Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nếu bàn về xã hội Việt Nam thì cũng chỉ xoay quanh chữ : chính trực. Nếu bàn về chính trị Việt Nam thì cũng xoay quanh chữ : chính trực.

nbt1

Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực của địa phương cũng có thể bị khống chế bởi một chỉ thị từ một cơ quan trung ương và kỳ vọng sự chính trực trở nên quá khó khăn đối với các vị dân biểu.

Tại sao tôi không dùng từ ‘tử tế’, rằng ở Việt Nam có những người làm việc tử tế hay có những chính trị gia tử tế ? Nhưng có vẻ nghĩa ‘tử tế’ có phần châm biếm (troll) sau phát biểu của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nên bài viết này bàn về chính trực.

Chính trực là gì ? Nó là đức tính để khiến hành vi một người thực hiện trên cơ sở lương tâm của chính họ.

Trong nền chính trị, chính trực có thể biểu hiện ở việc họ không bị cám dỗ bởi quyền lực, và sử dụng quyền lực ở mục đích cá nhân. Ở một hệ thống chính trị có sự đan xen và giám sát lẫn nhau, tính chính trực có thể được hình thành một cách có điều kiện.

Trở lại Việt Nam, chính trực và phi chính trực có thể biểu hiện rõ nét ở hai con người tại thành phố Đà Nẵng.

Bên ni là Bá Thanh, bên tê là Duy Khương

Một là, Cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương. Người còn lại là, Cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Câu chuyện của hai nhân vật này xoay quanh Vũ ‘Nhôm’ và đường dây lũng đoạn quyền lực, trục lợi đất công tại thành phố biển. Một người chống lại điều đó, người còn lại thì tiếp tay cho điều đó.

Ông Võ Duy Khương, người được Nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ qua một bài viết trên trang điện tử Một Thế giới, theo đó : Ông Khương là thiểu số chính trực hiếm hoi trong Ban lãnh đạo thành phố. Ông không đủ sức cưỡng lại những hành vi vi phạm pháp luật của những người lãnh đạo chủ chốt. Nhưng vì sự phản đối đó mà từ năm 2013, ông bị thư nặc danh và các tin nhắn liên tục gửi tới đe dọa. Cuối cùng, ông bị ép phải rời khỏi chức vụ Phó chủ tịch UBND thành phố trước khi đến tuổi nghỉ hưu.

Còn ông Nguyễn Bá Thanh – thần tượng của cơ số không ít người lại là người có liên quan đến việc biếu đất công sản cho Vũ ‘Nhôm’ và đồng bọn, người có liên quan đến một văn bản ‘ép bán trực tiếp khu công sở (thuộc Sở Tư Pháp Đà Nẵng ở đường Bạch Đằng) cho công ty Vũ Nhôm.

nbt2

Ông Võ Duy Khương - một chính khách Đà Nẵng

Ông Bá Thanh cũng là người khiến cho ông tướng Trần Văn Thanh, người từng làm Chánh Thanh tra Bộ Công an phải ‘sợ’, và khi Vũ ‘Nhôm’ bị bắt thì ông Thanh mới tuyên bố : Giờ thì không sợ nữa !

Theo như cách nhà báo Hoàng Hải Vân tường thuật lại, thì ông Võ Duy Khương là người chính trực (như cách nhà báo này đặt trên Facebook cá nhân), còn ông Nguyễn Bá Thanh là phi chính trực.

Nhưng ở góc độ nào đó, một người có thể chính trực ở điểm này, cũng có thể không chính trực tại điểm khác. Như cách mà Facebooker Viet Hoang Le chỉ ra, bởi trong một bối cảnh khác thuộc Dự án liên quan đến rừng Sơn Trà, ông Võ Duy Khương lúc đó là Thường trực Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, là người trực tiếp giải quyết bồi thường giải tỏa rừng Sơn Trà, nhưng kết quả đã không có bồi thường nào xảy ra, mà chỉ là hỗ trợ người trồng rừng với mức giá rẻ mạt (1.400 VND/m2).

Như vậy có thể nhận ra, sự chính trực ở một chính trị gia bất kỳ Việt Nam đã hiếm, thì làm sao có thể nói về một sự tử tế của chính trị gia ?

Lãnh đạo thì hay, hay dân thì khờ dại ?

Lãnh đạo nói hay, dân thì khờ dại, nên thành ra ông Nguyễn Bá Thanh mới trở thành ‘Bác Thanh’ hay ‘Thánh Thanh’. Khi ông Bá Thanh còn sống, mỗi lần phát biểu trước một kỳ họp Hội đồng nhân dân nào đó của thành phố, dân các tỉnh lại tấp nập bật Tivi nghe ông nói. Ai chưa có dịp thì lại lên Youtube để xem lại, rồi phản hồi ‘ngưỡng mộ’. Khi ông chết đi, hàng ngàn người đổ ra đường đưa tang ông, một số vị dân biểu thành phố Đà Nẵng còn lên tiếng đòi đặc cách lấy tên ông để đặt tên đường, hay ngay điểm cầu Ngã ba Huế - thì mọc lên quán café Nguyễn Bá Thanh.

Người từng đòi 'bắt nhốt hết không nói nhiều' tham nhũng, lại là người tham nhũng lớn ở cấp địa phương.

Với ông Võ Duy Khương, nếu đặt một mặt mà nhà báo Hoàng Hải Vân chỉ ra, thì ông Khương là người chính trực, và trong hàng tá phản hồi trong bài viết đó, có tới 1,2 nghìn lượt thích, 77 lượt yêu thích, 28 lượt ngạc nhiên, 2 lượt cười, và 2 lượt phẫn nộ. Nhiều phản hồi bày tó ông Khương là ‘cán bộ liêm chính ; kính trọng ông ; người anh mẫu mực ; cán bộ tài năng, liêm khiết’,…

nbt3

Ông Nguyễn Bá Thanh được tưởng nhớ tại một quán cafe.

Nhưng nếu một ngày ông Võ Duy Khương bị điều tra bởi các quyết định sai quy định, ‘nâng đỡ trong sáng’ trong điều hành chính sách nhà nước, thì liệu những ngôn từ biểu thị trên có trở thành một sự phẫn nộ hay không ?

Chỉ biết là, cái câu ‘thời thế, thế thời, thời phải thế’ luôn ám chỉ đúng với môi trường chính trị Việt Nam. Và sự chính trực trong một chính trị gia bất kỳ trở nên cực kỳ khó tồn tại, bởi một thể chế mà một cá nhân có thể lợi dụng quyền lực cấp trên để trục lợi, thậm chí khống chế cả một tập thể quyền lực nhân dân. Cái ‘tập thể lãnh đạo Đà Nẵng’ từng đã phải ‘cúi đầu’ trước cái cơ quan quyền lực to đùng ở Trung ương, để đi đến ‘thống nhất’ bán đất công sản với giá rẻ mạt cho doanh nhân ‘Vũ’ Nhôm đấy thôi ?

Còn người dân, vẫn có sự ngây thơ nhất định, vẫn bị dắt mũi bởi sự kiện mang tính nhất thời của lãnh đạo. Những con người vẫn hằng tin tưởng, trong một cơ chế lạm dụng quyền lực vẫn còn lãnh đạo biết ‘vì dân’.

Và gần đây, là sự nổi lên của vị đứng đầu Đcộng sản Việt Nam.

Không ai biết kéo dài bao lâu, ‘thần tượng’ này sẽ sụp đổ, và không ai hiểu rõ, là sau này, nếu thể chế thay đổi, tài liệu giải mật thì hàng tá thần tượng lãnh đạo mà người dân đang ngưỡng mộ sẽ bị phơi bày thế nào. Bởi thế, nên pháo hoa ở Yên Bái vẫn bắn lên cao, trong sự hạnh phúc của người dân, sau những ngày ‘đốt lò’.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 12/02/2018

Published in Diễn đàn

Sử dụng Luật an ninh mạng, Luật hình sự để ‘chống lại dòng tư tưởng – chính trị lệch lạc, ngăn chặn những ảnh hưởng thù địch, nhóm người bất đồng chính kiến’, và có thể là ‘ưu tiên giáo dục lại bằng biện pháp giam cầm’ ?

redline1

Ông Hoàng Đức Bình và bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đều bị tuyên án nặng nề. 

