Cán bộ sang Mỹ học tập ? Điều này hoàn toàn tốt, đặc biệt nếu đi xúc tiến thương mại nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Phụ lục kèm theo tờ trình của trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Thanh Hóa gửi Chủ tịch UBND tỉnh này xin chi 1,7 tỷ đồng để đoàn cán bộ đi Hoa Kỳ.
Nhưng 3 sếp xứ Thanh Hóa đi công tác tại Mỹ (gồm có bà Lê Thị Thìn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa làm trưởng đoàn ; ông Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Sở Ngoại vụ và bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc trung tâm), với nguồn ngân sách dự chi là 1,7 tỷ đồng lại gây xôn xao dư luận bởi những khoản tiền chi cao bất thường.
Cụ thể, tiền giá máy bay từ Hà Nội - Los Angeles hạng phổ thông lên đến 2,360 USD trong khi có thể ở mức 1.000 - 1.500 USD ; vé LAX đi Houston bay thẳng 1 chiều tầm 144 - 198 USD, nhưng kế hoạch duyệt chi lại lên đến 520 USD/người ; từ Houston đến Hawaii cũng chỉ tầm 500 - 600 USD nhưng lại vọt lên đến 1100 USD. Về tiền khách sạn ở 3 địa điểm là Los Angeles, Houston và Hawaii chừng 110 - 150 USD thuộc dạng ở được, thì cán bộ xứ Thanh chơi hẳn phòng 450-840 USD/đêm. Chưa kể, tiền phòng nghỉ sao lại chia thành 3, trong khi có thể tiết kiệm ở mức 1 phòng cho 2 nữ (bà trưởng đoàn và 1 thành viên đoàn) và 1 phòng cho nam (thành viên đoàn) ?
Khá thoải mái trong chi tiêu, không hề có ý định tiết kiệm dù trong đoàn đi có hẳn bà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong khi đó, địa phương này đang trong tình trạng lũ lụt do áp thấp nhiệt đới, với hơn 13.000 căn nhà bị ngập, 800 ngôi nhà bị sập, và 3 cầu treo bị đổ sập, 13 người chết. Tại huyện Mường Lát, lũ lụt và bùn đất đã phá hủy nhà cửa và cuốn trôi hàng ngàn hecta lúa, hoa màu cũng như gia súc, gia cầm của người dân. Nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh 'màn trời chiếu đất' khi thiếu chỗ ở, thức ăn và nước sinh hoạt hằng ngày.
Người dân đang nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau cơn lũ
Trong bối cảnh dân đang cảnh thiếu nguồn để tồn tại, thì cán bộ tỉnh Thanh Hóa nếu có đầy đủ lương tâm của một con người thì phần ngân sách khi lên kế hoạch phải 'kiệm từng đồng', lấy tiền đó để cứu đói cho chính dân trong tỉnh mình, chứ không phải là dựa hơi tiền ngân sách mà chơi theo kiểu 'sang chảnh' nêu trên. Đặc biệt, khi cán bộ lại đi ra từ một tỉnh nghèo trong cả nước, nơi thường xuyên phải nhận trợ cấp gạo của Chính phủ vào mỗi dịp xuân về ; nơi sở hữu 6 huyện trong nhóm nghèo nhất nước.
Thứ hai, đi 'học tập' ở Việt Nam có nhiều biến dạng, một trong những biến dạng quen thuộc nhất là 'học tập kết hợp du lịch', trong đó du lịch là chính. Hầu như trong các chuyến đi tham quan và học tập tại các nước phương Tây, đội ngũ cán bộ Việt Nam sắp về hưu luôn được ưu ái, coi như một 'phần thưởng' cho một thời gian cống hiến lâu dài cho Đảng và Nhà nước.
Trở lại với đoàn của các 'sếp' Thanh Hóa, nếu thuần túy là xúc tiến thương mại thì nên là những người có chuyên môn đi và làm trưởng đoàn, thay vào đó lại là bà Lê Thị Thìn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Chưa kể bà Phó Chủ tịch đã ở ngưỡng 53 tuổi (sinh năm 1965), bà không thuộc diện quy định tuổi cao hơn so với cán bộ, công chức tại Nghị định số 53/2015, vậy bà sẽ về hưu sau 2 năm nữa theo Điều 187 Bộ Luật Lao động, vậy bà xúc tiến du lịch để làm gì ?
Chưa kể, trong danh sách 'xúc tiến thương mại' còn có cả địa danh Hawaii, nhưng tiểu bang này thế mạnh nằm ở du lịch hơn là thương mại hàng hoá, việc các sếp Thanh Hóa lựa chọn địa điểm này trong mùa hè cũng khiến cho dư luận xã hội thấy nghi ngờ về mục đích thật của chuyến đi.
Trong khi đó, bản thân UBND tỉnh Thanh Hóa lại thể hiện tính bất nhất, khi ‘báo giá’ là 1 tỷ 7, nhưng khi báo chí vào cuộc thì rút lại 688 triệu. Đoàn có bà Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng người phát ngôn UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết chưa nhận được tờ trình thẩm định và chưa duyệt chi ?.
Cuối cùng, tại sao cứ phải duyệt chi các tỉnh đi xúc tiến thương mại theo 'đoàn', trong khi ở tại Mỹ có hẳn Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam ?
Tỉnh Thanh Hóa nổi tiếng là tỉnh có nhiều vua, nhưng thời nay đây là tỉnh gặp vấn đề chi tiêu ngân sách quá tay theo kiểu con nhà giàu. Mới đây, khi trụ sở UBND xã Hải Lộc ở Thanh Hóa cháy do chập điện và thiệt hại khoảng 300 triệu đồng, tuy nhiên trước đó xã này báo cáo huyện thiệt hại lên tới 580 triệu đồng. Truyền thống ‘kê khống’ không chỉ diễn ra ở xã, mà nằm ngay trong bộ máy chỉ đạo của tỉnh, điều này lý giải vì sao cấp dưới (xã huyện) luôn làm loạn tiền ngân sách và đặt hàng tá thứ thuế phí mà bản thân tỉnh không hề nắm được.
Và như một trò đùa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh : Thanh Hóa là một Việt Nam thu nhỏ.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 08/09/2018
Khi 'công quyền' khoái sử dụng luật rừng và 'phản động' ưa tôn trọng Pháp luật
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị một nhóm giang hồ (điều từ phía bắc) vào để 'làm việc'. Nhóm giang hồ này thực hiện một quy trình mang tính khép kín : dụ dỗ, khuyên răn, đe dọa.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị nhóm giang hồ tìm đến nhà người thân của anh để khủng bố tinh thần, mới nhất là chặt đầu con chó và treo lên cổng.
Khi lãnh đạo khoái sử dụng luật rừng
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh là một người nổi tiếng ở miền Tây, vì anh từng đồng hành với cánh tài xế trong đòi hỏi quyền lợi liên quan đến BOT Cai Lậy. Mới đây nhất, anh đã bị một nhóm 'giang hồ phía Bắc' đe dọa tính mạng. Khi nhà báo Hữu Danh 'bất hợp tác' qua điện thoại và tin nhắn, nhóm giang hồ đã tìm đến nhà người thân anh để khủng bố tinh thần, mới nhất là chặt đầu con chó và treo lên cổng.
Blogger, nhà báo Huỳnh Công Thuận bị côn đồ hành hung vào chiều ngày 4/9. Ảnh: Facebook
Vì sao nhóm giang hồ này 'quyết liệt, táo bạo, công khai' đến thế !
Không vi phạm pháp luật, không 'vay nặng lãi' từ giang hồ, điều mà nhà báo Hữu Danh làm khiến giang hồ được điều đến đơn giản hơn rất nhiều : anh là nhà báo, và anh có những bài viết phanh phui sai phạm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Và không biết vị 'lãnh đạo' tỉnh này khủng hoảng ra sao, lại đâm nhờ 'giang hồ' xử lý nhà báo.
Cách xử lý qua giang hồ đối với nhà báo phanh phui sai phạm của lãnh đạo không hiếm, trước đó, một nhà báo thuộc báo Pháp Luật là Đỗ Cao Cường cũng từng bị dọa giết vì tin bài. Trước đó, một nhà báo nữ là Hải Đường (Đặng Tuyền), cũng báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã được tìm thấy trên sông Hồng, thuộc xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội trong tình trạng tử vong.
Đe dọa, khủng bố và bị giết hại là những trại thái mà hầu hết những nhà báo, phóng viên phanh phui các sự thật, sai phạm thuộc các thế lực lớn phải gánh chịu. Nếu ở một khía cạnh nào đó, thì đây là tia sáng của báo chí cách mạng. Nhưng việc sử dụng giang hồ một cách công khai để xử nhà báo, nhất là trong thời đại Facebook như thế này là chuyện hiếm có.
Không có chuyện 'giang hồ' miền Bắc rảnh rỗi tìm vào miền Nam đe dọa nhà báo, để bảo vệ cho ông lãnh đạo miền Trung. Và với cách đe dọa này, nó dường như xác lập về những sai phạm mà vị 'lãnh đạo tỉnh Quảng Trị' gây ra, và như nhà báo Hữu Danh từng phản ánh.
Trong trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khi báo này đặt vấn đề liệu có ai mượn danh lãnh đạo Quảng Trị để khủng bố, dọa dẫm nhà báo Hữu Danh. Đáng lý ra, ông Chủ tịch phải rà soát và kiểm tra, vì không tự nhiên mà xã hội đen lại đòi tháo bài, thì ông lại bày tỏ niềm tin tuyệt đối rằng : lãnh đạo Quảng Trị không ai làm việc đó.
Đặt giả thiết rằng, nếu đúng như niềm tin của ông Nguyễn Đức Chính, thì cần phải điều tra và xử lý hình sự với nhóm giang hồ, vì đã đưa những thông tin bôi nhọ, vu khống nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cá nhân tổ chức. Ngược lại, nếu một người trong chính quyền tỉnh Quảng Trị sử dụng giang hồ nhằm đe dọa nhà báo, thì nó không còn dừng ở hành vi trái pháp luật, mà là thể hiện một ý thức lạm quyền lực đến mức vô pháp. Và một người khoái sử dụng 'luật rừng', liệu có xứng đáng ngồi tiếp trong cơ quan, ban hành/ ký/ phê duyệt các văn bản, giấy tờ pháp luật hay không, nhất là trong thời kỳ 'đốt lò' nhằm làm trong sạch bộ máy đảng và nhà nước như hiện nay ?
