Chân Như : Xin chào ông, trước hết xin ông có thể chia sẻ với khán giả thông tin mới nhất về tình hình nhân quyền ở Việt Nam ?
Phóng viên Chân Như phỏng vấn ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á thuộc HRW. RFA photo
Phil Robertson : Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch chuẩn bị đưa ra thông báo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam vào thứ Hai tuần tới và sẽ kiểm chứng tình trạng sử dụng côn đồ hành hung các nhà hoạt động và sự liên kết giữa các nhóm côn đồ này với Chính phủ.
Đây sẽ là một cuộc kiểm chứng toàn diện, không chỉ sử dụng các bản báo cáo và còn cả các đoạn ghi hình và sẽ thay đổi cách mọi người hiểu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam bởi vì tất cả những gì chúng ta nhìn thấy trong suốt những năm 2011, 2012, 2013 là việc chính phủ mở rộng việc khởi tố các nhà hoạt động theo Bộ luật Hình sự. Và đột nhiên, cộng đồng quốc tế đồng loạt quan tâm đến các tù nhân chính trị ở Việt Nam và họ đặt ra câu hỏi là điều gì đang diễn ra ở đất nước này vậy ?
Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã nhận ra là thế giới đang đánh giá họ qua số lượng nhà hoạt động bị đưa ra tòa. Cho nên bây giờ họ đã thay đổi chiến lược. Chỉ những người đứng đầu mới bị đưa ra tòa, còn những người tầm trung, hay những người xuất hiện trong các cuộc biểu tình bây giờ sẽ bị côn đồ hành hung, đánh đập, thậm chí là ngay trước mắt chính quyền. Và khi những nhà hoạt động báo là họ bị đánh đập, không ai là người đứng lên chịu trách nhiệm cả.
Chân Như : Ông nói rằng bản báo cáo sẽ được công bố vào thứ 2 tuần tới, liệu báo cáo này có đề cập đến cụ thể nhà hoạt động hay nhà bất đồng chính kiến nào không ?
Phil Robertson : Như tôi đã nói, báo cáo sẽ đề cập đến những vụ việc mới nhất. Khán giả chắc cũng đã ước tính được số lượng những người bị côn đồ tấn công. Vì vậy chắc chắn họ sẽ không thất vọng về nội dung bản báo cáo này.
Chân Như : Theo quan điểm của ông vì sao chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng các biện pháp mạnh chẳng hạn như sử dụng côn đồ để tấn công các nhà hoạt động ?
Phil Robertson : Tôi nghĩ đây là một cách nhằm dập tắt tiếng nói của các nhà hoạt động và thể hiện khả năng kiểm soát của chính quyền. Trong một số vụ như Formosa chẳng hạn, họ nhận thấy rằng người dân biểu tình không chỉ vì chuyện bồi thường chưa thỏa đáng, mà họ còn đòi hỏi chính quyền phải chịu trách nhiệm và phải đưa ra lời giải thích về thảm họa này.
Họ nhận ra rằng họ không thể kiểm soát được tình hình vì vậy họ làm nản lòng những người chủ chốt và họ muốn các nhà hoạt động là họ phải trả giá cho hành động của họ bằng cách sử dụng côn đồ đe dọa, khiến các nhà hoạt động lo sợ rằng bất cứ khi nào họ cũng có thể bị tấn công chẳng hạn như khi họ đang lái xe đến nơi nào đó. Nỗi sợ này chính là mục tiêu của Chính phủ khi sử dụng côn đồ.
Ông Phil Robertson. RFA photo
Chân Như : Vậy thì luật pháp Việt Nam có được tuân thủ hay không hay chỉ là lời nói cửa miệng ?
Phil Robertson : Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, luật pháp là bất cứ luật nào họ nói ra. Những luật này không nhất thiết sẽ được thực thi, cũng không quan trọng đối tượng là ai, tình trạng ra sao và hành động của họ là thế nào. Thực chất là luật Đảng còn mạnh hơn cả luật pháp.
Chân Như : Những kêu gọi của các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch có tác động lên Chính phủ Hà Nội không ?
Phil Robertson : Tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra nhiều ảnh hưởng. Chính phủ Việt Nam rất nhạy cảm về hình ảnh của họ trong mắt quốc tế. Họ đã thực hiện nhiều biện pháp để thuyết phục những tổ chức họ quan tâm như Liên Hiệp Quốc rằng họ đang nỗ lực giải quyết vấn đề nhân quyền. Tôi nghĩ đó là một đòn bẩy quan trọng thúc giục họ thay đổi các chính sách. Chúng tôi cũng chứng kiến nhiều bước tiến khác như việc giảm số lượng án tử hình, công nhận quyền cho cộng đồng người đồng tính.
Đây là sự nhượng bộ với cộng đồng quốc tế trong các lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam nhận ra rằng việc họ nhượng bộ về nhân quyền không hề ảnh hưởng lớn đến quyền kiểm soát xã hội của họ. Hiện tại Chính phủ Việt Nam chỉ quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực. Họ đang nỗ lực dập tắt tất cả những phong trào quần chúng, họ phá vỡ sự liên kết giữa các nhà hoạt động trong mọi chiến dịch như lao động hay môi trường, hay những người chống Tàu cũng bị xếp vào hàng chống đối chính quyền.
Chân Như : Ông nghĩ điều gì có thể giúp đóng góp thêm vào các hoạt động thúc giục Chính phủ Hà Nội thay đổi các chính sách thù nghịch thành những tiếng nói ôn hòa về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do cho người Việt Nam ?
Phil Robertson : Tôi nghĩ thứ chúng ta thiếu hiện giờ là những tiếng nói của cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền. Chúng tôi rất thất vọng khi Tổng thống Donald Trump mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ mà không đề cập gì đến vấn đề nhân quyền. Điều đó có nghĩa là Nhà Trắng đón chào những kẻ độc tài. Và thật đáng xấu hổ khi Tổng thống Trump đã xóa bỏ thông lệ nhân quyền là một phần của chính sách Hoa Kỳ.
Tuy nhiên các quốc gia khác cần đứng lên lấp khoảng trống mà ông Trump tạo ra, chứ đừng bỏ bên vấn đề nhân quyền giống ông ấy. Liên minh châu Âu, Úc, Canada, New Zealand và các nước như Nhật Bản, Nam Hàn, nơi mà dân chủ, nhân quyền được tôn trọng, cần đưa nhân quyền vào chính sách của họ và lên tiếng công khai yêu cầu Việt Nam thay đổi.
Chân Như : Xin cám ơn những chia sẻ của ông.
Chân Như, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 16/06/2017
Tổng thống cộng hòa Donald Trump đã quay lưng với quyền con người ở Việt Nam khi ông ta nhặt được nhiều đồng xu trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 đến 31/05/2017.
Quang cảnh cuộc hội đàm cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: VGP
Bằng chứng như tin Chính phủ Việt Nam phổ biến : "Chúng tôi đã ký hợp đồng gần 15 tỷ USD, chủ yếu từ nhập khẩu các thiết bị dịch vụ từ Hoa Kỳ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo với gần 300 doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Các báo Việt Nam đồng loạt đưa tin : "Tối 30/5, giờ Washington (sáng 31/5, giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và tiệc chào mừng do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) đồng chủ trì với sự tham dự của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Alexander C. Feldman, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Thomas J.Donohue và gần 300 doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thủ tướng cho biết, tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam là 10,2 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và việc làm cho Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp đều muốn đóng góp vào thúc đẩy quan hệ song phương. Xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng 77% trong những năm gần đây".
Tiền lớn hơn nhân quyền
Đó là kết qủa chuyến sang Mỹ của phái đoàn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc đã biết chọn người và tiêu tiền đúng chỗ nên theo Bản Tuyên bố chung và tường thuật của các Phóng viên báo chí nhà nước đi theo đoàn Việt Nam thì trong suốt cuộc hành trình 3 ngày ở Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc (29-31/05/2017), không nơi đâu, kể cả tại Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao, những vi phạm quyền con người ở Việt Nam đã được chính quyển Trump quan tâm.
Hành động xoay chiều của chính quyền Trump coi quan hệ kinh tế quan trọng và cần thiết hơn các quyền cơ bản của con người, kể cả nhân quyền và các quyền tự do tư tưởng và tôn giáo của đồng bào trong nước là một bài học rất đắt giá cho cuộc tranh đấu của người Việt Nam.
Bời vì, chỉ một cuộc gặp ngắn ngủi ngày 31/05/2017 tại Bạch Ốc thôi, mà ông Donald Trump đã xóa đi tất cả những thành tích bảo vệ quyền con người Việt Nam trong 24 năm cầm quyền (từ 1993 đến 2016) của ba đời Tổng thống Hiệp Chủng Quốc (42) Bill Clinton (Dân chủ), (43) George W. Bush (Cộng hòa) và (44) Barack Obama (Dân chủ).
Kinh tế hơn nhân quyền
Bằng chứng là ông Donald Trump, một nhà kinh doanh thành công trước khi đắc cử Tổng thống tháng 11/2016, đã không nói hay viết một chữ về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù Việt Nam đã bị
các Tổ chức Nhân quyền, Tôn giáo Liên Hiệp Quốc và Thế giới lên án từ nhiều năm qua.
Ngay Bộ Ngoại giao Mỹ, dưới thời các vị Tổng thống tiền nhiệm, năm nào cũng ra Báo cáo tình trạng nhân quyền trên thế giới và chưa hề bao giờ Việt Nam được coi là quốc gia có thành tích tốt về các quyền con người.
Chính quyền Donald Trump, tuy mới cầm quyền ít tháng đã nhanh chóng coi nhẹ chuyện nhân quyền. Vì vậy, không ngạc nhiên khi thấy Tuyên bố chung đã nói nhiều đến hợp tác kinh tế và mối lợi nhuận của hai nước.
Những điểm hai bên thỏa hiệp sau đây được phổ biến tại Hà Nội sáng ngày 1/6/2017, theo đó :
- Hai nhà lãnh đạo cam kết tích cực tăng cường quan hệ kinh tế cùng có lợi và ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy thịnh vượng cho cả hai nước. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục ủng hộ hợp tác phát triển giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài, bao gồm các công ty Hoa Kỳ kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam ; thực thi và bảo vệ sở hữu trí tuệ ; hoàn thiện luật lao động phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
- Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại song phương và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt thông qua việc triển khai có hiệu quả Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng.
- Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc xử lý một số vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm dịch vụ chuyển vùng điện thoại và thuốc thú y, và cam kết sẽ tiếp tục phối hợp trên tinh thần xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề ưu tiên khác của mỗi bên, như sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và quảng cáo, sản phẩm an ninh thông tin, nội tạng trắng, bột bã ngô, cá da trơn, tôm, xoài và các vấn đề khác.
- Phía Hoa Kỳ ghi nhận quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường và hai bên nhất trí tiếp tục tham vấn một cách hợp tác và toàn diện thông qua việc đẩy mạnh nhóm làm việc song phương. Hai bên hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá hơn 8 tỉ USD.
- Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng song phương trên cơ sở Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015.
Hai nhà lãnh đạo trao đổi về quyết định vừa qua của Chính phủ Hoa Kỳ chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển.
Quyền con người ở đâu ?
Trong lĩnh vực quyền con người, mặc dù ai cũng biết đang tiếp tục bị nhà nước xâm hại nghiệm trọng ở Việt Nam, nhưng Tuyên bố chung chỉ nói cho có nói nguyên văn như sau :
- "Tổng thống Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh kết quả của các cuộc đối thoại thẳng thắn, xây dựng về quyền con người, đặc biệt là vòng 21 Đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 5 năm 2017, nhằm thu hẹp khác biệt và tiếp tục xây dựng lòng tin. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và sự liên hệ giữa quyền con người với an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
- "Hai nước khuyến khích tăng cường hợp tác để bảo đảm tất cả mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng giới tính, cũng như người khuyết tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người. Hoa Kỳ hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền cho mọi người dân".
Nên nhớ, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam không ngừng lên án và cáo buộc những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và quyền tự do tư tưởng, báo chí, thông tin ở Việt Nam luôn luôn bị đàn áp và bắt bỏ tù vì lý do bịa đặt được gọi là xâm phạm "an ninh quốc gia".
Do đó, khi Tổng thống Donald Trump đồng ý ghi câu này vào Tuyên bố chung là ông đã mắc bẫy Nguyễn Xuân Phúc.
Nhân quyền Việt Nam dưới ba đời Tổng thống Mỹ
Ngược lại, nước Mỹ, kể từ thời tổng thống Bill Clinton đến hai đời tổng thống Gorge W. Bush và Barack Obama, không khi nào tình hình nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam đã bị các ông làm ngơ.
Bằng chứng năm 2006, khi thăm Việt Nam, hai nước đã ra Tuyên bố chung, trong đó có đoạn viết : "Tổng thống George Bush thông báo về Chiến lược An ninh quốc gia của Hoa Kỳ, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng đầy đủ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản đối với hoà bình thế giới cũng như đối với sự phát triển ổn định của mỗi quốc gia. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thông báo cho Tổng thống George Bush về các luật và quy định mới được ban hành về tự do tôn giáo cần được thực thi tích cực tại tất cả các địa phương của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục đạt tiến bộ trong đối thoại song phương về quyền con người và tái khẳng định rằng đối thoại cần được tiến hành một cách toàn diện, xây dựng và có kết quả".
Sau đó năm 2007, trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thông cáo của Tòa Bạch ốc viết về tuyên bố của Tổng thống Bush về nhân quyền như sau :
"Tôi cũng nói rất rõ là để có được mối quan hệ vững chắc hơn, tôi nghĩ rất quan trọng là những người bạn của chúng ta cũng cần có những cam kết về nhân quyền, các quyền tự do và dân chủ. Tôi cũng đã giải thích tôi mãnh liệt tin rằng xã hội chỉ có thể phồn vinh khi con người hoàn toàn được phép bầy tỏ quan điềm của mình và quyền được tự do thờ phượng".
("I also made it very clear that in order for relations to grow deeper that it's important for our friends to have a strong commitment to human rights and freedom and democracy. I explained my strong belief that societies are enriched when people are allowed to express themselves freely or worship freely").
Đến năm 2013, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ và gặp Tổng thống Obama tại Bạch Ốc, bản Tuyên bố chung cũng viết :
"Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người ; nhất trí tiếp tục thông qua đối thoại xây dựng và tôn trọng lẫn nhau để tăng cường hiểu biết, giảm thiểu khác biệt, không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước".
Và sau cùng, trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015, hai bên đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung, trong đó khẳng định :
"Hai nước hứa hẹn tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt.
Hai nước khuyến khích sự hợp tác hơn nữa nhằm bảo đảm rằng mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính, và bao gồm cả người tàn tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người".
Biển Đông
Bên cạnh những vấn đề của hai nước, Mỹ và Việt Nam cũng lên tiếng về tình hình Biển Đông như sau :
- Tổng thống Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Biển Đông là tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác ; bày tỏ lo ngại về tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á –Thái Bình Dương.
