Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau khi sự kiện cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy - chủ nhiệm lớp 6/2 (trường Trung học cơ sở Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) yêu cầu học sinh trong lớp tát bạn 230 cái vì ‘nói tục’. Thay vì lắng nghe và cầu thị, thì Ban giám hiệu trường này lại tìm cách ‘lấy lời khai’ học sinh trong lớp để làm giảm nhẹ tính chất vấn đề, nhưng điều mà lãnh đạo trường này không hình dung tới được, là nó càng đẩy sự việc đi quá xa, và nhấn mạnh nguyên tắc ‘thành tích nhà trường cao hơn danh dự học sinh’.

khai1

Tờ khai của một học sinh về vụ 231 cái tát - Ảnh minh họa

Học sinh lớp 6/2 đã phải tham gia trả lời phải ghi rõ họ tên, cuối mỗi tờ giấy phải ghi : ‘Lời khai của em…’ và ký tên. Sau khi điều tra, nhà trường báo cáo rằng sự việc là có thật nhưng ‘có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh’.

Đây là kết quả để bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng nhà trường Báo cáo đến Huyện ủy, UBND và Phòng Giáo dục và đào tạo Quảng Ninh.

Chiêu trò mà nhà báo Vũ Kim Hạnh phải thốt lên : tội ác không có điểm dừng. Và bà cũng đặt câu hỏi : Ban giám hiệu mất dạy. Với người viết, đó vừa là một hành vi hèn hạ trên cương vị lãnh đạo ngành giáo dục, vừa là một hành vi đê hèn với học sinh nhằm cứu vớt danh hiệu ‘chuẩn quốc gia’, một điển hình nhất của cái nền giáo dục mà lương tri, đạo đức nghề nghiệp bị bón rẻ hoàn toàn. 

Nói như nhà báo Vũ Kim Hạnh, bằng phương thức ‘tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh’, lãnh đạo trường Trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) muốn xã hội Việt Nam, muốn ông Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, và cả ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ phải khoanh tay xin lỗi. 

‘Lấy lời khai’, vừa vi phạm quyền trẻ em (khi các em khai mà không có người giám hộ) và cho thấy sự coi thường pháp luật của lãnh đạo nhà trường. Nó tạo ra một tấn bi hài đầy nước mắt, khi một ngôi trường với đầy khẩu hiệu lớn lao, nhưng giáo viên và lãnh đạo thiếu sự đạo đức và gương mẫu, trong khi thừa chiêu trò khủng bố tinh thần và bịt miệng học. Trẻ em vốn cần được dung dưỡng sự thẳng thắn và thật thà, nay bị ‘bản lấy lời khai’ làm cong vẹo mọi giá trị. 

Liệu bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh, hay các ‘nhà giáo’ nằm trong Ban giám hiệu trường có ngượng ngùng không khi rao giảng về đạo đức, cách sống lẫn những bài trong Giáo dục công dân. Bởi bản chất các ông bà giáo dục này không hiểu được rằng, 230 cái tát nó không nằm ở mức độ nặng hay nhẹ, mà bản chất nó là một hành vi phi giáo dục.

Liệu ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo có tiếp tục lên tiếng về trường hợp này ? Và đến bao giờ ông mới hiện thực được cái quan điểm của Bộ là ‘không thể chấp nhận trong đội ngũ những giáo viên này’ ?. Và liệu việc ông có áp dụng quan điểm ‘không chấp nhận’ đó cho bà Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh cùng ban giám hiệu trường Trung học cơ sở Duy Ninh, những người tiếp tục tìm cách ‘dung dưỡng bạo lực’ thông qua ‘bản lời khai’, những người hoàn toàn đi ngược lại với cái gọi là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo ?

Phương thức giáo dục dựa trên thành tích nhà trường đã xóa sổ toàn bộ triết lý giáo dục hư ảo mà nhà trường này đặt ra, khi nhân tính giáo dục đã không còn tồn tại.

Facebooker Minh An Nguyen Kinh, một nhà giáo về hưu bày tỏ sự ngạc nhiên về cách hành xử của Ban giám hiệu trường, theo bà, đây là ‘tội ác không điểm dừng’. Và bà, không biết nói gì ngoài lời xin lỗi nếu có thể gởi tới được các em học sinh đã phải làm cái bản chối tội điên khùng của người lớn này. 

Nhà giáo này cũng lo ngại rằng, khi các em bị ‘khủng bố’ như thế này, thì nó dễ dàng mở ra một tương lai, nơi mà các em sẽ trở thành những con người luôn biết luồn lách.

Nhưng câu chuyện của trường Trung học cơ sở Duy Ninh và cách hành xử ‘mất dạy’ của ban giám hiệu trường này thực ra cũng chỉ là một ví dụ điển hình của nền giáo dục hiện tại, một nền giáo dục cải cách vì đồng tiền và thành tích cho người lớn. Chính vì vậy, mà không phải ngẫu nhiên khi Facebooker cho rằng, đó chính là ‘sản phẩm đào tạo của chủ nghĩa xã hội, những sản phẩm chỉ ‘lo kết bè kết đảng kiếm ăn và chạy tội là giỏi thôi. Bất kể nhân tâm, đạo đức. Làm giàu và hãnh tiến, chà đạp người khác khi có dịp’.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm trong một trao đổi với báo giới đã đề xuất một giải pháp giải quyết tình trạng cùng quẫn đạo đức tại ngôi trường Trung học cơ sở này. Đó là, kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Quảng Ninh nên bãi chức vị Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Duy Ninh, khi bắt các học sinh trả lời phiếu điều tra như bị hỏi cung. Và tất nhiên, tập thể ban giám hiệu phải gánh chịu hình thức kiểm điểm có liên quan vì dung túng, tiến hành hành vi sai trái nêu trên, trong khi đó tiếp tục thực hiện tố tụng hình sự đối với giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy.

Trước đó, trong một sự kiện, người đứng đầu Nhà nước và Đcộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố : Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 04/12/2018

*********************

Trường bắt học sinh viết lời khai vụ cô giáo phạt 231 cái tát (Một Thế Giới, 03/12/2018)

Không có hành vi cầu thị sau vụ 1 học sinh lớp 6 bị cô giáo phát động phạt 231 cái tát, ban giám hiệu trường Trung học cơ sở Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) lại bắt học trò viết lời khai. Các câu hỏi như bản hỏi cung nhưng lãnh đạo nhà trường nói đó là... phiếu điều tra.

19 câu hỏi cung và cấm kể chuyện tát

Chiều muộn ngày 23/11, báo chí đưa tin học sinh H.L.N bị cô giáo T huy động 23 bạn trong lớp 6.2 tát phạt cùng 1 tát của cô giáo thành 231 cái. Các cấp lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Bình và huyện Quảng Ninh chỉ đạo xử lý nghiêm. Thay vì trấn an tinh thần học sinh, động viên các cháu từng bị cô T xử phạt tát rất bạo lực bằng cách mượn tay học trò đánh bạn, thì ban giám hiệu nhà trường lại đưa ra khoảng 19 câu hỏi liên quan đến 231 cái tát cực kỳ chi li cặn kẽ với lớp 6.2.

khai2

Bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh bìa phải và Phó hiệu trưởng chủ trương lấy lời khai học sinh như hỏi cung mà không có phụ huynh hay người giám hộ

Toàn bộ có 23 tờ giấy trắng được phát ra, mỗi em được phát 1/2 tờ giấy A4 do nhà trường đưa đến. Một bộ câu hỏi 19 câu gồm :

1. Cô T quy định phạt tát thời gian nào ?

2. Bạn N bị tát vào thời gian nào ?

3. Khi tát bạn N cô T có mặt ở lớp không ?

4. Em tát vào mặt bạn N bao nhiêu cái ?

5. Em tát vào bạn N mạnh hay nhẹ ?

6. Bạn N có nói tục không ?

7. Khi tát bạn N có khóc không ?

8. Sau khi tát má bạn N có đỏ không ?

9. Cô T vào đã tát được mấy bạn ?

10. Cô T có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không ?

12. Cô T tát bạn N mấy cái ?

13. Sau khi tát bạn N có bị chảy máu không ?

14. Sau khi tát bạn N cả lớp có sợ hãi bật khóc không ?

15. Trước khi tát bạn N cô T có ra lệnh tát phạt mấy bạn ?

16. Khi tát bạn N cô T ra lệnh hay tự ý ?

17. Cô T có phải là người cuối cùng tát bạn N không ?

18. Cô T đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N ?

19. Sau khi tát bạn N có ở lại học không ?

Lời khai như hỏi cung của học sinh ngày 24/11

Một học sinh trong lớp phản ánh với tinh thần lo lắng cho biết, nhà trường quán triệt cấm kể chuyện cô huy động các bạn trong lớp phạt tát với bất cứ ai. Vì sợ nên các câu hỏi được trả lời có lợi nhất cho cô T. Mỗi học sinh hoàn thành trả lời bộ câu hỏi này đều ghi bên dưới là : "Lời khai của em…", một số khác ghi họ tên đầy đủ nộp lại cho nhà trường. Việc có câu hỏi cung này, học sinh cũng không được nói với bất cứ ai ngoài khuôn viên nhà trường.

khai3

Một phụ huynh khi biết chuyện nói : "Danh dự nhà trường không lẽ lại hơn nhân phẩm học trò ? Không ai hủy hoại danh dự nhà trường bằng việc sử dụng hình phạt tát mà tàn nhẫn ở chỗ cho học sinh tát nhau. Cũng không ai hủy hoại danh dự của nhà trường bằng cách bắt học sinh lớp 6 mới 11 tuổi viết lời khai như hỏi cung".

Trên mỗi tờ khai ấy, các em ghi rõ họ tên và ghi rõ giới tính từng em.

Bản thống kê kỳ lạ về 231 cái tát

Từ bản khai của 23 học sinh, bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh đã làm một báo cáo số 46/BC-THCSDN gửi lên Huyện ủy Quảng Ninh, UBND huyện Quảng Ninh, phòng Giáo dục và đào tạo Quảng Ninh vào ngày 26/11 có đoạn :

"Chiều 24/11/2018, nhà trường đã điều tra học sinh bằng phiếu điều tra. Kết quả phiếu lấy ý kiến từ 23 học sinh như sau : Sự việc xảy ra học sinh bị các bạn tát 231 cái tát là có thật nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh. Cô T có chứng kiến 1 bạn tát sau đó mới rời khỏi lớp (11/23 em trả lời), 1 em trả lời chứng kiến 4 bạn tát, 1 em trả lời chứng kiến 3 bạn tát, 3 em không để ý). Cô T không ra lệnh tát nếu ai tát nhẹ thị bị tát (23/23 em). Khi bị các bạn tát em N có khóc (23/23 em trả lời), khi bị tát má em N không bị chảy máu (23/23 em trả lời), cô T tát em N 1 cái (23/23 em trả lời), cô T không phải là người cuối cùng tát em N (16/23 em trả lời ; còn lại không có câu trả lời). Khi tát em N các bạn trong lớp không có ai sợ hãi và khóc (23/23 em trả lời), cô T đứng cùng chiều tát em N (23/23 em trả lời), sau khi bị tát N vẫn ở lại học bình thường đến cuối buổi học (23/23 em trả lời). Em N vào viện khám và điều trị chứ không phải cấp cứu".

khai4

Một bản viết của học sinh ghi lời khai của em

Đấy là những thống kê sau khi hỏi cung của nhà trường. Văn bản bà Anh ký gửi còn nêu : "Chị họ của N cùng lớp tát N nhưng không khóc (23/23 em trả lời). Đây là thống kê vô cảm, muốn đánh tráo dư luận. Những thông tin chúng tôi tiếp nhận vào ngày 23/11 thì sự thật khác xa với những gì bà Anh phát động lấy khai cung.

