Thỉnh thoảng trong những buổi 'trà đá chém gió', không ít người nêu lên quan điểm : Việt Nam là Trung Quốc thu nhỏ. Liệu rằng điều này đúng hay sai ?
Một người dân Việt Nam đang ngang pano tuyên truyền biển đảo.
Việt Nam có vẻ giống Trung Quốc, và những người Việt quan tâm đến chính trị - xã hội nhận thức sâu sắc vấn đề này, đến mức họ cho rằng, nước Việt là một sự sao chép từ người bạn lớn phương Bắc.
Khi Chủ nghĩa xã hội rơi vào trạng thái khánh kiệt về mặt thực tiễn xã hội - kinh tế, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình đã mở đường cải cách dưới tên gọi Cải cách khai phóng nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng vào cuối năm 1978. Tám năm sau, Việt Nam cũng học tập theo dưới tên gọi 'Đổi mới'. Cả hai hướng đi này đều tập trung vào việc chuyển nền kinh tế quan liêu - bao cấp sang nền kinh tế hướng thị trường hơn nhưng vẫn trong khuôn khổ kiểm soát của Đảng (gọi vắn tắt là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).
Đó là một trong nhiều ví dụ mà Việt Nam học hỏi, thậm chí sao chép gần như nguyên bản từ Trung Quốc, ngay cả trong vấn đề lập pháp như Luật an ninh mạng gần đây.
Thỉnh thoảng, khi Trung Quốc tiến hành một 'hoạt động mới' xuất phát từ Đảng cầm quyền, thì lập tức một thời gian sau, Việt Nam cũng rục rịch để thay đổi. Cả hai quốc gia như hai người anh em sinh đôi, người kia hắt xì thì tức người còn lại sẽ bị sổ mũi.
Vậy Việt Nam có phải là Trung Quốc thu nhỏ ? Câu trả lời rõ ràng là chưa phải, dựa vào dân số của Việt Nam là ít hơn Trung Quốc, những gì Trung Quốc làm tốt chưa chắc Việt Nam sẽ làm ổn. Ví dụ như mô hình đặc khu vẫn đang được bàn lại trên Nghị trường, lý do - Trung Quốc đã thực hiện đúng vào thời điểm trong vài thập niên trước, và hiện giờ có vẻ nó đã... lạc hậu theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế độc lập Việt Nam.
Là thành viên WTO cũng vậy, Việt Nam gia nhập sau Trung Quốc 6 năm... Và thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2018 là 2.300 USD thì Trung Quốc đã là 8.000 USD.
Nhiều giả thuyết được đặt ra, trong đó, nếu Việt Nam muốn bắt kịp Trung Quốc thì cần phải nỗ lực trong 10 năm, và Trung Quốc phải dừng phát triển lại. Nói một cách khác, Việt Nam hiện tại là Trung Quốc của 10 năm trước đó.
Rõ ràng, Việt Nam cần phải làm rất là nhiều để đạt được mô hình như Trung Quốc hoặc trở thành một Trung Quốc thu nhỏ về mặt kinh tế, trong đó bao hàm cả chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam vẫn dựa vào nông nghiệp, trong khi Trung Quốc đã rời bỏ nó ít nhất 15 năm.
Như vậy, Trung Quốc có thể là mô hình dẫn lối cho Việt Nam học tập theo, nhưng Việt Nam chưa bao giờ là một mô hình mang tính đầy đủ của Trung Quốc, nói cách khác, Việt Nam là mô hình lỗi. Trong một bài phỏng vấn trên BBC Việt ngữ, tiến sĩ Vũ Minh Khương đã thẳng thắn cho rằng Việt - Trung là một mô hình, nhưng lại là hai tầm nhìn.
Trung Quốc thì tìm cách nâng cao tính chính danh của đảng mình, nên 'buộc tạo nên một thành quả kinh tế kỳ vĩ'. Trong khi lãnh đạo Việt Nam 'chưa đủ tầm để xác định một chiến lược kỳ vĩ', ngay cả việc đưa đất nước trở thành hùng cường vào năm 2045, mà 'thường nặng về những xoay sở để đủ tồn tại, bởi lẽ cái chính danh của quá khứ cũng tạm đủ cho họ tồn tại trong một số thập kỷ tới'.
Việt Nam chưa bao giờ là Trung Quốc thu nhỏ, về nhiều mặt. Việt Nam đã trở thành một nước lạc hậu nằm cạnh Trung Quốc, và theo đuổi những yếu tố thuộc Trung Quốc nhưng khi áp dụng lại đầy lỗi.
Một trong những cuốn sách mà không ít người đem ra để phê phán Trung Quốc là cuốn 'Death by China hay Chết bởi Trung Quốc' được viết bởi giáo sư kinh tế và chính sách công cộng tại Đại học California, Irvine, Peter Navarro và đồng sự Greg Autry. Nhưng đặt ở một góc nhìn khác, đến bao giờ sẽ có một cuốn sách mang tên 'Chết bởi Việt Nam', với sự trỗi dậy thực sự của một con Rồng ?
Chúng ta không thể hòa tan với Trung Quốc, nhưng chúng ta cần đối diện là phải học hỏi, thậm chí vượt Trung Quốc. Bởi phải học hỏi, và vượt lên trên, thì Việt Nam mới thực sự thoát khỏi định kiến 'mô hình lỗi' của Trung Quốc.
Nhưng Việt Nam có gì trong tay ?
'Đổi mới, dũng cảm, cải tiến, và lắng nghe nhân dân' là điều mà Việt Nam có thể làm được và vận dụng một cách sáng tạo, nhanh chóng hơn Bắc Kinh. Lý do, Việt Nam không có 'Vạn lý trường thành' trên internet, mạng internet vẫn có sự hiện diện của Google, Facebook và hàng tá dịch vụ khác. Số lượng người dùng internet Việt Nam vẫn tăng trưởng đều theo hằng năm (năm 2018 là 55,19 triệu người dùng), và theo bản đồ dự báo của Statista 2018, đến năm 2022, Việt Nam sẽ có 59,48 triệu người dùng.
Internet không phải lật đổ chính quyền, mà giúp giải thiêng chính quyền và nâng cao đời sống dân trí - kể cả là về với nhà nước (đi từ 'cấm' sang 'quản lý'). Vấn đề là, liệu nhà nước Việt Nam có thực sự định hình tính chính danh của mình trên cơ sở tôn trọng quyền con người trong thời kỳ internet hay không ! Hay là vẫn tìm cách 'ngăn sông cấm chợ' và quy nạp internet hay người dùng mạng xã hội như những kẻ thù vô hình trong cái gọi là 'diễn biến hòa bình' ?
Trong một sự kiện có liên quan, mới đây khi ông Trương Minh Tuấn bị điều chuyển sang làm Phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương, thì cái ghế Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông sẽ được ông Nguyễn Mạnh Hùng (hiện đương chức Chủ tịch Viettel nắm giữ). Trong khi ông Trương Minh Tuấn vẫn hoài niệm về Liên Xô với 'Đợi anh về' thì ông Nguyễn Mạnh Hùng lãnh đạo một tập đoàn doanh nghiệp mà khởi đầu với sự gợi ý - hướng dẫn của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Bản thân ông Hùng cũng từng tuyên bố rằng : Hãy làm nên chương mới thay vì đọc lại ánh hào quang của thế hệ trước.
Quan điểm nêu trên nếu được coi là xuyên suốt trong lãnh đạo của ông, ngay cả khi ngồi ghế quản lý báo chí - internet (Bộ Thông tin & truyền thông) thì đó sẽ là cơ hội để xóa bỏ sự 'xoay sở để đủ tồn tại' - yếu tố khiến Việt Nam duy trì sự chính danh dựa trên quá khứ, chứ không phải sự bức phá để đạt thành tựu như Trung Quốc.
Việt Nam chưa bao giờ là Trung Quốc thu nhỏ dựa trên sự hy vọng về tăng trưởng đột phá internet, lắng nghe người dân qua internet, và một tư duy cởi mở - dân chủ về internet.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 28/07/2018
Trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam vào sáng ngày 25/07, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát biểu : 'Người nghệ sĩ phải bám sát, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống'.
Văn nghệ sĩ Việt Nam như rối nước đẩy tính 'cô đơn'. Ảnh minh họa
Mũi nhọn trong nhiều lĩnh vực như : cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng.
Thực sự đây là một phát biểu chỉ đạo mang tính trừu tượng khi mà 'mũi nhọn của cuộc sống' chưa được xác định và làm rõ, nó là cái gì, nó ở đâu, và nó như thế nào ? Thậm chí, bản chất của khái niệm mũi nhọn cuộc sống mang tính tiêu cực hay tích cực cũng không hề được làm rõ.
