Donald Trump : Tổng thống bị "án treo"
Báo L’Obs tuần này có bài phân tích về tình trạng bên bờ vực thẳm của tổng thống Mỹ Donald Trump với tựa đề : "Một tổng thống bị án treo". Tình hình đặc biệt trở nên tồi tệ với ông Trump kể từ khi cựu giám đốc FBI ra điều trần trước Quốc Hội. Tuy nhiên vấn đề là Donald Trump không chỉ dính vào một, mà nhiều bê bối cùng một lúc, thêm vào đó nhân vật này thường "không bỏ lỡ dịp khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn".
Ông Rober Mueller, công tố viên đặc trách điều tra nghi án tổng thống Trump ngăn cản tư pháp. Ảnh chụp năm 2013. REUTERS/Larry Downing
Chưa đầy năm tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Donald Trump trở thành một người chịu "án treo". Người ta đặt câu hỏi : Liệu ông Trump sẽ còn trụ được đến khi nào ? Tổng thống Mỹ không những chìm ngập trong bê bối, mà tốc độ chìm xuồng đang diễn ra ngày càng mau lẹ.
Theo L’Obs, một điều chắc chắn là công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang trực tiếp hướng mũi điều tra vào Donald Trump. Những bằng chứng mà cựu giám đốc FBI James Comey thu thập được có thể dẫn đến việc truy tố tổng thống, trước hết với cáo buộc "cản trở tư pháp".
Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan biện minh rằng vấn đề của tổng thống Trump là do "thiếu kinh nghiệm". Tuy nhiên, lập luận này "không trụ nổi một giây" khi phải đối diện với những sự kiện cụ thể, như việc tổng thống Mỹ đã chủ động ra lệnh cho tất cả ra ngoài, để một mình đối thoại với giám đốc FBI James Comey tại phòng Bầu Dục.
Cho đến nay, Donald Trump hoàn toàn phủ nhận đã yêu cầu James Comey ngưng điều tra về Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia vào thời điểm đó, về các quan hệ mờ ám với Nga. Tuy nhiên, hai lãnh đạo an ninh thân cận với tổng thống, giám đốc CIA Dan Coats và giám đốc NSA Mike Rogers, đều từ chối trả lời trước Thượng Viện, khi bị chất vấn : Có được (tổng thống) yêu cầu tác động đến một cuộc điều tra đang diễn ra hay không ? Các chuyên gia ngờ rằng, do không trực tiếp tác động được đến đối tượng, tổng thống Mỹ đã dùng hai lãnh đạo CIA và NSA làm trung gian gây ảnh hưởng.
Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt cũng có thể đưa ra ánh sáng những quan hệ bí ẩn có thể có với Nga của bảy nhân vật thân cận với tổng thống, trong đó có Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, điều mà ông Sessions từng thề thốt là không có.
Sự sụp đổ từ từ
Theo L’Obs, tình hình càng nghiêm trọng hơn khi Donald Trump đã tiêu tốn toàn bộ năng lượng của chính phủ vào các bê bối, trong lúc cơ may tiến hành các cải cách quan trọng thì "ngày càng teo lại". Barry Ritholtz, một trong những nhà báo Mỹ nhiều ảnh hưởng nhất, từng tin tưởng Trump có thể thực hiện được 96% chương trình cải cách, nay chỉ cho rằng được đến 25% đã là may mắn.
Về viễn cảnh tương lai của tổng thống đang chịu "án treo", L’Obs so sánh thái độ của cánh tả Dân chủ với cánh hữu Cộng Hòa. Về phía cánh hữu, sự ủng hộ tổng thống ngày càng co lại, trước viễn cảnh đen tối của "một cú sụp đổ đang từ từ diễn ra".
Càng gần đến thời điểm bầu Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, phe Cộng hòa càng lo đại bại, khi không một cải cách đáng kể nào được thực hiện. Phía phe Dân chủ, thì một mặt chờ kết quả điều tra tiến triển, có bằng cớ vững chắc mới yêu cầu phế truất, mặt khác, khôn khéo để bất bình trong dân chúng gia tăng. Trong trường hợp này, nếu để phó tổng thống Mike Pence thay thế ông Trump sớm chưa chắc đã hay.
Liệu Donald Trump có lựa chọn "kịch bản lý tưởng" là từ chức để cứu vãn uy tín của đảng Cộng hòa ? L’Obs tỏ ra nghi ngờ, với nhận xét đầy vẻ châm biếm : Việc phế truất cũng có mặt hay của nó, đó là tạo dịp để Donald Trump lập kỷ lục về mặt thu hút khán thính giả truyền hình.
Nước Nga : xuất hiện "Lênin" của 2017 ?
Về phong trào đối lập Nga đang trỗi dậy trở lại với các cuộc biểu tình khắp cả nước mới đây, ngày 12/06, báo Courrier International dẫn lại nhận định đa chiều từ báo chí nước này. Nhật báo tư nhân Moskovski Komsomolets so sánh lãnh đạo đối lập Alexei Navalny với Lênin, người lãnh đạo cuộc cách mạng "vô sản", bùng nổ cách đây đúng một thế kỷ.
Theo tờ báo, chính quyền Putin chưa từng phải đối mặt với một phong trào phản kháng mạnh mẽ đến như vậy. Thực ra, đối với Moskovski Komsomolets, nói đến Lênin trước hết là để phê phán tham vọng chính trị lớn của Alexei Navalny, đến tính cách sắt đá của lãnh đạo đối lập, không ngần ngại hy sinh "những con chuột" (tức những người biểu tình) bị đưa lên tuyến đầu, trong cuộc chơi mèo vờn chuột với chính quyền, cho dù theo tờ báo, chính lãnh đạo đối lập cũng sẵn sàng chấp nhận đánh cược số phận của mình.
Nezavissimaia Gazeta, nhật báo của giới trí thức Moskva, mô tả cụ thể việc Alexei Navalny ưu tiên phương thức đối đầu. Hôm 11/06, thay vì tổ chức biểu tình tại Sakharov, nơi yêu cầu đã được cấp phép, lãnh đạo đối lập kêu gọi tập hợp ngay tại trung tâm thủ đô Moskva. Tổng cộng 30.000 người đã tham gia, theo tờ báo (5.000 người, theo cảnh sát). Trên toàn quốc, dân chúng tại khoảng 210 đô thị đã xuống đường.
Ngày 12/06 đi vào lịch sử chính trị Nga đương đại, về số lượng người bị câu lưu (khoảng 2.000 người trên toàn quốc). Tuy nhiên, theo Courrier International, thành công của cuộc xuống đường cho thấy quyết tâm đối mặt với mọi thách thức của Alexei Navalny. Nhật báo trên mạng Nga Gazetu.ru, chuyên về thời sự, thì nói đến việc ông Navalny bị phạt 30 ngày tù, tức nhiều hơn 10 ngày so với dự kiến. Kết quả là Navalny bị lỡ dịp tham dự một buổi hòa nhạc, nhưng đổi lại ông ấy có thời gian "để đọc nhiều sách báo".
"Trăng sắt" : tình cảnh công nhân Trung Quốc
Trong những năm gần đây, xuất hiện hàng loạt phim tài liệu về tình cảnh khổ ải của người lao động Trung Quốc từ nông thôn ra thành phố tìm sinh kế. Đặc biệt được chú ý có bộ phim Trăng sắt (Iron Moon), của Wu Feiyue, ra mắt tại Hoa Kỳ mùa thu năm ngoái 2016 (xem trang giới thiệu phim ironmoonmovie.com )
Phim nói về những nhà thơ – công nhân. Đây là chủ đề "mục 360°" mà Courrier International chuyển đến độc giả tuần này, qua bài viết của nhà báo Anh Megan Walsh trên mạng văn học Mỹ Literary Hub.
Năm 2014, Hứa Lập Chí (Xu Lizhi), công nhân của công ty Foxconn (1), tự sát. "Chết là cách duy nhất để chứng minh (với mọi người) là ta đã sống", tâm sự của một blogger làm việc cho Foxconn trước đó bốn năm đã trở thành hiện thực. Người thanh niên 24 tuổi đã nhảy từ tầng lầu thứ 19, sau khi công bố toàn bộ thơ của mình lên mạng. "Nhà thơ chết vì chiếc điện thoại di động của bạn / The poet who died for your phone" là tựa một bài viết trên tờ báo mạng Mỹ Time.
Còn tại Trung Quốc, truyền thông nhà nước ngợi ca những vần thơ của Hứa Lập Chí, trong khi rất ít người thực sự biết đến cuộc đời đau đớn và nỗi lòng chất chứa của người công nhân "thất học". "Trăng sắt" là một trong những bài thơ nổi tiếng của anh.
Theo nữ dịch giả Eleanor Goodman, kết hợp "trăng" và "sắt" là cách để nhà thơ đã khuất thể hiện cú sốc kinh hoàng mà anh đã chịu, cú sốc của sự đối nghịch giữa "văn hóa truyền thống Trung Hoa và chủ nghĩa tư bản", "tình người và thế giới máy móc", "tình cảm lãng mạn và một thế giới hoàn toàn trần trụi".
Tan nát, tuyệt vọng… tâm sự của Hứa Lập Chí vén lộ phần nào tâm trạng của hàng trăm triệu công nhân Trung Quốc.
Phải tuân theo các chế độ giờ giấc khắc nghiệt, nước uống ô nhiễm, không khí độc hại, rất nhiều công nhân đối mặt với nguy cơ bị thương, bị tàn phế bất cứ lúc nào. Năm 2005, ước tính ít nhất 40.000 ngón tay của công nhân bị cắt cụt, chỉ riêng tại các đặc khu kinh tế miền nam.
Sau mười mấy giờ làm việc cực nhọc bên dây chuyền, giống như Hứa Lập Chí, một vài người trong số họ đã thả hết nỗi lòng vào những vần thơ, chuyển ra thế giới bên ngoài những cảm xúc chân thật về đời sống dưới đáy của hàng chục triệu người tại các khu công nghiệp của quốc gia được mệnh danh là "công xưởng của hành tinh".
Thịnh vượng Trung Hoa và những người bị hy sinh
Theo tác giả bài viết, khác hẳn với giới văn sĩ được coi là "trí thức", tiêu biểu như giải Nobel văn học Mạc Ngôn (Mo Yan) – chọn bút pháp siêu thực hay hiện thực huyền ảo để tránh phải đối mặt với những gai góc của hiện thực -, những nhà thơ - công nhân đã xác lập "mối liên hệ sâu sắc và phong phú giữa câu chuyện lớn về sự thịnh vượng kinh tế" của Trung Quốc với "hàng triệu câu chuyện đời của những người vô danh, đã hy sinh toàn bộ tuổi trẻ, sức khỏe, cả thể chất cũng như tinh thần" trong các xưởng máy (2).
Bài giới thiệu về những nhà thơ công nhân Trung Quốc khép lại với Wu Xia, một trong những tác giả được đánh giá là "lạc quan nhất" và "khoan dung nhất". Qua những vần thơ, nữ công nhân nghề may bày tỏ tình cảm trìu mến với những người mà cô hình dung sẽ tận hưởng các sản phẩm in dấu bàn tay cô.
Theo tác giả, những bài thơ trong "Trăng sắt" là một cơ hội giúp chúng ta đối diện với lương tâm, trực tiếp cảm nhận được rằng, đằng sau mỗi sản phẩm được làm ra tại các địa ngục trần gian tại Trung Quốc, là cái giá nhân sinh ghê gớm ; người tiêu thụ có dịp chiêm nghiệm về "thái độ đồng lõa thụ động", hơn là tiếp tục chỉ trích "một cách nhẹ nhàng" và chiếu lệ về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.
Nước Pháp trước ngưỡng cửa cải cách
Nước Pháp chuẩn bị bước vào vòng hai cuộc bầu cử Quốc Hội, đảng Cộng hòa Tiến bước của tổng thống được dự đoán chắc chắn sẽ giành chiến thắng áp đảo, với hơn 400 trên 500 ghế dân biểu. Nắm toàn bộ quyền lực, chính phủ Macron được coi là đủ cơ hội để tiến hành các cải cách lớn như cam kết. Le Point hối thúc : "Bây giờ là lúc… không thể thoái thác". Về phần mình, L’Obs đặt câu hỏi : Cú "Big bang" trong dự án cải cách luật lao động của tổng thống sẽ đi tới đâu ?
Tờ báo dành nhiều trang để, một mặt mô tả cách làm việc được đánh giá là "chưa từng có" của tổng thống, qua việc lựa chọn cẩn thận những người môi giới đàm phán, để cải cách êm thấm, mặt khác phân tích các ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người lao động, cụ thể là lương bổng, hợp đồng lao động và tổ chức đại diện.
Pháp : hàng triệu người khao khát "làm lại từ đầu"
Thay đổi lớn trong đời sống chính trị đi kèm với thay đổi lớn trong cuộc sống riêng tư của mỗi người. Đó là ấn tượng mà L’Express tuần này muốn truyền tải đến bạn đọc. Hồ sơ chính của L’Express nhấn mạnh đến ước mơ "làm lại cuộc sống từ đầu" của hàng triệu người Pháp.
Trang bìa L’Express là hình ảnh tươi trẻ của nữ diễn viên hài Caroline Vigneaux, vốn là một luật sư, nhưng quyết định bỏ hẳn cái nghề đầy hứa hẹn với lương cao, để làm lại cuộc đời. Tấu hài mang tên của One Woman Show của cựu luật sư đã được hơn 250.000 người tán thưởng. Tại Pháp, hiện có khoảng 10.000 nhà tư vấn chuyên hỗ trợ người muốn chuyển nghề.
"Than" cũng có thể "đồng hành" với năng lượng tái tạo
Một câu hỏi làm nhức đầu giới chuyên môn lâu nay, đó là làm thế nào dự trữ được năng lượng do gió và mặt trời tạo ra ? Courrier International dẫn lại một thử nghiệm bất ngờ, có thể mang lại một giải pháp đơn giản, nhưng hiệu quả.
Courrier International dẫn lại Wall Street Journal, giới thiệu giải pháp của một số vùng tại Đức và Mỹ, sử dụng các mỏ than đã qua khai thác, làm bể chứa nước. Năng lượng gió và mặt trời chưa dùng ngay được sử dụng để bơm nước từ dưới lên mỏ than cũ, khi cần điện, chỉ cần đưa nước xuống trở lại để làm chạy tua bin.
Tại Đức, công ty than RAG đang có ý định sử dụng các hầm mỏ sâu hơn 1.200 mét, ở một tỉnh miền tây, để làm bể chứa nước khổng lồ, đủ dùng cho 500.000 gia đình. So với các hình thức trữ năng lượng khác như ắc quy, phương thức này có vốn đầu tư ban đầu đắt giá hơn, nhưng đổi lại có thể sử dụng trong thời gian dài hơn rất nhiều (có thể đến một thế kỷ), chi phí bảo dưỡng cũng không đáng kể.
Trọng Thành
----
(1) Foxconn là công ty Đài Loan nhận thầu các linh kiện điện tử của hãng điện thoại di động nổi tiếng Apple.
(2) Trong những thập niên cải cách đầu tiên tại Trung Quốc cũng đã có những công nhân làm thơ, nhưng đó là thứ thơ ca theo đường lối, trung thành với chế độ, ca ngợi sự thay đổi kinh tế của đất nước, bất chấp những vất vả phải gánh chịu. Bộ phim "Trăng sắt" và tập thơ tuyển cùng tên cho thấy một cách nhìn khác hẳn của những người trong cuộc.
Giải Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz : "Với Donald Trump, Hoa Kỳ còn khổ sở"
Từ khi vào Nhà Trắng đến nay mới chưa được nửa năm, tổng thống Donald Trump đã khiến dư luận báo chí tốn không ít giấy mực về những tác phong, phát ngôn đến đường lối chính trị. Ông Trump không những là nỗi thất vọng của những ai vốn vẫn quen nhìn Hoa Kỳ như là cường quốc lãnh đạo thế giới mà sẽ còn làm cho nước Mỹ khổ sở.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 14/06/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 15/06/2017 có bài viết của Joseph E. Stiglitz, giải thưởng Nobel Kinh Tế và hiện là giáo sư Đại học Columbia, New York. Bài báo lấy tựa đề : "Đã đến lúc hành động chống lại Donald Trump".
