Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa có một bài bình luận đăng trên báo Tuổi Trẻ với tiêu đề : 'Yêu nước, phải giữ hình ảnh cho thành phố'.

quandiem1

Bà cho biết, với 'tư cách một công dân Thành phố Hồ Chí Minh, điều tôi bức xúc nhất trong những cuộc tụ tập vừa qua là làm tắc nghẽn giao thông'.

'Chúng ta thử nghĩ mà xem giao thông Thành phố mình đang căng thẳng như vậy rồi, người dân quá khổ rồi mà còn tụ tập gây cản trở. Khách vô sân bay không được, chú xe ôm, anh taxi cũng không đón khách được, bà con buôn bán cũng ế hàng vì không ai mua... Ảnh hưởng biết bao nhiêu mà nói', bà Phạm Phương Thảo cho biết.

Thực ra quan điểm bà Phương Thảo không phải không có lý, nhưng có bao giờ bà đặt câu hỏi, tại sao ‘cuộc tụ tập’ lại gây tắc nghẽn giao thông hay không ? Đó chính là vì Quốc hội treo luật biểu tình nhiều năm, và vì không có luật hướng dẫn, nên cuộc tụ tập không cố định ở địa điểm, thời gian và không quản lý những phát sinh ngoài ý muốn.

Vấn đề là, 'cuộc tụ tập' lần này hay nhiều lần khác trước đó đều là những cuộc 'tụ tập' nằm trong quyền hiến định. Nghĩa là : người dân được phép làm, và pháp luật bảo hộ điều đó.

Ý nghĩa phát sinh của 'tụ tập đông người' không phải nhằm gây rối, và thực tế đã chứng minh nó không phải như vậy. Nó mang ý nghĩa ‘biểu đạt, lên tiếng’ liên quan đến nguyện vọng thiết thực của cộng đồng.

Dù vậy, vẫn thừa nhận ‘nghẽn giao thông’ vẫn sẽ có, những tiêu cực phát sinh do 'tụ tập' vẫn có, tuy nhiên, như trong một bài viết trước đó mà tác giả đã chỉ ra, những tiêu cực đó chỉ là ngắn hạn (tuyến tính) – có thể tính toán được, trong khi nếu không phát sinh những ‘tụ tập’ để phản đối chính sách/chủ trương có hại thì thiệt hại về kinh tế - chính trị trong tương lai còn cao hơn rất nhiều.

Tiếp đó, bà Phương Thảo cho hay : Tôi nghĩ yêu nước thì bày tỏ theo cách xây dựng, ôn hòa, hiệu quả, chứ không phải làm cho Thành phố đang yên lành trở nên căng thẳng, ảnh hưởng đến giao thông, đến sinh hoạt và các hoạt động bình thường của Thành phố.

Thực ra, cuộc biểu tình vừa qua là cuộc biểu tình ôn hòa, xây dựng và hiệu quả cho đến khi lực lượng trị an của thành phố bắt bớ, đánh đập người biểu tình ở trại dã chiến Tao Đàn ngày 17/06. Cách hành xử này khiến cho bản thân lòng yêu nước bị ứng xử một cách thô kệch, mà nhiều người khác nhận định rằng, đó là 'khủng bố lòng yêu nước'. Do vậy, cách để bày tỏ ‘xây dựng, ôn hòa, hiệu quả hơn’ là đốc thúc Quốc hội sớm ra Luật biểu tình ; và trong khi luật chưa ra đời, thì để bảo đảm quyền hiến định, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có thể hướng dẫn bà con biểu tình đi qua các địa điểm đã định, phân luồng giao thông,… Chứ không phải vì ‘nghẽn giao thông’ mà đổ thừa đó là thiếu tinh thần xây dựng, hay ôn hòa.

Thậm chí nếu nói về tính ôn hòa và xây dựng, thì trước khi người dân bước chân xuống đường, đã có hàng loạt bài viết, kiến nghị yêu cầu dừng thông qua luật đặc khu, luật về an ninh mạng với nhiều lý lẽ khác nhau. Nhưng đáp lại thì sao, chính quyền đã thờ ơ đến mức lãnh đạm, đặc biệt qua câu nói của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân : 'Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật'.

Như vậy, biểu tình là phương thức biểu đạt ý kiến kế tiếp để chính quyền nhận thấy quan điểm trong dân như thế nào, và bản thân nó là hành vi thúc đẩy tính xây dựng, chỉ khi coi nó là phạm pháp, thì khi đó mới có cách nhìn méo mó về nó.

Tiếp đó, việc bà Thảo cho rằng việc tụ tập đông người 'làm cho Tp đang yên lành trở nên căng thẳng'. Quan điểm này đáng lý ra bà phải phê phán lực lượng công an thành phố, lực lượng đã biến cuộc biểu tình thành máu và nước mắt ; phê phán Đại biểu quốc hội và Quốc hội - trong đó có chính bản thân bà đã không thúc đẩy ra Luật Biểu tình.

Ngoài ra, bà Phó bí thư thành ủy nên tự phê phán chính mình, bởi bà không dám đối diện đó là cuộc biểu tình mà coi đấy là 'tụ tập đông người' ; bà vận dụng suy nghĩ thành phố 'yên lành' tức là thành phố không có biểu tình, và từ đó coi biểu tình như một hoạt động xấu cần loại bỏ, nghĩa là bà đi ngược lại tinh thân hiến pháp và những gì mà một nhà nước pháp quyền cần có. Nó không khác gì quan điểm : nghèo mà yên bình còn hơn giàu mà bất an – vốn được cho ru ngủ con người trong sự im lặng, phục tùng và thui chột ý chí.

Trở lại với bà Phương Thảo, mặc dù không có hàm ý xúc phạm, tuy nhiên, có cảm giác bà là một 'sản phẩm của một văn hóa (chính trị) có phần kham khổ', mà trong một cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang đã dẫn lời của Oscar Lewis và chỉ ra rằng, văn hóa kham khổ ‘có rất ít ý thức về lịch sử. Họ là những người bên lề, chỉ biết tới những vật lộn của bản thân, chỉ biết được hoàn cảnh của địa phương họ, thế giới hẹp của họ, cách sống riêng của họ'.

Góc nhìn hạn hẹp của bà Phương Thảo về cuộc biểu tình, từ cụm từ bà miêu tả nó (tụ tập đông người) đến tác động của nó đã phần nào cho thấy điều đó.

Facebooker Phan Hưng có lý khi bày tỏ, muốn mọi chuyện như cách bà Thảo đưa ra thì 'rất đơn giản'. Đó là, 'chính quyền đừng làm bậy, ví dụ như không ra luật đặc khu để cho "quốc gia có chung đường biên giới với tỉnh Quảng Ninh" thuê đất 99 năm, không ra luật an ninh mạng "để bảo vệ chế độ này" thì người dân Việt Nam hiền hòa cam chịu xuống đường làm gì ? !'. Bản thân Facebooker này 'không ngạc nhiên' trước quan điểm của nguyên Phó Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

'Tôi không ngạc nhiên với phát biểu của bà cựu quan chức này vì theo mô tuýp thông thường, chính quyền cộng sản Việt Nam luôn có xu hướng đổ lỗi cho dân, trong mọi trường hợp !'.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 25/06/2018

Published in Diễn đàn

Thanh tra Chính phủ tiết lộ mới đây trong kết luận về việc quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ giai đoạn 2012-2016. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn ; năm 2015, cựu Bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn. Tổng thời gian ở nước ngoài của ông này lên tới 163 ngày, chiếm nửa thời gian làm việc trong năm.

golf1

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "đi nước ngoài như đi chợ"

Cùng với ông Vũ Huy Hoàng, Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai – Phan Thị Mỹ Thanh cũng có khoảng thời gian đi nước ngoài rất nhiều. Cụ thể, năm 2014, bà Mỹ Thanh đi nước ngoài tới 10 lần, gồm cả việc công, việc tư và thư mời của đối tác. Còn năm 2012, bà Thanh làm trưởng 8 đoàn đi công tác nước ngoài.

Và tất nhiên cả hai người này đều nằm trong danh sách đen của Thanh tra Chính phủ cũng như Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Kết quả này mới xét trên bình diện những vị đã và đang bị 'điều tra' vì những sai phạm gây ra, chưa đề cập đến những cá nhân lãnh đạo hay tổ chức, tỉnh thành khác. Nếu khơi mào ra thêm, thì con số 163 ngày của ông cựu Bộ trưởng bộ Công thương có lẽ sẽ bị phá kỷ lục.

Thực ra, câu chuyện đi ra nước ngoài là việc phải làm nếu thực sự cần thiết cho quốc gia - dân tộc, và nó đã có từ xưa.

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành từng nói với người bạn : 'Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta.'

Năm 1863, Phan Thanh Giản và đoàn tùy tùng cũng sang Pháp để tìm cách chuộc lại '3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ' (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường).

Đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu cũng tìm đường sang nước Nhật trước là để cầu viện, sau là để mong muốn thực hiện 'Duy Tân trong nước'.

Nếu các vị quan chức Việt nam thời hiện đại học tập cái hay, cái đẹp nước ngoài để canh tân quốc gia thì tốt biết mấy. Nhưng thực tế, mục đích 'học tập' thì ít, 'mua nhà, tích lũy tài sản, du lịch' lại nhiều. Ví như, vào năm 2015, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau đã tổ chức đoàn đi tham quan và 'trao đổi kinh nghiệm hợp tác về kinh doanh' ở các nước... không hề có hoạt động xổ số. Hay các vị ở Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức đoàn đi nước ngoài 'nhằm mục đích học tập, trao đổi kinh nghiệm' nhưng bị Thanh tra Chính phủ phát hiện là 'không đúng quy định, không bình thường' bao gồm : không có kế hoạch được duyệt, không đúng thành phần được đi.

Còn đối với đoàn của Bộ Công thương thời ông Vũ Huy Hoàng thì tề tựu nhau chụp ảnh trước một sân golf.

golf2

Ông Vũ Huy Hoàng "tranh thủ" ra sân chơi golf nhân một chuyến đi công tác nước ngoài

Kinh điển hơn, là vụ cử cán bộ, lãnh đạo sắp nghỉ hưu đi 'nước ngoài học tập kinh nghiệm về xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập... do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hà Lan và Nga' của UBND tỉnh Tiền Giang.

Người dân ai cũng hiểu đó là do 'tiền chùa' nên cán bộ, lãnh đạo tha hồ phung phí, mặc sức đi đây đó để mua sắm. Và khi những chuyến đi xuất ngoại càng nhiều, thì 'học tập kinh nghiệm càng ít', bởi bản thân ngay cả khi học tập về, thì với tư duy nhiệm kỳ, hay cơ chế hiện tại cũng khó lòng mà áp dụng được.

Học tập kinh nghiệm suy cho cùng là cách thức biển thủ công quỹ, là một hình thức tham nhũng ; thậm chí ở những lãnh đạo hiện tại, cơ số người thông qua 'học tập kinh nghiệm' để sắm sửa nhà cửa và đưa vợ con đi định cư. Trịnh Xuân Thanh và vợ con có nhà ở Công Hòa Liên bang Đức ; Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có quốc tịch và tài sản tại Ba Lan - vợ con cũng đang sinh sống tại quốc gia này. Trước đó nữa, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng là người có quốc tịch Cộng hòa Malta.

Tất cả những diễn biến nêu trên cho thấy, giới quan chức đường quyền không chỉ tìm cách vơ vét của cải thông qua quyền lực, mà còn tìm được chỗ đệm ở bên nước ngoài - nơi có cơ ngơi tài sản, vợ con được sinh sống trong môi trường pháp chế khác 'thiên đường xã hội chủ nghĩa', nơi mà họ có thể tha hồ sống mà không bị lo ngại sẽ bị tịch biên hay kê khai tài sản lúc thôi chức vụ.

Cách đây không lâu, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đem lại niềm tin cho không ít người liên quan đến khâu chống tham nhũng với chiến dịch 'đốt lò', nhưng gần đây nhất, việc ông thừa nhận vấn đề kê khai tài sản cán bộ là 'vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân' đã khiến cho niềm tin bị sút giảm. 

Khi nhóm công chức, lãnh đạo tìm chỗ trú ngụ ở nước ngoài, thì tài nguyên và nguồn lực trong nước tiếp tục vơ vét mà không cần phải lo nghĩ nhiều đến đời sau. Thậm chí nếu diễn tiến ở mức độ nào đó, thì các vị lãnh đạo có thể chấp nhận một số dự án gây hiểm họa an ninh quốc gia, ô nhiễm môi trường để đổi lấy nguồn tiền... cho bản thân định cư nước khác.

Kết quả, nước Việt chỉ còn lại sự xơ xác, kiệt quệ, một nước Việt với những 'đảng viên tốt' ; những 'lực lượng vũ trang vì đảng quên mình' ; những 'dư luận viên' ngày đêm gào thét bảo vệ chủ trương - chính sách (dù sai lầm) ; và người dân nghèo...

Nhưng trách sao được, thể chế nó thế ! Thể chế không minh bạch, thể chế lạm dụng quyền lực, thể chế độc tài nên tham nhũng mới cộng sinh, vơ vét mới hoành hoành.

Tất cả để lại một nước Việt buồn !

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 24/06/2018

******************

Tiền mồ hôi, nước mắt của dân mà vác ra nước ngoài chơi golf

Dự án thì "trùm mền, đắp chiếu". Tiền bạc thì tham nhũng, thất thoát. Bổ nhiệm thì "thăng thiên, thần tốc". Có lẽ chưa bao giờ ngành công thương "chói lọi… điêu linh" như dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng. Và chợt thấy cái hình thức kỉ luật "cách cái chức nguyên" đối với ông Huy Hoàng này có vẻ như chưa thỏa đáng, phải không các bạn?

golf3

Một đoàn công tác đi nước ngoài tại châu Âu, nhưng có hôm đoàn "tranh thủ" ra sân… golf.

160 ngày và hơn 1.000 tỉ đồng. Đó là hai con số được nhà báo Mạnh Quân đưa ra trên báo Dân trí những ngày qua. Trong đó, con số thứ nhất (160 ngày) là thời gian mà ông Vũ Huy Hoàng khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương đi nước ngoài trong một năm.

Con số thứ hai, là số tiền ngân sách chi cho các bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… "công du" giai đoạn 2012-2016. Theo đó, các bộ, ngành này đã cử tổng số 14.677 đoàn, với gần 42.000 lượt cán bộ đi nước ngoài và đáng lưu ý, đây mới chỉ là thống kê từ một số bộ, ngành.

Về con số 160 ngày của ông Hoàng, có lẽ trước hết cũng nhìn nhận một cách khách quan, đây là thời điểm mà ngành công thương có nhiều công tác đối ngoại như mở mang thị trường, ký kết các hiệp định thương mại…

Thế nhưng, việc dành tới 160 ngày/365 ngày trong một năm để "công du" thì quả là đáng ngạc nhiên bởi thời gian làm việc trong nước quá khiêm tốn. Trong số hơn 30 tuần (205 ngày) đó có khoảng 60 ngày là thứ 7 và chủ nhật cộng với khoảng 10 ngày lễ tết rồi biết bao nhiêu những việc riêng tư khác thì số ngày trực tiếp làm việc ở cơ quan chỉ còn cỡ hơn 100 ngày.

Song, cũng trong các bài báo trên, Nhà báo Mạnh Quân còn đưa ra những con số… giật mình khác. Năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn. Năm 2015, cựu Bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn.

Tuy kinh phí cho những chuyến đi có ông Hoàng tham gia là bao nhiêu không thấy nhắc đến nhưng có một con số liên quan đến bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thì cho biết, tháng 1/2016, ông Vũ Huy Hoàng ký quyết định cho 5 cán bộ đi nước ngoài với khoản kinh phí lên đến gần 1,4 tỷ đồng. Trong số 5 cán bộ này có cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa với khoản kinh phí gần 321 triệu đồng.

Đáng chú ý là bài báo trên, ngoài những con số đã nêu, còn có bức ảnh khá… "đắt" chụp cảnh một đoàn công tác đi nước ngoài tại châu Âu ở sân… golf.

Chao ôi! Nếu dùng tiền ngân sách, tức là tiền mồ hôi, nước mắt của dân mà vác ra nước ngoài chơi golf thì có mà núi cũng lở.

Rồi chợt nghĩ về giá cả ở Việt Nam không khỏi nao lòng. Chẳng biết hiệu quả của các chuyến mở mang thị trường ra sao, chỉ thấy giá vải quả bán tại Hà Nội có 10.000 đồng/kg, dưa hấu 8.000 đồng/kg.

10 ngàn đồng/kg tức là 10 triệu đồng/tấn. Với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng nếu mua dưa hấu hay vải quả thì có khi chất thành núi cỡ… Tam Đảo, Ba Vì.

Dự án thì "trùm mền, đắp chiếu". Tiền bạc thì tham nhũng, thất thoát. Bổ nhiệm thì "thăng thiên, thần tốc". Có lẽ chưa bao giờ ngành công thương "chói lọi… điêu linh" như dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng.

Và chợt thấy cái hình thức kỉ luật "cách cái chức nguyên" đối với ông Huy Hoàng này có vẻ như chưa thỏa đáng, phải không các bạn ?