Trong biên bản lập ngày 21/11 về 231 cái tát này cô Nguyễn Thị Ái Vân, tổng phụ trách đội của trường Trung học cơ sở Duy Ninh bao biện :

"Vì áp lực thi đua do Đội. Đội quy định nếu lớp học có em học sinh nói tục là bị trừ 5 điểm, nên đã tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm. Vì muốn lớp tiến bộ nên cô T đã có biện pháp giáo dục học sinh, nhưng biện pháp của cô đưa ra không đúng, mong phụ huynh thông cảm".

Còn bà Anh, Hiệu trưởng khẳng định :

"Sẽ có biện pháp xử lý thích đáng đối với cô T trong thời gian gần nhất. Phụ huynh động viên học sinh, sớm cho em N đến lại trường học. Đề nghị cô T thay đổi lại cách giáo dục học sinh, nhà trường sẽ giám sát về quá trình giáo dục, dạy dỗ học sinh của cô T".

Phớt lờ những em bị tát trước đó

Trong biên bản phản ánh lời bà Anh như thế, nhưng báo cáo số 46/BC-Trung học cơ sởDN cũng do bà Anh ký lại phớt lờ việc trước đó đã có ít nhất 10 học sinh bị phạt tát bởi cô T huy động. Lớp trưởng N.T.N khi được các nhà báo phỏng vấn cũng khẳng định đã có 10 bạn bị phạt trước khi H.L.N bị phạt tát. Điều này cũng trùng khớp với việc N kể với chúng tôi vào hôm 23/11/2018.

Nhưng không hiểu vì sao trong bản khai của lớp trưởng N, đến việc trả lời có bao nhiêu bạn từng bị phạt tát trước N thì cậu lớp trưởng đã phải sửa lại số 10 thành một con số không rõ ràng. Tuy nhiên, có khá nhiều các bạn khác trả lời là 7 hoặc 8 bạn từng bị phạt tát do cô T quy định.

Trong bản khai này có một tờ khai ghi tên H.L.N là nạn nhân của 231 cái tát, cũng phải khai, nhưng vì áp lực rất lớn, N đã phải khai ngược lại những gì đã khẳng định trước đó như trước N có bao nhiêu bạn bị phạt tát thì N ghi là 0.

Việc phân loại tát như thế nào sau ngày N bị phạt của trường Trung học cơ sở Duy Ninh đã làm cho học sinh rúm ró, phải trả lời theo mớm cung, tất cả đều nói tát nhẹ, chỉ 2 bạn tát mạnh. Nhưng trước đó, lớp trưởng, hay N cũng khẳng định bị tát rất nặng. N cũng nhiều lần nói là bạn nào tát nhẹ thì bị phạt ngược lại gấp đôi. N cũng đã tham gia tát bạn khác sau khi cô phát động và N cũng thật lực tát nếu không sẽ bị phạt tát ngược.

Hiệu trưởng Anh đã bỏ qua việc trước đó nhiều học sinh bị cô T phạt tát mà không báo cáo lên cấp trên, làm việc với chúng tôi bà Anh cho rằng đó là phiếu điều tra của nhà trường, không phải hỏi cung.

Hoàng Long

Published in Diễn đàn

Vào đảng để làm gì ?

Nguyễn Hồng Phúc, VNTB, 25/11/2018

Lâu nay, trả lời câu hỏi "vì sao anh (chị) xin gia nhập Đảng" hay "anh (chị) vào Đảng để làm gì ?", nói chung, tổ chức đảng đều nhận được câu trả lời gần giống nhau, đại thể : "Tôi vào Đảng để hy sinh chiến đấu cho mục đích cuối cùng của Đảng là đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên đất nước ta".

vaodang2

Ảnh minh họa - Một buổi Lễ kết nạp đảng viên mới  (Công An Nghệ An)

Nhân mới đây trên Việt Nam Thời Báo có bài viết đặt vấn đề "Không đảng viên thì không thể làm… chủ tịch ?", thử ghi nhận một số ý kiến liên quan về thắc mắc "vào đảng để làm gì" ? (1).

Vì lý do ‘nhạy cảm’, các ông, bà được trao đổi trong bài viết này đều đề nghị viết tắt danh tánh.

Cựu quân nhân, đảng viên NHĐ : Chỉ tính từ ngày đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay, bên cạnh những đảng viên lao động sáng tạo, dũng cảm phấn đấu, là người tiên phong trên tất cả các lĩnh vực công tác đúng như lời hứa khi gia nhập đảng, thì cần trả lời rõ số đảng viên vi phạm kỷ luật đảng và luật pháp nhà nước, mắc vào những tội tham ô, lãng phí, vô trách nhiệm, bị công luận phanh phui tỷ lệ là bao nhiêu ?

Những ai mắc tội, những ai bao che, thiên vị ? Và bao nhiêu người đã trù dập đảng viên, quần chúng vì họ dám nói lên sự thật ? Những vụ ăn hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy dự án, chạy tội… đã và đang như dòng nước ngầm bẩn thỉu làm vẩn đục đời sống xã hội, làm ô uế thanh danh của đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân thì trong đó có bao nhiêu phần trăm là người đã từng hứa khi vào đảng ?

Tôi nghĩ rằng khi trả lời tường tận được những câu hỏi ở trên sẽ hiểu vì sao người ta muốn vào đảng, vì sao miệng đời đang cười cợt rằng "Không phải tất cả đảng viên đều tham nhũng. Nhưng tất cả những kẻ tham nhũng đều là đảng viên".

Nhà báo, đảng viên LQ : "Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn trên nền nhận thức bé nhỏ để rồi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng, liên lụy tới nhiều người. Bây giờ đối với cuộc đời tôi đã mất tất cả, chỉ còn trái tim trung thành với đảng". Cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa biện hộ trước tòa như vậy hôm sáng 23/11.

Tôi tin rằng tướng Hóa lúc ban đầu vào đảng có thể vì lý tưởng cao đẹp, thế rồi trên chốn quan trường chỉ rặt một gam màu đảng đã khiến ông ảo tưởng quyền lực, là bằng ý chí thì đảng có thể làm được mọi chuyện ; bao gồm cả việc cho mình cái quyền đã là đảng viên thì đương nhiên có những sức mạnh giúp vun vén cho lợi ích cá nhân thông qua phe nhóm, mà không e dè ngán ngại pháp luật (!?).

Tôi nghĩ nếu không là đảng viên thì khi người ấy tư lợi bằng lợi dụng kẻ hở pháp luật, chắc sẽ khó gây hậu quả nghiêm trọng, vì có thể đã bị cơ quan chức năng xử lý ngay từ ban đầu, mà không phải qua quá nhiều quy trình từ kiểm điểm, họp hành xét kỷ luật... Đó cũng là một trong những lý do tế nhị để người ta muốn được là đảng viên.

Nhà giáo, đảng viên N.T.H : Với tôi thì đảng viên là một tiêu chuẩn hành chánh mang tính thủ tục. Dạy giỏi, có thể được tín nhiệm đề cử làm tổ trưởng bộ môn. Hoạt động phong trào mạnh mẽ, có sự tin cậy của đồng nghiệp và cấp trên, có thể được bầu làm chủ tịch công đoàn giáo dục trường. Giai đoạn này bắt đầu có tiêu chuẩn đảng viên.

Vào đảng để làm tốt những chức trách được đồng nghiệp tin tưởng mình, thì tại sao mình lại từ chối khi được gợi ý vào đảng ? Còn lời hứa tuyên thệ lúc kết nạp đảng, thì cũng tương tự nghi thức kết nạp vào đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đó chỉ là những ngôn từ mang tính nghi thức hơn là thực sự của mục đích cống hiến mà đảng nêu ra, vì nó hầu như vượt khả năng hy sinh của nhiều người.

"Xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên đất nước ta" lúc tuyên thệ kết nạp dưới cờ búa liềm, thực sự thì tôi không còn cảm giác tự hào như thời còn là học trò được kết nạp đoàn Thanh niên cộng sản. Khi đó, thật lòng thì tôi hiểu nếu muốn tiến thân, muốn có tiếng nói trọng lượng để đòi hỏi cho quyền lợi đồng nghiệp, để không bị ai đó nhân danh đảng để chèn ép mình thì tôi phải là đảng viên.

Đơn giản chỉ là vậy. Còn chuyện xây dựng chủ nghĩa gì đó lúc tuyên thệ thì ngoài khả năng hiểu biết của một đảng viên quèn chỉ là cô giáo miệt vườn như tôi (!?).

Nhà giáo, đảng viên N.T.D : Tôi là giáo viên môn địa lý. Có thời gian tôi được giao đứng phụ lớp môn giáo dục công dân. Tôi từng được nghe huấn thị trong những tiết gọi là bồi dưỡng chính trị, rằng cần lưu ý rằng trong di huấn của V.I. Lênin và Hồ Chí Minh, trình độ chính trị của đảng viên bao giờ cũng được nhìn nhận ở sự giác ngộ, nhận thức về nhiệm vụ cách mạng được thể hiện ra ở hành động, ở hoạt động thực tiễn chứ không phải ở con số thống kê có bao nhiêu người đã qua trường lớp nào, có bằng cấp gì ; không thể chỉ xem xét ở việc họ viết hay, nói giỏi mà phải bằng hiệu quả đạt được trong các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên thực tế lại không đúng ở nơi tôi dạy học. Lẽ đó nên tôi phải là đảng viên để mong đấu tranh với cái ác tồn tại tiềm tàng ngay bên trong đảng. Tiếc là giờ sắp nghỉ hưu và chắc tôi cũng sẽ chuyển sinh hoạt đảng về khu phố. Vì sao ư ? Có thể tôi hèn, nhưng thực sự tôi vẫn ngại chuyện nếu rời bỏ đảng thì các thủ tục lý lịch của con cái tôi sẽ gặp khó khăn ở chốn công quyền về sau.

Một nhà báo ẩn danh : Tôi xin được trả lời bằng tin tức loại ‘giờ mới nói’ : Đúng ngay ngày kỷ niệm Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vào sáng 23/11 báo Thanh Niên có một cuộc họp công bố 13 vị trí gồm trưởng ban, phó ban/ phó phòng đã được "thôi chức" vì không phải đảng viên đảng cộng sản Việt Nam : Ban Chính trị- Xã hội : Thanh Tùng, phó ban. Ban Văn Nghệ : Thu Nga, trưởng ban, Bích Hạnh và Đỗ Tuấn, phó ban. Ban Giáo dục : Thùy Ngân, phó ban. Ban Thể thao : Quang Huy, phó ban. Ban Công tác Bạn đọc : Trần Thanh Bình, phó ban. Ban Mạng Xã hội : Kim Trí, trưởng ban (Kim Trí trước là trưởng ban Chính trị- Xã hội), Thu Thủy, phó ban. Tòa soạn tiếng Anh : Thế Vinh, thư ký tòa soạn. Ban Phóng viên Báo Điện tử : Thành Trung, phó ban. Phòng Tài vụ : Nguyễn Tuấn, phó phòng. Phòng Quảng cáo : Quỳnh Na, phó phòng.

Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 25/11/2018

Ghi chú :

(1) http ://www.vietnamthoibao.org/2018/11/vntb-khong-ang-vien-thi-khong-lam-chu.html

********************

Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu tái lập cơ chế : 'nắm kẻ có tóc' ?

Ánh Liên, VNTB, 25/11/2018

Sau sự kiện trừng phạt Giáo sư Chu Hảo vì 'tự diễn biến, tự chuyển hóa' liên quan đến việc tiến hành xuất bản những đầu sách mà Đảng cộng sản Việt Nam mặc định là ‘sự nhạy cảm’, hoặc phản ánh không chân thực về chế độ xã hội chủ nghĩa.

coche1

Muốn là lãnh đạo ngay cả trong tổ chức hoạt động nghề nghiệp, thì phải là đảng viên. Ảnh : baophapluat

Tiếp đó, trong một động thái có liên quan, Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh bị đề nghị xóa tên Đảng viên, vì ông Vinh bỏ sinh hoạt đảng trong nhiều năm. Liên quan đến vấn đề này, trả lời RFA, ông Vinh cho biết, 'chuyện đó bình thường', bởi ông bỏ sinh hoạt từ năm 2014 (ra khỏi đảng) vì ông thấy lý tưởng không còn phù hợp nữa.