- Hai bên cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong quá trình giải quyết tranh chấp. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp. Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Tuyên bố của hai nước về Biển Đông không có gì mới hơn lập trường cố hữu của Mỹ thời Tổng thống Barack Obama. Nhưng Ông Obama đã mất hơn 7 năm để hoàn tất Hiệp dịnh Hợp tác kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) với 11 nước khác, kể cả Việt Nam với chủ trương khống chế ảnh hưởng bành trướng quân sự và kinh tế của Trung quốc.
Nhưng khi lên cầm quyền, ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP nên Trung Quốc đã rảnh tay hơn để phát động chiến lược Một Vành Đại - Một con đường để bành trướng thế lực kinh tế và chính trị (hay còn gọi là Con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển).
Bây giờ, chính quyền Donald Trump lại coi chuyện nhân quyền không lớn bằng đồng xu thì nhân dân các nước bị độc tài và độc quyền đán áp biết trông cậy vào ai ?
Phạm Trần
(01/06/2017)
Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, một nhà hoạt động xã hội và lên tiếng vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm 4 tỉnh miền Trung bị bắt giam, hai người nhận lệnh truy nã toàn quốc cũng vì phản đối Formosa.
Hoàng Đức Bình (trái) đã bị bắt và Bạch Hồng Quyền đang bị truy nã do lên tiếng về vụ Formosa. RFA photo
Báo động
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc tổ chức theo dõi nhân quyền khu vực Á Châu cho biết ông quan tâm và theo dõi sát sao diễn biến của những ngày vừa qua. Đưa ra nhận định về việc bắt giữ cũng như truy nã đối với những người lên tiếng bảo vệ môi trường, chống đối Formosa, ông Phil Robertson nói rằng có hai vấn đề Tổ chức theo dõi nhân quyền đề cập đến :
"Trước tiên, chúng tôi cho rằng công ty Formosa mới chính là đối tượng cần phải bị truy tố, đối diện với những bản án bởi vì đó chính là nguyên nhân gây ra thảm hoạ môi trường và huỷ hoại đời sống của người dân. Chính phủ Việt Nam cần phải thực thi việc đó chứ không phải điều tra, hay bắt giữ những người lên tiếng".
Từ tháng 4 năm 2016, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh, xả thải gây ra thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển, làm cho cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh ven biển miền Trung. Báo cáo của chính phủ năm ngoái cho biết đời sống của hơn 200 ngàn người dân bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ này.
Rất nhiều các nhà hoạt động xã hội đưa tin hoặc lên tiếng mạnh mẽ phản đối hoạt động của Formosa ở Việt Nam và bị chính quyền kết vào tội "gây rối trật tự công cộng" theo Điều 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam ; "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 của Bộ luật Hình sự.
Ngày 15 tháng 5, Hoàng Bình, nhà hoạt động xã hội, cũng là thành viên của Lao động Việt, bị chính quyền công an tỉnh Nghệ An bắt giữ vì hành vi chống người thi hành công vụ, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, qui định tại điều 257, và 258 bộ luật hình sự Việt Nam.
Báo Công An Nghệ An nói rằng Hoàng Bình đã lợi dụng sự cố Formosa, cùng các linh mục cực đoan thuộc giáo phận Vinh tổ chức biểu tình gây mất trật tự xã hội tại Hà Tĩnh và Nghệ An.
Trong tuần lễ trước đó, một nhà hoạt động xã hội khác là Bạch Hồng Quyền cũng bị công an Hà Tĩnh truy nã, vì bị cho là đã kích động khoảng 2000 người dân phản đối Formosa và hành xử bạo lực của công an, dẫn đến việc chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vài giờ đồng hồ, vào ngày 3 tháng tư năm 2017.
Cũng trong ngày 15 tháng 5, báo mạng Nghệ An công bố lệnh truy nã toàn quốc một nhà hoạt động xã hội tại Nghệ An là ông Thái Văn Dung vì không chấp hành lệnh 4 năm quản chế.
Nhận xét về những diễn tiến mới nhất này, ông Phil Robertson cho rằng động thái đàn áp những người phản đối Formosa, kêu gọi Formosa chịu trách nhiệm việc gây ra ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động.
" Sự việc đã nói lên một điều rằng chính phủ Việt Nam đang cố gắng tìm mọi cách ngăn cản quyền lên tiếng và quyền tự do của người dân. Cũng chính điều đó cổ suý cho việc làm thiếu trách nhiệm của một công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi gây ra thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển.
Với tôi, dường như nhà đầu tư nước ngoài không hề quan tâm đến vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ở ngưỡng báo động. Thế nhưng ngược lại, khi người dân biểu tình đòi quyền lợi hoặc đòi bồi thường thoả đáng thì lại bị buộc tội và bị bắt giam".
Những hình ảnh và video do người dân địa phương và những nhà hoạt động khác đưa lên mạng xã hội những ngày qua cho thấy rất nhiều lực lượng an ninh, cơ động được chính quyền Việt Nam sử dụng để ngăn chặn, đàn áp người tham gia các cuộc biểu tình.
Chính quyền địa phương và truyền thông nhà nước khẳng định những người bị bắt như Hoàng Bình, Bạch Hồng Quyền đã kích động biểu tình. Cụ thể là thông cáo của tỉnh Nghệ An đưa ra hôm 16 tháng 5 nói rằng Hoàng Bình là đối tượng đã kích động người dân biểu tình, chiếm trụ sở Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 4 vừa qua.
Ngược lại, một người dân có mặt trong cuộc biểu tình hôm đó cho biết, lý do khiến hàng ngàn người dân tụ tập trước trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà sáng 3/4 :
"Vào đêm ( 2 tháng tư) công an trà trộn vào những bạn trẻ uống cà phê để áp đảo dân : một công an huyện và một công an xã đánh dân bị thương tích và nổ súng.
Thứ hai đòi hỏi về việc bôi nhọ linh mục đoàn và giám mục Giáo phận Vinh.
Thứ ba đòi hỏi về việc đền bù cho người dân đã kê khai, số hàng đã lập văn bản, kê khai nhưng đến nay không giải quyết".
Báo cáo mới của HRW
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Á Châu. AFP photo
Một sự việc đáng chú ý được truyền thông mạng đưa lên rất nhiều, đó là trong thời gian gần đây, xảy ra những trường hợp lực lượng an ninh mặc thường phục, giả danh côn đồ tấn công các nhà hoạt động hoặc người bất đồng chính kiến ngoài đường phố hoặc trong những cuộc biểu tình. Những nạn nhân bị tấn công cho biết các sự việc đó đều không được pháp luật Việt Nam giải quyết thoả đáng.
Ông Phil Robertson cho biết, một bản báo cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền về vấn đề này sẽ được đưa ra trong khoảng hai tuần nữa.
"Một bản cáo cáo mới sẽ được đưa ra trong vòng khoảng hai tuần nữa, liên quan đến cách thức mà chính phủ Việt Nam áp dụng để đàn áp người biểu tình, không chỉ biểu tình chống đối Formosa mà cả những cuộc biểu tình vì mục đích khác. Chính quyền Việt Nam thuê những người không mặc thường phục để thực hiện việc đàn áp, đánh đập người biểu tình.
Đã có nhiều trường hợp như thế và chúng tôi nhận thấy tình trạng này đang có xu hướng ngày càng tăng. Chúng ta cần phải chấm dứt điều này".
Ông nhấn mạnh thêm Tổ chức theo dõi nhân quyền sẽ tiến hành điều tra những sự việc trên.
"Chúng tôi sẽ thúc đẩy yêu cầu chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho những nhà biểu tình ôn hoà đấu tranh cho môi trường. Chúng tôi cũng yêu cầu những người bị bắt giữ phải được quyền tiếp cận với luật sư của họ".
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng trở ngại lớn nhất của tội "xâm phạm an ninh quốc gia" là những người bị bắt giữ không được phép làm việc với luật sư cho đến khi kết thúc quá trình điều tra, và có nhiều trường hợp mà thời gian điều tra kéo dài đến 20 tháng.
Front Line Defenders, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Ireland, cũng đưa lên trang nhà lời kêu gọi chính quyền Việt Nam phảu huỷ bỏ cáo buộc và trả tự do vô điều kiện đối với Hoàng Bình và thu hồi lệnh bắt giữ Bạch Hồng Quyền.
‘Mỗi người là một Hoàng Bình’
Trong lúc các Tổ chức nhân quyền thế giới cùng lên tiếng về trường hợp của Bạch Hồng Quyền, Hoàng Bình cũng tình hình nhân quyền ở Việt Nam, thì ngay trong nước dấy lên lời kêu gọi "mỗi người là một Hoàng Bình, một Bạch Hồng Quyền" như một phản ứng chống lại quyết định của nhà cầm quyền.
Hoàng Thành, thành viên của Green Trees, từ Hà Nội cho biết đó là việc nên làm. Bất cứ ai lên tiếng lúc này đều là một việc làm thiết yếu để cho biết Formosa đang ảnh hưởng đến mức nào đối với cuộc sống của người dân.
"Mình nghĩ là nên làm. Đó là một thành tố rất tốt trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì phía truyền thông nhà nước, trước khi anh Bạch Hồng Quyền và anh Hoàng Bình bị truy nã thì một số trang Facebook hoặc truyền thông nhà nước từng bôi nhọ hành động chính đáng là bảo vệ môi trường của anh Hoàng Bình".
Nguyễn Phương, từ Sài Gòn, cũng là người hoạt động sôi nổi trong việc đòi hỏi môi trường sạch cho biết :
"Tôi nghĩ là nó sẽ có sức ảnh hưởng vì chúng ta thể hiện là chúng ta không có gì phải sợ hãi trước chính quyền đàn áp bắt bớ người dân trái pháp luật. Không thể nào bắt hết tất cả những người như Hoàng Bình".
Tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại Washington DC, hôm 11/5 vừa qua, ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Hoa Kỳ cũng nhắc đến những hành vi đàn áp và bắt bớ người lên tiếng phản đối Formosa của chính quyền Việt Nam. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Việt Nam phải thả các tù nhân lương tâm và dừng ngay việc bắt giữ những người hoạt động vì môi trường trong cuộc Đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 21 diễn ra vào cuối tháng 5 này.
Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế ra phúc trình 2017 (RFA, 27/04/2017)
Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, USCIRF vào ngày 26 tháng tư công bố phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo tại một số quốc gia.
Giao diện trang web của uscirf.gov. Photo : uscirf.gov.
Chủ tịch USCIRF, linh mục Thomas Reese, phát biểu nhân dịp công bố phúc trình rằng về mặt tổng quát USCIRF kết luận tình hình vi phạm tự do tôn giáo đang ngày càng xấu đi cả về chiều sâu và diện rộng. Trong phúc trình năm nay, USCIRF kêu gọi Quốc hội và Chính quyền Hoa Kỳ kiên trì nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, ở mọi nơi thông qua những tuyên bố công cũng như ở những cuộc gặp chung hay riêng.
Trong phúc trình năm nay, USCIRF kêu gọi Ngoại trưởng Hoa Kỳ đưa Nga vào diện quốc gia cần quan tâm- CPC vì Matxcova tiếp tục sử dụng luật gọi là chống cực đoan như công cụ giới hạn quyền tự do của nhiều giáo phái khác nhau.
Việt Nam cũng bị USCIRF kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ đưa lại vào danh sách CPC.
USCIRF thừa nhận trong năm qua từ khi Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo được thông qua dù chưa hoàn toàn đáp ứng những chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này, Việt Nam có một số tiến triển trong cải thiện điều kiện cho quyền tự do tôn giáo. Tuy vậy, nhiều vi phạm nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, đặc biệt đối với những cộng đồng thiểu số ở những vùng nông thôn tại một số tỉnh.
************************
Công bố danh sách chế tài theo luật Magnitsky đợt 2 (RFA, 27/04/2017)
Danh sách đề nghị chế tài đợt 2 theo Luật Magnisky toàn cầu được tổ chức BPSOS ở Hoa Kỳ công bố hôm 27 tháng 4.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (trái), giám đốc BPSOS trong một buổi hội thảo về nhân quyền cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ ngày 16/1/2014. AFP photo
Danh sách đợt 2 gồm 21 nhân vật, trong đó có 19 giới chức chính quyền cấp thành phố, huyện và phường liên quan đến vụ cưỡng chế đất của người dân Cồn Dầu, Đà Nẵng.
Danh sách này thuộc bộ hồ sơ số 4 trong tổng cộng 6 bộ hồ sơ đã nộp cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ cuối tháng 2 vừa qua.
Các hành vi đàn áp nhân quyền trong hồ sơ Cồn Dầu được nêu ra là tra tấn và đánh chết người. Sự việc xảy ra từ năm 2010.
Trong hồ sơ có tên ông cựu bí thư thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, lúc đó kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, tuy đã qua đời, nhưng vẫn bị nêu tên trong hồ sơ vì là tâm điểm của mạng lưới liên can đến nhân quyền và tham nhũng. Ông Thanh được cho là người chủ chốt đứng đằng sau kế hoạch vụ Cồn Dầu.
Cũng liên quan đến đất đai Cồn Dầu, vào ngày 24 tháng 4 vừa qua, UBND Thành phố Đà Nẵng có buổi đối thoại trực tiếp với các hộ dân ở giáo xứ Cồn Dầu về phương án tái định cư của Thành phố Đà Nẵng.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin cho biết chỉ có 3 trong số 87 hộ tham dự đối thoại.
Báo trích dẫn lời ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết sẽ trực tiếp giải quyết các thư khiếu kiện của những hộ gia đình ở giáo xứ Cồn Dầu chưa đồng tình với phương án tái định cư thuộc dự án khu đô thị sinh thái ven xông Hoà Xuân.
Theo trình bày của ông Minh, thành phố đang có những chính sách ưu tiên sớm thực hiện đối với những hộ có khiếu nại đề nghị được tái định cư gần nhà thờ Cồn Dầu.
Một phương án hoán đổi ưu tiên được ông Minh đưa ra là chủ hộ sẽ chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời 1 lô đất họ nhận được tại khu tái định cư để đổi lấy 1 lô đất gần nhà thờ.
Ông nói với tôi, đó là do chứng mất ngủ kinh niên khi còn ở tù. Nhưng nhìn ánh mắt long lanh sáng, tôi hiểu ông mong chờ ngày này đã quá lâu. Cứ nhìn cái cách vợ ông cho người mổ con lợn to nhất chuồng, làm cả chục mâm cơm mời họ hàng tới ăn, để chiều cùng ra xã nghe xin lỗi với chồng là biết, với bà nhà có ‘hỷ’ lớn thế nào. Ai hỏi, bà cũng chỉ cười nói ‘phấn khởi lắm’.
Tôi băn khoăn tự hỏi, ông Long cũng như ông Nguyễn Thanh Chấn hay ông Huỳnh Văn Nén thì trên đất nước Việt Nam này có ai mà không biết ? Việc các ông được minh oan, trả tự do có tờ báo nào không đăng tải ? Vậy tại sao các ông lại khát khao một buổi xin lỗi công khai ở quê nhà đến vậy ?