Đáng lý ra, trong bài phát biểu liên quan đến 70 năm Hội văn học nghệ thuật, là một giáo sư xây dựng đảng, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể sử dụng cụm từ mang tính truyền thống và dễ hiểu hơn là : Xây dựng đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên. Yếu tố này đã từng theo đuổi, bám sát lớp nghệ sĩ Việt từ trong chiến tranh cho đến khi hòa bình, và nhiều nghệ sĩ đã phải vỡ mộng trước hiện thực khách quan.
Hoặc không, Ngài Tổng bí thư có thể đề xuất một cách táo bạo là 'trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng' với nòng cốt là đẩy mạnh sự sáng tạo nghệ thuật và tự do trong nghệ thuật lên trên hết. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của người đứng đầu Đcộng sản Việt Nam lại thiếu vắng điều này, trong khi đó, lại nhắc đi nhắc lại mặt trận cách mạng của giới văn nghệ sĩ, bản thân mặt trận này chứa đựng những cây bút sắc bén để đấu tranh chống lại những ai phản đối Đảng. Nó khiến người viết nghĩ ngay đến cây bút Hồng Cương, người từng có bài phê phán trực diện Nhân văn - Giai phẩm - một phong trào đòi hỏi đổi mới văn nghệ và cởi trói văn nghệ : Hạ được tập thơ Việt Bắc và hạ được Tố Hữu xuống là hạ được cả giá trị văn nghệ kháng chiến xuống và hạ được sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng và Chính phủ xuống.
Sở dĩ phải đặt ra những 'kỳ vọng' mang tính lớn lao đối với phát biểu của Ngài Tổng bí thư như vậy bởi chính vì nền văn học Việt Nam hiện nay xô bồ, nghệch ngạc, cô đơn, bất lực và bị xé lẻ. Nó trở thành một mớ lộn xộn vì thiếu đi tính tự do trong sáng tác, sự cảm nhận và trách nhiệm để tự do sáng tác. Nói như tác giả Phan Huy Đường trong tác phẩm 'Vẫy gọi nhau làm người' thì nền văn học - nghệ thuật Việt Nam chưa thực sự làm tốt được 'nghề làm người', trong địa vực này, giới văn nghệ sĩ đã bị chế độ quản lý chia rẽ, cô lập, biến thành 'loại thú cô đơn, khinh nhau, nghi nhau, rình mò nhau, hại nhau trong bóng tối'.
Tính đến nay, vẫn chưa có một bài phát biểu hay một đề cương đủ lớn để giúp vực dậy nền văn học - nghệ thuật trong nước, kể cả khi nhà nước tìm lại sự giúp đỡ của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943). Lý do giản đơn, vì tính sáng tạo và tự chủ về sáng tạo không hề được khuyến khích, nên giới văn nghệ sĩ tìm lại lối mòn hoặc những con đường dễ dãi để hiện thực lối mòn. Đòi hỏi nền văn học - nghệ thuật nước nhà phải 'khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn' trở thành nhiệm vụ cực kỳ nan giải dành cho số đông văn nghệ sĩ.
Tiếp đó, trong bài phát biểu, Ngài Tổng bí thư nhấn mạnh 'Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ chính trị' khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh'. Đây là một nghệ thuật tu từ - đảo nghĩa, biến cái hiển nhiên khi lập luận thành không có, và ủy thác sự định hướng, chỉ đạo này trở thành sứ mệnh của chính nền văn học - nghệ thuật nước nhà. Câu nói dẫn ra nêu trên vừa là sự khuyến dụ, nhưng vừa tạo ra sự răn đe mang tính thực tế đối với giới văn nghệ sĩ. Bởi sự phát triển của đường lối văn học - nghệ thuật ngày hôm nay đang rơi vào trạng thái bít lối, bởi nó không có vùng cấm, nhưng nó luôn có barrie giới hạn do đảng tự vạch ra. Giới hạn này không chỉ khiến cho giới văn nghệ sĩ tù túng trong không gian sáng tạo, mà còn o ép họ vào những chủ đề được chỉ định. Hằng năm, các hội thi thơ - văn hoặc đợt tuyên truyền luôn bị định hướng bởi ban tuyên giáo ; các website mạc sát - xúc phạm nhân phẩm, danh dự của những người bất đồng chính kiến như trang phụ san Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tồn tại ; nhóm vận động Văn việt thì luôn bị phản ứng, lên án và bị áp đặt bằng danh ngữ 'phản động' ; những người tham gia đổi mới văn như Bùi Chát thì bị gặp vấn đề an ninh ; những tác phẩm như tập thơ Trần Dần vừa xuất bị đã bị phát cơ quan an ninh tuýt còi...
Những sự kiện thực tế về tự do và sáng tạo theo cung cách mà Đảng vạch ra khiến giới văn nghệ sĩ sợ hãi và một số đã đi vào con đường sáng tác mà nơi 'sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình'. Các tác phẩm thì rơi vào trạng thái 'giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người'.
Trong một góc nhìn đầy đủ, thì chính cung cách quản lý không gian méo mó từ đảng, những gánh nặng chính trị hẹp hòi (luôn nhấn mạnh tôn vinh sự nghiệp vinh quang và đời đời của đảng) đã tạo ra sự dặt dẹo của nền văn học - nghệ thuật, và giờ đây, đảng phê phán nó - mặc định nó như một sản phẩm của quá trình thị trường hay tác động tiêu cực của đời sống xa rời 'kim chỉ nam' của đảng.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 27/07/2018
Trong một bài viết của tác giả được đăng tải lại bởi Ban biên tập Boxitvn (Cách mạng 4.0 hay những người yếu thế bị bỏ rơi) và được Boxitvn đã đặt vấn đề: Nhưng bao giờ mới có thể xuất hiện cuộc khủng hoảng mong đợi ấy ? Hay là không bao giờ cả, nghĩa là khủng hoảng luôn luôn bị dẹp bỏ từ trong trứng nước ? Hình như người trí thức trong xã hội dân sự lâu nay vẫn thường tự hỏi, và vẫn đành… tự bỏ ngỏ một câu trả lời.
Khủng hoảng xã hội : bắt đầu từ bất ổn kinh tế ?
Khủng hoảng xã hội đã từng xảy ra (thập niên 80 – thế kỷ XX) và đó không là sự kiện cuối cùng. Thế nhưng, sự thay đổi hình thái kinh tế - xã hội bắt đầu từ Đại hội VI vẫn cho phép Nhà nước Việt Nam giữ được ổn định trong giới hạn cho phép.
Chu kỳ khủng hoảng với mở màn của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ sắp diễn ra (2021), và trong một nền kinh tế yếu ớt, phụ thuộc như Việt Nam cũng đang có những dấu hiệu mang tính khủng hoảng, nhất là khi các đề xuất về mặt hàng cơ bản (như xăng dầu) thông qua lớp bọc dân sinh (bảo vệ môi trường) đang dự kiến lên mức tối đa. Sự độc đoán, chuyên quyền, không chấp nhận những ý kiến khác với mình của Nhà nước đối với Luật đặc khu hay Luật an ninh mạng cũng chỉ làm gia tăng bất mãn xã hội và đưa khủng hoảng lên mức cao hơn.
Ảnh minh họa
Riêng về mặt kinh tế, GDP Việt Nam năm 2017 là 6,81%, năm 2018 - GDP Việt Nam được ADB dự báo là 7,1%, còn ICAEW thì ở mức 6,6%. Dù dự báo nào đi chăng nữa thì bản chất tính khả quan này vẫn là câu hỏi lớn. Lý do, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn còn yếu kém ; bản chất của sự tăng trưởng dựa trên yếu tố hòa nhập hình thức của Việt Nam hiện đã kết thúc; tăng trưởng 2 con số là tốt, tuy nhiên, cam kết ngân sách cũng cần phải được giữ vững, và có vẻ Việt Nam đang cho thấy sự thâm hụt ngân sách của mình, hay nói cách khác, Việt Nam đang đi vào con đường nợ nần. Đó là chưa kể, biểu hiện của sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện tại có xu hướng gắn liền với doanh thu thuế.