Cả Giáo sư Chu Hảo và ông Huỳnh Tấn Vinh đều đưa Đảng cộng sản Việt Nam rơi vào một thế khó, hoặc họ lặng lẽ rời Đảng, hoặc họ tuyên bố rời đảng, và phải mất một thời gian sau nữa thì phía cấp ủy đảng mới làm công tác : khai trừ đảng. Và thủ tục này được đánh giá là mang tính hình thức.

Có vẻ ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ được nội bộ cấp cao Đảng cộng sản Việt Nam coi như một nguy cơ lớn nhất trong việc tiến hành chỉnh đốn đảng, thậm chí có lúc nó còn vượt lên cả nguy cơ tham nhũng trong đảng – vốn bị đánh giá là làm suy giảm khả năng chiến đấu của đảng và chế độ đứng trước nguy cơ biến mất. Sự tuyên bố rời đảng cộng sản Việt Nam dù chưa hình thành một trào lưu, tuy nhiên, nó tạo một lỗ hổng dù rất nhỏ - nhưng sẽ là nguy cơ hình thành một xu hướng rời đảng ngày một lớn.

Thay vì chuyển đổi để thích nghi với sự hội nhập quốc tế, và trên hết là mở rộng dân chủ trong đảng, tiến hành các hoạt động chống tham nhũng dưới sự cởi mở về quyền dân sự - chính trị, thì Đảng cộng sản Việt Nam lại tiến hành chống tham nhũng bằng quy định của đảng, và thực hiện chỉnh đốn đảng bằng cách tập trung vun vén quyền lực tuyệt đối của đảng. Nói cách khác, các hiện trạng ban hành luật liên quan đến quyền dân sự - chính trị vừa qua như Luật an ninh mạng, Luật bảo vệ bí mật nhà nước, hay việc tiến hành loại bỏ xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc khỏi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa qua. Hoặc những phát ngôn mang tính bất lực, thậm chí là có xu hướng ‘bất lực trước tham nhũng’ từ những cán bộ cấp cao như, ‘có ông 14-15 sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết’ (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) hay ‘cán bộ cấp cao không được để vợ con sống xa hoa, phô trương, lãng phí’ (Trưởng ban tổ chức trung ương Phạm Bình Minh) gây bàng hoàng dư luận.

Nhưng gia tăng quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam là xu hướng chủ đạo, trọng tâm thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng, và mới đây, trong một thông tin được Facebooker Nguyen Viet Thang chia sẻ trên mạng xã hội cho hay, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiến hành hoạt động cho thôi chức với cấp phòng nếu không phải là đảng viên, điều này được cho là nhằm tuyệt đối hóa sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ở từ cấp cơ sở. Cũng theo nguồn tin này, chỉ tính riêng báo Thanh Niên, Tiền Phong đã có 13 suất bị buộc phải rời đi khỏi vị trí lãnh đạo. Sự can thiệp sâu này cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng ôm mộng quay trở lại thời huy hoàng của Đảng cộng sản Việt Nam vào thập niên 60-70 của thế kỷ XX, với khẩu ngôn ‘hồng hơn chuyên’.

Sẽ thật khó để đáng trước Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chống tham nhũng như thế nào, hoặc ngăn chặn sự hủ hóa trong đảng ra sao. Nhưng với phương châm ‘phổ cập đảng viên trong nhóm lãnh đạo’ nó càng làm gia tăng sự vào đảng gắn liền với lợi ích hơn là lý tưởng, và càng tạo ra lằn ranh lựa chọn giữa giới trí thức và trí ngủ… Đến một lúc nào đó, năng lực sẽ đứng sau luồn cúi, và đội ngũ lãnh đạo ‘hồng hơn chuyên’ sẽ gián tiếp phá nát những thứ còn lại bên trong Đảng cộng sản Việt Nam ?

Ngày 4/11, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố tại trụ sở Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam : 'Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái' trong quy hoạch cán bộ cấp chiến lược 2021 – 2026. Và cán bộ cấp chiến lược sẽ là ‘hồng hơn chuyên’ ? Nếu như thế, mầm mống của lạm quyền – tham nhũng sẽ được ươm mầm sau 1 thời gian ngắn bị trấn áp tạm thời.

Ánh Liên

Ghi chú :

- 'Hồng' là từ để chỉ một người giác ngộ cao, trình độ hiểu biết chuyên sâu về chính trị, mang tính giai cấp, ở đây có nghĩa là người giác ngộ cao về chủ nghĩa cộng sản. 'Chuyên' là trình độ chuyên môn về một ngành nghề nào đó, là năng lực để thực hiện một nhiệm vụ, một chức trách nào đó.

- 13 nhà báo của báo Thanh niên vừa bị thôi chức vì không phải đảng viên

Sáng nay, 23/11/2018, báo Thanh niên đã họp và công bố sự thay đổi trong hầu như tất cả các phòng ban. Có 13 vị trí gồm trưởng ban, phó ban/phó phòng đã được "thôi chức" vì không phải đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam :

Ban Chính trị - Xã hội : Thanh Tùng - Phó ban Ban Văn Nghệ : Thu Nga - Trưởng ban ; Bích Hạnh và Đỗ Tuấn - Phó ban Ban Giáo dục : Thùy Ngân - Phó ban Ban Thể thao : Quang Huy - Phó ban Ban Công tác Bạn đọc : Trần Thanh Bìn

- Phó ban Ban Mạng Xã hội : Kim Trí - Trưởng ban (Kim Trí trước là Trưởng ban Chính trị- Xã hội) ; Thu Thủy - Phó ban Tòa soạn tiếng Anh : Thế Vinh - Thư ký tòa soạn Ban Phóng viên Báo Điện tử : Thành Trung - Phó ban Phòng Tài vụ : Nguyễn Tuấn - Phó phòng Phòng Quảng cáo : Quỳnh Na - Phó phòng.

Lần đầu tiên, một tòa soạn báo đã "tự cho thôi chức" một loạt lãnh đạo cấp ban/phòng của mình vì không phải Đảng viên.

*****************

Thanh Niên đã chính thức trở thành ‘báo đảng’ !

Thường Sơn, VNTB, 25/11/2018

Ngày 23/11/2018, Thanh Niên đã chính thức trở thành ‘báo đảng’ sau một vụ việc chưa từng có tiền lệ của tờ báo này lẫn làng ‘báo chí cách mạng Việt Nam’ : cho thôi chức, mà thực chất là cách chức, đối với 13 nhân sự làm việc cho Thanh Niên vì những người này không phải là đảng viên của đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền ở Việt Nam.

coche2

Báo Thanh Niên - Ảnh minh họa

Không chỉ thanh trừng nhân sự những bộ phận có liên quan trực trực tiếp chính trị, chiến dịch thô bạo này còn nhắm tới cả nhân sự phụ trách những bộ phận không liên quan trực tiếp chính trị như văn nghệ, thể thao, quảng cáo…

Động thái thanh trừng rất đột ngột trên lại xảy ra trong bối cảnh ‘mác đảng viên’ không còn là tiêu chuẩn đầu tiên để được đề bạt giữ cương vị phụ trách phòng ban tại khá nhiều tờ báo, và trong thực tế một số tờ báo đã bố trí người không đảng vào vị trí cán bộ lãnh đạo của báo.

Điều đáng ngạc nhiên và trở thành một dấu hỏi lớn là vì sao động thái thanh trừng người ngoài đảng lại không xảy ra ở tờ báo nào khác mà lại ngay tại Thanh Niên - một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn nhất Việt Nam và thậm chí còn có hơi hướng phản biện, dù chỉ là ‘phản biện trung thành’ với chế độ cầm quyền.

Vào năm 2016, Thanh Niên đã bị phát hiện nằm trong số vài chục tờ báo lớn nhỏ tiến hành một chiến dịch truyền thông bẩn thỉu : những tờ báo này bị nghi ngờ sâu sắc về việc đã nhận tiền của một hãng nước mắm lớn để tung ra loạt bài tấn công, hạ bệ uy tín nước mắm truyền thống khiến người dân sản xuất nước mắn truyền thống rơi vào cảnh lao đao. Tuy nhiên, mức xử phạt của Bộ Thông tin Truyền thông dành cho báo Thanh Niên là khá nhẹ nhàng, còn tổng biên tập tờ báo này - Nguyễn Quang Thông - không hề bị mất chức. Khi đó, đã có tin ngoài lề về việc giữa các cơ quan đảng và những nhân sự chủ chốt trong báo Thanh Niên có một ‘thỏa thuận bí mật’ về việc Thanh Niên sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hơn nhiều đường lối của đảng so với trước đó.

Cũng kể từ lúc đó, đã có những dấu hiệu Thanh Niên được biến thành báo đảng.

Sang năm 2017 thì những dấu hiệu trên rõ hơn và trở thành hiện tượng. Trong chiến dịch tấn công Tập đoàn Dầu khí việt Nam nói chung và cá nhân ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng nói riêng vào tháng Tư năm 2017, Thanh Niên là tờ báo ‘nổ súng’ đầu tiên với một lượng tin tức thuộc thể loại điều tra nội bộ mà hầu như chắc chắn nhóm phóng viên tờ báo này phải nhận được từ một nguồn tin trong nội bộ đảng, thậm chí có thể từ một cấp cao trong đảng. Ủy ban Kiểm tra trung ương là một trong những địa chỉ có thể phát tin như thế.

Động thái Thanh Niên thanh trừng 13 người không đảng đã trở nên một biểu hiện thuộc loại rõ nhất về ‘tính đảng’ của tờ báo này được cải thiện không ngừng và đang trong giai đoạn đạt tới đỉnh cao của cái mà trước đây chưa từng là thuộc tính của báo Thanh Niên.

Động thái trên xảy ra chỉ khoảng 3 tuần sau khi hai trí thức gạo cội là Nguyên Ngọc và Chu Hảo tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản cùng lời lẽ đanh thép tố cáo ‘chế độ phản dân hại nước’.

Động thái trên cũng xảy ra ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố ‘khai trừ đảng đối với đồng chí Chu Hảo’ - một cú đánh vớt vát cho uy tín rất không đáng được cứu vớt của đảng.

Khó mà hoài nghi về việc vụ Nguyên Ngọc, Chu Hảo mà một số trí thức đồng loạt tuyên bố từ bỏ đảng vào đầu tháng Mười Một năm 2018 đã khiến đảng lo sợ và hoảng hốt đến mức phải lập tức tống ra một hành động chỉnh đảng, trong đó đặc biệt ‘làm trong sạch đội ngũ đảng viên’ trong khối báo chí mà Thanh Niên được chọn, và cũng rất có thể tổng biên tập tờ báo này đã tình nguyện đề nghị để Thanh Niên được đảng chọn như một hình mẫu về thanh trừng cán bộ lãnh đạo không đảng và qua đó răn đe những kẻ không chịu nghe lời đảng

Thường Sơn

*********************

Trấn áp Giáo sư Chu Hảo cho thấy ''sự rệu rã'' của Đảng cộng sản Việt Nam

RFI tiếng Việt, 25/11/2018

Vụ Giáo sư Chu Hảo bị Đảng cộng sản Việt Nam khai trừ tiếp tục có thêm nhiều phản ứng. Hôm nay, Chủ Nhật 24/11/2018, ông Nguyễn Quang A, một chuyên gia độc lập trong nước, nhận định việc Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương trấn áp Giáo sư Chu Hảo và một số biện pháp đàn áp mới đây cho thấy rõ đảng đang "rệu rã hết sức trầm trọng" và "vô cùng bế tắc", phải dùng đến các trấn áp "tư tưởng" để duy trì đoàn kết nội bộ.

chuhao5

Giáo sư Chu Hảo, với bản dịch cuốn "Dân Chủ và Giáo dục/Democracy and Education" của John Dewey. Ảnh chụp ngày 31/08/2010 tại Hà Nội. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam

Vụ Giáo sư Chủ Hảo, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Tri thức bị ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật đã gây nhiều phản ứng trong giới nghiên cứu quốc tế về Việt Nam. Hôm 14/11, hơn 80 trí thức nước ngoài và gốc Việt gửi thư ngỏ bày tỏ "bất đồng" và "thất vọng sâu sắc» về những cáo buộc đối với ông Chu Hảo. Các trí thức ký thư ngỏ ca ngợi công việc của ông Chu Hảo tại Nhà xuất bản Tri Thức đã "giúp các sinh viên và học giả Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với các công trình học thuật lớn của các nước khác (được coi là "nền tảng của nghiên cứu và tư duy hiện đại trong ngành khoa học xã hội và nhân văn") bằng cách dịch chúng sang tiếng Việt".