Ông Long tâm sự với tôi, ông vẫn chưa tham gia một việc làng nào từ khi về đến giờ bởi vẫn chờ buổi xin lỗi, khi đó ông mới chính thức được minh oan. Còn vợ ông nói : "Ngày nào chồng tôi còn chưa chính thức được xin lỗi, ngày đó chúng tôi còn phải chịu ánh mắt gièm pha của dân làng".
Sau luỹ tre làng, bên cạnh bản án tử hình tuyên xuống ông Long còn là bản án dư luận tròng vào cổ người vợ cùng những đứa con. Đó còn là "bia miệng ngàn năm" gắn lên một dòng họ.
Nhà cháu bé bị hại lại cách nhà ông Long chỉ một đoạn đường làng vài trăm mét. Gần 4 năm trước, bà vợ ông Long kể với tôi trong ánh mắt ngập nước : "Mỗi lần giáp mặt bố mẹ hay người thân cháu bé, họ lại chửi…". Nay bà chỉ mong buổi xin lỗi sẽ khiến gia đình cháu bé hiểu và tin chồng bà không phải hung thủ.
Trưa đó, ăn cơm xong, bà vào buồng mang ra một chiếc sơ mi trắng mới nguyên. Bà khoác lên người ông Long rồi cẩn thận cài từng chiếc khuy. Hai ông bà nắm chặt tay nhau, ra ủy ban xã.
Tôi không còn tìm thấy ở ông Long ánh mắt vô hồn của đêm đầu được thả về sau 11 năm tù. Tôi cũng không còn tìm thấy gương mặt khổ đau, nỗi tấm tức của vợ ông cách đây 4 năm. Đó là khi bà ngồi tâm sự hàng tháng, hàng năm tay nải vạ vật ở vỉa hè Hà Nội, gặm mỳ tôm sống ngóng chờ nỗi oan khuất của chồng được gột rửa.
Hội trường nhà văn hoá xã đã được sắp đặt trang trọng. Phía trên sân khấu, một tấm biển nền đỏ chạy dòng chữ "Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long" treo nghiêm trang ở chính giữa.
Theo thông báo, 14h buổi xin lỗi sẽ bắt đầu. Nhưng từ 13h nhiều cụ già, phụ nữ trung niên và cả trẻ nhỏ đã đổ về sân ủy ban. Cửa hội trường vừa mở, họ lần lượt kéo vào, ngồi ngay những hàng ghế đầu. Một người phụ nữ tay ôm bức ảnh thờ. Trong ảnh là một bé gái.
Người phụ nữ đó chính là mẹ của cháu bé nạn nhân trong vụ án cách đây 12 năm - vụ án mà ông Hàn Đức Long bị xác định là hung thủ. Trong đầu tôi hiện ra đôi mắt người đàn bà nhìn trân trân lên ban thờ đặt ảnh bé gái, thoắt long lên giận dữ, thoáng lại chua xót tức tưởi. Khi ấy người mẹ đó chỉ nói : "Mẹ chồng tôi đến chết vẫn không nhắm mắt vì hung thủ hại cháu nội chưa bị trả giá".
Chỉ vài phút sau, những tiếng gào thét giận dữ, những cuộc giằng co xô đẩy diễn ra. Mẹ cháu bé cùng vài người phụ nữ bất ngờ lao ào ào lên sân khấu. Họ giật phăng tấm biển rơi xuống đất chỉ trong chớp mắt. Vừa giật họ vừa gào : "Công lý ở đâu ? Ai đền mạng cho con tôi ? Tự ông ta đã nhận tội, có ai ép đâu, sao giờ lại thả ra rồi nói là oan ? Thử hỏi nếu là con, cháu nhà các người, các người có chịu được không ?". Những tràng gào thét đứt quãng như vậy cứ dồn dập.
Lực lượng an ninh cố đẩy nhóm người nhà nạn nhân vẫn điên cuồng gào thét xuống phía dưới hội trường. Lúc đó là 14h20. Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội tay cầm văn bản, đứng vào bục phát biểu. Đứng hai bên ông là hai thanh niên, người che tay, người cầm kẹp giấy chắn những chiếc dép bay lên từ dưới hội trường.
Ở một phía cánh gà sân khấu, vợ chồng ông Long đứng nép người sau nhóm công an. Gương mặt ông Long thẫn thờ. Chỉ lúc sau, ông được vợ dìu về nhà rồi ngất.
Lúc này, trong hội trường không ai nghe thấy ông Phó Chánh án đọc gì. Chỉ biết, ông đọc chừng 3 phút xong văn bản rồi cả đoàn cán bộ vội vã rời khỏi hội trường, bỏ lại hàng trăm người dân dõi theo ánh mắt tò mò, khó hiểu, bỏ lại nhóm người nhà nạn nhân vẫn điên cuồng chửi bới, ‘đòi công lý’. Tôi tự hiểu, buổi xin lỗi đã kết thúc.
Sau vụ việc ở Mỹ Đức, đến buổi xin lỗi oan sai không trọn vẹn này, tôi càng nhớ nhận định của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng : "Nguy hiểm nhất là dân không tin xử lý của chính quyền".
Nếu có gì thể hiện rõ thông điệp ấy, thì đó chính là khoảnh khắc tấm biển đề dòng chữ xin lỗi công khai bị giật xuống. Hình ảnh ấy, như một sự đổ vỡ một niềm tin vào pháp luật, vào công lý của người dân.
Vụ xét xử kéo dài 11 năm kia không chỉ lấy đi tự do của ông Long, mà ở đó, tôi nhận ra nó còn lấy đi cả niềm tin của gia đình nạn nhân. Họ đã liên tục bị xát muối vào vết thương. Không thể trách họ, hay là thuyết giảng về "nguyên tắc suy đoán vô tội" hay là "thượng tôn luật pháp", khi họ đã ở tận cùng nỗi đau và sự tuyệt vọng.
Niềm tin đã mất ấy, một hay nhiều lời xin lỗi không thể lấy lại được.
Bảo Hà
Đại sứ Ted Osius vào ngày 4 tháng 4 vừa có cuộc gặp gỡ với đại diện dân cử Mỹ tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Dân biểu Alan Lowenthal dành cho Đài RFA cuộc trao đổi ngắn về cuộc gặp gỡ này.
Ðại Sứ Ted Osius (trái) gặp gỡ Dân Biểu Alan Lowenthal tại văn phòng Quốc Hội ở Washington, DC hôm 4/4/2017. Hình : Văn Phòng Dân Biểu Alan Lowenthal
Hòa Ái : Xin chào Dân biểu Alan Lowenthal. Thưa ông, ông có thể chia sẻ về nội dung trao đổi giữa ông và Đại sứ Ted Osius trong buổi gặp gỡ vừa rồi ?
Alan Lowenthal : Trước hết tôi muốn nói rằng rất hãnh diện và Chính phủ Hoa Kỳ cũng như cộng đồng người Mỹ gốc Việt rất may mắn có được vị Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là ông Ted Osius. Ông Đại sứ luôn đấu tranh cho nhân quyền, liên tục yêu cầu Chính quyền Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và tự do của người dân.
Trong buổi gặp gỡ, chúng tôi thảo luận về nỗ lực của Ngài Đại sứ để giúp trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính cũng như yêu cầu Chính quyền Việt Nam không khủng bố vợ của Mục sư Nguyễn Công Chính. Chúng tôi cũng nói về sự cố gắng của ông Ted Osius giúp cho Hòa thượng Thích Quảng Độ không còn bị quản thúc và trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài. Đây là các vấn đề mà chúng tôi đề cập đến trong buổi gặp gỡ.
Hòa Ái : Trong thời điểm ông gặp gỡ với Đại sứ Ted Osius, dân chúng tại Việt Nam kỷ niệm 1 năm tròn ngày xảy ra thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây nên. Ngài Đại sứ và ông cũng đề cập đến vấn đề này, phải không thưa ông ?
Alan Lowenthal : Chúng tôi cũng nói về những gì chúng đã và đang giúp cho các nạn nhân của sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh xả thải có độc tố ra biển. Chúng tôi cũng thảo luận về sự thúc đẩy hòa giải mối xung đột giữa chính phủ và người dân Việt Nam trong việc bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân để phục hồi cuộc sống của họ.
Tôi cảm thấy rất tự hào Ngài Đại sứ luôn đấu tranh cho nhân quyền và sự cố gắng của ông ấy đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải thực hiện giống như nguyện vọng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt mong muốn.
Hòa Ái : Trong thời gian qua, ông cũng luôn quan tâm đến việc trùng tu nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, thể theo mong muốn của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Vấn đề này đến nay có tiến triển gì không và có được nhắc đến trong buổi gặp gỡ ?
Alan Lowenthal : Ngài Đại sứ luôn đề cập đến vấn đề đó với phía Việt Nam và chúng tôi cũng bàn thảo yêu cầu chính quyền cho trùng tu nghĩa trang Biên Hòa cũng như cho phép các tổ chức phi chính phủ được làm công việc này. Mặc dù mong muốn của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Quận Cam về nghĩa trang Biên Hòa được cải tạo và nâng cấp để là một nơi trang trọng đối với những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống trong chiến tranh được Chính phủ Việt Nam chú ý nhưng vẫn chưa có những việc làm thiết thực nào. Vấn đề này tôi cũng nói với Đại sứ Ted Osius và Ngài Đại sứ cố gắng hết sức mình để chắc chắn rằng việc này phải được giải quyết.
Hòa Ái : Và thông điệp của ông muốn nhờ Đại sứ Mỹ tại Việt Nam-Ted Osius chuyển đến Chính phủ Hà Nội sau chuyến đi này là gì ?
Alan Lowenthal : Chính phủ Việt Nam muốn gia tăng mối quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Họ muốn tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương-TPP. Mặc dù bây giờ TPP có thể không tiếp tục nhưng Việt Nam rất muốn thúc đẩy các mối giao dịch thương mại với Mỹ. Tôi nhấn mạnh với Ngài Đại sứ rằng thương mại-kinh tế giữa hai quốc gia sẽ không có tiến triển nào nếu như Chính phủ Việt Nam không tôn trọng nhân quyền và dân quyền. Họ không thể bỏ tù người dân chỉ vì lên tiếng phản đối chính quyền.
Tôi khẳng định với Ngài Đại sứ rằng Việt Nam muốn tăng cường mối quan hệ thương mại và ký kết hiệp định song phương thì phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Nếu họ không làm thế thì không thể có Hiệp định Thương mại song phương. Tùy thuộc vào Chính phủ Việt Nam thôi ! Đây là thông điệp của tôi chuyển đến Chính phủ Việt Nam. Tôi muốn nói rằng "Nếu quý vị muốn thắt chặt hơn nữa trong ban giao kinh tế với Hoa Kỳ thì quý vị hãy bắt đầu củng cố và bảo vệ nhân quyền cho người dân Việt Nam".
Hòa Ái : Chân thành cảm ơn thời gian của Dân biểu Alan Lowenthal dành cho Đài RFA.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 07/04/2017
Dân biểu Mỹ bàn về nhân quyền Việt Nam với Đại sứ Ted Osius (RFA, 05/04/2017)
Đại diện dân cử Mỹ gặp đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam để bàn thảo về nhân quyền Việt Nam thời gian qua.
Dân biểu Ed Royce, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ (trái) và đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius gặp nhau tại Washington, DC hôm 4/4/2017. Photo courtesy of Foreign Affairs Committee
Vào ngày 4 tháng tư tại thủ đô Washington DC, dân biểu Ed Royce, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ có cuộc gặp với đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.
Tin cho biết hai người thảo luận tiến trình cải tổ quyền con người cho Việt Nam, đặc biệt trong hai lãnh vực chính trị và tôn giáo. Dân biểu Ed Royce nhân dịp này nhắc lại điều ông từng nhiều lần khẳng định trước đây là nếu Hoa Kỳ và Việt Nam muốn thăng tiến quan hệ song phương thì điều tiên quyết là nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng những quyền căn bản của người dân Việt Nam.
Ông dân biểu Ed Royce cũng không quên nhắc lại với ông đại sứ rằng rằng Human Rights Watch Giám Sát Nhân Quyền từng chỉ trích hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam, rằng cuộc bầu cử mà Hà Nội cho tổ chức hồi năm ngoái không phải là một cuộc đầu phiếu tự do và công bình.
Cũng vào ngày 4 tháng tư tại thủ đô Washington DC, dân biểu Alan Lowenthal tiếp đại sứ Ted Osius và nghe ông trình bày những sự kiện liên quan Việt Nam đáng chú ý như sự cố ô nhiễm môi trường biền miền Trung do Formosa gây ra, những vụ tranh đấu đòi quyền con người đang tiếp diễn trong nước, việc vận động trùng tu nghĩa trang quân đội Biên Hòa.
Vấn đề tù nhân lương tâm còn bị giam giữ như trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài, mục sư Nguyễn Công Chính… Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng được dân biểu Lowenthal cũng như đại sứ Osius nhắc tới.
Trong thông cáo báo chí đưa ra chiều ngày 4 tháng 4, dân biểu Alan Lowenthal bày tỏ sự khích lệ đối với ông đại sứ Ted Osius không chỉ trong lãnh vực bang giao Mỹ Việt mà còn cổ vũ mạnh mẽ cho quyền con người ở Việt Nam, vấn đề mà cộng đồng người Việt khắp nơi ở Hoa Kỳ luôn quan tâm và lên tiếng.
*********************
Đức trao Giải Nhân Quyền cho luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Đài (RFI, 05/04/2017)
Theo thông báo của Liên Đoàn Thẩm Phán của Đức ( Deutsche Richterbund ), hôm nay, 05/05/2017, tổ chức này sẽ trao Giải Nhân Quyền 2107 cho luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện đang ngồi tù ở Việt Nam. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại thành phố Weimar, miền đông nước Đức nhân Đại hội của Liên Đoàn Thẩm Phán Đức.
Luật sư Nguyễn Văn Đài (DR)
Đại diện của luật sư Nguyễn Văn Đài sẽ đến dự và thay mặt ông nhận giải thưởng của Liên Đoàn Thẩm Phán Đức. Liên Đoàn Thẩm Phán Đức lập ra Giải Nhân Quyền từ năm 1991 nhằm góp phần vào việc tăng cường và tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản trên thế giới. Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam được chọn trao Giải Nhân Quyền này.
Cũng trong ngày hôm nay, vào cuối buổi chiều, tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ tiếp và nói chuyện với đại diện của luật sư Nguyễn Văn Đài.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16/12/2015 tại Hà Nội về tội "tuyên truyền chống Nhà nước" theo điều 88 Bộ luật Hình Sự Việt Nam. Cho tới nay ông vẫn bị tạm giam sau 3 lần gia hạn điều tra.
