Trong tuần qua, nhiều báo đưa tin về việc, tại phiên chất vấn sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ về vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên, liên quan đến việc ‘chủ động từ chức khi không còn uy tín’. Trả lời câu hỏi này, ông Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, từ chức là một vấn đề mới và mang tính tự nguyện, bởi luật chưa quy định rõ ràng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ về vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên, liên quan đến việc ‘chủ động từ chức khi không còn uy tín’.
Vấn đề từ chức trong hệ thống cán bộ Việt Nam hiện nay là một cuộc đấu tranh cực kỳ gay go và phức tạp, nó không chỉ biểu hiện bằng sự giằng co giữa lợi ích nhóm, mà còn là biểu hiện đặc trưng của tính chất bám rễ trong đời sống chính trị Việt Nam.
Từ dự thảo nêu gương đến ‘mất mát’ trong quy định chính thức
Cách đây không lâu, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thảo luận về Quy định trách nhiệm nêu gương trước hết của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nhiều báo sau đó đã đưa những thông tin liên quan đến Dự thảo này, trong đó nổi bật nằm ở Điều 2 (dự thảo chỉ có 4 điều) :
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật…
Nguyên lý của quy định nêu gương này sau đó được ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam giải thích bằng cụm từ : phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Điều này là nhằm chấn chỉnh lại đạo đức và tác phong cán bộ để ‘tránh đánh mất lòng tin của dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng’.
Nhưng sau khi kết thúc thảo luận, trong bản chính thức được ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành (25/10/2018), thì nội dung của Điều 2 nêu trên bị cắt bỏ một phần quan trọng, chỉ còn vỏn vẹn : Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
Như vậy, từ quy định tính trách nhiệm cực kỳ cao là ‘bản thân không còn đủ điều kiện, uy tín, để mất đoàn kết, để cấp dưới tham nhũng, lãng phí...’ thì nay chỉ còn dừng ở phạm vi rất chung chung ‘không đủ điều kiện năng lực, uy tín’.
Sự thay đổi này chứng tỏ trở lực của quy định từ chức ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, và càng cho thấy rằng, quá trình chống tham nhũng (khi không gắn với tính trách nhiệm) là cực kỳ khó khăn, gian nan. Hiệu quả chống tham nhũng nếu có (xuất phát từ phong trào ‘đốt lò’ của ông Tổng bí thư) chỉ giải quyết ở mức ngọn, và sẽ tiếp diễn tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’. Hệ quả giám sát của cấp ủy trên đối với cấp dưới trở nên vô nghiệm và không mang tính răn đe cao. Ít nhất, khi mà bản thân lãnh đạo không còn chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cấp dưới, sẽ khiến họ có xu hướng ‘giơ cao đánh khẽ’.
Không đâu xa xôi, tuyên bố của ông Đoàn Ngọc Hải phó Chủ tịch quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã nói ra vào ngày 20/02/2017 về vấn đề trật tự đô thị vẫn là một bài học đáng giá về cái gọi là tự nguyện... từ chức.
‘Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn...’.
Từ chức là tự nguyện hay bắt buộc ?
Ông Phó Thủ tướng diễn giải rằng, sau khi có Nghị quyết Trung ương 8, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể thể hóa ở các văn bản quy phạm pháp luật.
Vấn đề mâu thuẫn mà bản thân ông Phó Thủ tướng không thể lý giải được rằng, văn bản quy phạm pháp luật dù cụ thể hóa từ Nghị quyết Trung ương 8, thì nó phải mang tính rõ ràng, ràng buộc, và chế tài. Nhưng tại Quy định số 08 nêu trên, chỉ có cụm từ ‘chủ động xin từ chức’ thay vì ‘từ chức’. Điều này có nghĩa gì, đó là việc từ chức dù cụ thể hóa đến bao nhiêu thì nó vẫn mang tinh thần ‘tự nguyện’, chứ không phải từ Nghị quyết đảng, đi sang văn bản quy phạm pháp luật lại chuyển hóa bản chất của từ chức, bởi điều này không khác gì việc Nghị quyết chỉ đạo một đàng, văn bản quy phạm pháp luật đi theo một nẻo. Ngược lại, muốn ràng buộc trách nhiệm chắc chắn, thì Quy định 08 phải sửa lại câu từ như đề cập bên trên.
Đặt vấn đề rằng, các văn bản quy phạm pháp luật tuân thủ đầy đủ ý chí của Quy định 08, thì lúc này từ chức trong tinh thần tự nguyện sẽ vẫn là một việc làm cực kỳ khó đối với các quan phụ mẫu xứ Việt Nam này. Ít nhất là về mặt danh dự và nhân cách lãnh đạo vẫn chưa đủ để tiến hành điều đó, trong khi những lợi ích về quyền và tiền nảy sinh từ chức vụ là cực kỳ lớn.
Trong một bối cảnh, tại Thành phố Đà Nẵng đã đề ra chính sách hỗ trợ 200 triệu đồng cho cán bộ, lãnh đạo tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ trẻ, sắp xếp lại bộ máy. Và vị ‘cán bộ’ đầu tiên thực hành chính sách này là ông Lê Văn Quang - Phó ban Kinh tế-Ngân sách HĐND Thành phố Đà Nẵng. Mặc dù tự nguyện, nhưng vấn đề là ông Quang sinh năm 1959 (tức lúc từ nhiệm ông đã 59 tuổi). Theo Điều 187 Luật lao động, thì độ tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi, và ông Quang cũng không nằm trong trường hợp đặc biệt kéo dài thời gian công tác theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Đồng nghĩa, thay vì ngồi thêm một năm, thì ông Quang có thể nghiễm nhiên lãnh được 160 triệu và được tiếng làm gương.
Sự kiện tại Đà Nẵng cho thấy, ngay cả khi có nguồn tiền được chi ra, thì nguồn tiền đó cũng không tạo đủ sự hấp dẫn cho cán bộ từ chức. Thay vào đó, để cán bộ ‘tự nguyện’ thì cần gắn liền với trách nhiệm quản lý, nếu quản lý yếu kém thì buộc tự nguyện ra đi, nếu không sẽ tiến hành kỷ luật.
Khi chưa làm được điều nêu trên, thì quy định nêu gương vẫn mang tính hình thức là chính, bởi đối với cán bộ Việt Nam, chẳng ai có thể rời nhiệm sở nếu như vẫn còn lợi lộc và mối quan hệ được nảy sinh trên ghế. Nói cách khác, sẽ khó có chuyện 'nêu gương' ở đây.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 03/11/2018
Nhân câu chuyện báo QDND và VTV đang lên án ông Chu Hảo vì đã ‘phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lenin’, bài viết đặt vấn đề : Marx ở Việt Nam thực chất là gì ?
Ảnh minh họa : McMarx's trên áo thung
Nhà nước Việt Nam đã và đang gắn chặt Chủ nghĩa Marx vào trong mọi khía cạnh đời sống, đến mức, ông Chủ tịch hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cũng tìm cách gắn Marx-Lenin vào trong cuộc cách mạng 4.0, mà theo ông là, những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn như cách mạng công nghiệp 4.0 cần được soi sáng bằng tư tưởng của Marx. Điều này dẫn đến một lý luận gượng ép rằng, 4.0 không còn thuộc về giai cấp, nhưng nội dung kinh tế thì giai cấp công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất ra của của vật chất chủ yếu cho xã hội.
Vậy nếu đặt câu hỏi, làm thế nào để soi sang cuộc cách mạng 4.0 bằng tư tưởng của một người ở thời kỳ sản xuất công nghiệp kỳ đầu (cách mạng 1.0) hay nếu công nhân là người sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội trong thời kỳ 4.0, vậy thì nền kinh tế tri thức mà Nghị quyết Đảng cộng sản Việt Nam thường dẫn chú là một nền kinh tế có phải là sự lai tạp ?
Rõ ràng, lý luận suông hoặc khập khễnh như trên vô tình gieo rắc thuộc tính xấu cho chính Marx, nó áp đặt một khuôn mẫu mà Marx chưa bao giờ nghĩ ra, hoặc sử dụng những yếu tố mà Marx hiện thực trong hệ thống xã hội cũ để đặt vào một cái khuôn 4.0 quá rộng.
Khi cái gọi là chính quyền Marx của Đông Âu sụp đổ vào năm 1989 và 1990, nhiều người tuyên bố rằng Marx đã kết thúc. Chưa đầy 20 năm sau, một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự quan tâm đến Marx đã tăng khá đáng kể, cứ thể như Marx đang nói : đó là điều đã được dự đoàn trước trong Tư bản luận.
Thực tế là Marx hiểu được sự bất ổn của chủ nghĩa tư bản, không giống như hầu hết các nhà kinh tế trong thời của ông. Nhưng ông không nói nhiều về giải pháp thay thế.
Vấn đề là tại sao lại phải làm như thế ?
Không phải Việt Nam, mà cả Trung Quốc cũng theo con đường ‘cưỡng bức chủ nghĩa Marx’ theo hình thái kinh tế - chính trị - xã hội mà đảng cầm quyền ‘sáng tạo ra’. Chính vì thế mà gần đây, nếu ở Trung Quốc có sự kiện Nhà nước Bắc Kinh ra tay trừng phạt một Hội sinh viên nghiên cứu Chủ nghĩa Marx vì dám đòi lợi quyền cho công nhân, hướng dẫn họ thành lập công đoàn theo ý tưởng của Marx. Trong khi đó, tại Việt Nam, câu chuyện ‘công đoàn độc lập’ – một tổ chức đàm phán, thương lượng tập thể của giới công nhân lại chật vật xuất hiện trong đời sống xã hội, nhưng nó không đến từ dụng ý tích cực của Hà Nội, mà ngược lại là một điều khoản ép buộc về nhân quyền để đổi lấy thương mại.
