Câu chuyện quốc tang hay chuyện tưởng niệm người đã chết sẽ không được nhắc nhiều đến hiện nay, khi mà trong giờ phút đó, một doanh nghiệp nhà nước đã tìm cách tranh thủ tăng giá xăng dầu.
Giá xăng tăng giá đúng ngày Quốc tang Tổng bí thư Đỗ Mười.
Khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi, Petrolimex tăng giá xăng lên 300 đồng ; khi Tổng bí thư Đỗ Mười mất, giá xăng tăng lên 700 đồng. Nếu như thêm 2 lần quốc tang nữa, thì có thể xăng dầu tăng thêm gần 2.000 đồng.
Dân mạng sửng sốt, vì đây không phải là một việc làm đúng tình, đúng nghĩa, cả về mặt ứng xử với đời sống sinh hoạt người dân cũng như đối với người vừa mất. Bởi nếu làm như thế, không khác gì việc đẩy tâm lý người dân vào việc ghét quốc tang, bởi mỗi lần quốc tang là mỗi lần giá xăng dầu lại tăng.
Xăng tăng giá mạnh quá, rồi lại kéo theo hàng loạt mặt hàng khác tăng giá theo, điều này nói thẳng ra là 'bóc lột sức dân, móc túi dân'. Trong khi đó, giá dầu thế giới ngày 6.10 (thời điểm mà Petrolimex tăng giá xăng) thì giảm mạnh, sau khi sự kiện Nga công bố mức sản lượng dầu thô đạt kỷ lục. Những gì diễn ra là sự đảo lộn mọi giá trị, nhưng nó lại vô cùng hợp lý với quan điểm của ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, người từng tuyên bố : ủng hộ sớm tăng thuế để các loại thuế chiếm trên 50% giá xăng nhằm bù đắp vào ngân sách.
Nếu cho đây là phương cách để phục hồi lại ngân sách bằng mọi giá, thì đây rõ ràng là một việc làm phi nhân đạo.
Facebooker Lê Hoài Anh, và cũng là một doanh nhân có tiếng ở phía Nam bày tỏ trên trang cá nhân : Trong không khí Quốc tang vô cùng bi ai, thương tiếc các lãnh đạo vừa ra đi của đất nước. Chợt giật mình khi đọc tin xăng dầu lại lên giá, trùng hợp quá, toàn rơi tõm vào đúng những dịp quốc tang. Tổn thất này thật là lớn lao ! Đau thương này thật là vô hạn.
Tăng xăng là hậu quả của sự tham nhũng và yếu kém trong công tác quản lý kinh tế - xã hội quốc gia, nhưng người dân buộc phải gánh chịu điều đó. Quốc tang lại là những người từng đưa ra hoặc góp phần làm nên vấn nạn tham nhũng và yếu kém đó. Có phải lãnh đạo đang muốn người dân phải thực sự khóc lóc trong những ngày quốc tang, nên nghĩ ra trò tăng giá ?
Sự kiện tăng giá trong ngày quốc tang không chỉ tăng lạm phát và làm tổn thương các doanh nghiệp trong nước ; mà còn làm tổn thương người dân lẫn lãnh đạo đã khuất. Bởi người dân sẽ ghi nhớ sự kiện quốc tang của một 'đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước' như là một cơ hội để bóp lấy sức dân. Đến mức, nhà báo Hoàng Hải Vân phẫn nộ : 'Đánh đĩ' mười phương thì phải chừa ra một phương chứ, sao nhằm vào ngày quốc tang mà trục lợi ?
Người dân buộc phải cầu trời rằng, các vị lãnh đạo đảng và nhà nước sống mãi trong sự nghiệp cách mạng, hoặc bản thân các vị lãnh đạo phải trường tồn với dân tộc như là một biện pháp để giữ giá xăng dầu ổn định và tránh lạm phát. Điều này nghe thật kỳ cục, nhưng trong hệ thống chính trị - xã hội – kinh tế hiện nay, mọi điều kỳ cục đều có khả năng trở thành một thực tế.
Một nghịch lý tồi tệ, đầy chướng khí, khôi hài của một xã hội đảo điên mọi thứ. Một thời thổ tả lên ngôi, trong một màu áo mới ! Người dân từ nay, thay vì hát vang bài ca 'thôi đừng chiêm bao tiến lên xã hội chủ nghĩa', thì họ có thể bày tỏ, 'thôi đừng quốc tang !'.
Câu chuyện về Vinfast đi xa hơn dự tưởng khi mà giờ đây, câu chuyện nhà máy tại Đình Vũ – Cát Hải liệu có nằm trong chiến lược ‘dụng đất’ gốc của tập đoàn Vingroup.
Bản đồ vị trí Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải - Hải Phòng
Vingroup xuất phát từ buôn bán bất động sản, và gần như những mảnh đất vàng ở các trung tâm kinh tế lớn của đất nước đều lưu dấu ấn sở hữu của tập đoàn này. Chiến lược của Vingroup đề ra là sử dụng tốt cách thức ‘đổi đất lấy hạ tầng’ của nhà nước, cụ thể - Vingroup sẽ tiến hành xây dựng hạ tầng (đặc biệt là đường xá) để có thể có những mảnh đất mà Vingroup lựa chọn.
Vào tháng Tư, 2018, UBND Thành phố Hà Nội đã tiến hành khởi công đường vành đai 2 trên cao và phía dưới đi qua 4 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đồng Đa, với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, và chủ đầu tư là Vingroup tiến hành theo theo hình thức đối tác công tư (PPP-Public Private Partner), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT-Build and Transfer).
PPP là hợp tác đầu tư công, từng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị định hướng dẫn trước đó, theo đấy, nhà nước và nhà đầu tư (tư nhân) sẽ cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, và hiện mô hình này được áp dụng ngay cả ở Anh, Mỹ, Nhật… Lý do, PPP là giải pháp tốt để cải thiện cơ sở hạ tầng cả về chất lượng và mặt thời gian, với sự tham gia của tư nhân, làm giảm thâm hụt ngân sách chính phủ, tính chất bảo dưỡng dự án tốt hơn. Tuy nhiên, mô hình này cũng gây ra nhiều tranh cãi, trong đó có việc nhà đầu tư sẽ áp giá đền vụ để nhận những rủi ro xảy ra, và lạm dụng chính sách này để đầu cơ vị trí đất hay gia tăng giá trị các dịch vụ - hàng hóa của mình.
Trong thực tế, dự án đường vành đai 2 (Hà Nội) do Vingroup đầu tư khiến báo giới chính thống ngay sau đó phải đặt câu hỏi : liệu nhà đất xung quanh (dự án) sẽ dậy sóng ? Cụ thể, tuyến đường sẽ kết nối các điểm vàng mà Vingroup có sự hiện diện, bao gồm cả việc hình thành các trung tâm thương mại, chung cư. Có thể dễ dàng nhìn ra ở tuyến Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, khi hoàn tất thì tuyến đường Minh Khai sẽ được mở rộng, và Times City, thành phố của Vingroup với hệ sinh thái gồm Vinmec, Vinschool, Vinhomes sẽ được hưởng lợi trong việc gia tăng giá trị khi nằm trên khu đất này. Hay đúng hơn nó chứng minh cho nguyên tắc tỷ lệ thuận giữa giá đất với cơ sở là hạ tầng hoàn thiện (đường, điện, trường trạm).
Trong Sài Gòn, Vingroup cũng tham gia chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh với việc ứng ra 1.100 tỷ đồng, con đường này lại dẫn đến Vinhomes Ba Son, khu vực đắc địa mà bản thân Vingroup sở hữu được.
Quay trở lại với Đình Vũ – Cát Hải, nơi được báo giới phác họa từng là làng chài nghèo (tương tự Thâm Quyến – Trung Quốc). Nhưng điều đó đã khác khi mà cầu Tân Vũ kết nối đất liền với đảo này, trị giá 11.849 tỷ đồng (trong đó phân nửa là vốn vay ODA) vào hoạt động, và cầu này trợ giúp cho nhà máy trị giá 3,5 tỷ USD của Vingroup trở nên giá trị hơn. Trước đó, vào năm 2008, khu vực này được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quy hoạch là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm, ven biển của cả nước. Hiểu đúng là, khu vực này đã được lót bằng cơ chế - chính sách cho dự án 3,5 tỷ USD của Vingroup, chưa kể hàng loạt chính sách về thuế mà tập đoàn này được hưởng bởi Chính phủ.
Cầu vượt biển Đình Vũ-Cát Hải dài nhất Việt Nam.
Chưa dừng tại đó, khi cầu Đình Vũ – Cát Hải vào hoạt động, giá nhà đất của khu làng chài này tăng vọt. Và một giả thiết mà Facebooker Trương Ngọc đặt ra là, liệu có phải Vingroup đặt nhà máy tại đây, nhưng cái nhắm đến lại là nguồn lợi đất đai, vốn sẽ được hưởng lợi theo Khoản 1 – Điều 62 Luật đất đai 2013, một điều luật mà cho phép thu hồi giá đất rẻ nhằm mục đích ‘phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng’ ?. Dù quan điểm này chưa mang tính vững chắc, nhưng tại đảo Cát Hải (Cát Bà) đang được định hướng như một đảo ngọc (trung tâm du lịch) và dịch vụ cảng biển, và tại đây, nhiều tập đoàn bất động sản hiện diện, trong đó có cả Sungroup và Vingroup.
Trong một nghiên cứu về ‘chính trị đất đai’ trong chế độ xã hội chủ nghĩa thị trường của nhóm tác giả Hoang Linh Nguyen, Jin Duan, và Guo Qin Zhang 2, cũng đề cập đến Điều 62 Luật đất đai 2013, như là yếu tố chiếm đoạt đất đai mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bất động sản vì ‘lý do công cộng’. Và định nghĩa này cũng bị lạm dụng bởi việc ‘xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu công nghệ cao’. Chính điều này nó phản ánh sự can thiệp chính trị của nhà nước vào thị trường đất đây, phản ánh ý chí đơn phương của Chính phủ trong phát triển địa phương (thay vì nhu cầu nội tại), và chính vì vậy, quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam là cơ sở đều tiết sử dụng đất hơn là phát triển ‘lợi ích công cộng’.