Ông Hoàng Đức Bình bị kết án 12 năm tù giam, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) bị kết án 10 năm tù giam.

Cả hai con người đều giống nhau ở điểm, đều bị kết tội ‘bóp méo các chính sách của Chính phủ, phỉ báng chế độ’.

Nhưng đằng sau đó, cả hai đều lên án thảm họa môi trường biển do tập đoàn Formosa gây ra tại các tỉnh miền Trung ; đều tố cáo sự đánh đập – bắt bớ người của công an cơ sở,…

Formosa và công an : tình tiết tăng nặng ?

Mẫu số chung (Formosa, công an) đã trở thành tình tiết tăng nặng ngoài luật định ; trong đó - Mẹ Nấm là người thu thập các bằng chứng liên quan đến những cái chết bất thường trong đồn (công an) và Hoàng Bình lên án sự bắt bớ, đánh đập vô cớ của phía công an cơ sở.

Báo VnExpress đưa tin với tiêu đề : Người đàn ông bôi nhọ công an bị phạt 14 năm tù (*). Theo đó, ‘6 video Bình phát trực tiếp có lời nói bôi nhọ, vu cáo lực lượng công an, đạt trên 2,4 triệu lượt xem ; trên 40.000 bình luận. Điều này bị cho là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của lực lượng công an’.

Trong khi đó, báo Công an Nghệ An chỉ trích đích danh : ‘Bình đã đưa ra thông tin thất thiệt nhằm định hướng cho người nghe hiểu sai bản chất vụ việc, nhìn nhận sai lệch về lực lượng công an, nghiêm trọng hơn là hiểu sai chế độ’.

redline2

Một số báo như Vnexpress đặt tiêu đề nhấn mạnh 14 năm tù vì 'bôi nhọ công an'

Trước đó, vào tháng 11/2017, nhiều báo đài trong nước khi đưa tin về kết quả phiên xét xử phúc thẩm Mẹ Nấm đều nhấn mạnh ý : Quỳnh soạn thảo tập tài liệu ‘Stop police killing civilians’ về 31 trường hợp người chết sau khi làm việc với công an. 

Và tập tài liệu nói trên bị quy kết là ‘có mục đích để người đọc hiểu sai bản chất vấn đề, đồng thời xúc phạm và làm hạ uy tín của lực lượng Công an nhân dân, xâm hại mối quan hệ giữa nhân dân và lực lượng công an.’

Lực lượng công an : lằn ranh đỏ

Lực lượng Công an quan trọng đến mức nào ? Những năm gần đây, thanh bảo kiếm của Đảng luôn được nhắc đến trong các sự kiện. Mới đây nhất, nhân kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam – tướng Tô Lâm khẳng định : lực lượng Công an Nhân dân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đảng cộng sản.

Chưa dừng tại đó, vào sáng 06.02, tham dự 65 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ Công an Nhân dân, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh lực lượng công an là ‘thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ.’

Như vậy, sự hợp nhất hình thái không thể xâm phạm ở Việt Nam là : Đảng cộng sản Việt Nam, lực lượng Công an Nhân dân, và lãnh tụ.

Ba yếu tố nêu trên đã trở thành một ‘lằn ranh đỏ’, là một ‘húy kỵ’ mà bất cứ ai vượt qua, chạm vào đều bị xử phạt nặng theo hướng trừng phạt (chứ không còn răn đe, giáo dục nữa). Do vậy, hiểu bản chất chế độ hiện thời là công an trị cũng không phải là nhận định vô căn cứ.

redline3

Việt Nam duy trì lực lượng công an khá lớn trong xã hội nhằm kiểm soát tư tưởng và hành vi

Sự đề cao tuyệt đối lực lượng công an như một trong 3 rường cột của chế độ, đề cao nguyên tắc ‘kiểm soát’ đã khiến lực lượng này vốn dĩ để khống chế và ngăn chặn ‘tội phạm’ nay trở thành một lực lượng bất khả xâm phạm, nơi tập trung quyền lực tối cao, nơi quyết định số phận của từng con dân Việt. Theo đó, đây là lực lượng chủ chốt trong ‘kiểm soát và chống lại các phần tử cơ hội, bè lũ phản động, kẻ thù của Đảng’ [1] ; và dường như lực lượng này sử dụng Luật an ninh mạng, Luật Hình sự ‘để chống lại dòng tư tưởng – chính trị lệch lạc, ngăn chặn những ảnh hưởng thù địch, nóm người bất đồng chính kiến’, và có thể là ‘ưu tiên giáo dục lại bằng biện pháp giam cầm’ ?

Đề cao vai trò tối cao của lực lượng công an, xử phạt nghiêm khắc những ai chạm đến lực lượng công an (dù mục đích có thể là phản ánh hành xử trái với luật, cũng như giá trị nhân quyền mà Việt Nam cam kết) chính là tạo ra sự lan truyền sợ hãi – và đây chính là công cụ để ‘đe dọa, kiềm tỏa’ tư tưởng và hành vi của người dân trong thể chế độc tài.

Đông Đức – trước khi bức tường Berlin sụp đổ, đã từng là nước hỗ trợ đắc lực hình thành Công an Việt Nam. Và đây là quốc gia duy trì 90.000 công an, 260.000 người thuộc lớp 'tin báo quần chúng nhân dân', và giữ gìn chế độ dựa trên sự ám sát, bắt cáo, tố cáo, đe dọa những người bất đồng chính kiến trong hơn 30 năm ; ép buộc 16,5 triệu người phải tuân phục chủ nghĩa Cộng sản.

Và Erich Mielke, người đứng đầu mật vụ Đông Đức đã tuyên bố : Tiến hành, nếu cần thì không cần có tuyên bố của tòa án.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 11/02/2018

Tham khảo :

http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2014/11/Nghiencuuquocte.net-232-Stasi-Dong-Duc-va-Viet-Nam-DCCH.pdf

http://www.nytimes.com/2000/05/26/world/erich-mielke-powerful-head-of-stasi-east-germany-s-vast-spy-network-dies-at-92.html

(*) VnExpress sau đó chuyển tiêu đề thành : Bị phạt tù vì chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích nhà nước

Published in Diễn đàn
mardi, 06 février 2018 20:07

Những trí thức bị tống vào tù !

Những ngày cuối năm, nhà tù tiếp tục chào đón bác sĩ Hồ Hải, sinh viên luật Trần Hoàng Phúc,…

Sở dĩ phải nhắc hai người này trong số hàng tá người đã, chuẩn bị nhập kho vì họ là hai trong số nhiều trí thức phải ngồi tù, những người vừa có trình độ học vấn, vừa có lương tâm con người trước thời cuộc.

trithuc1

Bác sĩ Hồ Văn Hải bị áp giải sau phiên xử. (Hình: Zing)

Khi ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một buổi họp gần đây đã nhấn mạnh : công tác điều hành của Chính phủ cũng phải như U23 Việt Nam. Thì cần phải nhấn mạnh cả tính trách nhiệm nằm bên trong đó,...

trithuc2

Sinh viên Trần Hoàng Phúc

Tính trách nhiệm của đội tuyển U23 làm nên nỗ lực, bởi đằng sau họ là kỳ vọng của xã hội, gia đình ; và vì tương lai của bóng đá quốc gia. Bác sĩ Hồ Hải, sinh viên Trần Hoàng Phúc cũng vậy. Cả hai cũng là những người có trách nhiệm với xã hội, họ không chọn một hệ số an toàn để toàn tâm toàn trí tiến thân bằng cái nghề danh giá như bác sĩ hay luật sư, mà cả hai lên tiếng vì trách nhiệm của một công dân, và họ đánh đổi tuổi trẻ bằng những con số tù vô cảm để khấy động nhận thức của nhiều người về hiện tình quốc gia.