Mở đầu bài viết, nhà kinh tế Mỹ khẳng định : "Donald Trump đã ném quả bom vào cấu trúc kinh tế thế giới được xây dựng với muôn vàn khó khăn từ sau Thế Chiến Thứ II". Theo tác giả thì việc tổng thống Trump quyết định "rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận về khí hậu Paris vừa qua chỉ là màn mới nhất tấn công vào nền tảng giá trị của chúng ta, vào các thể chế của chúng ta".
Giải Nobel Kinh Tế đã vạch ra tất cả những cách nghĩ, cách làm của ông Donald Trump đều phủ nhận tất cả những gì đã có, phục vụ lợi ích riêng chứ không hề vì quyền lợi chung của nước Mỹ, dân Mỹ. Tác giả Joseph Stiglitz viết : "Việc phủ nhận khoa học của ông ta, đặc biệt trong lĩnh vực khí hậu đang đe dọa những tiến bộ công nghệ… Ông Trump đang đe dọa sự vận hành của xã hội Mỹ và nền kinh tế Mỹ".
Theo giải Nobel Kinh Tế, ông Trump đã lợi dụng nỗi bất bình trong người dân Mỹ về kinh tế trì trệ trong nhiều năm qua.Thế nhưng, chương trình thuế khóa và bảo hiểm y tế cho thấy thực chất mục tiêu của ông, đó là : "Làm giàu cho bản thân, tạo đặc quyền đặc lợi cho những người đã ủng hộ ông". Dẫn chứng là : "Trong một đất nước tuổi thọ giảm, cải cách bảo hiểm y tế của ông ta đã để mặc thêm 23 triệu người khánh kiệt trước bệnh tật ". Tác giả nhận định : "Với Trump, nước Mỹ sẽ còn phải khổ sở".
Trump chấm dứt vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ
Trong những điều kiện như vậy, tác giả đặt câu hỏi, "phải làm gì trước một loại bạo chúa tính khí thất thường muốn tất cả thuộc về mình ? Thế giới có thể hành động thế nào trước một nước Mỹ đang trở thành Nhà nước lưu manh ?"
Tác giả nhận thấy, riêng vấn đề khí hậu toàn cầu, "bây giờ chúng ta đã biết thế giới không thể tin vào Hoa Kỳ để đối mặt với những đe dọa hiện hữu của quá trình khí hậu ấm lên. Châu Âu và Trung Quốc đã đúng khi khẳng định cam kết ủng hộ một tương lai biết tôn trọng môi trường. Đó là sự lựa chọn tốt cho hành tinh và cho cả kinh tế… Châu Âu và Châu Á rồi sẽ bỏ cách xa Hoa Kỳ trên lĩnh vực công nghệ xanh. Các nước còn lại của thế giới không nên ngần ngại đánh thuế các-bon vào những hàng xuất khẩu Mỹ không tôn trọng chuẩn mực thế giới".
Cuối cùng tác giả kết luận : "Đối với ông Trump, rõ ràng là một cuộc tranh luận có lý lẽ không làm ông ta thay đổi ý. Đã đến lúc phải hành động".
Các đảng chính trị truyền thống : nguy cơ phá sản cả chính trị lẫn kinh tế
Nước Pháp đang ở giữa hai vòng bầu cử Quốc hội. Báo Le Monde trở lại với thất bại của hai đảng chính trị truyền thống tả - hữu của Pháp, nhưng trên khía cạnh tài chính.
Sau thất bại ở cuộc bầu cử tổng thống và nay đến bầu cử Quốc hội, Đảng Xã Hội (PS) bên cánh tả và đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa ( LR) không chỉ bị đặt trước nguy cơ phá sản về chính trị mà sẽ còn phải điêu đứng về tài chính. Bởi vì phần lớn những chu cấp tài chính của Nhà nước cho các đảng chính trị phụ thuộc vào số lượng các nghị sĩ trúng cử và số phiếu thu được trong bầu cử.
Theo Le Monde, cứ mỗi nghị sĩ trúng cử sẽ mang lại cho đảng mình 37.280 euro. Thêm vào đó, mỗi phiếu thu được ở vòng 1 sẽ được ngân sách Nhà nước trợ cấp cho 1,42 euro. Theo như ước tính kết quả vòng 1, Đảng Xã Hội có thể mất 245 đại biểu, đảng LR mất từ 80 đến 150 đại biểu. Như vậy con số thất thoát tài chính của hai đảng này sẽ phải lên tới hàng triệu euro. Hai đảng truyền thống thay nhau lãnh đạo nhiều thập kỷ qua sắp tới sẽ phải vật lộn với nguồn kinh phí cạn kiệt để sinh tồn dưới thời Macron.
Đảng Xã Hội còn đứng trước thực tế nghiệt ngã khác, đó là số lượng đảng viên giảm sút tới một nửa từ hơn 250 nghìn xuống còn khoảng 120 nghìn người. Đây cũng là một nguồn góp quỹ đáng kể cho đảng. Vì thế, sau vòng 2 tới đây, PS sẽ phải tính toán và có thể sẽ phải bán trụ sở hoành tráng của mình ở trung tâm thủ đô để tồn tại.
Với đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, dù về thứ nhì ở vòng một, nhưng đảng này cũng dự báo sẽ mất khoảng 100 đại biểu. Như vậy nguồn thu sẽ bị giảm ít nhất gần 4 triệu euro trong khi đảng này trong những năm qua đang bị thâm hụt chi tiêu hàng chục triệu euro do các chiến dịch tuyển cử tốn kém. Thêm vào đó, Những Người Cộng Hòa đang gánh món nợ tới 55 triệu euro. LR đang phải chuẩn bị cho những ngày tháng thắt lưng buộc bụng.
Một kịch bản thất thu khác cũng xảy ra với đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN). Đảng này trong vòng 1 vừa qua chỉ thu được 2.990 454 phiếu, tức giảm 538.209 phiếu so với kỳ bầu cử năm 2012 và như thế FN thất thu khoảng 764 nghìn euro.
Thế mới thấy, ở Pháp, thất bại trong tuyển cử của một đảng phái không đơn thuần là chính trị mà còn là tổn thất kinh tế trực tiếp. Và tổn thất này cũng không hề nhỏ.
Phải giảm nhẹ gánh nặng cho Hy Lạp !
Chuyển qua nhật báo Libération. Chủ đề chính của tờ báo là Hy Lạp. Trang nhất Libération chạy tựa lớn : "Ông Macron, hãy chìa tay ra với nhân dân Hy Lạp !".
Lý do có lời kêu gọi đó là hôm nay, 15/06/2017, nhóm nước khu vực đồng euro (Eurogroupe) gặp nhau để quyết định số phận con nợ Hy Lạp. Xã luận của Libération, nhân dịp này kêu gọi nước Pháp hãy cân nhắc ủng hộ giải pháp xóa cho Hy Lạp ít ra là một phần nợ khiến người dân đất nước này đang phải è cổ ra trả nợ trong bao nhiêu năm qua.
Libération nhắc lại : "Dưới sự lãnh đạo can đảm của thủ tướng Alexis Tsipras, đất nước Hy Lạp đã phải chấp nhận chịu đựng phi thường để tôn trọng các cam kết vay nợ. Ủy Ban Châu Âu cũng thừa nhận kể từ đầu cuộc khủng hoảng chưa bao giờ có một lãnh đạo Hy Lạp đáng tin cậy như ông Tsipras. Những hy sinh đã tác động nghiệt ngã đến xã hội Hy Lạp. (…) Rõ ràng là dưới con mắt của tất cả các chuyên gia có thiện ý, giờ đây không chỉ giảm nhẹ càng nhiều càng tốt gánh nợ của nước này, mà phải có biện pháp cụ thể xóa bớt khoản nợ nay đã chiếm gần 180% GDP đang đè nặng lên nền kinh tế của Hy Lạp…".
Libération kêu gọi tổng thống Pháp : "Ông tổng thống, trong thành phần chính phủ trước, ông đã tỏ sự ân cần với Hy Lạp. Giờ đây ở vị thế mạnh, ông có dịp để đóng vai trò quyết định trong lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu. Ông sẽ làm như vậy chứ ?"
Đi cùng với bài xã luận trên, Libération còn dành nhiều trang bài điểm lại tình hình nợ công của Hy Lạp để cho thấy suốt từ năm 2009, người dân ở quốc gia thành viên nhỏ bé của Liên Hiệp Châu Âu này đã phải gồng mình sống trong kham khổ cũng chỉ để được vay tiền, và gánh nợ lớn thì vẫn ngày thêm chồng chất.
Trung Quốc : Bùng nổ phẫu thuật thẩm mỹ trong giới trẻ
Liên quan đến Châu Á, báo Le Figaro có bài phóng sự về đề tài xã hội với hàng tựa khá thú vị : "Cuộc đua dao kéo của giới trẻ Trung Quốc". Bài phóng sự điều tra của Le Figaro nói về một hiện tượng xã hội đang rất phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc hiện nay.
Với hy vọng trở nên nổi tiếng để làm giàu nhanh nhờ vào sự bùng nổ phát video trực tiếp trên internet, ngày càng đông các cô gái trẻ ở Trung Quốc nhờ cậy đến dao kéo để thay đổi diện mạo. Họ sẵn sàng bỏ những khoản tiền lớn để phẫu thuật thẩm mỹ, để rồi kết quả là họ đều có những khuôn mặt giống nhau, rập khuôn với những nhân vật trong truyện tranh hay phim hoạt hình. Mục đích là trở nên nổi tiếng để dễ dàng kiếm tiền trong thời đại internet. Xu hướng này trong giới trẻ đang làm bùng nổ thị trường thẩm mỹ ở đất nước hơn 1,2 tỷ người.
Tại Bắc Kinh, tác giả bài báo đã gặp một cô gái chân quê, đến từ tỉnh Sơn Đông. Cô đã xoay xở để có được 9.000 euro, một tài sản lớn với nhiều người Trung Quốc, để làm lại khuôn mặt, mà theo cô đó là cách đầu tư tuyệt vời. Với một khuôn mặt khả ái nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, cô xuất hiện trên các video phát trực tiếp trên các mạng xã hội để bán hàng qua mạng, và cô đã thu hút được rất nhiều fan theo dõi. Kết quả đó giúp công việc làm ăn của cô tiến triển tốt. Cô gái này cho biết, chỉ sau 6 tháng, mỗi tháng cô đã có thể kiếm được từ 8-10 nghìn euro. Trường hợp của cô gái trẻ này giờ không còn là cá biệt mà đang thành một trào lưu trong giới trẻ Trung Quốc, những người muốn kiếm tiền dễ mà không phải lao động vất vả.
Nhiều năm gần đây, trên mạng xã hội ở Trung Quốc đã bùng nổ các trang cá nhân phát video trực tiếp của các cô gái trẻ mong muốn trở thành người nổi tiếng nhanh chóng trên internet. Họ ý thức được thu nhập của họ liên quan trực tiếp đến diện mạo và sự nổi tiếng. Điểm hẹn của thành công trước tiên phải là các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ. Theo thống kê của một hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc, trong năm 2014 có 7 triệu người nhờ đến dao kéo để tân trang lại khuôn mặt. Thị trường này ước tích giá trị khoảng 52 tỷ euro trong năm 2015 và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2019. Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn thứ 3 trong lĩnh vực này, sau Mỹ và Brazil.
Thế nhưng ở Trung Quốc, thị trường này không được quản lý chặt. Cả nước chỉ có 3.000 bệnh viện tư được cấp phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi đó vẫn có khoảng từ 50 nghìn đến 100 nghìn salon làm đẹp, không có chuyên môn, giấy phép nhưng vẫn tiến hành các hình thức phẫu thuật thẩm mỹ khác nhau.
Anh Vũ
200 nghị sĩ Mỹ kiện Tổng thống Trump nhận tiền từ nước ngoài (BBC, 14/05/2017)
Gần 200 thành viên Quốc hội Mỹ cùng tham gia đơn kiện Tổng thống Donald Trump vì nhận tiền của các chính phủ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp của ông Trump.
Khách sạn Trump International ở Washington DC được nhắm đến cho các nhà ngoại giao nước ngoài
Ít nhất 30 thượng nghị sĩ và 166 hạ nghị sĩ tham gia.
Họ cáo buộc ông Trump vi phạm hiến pháp cấm nhận tiền khi chưa có sự đồng ý của quốc hội.
Đơn kiện nói từ khi nhậm chức tổng thống, ông Trump chưa xin quốc hội thông qua các khoản tiền mà các công ty của ông đã nhận từ chính phủ nước ngoài.
Họ nói đây là đơn kiện lớn nhất của các nghị sĩ đối với một tổng thống Mỹ.
Nhiều viên chức nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cũng đang kiện ông Trump trong các vụ tương tự.
Bộ trưởng tư pháp tiểu bang Maryland và Quận Columbia cũng đã loan báo đơn kiện hôm thứ Hai.
Nhà Trắng bác bỏ mọi cáo buộc.
Tổ chức toàn cầu của ông Trump gồm đến hơn 500 doanh nghiệp như khách sạn, sân golf, bất động sản, có liên hệ làm ăn với các chính phủ nước ngoài.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã chuyển việc kiểm soát hàng ngày doanh nghiệp cho một quỹ của các con trai.
Nhưng ông không bán các doanh nghiệp và các nhà chỉ trích nói lẽ ra ông phải làm điều này để tránh xung đột lợi ích.
Luật sư của tổng thống nói quy định trong hiến pháp chỉ cấm quan chức nhận quà của nước ngoài, chứ không áp dụng cho các khoản tiền như trả tiền phòng khách sạn.
********************
Bộ trưởng tư pháp Mỹ chối quanh về hồ sơ Nga (RFI, 14/06/2017)
Bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions hôm qua 13/06/2017 đã điều trần gần ba tiếng đồng hồ trước Thượng Viện về hồ sơ Nga. Ông bộ trưởng nhiều lần khẳng định sự trung thực của mình, và bác bỏ mọi cáo buộc thông đồng với Moskva. Lấy cớ là có bổn phận giữ bí mật, ông Jeff Sessions nhiều lần từ chối trả lời câu hỏi của các thượng nghị sĩ.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Jeff Sessions điều trần trước Thượng Viện về hồ sơ liên quan tới Nga tại Washington ngày 13/06/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :
Ông Jeff Sessions đã trở thành bậc thầy trong nghệ thuật né đòn, và việc ông từ chối trả lời đã làm các thượng nghị sĩ Dân Chủ bực tức. Bộ trưởng tư pháp đã sử dụng mọi phương cách có được để kéo dài thời gian với các câu trả lời : "phải giữ bí mật về các cuộc đối thoại với tổng thống, không biết các sự kiện, không nhớ được…".
Về các cuộc gặp gỡ đại sứ Nga Kislyak, người ta chẳng biết được gì cả. Nhưng cũng chính vì lý do này mà ông bộ trưởng bị đặt ra ngoài cuộc điều tra về hồ sơ Nga.
Sau cuộc điều trần dài gần ba tiếng đồng hồ, công chúng chẳng biết thêm gì nhiều. Nếu ông bộ trưởng đã khuyến cáo sa thải giám đốc FBI, đó là vì ông Comey đã không khởi tố bà Hillary Clinton về vụ email. Và ngược lại nếu tổng thống viết trên Twitter là ông James Comey bị cách chức vì hồ sơ Nga, thì đó là quyết định của ông Trump.
Bộ trưởng tư pháp chối bỏ mọi sự thông đồng của ê-kíp ông Trump với Nga, và đặt tay lên ngực để khẳng định sự trung thực của mình. Cuối cùng, Jeff Sessions cho biết không có ý định cách chức biện lý đặc biệt Robert Mueller.
Thông tin duy nhất có thể làm mọi người đều đồng ý, đó là việc tin tặc Nga tấn công trong chiến dịch tranh cử - một chủ đề chính hiếm khi được nêu ra trong cuộc điều trần này, rốt cuộc cũng được nhắc đến.
Thụy My
************************
Mỹ : Bộ trưởng tư pháp ra điều trần về liên hệ với Nga (RFI, 13/06/2017)
Bộ trưởng tư pháp Mỹ Jeff Sessions điều trần trước Thượng Viện ngày 13/06/2017, về hồ sơ liên hệ với Nga và những vấn đề còn mập mờ sau những lời chứng của cựu giám đốc FBI James Comey trong buổi điều trần ngày 08/06/2017.