Trong một số liệu Quyết toán năm 2016 mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội vào tháng 5/2018 thì mức bội chi ngân sách năm 2016 là 248.728 tỷ đồng (tỷ lệ 5,52% GDP), con số này là thấp so với các năm trước đó (2012 - 5,36% ; 2013 - 6,6% ; 2014 - 6,33% ; 2015 - 6,28%. Còn bội chi ngân sách năm 2018 dự kiến là 204.000 tỷ đồng (3,7%). Tất cả đều là những con số đầy lạc quan và triển vọng. Dù vậy, vào tháng 4/2018, tổ chức Moody's dù đánh giá mức phát triển nền kinh tế Việt Nam ở 6,7% trong năm 2018, tuy nhiên mức nợ Chính phủ cao và thâm hụt ngân sách nới rộng là những nhân tố gây sức ép đối với bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Và trong thực tế, 15 ngày đầu năm 2018, ngân sách đã thâm hụt 18.400 tỷ đồng.
Đặt vấn đề là mức thâm hụt ngân sách ở mức 3,7% hay cao hơn đi chăng nữa, thì con số này vẫn không phản ánh quá nhiều vấn đề. Ví dụ, Mỹ là quốc gia thường xuyên từng thâm hụt mức ngân sách lên đến 9% vào khủng hoảng 2008 hay Nhật Bản cũng vậy. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách không phải là yếu tố hiện diện khủng hoảng, mà công cụ tài chính có phong phú không để xử lý thâm hụt ngân sách mới chính là vấn đề. Ví dụ, thâm hụt ngân sách của Mỹ vào năm 2009 là 9,8% nhưng năm sau đã hạ xuống còn 2,1%. Sự linh hoạt về ngân sách - vốn là cơ sở để xử lý các cuộc khủng hoảng Việt Nam vẫn đang thiếu, cũng như sự bị động về huy động tiềm lực xã hội của nhà nước trong giải quyết khủng hoảng.
Mức độ tín nhiệm xã hội : xuống thấp ?
Tiếp tục đặt vấn đề rằng, năm 2007-2008 khủng hoảng kinh tế bùng nổ và Việt Nam chịu tác động, nhưng khủng hoảng xã hội không xảy ra thì liệu yếu tố ổn định này sẽ tiếp tục giữ vững trong các chu kỳ khủng hoảng tương lai ?
Ở đây cần nhận biết rằng, tác động khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm là ngoại lực, và nội lực là mức độ tín nhiệm xã hội của nhà nước. Sẽ rất khó xảy ra khủng hoảng xã hội khi người dân vẫn duy trì thuộc tính 'hạnh phúc, lạc quan' top thế giới. Tuy nhiên, sự 'lạc quan' của người dân đối với chính sách, chủ trương của nhà nước đang tiếp tục xói mòn, những phát biểu động viên tăng trưởng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với các tỉnh thành Việt Nam hay lời kêu gọi tin tưởng vào đảng, nhà nước về mặt chủ trương, chính sách từ Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bị đánh giá là rỗng tếch, khôi hài và nhàm chán.
Trong cuộc khủng hoảng thập niên 80 (thế kỷ XX) nhà nước Việt Nam từng gây điêu đứng về nạn đổi tiền (khủng hoảng tờ 30 đồng) và sau đó, tại Hội nghị VI, nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã rút ra những kết luận liên quan đến khủng hoảng để khắc phục (mở cửa, đổi mới qua xóa bỏ cơ chế quan liêu - bao cấp). Tuy vậy, yếu tố mà ĐH VI không thể đặt ra và điều chỉnh chính là hiện tượng liên kết giữa doanh nghiệp tư cỡ lớn và chính quyền ngày càng gia tăng; và sự ra đời và phản ứng của người dùng mạng xã hội.
Trong các năm trở lại đây, khi yếu tố liên kết trong doanh nghiệp với chính quyền càng siết chặt thì mạng xã hội lại càng được mở rộng và có phản ứng mang sắc thái tiêu cực trong mắt chính quyền. Ở một góc chiếu khác, thì mạng xã hội trở thành dư luận chính mà nhà nước phải tham khảo hoặc điều chỉnh các chính sách, chủ trương của mình. Hiểu theo góc nhìn được lan truyền phổ biến trên mạng, thì bản chất mạng xã hội vừa 'giải thiêng chính thể', vừa thúc đẩy sự minh bạch cần có trong hệ thống chính quyền mà người dân mong muốn. Sự kiện 6.700 cây xanh tại Hà Nội năm 2015 hay các cuộc biểu tình liên quan đến dự luật gần đây đã vừa phản ánh nhận thức của mạng xã hội, vừa phản ánh trạng thái liên kết giữa doanh nghiệp và chính quyền.
Một khi sự tín nhiệm của xã hội đi xuống (dựa trên mức độ phản ứng tiêu cực của người dùng mạng xã hội Việt Nam) thì đây sẽ là yếu tố giúp nhận thức lại tình trạng xã hội, tạo ra cảm xúc xã hội mới (bao gồm xóa bỏ sự sợ hãi), một số đi đến thúc đẩy tinh thần đối lập xã hội.
Vậy tín nhiệm xã hội còn được biểu hiện ở trạng thái nào? Trong một ví dụ rất đơn giản, đó là câu chuyện huy động vàng và USD từ Chính phủ liên tục gặp thất bại xuất phát từ mức độ tín nhiệm thấp đó. Trong khi đó, gần đến chu kỳ 10 năm khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), thì Việt Nam có vẻ đang tiến vào quỹ đạo mà Chính phủ Latvia đã từng trải qua trước đó với các đặc tính như : Chính phủ điều hành kinh tế yếu kém ; sự tín nhiệm của dân chúng đối với Chính phủ tụt giảm ; thất nghiệp gia tăng ; hoãn trả lương cho đối tượng hưởng lương theo ngân sách ; tăng thuế (tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam theo WB cho biết vào năm 2017 ở khoảng 20%, cao hơn so với Thái Lan là 16,1%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4% và Malaysia 14,3%).
Như thế, cốt lõi của sự thay đổi chính là tìm kiếm sự khủng hoảng, và hoảng sợ 'đỏ sàn chứng khoán' vừa qua cho thấy mong muốn sự thay đổi và sự tự do của người Việt.
Khủng hoảng tạo ra kẻ thù của nhà nước ?
Trong một hệ thống mà bất kỳ ai kêu gọi thay đổi, dù nhỏ đến đâu, trở thành kẻ thù của nhà nước thì khủng hoảng lại tạo ra nhiều kẻ thù của nhà nước. Tương tự, sự khủng hoảng xã hội có thể tạo ra nhiều kẻ thù của nhà nước, và ngược lại, nhiều kẻ thù nhà nước có thể tạo ra khủng hoảng.
Sự kiện tiêu cực tại Hà Giang và mô hình quản trị nhà nước bởi lớp người trong gia đình như ông Triệu Tài Vinh sẽ bào mòn cái yếu tố tin tưởng vào nhà nước, dẫn đến sự phản ứng vào thực tế chính trị, đưa đến khả năng nhà nước bị cô lập, dẫn đến chính thể tàn nhẫn hơn. Nhưng càng tàn nhẫn thì càng bị cô lập, càng bị cô lập bởi niềm tin xã hội thì càng tàn nhấn, điều này sẽ khiến xã hội Việt chống lại chính thể khi nền kinh tế suy thoái. Trang tin VOV đặt hẳn vấn đề, 'nếu dối trá được nuôi thành hệ thống', hiểu nôm na là hệ thống nhà nước đã trở thành bà đỡ của dối trá và tiêu cực xã hội. Hệ quả là gì? Trong một bài viết gần đây trên báo lề trái, đã có một ví von khá chính xác, đó là sự kiện tiêu cực ở Hà Giang sẽ tạo ra một lớp 'phản động' trẻ tuổi. Phản động tuổi trẻ chính là nhóm chủ thể đi đến một giới hạn của sự chịu đựng về những bất công, phi lý được áp đặt trong xã hội và họ tìm kiếm các giá trị cho sự thay đổi.
Cần nhắc lại, vào sáng ngày 09/06/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói trước Quốc hội về 6 điều bất an mà nhân dân luôn bức xúc như tham nhũng, lãng phí, thương mại hóa quan hệ xã hội, tài nguyên cạn kiệt và vấn đề an toàn sống…
Câu hỏi tiếp theo là sự bất bình về kinh tế, khủng hoảng kinh tế có thể gây ra khủng hoảng xã hội ? Nhiều người vẫn tin rằng cuộc khủng hoảng có thể bị thổi phồng, bởi Đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát nhà nước Việt Nam, sở hữu một năng lực trấn áp mạnh mẽ - bao gồm 6.7 triệu công an (số liệu từ Giáo sư Carl Thayer công bố vào năm 2017).