Luật sư Luân Lê trong tác phẩm 'Một người Quốc dân' đã chia sẻ về việc 'học để lên tiếng chứ không phải im lặng', và một người quốc dân là người 'phải có những lời nói chân thật, có tinh thần phê phán', bởi con-người vốn dĩ không thể chỉ như loài chim, kiến.

‘Không thích thì ra nước ngoài mà sống’

Câu chuyện bác sĩ Hồ Hải, sinh viên Trần Hoàng Phúc cũng liên quan đến quan điểm của những người yêu Đảng, yêu chế độ, rằng : đồ phản động, ham hư danh, ăn không ngồi rồi.

Và khi một ai đó đề cập trái chiều hay phê phán chế độ, lập tức : không thích thì ra nước ngoài mà sống.

Giá như những người ‘yêu đảng, yêu chế độ’ hiểu rằng, những người như bác sĩ Hồ Hải hay sinh viên Trần Hoàng Phúc lên tiếng hay đấu tranh chỉ đơn giản họ yêu mảnh đất họ sinh ra, và muốn gắn bó chặt chẽ với nó. Càng chặt chẽ bao nhiêu, họ càng nhận thấy mảnh đất hình chữ S bị bạc đãi bởi thể chế chính trị bấy nhiêu, họ đau - và thương cho số phận của chính họ cũng như cộng đồng dân chúng vốn không hưởng được sự bình đẳng như nhiều công dân các nước khác, chịu đừng nhiều sự bất công và phi lý trong đời sống kinh tế - xã hội.

Những người phê phán, áp đặt quan điểm không thích thì ra nước ngoài mà sống chỉ cho thấy sự đố kỵ, tầm nhìn hữu hạn, với lăng kính ‘trục lợi’, nên thành ra, những ai phê phán chế độ bị đồng nhất là phản bội quốc gia, dân tộc.

Tù và sự trưởng thành

Về phía những nhà bất đồng chính kiến, họ đến với sự đấu tranh bởi tình yêu nước ngây thơ và trưởng thành qua từng vụ đánh đập, tạm giam, và nhà tù. Vì thực sự yêu nước, nên họ mới lên tiếng, đấu tranh. Bởi chẳng ai có thể đánh đổi tự do bằng nhà tù chỉ để gây dựng cái danh này, danh nọ cả ; nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay, khi các giá trị vật chất và tri thức liên tục phát triển không ngừng…

Họ lên tiếng phản ứng, bởi họ nhìn thấy ngân sách quốc gia đang cạn kiệt, và nhà nước sẵn sàng chi cho chỗ an nghỉ của mình trong tương lai bằng một không gian an táng riêng biệt, đẳng cấp. Liệu nền chính trị có xứng đáng để ‘ca tụng’ ?

Cũng như một nền giáo dục quốc gia đào tạo ra hàng trăm ngàn cử nhân chỉ để thất nghiệp, và giờ đây – 54.000 cử nhân thất nghiệp này được Nhà nước định hướng ‘xuất khẩu lao động’ sang thị trường Nhật để làm những công việc tay chân. Liệu nền giáo dục có xứng đáng để ‘ca tụng’ ?

Khi cái nhìn đã thoát ly khỏi sự ca tụng về thực tại trơ trẽn của truyền thông, dư luận viên và lãnh đạo. Họ đã thực sự trưởng thành về mặt tư duy và định hướng cá nhân.

Đất nước có bao giờ được như thế này ?

Phê phán, lên tiếng trước những hệ lụy tồi tệ của đất nước này dưới sự lãnh đạo ‘tuyệt đối, toàn diện’ của một chính đảng, của một nhà nước chính là góp phần ngăn chặn sự ‘đi xuống’ của quốc gia, sự phân cách – bất bình đẳng - giàu nghèo xã hội ; là nói lên tiếng nói công bằng lẫn lương tri con người ! Là nói lên nội tình của một con dân nước Việt không chìm đắm trong quán bar, sa đà nơi rượu thuốc lá, và không bị bọc mình trong cuộn báo ‘Nhân Dân’…

Liệu đó là sai ?

Hay là vì dân tộc này bi thương, nhẫn nhục, chịu đựng và bị lai dắt nên còn có những tiếng nói ‘chửi bới, miệt thị’ đối với những người bất đồng chính kiến ?

Một đất nước mà không có người 'bao đồng', mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy đều chăm chăm vun bón bản thân, vun vén gia đình như cách Chính trị gia Việt Nam đang thực hành, thì đất nước này sẽ về đâu ? Hay chỉ là một đất nước với cộng đồng chỉ toàn người vụ lợi và dẫm đạp lên nhau mà sống ?

Đất nước có bao giờ được như thế này ?

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 06/02/2018

Published in Diễn đàn

Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cần gì ? Người viết cho rằng, đó là một thái độ [run rẩy] như cách mà nhà lãnh đạo Yeltsin khi thăm Mỹ vào năm 1989,...

hoi1

Chính phủ Kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc đang thực sự nghĩ gì về dân ?

Nhân câu chuyện về ‘thế nước đang lên’ và ‘lòng dân đồng thuận’, những ngôn từ mà lãnh đạo nhà nước và báo chí đang sử dụng trong những ngày này nhân dịp U23 vào trận chung kết Á Châu cúp.

Tôi muốn nói nhiều hơn về sự mở mắt và nhận diện thực tế của các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước.

Mới đây nhất, vào ngày 24/01, trong chương trình Thời sự đề cập đến ‘đảm bảo trật tự tại các trạm BOT’ sau Công điện 82 của Thủ tướng Chính phủ, VTV phản ánh cho biết : Các địa phương có vấn đề nóng về BOT là Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng đều báo cáo, quá trình điều tra xác minh đã phát hiện việc gây rối tại các trạm thu phí có sự kích động của nhóm ‘Bạn hữu đường xa’ do Lê Trung Hiếu làm trưởng nhóm. Nhóm này đã tổ chức phát tiền lẻ, tiền xu, vận động lái xe tổ chức đông người gây ách tắc trên địa bàn nhiều tình.

Căn cứ vào quan điểm này của VTV cho thấy, phía chính quyền đang vừa thực hiện ‘tuyên truyền vận động’, vừa tìm mọi cách để ‘lập lại an ninh trật tự’, và một nhóm tương tác cho cánh tài xế giúp đỡ nhau trên đường là ‘Bạn hữu đường xa’ đã bị biến thành một tổ chức kích động và mang tính thù địch như cách mà VTV phản ánh hay chính ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mở lời cho việc ‘không thể để các đối tượng xấu, các thế lực thù địch’ làm phức tạp tình hình ở BOT.

Dường như đến nay, mâu thuẫn nội tại trong đường hướng và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam chưa bao giờ được giải quyết về hướng pháp lý mà chủ trương vẫn là sử dụng tính bạo lực cưỡng chế của bộ máy nhà nước để thực thi. 

Chính tính lạm dụng này không những không giải quyết tốt sự tích tụ các vấn đề nằm trong mâu thuẫn mà khiến mâu thuẫn bị đẩy xa hơn. 

Chính phủ kiến tạo hay cách kiến tạo của Chính phủ hiện thời không khác gì việc áp đặt một bản án đã ký từ trước đối với những ai phản đối BOT, trên cơ sở bảo đảm – giữ chặt bằng được BOT. 

Cái này nếu được cho là ‘thế nước đang lên’, ‘lòng dân đồng thuận’ thì mấy ai sẽ chấp nhận ? 

hoi2

Bộ trưởng Bộ Công an - ông Tô Lâm nhấn mạnh yếu tố 'thế lực thù địch, kẻ xấu' trong việc xử lý sự tắc nghẽn BOT ở các tỉnh thành gần đây.