Nhưng Marx là hiện diện xương sống của những chế độ mang danh cộng sản còn lại. Cụ thể, chủ nghĩa Marx cung cấp cho nhà nước Trung Quốc hay Việt Nam một cơ sở lý thuyết để duy trì sự cai trì, và ‘bạo lực vũ trang’ là Lenin trở thành cơ sở để trấn áp. Chủ nghĩa Marx cũng là một yếu tố để Hà Nội duy trì một sự thống nhất hệ thống đảng từ trên xuống dưới, và nó là tư tưởng duy nhất mà Đảng cộng sản Việt Nam có. Tương tự, bên Trung Quốc, theo Timothy Cheek và David Ownby trong một bài viết gần đây, Đảng cộng sản Trung Quốc sử dụng Marx như là cơ sở để thống nhất tư tưởng một quốc gia tỷ dân với nhiều sắc tộc. Và tất nhiên, cả hai đảng, hai nhà nước luôn né tránh ‘cảm hứng đấu tranh giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động’ từ Marx.
Marx trở thành bình phong hữu hiệu để sự thống khổ có đích nhắm, và dường như, nó là cơ sở chuyển tiếp trước khi đi đến một tư tưởng độc tài hóa thực sự.
22222222222222
Một bữa cơm của giới công nhân Việt Nam vừa được chia sẻ trên Facebook gần đây
Với Hà Nội, Marx là cơ sở để trấn áp và duy trì tính giai cấp thống trị trong bộ máy nhà nước, tầng lớp công nhân được đếm xỉa đến trong các bài diễn văn liên quan đến giải quyết công ăn việc làm của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các cụm công nghiệp. Và luôn có câu ‘đảng chăm lo đời sống công nhân mật thiết’, nhưng thực tế không phải như vậy. Công nhân vẫn thống khổ, có lẽ, gần giống như thời kỳ Marx, hoặc thậm chí có lúc tồi tệ hơn, khi bị vắt kiệt bởi tư bản với sự bảo trợ của ‘đảng tiền phong của giai cấp công nhân’.
Rõ ràng, Marx có giá trị hiện hữu với Hà Nội và Bắc Kinh trong duy trì tính cai trị, đồng thời tìm ra phương pháp ‘trẻ hóa’ chủ nghĩa này ở dạng thức khác. Bắc Kinh đang làm, với ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ nhằm hiện thực giấc mơ Trung Quốc, hình thành một xã hội chấm điểm tín dụng như được miêu tả trong tác phẩm 1984. Hà Nội cũng vậy, nhưng Hà Nội lại chật vật hơn, Hà Nội không có Đặng Tiểu Bình, có Giang Trạch Dân,… không có gì cả, ngoại trừ những lãnh đạo hấp thu những ‘bài học kinh nghiệm’ từ Trung Quốc, học và chép lại.
Gần đây, Hà Nội có một sự chuyển biến, khi một người quyền lực lớn nhất sau 1975 xuất hiện – ông Nguyễn Phú Trọng, người đưa Đảng cộng sản Việt Nam vào sâu trong nhà nước về cả mặt ngoại giao. Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam và kể cả ông Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ có một tư tưởng nào cả, và vì vậy, Marx vẫn là cơ sở để vịn vào, không gì cả ngoài việc củng cố quyền lực nhà nước. Quyền lực đó được củng cố lớn đến mức, trong một bài phát biểu 27/10, một vị Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Thượng tọa Thích Thanh Quyết ca ngợi quyền lực ông Trọng là 'mệnh trời giao phó'.
Nhà nước Việt Nam vẫn giữ gìn Marx theo ‘sáng tạo’ của mình, không đa nguyên, không đa đảng, không tam quyền phân lập, và cả không xã hội dân sự… Dù rằng, ở một khía cạnh lý luận nào đó, Marx đã từng nhắc gián tiếp đến tam quyền phân lập, kiểm soát quyền lực, và một xã hội công dân.
Nhà nước Việt Nam cũng chưa bao giờ xác định đầy đủ về Marx, ít nhất ông không phải là một nhà kinh tế đích thực, ông chỉ là người tìm ra phương thức để chống mọi hình thức áp bức, và kháng cự với nhà nước để giải phóng lao động. Chế độ cộng sản nửa mùa như Việt Nam, Trung Quốc đang hiện hữu các nhà máy tư bản, nơi vắt kiệt đời sống công nhân bằng các bữa ăn không nhiều thịt, còn chế độ cộng sản hoàn toàn như Triều Tiên, Cuba, thì dân chết đói và Đảng cộng sản luôn đổ lỗi cho ‘Mỹ’ về sự nghèo phát triển.
Hiện trạng nêu trên không khác lắm so với trong quá khứ : một nạn đói ở Liên bang Xô viết năm 1933 - khiến 6 đến 8 triệu người Liên Xô chết, hơn một nửa trong số đó là nông dân Ukraine bị Chính phủ của chính họ cố tình bỏ đói hay 55 triệu người thiệt mạng trong Đại nhảy vọt của Chủ tịch Mao. Và Bắc Triều Tiên có thể tự sưởi ấm trên đống tro tàn.
Marx - như đã đề cập, với tư cách là một nhà triết học vĩ đại, ông có ý tưởng tốt đẹp theo cách nào đó, nhưng chưa bao giờ được thực hiện đúng cách. Nhưng Marx lại trợ giúp những chế độ độc tài ở điểm, nhờ Tuyên ngôn của ông, các nhà độc tài sẽ không cần thiết phải nghĩ quá nhiều về sự biện minh cần thiết nào cho việc tịch thu tài sản, đất đai, công nghiệp, lao động hay thực phẩm. Điều kỳ lạ là, Marx chỉ sống 'vĩ đại' ở những nước nửa mùa như Việt Nam, Trung Quốc hoặc Lào, còn tại Triều Tiên - lãnh đạo xứ này dựa hoàn toàn vào lý tưởng và phương châm của Kim Nhật Thành, coi Marx như một mớ hỗn độn.
Đảng cộng sản tinh khôn khi giữ sự ‘độc quyền’ mà bỏ qua ‘xã hội công dân’, với sự bảo trợ của tính ‘độc đảng, công hữu, bạo lực’ từ Marx pha thêm Leninist. Phản bác chủ nghĩa Marx, tức là phản bác sự độc tôn tinh khôn đó, và vì thế cần phải bị loại trừ như cách mà ông Chu Hảo bị trong tuần vừa qua. Nhưng sự loại trừ những trí thức như ông Chu Hảo, lại vô tình gây thiệt hại nặng nề đến nguyên khí của quốc gia, vốn còn lớn hơn cả nạn đói do những chính thể nhân danh Marx thực hiện nên.
Marx suy cho cùng, cũng chỉ là một nạn nhân của sự độc tài, toàn trị.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 31/10/2018
Sau sự kiện ông Chu Hảo đề nghị ‘kỷ luật’ vì tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhiều người nhận định sẽ có một ‘trào lưu rời đảng hoặc từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam’. Điều này đã xảy ra, nhưng trào lưu này lại mang tính rải rác và ngắn hạn. Trong khi đó, phía ‘giới tri thức’ khác (nguyên thành viên của IDS) lại đưa một thư ngỏ gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ‘đòi rút lại kết luận về Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Chu Hảo. Kính’ (1).
Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Chu Hảo. Ảnh : getty images
Thư ngỏ này được đánh giá là mềm mỏng và có hơi hướng ‘cải lương’, bản thân Luật sư nhân quyền Hà Huy Sơn đánh giá lá thư này như truyện 108 Anh hùng lương sơn bạc bên Trung Quốc, khi mà ‘108 vị hảo hán bất bình với triều đình chỉ mong muốn được triều đình xem xét lại cho mình, trọng dụng mình, mong sớm có ngày được quy phục’.
Nhiều người đồng ý với quan điểm của vị luật sư này khi nhấn mạnh rằng, đây là một lá thư ngỏ để biểu hiện với Đảng cộng sản Việt Nam rằng, họ ôn hòa và không đối địch (hoặc nặng hơn là chống phá) đối với Đảng cộng sản Việt Nam.
Về phía người viết, nội dung thư ngỏ phản ánh một chút gì đó thương thảo, có ảnh hưởng bởi Phan Châu Trinh (người mà Nguyễn Ái Quốc từng phê phán rằng ‘Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương’), cụ thể hơn, khi ‘ông Đề Thám bị bêu đầu giữa chợ, ông Phan Đình Phùng bị đào mả ném xuống sông, ông Hàm Nghi, Duy Tân, Thủ Khoa Huân bị đầy biệt xứ và nhiều không kể xiết sự đầu rơi máu chảy’ thì Phan Châu Trinh chủ trương bất bạo động, và trong lá thư gửi cho Chính phủ Pháp (Paul Beau) ông khẳng định rằng : Nếu Chính phủ sẵn lòng đổi hết chính sách đi, kén chọn người hiền tài, trao quyền bính cho, lấy lễ mà tiếp, lấy thành mà đãi, […] thế thì dân được yên nghiệp làm ăn, sĩ thì vui lòng giúp việc cho Chính phủ, chỉ sợ người Pháp bỏ nước Nam mà đi, còn ai toan mưu việc chống cự nữa ?
Nếu đọc kỹ lại, thì thư ngỏ cũng chỉ là một phiên bản thu nhỏ của ‘Đầu Pháp chính phủ thư’, bởi cả hai cũng chỉ mong muốn sự ‘cởi mở, khoan sức dân’ của đối tượng đang cai trị dân Việt mà thôi.
Và do đó, nếu đặt bức thư ngỏ vào hiện trạng ‘nước Nam bây giờ, dân khí thì yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước Châu Âu Châu Mỹ, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường’ thì khó có thể phê phán mạnh mẽ nội dung bức thư ngỏ, ít nhất là phương diện nội lực. Vì vậy, trong sự ôn hòa và suy xét một cách kỹ lưỡng nhất, người viết tán đồng quan điểm, của Luật sư Hà Huy Sơn, đó là quan điểm của những người như vậy (nguyên là thành viên IDS) ‘quan trọng cho sự tiến bộ của xã hội Việt Nam nhưng ko phải là quyết định’.