Nguồn : butdanh.net, 22/06/2018

Published in Diễn đàn

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 chiều 20/06, nhiều người đồng loạt vỗ tay khi Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nói nếu nhà dân ngoài ranh thu hồi đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì không phải di dời, đồng thời khẳng định 'thành phố không gạt bà con'.

ntn1

Nhưng cạnh đó, ông Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng thật thà : Tôi nói giọng Bắc, nhưng tôi người Nam.

Câu nói trên được BBC Việt ngữ dẫn lại từ báo Tuổi Trẻ, nhưng vẫn cần thêm sự kiểm chứng tính chính xác của nó về mặt có hay không, và trong ngữ cảnh nào. Bởi trước đó, khi ông Nguyễn Thiện Nhân nhậm chức Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì ông cũng từng bày tỏ đầy xúc động rằng : 'Mình nói tiếng bắc nhưng đồng bào Thành phố đón nhân và chấp nhận mình' [1].

Do vậy, nếu giả thuyết rằng, ông Nguyễn Thiện Nhân đã thêm về nguồn gốc 'nam-bắc' bên trong ông ở buổi tiếp xúc với cử tri quận 2 thì cũng không có gì là lạ. Và câu nói này nó mang rất nhiều ý nghĩa, cả về mặt chính trị lẫn xã hội.

Mặc dù sự chia tách vùng miền về mặt địa lý đã chấm dứt, nhưng tiềm thức '3 kỳ' vẫn nằm một cách dai dẳng trong tiềm thức người Việt. Khi nhắc đến sự cổ hủ hay làm chậm tiến trình phát triển, người Việt hãy sử dụng cụm 'Bắc kỳ' để đặc tả nó ; nói về sự 'phóng khoáng' thậm chí lên mức 'khai phóng' thì người ta dùng cụm 'Nam kỳ'.

Sự khác nhau về vị trí địa lý, khác nhau về đặc điểm tự nhiên khiến cho yếu tố 'phân biệt vùng miền' vẫn tồn tại như một lẽ tất nhiên. Dưới giai đoạn phủ sóng xã hội chủ nghĩa, thì yếu tố 'bắc kỳ, nam kỳ' ngày càng trở nên đậm nét, mặc dù về chủ quan - bản thể thể chế không hề muốn như vậy. Lấy ví dụ, các chức tổng bí thư đa phần nằm trong tay người miền bắc, và thậm chí gần đây nhất, chức danh này gắn liền với nguyên tắc 'phải là người miền Bắc, có lý luận' do ông TBT Nguyễn Phú Trọng đề ra. Lý do nào khiến ông Trọng phải nói ra như vậy, phải chăng vì tính chất 'giữ vững lập trường' (mà dân gian còn nói thêm là tính chất cổ hủ của làng xã miền bắc) khiến cho bản thân vị trí cao nhất không thể 'tự diễn biến, tự chuyển hóa' được ?

Trở lại vấn đề câu nói của ông Nguyễn Thiện Nhân. Câu nói này mang nhiều hàm ý khác nhau, một là người dân mất niềm tin vào lãnh đạo nói tiếng Bắc và họ cho đó là ba xạo. Câu chuyện này cũng giống như việc công trình Metro ở miền Nam dù được Nhật Bản rót vốn đầy đủ, những vẫn bị các lãnh đạo miền Bắc giữ lại vậy. Thứ hai, miền Bắc là thủ đô của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là trung tâm chính trị đề ra các chính sách không mấy thân thiện đối với sự cởi mở và nền kinh tế miền nam. Thứ ba, bản thân người miền nam đã chết lên chết xuống vì các chính sách như 'đánh tư sản mại bản' hay các chính sách đưa nhân sự miền bắc nắm chốt các vị trí chính trị - kinh tế ở miền nam. Thậm chí hiện nay, các tập đoàn chiếm Sài Gòn bằng trungt âm thương mại, chung cư là những đại gia bất động sản miền bắc.

Tức nhìn tổng thể là người miền bắc vào miền nam và đá người miền nam ra khỏi chỗ ngồi truyền thống của họ. 

Quay lại với Thủ Thiêm, dù không ai nói ra, nhưng dân bị mất đất cũng hiểu : ấy là do người miền bắc, chủ trương chính sách của miền bắc. Và thế là, họ không tin.

Ông Nguyễn Thiện Nhân là người trung lập, hiền lành, và có phần thật thà khi nói câu : 'Tôi nói giọng bắc nhưng tôi là người miền nam'. Có nghĩa, ông sử dụng yếu tố miền nam, là 'đồng bào với nhau cả' để hiểu về nỗi đau của người miền nam, để vỗ về người miền nam trước cơn xâm chiếm lần x của người miền bắc.

Yếu tố vùng miền của nền chính trị Việt nam qua những câu nói kiểu buộc miệng vô tình như thế đã cho thấy, tính thống nhất vùng miền trong nền chính trị và uy tín chính trị của người miền bắc chưa bao giờ đạt ngưỡng cần và đủ để người miền nam nghe theo. Và như thế, cũng có nghĩa, nó chưa đựng một hệ lụy mang tính bất ổn trong tương lai, đó là tính ly khai.

Bản thân câu nói của ông Nguyễn Thiện Nhân cũng hàm chưa sự đối xử bất công bằng về mặt chính sách đối với người miền nam : nơi nộp thuế nhiều nhất nhưng được giữ lại ít nhất.

Mất niềm tin chính quyền là đều đang xảy ra, nhưng mất niềm tin đối với miền bắc hay 'là người có lý luận' là điều chắc chắn.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 23/06/2018

Chú thích

[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bi-thu-nguyen-thien-nhan-can-bo-phai-biet-so-khi-dan-khong-hai-long-371977.html

Published in Diễn đàn

Tổng bí thư trong buổi tiếp xúc cử tri gần đây cho biết, đã đề cập đến cụm từ ‘bảo vệ quyền công dân’, trong ngữ cảnh tán thành Quốc Hội thông qua luật An ninh mạng.

mau1

Người biểu tình bị 'côn đồ' (bịt khẩu trang, áo xanh đọt chuối) trấn áp. Ảnh : Le Dung Vova

Nhưng trước đó, người đứng đầu Đảng đã răn đe bằng quan điểm : ‘Xem những thành phần bị công an bắt là ai ? Toàn là bất hảo cả’, vị Tổng bí thư đề cập đến cuộc biểu tình ngày 10/06 – 11/06.

‘Toàn kẻ bất hảo cả’

Dựa trên quan điểm của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bài viết sẽ điểm lại những ‘kẻ bất hảo’ là ai.

Đó là chàng ca sĩ hát nhạc lính Nguyễn Tín [1], người đã xuống đường ngày 10/06, và đến ngày 15/06 anh đã được mời lên Công an phường 15 – quận Tân Bình để làm việc. Kết quả ‘kẻ bất hảo’ này đã bị tấn công tới tấp bằng những cú bạt tay, cú đấm tập trung vào đầu, và cả bóp cổ,… theo đúng phong cách ‘luật rừng’ ('Luật này là của bọn anh, a nói chó là mèo thì nó là mèo, anh nói mèo là chó thì nó là chó' - [1+]) mà viên an ninh đã tuyên bố trước mặt. Và tuyên bố của viên an ninh : 'Mày đéo nhận thì cũng đi 88 (Điều 88 BLHS 1999)' [2]. 

Đó là nhà báo Khánh Mai [3], từng làm việc tại báo Đất Việt, người bị hốt lên đồn vì lỡ… chụp hình trúng vào ngày 17/06. Không gian làm việc tại đồn là ‘đoàn người lê lết nằm ngồi, bị lăn tay, chụp hình’ hệt như một thước phim về ‘Nhật ký Anne Frank’. Là tiếng ‘đánh huỳnh huỵt, tiếng hét to’ của những người bị đánh vì có dấu hiệu chống đối, tức mức đã có người bị ‘chấn thương và hôn mê’. Là không còn tuân thủ Bộ Luật tố tụng hình sư ; chà đạp hiến pháp bằng việc xâm nhập điện thoại Iphone và đọc toàn bộ tin nhắn ở các ứng dụng.

Là Trương Thị Hà [4] – cô nữ luật sư thực tập, người từng yêu cầu Chánh án Hà Nội chấm dứt hành vi vi hiến khi ngăn cản người dân tham gia phiên tòa công khai. Người mà khi vào ‘đồn’ – kêu gọi vô vọng ‘quyền im lặng, phản biện ôn hòa, yêu cầu luật sư’ và bị đáp trả bằng những bạt tay.

Là Nguyễn Ngọc Lụa [5], một giáo dân đạo Công giáo, người chứng kiến cảnh sử dụng luật rừng trong đồn công an ngày 17/06, và cô đã khóc trong buổi livestreams nói về cảnh tượng hãi hung, cảnh tượng mà cô ví nó ‘chẳng khác gì một cuộc bách đạo Đạo Công giáo’.