Những lời động viên kịp thời của ông Nguyễn Xuân Phúc cho một trận chung kết ‘bình tĩnh, tự tin, chiến thắng’, hay huân huy chương lao động của ông Chủ tịch nước đối với đội tuyển,… có thể làm đẹp Chính phủ, Nhà nước không ? Có ! Khi mọi cảm xúc đang thăng hoa. Tuy nhiên, niềm vui đó hoàn toàn ngắn hạn, khi bầu không khí ‘háo hức, rạo rực, cuồng nhiệt’ của trận đấu 3 năm trôi qua, thì người dân sẽ đối diện với thực tại khắc nghiệt… 

Rằng xăng E95 tăng gía, E5 giữ giá nhưng có thể gây ì xe (thậm chí gia tăng hiện tượng cháy xe), và người dân phải gánh thêm thuế phí qua hàng tá trạm BOT chạy dọc chiều dài đất nước,… Mọi con mắt sẽ hướng về Chính phủ kiến tạo, với hình ảnh của một Chính phủ lợi ích. 

Bài viết muốn đề cập rằng, đã đến lúc, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải biết kiệm lời, nhất là lời hoa mỹ và biết nhìn vào thực tiễn để thực sự lắng nghe người dân : muốn gì, cần gì. 

Trong một đánh giá nhân dịp Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm ngoài, tay bút Matthew Busch [1] cho hay : Dù đã đạt nhiều thành tựu về thương mại và đầu tư, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những tàn dư tệ hại của quá khứ kinh tế. 

 ‘Tàn dư’ tệ hại đó bao gồm cả tàn dư của những xu thế và tầm nhìn lỗi thời trong cách phát triển kinh tế xã hội. Khi nó đảm bảo ý chí thống nhất và kiên định của nhà cầm quyền, nhưng bỏ quên tiếng nói của người dân và cộng đồng. 

Đây không phải là sai lầm riêng của Việt Nam, mà trước đó, Liên Xô cũng đã từng mắc phải [2]. Bộ trưởng Công nghiệp nặng Sergo Ordzhonokidze than phiền vào năm 1930 : Tôi đoán họ nghĩ rằng chúng tôi là một lũ ngốc. Mỗi ngày họ cho chúng tôi từ nghị quyết này đến nghị quyết khác mà không có cơ sở nào cả. 

‘Không có cơ sở nào cả’, vì thực tế, ý chí chủ quan của nhà nước đã chiếm lĩnh tất cả, nên chủ trương – đường lối phát triển kinh tế xã hội vì thế rơi vào trạng thái ‘cưỡng chế’ hơn là hòa hợp [đồng thuận] với người dân. 

BOT cũng vậy, cho đến nay, Chính phủ không những không cho thấy tính tiến bộ và cầu thị trong giải quyết bài toán mà mình vạch ra, ngược lại Chính phủ tìm mọi cách bảo hộ và hợp pháp hóa các sai phạm do BOT. Do đó, BOT dù sẽ được ‘yên lặng’ khi có lực lượng vũ trang canh giữ, nhưng liệu nó yên lặng bao lâu ? Và mất bao lâu nữa để nó nổi sóng trở lại, trong sự âm ỉ của sự phẫn uất và bất công ? 

Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cần gì ? 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng rất 'say xưa' khẳng định tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân vận toàn quốc năm 2017 và, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Ban Dân vận Trung ương vào ngày 10/01 rằng : Lấy kết quả phục vụ nhân dân, sự hài lòng của nhân dân làm thước đo. Giữ kỷ cương phép nước nhưng phải thuyết phục người dân ; chúng ta đang theo định hướng thuyết phục và nêu gương chứ không phải đem quyền lực ra để đè nén [3].

Nhưng kết quả Công điện 82 đã chứng minh ngược lại : đừng nghe, hãy nhìn !

Người viết cho rằng, đó là do Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thiếu một thái độ [run rẩy] như cách mà nhà lãnh đạo Yeltsin khi thăm Mỹ vào năm 1989 đã run rẩy tự hỏi : Họ đã làm gì cho người nghèo ? (What have they done to our poor people) [4]. Và khi trở về, ông đã tiến hành cải cách nhà nước trong đó giải phóng sự kiểm soát...

Và Chính phủ kiến tạo cũng thiếu sự 'run rẩy' và tự chất vấn mình khi nhìn sang nước bạn Campuchia [nơi bỏ trạm thu phí cuối cùng vào ngày 13/01/2016]. 

Rõ ràng, 'run rẩy' là điều cần học, không chỉ trong lời nói, mà cần biến nó thành một kim chỉ nam cho cương lĩnh hành động, kiến tạo trong nhiệm kỳ của mình. Bởi nếu không giải quyết BOT theo hướng đối thoại và chia sẻ, mà tập trung bảo vệ cho bằng được ‘trạm thu ngân sách’ thì BOT sẽ là một đặc trưng Chính phủ phi dân của nhiệm kỳ, sau những đặc trưng của chính phủ tiền nhiệm (ông Nguyễn Tấn Dũng) là những ‘quả đấm thép’.

Đã bao giờ, ông Nguyễn Xuân Phúc và bộ sậu của mình tự hỏi : vì sao việc huy động vàng/ USD trong dân thất bại ? 

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 28/01/2018

Ghi chú

[1] https://www.hoover.org/research/why-socialism-fails

[2] http://www.viet-studies.com/kinhte/WhySocialismFails_Gregory_Trnas.html

[3] https://www.facebook.com/vanhai.le.3726/videos/211763562724576/

[4] https://www.theguardian.com/commentisfree/2007/apr/25/atoasttoyeltsin

Published in Diễn đàn

Đó là vì như chính ông Phúc đề cập, nền kinh tế chìm phải được nổi lên để cứu vớt nền kinh tế hiện tại, 30% được tính vào (nếu tính đúng) thì sẽ cho Việt Nam vay thêm 30% tổng nợ công hiện tại.

Vào ngày thứ Sau, 19/01/2018, báo Kinh tế Sài gòn Online để đăng tải bài viết : ‘Tính lại GDP để nâng trần nợ công’.

no1

Ảnh minh họa

Cụ thể, tại Hội nghị Tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa yêu cầu Tổng cục Thống kê tính lại GDP. Ông nói : ‘Tôi yêu cầu Tổng cục Thống kê hoàn thiện phương pháp tính, tính đúng, tính đủ quy mô kinh tế’, bởi ‘nhiều chuyên gia nói’, Việt Nam bỏ lọt tính khu vực kinh tế phi chính thức có thể lên tới 30% GDP.

‘Hàng vạn cái nhà lầu, hàng trăm chiếc ô tô đăng ký mỗi tháng ở TPHCM, Hà Nội mà chả tính được cái gì, bỏ rơi hết. Nếu cộng thêm được 30% nữa thì không phải 5 triệu tỉ đồng ; mẫu số lớn lên, quy mô nợ công sẽ giảm xuống, có tiền cho đầu tư phát triển’, ông Thủ tướng giải thích.

Ý nghĩa như thế nào trong tính lại GDP ?

Trần nợ công mà Việt Nam giới hạn là 65% GDP, Quốc Hội hay Chính Phủ Viêt Nam luôn tìm mọi cách để đảm bảo không vượt qua ngưỡng hai con số đó.

Tuy nhiên, do dùng % nên giá trị tính GDP sẽ không tuyệt đối, và chính vì thế mà bản chất GDP sẽ không tính khu vực phi chính thức vào.

Giả sử rằng, nếu tính vào, thì sẽ làm cho tính toán GDP sai số rõ rệt, tức tạo ra tính ngụy tạo ngay trong cách vận hành thu chi ngân sách, và đó là điều cực kỳ nguy hiểm

Nhưng tại sao hiện nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại muốn Tổng cục Thống kê tính lại GDP ?

Đó là vì như chính ông Phúc đề cập, nền kinh tế chìm phải được nổi lên để cứu vớt nền kinh tế hiện tại, 30% được tính vào (nếu tính đúng) thì sẽ cho Việt Nam vay thêm 30% tổng nợ công hiện tại.