Trong khi đó, giá đất chính thức tại mỗi tỉnh được điều chỉnh hàng năm để phù hợp với giá trị đất thay đổi trên thị trường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy, giá đất chính thức đã không phản ánh giá trị đất hiện hành. Tỷ lệ đề xuất giá trị đất ở địa phương thấp hơn 30–70% so với giá trị thị trường ước tính. Và hệ thống định giá đất của Việt Nam đã giúp giảm chi phí đền bù đất, làm tăng lợi nhuận đầu tư.
Trở lại với Vingroup, rõ ràng, dự án đầu tư của tập đoàn này vào ‘làng chài nghèo’ đã đón nhận sự hỗ trợ rất lớn về mặt chính sách, bao gồm cả Điều 62 Luật đất đai, và điều này liệu biến Vingroup trở thành một hình mẫu lý tưởng của cái gọi là ‘chính trị đất đai’ không ?
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 04/10/2018
Đứng trước một đám đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được chia sẻ như là một hoàn cảnh đáng thương, nhưng đồng thời, nó biểu hiện cho một sự bẻ vỡ tôn trọng về ý thức và lòng tự tôn dân tộc.
Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên Hiệp Quốc trong hơn 70 năm qua’ (!)
Không phải là sự lên án hay cảnh báo về cường quyền, vốn bị cho là nước nhỏ và yếu – không có tiếng nói tương xứng. Mà là những tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam về đảm bảo quyền con người.
‘Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên Hiệp Quốc trong hơn 70 năm qua’, trong đó có ‘đảm bảo quyền con người,’ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu trong Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại Hội đồng ‘Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên Hiệp Quốc trong hơn 70 năm qua’.
Thủ tướng Việt Nam chính thức nhấn mạnh điều mà Hà Nội làm rất yếu kém trong thời gian qua như là một niềm tự hào về thành quả mà Hà Nội đạt được, cũng như là luận cứ chắc chắn phản bác lại các luận điệu mang tính thù địch.
Tuy nhiên, quyền con người mà Thủ tướng tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc là một ngôn ngữ ảo diệu và gây bật cười cho khá nhiều người, bởi phát biểu diễn ra khi Việt Nam tăng cường bắt bớ, tuyên án nặng và tống giam những người bất đồng chính kiến. Chỉ tính riêng thành phố Cần Thơ, tòa án thuộc thành phố này này trong tháng Chín đã tuyên án 04 Facebooker vì thực thi hành vi tự do ngôn luận được quy định ở Điều 25 (Hiến pháp 2013) . Trong khi đó, một nhóm 09 người trong nhóm ‘Hiến pháp’ đã bị bắt giữ trong bí mật.
Trong một diễn biến trước đó, bà Debbie Stothard - Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế về Nhân Quyền bị từ chối nhập cảnh khi đang đến Hà Nội để tham dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á 2018 với lý do ‘an ninh’. Và giờ đây, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam lại lên tiếng tự hào và cam kết về quyền con người.
Việt Nam từng ra sách trắng về Quyền con người, một quyết định 1309/QĐ-TTg về đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, những chuyển biến về con người trong mặt thể chế là chưa có gì mới, chính yếu tố ‘an ninh quốc gia hay sự tồn tại bất diệt của Đảng Cộng sản Việt Nam’ đã trở thành một yếu tố gây cản trở và tranh cãi trong quyền làm người ở Việt Nam.
Do đó, những tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Liên Hiệp Quốc là sự ‘nhắc lại’ những gì mà Việt Nam đã thực hiện được trong quá khứ hơn là một cam kết mang tính hành động. Và chính điều này cũng tạo ra một sự u ám trong bầu không khí nhân quyền trong thời gian tới, trong bối cảnh chưa có một giải pháp hoặc một động thái tích cực nào từ phía chính quyền.
Thứ hai, nếu bản chất có sự ‘tiến triển’ thì quyền con người của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay nhà nước Việt Nam nhắm đến là bảo vệ phụ nữ, trẻ em thay vì mở rộng quyền dân sự - chính trị, vốn được cho là làm suy giảm quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và chính yếu tố phụ nữ, trẻ em này sẽ tạo ra một giá trị đẹp mà Việt Nam có thể sử dụng để báo cáo về thành tích nhân quyền của mình đến Hội đồng bảo an, và nó là cơ sở để Việt Nam tự tin rằng, 'Việt Nam xứng đáng góp mặt tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc'.
Vì thế, khi Thủ tướng khẳng định Việt Nam ‘bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người’ thì cùng lúc đó, giá trị bài phát biểu trở về 0 bởi yếu tố ‘đối thoại và hợp tác’ chưa bao giờ được diễn ra với những người bất đồng chính kiến trong nước, và cả đối với các tổ chức nhân quyền quốc tế. Nó chỉ thể hiện trên câu nói, văn bản, như cách mà Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng từng chia sẻ là ‘không ngại khi đối thoại với những khác biệt’ – vốn gây nhiều hy vọng để rồi nhanh chóng sụp đổ trước đấy.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì thế nên được xem như một bài phát biểu kiểu mẫu và soạn sẵn với những mỹ từ đẹp. Đặc biệt, ‘hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc’ mà Thủ tướng nhấn mạnh lại chính là những yếu tố đang bị phong tỏa tại Việt Nam, khi hòa bình nhưng thiếu tự do, và vì thiếu tự do về quyền con người nên tính thịnh vượng mãi mãi là ‘mong mỏi, khát vọng’ của chính người dân Việt Nam, chứ không phải lãnh đạo Việt Nam.
Việt Nam chưa bao giờ thể hiện tinh thần cầu thị trong quyền con người, mà là một sự khôn lõi trong lựa chọn cái quyền nào được thoải mái ở Việt Nam, quyền nào không. Trong khi, bản chất của quyền là điều mà dân cần được làm, và pháp luật không cấm ; nó không phải thứ để ban phát hay kiềm kẹp, nó là điều phổ rộng, không phải là thứ chọn lọc cái nào được và cái nào không.
Tinh thần kép mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng với các nước lại là thứ Việt Nam chưa bao giờ làm được, cụ thể nhất là giữa cam kết về quyền con người và thực hiện nó.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 01/10/2018
Người đứng đầu nhà nước, ông Trần Đại Quang vừa mất vào sáng ngày 21/09, kết thúc chuỗi bi cực vào cuối đời.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời lúc 10g05 ngày 21.9.2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh : Hoàng Hà.
Ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang (Chủ tịch nước) mất, khi cuộc chiến đốt lò nhằm vào đơn vị cũ của ông vẫn đang diễn ra… Và nhiều người tin rằng, sự ra đi lần này sẽ khiến cho nhiều kẻ vui mừng, bao gồm cả những nhóm lợi ích đang tồn tại.
Người từng một thời hét ra lửa ở cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, oai phong lẫm liệt ở lễ Tuyên thệ Chủ tịch nước,… đã sớm xuống dốc về mặt thần thái và sức khỏe, và chưa hết nửa nhiệm kỳ, người dân chỉ thấy một Chủ tịch nước héo khô về mọi mặt.
Suy cho cùng, ai cũng sẽ chết, nhưng tựu trung có cái chết vang danh, cảo thơm và có cái chết để làm nhiều tai tiếng và khinh bỉ của người đời. Có lẽ, hơn ai hết, vào những ngày cuối đời, ông Chủ tịch nước đã phải lắng nghe được lương tri và cái bi thảm nhất của con người quan chức xã hội chủ nghĩa, giờ khắc mà mạng sống như những ngọn nến thắp lên trong đêm bão.
Là một người đứng đầu nhà nước, nhưng cái quyền được chăm sóc sức khỏe bản thân cũng không có. Đó phải là một quan điểm mang tính bịa đặt, xuyên tạc không ? Không, vì tính trong nửa tháng trở lại đây, một người hom hem tiều tụy, gầy sọp, viền môi đã đổi sắc, khẩu hình có hiện tượng co dúm lại nhưng phải buộc phải gồng mình để làm ‘nhiệm vụ chính trị’, nói đúng hơn vào những ngày cuối đời, ông Chủ tịch nước buộc trở thành một xác chết biết đi.
‘Tao khỏe, có chi mô’, câu nói đầy bi đát của ông Nguyễn Bá Thanh ngày nào giờ vận đúng ông Trần Đại Quang. Nhưng so với ông Thanh, thì ông Quang còn bi đát hơn nhiều.
Ngày 18/09, ông Chủ tịch nước còn cùng với Bộ Chính trị họp cho ý kiến về các đề án chuẩn bị trình Hội nghị trung ương 8.
Ngày 19/09, ông Chủ tịch nước hom hem trong bộ comple rộng thùng thình tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc.
Ngày 20/09, một lá Thư chúc Tết Trung thu được ký bởi ông Chủ tịch nước.
Nghĩa là trước khi mất 3 ngày, ông Chủ tịch nước buộc phải dùng chút hơi tàn, lực kiệt để đảm nhiệm vai trò ‘Chủ tịch nước’.
Có điều nào phi nhân bản hơn đến thế ?
Vấn đề, nếu ông Chủ tịch nước xin nghỉ thì ai sẽ chấp nhận, hoặc bản thân ông có chấp nhận không khi những di sản ông tạo ra trước đó đang bị ‘đốt’, có vẻ ông gắng gượng sống để chống đỡ ? Đặc biệt là sự vụ liên quan đến Vũ ‘nhôm’ và những sai phạm bị phanh phui trong nội bộ Bộ Công an ? Hay đây chỉ là cách ‘hành hạ nhau’ bằng việc vắt kiệt sức hơi tàn của ‘địch thủ’ trong những ngày cuối đời ? Hay đơn thuần, ông Chủ tịch nước muốn chứng minh bản thân mình là một đảng viên mẫu mực, người sẽ cống hiến đến hơi thở cuối cùng ?