Rõ ràng khi sự tín nhiệm xuống thấp, phản ứng xã hội xảy ra ngày một nhiều thì sự sợ hãi xã hội sẽ giảm. Sự phản ứng của người dân trước chính sách nhà nước về đặc khu kinh tế ngày càng gia tăng đến mức bất ngờ chính là tính điển hình cho luận điểm nói trên. Từ cuộc biểu tình tự phát đầu tiên chống Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 2007 đến cuộc biểu tình với quy mô lớn sau năm 1975 như vừa qua. Số lượng người bất bình xã hội, tham gia vừa qua có thể đạt mức trung bình 5.000 người, nhưng tình hình sắp tới không thể không dừng tại đó, bởi 5.000 người có thể nhanh chóng thành 10.000 hoặc 100.000 người. Và tại Thành phố Hồ Chí Minh, nếu con số lên mức 200.000 người thì không còn có khả năng kiểm soát được khủng hoảng xã hội.
Như vậy, khủng hoảng xã hội xuất phát từ niềm tin xã hội bị đổ vỡ; sự gia tăng nhận thức trên mạng xã hội mới là cốt lõi (bên cạnh là tác động ngoại lực bên ngoài như khủng hoảng kinh tế). Hay đúng hơn, nhu cầu tự do và sự thay đổi của người dân đã tiếp tục gia tăng.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 23/07/2018
Trong ngày 10/07, diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm sinh viên Trần Hoàng Phúc ; ông Vũ Quang Thuận và ông Nguyễn Văn Điển với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi 2009.
Cũng như các phiên tòa xử những tù nhân về chính trị khác, nhiều người không kỳ vọng sự thay đổi lớn lao về mặt bản án so với phiên tòa sơ thẩm. Cái chính vẫn là mong ngóng sức khỏe của tù nhân và lời nói sau cùng trước phiên tòa.
Dĩ nhiên, cả hai phản ảnh tâm thế cũng như tinh thần của những người tù nhân lương tâm. Và điều này càng quan trọng, khi mà những người muốn dành lấy quyền tự do – dân chủ cơ bản phổ quát ra tòa trong bối cảnh, người đỡ đầu nhân quyền – dân chủ trên thế giới là Hoa Kỳ vẫn đang mải mê với thương mại, đến mức, trên trang Facebook của Ngài đại sứ quán Hoa Kỳ chỉ hân hoan nhắc về thương mại, và mãi đến ngày 10/07, thì mới thấy đề cập đến 2 chữ 'nhân quyền'.
‘Đấu tranh – ra tòa - ở tù’ là điệp khúc thường thấy, và nó cũng biểu hiện rõ nét cho cái gọi là kịch bản ‘hốt và giam’ của chính quyền.
‘Đánh thức lương tri’ vẫn là điều cần thiết, nhưng câu chuyện lương tri nằm ở đâu trong phiên tòa vẫn là điều tranh cãi. Là ‘lương tri’ của những người phán quyết, không, có lẽ những người cầm cân nảy mực không quá đau đầu hay tự vấn lương tri trong phiên xử tù chính trị - ít nhất là khi nó là án bỏ túi. Nhưng lương tri của những người bên ngoài phiên tòa, những người vẫn còn im lặng mới là điều hướng tới, họ sẽ nghĩ như thế nào, và sẽ làm gì trước những bản án bất công dành cho chàng sinh viên Trần Hoàng Phúc, hay một doanh nhân như ông Vũ Quang Thuận, hay một công dân luôn nghĩ về sự tự do được bảo hiến - Nguyễn Văn Điển ?
Đó có phải là sự tiếp tục im lặng… để cái bất công tiếp tục được trải dài và tung hoành trên Việt nam ; để tiếng nói yêu tự do và quyền cơ bản phổ quát tiếp tục là món hàng thương mại ; hay để giá trị làm người tiếp tục bị bẻ quặt bởi chính những con người ?
Câu hỏi tiếp theo sẽ là sự lựa chọn của ba người sau phiên tòa hôm nay là sao ? Là chấp nhận tỵ nạn hay ngồi cho trọn vẹn các năm tù ? Dù lựa chọn như thế nào đi chăng nữa, thì suy cho cùng nước Việt hay thậm chí cả phía chính quyền đã thua khi phán quyết bất công được vang lên. Bởi những người bị bắt giam trước hết họ đã là những công dân trung thực nhất và dũng cảm nhất ; sự dũng cảm và trung thực đã tạo hình từ chính lương tri con người nhất bên trong họ,… Và chính tính lương tri này đã tạo nên những con người thực sự hành động về mặt tư tưởng và hành vi. Cũng như chính yếu tố đó là cơ sở để xây dựng một quốc gia thực sự giàu mạnh trên tâm thế đứng thẳng - chẳng phải, Hoa Kỳ hùng mạnh như ngày hôm nay chính từ những con người dũng cảm đó sao ?
Điều mâu thuẫn và đau lòng là người tù chính trị ‘tỵ nạn’ hay bị ‘giam cầm’ ; thì cũng chính là góp phần khiến cho việc xây dựng sự giàu mạnh đứng thẳng đó tiếp tục bị ‘treo giò’. Và điều này càng khiến cho công cuộc xây dựng quốc dân trong quốc gia đó theo hướng ‘thẳng tính người và lương tri’ trở nên bế tắc. Khi ‘bế tắc’, thì đồng nghĩa với việc còn lại lớp quốc dân ươn hèn và sống mòn ngày qua ngày. Trong khi những quốc gia tiếp nhận người tỵ nạn chính trị vì đấu tranh nhân quyền lại ngày càng giàu mạnh bởi họ tiếp nhận được tinh hoa của chính quốc gia độc tài đã tìm cách đẩy đi. Và như thế, ‘chất xám’ nhân quyền tiếp tục chảy máu, trong sự thiếu nhận thức của thuộc tính quốc dân và giới cầm quyền. Để lại một đất nước, mà ngay cả giới trẻ cũng chỉ là 'những người trẻ ẻo lả' (theo ý Ls Luân Lê) với sự rỗng tếch về 'tri thức, yếu đuối khí chất và cạn nông tinh thần'.
Phiên tòa ngày 10/07, tiếp tục sẽ là phiên tòa bất công như hàng trăm phiên tòa trước đó ứng xử với người đấu tranh nhân quyền. Nhưng từ tận sâu trong giá trị cốt lõi tìm kiếm ánh sáng trong cuối đường hầm đen tối của dân tộc, người viết vẫn còn mong sự đánh thức lương tri sau phán quyết phiên tòa, ở những người đang sợ hãi, ở những người còn im lặng và bàng quan với thời cuộc. Rằng, giá trị ‘nặng nề’ của bản án phiên tòa trở thành bài học để tự bẻ ngoặt quốc tính bên trong mình, rằng cuộc phán xét ngày 10/07 là phán xét về tính lương tri con người và những người đứng trước phiên tòa không phải là tội phạm, mà là tù nhân lương tâm.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 10/07/2018
Bạn trẻ Trần Hoàng Phúc là người nhiệt huyết và tích cực trong nhận thức chính trị, bày tỏ lòng yêu nước như một người chính trực và có tri thức, ôn hòa và có trách nhiệm với xã hội cũng như tương lai đất nước. Bạn trẻ ấy đang phải đối diện với mức án 6 năm tù giam, nhưng trong một trạng thái tinh thần lạc quan và nhẹ nhàng. Đó là điều đáng quý và cũng là đáng trọng đối với một công dân đã trưởng thành, nhất là với vị thế một người thuộc thế hệ trẻ của quốc gia.
FB Ls Luân Lê
Khi Mẹ Nấm tuyệt thực vì bị đối xử bất công trong trại giam, nếu gắn nó với sự thúc đẩy dân chủ - nhân quyền tại Việt nam, người viết nghĩ về cái gọi là 'quyền đấu tranh'.
Ảnh: Facebook Nguyễn Ngọc Lụa
Tuyệt thực là 'quyền tự quyết'
Không ai muốn tự hủy hoại bản thân mình, nhất là sự tự hủy hoại đó phía sau là cả một gia đình gồm mẹ và hai con nhỏ. Nhưng khi lựa chọn giữa sống vinh hay chết nhục, giữa bị nhục mạ hay đứng lên để thay đổi thì Mẹ Nấm lựa chọn sự đứng lên - bằng con đường tuyệt thực.
Vũ Đông Hà, tác giả trên trang Danlambao đã đúng khi thốt lên : Quỳnh ơi, Em phải sống !
Có hàng trăm lý do để Mẹ Nấm cần phải sống, hai trong số đó là vì người mẹ già và vì hai đứa con nhỏ. Nhưng cũng vì cần sống, nên Mẹ Nấm càng phải tuyệt thực, bởi sự nén nhịn 10 năm tù đày không đồng nghĩa với việc nhẫn nhịn trước những thủ đoạn hèn hạ nhằm khủng bố tinh thần trong cuộc sống trại giam.