Jeff Sessions trong cuộc điều trần trước Thượng Viện Mỹ ngày 08/01/2017 để được chấp thuận làm bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ. REUTERS/Kevin Lamarque/File Photo
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne-Marie Capomacio, cho biết thêm chi tiết.
"Tại sao bộ trưởng tư pháp lại gặp đại sứ Nga tại Mỹ nhiều lần trong lúc diễn ra cuộc vận động tranh cử tổng thống ? Tại sao ông Jeff Sessions đã không nói đến những cuộc gặp này lúc ông được đề cử ? Những điều này đã khiến ông bị gạt ra bên ngoài cuộc điều tra.
Giờ đây ông có xác nhận những gì James Comey đã điều trần hay không ? Ông đã có ra khỏi Phòng Bầu Dục để cho cựu giám đốc FBI James Comey nói chuyện một mình với tổng thống hay không ? Cuộc điều trần của bộ trưởng Jeff Sessions sẽ công khai như theo yêu cầu của ông, và các thượng nghị sĩ, như Lindsey Graham, có nhiều câu hỏi : Nếu bộ trưởng tư pháp làm chính trị, điều này không hay cho mọi người. Tôi muốn truy vấn đề này đến cùng, trước Thượng Viện. Tôi muốn biết những gì Comey nói có đúng hay không. Có phải là ngài bộ trưởng đã tạo ra một tình huống khiến ông không thể đánh giá một cách điềm tĩnh những gì diễn ra giữa tổng thống và ông Comey hay không.
Vấn đề là vị bộ trưởng, do vai trò của ông trong chính quyền, có thể nêu lên quyền được giữ im lặng nếu những câu hỏi của các thượng nghị sĩ làm ông khó chịu.
Cuộc điều trần có tầm quan trọng đặc biệt đối với ông Jeff Sessions, nguyên là thượng nghị sĩ đầu tiên đứng về phía ứng cử viên Trump, nhưng đã phải chịu cơn thịnh nộ của tổng thống vì ông Trump rất bực tức sau khi một nhà điều tra đặc biệt được đề cử để xem xét nghi án Nga".
California chận sắc lệnh nhập cư thứ hai của tổng thống Trump
Ngày 12/06/2017, tòa phúc thẩm liên bang tại California đã bác sắc lệnh nhập cư thứ hai của chính quyền Trump. Thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết, giống như bang Maryland, ba thẩm phán California cho rằng sắc lệnh mang tính kỳ thị chủng tộc và đi ngược với tinh thần của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Theo sắc lệnh của tổng thống Mỹ, công dân sáu nước Iran, Syria, Yemen, Somalia, Soudan và Libya bị cấm vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, tòa California cho phép chính quyền tăng cường kiểm soát tiền sử của mọi du khách nước ngoài. Nhà Trắng đã đệ đơn kháng án lên tòa án tối cao song cơ quan này chưa chấp nhận xem xét vụ việc.
Mai Vân
Tòa Bạch Ốc được yêu cầu giao băng ghi âm cuộc trao đổi Trump-Comey (VOA, 10/06/2017)
Lãnh đạo cuộc điều tra của ủy ban tình báo Hạ viện về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016 ngày 9/6 loan báo đã gửi thư cho cựu Giám đốc FBI, James Comey, yêu cầu giao nộp bấy kỳ ghi chú nào liên quan đến các cuộc trao đổi giữa ông Comey với Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump và cựu Giám đốc FBI James Comey
Dân biểu Cộng hòa Mike Conaway và dân biểu Dân chủ Adam Schiff cho biết cũng đã gửi thư đến cố vấn Tòa Bạch Ốc, Don McGahn, yêu cầu xác nhận xem có băng ghi âm hoặc ghi chú nào về các cuộc trao đổi giữa ông Comey với ông Trump hay không. Nếu có, họ đề nghị Tòa Bạch Ốc phải cung cấp bản sao cho ủy ban trước ngày 23/6 năm nay.
***********************
Tổng thống Trump cáo buộc cựu giám đốc FBI Comey nói dối (RFI, 10/06/2017)
Hôm 09/06/2017, ông Donald Trump đã cáo buộc cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang James Comey là nói dối, khi nhân vật này khẳng định là tổng thống Mỹ đã yêu cầu ông ngưng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn về những mối liên hệ giữa nhân vật này với Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và đồng nhiệm Rumani Klaus Iohannis (T) họp báo chung ngày 9/06/2017, tại Nhà Trắng. REUTERS/Jonathan Ernst
Ông James Comey đã khai như trên khi ra điều trần trước Thượng Viện Mỹ ngày 08/06/2017. Cựu giám đốc FBI còn cho biết là tổng thống Trump đã đòi ông phải trung thành với chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng ông Trump đã phản bác toàn bộ những cáo buộc đó, tuyên bố sẳn sàng ra khai báo với lời tuyên thệ trước công tố viên công tố viên đặc biệt đang điều tra về vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet gởi về bài tường trình :
"Bất chấp những tuyên bố sai lạc và những lời dối trá, tôi hoàn toàn vô tội. Hơn thế nữa, Comey chính là kẻ để lộ thông tin." Tổng thống Trump đã viết như thế trên mạng Twitter sáng sớm hôm qua. Sau đó ông lại nói thêm về chuyện này nhân cuộc họp báo chung với tổng thống Rumani Klaus Iohannis. Ông Trump nói :
"Không hề có chuyện thông đồng cũng như cản trở pháp luật. Thật tình mà nói thì James Comey đã xác nhận rất nhiều điều mà tôi đã nói và một số tuyên bố của ông ta hoàn toàn không đúng sự thật".
Như vậy, kẻ nói dối chính là Comey, chứ không phải là ông : Tổng thống Trump khẳng định không hề yêu cầu cựu giám đốc FBI ngưng điều tra Michael Flynn về những cuộc tiếp xúc với các quan chức Nga. Ông cho rằng việc ông đòi Comey cam kết trung thành với ông là chuyện buồn cười. Tổng thống Trump giải thích rằng : "Tôi chỉ mới quen ông ta thôi".
Ông Trump có thật sự đã ghi âm cuộc nói chuyện với cựu giám đốc FBI, như ông đã hàm ý như thế hay không ? Ông sẽ nói sau về chuyện này. Dường như là không hề có chuyện ghi âm như thế, nhưng người này tố cáo người kia nói dối, làm sao biết được là ai nói thật ?
Tổng thống Trump cam kết sẳn sàng ra khai báo với lời tuyên thệ trước công tố viên đặc biệt đang điều tra về vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ".
Thanh Phương
*********************
Phản pháo Comey, Trump tuyên bố sẵn sàng khai chứng hữu thệ (VOA, 10/06/2017)
Tổng thống Donald Trump ngày 9/6 khẳng định không hề tìm cách ngăn trở cuộc điều tra của FBI đối với cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, tố cáo cựu Giám đốc FBI James Comey khai gian phản lại lời thề trước Quốc hội.
Tổng thống Donald Trump và cựu Giám đốc FBI James Comey
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm 8/6, ông Comey khai rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu ông ngưng điều tra ông Flynn và mối liên hệ giữa ông này với Nga.
Tổng thống Trump nói những lời khai chứng của ông Comey cũng giúp làm rõ là không hề có sự thông đồng nào giữa ông với Nga trong cáo giác Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
"Ông James Comey đã xác nhận phần lớn những gì tôi đã nói. Và có một vài điều ông ấy nói không đúng sự thật", Tổng thống Trump tuyên bố tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc.
Khi một phóng viên hỏi ông Trump rằng ông ấy có yêu cầu ông Comey ngưng điều tra ông Flynn hay không, ông Trump khẳng định "Tôi không hề nói chuyện đó".
Tuy nhiên, khi ký giả này tiếp tục hỏi "Vậy ông Comey đã khai gian chuyện này phải không ?", Tổng thống Trump đáp "Cái đó không phải tôi nói. Ý tôi là tôi không hề nói chuyện đó".
Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng dù không có gì sai nếu như ông mở lời như thế, nhưng ông không hề phát ngôn như vậy.
Tại buổi điều trần hôm qua, cựu Giám đốc FBI nói Tổng thống Trump hồi tháng Giêng có yêu cầu ông cam kết trung thành với Tổng thống, một đề nghị bất thường khiến gây nghi ngại về tính độc lập của cơ quan FBI.
"Tôi sẽ không bảo tôi muốn anh thề trung thành. Ai mà làm thế ?" Tổng thống Trump tuyên bố tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Romani hôm 9/6.
Khi được hỏi liệu ông có sẵn lòng có phản hồi hữu thệ với những gì ông Comey đã trình bày trước Quốc hội hay không, Tổng thống Trump nói ông sẵn sàng "100%".
Ông Trump đồng ý ra khai chứng hữu thệ, như vậy những phát ngôn của ông lẫn của ông Comey sẽ trở thành cơ sở làm việc của các nhà điều tra liên bang.
Nếu điều tra cho thấy lời khai chứng của ông Trump hoặc những ghi chú của ông Comey về những gì đôi bên trao đổi không đúng sự thật thì một trong hai người có thể bị buộc tội khai gian với các nhà điều tra liên bang.
Hiến pháp Mỹ không nêu thẳng liệu một Tổng thống có thể bị truy tố hình sự hay không và đây cũng là đề tài gây tranh cãi pháp lý. Tổng thống có thể bị truy tố sau khi hết nhiệm kỳ.
********************
Luật sư của Trump đòi công bố ghi chép của Comey (VOA, 10/06/2017)
Luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ đệ đơn khiếu nại vào đầu tuần sau về việc cựu Giám đốc FBI James Comey tiết lộ các cuộc trò chuyện với Tổng thống, một người thân cận nhóm luật sư cho biết hôm thứ Sáu.
Luật sư Marc Kasowitz sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp và cũng sẽ đệ nạp yêu cầu lên Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tình báo Thượng viện về lời khai của ông Comey, theo nguồn tin này. Nguồn tin này từ chối xác định danh tính vì vấn đề này không được công khai.
Ông Comey, trong lời khai chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm, cáo buộc ông Trump sa thải ông để tìm cách làm suy yếu cuộc điều tra của Cục điều tra Liên bang về việc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2016.
Ông Comey nói ông Trump đã gây áp lực buộc ông phải chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và nói với ông Comey rằng ông cần sự trung thành của ông, mặc dù các giám đốc FBI trên nguyên tắc làm việc độc lập với Tòa Bạch Ốc.
Ông Kasowitz bác bỏ những điểm này và đã công kích ông Comey vì rò rỉ "những trao đổi bí mật" ra cho giới truyền thông.
Các chuyên gia pháp lý đã đặt nghi vấn về lập luận của ông Kasowitz rằng những trao đổi riêng của ông Trump với ông Comey nên được coi là trao đổi bí mật.
*************************
Donald Trump lên án James Comey (BBC, 09/06/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng trên Twitter sau khi cựu giám đốc FBI James Comey chỉ trích ông tại buổi điều trần trước ủy ban Thượng viện.
Viết một đoạn trên Twitter, ông Trump gọi ông Comey là "kẻ rò rỉ tin tức".
Ông muốn ám chỉ điều mà luật sư của ông đã nói sau buổi điều trần hôm thứ Năm : rằng ông Trump không phải là đối tượng điều tra và ông Comey đã tiết lộ cuộc nói chuyện với tổng thống cho một luật sư, người chia sẻ lại cho báo chí.
Viết một đoạn trên Twitter, ông Trump gọi ông Comey là "kẻ rò rỉ tin tức".
Tai buổi điều trần, ông Comey nói ông tin rằng mình bị sa thải để gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Cựu lãnh đạo FBI dẫn dắt một trong nhiều điều tra về Nga trước khi bị sa thải.
Ông Comey ra điều trần trước Ủy ban tình báo Thượng viện hôm thứ Năm.
Ông nói tổng thống gây sức ép đòi ông ngừng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Ông Flynn mất chức sau khi nói dối phó tổng thống về các cuộc đàm thoại với đại sứ Nga trước khi ông Trump làm tổng thống.
Ông Comey cũng nói tổng thống phỉ báng ông và FBI khi nói FBI "được lãnh đạo kém".
Sau buổi điều trần, luật sư riêng của tổng thống ra thông cáo bác bỏ cáo buộc của ông Comey.
Luật sư Marc Kasowitz nói Tổng thống Trump không bao giờ ngăn chặn điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Luật sư cũng nói buổi điều trần xác nhận ông Trump không bị điều tra liên quan cáo buộc về Nga.
****************
Mỹ : Phiên điều trần của cựu giám đốc FBI phủ thêm bóng đen trên Nhà Trắng (RFI, 09/06/2017)
Hôm 08/06/2017, cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) James Comey có phiên điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ về các cuộc tiếp xúc giữa ông và tổng thống Mỹ Donald Trump xoay quanh cuộc điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và cựu giám đốc FBI James Comey (ảnh ghép) REUTERS
Nội dung buổi điều trần rất được mong đợi này không đưa ra những phát hiện trấn động nào như nhiều người dự báo, nhưng ít nhiều đã làm chao đảo vị thế của tổng thống Donald Trump sau chưa đầy nửa năm vào Nhà Trắng.
Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI James Comey cách đây gần một tháng đã bị tổng thống Donald Trump đột ngột cách chức. Phiên điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ ngày hôm qua chủ yếu nhằm để ông James Comey làm sáng tỏ thông tin có hay không việc tổng thống ra lệnh ngăn cản cuộc điều tra của FBI về mối liên hệ với Nga của cố vấn an ninh của tổng thống, tướng Michael Flynn, trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Danald Trump hồi năm 2016.
Dư luận Mỹ mong đợi xem cựu giám đốc FBI có đưa ra những chi tiết mới hay những bằng chứng cụ thể về việc tổng thống Donald Trump, trong các cuộc gặp riêng với ông James Comey, đã ra lệnh ngừng các cuộc điều tra về ông Flynn trong mối quan hệ với Nga, hay nói cách khác là tổng thống can thiệp, cản trở điều tra của tư pháp. Thế nhưng những phát biểu của ông James Comey trước các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ và truyền hình trực tiếp được đánh giá là không có gì mới và có sức "bùng nổ" ghê gớm có thể tác động mạnh đến chiếc ghế tổng thống Trump như một số đồn đoán trước đó.
Xuyên suốt nội dung điều trần, ông Comey chỉ khẳng định một điều là ông đã bị tổng thống Trump sa thải vì cuộc điều tra liên quan đến quan đến Nga, với mục đích gây ảnh hưởng đến cách thức tiến hành điều tra của FBI và ông đánh giá đó là điều rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, phiên điều trần của cựu giám đốc FBI cũng phơi ra được những chi tiết thú vị về vị tổng thống đặc biệt của nước Mỹ. Ông Comey kết tội ông Trump là "kẻ dối trá". Dẫn chứng là trong tất cả các cuộc tiếp xúc nói chuyện riêng với tổng thống Trump, ông đều ghi chép đầy đủ, điều mà ông Comey không bao giờ làm với cựu tổng thống Obama. Hay như giải thích về lý do sa thải ông, tổng thống nói rằng là vì tình hình hoạt động ở FBI rối ren, lộn xộn. Cựu giám đốc FBI khẳng định, đó cũng là những lý lẽ "dối trá". Donald Trump đã được biết đến là một vị tổng thống phát ngôn tiền hậu bất nhất, giờ đây ông bị tố là "kẻ dối trá" thì quả là điều không thể xem nhẹ đối với tư cách một nguyên thủ quốc gia.
Ngoài ra, trong phiên điều trần hôm qua, ông James Comey đã có ít nhất 3 lần từ chối trả lời công khai các câu hỏi của các thượng nghị sĩ liên quan đến mối liên hệ có thể có giữa chính quyền Trump và Nga. Ông hứa sẽ trả lời trong phiên họp kín với các thượng nghị sĩ. Điều này cho thấy cuộc điều tra về mối liên hệ với Nga vẫn còn những góc khuất để cuộc điều tra của tư pháp Mỹ làm sáng tỏ trong thời gian tới.
Có một điều mà dư luận cũng mong đợi, đó là phản ứng của đích thân tổng thống Trump, sau sự kiện liên quan trực tiếp đến ông. Không giống như thường lệ, báo chí Mỹ mỏi mắt ngóng chờ một dòng twitt của tổng thống, nhưng không thấy đâu từ hôm qua. Lần này, ông Donald Trump chọn cách phản pháo qua luật sư riêng Marc Kasowitz, để bác bỏ những nội dung điều trần của cựu giám đốc FBI. Giới quan sát nhận định, có thể ông Trump đã ý thức được tầm quan trọng của sự việc, nên đã tỏ ra thận trọng hơn.