Có vô vàn lý do đặt ra, nhưng suy cho cùng, ông Chủ tịch nước phải trả một cái giá rất đắt trên thành cao quyền lực.
Tiếp theo là, ai sẽ thay thế ông Chủ tịch nước ? Người đó sẽ như thế nào, có phải là một Bí thư thành ủy phía Nam để làm hài lòng về tính trung lập trong Bộ Chính trị ? Hay là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện thời, người với những câu nói vô thưởng, vô phạt ? Hay là Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, người có sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề áp dụng đặc khu ở Việt Nam ? Có lẽ với nhiều người, trong hệ thể chế xã hội chủ nghĩa, thì bất kỳ ai lên thay, cũng sớm trở thành ‘cột mục ruỗng’. Do đó mà ngay cả chuyện tang lễ là chuyện buồn, Quốc tang là chuyện trọng đại, nhưng sự mất mát của người đứng đầu Nhà nước trong bối cảnh BOT vẫn còn nhiều, biệt phủ vẫn còn tồn tại, và thuế xăng dầu vừa mới tăng,… thì buồn nào đáng hơn ?
Nỗi buồn và nghi vấn
Dân buồn về xã hội trì trệ, thuế phí tăng cao hơn việc một ông Chủ tịch nước không có quá nhiều thành tích nổi bật cho xã hội qua đời, nhưng cũng với sự ra đi lần này, hẳn để lại nỗi buồn rất lớn đối với những người nằm trong phe phái của ông, những người đang đối diện với cuộc chiến đốt lò. Bởi từ nay, lá chắn Chủ tịch nước đã không còn tồn tại, và câu chuyện dọn dẹp sạch sẽ củi lò trong Bộ Công an và những vụ việc có liên quan đến Bộ này trong thời gian tới sẽ được tăng tốc hơn.
Ông Chủ tịch nước ra đi lần này, cũng để lại một nghi vấn về nguyên trạng cái chết của ông, mắc phải virus hiếm gặp, hình thành 'bệnh chưa có thuốc để điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn lại và đẩy lùi một thời gian', hay những cái chết kỳ cục của giới chức cộng sản.
Và điều bi đát đọng lại là, ngay cả khi mất đi, cái năm sinh trên bia mộ của ông Chủ tịch nước cũng không được trở về chính xác, gian dối ám vận vào cả khi nằm xuống. Cuộc đời của ông Trần Đại Quang, xét cho cùng, ‘Ham hố tiền bạc (trọng ngân) nhưng không chịu tu nhân tích đức, khiến cho phúc mỏng (bạc phúc) thì của nả, tài sản cũng mất hết. [một câu nói vô danh]’
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 21/09/2018
Làm thế nào để một người tử tế làm 'đúng quy trình' khi trong tay ông ta nắm trong tay quyền lực tuyệt đối ? Câu trả lời là rất khó, cực khó và siêu khó.
Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và ông Trương Minh Tuấn (phải) là hai người từng kinh qua chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nay đang đứng trước kết luận điều tra về sai phạm từ Đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam.
Trên website của Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận định, ông Nguyễn Bắc Son - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - có biểu hiện 'độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền,' vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, bỏ qua vai trò lãnh đạo tập thể và vô hiệu hóa cả Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông.
Ba cụm từ đầy khắc nghiệt và mang tính chất đấu tố chỉ thẳng vào ông Nguyễn Bắc Son : độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền.
Gia trưởng ?
'Gia trưởng' là một cụm từ chỉ về thái độ bề trên, nhưng không bề trên sao được khi ông vừa là Thủ trưởng cơ quan đơn vị, vừa là Bí thư Ban cán sự đảng ? Tức lúc này ông Son lãnh đạo chính mình, tiếng nói của ông trở thành chỉ đạo khuôn phép cho một ban tập thể, quy chế có nghĩa lý gì khi bản thân nó không thể kiểm soát được điều đó ? Và dường như ai cũng vậy, khi đã lên được 'cấp lãnh đạo' thì tính vô hiệu của quy chế lại càng lớn.
Gia trưởng cũng chỉ ra hành vi của một cá nhân 'đã thực hiện hành vi của mình 'không dựa trên sự tự do, tự chủ' của một người, hội nhóm', nhưng đặt vấn đề là Ban cán sự đảng có chịu thực hiện sự tự do, tự chủ của quy chế, hay đơn thuần là 'đồng thuận cao' như cách mà rất nhiều ban cán sự đảng khác trên khắp cả nước đã và đang thực hiện ? Nói cách khác, không dựa trên quy chế, mà dựa vào chính quyền uy đã khiến một tập thể tự tước đoạt đi sự tự do, tự chủ của mình, và ông Nguyễn Bắc Son từ đó 'danh chính ngôn thuận' mà thôi. Giả như chứa đựng 'tự do, tự chủ' thì ngay từ đầu giai đoạn của các dự án vi phạm, thì đã phải cần tuýt còi rồi, chứ không phải chờ đến lúc ông Son về hệ số 'Nguyên' thì mới lôi lên lại và chỉ sai phạm.
'Gia trưởng' là thường áp đặt trong một hệ thức gia đình, có nghĩa là cùng chung dòng máu với nhau, ở đây 'gia trưởng' ám chỉ ông Nguyễn Bắc Son là 'anh cả' trong gia đình ban cán sự đảng thuộc đảng bộ Bộ Thông tin và truyền thông, tức là mang tính chất nội đảng, thế nhưng khoản tiền sai phạm lên đến hàng ngàn tỷ đồng Việt Nam mà kết luận chỉ ra lại là tiền của phía Nhà nước. Điều này đồng nghĩa rằng, khi 'tự do, tự chủ' không phát sinh trong tập thể đảng, thì hàng ngàn đảng bộ sẽ tiếp tục đốt tiền như thế, hệ quả kinh tế - xã hội mang lại thường 'thất bát'. Sẽ chẳng có cái gì có thể ngăn cản được điều đó, nếu dựa vào kỷ luật, thì chính kỷ luật đảng chỉ làm gia tăng thêm quyền nội bộ đảng, quyền 'gia trưởng', chứ không phải là quyền giám sát. Bản chất của giám sát là ở bên ngoài, nhưng làm sao được khi mà đảng viên bị cấm bàn về xã hội dân sự và thể chế tam quyền phân lập ?.
Chống tham nhũng bế tắc ?
Các diễn giải nêu trên cho thấy rằng, cuộc chiến chống tham nhũng và vạch ra các sai phạm của các cá nhân từ đảng ra là đáng trân trọng, tuy nhiên rằng - điều quan trọng của cuộc chiến này là thiết lập một cơ chế để ngăn chặn quyền lực thay vì một cơ chế mà để cho quyền lực có khả năng 'gia trưởng'. Điều này Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện nhiều năm qua, nhưng chủ yếu là mang tính hình thức cao. Bản thân cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiến hành chỉ là sự thiết lập một số đầu mối nhằm 'răn đe', nhưng tính răn đe sẽ nhanh chóng bị thoái hóa nếu như bản thân cơ chế giám sát không được định hình ngay sau đó. Và như đề cập ở trên, giám sát mang tính nội đảng sẽ hoàn toàn vô hiệu, vô hiệu bởi tính đứng đầu và chỉ đạo, chừng này tính lãnh đạo và quyền uy của đảng viên trong bộ máy vẫn còn duy trì thì chừng đó tiếp tục sẽ cho thấy quyền lực được thao túng. Và lợi ích thì gia trưởng sẽ lớn hơn cả nỗi sợ bị răn đe thông qua vài ba vụ việc nêu trên.
Không ai có thể lấn lướt một tập thể, nhưng một tập thể có thể 'đồng thuận, thỏa hiệp hoặc chùn tay' trước chỉ đạo, nếu đặt vai trò của ông Nguyễn Bắc Son là làm trái quy trình là nóng vội, thì phải chăng nếu ông làm đúng quy trình, sử dụng sự chỉ đạo của mình để tạo đồng thuận cao, thì ông sẽ thoát nạn ? Lúc đó hẳn ông Nguyễn Bắc Son sẽ may mắn hơn bây giờ, vì chính cái 'quy trình' sẽ là bệ đỡ cho ông về mặt trách nhiệm, và vì là Thủ trưởng đứng đầu một đơn vị (tức đại diện tập thể), cho nên ông sẽ thoát khỏi sự truy tố về mặt luật pháp lẫn mặt đảng.
Kiểm soát bị bỏ qua ?
Câu chuyện lúc này sẽ đặt ra là, làm thế nào để kiểm soát quyền lực của một cá nhân và không cho phép cá nhân đó có thể 'gia trưởng' hoặc 'sai phạm đúng quy trình' ?. Cách tốt nhất vẫn là tăng cường giám sát từ bên ngoài vào, và một trong những yếu tố đó là xã hội dân sự. Nhưng xã hội dân sự lại bị cấm bàn đến trong đội ngũ đảng viên ? Điều này lại mở ra một hướng suy luận mới, đó là thực chất của cuộc chiến 'đốt lò' chỉ là sự sắp xếp lại trật tự phe nhóm, hơn là một sự thúc đẩy minh bạch, phòng chống tham nhũng trong chính quyền nhà nước. Sự đi xuống của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cũng có thể được xem như một biểu thức của sự đi xuống của một phe phái trước mỗi kỳ Đại hội mới mà thôi. Và đấy còn gọi là điểm yếu của tính quyền lực tuyệt đối : cao ngạo, chuyên quyền đến khi chết đi.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trong một tuyên bố có liên quan đến đề án Đô thị thông minh, ông khẳng định nó sẽ tạo môi trường sống tốt, nâng cao mức sống của người dân.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh : Hoai Nam
'Người dân phải được hạnh phúc, có nhà ở, phải được đáp ứng các nhu cầu của mình, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng', ông Bí thư Thành ủy cho hay.