Hôm qua, 24/11, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng bảo vệ việc "kỷ luật" và "khai trừ" Giáo sư Chu Hảo là điều đúng. Theo ông Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư Chủ Hảo là người có các tuyên bố "trái với Điều lệ và Cương lĩnh của đảng". Việc khai trừ ông Chu Hảo được ông Nguyễn Phú Trọng coi là một biện pháp răn đe, với mục tiêu mà ông gọi là "kỷ luật một vài người để cứu muôn người, để người khác đừng phạm vào nữa" (trước đó, ngày 26/10/2018, Giáo sư Chu Hảo đã tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản Việt nam).

Về vấn đề này tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết quan điểm của ông :

"Ý kiến của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – tôi nói là ông tổng bí thư chứ không phải là ông chủ tịch Nước, vì đây là chuyện của Đảng cộng sản Việt Nam – tiết lộ một điều mà mọi người còn nghi vấn : (Quyết định kỉ luật và khai trừ Giáo sư Chu Hảo) liệu có phải từ cấp cao nhất của Đảng cộng sản hay không ?

Với sự tiết lộ của ông tổng bí thư, đã rõ nguyên hình đây là chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam ở cấp chóp bu, tức ở cấp ông Trọng. Họ đã thực sự trở thành cảnh sát tư tưởng, và ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành cảnh sát trưởng về tư tưởng.

Tiếp theo làn sóng đánh ông Chu Hảo là nhiều làn sóng lăn tăn, như việc khai trừ khỏi đảng ông chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, một người thực sự đã bỏ đảng từ lâu rồi. Rồi tiếp theo là 15 ông cán bộ của báo Thanh Niên. Vì không phải là đảng viên, nên bị loại khỏi chức vụ trưởng, phó phòng.

Có thể nói, đây là một sự tha hóa vô cùng nghiêm trọng của Đảng cộng sản Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ Đảng cộng sản Việt Nam đang đối mặt với các thách thức rất là lớn trong nội bộ. Với việc siết chặt kỷ luật trong nội bộ này người ta hy vọng sẽ được sự thống nhất của đảng… Với tư cách của một người đứng ngoài nhìn vào, tôi thấy rằng chỉ khi một tổ chức bị rệu rã hết sức trầm trọng người ta mới phải dùng đến một biện pháp như thế. Những biện pháp như thế là quay trở lại với các khủng bố tư tưởng thời Stalin. Nó báo hiệu một con đường vô cùng bế tắc.

Bởi vì một tổ chức không để cho các tiếng nói khác nhau, nhất là các tranh luận về khoa học, được phát triển, mà bắt người ta phải im miệng hết, thì đó là đi đến con đường bế tắc mất rồi. Ngược lại hoàn toàn với cái thời ông Hồ Chí Minh, ít ra năm 1945 còn có đa đảng…

Tất cả các đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam bây giờ ai không răm rắp nghe theo ông Nguyễn Phú Trọng thì sẽ bị khai trừ, nói một cách nôm na như vậy. Họ phải trở thành những con rô bốt…. Cái biện pháp siết chặt của ông này như thế chưa biết chừng nó lại là phản tác dụng, có thể dẫn đến chuyện người ta rời khỏi Đảng cộng sản".

RFI tiếng Việt

Published in Diễn đàn

Vào ngày 19/11, một cựu tù nhân lương tâm, một cộng sự của luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà đã tự ý trở về Việt Nam, sau hơn 5 tháng được chính phủ Đức nhận sang Đức.

lethuha1

Lê Thu Hà và Nguyễn Bắc Truyển tại phiên tòa ngày 5/4/2018. Ảnh trên mạng.

Tại Đức, cô mặc dù được chính phủ Đức cấp giấy thông hành, giấy phép cư trú và giấy phép lao động nhưng Hà... không nhận.

Sự kiện này được đánh giá là lần đầu tiên một cựu tù nhân lương tâm quay trở lại Việt Nam sau khi bị trục xuất. Nhiều ý kiến, quan điểm phê phán cô Lê Thu Hà là ‘cạn nghĩ’, thể hiện tính yếu đuối và có những hành vi không lường trước hậu quả… Tuy nhiên, một số quan điểm khác cho rằng, sự kiện nêu trên là hệ quả của một thời kỳ bị ‘hỏi cung’ đến mức trầm cảm.

Trở lại vấn đề, sự đường đột tìm về quê hương của cô Lê Thu Hà cũng chỉ là cảm xúc của một người con gái, khi quê nhà của cô có bè bạn, cha mẹ và người thân. Thực ra, không ai muốn rời quê hương để định cư xứ người, và đối với những người tù nhân lương tâm, họ càng không hề mong muốn ra đi, bởi ra đi, là sự lựa chọn bắt buộc, đồng nghĩa với việc sẽ không bao giờ có cơ hội quay trở lại Việt Nam – một khi chế độ CHXHCN còn tồn tại. Nói một cách khác, sự kiện cô Lê Thu Hà đã gián tiếp bẻ gãy luận điểm bấy lâu nay của những người ‘yêu đảng, yêu chế độ’ : bọn phản động đấu tranh chỉ vì cái thẻ xanh.

Cái ý nghĩ đớn hèn, ti tiện nêu trên là một trong nhiều luận điểm vừa thiếu tình, vừa thiếu lý nhằm hạ nhục danh dự, nhân phẩm, bôi nhọ hình ảnh của những người đấu tranh dân chủ - nhân quyền, những người mà họ cho rằng, đó là ‘tay sai thế lực ngoại bang để bán rẻ quốc gia’.

Một người tù nhân lương tâm có thể đứng trước tòa để thể hiện ý chí không đồng thuận với ý chí của chế độ, nhưng tuyệt đối, trong suốt chiều dài xử hàng trăm người bất đồng chính kiến của Tòa án nhân dân tại Việt Nam, không ai trong số đó phản bội quê hương. Họ không phản bội quê hương, không phản bội đất nước, họ chỉ không thích cái chế độ được đặt trên đất nước của chính mình.

Nếu xét về ý chí muốn bám trụ quê hương, thì cô Lê Thu Hà không phải là người đầu tiên, gần nhất đây là giáo sư Phạm Minh Hoàng – người đã bị ‘cưỡng bức’ để buộc trở về Pháp (ông là người có 2 quốc tịch). Và khi đáp xuống sân bay Charles de Gaulle (Pháp), giáo sư Phạm Minh Hoàng nói rằng ông ‘buồn nhưng chấp nhận sự thật vì không còn chọn lựa nào khác.’

Sự ra đi của dòng người bất đồng chính kiến đơn giản vì không còn lựa chọn nào khác, quê hương vẫn là mảnh đất số 1 trong con người họ. Bị buộc ly hương là một quyết định không hề dễ dàng, như cách đây hơn 4 thập niên về trước, hàng triệu người lênh đênh trên biển để ly hương vậy.

Việt Nam dưới thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, có số lượng người ly hương kỷ lục, trong đó có ba dòng chảy chính : ly hương vì kết thúc cuộc chiến ; ly hương vì bất đồng chính kiến ; và ly hương vì tìm kiếm một mảnh đất tốt hơn để học và lao động. Cả ba nhóm ly hương này, theo cách hiểu nào đó đều là sự chảy máu dân tộc, chảy máu về mặt nhân tài lẫn tâm huyết con người, của những người thực sự mong muốn quốc gia giàu mạnh, bình đẳng, dân chủ và tự do hơn.

Khi một quan điểm chỉ trích cô Lê Thu Hà, hay hàng triệu những người bỏ ra đi nước ngoài hoặc bị áp dụng biện pháp trục xuất ra nước ngoài, có bao giờ quan điểm đó dừng lại 1 phút và tự vấn rằng : tại sao một quốc gia lại để tình trạng đó xảy ra ?

Người Do Thái lưu lạc hàng ngàn năm trên địa cầu vì bị truy sát và kỳ thị, cuối cùng họ tụ họp lại trên mảnh đất cố quốc xưa và xây dựng nên quốc gia Isarel hùng mạnh như ngày hôm nay. Nhìn về Việt Nam, bạo lực – chiến tranh và chế độ làm ly tán hàng triệu lòng người, và hàng triệu người ở nước ngoài cũng mong muốn trở về xây dựng quê hương ; hàng triệu người trong nước cũng bị ly tán vì không thuận tình với chế độ cũng mong muốn một ngày xây dựng quê hương giàu mạnh. Cả hai yếu tố này đều chờ đợi một phép màu, cái phép màu mà một ngày, một Nhà nước sẽ thừa nhận các giá trị nhân quyền, kinh tế, chính trị theo chuẩn của sự phát triển trên thế giới.

Quay lại với cô Lê Thu Hà, cô vẫn là một người con gái của dân tộc Việt, và dòng máu của cô cũng dành cho mảnh đất Quảng Trị đầy nắng và gió. Cái mảnh đất mà nó không được đẹp như ở Đức, nhưng mảnh đất đó nó chảy trong huyết quản của cô. Ý chí của cô là ý chí của hàng triệu người, nhưng cô và một bộ phận nhỏ mới đủ sự can đảm để biến ý chí đó thành hành động. Một quốc gia sẽ suy tàn nếu như bộ phận ‘nịnh bợ, và im lặng’ chiếm số đông, nói cách khác, cô Lê Thu Hà là một mầm sống của chính quốc gia dân tộc này.

Hãy tôn trọng cảm xúc của cô ấy, và hãy chia sẻ niềm đau ly hương của những người bị chế độ đẩy rời xa đất nước. Còn những quan điểm 'cợt nhã, cười cợt, châm trích', hãy để những con người ấy đối diện với tham nhũng, bạo lực, và sự bất an - để một ngày họ cũng sẽ hiểu được vì sao lại có Lê Thu Hà, và vì sao Lê Thu Hà lại trở về.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB,, 23/11/2018

Published in Diễn đàn

Khai trước Hội đồng xét xử, ông tướng Phan Văn Vĩnh hối hận vì 'quá tin cấp dưới'.

vinh1

Cựu trung tướng xin được ngồi trả lời thẩm vấn. Ảnh : TTO

Một cái gì đó hơi... hèn

Một điều gì đó rất ngây thơ, đầy tính vô tội của một ông tướng từng 'phá' không biết bao nhiêu vụ trọng án. Người mà đã đẩy cả 'Bầu Kiên' - một 'cáo già' trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, nay trở thành một người như ngây dại trong các quyết định của mình.