Dù những tình tiết điều trần của cựu giám đốc FBI chưa thể đẩy đi xa hơn vụ tổng thống Trump bị nghi ngờ cản trở tư pháp, nhưng cùng với các điều tra đang tiến hành về mối liên hệ và sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ, đó sẽ là một gánh nặng chính trị đeo đẳng chủ nhân Nhà Trắng trong thời gian tới.
Anh Vũ
Donald Trump dọn cỗ cho Trung Quốc làm bá chủ thế giới
"Ông Trump làm lợi cho Trung Quốc", đó là nhận định của cây bút Alain Frachon trên Le Monde (số ra ngày 09/06/2017). Theo tác giả, chủ trương cô lập của tổng thống Mỹ đã mở ra cả một đại lộ thênh thang cho Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida ngày 06/04/2017. REUTERS/Carlos Barria/File Photo
Trung Quốc, trung thành với chủ nghĩa mao-ít cổ lỗ sĩ, tiếp tục cuộc trường chinh hướng đến địa vị thèm muốn : siêu cường số một thế giới. Tất cả đều thuận lợi. Hai cường quốc Mỹ, Nga đều có những bận rộn khác, để lại đại lộ rộng mở cho Trung Quốc. Với "Con đường tơ lụa mới", Tập Cận Bình tha hồ tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới.
Nước Nga của ông Vladimir Putin, bị ám ảnh bởi hào quang quá khứ, nhất định muốn tái lập "vùng ảnh hưởng" tại các nước lân cận. Còn Mỹ quốc của Donald Trump thì muốn rút lui trên trường quốc tế, với chủ trương cô lập của tân tổng thống. Có thể các nhà sử học sẽ ghi lại mùa xuân năm 2017 như thời kỳ vòi bạch tuộc Bắc Kinh bắt đầu vươn ra khắp thế giới.
Hồi giữa tháng Năm, Washington sững sờ trước xì-căng-đan mới : tổng thống Trump sa thải giám đốc FBI James Comey. Thủ đô nước Mỹ mỗi sáng thức dậy lại lo ngại tổng thống lại tung ra một tin Twitter mới, mà Alain Frachon ví von như những quả lựu đạn đã mở chốt trong một chính quyền hỗn loạn. Trong lúc đó, khoảng 30 lãnh đạo các nước đến Bắc Kinh, tham gia diễn đàn đầu tiên về "Con đường tơ lụa mới", còn được gọi là OBOR (One Belt, One Road – Một vành đai, một con đường).
Được khởi động năm 2013, đây là môt dự án chiến lược nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị. Trung Quốc ồ ạt đầu tư ra nước ngoài để xây dựng các sân bay, hải cảng, đường xe lửa và xa lộ. Toàn bộ mạng lưới cơ sở hạ tầng này nhằm nối liền Trung Quốc với Châu Âu, đi xuyên qua Trung Á, Châu Phi và các nước láng giềng Đông Nam Á. Dự kiến huy động 1.000 tỉ đô la, đây là một loại "kế hoạch Marshall theo kiểu Tàu". Tác giả Gideon Rachman trên Financial Times viết : "Cho dù nếu chỉ thực hiện được phân nửa tổng số dự án, OBOR đặt cả một vùng rộng lớn về địa lý và địa chiến lược vào quỹ đạo của Bắc Kinh".
Diễn đàn tại Bắc Kinh tổ chức cùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bruxelles. Trong dịp đầu tiên gặp gỡ các đồng minh Châu Âu, tổng thống Mỹ từ chối nhắc lại nguyên tắc tương trợ giữa các thành viên, gây gổ với bạn bè Châu Âu. Vài ngày sau đó, ông Donald Trump loan báo Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris.
Theo Le Monde, cũng như người ta tưới nước cho sân tennis trước trận đấu, ông Trump đã dọn đường giùm cho người Trung Quốc. Ngay sau khi bước chân vào Nhà Trắng, Donald Trump đã hủy bỏ việc tham gia Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), do người tiền nhiệm đã dày công thương thảo với 11 quốc gia đối tác.
Lợi dụng món quà từ trên trời rơi xuống này, Trung Quốc tái thúc đẩy dự án tự do mậu dịch của mình để cạnh tranh, bỏ qua mọi quy chuẩn về xã hội và sinh thái. Các đồng minh của Mỹ tại Thái Bình Dương chứng kiến Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông mà không bị chống đối. Dự thảo ngân sách của chính quyền Trump cắt giảm 30% ngân sách Bộ Ngoại giao, 30% viện trợ nước ngoài, và không một đồng xu nào cho quỹ bảo vệ môi trường. Vào thời điểm "kế hoạch Marshall Trung Quốc", người ta phải đặt dấu hỏi về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
"Rõ ràng là ông Trump đang mở toang cánh cửa cho ảnh hưởng của Trung Quốc" - Richard Haass, chủ tịch Council on Foreign Relation ở New York nhận định. Đó chính là tham vọng che giấu phía sau "Con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh. Về kinh tế, Trung Quốc tìm được các thị trường mới cho thép và xi-măng sản xuất thừa. Về mặt chiến lược, "Con đường tơ lụa mới" giúp các tuyến đường nhập khẩu nguyên vật liệu vào Trung Quốc được an ninh.
Đó còn là lợi ích chính trị : Trung Quốc trải rộng được ảnh hưởng một cách chưa từng thấy từ nhiều thế kỷ qua. Bắc Kinh muốn cạnh tranh và rồi loại trừ sự lãnh đạo của Mỹ tại Châu Á. Liệu mùa xuân 2017 cũng là lúc khởi đầu cho "thế kỷ của Trung Quốc" ?
Cựu giám đốc FBI không ngần ngại tố Trump dối trá
Sự kiện cựu giám đốc FBI James Comey bị Donald Trump sa thải, ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 08/06, được tất cả các báo Pháp dành nhiều trang để tường thuật. Le Monde cho rằng "Cựu giám đốc FBI thách thức Trump", Le Figaro chú ý đến việc "Comey công khai tố cáo ông Trump dối trá". Les Echos nhận xét ông Comey "khiến Trump bối rối, nhưng không đưa ra nhận định cụ thể về hậu quả pháp lý". Còn Libération nhận định "Comey chống lại Trump, lột trần sự việc".
Tờ báo mô tả, những camera của báo chí toàn thế giới chĩa vào điện Capitol, một số bar ở Washington DC mở cửa sớm hơn thường lệ, với thực đơn đặc biệt và màn hình lớn. Từ hôm trước, các kênh truyền hình CNN và Fox News đã cho đếm ngược thời gian chờ đợi. Trong phòng họp H2016 của Thượng Viện, trước 15 thượng nghị sĩ và một rừng nhà báo, cựu giám đốc FBI với khuôn mặt nghiêm nghị, mắt nhìn thẳng, đã đáp ứng sự chờ đợi của mọi người.
Trước một loạt câu hỏi dồn dập, James Comey không ngần ngại lột tả câu chuyện. Luôn tỏ ra điềm đạm, ông tấn công thẳng vào Donald Trump, cáo buộc tổng thống Mỹ "dối trá". Kể lại chi tiết những cuộc gặp và điện thoại với tổng thống Trump, Comey cho biết ông buộc lòng phải ghi chép lại nội dung vì sợ rằng ông Trump sẽ nói dối. Trả lời câu hỏi của một thượng nghị sĩ : "Vì sao chúng tôi phải tin ông ?", cựu giám đốc FBI khẳng định : "Ông có thể tin toàn bộ lời chứng của tôi. Tôi cố gắng trung thực và cụ thể tối đa".
Theo Bruce Ackerman, giáo sư luật đại học Yale, thì "Một số tin Twitter của tổng thống, các tuyên bố của ông Trump về lý do cách chức giám đốc FBI và lời chứng của ông Comey phù hợp với nhau, chứng tỏ Donald Trump đã ngăn trở tư pháp". Nhưng Michael O’Hanlon, chuyên gia về quốc phòng và tình báo của Viện Brookings cho rằng các bằng chứng vẫn chưa đầy đủ. "Những lời nói của ông Donald Trump trong những cuộc đối thoại được ông James Comey kể lại vẫn còn chung chung. Chúng làm xấu đi hình ảnh của tổng thống, gây chấn động truyền thông, nhưng chưa thể trở thành cơ sở thực tế cho việc truất phế".
Philippines : Quân thánh chiến sát hại người Công giáo ở Malawi
Về Châu Á, thông tín viên của La Croix ở Malawi cho biết "Tại Philippines, xung đột kéo dài, người Công giáo phải chạy trốn". Thành phố lớn nhất khu vực Hồi giáo tự trị ở miền nam Philippines từ hai tuần qua bị nhóm thánh chiến Maute trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daesh, IS) gieo rắc kinh hoàng. Trên 100.000 thường dân đã phải đi lánh nạn.
Một y tá của bệnh viện Amai-Pakpak ở Marawi, nơi diễn ra cuộc tấn công đầu tiên của nhóm Maute hôm 23/5 kể lại, hôm đó anh chỉ kịp trốn vào cư xá bệnh viện. "Các cửa kính của cư xá màu sẫm nên khó thấy. Tôi nghe quân thánh chiến ra lệnh cho các hộ lý đang khiêng băng-ca phải đọc bài kinh Hồi giáo Chahada". Bọn chúng giết chết hai nhân viên y tế, bung ra những lá cờ đen rồi đi sang khu cấp cứu. Anh phải lẻn trốn đi cùng các đồng nghiệp.
Một người bán hàng nêu ra nhiều vụ sát hại người Công giáo gần đây, mà báo chí Philippines không nói đến, trong khi chính mắt anh trông thấy. Thứ Bảy 03/06, 120 người dân Marawi đã chạy thoát được khỏi thành phố, trong đó có những người Công giáo được hàng xóm cho ẩn náu. Nhóm này đã qua mặt được các tay súng Maute, bằng cách từng người hô lên "Allahu Akbar" mỗi lần đi ngang một trạm kiểm soát. Một nhân chứng khác nhận xét : "Nhiều quân thánh chiến chỉ mới khoảng 20 tuổi thậm chí trẻ hơn, nên dễ bị tẩy não. Họ là những thanh niên ít học".
Iraq : Dân Mosul bị kẹt lại với IS phải ăn giấy và cỏ dại
Tại khu vực chiến sự ở Trung Đông, phóng sự của hai đặc phái viên Le Figaro tại Iraq mô tả "Mosul, địa ngục Daesh". Hai trăm ngàn thường dân, mà phân nửa là trẻ em, đã bị kẹt lại ở Tây Mosul. Thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, người dân phải ăn thịt mèo, thùng carton nhúng nước và cỏ dại.
Những người nghèo không có khả năng mua thực phẩm tích trữ đang bị nạn đói đe dọa, nơi chữa bệnh cũng không có : bệnh viện cuối cùng đã bị IS chiếm. Trả lời qua điện thoại, một người dân mô tả tình cảnh địa ngục ở đây : "Chúng tôi sắp chết đói. Người dân đành phải làm thịt mèo, nhúng nước các thùng carton cho mềm ra để ăn, và ăn cả cỏ. Trẻ em chỉ còn da bọc xương. Nước thì lờ lợ không uống được. Tại khu phố Bab Lakash của tôi, ngay ngõ vào khu phố cổ, lại còn tệ hại hơn cả. Cứ như là Ngày phán xét cuối cùng. Người ta đi lang thang tìm thức ăn mà chẳng biết về đâu".
Theo nhân chứng này, "các xác chết vô thừa nhận nằm rải rác trên đường phố gần tuyến đầu". "Nếu tìm cách bỏ trốn, coi như tự mang bản án tử vào mình. Bọn chúng bắn cả phụ nữ và trẻ em".
Các giám mục Venezuela : Không nên áp đặt chế độ mác-xít
Nhìn sang Châu Mỹ, thông tín viên La Croix tại Roma cho biết hôm qua các giám mục đến từ Venezuela khi được Giáo hoàng Francis tiếp kiến đã báo động về tình hình "hết sức trầm trọng" của đất nước mình.
Các hồng y và giám mục Venezuela đã trao cho Đức giáo hoàng danh sách 70 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình gần đây. Trước đó hồng y Jorge Urosa Savino, tổng giám mục Caracas đã hứa hẹn sẽ trình bày cho giáo hoàng với "một cái nhìn trực tiếp, trần trụi và thực tế về tình hình".
Trước cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra trên toàn quốc, hồng y Urosa Savino nhận định giải pháp là "chính phủ phải giải quyết các vấn đề đã gây ra, và không nên khăng khăng tiếp tục áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa, cộng sản, mác-xít, độc tài quân sự".
Kỹ thuật mới của Pháp để cứu sống người bị ngưng tim
Trên lãnh vực y tế, trang khoa học của Le Figaro ca ngợi "Sáng chế ngoạn mục của cơ quan Samu (y tế cấp cứu Paris) để cứu sống các trường hợp bị ngưng tim". Các nhân viên cấp cứu sử dụng kỹ thuật cho máu lưu thông không qua trái tim mà qua một bộ máy vừa bơm máu lên não vừa lọc oxy ngay tại hiện trường, cứu sống được rất nhiều người.
Nếu đã sử dụng máy kích tim và chích adrénaline mà sau 30 phút tim của nạn nhân vẫn chưa đập lại, đội cấp cứu sẽ dùng đến ECMO (Extracorporelle Membrane Oxygenation). Cách đây vài năm, không thể tưởng tượng được là có thể sử dụng kỹ thuật tinh vi này trên đường phố, lâu nay vẫn dùng trong phòng mổ để duy trì oxy bộ óc trong lúc phẫu thuật. Bệnh nhân cũng được khử trùng, và nhân viên cấp cứu cũng mặc trang phục như trong phòng giải phẫu.
Bác sĩ Lionel Lamhaut nhấn mạnh, nếu không dùng ECMO, tất cả các bệnh nhân hầu như sẽ tử vong. Sáng chế độc đáo này gây ảnh hưởng lớn trên thế giới, Paris đã huấn luyện cho các ê-kíp cấp cứu của Lyon, Perpignan, Madrid và sắp tới sẽ là Bruxelles, Vienna, Luân Đôn và Melbourne. Tuy nhiên điều quan trọng là đào tạo kỹ thuật cấp cứu cho công chúng, vì nếu nạn nhân không được xoa nắn ngực trước thì đội ngũ cấp cứu đến sau dù có máy móc hiện đại cũng bó tay.
Bầu cử Quốc hội, tình trạng khẩn cấp : Tựa chính báo Pháp
Tựa chính của các báo Paris hôm nay đều tập trung cho thời sự nước Pháp. Les Echos dự báo về cuộc bầu cử "Big bang tại Quốc Hội" : đảng Cộng Hòa Tiến Bước có thể giành được đến 400 ghế, và tổng thống Macron sẽ rảnh tay để cải cách.
La Croix đăng ảnh những hàng ghế trống trong Quốc hội và đặt câu hỏi : "Đa số nào cho Macron ?". Vòng một diễn ra vào Chủ nhật tới sẽ cho ra lời đáp. Theo tờ báo, sự rạn nứt của các phe đối lập không phải là một tin vui. Một nền dân chủ muốn hoạt động tốt cần có được lực lượng đủ khả năng phản biện trước đa số cầm quyền.
Le Mondechạy tựa "Khủng bố : Chính phủ muốn thiết lập tình trạng khẩn cấp thường trực". Dự thảo luật tăng cường chống khủng bố và an ninh nội địa sẽ làm những biện pháp tạm thời được áp dụng sau các vụ khủng bố năm 2015 trở thành quy định chính thức. Được trình lên Hội đồng Quốc phòng hôm 7/6, văn bản này khẳng định quyền lực của cảnh sát vượt lên các thẩm phán. Việc chỉ đạo ngành tình báo được tập trung vào một cơ quan trực tiếp dưới quyền điện Elysée.
Với ảnh bìa màu đỏ, Libération "Phản đối tình trạng khẩn cấp thường xuyên". Tờ báo trách cứ tân tổng thống Pháp khi tìm cách biến các biện pháp an ninh khẩn cấp thành luật lệ chung, Emmanuel Macron đã quay lưng lại với các cam kết của mình, làm ảnh hưởng đến các quyền tự do cá nhân.
