017, sẽ tăng cường nhân lực cho 50% trên tổng số 70 trại giam trên toàn đất nước, đồng thời tăng cường đội ngũ huấn luyện thể thao cho tù nhân cao tuổi.

Ô nhiễm không khí : "mặt hàng xuất khẩu mới" của Trung Quốc

Để đảm bảo cam kết giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Bắc Kinh đã yêu cầu cắt giảm sản lượng than trong nước. Năm 2016, sản lượng than của Trung Quốc đã giảm tới 9%. Tuy nhiên, nhập khẩu than của nước này lại tăng 25%. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc khai thác ngày càng ít than, nhưng lại nhập khẩu ngày càng nhiều, đặc biệt từ Mông Cổ : một cách "xuất khẩu" ô nhiễm không khí ra nước ngoài.

Mới đây, Bắc Kinh đã ký với Ulan Bator thỏa thuận, theo đó Mông Cổ thúc đẩy sản xuất than đá và xuất khẩu sang Trung Quốc với giá tăng gấp đôi. Từ 4 năm nay, giá than đá của Mông Cổ xuất sang Trung Quốc rẻ chỉ bằng 1/3, 1/4 giá than trên trị trường thế giới. Để có tiền trả nợ vào mùa xuân, Mông Cổ không thể từ chối đề nghị của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng nhập than đá từ Úc, nhưng với một chiến thuật hoàn toàn khác, thông qua việc mua các mỏ than của Úc. Công ty than đá lớn của Trung Quốc Yanzhou Coal đã mua cổ phần của công ty Rio Tinto và trở thành nhà khai thác than đá lớn nhất nước Úc.

Trung Quốc : "Thuê bạn gái" về quê ăn Tết

Tết Nguyên Đán là dịp để 300 triệu người Trung Quốc đi làm ăn xa ở thành phố trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Nhưng đối với nhiều người độc thân, đây cũng là dịp phải đối mặt với sức ép lập gia đình từ cha mẹ. Theo một cuộc thăm dò mới đây, 60% nam giới và 50% phụ nữ bị gia đình gây sức ép để có người yêu và kết hôn. Một số người không ngần ngại tìm đến trung tâm môi giới để "thuê người yêu" về quê ăn Tết. Phần lớn các "cặp đôi giả vờ" chọn gói "Dịch vụ Xanh" (lü se fuwu). Có nghĩa là : trong kỳ nghỉ đến ở nhà bố mẹ, nhưng không ngủ cùng phòng.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt kể lại :

Trong mắt bố mẹ, Cao Nhạc có một vấn đề cần khắc phục hay lập tức. Cao Nhạc là người Bắc Kinh, 32 tuổi, khá đẹp trai, nhưng vẫn chưa có bạn gái. Và mỗi năm, ngày Tết lại làm Cao Nhạc sợ đến toát mồ hôi hột.

Cao Nhạc chia sẻ : "Từ năm tôi 25 tuổi, nhất là vào dịp lễ Tết, bố mẹ tôi luôn hỏi tôi vẫn chưa có bạn gái à. Càng nhiều tuổi, tôi càng cảm thấy sức ép. Bố mẹ tôi thấy mất thể diện trước người thân và bạn bè. Vì thế, mỗi lần gia đình tụ họp, tôi thường tìm cách lẩn tránh".

Nhiều người tìm cách đối phó rất độc đáo. Họ tìm đến dịch vụ "Cho thuê người độc thân" của anh Vương Kiến Hoa. Anh Vương giải thích : "Giá thuê bạn gái trung bình là 67 euro/ngày, nhưng tới dịp Tết, giá tăng ít nhất là gấp đôi. Chúng tôi ký hợp đồng với nhiều điều khoản : gặp gỡ bố mẹ, gia đình, bạn bè. Vào dịp Tết, nhu cầu thuê bạn gái rất cao, chỉ riêng công ty chúng tôi đã cung gấp dịch vụ cho thuê bạn gái cho hàng ngàn người.

Pháp : sức mua thực phẩm giảm kỷ lục

Một cuộc khảo sát mới đây của Nielsen cho thấy tại Pháp, tổng chi tiêu cho thực phẩm và các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc nhà cửa năm 2016 đã tăng 0,9 %, đạt 103,6 tỉ euro. Nhưng, nếu tính theo đầu người, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, lượng thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc, vệ sinh nhà cửa mà người dân Pháp mua sắm đã giảm (- 1,2 %) và số tiền mua sắm cũng giảm (- 0,6 %). 

Mặc dù mức giảm không quá cao, nhưng nó cũng cho thấy người Pháp, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đã thay đổi thói quen chi tiêu, mua sắm hàng ngày. Tuy nhiên, không phải là do các gia đình ăn uống ít đi hay giảm lãng phí thức ăn, mà chủ yếu là do họ đang còn rất nhiều đồ ăn thức uống dự trữ trong kho, nên không cần mua thêm nhiều thực phẩm.

Hiện tượng này liên quan chủ yếu đến các loại hàng hóa có hạn sử dụng dài như sữa (- 8 %), nước uống đóng chai (- 3 %), nước uống có ga (- 5 %), đường (- 6 %) cũng các loại dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc nhà cửa.

Thêm vào đó, họ ngày càng ít đi các siêu thị lớn ở xa. Thay vào đó, họ chọn các cửa hàng nhỏ gần nhà. Đây cũng là một cách để kiểm soát việc mua sắm. Giá cả giảm không thúc đẩy người Pháp mua sắm nhiều hơn về lượng, nhưng họ chuyển sang xu hướng mua sắm các sản phẩm đắt tiền hơn, sạch hơn và an toàn hơn.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ đậu gần biển Đông (RFA, 01/02/2017)

tq1

Tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc tập trận quân sự ở Thái Bình Dương hôm 24/12/2016. AFP photo

Hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc và cũng là chiếc do nước này tự đóng đầu tiên sẽ được neo đậu ở một vị trí gần Biển Đông.

Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn nguồn từ một tài khoản mạng xã hội thuộc Nhân dân Nhật báo ấn phẩm ở nước ngoài cho biết như vừa nêu.

Theo đó chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc dự kiến mang tên Sơn Đông sẽ được neo đậu tại một tỉnh ở miền nam Hoa Lục. Mục đích được nói nhằm giải quyết tình trạng mà Bắc Kinh cho là phức tạp ở Biển Đông, và Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Cũng theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng thì chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc đã ‘định hình’ sau hai năm chín tháng gấp rút xây dựng.

Báo này dẫn nguồn có được hôm qua từ hai kênh truyền hình và truyền thanh tỉnh Sơn Đông về tin này. Tuy nhiên thông tin không cho biết thời điểm hoàn thành cũng như những chi tiết liên quan khác về chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc.

Một số nguồn tin báo chí Hoa Lục lại loan tin có thể chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm nay và chính thức được đưa vào biên chế của hải quân Hoa lục vào năm 2019.

Trước đây, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết công tác xây dựng chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai được tiến hành tại nhà máy đóng tàu ở cảng Đại Liên, mạn đông bắc Hoa Lục.

Trung Quốc hiện có một chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất mang tên Liêu Ninh. Đây là một tàu sân bay được nâng cấp từ chiếc tàu mua lại của Ukraine vào năm 1998.

Vào tháng giêng vừa qua hàng không mẫu hạm Liêu Ninh dẫn đầu một đoàn tàu chiến của Trung Quốc thực hiện cuộc diễn tập thử vũ khí và trang thiết bị quân sự tại khu vực Biển Đông.

Trước khi vào Biển Đông, vào tháng 12 năm ngoài, đoàn tàu chiến này đi qua vùng biển phía nam Nhật Bản, sau đó xuôi xuống miền đông và nam đảo quốc Đài Loan

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đó là hoạt động diễn tập thường kỳ phù hợp với luật pháp quốc tế. Phía Đài Loan thông báo cho huy động quân đội theo dõi sát diễn tiến của đoàn tàu chiến Hoa Lục đó.

Nhận định trên mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng hôm qua cho rằng còn nhiều năm nữa Trung Quốc mới có thể đạt được hoạt động tương tự như của hải quân Hoa Kỳ đang được triển khai trong nhiều thập niên qua.

****************

Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ neo đậu gần Biển Đông (RFI, 01/12/2017)

tq2

Căn cứ hải quân Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh : STR / AFP

Theo báo chí Trung Quốc hôm nay, 01/02/2017, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai, hoàn toàn do Trung Quốc đóng, sẽ neo đậu tại một căn cứ ở một tỉnh miền Nam, gần Biển Đông, để có thể xử lý "những tình huống phức tạp" ở vùng biển đang tranh chấp này. Chính quyền Bắc Kinh chưa chính thức loan báo, nhưng theo báo chí Trung Quốc, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai này sẽ được mang tên Sơn Đông (Shandong), một tỉnh bờ biển phía Đông Trung Quốc.

Hôm qua, một kênh truyền hình ở Sơn Đông loan tin là chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai đã "định hình" sau 2 năm, 9 tháng được đóng. Tuy nhiên, đài này không cho biết là khi nào chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ được hoàn tất. Báo chí Trung Quốc trước đây có nêu khả năng là chiếc Sơn Đông sẽ được hoàn tất trong sáu tháng đầu năm 2017 và sẽ chính thức tham gia hải quân Trung Quốc vào năm 2019.

Việc đặt căn cứ của tàu Sơn Đông ở vùng bờ biển phía Nam của Trung Quốc sẽ giúp nâng cao tiềm năng quân sự của nước này ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo và cũng là nơi mà căng thẳng với Mỹ đang gia tăng, nhất là kể từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.

Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, hiện neo đậu tại Thanh Đảo (Qingdao), một cảng ở tỉnh Sơn Đông, gần với Nhật và Hàn Quốc.

Thanh Phương

Published in Châu Á

Sự kiện chuyến tàu Đông Phong từ thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, vào ga Barking ở phía Đông thủ đô London của Anh ngày 19/1 vừa qua đã đánh dấu sự sang trang mới trong lịch sử của con đường thương mại có tuổi đời hàng thế kỷ này.

Bài 1 : Một công đôi ba việc

Từng được biết đến là Con đường Tơ lụa, tuyến đường thương mại này đã lần đầu tiên kết nối giữa Trung Quốc và Châu Âu, mang vải vóc, đồ gia vị, gốm sứ Trung Quốc và cả thuốc súng từ phương Đông đến phương Tây. Nhưng sự kiện chuyến tàu Đông Phong từ thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, vào ga Barking ở phía Đông thủ đô London của Anh ngày 19/1 vừa qua đã đánh dấu sự sang trang mới trong lịch sử của con đường thương mại có tuổi đời hàng thế kỷ này.

34 toa tàu, mang theo 68 container chất đầy đồ gia dụng như quần áo, giày tất, vali, túi, ví… với tổng trị giá 4 triệu bảng Anh, đã vượt qua hành trình dài 7.456 dặm, đánh dấu hành trình bằng đường sắt dài nhất thế giới, từ Trung Quốc qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Bỉ và Pháp trước khi đi xuống đường hầm xuyên biển và đến điểm trung tâm vận tải hàng hóa bằng đường sắt Euro London gần sông Thames.

Ý tưởng khởi xướng dịch vụ đường sắt này nằm trong chiến lược "Một Vành đai, Một Con đường" (OBOR) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm kết nối Châu Á với Châu Âu và Châu Phi thông qua các tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa cũ và tăng quy mô thị trường xuất khẩu vốn rất rộng lớn của Trung Quốc. Cái tên Đông Phong của đoàn tàu không thuần túy mang tính hình tượng mà xuất phát từ câu châm ngôn của Chủ tịch Mao Trạch Đông : "Gió Đông sẽ mạnh hơn gió Tây".

silkroad1

Trung Quốc vừa khai trương tuyến tàu lửa chở hàng dài gần 12.000 km từ tỉnh Chiết Giang đến thị trấn Barking của Anh.