Trước đó, luật sư Nguyễn Văn Đài đã bị tù giam 4 năm, từ 2007 đến 2011, cũng với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước". Sau khi mãn hạn tù, ông còn bị quản chế 4 năm.
Thanh Phương
*************************
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người đang bị nhà nước Việt giam cầm, sẽ được Liên đoàn Thẩm phán Cộng hòa Liên bang Đức trao giải Nhân quyền năm 2017.
Liên đoàn Thẩm phán Cộng hòa liên bang Đức (Deutscher Richterbund - DRB) thông báo vào ngày 5/4, Luật sư Nguyễn Văn Đài sẽ được trao giải Nhân quyền 2017 nhân dịp Đại hội của Liên đoàn Thẩm phán Đức tổ chức tại thành phố Weimar ở miền Đông nước Đức. Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam được chọn để nhận Giải Nhân Quyền này.
Trang thông tin của phủ Tổng Thống Đức Frank-Walter Steimeier ra thông báo lịch trình làm việc cho biết một cuộc gặp gỡ với người đại diện của Luật sư Nguyễn Văn Đài đã được lên lịch vào lúc 17 giờ ngày 05/04/2017 tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Berlin.
Dự kiến tại buổi lễ trao giải, nữ dân biểu quốc hội liên bang Đức Marie-Luise Dött sẽ vinh danh Luật sư Nguyễn Văn Đài, người được Liên đoàn Thẩm phán Cộng hòa liên bang Đức chọn trao Giải Nhân Quyền năm 2017. Bà Marie-Luise Dött là dân biểu đã nhận đỡ đầu cho Luật sư Nguyễn Văn Đài từ cuối tháng 2/2016 theo một chương trình của Quốc hội Liên bang Đức, theo VETO, một tổ chức của người Việt Nam có trụ sở ở Đức.
Theo trang web của nữ dân biểu Marie-Luise Dött, bà cùng phái đoàn Nghị sĩ Liên minh Dân chủ/Xã hội Thiên chúa giáo Đức (CDU/CSU) đã gặp Luật sư Nguyễn Văn Đài và hai nhà hoạt động dân chủ khác của Việt Nam ở Hà Nội vào tháng 8/2015.
Tổ chức VETO cho biết vào tháng 10/2016, dân biểu Marie-Luise Dött đã có sáng kiến soạn một thư ngỏ gửi tới chính quyền Việt Nam với sự hỗ trợ của 73 dân biểu thuộc 14 quốc gia trên 4 lục địa, yêu cầu trả tự do cho Luật sư Đài. Cùng vận động kêu gọi ký tên vào thư ngỏ này có Tổ chức Quốc tế Truyền giáo Thiên Chúa Giáo Missio Aachen và VETO !, Mạng lưới Người Bảo Nhân quyền.
Vào ngày 19/02/2016 Mạng Lưới Người Bảo vệ Nhân quyền và VETO ! đã cùng 6 tổ chức phi chính phủ quốc tế, trong đó có Ân xá Quốc tế, ký tên phản đối việc bắt giam Luật sư Nguyễn Văn Đài và người cộng sự của ông, cô Lê Thu Hà.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16/12/2015 tại Hà Nội và bị giam giữ từ đó cho đến nay về tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 cuả Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Ông bị bắt sau khi thuyết trình về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà riêng của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Theo trang Facebook ‘Tự do cho Nguyễn Văn Đài’, thì kể từ ngày ông bị bắt cho đến nay, ông vẫn chưa được gặp gia đình và tiếp xúc với luật sư. Chính quyền Việt Nam đã 3 lần gia hạn lệnh tạm giam đối với Luật sư Đài, lệnh tạm giam lần thứ 3 sẽ chấm dứt vào ngày 17/4 này.
Trước đây, Luật sư Đài từng bị giam cầm 4 năm về tội "tuyên truyền chống Nhà nước", ông mãn hạn tù vào ngày 6/3/2011.
Ông Nguyễn Văn Đài là một trong số 8 nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam được một tổ chức nhân quyền Human Rights Watch của Hoa Kỳ trao giải hồi tháng 2/2007.
Lần này, ông Nguyễn Văn Đài là người Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Thẩm phán Cộng hòa liên bang Đức chọn trao Giải Nhân Quyền. Ông từng làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Đức trước năm 1990, sau đó ông trở về Việt Nam và theo học tại Đại học Luật Hà Nội.
Tháng 4 năm ngoái, bà Vũ Minh Khánh, vợ của luật sư Nguyễn Văn Đài, đã thực hiện chuyến đi 2 tháng để vận động các dân biểu và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các cơ quan truyền thông, các tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Mỹ, Canada, Châu Âu và Úc trả tự do cho chồng bà. Trong dịp này, bà Vũ Minh Khánh nói với VOA :
"Tôi khẳng định chồng tôi không làm điều gì chống nhà nước Việt Nam. Chồng tôi chỉ đang làm tốt cho xã hội Việt Nam mà thôi. Những hoạt động của chồng tôi là bảo vệ nhân quyền, điều mà ngay cả nhà nước Việt Nam cũng đang nỗ lực làm, theo những gì họ công bố với quốc tế".
**************************
50 Luật sư Việt Nam kiến nghị không hạn chế thời gian tiếp xúc thân chủ (VOA, 05/04/2017)
Bản kiến nghị của 50 luật sư (Chụp từ Facebook Ngô Ngọc Trai)
50 luật sư hôm thứ Tư, ngày 5/4, kiến nghị chính phủ Việt Nam không hạn chế thời gian tiếp xúc với thân chủ.
Bản kiến nghị này vừa được nộp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng thời sẽ gửi lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, Bộ trưởng Công An Tô Lâm, và các cơ quan tư pháp tối cao của Việt Nam, theo Luật sư Ngô Ngọc Trai.
Bản kiến nghị viết : "Chúng tôi, những người có tên dưới đây, ý thức về quyền hạn và trách nhiệm của mình trước nền tư pháp, có mong muốn gỡ bỏ những bất cập của nền tư pháp, dẹp bỏ những chướng ngại trong môi trường hành nghề luật sư, góp phần thúc đẩy xây dựng nền tư pháp Việt Nam được trở nên công minh tiến bộ".
Phòng giam cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho VOA biết, xuất phát từ việc cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye được gặp luật sư không giới hạn thời gian sau khi bị bắt giữ đã "khiến chúng tôi rất cảm kích trước quy định pháp lý tiến bộ, tôn trọng con người và tôn trọng quyền bào chữa của pháp luật nước bạn".
Theo bản kiến nghị, sự việc này cung cấp một thông tin tham chiếu rất tốt "về một vấn đề vốn gây bức xúc trong nền tư pháp hình sự lâu nay, đó là luật sư luôn bị khó khăn trong việc gặp gỡ thân chủ đang bị giam giữ".
Luật sư Ngọc Trai nói rằng ông muốn nêu vấn đề pháp lý của Hàn Quốc để đánh động dư luận trong nước, để giúp cải thiện vấn đề pháp lý lâu nay còn bất cập ở Việt Nam :
"Trong thời buổi hiện nay, báo chí công nghệ thông tin giúp cho người dân tiếp cận rất nhanh với các diễn biến, sự kiện pháp lý của các nước trên thế giới. Những sự kiện pháp lý đó cung cấp một nguồn thông tin tham chiếu rất quan trọng. Hóa ra nước ngoài họ quy định thế này thế kia - rất là hợp lý, tiến bộ, tôn trọng quyền con người, trong khi pháp luật Việt Nam quy định rất là bất cập, nhiêu khê, gây khó khăn cản trở".
Luật sư Ngọc Trai nói rằng mục đích của kiến nghị là mong muốn giúp hệ thống pháp luật Việt Nam tiến bộ tiệm cận với chuẩn mực tư pháp các nước trên thế giới, tránh tình trạng quy định bất cập vô lý, coi thường quyền của người bị giam giữ, coi thường quyền của luật sư như lâu nay.
Ông Ngọc Trai cho biết các luật sư ký tên kỳ vọng rằng các cơ quan của Việt Nam sẽ khẩn trương sửa đổi các quy định hiện hành :
"Chúng tôi muốn lên tiếng, đòi hỏi quyền hành nghề hợp pháp và chính đáng của mình, tôn trọng quyền của chúng tôi, bảo vệ quyền của bị can, bị cáo, người dân lâm vào vòng lao lý. Đề nghị các cơ quan ban ngành tư pháp ở Việt sửa đổi các quy định, nới lỏng, mở rộng quyền hành nghề cho luật sư, và quyền của người bị giam giữ, quyền tiếp xúc với với luật sư bào chữa không bị hạn chế về thời gian. Cái quy định lâu nay ‘không quá một giờ’ là rất bất cập".
Bản kiến nghị có đoạn : "Trong khi nhiều vụ án lớn phức tạp luật sư cần nhiều thời gian để trao đổi với thân chủ, hoặc luật sư phải mất công đi rất xa mới đến được nơi gặp, khi đó quy định thời gian gặp không quá một giờ rõ ràng là một cản trở cho việc thực hiện quyền bào chữa của người bị giam giữ, gây bất lợi cho họ cũng như bất lợi cho luật sư hành nghề. Đây là vấn đề vốn gây bức xúc lâu nay, nhưng trong từng vụ án thì luật sư chúng tôi khó thể làm gì để thay đổi thực tế vô lý ngang trái này".
Luật sư Đặng Trọng Dũng, người từng bào chữa cho các vụ án hình sự, xâm phạm an ninh quốc gia, đã ký vào bản kiến nghị này. Cũng như luật sư Ngọc Trai, Luật sư Trọng Dũng nói rằng việc giới hạn thời gian luật sư làm việc với bị can, bị cáo là một điều bất lợi.
Luật sư Trọng Dũng cho biết khả năng phản hồi của chính quyền về bản kiến nghị này như sau :
"Cơ quan sẽ nghiên cứu vấn đề này, và sẽ có chuyển biến là từ Bộ Công An. Thế nhưng thời gian là vô hạn định, giống như bên Mỹ, thì rất khó. Thành ra, chúng tôi chỉ mong thời gian có thể là từ một giờ lên đến hai giờ cho mỗi lần làm việc, thì luật sư chúng tôi sẽ có thời gian làm việc tốt hơn".
Theo luật sư Ngọc Trai, các bị can, bị cáo trong vụ án an ninh quốc gia thì có thể chưa được phép gặp luật sư trong giao đoạn điều tra. Thậm chí, việc gặp được bị can, bị cáo trong các vụ án thông thường cũng gặp khó khăn :
"Bên cạnh việc giới hạn thời gian làm việc của luật sư tại trại giam, còn một bất cập nữa là có được gặp bị can, bị cáo hay không. Đó cũng là vấn đề. Có nhiều trường hợp không chỉ án an ninh quốc gia, mà các vụ án thông thường chúng tôi cũng bị gây khó khăn. Người ta đưa ra đủ mọi lý do trời ơi đất hỡi để từ chối không cho luật sư gặp bị can, bị cáo".
Về việc luật sư không được tiếp xúc với bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra đối với vụ án an ninh quốc gia, Luật sư Đặng Trọng Dũng cho biết :
"Vì vấn đề an ninh quốc gia mà không cho luật sư chúng tôi tham gia vào giao đoạn điều tra là một điều bất hợp lý. Tôi nghĩ là nhân kiến nghị này thì Bộ Công An xem xét qui định này cũng là một điều rất cần thiết. Là người hành nghề bảo vệ một số công dân về vấn đề an ninh quốc gia như điều 88, điều 258, tôi hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới, Bộ Công An và nhà nước Việt Nam nói chung, căn cứ vào nhu cầu trong kiến nghị của các luật sư, sẽ nghiên cứu và tạo điều kiện cho các luật sư chúng tôi bảo vệ khách hàng một cách tốt hơn".
Nguyễn Văn Đài, bị truy tố và 3 lần gia hạn tạm giam theo điều 88 từ 12/2015 cho đến nay vẫn chưa được tiếp xúc luật sư
Sau khi nộp xong bản kiến nghị cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư Ngọc Trai viết trên Facebook : " Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được đánh giá, đón nhận tích cực về việc làm này, vì chúng tôi cho rằng công cuộc xây dựng một nền tư pháp Việt Nam công minh tiến bộ, đó là trách nhiệm, bổn phận, quyền hạn không của riêng ai mà thuộc về mọi luật sư…Chúng tôi tham gia kiến tạo môi trường pháp lý an toàn thân thiện cho các quyền công dân".
*************************
Quốc tế thúc đẩy dân chủ Việt Nam qua các giải nhân quyền (RFA, 04/04/2017)
Luật sư Nguyễn Văn Đài (đứng, áo đen) và luật sư Lê Thị Công Nhân (áo đỏ) tại Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội hôm 27/11/2007. AFP photo
Liên đoàn Thẩm phán Cộng hòa Liên bang Đức, một tổ chức dân sự lớn tại Đức, mới đây cho biết tổ chức này đã quyết định sẽ trao giải nhân quyền 2017 cho luật sư Nguyễn Văn Đài, người đang bị giam giữ tại Việt Nam vì những hoạt động đấu tranh dân chủ.
Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam được nhận giải thưởng này của Đức. Theo những nhà đấu tranh dân chủ trong nước, giải thưởng này chứng tỏ quốc tế đã ghi nhận những hoạt động tích cực của luật sư Đài, đồng thời khích lệ phong trào dân chủ hóa trong nước.
Vào ngày 5 tháng 4, trong đại hội của Liên đoàn Thẩm phán Đức tại thành phố Weimar, miền Đông nước Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài được trao giải nhân quyền 2017 vì những đóng góp của ông cho phong trào dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Đây là một giải thưởng có uy tín tại Đức được trao định kỳ mỗi 3 năm một lần cho những cá nhân ở nhiều nước trên thế giới bao gồm các thẩm phán, chánh án, và luật sư, những người đang gặp những khó khăn, bị đàn áp, tù đầy vì các họa động nhân quyền của họ.
Liên đoàn Thẩm phán Đức là một tổ chức dân sự có uy tín ở Đức. Tổ chức này cũng tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác về tư pháp giữa Đức và chính phủ Việt Nam.
Một người đấu tranh kiên cường
Theo luật sư Lê Thị Công Nhân, người đã có nhiều năm tham gia hoạt động dân chủ với luật sư Nguyễn Văn Đài về quyền của người lao động ở Việt Nam, giải thưởng dành cho luật sư Nguyễn Văn Đài là ghi nhận xứng đáng với một người đã đấu tranh kiên cường cho tự do và nhân quyền trong nước :
Tôi nghĩ tôn vinh này dành cho anh Đài là niềm khích lệ rất là lớn, nêu cao tấm gương kiên cường của một người đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền của Việt Nam. Mặc dù anh Đài ở lứa tuổi mà cách đây mười mấy năm thì chúng ta gọi là trẻ nhưng giờ có thể nói là anh tham gia cả vào cựu trào cũng như phong trào hiện giờ, anh đều góp mặt và kiên cường trong suốt thời gian vừa qua. Tôi rất vui mừng vì biết được điều đó.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2015 tại Hà Nội với cáo buộc tội ‘tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Trước đó, vào ngày 6 tháng 12 năm 2015, luật sư Nguyễn Văn Đài đã tổ chức một buổi nói chuyện về hiến pháp và nhân quyền với khoảng 70 người tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngay sau buổi nói chuyện ông đã bị một số người giấu mặt hành hung dẫn đến thương tích, bị cướp hết đồ đạc và bỏ lại trên đường.