Và 'phản động' ưa tuân thủ Pháp luật
Nếu có đối tượng hay nhóm người nào được vinh danh là tuân thủ tốt Hiến pháp và Pháp luật, thì đó chắc hẳn là nhóm người 'phản động' ở Việt Nam.
Họ sống theo Pháp luật, đòi hỏi quyền con người theo pháp luật, và dựa vào pháp luật để bảo vệ mình. Họ yêu pháp luật, và coi đó là một thực thể để tạo ra tính bình đẳng giữa họ với những nhóm người khác trong xã hội, xóa bỏ chế độ một luật nhưng nhiều cách thụ hưởng (bất bình đẳng).
Và hầu như, trong các sự vụ liên quan đến nhóm phản động, thì bức tranh tôn trọng luật pháp lại nằm hẳn phía phản động. Trong khi đó, các cơ quan tư pháp, hành pháp thường sai phạm luật nhiều nhất, kế đến là giới lập pháp.
Một ví dụ điển hình là giấy mời làm việc được cơ quan công an (hành pháp) gửi đến nhóm phản động với nội dung làm việc chỉ vỏn vẹn 2 chữ : làm việc. Nội dung 'làm việc' có phần trịch trượng này trái với các quy định trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam. Và người chỉ ra cái sai đó dựa trên cơ sở luật pháp lại chính là 'phản động'.
Mới đây nhất, blogger Huỳnh Công Thuận, người bị hành hung vào chiều ngày 4/9 đã có một chia sẻ xoay quanh việc, ông đưa sự việc vi phạm pháp luật ra trước Pháp luật. Việc đưa sự việc theo thủ tục và tiến trình pháp luật bị không ít người coi là 'dở hơi', tuy nhiên, blogger này nhấn mạnh sự kiên trì theo đuổi nguyên tắc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Thực trạng kiên trì theo đuổi nguyên tắc pháp luật, dựa vào pháp luật và đấu tranh bằng pháp luật là chỉ số cơ bản nhất dễ nhìn thấy ở những người đấu tranh nhân quyền. Và điều này khiến họ có cái nhìn văn minh, ôn hòa hơn nhóm lãnh đạo hoặc nhân viên công vụ ưa sử dụng luật rừng, hoặc tìm cách lách luật nhằm vun lợi cho chính mình.
Bởi người phản động chứng minh điều họ đang theo đuổi : giá trị pháp quyền. Còn những công vụ hay lãnh đạo chính quyền lại tìm cách xác lập điều ngược lại (rừng rú) : vô pháp.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 07/09/2018
Ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang liên tục có những phát ngôn hợp lòng dân, từ đề xuất trình Luật biểu tình cho đến nhấn mạnh sự tôn trọng tự do tư tưởng, phản biện của nhà khoa học.
Chủ tịch Trần Đại Quang phát biểu tại lễ ra mắt Sách vàng sáng tạo
Dù ghi nhận sự tiến bộ về mặt tư tưởng của ông Chủ tịch, ít nhất là khá hơn so với thời kỳ ông làm Bộ trưởng Bộ Công an, tuy nhiên, vẫn có nhiều điều cần phải đặt vấn đề lại, đó là liệu ông Chủ tịch nước có thật lòng, và rằng – động lực phát ngôn đó là gì.
Xu hướng của các đời Chủ tịch nước thường phát ngôn mang tính trung dung như chính vị trí này đảm nhiệm. Do đó, khó có thể đánh giá chính xác sức nặng của phát ngôn đó ra sao, trừ trường hợp liên quan đến vấn đề đối ngoại, mà cụ thể là quyền ‘tuyên bố tình trạng chiến tranh’ như Hiến pháp ghi nhận.
Nếu một phát ngôn liên quan đến quyền làm người (nhân quyền) thì phát ngôn này được xem như một nhiệm vụ ‘đối nội’ mà bản thân Chủ tịch nước có ít nhiều liên đới, nhưng vì mang tính ‘ngoại giao’, và trong thực tế thì nhân quyền (về các quyền chính trị - dân sự) ở Việt Nam chỉ đặc tính hình thức, nên phát ngôn cũng thường được đánh giá như là một yếu tố qua đường. Sự nhấn mạnh hay không nhấn mạnh tính nhân quyền, thậm chí cụm từ như ‘tự do tư tưởng’ cũng có thể được xem như một phương pháp xoa dịu mà vị trí Chủ tịch nước có thể mang lại, bởi bản thân chức vụ mang tính ngoại giao, nên các phát ngôn này không đại diện quá nhiều cho sự chuyển đổi, nhưng đồng thời vì là Chủ tịch nước - nên phát ngôn lại có tác dụng khơi mào cho việc trấn an tinh thần giới trí thức, nhất là trong giai đoạn mà bối cảnh quốc gia có quá nhiều sự kiện gây xáo động lòng người như hiện nay.
Điều này có phần hợp lý khi vừa qua, giới trí thức liên tục đưa ra những phản biện và kiến nghị liên quan đến các dự luật như An ninh mạng hay đặc khu. Những dự luật được xem là bước lùi lớn trong quá trình hội nhập và đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam. Dù các ý kiến dù thu hút đông đảo, và có phần tạo nên một tiếng nói chung thống nhất, nhưng nó vẫn chưa có một sức nặng đủ để tác động đến sâu (rộng) đến ý thức của nhóm làm chính trị trong đảng và nhà nước. Ở khía cạnh khác, những ý kiến của giới trí thức lại có tính lan tỏa, và nhằm ngăn chặn sự lan tỏa đó, bản thân Chủ tịch nước sẽ đảm nhận nhiệm vụ ‘xoa dịu’ tình hình và chuyển sang một hướng quan tâm mới mới.
Nếu như Chủ tịch nước không có tính ‘xoa dịu’ nêu trên trong thời điểm vừa qua, thì những phát ngôn liên quan nhân quyền và tự do tư tưởng của Chủ tịch nước cũng nên đặt ra trong tiến trình củng cố lại vị thế chính trị và tiếng nói chính trị, nhất là khả năng về hưu của chính ông Trần Đại Quang (điều mà ông chưa bao giờ nghĩ đến khi tuyên thệ chức danh Chủ tịch nước vào năm 2016). Dường như, khi cuộc chiến đốt lò và cải tổ lại bộ máy Bộ Công an đang diễn ra, thì cùng lúc đó tính đại diện và sự lâu bền trong vị trí chính trị của ông Trần Đại Quang bị tác động mạnh mẽ, nếu đề cập thẳng thì trong cuộc chiến đấu đá chính trị vừa qua, ông Trần Đại Quang gần như lép vế vì những di sản ông để lại trước khi rời bỏ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an bị xem là ‘tiêu cực, tham nhũng, quan liêu’. Những vấn đề của Bộ Công an thu hút sự quan tâm của dư luận và chịu sức ép từ chính dư luận, do đó - khi lên án những sai phạm hay tiêu cực trong Bộ Công an nhiều bao nhiêu thì những chỉ trích đó lại nhằm vào ông Trần Đại Quang bấy nhiêu.
Trước tình cảnh như vậy, và trong cơn bệnh ngặt nghèo, ông Trần Đại Quang cũng có thể vận dụng lại chiêu thức cũ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (người từng khiến dư luận nổi sóng với phát ngôn liên quan đến thúc đẩy Luật biểu tình và mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông – nhưng chính trong thời kỳ này, Luật cũng mắc kẹt ở Chính phủ và Biển Đông liên tục nổi sóng), đó là phát ngôn những gì người dân cần và muốn nghe, mà ở đây là quyền biểu tình và tự do tư tưởng. Những phát ngôn này nhằm thu hút nhân tâm, để hỗ trợ cho vai trò chính trị hơn là một thực tế mong muốn nó diễn ra (ông Đinh La Thăng với một fanpage kêu gọi trả tự do cho ông cũng là một minh chứng cho chiêu thức kéo nhân tâm này). Nếu đặt trong câu nói của ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương trong một bài viết phê phán sự lợi dụng chủ nghĩa dân túy đã nhấn mạnh rằng : Sự mong muốn thực hành dân chủ trong một bộ phận nhân dân, khi điều kiện thông tin chưa thật sự đầy đủ để có thể phân biệt rõ giữa dân chủ và dân túy, có thể dẫn đến sự nhầm lẫn giữa dân chủ và dân túy. Mặt khác, khi những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng tình hình phức tạp để mưu đồ cá nhân, phe nhóm, dẫn đến nguy cơ một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động dân túy.
Có thể thấy, thái độ, cảm xúc, và thậm chỉ là những chỉ dấu hoan nghênh quan điểm của ông Trần Đại Quang trong một nhóm dư luận trên mạng xã hội Facebook phần nào đã cho thấy điều đó, gần như bản thân nhóm dư luận này ‘hào hứng đón nhận các phát ngôn’ đầy dân túy của ông Chủ tịch nước.
Điều này đồng nghĩa điều gì ? Nó sẽ cho thấy những phát ngôn nhân quyền hay kể cả tư tưởng theo hướng ‘trăm hoa đua nở’ cần phải thực sự đánh giá một cách cẩn trọng, bởi nếu không cẩn trọng, thì dễ rơi vào ý đồ của những cá nhân chính trị nhằm mục đích tập hợp sự ủng hộ dư luận để ràng buộc thêm vị trí của mình trong chính trường.
Một ông Chủ tịch nước, từng làm Bộ trưởng Bộ Công an, nay phát ngôn dường như mang tính nổi bật, dù hoan nghênh, nhưng cần nghi ngờ và thăm dò từng bước. Bởi nhà nước Việt Nam không dễ để ‘mở đường’ về phát ngôn cởi mở nếu như không có lợi ích cho chính nó.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 06/09/2018
Câu hỏi đến 4 lãnh đạo cấp cao : khi nào chúng ta có thể sống tốt ?
Đô Thành, một xã thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An rất đặc biệt, vùng đất này có trên 300 tỷ phú, 2.000 ngôi nhà từ 2-4 tầng, 200 xe ô tô các loại. Xã Đô Thành là hình ảnh thu nhỏ của Nghệ An, một vùng đất nhiều ôto và nhà cao tầng – biểu hiện cho cuộc sống sung túc. Và cũng như Nghệ An, tại Hà Tĩnh hay các vùng đất khác của đất nước, xuất khẩu lao động đã trở thành phương pháp đổi đời, về mặt vĩ mô – bản thân xuất khẩu lao động trở thành một phương thức thu hút ngoại tệ về trong nước.
Đô Thành, một xã thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An rất đặc biệt, vùng đất này có trên 300 tỷ phú, 2.000 ngôi nhà từ 2-4 tầng, 200 xe ô tô các loại.