Sự phúc đáp đúng lúc với Anh

Đoàn tàu Đông Phong đã kết thúc hành trình lịch sử của mình vào đúng thời điểm mọi câu hỏi đang dồn vào việc hoạt động xuất khẩu của Anh quốc với thế giới sẽ thế nào sau cuộc trưng cầu dân ý chấn động tách nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Là một phần chiến lược của chính phủ Trung Quốc, tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã bắt đầu kinh doanh các dịch vụ đường sắt với 14 thành phố Châu Âu, trong đó có Madrid và Hamburg, với hơn 1.800 tuyến đường đã hoàn thành kể từ khi được phát động. Hầu hết các sản phẩm của Trung Quốc được chuyên chở trên tàu Đông Phong đến từ các xưởng sản xuất vừa và nhỏ ở Nghĩa Ô, trung tâm sản xuất truyền thống ở tỉnh Chiết Giang. Nhưng các toa tàu sẽ không trở về trống rỗng. Trên hành trình ngược lại, tàu sẽ mang theo thịt hun khói, pho mát và rượu vang từ Tây Ban Nha, bia Đức và nhiều hàng hóa từ những nơi khác xuất khẩu sang Trung Quốc, tất nhiên không thể thiếu các sản phẩm của Anh quốc như xe ô tô, máy móc và thực phẩm.

Trở lại thời điểm cuối năm 2015, khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới vương quốc Anh theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth II, trở thành nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới Anh trong vòng một thập kỷ. Chuyến thăm đã được kỳ vọng là mở ra "kỷ nguyên vàng" cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung – Anh. Giờ đây, sẽ là không ngoa khi nói rằng kỳ vọng ấy đang trở thành hiện thực và "cơn gió Đông" ấy đã đến thật đúng lúc.

Sự đáp trả xứng đáng với Mỹ

Trong khi đó, sự kiện đoàn tàu Đông Phong vào ga Barking diễn ra chỉ một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump, người từng cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn về thương mại đối với Trung Quốc.

Nguy cơ đối đầu Mỹ – Trung về kinh tế dưới thời ông Trump đã khiến Trung Quốc coi OBOR như một hòn đá tảng trong chiến lược kinh tế của mình. Nhìn vào các lực lượng biệt lập trong chính quyền Mỹ mới dưới thời Tổng thống Trump, quan hệ Mỹ – Trung được cảnh báo là sẽ suy yếu. Giới chuyên gia nhận định Washington sẽ tiếp tục tăng sức ép lên Trung Quốc dọc các hải trình truyền thống qua eo biển Đài Loan, Biển Đông và Ấn Độ Dương. Chính điều này buộc Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào phát triển các tuyến đường an toàn hơn trên đất liền đi qua lục địa Á – Âu. Sáng kiến OBOR vì vậy trở thành chiến lược cốt lõi cho sự ổn định và phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định sáng kiến này thậm chí có thể trở thành một sự thay thế bền vững cho quan hệ hợp tác Trung – Mỹ.

Đáng chú ý là Nga được cho là có thể đóng một vai trò lớn hơn trong dự án của Bắc Kinh, thông qua triển vọng mở các tuyến đường vận tải thay thế ở vùng Caucasus, hiện chưa nằm trong hành trình lớn này.

Cuộc xung đột hiện nay ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đang đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars, vốn được thiết kế để hoàn tất hành lang vận tải nối Azerbaijan với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được Bắc Kinh coi là một phần của Con đường Tơ lụa trên đất liền dẫn tới Châu Âu. Bối cảnh này có thể mở đường cho việc tạo ra các nền tảng hậu cần và công nghiệp chung giữa Trung Quốc và Nga ở khu vực biển Caspie và biển Đen, được xem là khu vực quá cảnh an toàn nhất ở Á – Âu. Giới chuyên gia dự báo các diễn biến này sẽ thúc đẩy hợp tác chiến lược Trung – Nga tại Á – Âu và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế và chính trị trong khu vực.

Thảo Linh (21/01/20217)

********************

Bài 2 : Hút tài nguyên của láng giềng

Khi Trung Quốc đẩy mạnh "Tây tiến" vào Châu Á, họ sẽ có thể khai thác các nguồn tài nguyên dồi dào ở đại lục này, đồng thời biến các khu vực giàu năng lượng của thế giới quanh biển Caspian và vùng Vịnh Persic thành quỹ đạo hoạt động của mình.

Một phần của đại chiến lược gây ảnh hưởng toàn cầu

Đoàn tàu Đông Phong là một phần của dự án kết nối Đông – Tây, thực chất nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn cầu. Dư luận dự đoán trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ sở hữu các nguồn lực lớn để xây dựng các tuyến đường thương mại Á – Âu trong khuôn khổ OBOR.

Sau khi được gắn mác "phân xưởng của thế giới", Trung Quốc thay vì chỉ trích đường lối thể chế kinh tế của Mỹ đã nhanh nhảu gắn bó với nó. Các tuyến đường thương mại mang tên Con đường Tơ lụa Mới của Trung Quốc đang hối hả chăng mắc như mạng nhện.

London là ga cuối trong hành trình dài 12.000 dặm, gồm một mạng lưới tuyến đường thương mại dài và phức tạp mà Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập trong những năm gần đây. Nhưng các tuyến đường này còn mang lại lợi ích nhiều hơn thương mại. Chúng nằm trong chiến lược của Trung Quốc nhằm xây dựng một xã hội Châu Á quốc tế và là cú hích địa chính trị có tính toán xuyên khắp Châu Á đại lục.

silkroad2

London là ga cuối trong hành trình dài 12.000 dặm, gồm một mạng lưới tuyến đường thương mại dài và phức tạp mà Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập trong những năm gần đây.