Cùng lúc đó, báo chí trong nước cũng đưa tin, hai vợ chồng Sài Gòn bị đâm nhiều nhát vì chống lại cướp.
Nếu Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh, thì đồng nghĩa Thành phố Hồ Chí Minh đã không tạo đủ điều kiện cho con người thành phố sống được trong sự bình yên, chưa nói đến hạnh phúc. Và nếu hạnh phúc là bao gồm sự bình yên, thì con đường phấn đấu đến 'hạnh phúc cho dân' sẽ là một chặng đường dài không tưởng.
Người dân cần bình yên, thưa Ngài Bí thư
Đáng ra, thay vì tiến hành một đề án vĩ mô như đô thị thông minh, nơi người dân có thể giao tiếp với nhà nước qua mạng internet, thì lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có thể gia tăng hoạt động phòng chống cướp giật trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tăng cường đội tuần tra cấp xã/phường/quận/huyện. Và lúc đó, hẳn nhiều người sẽ tín nhiệm rất nhiều ông Bí thư thành ủy.
Thế nhưng, qua bao đời Chủ tịch, Bí thư, nạn cướp giật ngày càng trở nên hung hăng, với những thủ đoạn tàn bạo, cướp ở khắp mọi nơi từ quận trung tâm ra ngoại thành. Chính quyền thành phố than do 'lực lượng an ninh mỏng, số lượng người nhập cư đông, địa bàn phức tạp', thế nhưng, người dân biết rõ đó là cái cớ truyền thống mà bao năm nay họ luôn tìm cách đổ tội, trong khi phí thuế cho an ninh các cấp vẫn nộp đều đặn hàng năm.
Cùng lúc đó, mại dâm, cờ bạc, tụ điểm massage... luôn được triệt phá thành công, và có hẳn cả một chuyên án phá đường dây bán dâm trị giá 25.000 USD mà các anh chuẩn bị trong 2 năm. Không phải người viết không gthi nhận, nhưng giá như 2 năm đó các anh tiếp tục nỗ lực 'săn trộm cướp' theo nhóm thì hay biết mấy, vì 'trộm cướp' là việc bức thiết mà người dân đòi hỏi phải 'đẩy lùi' hơn nhiều.
Nếu Chính quyền thành phố không lo nỗi 'trộm cướp' thì hãy chuyển sang lo chấn chỉnh và chuyên nghiệp hóa đội ngũ xe buýt trong thành phố. Bởi một người có thể chửi bới thành phố Hà Nội 'ăn hại đái khai' trong nhiều vấn đề, nhưng đối với xe buýt hoạt động trong thành phố, thì họ lại coi đó là tấm gương mà Thành phố Hồ Chí Minh cần học tập theo. Từ xử sự văn minh của tài xế, đến việc không bỏ chuyến, đón khách tại các điểm đúng nơi quy định, hay chất lượng xe không giống như xe hàng, xe chợ của các thập niên trước.
Thế nhưng, ngay cả chuyện xe buýt đến nay vẫn không được cải thiện quá nhiều, và so với hệ thống lẫn tính văn minh xe buýt tại Hà Nội, thì Thành phố Hồ Chí Minh thua xa. Ngoài ra, gần đây một câu chuyện liên quan đến tầng hầm chung cư 145 Nguyễn Trãi (quận 1) bị chiếm dụng, giữ xe gây nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho cư dân, dù được phản ánh nhiều năm vẫn không được giải quyết, đến mức ông Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phải đăng đàn nêu ý kiến chỉ đạo đủ để hiểu, các vấn đề dân sinh được các cấp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh 'quan tâm' đến mức nào.
Một trung tâm bị bỏ rơi về dân sinh ?
Thành phố Hồ Chí Minh thời còn là mang tên Gia Đình, hay Sài Gòn thu hút người dân tìm đến vì tính 'tao nhã, sôi động, văn minh, nhân bản' của chính nó, thế nhưng từ khi mang tên Người, thì thành phố lại chắp vá, thiếu văn minh và đầy rẫy cướp giật. Không ai giải thích được là vì sao hay như thế nào ! Chẳng lẽ vì đổi tên không đúng phong thủy hay chính vì sự thờ ơ của các cấp lãnh đạo thành phố qua nhiều đời.
Trong bối cảnh thành phố đang nóng chuyện vi phạm của các quan chức xoay quanh vấn đề quy hoạch đất đây, thì một lý do có thể đưa ra để giải thích vì sao thành phố mang tên Người ngày một nát về an ninh - trật tự xã hội, phải chẳng đó là vì bản thân các cấp chính quyền thành phố chỉ hứng thú với chuyện 'đổi chác đất đai' nên 'dân sinh' bị bỏ rơi. Một Thủ Thiêm mà có cả một đường dây sai phạm ở các cấp lãnh đạo khác nhau đến nay vẫn còn chưa dứt điểm, để lại cho hàng vạn người một nỗi đau mất đất liệu có phải là minh chứng tốt nhất về 'mối quan tâm thực sự' của chính quyền ?
Thế nên, khi ông Bí thư thành ủy kỳ vọng 'mỗi người dân là một cảm biến xã hội', nó không chỉ cho thấy ông không nắm tốt tình hình dư luận xã hội, mà cho thấy 'quan điểm' của ông luôn trên mây. Nếu nói theo phong cách, đạo đức cách mạng người cộng sản thì ông đang trong mình tư tưởng 'quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân'. Bởi ai là cảm biến xã hội khi mà bản thân xã hội không tạo cho họ an toàn về mạng sống - tài sản, không cho họ cơ sở vật chất văn minh, và không cho họ cả sự công bình.
Trong tháng 08.2018, ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết 'sự tồn tại của Thành phố Hồ Chí Minh đang bị đe dọa' do mức độ sụt lún cộng với nước biển dâng tăng dần mỗi năm, nhưng đó là về mặt địa chất, còn về mặt xã hội thì nó lại trượt dài hơn rất nhiều, vì niềm tin từ bị 'sút giảm' thành 'sụp đổ'. Câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu, người từng làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (với thủ đô Sài Gòn) giờ lại là nguyên tắc suy luận về cách nói-và-làm của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại.
Một người lãnh đạo, nhất là tại trung tâm thương mại phía Nam, có thể thiếu nụ cười thân thiện, có thể thiếu trình độ tiếng Anh, có thể thiếu cả học hàm - học vị cao, nhưng nhất thiếu không được thiếu sự quan tâm đến vấn đề dân sinh, không được thiếu sự mạnh mẽ trong giữ lời nói và thực hiện nó. Nếu không, thì anh cũng chỉ là con rối không hơn không kém.
Thành phố Hồ Chí Minh, sau 300 năm phát triển, nhưng sự yên bình và hạnh phúc của nhân dân trở thành một giá trị mơ tưởng, như cách mà nhiều người cộng sản mơ tưởng về XHCN vậy.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 17/09/2018
Tại sao đặc khu lại có sức quyến rũ với nhà nước Việt Nam, dù có những thiếu sót đã được chứng minh ?
Chính phủ Việt Nam nhìn thấy đặc khu như là nguồn lực quan trọng trong thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế và cải cách thế chế. Điều không may là, thời kỳ đầu công nghiệp hóa của Việt Nam đã không được tươi sáng cho lắm, và đặc khu lần này - có thể là một canh bạc.
Tại sao lại là đặc khu ?
Sau ba thập kỷ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã thành lập 18 khu kinh tế ven biển với 325 khu công nghiệp được nhà nước hỗ trợ trên toàn quốc. Tất cả được định hình là nơi cung cấp một loạt các ưu đãi cho các nhà đầu tư, bao gồm cả việc cắt giảm thuế (thậm chí là 0% thuế) đối với một số mặt hàng, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn hoặc được miễn, giảm phí thuê đất. Vì phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị tịch thu để công nghiệp hóa vẫn chưa được sử dụng, nên các khu kinh tế hiện có vẫn còn đủ không gian mở cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy tại sao Hà Nội lại muốn nhảy sang đặc khu ?
Một số lý giải về bối cảnh và chính trị trong nước sẽ tạm thời giải thích được quyết tâm của Việt Nam.
Thứ nhất, chính phủ Việt Nam được truyền cảm hứng và thúc đẩy bởi sự phát triển thần kỳ của một số khu kinh tế tự do ở Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Singapore.
Thứ hai, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong nước là rất quan trọng trong bối cảnh những thay đổi toàn cầu được thúc đẩy bởi Cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Thứ ba, chính quyền các cấp tại Việt Nam dù đưa ra những ưu đãi thuận lợi nhất có thể, nhưng không thu hút được nhiều nhà sản xuất có giá trị cao (về mặt công nghệ, quản lý,...) như họ mong muốn. Trong khi đó, đất đai và tài nguyên khoáng sản cho các ngành công nghiệp truyền thống đang bị khai thác quá mức, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và an ninh con người.
Ngoài ra, nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) mà Việt Nam đã ký gần đây, chẳng hạn như FTA Việt Nam-EU và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ sớm có hiệu lực. Những FTA này sẽ góp phần làm giảm mạnh doanh thu thuế và tăng nợ công ở Việt Nam, lý do nằm ở các cam kết loại bỏ thuế và một số được gọi là ‘bẫy thương mại tự do’. Trong khi đó, theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc khu sẽ mang lại hơn 10 tỷ USD mỗi năm từ thuế và các khoản phí liên quan đến đất đai.
Hơn nữa, kể từ khi Đổi mới (1986), Đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận lực lượng sản xuất vật chất và sự tồn tại của các nhà tư bản (tư nhân) là động lực thúc đẩy tiến bộ kinh tế và điều kiện tiên quyết cần thiết cho giai đoạn đầu trong khung xây dựng chủ nghĩa chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa CNXH). Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện tại có những thiếu sót và vẫn không thể đáp ứng nhu cầu lớn cho ‘chủ nghĩa CNXH’ và hội nhập toàn cầu. Tham nhũng tràn lan và thất bại của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - vốn đóng vai trò quyết định và hình thành xương sống của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã nhấn mạnh nhu cầu cải cách thể chế.