Nhưng...
Một người phụ nữ giúp việc 46 tuổi (ở tỉnh Hòa Bình) bị ‘thằng Lùn’ ở Saudi Arabia đánh đập dã man.
Một ‘du học sinh’, người huyện Yên Thành (Nghệ An) là Bùi Thị Diện (1992) đột quỵ tại Nhật Bản.
Những ngôi nhà ở ghép chật chội, những công việc hiểm nguy, những đồng lương chắt chiu với việc ăn uống tạm bợ là điều mà hầu hết người Việt theo diện 'xuất khẩu lao động' phải 'thụ hưởng'.
Đồng tiền từ xuất khẩu lao động hay ‘du học sinh’ mang về từ Saudi Arabia, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan,… vẫn tiếp tục chảy về Việt Nam.
Quan chức Việt Nam hoan hỉ trước nguồn thu lớn này, và đặt mục tiêu xuất khẩu lao động năm sau hơn năm trước. Trong khi đó, tình trạng bị bạc đãi của người lao động nơi xứ người, và những cái chết vì ‘đột quỵ’ ở những người ‘du học sinh trẻ’ tiếp tục diễn ra.
Xuất khẩu lao động là phương pháp ‘thoát nghèo’ tạm thời, người Việt có thể hy sinh một hoặc hai thế hệ lao động nơi xứ người để đời con cháu họ tốt hơn, nhưng ai trong đội ngũ quan chức Việt Nam nghĩ được đến đó ?
Những 'du học sinh' kiêm lao động người Việt tại Đài Loan.
Người viết luôn kỳ vọng một ngày ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ngồi lắng nghe người xuất khẩu lao động đang nghĩ gì ; bà Chủ tịch Quốc hội có thể lắng nghe những tâm sự đầy cay đắng mà dân lao động nước ngoài phải gánh chịu ; ông Thủ tướng nghe những ưu tư từ những gia đình có con là lao động bị ‘đột quỵ’ hoặc chết vì tai nạn nghề nghiệp ; ông Chủ tịch nước có thể ngồi nghe chia sẻ về những bất công mà người lao động Việt Nam gánh nơi xứ người.
Nhưng không, chưa từng có vị nào trong nhóm tứ trụ chịu khó ‘tiếp xúc’ với người lao động tha hương, họ chỉ ‘chia sẻ’ với những đồng ngoại tệ chuyển về, phấn khởi với những ngôi nhà cao tầng và ôto mọc lên như một 'thành tựu đổi mới kinh tế' do sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước.
Chưa một ai trong tứ trụ từng phát biểu quan điểm rằng, xuất khẩu lao động là chuyện chẳng đừng, và lãnh đạo hứa sẽ chấm dứt câu chuyện người Việt Nam làm 'culi xứ người' trong tương lai bằng tạo việc làm trong nước, nâng cao thu nhập người lao động, sử dụng những đồng ngoại tệ quý giá để giảm khoảng cách giàu nghèo và biến Việt Nam trở thành một nước tiên tiến.
Không ai cả và chắc hẳn chẳng hề có một ưu tư, một giọt nước mắt nào từ các vị lãnh đạo 'bề trên' khi báo chí nhắc về tình trạng bạc đãi lao động Việt ở nước ngoài, kể cả những cái chết vì lao động quá sức. Có lẽ, vì thời gian của 'lãnh đạo bề trên' dành cho sự hô hào và tuyên truyền, thời gian dành đấu tranh với các ‘thế lực phản động’ và tìm lý do để biện minh cho cái nghèo của quốc gia.
Một phút cho người lao động tha hương cũng chưa bao giờ có.
Vì vậy, khi ông Tổng bí thư đề cập về một ‘đất nước phát triển, dân tộc trường tồn’ của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hay khi ông Thủ tướng đề cập về một Singapore tại Việt Nam, chỉ thấy đó là một sự hênh hoang, và vô cảm. Bởi ngay đồng ngoại tệ mà dân xuất khẩu lao động mang về, các ông chưa từng một lần cảm ơn trên báo chí, chưa một lần cay đắng đón nhận nó, và chưa một lần quý trọng nó. Khi một sự chia sẻ, một giọt nước mắt còn không dành cho người lao động tha hương, thì đừng bao giờ đề cập đến một Việt Nam cường thịnh.
Dường như, hầu hết quan chức Việt Nam (bao gồm cả hơn hai trăm mấy con người ngồi ghế Đại biểu quốc hội, mười mấy vị Ủy viên Bộ chính trị, và bốn vị lãnh đạo cấp cao) khi nhìn sang Hàn Quốc, chỉ thấy sự hùng cường,... Họ tin rằng, đó là do 'phép màu' từ trên trời rơi xuống, một số khác lại nhận định đó là vai trò của Chaebol. Nhưng sẽ hiếm ai nghĩ rằng, Hàn Quốc ngày hôm nay, có một phần góp công cực kỳ lớn lao và đầy nước mắt của những đoàn người xuất khẩu lao động.
Từ năm 1959 đến năm 1977, 7.936 thợ mỏ và 10.723 y tá đã được Chính phủ Hàn Quốc xuất khẩu sang Tây Đức. Những người này đã đưa một nguồn ngoại tệ quý giá về Hàn Quốc, và phép màu Hàn Quốc được ghi nhận từ bước đệm ‘sự hy sinh’ của nhóm người lao động này. Không chỉ Tây Đức, mà còn có cả nguồn lao động sang Kuwait.
Những nữ y tá không dừng ở việc thông thường như y tá sở tại, họ phải lao động cật lực tại các bệnh viện vùng nông thôn, với việc dọn dẹp phòng, vệ sinh nhà vệ sinh, phân phối thuốc (tức kiêm cả việc điều dưỡng)... Trong khi thợ mỏ, đã phải làm việc 10 giờ đồng hồ/ngày, trong lòng đất 1.000 m (nhiệt độ luôn ngưỡng 30 độ C), đeo trên mình 50kg thiết bị, và khi nhóm đầu tiên khi rời Tây Đức năm 1963 hầu hết họ bị gãy xương.
Nếu so mức độ cực nhọc và độ chăm chỉ của người lao động Hàn Quốc lúc đó, thì người lao động Việt Nam bây giờ có kém gì ? Nhưng may mắn cho người lao động Hàn Quốc, họ có một Park Chung Hee, còn người lao động Việt Nam 'may mắn' có sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước.
'Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Thủ tướng Việt Nam kiến tạo, Chủ tịch nước Việt Nam tự do, Chủ tịch quốc hội Việt Nam thượng tôn pháp luật... khi nào chúng ta có thể sống tốt' ?
Vào ngày 10/12, năm 1964, khoảng 300 thợ mỏ và y tá tụ họp trong hội trường của một công ty khai thác mỏ ở Hamborn (Ruhr) trong buổi gặp mặt với Tổng thống Park Chung Hee, người đang có chuyến thăm nhà nước tới Tây Đức.
‘Tổng thống nước người ta’ bước lên bục giảng và bắt đầu bài phát biểu của mình. Nhưng ông ta không phát biểu với sự hoan hỉ, vui mừng, trái ngược lại – Park Chung Hee cay đắng thừa nhận nỗi cay đắng về sự 'ly hương' này. Ông phát biểu :
‘Nhìn vào những khuôn mặt rám cháy của các bạn, tôi rất đau đớn. Tất cả mọi người đang mạo hiểm tính mạng đi xuống hàng nghìn mét dưới lòng đất. Các bạn phải cố gắng làm công việc vất vả này vì Hàn Quốc đang rất nghèo khó’.
Ông ta nhận thức được cái giá của việc xuất khẩu lao động Hàn Quốc, và ông đã cam kết sẽ chấm dứt nạn xuất khẩu này trong tương lai, thời điểm mà Hàn Quốc trở thành cường quốc.
‘Mặc dù chúng ta đang trải qua giai đoạn khó khăn này, chúng ta không thể để nghĩa vụ vượt qua đói nghèo này cho thế hệ con cháu chúng ta. Chúng tôi phải làm một phần để chấm dứt nghèo đói ở Hàn Quốc để thế hệ tiếp theo không trải qua những gì chúng tôi đang trải qua’.
Ông Park Chung Hee nói trong bối cảnh ông đến Đức vay tiền trong tư thế người đứng đầu một quốc gia nghèo (hạng 3), và ông phải cam kết bằng danh dự của chính khách để đảm bảo sẽ trả lại nguồn tiền vay đó. Kết quả, ông đã trả lời câu hỏi của hàng trăm người lao động Hàn Quốc tại Tây Đức thời điểm đó, rằng : Tổng thống, khi nào chúng ta có thể sống tốt ?
Nước mắt của những lao động trẻ đã rơi, vì Tổng thống của họ hiểu họ. Ở Việt Nam có hẳn 'tứ trụ', nhưng ai hiểu người lao động ly hương ? Thế nên, vào năm 2017, ông Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương ngành Lao động, thương binh và xã hội vì mục tiêu xuất khẩu lao động tới 135.000 người được hoàn thành. Trong bối cảnh, những cái chết, bạc đãi, tủi nhục… của người lao động ly hương vẫn diễn ra.
Khi xuất khẩu lao động chưa được coi là 'quốc nhục' thì hùng cường còn lâu mới hiện diện !
Câu hỏi : 'Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Thủ tướng Việt Nam kiến tạo, Chủ tịch nước Việt Nam tự do, Chủ tịch quốc hội Việt Nam thượng tôn pháp luật... khi nào chúng ta có thể sống tốt' ?
Đáp : Có lẽ đến hết thế kỷ này không biết đã sống tốt chưa !
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 04/09/2018
Thỉnh thoảng, báo chí trong nước lại phải báo động về tình trạng chảy máu chất xám, tức người Việt Nam về nước theo diện thu hút nhân tài, nhưng chỉ vài ba năm sau buộc phải ‘tháo chạy trong danh dự’, vì đồng lương và cả vì kiến thức chỉ được sếp giao phó… gõ văn bản, pha cafe !
Các diễn giả Việt kiều chia sẻ về những ngày đầu khi mới trở về Việt Nam tìm hiểu cuộc sống và cơ hội lập nghiệp. Ảnh : CT.
Biểu hiện nêu trên chỉ là một trong vô vàng những biểu hiện cho thấy, tại Việt Nam - cơ chế già cỗi đến mức, kiến thức đi sau kinh nghiệm, mà kinh nghiệm lại đến từ thời gian ngồi ghế. Nếu một ông Chủ tịch bám rễ sâu, hoặc do trình độ/năng lực của ông không có nên không thể được cấp trên ‘luân chuyển’ đi xa hơn, thì mặc nhiên ông có kinh nghiệm tại chính vị trí đó. Và khi một ‘nhân tài’ về giúp việc, kiến thức của họ phải phục tùng cái kinh nghiệm đó.
