Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ứng xử Biển Đông hay ứng xử với tướng Lê Mã Lương

An Viên, VNTB, 22/10/2019

Không ngoài dự đoán, tướng Lê Mã Lương đã bị ‘đấu tố’ trên chương trình ‘Đối diện’ (VTV). Dù làm mờ hình ảnh, nhưng không khó nhận diện vị tướng này phát biểu trong cuộc hội thảo về biển đảo vào đầu tháng 10 vừa qua, trong đó ông yêu cầu sự đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa về ngoại giao, ủng hộ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

lemaluong1

Tướng Lê Mã Lương đã bị ‘đấu tố’ trên chương trình ‘Đối diện’ (VTV).

Và những phát ngôn của ông đã bị không ít vị ‘tướng về hưu’ lẫn nguyên phụ trách ban biên giới Chính phủ lên tiếng phản bác, tập hợp trong một bài viết về chống căn bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản trên báo Quân đội Nhân dân.

Quan điểm chung chống lại tướng Lê Mã Lương là ‘xuyên tạc về đối ngoại quốc phòng ; gây hại cho quân sự quốc phòng ; bị các thế lực chống phá – thù địch lợi dụng, làm hại cho quốc gia dân tộc’.

Bằng sự ưu thế của một bộ máy tuyên truyền khổng lồ và hoàn toàn độc quyền, các tướng lẫn các vị cựu quan chức thay phiên nhau ‘đấu tố’ tướng Lê Mã Lương với một khuôn mẫu chung nêu trên.

Nhưng tướng Lê Mã Lương không hề đơn độc, cái gọi là ‘thế lực chống phá – thù địch’ thực ra lại là quan điểm của rất nhiều tầng lớp trong xã hội, từ sinh viên, giới học giả đến giới quan chức (tại nhiệm và cả về hưu) ủng hộ cách biểu ngôn thẳng thắn của tướng Lương, trong bối cảnh Trung Quốc đang càn quấy ngoài Biển Đông.

Ý kiến của tướng Lê Mã Lương trong cuộc hội thảo khấy động một chút gì đó về sự ‘lưu tâm’ Biển Đông, trong cái không khí đầy ảm đạm, thờ ơ và im lặng của đại đa số người dân.

Việc nước giờ đây người dân đã không còn đủ sự nhiệt thành để theo dõi, sau những lần bị ‘trấn áp’, và đó là lý do vì sao dư luận xã hội Việt Nam không còn ‘sôi sục’ như năm 2014 hay trước đó, mặc dù lần này, tàu thăm dò địa chất Trung Quốc càng ngày càng đi sát vào vùng bờ biển Việt Nam, trong sự theo đuổi – ngăn chặn gần như vô vọng của lực lượng Hải quân nước nhà.

Đáng lý ra, tướng Lê Mã Lương phải được biểu dương cho lần khấy động tinh thần yêu nước, sự trăn trở với chủ quyền quốc gia – dân tộc này, thay vì bị đấu tố một cách đê hèn trên VTV.

Cũng đáng lý ra, các vị ‘tướng về hưu’ và ông Tiến sĩ Trần Công Trục nên ủng hộ quan điểm thẳng như ruột ngựa của tướng Lương cũng như cuộc hội thảo về biển đảo, thay vì coi đó như là sự kiện để các ‘thế lực thù địch lợi dụng’.

Nếu là con dân nước Việt, không có ai đủ dã tâm để ‘lợi nhục sự kiện biển đảo’ để vụ lợi cá nhân, làm phương hại lợi ích quốc gia – dân tộc. Chỉ có những ai đương quyền chức, thông qua chính sách hay chủ trương sai lầm mới khiến cho lợi ích dân tộc – quốc gia bị tổn thương mà thôi.

Nếu chính sách và chủ trương đủ sáng suốt thì vào năm 2014 Quốc Hội phải ra được phán quyết về Biển Đông. Các kỳ họp trước đó phải có báo cáo về tình hình Biển Đông. Trung ương Đcộng sản Việt Nam từ 5 năm trước phải ‘phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học về Biển Đông’. Chứ không phải để đến khi tàu Trung Quốc ‘đi lại nghênh ngang’ ngoài Biển, thiếu điều sỉ mắng quốc gia – dân tộc trong 3 tháng liền (từ ngày 3/7 đến tháng 10/2019).

Đó là lý do vì sao, sự trăn trở, phẫn nộ trước hành vi ngang ngược của Bắc Kinh khiến một vị tướng như Lê Mã Lương, từng chiến đấu qua 3 lớp kẻ thù ngoại bang phải phát biểu một cách cứng rắn như trên.

Mặt khác, nhìn vào phản ứng của người Việt trên Facebook đủ để nhận ra, họ tôn trọng quan điểm của tướng Lương và phản ứng về sự ‘dối trá’ của VTV cùng những nhân vật được phát biểu như thế nào. Bởi những điều được ‘độc quyền truyền thông’ phát ra, lại phản tác dụng bởi truyền thông xã hội đa chiều. Nó khiến cho chương trình ‘Đối diện’ trở nên không ‘Đối diện’ bởi thiếu vắng hoàn toàn sự phản biện. Nơi mà xu hướng nịnh bợ và cung phụng quyền lực, độc tôn chân lý được nhấn mạnh từng giây hình và âm thanh.

Trong khi đó, cái cần nhất hiện nay không phải là ‘đấu tố’, mà xốc dậy sự quan tâm của người dân về Biển Đông, cho dân được quyền nghe-nói-và tiếp cận với những thông tin về Biển Đông. Cổ vũ, khuyến khích người dân tọa đàm, hội thảo,… liên quan về chủ quyền Biển Đông. Chứ không phải là đưa Biển Đông trở thành chủ đề độc quyền mà chỉ có 200 người ở T.Ư Đcộng sản Việt Nam mới được bàn và lên ý kiến, để rồi sau đó ‘thống nhất’ theo ý kiến chỉ đạo của một cá nhân.

Và khi tình hình còn tiếp diễn với khuôn mẫu ‘ứng về chủ quyền Biển Đông’ như trên, thì chủ quyền quốc gia sẽ như đèn treo trước gió, một trận chiến không còn cân sức, như cách mà vài con tàu hải quân theo đuôi đội tàu khảo sát địa chất Trung Quốc trong 3 tháng qua.

An Viên

Nguồn : VNTB, 22/10/2019

********************

Yêu nước mà cũng tranh à ?

Cánh Cò, RFA, 22/10/2019

Có người từng nói ở Việt Nam không có thứ gì không thể xảy ra. Mới nghe thấy lạ nhưng chịu khó suy xét những sự việc hồi gần đây thì câu nói này không phải hoàn toàn vô căn cứ. Hãy nhìn những việc chung quanh cuộc sống chúng ta không thể nhắm mắt buông thả sự thật đang hiển hiện từng giờ trong đời sống hàng ngày của người dân khiến đôi khi chúng ta tự hỏi cái nhà nước này đang làm gì với dân chúng vậy ? Họ có thấy những oan trái những bất công những vô lý hay tha hóa đến từng chân tóc của xã hội hay không ?

kien2

Tướng Lê Mã Lương công khai phát biểu tại một diễn đàn có hơn trăm người tham dự

Cứ mưa xuống là ngập. Cứ trời nắng là bụi mịn lấp đầy khoảng không gian của thủ đô. Cứ khô nước sạch thì dửng dưng nhìn người dân xếp hàng chờ chút ân huệ từ nhà nước. Cứ dân oan là biết họ bị chính quyền địa phương cướp đất. Cứ nói tới chùa chiền thì xuất hiện một nhà sư háo gái. Cứ nói tới an toàn thực phẩm thì xuất hiện những khẳng định của nhà nước chỉ khi nào người dân chết mới chứng tỏ thực phẩm bị mất an toàn. Cứ đổ bệnh là sợ hãi vào nhà thương. Cứ đầu niên học mới là nơm nớp không đủ tiền mua sách cho con. Cứ ra đường là sợ công an thổi phạt. Cứ vào cơ quan công quyền thì y như đi ăn xin người không giàu có hơn mình…

Đó là những cái "cứ" xuất hiện trong an sinh xã hội, còn những cái "cứ" khác mang tình chính trị cũng không ngoại lệ.

Cứ phát biểu có "tính ngu" là người dân biết đó là Bộ trưởng hay Thủ tướng. Cứ tham nhũng thì người dân biết ngay đó là đảng viên. Cứ mua quan, mua điểm thi thì chém chết cũng con ông này bà nọ. Cứ lận lưng bạc triệu đô la thì người dân biết ngay không Bộ trưởng cũng cấp tướng trong công an hay quân đội. Cứ là đại biểu quốc hội thì muốn nói gì cũng được nhưng chẳng dân nào vỗ tay. Cứ quy hoạch đất đai là dân biết sắp bị cướp trắng. Cứ có dự án là có ăn chia. Cứ có tòa án là có oan khuất. Cứ khen cái gì là cái đó sắp bị phế thải. Cứ giỏi giang là không trước thì sau cũng nhảy lầu. Cứ có chuyện gì cần che đậy thì không thiếu các bích chương, biểu ngữ giăng đầy đường hay ra rả trên VTV.

Rồi những cái "cứ" mang tính bảo vệ chủ quyền đất nước cũng không kém phần hài hước.