Các đặc khu được đề xuất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Đảo Phú Quốc, có thế mạnh địa lý và giàu tài nguyên.
Sự gia tăng các khách sạn sang trọng, sòng bạc và biệt thự tư nhân trong các đặc khu được đề xuất gây ra lo ngại rằng, luật đặc khu sẽ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư bất động sản và đầu cơ đất đai. Ảnh Phạm Đức Thuận
Đặc khu không có bản sắc : Một chút của một canh bạc
Một nhóm người ủng hộ Hà Nội cho rằng ‘phát triển các đặc khu là dọn tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng. Nếu Việt Nam xây dựng tổ nhỏ phù hợp với chim sẻ, phượng hoàng sẽ không đến.’ Nhưng các đặc khu sẽ trông như thế nào và các nhà đầu tư được định nghĩa là ‘phượng hoàng’ ra sao vẫn là những câu hỏi chưa được giải quyết trong dự thảo luật. Những người ủng hộ cũng đồng ý rằng các khu kinh tế tự do phải được thực hiện với ‘thể chế chính trị đặc biệt và các chính sách nổi bật’, thế nhưng dự thảo và luật hiện hành về các khu kinh tế trông rất giống nhau, ngoài thời hạn thuê 99 năm, ưu đãi thuế hào phóng hơn và casino.
Các mục tiêu đã nêu của dự thảo Luật đặc khu khẳng định rằng ưu tiên thúc đẩy các đặc khu bao gồm các ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp ‘xanh, công nghệ cao và dựa trên tri thức’. Tuy nhiên, trong thực tế các lĩnh vực không liên quan hoặc thậm chí đối lập như sân golf, khu du lịch, casino và công việc gia công lại nổi bật trong danh sách các doanh nghiệp và ngành được phê duyệt và khuyến khích. Dự thảo luật hiện hành, nếu không được sửa đổi, dường như ưu tiên nhất cho các nhà đầu tư bất động sản và các nhà đầu cơ đất đai, những người đã chi phối trong ba đặc khu, và các công dân trốn thuế.
Khó khăn hơn là, dự thảo Luật đặc khu không đưa ra bất kỳ ý tưởng đột phá nào vượt ra ngoài khung thiết kế dành cho các đặc khu tương tự ở 13 quốc gia khác trên thế giới, mà các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã nghiên cứu. Kết quả là, luật không hình thành một bản sắc riêng biệt cho Việt Nam. Việc khuyến khích các nhà đầu tư có thể là yếu tố quan trọng trong việc đưa đặc khu vào cuộc sống, nhưng mô hình đặc khu lại không còn là một mô hình thành công trong nền kinh tế toàn cầu theo hướng tri thức ngày nay - trong đó minh bạch, liêm chính và môi trường kinh doanh lành mạnh.
Cần nhắc lại, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có ý định phát triển đặc khu. Ít nhất ba đặc khu đang được hình thành ở Myanmar, trong khi Campuchia và Lào đang trải qua những tác động phụ từ các khu đặc khu của họ (có xu hướng biến thành các vùng đất của Trung Quốc). Vì vậy, Việt Nam có cơ hội suy nghĩ lại và xác định loại đặc khu nào sẽ được xây dựng trong nước : đặc khu theo phong cách Trung Quốc, các khu chế xuất, hay các khu công nghiệp dựa trên tri thức thực sự ? Lựa chọn giữa ba điều này sẽ không dễ dàng đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Hà Nội cần phải suy nghĩ lớn - và khác biệt - khi nói đến các khu kinh tế tự do. Không có ý tưởng mới, chính sách và chiến lược thận trọng để thu hút FDI, các khu công nghiệp Việt Nam có thể không phải là điểm nóng của các đầu tư đặc biệt và cạnh tranh toàn cầu.
Liệu các di sản hiện tại của khu kinh tế có những bài học cho Việt Nam ?
Không thiếu những người hoài nghi về kế hoạch phát triển đặc khu của Việt Nam. Thật vậy, những lời chỉ trích chung về dự thảo Luật đặc khu thường xoay quanh các vấn đề an ninh và lãnh thổ quốc gia, nợ công tăng lên và các cuộc tranh luận về mô hình hành chính được đề xuất trong luật. Sự phức tạp và thất bại của nhiều đặc khu trên toàn thế giới chứng minh có những rủi ro đáng kể mà chính phủ Việt Nam cần phải tính đến một cách cẩn trọng. Do đó, thay vì tập trung vào triển vọng tương lai, việc xem xét lại các vấn đề di sản do các khu kinh tế hiện có sẽ mang lại nhiều bài học quý báu cho các nhà lãnh đạo Việt Nam xem xét cách tiếp cận hiện tại của họ đối với các khu kinh tế.
Thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh rằng chính phủ của ông muốn Việt Nam chủ động tham gia vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng vị trí các đặc khu được đề xuất có phải là vị trí tốt để khởi đầu cuộc cách mạng ở Việt Nam ? Xương sống của các khu kinh tế thành công ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và UAE nằm ở vị trí địa lý của họ, nơi xác định dòng vốn FDI. Ở Việt Nam, rất ít trong tổng số 325 khu kinh tế hiện tại thành công nhờ sự gần gũi với Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. hật vậy, thật khó để thấy bất kỳ logic nào đằng sau sự lựa chọn của Việt Nam đối với các đặc khu, tất cả đều bị cô lập về mặt địa lý, trong khi cơ sở hạ tầng địa phương và các cấp độ kinh tế xã hội vẫn chưa được phát triển, cũng như không phù hợp với các hoạt động kinh tế công nghệ cao. Một số thậm chí còn nói về những địa điểm được lựa chọn này là ‘sai’, vì các đặc khu được đề xuất nằm trong khu vực nhạy cảm về địa vật lý : Vân Đồn ở Vịnh Bắc Bộ, nơi ngư dân Trung Quốc chiếm ưu thế ; Bắc Vân Phong nằm sát cạnh bờ Biển Đông ; và Phú Quốc bên cạnh Khu Kinh tế đặc biệt Sihanoukville (của Trung Quốc) ở Campuchia. Với các chính sách miễn giảm tiền thuê đất dài hạn kéo dài hàng thập kỷ và các chính sách miễn thị thực được quy định trong dự thảo Luật đặc khu, Trung Quốc chắc chắn là thu được lợi ích lớn nhất từ khu vực này, đặc biệt - Việt Nam là khu vực được người Trung Quốc ưu tiên mua đất trong những năm gần đây.
Trong khi chờ đợi 'phượng hoàng', các đặc khu được đề xuất ở Việt Nam đang lấp đầy bởi các quán bar và sòng bạc theo kế hoạch. Hình ảnh : casino Vinpearl Phú Quốc.
Thứ hai, cũng không có quy trình chuẩn hóa về cách tiến hành các đặc khu. Quản lý kém ở phần lớn các khu kinh tế và khu công nghiệp hiện có của Việt Nam, đứng đầu bởi sự suy thoái môi trường nghiêm trọng và chất thải rắn, không còn nghi ngờ gì nữa là một trở ngại lớn. Tồi tệ hơn, có bằng chứng rõ ràng về sự bất cẩn trong việc chuẩn bị của chính phủ cho các dự án FDI. Sự bất lực của chính quyền tỉnh trong các dự án kinh tế nước ngoài càng chứng minh việc thiếu các chính sách giảm thiểu rủi ro và đáp ứng cần thiết cho bất kỳ canh bạc kinh tế nào.
Khi nói đến các đặc khu được đề xuất, ước tính chi phí khoảng 60 tỷ USD (khoảng 1/3 GDP của Việt Nam vào năm 2017), nhưng sự hưởng lợi của người dân Việt Nam từ đặc khu còn mơ hồ. Tương tự như vậy, không có câu trả lời rõ ràng về cách chính phủ có kế hoạch đối phó với nợ công tăng lên do cơ sở hạ tầng chuyên sâu và đầu tư ban đầu, rối loạn xã hội, cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực kinh tế, ngược đảo doanh nghiệp (chuyển giá doanh nghiệp ? - corporate Inversion) và trốn thuế. Số tiền được chi cho các đặc khu có thể đi một chặng đường dài hướng tới hiện đại hóa các trung tâm kinh tế hiện có, xây dựng cơ hội mới, hợp tác mới và tương lai mới cho những người bị bỏ lại phía sau. Chính phủ có nhận ra những vấn đề này ?
Cuối cùng, là câu hỏi : Đặc khu sẽ đưa đến mối liên hệ đáng kể nào giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ?
Việt Nam đang đi trong nền kinh tế toàn cầu và những gì đang xảy ra trong hệ thống giáo dục của Việt Nam chắc chắn có ý nghĩa sâu rộng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với sự hỗ trợ lớn về mặt xã hội và tài chính, nhưng những scandal gian lận gần đây đã châm ngòi cho sự phản ứng kịch liệt của người dân và sự ngờ vực về những cải cách giáo dục liên tiếp được chính phủ bảo trợ (vốn lãng phí hàng tỷ USD trong hàng thập kỷ qua). Mặt khác, nó phản ánh hậu quả không thể tránh khỏi (mặt tối) của chính sách tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào các ngành công nghiệp FDI, chế biến xuất khẩu và ngành công nghiệp cần nhiều lao động. Mặc dù chính sách như vậy dẫn đến một số tiến bộ đáng kể trong nền kinh tế, nhưng cuối cùng một nghịch lý có thể nhìn thấy là : có quá nhiều khu kinh tế được xây dựng nhưng quá ít không gian cho sinh viên Việt Nam được đào tạo về khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Maths) - STEM.