Một phần nội dung trong thư ngỏ. Ảnh : cắt từ màn hình
Trở lại với phong trào rời đảng, dù mang tính rời rạc và ngắn hạn, nhưng phong trào này đã ghi những dấu ấn nhất định. Đảng cộng sản Việt Nam, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam buộc phải suy ngẫm vì sao một người từng hóa thân cụ Mết mà bảo rằng ‘cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn’, giờ đây lại phê phán đảng kịch liệt. Nhưng mặt khác, tính ngắn hạn cũng để lại nhiều suy ngẫm, tại sao việc ra vào đảng ở nước khác là bình thường, nhưng ở Việt Nam là quyết định ‘quan trọng’ và rằng, tại sao có quá ít người theo đuổi việc ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam lúc này, vốn bị đánh giá là ‘lạm quyền lực’ ?
Đó có phải là ‘trở lực suy nghĩ’ hay là bởi tư lợi gắn với đảng nó lớn hơn cả dân lợi khi rời đảng, hoặc nói cách khác, đảng đã thành công trong việc kết dính lực lượng đảng viên với quyền lợi của đảng một cách xuyên suốt, như một hệ ký sinh trùng ? Điều này đồng nghĩa rằng, cái xã hội của Việt Nam hiện tại, quyền lợi thiết thân với Đảng cộng sản Việt Nam nó không khác gì quyền lợi của nhóm tri thức và nhóm giới dân đối với Chính quyền thuộc địa cuối thế kỷ XIX – đầu XX. Và chính chất kết dính này đã tạo ra cái gọi là con người không còn sống thật với ý muốn của mình, như cách mà Facebooker Nguyễn Hiền Đức trong một phản hồi về sự kiện Chu Hảo đã đề cập, khi người này nhắc lại vở cải lương ‘Người ven đô’, trong đó Tám Khỏe do Út Trà Ôn thủ vai có nói ‘Tui Tám Khỏe tuyên bố ly khai với Việt Cộng’ trái với ý muốn mà nhân vật (bởi Tám Khỏe theo Việt cộng thật).
Suy cho cùng, thì nhân vật ‘Tám khỏe’ dù ly khai thật hay giả với Việt Cộng đi chăng nữa, thì nó vẫn là dấu ấn hơn là dấu mốc tạo ra sự kiện, tương tự cho việc từ bỏ đảng hiện nay. Và chính vì lý do này cho thấy rằng, việc ly khai ở đâu, với số lượng bao nhiêu người không quan trọng bằng việc họ đã thực sự ly khai. Còn những người với ly do riêng còn ở lại, thì cũng là cơ sở để đánh giá được rằng, tính hữu dụng của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn, hoặc phương thức tranh đấu, cải tạo lại Đảng cộng sản Việt Nam ‘tốt như xưa’ vẫn còn tồn tại, và đây cũng là đặc trưng của một xã hội đa nguyên theo cách nói nào đó.
Và có lẽ vì lý do đó mà Facebooker Võ Văn Tạo trong một phản hồi trên trang cá nhân của mình đã bày tỏ : Việc ở lại, hay từ bỏ đảng, là tùy thuộc quan điểm, hoàn cảnh, tính cách, động cơ, quyền cá nhân của từng đảng viên.
Cần nhắc lại, nhà văn Nguyên Ngọc đã có tuyên bố ra khỏi đảng, trong bối cảnh ông Chu Hảo vẫn giữ quyền im lặng...
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 28/10/2018
******************
(1) Thư ngỏ gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam
Thư ngỏ
Gửi Bộ Chính trị và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về vụ kỷ luật Giáo sư Chu Hảo
Kính gửi :
– Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
– Đồng kính gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
Qua báo chí ngày 25/10/2018, chúng tôi được biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mới có sự đánh giá về ông Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, nguyên thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS – là "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" và "chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy". Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận : "vi phạm khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật".
Chúng tôi cho rằng sự quy kết như vậy của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Chu Hảo là không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Không chỉ riêng chúng tôi, mà hầu hết những ai đã từng được đọc những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, từng đọc và nghe những ý kiến phát biểu của ông Chu Hảo về tình hình đất nước đều trân trọng những điều bổ ích mình thu nhận được, đều đánh giá cao sự phấn đấu không mệt mỏi của ông Chu Hảo noi gương bậc tiền bối Phan Châu Trinh xả thân cho sự nghiệp "khai dân trí, chấn dân khí" – một đòi hỏi vô cùng cấp thiết cho sự bảo vệ và phát triển đất nước ta lúc này.
Làm sao có thể sớm thực hiện được dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà lại bóp nghẹt những nỗ lực mở mang dân trí ? Chính vì lẽ này, chúng tôi yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương rút lại kết luận sai trái về ông Chu Hảo.
Chúng tôi đồng thời kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên khuyến khích các nhà xuất bản trong nước làm những việc như Nhà xuất bản Tri Thức đang làm, động viên phong trào ham học, ham đọc sách trong cả nước, cùng nhau phát huy ý chí và trí tuệ sớm khắc phục được tình trạng tụt hậu hiện nay, đưa nước ta tiến nhanh theo con đường dân tộc và dân chủ.
Chúng tôi rất mong thư ngỏ này được nhân dân và trí thức cả nước hưởng ứng bằng mọi cách, cùng chung tay đẩy mạnh nỗ lực chung nâng cao dân trí của nước nhà.
Làm tại Hà Nội, ngày 27/10/2018
Nguyên thành viên của IDS kí tên :
– Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải
– Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Đại sứ Việt Nam ở Thái Lan
– Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng IDS
– Phạm Chi Lan, nguyên Phó Viện trưởng IDS, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
– Nguyên Ngọc, nhà văn
– Tương Lai, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam
– Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc
– Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ
– Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ
_____
Chúng tôi, những người đã ký tên, trân trọng đề nghị trí thức trong và ngoài nước và đông đảo nhân dân quan tâm đến sự nghiệp của đất nước cùng ghi tên tiếp vào Thư ngỏ này : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
*******************
Thư ngỏ
Nguyễn Trung, 27/10/2018
Kính gửi bạn bè gần xa,
Tôi là Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xin thưa với bạn bè gần xa như sau :
Một thời gian sau khi có bức thư ngày 09/08/1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là sau khi các anh Lê Hồng Hà (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an), anh Hà Sỹ Phu (tức Nguyễn Xuân Tụ) và anh Nguyễn Kiên Giang bị bắt và bỏ tù về tội "làm lộ bí mật nhà nước" – lí do thật là 3 anh đã đọc và giữ bản sao bức thư 09/08/1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, do một ai đó trong những người ở cương vị được nhận thư chuyển cho đọc, – tôi hiểu ra những hệ lụy của bức thư và những khó khăn gây ra cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngay lâp tức tôi trình bầy bằng thư và nói miệng với Thủ tướng quyết định cá nhân của tôi : Vì không thể chấp nhận cách bức thư 09/08/1995 bị đối xử như vậy, tôi quyết định từ chức trợ lý Thủ tướng, và xin nghỉ hưu ngay tức khắc.
Trao xong thư từ chức và quyết định cá nhân về nghỉ hưu, từ hôm sau trở đi tôi không đến nhiệm sở cơ quan nữa.
Sau đó tôi được mời với tư cách chuyên gia tham gia Tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại của Văn phòng Chính phủ (gọi tắt là Tổ Kinh tế đối ngoại, do Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân làm tổ trưởng, làm nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề kinh tế đối ngoại). Sau một thời gian, tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại giải thể theo quyết định của Văn phòng Chính phủ. Ngày 21/11/2006 đảng ủy Văn phòng Chính phủ làm hồ sơ chuyển đảng tịch của tôi về đảng ủy Quận Ba Đình – nơi tôi cư trú ; nhân dịp này tôi đã xin nghỉ sinh hoạt đảng với lý do đưa ra là tuổi tác, lý do không nói ra : Tôi muốn làm người tự do. Từ đó tôi không còn là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, và không tham gia sinh hoạt đảng.
Cả hai câu chuyện xin thưa trên đây đều là chuyện riêng tư cá nhân của tôi, và cho đến nay tôi lặng lẽ sống như vậy.
Thế nhưng mấy ngày qua, Ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam có kết luận quyết định kỷ luật Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phụ trách nhà xuất bản Tri Thức. Án kỉ luật đưa ra nhiều lý do, nhưng theo tôi mục đích thật là nhằm trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo về những vấn đề nóng bỏng của đất nước, đồng thời qua việc ra tay này muốn răn đe và bóp nghẹt những nỗ lực của giới trí thức cả nước – những người ngày đêm mong mỏi góp phần mở mang dân trí nước nhà cho sự nghiệp xây dựng dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.
Tình thế nói trên buộc tôi viết thư ngỏ này nói ra 2 chuyện riêng tư cá nhân mà ngay từ đầu tôi đã có ý thức xếp lại một bên. Hôm nay sở dĩ phải thưa thốt như thế, cốt chỉ để biểu thị sự đoàn kết của tôi với Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, và đồng thời bầy tỏ sự bất bình với kết luận sai trái của Ban Kiểm tra Trung ương.
Đất nước ta đang đứng trước thách thức cực kỳ hiểm nghèo chưa từng có sau 43 năm độc lập thống nhất, song cơ hội cũng vô cùng to lớn, do bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay tạo ra. Tôi đã nhiều lần viết ra trên công luận chia sẻ suy nghĩ của mình về nội dung này với cả nước, kể cả với Đảng Cộng sản Việt Nam – người có trách nhiệm ràng buộc pháp lý và đạo lý không thể thoái thác về hưng vong và thịnh suy của đất nước. Bài mới đây nhất là "Đại hội XIII…" [1].