Le Figaroquan tâm đến lãnh vực giáo dục, chạy tựa "Macron chỉnh sửa lại các bản copy của Hollande". Tân Bộ trưởng giáo dục muốn bãi bỏ các chính sách của chính phủ tiền nhiệm như cấm lưu ban, tuần học 4 ngày, bỏ các lớp song ngữ, cổ ngữ…để trở lại như bình thường, một chủ trương được tờ báo cánh hữu hoan nghênh.
Thụy My
Cựu giám đốc FBI khẳng định bị tổng thống Mỹ gây sức ép (RFI, 08/06/2017)
Cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI James Comey, hôm 08/06/2017, ra điều trần trước Quốc Hội. Sự kiện này rất được chú ý và được coi như một bước ngoặt trong cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, cũng như mối liên hệ giữa nhóm cộng sự thân cận của Donald Trump với Moskva.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và cựu lãnh đạo FBI James Comey REUTERS/Jonathan Ernst/Kevin Lamarque/File Photo
Trước cuộc điều trần, Quốc Hội Mỹ đã cho công bố tuyên bố sơ khởi của James Comey, trong đó, cựu giám đốc FBI khẳng định Donald Trump có ý định gây áp lực trong tiến trình điều tra.
Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio tường trình :
"Có các sự việc mới ? Không hẳn là như vậy… bởi vì báo chí đã đăng tải khá nhiều tiết lộ và những thông tin này giờ đây được khẳng định qua tuyên bố sơ khởi của James Comey.
Trước tiên, đó là việc tổng thống Mỹ yêu cầu giám đốc FBI tuyệt đối trung thành với ông. Về đề nghị này, James Comey đáp trả là sẽ trung thực… Giữa trung thành và trung thực có một sự khác nhau quan trọng.
Về các áp lực của tổng thống liên quan đến tướng Flynn, Donald Trump đã nói với James Comey : tôi muốn là ông cho qua việc này. Nói một cách khác, hãy cho chìm xuồng vụ này.
Ngược lại, điều gây ngạc nhiên nhất là bối cảnh và việc James Comey tỏ ra nghi ngại ngay lập tức tổng thống Mỹ. Ngay trong cuộc gặp đầu tiên với Donald Trump, James Comey cảm thấy khó chịu, không thoải mái. Chính vì thế, ông đã quyết định viết lại mọi việc, kiểu như nhật ký. Mọi gặp gỡ, trao đổi với tổng thống đều được nguyên giám đốc FBI ghi lại chi tiết, rồi thông báo cho các cấp phó và các ghi chép này được lưu hồ sơ".
RFI tiếng Việt
*******************
Cựu Giám đốc FBI James Comey hôm thứ Năm cáo buộc Tổng thống Donald Trump sa thải ông nhằm tìm cách làm suy yếu cuộc điều tra của FBI về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông Trump với Nga.
Trong buổi điều trần được nhiều người nóng lòng chờ đợi nhất trong nhiều năm qua, ông Comey nói với các nhà lập pháp rằng chính quyền Trump đã nói dối và bôi nhọ ông và FBI sau khi Tổng thống sa thải ông vào ngày 9 tháng 5.
Suốt hơn hai giờ khai chứng, ông Comey nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng ông tin rằng ông Trump đã chỉ thị ông chấm dứt cuộc điều tra của FBI nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn như một phần trong cuộc điều tra rộng lớn hơn về Nga.
Tuy nhiên ông Comey không tiết lộ bất kỳ thông tin mới quan trọng nào về mối liên hệ giữa ông Trump và các cộng sự của ông với Nga, một vấn đề đã bao trùm những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump và làm sao lãng khỏi các mục tiêu chính sách của ông như đại tu hệ thống y tế của Mỹ và cắt giảm thuế.
Qua những câu trả lời ngắn gọn và được cân nhắc cẩn thận, ông Comey vẽ nên một bức tranh về một vị Tổng thống hống hách mà ông không tin tưởng và ép ông chấm dứt cuộc điều tra của FBI nhắm vào ông Flynn.
Sau khi ông Trump sa thải ông Comey, chính quyền đã đưa ra những lý do khác nhau về việc này. Ông Trump sau đó mâu thuẫn với nhân viên của chính mình và thừa nhận vào ngày 11 tháng 5, rằng ông đã sa thải ông Comey vì cuộc điều tra về Nga.
Khi được hỏi tại sao ông nghĩ là ông Trump sa thải mình, ông Comey nói ông không rõ. Nhưng ông nói thêm : "Một lần nữa, tôi căn cứ trên lời của Tổng thống. Tôi biết tôi bị sa thải về điều gì đó liên quan đến cách mà tôi khi đó đang tiến hành cuộc điều tra về Nga vốn đặt áp lực lên ông ấy trong một chừng mực nào đó, khiến ông ấy khó chịu, và ông ấy quyết định sa thải tôi vì điều đó."
Nhưng ông Comey không nói liệu ông có nghĩ rằng Tổng thống đã tìm cách cản trở công lý hay không nhưng có nói rằng ông Flynn "gặp nguy về pháp lý" với cuộc điều tra của FBI.
"Tôi không nghĩ rằng ở địa vị của tôi tôi có thể nói rằng cuộc trò chuyện với Tổng thống có phải là một nỗ lực cản trở hay không. Tôi cho đó là một điều rất đáng lo ngại," ông Comey nói với Ủy ban.
Những người chỉ trích ông Trump nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống nhằm cản trở cuộc điều tra của FBI đều có thể là cản trở công lý. Một hành vi phạm tội như vậy có thể dẫn đến việc ông Trump bị Quốc hội luận tội, dù các nghị sĩ Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện cho thấy họ không mặn mà với hành động này.
***********************
Mỹ : Phiên điều trần của cựu giám đốc FBI phủ thêm bóng đen trên Nhà Trắng (RFI, 08/06/2017)
Hôm 08/06/2017, cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) James Comey có phiên điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ về các cuộc tiếp xúc giữa ông và tổng thống Mỹ Donald Trump xoay quanh cuộc điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và cựu giám đốc FBI James Comey (ảnh ghép)REUTERS
Nội dung buổi điều trần rất được mong đợi này không đưa ra những phát hiện trấn động nào như nhiều người dự báo, nhưng ít nhiều đã làm chao đảo vị thế của tổng thống Donald Trump sau chưa đầy nửa năm vào Nhà Trắng.
Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI James Comey cách đây gần một tháng đã bị tổng thống Donald Trump đột ngột cách chức. Phiên điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ ngày hôm qua chủ yếu nhằm để ông James Comey làm sáng tỏ thông tin có hay không việc tổng thống ra lệnh ngăn cản cuộc điều tra của FBI về mối liên hệ với Nga của cố vấn an ninh của tổng thống, tướng Michael Flynn, trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Danald Trump hồi năm 2016.
Dư luận Mỹ mong đợi xem cựu giám đốc FBI có đưa ra những chi tiết mới hay những bằng chứng cụ thể về việc tổng thống Donald Trump, trong các cuộc gặp riêng với ông James Comey, đã ra lệnh ngừng các cuộc điều tra về ông Flynn trong mối quan hệ với Nga, hay nói cách khác là tổng thống can thiệp, cản trở điều tra của tư pháp. Thế nhưng những phát biểu của ông James Comey trước các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ và truyền hình trực tiếp được đánh giá là không có gì mới và có sức "bùng nổ" ghê gớm có thể tác động mạnh đến chiếc ghế tổng thống Trump như một số đồn đoán trước đó.
Xuyên suốt nội dung điều trần, ông Comey chỉ khẳng định một điều là ông đã bị tổng thống Trump sa thải vì cuộc điều tra liên quan đến quan đến Nga, với mục đích gây ảnh hưởng đến cách thức tiến hành điều tra của FBI và ông đánh giá đó là điều rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, phiên điều trần của cựu giám đốc FBI cũng phơi ra được những chi tiết thú vị về vị tổng thống đặc biệt của nước Mỹ. Ông Comey kết tội ông Trump là "kẻ dối trá". Dẫn chứng là trong tất cả các cuộc tiếp xúc nói chuyện riêng với tổng thống Trump, ông đều ghi chép đầy đủ, điều mà ông Comey không bao giờ làm với cựu tổng thống Obama. Hay như giải thích về lý do sa thải ông, tổng thống nói rằng là vì tình hình hoạt động ở FBI rối ren, lộn xộn. Cựu giám đốc FBI khẳng định, đó cũng là những lý lẽ "dối trá". Donald Trump đã được biết đến là một vị tổng thống phát ngôn tiền hậu bất nhất, giờ đây ông bị tố là "kẻ dối trá" thì quả là điều không thể xem nhẹ đối với tư cách một nguyên thủ quốc gia.
Ngoài ra, trong phiên điều trần hôm qua, ông James Comey đã có ít nhất 3 lần từ chối trả lời công khai các câu hỏi của các thượng nghị sĩ liên quan đến mối liên hệ có thể có giữa chính quyền Trump và Nga. Ông hứa sẽ trả lời trong phiên họp kín với các thượng nghị sĩ. Điều này cho thấy cuộc điều tra về mối liên hệ với Nga vẫn còn những góc khuất để cuộc điều tra của tư pháp Mỹ làm sáng tỏ trong thời gian tới.
Có một điều mà dư luận cũng mong đợi, đó là phản ứng của đích thân tổng thống Trump, sau sự kiện liên quan trực tiếp đến ông. Không giống như thường lệ, báo chí Mỹ mỏi mắt ngóng chờ một dòng twitt của tổng thống, nhưng không thấy đâu từ hôm qua. Lần này, ông Donald Trump chọn cách phản pháo qua luật sư riêng Marc Kasowitz, để bác bỏ những nội dung điều trần của cựu giám đốc FBI. Giới quan sát nhận định, có thể ông Trump đã ý thức được tầm quan trọng của sự việc, nên đã tỏ ra thận trọng hơn.
Dù những tình tiết điều trần của cựu giám đốc FBI chưa thể đẩy đi xa hơn vụ tổng thống Trump bị nghi ngờ cản trở tư pháp, nhưng cùng với các điều tra đang tiến hành về mối liên hệ và sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ, đó sẽ là một gánh nặng chính trị đeo đẳng chủ nhân Nhà Trắng trong thời gian tới.
Anh Vũ
*******************
Tổng thống Donald Trump ngày 8/6 tuyên bố với những người ủng hộ ‘Chúng ta đang bị vây hãm’ và thề quyết sẽ tiếp tục tranh đấu.'
Phát biểu được đưa ra ngay trong ngày diễn ra cuộc điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey tại Quốc hội Mỹ về vụ Tổng thống Trump bất ngờ sa thải ông Comey hồi tháng trước sau các cuộc gặp riêng mà, theo ghi chú của ông Comey, qua đó ông Trump đã nhiều lần căn vặn ông Comey về lòng trung thành đối với Tổng thống và yêu cầu ông Comey ngưng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Tổng thống Trump nhấn mạnh "Chúng ta đang bị vây hãm..nhưng chúng ta sẽ vực dậy lớn mạnh hơn bao giờ hết."
"Chúng ta không lùi bước trước những gì chúng ta làm đúng…chúng ta biết cách tranh đấu và chúng ta sẽ không bao giờ chịu thua," ông Trump nói.
**********************
Cựu Giám đốc FBI James Comey ngày 8/6 tuyên bố trước Quốc hội rằng ông bị cản trở bởi Tổng thống Donald Trump tìm cách buộc ông phải ngưng cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn nhưng ông Comey không khẳng định liệu ông cho có là Tổng thống tìm cách cản trở công lý hay không.
Phát biểu trước Ủy ban Tình báo Thượng viện tại một trong những buổi điều trần được công chúng nóng lòng trông đợi nhất trong nhiều năm nay, cựu Giám đốc FBI nói chính quyền của Tổng thống Trump đã gian dối và bôi nhọ hình ảnh của ông lẫn Cục Điều tra Liên bang FBI khi sa thải ông hôm 9/5.
Trong văn bản điều trần công bố một ngày trước khi tới Quốc hội, ông Comey nêu rõ Tổng thống Trump hồi tháng hai đã yêu cầu ông ngưng cuộc điều tra của FBI nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo giác Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
"Tôi nghĩ bản thân tôi không thể nói những trao đổi giữa Tổng thống với tôi có là một nỗ lực của Tổng thống nhằm cản trở hay không. Đối với tôi, hành động đó hết sức trở ngại, hết sức đáng quan ngại," ông Comey tuyên bố trước các nhà lập pháp.
Buổi điều trần này có thể dẫn tới những ‘hậu quả’ đáng kể đối với nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump trong lúc cố vấn đặc biệt Robert Mueller và một số ủy ban của Quốc hội đang điều tra cáo giác Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 và liệu chiến dịch tranh cửa của ông Trump có thông đồng với Nga hay không.
Nga bác tố cáo này và Tòa Bạch Ốc cũng khẳng định không hề có hành động đồng lõa nào.
Ông Trump đã gây ra một cơn lốc chính trị khi bất ngờ sa thải ông Comey.
Cựu Giám đốc FBI nói chính quyền Trump đã hạ thấp uy tín của ông trong các bình luận đưa ra sau vụ sa thải.
"Dù luật không yêu cầu phải đưa ra lý do khi sa thải Giám đốc FBI, nhưng chính quyền đã chọn cách bôi nhọ hình ảnh của tôi mà quan trọng hơn cả là hình ảnh của FBI khi nói rằng có lộn xộn trong Cục Điều tra Liên bang và rằng đội ngũ nhân lực ở đây đã mất niềm tin vào người lãnh đạo," ông Comey nói.
"Những điều đó là dối trá, không hơn không kém," cựu Giám đốc FBI nhấn mạnh.
Vấn đề Nga đã làm đau đầu Tổng thống Trump ngay những tháng đầu nhậm chức. Những người chỉ trích cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump nhằm cản trở cuộc điều tra của FBI đều có thể là một hành động cản trở công lý.
Nếu có đề nghị tại Quốc hội muốn luận tội Tổng thống để truất phế dựa trên cáo buộc cản trở công lý thì cuộc điều trần của ông Comey hôm nay có thể củng cố thêm cho nỗ lực đó, theo một số chuyên gia pháp lý.
Ông Comey trình bày rằng ông ghi chú sau các cuộc gặp với Tổng thống Trump vì ‘Tôi thật lòng lo là ông ấy có thể bịa đặt về bản chất cuộc gặp, nên tôi nghĩ rất cần phải ghi chép lưu lại.’
************************
Ngay trong lời đầu bài phát biểu trước Quốc hội vào ngày 7/6, cựu Giám đốc FBI, James Comey, nêu rõ Tổng thống Donald Trump bảo ông rằng : "Tôi cần sự trung thành. Tôi trông đợi lòng trung thành" trong một buổi cơm tối hồi tháng Giêng, theo các tài liệu công bố 1 ngày trước khi ông Comey ra trả lời chất vấn của Ủy ban Tình báo Thượng viện.
Bài diễn văn đã soạn của ông Comey được tiết lộ cho báo giới chiều 6/6.
Trong đó, ông Comey mô tả chi tiết rằng ông và Tổng thống Trump ăn tối riêng với nhau vào tháng Giêng. Dịp này, Tổng thống Trump hỏi ông Comey có muốn tiếp tục giữ chức Giám đốc FBI hay không. Ông Comey đáp ông muốn phục vụ hết 10 năm nhiệm kỳ và ‘không đứng về bên nào xét về mặt chính trị.’
Vẫn theo lời ông Comey, sau đó Tổng thống Trump đã đưa ra những lời lẽ đề cập đến sự trung thành. Ông Comey trả lời rằng ông chỉ có thể cam kết thành thật với Tổng thống. Khi Tổng thống Trump bảo ông ấy muốn ‘một sự trung thành chân thật’, ông Comey đã ngừng một lát rồi đáp rằng "Tôi sẽ dành cho Tổng thống điều đó.’
Ông Comey bị Tổng thống Trump đột ngột sa thải vào tháng trước.
*********************
Donald Trump phản bác nội dung điều trần của cựu giám đốc FBI (RFI, 09/06/2017)
Hôm 08/06/2017, tại Washington, ông James Comey đã ra điều trần công khai trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ liên quan đến những cáo giác cho rằng tổng thống Donald Trump can thiệp cản trở cuộc điều tra liên quan đến mối quan hệ của cựu cố vấn an ninh của tổng thống với Nga.