Trả lời đài Á Châu Tự do vào ngày 7 tháng 12 năm 2015, sau khi trở về nhà từ Nghệ An, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng ông đã bị những nhân viên an ninh của tỉnh Nghệ An hành hung. Ông cũng cho biết đây không phải là lần đầu tiên ông bị tấn công bằng bạo lực và chính quyền hoàn toàn im lặng trước những trình báo của ông. Nói với đài Á Châu Tự do hôm 7 tháng 12 năm 2015, luật sư Đài khẳng định ông sẽ không chùn bước trước những tấn công từ phía chính quyền :
Chúng tôi không bao giờ từ bỏ cho đến khi nào tất cả người dân Việt Nam đều được hưởng những quyền con người đã dược ghi nhận trong các văn bản của quốc tế mà Việt Nam đã thực hiện.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng đã từng bị bắt cùng với cộng sự của mình là luật sư Lê Thị Công Nhân hồi năm 2007. Ông sau đó bị tòa án Nhân Dân thành phố Hà Nội tuyên án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế với tội danh tuyên truyền chống nhà nước.
Can thiệp của quốc tế
Luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài tại Tòa án nhân dân Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2007. AFP photo
Việc bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài của chính quyền Việt Nam đã bị quốc tế chỉ trích gay gắt. Chính phủ Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau vụ bắt giữ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó là ông John Kirby thúc giục Việt Nam phải đảm bảo các luật và hành xử của chính quyền phải tuân thủ đúng với những nghĩa vụ và cam kết của chính quyền Việt Nam với quốc tế. Bộ ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm.
Liên Hiệp Châu Âu hôm 18 tháng 12 năm 2015 cũng ra thông báo phản đối việc bắt giữ này. Thông báo nhận định việc bắt giữ xảy ra ngay trước cuộc đối thoại thường niên giữa EU và Việt Nam ở Hà Nội, đã đi ngược lại các nghĩa vụ về nhân quyền của Việt Nam đối với quốc tế, điển hình là Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một nước tham gia. EU cũng kêu gọi Việt Nam phải làm một cuộc điều tra đầy đủ về vụ tấn công nhắm vào luật sư Nguyễn Văn Đài trước đó ở Nghệ An và phải có thông báo ngay lập tức.
Trong buổi điều trần trước quốc hội Mỹ về trường hợp của luật sư Nguyễn Văn Đài với sự có mặt của bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Đài hôm 11 tháng 5 năm 2016, dân biểu Chris Smith nói :
Tôi cho rằng luật sư Đài là một người bảo vệ quyền con người một cách can đảm và rất đáng nể phục. Hiện giờ luật sư Đài bị giam cầm trở lại trong lúc ông ấy không hề làm điều gì sai trái. Ông ấy là một người yêu nước, yêu dân tộc Việt Nam. Ông ta muốn nhân quyền được công nhận, được tôn trọng và được phát huy ở Việt Nam, có gì gọi là sai với ước vọng như vậy ?
Vào tháng 10 năm 2016, 74 dân biểu thuộc 14 quốc gia cùng một số tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế đã gửi một bức thư ngỏ tới chính quyền Việt Nam yêu cầu trả tự do cho luật sư Đài.
Với những hoạt động tích cực của mình về nhân quyền, vào năm 2007, luật sư Nguyễn Văn Đài đã được nhận giải thưởng Hellman-Hammett của tổ chức quan sát Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch).
Thúc đẩy dân chủ hóa tại Việt Nam
Giải thưởng mà Liên đoàn Thẩm phán Đức trao cho luật sư Nguyễn Văn Đài năm 2017 được những người tham gia đấu tranh cùng luật sư Nguyễn Văn Đài nhìn nhận là một khuyến khích đối với phong trào dân chủ trong nước. Cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ do luật sư Đài thành lập vào năm 2013 cho biết
Tôi nhận được tin này thì tôi thây rất tuyệt vời chị, tôi nghĩ rằng là đây là một phần thưởng xứng đáng cho luật sư Nguyễn Văn Đài cũng như là một hành động rất tích cực để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Không những thế, theo cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, những giải thưởng quốc tế gần đây trao cho những nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, đã khích lệ những người hoạt động trong nước, gây sức ép lên chính quyền :
Tôi nghĩ rằng không chỉ nước Đức mà cả nước Mỹ vừa qua đã có những hành động rất tích cực bằng cách trao các giải nhân quyền cho những người hoạt động đấu tranh dân chủ trong nước. Đây là việc làm tôi nghĩ rằng gián tiếp thúc đẩy những người đấu tranh trong nước mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, rõ ràng hơn trong công cuộc đấu tranh của mình.
Ngoài ra thì những giải thưởng đó cũng gửi một thông điệp rất rõ ràng cho chính quyền Việt Nam là đối với các nước thì họ rất quan tâm đến vấn đề dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Với những giải thưởng như thế thì về phía chính quyền Việt Nam họ cũng phải có cái nhìn nhận lại cách hành xử của mình đối với các nhà đấu tranh đòi dân chủ nhân quyền trong nước.
Trước đó vào ngày 29 tháng 3, Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng trao giải phụ nữ kiên cường cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Hiện luật sư Đài đã bị giam giữ hơn 14 tháng. Trong suốt thời gian này, ông chỉ được gặp vợ của mình một lần cách đây hai tháng. Theo cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, tại lần gặp cuối, sức khỏe của luật sư Đài đã rất yếu. Theo luật tố tụng hình sự ở Việt Nam, hết 16 tháng giam giữ, cơ quan điều tra phải có kết luận điều tra đối với luật sư Nguyễn Văn Đài. Theo ông Phạm Văn Trội, Hội Anh Em Dân Chủ sẽ tiếp tục các hoạt động đòi trả tự do cho luật sư Đài như gửi thư tới các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước phương Tây ở Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Hà, phóng viên RFA
Ân xá Quốc tế : Nhân quyền Việt Nam không tiến bộ (RFA, 22/02/2017)
Tổ chức Ân Xá Quốc tế - Amnesty International - hôm nay công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới.
Đinh Nguyên Kha (trái) và Nguyễn Phương Uyên trước tòa hôm 17/5/2013. Nguyễn Phương Uyên đã ra tù, Đinh Nguyên Kha hiện đang bị ngược đãi trong tù. AFP photo
Phúc trình dày hơn 400 trang khổ giấy A4 tổng kết tình hình liên quan tại 159 quốc gia khắp toàn cầu. Riêng đối với khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương bản phúc trình nêu rõ không gian dân sự bị thu hẹp khi mà cơ quan chức năng đưa ra những luật lệ mang tính đàn áp nhằm hình sự hóa quyền tự do biểu đạt ý kiến một cách ôn hòa.
Đối với Việt Nam, phúc trình mới công bố của Ân Xá Quốc Tế cho thấy những tiếng nói ôn hòa chỉ trích các chính sách của nhà cầm quyền tiếp tục bị trấn dẹp thông qua biện pháp phi luật lệ.
Cơ quan chức năng theo dõi sát sao và sách nhiễu những nhà hoạt động ; trong số này có những người dân biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây nên thảm họa môi trường tác động mạnh đến cuộc sống của chừng 270 ngàn con người.
Việc tấn công những nhà bảo vệ nhân quyền là chuyện thường xuyên. Cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục sử dụng những điều mơ hồ thuộc phạm trù bảo vệ an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự năm 1999 để kết tội những nhà hoạt động ôn hòa. Trong số những điều mơ hồ đó có điều 258 ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân…’, điều 88 ‘tuyên truyền chống nhà nước’ ; điều 79 ‘hoạt động lật đổ chính quyền’…
Bà Cấn Thị Thêu tại tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 30/11/2016. AFP photo
Phúc trình của Ân xá Quốc tế nêu rõ trường hợp các nhà hoạt động và phê phán chính quyền bị kết án tù chỉ vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.
Trong số đó có blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị cáo buộc theo điều 258 với mức án tương ứng là 5 năm và 2 năm cho mỗi người.
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và người phụ tá Lê Thu Hà bị bắt vào tháng 12 năm 2015 đến nay vẫn còn bị biệt giam với cáo buộc theo điều 88.
Vào tháng 10 năm ngoái, nhà hoạt động nổi tiếng là blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt cũng với cáo buộc theo điều 88.
Biện pháp thường xuyên hành hung những người bảo vệ nhân quyền và thân nhân của họ cũng tiếp tục được nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng.
Trong phần về Việt Nam, phúc trình năm nay của Ân Xá Quốc tế còn nêu ra các trường hợp trấn áp đối với quyền tự do hội họp, đàn áp những người phản đối thu hồi đất đai trái phép, tình trạng tra tấn và đối xử bất công đối với các trường hợp bị giam giữ, phạt tù người dân vì khốn cùng phải bỏ nước ra đi…
Hôm ngày 20 tháng 2 vừa qua, Ân Xá Quốc tế cũng ra thông báo kêu gọi có hành động khẩn cấp về trường hợp tù nhân chính trị trẻ Đinh Nguyên Kha đang bị ngược đãi trong nhà tù Xuyên Mộc ở Bà Rịa- Vũng Tàu.
Quan ngại sức khỏe Trần Thị Thúy và Đinh Nguyên Kha (VOA, 22/02/2017)
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, con trai út Đinh Nguyên Kha (bên trái) và con trai lớn Đinh Nhật Uy.
Ngày 22/2, tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo cho rằng ở Việt Nam liên tục xảy ra việc hạn chế quyền tự do ngôn luận và tổ chức hội họp hòa bình, "Các tù nhân lương tâm bị tra tấn, bị ngược đãi, và bị xét xử không công bằng".
Trước đó, tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi tăng áp lực đòi chính quyền Việt Nam nhanh chóng chữa bệnh cho tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy và Đinh Nguyên Kha.
Hôm 20 tháng 2, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo kêu gọi hành động khẩn cấp đối với trường hợp tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha đang bị ngược đãi ở trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của thanh niên đang chịu án 4 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 bộ luật hình sự, nói với VOA rằng con trai của bà cần được khám chữa và điều trị thích hợp. Ngay cả khi việc anh Kha yêu cầu trại giam trả kết quả xét nghiệm cũng bị từ chối :
"Như đã nói với Tổ chức Ân Xá Quốc tế, cháu Kha không được đưa đi khám sức khỏe ở bệnh viện, mà họ chỉ đưa cháu đi khám ở trạm y tế của trại tù. Tôi có đưa hình ảnh trại tù Xuyên Mộc trị bệnh cho tù nhân lương tâm nó tệ hại như thế nào. Họ xét nghiệm HIV, họ nói con không bị HIV nhưng con đòi giấy xét nghiệm đó thì họ không đưa".
Theo bà Liên, cách đây ba tháng, Kha được giải phẫu bỏ khối u lành có kích thước bằng trái chanh trong dạ dày. Tuy nhiên, dù anh Kha và gia đình nhiều lần yêu cầu được đưa đi trị bệnh, quản lý trại giam vẫn từ chối không cho anh được điều trị hậu phẫu.
Khi đến thăm Kha và ngày mùng 6 Tết, bà Liên được Kha nhắn lại như sau :
"Lúc tranh đấu cho anh Đặng Xuân Diệu, con bị cùm chân, ghẻ lở không !. Con rất là sợ. Con muốn lên tiếng để nói với các tổ chức nước ngoài biết vì nhiều người bị như vậy nhưng không dám lên tiếng. Con muốn mẹ lên tiếng cho con và cho những người khác, là trại giam phải đưa 20 tù nhân lương tâm ở trại giam Xuyên Mộc đi xét nghiệm và khám bệnh tổng quát tại bệnh viện".
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng việc khước từ điều trị có thể được xem là tra tấn hoặc một hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo nhằm trừng phạt tù nhân.
Anh Đinh Nguyên Kha bị bắt giữ hồi tháng 10 năm 2012 vì phát truyền đơn chỉ trích phản ứng của nhà Việt Nam trước những hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Anh Kha bị truy tố tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 bộ luật hình sự, và bị tòa án tỉnh Long An tuyên 8 năm tù giam kèm theo ba năm quản chế. Cũng trong vụ án này, một người bạn của Kha là cô Nguyễn Phương Uyên cũng tuyên phạt 6 năm tù giam. Sau đó trong phiên sơ thẩm, Kha bị tuyên án 4 năm tù còn Uyên bị tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và 52 tháng thử thách.
Tương tự như trường hợp của Đinh Nguyên Kha, tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 17/2 ra thông báo kêu gọi Việt Nam cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp cho bà Trần Thị Thúy, một Phật tử Hòa Hảo tại tỉnh Đồng Tháp đang bị giam ở trại An Phước, tỉnh Bình Dương.
Gia đình bà cho tổ chức Ân Xá Quốc tế biết bệnh của bà ngày càng trầm trọng, khối bướu trong tử cung tiếp tục lớn ra, và vì quá đau cho nên bà không thể tự mình đi đứng được. Bà Thúy còn bị nổi mụt nhọt khắp người, phình to ra chảy máu và mủ. Mặc dầu có nguy cơ bị nhiễm trùng vì bà ngủ dưới sàn phòng giam, quản lý trại giam không cung cấp đủ vật dụng y tế thiết yếu cho bà, kể cả không cho phép nhận các băng thuốc dán mà gia đình mang đến.
Gia đình bà đã liên tục yêu cầu nhà phía trại giam cho phép gia đình chi trả tiền điều trị bệnh cho bà Thúy, nhưng phía trại giam vẫn từ chối. Theo lời gia đình, bà Thúy nói là bà không biết sống chết ra sao nếu không được chữa trị đàng hoàng trong khi điều kiện nhà tù thì lắm khắc nghiệt.
Bà Thúy bị kết án 8 năm tù với tội danh "lật đổ chính quyền" theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Bà Thúy bị bắt giữ hồi tháng 8, 2010 cùng với 6 người khác.
Theo cáo trạng, bà Thúy và 6 nhà hoạt động khác bị xét xử vì cáo buộc tham gia các hoạt động có liên quan với Việt Tân, một tổ chức có trụ sở ở hải ngoại tranh đấu ôn hòa cho dân chủ tại Việt Nam. Bà đã bác bỏ những cáo buộc này.
Vào tháng 9, 2011, Ủy ban Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ đưa ra phán quyết số 46/2011 khẳng định việc bắt giữ bà Trần Thị Thúy và 6 nhà hoạt động khác là tùy tiện và yêu cầu trả tự do cho họ.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi mọi người trên thế giới tiếp tay áp lực đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho bà Trần Thị Thúy và anh Đinh Nguyên Kha ngay lập tức và vô điều kiện. Vì họ là những tù nhân lương tâm, bị giam giữ chỉ vì đã sử dụng quyền tự do diễn đạt của mình.