Người Việt Nam ở nước ngoài rất khó sống ở Việt Nam, vì cơ chế, dĩ nhiên ! Nhưng hơn thế, ngay cả người Việt trong nước cũng phải rơi vào những tình thế khốn cùng hơn thế.
Hệ thống quán cơm tấm Kiều Giang đang khiến dư luận xôn xao gần đây, với cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của dàn cán bộ và nhà báo. Kết quả, hệ thống cơm này đã bị ‘đánh’ trên truyền thông (tức chưa có kết luận chính thức nhưng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố các thông tin trong quá trình thanh tra khiến cơ sở cơm tấm Kiều Giang bị ảnh hưởng nặng nề) trước khi bị phạt 2,3 triệu đồng vì những lý do cực kỳ vớ vẩn.
Nghiễm nhiên, nếu không có sự tỉnh táo của một bộ phận nhỏ dư luận, hệ thống cơm tấm Kiều Giang sẽ bị sập tiệm ngay sau đó.
Chiêu trò kiểm tra này được nhà báo Bạch Hoàn vắn tắt vào cụm từ ‘chụp mũ, đấu tố, băm vằm’. Và những hành vi này tiếp tục nhằm vào các thương hiệu Việt.
Vấn đề là, nếu một thương hiệu làm ăn giả dối vẫn sống nghiễm nhiên, trong khi ngược lại có thể bị đánh úp bất cứ khi nào. Vì sao, tại sao như thế ? Điều này có lẽ nằm ở tính chất thực tế của những đoàn thanh kiểm tra tại Việt Nam, mà dân gian hay kháo nhau là :
Thanh cha (1), thanh mẹ, thanh dì
Hễ có phong bì ông cứ thanh you.
Trong bài viết ngày 2/9, nhà báo Mai Quốc Ấn đã đăng tải lại câu chuyện viên gạch với tính năng vượt trội của ông Dũng ‘gàn’ (Bình Dương), và sự ngăn cản của một cán bộ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ nhằm không cho ông ta nói về sự vượt trội của công nghệ. Lý do, ông Dũng ‘gàn’ không có văn hóa dưới bàn, văn hóa mà doanh nghiệp không được tạo môi trường bình đẳng. Cũng chính vì thế mà sau 28 năm, kể từ thời điểm Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân ra đời nhằm thể chế hóa chính thức và đầy đủ hơn chủ trương phát triển kinh tế tư nhân (1990), doanh nghiệp Việt vẫn như đứa trẻ phát triển èo uột (vì cơ chế nhũng nhiễu và bất bình đẳng).
Doanh nghiệp Việt bị bóp chết bởi chính các cơ quan nhà nước ?
Khi các tập đoàn nhà nước, được chính Nhà nước ưu đãi bằng vốn và cơ chế 'cạnh tranh độc quyền', sau một thời gian đã làm nên vô số nợ thì doanh nghiệp tư nhân Việt được đánh giá lại, và coi đây là động lực của nền kinh tế. Cùng lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc lên ngồi ghế Thủ tướng, bắt đầu chuỗi phát ngôn nhằm phổ cập 'Cách mạng 4.0 ; Chính phủ kiến tạo', rất nhiều người đã thực sự có sự kỳ vọng về một sự thay đổi tích cực. Thế nhưng, đến nay, mọi chuyện gần như chưa có quá nhiều biến chuyển ngoài những... lời nói, chỉ đạo chung chung, hay động viên các tỉnh thành. Thậm chí, Chính phủ hiện thời đang tập trung vun vén cho các tập đoàn tư nhân lớn, thay vì một chính sách chung cho cả bộ phận doanh nghiệp tư nhân Việt hay tập trung ứng xử tốt hơn với khối doanh nghiệp tư nhân Việt vừa và nhỏ.
Nhưng mọi chuyện có thể tươi sáng hơn chút, nếu như sự kiện cơm tấm Kiều Giang hay viên gạch của ông Dũng 'gàn' được Chính phủ lưu tâm và 'làm quyết liệt'.
Một là, Chính phủ sẽ có chỉ đạo gì trong làm rõ các sai phạm trong thanh kiểm tra cơm tấm Kiều Giang, khiến doanh nghiệp này mất 30% lượng khánh ? Trách nhiệm bồi hoàn và xin lỗi như thế nào ? Cơ chế đặt ra làm sao để tránh những phiên bản Kiều Giang về sau ?
Hai là, Chính phủ cũng sẽ có những chỉ đạo gì đối với Bộ Khoa học và công nghệ, nơi có một cán bộ ‘sách nhiễu’ doanh nhân Dũng ‘gàn’, trong bối cảnh có một doanh nghiệp nước ngoài tìm cách tiếp cận công nghệ gạch mà ông nghĩ ra ?
Nếu Chính phủ không có chỉ đạo, hoặc chỉ đạo không sát sâu, thì Chính phủ đã tự hủy hoại bản chất điều hành và vai trò của mình trong đời sống chính trị - kinh tế. Bởi có lẽ, trong khi nền kinh tế đang cần vực dậy, rằng doanh nghiệp tư nhân đang được xem là động lực, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đang nhăm nhe thâu tóm các doanh nghiệp Việt vừa mới nổi thì trách nhiệm và nghĩa vụ của Chính phủ Kiến tạo, Chính phủ 4.0 phải là sát cánh cùng với doanh nghiệp đi ra biển lớn, bằng cách tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp trong cạnh tranh về sản phẩm, công nghệ lẫn vốn.
Rõ ràng, việc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, môi trường không nhũng nhiễu doanh nghiệp, hay một môi trường mà doanh nghiệp Việt có thể lớn lên bằng nỗ lực lẫn cơ chế phải là trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ này. Chứ không phải suốt ngày ban phát những mỹ từ đẹp đẽ cho các tỉnh thành, đến mức dư luận ngày càng chán ngấy và bắt đầu nghi ngờ sự ‘hoang tưởng’ bên trong Chính phủ ấy.
Khi doanh nghiệp Việt trong nước bị ‘cưỡng bức’ hay đối xử đầy bất công như thế, thì liệu việc kêu gọi người tài trở về qua hội nghị 100 kiều bào gần đây có nghĩa lý gì ? Bởi trong nước còn ứng xử như thế, thì ngoại kiều còn sẽ bị vùi dập như thế nào nữa ?
Doanh nghiệp 'méo mặt' vì lỡ... khai sai tờ khai hải quan
Cần nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu tiên, mà là chuỗi dài những ứng xử bất công do môi trường thể chế và cán bộ sách nhiễu mang lại. Trước đó, có rất nhiều doanh nghiệp đã phải từ bỏ cuộc chơi trong sinh nghiệp hoặc thậm chí là chấn hưng nước Việt vì cơ chế bó buộc, cơ chế vùi dập người tài,…
Thử gõ ‘doanh nghiệp Việt méo mặt’ trên Google, sẽ không thiếu những ví dụ mà báo chí liệt kê ra, vì nhiều lý do, trong đó bao gồm cả cơ chế sách nhiễu tạo ra.
Việt Nam là mảnh đất tội lỗi, mà cơ chế sách nhiễu là chủ nhân, chính vì thế đây là đất nước không chịu phát triển, như bà Phạm Chi Lan từng chỉ ra.
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cần chứng minh bà Phạm Chi Lan nói sai, và điều đó sẽ tạo nên tính kiến tạo của bộ máy điều hành Nhà nước hiện tại.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 03/09/2018
(1) giọng Bắc của Thanh tra
Về bài báo ông Tư Sang : 'Tại sao anh Tư không chịu khó học sớm hơn' ?
Một bài viết trên báo giấy Tuổi Trẻ nhân ngày Quốc Khánh của Việt Nam (2/9), tác giả ông Trương Tấn Sang (nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), với tiêu đề : Thời gian và cơ hội không chờ chúng ta.
Bài viết của ông Trương Tấn Sang (Tư Sang) - nguyên Chủ tịch nước trên báo giấy Tuổi Trẻ (30/.08). Ảnh : FB Ngọc Vinh
'Tại sao anh Tư không chịu khó học sớm hơn' ?
Bài viết này được Facebooker, nhà báo Ngọc Vinh đánh giá là 'thú vị', xuất phát từ việc dẫn lại kinh nghiệm cầm quyền và phát triển đất nước của Lý Quang Diệu và Park Chung Hee. Một chi tiết đáng chú ý hơn là ông Sang chia sẻ, ông đọc xong cuốn Hồi ký của ông Lý Quang Diệu trong thời gian gần đây ('Gần đây, tôi có đọc bộ Hồi ký Lý Quang Diệu xuất bản năm 2017').
Facebooker này đặt câu hỏi : Tại sao anh Tư không chịu khó học ông Lý ông Park sớm hơn nhỉ - lúc anh Tư còn nắm quyền lực cai trị trong tay ?
Thực ra, câu trả lời đơn giản chỉ là sự chi phối quyền lực lẫn nhau, nhưng thay vì một hệ chi phối bằng giải pháp kiềm tỏa quyền lực bằng hạn chế quyền lực, giám sát quyền lực qua tam quyền phân lập, thì tại Việt Nam - sự chi phối này lại nằm ở sự thật.
Sự thật đó là, không ai trong hệ thống chính trị Việt Nam mà không có phe cánh, càng có phe cánh mạnh, thì cá nhân càng leo lên được cao. Và để chi trả 'phí phe cánh' đó, thì bản thân cá nhân đó phải lạm dụng quyền lực. Tiền và quyền đổi chiều liên tục để thúc đẩy lợi ích chính trị, thế nên kê khai tài sản cá nhân tham gia chính trị, bao nhiêu năm vẫn dậm chân tại chỗ là vì vậy.
Bộ sách do đích thân Lý Quang Diệu chắp bút, ghi chép lại cuộc đời của chính mình cùng với những trăn trở, suy tư về đất nước và thời cuộc
Từ yếu tố chi phối bằng sự thật trên, hay thẳng thắn hơn là 'tất cả đều nhúng chàm', nên ở Việt Nam xuất hiện thêm cái gọi là 'hội chứng Nguyên'. Tức khi ông còn ngồi trong cơ chế quyền lực, ông rất ít khi nói hay đề cập đến những vấn đề nóng và giải pháp liên quan, nhưng khi ông về hưu (nguyên/cựu lãnh đạo), thì 'lời hay, ý đẹp' lại tuôn ra. Thế mới kỳ !