Marc Kasowitz, luật sư của tổng thống Mỹ Donald Trump, phát biểu sau phiên điều trần của cựu giám đốc FBI, James Comey trước Thượng Viện, Washington, ngày 08/06/2017. REUTERS/Yuri Gripas
Trong phiên điều trần kéo dài 3 giờ, cựu giám đốc FBI đã nhiều lần tố ông Donald Trump nói dối và khẳng định có việc tổng thống Mỹ đề nghị "cho qua cuộc điều tra Flynn". Ngay sau buổi điều trần, luật sư của ông Trump đã phản công, phủ nhận những phát biểu của ông James Comey trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ.
Anne-Marie Capomaccio, thông tín viên RFI tại Washington tường trình :
Cựu giám đốc FBI đã không úp mở chỉ trích tính ngay thẳng của tổng thống Mỹ. Ông James Comey cho biết ông dè chừng với tất cả các cuộc gặp với Donald Trump. Ông nói : "Tôi đã sợ ông ấy nói dối về bản chất các cuộc gặp của chúng tôi, vì thế điều quan trọng là phải ghi chép lại tất cả".
Không một thượng nghị sĩ nào nghi ngờ ghi chép của James Comey, phiên điều trần này rõ ràng đã khiến uy tín của tổng thống Mỹ bị lung lay. Ông James Comey đã thẳng thừng chỉ trích vào cá nhân Donald Trump. Luật sư của tổng thống, Marc Kasowwitz ngay lập tức đã phủ nhận những phát biểu của cựu lãnh đạo FBI. "Tổng thống không hề gợi ý, tôi xin trích, để cho qua cuộc điều tra ông Flynn".
Trở lại với các phát biểu đốp chát nhau và cuộc phản công như mong đợi của Donald Trump, luật sư Kasowwitz nói : "Ông Comey đã nhận là người chịu trách nhiệm để lộ thông tin không được phép cho báo chí về các cuộc nói chuyện riêng với tổng thống. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét liệu có phải điều tra về các vụ lộ tin tức đó hay không".
Theo một số người thì Donald Trump đã bị tổn thương sau phiên điều trần của James Comey. Còn cựu giám đốc FBI thì vẫn giữ ý kiến cho rằng nếu các cuộc nói chuyện với tổng thống được ghi âm thì ông mong muốn được phổ biến băng ghi âm đó.
Với Donald Trump, điều cốt lõi vẫn được bảo toàn. Cựu giám đốc FBI đã khẳng định cá nhân tổng thống không bị điều tra về các mối liên hệ với Nga. Mọi người đã hầu như quên mất rằng điểm khởi phát của vụ việc này chính là nghi vấn Moskva can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Anh Vũ
Cáo buộc về quan hệ Trump-Nga 'lớn hơn bê bối Watergate' (BBC, 07/06/2017)
Vụ bê bối Watergate hồi thập niên 1970 không lớn bằng vụ điều tra Trump-Nga, theo cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ.
Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper
"Watergate trở nên mờ nhạt" trước những gì nước Mỹ đang phải đối diện, ông James Clapper nói.
Cơ quan tình báo Hoa Kỳ tin rằng Nga đã can thiệp vào kỳ bầu cử Mỹ và đang tiến hành điều tra về các mối liên hệ bị cho là có tồn tại giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump và Moscow.
Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng nào được biết đến về sự thông đồng này, và Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ rằng câu chuyện đó là 'tin giả'.
Những người đứng đầu các cơ quan tình báo Hoa Kỳ sẽ bị ủy ban tình báo của Quốc hội chất vấn về chuyện này vào hôm thứ Tư.
Các thượng nghị sĩ nói họ muốn hỏi Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, Đô đốc Mike Rogers, Quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe và Thứ trưởng Nội vụ, Tướng Rod Rosenstein xem liệu có phải ông Trump đang tìm cách làm lạc hướng cuộc điều tra bằng cách sa thải cựu giám đốc FBI James Comey hay không.
Lời tuyên thệ được đưa ra một ngày sau khi tờ Washington Post đưa tin ông Coats nói với các cộng sự rằng ông Trump đã tìm cách thuyết phục FBI ngưng cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là Michael Flynn, cùng các mối quan hệ của ông này với điện Kremlin.
Thế nhưng ông Coats thông qua phát ngôn viên nói hôm thứ Tư rằng ông chưa bao giờ cảm thấy bị áp lực từ phía ông Trump trong phải việc ngưng điều tra, và nói ông sẽ không tiết lộ các nội dung thảo luận giữa ông với tổng thống.
Ngày hôm sau sẽ diễn ra cuộc tuyên thệ được nhiều người quan tâm của ông Comey, người đã lãnh đạo cuộc điều tra cáo buộc liên quan tới Nga cho tới khi bị ông Trump sa thải.
Ông sẽ bị chất vấn về các trao đổi với tổng thống trước khi bị sa thải.
Tại sao cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức ?
Ông Comey được cho là đã nói với Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions rằng ông không muốn bị để trong tình huống có mặt một mình cạnh tổng thống.
Sự so sánh của ông Clapper về vụ điều tra Trump-Nga với vụ Watergate sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên - Tổng thống Richard Nixon đã từ chức giữa cuộc bê bối chính trị không tiền khoáng hậu tại Hoa Kỳ, liên quan tới việc do thám, đánh cắp và che đậy thông tin.
Cựu giám đốc cơ quan tình báo phát biểu tại Úc và nói việc tìm hiểu cho tới tận gốc rễ các cáo buộc trên là điều "thực sự cấp bách" cho Hoa Kỳ và cho thế giới.
******************
Cựu Giám đốc FBI : Tổng thống Trump yêu cầu tôi trung thành (VOA, 07/06/2017)
Ngay trong lời đầu bài phát biểu trước Quốc hội vào ngày 7/6, cựu Giám đốc FBI, James Comey, nêu rõ Tổng thống Donald Trump bảo ông rằng : "Tôi cần sự trung thành. Tôi trông đợi lòng trung thành" trong một buổi cơm tối hồi tháng Giêng, theo các tài liệu công bố 1 ngày trước khi ông Comey ra trả lời chất vấn của Ủy ban Tình báo Thượng viện.
Tổng thống Donald Trump và cựu Giám đốc FBI James Comey
Bài diễn văn đã soạn của ông Comey được tiết lộ cho báo giới chiều 6/6.
Trong đó, ông Comey mô tả chi tiết rằng ông và Tổng thống Trump ăn tối riêng với nhau vào tháng Giêng. Dịp này, Tổng thống Trump hỏi ông Comey có muốn tiếp tục giữ chức Giám đốc FBI hay không. Ông Comey đáp ông muốn phục vụ hết 10 năm nhiệm kỳ và 'không đứng về bên nào xét về mặt chính trị.'
Vẫn theo lời ông Comey, sau đó Tổng thống Trump đã đưa ra những lời lẽ đề cập đến sự trung thành. Ông Comey trả lời rằng ông chỉ có thể cam kết thành thật với Tổng thống. Khi Tổng thống Trump bảo ông ấy muốn 'một sự trung thành chân thật', ông Comey đã ngừng một lát rồi đáp rằng "Tôi sẽ dành cho Tổng thống điều đó.'
Ông Comey bị Tổng thống Trump đột ngột sa thải vào tháng trước.
**********************
Cựu Giám đốc FBI sắp điều trần : Thắc mắc cần được giải đáp (VOA, 07/06/2017)
Cựu Giám đốc FBI, James Comey, người bị Tổng thống Donald Trump sa thải cách đây gần 1 tháng, sẽ điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào ngày 8/6. Ủy ban này đang điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 cũng như mối liên hệ, nếu có, giữa Moscow với người của Tổng thống Trump.
Tổng thống Donald Trump và cựu Giám đốc FBI James Comey
Đây sẽ là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông Comey kể từ khi ông bị Tổng thống sa thải vào ngày 9/5 vừa qua.
Ông Comey bị đuổi việc trong lúc đang dẫn đầu cuộc điều tra của FBI về sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ và có hay không sự thông đồng giữa những trợ lý trong chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga nhằm giúp ông Trump đánh bại đối thủ Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Vài ngày sau khi ông Comey bị sa thải rộ lên tin ông có ghi chú lại tỉ mỉ chi tiết nội dung trong các cuộc trao đổi với Tổng thống.
Buổi điều trần dự kiến diễn ra lúc 10 giờ sáng ngày 7/6.
Một số những câu hỏi có phần chắc sẽ được nêu lên với cựu Giám đốc FBI :
1. Tổng thống Donald Trump có yêu cầu ông Comey cam kết trung thành với Tổng thống hay không ?
Theo tin tức báo chí, các nguồn tin thân cận với ông Comey cho hay ông Trump đã yêu cầu ông Comey hứa trung thành với Tổng thống trong bữa ăn tối tại Tòa Bạch Ốc.
Trong cuộc phỏng vấn với NBC, ông Trump nói ông Comey yêu cầu được gặp Tổng thống vì không muốn bị mất việc. Ông Trump không hề đề cập tới chuyện yêu cầu ông Comey hứa trung thành.
2. Tổng thống Trump có thúc giục ông Comey hủy cuộc điều tra nhắm vào cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn hay không ?
Theo báo chí Mỹ, ông Comey cho các thành viên trong nội bộ tin cậy của ông biết rằng Tổng thống Trump tỏ ý hy vọng rằng ông Comey sẽ ngưng cuộc điều tra về ông Flynn và các liên hệ của ông Flynn với các đặc vụ Nga.
"Tôi hy vọng ông sẽ thôi, bỏ qua vụ của ông Flynn", tờ Times thuật lời Tổng thống Trump nói với ông Comey sau khi bí mật mời ông Comey tới Phòng Bầu Dục. "Ông ấy là người tốt. Tôi hy vọng ông có thể bỏ qua chuyện này".
3. Ông Comey có nghĩ rằng hành động của ông Trump là tìm cách cản trở cuộc điều tra về Nga hay không ?
Ông Comey có phần chắc sẽ không có câu trả lời dứt khoát. Theo dự kiến, ông Comey sẽ mô tả các sự kiện và để người khác phân tích các khía cạnh pháp lý.
4. Có hay không chuyện ông Comey đã nhiều lần nói với Tổng thống rằng Tổng thống không bị điều tra ?
Trong thư gửi ông Comey thông báo quyết định sa thải, Tổng thống Trump viết rằng "Tôi hết lòng cảm kích ông đã thông báo với tôi, trong ba lần khác nhau, rằng tôi không bị điều tra" về vụ Nga.
5. Ông Comey có thể trưng ra bằng chứng gì cho thấy có sự thông đồng giữa người nội bộ của ông Trump với các giới chức Nga hay không ?
Liệu các phụ tá tin cậy của ông Trump có bí mật hợp tác với Nga trong âm mưu gây hại cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton hay không-đó là trọng tâm của các cuộc điều tra của liên bang lẫn của Quốc hội. Có phần chắc ông Comey sẽ không đưa ra câu trả lời dứt khoát.
Nguyên thủ Pháp - Nga đối thoại thẳng thắn về các chủ đề nhạy cảm (RFI, 30/05/2017)
Họp báo chiều ngày 29/05/2017 tại điện Versailles, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết đã có cuộc đối thoại "thẳng thẳn" và "trực diện" với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo, kể từ khi ông Macron nhậm chức. Trong cuộc đối thoại căng thẳng này, mọi vấn đề được coi là nhạy cảm đã được tổng thống Pháp đề cập đến, như vấn đề xung đột Syria, khủng hoảng Ukraine.
Vladimir Putin (T) và Emmanuel Macron họp báo tại cung điện Versailles, Pháp, ngày 29/05/2017. REUTERS/Philippe Wojazer
Căng thẳng dâng cao khi tổng thống Pháp chỉ trích một số phương tiện truyền thông Nga, như Sputnik và Russia Today, đưa tin "bịa đặt", tìm cách gây ảnh hưởng. Ông Macron cũng đặc biệt lưu ý đồng nhiệm Nga về tình trạng quyền của người đồng tính, chuyển giới tại Tchetchenia bị xâm phạm nghiêm trọng. Báo chí Pháp ca ngợi "thái độ cứng rắn" và khả năng "làm chủ tình thế" của Emmanuel Macron. Về phía Nga, báo chí nước này nhấn mạnh đến một cuộc gặp kém nồng hậu và thiếu kết quả cụ thể.
Thông tín viên Muriel Pomponne trường trình từ Moskva :
"Báo Kommerçant nhấn mạnh là cuộc hội kiến nói trên thiếu nồng hậu, hai nguyên thủ dùng ngôi thứ ba để nói với nhau. Moskovskij Komsomolets thì khẳng định hai bên đã không được ý hợp tâm đầu, tuy nhiên tờ báo phổ thông này cũng cho rằng "cậu bé đáng sợ" Macron đã có thể tiến hành một cuộc đối thoại không khoan nhượng với "cây đại thụ" Putin.
Trong cuộc họp báo, tổng thống Nga bất ngờ trước thái độ táo bạo của Macron, đã không tìm được lời nào để đáp lại, khi tổng thống Pháp gọi một số báo Nga là phương tiện "gây ảnh hưởng". Emmanuel Macron đã nhuần nhuyễn nguyên tắc của các chàng ngự lâm : tấn công là cách phòng thủ tốt nhất.
Tuy nhiên, về phía thái độ của tổng thống Pháp, cũng có điều khá tức cười là khi ông Macron nói về Syria, cứ như thể ông ấy là "cây vĩ cầm chính" trong dàn nhạc. Ở đoạn này, tổng thống Nga đã phản pháo khi nhấn mạnh là ông không thấy mức độ độc lập của Pháp trong hồ sơ này. Nhìn chung, báo chí Nga ghi nhận là cuộc hội kiến đã không dẫn đến một kết quả quan trọng cụ thể nào. Tuy nhiên, đã có một nỗ lực tìm kiếm đồng thuận từ cả hai phía.
Cuối cùng báo chí Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp lịch sử này, về hoàng đế Nga Pierre đệ nhất, nữ hoàng Anna Kiev, lâu đài Versailles, gian các trận đánh lớn… Tuy nhiên, người Nga không hiểu được vì sao Emmanuel Macron lại đến Versailles bằng xe hơi hiệu Renault, họ thấy xe này không sang trọng lắm đối với một vị tổng thống".
John McCain : Putin nguy hiểm hơn tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo
Đang tham quan Úc, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thuộc phe Cộng Hòa ngày 29/05/2017 đánh giá tổng thống Nga Vladimir Putin là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh thế giới, đối với các nền dân chủ và thậm chí nguy hiểm hơn cả tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).
Phát biểu với đài ABC, ông John McCain cho rằng, mặc dù chưa thành công, nhưng chắc chắn Nga "đã và sẽ tiếp tục tìm cách can thiệp vào bầu cử của các nước". Chính vì thế, tổng thống Nga Vladimir Putin là thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối đầu.
Trọng Thành
****************
Mỹ : Ba "bảo mẫu" của Donald Trump (RFI, 30/05/2017)
Ngày 27/05/2017, sau khi dự thượng đỉnh G7 tại Taormina, Ý, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đường về nước, kết thúc chuyến công du 8 ngày, ở Trung Đông rồi Châu Âu. Trên báo Le Figaro (30/05/2017), nhà báo Renaud Girard "tổng kết" : "Những bài học rút ra từ chuyến công du của Trump".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thượng đỉnh G7, tổ chức ở Taormina, Sicily, Ý, ngày 26/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Để hiểu rõ được sự vận hành của tân chính quyền Mỹ cũng như nắm bắt được những đường hướng chính trong chính sách đối ngoại của vị tổng thống "không giống ai" này, tác giả tiến hành phân tích riêng rẽ hình thức và nội dung.
Về hình thức, dường như hoạt động của tân chính quyền Mỹ dựa trên ba nguyên tắc lớn. Thứ nhất, có ba "bảo mẫu" đi theo "chăm sóc" "cậu bé" Donald Trump : đó là ngoại trưởng Tillerson, bộ trưởng Quốc Phòng Mattis và cố vấn an ninh quốc gia, tướng McMaster.
Ví dụ, tại thượng đỉnh NATO ở Bruxelles, tổng thống Mỹ đành chấp nhận nêu lên "mối đe dọa Nga" cho dù trong theo bản năng, ông chỉ coi Nhà Nước Hồi Giáo là kẻ thù thực sự của Hoa Kỳ. Thế nhưng, cần phải nói đến "mối đe dọa Nga" để tránh bị coi là "đồng chí" của Moskva trong lúc Quốc Hội Hoa Kỳ đang điều tra về nghi án quan hệ giữa các cộng sự của ông Trump với Nga.