Ân Xá Quốc Tế cũng kêu gọi mọi người trên thế giới lên tiếng áp lực nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhanh chóng cung cấp cho họ sự chăm sóc y khoa thích hợp, bao gồm việc đưa họ vào bệnh viện để điều trị nếu cần.
Chính quyền Việt Nam thường xuyên cho rằng "các thông tin mà Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra là sai sự thật. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế".
Việt Nam cho rằng "là thành viên của 7 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có Công ước chống tra tấn, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, cam kết, nghĩa vụ của quốc gia thành viên".
***********************
Tại Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ hôm 21/2, cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến các tù nhân lương tâm Việt Nam và tiếp tục gây sức ép đòi Đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
Ông Diệu, một nhà hoạt động dân chủ mới ra tù cách đây hơn 1 tháng, cho VOA biết ông đến hội nghị "với tư cách là một thành viên của Đảng Việt Tân", là tổ chức đã được hội nghị mời từ trước.
Bài phát biểu của ông Diệu đã mô tả lại thời gian ông ở trong tù sau khi nhà chức trách Việt Nam kết tội hồi năm 2011 là ông đã hoạt động cho Đảng Việt Tân bị chính quyền coi là tổ chức khủng bố, một cáo buộc mà đảng này luôn phủ nhận.
Ông nói với hội nghị rằng quyền con người của ông và những tù nhân khác trong trại giam không được tôn trọng như trong luật. Nói cách khác, theo lời ông, "pháp luật đối với trong trại giam, nó chỉ ở trên giấy mà thôi".
Một phần quan trọng khác trong bài phát biểu là ông Diệu đã điểm lại những sự bất công vừa xảy ra trong xã hội Việt Nam trong những ngày qua. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện đoàn người từ Song Ngọc, Nghệ An đi đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh để kiện hãng Formosa gây ô nhiễm biển, nhưng đã bị nhà chức trách ngăn chặn, đàn áp, làm hàng chục người bị thương.
Về thông điệp chính của mình khi tham gia hội nghị, ông Diệu nhấn mạnh với VOA rằng ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là các đoàn ngoại giao, thăm các tù nhân lương tâm ở các trại giam và những người mới bị bắt.
Ông Diệu nói nhiều người bị bắt vì nhà chức trách cáo buộc họ vi phạm các điều 79, 88, 258 trong Bộ luật Hình sự, mà ông gọi đó là những điều luật "mơ hồ" về tuyên truyền hoặc hoạt động chống nhà nước. Ông nói thêm :
"Những người bị bắt theo những tội danh đó rất cần sự ủng hộ và lên tiếng của các quý vị ngoại giao ngay từ đầu. Nếu các quý vị đến để thăm các tù nhân lương tâm đó mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ có ngăn cản thì đó là một dấu chỉ là không bảo đảm quyền con người".
Một thông điệp lớn nữa của ông Diệu là cộng đồng quốc tế "có áp lực và tiếng nói mạnh mẽ hơn" đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông nói :
"Theo quan điểm cá nhân của tôi thì tôi bảo là buộc đảng cộng sản chứ không phải là nhà nước Việt Nam. Bởi vì quan điểm của tôi thì nhà nước Việt Nam chỉ là bù nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên tôi muốn gửi đến thông điệp với họ rằng là buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do dân chủ, đặc biệt là quyền tự do chính trị. Đó là sân chơi bình đẳng cho mỗi công dân".
Ông Diệu cho biết sau khi ông phát biểu xong "hội nghị đã vỗ tay rất nhiều". VOA được biết ông là một trong 15 diễn giả phát biểu tại hội nghị về tình trạng nhân quyền ở quốc gia mình. Họ là các nhà báo, các nhà hoạt động và những nạn nhân, thân nhân của tù nhân chính trị tại các nước trong đó có Việt Nam, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Venezuela, Mauritania và Tây Tạng.
Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ là cuộc họp quốc tế thường niên lần thứ 9, mang lại cơ hội để các nhà đối kháng khắp thế giới lên tiếng thu hút sự quan tâm đến việc giải quyết các vi phạm nhân quyền. Hội nghị được tổ chức trước phiên họp của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Đặng Xuân Diệu phát biểu về nhân quyền ở Geneva (BBC, 20/02/2017)
Một nhà hoạt động vừa ra tù nói với BBC rằng ông "sẽ làm tất cả trong khả năng của mình" để nói với quốc tế về tình trạng nhân quyền tại một sự kiện ở Geneva, Thụy Sĩ.
Ông Đặng Xuân Diệu nói "lựa chọn định cư nước nào không quan trọng bởi ở đâu cũng có chiến hữu"
Dự kiến hôm 21/2, tại "Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ", ông Đặng Xuân Diệu, từng bị Việt Nam kết án tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" năm 2013, sẽ là một trong những diễn giả phát biểu.
Đây là năm thứ chín sự kiện này diễn ra, do sự bảo trợ của 25 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Việt Tân.
Thông thường, hội nghị diễn ra một tuần trước cuộc họp thường niên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Năm 2013, ông Diệu bị án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế tại địa phương, nhưng được trả tự do sớm vào tháng 1/2017. Ông được đưa từ trại giam Xuyên Mộc đến sân bay Tân Sơn Nhất để đi Pháp 'chữa bệnh' hôm 12/1.
Hôm 20/2, trả lời BBC từ Thụy Sĩ, ông Diệu nói : "Lần đầu tiên, tôi có cơ hội phát biểu trước một hội nghị quan trọng nên không tránh khỏi những áp lực".
"Tôi thực hiện việc này trong khi sức khỏe chưa bình phục sau nhiều năm tháng tù đày. Tuy nhiên, điều mà ban tổ chức cần là sự có mặt của tôi như một nạn nhân trực tiếp bằng xương, bằng thịt và những trải nghiệm của tôi về tình trạng quyền con người bị xâm phạm tại Việt Nam".
"Theo tôi, mục tiêu cải thiện tình trạng vi phạm quyền con người tại Việt Nam thông qua vận động quốc tế là công việc cần thời gian và công sức của rất nhiều người".
"Việc tôi được tự do trước thời hạn là một minh chứng. Tôi hy vọng nhưng không khẳng định mình sẽ đem lại sự thay đổi vượt bậc sau bài phát biểu của mình".
'Chung khát vọng'
Trả lời câu hỏi của BBC, "Ông tham gia hội nghị với tư cách đảng viên Việt Tân hay hoạt động độc lập ?", người trong nhóm 'Thanh niên Công giáo đáp : "Theo như tôi biết, đảng Việt Tân được mời tham dự từ trước và tôi vừa mới thoát khỏi ngục tù nên được [họ] trao cho cơ hội".
"Tôi nghĩ dù với tư cách nào cũng không ảnh hưởng đến nội dung và thông điệp trình bày của tôi".
"Bởi chúng tôi là những người chung khát vọng Canh Tân Việt Nam nên tranh đấu dân chủ, nhân quyền cho đồng bào là bổn phận mà chúng tôi đã làm và đang làm".
Đề cập về chuyện được đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay đi Pháp 'chữa bệnh' hồi tháng trước, ông chia sẻ : "Đúng là tôi đã gặp khó khăn vô cùng khi quyết định rời Việt Nam để được tự do trước thời hạn".
"Một phần áp lực đến từ chính quyền, phần do tôi thật lòng muốn được trả tự do tại Việt Nam".
Đặng Xuân Diệu là một trong những người phát biểu tại sự kiện hôm 21/2
"Sau lần gặp thứ nhất với phái đoàn ngoại giao EU, Pháp và một vài nước khác, tôi trả lời không muốn rời Việt Nam chỉ vì tự do của bản thân".
"Ngay hôm đó, trại giam chuyển tôi sang khu biệt giam trong điều kiện sống tồi tệ hơn 6 tháng".
"Cho đến khi đoàn ngoại giao EU và Pháp đến gặp lần thứ hai. Lần gặp này, tôi đã phải ngậm ngùi chấp nhận định cư tại Pháp trong điều kiện bị cưỡng bức để bảo vệ mạng sống".
"Tôi đã nói rõ điều này trước cán bộ trại giam trong buổi gặp mặt được ghi hình".
"Với tôi, việc lựa chọn định cư nước nào không quan trọng bởi ở đâu tôi cũng có các chiến hữu, thân hữu đồng hành".
"Tôi yêu mến tất cả các nước mà ở đó người dân có cơ hội sống tự do, chân thật".
"Hơn nữa, tôi tin cộng đồng người Việt trong cũng như ngoài nước luôn ủng hộ, cộng tác một khi tôi còn mang đến cho họ giá trị đích thực".
"Tôi nghĩ một Việt Nam tự do, dân chủ không chỉ là ước mơ mà là trách nhiệm của mỗi người dân Việt".
"Riêng tôi, ước nguyện một ngày không xa sẽ trở về Việt Nam là một động lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống".
************************
Tù nhân Nguyễn Hữu Quốc Duy bị chuyển trại (RFA, 20/02/2017)
Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy vừa bị chuyển trại từ Khánh Hòa nơi anh này thường trú ra nhà tù An Điềm ở tỉnh Quảng Nam.
Nguyễn Hữu Thiên An (bên trái) và Nguyễn Hữu Quốc Duy tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa hôm 23/8/2016. Photo courtesy of cand.com
Bà Nguyễn Thị Nay, mẹ của Nguyễn Hữu Quốc Duy, xác nhận thông tin và cho Đài Á Châu Tự do biết :
Ngày 6 tháng 2, vợ chồng em nó ra thăm ; gửi đồ ăn họ nhận hết. Đồng thời em nó hỏi giấy nhận đồ ăn và xin vào thăm thì họ nói 2 tuần nữa sẽ cho gặp mặt và trả giấy nhận đồ ăn luôn.
Sáng nay tôi đến thì họ nói đã chuyển trại hôm ngày 13 tháng 2 ; chuyển đến Trại An Điềm ở Quảng Nam. Tôi hỏi những người trực thì họ bảo ‘tự tìm hiểu đường đi nước bước để đi thăm chứ họ không biết’.
Anh Nguyễn Hữu Quốc Duy, sinh năm 1985, bị bắt vào tháng 11 năm 2015 với cáo buộc sử dụng Facebook để ‘tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Trong thực tế, Nguyễn Hữu Quốc Duy bày tỏ ủng hộ đối với việc làm của người em họ là Nguyễn Hữu Thiên An khi phản đối đảng cộng sản Việt Nam về những điều tệ hại gây ra cho đất nước. Ngoài ra Nguyễn Hữu Quốc Duy còn bị buộc tội về việc trao đổi quan điểm, chính kiến với một số bạn trẻ khác qua mạng xã hội Facebook.
Phiên xử vào tháng 8 năm 2016 tuyên Nguyễn Hữu Quốc Duy 3 năm tù và Nguyễn Hữu Thiên An 2 năm tù về những cáo buộc vừa nêu.
*************************
Dấu ấn Phan Châu Trinh (RFA, 20/02/2017)
Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu tại lễ ra mắt Viện Phan Châu Trinh hôm 7/2/2017. Photo courtesy of tuoitre.vn
Hôm 7 tháng 2, Viện Phan Châu Trinh chính thức ra mắt tại thành phố Hội An. Vị chủ tịch Viện, nhà văn Nguyên Ngọc, cho biết sự ra đời của viện nhằm phát huy di sản tinh thần của nhà khai sáng Phan Châu Trinh.
Tại khắp các tỉnh thành của Việt Nam hiện có những con đường, trường học mang tên Phan Châu Trinh. Mục đích nhằm ghi nhớ cũng như truyền bá tư tưởng mà ông đưa ra hơn một thế kỷ qua với mục tiêu canh tân đất nước qua phong trào Duy Tân với khẩu hiệu ‘Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh’.
Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Viện Phan Châu Trinh mới ra mắt tóm tắt lại tư tưởng của cụ Phan :
Nếu anh thua về văn hóa thì không thể lấy chiến tranh để giải quyết văn hóa, chỗ đó rất là quan trọng. Chiến tranh nó làm việc khác, chiến tranh có thể dành lại được độc lập, nhưng nếu anh không giải quyết được cái trình độ văn minh của dân tộc thì nếu anh có dành được độc lập thì việc độc lập đó cũng như vô nghĩa, không thể vững chắc được.
Phan Châu Trinh nhận ra cái nguy hiểm nhất của dân tộc mình là không phải là mất nước, mà Phan Châu Trinh thấy cái nguy cấp hơn rất nhiều là lạc hậu. Ông cho mình thua là vì mình lạc hậu. Lạc hậu theo nghĩa là lạc hậu về thời đại, lạc hậu hơn người ta cả một nền văn minh, vì vậy cần phải giải quyết việc nâng dân trí lên. Nâng dân trí lên là văn minh hóa cái dân tộc này".
Ông cũng đưa ra nhận định về tính thời sự của tư tưởng Phan Châu Trinh mà theo ông thì vẫn có thể áp dụng cho thời đại hiện nay.
Thậm chí bây giờ mình lạc hậu không những là so với thế giới mà còn cả trong khu vực. Ngày xưa thời Phan Châu Trinh khu vực Châu Á này lạc hậu so với Châu Âu, so với Phương Tây, ngày nay mình còn lạc hậu so với cả Châu Á nữa, vì vậy tư tưởng của Phan Châu Trinh là nó vô cùng thời sự, nó hết sức cập nhật, nó y như bây giờ. Bây giờ mình vẫn chưa thoát ra được cái tình hình mà Phan Châu Trinh đã thấy cách đây 100 năm.
Nhiều ý kiến cho rằng dân trí Việt Nam vẫn lạc hậu, và thế hệ trẻ Việt Nam đang thua kém dần các bạn đồng trang lứa tại các nước trong khu vực. Sự lạc hậu là do sai lầm trong giáo dục hiện tại. Những người quản lý giáo dục tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm.
Sự ra đời của viện Phan Châu Trinh nhằm quảng bá lại đường lối canh tân của nhà khai sáng này mong muốn có thể đóng góp phần nào cho công tác nâng cao dân trí Việt Nam như lời nhà văn Nguyên Ngọc :
Lập viện Phan Châu Trinh thì mình chỉ là một đóng góp nhỏ thôi. Nhưng chúng tôi nghĩ nếu mình đóng góp những gì cụ thể thì mình đóng góp. Cái thứ hai là mình đặt vấn đề đó ra, khơi gợi vấn đề đó ra. Cố gắng mong muốn làm cho viện Phan Châu Trinh để khi mình tiếp tục các hoạt động về Phan Châu Trinh, để tư tưởng của Phan Châu Trinh được lan tỏa ra đất nước mình hiện nay. Thấy cho ra vấn đề, chứ hiện nay đó, mình cứ loay hoay mãi chuyện phát triển kinh tế không thì không phải.