Trung Quốc đang ngày càng nung nấu cho tham vọng bá chủ. Dự án OBOR đã được khởi xướng bên cạnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một tổ chức an ninh lớn trong khu vực, và kết hợp với việc xây dựng quan hệ với các nước quanh Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Trung Quốc cũng nỗ lực ký một thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn với 10 nước Đông Nam Á, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Dự án trên là trọng tâm của chiến lược "Tây tiến" và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, tạo ra một phương tiện để tung các doanh nghiệp Trung Quốc ra khắp Châu Á. Năm 2015, 44% dự án xây dựng của Trung Quốc ở nước ngoài được thi công dọc Con đường Tơ lụa Mới. Con số này đã tăng lên hơn 52% trong năm 2016. Với 4.000 tỷ USD dành cho dự án này, đây là sức mạnh mềm được triển khai trên quy mô lớn. Với sự tham gia của 60 quốc gia, Trung Quốc đang biến Châu Á thành một thực thể khổng lồ và liên kết.

Vẫn còn một số khu vực nhỏ chưa được kết nối, nhưng có một triển vọng thực sự về một khu vực Đại Châu Á sẽ nổi lên trước khi hết thế kỷ 21. Khi trở thành hiện thực, khu vực này có thể vượt qua EU về quy mô, tầm vóc và tiềm lực kinh tế. Thương mại trong khu vực OBOR hiện đã đạt đến hơn 2.200 tỷ USD trong vòng 10 năm (gần đuổi kịp con số 3.100 tỷ USD thương mại hàng hóa nội khối của EU).

Thành công của sáng kiến trên có thể dẫn tới các tác động sâu rộng đối với các nước Châu Á có liên quan, cũng như đối với trật tự quốc tế. Khi Trung Quốc đẩy mạnh "Tây tiến" vào Châu Á, họ sẽ có thể khai thác các nguồn tài nguyên dồi dào ở đại lục này, đồng thời biến các khu vực giàu năng lượng của thế giới quanh biển Caspian và vùng Vịnh Persic thành quỹ đạo hoạt động của mình.

Việc Trung Quốc thực hiện dự án OBOR chính là một biện pháp để thể hiện sự tự tin mới của Bắc Kinh, đồng thời gửi thông điệp về nỗ lực của họ nhằm trở thành trái tim Châu Á. Dự án này cộng với một quan hệ đối tác với ASEAN và nỗ lực củng cố nhóm an ninh SCO sẽ tạo ra 3 vòng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Á. Chúng giúp nhân lên sức mạnh của Trung Quốc và tạo cho họ một giọng nói đáng tin cậy, dù không phải lúc nào cũng được hoan nghênh, từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương.

Thảo Linh

Nguồn : VietnamNet, 22/01/2017

Published in Châu Á

Nguy cơ khủng hoảng Mỹ - Trung sau tuyên bố của Tillerson về Biển Đông (RFI, 13/01/2017)

tq1

Rex Tillerson, cựu lãnh đạo tập đoàn ExxonMobil, người được Trump chỉ định làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ. REUTERS/Joshua Roberts/File Photo

Những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định Rex Tillerson về hồ sơ Biển Đông có thể gây ra khủng hoảng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, nếu những tuyên bố này trở thành chính sách ngoại giao của chính quyền Donald Trump. Đó là nhận định của tờ New York Times hôm qua, 12/01/2017.

Trong buổi điều trần ngày 11/01 vừa qua trước Ủy ban Ngoại giao của Thượng Viện Mỹ, ông Rex Tillerson đã tuyên bố rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là "phi pháp", chẳng khác gì việc Nga chiếm vùng Crimée. Cho nên, Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định đã đề nghị Washington phải gửi đến Bắc Kinh một tín hiệu rõ ràng : Một là phải ngưng ngay việc xây đảo nhân tạo, hai là Trung Quốc không được tiếp cận các đảo đó.

Theo New York Times, nếu những tuyên bố đó thực sự trở thành hành động sau khi ông Donald Trump chính thức nắm quyền tổng thống, thì đây sẽ là một thay đổi đáng kể trong chính sách của Hoa Kỳ về việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi mà theo một cơ quan tư vấn của Mỹ, có thể sẽ trở thành "sân sau" của Trung Quốc vào năm 2030.

Trung Quốc hiện vẫn khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra tháng 7 năm ngoái, bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, cụ thể là "không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong "đường 9 đoạn".

Chính quyền Obama cũng đã gián tiếp bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền "quá đáng" của Trung Quốc ở Biển Đông khi đưa các chiến hạm đến tuần tra sát đảo nhân tạo của Trung Quốc. Nhưng hành động này đã không ngăn được Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa các đảo đó.

Những tuyên bố nói trên của ông Tillerson hàm ý là Hoa Kỳ có thể sẽ dùng đến sức mạnh quân sự để ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo. Cho nên, theo New York Times, các nhà phân tích ở Trung Quốc đã có phản ứng khác nhau.

Một đại tá về hưu và nay là chuyên gia quân sự cho rằng đó là một tín hiệu báo trước rằng tổng thống Trump sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Vị chuyên gia này khẳng định rằng khả năng chiến đấu của Trung Quốc nay "cao hơn của Mỹ" nếu xảy ra chiến tranh giữa hai nước.

Nhưng các chuyên gia về Biển Đông của Trung Quốc được New York Times trích dẫn thì đặt vấn đề về tính hợp pháp của việc ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo.

Êkíp chuyển tiếp của tổng thống tân cử Donald Trump đã không trả lời các yêu cầu của báo chí đòi giải thích thêm về các tuyên bố của ông Tillerson và cũng không nói rõ là những tuyên bố đó có thể hiện chính sách của chính quyền Trump hay không.