Cứ bị Trung Quốc đe nẹt là quan ngại. Cứ đi Tàu về là chúng lại giở trò ở biển Đông. Cứ tuyên bố hai nước vừa ký hiệp định trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau thì tàu hải cảnh Trung Quốc lại rượt đuổi ngư dân chạy trối chết ngoài khơi của Việt Nam. Cứ bị mạng xã hội kêu gào thì phát cờ cho ngư dân bám biển còn quân đội, hải quân cứ tiếp tục kiên quyết bám bờ. Cứ một gã Tàu nào sang thăm Việt Nam là cả Bộ chính trị cứ như gái ngồi phải cọc. Cứ dân du lịch người Trung Quốc thì không được đụng vào. Cứ mỗi lần Trung Quốc công khai xâm phạm Bãi Tư Chính thì Bộ chính trị lại ra lệnh cho các tướng "phò" lên giọng cần giữ gìn đại cục. Cứ nghe tới kiện Trung Quốc thì cả guồng máy lại lên đồng vì sợ hãi. Cứ nghe ai nói tới hèn thì Bộ chính trị giả điếc không nghe. Cứ yêu nước là bị lên án hay ít nhất cũng tranh nhau yêu nhiều hay yêu ít.

Con giun xéo lắm cũng oằn. Bộ chính trị không nghe thì nói cho nhân dân cùng nghe, giống như karaoke "hát cho nhau" nghe vậy.

Nhưng bài hát này xem ra quá cứng và khả năng gây sốc cho chế độ không hề nhẹ. Cái ông hát lại là một ông tướng từng được vinh danh là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương. Ông tướng này từng nhiều lần lên tiếng trước những hành vi bán nước hay hèn hạ trước giặc ngoại xâm mà cụ thể là lên án ông Lê Đức Anh khi còn là Bộ trưởng quốc phòng đã ra lệnh bộ đội không được bắn khi quân xâm lược Trung Quốc tiến chiếm đảo Gạc Ma.

Tướng Lê Mã Lương khi tham gia cuộc hội thảo về Bãi Tư Chính tại Hà Nội đã công khai lên tiếng về sự hèn nhát của Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng. Về Bộ Ngoại giao tướng Lương tuyên bố : "Nếu mất Tư Chính tôi sẽ cầm đầu anh em quân đội đến hỏi tội Bộ Ngoại giao". Còn nói về Bộ Quốc phòng tướng Lương tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch không biết đọc bản đồ và các tướng trong quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay không biết đánh giặc nhưng lại rất nhiều tiền.

Tướng Lê Mã Lương công khai phát biểu tại một diễn đàn có hơn trăm người tham dự, hơn nữa trong thời buổi thông tin số hóa như ngày nay lời nói của ông lập tức thành cái loa phóng thanh đi khắp thế giới bằng youtube, facebook và các trang tin tức khác. Người dân háo hức lắng nghe ông phát biểu chì đơn giản là lời nói của ông cũng là tâm ý của mọi người trên đất nước này. Nều có ai không muốn nghe chắc rằng kẻ ấy đang ăn bổng lộc của triều đình đỏ và lo sợ tướng Lương sẽ vạch mặt mình ra.

Người lo sợ trước tiên lại là ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Chủ tịch nước lẫn Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trọng lo sợ những lời nói thẳng của tướng Lê Mã Lương sẽ làm nhân dân nổi giận và ông Trọng chữa cháy bằng một câu nói rất dễ… gây cháy trong lòng dân.

Trong khi gặp gỡ cử tri 3 quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình trước thềm kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ông Trọng trả lời nhiều câu hỏi của cử tri, trong đó Ông Trọng có vẻ là đang rất hậm hực, cay cú khi bị tự ái trong thời gian qua. Ông Trọng cho rằng : "Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à ? Vô trách nhiệm à ?".

Vậy là cứ có ai thách thức sức mạnh của nhà nước thì ông Trọng lại ra lệnh cho bộ máy hoạt động sau khi ông công khai lên tiếng trước một đối tượng nào đó.

Lần này thì VTV lập tức phụng chỉ, ra một chương trình trên giờ vàng của VTV 1 có cái tựạ rất kêu "Bệnh công thần". Bên cạnh việc dẫn dắt người nghe theo cách chỉ tay của mình VTV mời thêm hai ông tướng có lý lịch rất xiêu vẹo là Trung tướng Khuất Duy Tiến và Thượng tướng Võ Tiến Trung. Ông Võ Tiến Trung lên giọng kể công như thường thấy trong bất kỳ cuộc đấu tố nào kể từ thời cải cách ruộng đất tới nay. Mặc dù chưa dám nhắc tận tên Thiếu tướng Lê Mã Lương nhưng ông Trung nói "vô ân bạc nghĩa, quân đội đã nâng đỡ ông ta, không có quân đội giáo dục, giúp đỡ rèn luyện và quân đội tôn vinh quay lại coi thường"… Ô hay, người ta được vinh danh là anh hùng có liên quan gì tới sự giúp đỡ của quân đội như ông nói ? Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân qua cửa miệng của ông tướng này trở thành tấm giấy lộn hay miếng giẻ rách chăng ? Đúng là nâng bi không phải cách.

Tướng Lương chê thẳng mặt Bộ trưởng quốc phòng không biết đọc bản đồ thì ông Ngô Xuân Lịch nên tổ chức một buổi hội thảo có mặt tướng Lương và báo chí. Lấy bản đồ quân sự ra đọc vanh vách rõ to cho ông Lương câm miệng tốt hơn là cứ im lặng làm ra vẻ bề trên mà không sợ làm trò cười cho bộ đội cụ Hồ.

Tướng Lương cho rằng tướng quân đội không biết đánh giặc nhưng tiền thì lại rất nhiều. Tướng Lương nói không hề sai bởi lẽ ai cũng thấy quân đội hiện nay tha hóa đến mức không còn cứu vãn nỗi vì vậy nghe nói đến Biển Đông là tướng tá toàn thân run rẩy. Nếu tiền không nhiều thì làm sao bị bắt, bị kết án và bị lột thẻ đảng ? Chỉ cần nêu vài ông trong thời gian gần đây mới thấy lời của tướng Lương là hoàn toàn dựa vào sự thật.

Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải Quân bị kỷ luật vì tội tham ô tài sản, sử dụng đất quốc phòng do Quân chủng Hải quân quản lý trái pháp luật.

Thượng tướng Phương Minh Hòa - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, đã trực tiếp ký nhiều văn bản về giao đất và phê duyệt phương án làm kinh tế không đúng quy định

Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông Thanh chịu trách nhiệm trong việc xét duyệt danh sách hưởng chính sách nhà ở, đất ở của quân đội, trong đó có một số trường hợp không đúng đối tượng theo quy định.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Nam Đông - A Lưới, dẫn đến công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, không sử dụng được, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, quân đội.

Danh sách này chưa đủ để ông Trọng hãnh diện về cái lò của ông hay sao mà còn tranh yêu nước với tướng Lương ?

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 22/10/2019 (canhco's blog)

***************

Bắc Kinh xâm lấn Tư Chính : Tướng Lê Mã Lương lên án việc chậm khởi kiện

Võ Văn Tạo, RFI, 19/10/2019

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động ngày càng sát bờ biển quốc gia (1), cùng lúc với các tàu hải cảnh liên tục quấy nhiễu Bãi Tư Chính. Trong bối cảnh quyền chủ quyền của đất nước bị xâm phạm hiện rõ, một hội nghị chưa từng có được tổ chức tại Hà Nội. Tướng Lê Mã Lương đã lên án đích danh ngành Ngoại Giao chậm khởi kiện Bắc Kinh.

hoithao1

Thiếu tướng Lê Mã Lương phát biểu tại Hội thảo về "Vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế", Hà Nội, 06/10/2019. Copy d'ecran : youtube

Kiện hay không kiện Trung Quốc ? Đây là câu hỏi lớn đang ngày càng ám ảnh những người lãnh đạo Việt Nam. Ngày 06/10/2019, Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Vusta) tổ chức hội thảo khoa học về "Vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế" (2).

Đặc biệt gây chú ý là phát biểu của thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Không nhanh chóng sử dụng các biện pháp pháp lý để chế ngự tham vọng của Trung Quốc, Việt Nam có thể bị rơi vào thế để Bắc Kinh ra tay trước, tấn công Bãi Tư Chính. Chiến tranh sẽ bùng nổ và Việt Nam buộc phải tự vệ. Ông Lê Mã Lương nhấn mạnh : "Nếu như để xảy ra chiến tranh, thì lỗi lớn nhất là Bộ Ngoại giao, ban Đối Ngoại trung ương (Đảng cộng sản), rồi đến Đối ngoại Quốc phòng".

Tạp chí Đặc biệt của RFI Tiếng Việt xin chuyển đến quý vị các nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) về tướng Lê Mã Lương – tình hình Biển Đông và chính quyền Việt Nam.

***

RFI : Kính chào nhà báo Võ Văn Tạo, thưa ông, trong những ngày gần đây, dư luận trong nước đặc biệt chú ý đến các phát biểu của tướng Lê Mã Lương về các hành động xâm lấn táo tợn của Trung Quốc tại Biển Đông, và trách nhiệm của chính quyền Việt Nam. Có nhiều tin đồn trên mạng là ông Lê Mã Lương bị bắt. Thực hư ra sao thưa ông ?