Là một Facebooker Ly Nguyễn [6], người ‘tự nhiên có mấy người nặc thường phục, mặt bịt khẩu trang đập vào xe, giật điện thoại, kẹp chặt cổ’ vì ‘chụp hình. May mắn Facebooker này có người em trai làm to ở Bộ Công an (theo Facebooker Nguyen Lan Thang), và kết quả cô đã được thả ra sau hàng loạt hành động… trấn áp, khi mà nguyên nhân bị ‘đàn áp’ là chụp ảnh lại không hề tồn tại.

Là một nam giới tên Trịnh Toàn, người bị đánh đập đến mức chấn thương sọ não và tràn máu não tại đồn công an.

Chủ nhật, ngày 17/06/2018, có 200 người thuộc diện ‘bất hảo’ bị bắt giữ vì lỡ có mặt tại địa điểm đó, lỡ chụp hình, lỡ đi với nhóm người. Tất nhiên, họ đều là công dân của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, họ đều tuân thủ quyền hiến định, quyền tự do đi lại,… và kết quả họ bị bắt và được quy vào thành phần ‘toàn kẻ bất hảo cả’ nếu như dựa trên quan điểm của ông Tổng bí thư.

Và 'biện pháp nghiệp vụ' ngành công an chưa bao giờ được đặc tả một cách trung thực đến thế.

Rồi sao ?

Cuộc ‘trấn áp’ mà công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị khác (nếu có) thực hiện vào ngày 17/06 đã thành công tốt đẹp. Nó đập tan cuộc biểu tình từ trong trứng nước trên nguyên tắc thà nhầm hơn bỏ sót.

Đối với các thành phần ‘cứng đầu’ và từng có ‘tiền sử biểu tình’, lực lượng công an đã uy hiếp và bẻ gãy tinh thần từng người một trên nguyên tắc bất diệt : không đánh cho có, có đánh cho khai. Và luật rừng được tuyên bố là luật duy nhất được áp dụng trong đồn vào thời điểm ngày 17/06 ; hệ thống Hiến pháp và Luật pháp đặt bên ngoài vòng đồn để dễ dàng tiến hành trấn áp và mang lại sự thành công của trấn áp (?!).

mau2

Một người được cho là đã tham gia vào việc bắt giữ và trấn áp đầy bạo lực người biểu tình. Ảnh : Nhật ký biểu tình

‘Phẩm giá con người’ trở thành một cái đinh trong mắt của lực lượng thi hành trấn áp biểu tình lúc đó, và nó cần được dở bỏ, bởi nó không áp dụng cho ‘toàn kẻ bất hảo cả’.

Ở một sự trấn áp và bạo lực để giữ gìn chính quyền, thì những biện pháp mà Luật sư Luân Lê phản đối như : ‘bắt bớ người dân không cần (trát) lệnh của toà án hay viện kiểm sát trong một vụ án hình sự ; đánh người đi biểu tình đến bất tỉnh và chấn thương sọ não, tràn máu não’ lại được coi là biện pháp an ninh cần thiết để đảm bảo dẹp tan cuộc biểu tình trong ngày 17/06.

Đây là chiến công hiển hách dâng lên Đảng, lên Tổng bí thư ; là chiến công xuất sắc mà Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành nhằm ‘ổn định an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội’. Với quan điểm xác định, bất kỳ ai xuống đường trong và sau ngày 10/06 đều là ‘đối tượng bất hảo cả’.

Một sự kiện xấu ?

Trấn áp ngày 17/06 trở thành một bài học quý giá về trấn áp quyền con người nhân danh an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Những cảnh máu me, bạo lực, và ‘luật rừng’ không khác những gì mà những ‘lão thành cách mạng’ – những người làm nên thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay kể về giai đoạn bị ‘kẻ thù đàn áp’. Và cũng như thế, mỗi trận đàn áp tạo nên một lớp người cứng rắn mới, chí khí mới, kiên cường mới ; những lớp người ‘nuốt máu và nước mắt’ vào trong để làm nên một ‘tương lai mới’.

Trấn áp và bạo lực ; xâm phạm quyền công dân và bất chấp luật pháp từ phi vụ Trịnh Xuân Thanh, bắt việt kiều Mỹ, trấn áp biểu tình, soạn thảo Luật an ninh mạng,… của ngành công an có vẻ khiến cho hình ảnh Việt Nam trở nên đen hơn, và ngoại giao Việt Nam phải muối mặt nhiều hơn (?).

Bạo lực diễn ra với dùi cui, nắm đấm,… những tưởng uy hiếp được tinh thần và trấn áp được tinh thần những người biểu tình, nhưng có vẻ nó càng gia tăng sự phẫn nộ và lòng… căm thù - liệu công an Thành phố Hồ Chí Minh có nhận biết được điều này ?. Nó biến những công dân bình thường trở thành những công dân phẫn nộ. Nó khiến cho 'xã hội tin dần' về một thời kỳ công an trị ? Nó biến 'thằng chỉ quan tâm làm từ thiện như mình, các anh làm cho mình trở nên thù địch' [7].

Bạo lực từng khiến cho chế độ được thành lập, nhưng trong thời kỳ không gian phẳng này, bạo lực có phải là sự tăng tốc nhanh sự nỗi giận trong dân bởi chính quyền đã không thực sự lắng nghe họ nói gì, muốn gì, cần gì ? [8]. Không ai sẽ trả lời tốt câu này bằng chính những đảng viên, đặc biệt là ông Tổng bí thư Đcộng sản Việt Nam, người lo ngại ‘mất chế độ’ bằng cách ‘gia tăng đàn áp’ nhằm ‘bảo vệ quyền công dân’.

Quyền dân của những người cộng sản thực tế trong thực tế chỉ thấy toàn máu, và nước mắt.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 20/06/2018

Chú thích :

[1] https://www.facebook.com/nguyentinsinger/posts/2094872267420181

[1+] https://www.facebook.com/phuong.truongthiuyen.1/posts/666640107019995

[2] https://www.facebook.com/nguyentinsinger/posts/2095374520703289

[3] https://www.facebook.com/khanh.mai.127/posts/1939538656056977

[4] https://www.facebook.com/htruongtoiyeuluat

[5] https://www.facebook.com/nkmh2011/videos/10156381344888808/

[6] https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10156381063878808&set=pcb.10156381063993808&type=3&theater

[7] https://www.facebook.com/quangson.ly.91/posts/2161387700748739

[8] https://www.youtube.com/watch?v=47E2tfK5QAg

Published in Diễn đàn

Trong không gian nền báo chí cách mạng, đang phát sinh những nhà báo thuộc một nền báo chí cách mạng rất khác. 

butmau0

Những cây bút máu - Ảnh minh họa

Báo chí cách mạng Việt nam vẫn là một cụm từ đẹp đẽ và đáng trân trọng, ít nhất nó đã có những giai đoạn mà những người kiên cường, dũng cảm tiến thẳng ra chiến trường, viết những bài luận đanh thép phê phán chế độ thực dân ; lên án hành động tàn ác của chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc ; và ngày nay là những bài viết phản ánh nạn cơm tù, BOT, nạn tham nhũng, chạy chức quyền,...

Mới đây nhất, hai phóng viên thuộc chuyên trang Phapluatnet.vn và tạp chí điện tử Luật sư đã bị hành hung khi xác minh thông tin về đề xuất mua 300 áo mưa không rõ thương hiệu giá 1 triệu đồng/bộ... cho lãnh đạo phòng chống thiên tai tỉnh Thái Bình.

Nếu có thể đề cập gì đến trong ngày 21.06, thì đó là lời chúc mừng đến những nhà báo thực sự dấn thân như vậy, và mong mỏng tinh thần 'dấn thân' ấy tiếp tục phát huy trong thời gian sắp tới, khi mà những biến động trong và ngoài nước, ở nhiều lĩnh vực đang ngày càng phức tạp hơn.

Nhưng cũng trong thời gian qua, hệ thống nền báo chí cách mạng đó cũng tồn tại những câu chuyện chưa bao giờ gọi là 'dấn thân' (hay cách mạng) đúng nghĩa. Đó là hiện tượng bẻ cong ngòi bút, điếm bút, bút máu.

Có hiện tượng nhà báo, phóng viên 'sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ' diễn ra nhiều đến mức, đến mức ông Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng, Hay câu chuyện 'người cầm bút viết bài không bắt nguồn từ sứ mệnh của những người làm báo mà vì tiền, vì lợi, vì danh, vì sự tác động của nhóm này nhóm kia' như cách ông Trưởng ban Tuyên giáo trung ương đề cập trong một Hội nghị toàn quốc về báo chí.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy ở báo chí Việt nam ? Có lẽ nó xuất phát từ sự 'kiềm cặp' thái quá từ phía chính quyền nói chung và Ban tuyên giáo T.Ư nói riêng.