Hiện cũng không rõ là thái độ cứng rắn của ông Tillerson trên vấn đề Biển Đông có liên quan gì đến kinh nghiệm của ông ở vùng này vào thời ông là lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil hay không. Vào năm 2009, ExxonMobil đã ký một hiệp định khai thác dầu khí ở Biển Đông với tập đoàn PetroVietnam. Sau này, người ta được biết là hiệp định đó đã được ký kết một cách lặng lẽ, vì nơi khai thác dầu khí nằm ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Như vậy, sau cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, sau những lời đe dọa đánh thuế nặng hàng nhập khẩu Trung Quốc, những tuyên bố của ông Tillerson về Biển Đông phải chăng báo hiệu những thay đổi căn bản trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, chính sách mà từ thời Nixon cho đến nay vẫn được duy trì tương đối ổn định, dù đó là chính quyền Dân Chủ hay Cộng hòa ? 

Thanh Phương

************************

Biển Đông : Bắc Kinh phản ứng ôn hòa, nhưng báo chí đe dọa Mỹ (RFI, 13/01/2017)

tq2

Ông Rex Tillerson - người được Donald Trump chỉ định vào chức ngoại trưởng - trong phiên điều trần tại Thượng Viện Mỹ, ngày 11/01/2017. Reuters

"Nếu Rex Tillerson thực hiện lời tuyên bố thì sẽ dẫn đến chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc". Trên đây là phản ứng giận dữ của truyền thông nhà nước Trung Quốc, một ngày sau khi ngoại trưởng tương lai của Mỹ, trong cuộc điều trần tại Thượng Viện, tuyên bố "phải chặn không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp" ở Biển Đông.

Hoàn Cầu Thời Báo, ngày 13/01/2017, phản ứng mạnh sau khi ông Rex Tillerson công khai tuyên bố Biển Đông không thuộc chủ quyền của Trung Quốc và phải chặn Trung Quốc đến các đảo nhân tạo. Tờ báo của phe chủ chiến tại Trung Quốc đe dọa : Nếu Washington thực hiện lời tuyên bố này thì hai bên không tránh khỏi một "trận chiến hủy diệt".

Khác với chính quyền Obama, tuy lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đe dọa an ninh và tự do hàng hải, nhưng không xác quyết chủ quyền khu vực tranh chấp thuộc về ai, ngoại trưởng tương lai của Mỹ tuyên bố thẳng thừng : "Trung Quốc không có chủ quyền ở vùng tranh chấp này". Ông Rex Tillerson còn so sánh hành động lấn chiếm Biển Đông với vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

Cùng ngày, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tỏ vẻ kiên nhẫn, muốn chờ xem quan điểm của Rex Tillerson sẽ được thể hiện ra sao trong chính sách ngoại giao.

Ngược lại, trong một đoạn khác của bài bình luận, Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng nếu ban cố vấn của tổng thống tân cử Donald Trump hoạch định chính sách quan hệ với Trung Quốc như những tuyên bố gần đây về Đài Loan hay Biển Đông, thì "hai nước nên chuẩn bị chiến tranh".

Trong khi đó, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tìm cách hạ nhiệt : Hoa Kỳ hãy lo chuyện của mình, tình hình biển Nam Hải đã lắng dịu.

Phản ứng Việt Nam ra sao về lập trường của ngoại trưởng tương lai Mỹ về Biển Đông ? Sau đây là lời tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Hải Bình trong cuộc họp báo ngày 12/01/2017 : "Duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu chung, cũng như là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Chúng tôi cho rằng các bên liên quan, các bên trong và ngoài khu vực đều phải có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu và bảo đảm lợi ích chung này".

Còn tại Úc, cựu thủ tướng Paul J. Keating lo ngại về nguy cơ Washington lôi kéo Canberra vào chiến tranh. Trong thông cáo đề ngày 13/01/2017 gửi tới thủ tướng Turnbull, cựu thủ tướng Paul J. Keating lo ngại Úc bị Hoa Kỳ lôi kéo vào xung đột ở Biển Đông, đối đầu với Trung Quốc, gây thiệt hại cho kinh tế, giao thương và cả an ninh của nước Úc. Theo ông Paul Keating, Canberra không nên ủng hộ Mỹ trên hồ sơ Biển Đông. Paul J. Keating, thuộc đảng Lao Động, từng giữ chức vụ thủ tướng Úc trong thời gian từ 1991 đến 1996.

Tú Anh - Thanh Hà

************************

Ông Trump, Tillerson nói về Bin Đông, Việt Nam s là đim nóng ? (VOA, 12/01/2017)

tq3

Tổng thng đc c Donald Trump, trái, và Ngoi trưởng đ c Rex Tillerson.

Tranh chấp Bin Đông đã được đ cp đến trong nhng phát biu ca hai nhân vt hàng đu trong chính ph sp ti ca M.

Hôm 11/01, trong cuộc hp báo đu tiên vi tư cách là tng thng đc c, ông Donald Trump vài ln nhc đến Trung Quc v vn đ thương mại và tấn công trên mng. Ông nói M đã chu thua thit hàng trăm t đôla mi năm v thương mi và mt cân đi thương mi vi Trung Quc. Bên cnh đó, ông nói Trung Quc đã xâm nhp trên mng vào 22 triu tài khon M.

Người s tr thành tng thng th 45 của M vào tun sau cũng nói đến Bin Đông mt cách ngn gn khi cho rng nước M đã b mt s nước chơi xu.

Ông Trump nói : "Nga và các nước khác, trong đó có Trung Quc là nước đã hoàn toàn li dng chúng ta v mt kinh tế, hoàn toàn li dng chúng ta ở Biển Đông bng cách xây pháo đài ln ca h".

Ông cho rằng vi ni các mi là nhng người thông minh và thành công, nước M s có nhng tha thun tt hơn và s được tôn trng hơn : "Nga, Trung Quc, Nht Bn, Mexico, tt c các nước s tôn trng chúng ta n, hơn nhiu so vi các chính quyn trước đây".