Kết quả là, hàng chục nghìn người có bằng STEM tốt nghiệp hàng năm chỉ để có những cơ hội việc làm rất hạn chế. Công việc chân tay (Blue-collar jobs) chiếm ưu thế ở các khu vực kinh tế của đất nước, nơi dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi lao động chi phí thấp và các ưu đãi lớn (về thuế). Chiến lược FDI này dẫn đến lo ngại, nền giáo dục tốt nhất có thể dẫn đến triển vọng việc làm tồi tệ hơn, khi tỷ lệ thất nghiệp của các sinh viên tốt nghiệp đại học xuất hiện ngày một nhiều. Đặc biệt, gần đây, vụ bê bối kỳ thi quốc gia, trong đó không ít người nằm trong khâu tuyển sinh đã tìm cách nâng cao điểm số của một số người - vốn tìm một chỗ ngồi trong trường đại học tốt nhất, đặc biệt là Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân.
Với scandal gian lận này, rõ ràng là có sự không phù hợp trong nền giáo dục, vốn tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao hơn và mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại đang tạo ra sự nhiều các công việc cấp thấp. Nói cách khác, có một sự mất cân bằng giữa tăng trưởng ngắn hạn và cam kết phát triển bền vững. Rõ ràng, chính phủ Việt Nam đang rất cần có hiệu quả kinh tế tiến bộ để duy trì sự phát triển kinh tế xã hội. Do đó, những đánh giá đầy khả quan về ‘những thành tựu’ của Việt Nam trong phát triển kinh tế trong những thập kỷ qua và chiến lược FDI hiện nay được đóng khung trong luật đặc khu phải được xem xét lại.
Khi dân số vẫn đang già hóa nhanh chóng, thập kỷ tới chắc chắn là thời gian quan trọng quyết định tương lai của đất nước. Đó là cơ hội mà Việt Nam không thể lãng phí.
Nguyễn Minh Quang
Nguyên tác : SEZs in Vietnam: What’s in a Name? The Diplomat, 14/09/2018
Ánh Liên lược dịch
Nguồn : VNTB, 16/09/2018
Nguyễn Minh Quang là giảng viên trường Đại học Cần Thơ và là người đồng sáng lập Diễn đàn Môi trường Mekong. Các nghiên cứu của ông bao gồm chính trị Việt Nam, an ninh môi trường đồng bằng sông Cửu Long và kinh tế chính trị. Ông hiện là bằng tiến sĩ, và là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Xã hội Quốc tế, Đại học Erasmus Rotterdam, Hà Lan.
Vũ-Chí-Dũng, ba người chiến sĩ thuộc lực lượng quân giải phóng Miền Nam, nằm trên ba chiếc võng giữa một khu rừng nguyên sinh thuộc thượng nguồn sông Đồng Nai (1966).
Chiến sĩ thuộc lực lượng quân giải phóng Miền Nam nằm trên chiếc võng giữa một khu rừng nguyên sinh thuộc thượng nguồn sông Đồng Nai - Ảnh minh họa
Vũ-Chí-Dũng, ba người trong ‘cái đói quay quắt’ cùng nhau ‘chấp bút’ một lá thư gửi thế hệ của 5-10 và 50-100 năm sau.
Vũ-Chí-Dũng, gửi đến thế hệ 5-10 năm sau, 'những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa'. Thế hệ được kỳ vọng là 'lao động quên mình', và làm cho 'dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng'.
Vũ-Chí-Dũng, gửi đến thế hệ 50-100 năm sau, 'lời chào xã hội chủ nghĩa', vì 'hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta'.
Lý tưởng cách mạng thời chiến bị bán rẻ trong thời bình.
5-10 năm mà ba người chiến sĩ nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng mong đợi là giai đoạn cuối của chiến tranh, và đến năm 1976, đất nước nối liền về một mối, kết thúc giai đoạn nội chiến. Nhưng trong giai đoạn này, sự 'ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng' vẫn chỉ hiện diện trên những pano tuyên truyền, trong khi thực tế là toàn dân bước vào thời cuộc ‘đói quay quắt’ cùng cực, là sự chia rẽ tối đa giữa người Việt với nhau gắn liền với các cuộc cách mạng tố tư sản và ra đi của hàng triệu thuyền nhân. Chỉ riêng kỳ vọng được 'ấm no' phải mất gần nửa thế kỷ (40 năm) mới tạm được chính thức đến với phần lớn người Việt. Trong khi đó, giá trị 'hạnh phúc, dân chủ, công bằng' gần như vẫn dừng ở mức ước vọng trong vòng kiềm toả của vòng thiết chế chính trị - xã hội.
50-100 năm mà ba người chiến sĩ nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng gửi lời chào ‘xã hội chủ nghĩa’ với 'hạnh phúc và hòa bình tràn ngập' vẫn là một giấc mơ nơi thiên đàng, xa vời đến mức chính người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn bày tỏ sự nghi ngờ. Lời chào 'xã hội chủ nghĩa' giờ đây lại là một hiện thực xã hội chủ nghĩa đầy khắc nghiệt, với sự chuyên chế (Triều Tiên), độc tài (Bắc Kinh, Việt Nam), và cái đói quay quắt (Venezuela),…
'Lời chào xã hội chủ nghĩa' từng gắn liền với lý tưởng của một thế hệ thanh niên trong chiến tranh, giờ đây lại trở thành một câu nói đầy chua chát về hiện thực cách mạng. Nơi ‘giai cấp công nhân’ phải bán cả tuổi thanh xuân để bòn chét từng đồng lương nhằm đáp ứng nhu cầu 'tồn tại' ; trong khi 'nô bộc của nhân dân' thì phởn phơ trong cung cách một nhà đại tư bản sa hoa (biệt phủ triệu USD, rượu Tây ngàn USD, cờ bạc triệu USD, mại dâm ngàn USD, và tài sản kếch sù hàng tỷ USD).
'Lời chào xã hội chủ nghĩa' trở thành một lời chào bị đả kích kịch liệt bởi nạn tham nhũng, quan liêu… Nếu đặt lời chào xã hội chủ nghĩa vào bán đảo Thủ Thiêm – thì nó trở thành những mũi tên giết chết hàng trăm ngàn số phận và ước mơ vốn bị cưỡng bức đất đai. Lời chào xã hội chủ nghĩa mọc lên từ máu và nước mắt của nhân dân, đi lên từ phẫn uất và bất công, và nó trở thành một kẻ thù vô hình của nhóm người yếu thế trong xã hội.
Nếu ba chiến sĩ Vũ-Chí-Dũng sống dậy, ba ông sẽ đối chất như thế nào với thế hệ Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Tấn Dung, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang... Có phải ba ông sẽ chết tức tưởi vì những giá trị xã hội mà các ông đổ máu để hướng tới nay bị đảo ngược. Ba ông sẽ phản ứng như thế nào trước phát biểu rất đỗi hồn nhiên của bà Chủ tịch quốc hội : Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không thể giải trình ! Và ba ông sẽ ứng xử thế nào trước hàng ngàn đôi mắt như ngây dại, căm phẫn từ những dân oan bị tước đoạt ruộng đất để chạy vào túi đội ngũ quan chức mà Nhà nước xã hội chủ nghĩa đang 'yêu chiều, nuôi nấng' ?
Và cũng như thế, ba chiến sĩ sẽ cảm thấy như thế nào nếu biết rằng, những 'đóa hoa tươi đẹp nhất của xã hội chủ nghĩa, sau khi vượt qua thử thách thập niên 90 (thế kỷ XX), dưới 'bom thù của tư bản, đế quốc', lại trở thành hình mẫu tốt nhất để thế giới nhìn vào và định nghĩa được : lạc hậu là gì, đói quay quắt là gì, phản nhân quyền – dân chủ là gì, bất bình đẳng là gì.
Người viết tin rằng, ba chiến sĩ với lý tưởng chưa bao giờ hình dung được lý tưởng xã hội chủ nghĩa tươi đẹp lại bạo tàn trong thực tế như thế. Và cũng tin rằng, nếu sống dậy, có lẽ ba cây AK sẽ chĩa thẳng vào bọn phản bội 'lý tưởng', những kẻ xóa sổ thành quả cách mạng, những kẻ cướp nước và bán nước nhân danh cơ quan quyền lực nhà nước. Hay nói cách khác, những kẻ ôm đất thu lời, những kẻ bán buôn chính sách, những kẻ cản trở quyền con người tại Việt Nam là những kẻ thù số 1 của những người đã chết vì lý tưởng cách mạng khi xưa, bởi họ phản bội tất cả, họ đã biến cái lý tưởng tươi đẹp đó trở thành một lý tưởng khát máu trong mắt nhân dân hiện thời.
Và những kẻ phản bội, những không mở đường cho dân chủ, bình đẳng, ấm no và hạnh phúc không xứng đáng để đề cập đến cụm từ 'lý tưởng xã hội chủ nghĩa của cha anh'.
Bởi tất cả đều nói láo một cách trơ trẽn !
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 12/09/2018
Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong một cuộc họp đã tái khẳng định về việc xây dựng mạng xã hội Việt Nam, với tham vọng sẽ chiếm 60% thị phần.
Tham vọng lớn, lụi tàn sớm
Không phải đến bây giờ, người đứng đầu một cơ quan nhà nước về quản lý báo chí truyền thông mới đề cập đến tham vọng cho ra đời mạng xã hội 'Made in Vietnam', mà từ khi mạng xã hội liên tục có những dấu hiệu làm suy đổ nền tuyên giáo và báo chí định hướng, thì sự ra đời một mạng xã hội có thể kiểm soát được là một nhiệm vụ chính trị.
Gần nhất đây là tuyên bố của ông Trương Minh Tuấn vào năm 2017, khi nhấn mạnh rằng cần phải hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh thì mới hy vọng trong 5-7 năm tới Việt Nam có ứng dụng thay thế Facebook và YouTube.
Tuy nhiên, giữa tuyên bố và hiện thực hóa sự ra đời của một mạng xã hội không phải là dễ dàng, không nằm ở sự ra đời, mà là sự tồn tại và phát triển được (tức thu hút người dùng, tương tác người dùng).