Tuyệt thực là 'quyền tự quyết', tuyệt thực từng được coi là 'hình thái văn hóa được tổ chức để kiếm tìm công lý trong thế kỷ 20' [*] khi những nhà đấu tranh đòi cải thiện vấn đề nhân quyền từ trong lao tù, và tuyệt thực gần đây là nhằm đấu tranh cho quyền sống như con người trong lao tù.
Nhà đấu tranh Bùi Thị Minh Hằng khi bị giam giữ và đối diện với những trò khủng bố trong trại giam đã đạp mạnh vào cửa trại và hét lên : "Đây là trại giam hay là trại súc vật !".
Và nay, nhà đấu tranh Mẹ Nấm bằng hành động bất tuân dân sự, cắt đứt đường ăn uống để đưa 'trại súc vật' về lại trại giam dành cho con người.
Ủng hộ hay phản đối
Mẹ Nấm phải sống, nhưng người viết cũng ủng hộ quá trình tuyệt thực của Mẹ Nấm. Bởi cuộc chiến này là cuộc chiến dài, nhưng khi trong trại giam tiếp tục đối mặt với sự khủng bố và bôi nhọ về danh dự, nhân phẩm thì nó là 'trận chiến cuối cùng' về mặt phẩm giá. Cũng giống như những con cá nằm trên thớt, nằm yên là chết, quẫy là sống. Cuộc chiến của những nhà tù nhân lương tâm luôn là cuộc chiến sống-còn, là giữa trạng thái bị động – chủ động; là trạng thái của sự khuất phục và bất phục.
Tuyệt thực không phải là lựa chọn mang tính tối ưu, nhưng nó là biểu tượng của sự bất phục, bởi nó nằm sát yếu tố tự sát. Tuy nhiên, cận tự sát là để chống lại cái chết về tinh thần, và như vậy, tuyệt thực chính là một cách thức để duy trì thế đứng của sự sống và công bằng về sự sống.
Không ai quyết định một người tuyệt thực hay không trừ chính họ. Nhưng khi lựa chọn được đưa ra, thì đồng nghĩa họ nhận thức những tiêu cực sẽ diễn ra khi thực hiện về hành vi đó ; về mặt tư tưởng thì những giá trị về mặt đấu tranh tiếp tục được nâng cao, và những tù nhân lương tâm đã biến những nhà tù trở thành một trường học về sự bất tuân dân sự ; lòng kiên cường; giữ gìn phẩm giá của một con người ;... và vô vàng những ý nghĩa khác mà ngoài đời không thể kiểm đếm được.
Việt nam là vậy, các nước khác thì sao ?
Không phải chỉ tại trại giam ở Việt nam mới xuất hiện tình trạng tuyệt thực, mà tuyệt thực hiện diện ở những nơi mà người bị giam cảm thấy bất công, và phi lý. Tất nhiên, góc nhìn lẫn nhu cầu (về vật chất, lẫn tinh thần) của người bị giam ở các nước tiên tiến có phần khác Việt nam.
Tại bang California (Mỹ), vào năm 2013, cũng diễn ra cuộc tuyệt thực tại nhà tù Susanville (nhà tù giam giữ các phạm nhân cấp độ IV) để yêu cầu ' cơ sở giam giữ sạch hơn, thức ăn tốt hơn và tiếp cận tốt hơn với thư viện'. Tất nhiên, cuộc tuyệt thực này khiến các nhà lập pháp Mỹ đi tới sự đồng ý tổ chức phiên điều trần công khai về các điều kiện trong các nhà tù an ninh (có mức độ an ninh cao) của bang California.
Vào tháng 5/1972, những tù nhân thuộc nhóm Vũ trang Cộng hòa IRA (Bắc Ireland) - bị áp tội danh 'khủng bố' đã tuyệt thực để đòi quyền đối xử như 'tù nhân chiến tranh', trong cuộc tuyệt thực đầu, các tù nhân đã yêu cầu : quyền mặc quần áo của mình ; quyền không làm công việc nhà tù ; quyền tự do hiệp hội ; quyền tổ chức các hoạt động giải trí của riêng mình ; và quyền khôi phục quyền giảm án.
Như vậy, trong khi các loại tội phạm nghiêm trọng ở các nước đòi hỏi nâng cao quyền được tiếp cận nhà tù tốt hơn ; thì ở Việt nam - các tù nhân chính trị tiếp tục trong cuộc chiến gian khổ trong đòi quyền được giam với nhu cầu tối thiểu, trong đó có quyền được bảo vệ mạng sống bằng chính... mạng sống của mình.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 09/07/2018
Chú thích :
Tôn trọng lựa chọn của tù nhân lương tâm là thúc đẩy sự đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam
Khi ông Nguyễn Văn Đài đi tỵ nạn chính trị tại Đức – nhiều người bày tỏ sự vui mừng. Nhưng khi ông trả lời phỏng vấn BBC Vietnamese về ‘quá trình dài’ xin tỵ nạn, không ít người tỏ ra hụt hẫng, thậm chí phản ứng một cách tiêu cực.
Một phản ứng dễ dàng gặp nhất là tại sao Nguyễn Văn Đài lại chủ động xin tỵ nạn, trong khi ông là người sáng lập và đứng đầu tổ chức Hội Anh em dân chủ. Việc ông rời khỏi Việt Nam là tin mừng cho ông, nhưng những người đã tin và theo ông lại tiếp tục ở lại hưởng án tù nặng.
Đây là phản ứng thường thấy, khi mà sự hy vọng, thậm chí là kỳ vọng vào một cá nhân thu hút sự quan tâm của mọi người ở lại để làm biểu tượng dân chủ. Thậm chí, còn cao hơn là hình thành những Nelson Mandela và Suu Kyi tại Việt Nam (những người đã ngồi tù và bị giam lỏng hàng chục năm, trở thành cảm hứng đấu tranh dân chủ - nhân quyền cho những người ở trong và ngoài nước).
Hãy để ý chí được tự do, và tôn trọng sự tự do của chính những người đấu tranh. Ảnh minh họa : Danlambao
Quan điểm trên thực tế là ‘tham vọng hóa’ cá nhân đi quá mức, để rồi nhận lấy một sự thất vọng lớn. Mà nói như Facebooker Phan Nguyen, thì đó là sự ấu trĩ, ích kỷ và độc ác khi đòi hỏi những người tù nhân lương tâm phải ở hết hạn tù.
Facebooker Tiêu Sơn, một người lên án cực lực việc phản ứng thái quá về sự ra đi của Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết, không lấy gì để so sánh những hy sinh, mất mát mà đa phần những an em đấu tranh trong nước phải chịu đựng. Và khi, ‘mình không ở trận tiền để trực diện chiến đấu, phải đối mặt với chết chóc, tù tội, khổ nạn cho bản thân họ và gia đình, thì cố gắng làm một hậu phương góp sức, "chia lửa" phần nào với họ’.
Quan điểm của Facebooker Tiêu Sơn nhận được sự đồng thuận của không ít người, và thực tế, câu chuyện ‘ra đi hay ở lại’ không phải là câu chuyện hiếm hoi đến bây giờ mới kể.
Trong một bài viết mang tên ‘Tôi đã trở lại’ trên RFA, luật sư Nguyễn Văn Đài bày tỏ những nỗi niềm xoay quanh quyết định tỵ nạn của mình, trong đó ông thẳng thắn bày tỏ : Trước khi tôi bị bắt ngày 16 tháng 12 năm 2015, tôi và gia đình tôi không bao giờ có ý định rời khỏi Việt Nam. Nhưng bản án 15 năm tù và 5 năm quản chế là quá dài. Tôi không bao giờ nhận tội, nên tôi sẽ phải ở đủ 15 năm trong tù và tôi không thể làm gì hay đóng góp gì cho đấu tranh nhân quyền và cũng không giúp đỡ được gì cho gia đình tôi.
Và việc ông rời khỏi Việt Nam, là ‘tìm kiếm cơ hội tốt nhất để vận động và đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.’
Đây có lẽ là mẫu số chung về mặt tâm tư, nguyện vọng của không ít tù nhân lương tâm, trong mặt phẳng của thời đại 4.0 hiện nay. Đó là chưa kể, đất nước này là của chung, và trách nhiệm là trách nhiệm chung. Bản thân đất nước phải gánh vác bởi tập thể người có ý thức về sự tồn vong của dân tộc, sự phát triển bền vững của quốc gia hơn là sự cậy nhờ một ‘Thánh thần’ hay ‘Minh quân’ để cùng nhau tập hợp xung quanh. Câu chuyện ‘mỗi người là một chiến sĩ’ trong mặt trận chống giặc dốt về nhân quyền luôn phải là tiền để hình thành nên một cốt cách sống đứng, mà ở nơi đó, mọi yếu tố của nó phải là sự tự thân vận động, tự lực cánh sinh, và ý thức của từng cá nhân một.