Từng là một Cục trưởng Cục Cảnh sát, được phong danh hiệu cao quý của ngành Công an nhân dân - 'Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân', nhưng tính chất anh hùng theo hướng 'dám làm, dám chịu' bỗng nhiên biến mất. Cấp dưới sẽ không thể nào bảo kê cho một đường dây cờ bạc trị giá hàng ngàn tỷ đồng trước một người từng nhiều kinh nghiệm vào sinh ra tử với tội phạm như ông. Và quan trọng hơn, nếu ông không 'tin cấp dưới' đối với hành vi phạm pháp (đồng thuận với hành vi) thì con số 200.000 đô-la (tương đương với 4 tỷ đồng Việt Nam) hằng tháng ông nhận là tiền gì ? Tại sao ông không đặt câu hỏi về giá trị tiền đó ? Phải chăng ông cũng 'ngây thơ' với cả số tiền mà khi so với mức lương bổng của Chủ tịch nước, cũng phải mất gần 20 năm mới tích góp được, trong khi ông chỉ mất 1 tháng ?

vinh2

Cựu tướng công an, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phản cung và… bật khóc

Cách khai báo theo lối 'tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh' tưởng đâu sẽ không xuất hiện ở một vị từng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thì nay bỗng hiển thị một cách đậm nét. Nếu xét về mặt biểu tượng của cụm từ nêu trên, thì ông tướng Phan Văn Vĩnh tranh số 2, sẽ chẳng có ai dám tranh vị trí số 1. 

Cách thức ứng xử trước Tòa án nhân dân của ông tướng khiến không ít quan điểm phải bộc lộ, rằng, sao tướng tá thời nay khi ra tù nó hèn đến thế ?. Quả thực, khí chất đứng trước Tòa án giữa ông tướng Phan Văn Vĩnh nếu so với ông Đinh La Thăng, thì còn thua rất nhiều bậc (chứ chưa cần so với các tù nhân lương tâm khi ra tòa). Ít nhất, khi ra tù, ông Đinh La Thăng không để mọi tội lỗi cho cấp dưới, ông chỉ nhấn mạnh cần đối xử ông như một con người, và một sự công bằng là cần thiết. Điều này phải chăng, càng 'oai hùm' khi khoác lên quân phục, thì đồng nghĩa chứa đựng bên trong là một sự 'yếu hèn, mạt nhược' ? Và nếu so ông tướng với những công an viên tại Phú Yên khi ra tòa vì tội bức cung, nhục hình, thì cả hai đối tượng này không khác nhau là mấy. 

Lương bổng và quan chức chính trị 

Khi báo trước tòa, ông tướng Phan Văn Vĩnh cho biết, lương Cục trưởng của ông mỗi tháng là 20 triệu đồng Việt Nam, nếu so với mức lương của người lao động Việt Nam là 5,5 triệu đồng/tháng (2018) thì lương của ông cựu Cục trưởng cao gấp 4 lần. Nhưng con số này, chưa bao giờ là con số cuối cùng, bởi nhiều quan chức Việt Nam, nguồn lương cơ bản cùng với ngành nghề 'buôn chổi đót, chạy xe ôm, mua vé số, bán cây cảnh' nhưng đồng hồ Rolex, cigar, rượu tây, biệt thự, nhà đất nước ngoài và con cái du học Tây Âu đã trở thành một nhu cầu 'rất cơ bản'. 

Một giai tầng siêu giàu nằm trong lớp lương cơ bản. Và đó là lý do vì sao, Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch CNC, một trong ba người bị cáo buộc vận hành đường dây đánh bạc trực tuyến khai nhận, ông ta tự nguyện mỗi tháng biếu ông Vĩnh 200.000 USD - tất nhiên là ở phòng riêng. Nếu tính riêng 1 năm, thì ông tướng sẽ có thu nhập thực tế là 2.400.000 đô-la, và 1 nhiệm kỳ nếu 5 năm thì tương đương 12 triệu đô-la (tương đương 280 tỷ đồng Việt Nam). Và đây chỉ tính riêng một nguồn lợi mà ông tướng được hưởng. 

Những người 'siêu giàu' nhờ vào chế độ, ra sức bảo vệ chế độ. Nếu đặt câu nói 'dùng người Việt đánh người Việt' trong thời kỳ chiến tranh, thì giờ đây 'hút máu dân nuôi công bộc' trở thành câu nói thường tình trong xã hội, tất nhiên - trong đó một bộ phận không nhỏ những người trong ngành công an (một ngành gắn liền yếu tố đặc quyền đặc lợi).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng, được BBC Việt ngữ dẫn bình luận : 'Lời khai của tướng Vĩnh cho thấy sự bầy hầy, nhem nhuốc của những người tiếm chức tiếm quyền.'

Bên cạnh đó, số tiền nhận hối lộ của ông tướng Vĩnh lại càng cho thấy, tình trạng kê khai tài sản, thu nhập đối với đội ngũ quan chức gần như không có gì tiến triển. Và vì thế, công cuộc chống tham nhũng gần như dậm chân tại chỗ từ khâu này. 

Quay trở lại vấn đề, một đội ngũ quan chức, đặc biệt là ngành công an với 'thuần túy chính trị' và đi lên từ sự 'trung thành tuyệt đối chính trị', giờ đây lại trở thành những con sâu chúa to nhất... 

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 21/11/2018

Published in Diễn đàn

Cô Nguyễn Thùy Dương được mời lên công an phường Bình Trưng Đông với nội dung đăng ký tạm trú nhà trọ. Và khi cô tới, thì cô được mời vào phòng làm việc, nơi có sẵn một 'chị và một anh an ninh quận 2', mà theo công an phường là... vô tình, vô tình đến mức đã có sẵn biên bản làm việc.

thuthiem1

Cô Nguyễn Thùy Dương tại hội trường trước khi ném giày và bị đẩy ra ngoài. Hình : Facebook Hữu Khoa

Buổi làm việc theo cô Dương chia sẻ lại là phía cơ quan công an yêu cầu cô Dương phải gỡ bài đăng về một viên an ninh đã 'matxa' cô vào tháng Mười, và bài tường thuật về một viên an ninh quận 2 'đạp bà con dân oan Thủ Thiêm'.

Bà của cô Dương, người từng nuôi giấu cách mạng, dòng họ 20 người chia sẻ với cô Dương : khó gạt tao lắm. Và cô Dương giải thích rằng, cảm nhận của bà ngoại cho thấy, cô Dương bị gài. 

Tình trạng 'gài' như thế trên cũng được áp dụng cho các trường hợp liên quan đến bà con dân oan khi được mời lên công an phường Bình Trưng Đông.

Phía công an cũng đe dọa an ninh cô Dương theo một phong cách rất hài hước, nếu tham gia hội nhóm phản động thì khi xảy ra sự kiện tổn hại gì, nhân dân sẽ không bảo vệ cho cô.

Một gia đình tham gia cách mạng từ thế kỷ 19, nhưng đến giờ, được phía công an đưa vào diện 'tình nghi' (phản động ?), thì theo cô Dương là điều sỉ nhục cho giới công an, và bản thân các anh an ninh phải đặt câu hỏi là : ăn ở làm sao mà cho người ta vào diện tình nghi, trong đó có thể là phía an ninh đánh mất niềm tin của người ta (người nhà cô Dương). 

'Quy chụp 1 người sinh ra trong gia đình hoạt động cách mạng từ cách mạng từ thế kỷ đến giờ, đến mức suýt dòng họ tuyệt tự tuyệt tôn, và giờ lại bị liệt vào diện tình nghi', cô Dương khẳng định trong livestreams của mình, đồng thời cũng nhấn mạnh, đa phần an ninh quận 2 đều tham gia đập nhà của bà con Thủ Thiêm.

Từ 'nghiệp vụ hồng' cho đến 'đánh mất niềm tin nhân dân'

Câu chuyện ứng xử của công an phường Bình Trưng Đông nói chung và cơ quan an ninh quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) đối với cô Dương và những bà con Thủ Thiêm trong thời gian qua được thâu tóm bằng 2 chữ : nghiệp vụ.

An ninh, được đào tạo từ học viện an ninh nhân dân, nơi sạch về lý lịch và được đảm bảo mọi lời quyền nếu như một an ninh viên thực hiện đúng nguyên tắc 'tuân lệnh và không thắc mắc'. Cái mà phía mỗi an ninh viên tự hào học được trong ngôi trường đào tạo không gì khác hơn là 'nghiệp vụ', bao gồm : trinh sát, theo dõi điện tử, làm việc với đối tượng và lách luật tố tụng hình sự nếu... có thể. Nếu là một vụ án chính trị, cơ quan an ninh cũng áp dụng đúng như thế, và nếu là xử lý một điểm nóng đất đai theo quan điểm chính quyền, những viên an ninh cũng áp dụng đúng như vậy.

Tất nhiên, trong quá trình làm việc, bao gồm cả mớm cung, bức cung, và nhục hình.

'Nghiệp vụ là tất cả', bởi nếu không khiến đối tượng phải 'cúi đầu nhận tội bằng mọi giá', thì viên an ninh sẽ bị ảnh hưởng thi đua, ảnh hưởng đến một tập thể an ninh đằng sau, cũng như quá trình thăng tiến trong công việc. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh được lên chức tướng và phong làm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hay trở thành một chủ đề được khai thác trong các buổi giảng dạy tại học viện an ninh, cảnh sát,... cũng đến từ 'nghiệp vụ' của ông ta trong quá trình truy bắt tội phạm.

'Nghiệp vụ' ngành công an hay an ninh nói riêng, trở thành một bậc thang để lên chức tước. Nhưng nó cũng chứa đựng sự phi nhân tính và có lúc tính hình thức của luật lệ được bỏ qua để nhằm đạt được nội dung làm việc. Đội ngũ an ninh viên dần trở thành công cụ theo đúng nghĩa : làm theo cái được học và không suy nghĩ quá nhiều nhân tâm.

Nhưng 'nghiệp vụ' có thể trở nên hiệu quả trong thời kỳ bưng bít thông tin, khi mạng xã hội hiện diện rộng rãi trong xã hội Việt Nam, những 'biện pháp nghiệp vụ' mà công an tự hào học trong nhà trường lại trở thành một trong những yếu tố làm thoái hóa đạo đức con người và dốc sức làm suy giảm làm tin nhân dân. Một trong những sai lầm cơ bản nhất là sử dụng lực lượng này một cách đại trà, kể cả xử lý vấn đề đất đai, kể cả xử lý các vấn đề liên quan đến nhân quyền, và gốc rễ là vì tính chất mơ hồ 'an ninh quốc gia' bị áp đặt và quy chụp một cách tùy tiện.

'Nghi kỵ' cả gia đình cách mạng

Sự suy giảm niềm tin trong nhân dân, chính là đến từ việc áp dụng 'nghiệp vụ' vô tội vạ và dẫn giải 'an ninh quốc gia đầy mơ hồ và dễ dãi. Nhưng trên hết, bản thân ngành công an vô tình trở thành một công cụ trấn áp của các lợi ích nhóm trong chính quyền, nếu người đứng đầu là Bí thư đảng ủy.

Chính vì vậy, gia đình cô Dương, gia đình nuôi giấu và tham gia cách mạng ; hay hàng vạn số phận của người dân Thủ Thiêm - những gia đình mà đã từng 'cưu mang, nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo của Thành phố hiện nay', nói cách khác, địa vị của những cán bộ thành phố hiện nay đến từ chính công lao của những người dân Thủ Thiêm. Có lẽ chính vì lý do như vậy, nên mới có câu chuyện, xây dựng Thủ Thiêm như một điểm nhấn của truyền thống lịch sử- Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng cái đạo lý 'trả ân' đã bị xé toạt bởi 'nghiệp vụ công an', và 'cách mạng' cũng bị cướp, mà 'có công với cách mạng' cũng bị cướp. Những viên an ninh, hay công an nói chung là lực lượng vũ trang nòng cốt trong tham gia cưỡng chế đất đai tại Việt Nam, kể cả cưỡng chế đó là sai pháp luật như tại Thủ Thiêm.