Năm 2007, Vega Corporation - một doanh nghiệp công nghệ cho ra đời trang clip.vn mà nhiều người kỳ vọng sẽ thay thế Youtube, tuy nhiên số phận của nó sớm chìm vào quên lãng khi mà hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng nổi nhu cầu người dùng. Ba năm sau (2010), Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) cũng cho ra mắt Go.vn, và cũng đặt mục tiêu chiếm 40-50% lưu lượng truy cập mạng xã hội trong 5 năm (2015) với 4 triệu người dùng. Dự án này được sự tán thành và ủng hộ của ông Lê Doãn Hợp, bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, nhưng đến giờ nó vẫn đang trong trạng thái 'chết'.
Bản thân tập đoàn Viettel cũng tham gia vào mảng mạng xã hội này khá sớm, từ những năm 2008, tập đoàn này cũng ra mắt dịch vụ mạng xã hội mobile với tên Game EGO, và vài năm sau lại cho mắt MYCLIP cũng với tham vọng tìm chỗ đứng bên cạnh youtube. Dù cách bố trí và cam kết kỹ thuật, cũng như ưu đãi người dùng 3G/4G nhưng MYCLIP chỉ hiện diện số nhỏ trong nhóm người dùng internet tại Việt Nam.
MYCLIP chỉ hiện diện số nhỏ trong nhóm người dùng internet tại Việt Nam.
Với tập đoàn VNG, thì có mạng xã hội Zingme, mạng xã hội này ra mắt người dùng vào năm 2010, sau một năm thử nghiệm đang được triển khai, nhưng sau đó với định hướng game, mạng xã hội Zingme cũng từng bước lụi tàn. Đến năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước thực tiễn phát triển như vũ bão của mạng xã hội Facebook, cũng như Chính phủ lần đầu tiên đối diện với chỉ trích công khai về chủ trương, chính sách của người dân trên mạng xã hội này khiến ông hối thúc đề án 200 triệu USD nhằm xây dựng một mạng xã hội.
Những dự án mạng xã hội nêu trên ra đời trong bối cảnh mà người dùng mạng xã hội Facebook hoặc Youtube còn nhiều giới hạn và chưa phát triển mạnh khả năng 'chỉ trích Chính phủ', tuy nhiên - tất cả đều bị phá sản. Vậy thì lý do nào để tin rằng, khi nhà nhà livestream 'tố cáo, chỉ trích' chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội hiện nay, thì sự ra đời của một mạng xã hội 'Made in Vietnam' lại có cơ hội phát triển ? Và nó phát triển với nguyên lý nào ? Nếu đó không phải là 'tôn trọng sự khác biệt', chỉ chú trọng 'kiểm duyệt thông tin' thì phần trăm nào cho sự tồn tại và phát triển của nó ?
Thế nhưng Quyền Bộ trưởng Thông tin và truyền thông vẫn rất quyết tâm, và ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ cũng tỏ ra tin tưởng, hồ hởi ? Tại sao ?
Luật an ninh mạng và sự bảo hộ vô hình
Luật An ninh mạng với lý do ra đời rất chính trị : bảo vệ chế độ. Luật này được diễn giải qua câu nói đầy ngô nghê của tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phong An ninh : kéo đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam.
Cả hai yếu tố trên cho thấy, quyết tâm kiểm soát bằng được lượng thông tin truyền tải bởi các dịch vụ công nghệ nước ngoài (Facebook, Google ; dịch vụ Cloud,...). Điều này sẽ được bổ trợ dựa trên pháp lý và các biện pháp trừng phạt nếu như không tuân thủ sự kiềm soát.
Và 60% thị phần giờ đây sẽ được hiện thực hóa bằng luật an ninh mạng ; lịch đứt cáp.
Hãy xem cách Trung Quốc sử dụng luật pháp để 'sách nhiễu' Facebook và Google, khiến cả hai không thể thâm nhập hoặc tồn tại đủ lâu để trở thành xu hướng người dùng. Trong khi đó, chính luật pháp về an ninh mạng cũng bảo hộ cho mạng xã hội của Trung Quốc (Sina Weibo, Youku).
Luật an ninh mạng ở Việt Nam dù chưa chính thức có hiệu lực, nhưng Nhà nước Việt Nam cũng mở đường cho sự hình dung của người Việt Nam về hệ quả pháp lý nếu vượt quá 'kiểm soát' trên mạng xã hội Youtube hay Facebook. Và thực tế, trong tháng Tám vừa qua, đã có nhiều Facebooker bị bắt về vấn đề này, liên quan đến tội danh 'bôi nhọ'.
Răn đe những cá nhân đang cổ vũ 'tự do ngôn luận' trên mạng xã hội nước ngoài, áp dụng Luật an ninh mạng ; áp dụng kỹ thuật gây chập chờn trong truy cập mạng xã hội ; đẩy mạnh nâng cấp hệ thống mạng xã hội Made in Vietnam. Đó có lẽ là một tiến trình mà Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đang hình dung như cách ông tuyên bố : Hạ tầng viễn thông, CNTT liên quan đến an ninh quốc gia phải dùng sản phẩm của Việt Nam.
Nhưng sẽ không đảm bảo nguyên tắc tự do ?
Như đề cập trên, chu trình có thể nhận diện là : ra đời mạng xã hội mới ; chặn mạng xã hội Facebook ; chặn theo chu kỳ Youtube ; xác lập hệ thống pháp lý nhằm vào Facebook và Youtube.
Chu trình này có thể thành công ? Có thể, nếu nhà nước Việt Nam hình thành một mạng lưới kiểm soát (bức tường lửa) đủ tốt để ngăn chặn lượng thông tin từ mạng xã hội, bao gồm việc truy tố theo chủ đề các Facebooker như trong thời gian vừa qua. Luân chuyển một lượng người dùng lớn từ hai mạng xã hội này qua mạng xã hội made in Việt Nam.
Hoặc, Nhà nước Việt Nam sẽ hướng tới xây dựng một mô hình làm việc qua mạng xã hội, tức là đảm bảo mạng xã hội mới này được các công chức - viên chức nhà nước sử dụng, như là một phương án triển khai của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động. Điều này cơ bản giống như Zalo, một công cụ OTP đã trở thành một phương tiện truyền tin quen thuộc cũng hầu hết người Việt Nam hiện nay. Cũng có thể, Nhà nước Việt Nam sẽ xây dựng mạng xã hội mới dựa trên nền tảng Zalo, và lúc này, một lượng người dùng rất lớn sẽ nhanh chiếm được Nhà nước Việt Nam chiếm hữu. Đây là cơ sở để hình thành mạng xã hội mới cả về sự ra đời và phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề này có thể bị ràng buộc bởi nhiều lý do mà bản thân Nhà nước Việt Nam chưa hoặc không thể sẵn sàng cung cấp. Cụ thể là sự tự do, sự tự do trong ngôn luận, tự do về mặt truyền tải và chia sẻ thông tin - quan điểm. Gần như khi mạng xã hội mới ra đời, nó sẽ xóa bỏ thuộc tính tự do này, bởi suy cho cùng, một mạng xã hội được cung cấp bởi Nhà nước thì nhiệm vụ chính trị là chính yếu, trong đó kiểm soát thông tin và dập tắt chỉ trích (như Trung Quốc vẫn đang tiến hành, hoặc Việt Nam qua kiểm soát hệ thống tin nhắn trên mạng di động). Vấn đề là, con số người dùng ưa đề cao tính tự do không hề ít ỏi. Nhiều người dùng sẵn sàng rời bỏ một mạng xã hội nếu mạng xã hội đó bị một Chính phủ tác động sau lưng. Và thực tế, số lượng người dùng mạng xã hội Facebook chuyển sang Minds đã chứng minh sự sẵn sàng rời bỏ một công cụ/phương tiện nếu như nó bị tác động bởi Chính phủ.
Và còn gì nữa ?
Một tham vọng ra đời mạng xã hội Việt Nam cũng cho thấy một góc cạnh khác, cụ thể, sự kiện Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông lên tiếng như vậy cũng là một sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển internet tại Việt Nam. Sự kiện này vừa biểu hiện một hiện thực kiểm soát trong thời gian sắp tới, và chu trình phát triển người dùng internet có thể bị nghẽn, nhưng quy luật phát triển internet gắn liền với tự do là không thay đổi, nhất là khi mạng xã hội tự do tạo điều kiện cho người dân nói lên tiếng nói của chính mình.
Kế đó, sự tuyên bố này ra đời sau khi Luật an ninh mạng được giới thiệu và thông qua. Tuyên bố lần này được bổ trợ khá tốt bởi luật, và sự hỗ trợ của cuộc cách mạng 4.0 của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Như vậy, tỷ suất ra đời của mạng xã hội lần này so với các đề án trước đó, và có thể tập đoàn Viettel sẽ đứng đằng sau dự án này theo cách thức hỗ trợ tốt nhất.
Ngoài ra, dù mức chỉ ở cương vị là 'Quyền Bộ trưởng', nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng đã thể hiện sự mạnh mẽ trong bao quát quản lý, và tối đa hóa quản lý, định hướng bằng được dư luận xã hội, nói cách khác ông muốn xây dựng Bộ Thông tin và truyền thông không phải qua mặt báo chí, mà cái ông nhắm đến là không gian mạng xã hội - nơi mà trong mắt không ít quan chức trở thành một yếu tố mang tính thách thức quyền lực và tính chính danh của chính quyền. Và điều này khiến cho bản thân ông Nguyễn Mạnh Hùng gia tăng quyền lực của Bộ Thông tin và truyền thông trong thời gian tới.