Cũng trong ngày 11/1, đã diễn ra phiên điu trn ca y ban Đi ngoi Thượng vin v phê chun chc v ngoi trưởng M. Ông Rex Tillerson, ngoi trưởng đ c, nói Trung Quc phi b chn đường tiếp cn các đảo nhân to mà h xây lên Bin Đông có tranh chp. Ông so sánh hot đng ca Trung Quc vi hành đng ca Nga đot ly Crimea.

Khi được hi liu ông có ng h mt tư thế mnh m hơn đi vi Trung Quc, ông Tillerson tr li : "Chúng ta s phi gi ti Trung Quốc mt tín hiu rõ ràng rng trước hết, vic xây đo phi dng li, và th nhì là vic quý v tiếp cn các đo đó s không được cho phép".

Vị cu ch tch kiêm tng giám đc điu hành ca hãng ExxonMobil không nói c th có th là gì đ chn vic Trung Quốc tiếp cn các đo mà h đã xây kiên c cũng như đã trang b vũ khí, đường băng Bin Đông.

Các nhà quan sát cho rằng phát biu ca ông Tillerson s làm Bc Kinh tc gin và m đường cho kh năng xy ra đi đu nghiêm trng vi Bc Kinh.

Luật sư Đức Khanh Canada, nhà nghiên cu v chính tr Vit Nam và quan h quc tế, nhn đnh vi VOA rng chính quyn ti đây ca ông Trump s tiếp tc thúc đy chính sách xoay trc sang Châu Á và có th làm cho Vit Nam tr thành mt đim nóng. Ông nói :

"Có nhiều ch du là ông Tng thng Donald Trump s tiếp tc cái chiến lược đó nhưng có th là vi mt cái tên khác. Đng thi cái giai đon mà ông Donald Trump lên s là cái giai đon tăng tc trong mt chiến lược 4 năm. Tng thng Obama đã nói trước đây ti năm 2020 sẽ đưa 60% khí tài cũng như lc lượng quân đi ca M sang khu vc Á Châu Thái Bình Dương. Tôi thy rng tiến trình đó s được tăng tc rt là nhanh. Có th là trong vòng 2 năm đu ca nhim kỳ, tc là 2017, 2018 là có th đã thc hin được vn đ đó. Cục din ca tình hình vi chính sách đi đu v kinh tế gia M và Trung Quc, đng thi chiến lược ca Hoa Kỳ là tăng s hin din ca mình trong khu vc, điu đó cho thy rng Vit Nam s là mt đim nóng trong thi gian sp ti".

Một nhà nghiên cu khác, Tiến sĩ Nguyn Ngc Trường, Ch tch Trung tâm Nghiên cu Chiến lược và Phát trin Quan h Quc tế Hà Ni, nói vi VOA rng c Tng thng đc c Trump ln Ngoi trưởng đ c Tillerson đu "nm rt chc" nhng vn đ liên quan đến Việt Nam, khu vc và Bin Đông. Ông Trường tin tưởng h s "kế tha, phát trin và đm bo nhng li ích ca nước M, trong đó có quan h vi Vit Nam".

An Tôn

************************

Trung Quốc kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam (RFI, 13/01/2017)

tq4

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến công du Bắc Kinh ngày 07/04/2015. Reuters

Tiếp tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm qua, 12/01/2017 chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi gia tăng hợp tác với Việt Nam trên các vấn đề quốc tế và kiểm soát các tranh chấp ở Biển Đông. 

Ông Nguyễn Phú Trong đã đến Bắc Kinh hôm qua mở đầu chuyến viếng thăm Trung Quốc kéo dài đến ngày 15/01. Đây là chuyến đi thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng kể từ khi ông tái đắc cử tổng bí thư tại Đại hội đảng lần thứ 12 vào tháng 01/2016.

Theo truyền thông Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng : "Hai nước nên mở rộng các trao đổi quân sự và tăng cường hợp tác quốc phòng, đồng thời phải phối hợp với nhau trên các vấn đề quốc tế để bảo vệ những lợi ích của nhau". Chủ tịch Trung Quốc cũng đề nghị hai nước phải "kiểm soát các căng thẳng do tranh chấp chủ quyền, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" với Việt Nam.

Về vấn đề Biển Đông, báo chí trong nước trích dẫn phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường "nhất quán" của Việt Nam là "kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982". Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố là Việt Nam sẳn sàng mở rộng hợp tác trên biển với Trung Quốc cũng như tăng cường các quan hệ về thương mại, đầu tư, du lịch và quốc phòng giữa hai nước.

Cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc tại Bắc Kinh diễn ra vào lúc các nhà quan sát đang cố dự đoán chính sách của chính quyền Donald Trump về Châu Á nói chung và về Biển Đông nói riêng. Trong buổi điều trần hôm thứ Tư 11/01, Ngoại trưởng được chỉ định Tex Tillerson đã yêu cầu cấm Trung Quốc vào các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng ông Tillerson không nói rõ là Hoa Kỳ sẽ làm cách nào để ngăn chận Trung Quốc đi vào các đảo đó.

Thanh Phương

<a data-flickr-embed="true"  href="https://www.flickr.com/photos/145347866@N03/32202811401/in/dateposted/" title="tq1"><img src="https://c1.staticflickr.com/1/519/32202811401_6b12c6028b_n.jpg" width="320" height="181" alt="tq1"></a><script async src="//embedr.flickr.com/assets/client-code.js" charset="utf-8"></script>

Published in Châu Á

Buôn người – tệ nạn chưa có hồi kếtb (RFA, 10/01/2017)

buonnguoi1

17 cô gái Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn người, đang ở tạm tại trung tâm phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai hôm 18/4/2015. AFP photo

Nạn buôn người ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu suy giảm dù truyền thông đưa tin rất thường xuyên để cảnh báo người dân và Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp.