Võ Văn Tạo : Sáng hôm 12, tôi từ Hà Nội bay về Nha Trang, trên dọc đường đi, tôi có tình cờ vào mạng thì thấy có tin đồn trên youtube thì thấy đêm 11, Bộ Công an triệu tập tướng Lê Mã Lương, sau khi ông phát biểu khá dữ dằn trong một hội thảo trước đó, về tình hình Bãi Tư Chính, cũng như Biển Đông.

Tôi có quen biết với tướng Lê Mã Lương. Trước đây, trong chiến tranh chống Mỹ, tôi cùng anh Lương một sư đoàn (sư đoàn 304), có tác chiến tại Quảng Trị, vào mùa hè năm 1972. Tôi vẫn biết là youtube ít khi kiểm soát chặt chẽ, ít độ tin cậy. Nhưng dù sao tin này nó đưa vào đúng thời điểm đó, làm cho mình cũng hơi băn khoăn. Tôi bèn rút điện thoại gọi cho tướng Lương, thì anh ấy trả lời là có gì đâu mình đang ngồi uống cà phê với bạn bè. Tôi lập tức viết trên Facebook một status để đính chính chuyện đó. Tôi bình luận : Chắc là "dư luận viên thờ Tàu" nó tung tin đó thôi. Sau đó, hai ba hôm nay lại có những thông tin khác nữa. Nào là lục soát, khám nhà, thấy tài liệu đảo chính nọ kia. Riêng tôi thì tôi không tin. Nhưng nó cũng làm cho dư luận ở Việt Nam nhiều người cũng băn khoăn.

RFI : Xin ông cho biết cụ thể trong hội thảo này, tướng Lê Mã Lương nói những điều gì là chính ạ ?

Võ Văn Tạo : Tại hội thảo đó, trong đoạn clip anh Lương phát biểu, cái đầu tiên anh kể lại câu chuyện trước đó anh có dự một hội thảo khác. Trong cuộc hội thảo đó, có đại diện của Bộ Ngoại giao tham dự, anh đã chất vấn thẳng Bộ Ngoại giao là : Vì sao không kiện Trung Quốc ? Điểm thứ hai anh cũng nêu Tư Chính là rất quan trọng, mất Tư Chính có nghĩa là mất hết chủ quyền biển đảo của Việt Nam, và nếu để mất Tư Chính anh ấy sẽ cầm đầu các quân nhân kéo đến Bộ Ngoại giao để "hỏi thăm" chuyện đó. Còn nội dung thứ ba quan trọng là anh ấy phê phán nhân sự cao cấp của Bộ Quốc phòng. Anh nói là lần đầu tiên trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, một đại tướng bộ trưởng quốc phòng mà không biết sử dụng bản đồ quân sự, không biết đọc bản đồ quân sự (3).

RFI : Ông tổng bí thư Đảng cộng sản, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng có một số phản ứng sau các chỉ trích mạnh mẽ và trực diện của tướng Lê Mã Lương nhắm vào các cơ quan ngoại giao của Việt Nam, xin ông cho biết cụ thể ?

Võ Văn Tạo : Cách đây chừng ba hôm, báo chí Việt Nam có đưa tin ông Trọng trong một cuộc tiếp xúc cử tri đã có phát biểu, mà ai cũng hiểu rằng để đập lại cái phát biểu của anh Lê Mã Lương, mặc dù ông Trọng không nêu đích danh. Ông Trọng nói nguyên văn thế này : "Có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn trung ương Đảng, chính phủ, tổng bí thư không yêu nước à ?".

Tôi theo dõi ông Trọng nhiều năm rồi tôi biết. Từ lâu rồi ông Trọng đã lên án những người trí thức luôn luôn muốn đòi hỏi quyền tự do, dân chủ, cho Việt Nam, giống như những nước văn minh trên thế giới. Theo tôi được biết, trong hình chụp hội nghị mùng 6 tháng 10 vừa rồi, mấy chục người đó đều là trí thức, họ không có ý đồ lật đổ đâu, họ chỉ muốn gây dựng thôi. Chúng tôi thường gọi họ là các trí thức trung thành.

Thế nhưng ông Trọng mà có thái độ như thế, tôi cho rằng không phù hợp, không thiện chí, không đoàn kết, những lời nói gan ruột, bộc trực của tướng Lương, lẽ ra một người biết ứng xử, một người cầm cương của đất nước, như ông Nguyễn Phú Trọng thì tôi nghĩ rằng ông Trọng cần phải đến tận nhà ông Lương, mà cám ơn, mà mời mọc, đề nghị ông Lương rủ bạn bè tướng lính cao cấp từng trải chiến trận có mưu lược, mời một cuộc hội thảo với Bộ Chính trị : Trong tình hình hiện nay đất nước đang lâm nguy như thế nào, thế lực mình rất kém so với Trung Quốc, mà nó đang muốn ăn cướp tất cả biển của mình như thế này !

RFI : Dù sao thì mọi người cũng để ý, trong hội nghị trung ương 11 vừa qua, lần đầu tiên ông Trọng có nêu vấn đề Biển Đông ra để thảo luận. Cho đến giờ kết quả thảo luận ra sao, thưa ông ?

Võ Văn Tạo : Ở hội nghị trung ương 11, ông Trọng gợi ra chuyện thảo luận về Biển Đông. Chỉ đăng thế thôi, nhưng cụ thể thảo luận như thế nào, thì hoàn toàn bị giữ kín. Phương tiện truyền thông của Nhà nước không hề truyền tải.

Còn chuyện ông ấy đặt vấn đề mà báo chí đã đăng, thì tôi thấy rằng trên mạng lâu nay đã lên án ông Trọng rất dữ dội là đã không nói năng gì trước hành động khiêu khích của Trung Quốc. Không nói tiếng nào, đặc biệt từ tháng 7 đến giờ, từ sự kiện tầu thăm dò và kể cả tầu khác, dàn khoan nữa, vào Tư Chính và cả vùng biển phía bắc nữa. Người ta lên án dữ dội lắm. Tôi biết khả năng là những chuyện đó cũng đến tai ông Trọng, và ông có đặt vấn đề đó cũng chẳng qua là thanh minh, thanh nga với dư luận thôi, mà không phải là một chiến lược có từ lâu nay.

RFI : Theo ông, vì sao tướng Lê Mã Lương lại lên tiếng kiên quyết, đưa ra những phát biểu gây chấn động như vậy ?

Nhà báo Võ Văn Tạo : Phát biểu của tướng Lê Mã Lương, tôi biết là do anh ấy xuất thân là người lính, rất là nhiệt tình, yêu nước. Anh ấy là con liệt sĩ Điện Biên. Anh ấy được tuyển chọn đi học ở nước ngoài và anh ấy đã từ chối đi học. Anh ấy phát biểu một câu rất nổi tiếng : Đất nước còn chiến tranh thì cuộc đời đẹp nhất đối với thanh niên là trên trận tuyến chống quân thù. Thế hệ của chúng tôi sau anh ấy vài năm cũng đã biết đấy là một người rất nhiệt huyết, yêu nước, trải qua trận mạc, hàng trăm trận. Anh ấy là người rất lo lắng và giận dữ trước thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam, đối với biển đảo Việt Nam. Bản chất con nhà lính lời nói của anh ấy rất bộc trực, không có rào đón trước sau, tránh né.

Anh nói thẳng vào sự thực. Tình hình rất căng thẳng như vậy, cả thế giới cũng phẫn nộ. Hoa Kỳ là nước lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc đã lấn hiếp Việt Nam. Châu Âu, Anh, Pháp… các cường quốc đều có ý kiến phản đối Trung Quốc như thế, rõ ràng là người Việt Nam, ai cũng giận dữ.

(Mà) Nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa qua dứt khoát chưa kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, (chính quyền) Việt Nam rất là yếu hèn trước Trung Quốc, bị Trung Quốc lấn hiếp rất là nhiều. Trung Quốc ra rằng vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng Việt Nam vẫn chưa đệ đơn kiện. Khi dư luận rất bức xúc rất nhiều trên mạng, cả trên báo chí nữa, thì Bộ Ngoại giao Việt Nam, các quan chức trả lời một cách bóng bẩy rằng, tuy thế nhưng hồ sơ kiện đã sẵn sàng rồi. Sẵn sàng mà 5, 6 năm nay mà chưa thấy nộp đơn.

RFI : Khép lại chương trình Tạp chí Đặc biệt hôm nay về vấn đề Bắc Kinh xâm lấn Tư Chính, phản ứng tướng Lê Mã Lương và thái độ của chính quyền Việt Nam, xin nhà báo Võ Văn Tạo cho biết nhận xét chung của ông về tình hình hiện nay !

Võ Văn Tạo : Theo tôi nghĩ, trước tình hình biển đảo của ta bị xâm phạm như thế này, và những ý đồ và những hành vi thực tế của Trung Quốc quá hung hăng, nguy cơ chúng ta mất dần chủ quyền là không tránh khỏi. Các lo lắng của anh Lê Mã Lương cũng như các trí thức, cũng như đông đảo người dân trong nước là hoàn toàn có cơ sở.