Tôi tự hỏi, trước tình hình và nhiệm vụ của đất nước như nêu trên, chẳng lẽ không có việc nào đáng làm hơn là từng ly từng tí chăm lo vun đắp sự quần tụ của dân tộc như chăm lo cho con ngươi của mình, khơi dậy ý chí và trí tuệ cả nước, tất cả với nỗ lực hợp quần cao nhất, quyết giành bằng được một vị thế đáng sống cho quốc gia trong thế giới hỗn loạn hôm nay hay sao - nhất là lúc này khu vực Biển Đông đang cận kề miệng hố chiến tranh! - mà lại đi làm những việc chia rẽ dân tộc, phân tán nỗ lực đất nước như kết luận quyết định kỷ luật Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo hay sao ? Ban Kiểm tra Trung ươngchẳng lẽ vô cảm hết mức, hay không thấy gì trước những thách thức sống còn đối với vận mệnh đất nước, mà lại đưa ra một quyết định kỉ luật như vậy hay sao ?
Tôi mong cả nước cùng nhau suy nghĩ và tìm câu trả lời, để nhân dân cả nước chúng ta nhất trí hành động. Nhất là mong Đảng Cộng sản Việt Nam với trách nhiệm ràng buộc không thể thoái thác của mình đối với đất nước cũng cùng suy nghĩ như vậy, để cùng với nhân dân cả nước nhất trí hành động !
Nguyễn Trung
Viết tại Hà Nội – Võng Thị, ngày 27/10/2018
[1] https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/9545-d-i-h-i-xiii
Đáng ra, ông Chu Hảo có thể 'đàng hoàng, đĩnh đạc' bước ra khỏi đảng trước khi bị 'đề nghị', điều này sẽ cho ông một tâm thế thực sự tốt hơn. Bởi thực tế, đó là bước qua lằn ranh ý định riêng để thực sự trở về với dân lợi.
Đề nghị kỷ luật ông Chu Hảo vì ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ mở ra bước ngoặt hình thức của thời phong kiến – với sự tái lập một cách đàng hoàng, đĩnh đạc và đầy chính danh.
Ông Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì thời kỳ ông làm Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức và thời kỳ Thứ trưởng bộ Khoa học và công nghệ, ông phạm vào những điều mà đảng viên không được làm. Nói cách khác, ông Chu Hảo ‘đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biễn, tự chuyển hóa’.
Ông Chu Hảo là người đặt nền móng cho internet tại Việt Nam và ông là người ủng hộ nhiệt thành trong không gian xã hội dân sự, cả khi ông làm giám đốc Nhà xuất bản Tri thức với những cuốn sách về tự do – dân chủ và những cuộc hội thảo liên quan đến yếu tố đó.
Nếu đặt ông Chu Hảo vào danh sách sai phạm của các vị quan chức nhưng Thiếu tướng quân đội Phan Tấn Tài – Phó Tư lệnh Quân khu 7, người chuyển nhượng 2 khu đất quốc phòng không theo trình tự, thủ tục quy định pháp luật thì có vẻ ngược đời. Ngược đời ở chỗ, ông Chu Hảo, người có ý thức về kiểm soát quyền lực để hạn chế những sai phạm của những người như ông Phan Tấn Tài, nhưng giờ đây lại ngồi cùng danh sách 'đề nghị bị kỷ luật'.
Trong tác phẩm đường về nô lệ do dịch giả Phạm Nguyên Trường tiến hành dưới sự bảo trợ của Nhà xuất bản Tri thức, thì có hẳn một chương liên quan đến việc giải thích vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất. Trong đó, ‘nếu các chức vụ cao trong bộ máy quyền lực toàn trị không hấp dẫn được những người xứng đáng, theo tiêu chuẩn của chúng ta, thì điều đó có nghĩa là những kẻ tàn nhẫn và vô liêm sỉ sẽ có nhiều cơ hội.’ Và ‘trong xã hội toàn trị nhất định sẽ có nhiều chức vụ đòi hỏi sự tàn nhẫn, dọa nạt, lừa dối và chỉ điểm’.
Giờ đây, trong danh sách đề nghị kỷ luật lại có cả người tham nhũng quyền lực và người tìm cách ngăn chặn tham nhũng quyền lực. Đấy là cái bi hài của thể chế, thể hiện sự thiếu nhất quán (lúng túng) trong cuộc chiến chống tham nhũng và chỉnh đốn đảng hiện nay.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng chia sẻ rằng : những trí thức như ông Chu Hảo vẫn kỳ vọng vào việc cải tạo đảng từ bên trong, nhưng giờ đây Đảng cộng sản Việt Nam cho thấy rằng, ông không thể hai lối, và không có sự phản biện nào hết trong đảng, đảng phải là tập trung và quyền lực.
Khi Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra các quy định về các điều đảng viên không được làm, bao gồm cả không bàn về xã hội dân sự và tam quyền phân lập, vẫn còn có đảng viên trông chờ vào sự đổi mới từ trong đảng để bắt nhịp sự hội nhập quốc tế cả về thương mại, nhân quyền và sự phát triển bền vững xã hội. Thậm chí điều này cũng thể hiện phần nào qua điều trần nhân quyền tại EVFTA. Tiếp đó, ‘cuộc chiến đốt lò’ do ‘sĩ phu Bắc Hà’ – Nguyễn Phú Trọng đứng đầu tiếp tục ‘sốc niềm tin’ ở một số đảng viên, bởi họ thấy sau bao năm trầy trật chống tham nhũng, bước đầu cũng đã có tín hiệu khả quan. Nhưng những đảng viên với niềm tin bền vững hoặc được sốc lại ấy lại quên rằng, cái tham nhũng nảy sinh từ cơ chế, chứ không phải từ đâu khác, thế mới có biện luận ‘chống tham nhũng là tự ta chống ta’ mà một thời, bao người cười chê, châm biếm. Hiểu một cách khác, ông Nguyễn Phú Trọng có thể giải quyết 100 vụ tham nhũng, nhưng lại không thể ngăn ngừa hàng ngàn vụ nảy sinh trong tương lai. Vì vậy, ông Nguyễn Phú Trọng nắm quyền, giả rằng ông có những thành tựu bước đầu trong chống tham nhũng, thì điều đó cũng mang tính tạm thời, vì bản thân cuộc chiến giờ lệ thuộc vào nhân tố duy nhất – ‘minh quân hay không minh quân’.
Sự kiện đề nghị kỷ luật ông Chu Hảo vì ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ mở ra bước ngoặt hình thức của thời phong kiến – với sự tái lập một cách đàng hoàng, đĩnh đạc và đầy chính danh. Còn cái chống lại ‘phong kiến’, kiểm soát quyền lực và tham nhũng là xã hội dân sự lẫn tam quyền phân lập lại bị cấm đoán, bị giới đảng viên thờ ơ, bỏ rơi.
Ấy là bi kịch lớn nhất của một con người, bị dắt mũi bởi hiện tượng thay vì theo đuổi bản chất sự việc.
Trở về với ông Chu Hảo, việc đề nghị kỷ luật đối với ông thực ra như một tấm huy chương, tôn vinh một trí thức gia thực sự. Bởi trong hệ thể chế hiện nay, những người bị kỷ luật về ‘tự diễn biến, chuyển hóa’ là những người thức thời, suy tư, trăn trở thực sự vì dân tộc và quốc gia. ‘Từ bỏ đảng’ hay ‘đảng từ bỏ’ ngày xưa còn là chuyện ê chề, nay trở thành niềm tự hào của không ít người. Đáng ra, ông Chu Hảo có thể 'đàng hoàng, đĩnh đạc' bước ra khỏi đảng trước khi bị 'đề nghị', điều này sẽ cho ông một tâm thế thực sự tốt hơn. Bởi thực tế, đó là bước qua lằn ranh ý định riêng để thực sự trở về với dân lợi.
Việc nhóm 'Lão mà chưa an' ra tuyên bố đồng hành với ông Chu Hảo, đồng thời kêu gọi các trí thức bày tỏ tình đoàn kết bằng cách lên tiếng hoặc rơi bỏ đội ngũ suy thoái đó, về hẳn phía nhân dân là một tuyên bố kịp thời mang tính thời sự. Bởi nó vạch hẳn một ranh giới rõ ràng nhất, mạch lạc nhất giữa một trí thức thực sự và một trí thức đảng phái. Cùng lúc đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang và nhà văn Nguyên Ngọc, cũng tuyên bố bỏ đảng, nghĩa là tầng lớp trí thức thực tâm đã rời khỏi một đảng mà đảng đó đã không còn 'đáp ứng lý tưởng ban đầu' của chính họ.
Đề nghị kỷ luật lần này dập tắt hoàn toàn hy vọng mỏng manh về sự ‘đổi mới trong đảng’ cũng như ‘dân chủ hóa’, quyền lợi hóa dân tộc mà nhiều người kỳ vọng về ông Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Bởi đúng như nhà văn Nguyễn Quang Lập bày tỏ trên Facebook cá nhân của mình : Chế độ này không tẩy chay những trí thức như anh Chu Hảo mới lạ. Có gì mà xôn xao.
Giáo sư Hoàng Dũng, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói với đài RFA, việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là một thông điệp nhắm vào giới trí thức Việt Nam của Đảng cộng sản.
Nhưng theo người viết, thông điệp đó chính là mở đầu nhắm vào giới trí thức tinh hoa của Việt Nam. Nó sẽ biến Đảng cộng sản Việt Nam trở thành một tổ chức toàn người giáo điều, xu nịnh, và chuyên quyền.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 27/10/2018
Nhà bất đồng chính kiến Việt Nam được gọi là ‘Mẹ Nấm’ đã tuyệt thực ba lần trong thời gian bị giam giữ trước khi Hà Nội thả bà, bà nói hôm thứ Sáu sau khi đến Mỹ.