Nhưng vấn đề có phần rắc rối hơn, khi ở hiện tại, nợ công không nằm ở trần nợ công theo % GDP như cách mà Chính phủ và truyền thông Việt Nam miêu tả, mà nó đã vượt ngưỡng (theo cách tính đúng chuẩn của thế giới, chứ chưa cần phải tính thêm khu vực kinh tế phi chính thức vào). Do đó, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn mất đi tính khả năng trả nợ, chưa kể, năm nào chi ngân sách cũng lớn hơn thu.

Chính vì vậy, sẽ dẫn tiếp đến khả năng nữa là, không có nguồn thu mới trong tương lai, không thể vay nợ mới để trả nợ cũ (đảo nợ), và nguồn vay trên thị trường thế giới có xu hướng tăng đối với Việt Nam – điều này cũng liên quan đến bẫy thu nhập trung bình, khiến Việt Nam mất đi tính ‘ưu đãi’ trong hưởng nguồn vốn vay.

Hay nói một cách khác, Chính phủ kiến tạo đang thực sự lúng túng, vì không biết ‘đào tiền’ từ đâu ra.

Việc tính lại GDP đúng như tiêu đề Thời báo Kinh tế Sài gòn Online đăt là 'nâng trần nợ công', giảm áp lực nợ công về mặt hình thức.

Chính phủ Việt Nam khủng hoảng nhiều mặt ! ?

Trước khi đi đến biện pháp 'tính đúng GDP', Chính phủ Việt Nam đã thực hiện gần như hết cách ‘huy động nguồn lực trong nước’, từ huy động ‘vàng và USD’ trong dân nhưng kết quả là thất bại, mặc dù ông Thủ tướng nhiều lần tìm cách ‘đôn đốc’ các bộ ngành để đưa ‘lượng vàng và USD’ nổi lên.

Trong khi đó, ở bên ngoài, Chính phủ Việt Nam tiến hành phát hành trái phiếu quốc tế nhằm huy động vốn với lãi suất gần 7% nhằm ‘đảo nợ’, gần đây nhất là phát hành 3 tỷ USD trái phiếu nhưng kết quả là thiếu sự ‘bảo đảm uy tín’ (và có phần liên quan đến e ngại của giới đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế chỉ đạo, trong đó có cả chỉ đạo con số tăng trưởng), nên dẫn đến việc buộc phải hoãn phát hành (mà Bộ Tài chính phải sử dụng cụm từ là ‘tạm thời phải hoãn lại do diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới không thuận lợi’). 

Trong nước, vào ngày 24/01, nhiều báo trong nước đồng loạt đưa tin về việc 'Huy động thành công toàn bộ 3.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ'. Nhưng dựa vào Quyết định 2729/QĐ của Bộ Tài chính về danh sách thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ thì 21 cái tên cả khối ngân hàng nhà nước lẫn thương mại cổ phần, đồng thời có cả hai tổ chức tài chính là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Nói cách khác, 'trái phiếu Chính phủ' phát hành đợt này là một hình thức huy động theo quy trình 'mỡ nó rán nó'.

no2

Trái phiếu Chính phủ Việt Nam đang 'ế' ?

Do vậy, nếu nhìn rộng ra, Việt Nam không khác gì Venezuela, bởi ‘đồng chí bạn’ đã mất kiểm soát về nền kinh tế, dù phát hành tiền ảo (được hậu thuẫn bởi 5,3 tỉ thùng dầu có tổng giá trị 267 tỉ USD) thì không ai dám mua, vì thiếu tính minh bạch lẫn uy tín đảm bảo của Chính phủ Nicolas Maduro.

Vậy cuối cùng, mục tiêu có phải là tính GDP không ? Không ! Cuối cùng vẫn là thực hành việc tăng thuế phí và in tiền, nhưng in thì đồng nghĩa với việc làm cho tiền đồng (vốn được báo chí nước ngoài ca tụng là giữ giá ổn định) sẽ mất hơn nửa giá trị. Ngoài ra, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tức là bán tài sản Nhà nước cũng là một hướng đi, nhưng so với mức độ nợ và khả năng đảo nợ, cộng với tính thiếu minh bạch, thì sẽ không thể tạo một sự phát triển bền vững trong tương lai. Việc, dở bỏ lệnh cấm sinh con thứ 3 trở lên ngoài việc tạo sự cân bằng giới và gia tăng nguồn dân số trẻ, thì còn có cả giảm gánh nợ công trên đầu người. Hay cả việc đưa nguồn xăng E5 vào thị trượng (bỏ mặc hiện tượng sự xuất hiện loại xăng này khiến các vụ cháy xe liên tiếp xảy ra) ; hay tìm mọi cách giữ lại trạm BOT cũng là một phương án tăng thu, bù chi để 'giảm nợ công'.

no3

Nợ công Việt Nam ở ngưỡng 51 triệu đồng/ người

Những động thái trong thời gian qua, khiến Việt Nam, như đề cập, chưa thể là Venezuela, nhưng Việt Nam đang tiến dần đến "xã hội chủ nghĩa’ như Venezuela hiện thời.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 24/01/2018

Published in Diễn đàn

Xin đừng nhầm lẫn giữa tư cách một người có đầy đủ quyền năng, chức vụ trong xã hội với một công dân bình thường. Bởi phân biệt ra, chúng ta mới có đầy đủ cơ sở để hỏi rõ ràng : ai sẽ chịu trách nhiệm cho hàng triệu USD bị thất thoát ?

nuocmat1

Ông Đinh La Thăng và các mắt xích trong 2 vụ án

Những cáo buộc sai phạm lên đến hàng triệu USD.

Ông Đinh La Thăng và những người ‘đồng chí’ của mình đứng trước tòa để đối chấp tội trạng.

Và trên mạng xã hội Facebook, chuyển dần từ tin ‘ông Đinh La Thăng bị bắt’ sang tin ‘Đinh La Thăng – người như tôi đã biết’.

Từ facebooker Lê Kiên (nhà báo Lê Kiên thuộc báo Tuổi Trẻ), Hướng Hoàng (giáo viên thỉnh giảng Học viện Tư pháp) cho đến luật sư Lê Văn Thiệp, rồi một Facebooker khác là Trần Thị Sánh.

‘Tử tế’, ‘sống có cảm xúc’, ‘dũng cảm’, ‘tố chất hành động vì công việc’,…

Có vẻ như dư luận đang có một sự tiếc nuối cho một ‘ông Đinh La Thăng vì dân hành động’.

Và một số khác thậm chí còn cho rằng, vì ông ‘chống Trung Quốc’ liên quan đến vụ sập giàn giáo thuộc công trình đường sắt trên cao thời Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nên ông mới bị đày ra ‘tòa’.

Hay một số khác lại chia sẻ về việc, ông đã tiến hành các hoạt động ‘sát dân’ quá, nên Trung ương không thích. Hoặc ông là nạn nhân của ‘đấu đá chính trị’ hơn là một phiên tòa xử đúng người, đúng tội.

Luận công tội là điều đáng làm, bởi con người không phải thánh thần. Nhưng khi ông Đinh La Thăng sai phạm, thì lúc đó có phải ông ta đang gánh những trọng trách mà Nhà nước giao phó ?

Xin đừng nhầm lẫn giữa tư cách một người có đầy đủ quyền năng, chức vụ trong xã hội với một công dân bình thường. Bởi phân biệt ra, chúng ta mới có đầy đủ cơ sở để hỏi rõ ràng : ai sẽ chịu trách nhiệm cho hàng triệu USD tiền thuế bị thất thoát ?

Việc ông Đinh La Thăng ứng xử như thế nào trong phiên tòa, hay uống rượu ngô và nhường lại tặng lại chai rượu tây đắt tiền cho ‘trưởng công an huyện Mường Lát để chúc mừng một sĩ quan công an người dân tộc trẻ tuổi vừa được thăng quân hàm vì những chiến công đánh án ma túy…’ cũng chỉ là một phần trong đời sống của ông Đinh La Thăng. Nó không thể thay thế, hay tráo đổi với những sai phạm mà ông và những ‘đồng chí’ của ông gây ra đối với nguồn ngân sách quốc gia.