Một đội ngũ chuyên gia và nhà nghiên cứu làm việc tại Viện sẽ giúp cho những ai đến tìm hiểu. Trong số này có những vị như giáo sư Chu Hảo – giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, ông Vũ Thành Tự Anh – giảng viên Đại học Fulbright, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn văn Trọng.
Minh Khoa, RFA
***********************
Luật sư nói về "án bỏ túi" (RFA, 20/02/2017)
Người dân biểu tình bên ngoài tòa án diễn ra phiên xử blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2016. AFP photo
Thuật ngữ "án oan" hay còn gọi ‘án bỏ túi’ được sử dụng tại Việt Nam lâu nay để nói đến những vụ án mà bị can bị hàm oan do phía công an, tư pháp gây nên.
Án oan
Gần đây có một số trường hợp tử tù sắp bị đưa đi thi hành án được giải oan ; đó là trường hợp của những người sau nhiều năm tháng phải ở tù dù không hề phạm trọng tội bị cáo buộc như ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long…
Luật sư Ngô Ngọc Trai, người theo đuổi vụ án Hàn Đức Long đến khi ông này được minh oan, nhận định nguyên nhân đầu tiên dẫn đến án oan là quy định pháp luật còn bất cập, không hợp lý :
Tư pháp hiện nay còn mang nặng thuộc tính buộc tội, thiếu cơ chế giúp cho bên gỡ tội.
Nguyên nhân thứ hai theo vị luật sư này đưa ra là việc thực thi pháp luật trên thực tế còn có nhiều vấn đề do năng lực, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế và sự công tâm khách quan của các cơ quan tư pháp :
Thứ nhất, các cán bộ tư pháp chạy theo thành tích, nên họ buộc phải tìm ra hung thủ, nếu không thì việc thăng thưởng cán bộ và trách nhiệm họ sẽ bị ảnh hưởng. Vì những yếu tố như thế nên dễ dẫn đến việc giải quyết các vụ án toàn dẫn ra oan sai.
Bổ sung cho ý kiến của Luật sư Ngô Ngọc Trai, Luật sư Nguyễn Hà Luân nói rằng :
Bởi vì khi không xác định được sự thật của vụ án hoặc sự thật vụ án bị bóp méo thì nhất định dẫn đến án oan.
Quốc hội khoá 13 của Việt Nam đã thông qua 4 đạo luật liên quan đến tố tụng hình sự gồm có Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật về hoạt động điều tra hình sự, Luật về tạm giam, tạm giữ nhằm phục vụ cho mục tiêu "cải cách tư pháp" và giảm thiểu tình trạng án oan sai.
Tuy nhiên, các đạo luật này đang bị tạm đình chỉ thi hành do có hơn 90 lỗi trong Bộ luật Hình sự cần điều chỉnh. Theo đánh giá của Luật sư Ngô Ngọc Trai :
Luật thi hành tạm giữ tạm giam đã cải thiện quyền của những người bị giam giữ cũng như môi trường, điều kiện cho những người bị giam giữ, bởi vì lâu nay môi trường giam giữ ở Việt Nam còn rất khắc nghiệt, những quyền về tự do dân chủ của họ gần như bị tước đoạt.
Luật sư Ngô Ngọc Trai nhắc lại, quy định tiến bộ hơn, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc thi hành trong thực tế :
Tôi cho rằng vai trò của luật sư, những người có tri thức có thể giúp truyền tải đến cộng đồng những điểm mới của nền tư pháp hình sự để người ta hiểu và thực hiện đúng quyền công dân của mình.
Vẫn theo luật sư :
Đây là quá trình đấu tranh pháp lý để sau nhiều năm tháng theo đuổi thì luật sư bào chữa cùng với gia đình bị can bị cáo đã buộc được các cơ quan tư pháp kia phải minh oan.
"Án tại hồ sơ"
Trong nền tư pháp hình sự tại Việt Nam, thuật ngữ "án tại hồ sơ" được biết tới rất phổ biến và có ảnh hưởng lớn đến phán quyết của quan tòa :
Thực tế các cơ quan điều tra xoáy vào việc lấy lời khai trong quá trình giam giữ để tạo dựng hồ sơ kết tội. Trong khi lời khai chỉ có thể được coi là cơ sở căn cứ giải quyết vụ án khi nó đảm bảo sự tự nguyện của bị can bị cáo, không bị bức cung nhục hình, hay phải có sự thống nhất.
Luật sư Nguyễn Hà Luân nêu ví dụ khi Toà án giải quyết vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang như một điển hình "tai hại của án tại hồ sơ" gây oan khiên :
Cho dù xét xử là sơ thẩm, xét xử lên đến phúc thẩm với những thẩm phán dày dặn kinh nghiệm nhưng các vị thẩm phán đó chỉ dựa vào hồ sơ mà không xem xét đến những chứng cứ khác.
Theo mô hình tố tụng hình sự hiện tại, phần xét hỏi thường kéo dài và phần tranh luận tại phiên toà có chất lượng kém do ảnh hưởng bởi tư duy của phía công tố - đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử :
Họ thường nói ‘Giữ nguyên quan điểm của mình’. Thậm chí có trường hợp họ không hề đưa ra được bất kỳ quan điểm gì thì họ vẫn nói rằng họ giữ nguyên quan điểm. Họ còn có thêm câu ‘Việc này để dành cho Hội đồng xét xử quyết định’.
Trong khi đó, luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng :
Trong pháp luật cho phép sau khi hồ sơ viện kiểm sát chuyển sang tòa án cho phép thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, nếu thấy hồ sơ vụ án chưa thấy đủ cơ sở căn cứ để kết tội thì được quyền trả lại hồ sơ vụ án để yêu cầu bổ sung.
Chính vì những bất cập như vậy, các luật sư đều mong đợi sự thay đổi tích cực trong cải cách tư pháp tại Việt Nam, như nêu cao vai trò của luật sư, tôn trọng quyền con người và quan trọng là trong hoạt động tố tụng phải thể hiện đúng trách nhiệm tôn trọng sự thật của vụ án nhằm tránh oan sai.
Hiện thân nhân của một số tử tù như Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng và Hồ Duy Hải tại Long An… lâu nay tiếp tục kêu oan đến các cấp cao nhất của chính phủ và cả đảng cộng sản Việt Nam, khẳng định người thân của họ không hề phạm tội và còn trưng ra bằng chứng về thủ phạm.
Chân Như, phóng viên RFA
Bằng chứng ô nhục
Cho tới nay, rất nhiều nạn nhân của buổi sáng ô nhục 8/5/2016 vẫn nhớ như in vụ công an và "côn đồ công vụ" đã hành hung tập thể đối với họ tàn bạo đến thế nào.
Công an, dân phòng bao vây người biểu tình khi họ tuần hành trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/5/2014.
Ngày 8/5 ấy rất xứng đáng trở thành một chứng cứ cực kỳ sống động và quá đủ thuyết phục để Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu của Hoa Kỳ chế tài giới quan chức lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Vẫn còn quá nhiều nhân chứng của cuộc tuần hành ôn hòa bảo vệ môi trường và phản đối Formosa không thể quên họ đã bị hàng ngàn công an, thanh niên xung phong thật và giả vây hãm, cô lập, tách rời, rồi bị cưỡng bức lên xe bus đưa về sân vận động Hoa Lư. Ở đó, vài trăm công an và "côn đồ công vụ" của nhà cầm quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã chờ sẵn họ với dùi cui và nắm đấm. Rất nhiều người biểu tình, kể cả phụ nữ, đã bị đánh đấm không thương tiếc. Tiếng ta thán phẫn nộ bùng lên khắp sân vận động. Nhiều tờ báo, hãng tin và tổ chức quốc tế đã phải đồng loạt lên tiếng phản đối buổi sáng ô nhục này.
Cấp công an nào phải chịu trách nhiệm ?
Có rất nhiều vụ việc nhân quyền bị xâm phạm ghê gớm ở Việt Nam, bất chấp nhà nước này đã luôn hô hào rằng họ đã tham gia ký Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị từ năm 1982, vinh dự trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc từ năm 2013, ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn từ năm 2015…
Sau mọi chữ ký và hứa hẹn đó, tất cả đâu vẫn vào đấy. Nhân quyền ở Việt Nam càng lúc càng tồi tệ. Một cách nào đấy, Tổng thống Obama có thể tự an ủi rằng thân phận ông vẫn còn là may mắn khi 6/15 khách mời của ông đã bị công an Việt Nam thẳng tay ngăn chặn khi Obama đến Hà Nội vào tháng 5/2016. Bởi chỉ trong ít năm qua, công luận đã ghi nhận hàng trăm người dân "tự chết" trong đồn công an. Chỉ riêng trong năm 2016 và đầu năm 2017, công an một số địa phương còn công khai đánh chết dân ngoài đường sá.
Trong khi đó, số người hoạt động nhân quyền và người dân bị công an và "côn đồ công vụ" hành hung dã man thì không sao kể xiết…
Gieo nhân nào ắt gặt quả nấy. Giới quan chức công an trị Việt Nam - đối tượng chủ yếu và gây ra tuyệt đại đa số vụ hành hung và bức bách đến chết người dân - đã đến lúc phải trả giá, tương tự vài chục trường hợp quan chức Nga và Syria vi phạm nhân quyền đã bị Chính phủ Mỹ chế tài bằng cách cấm nhập cảnh vào Mỹ và đóng băng tài sản của họ ở Mỹ và những quốc gia đồng thuận với quan điểm chế tài của Mỹ.
Nếu trước đây Luật Nhân quyền Magnitsky chỉ áp dụng đối với Cộng hòa liên bang Nga và một ít quốc gia khác, thì nay bộ luật này đã được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vào tháng 12/2016 và được Tổng thống Mỹ ký ban hành trong cùng tháng. Những cái tên quốc gia đặc biệt nhất nằm trong bộ luật này chắc chắn sẽ là những địa chỉ có "thành tích nhân quyền" tai tiếng nhất : Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba…
Những cái tên quan chức công an và cả quan chức ngoài ngành công an cũng bởi thế rất có thể sẽ được "tôn vinh" một cách thích đáng.
Theo quy định pháp luật, các quan chức cấp Bộ Công an chịu trách nhiệm về chỉ đạo "ngành dọc" và chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình an ninh - trật tự trong phạm vi quốc gia. Tại các tỉnh, thành phố, cơ chế bảo đảm an ninh - trật tự cũng tương tự đối với giám đốc công an, phó giám đốc công an phụ trách an ninh và phụ trách cảnh sát của các tỉnh, thành phố này. Hoàn toàn có thể hiểu và áp dụng rằng những quan chức có trách nhiệm bảo vệ an ninh - trật tự này cũng đồng thời phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ bắt bớ người hoạt động nhân quyền, hành hung và sách nhiễu những người hoạt động nhân quyền và dân oan đất đai, người bảo vệ môi trường…
Thậm chí ngay cả cấp trưởng phòng hay phó phòng nghiệp vụ của công an quận, huyện và cấp tỉnh, thành phố - những nhân vật thường đặt bút ký giấy triệu tập sai quy định pháp luật (công an chỉ được triệu tập người dân khi có quyết định khởi tố vụ án) - cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan, bất kể họ nhận chỉ thị từ cấp trên nào để liều mình ký giấy triệu tập như thế.
Giấy chứng thương tại bệnh viện và hình ảnh bị thương tích do bị công an hay "côn đồ công vụ" hành hung là rất cần thiết và mang tính bằng chứng không thể phủ nhận được. Những người hoạt động nhân quyền, dân oan đất đai, người biểu tình hoàn toàn có thể gửi hồ sơ chứng thương của mình cho các tổ chức quốc tế để chứng minh rằng họ đã bị đánh đập như thế nào. Trong trận công an đánh hội đồng người biểu tình môi trường vào ngày 8/5/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân còn chụp ảnh tận mặt vài "côn đồ công vụ" và truy rõ đó chính là một viên công an có số hiệu của lực lượng Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Các thư khiếu nại và tố cáo mà người hoạt động nhân quyền và người dân bị hại gửi đến các cấp chính quyền cũng được coi như một bằng chứng. Cơ quan chính quyền có trả lời hay không ? Nếu trả lời thì có thỏa đáng hay chỉ là thái độ tránh né trách nhiệm ?
Và những bằng chứng khác như nhân chứng, vật chứng, lời chứng…
Cuối cùng, hồ sơ vi phạm nhân quyền sẽ được thiết lập và chuyển tải ra sao ?
Quy trình lập hồ sơ vi phạm nhân quyền
Bộ Luật Magnitsky Toàn cầu cho phép tổng thống Hoa Kỳ trừng phạt bằng cách cấm nhập cảnh hay đóng băng tài sản trên đất Mỹ của bất cứ cá nhân hay thực thể pháp lý nào ở nước ngoài vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng như sau :
- Giết hoặc tra tấn ngoài vòng pháp luật hoặc vi phạm trầm trọng những quyền con người đã được quốc tế công nhận chống lại cá nhân ở bất cứ một nước nào chỉ vì những cá nhân này tố cáo những hành vi bất chính của những viên chức chính quyền hay thực thi hoặc khuyến khích quyền con người và các quyền tự do.
- Thi hành những vi phạm nhân quyền vừa kể theo lệnh của một người khác.
- Là một viên chức chính quyền, hay là một trợ lý cao cấp của viên chức này, chịu trách nhiệm hay a tòng trong việc ra lệnh hay trực tiếp có những hành động tham nhũng đáng kể, kể cả việc tịch thu tài sản tư nhân hay công cộng để làm lợi cho cá nhân, tham nhũng liên quan đến những hợp đồng của chính phủ hay khai thác tài nguyên thiên nhiên, hối lộ, hoặc giúp đỡ hay chuyển giao tiền hối lộ cho giới thẩm quyền nước ngoài.
- Trợ giúp đáng kể hay cung cấp tài chánh, vật liệu, hoặc yểm trợ kỹ thuật, hiện vật hay dịch vụ cho những hành động vừa kể.
Những nơi nhận báo cáo về vi phạm nhân quyền :
* Tổ chức phi chính phủ : Human Rights Watch, Freedom House, Amnesty International, Human Rights Campaign, Lawyers Committee for Human Rights, BPSOS, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.
* Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ : Bureau of Democracy, Human Rights and Labor Affairs.
* Hạ Viện Hoa Kỳ : Tom Lantos Human Rights Commission.
* Thượng Viện Hoa Kỳ : Sub-committee on International Operations and Organizations, Human Rights, Democracy and Global Women’s Issues.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, người phụ trách BPSOS (Ủy ban cứu trợ người vượt biển) ở Hoa Kỳ, việc triển khai các quy định, điều lệ, tiêu chuẩn và thủ tục thích ứng của Bộ Luật Magnitsky Toàn cầu sẽ mất từ 3 đến 6 tháng, tức vào khoảng giữa năm 2017 sẽ bắt đầu có tính hiệu dụng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ phối hợp với nhiều cơ quan chính quyền thuộc Bộ Nội an, Bộ Ngân khố… để quy định rõ ràng về định nghĩa thế nào là vi phạm nghiêm trọng ; những tiêu chuẩn để chứng minh sự liên can của giới chức chính quyền với hành vi đàn áp nhân quyền ; những thể thức nhận diện thủ phạm để các toà lãnh sự Hoa Kỳ ngăn chặn nhập cảnh và, quan trọng không kém, để tránh chế tài lầm người ; thủ tục trục xuất các thủ phạm hay thân nhân của họ nếu đã có mặt ở Hoa Kỳ, v.v.