Nhà bất đồng chính kiến Việt Nam Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bút danh Mẹ nấm, nói chuyện với một phóng viên trong một cuộc họp video trên máy tính xách tay của cô ở Houston, Texas. Ảnh : Reuters
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger 39 tuổi và là nhà hoạt động môi trường, cho biết cô được tin thả ra trùng với chuyến thăm tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Chia sẻ với Reuters bằng video Skype từHouston, bà Quỳnh đã mô tả hai năm tù giam của cô, nơi bà nói rằng bà đã bị cô lập khỏi các tù nhân khác, bao gồm cả việc tuyệt thực trước đây.
‘Ngắn nhất là 07 ngày và dài nhất là 16 ngày’, bà Quỳnh nói.
Một đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Washington không trả lời các yêu cầu bình luận.
Mặc dù cải cách kinh tế, cởi mở với sự thay đổi xã hội và quan hệ chặt chẽ với kẻ thù trước đây là Mỹ, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ truyền thông và không thích thú lắm với sự chỉ trích từ phía người dân.
Bà Quỳnh cho biết, đã chứng kiến các tù nhân nữ buộc phải tắm ngoài trời trong thời tiết khắc nghiệt và một xà lim chứa tới 50 người.
‘Các tù nhân nữ hoàn toàn không có sự riêng tư’, bà Quỳnh người trong số 13 phụ nữ được nhận Giải thưởng Nữ giới can đảm quốc tế năm ngoái cho hay.
Bị bắt vào năm 2016 và bị kết án 10 năm tù vì bà Quỳnh đăng tải các báo cáo về các trường hợp chết trong đồn công an. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay, bà Quỳnh được thả vì lý do nhân đạo.
Thượng nghị sĩ Mỹ Rubio đã Twitter : Tôi đã tham gia nhiều cuộc gọi để trả tự do và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị tại Việt Nam.
Mỹ coi Việt Nam là một đối tác quan trọng khi đối mặt với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, nhưng Washington cũng chỉ trích Hà Nội về nhân quyền.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ngoài việc kêu gọi trả tự do cho Quỳnh, Washington cũng đã ủng hộ trả tự do cho những ai bị bắt giam vì ‘thực thi quyền con người và tự do cơ bản’.
Quỳnh cho biết, ban đầu bà cảm thấy buồn về viễn cảnh sống lưu vong sau khi một quan chức đại sứ quán Mỹ đến thăm tù ngày 24/7 và nói rằng bà sẽ được trả tự do để sống tại Mỹ.
‘Nếu tôi có quyền lựa chọn, tôi muốn ở lại Việt Nam, nhưng tôi có hai đứa con nên tôi phải suy nghĩ về tương lai’.
Bà đi cùng với cô con gái 12 tuổi, đứa con trai 6 tuổi và mẹ 63 tuổi.
Quỳnh không tin rằng cô được thả, hoặc được thả.
Hơn 55 blogger, người biểu tình và Facebook đã bị bỏ tù năm nay.
Ngay sau khi bà Quỳnh được thả ra hôm thứ Tư,một người bất đồng chính kiến Nguyễn Đình Thành, 27 tuổi, đã bị bỏ tù 07 năm vì ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ ở tỉnh Bình Dương.
Theo truyền thông nhà nước, cựu sinh viên y khoa đã bị buộc tội in 3.000 tờ rơi, để thúc đẩy các cuộc biểu tình toàn quốc về dự luật đặc khu.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy, Việt Nam không từ bỏ sự trừng phạt các nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động Lê Đình Lương, người mà luật sư Hà Huy Sơn kỳ vọng có sự giảm án so với sơ thẩm, tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ông vẫn bị y án 20 năm trong một phiên tòa phúc thẩm hôm thứ Năm tại tỉnh Nghệ An.
Trong một diễn biến khác, một cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Bích Hằng đã kêu gọi các nhà hoạt động và cộng đồng quốc tế gây sức ép lên Việt Nam nhằm trả tự do cho nhà hoạt động Trần Thị Nga. Người mà bà tin rằng đang bị ngược đãi bởi tù nhân và giám thị trại tù Gia Trung (Gia Lai).
‘Cô ấy đã không được thấy con cái và gia đình mình trong ba tháng qua’, bà Hằng cho biết.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 21/10/2018
Với việc Ủy ban Châu Âu thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng Châu Âu chấp thuận để ký chính thức, Việt Nam cơ bản đã có những thắng lợi cơ bản và tích cực từ hiệp định này. Không có quá nhiều rắc rối cũng như những tác động khiến cho hiệp định này bị chệch hướng vào cuối năm (thời điểm dự định ký kết).
EU và Việt Nam 'nhất trí toàn diện về một chương trình thương mại' - Ảnh minh họa
EVFTA có gì hay ?
Trong thông cáo mới nhất của Ủy ban Âu Châu tại website của tổ chức này vào ngày 17/10, cho biết các thông tin bao quát về mặt thương mại và nhân quyền. Có một số điểm đáng chú ý như, về mặt mua sắm công, các công ty thuộc EU có thể đấu thầu công khai các hạng mục với các bộ và doanh nghiệp nhà nước Việt Nam và thỏa thuận này là cơ sở nâng cao tính minh bạch và công bằng về thương mại ở các nước phát triển.
Nhân quyền nằm ở mục 5 và 6, theo đó, EU và Việt Nam ‘nhất trí toàn diện về một chương trình thương mại với sự cam kết đầy đủ’ bao gồm : thực hiện các tiêu chuẩn lao động cốt lõi và các công ước của ILO ; thực hiện Hiệp định Paris về môi trường ; ngăn chặn sự phá hoại luật lao động và môi trường trong thu hút thương mại và đầu tư ; sự tham gia của xã hội dân sự trong tham vấn về thương mại và phát triển bền vững giữa hai bên.
Nhìn chung, tại mục 5 đa phần là những cam kết liên quan đến lao động và môi trường, điều mà EU cho rằng, nó sẽ hỗ trợ hoặc thúc đẩy tính thương mại bền vững, tuy nhiên, không có quá nhiều sự kỳ vọng về mặt chuyển biến tích cực liên quan đến nhân quyền trong xã hội Việt Nam, bởi bấy lâu nay - sự tham gia của xã hội dân sự trong tham vấn thương mại và môi trường vẫn mang tính hình thức (tức các góp ý, kiến nghị chỉ nảy sinh ở thời điểm diễn ra hội thảo hơn là sự tác động đối với giới lãnh đạo, hoặc các góp ý sẽ được ghi nhận nếu nằm trong danh sách 'không mang tính nhạy cảm' - được lựa chọn trước đó bởi chính quyền), mặc dù nó diễn ra đều đặn ở các thành phố.
Do vậy, nếu nhà nước Việt Nam đẩy mạnh bình đẳng giới, hoặc thực hiện thỏa ước lao động (liên quan đến sửa Luật lao động) thì nó cũng cơ bản là đáp ứng tốt các yếu tố mà Mục 6 nêu ra. Tức là thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền ghi nhận, ‘một liên kết thể chế và pháp lý giữa Hiệp định tự do và Hiệp định đối tác và hợp tác EU-Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam có thể tránh được tình huống xấu là bị 'đình chỉ Hiệp định Thương mại.'
Vậy Hiệp định đối tác và hợp tác EU-Việt Nam có gì ?
Đó là chuỗi dài những điều mà hai bên cam kết hợp tác, phạm vi khá rộng, và hầu hết là sự hợp tác về các giá trị pháp lý liên quan đến môi trường, giải quyết hậu quả chiến tranh, quyền động vật, văn hóa, năng lượng, thuế… Trong khi đó, nhân quyền chỉ được đề cập ở Điều 33 và 35, tại Điều 33 là nhân quyền bình phong liên quan đến hợp tác về bình đẳng giới – yếu tố mà Hà Nội làm rất tốt để nâng cao điểm số nhân quyền trong mắt quốc tế (như đề cập ở trên). Điều 35 Hợp tác về nhân quyền chỉ là sự lặp lại những hình thức trình bày nhân quyền mà Việt Nam đã làm nhuần nhuyễn trước đó : thúc đẩy và giáo dục nhân quyền ; tăng cường thể chế nhân quyền ; đối thoại nhân quyền hiện có ; hợp tác thể chế liên quan đến nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Điều này cho thấy, giá trị nhân quyền thực chất mà người đòi hỏi nhân quyền tại Việt Nam mong muốn được thể hiện khá lỏng lẻo và mơ hồ, và 'trụ cột' thứ 2 được xác định trong EVFTA là 'củng cố sự tham gia của nhà nước và xã hội dân sự vào quá trình hợp tác' không không có quá nhiều chuyển biến tích cực khi hiệp định này đi vào đời sống.
Người viết chỉ kỳ vọng yếu tố liên quan đến cốt lõi ILO (mà chủ yếu là hình thành các tổ chức thương lượng tập thể không thuộc nhà nước quản lý để bảo vệ quyền công dân), cơ sở để đảm bảo lợi quyền cho giới công nhân và người lao động Việt Nam tốt hơn.
Hậu EVFTA Việt Nam có gì ?
Việt Nam rõ ràng hưởng lợi nhiều về thương mại và đầu tư liên quan đến Hiệp định lần này. Nếu hỏi đúng thì EU chấp nhận toàn bộ quan điểm mà Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đưa ra khi trả lời bà Judith Kirton-Darling (thành viên nghị viện EU) : Chúng tôi chưa bao giờ (tôi không nhớ) đã ký bất kỳ cam kết nào về nhân quyền, vì WTO không tập trung vào vấn đề nhân quyền.
EVFTA cũng không tập trung quá nhiều nhân quyền như kỳ vọng, hoặc nhân quyền đó là những nhân quyền ‘không nhạy cảm’ mà Hà Nội có thể đáp ứng được.
Vấn đề đặt ra, sau EVFTA, áp lực nào sẽ đến với Việt Nam ?
Ngày 17/10, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một nhà hoạt động nhân quyền bị kết án 10 năm tù được ‘hộ tống’ lên máy bay để sang Mỹ.