Chuyện này có những sai lầm từ trước cộng lại cho đến bây giờ. Trước chủ trương ngả theo Trung Quốc, gọi là để giữ "chủ nghĩa xã hội", thực tế là để giữ "chế độ vua tập thể", lời của ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ai nghiên cứu về "chủ nghĩa xã hội" thì biết rồi, Trung Quốc và Việt Nam giờ bỏ hết, chỉ giữ lại một đặc điểm : Đảng cộng sản giữ độc quyền cai trị, không chia sẻ quyền lực với ai.

Rõ ràng Việt Nam hiện nay gay go, bảo vệ được chủ quyền là rất khó khăn, mà thái độ của Đảng cộng sản, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng là như thế, không tập hợp được sức mạnh của các tầng lớp, đặc biệt là các tướng lĩnh có kinh nghiệm trận mạc, để củng cố sức mạnh quốc phòng.

Thứ hai là chính sách của Việt Nam cứ khi nào cũng khư khư "Ba Không" (Không liên minh quân sự, Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, Không là đồng minh quân sự với nước khác), cứ sợ rằng liên minh quân sự sẽ mất chủ quyền, lệ thuộc người ta. Thế thì hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ có làm Nhật mất chủ quyền so với Mỹ không ?

Ông Trọng trả lời giùm tôi cái này ! Liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc bảo đảm cho Hàn Quốc yên ổn phát triển hòa bình. Một khi anh liên minh quân sự tất nhiên các nước khác muốn lấn hiếp cũng phải nhìn mặt cái liên minh đó, như Trung Quốc bắt nạt Việt Nam. Để cứu vãn được tình thế, Đảng cộng sản Việt Nam phải lập tức thay đổi quyết liệt, thì may ra, nếu không thì chuyện mất chủ quyền sẽ không tránh khỏi !

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Võ Văn Tạo !

Trọng Thành thực hiện

Nguồn : RFI, 19/10/2019

Ghi chú :

1. "Biển Đông : Tàu Trung Quốc thăm dò ngày càng sát bờ biển Việt Nam", RFI, ngày 06/10/2019.

2. Theo nhiều nhà quan sát, đây là lần đầu tiên diễn ra một hội thảo về Biển Đông, kêu gọi khởi kiện Trung Quốc, có sự tham gia của các cựu quan chức - chuyên gia hàng đầu cùng nhiều trí thức phản biện, bao gồm cả những người thường xuyên lên án chế độ đảng trị. Cuộc hội thảo được nhiều báo chính thống trong nước giới thiệu. Xem thêm bài : "Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông", báo mạng Thanh Niên, ngày 07/10/2019.

3. Tướng Lê Mã Lương cũng nêu nhận định về thực trạng các lãnh đạo ngành quốc phòng hiện nay chưa từng trải qua chiến tranh…. Phát biểu của tướng Lê Mã Lương dường như đã gây rúng động Bộ Quốc phòng. Báo Quân đội nhân dân (hôm 13/10/2019) có bài "Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng", lên án "một vị tướng được phong danh hiệu anh hùng nhưng lại lên mạng xã hội nói về vấn đề Biển Đông, nói về các tướng lĩnh quân đội không đúng sự thật".

Published in Diễn đàn

Quốc hội ‘không nhân nhượng chủ quyền’ : Tin nổi không ?

Thường Sơn, VNTB, 23/10/2019

Lần đầu tiên, sau rất nhiều năm câm lặng, vấn đề Biển Đông mới được đưa vào nghị trình làm việc của Quốc hội.

quochoi1

Quốc hội ‘không nhân nhượng chủ quyền’ : Tin nổi không ?

Vào ngày 21/10/2019 khi khai mạc kỳ họp quốc hội, cơ quan thẩm tra của Quốc hội lần đầu tiên lên tiếng công khai : "việc xảy ra vi phạm của các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua là nghiêm trọng".

Tại sao sự lên tiếng trên lại dồn vào cơ quan thẩm tra của Quốc hội chứ không phải được phát ngôn thẳng xương sống bởi chính Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chẳng người dân nào quên rằng nếu trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 đã xông thẳng vào Biển Đông như một cái tát nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị đảng Việt Nam, Quốc hội và Nguyễn Thị Kim Ngân đã không há nổi miệng và cũng chẳng trút ra được một nghị quyết nào về Biển Đông, thì 2019 còn tồi tệ hơn : trong khi bà Ngân ‘mắt liếc mày cong’ với Tập Cận Bình ở Bắc Kinh về ‘làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ và cả một khái niệm cực kỳ trừu tượng và bỉ bôi là ‘đại cục’, cái bóng ma Hải Dương 981 lại hiện hình trên Biển Đông. Nhưng ngay cả thế, từ khi chia tay Tập đến nay, Nguyễn Thị Kim ngân vẫn không thốt nổi một lời về phản đối Trung Quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc chỉ lặp lại trơn tuột cụm từ "không bao giờ nhân nhượng" đối với vấn đề độc lập, chủ quyền khi ông ta cúi mặt đọc báo cáo trước nghị trường.

Vào đầu tháng 10 năm 2019, mạng xã hội từng sôi lên khi Thủ tướng Phúc, dù đã dám hé răng về ‘căng thẳng Biển Đông’, nhưng lại không đủ can đảm nêu tên Trung Quốc.

Cảnh ngậm miệng trên diễn ra trong bối cảnh đã gần bốn tháng kể từ ngày Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, nhưng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn chưa một lần dám nổ súng cảnh cáo. Trong khi đó, toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng trở xuống vẫn kiên định ‘câm như hến’ mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới ‘văn dốt, võ dát’ này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Vào sáng ngày 15/10/2019, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã có một cuộc tiếp xúc với các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 1 thuộc 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ ở Hà Nội . Sau khi đã lần đầu tiên thú nhận ‘đang là bệnh nhân’ với giọng có vẻ mệt mỏi và cam phận chung sống với bệnh tật, Trọng huấn thị : "Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng".

Phát ngôn trên xảy ra trong bối cảnh tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc và các tàu hộ vệ cho tàu này đã tiến rất sâu vào vùng lãnh hải Việt Nam ở các tỉnh Bình Thuận, Phan Rang, Phú Yên, Bình Định…, với nhiều lần di chuyển đan áo mà có lần chỉ còn cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 km.

Lời huấn thị của Nguyễn Phú Trọng đã mâu thuẫn, mâu thuẫn khủng khiếp với với thực tế mất chủ quyền và đang dần mất nước.

Không chỉ nhân nhượng, mà về thực chất Đảng cộng sản Việt Nam đã để mặc cho kẻ thù biến vùng lãnh hải chủ quyền của Việt Nam thành ‘vùng biển đang tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam’, bộc lộ sự ươn hèn không thể chấp nhận được.

Vậy làm sao có thể tin được là Quốc hội Việt Nam - với đặc tính ‘gật theo đảng’ đã ăn quá sâu vào não trạng, lại dám mở miệng dù chỉ để nhắc đến Bãi Tư Chính chứ chưa nói gì đến việc lên án Trung Quốc ?

Thường Sơn

Nguồn : 23/10/2019

*****************

Biển Đông : Quốc hội cần kích hoạt Điều 6 Luật trưng cầu dân ý 2015

Nguyễn Hiền, VNTB, 23/10/2019

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên là Ủy viên trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo trung ương, người mới đây tiếp tục có những quan điểm thẳng thắn và cứng rắn hơn về phương hướng xử lý vấn đề Biển Đông.

quochoi2

11 quan điểm của ông Hoàng chính là 11 quan điểm thực dụng, mang tính cần thiết cho Việt Nam hiện nay. Xóa bỏ những nghi ngờ, giả thiết, rụt rè không cần thiết về mặt chính trị, để bảo toàn chủ quyền quốc gia.

Theo báo Tuổi Trẻ tường thuật lại, tại phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội, từ "Biển Đông" đã xuất hiện ít nhất 6 lần trong phát biểu của các nhà lãnh đạo tại phòng họp Diên Hồng. Và lần đầu tiên, Thủ tướng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, cùng Chủ tịch Quốc hội đồng loạt nhấn mạnh "không bao giờ nhân nhượng độc lập, chủ quyền".

Nhưng Trung Quốc cũng không hề "kém cạnh", khi mới đây tại diễn đàn Hương Sơn lần thứ 9 khai mạc vào ngày 21/10 ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tuyên bố thẳng : Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi.

Và trên thực tế, bất kỳ ai theo dõi AIS nhóm tàu Trung Quốc và Việt Nam "vờn nhau" trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đều nhận ra, Hà Nội không chỉ lép vế cả về mặt quốc tế vận, mà cả năng lực phòng thủ hàng hải so với Trung Quốc. Trong trận chiến theo đuổi nhau trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhóm tàu khảo sát với dàn tàu hộ tống đi theo đã "làm chủ hoàn toàn" mặt trận khảo sát. Cho thấy năng lực vượt trội về kỹ nghệ quốc phòng của nước này so với Việt Nam.

Liên minh và trưng cầu dân ý

Liên minh là vấn đề cần được đặt ra nghiêm túc trong tình huống khẩn cấp và nguy hại này, ngay trong hội trường Diên Hồng (tòa nhà Quốc hội Việt Nam). Tương tự như cách mà quân dân nhà Trần đã lên tiếng "nên hòa hay nên đánh" cách đây 734 năm về trước (1285 - 2019).