Đầu tháng 1/2017, BPSOS đã nộp danh sách 75 tù nhân tôn giáo và yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa vào bản phúc trình cho năm 2016, theo đòi hỏi của luật tăng cường tự do tôn giáo quốc tế mới được ban hành.
Đầu tháng 2/2017, BPSOS gửi cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khoảng 20 hồ sơ đàn áp tôn giáo và các nhân quyền khác, kèm với danh tính thủ phạm. BPSOS cũng sẽ chọn khoảng 5 hồ sơ điển hình để Quốc hội chuyển cho Bộ Ngoại giao. Hồ sơ đầu tiên được chọn là vụ đàn áp tôn giáo ở Giáo xứ Đông Yên đã được chuyển cho Bộ Ngoại giao.
Nửa đầu 2017 : Những cái tên nào ?
Mặc dù cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê toàn diện nào, nhưng cần chú ý một dư luận rằng tương tự Trung Quốc, rất nhiều quan chức Việt Nam có tài sản và thân nhân ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, Canana, Anh, Pháp, Đức, Úc… Nếu vài chục năm trước số quan chức này chủ yếu là cao cấp thì nay còn có cả quan chức trung cấp. Theo đó, dàn quan chức công an từ cấp phó giám đốc, giám đốc công an tỉnh, thành phố trở lên đều thuộc loại cao cấp, còn cấp trưởng, phó phòng nghiệp vụ của công an cấp tỉnh, thành phố và cấp quận huyện thuộc loại trung cấp, đều có thể liên quan với một khối tài sản nào đó ở nước ngoài.
Chỉ riêng năm 2016, 3 vụ quan chức ngành dầu khí là Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng bỏ trốn ra nước ngoài đã chứng minh quá rõ tình trạng "vật đi theo người" của giới quan chức nói chung ở Việt Nam đậm đà ra sao.
Năm 2016, Hồ sơ Panama đã tiết lộ có đến 19 tỷ USD được người Việt Nam chuyển ra nước ngoài. Rất nhiều dư luận cho rằng phần lớn trong số tiền này có nguồn gốc từ tham nhũng và được chuyển ra nước ngoài nhằm mục đích rửa tiền.
Riêng với các cơ quan tư pháp Mỹ, việc điều tra về tài sản và thân nhân của giới quan chức Việt Nam và Trung Quốc trên đất Mỹ là hoàn toàn không có gì khó khăn. Nghe nói một bản danh sách dài về giới quan chức Việt Nam có tài sản ở Mỹ đã được vài tổ chức người Việt hải ngoại lập ra với nội dung rất cụ thể…
Cứ với tình trạng vi phạm nhân quyền công khai, trắng trợn và ngày càng tàn bạo của giới chức ngành công an, không khó để cho rằng ngay trong nửa đầu 2017, sẽ hiện ra một số tên quan chức công an trong hồ sơ yêu cầu chế tài nhân quyền của giới hoạt động nhân quyền Việt Nam gửi cho Chính phủ Mỹ và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Lâu nay tục ngữ Việt vẫn có câu "chưa thấy quan tài mắt chưa đổ lệ"…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA tiếng Việt, 08/02/2017
Có một trùng hợp nhỏ giữa hai thời điểm cận Tết Nguyên đán năm 2017 với dịp Tết năm 2014 : Bộ Công an thả tù nhân lương tâm.
Nguyễn Hữu Cầu, người tù xuyên thế kỷ
Tù nhân chính trị Đặng Xuân Diệu bất ngờ được thả trước thời hạn và đến Pháp sáng Thứ Sáu 13/01/2017
Thứ Sáu ngày 13
Thứ Sáu ngày 13 tháng Giêng năm 2017, tù nhân chính trị Đặng Xuân Diệu bất ngờ được công an Việt Nam thả trước thời hạn án tù, nhưng là để sang Pháp… chữa bệnh. Ông Diệu bị kết án tù 13 năm và "mới" thụ án được 5 năm, tức còn đến 8 năm nữa mới hết án.
Cũng vào dịp Tết năm 2014, "người tù xuyên thế kỷ" Nguyễn Hữu Cầu - ở tù cộng sản đến 37 năm xuyên suốt từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21 - được trả tự do nhờ một chiến dịch vận động không mệt mỏi của gia đình ông và nhiều tổ chức quốc tế.
Cả hai ông Đặng Xuân Diệu và Nguyễn Hữu Cầu đều bị kết tội "phản động" không thua gì nhau. Nếu ông Nguyễn Hữu Cầu là cựu đại úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thì ông Đặng Xuân Diệu được xem là một thành viên của đảng chính trị Việt Tân, một tổ chức bị chính quyền cộng sản Việt Nam căm thù thâm căn cố đế. Mới hồi tháng 10/2016, Bộ Công an Việt Nam còn ra một thông báo không số, không chữ ký, lời lẽ rất kiên định, khẳng định Việt Tân là một "tổ chức khủng bố".
Nhưng "Thứ Sáu ngày 13" lại ứng với vận "xui xẻo" khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến Sài Gòn vào tháng Giêng năm 2017, trùng với thời điểm mà Bộ Công an tống xuất Đặng Xuân Diệu sang Pháp.
Bảy tháng sau vụ công an Việt Nam thẳng tay chặn khách mời của Tổng thống Barack Obama khi ông đến Hà Nội, đến lượt ngoại trưởng của Obama cũng lâm vào tình trạng tương tự. Một số khách mời của Ngoại trưởng John Kerry, trong đó có luật sư Lê Công Định, đã bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh bao vây và cấm ra khỏi nhà. Hình ảnh này rất tương đồng với thói công an ngăn chặn các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam tiếp xúc với những phái đoàn quốc tế trước đây.
Không chỉ khách mời của John Kerry, mà cả khách mời Lê Văn Sóc (Phật giáo Hòa Hảo) và Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (Tin Lành) của ông Saperstien, Đại sứ lưu động đặc trách tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng bị công an ngăn chặn bất hợp pháp.
Chính phủ Mỹ thêm một lần nữa bị đàn áp nhân quyền ngay tại quốc gia mà nói như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius "quan hệ Việt - Mỹ chưa bao giờ sáng sủa như lúc này" và "không có gì là không thể !".
Quả là "không có gì là không thể". Chế độ dân chủ mà giới quan chức chính phủ và ngoại giao Hoa Kỳ nhìn thấy được thực hiện cụ thể ở đất nước họ đã hoàn toàn biến dạng tại quốc gia cựu thù. Những gì mà chính quyền Obama đã hy vọng sẽ làm cho giới lãnh đạo Việt Nam thay đổi về não trạng nhân quyền có vẻ chỉ là công cốc. Thậm chí đến nước Mỹ, một chủ nợ của Việt Nam, cũng bị xúc phạm nặng nề.
Thế nhưng sau khi bị công an Việt Nam trắng trợn xúc phạm, Tổng thống Obama vẫn điềm nhiên đi dạo phố Hà Nội và ăn bún chả sau vụ có đến 6/15 khách mời của ông bị công an Việt Nam cấm cửa đến gặp ông, còn nhà ngoại giao John Kerry vẫn… cười.
John Kerry đã thực hiện chuyến đi cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình đến Việt Nam, một đất nước được ông coi là "thân thiện". Nhưng có lẽ không bao giờ ông quên được chuyện tại đất nước đó ông đã bị công an "chúc Tết sớm" ngọt ngào đến thế nào.
Nhưng Bộ Công an lại ‘tự chuyển hóa’
Tại sao cận Tết Nguyên đán năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam lại chịu thả trước thời hạn một tù nhân chính trị đặc biệt như Đặng Xuân Diệu, trong khi trong cả hai năm 2015 và 2016 đã hầu như chẳng chịu thả trước thời hạn tù một tù nhân lương tâm nào, bất chấp việc nhiều quan chức cao cấp Việt Nam như Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh… được phía Mỹ đón tiếp rất trọng thị ?
Và tại sao lần này lại "xuất khẩu tù nhân lương tâm" sang Pháp chứ không phải sang Mỹ như những trường hợp gần nhất là Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần ?
Chưa thấy có lý do có lợi nào cho chính thể Việt Nam trong mối quan hệ với Mỹ vào thời gian này. Thậm chí Hiệp định TPP mà Việt Nam hết sức mong đợi còn bị Quốc hội Mỹ bác bỏ, còn Tổng thống đắc cử Donald Trump thì bỏ TPP trong ngày đầu tiên điều hành nước Mỹ. Những mối quan hệ kinh tế khác và cả quân sự giữa Việt Nam và Mỹ cũng khá mờ nhạt vào lúc này.
Phải có lý do đặc biệt. Lý do không liên quan nhiều đến Mỹ, mà liên quan Pháp, hoặc nói rộng hơn là Tây Âu và khối Liên Hiệp Châu Âu.
Như một lời than của chính Thủ tướng Phúc "nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần"
Ngay sau khi TPP gần như bị khai tử, Tổng bí thư Trọng đã an ủi cấp dưới của mình rằng "Triển vọng phát triển còn tốt lắm", còn giới quan chức Việt Nam cố gắng nêu ra còn đến 17 hiệp định thương mại song phương (FTA) đã được ký giữa Việt Nam với các nước để động viên dân chúng.
Tuy nhiên, ký là một chuyện, còn có triển khai được hay không là một chuyện khác. Thậm chí khác hoàn toàn.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau chuyến công du của Tổng thống Obama đến Việt Nam vào tháng 5/2016, nơi có đến 6/15 khách mời của ông bị công an Việt Nam thẳng tay ngăn chặn và khiến uy tín của Tổng thống Mỹ bị ảnh hưởng khá nhiều, cả hai nghị viện Hoa Kỳ và nghị viện Liên Hiệp Châu Âu đã đồng loạt phản ứng về nhiều vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam. Nghị viện Liên Hiệp Châu Âu còn ra một bản nghị quyết cứng rắn chưa từng thấy, lên án vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Nếu nghị quyết này được thông qua và áp dụng, FTA giữa Châu Âu và Việt Nam sẽ khó có thể, hoặc không được triển khai.
Khác với động tác ngoại giao quá câu nệ của Obama và John Kerry, Quốc hội Hoa Kỳ hình như không còn cười nổi trước các vụ công an Việt Nam "bắt nạt" giới chính khách cao cấp Mỹ.
Cuối năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Luật Nhân quyền Magnisky Toàn cầu và Tổng thống Obama đã ký chính thức. Luật này nhằm chế tài các quan chức vi phạm nhân quyền ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Những ai vi phạm sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và bị đóng băng tài sản ở nước ngoài.
Không chỉ Hoa Kỳ, một số quốc gia khác như Canada, Na Uy… cũng đang có khuynh hướng vận dụng Luật Nhân quyền Magnisky Toàn cầu vào nước họ. Không chỉ người Mỹ cảm thấy bị tổn thương và bị xúc phạm, mà thế giới dân chủ cũng đang bị thách thức bởi những giá trị hoàn toàn phi dân chủ.
Không có TPP và cũng không hưởng lợi gì từ các FTA với Châu Âu, nền kinh tế Việt Nam càng thêm khốn quẫn và rất có thể sẽ tác động mạnh đến "sự tồn vong của chế độ".
Cần nhớ lại năm 2014, Việt Nam trả tự do trước thời hạn án tù đến 12 tù nhân lương tâm vì hy vọng vào TPP. Còn năm 2017, có thể nhận ra rằng với việc thả Đặng Xuân Diệu, thậm chí não trạng một cơ quan cứng rắn nhất của Việt Nam là Bộ Công an cũng đã phải "tự chuyển hóa". Những hành vi vi phạm nhân quyền có thể sẽ tiếp diễn trong một thời gian nữa, nhưng sẽ không đủ lâu để chế độ Hà Nội cầm hơi về kinh tế và ngân sách.
Niềm vui mới
Ngay vào thời gian cận Tết Nguyên đán năm 2017, hai cơ quan tham mưu trôi nổi là Bộ Y tế và Bộ Tài chính chợt đưa ra những đề xuất đảo lộn : trong khi ngành tài chính muốn vắt kiệt sức dân để đánh thuế "bảo vệ môi trường" đến 8 ngàn đồng mỗi lít xăng, thì bà "Kim Tiến kim tiêm" còn đòi cưỡng bức người dân phải hiến máu tối thiểu một lần hàng năm để có thể thu được 500 tỷ đồng.
Tất cả đều quy ra tiền, tiền và tiền.
Những ngày sát Tết 2017, phân hóa xã hội ở Việt Nam vẫn tiếp tục "nâng lên một tầm cao mới" : một số doanh nhân được thưởng tiền giá trị bằng cả xe hơi Camry, nhưng nhiều công nhân chỉ nhận được một cái gì đó chỉ đủ mua bánh chưng. Cũng như những năm trước, nhiều công nhân không có nổi tiền để mua vé tàu xe về quê ăn Tết. Sài Gòn cũng bởi thế vẫn đông nghẹt những người chỉ đi ngắm mà không dám mua hàng…
Ngân sách cũng tồi tệ không kém. Trong toàn năm 2016, nợ xấu vẫn chưa được xử lý, còn nợ công thì như một lời than của chính Thủ tướng Phúc "nếu tính đủ thì đã vượt trần". Thậm chí ông Phúc còn buột miệng đưa ra một cảnh báo chưa từng có tiền lệ trong giới lãnh đạo cộng sản, đó là "sụp đổ tài khóa quốc gia".
Không còn nghi ngờ gì nữa, cơn khủng hoảng giá - lương - tiền ba chục năm trước đang phả hơi thở của nó vào nền kinh tế Việt Nam. Mà sụp đổ kinh tế tức sụp đổ chế độ. Phải gấp rút tìm ra một phương sách nào đó để cứu vãn, trước khi quá muộn…
Nhưng đến lúc này, cả Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đều đã tích lũy quá đủ bài học để "đi guốc trong bụng" giới lãnh đạo Việt Nam. Chiêu thức "đổi tù nhân lấy kinh tế" của Việt Nam sẽ phải trả một cái giá đắt hơn nhiều vào năm 2017. Không chỉ phải thả một Đặng Xuân Diệu, mà là nhiều tù nhân chính trị khác, và còn phải cải cách đáng kể pháp luật về quyền con người…
Tết năm nay, giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam bỗng khấp khởi một niềm vui mới : họ đang tính xem sau Tết sẽ đề nghị tên những quan chức vi phạm nhân quyền nào để quốc tế xếp vào danh sách chế tài theo Luật Nhân quyền Magnitsky toàn cầu…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 23/01/2017