Có hiện tượng không phản ánh đúng và sự thật về những nguyện vọng, nhu cầu của người dân. Nhiều lần mất hút trong các sự kiện mang tính thể hiện quyền dân như trong cuộc biểu tình 10.06 - 11.06, và 17.06 vừa qua ; thậm chí nếu có phản ánh thì bẻ cong câu chữ với cụm từ 'tụ tập đông người'.

Mới đây nhất, báo Tuổi Trẻ vừa đăng bài tường thuật Chủ tịch nước gặp gỡ cử tri với tiêu đề 'Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình' thì ngay sau đó đổi thành 'Chủ tịch nước : Vụ việc tại Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh là do bị kích động'. 

Không chỉ đổi tiêu đề mà toàn bộ nội dung liên quan đến phần cử tri và Chủ tịch nước nói về Luật Biểu tình (như có đoạn nói không nên để Bộ Công An soạn thảo vì Bộ này là cơ quan có trách nhiệm thực thi) thì bị xóa bỏ hết, theo diễn giả Nguyễn Thiện chía sẻ trên trang Facebook cá nhân. 

Và một lần nữa quyền được thông tin của người dân cũng bị chính 'báo chí cách mạng' xóa bỏ.

Đấy ! Thân phận của Chủ tịch nước còn bị báo chí 'cách mạng' ứng xử một cách tàn tệ ; quyền được phản ánh thông tin đời sống xã hội còn bị bẻ cong như vậy thì hỏi làm sao nhà báo quốc doanh không chán chường, không 'học tập' theo gương lãnh đạo cho được.

Ngoài ra, hiện tượng 'bút máu' tức là sử dụng ngoài bút để vu khống người dân, phản bội lợi quyền nhân dân vẫn đang diễn ra trên nhiều nhà báo có tiếng. Từ nhà báo Hoàng Hải Vân (Thư ký tòa soạn Thanh Niên) - người tấn công vào những ngườu dân Phan Rí, đến nhà báo Mai Thanh Hải (báo Thanh Niên) - người tung tin có 2 Cảnh sát cơ động bị người dân Bình Thuận tấn công đến chết.

Mặc dù những nhà báo 'có tiếng' trên khiến cho cái sự phẫn nộ trong dân lên cao, làm hoen ố cái tính chất báo chí và cả cơ quan báo chí mà họ đang công tác. Nhưng dù sao đi chăng nữa, thì 'tội ác là ở lũ vua quan. Tên danh sĩ kia chỉ là cái cớ để chúng vun vào mà che lấp sự thực. Đừng oán hờn tên danh sĩ. Đáng thương cho nó, đáng thương cho nó !' [trích từ Bút Máu - nhà văn Vũ Hạnh].

Cần nhấn mạnh lại rằng, hiện tượng 'bút máu' nêu trên không phải là đại diện cho hầu hết làng báo, bởi bên cạnh đó là sự can đảm và dũng cảm thoát ra khỏi lối mòn và kiềm kẹp, định hướng của Ban Tuyên giáo là điều mà không phải nhà báo nào cũng làm được. Trong không khí căng thẳng của những đợt biểu tình và bị trấn áp biểu tình, nhà báo Đỗ Cao Cường, phóng viên Báo Pháp Luật đã viết trên trang cá nhân : 'Chúng mày mới là lũ bán nước. Tao ũng rất muốn ôn hòa, nhưng chính chúng mày dồn người khác vào bước đường cùng.'

Câu chuyện của nhà báo Đỗ Cao Cường nhắc lại câu chuyện về nhà báo Nguyễn Đắc Kiên - người đã bị cho nghỉ việc vì phản đối quan điểm của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013 liên quan đến 'Hiến pháp'.

Trong không gian nền báo chí cách mạng, đang phát sinh những nhà báo thuộc một nền báo chí cách mạng rất khác. 

Nền báo chí nhân dân.

Còn chúc gì trong ngày báo chí cách mạng Việt nam, có lẽ là lời chúc đến từ blogger Phuong Mai Nguyen : lời chúc có ý nghĩa nhất với người cầm bút ở VN là chúc họ quyền được viết. Tất nhiên, kèm theo đó là điều kiện đủ : sự dũng cảm khi cầm bút.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 21/06/2018

Published in Diễn đàn

Câu chuyện đặc khu ngày càng gần kề, số phận của cả một dân tộc đều trông chờ vào cái nhấn nút thông qua hoặc không thông qua Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) của các vị đại biểu quốc hội, mặc dù không ít quan điểm (như của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh) tiên liệu : dù đang gây nhiều tranh cãi nhưng chắc sẽ được thông qua vì trên thực tế 'ván đã đóng thuyền'.

giotay1

Đại biểu quốc hội bấm nút (thay vì giơ tay như trước) biểu quyết một dự thảo luật - Ảnh minh họa

Nhưng câu chuyện tiếp người dân mong muốn là ai bỏ phiếu trắng, ai bỏ phiếu chống, và ai bỏ phiếu ủng hộ.

Nhà báo Mai Quốc Ấn, người trong một đăng tải ngày 02/06 chia sẻ lại một thông tin được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, theo đó, báo chí sẽ không được phép dự phiên thảo luận Quốc hội, bỏ phiếu miễn nhiệm một số nhân sự cũng như không được phép 'nghe' Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Những diễn biến này vấn diễn ra và sẽ diễn ra như một quy luật tất yếu, mặc dù Luật tổ chức Quốc hội không quy định 'cấm đoán' như vậy. Ngược lại, Điều 67 và Điều 70 đều nhấn mạnh tính công khai của tổ chức quốc Hội và coi đây là một minh chứng cho sự dân chủ. 

Từ đó, nhà báo Quốc Ấn cho rằng, cần phải minh bạch nút bấm, tức là thể hiện ai đã ủng hộ, không ủng hộ hoặc trung lập. Bởi cử tri cần biết người được ủy quyền có thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng hay ít nhất đảm bảo quyền lợi chính đáng của chính họ hay là không.

Thực ra, tâm tư và nguyện vọng của nhà báo Mai Quốc Ấn là tâm tư nguyện vọng của hàng triệu người, nhất là khi 'đặc khu' vẫn nóng bỏng trên mọi diễn đàn. Sự minh bạch luôn là điều kiện cần và đủ để để người dân có thứ mà hy vọng một tương lai sáng màu hơn cho quốc gia, dân tộc.

Trong điều kiện ngược lại, nếu minh bạch thiếu thốn nên người dân không thể kiểm soát hoặc giám sát quyền lực nhà nước, điều duy nhất mà người dân làm hiện nay chính là biết rõ ông/bà nghị sĩ nào đi ngược với tiếng kêu gào về 99 năm. Và họ sẽ ghi danh những con người đó vào sổ sách (hoặc tâm thức), và ít nhất là đảm bảo tính trách nhiệm về sau. Bởi nếu làm như vậy vậy, thì mệnh đề 'trách nhiệm toàn dân' lại được đặt ra khi đổ vỡ, và sau tất cả là... không ai chịu trách nhiệm cả.

Nhu cầu có thực này càng cho thấy tính khẩn thiết ở những vấn đề quốc gia, nó là phương cách giải đáp tốt nhất cho phương trình dài hơi mà các quan chức Việt nam hay mắc phải. Đó là bệnh 'tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh', là 'đá quả bóng trách nhiệm', và nay là bằng quan điểm 'đó là hệ quả do nhiệm kỳ trước/ của lịch sử để lại'...

'Ai đồng ý, xin giơ tay' cũng là thước đo của tính thẳng thắn, cho thấy cái tôi của Đại biểu quốc hội cũng như cách thức mà Đại biểu quốc hội thực sự làm chủ được cái biểu quyết của chính mình. Dù biểu quyết đi đúng hoặc ngược nguyện vọng nhân dân, thì điều quan trọng nhất là minh bạch thông tin (người biểu quyết) sẽ khiến cho bầu không khí của Hội trường Diên Hồng phản phất một chút gì đó trong sạch, chút gì đó vững mạnh, và chút gì đó dân chủ - như cách mà nhiều nhà lãnh đạo Đảng, nhà nước cấp cao từng không ít lần nhấn mạnh.

Minh bạch hóa nhấn nút, minh bạch hóa Quốc hội cũng là phương cách tốt nhất giải quyết thực trạng làm màu ở quốc hội, thực trạng ‘đi họp xì xáo, về nhà hết màu’ thường diễn ra ở mỗi kỳ họp Quốc hội khiến người dân không ít lần ngán ngẩm.

Vấn đề là, Quốc hội cần thực thi quyền này và lắng nghe nguyện vọng này từ nhân dân. Bởi nếu Quốc hội không lắng nghe, không tuân thủ luật được đề ra bởi Luật tổ chức Quốc hội, thì tinh thần dân chủ trong Quốc hội đã không được tôn trọng. Và vì không được tôn trọng, nên Quốc hội dễ rơi vào trạng thái Quốc hội phi lập pháp, phi dân chủ. Những yếu tố này trực tiếp phá nát uy tín, danh dự Quốc hội (Cộng hòa) trong đời sống chính trị - xã hội trong tâm thức nhân dân.