Mỹ một lần nữa lại là một nước có thể gây áp lực với Việt Nam hơn cả khối EU. Với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam nhận được yếu tố thuận lợi, tuy nhiên – sự thuận lợi này có thể bị giảm thiểu khi quan hệ Liên Triều ấm lên, mà trong một động thái gần nhất, tập đoàn Samsung đang úp mở về việc di chuyển nhà máy Samsung từ Việt Nam về ‘người anh em Bắc Triều Tiên’. Cần nhớ, Samsung là một trong hai tập đoàn (cùng với Formosa) có đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Nói cách khác, tăng trưởng của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các ông lớn FDI như Samsung và Formosa.
Nhân quyền Việt Nam phụ thuộc vào Mỹ hơn là chịu tác động từ EVFTA
Nhưng chưa dừng tại đó, trang tin Bloomberg vừa có bài viết về ‘cây gậy và củ cà rốt’ mà Mỹ thực hiện để lôi kéo đồng minh trong cuộc chiến với thương mại với Trung Quốc. Theo đó, Điều 32.10 của Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) quy định các nước thành viên phải được hai nước kia nhất trí mới được đàm phán thương mại với một nền kinh tế bị coi là ‘phi thị trường’. Chẳng hạn như nếu Canada muốn ký thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc, họ sẽ phải đệ trình dự thảo thỏa thuận để cả Mỹ và Mexico xem xét. Nếu hai nước này không hài lòng với các điều khoản trong đó, họ sẽ ‘đá’ Canada ra khỏi USMCA. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ví điều 32.10 trong USMCA là ‘điều khoản thuốc độc’, còn giới quan sát cho đó là một sự răn đe có tính abor toàn.
Nhưng chưa dừng tại đó, chính quyền Trump cũng tuyên bố đang xem xét các thỏa thuận thương mại tự do với Philippines và Việt Nam.
Vấn đề mấu chốt ở đây là, Việt Nam chưa bao giờ được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Nhưng Việt Nam lại đã ký hiệp ước CPTPP với Canada và Mexico. Trong trường hợp xấu nhất có thể, nếu Việt Nam không đảm bảo tính tự chủ nền kinh tế, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc nấp sau lưng để đưa hàng vào Mỹ thì Hà Nội sẽ phải gánh chịu những thiệt hại tương tự Trung Quốc. Tiếp đó, nếu Việt Nam không làm hài lòng Mỹ, thì Việt Nam buộc phải bị gánh chịu những biện pháp kinh tế của chính khối CPTPP dành cho (trong đó có Canada và Mexico) vì là nền kinh tế phi thị trường.
Và nếu Việt Nam cứng đầu trong mắt Mỹ, thì sẽ xem xét các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như một bài viết của New York Times cho biết vào ngày 17/10. Cụ thể, Mỹ chuyển sự chú ý sang Việt Nam, nơi có những rào cản thương mại cao. ‘Công việc đã được thực hiện’, Chad Bown, một nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết khi đề cập đến một phác thảo chi tiết về các điều khoản giao dịch mới cho phía Việt Nam. Và Việt Nam buộc phải mở rộng thị trường và thương mại, chịu thêm các sức ép hơn nữa từ Mỹ trong thời gian tới.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 20/10/2018
Khi dư luận cả nước dường như bị cuốn vào trong vòng xoáy tranh cãi ‘phát ngôn của Mỹ Linh về nhà hát’ thì đồng nhân dân tệ chính thức được tiêu thụ ở 7 tỉnh biên giới ; các văn bản hướng dẫn an ninh mạng đang thành hình…
Dư luận đang bị dắt mũi ? Dư luận Việt Nam là ‘cô gái ngây thơ’ dễ dàng bị điều khiển (định hướng) bằng các chiêu trò truyền thông ? Và điều này khiến họ bỏ quên những vấn đề trọng đại, mang tính đe dọa đến đời sống và cả tương lai con cháu của họ.
Tại thành phố mang tên Bác (Thành phố Hồ Chí Minh), dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thiện Nhân, chính quyền này đang tiến hành xây dựng kế hoạch bảo vệ cán bộ, lãnh đạo chủ chốt trên không gian mạng.
Chi tiết kế hoạch này chưa được đề cập trên báo chí, nhưng nhiều báo đăng tải đoạn ‘đáng chú ý’, theo đó Đảng ủy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Đảng ủy Công an Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ luật và quy định của Chính phủ, của ngành phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng (thực hiện từ năm 2018). Nếu hiểu theo cách này thì các luật sẽ được áp dụng là Luật an ninh mạng (sẽ có hiệu lực vào tháng 01/2019) ; Nghị định 72 về Quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Cũng trong bức ảnh do tác giả Đình Quân (báo Thanh Niên Online) chụp, có thể thấy hầu như các cánh tay được được giơ lên, và ở hàng ghế chủ trì, có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Nguyễn Thiện Nhân, ông tất Thành Cang. Những người liên tục được cư dân mạng đào xới và phê phán theo đúng ‘chủ nghĩa hiện thực’ qua sự kiện thu hồi đất đai trái quy hoạch ở Thủ Thiêm.
Nhưng có thể mọi chuyện khác đi, từ nay chính quyền thành phố sẽ ‘trong sạch, vững mạnh’, đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ‘vững mạnh, tiêu biểu’ khi kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ được tiến hành một cách triệt để. Tạo cơ sở cho khối chính quyền và đảng bộ dưới sự lãnh đạo ‘toàn diện, trách nhiệm’ của Bí thư Thành ủy Thiện Nhân sống tốt trong các luận điệu của ‘thế lực thù địch’, nhấn chìm những tỳ vết không hay liên quan đến Thủ Thiêm (?).
Và từ nay, sẽ không còn thấy tin xấu về Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là liên quan đến lãnh đạo chủ chốt của thành phố hoặc do Trung ương quản lý trên mặt báo, Facebook.
Đó là những gì có thể mường tượng về cách mà Luật an ninh mạng hiện diện, mà Thành phố Hồ Chí Minh đang tiên phong áp dụng nó, nếu chúng ta vẫn thờ ơ.
Những Facebooker sẽ bị tuyên án tại tòa ngày một nhiều về sự bôi nhọ lãnh đạo hay gây ảnh hưởng đến môi trường an ninh mạng, hoặc bất kỳ một tội trạng nào được áp dụng nếu như nó khiến chạm vào vùng cấm: giải thiêng một chính quyền.
Quay trở lại với Luật an ninh mạng đang thành hình, điều đáng sợ là nó lột trần toàn bộ quyền riêng tư của một công dân trong xã hội. Hiểu nôm na, bất kỳ những gì bạn chia sẻ, tất cả những website đã vào, những hình ảnh bạn chụp, hay bạn có bao nhiêu đồng trong tài khoản và dùng nó vào việc gì đều bị thâu tóm trong cái gọi là trung tâm dữ liệu do Bộ Công an xây dựng.
Nó không phải là con ‘ngáo ộp’ mà là sự thật, điều đó khiến bản thân không ít người liên đới đến chính trị - xã hội như Facebooker Huy Đức phải liên tục ra bài để cảnh giác, đánh thức không ít người về độ nguy hiểm của nó.
Còn riêng Kỹ sư Dương Ngọc Thái, người từng có bài viết phản biện về dự luật An ninh mạng ngay từ thời đầu, người tham dự 100 nhân tài Việt Nam ở Hà Nội đã buộc phải thốt lên trong chia sẻ ở trang cá nhân của mình : Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đề ngày 03/10/2018 còn nặng nề tăm tối hơn cả luật. Cái giá của tự do quả là một sự cảnh giác vĩnh cửu, hở ra một chút là mất.
Theo kỹ sư này, Luật an ninh mạng nếu được áp dụng theo Hướng dẫn của Bộ công an không những không đem lại lợi ích an ninh mạng thuần túy, mà còn xâm hại nghiêm trọng đến quyền riêng tư và những lợi ích kinh tế, ngăn cản trầm trọng sự hội nhập và sự phát triển internet tại Việt Nam.
Nhà báo Phạm Việt Thắng, người có nhiều năm kinh nghiệm trong cảm nhận chính trị Việt Nam cũng bày tỏ sự bi quan, Luật an ninh mạng chính là Luật nhốt mình. Và ông cho rằng, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ‘Luật an ninh mạng là để bảo vệ chế độ’, ông đồng thời truyền đạt cứng cho cấp dưới phải làm mọi cách để ‘bảo vệ’, còn các thứ khác là không quan trọng.
Nhưng vấn đề, dân vẫn bị cuốn vào vòng xoáy ‘Mỹ Linh và nhà hát 1.500 tỷ’, còn cảnh bị ‘lột truồng thông tin’ sắp tới thì lại vô cùng thờ ơ.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 17/10/2018
Khi bên EU đang diễn ra điều trần về vấn đề nhân quyền với sự tham gia của nhà hoạt động Nguyễn Quang A, thì vào thứ Sáu, Việt Nam tiếp tục tuyên án tù đối với Blogger Đỗ Công Đương, người đã sử dụng Facebook để đưa ra những chỉ trích về tham nhũng và tranh chấp đất đai.
Đã có hơn 50 nhà hoạt động, nhà vận động và blogger bị bắt vào năm 2018, đưa năm này trở thành năm tiêu điểm cho việc kiểm soát chặt chẽ giới bất đồng chính kiến của nhà nước Việt nam.
Một bài viết trên ABS-CBN cho biết, nhiều nhà quan sát nhận thấy rằng, khi chính quyền bảo thủ lên năm quyền vào năm 2016, nó đã hình thành một chiến dịch truy quét người bất đồng chính kiến.
Luật sư Hà Huy Sơn, người được dẫn lời bởi AFP cho hay, ông Đương bị kết án 5 năm tù vì tội ‘lạm dụng quyền tự do dân chủ’, trong khi thân chủ của ông khẳng định, ông ấy chỉ chống tham nhũng, bất công và đấu tranh cho quyền con người được tôn trọng. Ông ấy không chống đảng hay nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, TAND Bắc Ninh vẫn tuyên án và theo ông Sơn thì, đó là một thông điệp cảnh báo.