Do vậy, chuyện Facebooker Ngọc Vinh đặt câu hỏi, tại sao ông Tư Sang không chịu khó học sớm, khi còn nắm quyền lực cai trị trong tay cũng là một câu hỏi mà bản thân nó đã mang tính giải đáp nêu trên.
Cơ chế đúng và niềm tin trong dân
Người viết chú ý nhiều hơn một chút, đó là sự thừa nhận của ông Tư Sang về việc đọc hồi ký Lý Quang Diệu, cũng như ông đã đọc cuốn Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc. Đây là điều đáng hoan nghênh, ít nhất là cả hai cuốn này đều cho thấy Việt Nam phải mạnh dạn theo hướng nào để thoát khỏi một đất nước hạng 3 như hiện tại, trong đó bao gồm cả sự kiên quyết chống tham nhũng, và thiết lập kỷ luật - lòng tự trọng trong toàn bộ nhân viên nhà nước, sau đó phổ rộng ra người dân.
Quan trọng nhất của cả 2 sự thay đổi ở Singapore hay Hàn Quốc đó là thiết lập cơ chế đúng đắn, bởi cơ chế đúng thì phát triển đúng.
Và cơ chế đúng cũng tạo điều kiện xác lập lại niềm tin bị mất của người dân đối với chính quyền. Chẳng phải, ông Tư Sang từng thừa nhận 'nỗi sợ' về sự đánh mất niềm tin trong dân vào năm 2014 đó sao ?
'Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào đảng, nhà nước, chế độ ta', ông Trương Tấn Sang cho biết.
Niềm tin trong dân là quan trọng, quan trọng đến mức cuộc chống tham nhũng có thành công hay không, quyền lực có được kiểm soát tốt hay không, thậm chí - để đưa đất nước từ hạng ba lên hạng một như Singapore được hay không, lệ thuộc rất lớn niềm tin dân còn hay không.
Vậy niềm tin sẽ phải được bắt đầu từ thế nào ? Cách đơn giản nhất là phải biết dân mất niềm tin ra sao và người dân đang muốn gì.
Nhưng thời gian vừa qua, mọi thứ đã không đi theo chu trình đó, thay vì tìm cách bồi đắp hay tích lũy niềm tin, những nhà lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước tiếp tục tìm cách 'phá rối, sách nhiễu, giam cầm' niềm tin. Lý do bởi, niềm tin trong dân là do lãnh đạo 'tin' qua báo cáo cấp dưới, chứ chưa thực sự lắng nghe từ nhân dân. Và khi dự Luật đặc khu hay dự Luật an ninh mạng được khởi thảo, sắp được thông qua, thì dân lại đổ xuống đường biểu tình.
Dân xuống đường vào tháng 6, hát vang bài ca 'Trả lại cho dân' tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó hẳn ôngTư Sang chắc hiểu 'lòng dân, niềm tin trong dân muốn gì' là như thế nào. Nhưng người 'lãnh đạo cộng sản hiện đại' lại có vẻ không thiết tha hay ưu tư về điều đó lắm, và tin rằng niềm tin trong dân có thể xốc bằng tuyên truyền qua tờ rơi, đài phát thanh ; bằng sự trấn áp và giám sát chặt chẽ các phát ngôn trên mạng ; bằng cả sự đe dọa cầm tù...
Dân cần quyền con người, dân cần xã hội dân sự, và dân cần một cơ chế với tam quyền phân lập ! Liệu ông Tư Sang và những 'đồng chí' của mình có chịu lắng nghe ?
Chậm còn hơn không
Facebooker Võ Đắc Danh bày tỏ về bài viết của ông Tư Sang : Nếu ta là Tổng bí thư, ta không bao giờ tiếp tay cho mấy lão về hưu chém gió. Nhiều Facebooker khác cũng đồng tình như vậy, nhưng rõ ràng - thà được vậy còn hơn không.
Ít nhất không cựu Chủ tịch nước cũng đã đọc được những cuốn sách chạm đúng vào những vấn đề gây nhức nhối nằm trong bản chất thể chế Việt Nam. Và dù không biết ông có 'tự chuyển biến, tự chuyển hóa' hay không, thì vị trí chính trị của ông cũng đã tạo ra trong bài viết một tác động nào đó đối với nhận thức của không ít người, nhất là những người đang trong diện được 'bảo trợ' chính trị. Thực tế, mặt dù về hưu, nhưng không ít vị Ủy viên Bộ chính trị (nằm trong tứ trụ) có một tác động không nhỏ trong đời sống chính trị Việt Nam, và những 'phe cánh' mà họ gây dựng trước đó cũng sẽ tạo ra cho họ tiếng nói nhất định trong chính trường.
Còn không nữa, thì trong tinh thần 'lạc quan nhất' có thể, thì chí ít người viết cũng nghĩ rằng, đọc sách được cũng đã là một điều tốt, ít nhất nó cũng giúp ông cựu Chủ tịch nước không nằm trong 26% dân số chẳng bao giờ đọc sách. Và khi ông cựu Chủ tịch nước đọc sách hay, chia sẻ trên báo chí có thể giúp không ít vị đương nhiệm như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm mua và đọc để 'khai dân trí', cũng vừa cổ vũ tinh thần đọc sách hay (như hai đầu sách nêu trên), thay vì đắm chìm vào những đầu sách như 'Tiến mạnh, tiến chắc lên xã hội chủ nghĩa' hay 'Đế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy'.
Nhưng đúng là, nếu không chịu thay đổi, nếu vẫn nhận 'niềm tin' qua báo cáo ; nếu vẫn vĩ cuồng với quyền lực thì thời gian và cơ hội sẽ không còn chờ chính những người 'lãnh đạo cộng sản hiện đại' nữa. Bởi lòng dân thực sự không còn yên, nó đã là làn sóng ngầm (dựa trên sự vỡ vụn niềm tin vào nhà nước), đang sẵn sàng 'nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước'.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 02/09/2018
Trong tuần vừa qua, dễ dàng nhận ra một cuộc đấu tố không nhỏ đối với nghiên cứu 'cách tân Tiếng Việt' của Phó Giáo sư Bùi Hiền và 'công nghệ giáo dục' của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
'Đấu tố' người nghiên cứu, cải tiến Quốc ngữ bằng chủ nghĩa dân tộc thái quá vẫn đang diễn ra ?
Bằng những cụm từ miệt thị, sỉ nhục nhân cách, một nhóm đám đông đã sử dụng Facebook để tấn công cả hai cá nhân nêu trên bằng ngôn từ : Hán gian, Việt gian, tên phản quốc,...
Nhiều người quan ngại về lối phát âm được cho là 'nghiên cứu/ cách tân', thậm chí còn nhấn mạnh yếu tố 'giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt' để phản ứng lại với cách ký tự, phát âm mà họ cho là... lạ đời và có phần hao giống cách ký tự, phát âm tiếng Hán.
Bài viết này không dành để diễn giải kiến thức chuyên môn về công trình nghiên cứu của Phó Giáo sư Bùi Hiền hay công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Bài viết này muốn đặt vấn đề về thực tính 'bể dâu' trong sáng tạo và cách tân ngôn ngữ Việt nam, và cho thấy rằng, những phản ứng hiện tại (loại trừ yếu tố phản biện khoa học và ôn hòa ra) thiếu vắng tính văn hóa trong đó, thể hiện một mặt bằng nhận thức tính đa dạng rất thấp, từ những người có học vị luật sư, giáo viên cho đến những người lao động chân tay trong xã hội khi đối diện với sự... thay đổi tính truyền thống trong ngôn ngữ.
Trước hết, tiếng Việt (Quốc ngữ - La tinh) mà chúng ta sử dụng hoàn chỉnh hiện nay là kết quả của một quá trình 'bầm dập' về nhiều mặt, trong đó có cả sự phản kháng, cưỡng chế, ép buộc sử dụng. Nói cách khác, tiếng Việt có một quá trình 'bể dâu' từ khi khởi thảo đến nay.
Sau hơn 1.000 năm sử dụng chữ Hán trong thi cử, tiếng Hán trong giao tiếp ; với sự xuất hiện của những tín đồ truyền giáo phương Tây, đã buộc phải phát minh ra một loại chữ mới dành cho dân Annam, nhằm mục đích : truyền đạo.
Sự ra đời của chữ viết và tiếng nói mới được những người giáo sĩ đánh giá là tiện dụng, nhưng với những sĩ phu - nhà Nho, không ít trong số đó phản kháng vì ngôn ngữ mới gắn liền với nhóm người 'ngoại xâm'. Trong đó có cả những nhà Nho yêu nước như Đồ Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt,...
Vào năm 1885, những Nho sĩ đã gửi thư thỉnh nguyện đến Hội đồng quản hạt Nam kỳ để 'đề nghị bãi bỏ chữ quốc ngữ', và nhấn mạnh, họ chỉ muốn học tiếng Pháp và tiếng Annam (tiếng Nôm), những thứ tiếng mà 'chúng tôi đều biết viết'. Còn trong những khoa thi cuối cùng của thời phong kiến diễn ra tại Hà Nam và Nam Định, thì sự bãi bỏ chữ Hán và sự thay thế của chữ Quốc ngữ bị không ít những sĩ tử bây giờ xem là 'vọng ngoại, vô sỉ, đánh mất dân tộc', thậm chí là 'thổ ngữ mường mán'.
Và Pháp đã làm gì ? Pháp tiến hành một biện pháp gọi là cưỡng bức, theo đó bắt trẻ con đi học chữ quốc ngữ như bắt lính hay như một 'thứ thuế đánh thêm vào dân', lại tiến hành thành lập trường dạy tiếng quốc ngữ ; biết Quốc ngữ trở thành điều kiện cần và đủ để trở thành viên chức xứ thuộc địa ; chữ Nho bị bãi bỏ. Đó là chưa kể tác động của phong trào 'Đông Kinh nghĩa thục' của những chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ XX nhằm mục đích chính là 'Canh Tân quốc gia', góp phần không nhỏ trong phổ biến chữ Quốc ngữ.
Nếu tính từ thời điểm từ điển Việt-Bồ-La được xuất bản tại Rome (1651) đến khi Ðông Kinh nghĩa thục được thành lập (1906) thì Quốc ngữ mất 255 năm để thực sự định hình trên mảnh đất hình chữ S này, với công đầu thuộc về những giáo sĩ dòng Tên và nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền thực dân Pháp.