Liệu các vị Đại biểu quốc hội, các vị lãnh đạo Quốc hội có thực tâm mong muốn thúc đẩy hơi thở dân chủ len lỏi trong dòng nóng chính trị ? Bởi, 'đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị ; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước'.

Một lần nữa, Quốc hội hãy tỏ ra sự dũng cảm, Đại biểu quốc hội hãy một lần dũng cảm !

Đặc khu : 'ai đồng ý, xin giơ tay !'

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 07/06/2018

Published in Diễn đàn

Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi đó là điểm nhấn phát triển kinh tế, là chủ trương và đường lối được ấn định bởi ‘Đảng ta’, bởi sự quyết tâm của đội ngũ Bộ Chính trị và "sự đồng thuận tuyệt đối của người dân" thông qua sự đồng ý cao của Quốc Hội (cũng như cách mà 'cử tri và dân đã đồng ý với dự án Thủ Thiêm' ngày xưa).

luat1

Đại biểu quốc hội Việt Nam biểu quyết giơ tay - Ảnh minh họa

Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi đây là đề án được ấp từ năm 2014, khi mà vào tháng 03/2014 tại Hạ Long đã diễn ra Hội thảo về Đặc khu Kinh tế do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Đại học Thâm Quyến tổ chức. Và trong Hội thảo đó, ‘đồng chí’ Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị (người mới đây nhấn mạnh phải bàn ra luật đặc khu) đã ‘đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh và Đại học Thâm Quyến trong việc tổ chức hội thảo. Và diễn giả chính của hội thảo là bà Nhật Đào - đại diện cho Thâm Quyến, Trung Quốc ; đại biểu tham dự gồm lãnh đạo bốn tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang, Lâm Đồng.

Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi đơn giản, không có một chữ ‘Trung Quốc’ nào trong dự thảo luật ‘Đặc khu’. Bởi chúng ta phải làm để chứng tỏ chúng ta là ‘có tư duy, và không sợ Trung Quốc’ như đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ; bởi đây là thời khắc quan trọng nhất của sứ mệnh quốc gia ; bởi 'đồng chí Đặng Tiểu Bình' năm 1988 đã từng nói : Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa !

Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi đây là cơ hội chứng minh tư duy vượt trội của những người Cộng sản hiện nay - những người kế thừa tư duy không sợ bất kỳ cái gì để dọn đường phát triển kinh tế, kể cả ‘đốt cả dãy Trường Sơn’. Những người tự mình cho rằng, đã vượt qua nỗi sợ Trung Quốc. Và sự thông qua lần này sẽ là cú đấm thép vào ‘bọn phản động, lưu vong’, nhưng kẻ ngày đêm chống phá chủ trương của Đảng và Nhà nước, những kẻ không tin tưởng vào chính sách và đường lối thiên tài của Đảng cộng sản Việt Nam ; những kẻ phá hoại tình đoàn kết keo son của chính quyền hai nước Việt - Trung.

Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, người mới đây đã đặc biệt lưu ý trong khâu tổ chức cán bộ, trong đó nhấn mạnh : cán bộ đặc khu phải đặc biệt, do Bộ Nội vụ thẩm định, Hội đồng nhân dân bầu và Thủ tướng phê chuẩn. Khâu cán bộ, tổ chức là cốt cán, không ai đi bàn một thứ mà nó không được thông qua hay đình trệ lại cả.

Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi ngay cả giới luật sư nhân quyền, Luật sư Hà Huy Sơn, người từng có phần biểu hiện của một ý thức nghi ngờ cũng đồng ý rằng : Trung Quốc là xấu, nhưng chúng ta phải học Trung Quốc để mạnh hơn… tôi ủng hộ dự luật Đặc khu kinh tế. Ngoài ra, không ít các Facebooker khác từng không ít lần chửi Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam lần này cũng đồng ý Dự luật đặc khu vì… không thấy có chữ Trung Quốc trong dự thảo luật.

Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, vì đến nay, chưa phát hiện người nước ngoài mua đất ở Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà - người bộ trưởng 'tận tâm với nhân dân, tận tụy với công việc, một người cán bộ mẫu mực vì dân, vì nước' cho biết vào ngày 05/06. Cũng theo đó, ông sẽ là ‘đầu mối’ thuộc đường dây nóng, nếu bất kỳ ai phát hiện buồn bán đất thuộc đối tượng nêu trên có thể thông báo cho ông, trên cơ sở và tinh thần trách nhiệm rất cao. 

Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi những tập đoàn bất động sản đại gia nhất Việt Nam hiện đang ấp dự án đất tại ba đặc khu (trong đó không thiếu những vị đại gia như Tân Hoàng minh, Vingroup, FLC, sungroup, Cienco4, PVN). Và, chỉ tính riêng dự án sân bay ở đặc khu Vân Đồn đã có 4.000 tỷ đồng. 

Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi thời điểm này là thời điểm định mệnh của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Định mệnh này nhắc lại nhiều định mệnh khác của dân tộc ta gặt hái được như là thành viên của nhiều tổ chức thương mại lớn tòa cầu như WTO năm 2007, thành viên TPP năm 2017 ; chúng ta cũng chứng tỏ quyết tâm cao trong thực hành nhiều dự án kinh tế lớn như Boxite, đường sắt trên cao ở Hà Nội và tuyến Metro phía nam – đạt nhiều thành tựu và được sự ủng hộ, phấn khởi rất lớn từ nhân dân.

Chắc chắn, dự thảo này sẽ được thông qua, bởi các đồng chí tinh hoa và IQ cao đã ngấm ngầm duyệt rồi. Và ngày 15/06 này Quốc hội chỉ họp để góp vui và thể hiện sự đồng thuận cao với Bộ Chính trị.

Dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, kết tinh sức mạnh trầm tích nhưng quật cường mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, đặc khu sẽ được thông qua, con Phượng hoàng sẽ thức giấc và dân tộc Việt Nam đi về phía trước - 'không có gì cản nổi'.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 08/06/2018

Published in Diễn đàn

Bà Chủ tịch quốc hội vừa rồi đã tỏ ra quyết tâm trong bối cảnh dự luật về đặc khu đang tiếp tục gặp sự phản đối : Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật.

qh1

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch quốc hội Việt Nam. Ảnh : AP

"Bộ Chính trị đã bàn rồi" cho thấy tư cách của bà Chủ tịch quốc hội ở đâu. Nó không phải là đại diện cho một người đứng đầu tổ chức lập pháp nhà nước, mà là một Đảng viên cao cấp – đầy mẫn cán của Đảng (cộng sản Việt Nam). "Bộ Chính trị đã bàn rồi" cũng là cái tư duy "rất quyết tâm" theo chủ trương, đường lối của Đảng đặt ra và Quốc hội cứ thế mà làm. "Bộ Chính trị đã bàn rồi" cũng làm gợi nhớ không ít vấn đề mà Bộ Chính trị thông qua, từ Boxite cho đến đường cao sắt cao tốc bắc nam, từ mục tiêu công nghiệp hóa năm 2020 đến xây dựng những tập đoàn nhà nước – những cú đấm thép cho nền kinh tế. Tất nhiên, phần lớn điều mà "Bộ Chính trị đã bàn rồi" hầu như đều thất bại một cách thảm hại, mà gánh vác trách nhiệm chỉ đơn thuần là "kiểm điểm sâu sắc", còn hệ quả thì dân gánh chịu.

"Bộ Chính trị đã bàn rồi" có phải là quan điểm nhất quán từ trước đến nay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người có những hành vi và phát ngôn có lúc gần như vi hiến ? Khi bà phát biểu như vậy, liệu bà có bán rẻ quá mức lời tuyên thệ trong một ngày của tháng 7/2016, khi được chỉ định là Chủ tịch quốc hội rằng : Thực hiện có hiệu quả các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Vậy bà sẽ thực hiện vai trò lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao như thế nào khi mà bà không có được một vị trí độc lập tương ứng, một suy nghĩ độc lập của một vị Chủ tịch quốc hội, mà chỉ chăm chăm tiến hành làm theo những lời mà Bộ Chính trị đã quyết ? Phải chăng vì bà chính là một trong những vị Ủy viên Bộ Chính trị, những người tự mặc định mình là "tinh hoa chính trị" và quyết định số mệnh của dân tộc, buộc những vị "cử tri" – những tiếng nói từ nhân dân phải nghe và thực hiện như mệnh lệnh của cấp trên – cấp dưới ?