Đất đai, tại Việt Nam vẫn là chủ đề nhạy cảm, nơi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng đã khiến các hộ dân nghèo nhanh chóng trở thành dân oan.
Facebook, nơi mà cho phép tạo chế độ chia sẻ và tương tác nhanh chóng đang trở thành một trong những mục tiêu bị giám sát và quản lý bởi nhà nước Việt Nam. Mới đây, một văn bản hướng dẫn thực hiện Luật an ninh mạng do Bộ Công an chủ trì được chia sẻ trên Facebook, nó cho thấy, chính quyền Việt Nam muốn Facebook và Google phải hợp tác và bàn giao dữ liệu người dùng nếu Chính phủ yêu cầu.
Sự tự do đang trở thành một yếu tố mà nhiều người Việt Nam mong muốn, nơi chế độ một đảng và sự kiểm duyệt đã hiện diện trong gần một thế kỷ qua.
Mai Khôi, người từng là ca nhạc sĩ có tiếng ở Việt Nam, nhưng sau đó, cô thừa nhận với nhiều báo đài nước ngoài về mong muốn bức phá ra khỏi sự kiểm duyệt của đất nước.
‘Tôi không cảm thấy sự tự do’, Mai Khôi cho CNBC biết.
Và cũng như nhiều người tìm kiếm tự do khác, Mai Khôi bị sách nhiễu bởi lực lượng an ninh, cô không còn được xuất hiện trên TV hay báo chí nữa, cô chia sẻ với CNBC.
Nhiều người đồng tình với quan điểm của Mai Khôi về sự tự do ngôn luận gắn liền với bền vững quốc gia.
‘Rất khó để phát triển thịnh vượng kinh tế nếu như chưa phát huy tiềm năng của con người. Tiềm năng đó bao gồm cả sự thể hiện bản thân, ý tưởng và phê phán sai lầm trong xã hội’.
Cũng như nhiều nhà hoạt động khác, Facebook của Mai Khôi cũng gặp vấn đề, và khi cô gửi email để phản ánh sự việc, thì Facebook vẫn giữ ‘quyền im lặng’.
Những nhà đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam đang thực sự gặp những khó khăn, khi công cụ Facebook – thứ khiến họ cất lên tiếng nói hay những áp lực từ các hiệp định thương mại đang mất dần đi. Và nhà cầm quyền Việt Nam đang thúc đẩy nhanh việc trừng trị sự nảy nở tự do ngôn luận trên Facebook.
Vẫn chưa có một phương cách nào hữu hiệu đối với sự đấu tranh giành nhân quyền tại Việt Nam, nơi mà các luật lệ bị thao túng và đang dần siết chặt trong các lĩnh vực, và bản thân yếu tố nhân quyền bị hạ thứ bậc so với thương mại trong mắt nhiều quốc gia, tổ chức khi hợp tác với nhà nước Việt Nam. Người đấu tranh nhân quyền Việt Nam đang chờ đợi một áp lực từ Mỹ hơn là từ EU, nơi cuộc chiến thương mại và nguyên tắc tự do hàng hải đang đem lại những giá trị mà nhà nước Việt Nam nhận thấy có thể đánh đổi được. Vấn đề, là nước Mỹ phải nhất quán trong gia tăng mối quan tâm về nhân quyền và đặt nhân quyền ngay trong nhiều vấn đề liên quan đến thương mại, trong khi đó – với người bất đồng chính kiến, họ cần xây dựng một chương trình đấu tranh chung, nơi chấm dứt sự lẻ tẻ và rời rạc trong phương hướng và định hướng đấu tranh như hiện nay.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 15/10/2018
Nghị định Luật An ninh mạng ra đời : kiểm soát thông tin trong tay một người ?
Chính phủ Việt Nam, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định giao cho Bộ Công an xây dựng 3 văn bản để sớm 'trình Chính phủ xem xét ban hành, bảo đảm hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019'. Trưởng ban soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh này là ông Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an, người đứng đầu cơ quan được Chính phủ Việt Nam giao soạn thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng.
Sự gấp rút soạn thảo lần này có thể yêu cầu các công ty công nghệ lớn thiết lập văn phòng tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu cục bộ.
Hà Nội ngày càng tích cực trong truy tố các nhà bất đồng chính kiến liên quan đến các bài đăng trên Facebook, những người từng kêu gọi Facebook làm nhiều hơn nữa để chống lại sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam.
Sau quyết định chấp thuận dự luật An ninh mạng vào tháng 6/2018, đã có không ít sự phản đổi mạnh mẽ đến từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhóm nhân quyền, chính phủ Tây phương (trong đó có cả Mỹ) vì lo ngại, biện pháp an ninh mạng mới này sẽ làm suy yếu sự phát triển kinh tế, sự phát triển trong người dùng internet, và tạo ra một đường ray để siết chặt người bất đồng chính trị.
Nhiều công ty lớn như Facebook, Google… hy vọng dự thảo Nghị định về luật này sẽ giảm bớt những điều khoản khó chịu, nhưng hy vọng đó đã chấm dứt khi các tài liệu này không những không giảm, mà còn chi tiết hóa việc cung cấp dữ liệu người dùng hơn nữa. Vấn đề là các công ty đó có chịu tuân thủ hay sẽ rút ra khỏi thị trường 100 triệu dân như cách mà các công ty này rút khỏi Trung Quốc ?
Chỉ biết rằng, Bộ ngoại giao Việt Nam đã từ chối bình luận trước sự phản ứng, Facebook và Google cũng như vậy. Mặc dù có những cải cách kinh tế sâu rộng và tăng tính cởi mở cho sự thay đổi xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ sự kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ và không chấp nhận bất đồng chính kiến.
Riêng đối với Facebook, doanh nghiệp này từng tuyên bố ‘cũng có những lúc chúng tôi phải xóa hoặc hạn chế quyền truy cập nội dung vì vi phạm luật ở một quốc gia cụ thể, mặc dù nó không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi’. Một trường hợp mà Facebook loại bỏ nội dung là liên quan đến gia đình hoàng gia ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất theo yêu cầu của chính phủ nước này, và đây không phải là trường hợp duy nhất, sau cùng.
Trong thời gian gần đây, Facebook của không ít nhà hoạt động Việt Nam đã phải gặp trục trặc. Thậm chí, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn còn than phiền rằng : bị báo cáo vì vấn đề bản quyền liên quan đến bức ảnh do chính mình chụp. Còn đối với những nhà hoạt động khác, tài khoản bị khóa hay bài đăng bị xóa vì 'vi phạm các nguyên tắc cộng đồng' diễn ra một ngày nhiều hơn. Nó khiến cho tính những nhà bất đồng chính kiến tin rằng, đã có sự hợp tác giữa gã khổng lồ mạng xã hội này với chính quyền Hà Nội.
Dự thảo nghị định mới yêu cầu các công ty cung cấp một loạt các dịch vụ, bao gồm email, truyền thông xã hội, video, nhắn tin, ngân hàng và thương mại điện tử, để thiết lập văn phòng tại Việt Nam nếu họ thu thập, phân tích hoặc xử lý dữ liệu người dùng cá nhân.
Các công ty cũng sẽ được yêu cầu lưu trữ một loạt các dữ liệu người dùng, từ hồ sơ tài chính và dữ liệu sinh trắc học đến thông tin về dân tộc và quan điểm chính trị, hoặc thế mạnh và lợi ích trong biên giới Việt Nam.
Facebook và Google, cả hai đều được sử dụng rộng rãi trong nước, nhưng không có văn phòng đại diện hoặc các cơ sở lưu trữ dữ liệu cục bộ.
Dự thảo nghị định cũng cho phép cơ quan an ninh không gian mạng và đơn vị tội phạm công nghệ cao của cảnh sát Việt Nam yêu cầu dữ liệu điều tra hoặc xử lý các vi phạm pháp luật về không gian mạng hoặc bảo vệ an ninh quốc gia.
Facebooker Võ Trí Hảo, cũng là một người từng học luật sau khi đọc Nghị định đã phản hồi : Nội dung (sự cần thiết), thẩm quyền và quy trình là ba vấn đề khác nhau : Không cần Tòa án, không cần Viện kiểm sát, không cần Thủ trưởng cơ quan điều tra ; chỉ cần một người là đủ.
Và ông 'thực sự quan ngại' về tính minh bạch, thẩm quyền, tính trách nhiệm mù mờ khi việc theo dõi điện thoại thì đã phải đòi hỏi thẩm quyền (Tòa, Viện kiểm sát, Thủ trưởng Cơ quan điều tra) và theo quy trình rất chặt chẽ của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Còn ở đây là dữ liệu về cả đời người (trong thời đại kỹ thuật số) lại đi theo quy trình nằm ngoài Tố tụng Hình sự (không cần khởi tố vụ án). Privacy, Business Secret, Commercial Secret... nhìn vào C50 thì lấy gì bảo đảm là sẽ không bị lạm dụng ; nạn nhân làm sao biết... là doanh nhân hãi rồi.
Thời kỳ kiểm soát mà tác phẩm 1984 từng miêu tả đang hiện diện tại Việt Nam ?
Trước đó, khoảng 1.500 cá nhân bao gồm các nhóm xã hội dân sự đã ký một bản kiến nghị kêu gọi sửa đổi luật an ninh mạng.
Vào ngày 13/9, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng ‘Facebook, nếu muốn kinh doanh thành công ở Việt Nam, nên dự trữ doanh thu để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và sớm mở văn phòng tại Việt Nam’. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói với Simon Milner, Phó chủ tịch chính sách công của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, rằng gã khổng lồ truyền thông xã hội nên hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, loại bỏ thông tin xấu và chịu trách nhiệm bảo vệ 60 triệu tài khoản người dùng của mình tại Việt Nam.