Và gia đình cô Dương không phải là gia đình đầu tiên, cuối cùng dính vào hoàn cảnh trớ trêu này. 

Một bài hát mang tên 'Khóc Mẹ dân oan' của tác giả Mặc Thiên dường như đã lột trần được cái trớ trêu của tính 'dân chủ, nhân văn xã hội chủ nghĩa này chỉ với câu :

Ngại gì sương gió nuôi con qua khổ nạn

Nay con sang giàu mẹ sống cảnh lầm than

Vườn ruộng đất nhà tranh con hoán đổi

Mẹ sống sao đây khi đổi mười lấy một.

Còn Facebooker Huong Duong Thu, một độc giả của Việt Nam Thời Báo trong phản hồi báo viết Thủ Thiêm đã diễn đạt bằng bài thơ, trong đó câu chốt là 'Dân không ngu mãi để ông lừa hoài !'.

Dân không ngu để giờ tin những gì mà 'người cộng sản hiện đại' nói, bởi họ đã bị trả giá quá nhiều vì 'bánh vẽ' lẫn những lời 'hứa hẹn thiên đường'. Và càng ngày, họ càng ngộ ra rằng, họ đã đánh, cướp chính quyền để tạo lập nên một chính quyền càng trời ơi hơn nữa. 

Và liệu trong một lúc nào đó, bà con dân oan có vô tình cảm thấu được nỗi đau một thời của cố nhà thơ Trần Vàng Sao :

'Mi theo cách mạng quá trời

Bây giờ nghĩ lại đã đời mi chưa ?'

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 20/11/2018

Published in Diễn đàn

Ngày 9/11, Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long - Trưởng Công an Thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) thông tin, đang củng cố hồ sơ để xử lý các hành vi liên quan đến việc giằng co giữa Cảnh sát giao thông và người dân đã được cộng đồng mạng quan tâm trong mấy ngày vừa qua. Với người đăng tải clip, ông Long nói : 'Clip đăng lên theo kiểu thông tin 1 phía, khiến dư luận trái chiều. Chúng tôi sẽ mời người này lên làm việc để có cơ sở xử lý'…

nga11

'Cú ngã thần thánh' của công an để tạo cớ đánh và bắt người - Clip

Có nhiều câu hỏi đặt ra, trong đó : dựa vào đâu mà xử lý.

Làm sao có thể xử lý khi việc quay camera đối với lực lượng công an đang tiến hành công vụ không bị luật cấm, thậm chí, nó còn được khuyến khích vì thể hiện tốt việc giám sát nhân viên nhà nước của công dân Việt Nam.

Thứ hai, nhờ chức năng quay video của điện thoại, với video clip 'cú ngã thần thánh' của viên Cảnh sát giao thông mà dư luận được dịp thấy được sự mâu thuẫn trong cách diễn giải vấn đề của nội bộ công an Thành phố Quy Nhơn. Cụ thể, trong khi người bị ngã là Thiếu úy Cảnh sát giao thông Đinh Công Hoàng Linh nhấn mạnh, anh bị húc cùi chỏ vào ngực rồi ngã ra đường khi xử lý hiện trường vụ tai nạn giao thông chứ không phải tự ngã. Thì Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long, Trưởng Công an Thành phố Quy Nhơn khẳng định, hành động của nam thanh niên giăng co (do bị húc cùi chỏ) với cảnh sát, không đủ mạnh để làm chiến sĩ Cảnh sát giao thông té ngã. 

Khó có thể hiểu hết sự 'thiếu thống nhất' về mặt thông tin này, nhưng dư luận hiểu rằng, công an Thành phố Quy Nhơn chỉ muốn hướng đến xử lý người vi phạm giao thông thêm một tội danh khác : chống lại người thi hành công vụ.

Việc Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long lên tiếng về việc clip đăng lên theo kiểu thông tin 1 phía, nhưng bản thân ông xem xét và kết luận vụ việc (theo hướng bênh vực thuộc cấp của mình) cũng chỉ qua video clip 'thông tin 1 phía' nêu trên. Và nếu ông muốn một sự bầu chữa ổn hơn, có lẽ buộc ông phải có clip dài hơi hơn để minh chứng điều đó. Nhưng có vẻ như Trưởng Công an Thành phố Quy Nhơn sẽ không làm được điều đó, vì đơn giản, ông chẳng có video clip nào cả. Trong khi đó, ông lại cho dư luận thấy rằng, có một sự bênh vực và tìm cách gây áp lực người quay video clip, răn đe công luận rằng : đừng bao giờ quay video clip công an khi đang làm việc ?

Thay vì xử lý sai phạm của nhân viên, vị Trường công an Thành phố Quy Nhơn đã tiếp tục khiến 'cú ngã thần thánh' thêm phần ly kỳ và trở thành trò cười trong các cuộc thảo luận gần đây, và khiến người dân cảm thấy ác cảm hơn với lực lượng Cảnh sát giao thông. Nói rõ hơn, phía ngành công an đã có những ứng xử rất kỳ lạ, bởi thay vì khắc phục, và thừa nhận lỗi và tuyên dương người phản ảnh để cải thiện 'thể diện cho ngành, tạo hình ảnh tốt đẹp về người công an nhân dân', thì họ tìm mọi cách để 'lái dư luận' theo hướng công an luôn đúng. Nhưng điều tệ hại là, chính vì 'độc quyền chân lý đúng' đó nên, cụm từ Công an nhân dân trở thành một cụm từ không hề tốt đẹp trong mắt người dân hiện nay.

Quá trình hành xử của Cảnh sát giao thông Thành phố Quy Nhơn, với những người có liên quan cũng cho thấy, một sự lạm quyền lực, và điều này tạo ra một sự lờ mờ về dự luật sẽ hỗ trợ đắc lực cho sự lạm quyền này. Và đó là lý do tại sao, phía công an cần luật an ninh mạng để bảo vệ chế độ, nó có thể biến nhiệm vụ bình thường trở thành 'đặc biệt', đến mức không được phép quay phim chụp hình phát tán lên mạng internet, nếu không sẽ ở tù. Như cách mà một bộ phận không nhỏ công an viên đã đẩy người dân thường vào vòng lao lý vào cái thời internet và mạng xã hội không hiện hữu, cái thời mà 'công chức, viên chức' hay 'công an' luôn luộn đúng, và người dân luôn luôn sai. Và đó là sự thật, và suy nghĩ trong dân, nó không phải là sự bịa đặt hay suy diễn của người viết đối với lực lượng vũ trang này.

Khi Bộ Công an ban hành Thông tư 27/2017/TT-BCA - quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm ban hành, nhiều người dân kỳ vọng điều này sẽ trợ giúp cho công an viên trở nên thân thiện và văn minh với người dân, nhưng điều này có vẻ là một khó khăn lớn trong ngành 'quyền lực của chế độ', và nó phán quyết Thông tư 27 trở thành một thông tư bất lực trong thực tiễn chế độ.

Nếu là Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Giám đốc công an tỉnh Bình định, thì cái làm nên niềm tin cho người dân và cũng như tạo hình ảnh đẹp cho phía Công an nhân dân, chính là khiển trách những 'đồng chí công an viên diễn giỏi' đến mức không cần thiết, bởi những 'cú ngã thần thánh' và sự bảo vệ 'cú ngã thần thánh' trở thành một trò đùa của chế độ.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 12/11/2018

Published in Diễn đàn

Ngày 8/11, tại trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã diễn ra buổi thành lập Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam.

Cần thiết ?

Sự kiện này trở thành thời điểm để nhiều người bình luận trên mạng xã hội châm biếm. Tuy nhiên, dưới góc nhìn người viết, thì đây là một điều cần thiết và mang tính nghiêm túc.

hoi1

Ngày 8/11, tại trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã diễn ra buổi thành lập Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam.

Thực tế, câu chuyện nhà vệ sinh là nhu cầu cơ bản và nó cũng biểu hiện phần nào tính văn minh của xã hội. Sự ra đời của Hiệp hội này có thể bổ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà vệ sinh công cộng kém chất lượng tại nhiều tỉnh thành trên đất nước, đặc biệt là khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như cũng góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại nhà vệ sinh ở khu vực bệnh viện, bến xe hay trường học.

Sự ra đời của Hiệp hội này cũng là cơ sở trợ giúp minh bạch hóa các dự án tiền tỷ liên quan đến nhà vệ sinh công cộng ở các tỉnh thành, cũng như kiểm soát chất thải – vốn gây tác động không nhỏ đến đời sống môi sinh người dân.

Người viết từng chứng kiến một cô bé đã kiến quyết không bước vào nhà vệ sinh xí bệt đặt cạnh Hồ Gươm, vì cô bé ấy chưa từng bao giờ chứng kiến và sử dụng cầu xí vốn là sản phẩm của thời bao cấp đó. Nói cách khác, hiệp hội ra đời sẽ là giúp đồng bộ hóa nhà vệ sinh theo hướng thân thiện với con người và môi trường hơn.

Chúng ta cần ủng hộ sự ra đời của tổ chức này, và gạt qua những ‘dị ứng’ liên quan đến câu chuyện nhà vệ sinh, ít nhất, nhu cầu này mang tính tồn tại của một con người. Nếu bản thân điều này là sự giễu cợt hay châm biếm, thì nó chẳng khác gì việc, chúng ta từ chối văn minh của con người, bởi tại Mỹ, Singapore hay Anh Quốc đều có tồn tại hiệp hội này.

Liệu ‘hữu danh vô thực’ ?

Nhưng vấn đề là, mặc dù ông Lê Văn Hiệp kỳ vọng 60% mật độ nhà vệ sinh ở các tỉnh phải được cải thiện chất lượng, miễn phí cho người dùng bằng cách vận động xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước để xây. Tuy nhiên, hiệp hội này lại đặt dưới sự lãnh đạo của khối nhà nước, cụ thể là chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và môi trường (không giống như Hiệp hội các nước khác là phi chính phủ), do đó, hệ thống nhân sự và cơ sở có thể sẽ nhận được nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo Điều 10, Điều 16 Nghị định 163/2016/NĐ-CP.

Thứ hai, mặc dù mang ý chí và mục đích tốt đẹp, nhưng vì nằm trong sự ‘lãnh đạo của đảng và nhà nước’, nên Hiệp hội này có khả năng sẽ rơi vào tình trạng ‘hữu danh vô thực’, như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội bảo vệ quyền trẻ em,… trong khi nguồn kinh phí cấp hằng năm cho các hội kiểu này không phải là ít.

Fanpage Chất lượng sống thâu tóm toàn bộ sự hữu danh vô thực của hội đoàn được bảo trợ bởi nhà nước : Bởi nhìn từ thực tế nước ta, cả nghìn hội đoàn tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhưng hoạt động không hiệu quả. Thậm chí, một số Hiệp hội còn có nhiều hành động đi ngược lại mục tiêu : Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng thì đi hãm hại người tiêu dùng mà vụ nước mắm bẩn là ví dụ điển hình ; Hiệp hội Chống hàng giả thì tôn vinh doanh nghiệp và thuốc ung thư giả Vinaca ; Hội phụ nữ thì im lặng khi trẻ em xâm hại ; Công đoàn thì lặng thinh trước bữa ăn ngày một đói kém của công nhân...

Ra đời nhằm mục đích ?