Quốc hội thời nào cũng vậy, nếu bị áp lực bởi yếu tố đảng viên, nếu bị áp lực bởi Nghị quyết và chỉ đạo Đảng cộng sản Việt Nam thì cùng thời điểm đó, tình hình kinh tế - chính trị sẽ bị suy giảm rất nhiều. Làm ra luật chỉ khi nó áp dụng tính thực tế và thực tiễn cũng như đòi hỏi nhân dân, chứ không phải do trên đã quyết mà tuân thủ. Nếu như thế, thì cần phải đổi Quốc hội thành "phòng họp lập pháp của Đảng cộng sản Việt Nam, và nên thực thi điều đó để tránh bị coi là "Quốc hội giả hiệu".

Khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân quyết tâm đến mức "dự thảo không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật", thì giá như bà cũng quyết tâm như vậy đối với Luật biểu tình, Luật về Hội… Những Luật mà người dân mong mỏi, không trái hiến pháp, nhưng vẫn bị treo, phải chăng vì thiếu yếu tố "Bộ Chính trị đã quyết rồi" ?

Lại nói về hiệu quả của việc 'Bộ chính trị quyết rồi', thử điểm xem hai trong số nhiều dự án 'quyết rồi' với 'quyết tâm chính trị cao'.

Một là, dự án bauxite Tây Nguyên được Bộ chính trị quyết, bất chấp mọi ý kiến phản đối của giới chuyên gia trong và ngoài nước, của các nhà lão thành cách mạng, của cả đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kết quả, chỉ tính riêng dự án Tân Rai, vốn đầu tư ban đầu chỉ định ở mức 7.787,5 tỷ đồng, nhưng qua 4 lần điều chỉnh, số vốn đầu tư đã lên mức 15.414,4 tỷ đồng và sau 3 năm hoạt động (2013 - 2016) đã lỗ gần 4.000 tỷ đồng. 

Hai là, đặt ra mục tiêu năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp cũng là do 'Bộ chính trị quyết rồi' 30 năm về trước. Tuy nhiên, vào kỳ họp cuối cùng của khóa XIII tháng 04/2016, Quốc hội Việt nam đã thừa nhận mục tiêu hoàn toàn bất khả thi.

Giờ đến câu chuyện đặc khu, khi mà giới chuyên gia trong và ngoài nước lo ngại về tính an ninh - kinh tế lẫn văn hóa - xã hội có thể xảy ra thì bà Chủ tịch quốc hội lại càng tỏ ra quyết tâm, chỉ vì lối suy nghĩ rất cảm tính và giản đơn : 'Một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng'. Nhưng ai sẽ bảo chứng, bởi những lập luận của các nhà khoa học, của những ai quan tâm đưa ra đều không được phản hồi lại một cách đúng đắn. Thậm chí, việc một Đại biểu quốc hội nêu ra các lo ngại về dự luật đặc khu cũng chỉ được đăng tải trên báo chí, chứ bản thân quan điểm này chưa được ai (kể cả bà Chủ tịch quốc hội phản bác khoa học lại).

Ấy vậy mà bà Chủ tịch vẫn quyết tâm 'bàn cho ra luật'. Nhưng ai không biết, đấy là 'nhiệm vụ' mà tập thể Bộ Chính trị đã thống nhất và đưa ra Quốc hội để nhận lấy cái gật đầu. Nó cũng không khác lắm quan điểm có phần dẫm đạp tư duy lập pháp của ông chủ nhiệm văn phòng Quốc hội - Trần Đình Đàm, người đã nói như đinh đóng cột : 'Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bauxite' (Bởi vì, dự án này đã trở thành chủ trương của Bộ Chính trị). Và làm theo phương cách này, không khác gì khiến Quốc hội trở thành một nghị trường gật theo... chủ trương !!!

Trong một khía cạnh khác, nếu như dự luật được thông qua và 'góp phần' thúc đẩy xảy ra sai lầm nghiêm trọng, không thu được 'hàng chục, hàng trăm đồng' theo cách mà bà Chủ tịch quốc hội 'vẽ' ra mà lại khiến an ninh và chủ quyền quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng, thì lúc đó bà Chủ tịch quốc hội và mười mấy vị ủy viên còn lại có chịu trách nhiệm ? Hay lại rút kinh nghiệm sâu sắc, hay lại định cư ở nước ngoài ?

Rõ ràng, đặc khu là một chuyện dài, và còn nhiều vấn đề phải quyết, không phải vì ngân sách túng thiếu mà tiếp tục bắt người dân gánh chịu thêm di họa mang tên 99 năm, bởi nhiều lần dân bị phản bội bởi chính cái 'quyết tâm cao về chính trị' đó lắm rồi. Và cũng lúc này đi, khi buông ra câu nói như vậy, có lẽ cần phải xem xét tư cách của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong vai trò Chủ tịch quốc hội, bởi người dân không cần một vị 'nữ Chủ tịch quốc hội đầu tiên', mà cần một 'Chủ tịch quốc hội' thực sự hành động vì nguyện vọng nhân dân.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 03/06/2018

Published in Diễn đàn

Sự thay đổi của một cộng đồng bắt đầu từ sự tự ý thức, sự thay đổi của một quốc gia bắt đầu từ lớp trí thức thực sự.

trithuc1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các trí thức, văn nghệ sĩ. Ảnh : VGP/Nhật Bắc

Trọng một quốc gia, sẽ bao gồm hai loại trí thức, là trí thức đại diện và đại diện trí thức. Nếu trí thức đại diện là loại trí thức mang tính kiểu mẫu cho một hình thái kinh tế - chính trị - xã hội nhất định, hay nói đúng hơn là ‘lò’ thể chế - xã hội ra sao thì mẫu trí thức sẽ như thế ; thì đại diện trí thức mặc dù xuất phát từ trong lòng thể chế, nhưng nó đáp ứng những yêu cầu của một trí thức thực sự : nhân danh tri thức, phục vụ tri thức.

Cách đây ít ngày, một người thuộc lớp đại diện trí thức là Giáo sư Phan Đình Diệu đã mất, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ thời kỳ internet được đưa vào Việt Nam tưởng nhớ : ‘Lại thêm một người tử tế nữa ra đi.’ Còn Phó Giáo sư Phan Dương Hiệu, con trai của Giáo sư Phan Đình Diệu đã nói : sự say mê đối với khoa học, sự trăn trở của bố đối với đất nước là lời dạy vô giá. Bố nói với con, cuộc sống cần nhất sự trung thực. tưởng chừng đơn giản nhưng trung thực bao gồm sự dũng cảm, trung thực với chình mình để có những chính kiến độc lập, trung thực trong cuộc đời để dũng cảm để nói lên ý kiến tâm huyết.

Và lớp từ khóa của đại diện trí thức sẽ là : tử tế ; say mê khoa học ; trăn trở đất nước ; trung thực ; dung cảm ; chính kiến độc lập ; ý kiến tâm huyết.

Những con người càng hội tụ đủ lớp từ khóa nêu trên, thì số phận của họ lại càng phụ thuộc lớn vào sự dân chủ của thể chế. Thể chế càng thiếu dân chủ, thì đối diện họ có thể là : phê bình, cảnh cáo, bắt giam, truy tố…

Ngược lại, trí thức đại diện lại là lớp nảy sinh từ thế chế, bản chất của thể chế cũng tạo nên tính trí thức đại diện này ở mảng dũng cảm hay không dũng cảm ; chính kiến hay không chính kiến. Do đó, một trí thức đại diện tại Hoa Kỳ khác một trí thức đại diện tại Việt Nam. 

Tại Việt Nam, một Giáo sư tên là Nguyễn Đức Tồn – người đang bị đặt nghi vấn là ‘đạo văn của học trò’ tiếp tục làm rõ nét hơn lớp trí thức đại diện, nơi mà ‘bằng giả, đạo văn’ vẫn được phong cách tước hiệu hoặc đứng đầu ngành giáo dục, và lộ liễu đến mức lớp trí thức đại diện chen chân nhau lên chuyến tàu vét mang tên ‘chuyến tàu chót mang số hiệu 174’.

Thế nên, mới nảy sinh một câu chuyện ‘trạng chết chúa cũng bang hà’, nghĩa là trí thức đại diện phần lớn ‘dây máu ăn phần’, nên vừa qua, Giáo sư Nguyễn Đức Tồn - người đang bị hội đồng chức danh Giáo sư ngành ngôn ngữ rà soát, kiểm tra việc có ‘đạo văn’ của trò hay không - vừa có đơn kiến nghị đến Thủ tướng đề nghị làm rõ cả những ‘nghi án’ Giáo sư, Phó Giáo sư khác ‘đạo văn’.

Và lúc này, đúng như quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ (trên BBC Việt ngữ) là : đạo văn và bằng giả cũng là bệnh thể chế. Hay, trí thức đại diện mang mầm bệnh của thể chế ; hệ thống giáo dục – thể chế tạo những khuôn để tạo ra lớp trí thức đại diện.