Đưa sang Trung Quốc

Ủy ban Quốc gia Việt Nam Phòng chống HIV/AIDS và Ma túy- Mại dâm đưa ra số liệu cho thấy trong năm 2016 vừa qua có 600 phụ nữ và trẻ em được giải cứu khỏi các đường dây buôn người. Tổng cộng từ năm 2013 đến giữa năm ngóa i, cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện gần 1700 vụ, lừa bán 3.400 nạn nhân.

Theo đó nạn nhân của tình trạng buôn người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, và một trong những "thị trường tiêu thụ" chính là Trung Quốc, nơi mà sự mất cân bằng giới tính khiến chuyện "nhập khẩu vợ" gia tăng. Còn theo Linh mục Nguyễn Bá Thông, người lâu nay giúp đỡ cho các nạn nhân Việt Nam, thì số nạn nhân bị buôn bán với 3 mục đích gồm làm nô lệ lao động, nô lệ tình dục và lấy nội tạng. Mỗi một mục đích lại có nguyên nhân và các mánh khóe lừa đảo khác nhau :

Đó là ba loại buôn người chính ở Việt Nam. Buôn người để làm tình dục thì tư tưởng như thế này : các em được hứa đồng tiền rất cao, giống như nô lệ lao động. Đi qua bên đó không phải làm gì cả, ví dụ như đi Mã Lai, không phải làm gì. Đi qua đó phục vụ bưng nước thôi, tháng được 15 triệu, nhưng thực sự chỉ là 5 triệu, 3 triệu, rồi tiền thiếu nó chồng chất lên. Lúc đó nó mới nói rằng nếu không muốn làm cái đó thì làm tình dục hay làm nô lệ khác với cái giá như vậy. Thì những người kia không có chọn lựa, bắt buộc phải làm thì mới có tiền trả nợ để đi về nước.

Cái thứ 2 là buôn người để buôn bán nội tạng thì mình đã biết lâu lắm rồi, từ chục năm trước khi mình lên miền Bắc Trung Quốc là Lào Cai, thì Chính phủ Việt Nam có nhiều biện pháp trên giấy tờ nhưng thực tế không có gì hết đó. Chẳng hạn có những trẻ hay người lớn bị bắt qua Trung Quốc, nhưng mà khi đưa lên thì chính công an của tỉnh đó lại nói là không có thật. Từ chối là chuyện có thật. Chẳng hạn ở Lào Cai, Bắc Giang thì Chính phủ, chính quyền địa phương lại nói là không có thật, tầm bậy.

Người dân thiếu thông tin

Tiến sĩ Đinh Thị Dung, giảng viên khoa lịch sử, văn hóa Trung Quốc cho rằng hai nguyên nhân chính dẫn đến tệ nạn này, đó là phía quản lý lỏng lẻo của Chính quyền và nhận thức, dân trí của người dân còn thấp :

Theo tôi thì nhìn nhận cả hai phía, phía quản lý của chính quyền Nhà nước và phía của người dân. Thứ nhất là cần phải có thông tin chi tiết, cụ thể hơn nữa để người ta hiểu, có nhiều người mù mờ, ngu ngơ về cái vấn đề này lắm thì người ta vẫn đi thôi. Thứ 2 là trình độ dân trí của những người bị lừa còn thấp.

Tiến sĩ Phạm Quang Minh, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn cũng có nhận định tương tự và thêm một điểm đáng chú ý là thủ đoạn ngày càng tinh vi của các tay buôn người :

Tôi nghĩ là chắc chắn là do người dân thiếu thông tin về vấn đề đó. Họ sống ở những vùng sâu vùng xa, như vậy không có khả năng tiếp cận thông tin, hay là nhận được những thông tin sai lệch. Thứ hai, là tội phạm ngày càng tinh vi, có nhiều thủ đoạn, nhiều âm mưu, tìm mọi cách để lừa những người dân ít thông tin, kém hiểu biết như vậy.

ta4b75f6

Thủ tướng Na Uy, bà Erna Solberg đến thăm các cô gái Việt Nam là nạn nhân buôn người trong một trại phục hồi chức năng ở Lào Cai hôm 18/4/2015. AFP photo

Phân tích nguyên nhân nạn buôn người ở Việt Nam không có dấu hiệu thuyên giảm, linh mục Nguyễn Văn Thông cho biết là do điều kiện cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn nên nhiều người ôm ấp giấc mơ đổi đời. Lý do khác nữa theo ông là sự thờ ơ, đa phần người dân Việt quan tâm đến những chương trình giải trí nhiều hơn là tin tức trên báo, đài.

Lý do tại sao nạn buôn người xảy ra nhiều là thứ nhất không có thực tế để chống, không ai nói gì hết. Có lên TV mà ở Việt Nam có ai coi tin đâu, người ta toàn coi show này show nọ, hay lên báo thì ai đọc báo đâu. Nhưng chính quyền địa phương họ không có công việc cụ thể để làm điều đó thì tệ nạn đó cứ tăng thôi. Và khi xã hội làm cho người ta càng nghèo, thì người ta càng muốn thoát ra với một hi vọng là đổi đời, thì đó là lý do họ đưa vô đường đó nhiều.

Quản lý yếu kém

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều biện pháp để phòng chống nạn buôn người. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người". Luật phòng chống mua bán người đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2012. Cũng trong năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư Palermo về Phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Sau đó, năm 2015, Việt Nam ký Công ước ASEAN về Phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên như trình bày tệ nạn này vẫn ngày một gia tăng ở Việt Nam, mà theo ý kiến của Tiến sĩ Phạm Quang Minh lỗi một phần còn do sự quản lý của chính quyền chưa chặt chẽ :

Quản lý của các cấp chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ, chưa được tốt. Khi có những tình trạng như vậy thì cần phải kiểm tra, thông tin cho người dân để người ta không mắc phải những sai lầm như thế.