Bản kinh Lạy Cha được viết năm 1632 được bởi các nhà truyền đạo (viền xanh) và bản được viết lại bởi Alexandre de Rhodes năm 1651 (viền đỏ) cho thấy sự cải tiến liên tục về ký âm lẫn phát âm.
Những lực cản từ lề lối cũ (truyền thống ngôn ngữ cũ), với cách viết và phát âm tiếng Hán (sau là tiếng Nôm) từng bước bị bẻ gãy bởi công cụ hành chính lẫn mục đích chính trị, tôn giáo (nhất là Nghị định 82 - ra đời ngày 06.04.1878 của Chính quyền Nam kỳ thuộc địa). Không hề có sự tự nguyện nào ở đây, mà chu trình phần lớn là sự cưỡng bức. Đúng hơn, theo Giáo sư Nguyễn Phú Phong trong một tranh luận về áp dụng chữ Quốc ngữ cũng đã nhấn mạnh rằng : sáng chế một thứ chữ viết đòi hỏi đến một tư duy khoa học. Nhưng khi đã có chữ viết rồi mà muốn đem ra áp dụng nó thì phải có một quyết định chính trị.
Sự duy trì chữ Hán, Nôm trong một thời gian dài, cho đến khi xuất hiện Quốc ngữ rõ ràng là một sự thể bất ngờ, gây hoang mang và phản kháng không ít người. Bởi ngay cả những người ở trời Âu như Linh mục Joseph Tissanier, người có mặt ở Đàng Ngoài (1658 – 1663), cũng phải thừa nhận, 'tiếng Việt làm tôi phát sợ, vì thấy nó khác với các ngôn ngữ Âu châu quá'. Người nước ngoài còn vậy, huống hồ gì những nhà Nho đắm mình trong ngôn ngữ tượng Hình từ thuở lọt lòng ?
Tiếp đến, hãy xem, Quốc ngữ ban đầu, vào thời kỳ đầu, Quốc ngữ còn tồn tại tổ hợp âm đầu như bl (blời - tức trời), tl (tlâu - trâu), ml (mlời - lời),... thậm chí, dấu ^ được ký khi sử dụng âm hơi tối (âm hẹp, trầm) ; còn dấu râu (') thì sử dụng ghi âm hơi sáng. Đầy những sự rắc rối trong ký âm lẫn phát âm, đến mức, nếu cho những người sống ở hiện tại nghe lại phát âm Quốc ngữ hay đọc ký âm Quốc ngữ thời kỳ đầu, thì mức thâu lượm cao nhất là 20-30% thông tin.
Bài viết buộc phải dẫn giải dài dòng như vậy để cho thấy rằng, dân tộc Việt nam không dễ dàng đón nhận cái mới. Và có một thực tế rằng, tư duy đám đông và tinh thần dân tộc thái quá đã trở thành một mũi giáo kích, đấu tố với bất kỳ cá nhân tổ chức nào có xu hướng cải tiến ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh rằng, sáng chế hay cải tiến tiếng Việt gặp sự phản đối là bình thường, nhưng nếu đó là một 'công trình khoa học' đáp ứng đầy đủ các tiêu chí liên quan thì thay vì bêu rếu, nhục mạ, xỉ vả,... theo tư duy 'đám đông', dựa trên tinh thần 'dân tộc thái quá', thìcó một điều làm tốt hơn là phản biện trên cơ sở khoa học và luận cứ. Vì sự cải tiến sẽ bị đào thải nếu nó không hợp quy luật, nhưng một ngôn ngữ sẽ bị thui chột nếu dựa trên sự bảo vệ cổ hủ và thiếu tính nhân văn. Và trong khi Facebook là một công cụ, nó rất dễ dàng truyền tải các giá trị phản biện, nhưng nếu dùng nó tấn công sự cải tiến hay thực nghiệm Quốc ngữ, thì vô hình chung, nó biểu hiện cho một nền dân trí thấp, một đám đông đầy bảo thủ.
Sẽ thật buồn cười, nếu đăng tải Bản kinh Lạy Cha được viết năm 1632 hoặc bản được viết lại bởi Alexandre de Rhodes năm 1651 mà không chú thích, thì sẽ lập tức gặp một đám đông tấn công bằng mũi giáo 'Hán gian ; Việt gian ; đánh mất truyền thống dân tộc ;...'. Nhưng đó lại là sự thật !
Rõ ràng, chúng ta có lẽ cần học cách tôn trọng giá trị cởi mở, và sự sáng tạo, đừng nhân danh cái gọi là 'tự do ngôn luận' để mạt sát và xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân hay tổ chức, dựa trên nền tảng thiếu hiểu biết của mình.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 31/08/2018
Tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố : Chính phủ sẽ không để xảy ra cú sốc với nền kinh tế.
Một con đường tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu cầu thương mại của Việt Nam. Ảnh : Bloomberg
Cú sốc kinh tế được hiểu là sự khủng hoảng về nhiều mặt : nợ công, vỡ nợ. Tuy nhiên, sự lo lắng đang được đẩy mạnh về nhịp độ khi mà tin tức về nợ công tăng cao và việc Chính phủ chú ý tìm cách huy động 60 tỷ USD trong dân trong thời gian gần đây.
Thủ tướng có thể có những phát biểu mang tính trấn an nhà đầu tư (nội lẫn ngoại). Nhưng giới đầu tư thực tế lại dựa vào hành động hơn là lời nói. Thực tế, nếu nhìn vào tổng thể chỉ đạo và hành động thực sự của Chính phủ kiến tạo gần đây là không đồng bộ với nhau.
Trong khi Chính phủ liên tục trao danh hiệu cho các tỉnh thành, thì ở đâu đó - động lực cải cách lại không được thực hiện theo, ngay trong lĩnh vực cải cách hành chính theo hướng điện tử cũng gặp nhiều rào cản. Rõ ràng, từ khi giải thể Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cải cách hành chính vẫn trong trạng thái 'chậm chạp', không dừng ở địa phương mà ngay cả trung ương. Cần Thơ - một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, tuy nhiên trong buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng chính phủ vào trung tuần tháng Tám vừa qua đã cho thấy một nghịch lý trong công tác cải cách hành chính khi bãi bỏ 1.223 thủ tục hành chính, nhưng đồng thời lại ban hành 1.113 thủ tục hành chính mới. Xét trên tỷ lệ này thì cải cách hành chính của thành phố này, thì sự huy động của cả bộ máy chính trị cũng chỉ giúp loại bỏ tạm thời 110 thủ tục. Về chương trình cải cách hành chính trong các thành viên thuộc Chính phủ thì có tiến triển hơn nhưng dừng ở khoản 'nợ văn bản hướng dẫn/ văn bản cụ thể', như chỉ tính riêng về cắt giảm điều kiện kinh doanh, dù lên phương án 40% nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, thành ra vẫn diện 'cải cách treo' (1).
Cuộc cách mạng 4.0 vẫn dừng ở dạng lễ tiết hơn là hành động thực sự. Gần nhất đây, Chính phủ đã mời 100 trí thức người Việt trên thế giới về giúp xây dựng CMCN 4.0, tuy nhiên theo đánh giá của những người trong cuộc thì Hội nghị chỉ dừng ở mức... hội hè, tức chưa đưa ra giải pháp, chưa dựa trên nền tảng giải pháp. Kỹ sư Dương Ngọc Thái - người tham gia Hội nghị chia sẻ về một hội nghị hội tụ 4 không (không nhân lực, không dữ liệu, không hạ tầng tính toán lớn và không có chiến lược giải quyết ba cái không vừa rồi). Trong những ngày tham gia hội nghị (vốn được kỳ vọng là kết nối được tham vọng để khởi tạo cuộc cách mạng 4.0), tuy nhiên, 'chỉ là màn PR cho chính phủ.'.
Vấn đề của Chính phủ Việt Nam là nói quá nhiều về 4.0 nhưng chưa có một giải pháp bổ trợ hợp lý, cuộc cách mạng dù nông nghiệp, công nghiệp hay công nghệ cũng cần phải có những cơ chế và giải pháp ban đầu. Vậy thì 4.0 sẽ được hỗ trợ bởi chính sách thực tế như thế nào, có thể triển khai trong giai đoạn bao lâu, nguồn lực hiện có được xây dựng ra sao. Chính vì chưa đề cập đến giai đoạn 'gieo mầm', nhưng đã tìm cách đề cập đến 'gặt ngọn', nên bản thân vị kỹ sư CNTT này khuyến cáo, thay vì nói những thông tin không mới, Chính phủ có thể hướng đến việc hỗ trợ tận lực cho các tập đoàn tư nhân có triển vọng như Vingroup (2).
Người viết đồng tình với quan điểm này của kỹ sư Dương Ngọc Thái. Những tại sao lại là Vingroup - một tập đoàn mà bản thân tác giả từng nhiều lần phê phán về tình trạng 'ăn đất' dựa vào thể chế ! ? Đó là vì, xét một cách toàn diện về hoạt động của các tập đoàn đủ lớn và mạnh hiện nay, thì Vingroup là nơi đã tạo ra tiềm năng cho chính mình trong gánh vác tính tiên phong của nền công nghệ nước nhà. Cụ thể, tập đoàn này đang có những hoạt động thực chuyển đổi nền tảng từ buôn bán đất sang hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ (Bigdata). Mới đây nhất, tập đoàn này đã mời GS Vũ Hà Văn (từng đạt giải thưởng danh giá Polya về toán học ứng dụng) làm người đứng đầu Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (Instiute of Big Data). Nói cách khác, Vingroup đang có xu hướng đầu tư sâu về mặt chất xám để trở thành một Chaebol như tại Hàn Quốc. Và chỉ cần xác lập một vị trí và vai trò thực tế như một Chaebol thì nền công nghệ, hay cuộc cách mạng 4.0 mới có cơ hội được nảy mầm ở Việt Nam. Nếu so với những 'qua đấm thép' thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng (người kỳ vọng xây dựng những tập đoàn nhà nước theo hướng Chaebol), thì xuất phát điểm đầu tư trong nghiên cứu và phát triển (R&D) của tập đoàn tư nhân Vingroup (từ định hướng thành lập viện cho tới mời được GS Vũ Hà Văn về làm) tạo được một giá trị sâu và có nền tảng hơn, loại bỏ thuộc tính 'ăn xổi ở thì', phát triển dựa chủ yếu vào nguồn tiền quốc gia hay cơ chế ưu đãi bất công bằng.