Các nhà hoạt động cho biết luật cũng đe dọa việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Bởi các thành viên của Nghị viện châu Âu đang đòi hỏi nhiều tiến bộ về quyền con người ở Việt Nam trước sự phê chuẩn có thể của EVFTA. Họ kêu gọi Việt Nam sửa đổi luật an ninh mạng và tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã là một quốc gia từ năm 1982.
Trong một diễn biến khác, theo FB Huy Đức, một chuyên gia về chính sách - người đã đăng tải dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng, người chỉ ra khuynh hướng trao quyền cho cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) vượt quá phạm vi mà Luật hướng tới đã 'gỡ bài viết' trên Facebook cá nhân.
Điều rõ ràng, Việt Nam đang tiến tới thiết lập một xã hội số mà không bị xem là góc khuất như Trung Quốc, tiến tới thành lập một xã hội tín nhiệm, một điều mà trong tác phẩm 1984 đã từng đặc tả.
Ánh Liên
VNTB, 12/10/2018
Mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi, ý thức hệ hay là thương mại ?
Biến động chiến tranh thương mại đã giúp Hà Nội hưởng lợi nhiều, hầu hết từ việc đón nhận chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang
Trong quá khứ, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố giữ vững chủ nghĩa xã hội hơn là theo chủ nghĩa tư bản để đánh mất chế độ. Quan điểm quan liêu này tưởng chừng như biến mất trong thời kỳ toàn cầu hóa, nơi mọi quốc gia bình đẳng, và sức mạnh kinh tế đến từ hợp tác - trao đổi, tuy nhiên, trong các kỳ Đại hội Đảng, đảng viên cao cấp Đảng cộng sản Việt Nam lại luôn nhắc lại với cụm từ : cảnh giác trước diễn biến hòa bình.
Giữ bằng được chủ nghĩa xã hội, và tránh mối quan hệ quá sâu với chủ nghĩa tư bản là quyết sách hàng đầu của Đảng, và nó quyết định trong việc chơi với ai (Phương Tây hay Trung Quốc) ? Yếu tố chủ nghĩa xã hội cũng là cơ sở để đảm bảo mối quan hệ hài hòa với Trung Quốc, và người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam - ông Nguyễn Phú Trọng từng thừa nhận gián tiếp điều này qua lời chia sẻ tại một cuộc họp : nếu xảy ra đụng độ trên Biển Đông thì liệu 'chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không' ?
Bản thân Trung Quốc cũng là hình mẫu mà Hà Nội tìm cách học theo nhằm phát triển kinh tế nhưng cũng đồng thời giữ bằng được chế độ, để hiện thực hóa giấc mơ : sự lãnh đạo tài tình của Đảng - một khẩu hiệu thường thấy trên các đường phố các tỉnh thành.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại Trung Việt nổ ra, thì đồng thời câu chuyện chơi với ai phải được đặt ra. Một ví dụ rất nhỏ là trong tuần vừa qua, phía Trung Quốc ngừng thu mua thanh long khiến không ít nông dân Việt Nam phải khốn đốn, nó cho thế tác hại của sự lệ thuộc vào Trung Quốc, mà Việt Nam lại là quốc gia xuất siêu và nhập siêu bởi thị trường tỷ dân này.
Cũng là vấn đề thanh long, các doanh nghiệp phía nam khi xuất khẩu sang Tây Âu thì được giá (nghĩa là không bị khủng hoảng), một phần dựa vào uy tín sản xuất và sự chuyên nghiệp trong mua bán thông qua hợp đồng (hơn là dựa vào lối ăn dựa trên lời nói với thương lái khi vào thị trường Trung Quốc).
Trong khi đó, sự trỗi dậy của Bắc Kinh ở Biển Đông luôn trong trạng thái báo động đỏ.
Và để thoát ra khỏi sự rắc rối đến từ người láng giềng phương Bắc, thì Hà Nội cần các Hiệp định thương mại hơn bao giờ hết. Theo trang tin Atimes, '12 hiệp định FTA và 17 giao dịch thương mại song phương ; Hiệp định FTA và CPTPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ trở thành một điểm sản xuất hấp dẫn nhờ kết nối hoàn thiện với thương mại toàn cầu'. Có lẽ vì vậy, mà nhà hoạt động Nguyễn Quang A, người từng bị chính quyền Việt Nam chỉ trích gay gắt và bị gây khó dễ trong thời gian qua lại được đối xử 'tốt hơn' trong thời gian gần đây, nhất là 'phải cho đi Bỉ lần này' thông qua lời nhắc nhở 'kiểm tra passport' của các viên an ninh khi đi đến thăm nhà ông.
Trở lại câu chuyện, sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hỗ trợ gì cho chính Việt Nam trong cả chính trị và kinh tế.
Đầu tiên là chính trị, Việt Nam bớt những rắc rối không cần thiết ở mặt trận Biển Đông, khi mà Mỹ lôi kéo đồng minh (Anh, Nhật) đến vào tháng Chín. Sự hiện diện của phương Tây trong khu vực này lại vô tình giúp cho Việt Nam không rơi vào tình huống khó xử, cụ thể là : làm thế nào để ứng phó với Trung Quốc một cách hiệu quả mà nhận được sự đồng thuận của người dân.
Kết quả, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam thay vì 'quan ngại', thì lần này lại bày tỏ sự cầu thị : tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Trong lĩnh vực thương mại, là sự xuất hiện dòng chảy các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh hệ quả 'áp thuế' từ chính sách của Donald Trump.
Rõ ràng, Trung Quốc bị đánh trong thương mại thì Việt Nam là người hưởng lợi ; nó chấn chỉnh nền sản xuất của quốc gia. Nhưng muốn có sự bền vững trong hưởng lợi này, Việt Nam cần phải tôn trọng hệ thống thương mại mà Mỹ định hình, hơn là nối đuôi với Trung Quốc vì mục đích chính trị. Và đó còn là chủ nghĩa thực dụng mà các nhà lãnh đạo Việt Nam cần tăng cường và phát huy trong thời gian tới.
Chơi với Mỹ là sự công bằng và phát triển, điều này ngược hoàn toàn với Trung Quốc : lệ thuộc và rủi ro. Vấn đề các nhà lãnh đạo Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế đến đâu, hay lại chỉ luẩn quẩn quanh vòng tròn diễn biến hóa bình và chơi với Trung Quốc để giữ gìn chế độ mà họ đặt ra từ vài thập niên trước, trong bối cảnh chiến tranh.
Đọc thêm : Ánh Liên chuyển ngữ (VNTB) Trong một bài viết vào ngày 08/10, Asiatimes đã cho biết, biến động chiến tranh thương mại đã giúp Hà Nội hưởng lợi nhiều, hầu hết từ việc đón nhận chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang, ngay cả đối với các ông lớn như Foxconn, LG, Samsung,...
Khối lượng thương mại Việt Nam trong một báo cáo của Hải quan Việt Nam cho biết, tăng từ -6,65% trong tháng 05/2011 lên 2,67% vào tháng 05/2018.
Bản thân Việt Nam cũng dự kiến xuất khẩu mạnh sản phẩm da giày, túi xách với dự đoán tăng 10% so với năm ngoái, nói cách khác, Việt Nam đang chơi trong thương mại Mỹ - Trung. Nhưng chưa dừng tại đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn nhiều khi mà Hà Nội là chủ thể tham gia của 12 hiệp định FTA và 17 giao dịch thương mại song phương. Khi Hiệp định FTA và CPTPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ trở thành một điểm sản xuất hấp dẫn nhờ kết nối hoàn thiện với thương mại toàn cầu.
Sự tấn công thương mại một cách cương quyết của ông Donald Trump cũng khiến cho nguồn cung và nhu cầu đối với các nhà sản xuất đang giảm mạnh, từ đơn hàng xuất khẩu ở mức 51,2% trong tháng 5, xuống còn 48% trong tháng 9, theo báo cáo của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc.
Tuy nhiên, một vấn đề mà Việt Nam sẽ gặp phải là các nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Việt Nam có thể tìm cách lách thuế quan trong sản xuất, chiến thuật này có thể khiến Hà Nội bị vạ lây khi hàng rào thương mại của Tổng thống Mỹ có thể được áp dụng mở rộng đối với một số quốc gia có liên quan đến Trung Quốc.
Trong bối cảnh được hưởng lợi, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại lên đến 40 tỷ USD với Mỹ, và Việt Nam sẽ sớm trở thành khâu gia công, lắp ráp của ngành công nghiệp linh kiện điện tử chừng nào thương mại Mỹ - Trung còn gián đoạn, ngay cả đối với nhà sản xuất oto tại Trung Quốc (một ngành công nghiệp phụ trợ mà Việt Nam đang kỳ vọng có sự thay đổi lớn). Trung Quốc làm gì ? Trung Quốc đang tìm cách đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam, bằng cách Trung Quốc sẻ kết nối trung tâm sản xuất ở Nam Trung Quốc với miền Bắc Việt Nam, và đây cũng là cách thương để Bắc Kinh san sẻ rủi ro thương mại trong thời gian tới. Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 57 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, và đầu tư Trung Quốc cũng tiếp tục tăng.
Đặc biệt, Trung Quốc có vẻ hài lòng về các điều khoản thương mại mang tính chất lỏng lẻo trong biên giới chung, khi vào tháng 8 - Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 18 trong cho phép thanh toán đồng nhân dân tệ. Cạnh đó, Hà Nội ban hành hai đạo luật khuyến khích mở rộng tuyến sản xuất sản phẩm Trung Quốc qua Việt Nam, và điều này khiến cho dòng sản xuất thương mại này bùng nổ. Đây cũng có thể là một yếu tố mang tính chính trị hơn là kinh tế, bởi điều này đồng nghĩa với gian dối thương mại mà Mỹ đang hết sức nghiêm túc răn đe, khi mà sản phẩm Trung Quốc lại được dán nhãn 'made in Việt Nam' nhằm tránh thuế quan Mỹ như đề cập ở trên.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 10/10/2018