Sở dĩ phải đề cập vấn đề này vì mới đây trên mạng xã hội chia sẻ về phiên tòa lịch sử ngày 6.6.1976, xét xử ông Tạ Đình Đề - người 'hào sảng, nghĩa hiệp', từng là Trưởng ban Thể dục thể thao, kiêm Xưởng trưởng Xưởng dụng cụ cao su của Tổng cục Đường sắt. Người bị xét xử vì 3 tội : chứa thuốc nổ và vũ khí ; tập hợp các phần tử xấu và rút tiền mặt chi tiêu vô tội vạ… Tuy nhiên, cuối cùng ông Tạ Đình Đề đã được Thẩm phán Phùng Lê Trân tuyên án vô tội vì 'chưa có căn cứ để tin'.

Vấn đề là, để có được lời tuyên án 'đề cao pháp luật và công lý' như thế thì bà Thẩm phán Phùng Lê Trân đã gặp không ít rắc rối trong đó, một vị công an hộ tịch cảnh cáo bà Thẩm phán : Chị làm thế nào thì làm, còn con chị nữa.

Lời cảnh cáo này hiện diện khi mà bà Thẩm phán Phùng Lê Trân giữ quan điểm 'ông Đề không có tội, tôi không thể vẽ tội cho ông ấy'. Thậm chí, cuộc chiến công lý còn được đẩy cao đến mức, trước buổi khai mạc phiên tòa, bà đã dặn chồng : hôm nay có thể em không về.

Câu chuyện Thẩm phán Phùng Lê Trân đối chiếu với những phiên tòa gàn đây, tạm gọi là bỏ túi - đang trở thành xu hướng của ngành tòa án Việt Nam. Nơi những đồng tiền, chỉ đạo, quan hệ đâm toạch công lý. Và nếu nhìn xuyên qua tấm gương bà Thẩm phán Phùng Lê Trân thì có nhận ra dễ dàng, một bên là trí thức đại diện, một bên là đại diện trí thức.

Sự 'dặn dò' như kiểu bà Thẩm phán Phùng Lê Trân hiện nay cũng thường gặp ở những đại diện tri thức đang tìm kiếm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp theo đúng tinh thần Hiến pháp của 'lãnh tụ cách mạng Việt Nam 1946', mà gần nhất là nhắc nhở của nhà văn Nguyễn Quang Lập với vợ con khi ông được phía cơ quan an ninh 'mời làm việc về blog'.

Phân biệt vậy để biết rằng, tiếng nói của giới tri thức thực sự rất nhỏ trong xã hội, và có phần thoi thóp. Trong khi quan điểm của lớp đại diện trí thức lại tràn lan, ngông cuồng và có phần cộng sinh với quyền lực - tiền bạc. Nhưng một bên có thể tạo ra tính bền vững bởi phản biện trực diện, còn một bên có thể gây cho quốc gia sự đổ vỡ bởi sự cun cút và nịnh nọt thể chế.

Và rõ ràng, Việt Nam cần lắm những trí thức có tâm, có tầm hơn là những vị trí thức trên giấy tờ như thời gian qua, và nhà nước cũng cần phải đẩy mạnh phong trào 'trăm hoa đua nở, trăm nhà lên tiếng', nhất ở các tầng lớp đại diện trí thức mà không ngại sự thẳng thắn, chính kiến, và nhiệt huyết của họ khi phản biện các chính sách của Nhà nước, ĐCSVN.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 27/05/2018

 

Published in Diễn đàn

Trong những phát ngôn ấn tượng gần đây đến từ ông Đại biểu quốc hội Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người từng có bức ảnh trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế.

4g1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - trước giờ diễn ra phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Ảnh : Zing

'Chúng ta là một trong những quốc gia nói nhiều nhất về 'cách mạng 4.0', nhưng nếu các chính sách về giáo dục, khoa học và công nghệ không thay đổi căn bản lấy đâu ra nguồn lực...', ông Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.

Quan điểm của ông Lộc cũng không khác nhiều lắm quan điểm của cựu Bộ trưởng Bộ thương Mại Trương Đình Tuyển, người vào năm 2017 đã phải cảnh báo rằng : Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy, không nói nhiều đến cụm từ 'công nghiệp 4.0'.

Các nước không nói, mà cách nước có chương trình hành động rõ ràng.

Ám chỉ này va thẳng trực tiếp những bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người luôn lấy 'cách mạng 4.0' trong các bài phát biểu động viên các tỉnh thành trong phát triển kinh tế, cũng như là cụm từ đậm nét làm rõ tính 'chính phủ kiến tạo' của ông.

Ám chỉ này cũng trực tiếp lên tiếng về thực trạng nói quá nhiều về một vấn đề mà quên đi chương trình hành động đi kèm với nó, hoặc là chương trình hành động thiếu tính thực tế.

Việt nam - cách mạng 4.0 không khác lắm với mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Vì bản chất của vấn đề là 'hô khẩu hiệu' mà không rõ cơ sở nội lực có gì, tiềm lực bên ngoài ra sao.

Việt nam - đến với cuộc cách mạng 4.0 bằng bốn không : không vốn, không kỹ thuật, không kinh nghiệm và không chương trình thực tế. Do vậy, người ta nghi ngờ 4.0 chỉ là chương trình ghi điểm của Chính phủ, hoặc là tạo một thực tế ảo về mặt ý chí, để người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của hiện tại. Điều đáng tiếc là, Việt nam hiện nay lại là Việt nam của hơn 50 triệu người dùng internet, và 30 triệu người dùng mạng xã hội, do vậy phương pháp 'thúc đẩy ý chí tự lực tự cường' bằng tuyên truyền có phần vô nghiệm. Và thực tế đã chứng minh rằng, phương pháp 'Thi đua ta quyết thi đua. Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu. Hàng đầu rồi biết đi đâu. Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi' đã trở thành một câu chuyện hài hước mà nếu áp dụng vào phong trào nhà nhà 4.0, người 4.0 sẽ thấy nó phản ánh đúng bản chất như thế nào. 

Trong lúc đó, một số dự luật ra đời đang trở thành lực cản lớn cho cuộc 'cách mạng 4.0', nổi bật là 'Dự luật an ninh mạng'. Một dự luật gây xôn xao dư luận bởi tính phi thực tế của nó, nó làm giảm 1,7% GDP của Việt Nam và giảm 3,1% đầu tư nước ngoài, theo quan điểm được đưa ra bởi Hiệp hội truyền thông số Việt Nam (VDCA). Trong khi đó, nhiệm vụ của dự luật an ninh mạng cũng bao gồm cả việc gián tiếp trấn áp trực tuyến các tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt nam - gây tổn hại đến sự phát triển bền vững của xã hội.

Nhưng vấn đề, ngay cả đối với dự luật an ninh mạng, nó cũng được xây dựng trên cơ sở không có nền tảng, bởi trong thời điểm hiện nay, 'với năng lực sản xuất sản xuất phần cứng và phần mềm hiện nay, Việt Nam không thể có an ninh mạng.' Mọi chính sách giờ đây rất có thể, đều không khả thi. 

Trong khi đó, những quan điểm trái chiều trên báo chí về dự luật an ninh mạng này đều bị xóa, mà gần nhất là bài viết 'Luật An ninh mạng - được và mất' trên Thanh Niên.

Như vậy, cách mạng 4.0 qua những sự kiện cụ thể vừa qua, từ việc thiếu tính cơ sở và hành động đến sự ra đời của Dự luật an ninh mạng đã và đang biến 4.0 thành 0.4, và thực tế đã đang diễn ra như vậy.

Cuộc cách mạng 4.0 có thể được vận dụng tốt nếu như Chính phủ làm tốt việc xây dựng nền tảng và thuận theo xu thế phát triển, tuy nhiên dường như Chính phủ kiến tạo của ông Nguyễn Xuân Phúc đang gặp khó trong việc vạch ra một con đường có cơ sở về mặt thực tế nhất (mặc dù có thể đội ngũ ban cố vấn kinh tế của ông phần lớn là không tồi). 

Điều cần nhấn mạnh là, người ta không thể soi sáng cuộc cách mạng 4.0 chỉ bằng Chủ nghĩa Mác - Lenin, như cách ông Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng từng đăng đàn phát biểu gần đây. 

Trong không khí ai cũng 4.0, thì có một câu chuyện rất nhỏ liên quan đến vận mệnh và tầm nhìn về cuộc cách mạng 4.0. Đó là khi Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ trăn trở, khi nước nhà cứ 4.0, nhưng lại không cho tố cáo qua điện thoại. 

Và hẳn đây là thực trạng giữa nói và làm, lý thuyết và trên thực tế.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 28/05/2018

Published in Diễn đàn