Tất nhiên, sự ra đời của Hiệp hội nhà vệ sinh là cải thiện vấn đề nhà vệ sinh trên cả nước, thế nhưng mục đích của sự ra đời này là nhằm tái khẳng định sự tự do lập hội của nhà nước Việt Nam. Thực tế cho thấy, nhà nước Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện cho ra đời rất nhiều hội đoàn (tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao) để làm phong phú cho cam kết nhân quyền cũng như hiện thực hóa Điều 25, nhưng các hội đoàn này buộc phải nằm dưới một cơ quan nhà nước (ví dụ : Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nằm trong Cục cạnh tranh thuộc Bộ Công thương)... Các hiệp hội này không được chạm đến các vấn đề mà nhà nước Việt Nam đã độc quyền cho 6 tổ chức chính trị - xã hội như Hội sinh viên, Hội nhà báo, Hội phụ nữ…

Sự kiện ra đời Hiệp hội nhà vệ sinh cũng khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng, nhà nước Việt Nam đang cởi mở lại xã hội dân sự. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế rõ ràng rằng, nếu có điều đó xảy ra thì đó chỉ thể hiện tính hình thức của của xã hội dân sự, bởi mặc nhiên, mọi tổ chức được ra đời bởi bảo trợ nhà nước, dùng nguồn kinh phí nhà nước, hoạt động theo định hướng nhà nước sẽ không tạo ra quá nhiều tác động tích cực cho xã hội, mà ngược lại còn tạo thêm gánh nặng của nền tài chính nước nhà. Và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp ấy mặc nhiên là một yếu tố hỗ trợ cho các báo cáo chính trị - dân sự Việt Nam ra thế giới được đẹp đẽ hơn.

Sự ra đời của Hiệp hội nhà vệ sinh cũng cho thấy rằng, nhà nước Việt Nam chưa có một thực tâm hiện thực hóa những điều khoản đã ký kết về dân sự - chính trị, bởi những tổ chức liên quan mật thiết đến đời sống người dân như quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do xuất bản đến nay vẫn bị nhà nước đặt trong vùng kỳ thị và đấu tố (nếu cần). Hiện tượng một hiệp hội giải quyết vấn đề bài tiết ra đời tại một nước mà nhu cầu nhân quyền chưa được đáp ứng đã trở thành một tấn bi hài kịch trong lịch sử xã hội dân sự Việt Nam ở một khía cạnh nào đó. 

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 11/11/2018

Published in Diễn đàn

Quân đội Bắc Việt được đánh giá là oai hùng, tự tôn,… Trong bộ phim ‘The Vietnam war’, giới chiến binh Bắc Việt cũng nhận được sự ghi nhận về ý chí sắt đá, tinh thần kỷ luật, quyết tâm chiến đấu, sự thiện chiến. Và tại cuộc gặp với đại tướng McNamara, Đại tướng Việt Nam Võ Nguyên Giáp khẳng định, ‘lo sợ’ không có trong tư duy quân sự của chúng tôi (ý chỉ quân đội cộng sản).

tamtu2

Hơn 300 sĩ quan Việt Nam được phong tướng trong 5 năm (Báo Trẻ, 20/02/2016)

Nhưng qua thời bình, có vẻ tướng tá quân đội trở nên mỏng manh và yếu đuối hơn, và họ bắt đầu ‘lo sợ’ nhiều thứ hơn. Vào năm 2014, khi được đặt câu hỏi tại sao thời chiến chỉ có 36 tướng, mà giờ nhu cầu phong tướng lại quá cao, nó có phải xuất phát do nhu cầu tác chiến, đáp lại ông Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó đã khẳng định : Trung tướng đối với Giám đốc các trường, học viện chính trị và Chính ủy thì là trung tướng, giờ hạ xuống 'anh em rất tâm tư'. Những tưởng câu nói nêu trên đã bộc lộ phần nào một xu hướng tạm thời về chuộng hình thức (cấp bậc) trong đội ngũ sĩ quan cao cấp, nhưng giờ đây, sau 4 năm họp lại, ‘tâm tư’ đã thay bằng cụm từ có phần nặng nề hơn : buồn, tủi thân.

‘Đã nói một trong những lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của Nhà nước, không thể bên công an thế này, bên quân đội thế kia, nhưng làm thế này thì anh em bên quân đội buồn, tủi thân’.

Và chủ nhân của phát ngôn này là Đại biểu Nguyễn Văn Được, Thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt nam, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, Anh Hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân Dân.

Với tuổi đời và chức vụ như đề cập trên, rõ ràng, ‘chiến sĩ Nguyễn Văn Được’ trong thời chiến không hề mỏng manh, mà phải là cực kỳ dũng mãnh, không màng lợi danh mà phải là luôn trong tinh thần chiến đấu và quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Nhưng giờ đây, cũng chiến sĩ ‘oai hùng’ năm xưa đó, lại thể hiện một quan điểm rất chi là dễ vỡ và có phần nhỏ mọn, tính toán. Đó là, tướng công an được phong như thế nào thì quân đội phải tương xứng như thế. Nhưng nếu xét trên cơ sở ‘tương xứng’, thì quan điểm của Đại biểu Được cũng có thể hiểu được phần nào, ít nhất là đảm bảo sự công bằng trong quyền lực vũ trang. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng thể hiện tính chất ‘kèn cựa’ giữa hai lực lượng vũ trang này về mặt nhà nước, và nhà nước bằng cách nào đó buộc phải ‘gánh’ nếu không muốn sự ‘bất bình’ trong nhóm tướng tá đôi bên.

Nếu Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam chu cấp ngân sách, tính chất ‘ganh nhau’ từng chút một nêu trên là một vết nứt giữa hai lực lượng vũ trang, và nếu Nhà nước Việt Nam xử lý không khéo léo thì tương lai có thể một trong hai sẽ ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ theo một mức độ nào đó.

Ở một góc nhìn khác, sự ‘ganh nhau’ lần này về hình thức là đòi hỏi sự công bằng, nhưng đồng thời, nó là hệ quả của việc phong tướng tá tràn lan trong thời bình, nhất là thời kỳ mà sử dụng hàm tướng tá để lôi kéo phe phái như trước đây. Hay chính khách Việt Nam đã biết ‘nịnh’ giới lãnh đạo cấp cao để làm lợi vị thế chính trị của mình. Rõ ràng, nếu ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có một sự can thiệp hợp lý nhằm xử lý ổn thỏa hiểm họa ‘tỵ ganh’ này, thì ông thúc đẩy sự công bằng hóa trong cả hai lực lượng, theo đó, Tỉnh đội trưởng (Quân đội) và Giám đốc (công an) phải nằm cùng trần quân hàm với nhau, và trong thời bình này nên là hàm Đại tá. Việc tiến hành thế này cũng đồng thời giải quyết cả khâu lạm phát tướng, ‘tâm tư’ cũng như giảm bớt nguồn ngân sách chi ra cho ‘chế độ’ các tướng tá. Tuy nhiên, việc này cơ bản là khó, bởi sự phấn đấu của các tướng tá, sự trung thành tuyệt đối với Đảng cộng sản Việt Nam của cả hai lực lượng đều bị gắn chặt bởi lợi quyền mà Đảng cộng sản Việt Nam ban tặng, trong đó có hàm lẫn phúc lợi hưu trí. 

tamtu1

Dân biểu đoàn Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được

Câu chuyện phát ngôn của Đại biểu Được và Đại biểu Thanh trước đó cũng được xem là yếu điểm của chế độ mà ông Nguyễn Phú Trọng hoặc những người như ông cần phải giải quyết, một mâu thuẫn tồn tại phức tạp trong một mâu thuẫn.

Câu chuyện buồn và tủi thân của tướng quân đội một lần nữa cho thấy có sự tương đồng hệ cơ cấu quyền lực của nhà nước Việt Nam hiện nay với hệ cơ cấu quyền lực của Thái Bình Thiên Quốc (Trung Quốc), một nhà nước được dựng lên bởi cuộc khởi nghĩa, duy trì bởi các lãnh tụ và phong tướng đến 2.000 người để đảm bảo giữ vững trụ cột quyền lực. Và nhà nước Thái Bình Thiên Quốc tiêu vong chính là khi quyền lực bè cánh chia rẽ sâu sắc cũng như mất lòng dân. Điều này có nghĩa là gì ?

Nhà nước Việt Nam cũng sẽ vậy, nếu như không kiểm soát được khả năng phong tướng cho cả hai lực lượng, vừa hình thành sự đố kỵ hai bên, vừa khiến lòng dân không hề yên, xuất phát từ quan điểm của Đại biểu Được : một thể chế thống nhất của Nhà nước, không thể bên công an thế này, bên quân đội thế kia.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 08/11/2018

Published in Diễn đàn

Có hai sự kiện xuất hiện trong tuần vừa qua, nhưng tác động sự kiện đối với dư luận lại hoàn toàn khác nhau...

inno1

Xe Innova với tài xế nồng nặc mùi rượu, chở quá số người và chạy lùi trên đường cao tốc. Xe này sau đó va chạm với xe conterner, kết quả, tài xế conterner lãnh án 6 năm tù, và phải bồi thường dân sự gần 500 triệu đồng. - Ảnh minh họa

Innova nóng quá mức ?

Câu chuyện về một chiếc xe Innova với tài xế nồng nặc mùi rượu, chở quá số người và chạy lùi trên đường cao tốc. Xe này sau đó va chạm với xe conterner, kết quả, tài xế conterner lãnh án 6 năm tù, và phải bồi thường dân sự gần 500 triệu đồng. Tạm bỏ qua các tình tiết liên quan đến bà Thẩm phán Tòa án nhân dân Thái Nguyên xử dụng bằng giả, thì bản án này một lần nữa cho thấy nhiều vấn đề trong nền tư pháp (xét xử) của Việt Nam, cũng như một khía cạnh nào đó của hành pháp.

Sự phản ứng quá mạnh từ phía công luận đã cho thấy, mọi người không đồng tình với việc 1 người theo kết luận là 'hoàn toàn chấp hành tốt các quy định của Luật giao thông đường bộ, không đi quá tốc độ, không chạy sai làn, không vi phạm tải trọng, không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông' lại bị án tới 6 năm tù (mặc dù mức án này là thấp trong khung hình phạt). Nhưng tại sao phải chịu một tội trạng mà bản thân anh ta không hề cố ý hay vô ý gây ra ? Nếu cách khác, có sự thiếu công bằng, và hủy hoại về niềm tin luật pháp trong nhân dân ở đây.

Thứ hai, trong một ghi chú tại phiên tòa, tính chất phiên tòa tưởng chừng như kín khi mà theo Facebooker Trần Quân, điện thoại bị cấm 100% dưới sự giám sát của công an – mặc dù nội quy không cấm, loa và mic rất khó nghe ; nhà báo (kể cả truyền hình Quốc Hội) đều bị đuổi ra khỏi phiên tòa.

Người đứng xem phiên tòa khi bức xúc về cách thức phiên tòa và vụ án thì được ‘một anh công an’ buông thong một câu : chuyện bình thường.

Và các câu hỏi nghiệp vụ như sao không đánh lái, sao không phanh, khoảng cách bao nhiêu được hỏi đi hỏi lại hàng chục lần.

Tiếp đó, trong một bản kết luận điều trang dài 6 trang được tuồn ra ngoài (theo cách nào đó) và được nhà báo Trương Châu Hữu Danh đăng tải trên Facebook cá nhân cho thấy những điểm mà anh cho rằng nó có mâu thuẫn, cụ thể ngày kết luận điều tra ký trong biên bản là 14/06, trong khi vụ án xảy ra 19/11 ; khối thép hơn 40 tấn đang lao với vận tốc 62km dừng lại bằng 0km/h trong thời gian... 0 giây (vậy các vệt bánh xe ở đâu ra ?). Những điểm này được đánh giá là 'cẩu thả', và như nhà báo Hữu Danh nhận định trên Facebooker cá nhân thì, nó khiến anh chưa đủ niềm tin là 'các anh đã làm đầy đủ, toàn diện' nhằm kết tội 1 người.

Cả ba yếu tố trên đã biến bản án 6 năm dành cho tài xé conterner trở nên mồi lửa gây căm phẫn, không chỉ đối với cánh tài xế, mà cả đối với những người theo dõi vụ án/ sự kiện này. Và như Facebooker Lê Hoài Anh thì, xử người không có tội thành có tội là thể hiện rõ sự yếu kém của tư pháp nước ta.