Một Trần Huỳnh Duy Thức kiên trì ngồi tù và chờ đợi vào sự công bằng pháp luật là quá đủ, và quá trình đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam phải luôn trong trạng thái vận động ngoài đời thực. Nếu tất cả đòi hỏi phải như #Thức, thì e rằng, sẽ chẳng thể đủ người để thúc đẩy cuộc đấu tranh như hiện nay. Bởi lẽ, tổng hòa chung của cuộc đấu tranh hiện nay, không phải là nhằm xóa bỏ chế độ, mà là đi tới một sự giải thiêng chế độ. Và ở đó, một người thoát ly ra khỏi nhà tù nhỏ, sự dụng ngòi bút, lý luận, hành vi của mình để đấu tranh luôn là điều mà nhiều người trông đợi.
Từ Cấn Thị Thiêu cho đến Tạ Phong Tần, từ Nguyễn Văn Đài cho đến Trần Huỳnh Duy Thức không khác nhau là mấy về mặt nhân cách, sự hy sinh và sự ngưỡng vọng.
Không đòi hỏi phải ngồi tù, không chế trách phải đi tỵ nạn, mỗi người một lý do, nhưng nếu hiểu những khó khăn mà tù nhân lương tâm ở Việt Nam phải đối diện, thì đó cũng là cách giúp đỡ hết sức thiết thực đối với phong trào đòi dân chủ - nhân quyền tại Việt Nam. Và đó cũng là cách nghĩ nhằm xóa bỏ luận điệu xuyên tạc rằng, những người đấu tranh nhân quyền - dân chủ hoạt động chỉ để đi nước ngoài mà phía an ninh, chính quyền lẫn dư luận viên hay áp đặt.
Hãy để ý chí được tự do, và tôn trọng sự tự do của chính những người đấu tranh. Không phán xét họ, vì họ đã hy sinh quá nhiều trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn, khúc trắc hiện nay…
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 06/07/2018
Tôi viết về câu chuyện ‘lá thư của sinh viên Trương Thị Hà gửi thầy Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) trong một nỗi niềm khác.
Thư của Trương Thị Hà gửi người thầy của mình ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh
Tôi không muốn lên án hay phán xét về thầy Hạ, kể cả khi thầy buông thõng câu nói : Tôi không biết về Luật. Bởi mỗi người có một ngưỡng giới hạn, một sự lựa chọn, một quan điểm cần được tôn trọng, mặc dù sự im lặng đó, như Trương Thị Hà nói là ‘sự im lặng trước hành vi chà đạp nhân phẩm và xâm phạm thân thể trắng trợn’. Thế nên trong bài viết này, sẽ nói nhiều về cái gọi là ngôn từ của các anh/chị ‘công an nhân dân’.
‘Chà đạp nhân phẩm’
Đã lâu lắm rồi, người viết mới đọc lại cụm từ ‘bằng cấp ma-cô, đĩ điếm, trộm cắp’, thường thì ngôn từ này sẽ xuất phát trong một bài báo chuyên chính vô sản. Ví dụ như bài viết ‘Lối sống thực dân mới của Mỹ ở miền Nam trước 1975’ của tác giả Chu Khắc đăng trên tạp chí Xã hội học số 2 – năm 1983. Trong đó, dẫn giải Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần IV : ‘Bọn Mỹ-nguỵ cố tạo ra một thứ văn hoá nô dịch, đồi truỵ, lai căng, cực kỳ phản động, xô đẩy một số khá đông thanh niên trong các thành thị’, và văn hoá nô dịch kia cũng được chỉ thẳng là ‘nơi đẻ ra đĩ điếm, ma cô’.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, tư vấn cho các học sinh quan tâm tới khối ngành Xã hội. Ảnh VTMOnline
Hình dung chi tiết hơn có thể qua chương VII (Giải Phóng – Huy Đức) trong đó mô tả việc chấn chỉnh lại nền văn hóa ‘nảy sinh ra đĩ điếm’ đó bằng cách, vào tháng 10/1975, ‘đợt phát động thanh niên "hớt tóc ngắn, sửa quần áo lai căng" bắt đầu được triển khai’.
Nghĩa là thời điểm sau giải phóng, cái ngôn từ chà đạp nhân phẩm đó có thể dành cho một anh chàng để tóc dài hoặc một cô nàng mặc ống quần loe.
Còn giờ đây, thành phần ‘đĩ điếm’ lại được các viên công an (những người thực thi pháp luật nhà nước) dành cho những nhà hoạt động nhân quyền – dân chủ nói chung, và những người thực thi quyền biểu tình nói riêng.
Vì sao ?
Hầu hết các viên công an (bao gồm cả giới an ninh) đều phải trải qua lần lượt các môn học về pháp luật, và Hiến pháp cũng là một trong số các môn đó. Tuy nhiên, có vẻ sự vận dụng hiểu biết về quyền lực pháp luật và quyền con người chưa bao giờ được các viên an ninh để tâm ; họ được trao một quyền lực tối thượng ngay từ khi ngồi trong ghế nhà trường : quyền lực phán xét và kết tội thay tòa án. Và khi quyền lực đó được thực tế không kiểm soát, thì việc chà đạp nhân phẩm, danh dự của một người là tất yếu.
Từ Sài Gòn, sinh viên Trương Thị Hà ra tới tận trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam) Tổng cục 8 Bộ công an để thăm người cô yêu là sinh viên Phan Kim Khánh... Ảnh nghiepdoansinhvien.org
Phải chăng trong mái trường Học viện hay Đại học, ‘cảnh sát nhân dân’ luôn được dạy rằng, với những người bất đồng chính kiến, chúng chỉ là thành phẩn ‘đĩ điểm, trộm cắp, ma-cô’, và hãy ứng xử với ‘chúng’ bằng những thứ bẩn thỉu nhất ?
"Những người Việt trẻ tuổi, năng động, yêu nước, yêu tự do dân chủ, sống tử tế và học giỏi như anh, không thể nào và không bao giờ là kẻ thù của nhân dân Việt Nam được. 6 năm tù và 4 năm quản chế cũng lâu đó anh. Luôn vững tin anh nhé" (trích Nếu ra ngoài, chưa có người yêu, em muốn làm bạn gái của anh ạ). Thư Trương Thị Hà, 26/10/2017
‘Xâm phạm thân thể’
Hầu như, ai đi biểu tình cũng bị tấn công bạo lực vật lý. Vào năm 2011, anh Nguyễn Chí Đức (tức blogger Đông Hải Long Vương), khi biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, anh đã bị một viên an ninh đạp thẳng vào mặt khi đang bị khiêng vứt lên xe buýt.
Trạm dã chiến Tao Đàn 17/06/2018 cũng chứng kiến trường hợp tương tự, những cú thúc, bạt tay,… được sử dụng như một ‘nghiệp vụ’ thành thạo trong lấy lời khai những người… không phải là tội phạm.
Trong cuộc đối thoại giữa ‘công an nhân dân’ với bạn sinh viên Trương Thị Hà, những lần bạt tay là những lần buộc Hà ‘hợp tác’ trên cơ sở sử dụng nó như ‘chứng cứ’ để tống giam Hà vào tù, hoặc đe dọa các quyền tự do của Hà về sau. Thậm chí, sự xúc phạm thân thể ngang nhiên tới mức : Mày nhắc đến ba từ 'mời luật sư' nữa tao vả cho vỡ mồm.
Nhưng nghiêm trọng hơn, là một vị ‘công an nhân dân’ cho rằng, hành vi ‘kêu gọi biểu tình’ hay ‘hướng dẫn người dân đối phó với công an’ là một hành vi phản động.
Vậy là phản động trong mắt các anh/chị ‘công an nhân dân’ chính là các hành vi kiểm soát cái gọi là 'quyền lực vượt khung' (hay quyền năng công an trị), mặc dù nó đúng trên cơ sở luật pháp ? (*). Nếu như thế, thì phải chăng, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cần được 'ăn nghiệp vụ', khi ông tuyên bố rằng : Không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật.
Và chính từ việc đặt góc nhìn ‘phản động’ vào những nhà bất đồng chính kiến, nên luật pháp được dạy trong nhà trường trở thành thứ yếu đối với những nhân viên hành pháp, trong khi đó ‘nghiệp vụ’ phi nhân quyền lại lên ngôi như một giải pháp tối thượng để tiếp tục giữ ngôi vương về ‘điều tra, phá án giỏi nhất thế giới’.