Nhưng phải chăng "hòa hay đánh", hay "liên minh hay không liên minh" chỉ là câu chuyện của 200 vị đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam ? 

Xét trên tinh thần của Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông, thì "bàn việc nước" trong 200 vị thực chất là tinh thần hữu khuynh, coi nhẹ sức mạnh từ nhân dân và tinh thần yêu nước của người dân.

Bởi sử thần Ngô Sĩ Liên đã bàn rất đúng về cách mà Thái Thượng hoàng triệu tập hội nghị và ra quyết định, ấy là "Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến rồi hỏi kế sách ở các bô lão hay sao ? Ấy bởi Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân và cũng để dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích rồi hăng hái lên thôi".

Trong hoàn cảnh hiện nay, liên minh là sự cần thiết và là yếu tố sống-còn của chủ quyền quốc gia. Và 200 vị cần phải đồng lòng, thống nhất về vấn đề đó. Nhưng, để chủ quyền quốc gia là việc hệ trọng của toàn dân tộc, là giữ gìn lãnh thổ cha ông để lại, thì xác lập ý chí toàn dân thông qua "xét lòng thành ủng hộ của dân", bằng Trưng cầu dân ý.

Luật trưng cầu dân ý 2015, mặc dù có hiệu lực từ tháng 7/2016 nhưng chưa một lần được áp dụng, và trường hợp "liên minh" hay xóa bỏ chính sách ba không là "thời cơ vàng" để cho Luật này được hiện diện.

Điều 6 của Luật quy định các vấn đề trưng cầu ý dân, tại khoản 2 ghi nhận : 2. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia ;

Cách Trung Quốc hoành hoành tại Biển Đông trong 3 tháng vừa qua có phải là vấn đề đặc biệt không ? Cách Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam trong 3 tháng vừa qua có phải ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia không ? 

Nếu 200 vị ủy viên Trung ương Đảng, 4 vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đủ tỉnh táo để nhận ra sự nguy cấp của tình hình, thì các vị phải tiến hành ngay-lập-tức cuộc trưng cầu ý dân về quyền được liên minh, xóa bỏ hoàn toàn chính sách ba không. Để cởi bỏ xiềng xích ràng buộc về quốc phòng, thực hành đường hướng thực dụng trong an ninh, quốc phòng.

Cần nhấn mạnh lại, Trung Quốc là một quốc gia cực kỳ thực dụng và đang theo đuổi chính sách thực dụng trong quốc phòng như Mỹ. Trung Quốc thông qua sáng kiến "Vành đai, Con đường" đã xác lập các liên minh an ninh với một số nước, trong đó có Pakistan.

Do đó, xác lập rõ ràng và ngay thẳng quan điểm trong Đảng, rằng, ai gián tiếp bảo vệ chủ quyền của ta chính là bạn ta, và cần liên kết. Ai "nỗ lực" xâm hại chủ quyền ta một cách trực tiếp hay gián tiếp, chính là kẻ thù của ta. Và để bảo vệ chủ quyền quốc gia trước một Trung Quốc "bành trướng", thì liên minh là điều tất yếu.

Chế độ này đang ở bước ngoặt, một công thần chống tham nhũng có thể trở thành một tội đồ dân tộc về mặt chủ quyền và cả cho sự sống-còn của chế độ. Bắt đầu từ nhận thức giao điều hay linh hoạt, nhận thức từ ghế hay là từ dòng máu người Việt, và hành động vì sự "ngoan cường" mà cha ông gây dựng hay vì "hữu nghị viển vông". Tất cả sẽ có câu trả lời trong giai đoạn này, vào những ngày tháng cuối năm 2019.

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa của Trung Quốc ngang ngược tuyên bố "chủ quyền Biển Đông", bất chấp "tình hữu nghị máu thịt Việt - Trung", thì USS Ronald Reagan của Mỹ đang quay trở lại thực hiện cuộc tập trận trên Biển Đông.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 23/10/2019

********************

Biển Đông thà rằng Quốc hội đừng lên tiếng

Gió Bấc, RFA, 22/10/2019

Vừa qua, nhiều cử tri, cả một số cá nhân đại biểu quốc hội như Trương Trong Nghĩa, Dương Trung Quốc khẳng khái đề nghị Quốc hội phải xem xét, ra nghị quyết về tình hình biển Đông nhưng tất cả các dề xuất này đều bị gạt bỏ ngoài tai. Đến nay, Quốc hội chưa nghe, chưa biết gì về Biển Đông.

qh2

Quốc hội Việt Nam sẽ ‘không ra nghị quyết về Biển Đông’ ?

Biển Đông nghe gọi tên cũng bốc hỏa

Lần này, tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, gây hấn, tạo áp lực với các đơn vị của Việt Nam suốt hơn 4 tháng qua và chưa biết đến bao giờ chúng ngừng tay, đươc sự cho phép của Đảng trong kỳ hop Quốc hội đã rụt rẻ lên tiếng về biển Đông (1).

Tuổi Trẻ, một tờ báo cấp tiến xưa nay, mới tập tành công việc bưng bô đã cố gắng vặn vẹo ngòi bút để xưng tụng cho hành động dũng cảm của Quốc hội. "Tại phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội, từ "Biển Đông" đã xuất hiện ít nhất 6 lần trong phát biểu của các nhà lãnh đạo tại phòng họp Diên Hồng". Hóa ra Biển Đông xưa nay là từ bị cấm kỵ trong Quốc hội cho nên, việc nhắc đến Biển Đông 6 lần đã thành sụ kiện quan trọng.

Nhưng Biển Đông đươc nhắc đến như thế nào ?

Trình bày diễn văn khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết "tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường", đồng thời khẳng định "Quốc hội nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 3 lần đề cập vấn đề Biển Đông. Thủ tướng cũng đồng thời nhấn mạnh : "Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng ; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước".

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri, nhân dân lo lắng về "những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam"

Biển Đông nghe Quốc hội Việt Nam nhắc tên mình theo kiểu ấy đã bốc hỏa muốn nổi sóng thần. Căn bệnh khôn lỏi, lẫn tránh sự thật và lập trường leo dây đi hàng hai, hàng ba đã tạo cho quan chức Việt Nam một lôi noi năng rối rắm vô nghĩa. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đảo Hoàng Sa, Trường Sa lập căn cứ. Thi thể hơn 100 liệt sĩ đến nay vẫn chưa được quy tập. Nay Trung Quốc lại dùng tàu to, sức mạnh lấn biển theo đường lưởi bò, ép giàn khoan của ta ngừng hoạt động. Người Mỹ vì bảo vệ tự do hàng hải quốc tế đã có mặt tại khu vực, công khai chống lại đường lưởi bò của Trung Quốc.

Quốc hội không thẻ nghe suông, phải ra Nghị quyết

Người ta có câu châm ngôn đại loại là thà rằng anh đừng lên tiếng để dư luận còn nghi ngờ, còn khi anh lên tiếng dư luận biết chắc chắn là anh vừa ngu lại vừa hèn.

Sáu lần nhắc đến Biển Đông ở Quốc hội không lần nào đề cập đúng thực trạng là Trung Quốc đã và đang xâm lấn biển. Thậm chí cái tên Trung Quốc còn không dám nhắc đến.

Đây là cuộc xâm lấn hết sức nguy hiểm từ một phía Trung Quốc và hy vọng mong manh nào đó là sự chống lại Trung Quốc từ phía Mỹ chứ không có gì là phức tạp.

Tại diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã công khai tuyên bố "Các đảo ở Biển Đông và đảo Điếu Ngư là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại" (2).

Lãnh thổ mà Ngụy Phương Hòa nói tất nhiên là toàn bộ Biển Đông theo đường lưởi bò. Lập trường của Trung Quốc là nhất quán, chiếm toàn bộ, không để sót một tất nào. Trung Quốc sẽ chiếm bằng biện pháp hòa bình như đã từng chiếm ở Hoàng Sa, Trường Sa, Vị Xuyên, Cao Bằng…

Nếu cứ ngũ mê gọi việc đối phương đang thưc hiện mạnh mẻ kế hoạch xâm lược bằng khái niệm mơ hồ tình hình phức tạp và kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình thì rơi vào một trong hai tình thế : thụ động từng bước đầu hàng, chấp nhận mất dần chủ quyền từ biển đảo đến đất liền hoặc là chủ động đầu hàng nhưng dùng biện pháp đấu tranh hòa bình để che mắt người dân và dư luận quốc tế.

Ngay chuyện trẻ con đánh nhau giành miếng bánh, thằng nhỏ hơn đâu thể nào dùng biện pháp hòa bình mà giữ đươc bánh khi thằng lớn nhất định muốn ăn. Hòa bình ai cũng muốn nhưng hòa bình đâu thể có bằng cách đi xin mà không mất điều gì ? Muốn hòa với Trung Quốc chỉ có một con đường là dâng biển, dâng đất cho nước mẹ vĩ đại, để giữ đươc đại cục còn đảng còn mình.