Nguyên tắc thứ hai, Donald Trump không "quản lý vi mô". Cụ thể là ông không cần biết chi tiết các kế hoạch, và ủy quyền cho bộ trưởng Quốc Phòng tướng Mattis tự do đưa ra các sáng kiến được cho là cần thiết để bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ.
Nguyên tắc thứ ba : tân tổng thống Mỹ có cách tiếp cận rất thương mại trong các hoạt động ngoại giao, theo kiểu "ông thò chân giò, bà thò nậm rượu", tức là có đi có lại. Các đồng minh Châu Âu của tân tổng thống Mỹ hiểu rõ điều này : Châu Âu phải tăng ngân sách quốc phòng trước đã, rồi sau đó và chỉ sau đó, Hoa Kỳ mới nói đến điều 5 trong Hiến chương NATO, liên quan đến nghĩa vụ phòng thủ chung, bảo vệ lẫn nhau.
Về nội dung, theo báo Le Figaro, Hoa Kỳ đã từ bỏ học thuyết tân bảo thủ mà cựu tổng thống George W. Bush chủ trương, theo đó, để bảo vệ hòa bình thế giới, Hoa Kỳ phải "xuất khẩu" dân chủ, và nếu cần thì không ngần ngại sử dụng bạo lực. Trong chuyến công du Saudi Arabia, Donald Trump đã tái khởi động thỏa thuận Mỹ bảo đảm an ninh cho nước này, được ký kết từ năm 1945. Đổi lại, Ryiad ký hàng loạt hợp đồng trị giá hơn 300 tỷ đô la.
Với thái độ thực dụng, khi tới Israel, Donald Trump đã yêu cầu Tel Aviv không tiếp tục mở rộng thêm các khu định cư Do Thái, không bàn đến chuyện chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem. Bởi vì, tân tổng thống Mỹ nghĩ rằng ông có thể thúc đẩy tái lập hòa bình ở Palestine, trên cơ sở có hai Nhà nước (Do Thái và Hồi giáo), đồng thời ông cũng muốn làm vừa lòng hai đồng minh lớn khác trong khu vực là Saudi Arabia và Ai Cập.
Tại thượng đỉnh G7, tổng thống Mỹ đưa ra hai thông điệp cụ thể : Về thương mại, Donald Trump không nói đến chính sách bảo hộ mậu dịch và chỉ chủ trương "trao đổi thương mại công bằng" thay cho "tự do trao đổi mậu dịch". Ông cũng lên án những tập quán, biện pháp xấu trong trao đổi thương mại, một uyển ngữ lên án Trung Quốc thực hiện chính sách phá giá dumping.
Còn về hồ sơ nhập cư, Trump đã nói thẳng với Châu Âu : Đó là chuyện của các vị, hãy tự giải quyết. Trong vấn đề này, Mỹ chỉ giúp Châu Âu tại Libya vì đây là cơ hội tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Vậy nước Pháp có nên phàn nàn về khía cạnh hơi thô bạo này trong chính sách đối ngoại của Mỹ hay không ? Le Figaro nhấn mạnh là không. Đây chính là cơ hội để ngoại giao Pháp tỏa sáng như xưa.
RFI tiếng Việt
Nga xen vào bầu cử Mỹ : Comey sẵn sàng khai việc Trump gây sức ép (RFI, 02/06/2017)
Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) James Comey, người chịu trách nhiệm điều tra về sự can thiệp của Nga vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ 2016 sẽ ra điều trần trước Ủy Ban Điều Tra của Thượng Viện vào thứ Hai 08/06/2017. Kênh truyền hình CNN khẳng định là James Comey sẽ cho biết công khai các sức ép của tổng thống Donald Trump, trước khi ông bị cách chức giám đốc FBI.
Ông James Comey lúc điều trần trước Ủy ban Tình Báo Hạ Viện, ngày 20/03/2017. REUTERS/Joshua Roberts
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier phân tích :
"Ngày James Comey ra điều trần trước Thượng Viện vẫn chưa được công bố chính thức. Nhưng Donald Trump đang phải chịu nhiều sức ép. Cựu giám đốc FBI dường như sẵn sàng khẳng định những thông tin đã bị rò rỉ, theo đó tổng thống Hoa Kỳ đã yêu cầu ông ngưng tìm kiếm thông tin về sự can thiệp của Nga vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Nếu vậy, đó là hành động ngăn cản tư pháp hoạt động, thậm chí là một khinh tội nghiêm trọng, nhất là đối với chủ nhân Nhà Trắng.
Donald Trump, người đang lập một ê kíp đặc biệt để xử lý vụ khủng hoảng này, có vài ngày để hành động trước khi James Comey ra điều trần trước Nghị Viện, nhưng Donald Trump sẽ không có nhiều sự lựa chọn. Trên thực tế, lợi dụng vị thế để ngăn cản James Comey tiết lộ câu chuyện chỉ làm tăng mối nghi ngờ, trong khi chính Donald Trump nhiều lần tiết lộ hai người đã có nhiều cuộc trao đổi.
Có vẻ như chính Donald Trump đang tự rơi vào bẫy của ông. Bởi vì nếu vai trò của những người thân cận của ông trong vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ còn lâu mới được làm sáng tỏ, thì chính cách làm việc và sự hời hợt về luật pháp của Donald Trump từ khi ông thành chủ nhân của Nhà Trắng mới bị đưa ra bàn cãi nhiều.
James Comey đang được trông chờ sẽ làm sáng tỏ vụ này. Cựu giám đốc FBI có thể đã ghi lại nội dung các cuộc trao đổi với Donald Trump. Điều đó cũng có nghĩa là các hành động có thể gây sức ép được thể hiện trong các bản ghi nhớ giờ đây trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý".
RFI tiếng Việt
*****************
Luật sư riêng của Trump không cung cấp thông tin cho điều tra Nga-Trump (VOA, 31/05/2017)
Michael Cohen, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump
Luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, Michael Cohen, đã nhận và đã từ chối một yêu cầu cung cấp tài liệu trong một cuộc điều tra đang diễn tiến của Quốc hội về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và những liên lạc với ban vận động của ông Trump.
Cohen, một luật sư lâu năm của Tổ chức Trump, vẫn là luật sư riêng của ông Trump. Ông từng lên truyền hình làm người đại diện phát ngôn cho ông Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Ủy ban Tình báo Hạ viện yêu cầu ông Cohen cung cấp thông tin trong khi các nhà điều tra tiếp tục săm soi những thành viên thân cận của ông Trump.
"Tôi từ chối lời mời tham gia vì yêu cầu được trình bày một cách kém cỏi, quá rộng và không thể nào trả lời được," ông Cohen nói với hãng tin AP. "Tôi thấy việc yêu cầu gửi đến cho tôi bị rò rỉ bởi những người làm việc trong ủy ban là điều thiếu trách nhiệm và thiếu thỏa đáng".
Ông Cohen nói với ABC News rằng ông được cả Ủy ban Tình báo của Hạ viện lẫn Thượng viện yêu cầu cung cấp thông tin và lời khai chứng về những liên lạc của ông với các quan chức Nga.
Quan hệ của ông Cohen với các nhân vật có lợi ích ở Nga được nêu ra vào tháng 2 khi báo The New York Times loan tin ông Cohen đã giúp làm trung gian điều giải một kế hoạch hòa bình ở Ukraine mà sẽ kêu gọi quân đội Nga rút khỏi Ukraine và kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý để người dân Ukraine quyết định liệu phần đất bị Nga chiếm đóng vào năm 2014 có nên để cho Moscow thuê tại hay không. Chính phủ Nga phủ nhận không hay biết gì về kế hoạch này.
Theo báo Times, kế hoạch hòa bình là công tác của Felix Sater, một cộng sự kinh doanh đã giúp ông Trump tìm kiếm mối làm ăn ở Nga, và ông Cohen.
*********************
Ông Michael Flynn. Ảnh ngày 10/01/2017, tại Washington. CHRIS KLEPONIS / AFP
Cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Donald Trump, tướng Michael Flynn sẽ cung cấp một số tài liệu cho Ủy ban Tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ, trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Hãng tin AP hôm nay 31/05/2017 loan báo như trên.
Quyết định của ông Flynn được đưa ra hôm qua, sau khi luật sư riêng của ông Donald Trump là Michael Cohen đã từ chối cung cấp thông tin cho Ủy ban Tình báo Hạ Viện, và một cựu nhân viên Nhà Trắng, Boris Epshteyn xác nhận đã được Ủy ban này liên lạc với yêu cầu tương tự.
Sự hợp tác của ông Michael Flynn là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông và Thượng Viện đã tìm được tiếng nói chung. Trước đây cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng đã viện dẫn Tu chính án số 5 trong Hiến Pháp để từ chối cung cấp tài liệu, nhưng nay Thượng Viện đã thu hẹp phạm vi yêu cầu. Ủy ban Tình báo Thượng Viện cũng ra lệnh giao nộp các băng ghi âm từ các công ty của ông Flynn.
Một trong các công ty đó, Flynn Intel Group Inc., đã tư vấn cho một doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ. Còn công ty Flynn Intel Group LLC được sử dụng để nhận tiền chi trả cho các tham luận của ông Flynn, trong đó có số tiền 33.000 đô la từ RT (Russia Today), kênh truyền hình do điện Kremlin tài trợ. Hôm qua, một người thân cận ông Flynn cho hay sẽ giao các tài liệu về hai công ty trên, và một số thông tin khác trong tuần tới.
Trong khi đó cả tổng thống Donald Trump lẫn đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đều lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra. Ông Putin khi trả lời Le Figaro đã bác bỏ hẳn mọi liên can trong bầu cử Mỹ, còn ông Trump trên Twitter hôm qua cho rằng đây là "tin giả" của phe Dân Chủ để biện minh cho thất bại.
Ông Michael Cohen trong một thời gian dài là luật sư của Trump Organization, nay tiếp tục là luật sư riêng của tổng thống Mỹ. Theo New York Times, ông Cohen từng can dự vào kế hoạch hòa bình Ukraina theo cách có lợi cho Nga. Một số cổ đông trong hãng taxi của ông Cohen đến từ Liên Xô cũ trong đó có bố vợ sinh tại Ukraina. Còn ông Boris Epshteyn sinh trưởng tại Matxcơva, có làm việc tại Nhà Trắng một thời gian ngắn.
Thụy My
*********************
Trump nói con rể 'là người tốt' (BBC, 29/05/2047)
Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai ủng hộ con rể, Jared Kushner, sau khi có tin viên trợ lý này định thiết lập đường dây thông tin bí mật với Moscow.
Jared Kushner hiện là một trong những trợ lý hàng đầu của Donald Trump
Trong thông cáo gửi tới tờ New York Times, ông Trump ca ngợi ông Kushner "đang làm rất tốt".
Nhưng ông không đề cập đến những cáo buộc chống lại chồng của Ivanka.
Có cáo buộc rằng ông Kushner thảo luận về việc thiết lập một kênh ngầm với đại sứ Nga hồi tháng 12/2016.
New York Times và Washington Post nói ông Kushner muốn dùng phương tiện của Nga để tránh sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các cuộc thảo luận với Moscow.
Ông được ghi nhận làm việc này trước khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ, do vậy ông là dân thường vào thời đó.
Những cáo buộc này xảy đến sau khi ông Kushner được cho là đang trong tầm ngắm của FBI về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Truyền thông Mỹ cho biết các nhà điều tra tin rằng ông Kushner liên quan vụ này, nhưng chưa hẳn là nghi phạm.
Ông Trump - người được cho là đã gặp các luật sư tại Nhà Trắng hôm 28/5 - không do dự trong việc bày tỏ sự ủng hộ cho ông Kushner, trợ lý cao cấp tại Nhà Trắng.
Thông cáo của ông Trump cũng nói "Tôi hoàn toàn tin tưởng Kushner".
"Ông ấy được mọi người kính trọng và đang thực hiện các chương trình giúp tiết kiệm cho nước Mỹ hàng tỷ đôla. Thêm vào đó, ông ấy là người tốt".
**********************
Donald Trump phản công, cáo buộc truyền thông Mỹ "dối trá" (RFI, 29/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo chí tại Nhà Trắng sau buổi tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Washington ngày 16/05/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Trở về Hoa Kỳ sau một chuyến công du nước ngoài dài tám ngày, tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản công, tố cáo "lời lẽ dối trá" của truyền thông Mỹ khi liên tục đưa ra nhiều tiết lộ nghi ngờ con rể ông, Jared Kushner và nhiều người thân cận khác, có liên hệ với Nga.
Sau một loạt thất bại chính trị và tranh cãi ngày càng ầm ĩ về mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga, tổng thống Mỹ quyết định tập hợp các cố vấn và những người thân cận nhằm tổ chức một cuộc phản công.
Từ New York, thông tín viên RFI, Grégoire Pourtier tường thuật :
Các đồng minh chính trị của Donald Trump, và nhất là các luật sư của ông, gần đây có khuyên nguyên thủ Mỹ nên giảm bớt tần số và giọng điệu gay gắt của các dòng twitt, vốn dĩ có thể sẽ quay lại chống chính ông.
Nhưng khi về đến Washington, tổng thống Mỹ đã không thể kiềm chế được trong ngày Chủ Nhật 28/5. Buổi sáng, cũng như buổi tối, lần đầu tiên, tổng thống Mỹ đã đăng nhiều tin nhắn cho thấy ông quyết tâm chiến đấu, nhất là chống lại giới truyền thông, mà ông cáo buộc là đã nói dối và che giấu sự thật.
Mọi người cho rằng Nhà Trắng nhanh chóng xem lại chiến lược thông tin, qua những buổi mít-tinh trong nước hay qua những trao đổi trực tuyến trên Facebook, để khuyến khích một sự trao đổi trực tiếp hơn.
Đặc biệt, một War Room, hội đồng chiến tranh, đang được thiết lập để chống lại những cáo buộc thông đồng với Nga. Nhiều chuyên gia tư vấn, chuyên xử lý tình huống khủng hoảng kiểu này đang được tuyển dụng.
Cũng giống như những gì tổng thống Bill Clinton đã làm trong vụ bê bối Monica Lewinski, vấn đề là phải làm sao làm việc có hiệu quả cũng như phải khoanh vùng vụ tai tiếng này, không để lây lan ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động chính trị.
Chính vì thế mà một lịch trình chính trị đang được xem xét lại. Chính quyền Trump tuyệt đối phải có được một thắng lợi trước mùa hè. Nhiều dự án ít tham vọng nhưng cũng ít gây tranh cãi rất có thể sẽ được thông qua trong thời gian sắp tới sao cho đảng Cộng Hòa vẫn có thể ngẩng cao đầu trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2018 tới đây.
Tài phiệt Nga Deripaska làm chứng có điều kiện ?
Trùm tư bản Nga trong lĩnh vực sản xuất nhôm, Deripaska hôm nay 29/05/2017 bác bỏ thông tin cho rằng ông muốn hợp tác với Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ, để đổi lấy quyền "miễn trừ hoàn toàn".
Trong một thông cáo phát đi từ trụ sở tập đoàn Rusal, ông Deripaska xem thông tin do nhật báo New York Times tiết lộ hôm thứ Sáu 26/5/2017 là "dối trá và lừa bịp". Ông cho biết rõ "chính các đại diện của Quốc hội Mỹ đã liên hệ với luật sư của ông ở Washington chứ không phải theo chiều ngược lại".
Minh Anh
Phiếm luận
Chàng… Donald Trump
"Sometimes it’s important to watch what the President does rather than what he says".
Thượng Nghị Sĩ John McCain
Chàng là một tạo vật lạ và hiếm
Có lẽ không có người nào mà tôi nghe ngóng, ngắm nghía, khi thương khi ghét, khi khâm phục, khi bực bội, khi ngạc nhiên, có lúc sửng sốt… Tóm lại, không có người nào mang cho tôi nhiều cảm giác như chàng. Hàng ngày, một trong những cái thú của tôi là ngắm, đọc, nghe chàng xem chàng sáng tác ra thêm điều gì trong ngày. Chả là vì, ngày nào cũng có chuyện mới về chàng. Ngày nào chàng cũng "cách tân". Ngày nào chuyện của chàng và về chàng đều trở thành headline news.