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những sai phạm, tội lỗi mà nhóm người ông Đinh La Thăng gây ra ? Một chai rượu tây đắt tiền, một cách nhích micro có làm cho hàng triệu USD quay trở lại, có khiến một ngôi trường cho trẻ em vùng cao đáng lý ra phải được mọc lên, thì bị những đồng tiền thất thoát đó làm mất đi cơ hội ?

Việt Nam đã có quá nhiều người muốn làm người tử tế khi về hưu rồi, và có lẽ bây giờ không cần thiết thêm nữa. Bởi đáng ra, ‘tử tế’ phải là khi dốc lòng phụng sự quốc gia, chứ không phải tích tụ đủ tiền bất hợp pháp và trở về điền trang để vui thú điền viên.

Việt Nam cũng đã có quá nhiều người ‘vì dân hành động’ bằng cách diễn ngôn thay vì những hành động mang tính thực chất.

Việt Nam cũng có nhiều người mở miệng ra là ‘đạo đức và văn minh’, cho đến khi bị lột trần sự giả dối và vai diễn trên sàn đấu chính trị.

Và chúng ta có lẽ không cần những nhà diễn kịch đại tài, những màn bi lấy nước mắt và sự cảm thương từ những người dễ dàng bị đánh lừa đó nữa.

Chúng ta phải tập tính duy lý hơn trong xã hội thay vì duy tình, cái yếu tố khiến cho người ta biến phiên tòa trở thành một nơi cho sự dung thứ hơn là nơi mà pháp luật cần được ngự trị.

Bởi nếu chúng ta dành nước mắt cho Đinh La Thăng, vậy thì nước mắt nào cho Nhân Dân ? Cho những em bé vùng cao vẫn ngày ngày học trong trường tre vách nứa ? Cho những biểu tình viên Formosa trong thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ? Cho những cơ hội tích lĩu ngoại tệ từ những giọt dầu hút lên từ Biển Đông với giá hơn 100 USD/thùng thời điểm đó ?...

Ai ? Giọt nước mắt nào ?

Rõ ràng, cái xấu xa phải bị trừng trị, tài sản bị biển thủ phải được trả lại, và chính sách về quản lý doanh nghiệp nhà nước, giám sát đội ngũ nhân viên nhà nước cần được triển khai.

Nhưng trước khi đi đến các bước đó, chúng ta cần nhìn nhận ông Đinh La Thăng đã là một ‘bị cáo’, và thời điểm ông ta đang làm chủ PVN là thời điểm có nhiều sai phạm và thất thoát nguồn tiền ngân sách.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 12/01/2018

Published in Diễn đàn

Cơ chế nhào nặn học sinh - sinh viên hoặc thành những con chuột bạch, hoặc trở thành những con lật đật phải lắc lư theo điệu nhạc.

dang1

Facebooker Hoàng Thành - người từng giương biểu ngữ phản ứng sự thí nghiệm của Bộ giáo dục & Đào tạo Việt Nam dành cho tầng lớp học sinh - sinh viên

Tin rằng, ông Đảng trưởng nhắm mắt thì ai sẽ mở mắt ;

Tin rằng, ông Đảng trưởng sẽ hợp nhất 3 chức vụ và trở thành hoàng đế không ngai ;

Tin rằng, ông Đảng trưởng đã chuẩn bị những điều kiện đầy đủ để tấn công những đối thủ cũ ;

Tin đồn ông Đảng trưởng đã thêm một lần nữa gật gù về món trà Trung quốc thơm và ngon hơn trà Việt Nam.

Nếu giả định rằng, ông Đảng trưởng bắt tất cả mọi người phải nhắm mắt trước những hành vi của mình để thực hiện những điều mà ông ta mong muốn, vậy ai sẽ là người buộc phải mở mắt để cứu rỗi cái tình cảnh mà Phan Châu Trinh từng than trong 10 điều bi ai của dân tộc ?

Ngày 9/1 là ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Lực lượng mà những người đồng chí của ông Đảng trưởng đã từng phê phán trực diện : đó là tầng lớp tiểu tư sản, tầng lớp manh mún và dễ thoả hiệp ; tầng lớp đòi hỏi và kiên quyết nhất thời.

Đến nay, tầng lớp tiểu tư sản một phần nổi lên trở thành tầng lớp trung lưu xã hội, một phần trở thành một tầng lớp nhàn rỗi trong xã hội.

Lượng học sinh - sinh viên với tư cách một thực thể độc lập đã bị cơ chế xoay vòng trong quy trình : uốn nắn và thử nghiệm.

Tính chất uốn nắn ràng buộc học sinh - sinh viên bằng những bài học trực tiếp nhất liên quan đến chống diễn biến hòa bình và học thuộc sự "sẵn sàng" đi lên xã hội chủ nghĩa.

Tính chất thử nghiệm là những đợt cải cách dồn dập, tiền tỷ và đầy hoang phí không nhằm tạo ra chất xám mà chỉ tận dụng nguồn ngân sách dồi dào lên đến 20%.

Nếu xét một cách hình tượng thì cơ chế là một nhà máy thủy điện với giá trị cách mạng công nghiệp thô sơ 1.0 đang ngày đêm xả thải sự độc hại ; thì học sinh - sinh viên với vai trò được xác định là đầu tàu 4.0 lại là những công nhân lem luốc, nhẫn nhục làm việc mặc cho những lợi ích của mình bị co bóp theo ý đồ của chủ nhà máy,...

Tình cảnh nêu trên không phải là sự hư cấu mà thực tế đang phản ánh đúng như vậy !

Ứng xử không đúng tầm với học sinh - sinh viên, đưa đến ứng xử không thích hợp với tầng lớp này !

Cơ chế nhào nặn học sinh - sinh viên hoặc thành những con chuột bạch, hoặc trở thành những con lật đật phải lắc lư theo điệu nhạc.

Ngày truyền thống 9/1 hay 26/3 trở thành ngày hội của nhảy múa tập thể dưới sự chỉ huy, chỉ đạo vung vẩy, đầy ngẫu hứng của đồng chí lãnh đạo cấp cao nào đó !

Thực trạng này kéo dài khiến than vơi đi, cây xanh đổ ngã theo đề án, những nhà máy nhiệt điện xả xỉ than, những dòng nước xả hóa chất giết chết hàng triệu sinh vật biển vào tháng 4/2016.

Những sự kiện làm tổn thương kinh tế - xã hội quốc gia đó khi đề cập đến trách nhiệm, thì tầng lớp học sinh - sinh viên phải là đứng đầu vị trí. 

Bởi sức tác động của tầng lớp này phải là tầng lớp giám sát cao nhất của hệ thống nhà nước ; là cấu thành chủ yếu của vốn xã hôj bền vững của xã hội, tuy nhiên hàng thập niên qua, nó đã trở thành một tầng lớp bên rìa xã hội. Không phản ứng và chỉ răm rắp làm theo.... Cho đến khi những giọt nước tràn ly liên quan đến chủ nghĩa dân tộc lôi cuốn tầng lớp này vào giám sát và quản trị xã hội.

Nhưng tính chất đó không kéo dài, khi cao trào đi qua thì khối sinh viên - học sinh đó bị tan rã như chưa từng tập hợp, không dừng tại đó - sự tham gia giảm dần theo lần sự kiện nổ ra. Ví như : cùng là phong trào cây xanh, lần đầu tiên nổ ra tại Hà Nội thu hút hàng ngàn sinh viên ; nhưng lần 2,3 thì giảm xuống đơn vị hàng chục hoặc đơn lẻ dưới 10.

Nhiều lý do đưa ra, nhưng tính tính nhất thời của tầng lớp học sinh - sinh viên được coi là cốt lõi.