Ngay trong kỳ họp lần này, trong 6 lần nhắc đến Biển Đông ấy lại không có điều mà cử tri cả nước mong đợi nhất và trách nhiệm quan trọng nhất Quốc hội phải làm đó là ra một Nghị Quyết về các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Trong tình thế tàu giặc đóng quân hơn 4 tháng trên vùng biển đặc quyền kinh tế và ra những tuyên bố áp đặt, đe dọa, ngồi trong hội trường máy lạnh có cái tên sang trọng Diên Hồng, Quốc hội chỉ làm một việc là "nghe báo cáo về công tác đối ngoại trong đó có biển Đông"

Sự kiện về chủ quyền lãnh thổ biển Đông bị Trung Quốc xâm lấn đã bị hạ nhỏ tầm mức xuống thấp nhất, Quốc hội cũng tự tươc bỉ quyền lưc trách nhiệm của mình trong việc đưa ra quốc sách bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Chủ trương như một thần chú mà Nguyễn Phú Trong, Nguyễn Xuân Phúc "những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng ; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước" là ước mơ hoang tưởng hoặc là lời tuyên thệ đầu hàng trá hình của lãnh đạo Việt Nam với Trung Quốc do sự hèn nhươc.

Thử nhìn lại xem bốn tháng qua, đảng, chính phủ đã làm những biện pháp hòa bình nào đề bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông ?

Mấy mươi lần "giao thiệp" giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc xem như kết quả bằng không, ngoài trừ việc đảng muốn nhắn gởi với phía Trung Quốc là lòng trung thành và sự khiếp nhược của lãnh dạo Việt Nam với Trung Quốc là vô hạn.

Kiện Trung Quốc ư ? Xin đừng nhắc đến chữ ấy làm các nhà lãnh đạo Việt Nam mất ngủ....

Vận động sự ủng hộ của Quốc tế ư ? Chừng như làm nhiều nhưng không được bao nhiêu chính vì cái lập trường ngoại giao ba không, ba phải. Không ai dại gì đương đầu với kẽ mạnh để giúp Việt Nam khi mà Việt Nam vẫn tuân thủ Ba Không, trong đó không liên kết với bên nào chống lại một bên khác. Giúp đở phải có qua có lại. Tôi giúp anh chống ngoại xân thi anh cũng phải giúp tôi khi cần thiết chứ sao chỉ bắt người ta giúp 1 chiều.

Hãy cho dân mở miệng

Thật ra giữ lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình vẫn còn có cách làm.

Xin kiến nghị Quốc hội nếu đảng, và nhà nước không có giải pháp giữ lãnh thổ bằng biện pháp hòa binh thì hãy để dân làm Đó là cách đi xin, những biện pháp hiền lành từ tốn nhất mà đảng và chính phủ hoàn toàn yên tâm không cần phải dùng AK-47 đối phó

Hãy để người dân cùng ký nguyện thư gởi chủ tịch Tập Cận Bỉnh, xin ông lòng thương mà buông tha cho miếng lưởi bò Biển Đông. Trong thời buổi thế giới phẳng này, chỉ cần phát động vài ngày sẽ có ngay thinh nguyện thư gởi ngài Tập.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân từ đến nỗi tội phạm Phạm Nhật Vũ còn được giáo hội làm đơn xin tha chẳng lẽ vì vận mệnh quốc gia giáo hội Phật giáo không mở lương từ bi gia hộ lên tiếng kêu gọi cộng đồng Phât giáo thế giới lên tiếng hưởng ứng. Chắc hẳn Đạt Lai Lạt Ma cùng đồng cảnh đang xin lại Tây Tạng cũng sẽ phát tâm cùng tăng chúng Việt Nam lên tiếng với ngài Tập. Sự minh triết của Đạt Lai Lạt Ma về lòng tư bi, sự bình đẳng hiếu sinh của chúng sanh chắc sẽ làm ngài Tập sớm giác ngộ.

Đâu chỉ Phật giáo, giới Công giáo, Cao đài, Hòa hảo ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có thể xin ngài Tập.

Còn trẻ em Việt Nam, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cháu ngoan Bác Hồ kính yêu cũng có thể viết thư gởi qua bác Tập bày tỏ lòng kính yêu dân tộc Trung Quốc vĩ đai, hoàng đế Mao, Tập vĩ đại.

Giới văn nghệ sĩ yêu nước của chúng ta cũng sẳn sàng sốt sắng viết thư gặp gở Tập chủ tịch. Nếu người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta chưa đủ sức truyền cảm khi giao thiệp xin hãy cử đại sứ Lý Nhã Kỳ hay nữ hoàng nội y Ngọc Trinh đi đàm phán với hoàng đế Tập biết đâu lời oanh tiếng ngọc của các em giúp ngài Tập hiểu được chủ trương "những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng ; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước" sẽ ban bố cho Việt Nam một nền hòa bình vĩnh viễn và một thái thú được cha truyền con nối đời này sang đời khác để bảo vệ cho chủ nghĩa Mác Lênin bách chiến bách thằng.

Hồ chủ tịch há chằng thực hiện thành công kế sách này với tướng Tiêu Văn ấy ư ?

Thật vậy, chỉ cần một nghị quyết cho dân mở miệng xin với Thiên Triều là chị Kim Ngân sẽ đi vào lich sử không phải vơi vai diễn chủ tịch Quốc hội nhiều tai tiếng hiện nay mà là một nữ anh hùng thật sự,

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 22/10/2019 (Gió Bấc's blog)

1. https://tuoitre.vn/chu-quyen-bien-dong-trong-phong-hop-dien-hong-20191021232113678.htm

2. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50135690

******************

Quốc hội ‘là của Đảng chứ không phải của dân, thảo luận cho vui’

Ben Ngo, RFA, 22/10/2019

Một ngày sau khi theo dõi diễn biến phiên khai mạc Quốc hội, một nhà quan sát đưa ra nhận định Quốc hội ‘là của Đảng chứ không phải của dân, thảo luận cho vui’.

qh1

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2019 - AFP - Ảnh minh họa

Vào đúng ngày kỳ họp thứ tám của Quốc hội khai mạc hôm 21/10, mạng xã hội lan truyền lá thư ngỏ của Giáo sư Nguyễn Đình Cống trong đó có đoạn : 

"Tôi thiết tha mong ước và kêu gọi các đại biểu có lương tri, hãy dũng cảm, vượt qua được nỗi sợ vu vơ để đề xuất vấn đề Biển Đông ra trước Quốc hội, yêu cầu được thông bào rõ ràng, công khai, yêu cầu được thảo luận và đề xuất biện pháp bảo vệ chủ quyền. Thật là nhục nhã cho Quốc hội nếu mọi đại biểu vẫn ngậm miệng, cúi đầu tuân theo một mật lệnh nào đó, từ ai đó, rằng vì đại cục và 16 chữ mà không được đụng đến kẻ có đầy dã tâm xâm lược là Trung cộng".

Kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa 14 vừa bắt đầu vào ngày 21/10 và dự kiến sẽ có phần báo cáo về tình hình căng thẳng Biển Đông, nơi Trung Quốc hơn 3 tháng nay đã điều tàu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí.

Ông Nguyễn Đình Cống được cho là một trong những trí thức bất đồng từ khi ông thông báo từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 3/2/2016.

Hôm 22/10, trả lời RFA, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói :

"Cái điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói về Quốc hội là làm sao sửa đổi được luật tổ chức Quốc hội để cho dân bầu ra một Quốc hội thật sự là đảm nhiệm cho dân. Trong đấy có mấy vấn đề".

"Một là phải tăng cường số đại biểu Quốc hội chuyên trách, muốn như thế phải chấp nhận sự tự do ứng cử của nhân dân. Có nhiều người tài giỏi trong dân ứng cử, vận động bầu cử thì mới hy vọng có được một Quốc hội có khả năng chứ không phải làm kiểu trước đây là đảng cử dân bầu".

"Cái thứ hai là tôi thấy phải bỏ ngay kiểu Mặt trận tổ quốc đứng ra hiệp thương danh sách ứng cử viên. Làm như thế là dùng bàn tay Mặt trận để loại bỏ người không phải do đảng lựa chọn. Cái kiểu làm như vậy là quá mất dân chủ".

"Cái thứ ba, tôi đề nghị đợt bầu cử sắp tới, phải giải thích cho dân một điều rằng, dân phải tự giác chọn người đại biểu của mình với khẩu hiệu "không biết không bầu". Không phải là ở trên người ta đưa xuống một danh sách, xong rồi vận động ép buộc, bảo bầu cho người này người kia, như thế là mất dân chủ. Chỉ trên cơ sở dân bầu được một Quốc hội tử tế thì mới mong Quốc hội có năng lực".

Đề cập chuyện nhiều đại biểu quốc hội hiện nay là quan chức của Đảng và nhà nước trong bộ phận hành pháp, ông Cống nhận định đây là "điều lãng phí". Ông nói :

"Vì họ đến Quốc hội để thảo luận những điều mà họ biết rồi, đã thảo luận nơi khác rồi. Đến đấy thì họ lơ lơ là là, chẳng chú ý gì, chỉ đến đấy để bỏ phiếu thôi. Những người như thế làm chiếm mất một số ghế lẽ ra của người tinh hoa trong dân đến để thảo luận tình hình đất nước. Tôi rất mong ước gần đây bầu ra một Quốc hội có năng lực, bản lĩnh thật sự chứ không phải phần lớn chỉ là nghị gật".