Chàng có một nhân dáng to, cao. Dù không bằng tay cựu giám đốc FBI James Comey (cao 6 feet 8), chàng thuộc loại khá cao, 6 feet 2, nghĩa gần 1 mét 9. Bước chân vững. Giọng nói mạnh. Lời nói nào nghe cũng chắc (như đinh đóng cột). Rất đàn ông. Không biết bên trong trái ổi có gì, nhưng rõ là chàng sexy. Ăn nói cũng sexy. Nói không cần uốn lưỡi, không cần úy kỵ điều gì, có lúc thô tục và ngang ngược. Nhưng cái lạ là, nhiều phụ nữ vẫn không dị ứng, thậm chí có người còn thích chàng. Khi phát biểu, trong lúc hai tay xòe ra hai bên, mở rộng, bao biện thì ngược lại, miệng chàng thu nhỏ, tròn, như cách diễn tả của Đức Đạt Lai Lạt Ma khi được Piers Morgan phỏng vấn .
Chàng nói như máy. Máy nói.
Chữ ký của chàng cũng khác lạ.
Nó trông giống một đoạn hàng rào thép gai : lởm chởm, góc cạnh. Mấy chữ hoa nhô cao hẳn lên, bất thường. Loại chữ ký như thế này, theo dân bói toán, cho thấy một hạng người luôn luôn bị ám ảnh bởi thứ quyền hành của riêng mình. Chẳng mấy thân thiện hay cởi mở với người khác. Chẳng chịu nhường ai. Mỗi lần ký xong một executive order, chàng đưa cao cho ai cũng nhìn thấy rõ chữ ký của mình, khuôn mặt sáng lên, kiêu hãnh và thỏa mãn. Mặc dầu, sau đó, executive order vẫn chỉ là executive order !
Đồng thời, chàng hồn nhiên. Rất hồn nhiên nữa là khác. Chàng tưởng làm tổng thống chỉ là chuyển từ một hợp đồng này sang một hợp đồng khác và chàng vẫn cứ là boss như tự thuở nào. Thích là ký, thích là đuổi việc, thích là tweet, thích là rầy la. Hóa ra, làm tổng thống khó hơn chàng tưởng trước đây ; hóa ra, chận đứng tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn không dễ gì ; hóa ra, chuyện loại bỏ bảo hiểm y tế của Obama phức tạp đến thế ; hóa ra, hễ chàng nói chuyện gì với viên giám đốc FBI cũng bị tay này ghi ghi chép chép lại trong "memo", vân vân và vân vân. Rõ là khá trẻ con và ngây thơ, vừa rất đáng ghét nhưng có lúc trông cũng… đáng yêu. Chàng nói tới rồi chàng nói lui. Chàng nói trái rồi chàng nói phải. Chàng bêu riếu người này, nói móc họng người khác. Chàng lẫy, chàng hờn, chàng giận. Mà giận nhất vẫn là con mệ crooked hillary ! Hễ có dịp là chàng lại lôi nàng ra mà nói nặng nói nhẹ, y như hồi còn tranh cử. Rốt cuộc, người mà chàng thích nhất là… chính chàng. Với chàng, me first. Chàng hay tự khen mình. Tự khen khi chưa làm, tự khen trước khi làm và thậm chí tự khen cả khi… không làm được.
Chẳng thế mà, trong một bài báo mới nhất, hôm 12/5/2017, Michael D’Antonio gọi chàng là một "tổng thống bé con" (a little boy president). Nhà báo này không có ý bêu riếu đâu, vì có lần chính chàng thú nhận là "Khi tôi nhìn vào chính tôi lúc còn học sinh lớp Một và nhìn tôi bây giờ, tôi thấy về căn bản vẫn là một người. Tính tình không có gì khác lắm".
Vâng, đúng là không khác. Có điều, cậu bé lớp Một ngày xưa có nói này nói nọ, cũng chỉ dính líu đến bản thân cậu bé, còn "tổng thống bé con" ngày nay, nhất cử nhất động đều ảnh hưởng đến toàn thế giới. Từ ngày chàng nhậm chức đến giờ, cả thế giới gần như chao đảo theo chàng. Đùng một cái, chàng nói chuyện với Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan ; đùng một cái, chàng đòi oanh tạc Bắc Hàn rồi cũng đùng một cái, chàng đòi nói chuyện với Kim Jong-un ; đùng một cái, chàng mời viên tổng thống giết người như ngóe Rodrigo Duterte đến thăm Mỹ ; đùng một cái, chàng cách chức giám đốc FBI James Comey ; đùng một cái, chàng khoe tài liệu mật cho Nga…
Vụ cách chức giám đốc FBI mới vui. Thay vì cách chức một cách đàng hoàng, trực diện, chàng sai người hộ vệ thân tín của mình mang lá thư cách chức đến văn phòng của Comey, trong khi tay trùm cảnh sát này đang đi công tác ở Los Angeles và nghe tin sét đánh khi đang thuyết trình trước nhân viên của mình.
Tính tình bốc đồng, hay thay đổi, lại hành động và quyết định theo bản năng và sở thích riêng, cho nên rất, rất nhiều lần, đám quần thần lúng ta lúng túng, giải thích vòng vo. Tội nghiệp nhất là viên thư ký báo chí tòa Bạch Ốc Sean Spicer và viên phó tổng thống Mike Pence. Mỗi lần báo chí hỏi dồn, hai ngài cứ nói quanh nói quất hoặc là chằm chằm bênh chàng cho đến cùng, để rồi sau đó mới bật ngữa ra là bênh sai.
Không thích ai, chàng tweet. Tweet nào của chàng cũng đưa đến tranh cãi, đoán già đoán non. Bằng cách tweet, và với số lượng lên đến hàng chục triệu, chàng qua mặt truyền thông. Chính khách nào cũng o bế truyền thông. Chàng, ngược lại, chống. Chống liên tục, chống tối đa. Chống như một cuộc thập tự chinh.
Với cung cách đó, chàng là một tổng thống phá cách. Về nhiều mặt.
Trước hết, chàng thuộc hạng vô chiêu, vô chiêu rất thành thật. Y như một siêu chiến lược. Rốt cuộc, vô chiêu, với chàng, chỉ đơn giản có nghĩa là… vô chiêu.
Chàng phớt lờ các thủ tục ngoại giao
Chàng không thích lối "quân tử" kiểu Tàu : "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy". Hôm nay chàng nói ngược, ngày mai chàng nói xuôi tự nhiên như nhiên.
Chàng cũng chẳng cần "lựa lời" kiểu Việt Nam :
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Tố cáo không cần bằng chứng. Nói sai không cần xin lỗi. Biên giới giữa đúng/sai, bạn/thù, ngược/xuôi rất mong manh, mờ nhạt. Nó chỉ thay đổi qua một đêm, một lần gặp gỡ hay một lời phát biểu.
Chàng tạo ra một tổng-thống-tính kiểu mới ; thậm chí không cần cả tổng-thống-tính. Chàng là tổng thống chỉ của phe chàng. Mỗi lần bực bội là chàng tụ họp các fan của chàng ở đâu đó ngoài thủ đô để chàng mặc sức nói hươu nói vuợn và nghe những tràng vỗ tay vang vọng tới trời. Như thời còn đi tranh cử.
Chàng coi đại sự là tiểu sự ; và biến tiểu sự thành đại sự. Trong lúc xem thường những sự kiện có tầm mức ảnh hưởng lớn trên thế giới, chàng lại quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt, có cái rất nhỏ nhặt như lời phê bình tiệm ăn của một khách hàng, số người tham dự ngày lễ nhậm chức, số phiếu bầu phổ thông, chuyện tờ báo New York Times sụt giảm số người đặt mua, chê diễn viên hài Colbert hay những vở kịch diễu hài của Saturday Night Live.
Cách nói tiếng Anh của chàng thì tiềm ẩn vô số phá cách. Một số ký giả gọi những phát biểu của chàng là word salad, xà lách chữ. Gì vậy ? Word salad là những chữ hay nhóm chữ được chọn lựa một cách tình cờ liên kết với nhau trong một cấu trúc bất khả tri. Có thể xem đó là một sự trộn lẫn những từ hay nhóm từ thường được chọn lựa tùy tiện không cho một nghĩa rõ ràng [1]. Những vấn đề về tinh thần thường là nguyên nhân cho những phát ngôn hỗn loạn (disorganized speech). Sau đây là vài món "xà lách chữ" của chàng :
Đề cập đến Iran :
Look, having nuclear-my uncle was a great professor and scientist and engineer, Dr. John Trump at MIT ; good genes, very good genes, OK, very smart, the Wharton School of Finance, very good, very smart - you know, if you’re a conservative Republican, if I were a liberal, if, like, OK, if I ran as a liberal Democrat, they would say I’m one of the smartest people anywhere in the world - it’s true ! - but when you’re a conservative Republican they try-oh, do they do a number-that’s why I always start off : Went to Wharton, was a good student, went there, went there, did this, built a fortune…
Đề cập đến việc thay thế Obamacare :
We have to come up, and we can come up with many different plans. In fact, plans you don’t even know about will be devised because we’re going to come up with plans - health care plans - that will be so good.
Đề cập đến việc Obama gài máy nghe lén Trump :
Well, I’ve been reading about things. I read in, I think it was January 20 a "New York Times" article where they were talking about wiretapping. There was an article, I think they used that exact term. I read other things. I watched your friend Bret Baier the day previous where he was talking about certain very complex sets of things happening, and wiretapping. I said, ‘Wait a minute ; there’s a lot of wiretapping being talked about’. I’ve been seeing a lot of things.
Lối phát biểu không giấy tờ, cấu trúc câu lòng thòng, rườm rà, đứt đoạn, có lúc ngưng ngang ở giữa câu và chuyển qua ý khác, khiến cho người ta khó ghi chép lại một cách trung thực những gì chàng phát biểu. Theo ký giả Daniel Libit, chàng là cơn ác mộng của thông tín viên. "Bất cứ khi nào chúng tôi hoàn tất một bản ghi chép những gì chàng nói, luôn có một cái gì ở trong đó khiến cho ta tự hỏi chẳng biết chàng đang nói gì".
Những người ủng hộ chàng nhìn cách khác. Chẳng hạn William Cummings trên USA Today ; ông này cho rằng chàng là một bậc thầy về cách sử dụng ngôn ngữ. Bậc thầy ở chỗ : chữ một đàng nghĩa một nẻo. Đừng hiểu những gì chàng nói theo nghĩa đen. Cố vấn Kellyanne Conway nói với Chris Cuomo (CNN) rằng người ta không hiểu chàng chỉ vì "muốn nghe những gì thoát ra khỏi miệng chàng hơn là nhìn vào những gì thoát ra từ trái tim chàng". Còn nhân dân Hoa Kỳ thì hiểu ngay những gì chàng nói vì họ nhìn thấu trái tim đen của chàng, cũng theo nàng cố vấn.
Nhà ngôn ngữ học George Lakoff, cha đẻ của lý thuyết "ẩn dụ ý niệm" (conceptual metaphor), biện hộ cho chàng theo kiểu hàn lâm hơn. Chàng đơn giản chỉ dùng những cơ cấu diễn ngôn có hiệu quả để truyền đạt những gì chàng muốn truyền đạt cho các khán giả của chàng. "Tôi đã tìm thấy rằng ông ta rất cẩn thận và rất có chiến lược trong cách sử dụng ngôn ngữ. Trump thường bắt đầu một câu và ngừng lại để cho những người ủng hộ ông chấm dứt trong đầu họ cái mà ông ta nói. Họ dường như thấu đạt và chấp nhận (từ trước) những gì ông ta nói mà không cần phải nghe hết câu. Đó là một phản ứng vô thức, tự động, nhất là những khi mà câu, chữ tuôn ra một cách rất nhanh chóng". (…) "Những người thuộc đảng Dân chủ và hầu hết truyền thông đều cho rằng Trump là một tên hề, một ngôi sao của chương rình truyền hình hiện thực không nắm vững vấn đề". (…) "Chín tháng trước cuộc bầu cử, tôi đã bàn về việc Trump đã sử dụng óc não của những người lắng nghe ông như thế nào cho có lợi cho mình". (…) "Tư tưởng vô thức hoạt động dựa trên những cơ cấu căn bản nào đó. Trump sử dụng chúng một cách bản năng để quay não trạng của họ hướng về những gì ông muốn : uy quyền tuyệt đối, tiền tài, quyền hành và danh tiếng".
Tóm lại, cách nói của chàng là chiến lược, không phải là một thứ trộn chữ hổ lốn.
Tuy nhiên, mới đây, cụ Thượng nghị sĩ McCain có một nhận định hơi khác. Hãy nhìn những gì chàng làm hơn là nghe những gì chàng nói. Nhất định là cụ biết đó là danh ngôn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước đây : "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm". Dù sao, giống thì cũng giống mà khác thì có khác. Khen thì nghe ra khen nhưng là chê. Chê chàng nói dở, nói bậy. Để khen chàng làm hay. Chàng làm được những gì nào ? Bỏ Obamacare xong rồi ư ? Xây xong bức tường ư ? Bỏ bom Bắc Hàn ư ? Đem hết jobs về Mỹ ư ? Tống cổ hết bọn di dân lậu ư ? Không nghe cụ McCain nêu rõ.
Nicholas O’Shaughnesy, tác giả của tập sách Selling Hitler : Propaganda and the Nazi Brand, gọi chàng là "viên đại sứ của xã hội hậu-sự-thật" (ambassador of the post-truth society). O’Shaughnesy viết : "Chàng đã phát triển một cá tính giúp chàng nói những điều kỳ quặc và chuyển đảo chúng thành ý nghĩa của ngôn ngữ". Chàng là một hình mẫu tổng thống thuộc loại, không phải "hậu hiện đại", mà là "hậu-sự thật" : a post-truth president. Post-truth là gì ? Là "có liên hệ đến hay bao hàm những tình huống trong đó những sự kiện khách quan có ít ảnh hưởng đến việc hình thành dư luận hơn là những gì gây nên xúc cảm hay niềm tin cá nhân" [2]. Đây là một tính từ (adjective) mới được tổ hợp biên soạn tự điển Oxford Dictionaries (Anh) chọn làm từ vựng của năm 2016 (Word of the Year 2016). Từ này xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1992, nhưng năm 2016 đã được sử dụng đến mức tối đa, tăng 2000% so với năm 2015, nhân sự kiện Brexit ở Anh và bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Nói cụ thể ra, một tổng thống hậu-sự-thật là một nhà lãnh đạo không cần kinh nghiệm, không cần nghiêm túc, không cần ngoại giao, không cần giữ lời, không cần xin lỗi. Và không cần sự kiện. Nếu có sự kiện thì đó là sự kiện chọn lựa/alternative facts, nói như Kellyanne Conway, nàng cố vấn trẻ của chàng. Mọi điều đều là cảm giác, là xúc động và chẳng còn một thứ chân lý khách quan nào cả. Vân vân và… vân vân.
Phải chăng chúng ta đang tiến dần đến một xã hội hậu-sự-thật như thế ?
Và, chàng quả đúng là một cách tân. Là đại diện, là tiêu biểu cho một xu thế mới.
Có phải chàng đã tạo ra chàng ? Không. Đó đã là sự chọn lựa của nước Mỹ.
Nước Mỹ rồi sẽ theo chàng hay bỏ chàng ?
Chờ xem.
Riêng tôi, tôi sẽ theo chàng… tới bến.
Trần Doãn Nho
Nguồn : trachnhiemonline.com, 28/05/2017
Tài liệu :
– Bue Rübner Hansen & Rune Moller Stahl, "The Fallacy of Post-Truth".
– George Lakoff, "Understanding Trump’s use of language".
– George Lakoff, "A Minority President : Why the Polls Failed, and What the Majority Can Do".
– Oxford Dictionaries
– William Cummings, "Trump is a master of language".
– Michael D’Antonio, "The little boy president".
[1] The term word salad refers to a random words or phrases linked together in an often unintelligible manner. Often, a listener is unable to understand the meaning or purpose of the phrase. Mental health issues can often be the cause of disorganized speech such as word salad. Word salad is a "confused or unintelligible mixture of seemingly random words and phrases
[2] Relating to or denoting circumstances in which objective facts are less influential in shaping public opinion than appeals to emotion and personal belief (Oxford Dictionaries).