Nếu tính nhất thời duy trì quá lâu và không có một sự thay đổi về mặt tương lai, thì như học giả Kevin J. Fleming nhấn mạnh : giá trị của tầng lớp tri thức phụ thuộc vào tính duy trì mối ràng buộc với sự biến động nhà nước và xã hội đến mức nào. Duy trì tính lâu dài và một cam kết có tính chất quyết định đến giá trị của nhóm tầng lớp này.

Tính cam kết lâu dài tỏ ra cấp thiết đối với môi trường và hoàn cảnh tại Việt Nam, kho vốn xã hội bị bào mòn và tiềm lực quốc gia liên tục hao hụt bởi sự tham nhũng có hệ thống. 

Nó càng nguy hại hơn khi nền tảng nhà nước bị thu vón trong tay một người !

Tương lai của nhóm tầng lớp "vốn xã hội" bị phụ thuộc vào quyết định "nhắm mắt" hay "mở mắt" của nhà lãnh đạo. Lúc này, nhóm 4.0 sẽ trở thành thần dân trực tiếp với sự lệ thuộc tối đa của "ông vua không ngai" - người từng nằm trong tầng lớp đó.

Hít không khí bị nhiễm PM2.5 (mức độ bụi cao nhất), ăn hải sản bị nhiễm độc, ngủ trong giấc mộng thuế phí và sự lạm sát trong cơ quan công quyền nhà nước. 

Đó phải là 'giấc mơ tốt lành' mà tầng lớp học sinh - sinh viên đang hướng tới ? Là cách thức xác định tương lai mà tầng lớp này đang mong muốn. Hay là một số phận mà tầng lớp này đã tự tập xác định ? !

Một tương lai không ra gì bởi tâm thế bất định ! ?

Do vậy, nếu Đảng trưởng nhắm mắt trước thực tiễn trong điều hành đời sống nhà nước, thì trách nhiệm và nghĩa vụ của của tầng lớp học sinh - sinh viên là phải mở mắt để đối diện thực tại để thay đổi tương lai theo ý muốn tốt đẹp của mình.

'Sức mạnh của tầng lớp tiểu tư sản là rất lớn, nhưng nó không biểu hiện rõ ràng cho đến khi nào tầng lớp này nhận thức rõ giá trị của mình gắn liền với tương lai của quốc gia.' - Kevin J. Fleming nhận định cho biết.

Có những tia nắng xuyên qua lớp mù xã hội Việt nam hiện nay khi nhiều sinh viên - học sinh bị 'nhà nước kết tội' vì tội tuyên truyền, lợi dụng dân chủ,...

Những nhóm từ thiện, cộng đồng, các chương trình thiện nguyện, các giá trị về đổi mới và tự chủ trong tầng lớp học sinh - sinh viên đang có sự hiện diện (dù mức độ nhỏ) tại những thành thị lớn.

Những tổ chức danh cho sinh viên - học sinh gắn kết trực tiếp với nhân quyền như Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam với mục tiêu cao cả là tập hợp 'nhóm những sinh viên có ước mong cải cách giảng đường và tự do học thuật ở Việt Nam, tham gia vào mạng lưới sinh viên nhân quyền quốc tế' đã ra đời trong bức bách thực tế.

Nhiều cá nhân (là học sinh - sinh viên) cầm biểu ngữ trước trụ sở huyện - tỉnh, trụ sở của Phòng và Bộ giáo dục để chống lại sự thử nghiệm !

Một sự chuyển động nhưng có tính chất quan trọng trong một cơ chế đảng trưởng như Việt Nam. 

Nó báo hiệu một tiếng chim hót trong... bụi mận gai.

Và đó là tính đổi mới (thay cho tính truyền thống" của học sinh - sinh viên Việt Nam.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 08/01/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 02 janvier 2018 16:46

Mạn đàm về 'vẽ bậy'

Tàu Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy, ngay lập tức - ban Quản lý dự án Đường sắt đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Tổng thầu lập tức tăng cường công tác bảo vệ trên toàn công trường, đồng thời có văn bản hỏa tốc gửi Công an thành phố Hà Nội và công an các quận nơi có dự án đi qua để hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, ngăn ngừa hiện tượng phá hoại tài sản công trình làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. 

Hiện tượng vẽ bậy trên tàu điện ngầm không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới. Có một điều chắc chắn là vẽ bậy trên tàu điện ngầm chỉ diễn ra khi nó không chuyển động, và thực tế là dự án Tàu Cát Linh – Hà Đông đã bất động trong một thời gian rất dài.

Vẽ bậy lên tàu làm nảy sinh trăn trở, bao lâu nữa dự án này sẽ được chạy để tránh nạn nằm một chỗ quá lâu, bởi ngoài việc bị vẽ bậy thì còn có cả sự xuống cấp của máy móc – trong bối cảnh khắc nghiệt của thời tiết tại Thành phố Hà Nội.

vebay1

Thân tàu Cát Linh - Hà Đông nằm bất động và trở thành điểm vẽ của dân nghệ thuật đường phố.

Nhiều niềm tin quay trở lại, khi dự án này được ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc rót vốn trở lại với 250 triệu USD. Và vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định chắc chắn rằng : tiền có, đường xong, thiết bị về sẽ đưa đường sắt khai thác thương mại vào cuối năm 2018.

Nhưng nếu cuối năm 2018 chuyến tàu vẫn chưa thể chạy vì lợi nhuận thì sao ? Không sao cả, khi mà yếu tố kỹ thuật, vốn, thậm chí thời tiết sẽ đem vào biện hộ. 

Trở lại với câu chuyện vẽ bậy trên thân tàu của một nhóm vẽ đường phố. Ban QLDA đã đề nghị công an điều tra hành vi phá hoại tài sản. Và nếu căn cứ vào Bộ luật hình sự năm 1999, thì người vẽ có thể đối diện án chung thân (khung hình phạt cao nhất).

Đây là một bản án khá nghiêm khắc, và giá như tính nghiêm khắc và tức thời lên tiếng đó được áp dụng cho các "đồng chí" nằm trong Ban quản lý dự án ; các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc khiến dự án đường sắt trên cao vừa trễ về tiến độ, vừa đốt tiền thuế của dân thì tốt đến dường nào.

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là, pháp luật có thực sự quyền năng, là cán cân công lý, hay mọi cá nhân – tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật như cách nó được diễn giải trong Hiến pháp nhà nước ? Điều này đúng, pháp luật là một quyền năng, nhưng quyền năng đến đâu tùy thuộc thể chế nhà nước tồn tại như thế nào !.

Nhà văn George Orwell trong tác phẩm Animal Farm đã khắc họa tính tương đối triệt để của pháp luật bằng cụm từ : "Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác".

Cái xã hội bình đẳng tương đối "cao" đó là môi trường xã hội chủ nghĩa, mà ngày nay, dù có sự biến đổi ít nhiều, thì tính xã hội chủ nghĩa vẫn khiến Việt Nam, Trung Quốc, Cuba,… giống y hệt sự khắc tả nêu trên.

Thế nên mới có chuyện, ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam khẳng định trước đó : "Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Áp dụng vào dự án Cát Linh – Hà Đông sẽ nhận ra một nghịch lý tồn tại một cách tất nhiên là : chủ đầu tư, nhà thầu "vẽ bậy dự án" thì chỉ cần xin lỗi, còn người dân nào "vẽ bậy lên tàu" thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

vebay2

Ông Nguyễn Đức Bình, từng "vẽ bậy quy định" khi còn là Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội. Nay là Trợ lý ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Không chỉ dừng ở "vẽ bậy dự án", ở Việt Nam còn có cả "vẽ bậy luật". 

Năm 2014, dư luận xôn xao, khi Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Bình ra quyết định số 13/QĐ-CA ngày 23/1/2013 ban hành quy định báo cáo nghiệp vụ xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính… Quy định vi hiến này được ông Chánh án coi là "bình thường", và từ đây - nếu như báo chí không lên tiếng, luật sư không lên tiếng, Đại biểu quốc hội không lên tiếng thì hệ thống tòa án các cấp ở thủ đô sẽ được tuyên án bằng cách "nhân danh người cầm dây".