Vị giáo sư, tiến sĩ từng nhận danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" thừa nhận rằng những đề xuất của ông trong thư ngỏ về Quốc hội "rất khó khả thi". Ông nói thêm :

"Một mặt là phải nói cho Quốc hội, lãnh đạo biết. Mặt thứ hai là các tổ chức xã hội phải vận động nhân dân. Mà vận động cũng khó lắm chứ phải không. Vì mình đi vận động thì có gì công an bắt giam, đem ra xét xử với tội phá hoại. Biết rằng con đường đó đi được thì tốt nhưng con đường đầy chông gai, nhưng phải tìm đường đi chứ".

"Có nhiều con đường để dân chủ hóa đất nước, một trong những con đường chính là con đường chính sách. Mà nếu làm đúng, người ta không thể mang ra xử tội được, chỉ có người ta vu cáo thôi. Ví dụ như đề ra khẩu hiệu "không biết không bầu" thì không thể dựa vào câu ấy để xử tội người ta được. Cũng không thể dựa vào điều vận động những người có tài, đức độ ra ứng cử Quốc hội để xử người ta được. Vì đó là hành động hợp pháp, hợp hiến. Nếu như người ta ngăn cản chuyện đó thì càng lộ rõ bộ mặt độc tài, độc đoán mà thôi".

Ông Nguyễn Đình Cống nhấn mạnh rằng Quốc hội hiện nay "là cơ quan bù nhìn của Đảng chứ đâu phải của dân" và giải thích :

"Một mặt là ngay cả bà Ngân là chủ tịch Quốc hội cũng nói rằng Quốc hội chỉ để thảo luận, thông qua những điều mà Bộ Chính trị đã quyết định rồi. Và trong Quốc hội có đến 95% là đảng viên thì còn gì nữa. Rồi thì Quốc hội thành lập một cái đảng đoàn Quốc hội, nếu như có chuyện gì thì đảng đoàn Quốc hội họp quyết định rồi, và nói với các đảng viên cứ thế thi hành, không được nói ngược lại".

"Thế thì toàn dân người ta thấy Quốc hội bù nhìn thôi, có gì đâu, chỉ là cơ quan thảo luận cho nó vui, hình thức chứ có cái gì".

Hôm 22/10, phóng viên RFA gọi điện cho Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhiều lần để xin phản hồi về nhận định của ông Nguyễn Đình Cống nhưng ông Nguyễn Hạnh Phúc không bắt máy.

Là kỳ họp cuối năm, theo thông lệ, Quốc hội tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, cùng với đó là công tác giám sát tối cao, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Việt Nam, trong đó có vấn đề chủ quyền quốc gia.

Trong bối cảnh căng thẳng tại Bãi Tư Chính với Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, các báo nhà nước tường thuật rằng tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 21/10, cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh : "Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia ; không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quốc hội".

Tại phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội, hai chữ "Biển Đông" được truyền thông nhà nước ghi nhận xuất hiện ít nhất sáu lần trong phát biểu của giới chức tại phòng họp Diên Hồng.

Ben Ngô

Nguồn : RFA, 22/10/2019

*********************

Thủ tướng Việt Nam nói không nhân nhượng vấn đề chủ quyền Biển Đông, nhưng không nhắc tên Trung Quốc

RFA, 21/10/2019

Báo cáo của chính phủ Việt Nam trình bày trước quốc hội trong kỳ họp quốc hội thứ 8 khóa 14 vừa mới khai mạc ở Hà Nội hôm 21/10 đã đề cập đến vấn đề Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh lập trường của Việt Nam là không nhân nhượng, nhưng không đề cập trực tiếp tên Trung Quốc.

qh1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội hôm 21/10/2019 - Courtesy of mattran.org.vn

Trong báo cáo kinh tế - xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc, chính phủ Việt Nam nhìn nhận tình hình khu vực, Biển Đông diễn biến rất phức tạp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trước Quốc hội : "Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và các thỏa thuận cấp cao".

"Đảng và nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tiếp.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng cho biết Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời đấu tranh trên thực địa. Ông cũng không quên khẳng định Việt Nam vẫn muốn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.

Từ khoảng giữa tháng 6 đến nay, Việt Nam đã phải đối mặt với việc Trung Quốc liên tục điều các tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp những phản đối chính thức từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thậm chí còn tuyên bố vùng nước mà tàu Trung Quốc vào, thuộc chủ quyền của nước này và đòi Việt Nam phải ngưng toàn bộ các hoạt động khai thác dầu khí tại đây.

Nguồn : RFA, 21/10/2019

********************

Biển Đông : Thủ tướng Việt Nam khẳng định "không nhân nhượng chủ quyền"

Tú Anh, RFI, 21/10/2019

Với nhận định tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp và bất lợi, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố "không bao giờ nhân nhượng độc lập và chủ quyền" quốc gia tại buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 21/10/2019.

qh2

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc Hội Việt Nam khóa 14 ngày 21/10/2019. Nhac NGUYEN / AFP

Theo tường thuật của một số báo chí Việt Nam, trong bản báo cáo Quốc Hội, khai mạc kỳ họp thường niên hôm nay, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt biệt nhấn mạnh tình hình quốc tế trong năm nay "diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi".

Không nêu tên Trung Quốc, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhiều vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam bị xâm phạm bất chấp luật pháp quốc tế, Tuyên bố Ứng xử Biển Đông DOC và các thỏa thuận cấp cao.

Trước các thách thức, khó khăn được đánh giá là "khó lường" thái độ của Việt Nam như thế nào ? Cũng theo lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "Đảng và Nhà nước nhất quán chủ trương kiên quyết tranh đấu, không nhân nhượng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Lập trường này, vẫn theo người đứng đầu chính phủ Việt Nam đang được "cộng đồng quốc tế và nhân dân" ủng hộ.

Về đối nội, bản báo cáo liệt kê một danh sách dài về những "hạn chế, tồn tại, thiếu kỷ luật, thiếu kỷ cương" mà theo thủ tướng Phúc là do trách nhiệm từ "bộ, ngành cho đến địa phương" chưa dám nghĩ, chưa dám làm, chưa dám hành động, còn nhũng nhiễu phiền hà dân chúng. Thủ tướng chỉ đạo "từ nay đến cuối năm 2019" phải khắc phục các hạn chế, yếu kém này.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 21/10/2019

*****************

Quốc hội Việt Nam lên án Trung Quốc ‘vi phạm nghiêm trọng chủ quyền’

VOA, 22/10/2019

Trong phiên khai mạc kỳ hp th 8 vào sáng 21/10, Quc hi Vit Nam đã đ cp đến nhng din tiến căng thng gn đây trên Biển Đông và nói rng các tàu Trung Quc đã "vi phm nghiêm trng" vùng bin ca Vit Nam. Trong khi đó, Th tướng Nguyn Xuân Phúc lp li khng đnh "không bao gi nhân nhượng" đi vi vn đ đc lp, ch quyn khi ông đc báo cáo trước ngh trường.

qh3

Đây là lần đu tiên vn đ Bin Đông được đưa ra trước hơn 500 đi biu Quc hi k t khi xy ra v đng đ khu vc gn Bãi Tư Chính vào tháng 7/2019.

Đây là lần đu tiên vn đ Bin Đông được đưa ra trước hơn 500 đi biu Quc hi k t khi xy ra v đng đ khu vc gn Bãi Tư Chính gia lc lượng cnh sát bin Vit Nam vi các tàu hi cnh Trung Quc vào đu tháng 7, sau khi Bc Kinh đưa tàu thăm dò Hải Dương Đa Cht 8 ti hot đng trong khu vc đc quyn kinh tế ca Vit Nam.

quan thm tra ca Quc hi Vit Nam ngày 21/10 nói rng "vic xy ra vi phm ca các tàu Trung Quc hot đng ti vùng đc quyn kinh tế và thm lc đa ca Vit Nam thi gian qua là nghiêm trng", theo tường thut ca báo Dân Trí.

Thường trc y ban Kinh tế, ông Vũ Hng Thanh, đ ngh cn phi nâng cao hiu qu công tác đi ngoi, quc phòng và ch đng phân tích, d báo tình hình khu vc và thế gii đ có đi sách thích hợp trong vic bo v ch quyn.

Cũng tại bui hp, Th tướng Vit Nam Nguyn Xuân Phúc, sau khi lp li phát biu "không nhân nhượng" v vn đ ch quyn mà ông đã đưa ra hi tháng trước, đã khng đnh v "ch trương đúng đn, lp trường chính nghĩa và các nỗ lc ca Đng, Nhà nước ta" trong vic x lý nhng vn đ liên quan đến Bin Đông, theo Zing.

Việc Trung Quc nhiu ln đưa tàu thăm dò Hi Dương 8 ra, vào hot đng trong vùng bin ca Vit Nam trong nhiu tháng qua vi lý do "kho sát" đã đy mi quan hệ Vit-Trung lên mc căng thng đnh đim, k t sau v Bc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào Bin Đông năm 2014.