Nếu bản thân Vingroup chuyên tâm đầu tư R&D trong bigdata thì Chính phủ có làm nên tính kiến tạo hay không, chạm được giá trị 4.0 hay không phụ thuộc rất nhiều về hệ hỗ trợ của Chính phủ đến đâu theo nguyên tắc : mở đường cho chính sách hỗ trợ mạnh khu vực tư nhân như việc nhấn mạnh kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Tất nhiên, ở đây là hỗ trợ thực và bản thân Vingroup cũng có cam kết đi lâu dài trong lĩnh vực Bigdata này.
Một vấn đề gây cản trở cho sự 'chuẩn bị' tránh cú sốc kinh tế từ Chính phủ là tình trạng địa phương chi tiêu công quá tay chưa được kiểm soát chặt chẽ !. Thực trạng tượng đài hay trung tâm hành chính tại các địa phương vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng 'kiên trì gia tăng', trong bối cảnh nợ công vẫn nhích lên từng ngày. Vào tháng Năm, 2018 - tỉnh Hà Giang có đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng trung tâm hành chính mới tập trung của tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 692 tỷ đồng, và tất nhiên đề xuất này bị Bộ Tài chính bác bỏ. Trong khi Hà Giang chưa hạ nhiệt thì mới đây, UBND tỉnh Hải Dương lại xin Thủ tướng xây Trung tâm văn hóa Xứ Đông 700 tỷ đồng, trước đó đề xuất này từng bị trung ương bác bỏ ít nhất một lần.
Hiện trạng nêu trên cho thấy, khâu chỉ đạo về 'thắt lưng buộc bụng' trong quản lý và chi tiêu công của Chính phủ có vấn đề, hay đúng hơn là hiệu lực chỉ đạo cấp cơ sở dường như không có, và nhu cầu chi tiêu quá tay ngân sách công ở địa phương chưa bao giờ là đủ. Chính những chi tiêu công này gián tiếp đưa con số nợ công của quốc gia 35 triệu đồng/ người. Nguy cơ nợ công và vỡ nợ có phần đe dọa nền kinh tế đến mức, gần đây, một số bài báo đưa tin trở lại về 'bài học vỡ nợ của Hy Lạp'.
Rõ ràng, Chính phủ Việt Nam thể hiện tính kiến tạo có đảm bảo sự chân thành và nghiêm túc hay không sẽ phụ thuộc vào tính kỷ luật trong 3 vấn đề : thắt chặt đầu tư công, đầu tư cơ chế cho tư nhân và cuối cùng là cải cách hành chính. Nếu ba yếu tố này (theo tác giả), vẫn trong tình trạng nói nhiều hơn làm, hay chỉ đạo một đằng - hỗ trợ đi một nẻo, thì cú sốc kinh tế chắc chắn xảy ra với mức độ lớn hơn gấp nhiều lần dự báo. Bởi xuất phát từ chính việc, Chính phủ chưa chuẩn bị gì cho việc 'đón đầu' cú sốc đó đó, mà chỉ cố duy trì sự ổn định tạm thời trên cơ sở những cái bánh vẽ. Hoặc giả như, chính Chính phủ đang có sự bất lực trong chuẩn bị đón đầu cú sốc, cả về nguồn lực lẫn rào cản thể chế, như chính hiện trạng 'cải cách thủ tục hành chính' đang diễn ra ở Thành phố Cần Thơ vậy.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 29/08/2018
Một bài viết gây chú ý trên báo Vietnamnet với tiêu đề : Nợ công 3,5 triệu tỷ đồng, quên 60 tỷ USD 'ngủ yên' trong két. Trong tin bài này, đặt vấn đề vì sao cần phải chú ý đến 50 tỷ USD đang ngủ trong dân ? Theo đó, trong nhiều năm trở lại đây, ngoài vốn vay nước ngoài, Chính phủ chủ trương vay từ nguồn trong nước, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, ngoài ra còn vay Quỹ bảo hiểm xã hội... đã trở nên hạn chế.
Nợ công ngày càng nhiều - Ảnh VnExpress (26/08/2048)
Cùng lúc đó, trong fanpage Tin Quân sự với lá cờ đỏ sao vàng chia sẻ một trạng thái trong đó trích dẫn : đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc. Hãy cùng nhau dâng hiến vì Đảng, Nhà nước, Chính phủ thân yêu.
Thực tế, số tiền nhàn rỗi trong dân (qua ngoại tệ, vàng) là rất lớn. Một công ty ở phía nam thông qua dự án iFan đã lừa đảo nhà đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng, và công ty này chỉ đóng thuế 1,5 triệu đồng Việt Nam. Số lượng người Việt Nam chơi trong lĩnh vực tiền ảo (bitcoin) với giá trị tiền sở hữu cá nhân từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng không phải là hiếm.
Nhà nước có thể huy động nguồn tiền này, và chính nó sẽ đảm bảo thay thế cả nguồn tiền vay ODA trong thời gian sắp tới (khi tính ưu đãi sẽ chấm hết). Vấn đề là : nhà nước làm sao để vay ?
Nhà nước đã và đang tiến hành đảm bảo vay bằng uy tín trong nhiều năm qua thông qua trái phiếu và vay Quỹ bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa.
Bằng uy tín ? Thực tế, nhà nước đã và đang tiến hành đảm bảo vay bằng yếu tố này trong nhiều năm qua thông qua trái phiếu và vay Quỹ bảo hiểm xã hội. Nhưng cả hai nguồn vay này, hoặc đang ế ẩm (trong 5 tháng đầu năm của năm 2018, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được 900 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng dự kiến, nghĩa là 'ế ẩm'), hoặc luôn trong tình trạng báo động vỡ quỹ (vì sự hoàn lại của Chính phủ chậm chạp, bản thân Chính phủ vừa qua cũng thừa nhận nợ Quỹ bảo hiểm xã hội 22.090 tỷ đồng, và đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Cả hai yếu tố này cho thấy 'uy tín' của Chính phủ trong hoàn lại nguồn vốn vay là khá thấp, sự hiện diện của đợt phát hành Công trái năm 1980 cũng như chiến dịch đổi tiền 1985 tái hiện trong tiềm thức của không ít người, và ý thức thường trực về uy tín của Chính phủ của người dân hiện nay không khác gì đợt khủng hoảng về niềm tin đổi tiền năm 80.
Đó là chưa kể những bài học 'đầy xương máu' từng xảy ra với bà địa chủ Nguyễn Thị Năm (người từng hiến 20.000 đồng bạc Đông Dương) hay nhà tư sản Trịnh Văn Bô (ít nhất 2.000.000 đồng bạc Đông Dương), cho đến những nhà tư sản tại miền Nam sau năm 1975 đã gián tiếp tạo ra một bài học kinh nghiệm : nên hay không nên 'vượt khó cùng Nhà nước xã hội chủ nghĩa'.
Nếu dân không có niềm tin thì Chính phủ cần ra quyết sách gì để có thể huy động được 60 tỷ USD ? Đặc khu cũng có thể là một câu trả lời, bởi việc đưa 3 đặc khu vào hoạt động, thì chỉ tính riêng tiền thu từ đất đã lên đến 9,5 tỷ USD. Do đó, bản thân bà Chủ tịch quốc hội nôn nóng đến mức nhấn mạnh 'phải bàn ra luật đặc khu' không phải là không có lý. Và tiến hành áp dụng 'mỗi tỉnh thành là một đặc khu' như đã từng biến mỗi tỉnh thành là một pháo đài, hay một nhà máy đường về mặt Nghị quyết không phải là khó.
Nếu các phương cách nêu trên (đặc khu và thậm chí thuyết phục người dân mua trái phiếu Chính phủ) vẫn chưa thể giải quyết ngân khố kiệt quệ, thì Nhà nước có thể chú ý đến đề xuất của Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh (giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội) trong một hội luận gần đây trên BBC Việt ngữ. Đó là, Nhà nước nên 'kêu gọi vốn từ các quan chức chính phủ vì những người đó rất giàu, những quan chức này đang sống nhờ vào chế độ nên nếu họ đứng ra đầu tư, đóng góp cho chế độ thì cũng là điều tốt, đồng thời giúp cải thiện hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân'.
Ý kiến này khá hợp lý, và có tính khả thi cao. Bởi đội ngũ quan chức hiện thời phải là tấm gương đi đầu trong việc ủng hộ và tán thành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Bản thân những phát lộ về khối tài sản, cũng như thân nhân của đội ngũ quan chức cũng cho thấy, các quan chức rất 'siêng năng làm ăn', và có tích lũy nguồn tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng (cả về mặt động sản lẫn bất động sản). Nguồn tài sản này lại được hưởng đặc quyền là 'không kiểm kê' vì tính nhạy cảm của nó, nghĩa là bản thân đội ngũ quan chức đã lách một số thuế khá lớn từ nguồn tài sản hiện có này. Do vậy, việc tiến hành huy động nguồn tiền 60 tỷ USD trong dân là có thể thực hiện được khi bản thân đội ngũ quan chức đã làm gương.
Để thực hiện tốt có thể tiến hành quy trình huy động cưỡng chế trong 4 vị 'tứ trụ' : Tổng bí thư ; Chủ tịch nước ; Chủ tịch quốc hội ; Thủ tướng chính phủ. Tiếp đó, huy động các vị ủy viên Bộ Chính trị, tiếp theo là hơn 500 vị Đại biểu quốc hội khóa XIV... Nếu vẫn không đủ 1/2 (của 60 tỷ USD) thì huy động tiếp tục trong đội ngũ lực lượng Vũ trang nhân dân gồm : công an nhân dân và quân đội nhân dân. Tiếp tục huy động từ những người đảm nhiệm hoặc hoạt động trong nhà nước và gia đình họ cho đến những người cảm tình với Đảng và Chính phủ.
Quyền lợi đến đâu thì huy động đến đó ; chức vụ cao đến đâu thì mức độ hy sinh cho Tổ quốc cao đến đó. Tổ quốc hiện nay đã làm quá nhiều cho đội ngũ quan chức, cung ứng cho họ không những nhà biệt phủ, xe siêu sang, mà còn giúp con cái họ được học tập, du lịch, chữa bệnh ở nước ngoài,... Và vì vậy, họ phải là tấm gương sáng nhất cho câu trả lời : ta làm gì cho Tổ quốc hôm nay. Hay sát hơn là trả lời đúng đắn cho câu hỏi 'làm gì cho đất nước' của bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Lý tưởng của chủ nghĩa xã hội và con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa có trở thành hiện thực hay không, nhà nước có vượt qua những khó khăn về nguồn tiền hay không giờ đây sẽ phụ thuộc vào bản thân các đội ngũ quan chức.
Hợp lý đấy chứ sao không ?