Kết
Khi tìm vào trường Đại học Cảnh sát nhân dân, người viết nhận thấy một cuộc vận động 'Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ'. Nhưng cứ qua mỗi cuộc biểu tình thì hình ảnh người công an viên xây dựng trong mắt người dân lại thiếu bản lĩnh, phi nhân văn, thụt lùi tính phục vụ bấy nhiêu.
Chẳng vị ‘công an nhân dân’ nào được cho là bản lĩnh khi sử dụng bạo lực với người phụ nữ, chẳng thể nhân văn khi dùng bạo lực để ép ký nhận một thứ gì đó không đúng với pháp luật, và chẳng thể là phục vụ khi mà hành xử với nhân dân bằng nắm đấm.
Điều ngược đời là, chính những hành vi ‘vô pháp’ nêu trên, lực lượng công an nhân dân đã ‘góp công đào tạo’ hàng trăm, và có thể lên đến hàng ngàn nhà bất đồng chính kiến trong tương lai, bởi sự căm phẫn về một cách hành xử ‘công an trị’ phi nhân quyền.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 01/07/2018
Chú thích : (*) Hướng dẫn của Trương Thị Hà trong cách ứng xử với công an hoàn toàn dựa trên Luật, mà cụ thể là Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Một bài viết trên StraitsTimes đề cập về vấn đề dân sinh thiết thực ở Việt Nam, đó là tình trạng thất nghiệp ở tuổi 30, một yếu tố được coi là mở màn cho cuộc khủng hoảng phúc lợi ở Việt Nam.
Công nhân dệt may tại một nhà máy ở Việt Nam. Ảnh : baobariavungtau
Số nhân viên thất nghiệp độ tuổi 30 đang tìm kiếm các quyền lợi nghỉ hưu, sau khi phía doanh nghiệp tìm cách tiết kiệm tiền lương và chi phí bảo hiểm xã hội.
Trưởng phòng Quan hệ lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL- Vietnam General Confederation of Labour), ông Ngô Duy Hiếu, phát biểu tại một phiên họp Quốc hội tuần trước rằng một số công ty, kể cả những công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã kết thúc hợp đồng với công nhân trên 35 vì họ cảm thấy rằng một số công việc ‘không còn’ phù hợp với độ tuổi của người lao động.
Nó không còn là hiện tượng, nó đã trở thành một bản chất trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Lý do, một số nhà tuyển dụng không muốn chi tiêu nhiều vào tiền lương và an sinh xã hội.
Sự ra đi của người lao động trong độ tuổi 30-35 được tiến hành bằng phương thức gia tăng áp lực công việc (để buộc họ rời bỏ công ty), hoặc chấm dứt hợp đồng mà không cần giải thích.
Cô Hằng, 35 tuổi, từng làm việc cho một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà nội), nhưng đã thôi việc sau khi được chuyển sang một đơn vị khác, nơi cô cảm thấy công việc 'không còn phù hợp'.
Những hợp đồng ngắn hạn, bố trí công việc không phù hợp là hai trong số vô vàn phương thức buộc người lao động tự sa thải chính mình.
Bà Hạnh, một người lao động chia sẻ với VnExpress rằng bà hiện đang tìm kiếm một công việc tại trung tâm xúc tiến việc làm tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Trong một cuộc khảo sát của VGCL về lý do chấm dứt hợp đồng lao động của các công ty FDI cho thấy, 40% nhân viên rời công ty của họ do bị buộc phải làm thêm giờ, hoặc không đạt được mục tiêu. 15% khác, cho biết họ không phù hợp với công việc, trong khi 13% không muốn giải thích.
Tuy nhiên, không có số liệu thống kê đầy đủ về số nhân viên ở độ tuổi 30 bị các công ty FDI sa thải, Thứ trưởng Bộ Lao động Phạm Minh Huấn cho biết.
Trong một nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất và tuyển dụng nhân viên mới khi họ kiếm lợi nhuận, nhưng nếu họ gặp khó khăn về thị trường và phải giảm sản xuất, họ sẽ sa thải nhân viên. Đó là điều không thể tránh khỏi. Bất kể vì lý do gì, sa thải gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống phúc lợi của Việt Nam, và thanh trả an sinh xã hội một lần tăng lên đáng kể, theo ông Lê Đình Quang, Phó trưởng phòng quan hệ lao động thuộc VGCL.
Trong những năm gần đây, trung bình 700.000 người đã nộp đơn yêu cầu thanh toán an sinh xã hội một lần (còn được biết dưới dạng bảo hiểm thất nghiệp)mỗi năm. Trong 5 tháng đầu năm nay, con số đó là 300.000, với độ tuổi lao động ở ngưỡng 35-40 tuổi.
‘Hơn 10.000 người đã đăng ký trợ cấp thất nghiệp ở Hà Nội và 90% trong số họ chỉ mới hơn 35 tuổi’, ông Quang nói.
Tình hình này nhận thấy rõ rệt hơn trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày dép và thủy sản,... Người lao động phải từ bỏ công việc vì họ không còn sức khỏe để thực hiện như ở độ tuổi 20.
Các công ty cũng đã cố gắng thuyết phục người lao động rời bỏ công việc và nhận các khoản thanh toán bảo hiểm y tế và an sinh xã hội một lần để giảm số tiền mà các công ty phải đóng góp trong vấn đề này.
Sự gia tăng số lượng người lao động tìm kiếm quỹ hưu trí sớm và rút tiền từ chương trình an sinh xã hội có thể dẫn đến mất cân bằng trong quỹ hưu trí. Và trong lúc đó, chính quyền Hà Nội đang tìm kiếm kế hoạch cải cách an sinh xã hội theo hướng điều chỉnh thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và xuống 10 năm.
Ánh Liên lược dịch
Nguồn : VNTB, 01/07/2018
Khi những vị an ninh đánh đập người biểu tình, cũng như buộc phải ký giấy không biểu tình về sau, họ đồng thời đưa ra thông điệp : nhân quyền cái cc.
Ông Đinh La Thăng cũng không ngờ mình bị ứng xử bất công tại phiên tòa tới mức phải thốt lên một câu đúng chất bảo toàn quyền con người : hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người.
'CC' là cụm từ tục tĩu, thô bỉ, và trong mắt viên an ninh nó cũng tương tự như thế. Khái niệm 'nhân quyền' hay 'quyền con người' trầy trật hàng chục năm mới lê lếch vào được Hiến pháp 2013 (quy định tại chương II - Hiến pháp), và sẽ mất chừng đó thời gian nữa mới hiện thực hóa trong đời sống thực tế.
Nhân quyền là điều mà hầu hết mọi người đều cần, nhưng với những viên an ninh - vốn dĩ là công cụ của đảng ; những lãnh đạo - nhóm người có quyền lực vô hạn thì sao ?.
Chưa ! Họ chưa tiếp nhận hoặc sẵn sàng tiếp nhận nhân quyền.
Hãy nhìn vào bốn vị đương kim quyền lực hiện tại gồm : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ; Chủ tịch nước Trần Đại Quang ; Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ai cần nhân quyền ? Chưa ? Chưa ai trong số họ cần nhân quyền lúc này cả, bởi họ đang đứng trên 5 triệu người lệ thuộc họ và hơn 85 triệu người phụ thuộc họ.
Tuy nhiên, ông Chủ tịch nước có lẽ sẽ là người đầu tiên gặm nhấm hương vị nhân quyền. Lý do vì sao ? Đơn giản quyền được thông tin và phản ánh của ông ta đã bị 'cắt' ngay trên mặt báo thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự cư xử thô lỗ, thô bạo (như cách nói của ông Nguyễn Trung Dân, cựu phó Tổng biên tập tờ Du Lịch cho BBC Việt ngữ biết) nó không những phản ánh sự mâu thuẫn nằm trong hệ thống tứ trụ, mà còn thể hiện tính 'nhân quyền' đặc sắc xã hội chủ nghĩa áp dụng chính những lãnh đạo cấp cao đang 'thất thế'.
Cần nhắc lại, ông Trần Đại Quang không phải là nhân vật cao cấp đầu tiên bị sửa lại câu từ trên một bài báo, nhưng ông có lẽ là người đầu tiên bị thay đổi chóng vánh nội dung trên trang báo và bị người dùng mạng xã hội phát hiện.
Bẽ mặt không ? Có lẽ là có, bởi ông từng là Bộ trưởng Bộ công an - người từng thét ra lửa trong kiềm kẹp nhân quyền, nhưng giờ đây ông cũng bị chính cái kiềm kẹp đó làm cho ê mặt.