Trong khi đó, linh mục Thông lại cho rằng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp để đẩy lui tệ nạn này, tuy nhiên việc thực thi ở cấp địa phương chưa được hiệu quả, dẫn đến tình trạng "phép vua thì mạnh mà lệ làng lại không có" :

Phép vua thì có đưa ra, nhưng lệ làng có ai nói đâu, người dân họ chỉ biết những gì xã, huyện, phường nói. Thành ra những vùng có người bị lừa đưa ra nước ngoài nhiều nhất, nhưng chính quyền địa phương không bao giờ tổ chức cho họ những buổi học để họ biết thế nào là thật, giả, những cạm bẫy sẽ đến với họ khi họ ra nước ngoài để làm vợ hay lao động. Tức là ở trên có nhưng ở dưới không có ai tổ chức để nói. Phép vua thì nhiều mà làng thì chẳng ai tổ chức để báo, giúp người ta chuẩn bị.

Buôn người là loại tội phạm xuyên biên giới, cơ quan chức năng Việt Nam cũng nhận ra đươc tình hình buôn người nghiêm trọng trong nước, và đã phối hợp với rất nhiều tổ chức như Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam, tiến hành các buổi hội thảo về nạn buôn người với Lào và Thái Lan.

Tuy vậy dường như vấn đề vẫn còn khó không chỉ đối với chính phủ Hà Nội mà còn nhiều quốc gia khác cũng như cả những tổ chức quốc tế tham gia công tác ngăn ngừa tệ nạn này.

Lan Hương, phóng viên RFA

***********************

Nạn buôn người gia tăng tại Việt Nam (RFA
07/01/2017)

buonnguoi3

Tòa án tình Quảng Tây hôm 16/8/2016 xét xử một đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em từ Việt Nam sang Trung Quốc. AFP photo

Tệ nạn buôn người tiếp tục gia tăng tại Việt Nam, mà nguyên nhân chính được cho là do tình trạng nghèo khó, pháp luật không được thực thi nghiêm minh, biên giới quản lý lỏng lẻo.

Thêm vào đó, nhu cầu cô dâu nước ngoài gia tăng tại một số nước trong khu vực cũng khiến cho nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người.

Truyền thông trong nước trích dẫn báo cáo của Bộ Công an  cho biết, trong năm 2016 vừa qua số nạn nhân của buôn người tăng 12,8% so với năm 2015.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công an , mặc dù con số các vụ án buôn người giảm bớt 6%, nhưng trong năm qua tổng số nạn nhân của buôn người mà công an phát hiện được lên tới 1.128 người.

Các số liệu của Bộ Công an  không nêu rõ có bao nhiêu trường hợp nạn nhân bị buôn bán vào các đường dây nô lệ tình dục và bao nhiêu là nạn nhân của buôn bán lao động. Nhưng theo số liệu của Ủy ban Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS và Ma túy, Mại dâm thì trong năm 2016 vừa qua đã có 600 phụ nữ và trẻ em được giải cứu khỏi các đường dây buôn người.

Theo các cơ quan chức năng Việt Nam, hầu hết nạn nhân của buôn người được đưa qua ngả Trung Quốc, nơi đang xảy ra tình trạng mất cân đối về giới tính - nam thừa nữ thiếu, dẫn đến nhu cầu về cô dâu nước ngoài tăng cao.

Published in Việt Nam

Hơn 1 triệu đảng viên Trung Quốc bị kỷ luật trong năm 2016 (RFA, 10/01/2017)

tq1

Ông Xiao Tian, cựu phó giám đốc của Tổng cục Thể thao Trung Quốc và cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Trung Quốc, tại Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam hôm 26 Tháng 12 năm 2016 với tội danh hối lộ. AFP photo

Trong thông cáo phổ biến ngày hôm qua, Ủy ban Kiểm tra trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết trong năm vừa qua, gần 1 triệu 200 ngàn đảng viên, cán bộ đã bị truy tố, xét xử hoặc bị khiển trách vì những tội danh khác nhau, từ tham nhũng, hối lộ, cho tới sơ sót khi thi hành nhiệm vụ.

Thông cáo cho thấy trong năm 2016, có khoảng 400.000 viên chức bị xét xử, trong đó có 76 người từng giữ các chức vụ từ cấp bộ trở lên và 57.000 cán bộ tự nhận tội. Trong đó có 17 cán bộ làm việc với Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Thông cáo còn cho thấy trong năm qua, có 2.600 người trốn ra nước ngoài bị dẫn độ về Trung Quốc để xét xử. Tổng số tài sản nhà nước tịch thu của nhóm này lên đến 1 tỷ 200 triệu dollars.

*****************

Trung Quốc can dự vào mọi sinh hoạt chính trị của Hong Kong (RFA, 10/01/2017)

tq2

Ông Kurt Tong, Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong phát biểu tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài hôm 10/1/2017. AFP photo

Hôm nay trong bài nói chuyện đọc tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Nước Ngoài ở Hồng Kong, ông Kurt Tong, Tổng lãnh sự Mỹ tại đặc khu cho rằng sự can dự của Trung Quốc vào sinh hoạt chính trị Hồng Kong khiến cư dân địa phương quan ngại, sợ Bắc Kinh không tôn trọng quyền tự trị của đặc khu.

Trong bài nói chuyện, ông Tong nhắc lại những sự kiện đã xảy ra trong năm 2016 vừa qua, như chuyện công an Trung Quốc bị nghi là sang Hồng Kong bắt giữ 5 người trong ngành xuất bản chủ trương in và phổ biến quyển sách nói về thâm cung bí sử của đảng Cộng sản, hay chuyện quốc hội Trung Quốc quyết định thể thức bầu cử và kết quả bầu cử hội đồng hành pháp và lập pháp của đặc khu.

Cũng trong bài nói chuyện, ông Tổng lãnh sự Mỹ dự đoán sẽ không có thay đổi lớn lao trong mối quan hệ Mỹ-Trung, cho dù Tổng thống đắc cử Donald Trump thường xuyên lên tiếng chỉ trích chính sách kinh tế, quân sự và ngoại giao mà Trung Quốc đang thực hiện.

Published in Châu Á