Vẽ bậy thân tàu, vẽ bậy dự án, vẽ bậy luật,… trở thành một thói quen "bậy bạ", nhưng đối với nhân viên công lực, nó thành một thói quen mang tính đặc quyền – "được phép làm", và được phép "xí xóa".

Và pháp luật thì dung túng cho sự vẽ bậy đó, khi quan thì "giơ cao đánh khẽ", dân thì "ở tù mọt gông".

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 02/01/2018

Published in Văn hóa

Khi Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia (National Security Strategy-chiến lược an ninh quốc gia) mới, nó gặp nhiều chỉ trích từ một số quốc gia lớn, trong đó có Trung Quốc và Nga. 

Đối với Việt Nam thì sao ?

Chiến lược an ninh mới liệu có đem lại những giá trị mà Việt Nam cần có trong thời gian tới ? Và liệu sự ảnh hưởng đó có tạo ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Việt Nam, như ảnh hưởng từng có của TPP đến với Việt Nam.

Chiến lược an ninh quốc gia 2017 có vẻ không dành nhiều sự quan tâm đối với Đông Nam Á, dù chiến lược an ninh quốc gia đề cập đến Thái hay Philippines như là "đồng minh quan trọng", trong khi Việt Nam hay Singapore nằm trong diện "tăng cường về mặt an ninh và đối tác kinh tế". 

So với chiến lược an ninh quốc gia của những năm trước đó, thì chiến lược an ninh quốc gia năm nay, khu vực Đông Nam Á được chú ý một cách "mờ nhạt" hơn. 

policy1

Chiến lược đu dây của Việt Nam giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có còn ăn khách ?

Li Jie Sheng, một nhà phân tích kinh tế chính trị Đông Nam Á trong một bài viết trên The Diplomat vào cuối tháng 12/2017 đã chia sẻ rằng, chiến lược an ninh quốc gia tạm thời làm xoa dịu nỗi lo lắng của các nước Đông Nam Á đối với sự vắng mặt của Hoa Kỳ, khi nước này rút ra khỏi hiệp định TPP.

Tuy nhiên, hy vọng sẽ không bị tắt khi trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ đã thực hiện chuyến thăm đến Việt Nam, Phippines nhân dịp APEC - gợi mở những tia hy vọng liên quan đến sự hiện diện tiếp tục và mạnh mẽ của Hoa Kỳ tại vùng Đông Nam Á.

Giáo sư Carlyle Thayer trong một chia sẻ liên quan đến tính phù hợp của chiến lược an ninh quốc gia với Việt Nam, đã cho biết, chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ xem Việt Nam là một "đối tác có thể làm việc được trong các vấn đề an ninh khu vực". Đặc biệt, trước đó đã có sự hiện diện liên quan đến các chuyến thăm và tuyên bố giữa hai nước vào tháng 5 và tháng 11. 

Cũng như học giả Li Jie Sheng, ông Carlyle Thayer trong một chia sẻ quan điểm gần đây về chiến lược an ninh quốc gia cũng đề cập rõ việc, Hoa Kỳ sẽ tăng gấp đôi cam kết của mình đối với các đồng minh và các đối tác được như là hành động ưu tiên hàng đầu của mình ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. chiến lược an ninh quốc gia cũng nhắc đến Việt Nam cùng với Indonesia, Malaysia và Singapore (theo thứ tự đó) như là chuỗi gắn liền với "an ninh ngày càng tăng và là các đối tác kinh tế của Hoa Kỳ".

Về vấn đề thương mại ? Sự mất cân bằng thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã được giải quyết trước khi chiến lược an ninh quốc gia được thông qua, với thỏa thuận - Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, cũng như các tuyên bố mua hàng tỷ đô la Hoa Kỳ liên quan đến phụ kiện và bảo dưỡng máy bay, cải tiến thị trường và gia tăng tiếp cận đầu tư cho các công ty Hoa Kỳ. 

hững nhận định này phù hợp với chia sẻ của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc vào ngày 29/12, khi cho hay, kinh tế vẫn là lĩnh vực Việt Nam coi là trọng tâm, là động lực để thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, nhấn mạnh việc triển khai các thỏa thuận hai bên đã đạt được. Trong đó, vị Thứ trưởng này đề cập đến thỏa thuận 20 tỷ đô và cho đây là một "nhiệm vụ rất cấp bách".

"Nhiệm vụ rất cấp bách là phải triển khai thỏa thuận trị giá trên 20 tỷ USD đã đạt được trong hai chuyến thăm cấp cao và Việt Nam cũng phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp của Hoa Kỳ", ông nói.

Vấn đề tiếp theo mà cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều quan tâm là tự do hàng hải Biển Đông hay những biện pháp làm giảm thiểu các tác động của sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này. 

Cần nhấn mạnh, sự trỗi dậy này ngày càng phức tạp và đối với Việt Nam là một sự lo ngại nghiêm trọng. Vừa qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công khai về hoạt động xây dựng trái phép nhằm gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đông, đồng thời cho rằng động thái mở rộng phi pháp này là "hợp lý". Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn có kế hoạch đưa nhà máy điện hạt nhân nổi ra Hoàng Sa, sẽ đi vào hoạt động trước năm 2020. Các động thái này được cho là "giúp Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch quân sự hóa những đảo chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Tự lực cánh sinh là chính ?

Trở về với chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược an ninh mới của Hoa Kỳ coi Biển Đông như một khu vực tiềm năng về mặt tranh chấp ảnh hưởng, nhưng rõ ràng, theo Giáo sư Carlyle Thayer, nó nằm dưới danh sách ưu tiên là Triều Tiên với chương trình cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như vấn đề khủng bố quốc tế. Và theo đó, Biển Đông trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều hơn về sự xử sự có hiệu quả giữa Bắc Kinh và ASEAN (Bộ quy tắc ứng xử).

Một điểm đáng lưu ý là theo ông Carlyle Thayer, Hoa Kỳ sẽ "không có khả năng phản ứng với việc gia tăng quân đội TQ trong hiện đại hóa đảo nhân tạo", cũng như sẽ "không ủng hộ bất kỳ sự thúc đẩy mạnh mẽ nào chống lại hành vi của Trung Quốc". Dù rằng, chiến lược an ninh quốc gia ghi nhận "tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác, phá hoại ổn định khu vực", cũng như nhấn mạnh ưu tiên cam kết của Hoa Kỳ liên quan đến tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế.

policy2

Quân sự hóa đảo nhân tạo trên vùng biển Đông là mục tiêu đang được đẩy mạnh của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Hiểu theo nghĩa này là Hoa Kỳ sẽ "sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo trong một phản ứng chung nhằm duy trì trật tự khu vực dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và độc lập các nước". Quan điểm này có thể giúp Việt Nam "tạm thời yên tâm" trước sự trỗi dậy ngày càng tăng của Bắc Kinh, nhưng dù sao nó cũng là một cam kết mờ nhạt của Hoa Kỳ. 

Trong một sự kiện có liên quan, nhân dịp 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, lần đầu tiên tàu ngầm Kilo của Hải quân nhân dân Việt Nam diễn tập bắn tên lửa sau khi được đưa vào biên chế. Đợt diễn tập này được đánh giá là "lớn nhất" và "lời tuyên cáo hùng hồn trên Biển Đông" từ trước đến nay, với sự tham gia của các lực lượng như tên lửa bờ (đây cũng là đợt diễn tập đầu tiên tên lửa bờ của hệ thống Redut bắn đạn thật), tàu mặt nước,… trong tăng cường bảo vệ chủ quyền trên biển.

Như vậy, năm 2018 sẽ là năm cực kỳ khó khăn đối với Việt Nam cả về nền kinh tế, lẫn tăng cường chủ quyền biển đảo trước một Trung Quốc đang thế lên, và một Hoa Kỳ đang tạm thời vắng mặt tại vùng Đông Nam Ấ để tập trung vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. 

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 01/01/2018

Published in Diễn đàn
Trang 12 đến 12