Người thứ hai phải nói đến là ông Đinh La Thăng, cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Ủy viên Bộ Chính trị Việt nam, nguyên Tư lệnh ngành Giao thông và vận tải - người từng một thời thét ra lửa, liên tục giơ tay 'trảm tướng'. Nhưng rồi sao, kết quả của vị Ủy viên Bộ chính trị trước tòa.
Thực sự, có nằm mơ ông Đinh La Thăng cũng không thể ngờ được mình bị ứng xử bất công như vậy tại phiên tòa tới mức ông phải thốt lên một câu đúng chất bảo toàn quyền con người : hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người.
Chính trị là đảo chiều liên tục, nhưng nhân quyền lại giữ một cố định. Nó không phân biệt giai tầng, không phân biệt người có thế lực hay không, nó chỉ nhận biết đối tượng là người và mặc nhiên nó sẽ bảo vệ, dù đó là Chủ tịch nước hay là một nông dân mất đất.
Vấn đề là, những người có quyền phải góp phần tạo cơ chế cho nhân quyền được hiện diện và hiện thực hóa nó trong đời sống chính trị - xã hội. Không phải là dành cho những người thế yếu, mà dành cho chính những con người quyền lực khi... sa cơ thất thế rơi vào cảnh thân cô thế cô, bởi lúc đó chỉ có cơ chế nhân quyền mới bảo vệ được, còn 'đồng chí' chỉ là thứ trục hạ nhau không hơn không kém như số phận ông nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội từng một thời thét ra lửa.
Facebooker Lưu Trọng Văn chia sẻ câu chuyện về một viên an ninh, theo đó - viên an ninh được điều động đến một chiếc xe xịn nhất, nơi đó có sẵn công an địa phương và đại diện dân phố địa phương. Lệnh : tịch thu chiếc xe vì đó là tài sản phi pháp. Viên an ninh kể : 'Mày biết không, tao run, vì ông ấy hồi là bí thư thành ủy cỡ tao làm gì có cửa để gặp được. Tao nghĩ, có thiếu gì cách để tịch thu xe của ông ấy, như đến nhà, hoặc chỉ cần một thông báo qua điện thoại là êm. Nhưng... họ chọn cách ở nơi có đông người, trong đó nhiều doanh nhân, nhiều quan chức và thêm đại diện tổ dân phố địa phương nữa'.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 27/06/2018
Vườn hoa Mai Xuân thưởng nằm đối diện Nhà tưởng niệm liệt sĩ, sát cạnh Ủy ban Dân tộc, quan trọng hơn là nằm đối diện Phòng Chủ tịch nước - chỉ cách một con đường Hoàng Hoa Thám.
Giáo sư Đặng Hùng Võ
Từ lâu, vườn hoa này được gọi là vườn hoa dân oan, nơi nhiều ba con từ mọi miền đất nước tụ tập về với chung một mục đích là khiếu kiện đất đai và giải quyết chính sách đất đai có liên quan.
Với chiếc áo màu đỏ, trên áo in đậm biểu ngữ đề cập đến vấn đề đất đai bị tước đoạt trái phép, bà Mai (An Giang) cho biết, bà ăn nằm ở thủ đô gần 6 năm trời. Lý do, bà muốn trung ương chú ý giải quyết trường hợp đất đai bà bị cưỡng chế với giá rẻ mạt, chưa đầy 25.000 đồng/m2 - tức chưa đủ tiền để gửi một chiếc xe oto tại thủ đô.
Giống như bà Mai, bà Lan cũng là một dân oan về đất đai, đất tổ tiên của bà bị chính quyền tỉnh Đắc Nông 'cưỡng chế' vì lý do 'lợi ích quốc gia', và tất nhiên với giá rẻ như cho.
Những trường hợp như bà Mai hay bà Lan là hai trong số vô vàng những trường hợp dân oan về đất đai tìm về thủ đô để mong thấy được công lý. Trong số những trường hợp bà con bám trụ với tình cảnh cực kỳ khó khăn đó, có cả nhóm dân oan đến từ Thủ Thiêm - nạn nhân của việc lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh chia chác đất đai không theo quy định của pháp luật.
Đất đai vẫn là chủ đề nóng, và là nguồn cơn của bất ổn xã hội.
Hiến pháp nhà nước Việt nam coi 'tư hữu hóa đất đai' là một trong 3 điều cấm kỵ, bên cạnh điều 4 (quyền lãnh đạo của Đcộng sản Việt Nam) và chính trị hóa quân đội. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng, đất đai ở Việt nam phải thuộc về dân tộc việc Nam chứ không phải của Đcộng sản Việt Nam - người đề ra đất đai là sở hữu toàn dân. Và do đó, người dân cần có quyền tự quyết nhiều hơn với mảnh đất của mình, do khai hoang hoặc thừa kế từ chính những người trong gia tộc.
Vào năm 2011, ông Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong một bài viết khẳng định 'sở hữu tư nhân về đất đai là tất yếu' với các lý lẽ mang tính chặt chẽ. Và sau 7 năm, một lần nữa, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ lại lên tiếng về Luật đất đai 2013, trong đó khẳng định thẳng thắn : Quy định thu hồi đất (theo Điều 62) là không đúng với Hiến pháp 2013.
'Ở đây nếu truy ra thì sử dụng đất vì mục đích an ninh, quốc phòng là có định nghĩa ; sử dụng đất vì lợi ích công cộng cũng có định nghĩa. Nhưng không có định nghĩa thế nào là sử dụng đất vì lợi ích quốc gia. Hoàn toàn không có định nghĩa. Và như vậy, không có cơ sở gì để triển khai Điều 62 cả' - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Cũng vào năm 2018, một bài viết đề cập trực tiếp đến Điều 61, 62, 65 Luật Đất đai được đăng tải trên trang motthegioi của tác giả Hoàng Hải Vân, trong đó chỉ ra rằng, bản chất của 3 điều luật nêu trên chính là thể hiện tính 'lợi ích nhóm'.
Lần đầu tiên, một bài viết chỉ thẳng điểm các điều liên quan đến thu hồi đất đai vì lý do 'phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng' là lợi ích nhóm. Mặc dù không trực tiếp nhắc đến quyền tư hữu đất đai, nhưng quan điểm bài viết của tác giả mặc nhiên coi đó như là một sự sai phạm nguyên trọng khi không cho người dân quyền tư hữu đất đai.
Những quan điểm này có phải mở đường cho việc sửa các điều khoản liên quan đến việc không công nhận sở hữu tư về đất đai ? Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa một kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 nhưng trong đó lại thiếu điều chỉnh liên quan đến việc thu hồi đất vì lý do công cộng hay quốc phòng. Nhưng dù sao, những quan điểm gián tiếp phản ứng với Điều 61-62-65 cũng mở ra một cơ hội cho việc bổ sung hoặc chỉnh sửa các quyền lợi về đất cho người dân, trước các tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn trong nước.
Trong khi chờ đợi một sự thay đổi lớn từ Luật thì chính quyền Hà nội lại chú ý đến sự biến chuyển của nhóm người dân oan. Theo đó, những người dân oan tại Hà nội giờ đây trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với các hoạt động của người đấu tranh dân chủ - nhân quyền tại Việt nam. Lý do đơn giản vì những nhà đấu tranh này đang đấu tranh theo hướng cốt lõi quyền lợi của chính họ : tư hữu hóa đất đai.
Điều đó đồng nghĩa, nhóm đội dân oan trở thành những 'cảm tình viên' tích cực của phong trào đấu tranh dân chủ - nhân quyền tại Việt nam là nằm ngoài những suy tính của chính quyền.
Trong một quan điểm của tác giả David Hutt trên Asiatimes gần đây cho biết : nếu Đcộng sản Việt Nam muốn ngăn chặn một tình huống tệ hại liên quan đến sự lớn mạnh của sự phẫn nộ trong dân chúng, thì chính đảng này cần phải tháo dỡ sức mạnh độc quyền của mình. Theo đó, phải chấp nhận rằng đất đai thực sự có thể được sở hữu bởi các cá nhân mà không có sự can thiệp của nhà nước.
Như vậy, bản thân sự phá dở độc quyền đất đai sẽ tạo nên sự bình đẳng, công bằng xã hội cao. Nó tránh trường hợp dân mất đất và nhà ở, trong khi 'các chủ đất giàu lên trong lúc đang ngủ'. Và chỉ như thế, vào mỗi buổi sáng, Phủ chủ tịch mới bớt đi 'sự quấy rầy' từ nhóm dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thường.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 28/06/2018