Cuối cùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng có vẻ đã tranh thủ được sự ủng hộ rất lớn từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Khi ngay trong buổi họp, ông Phúc đã bày tỏ sự ủng hộ tối đa đối với ý tưởng được truyền đạt từ Quyền Bộ trưởng Thông tin và truyền thông. Sự ủng hộ này có thể được hiểu như một cách nắm bắt cơ hội và tạo cơ hội cho việc hình thành một dấu ấn mang tính 'cách mạng 4.0' hay không ? Nhất là khi mà ông Phúc đang vật lộn trong chủ thuyết 4.0, khái niệm đang gặp sự chỉ trích từ dư luận xã hội vì mang tính 4 không : không nhân lực, không kinh nghiệm, không vốn, không hạ tầng cơ sở. Và hình thành mạng xã hội Made in Việt Nam có thể là cơ hội để ông Phúc ghi dấu ấn về 4.0.
Như vậy, bản thân đề án này sẽ là một đề án lớn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Yếu tố này hiện diện cực kỳ mạnh mẽ và đảm bảo giá trị kiểm soát về bộ mặt thông tin của Nhà nước Việt Nam, giúp Việt Nam nhanh chóng tiệm cận với giá trị kiềm soát tư tưởng từ Trung Quốc ?.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 10/09/2018
Trong gần 1 tháng quá, vấn đề tiếng Việt gây xáo động rất lớn trong dư luận liên quan đến chữ viết cải tiến của Phó Giáo sư Bùi Hiền và Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Càng cải cách qua Đổi mới sách giáo khoa, thì càng có nhiều tiền 'chia nhau'
Say mê chửi
‘Chửi’ là hình thức phổ biến nhất được thấy trong mạng xã hội, nhất là đối với hệ thống nhận tiếng bằng hình tam giác, vuông, tròn của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
‘Chửi’ là sự bất mãn với một vấn đề, nhưng nó cũng chỉ ra sự ‘bất lực’ về mặt lý luận với vấn đề đó. Không khó để nhận ra, việc chửi chỉ gắn liền với những từ ngữ thô lỗ và xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác. Và khi ‘chửi’ thì đồng thời sự tôn trọng, phản biện dường như biến mất.
Người viết đồng ý với Facebooker Phan Thanh Thanh Chúc rằng, chị thấy đáng sợ những người ngồi chửi giáo sư Đại. Bởi ở đó nó lấp lửng một chút gì đó thiếu hiểu biết, một chút gì đó lười, và một chút gì đó bảo thủ.
Một đứa trẻ vào lớp 1 làm được, tại sao người lớn không làm được việc nhận diện tiếng qua hình ?
Một đứa trẻ vào lớp 1 chưa biết khai niệm trừu tượng chữ nghĩa, tại sao cứ bắt các em nhận diện rõ ràng mặt chữ.
Một đứa trẻ tại sao cứ phải là ‘Bờ, bờ a ba’ trong khi một phương thức tiếp cận khác giúp các em hiểu nhanh hơn ?
Và đến khi nào, những người đang say mê ‘chửi’ mới nhận ra rằng : Phương pháp của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không làm ảnh hưởng đến việc học sinh biết chữ và nhận mặt chữ, mà nó giúp trẻ định hình được tư duy ngay từ bé.
Và đến khi nào, những người đang say mê ‘chửi’ mới nhận ra rằng : sáng kiến của Phó Giáo sư Bùi Hiền – người đòi cải cách chữ viết tiếng Việt, khác với phương pháp dạy trẻ học về âm rồi mới bắt đầu ghép vào chữ cái để đọc của Giáo sư Hồ Ngọc Đại ?
Rõ ràng, điều cản trở sự phát triển tư duy đa chiều ở Việt Nam chính là ‘chửi’, là sự độc tôn phương thức đánh tiếng truyền thống và coi đó là một chân lý vĩnh cửu. Một khi chúng ta chưa tôn trọng sự khác biệt, chúng ta có đủ điều kiện và phẩm chất để chạm vào cái gọi là ‘dân trí cao’ ?
Người viết không sợ hay ngại những phản biện thẳng thắn và quyết liệt đối với cách đánh tiếng của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đặc biệt càng trân trọng những phương thức phản biện như của Giáo sư Nguyễn Văn Lợi (nguyên Phó Viện trưởng, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam) trên báo Lao Động, hoặc một phần bài viết của tác giả Nguyễn Minh Tuấn trên VNTB. Nhưng cả hai trường hợp này đều là phản biện ngôn ngữ ôn hòa và có dẫn chứng, chứ nó không phải là sự ‘chửi bới, lăng mạ’ kéo dài như thời gian qua.
Chửi và tự biến mình thành chiến binh bảo vệ lợi ích nhóm ?
Vấn đề của đám đông ‘chửi’ là chúng ta bị dắt mũi bởi một hệ thức ‘1 con số 7 và 13 con số 0’. Con số này do Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa ra, và nếu viết tròn trịa thì đó là con số thuộc Đề án cải cách giáo dục trị giá 70.000.000.000.000 (bảy mươi nghìn tỷ đồng) do Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì. Và có vẻ một số tiền khá lớn chi cho sách giáo khoa.
Vấn đề của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nổi lên khi Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam cho ra đời Bộ sách giáo khoa mới, và đồng thời yêu cầu các trường không được phép đăng ký chuyển đổi chương trình dạy sang Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Tại vì sao ? Vì sách giáo khoa là nguồn lợi nhuận khổng lồ, tức càng cải cách thì nguồn lợi càng lớn.
Nói thêm về vụ cải cách giáo dục, bao năm qua chúng ta nhận thấy Bộ Giáo dục và đào tạo đã làm được những gì từ các đề án khác nhau liên quan cải cách ? Không gì cả, ngoài hàng tỷ đồng thu lợi được liên quan trực tiếp đến độc quyền in sách. Chẳng phải ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng lên tiếng về đề án 70 nghìn tỷ đồng, và khi vấp sự phản ứng của dư luận thì con số đó mau chóng rớt xuống còn 962 tỷ đồng ? Nói chính xác, cải cách giáo dục là một kho kim cương mà Bộ Giáo dục và đào tạo luôn tìm cách đào, bòn rút đồng tiền từ xương máu nhân dân - nhân danh cái gọi là giáo dục.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại vô tình rơi vào thế bẫy của Bộ Giáo dục và đào tạo, và ông đã lên tiếng thẳng khi đề cập dãy số 7 và 13 nêu trên, ý chỉ là bên Bộ Giáo dục và đào tạo tìm cách lợi dụng đầu sách của ông để chia tiền. Thế nhưng, khi báo Giáo dục phản ánh thì lại quy về việc Giáo sư Hồ Ngọc Đại thừa nhận chương trình mới cơ bản là để chia tiền qua bài viết : Thầy Hồ Ngọc Đại bàn về chương trình mới : cơ bản là để CHIA TIỀN !
Vấn đề chia tiền cái gì ? Chính là sách giáo khoa. Và trong chương trình phỏng vấn đề cập đến dãy số nêu trên, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã gắn liền với chương trình cải cách của Bộ Giáo dục và đào tạo, không đề cập đến vấn đề công nghệ giáo dục của ông.
Chia tiền là chính là cơ sở mấu chốt của vấn đề đấu đá truyền thông hiện nay. Cụ thể là từ khi báo Giáo dục đăng nội dung : Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh.
Nếu đây không phải đấu đá vì 'ăn chia' không đều trong nội bộ Bộ Giáo dục và đào tạo thì đó là gì ?
Hãy để ý lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại khi phóng viên câu hỏi : 'Từ năm 2019-2020, tức năm học sau đấy, sách giáo khoa mới của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa vào...'. Giáo sư Hồ Ngọc Đại thẳng thắn trả lời : Không hơn gì cái cũ đâu. Nó chỉ chia nhau tiền, để nó làm tiền, không hơn gì hết. Bản chất nó vẫn thế.
Tức bản chất hiện thời chính là chia chác tiền qua sách giáo khoa, còn chương trình thực nghiệm chỉ đơn thuần là công cụ gây tranh cãi khi bản thân sự chia chác này không đồng đều.
Vậy tại sao chúng ta chửi Giáo sư Hồ Ngọc Đại ? Vì ông giáo sư trả lời quá thẳng, quá thật, và quá đau lòng về 'nồi cám heo' mang tên Bộ Giáo dục và đào tạo với chương trình cải cách giáo dục (đổi mới sách giáo khoa) ?
Và chẳng phải tự nhiên mà trang báo Giáo dục (trực thuộc chủ quản của Bộ Giáo dục và đào tạo) lại ‘hăng say) đưa tin và đả kích về chương trình thực nghiệm.
Và khi chúng ta chửi một cách vô cớ Giáo sư Hồ Ngọc Đại, thì vô tình, bản thân chúng ta lại trở thành những chiến binh kiên cường nhất để bảo vệ lợi ích nhóm còn lại - trong Bộ Giáo dục và đào tạo. Lợi ích của hàng triệu học sinh trở về con số 0 tròn trĩnh.
Cần nhấn mạnh rằng, bản thân sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại chỉ là sách mang tính tham khảo, nhưng nó có ý nghĩa mở đường cho việc phá thế độc quyền sách giáo khoa, trong đó nhiều NXB được tham gia soạn và ấn hành. Còn nhóm sách mới năm sau sẽ áp dụng, và tất nhiên, không đến từ Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Rõ ràng, một cộng đồng chuyền tin nhanh là điều tốt, nhưng tỉnh táo trước một sự kiện là điều cần thiết, và trong hệ thức xã hội này, cần nhất vẫn là ngừng chửi lại, xã hội này chửi quá nhiều rồi, chúng ta cần phản biện : khoa học và ôn hòa.
Nếu phản biện sai, thì có người khác chỉnh lại ; nhưng nếu chửi thì sẽ không phân đúng sai. Nghĩa là, không sợ phản biện sai, chỉ sợ chửi.
Khi chúng ta chửi bới, chúng ta không còn thì giờ đặt lại vấn đề phải cứu học sinh - thế hệ tương lai trong nền giáo dục độc quyền và chia tiền ra sao.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 09/09/2018