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 30/08/2018
Anh Lê Văn Thương, từng là sĩ quan pháo binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam (cấp bậc thượng úy), và anh cũng là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Vài năm trước, anh Thương đã tự nguyện xin rời bỏ quân ngũ quân đội, cũng như bỏ đảng bằng cách từ bỏ sinh hoạt đảng, để dấn thân tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Nhà hoạt động Trịnh Kim Tiến cũng có người cha là nạn nhân của nạn 'chết bất kỳ tử trong đồn công an' vào năm 2011. Ảnh : OnTheNet
Gần đây, anh nhận được giấy mời 'làm việc' của Công an Thành phố Quảng Ngãi. Lo ngại cho sự an toàn của mình, anh Thương viết trên Facebook :
'Nếu ngày mai mình không về, không có tương tác trên hoạt động Facebook, kính nhờ các anh chị em chia sẻ giúp thông điệp này để mọi người được biết. Địa chỉ của mình : thôn An Tân, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi'.
Lo ngại sự an toàn
Từng là một sĩ quan quân đội, được huấn luyện trong môi trường kỷ luật thép, những chính bản thân anh Thương cũng nhận thức sự 'thiếu an oàn' khi làm việc với bên công an, trong bối cảnh, nhiều cái chết bất ngờ đã và đang tiếp tục xảy ra ở nhiều đồn công an trên khắp tỉnh thành Việt Nam.
Công an và giấy mời với vỏn vẹn hai chữ 'làm việc', dĩ nhiên, cách đưa giấy mời này thể hiện thái độ trịch trượng, vừa thể hiện tính chất không tôn trọng luật pháp (mà ở đây là Bộ luật tố tụng hình sự). Nhưng thái độ và cung cách làm việc kiểu 'quan liêu' này vẫn duy trì trong rất nhiều thập niên qua, bởi công an trong thể chế xã hội chủ nghĩa luôn mang trong mình sự kiêu ngạo cộng sản.
Nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị bức tử bởi 5 công an thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) vào năm 2014 đã gây phẫn nộ dư luận đến mức đích thân ông Chủ tịch nước Trường Tấn Sang đã yêu cầu xử lý nghiêm vụ sử dụng nhục hình này. Ảnh : PLO
Nạn nhân khi ra khỏi đồn với đầy vết thương tích trên người vô tình tạo nên hình ảnh công an là hung thần, tương đương với hung thần xa lộ, nơi những cái chết không hề được báo trước. Nhưng tính hung thần này được xem là đặc quyền bất khả xâm phạm, nên bấy lâu nay, nếu ai đụng chạm hay chạm vạch vào những sai phạm về mặt quyền lực của giới công an, không sớm thì muộn sẽ phải 'trả giá bất ngờ'.
Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) với số tù nặng tay trong phiên tòa từ sơ thẩm đến phúc thẩm có một phần từ hoạt động ghi nhận những cái chết bất tử trong đồn công an, sau đó bà đã gửi đến các đại sứ nước ngoài nhằm lên án nó. Những hoạt động này của Mẹ Nấm được xem như là hành vi 'bôi nhọ' giới công an, và lệ thường được hiểu là một 'hành vi tăng nặng' khi phán xét tội.
Chạm tới công an và những lợi ích của họ được xem như một hành vi vượt barrie đỏ, và trạng thái này chỉ được thấy trong một hệ xã hội 'công an trị'.
Chính yếu tố sợ hãi, kiềm kẹp và vùng cấm, đã tạo nên một hệ thống giúp đảm bảo giữ vững an ninh chính trị của nhà nước Việt Nam hiện tại. Chỉ cần gữ được hệ thống công an với sức chiến đấu tối đa cho giới cầm quyền, thì chế độ sẽ còn tiếp tục được trường tồn cùng dân tộc.
Sự kế thừa hoàn hảo ?
Ở một góc nhìn nào đó, Công an Việt Nam thừa kế tốt nhất đặc tính hiếu chiến của người Việt và thói kiêu ngạo của chủ nghĩa cộng sản. Một hình hài rất tốt và đảm bảo một sự quyết liệt cần thiết để tiến hành các hoạt động 'trấn áp và trấn áp'.
Nếu được lựa chọn, thì có lẽ công an Việt Nam xứng đáng là học trò xuất sắc của ngành công an Liên Xô, những người được V.Lenin khai sinh để củng cố quyền lực Bolshevik, điều tra những người 'phản kháng', dập tắt sự chống đối trong chế độ. Những người mà dưới tài năng của 'lãnh tụ Stalin', tập hợp trong cái gọi là 'Cơ quan Nội vụ nhân dân', tiến hành hoạt động khủng bố từ những năm 1930 với khẩu hiệu rất gắt gao : 'kẻ thù xảo quyệt... hãy cảnh giác'.
Nhóm công an, trong đó có đội ngũ mật vụ Liên Xô đã tìm cách lật tung lý lịch cá nhân và gia định những nghi phạm trong mắt họ bao gồm : trẻ em thuộc tầng lớp thượng lưu cũ ; người được giáo dục trước cách mạng vĩ đại (1917) ; người bất đồng chính kiến ; người nước ngoài ; người có người thân nước ngoài ; và tín đồ tôn giáo.
Đỗ Đăng Dư (SN 1998 ở thôn Đông Cựu, xã Đông Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tử vong sau 2 tháng tạm giam vì bị phù nề não, sưng gáy, tím 2 bên vùng thái dương do bị đánh. Ảnh : Facebook
Họ bắt đầu như thế nào ? Đó là bắt đầu với các nghi phạm thông thường, nếu như 'kẻ thù' che giấu ý định của họ, thì công an Liên Xô sẽ bắt đầu bằng thứ mà không ai có thể che giấu : lịch sử cá nhân và gia đình.
Con số 5% hay được dùng trong một cuộc cách mạng chuyển đổi chế độ hiện nay có thể xuất phát từ mục tiêu 5% mà Stalin đặt ra để đánh giá 'đạt được' nếu đó là số lượng người bị giết/bắt giữ là 'kẻ thù'. Và khi Stalin qua đời, các nghi phạm thông thường không còn bị giết hoặc bị cầm tù , nhưng họ vẫn bị giám sát - tình trạng này ở Việt Nam gọi là 'giám sát từ xa' hay như cách gọi của các nhà hoạt động Việt Nam là 'bánh canh'.
Lenin hay Stalin luôn khuyến khích sử dụng khủng bố và bạo lực để giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế. Vào năm 1938, hơn 12 triệu người đã bị bắt, vì bị coi là 'Kẻ thù của nhân dân' hay 'kẻ thù của nhà nước'.
Thực tế, Công an Việt Nam cũng vậy, nhưng tính chất giai cấp giảm đi, trong khi tính bảo vệ đặc quyền thân hữu lại gia tăng lên, tất nhiên - núp bóng dưới cái gọi là 'bảo vệ chế độ, nhà nước'. Và khi tình trạng kinh tế - xã hội càng bất ổn, thì nạn bắt bớ càng gia tăng với mức chóng mặt. Sự xuất hiện của mạng xã hội Facebook (công cụ gián tiếp phát tiếng nói người dân) chỉ làm 'khựng' lại tạm thời các hoạt động bạo lực, chứ không làm dừng hẳn hoạt động bạo lực.
Triệt tiêu trong bạo lực ?
Công an và nhiệm vụ công an dựa trên sự thu thập tin tức, đặc biệt là trong dân. Nhưng khi tình trạng 'cái chết bất đắc dĩ' trong đồn công an liên tiếp xảy ra, do vậy - nó đồng thời tạo nên hai thái cực : vừa phẫn nộ, lại vừa sợ hãi.
Trong một hệ thống thể chế mà người dân không liên hệ được với nhau, sự sợ hãi gia tăng mạnh hơn sự phẫn nộ. Nhưng khi những chủ thể đơn lẻ được kết nối qua mạng xã hội thì điều này lại hoàn toàn khác, sự phẫn nộ gia tăng trước trạng thái bạo lực.
Vấn đề đi xa hơi, tình trạng bạo lực của công an gây ra sự chán ghét và quay lưng của người dân. Một trạng thái bất hợp tác vô hình được xác lập trong họ, và chính từ đây, bản thân phía công an mất dần đi cái gọi là 'nguồn tin trong nhân dân'.
Phía công an có thể tìm cách gia tăng số lượng người để kiểm soát hoạt động trong xã hội, ví dụ 5 dân bị kiểm soát bởi 1 công an. Nhưng chỉ số dân tiếp tục tăng lên, hoạt động bạo lực gia tăng, tính thông tin trong dân giảm, và công an buộc gia tăng số lượng đến mức không kiểm soát số lượng. Cho đến một lúc, lợi quyền của phía công an do ngân sách quốc gia buộc phải chi ra không còn đủ, thì mối quan hệ giữa nội bộ công an và chính quyền sẽ xuất hiện vết nứt (đây là hai thực thể, không phải là một - bản thân ngành Công an là siêu bộ).
Hiện trường nam thanh niên chết trong nhà giam Công an huyện Đại Lộc. Ảnh : VTCnews
Không phải ngẫu nhiên mà công an xã, hay thậm chí là hệ thống công an viên ở cấp xã không phải là một vị trí 'đẹp đẽ' mà nhiều người muốn ngồi vào. Lý do : lương thấp, phúc lợi so với công an chính quy kém, trong khi hình ảnh trong người dân có phần xấu đi. Và khi đồng tiền không đủ nuôi, thì nhiều công an viên cũng buộc phải xin thôi việc để ra ngoài kiếm sống. Nếu nhìn rộng hơn, bộ máy công an không dừng lại ở số lượng giới hạn, buộc phải gia tăng, buộc phải phát triển một nguồn lực lớn để giữ vững an ninh chính trị, nhất là hệ thống an ninh nhằm kiểm soát số lượng người bất đồng chính kiến đang gia tăng nhanh trong xã hội. Và bằng cách này, bản chất bạo lực bạo lực càng gia tăng, khiến phía công an càng đưa mình vào chỗ chết, chết vì đánh mất niềm tin trong dân, chết vì ngân khố quốc gia đang ngày càng cạn kiệt.
Khi dân còn e ngại sự an toàn khi lên làm việc với công an với số lượng ngày càng gia tăng, thì công an có thể sẽ dần chuyển biến sang trạng thái bạo lực mới, mà trong mắt người dân là - 'khủng bố'. Và điều này như đã đề cập trên, nó thực sự không tốt. Ít nhất bạo lực sẽ chôn vùi bạo lực, kiêu ngạo sẽ chôn vùi sự kiêu ngạo.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 28/08/2018