Cũng có lẽ vì vậy, mà báo Lao Động đã phản ứng rất dữ dội bằng một bài viết với tiêu đề nhấn mạnh : Đó không phải là công lý mà người dân muốn thấy. Nhưng thực ra, nền tư pháp và công lý Việt Nam nó xa xỉ, không phải chỉ dừng ở một vụ án này, mà dễ thấy nhất là ở các vụ án liên quan đến chính trị. May mắn cho anh Hoàng là anh không nằm trong vụ án đó, và báo chí lẫn người dân biết đến và phản ứng giúp anh trên cơ sở muốn tìm công lý và cân bằng luật pháp.

Nhưng người viết cảm nhận rằng, sự kiện này đang được đẩy lên nóng quá mức ?

Và dự thảo Nghị định an ninh mạng... lạnh

Sự kiện Innova đã che kín trên các mặt báo và mạng xã hội, có vẻ bằng cách nào đó, dư luận bị đốt nóng lên mức tối đa để tập trung hết về sự kiện này.

inno2

Bộ Công an công bố dự thảo Nghị định về Luật An ninh mạng

Không ai để ý một số sự kiện nổi bật bị chìm trong luồng thông tin, nó có tác động rất lớn đến đời sống của chính mỗi một người dân trong tương lai.

Dự thảo nghị định Luật An ninh mạng, một dự thảo mà nếu không chú tâm phân tích và góp ý, thì đồng nghĩa, người dân sẽ phải chấp nhận toàn bộ nội dung ‘Phù hợp thông lệ quốc tế, quy định trong nước' như cách mà thiếu tướng Công an Lương Tam Quang bày tỏ. Trong dự thảo Nghị định này, đã yêu cầu các công ty công nghệ lưu trữ dữ liệu trong nước, xóa 'nội dung độc hại' khỏi các trang web và lưu giữ (ít nhất 36 tháng) cũng như trao thông tin người dùng nếu được yêu cầu. Cũng như quy định, bất kỳ quốc gia nào vi phạm đều có thể bị cấm cung cấp dịch vụ của mình - từ hệ thống thanh toán trực tuyến đến mạng xã hội - tại Việt Nam. Chỉ cần đọc qua nội dung Nghị định cũng hiểu rằng, những cảnh báo trước đó của giới trí thức và giới chuyên gia công nghệ thông tin về một Luật ‘giúp kéo lùi’ sự phát triển tại Việt Nam đã bị bỏ qua và tiếp tục thi hành nhằm ‘bảo vệ chế độ’. Nó không khác gì một cách bắt chước các công cụ kiểm soát và đàn áp của Trung Quốc, bất chấp những lời chỉ trích gay gắt từ Mỹ, EU và những người ủng hộ tự do Internet.

Một thông tin liên quan đến việc, Chính phủ Việt Nam thừa nhận đã thiết lập một đơn vị giám sát web có thể quét tới 100 triệu một ngày để tìm ra ‘thông tin sai lệc’. Một vài ngày sau, giới quan chức lại cho biết 3.000 trang web có ‘nội dung không phù hợp’ đã bị chặn.

Một thông tin phía nam, liên quan đến Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm điểm tập thể UBND Thành phố Hồ Chí Minh các thời kỳ. Nhưng quan trọng là, thành phố này đang rà soát 64 dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ rõ sai phạm cá nhân cụ thể, thực hiện kiểm điểm. Và đặc biệt, những dự án nào không triển khai được thì thu hồi, triển khai dở dang thì buộc thực hiện nghĩa cụ tài chính bổ sung. Nói nôm na, dù hứa hẹn là không để người dân thiệt thòi, nhưng với phương hướng giải quyết như thế này, không khác gì việc hợp thức hóa những sai phạm mà tập thể UBND Thành phố Hồ Chí Minh các thời kỳ đã gây ra (?).

Kết

Những sự kiện quan trọng đặc biệt (Thủ Thiêm, Nghị định hướng dẫn luật an ninh mạng) chìm trong sự kiện Innova. Giới Facebooker than thở và nhiệt huyết quá mức, theo dõi sát sâu ‘tông xe’, trong khi những thứ liên quan đến vận mệnh tương lai của mình và thế hệ tương lai thì thờ ơ, và bỏ lỡ.

Nhiều lúc, phải thừa nhận rằng, không phải ban tuyên giáo Đcộng sản Việt Nam giỏi, mà vì người dân Việt rất ngây thơ và dễ dàng bị ‘chăn dắt’.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 06/11/2018

Published in Diễn đàn

Trong bản xu hướng của Google (Google Trends) vào ngày 1/11 cho thấy, người Việt ngoài sự quan tâm đến thể thao, xổ số kiến thiết, họ còn quan tâm đến các chính sách pháp luật được ban hành và có hiệu lực từ tháng 11, đồng thời là phát biểu của Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến lực lượng công an.

congan1

Người dân có sự quan tâm rất lớn đối với những sai phạm liên quan đến lực lượng công an

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói : Tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94% ; chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86% ; xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76 %, Một lần nữa khẳng định "đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng (?). Đáp lại, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng đấu khẩu với Lưu Bình Nhưỡng, và yêu cầu ông Nhưỡng phải đính chính trở lại vì tính toán sai, gây phản ứng trong lực lượng công an.


Ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, có tài liệu mật nên báo cáo theo con số mật, còn Giám đốc công an Nghệ An cho điều này không đúng... Cả hai người đều có cái lý, nhưng phản ứng liên quan đến sự vụ này là hợp lý, và nên được khuyến khích, ít nhất đảm bảo tính dân chủ và tranh tụng trên nghị trường. Tránh cái tình trạng ‘quyết sai thì dân chịu, phát ngôn sai thì dân gánh’ như hàng trăm trường hợp của các vị đại biểu trong nhiều năm trở lại đây.

Vấn đề mà bài viết đặt trọng tâm chính là việc, người dân có sự quan tâm rất lớn đối với lực lượng công an và đặc biệt quan tâm đến những sai phạm liên quan đến lực lượng này nhất là sự lưu tâm của người dân đối với ý của ông ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề ra : tôi đề nghị Bộ trưởng Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với cán bộ cơ quan điều tra trong việc này.

Việc kiểm soát thái độ phục vụ và cách hành xử của lực lượng công an là một trong những nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Điều này phần này được thể hiện rõ nét qua việc, bức xúc của người dân đến với những cái chết vô cớ trong đồn hay tình trạng nhũng nhiễu của lực lượng công an trong một số lĩnh vực nhất định. 

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân vào cuối ngày 3/11 đã nhấn mạnh rằng : Điều đó làm cho người dân không còn yên tâm, thiếu sự tin cậy với lực lượng chấp pháp từng được dân tin yêu, với 6 lời thề như khắc vào đá ; lực lượng được quan tâm, ủng hộ, trang bị… để giữ cho dân yên, giờ lại là nỗi ám ảnh của người dân ? 

Thực tế cho thấy, xã hội Việt Nam đang hình thành những đặc trưng rất riêng liên quan đến vị trí đẳng cấp, trong đó, có những ngành nghề tạo nên đẳng cấp cao trong xã hội, và những đẳng cấp còn lại là đẳng cấp chịu thiệt trong xã hội, những đẳng cấp hoàn toàn không hề có một tiếng nói hoặc tiếng nói mang tính yếu ớt. Cũng chính vì lý do đó mà, khi ông Nguyễn Phú Trọng cải tổ bộ máy công an, trong đó đưa một số lãnh đạo cấp cao của lực lượng này ra trước vành móng ngựa, thì người dân đã đón nhận một cách hồ hởi. Nói cách khác, uy tín của ông Nguyễn Phú Trọng lên nhanh, là chính vì nhờ ông Trọng đặt tay vào trong bộ máy công an và chấn chỉnh nó.

Một lãnh đạo, hay một vị đại biểu quốc hội, hoặc thậm chí một vị luật sư nhân quyền có thể thu hút ‘phiếu cử tri’ (nhân tâm) khi họ dám đặt sinh mạng hoặc sinh mạng chính trị của mình để đối diện với lực lượng công an. Đây không phải là một hình thức nói quá, mà nó đã đang và xảy vẫn diễn ra ở những nước mà công an trở thành nòng cốt trong bảo vệ thể chế, chế độ. Và cũng chính trong bối cảnh này, mới sản sinh ra cụm từ ‘kiêu binh nổi loạn’ dùng để đặc tả sự lạm quyền lực trong lực lượng công chính tại những nước chỉ 1 đảng lãnh đạo nhà nước.

Quay lại với xu hướng quan tâm của người dân, không phải đến tháng 11 này người dân mới thực sự quan tâm đến công an, mà khi Mẹ Nấm – người từng đưa ra bản báo cáo liên quan đến những cái chết trong đồn bị bắt, cũng nhận được sự quan tâm rất lớn, một trong số đó có lẽ xuất phát từ chính việc Mẹ Nấm đã chạm vào cái quyền lực tưởng chừng như bất khả xâm phạm của đội ngũ công an nhân dân. Một đoạn miêu tả ngắn được cho là của Mẹ Nấm được lưu giữ lại trên mạng internet như sau : ‘năm của các anh’ đi từ bấm huyệt, khiêng người, lùa dân, đá thúng, đạp mặt, tạt mắm tôm, dầu nhớt, sơn đỏ, và cả a-xít... Còn blogger Phạm Đoan Trang khái quát bằng cụm từ : công an trị.

congan2

Chia sẻ của Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trên Facebook cá nhân.

Người dân sẽ tiếp tục quan tâm và vẫn tồn tại nhu cầu chế ngự quyền lực của lực lượng công an, chừng nào lực lượng này vẫn ‘còn đảng, còn mình’. Bởi khi quyền được nói và thông tin được mở rộng cùng với công cụ mạng xã hội, thì đồng lúc ấy, người dân mong muốn quyền được sống và quyền được tôn trọng những quyền cá nhân của mình sẽ hiện diện nhiều trong đời sống thường nhật thay vì bị tước đoạt một cách vô cớ. Mặc khác, nhu cầu kiểm soát quyền lực đối với lực lượng công an cũng hàm ý mong muốn ngăn chặn sự 'hoen ố hình ảnh đẹp của Công an nhân dân' trong mắt họ, trong đó, kỳ vọng mỗi công an viên phải 'nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật pháp luật của Nhà nước ; Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân'.

Trở lại với phát biểu nêu trên, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục gây cảm tình với người dân. Và không ít quan điểm cho rằng, điều này là cần thiết, mặc khác, họ bày tỏ sự không đồng tình với việc Bộ Công an yêu cầu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đính chính và xin lỗi, vì điều này là không hợp lí. Theo Facebooker Phạm Việt Thắng, ‘vì đây là ý kiến chất vấn, nôm na là nêu câu hỏi để bộ trưởng trả lời. Nếu số liệu đại biểu Nhưỡng đưa ra mà sai, thì Bộ trưởng Tô Lâm có quyền "cải chính", nói rõ cho Quốc hội và cử tri được biết.’

Rõ ràng, một ý kiến chất vấn tưởng chừng như đơn giản, phổ dụng tại các nước văn minh, nhưng tại Việt Nam – lại trở thành một câu chuyện nóng và có phần dị đoản. 

Trong một diễn biến có liên quan, trong chia sẻ cuối ngày 3/11 tại Facebook cá nhân, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng tái khẳng định : Và tôi cũng đã cam đoan trước quốc dân đồng bào cử tri cả nước là tôi không nói sai, không hề bịa đặt, không sử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu "ngoài luồng" và đặc biệt không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa.

Ý chỉ, những gì ông đề cập đến sai phạm trong ngành công an là không sai !

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 04/11/2018

Published in Diễn đàn