Bất chp Hà Ni nhiu ln lên tiếng và k c gi công hàm chính thc phn đi, Trung Quc không nhng không dng li các hot đng trên mà còn tiếp tc đưa c tàu cu Lam Kình vào vùng EEZ ca Vit Nam và giàn khoan Thch Du 982 vào hot đng trên Bin Đông ti vùng nước sâu 3.000 mét vào cui tháng trước, South China Morning Post tường thut.

Vào tháng 8, một nhóm nhân s trí thc Vit Nam đã tìm cách "trao tận tay" bn Tuyên b Bin Đông vi hơn 1.000 ch ký cho các nhà lp pháp ti Hà Ni đ yêu cu chính ph kin Trung Quc ra tòa án quc tế. Tuy nhiên, n lc ca các trí thc Vit Nam đã không thành công khi Văn phòng Quc hi yêu cu phi có lịch hn trước mi được tiếp xúc và làm vic.

Cho đến thi đim hin ti, sau khi các chóp bu Vit Nam như Tng bí thư-Ch tch nước Nguyn Phú Trng, Th tướng Nguyn Xuân Phúc, Phó Th tướng-B trưởng Ngoi giao Phm Bình Minh… và mt s tướng lĩnh lên tiếng gn đây v vn đ Bin Đông, Hà Ni vn chưa cho thy du hiu rõ ràng nào v kh năng s khi kin Trung Quc trong tương lai gn, ging như Philippines đã làm và đã thng kin ti Tòa Trng tài Thường trc (PCA) vào năm 2016.

Nguồn : VOA, 22/10/2019

********************

Quốc hội Việt Nam nhóm họp, Biển Đông nằm trong nghị trình

BBC, 21/10/2019

Sáng 21/10, Quốc hội Việt Nam khai mạc kỳ họp thứ 8 khóa XIV. Theo phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân , trong ba nội dung chính sẽ được bàn thảo có vấn đề Biển Đông.

qh4

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội Việt Nam khóa XIV

Theo diễn văn khai mạc của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ba nội dung chính là :

Một là, xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Hai là, xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Đáng chú ‎trong số này là xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Quốc hội cũng nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông ; xem xét phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia ; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Thứ ba, tiến hành xem xét các báo cáo ; trong đó có các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Biển Đông trong chương trình nghị sự

Một trong những nội dung được chú nhất là việc Quốc hội Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình bàn thảo.

Ngay trong bài phát biểu trước Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 21/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng có chia sẻ về tình hình Biển Đông gần đây.

Ông Phúc khẳng định việc Việt Nam nhất quán với chủ trương, "những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng ; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước".

Theo đó, Việt Nam đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa ; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.

Liệu có gì thay đổi ?

Thực ra, ngay khóa XIII, trong nhiều kỳ họp, Quốc hội Việt Nam cũng đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.

Đặc biệt, năm 2014, trong bối cảnh căng thẳng dâng cao với Trung Quốc quanh giàn khoan HD-981 mà nước này đặt tại khu vực biển Hoàng Sa, ngay trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phản đối hành vi này của Trung Quốc và nói việc nước này đặt giàn khoan là "vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam" và "bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao" giữa lãnh đạo hai đảng Cộng sản và hai nước.

qh5

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam trong một lần đối đầu với tàu Cảnh sát biển Trung Quốc năm 2014.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Quốc hội cũng chỉ họp kín về biển Đông.

Lần này, kỳ họp thứ tám diễn ra sau Hội nghị Trung ương thứ 11 (khóa XII), mà một trong những nội dung của kỳ họp của Đảng cộng sản có bàn thảo về Biển Đông.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng có đưa ra yêu cầu về việc "phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra".

Tiếp đó, khi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1, tại Hà Nội, khi đề cập đến quan hệ đối ngoại nói chung, trong đó có vấn đề Biển Đông, ông Trọng lại nhấn mạnh : "Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… Giữ đất nước yên bình để tiến lên, nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền. Giữ quan hệ cho tốt, nhưng việc gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng".

GS Carl Thayer, Đại học New South Wales, được báo South China Morning Post trích lời, hôm 12/10, nói rằng, yêu cầu của ông Trọng có thể là một dấu hiệu cho thấy Hà Nội sẽ không lùi bước trước nguy cơ đối đầu với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.

Điều này cũng khiến người ta lại hy vọng rằng, tại kỳ họp này, Quốc hội Việt Nam sẽ đưa ra sách lược hành động cụ thể, chứ không chỉ bàn thảo kín như các kỳ họp trước đây.

Tất nhiên, những hành động nếu có, sẽ không ra ngoài những gì mà Hội nghị Trung ương đã bàn thảo.

Nhưng cũng cần nhắc lại là năm 2014, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI, diễn ra vào tháng 5, tức là ngay trong thời gian xảy ra căng thẳng với Trung Quốc quanh giàn khoan HD-981, thông báo của hội nghị này có nhắc đến việc Ban Chấp hành Trung ương "nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta".

Thông báo trên cũng đưa ra yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ; giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế ; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Việt Nam khóa XIV sẽ còn kéo dài tới 27/11.

Nguồn : BBC, 21/10/2019

******************

Người dân biểu tình ‘bị giải tán’ ngày Quốc hội khai mạc

VOA, 21/10/2019

Người dân t các tnh có mt Hà Ni hôm 21/10 đ "kêu oan và đòi công lý" nhưng được cho là đã b cơ quan chc năng "gii tán" khi kỳ hp th 8 ca Quc hi bt đu ngày làm vic đu tiên.

qh6

Người dân biu tình gn tòa nhà Quc hi Hà Ni hôm 21/10/2019. Photo EVA TV Vietnam.

Bà Phạm Hng Thơm, mt người tham gia nhóm biu tình, chia s vi VOA sau khi nhóm của bà b đưa lên xe quay v Tr s Tiếp Công dân Trung ương ti qun Hà Đông ca Hà Ni, cách nơi Quc hi đang nhóm hp hơn 20 km :

"Đây là những người dân oan đòi quyn li. Bui sáng ngày hôm nay có đến hàng my trăm người đến t các vùng trên cả nước, chia thành các nhóm t 5-7 người đến my chc người. Chúng tôi d đnh đi đến s 22 Hùng Vương, Ba Đình, nơi mà Quc hi khai mc sáng hôm nay, nhưng h chn đường nên chúng tôi không đến đó được và h bt chúng tôi lên xe đ quay v s 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Ni".

Bà Thơm cho biết thêm : "Người dân các tnh đu có mang theo băng rôn : Yêu cầu Chính ph tr đt, tr nhà cho dân, Đ ngh các tnh gii quyết khiếu ni, t cáo ; Chng tham nhũng…".

Ông Đoàn Thanh Giang, một người dân t Đng Nai ra Hà Ni "đòi công lý", nói :

"Chúng tôi là những người dân oan đang ng va hè, chính quyn s ti đến ly lý do hp Quc hi, không cho chúng tôi che lu bt, buc ban ngày phi tháo xung. Chúng tôi ra đây t cáo quan tham cướp đt, cướp nhà, không còn con đường sng, ra Trung ương để yêu cu gii quyết khiếu ni t cáo, đòi đt, đòi nhà do quan tham đa phương cướp".

Ông Nguyễn Đình Tu, mt người dân Thanh Hóa cm lu gn khu tiếp công dân, chia s :

"Chính quyền đây d bt, phá lu không cho chúng tôi lưu trú. Chúng tôi khong 60 người lưu trú va hè và có khong 200 người đang nhà tr. Chúng tôi ra đây ch Trung ương gii quyết tr tài sn cho chúng tôi".

qh7

Chính quyền tháo lu bt ca người dân t các tnh lưu trú gn Tr s tiếp dân. Photo Tieng Dan TV

VOA chưa liên lc được vi Tr s Tiếp Công dân Trung ương và chính quyn Hà Ni đ hi v thông tin "gii tán" nhóm người biu tình ngày 21/10.

Những người biu tình cho VOA biết, h không ch quan tâm đến vic đòi li đt đai đã mt mà còn quan tâm đến các vấn đ như chng tham nhng, ô nhim môi trường, và ch quyn bin đo.

Truyền thông Vit Nam loan tin, kỳ hp th 8 ca Quc hi khóa 14 khai mc sáng hôm 21/10, và các đi biu s làm vic trong gn mt tháng đ xem xét tình hình kinh tế - xã hi và thông qua 12 luật.

Phát biểu ti phiên khai mc được Đài truyn hình VTV truyn trc tiếp t Hi trường Diên Hng, Ch tch Quc hi Nguyn Th Kim Ngân nói rng kỳ hp th 8 din ra trong bi cnh "tình hình quc tế và khu vc có nhiu din biến phc tp, khó lường ; tình hình Bin Đông có nhng din biến phc tp".

Bà Ngân khẳng đnh "kiên quyết, kiên trì bo v ch quyn, lãnh th quc gia," theo trang Quc hi.

Trong bài phát biểu trước Quc hi sáng 21/10, Th tướng Vit Nam Nguyn Xuân Phúc cũng có chia sẻ ý kiến v tình hình Bin Đông.

Ông Phúc khẳng đnh rng Vit Nam "không nhân nhượng" v vn đ tranh chp ch quyn lãnh hi.

Theo VGP News, cổng thông tin chính ph, ông Phúc nói : "Đng và Nhà nước ta đã nht quán ch trương nhng gì thuc v đc lp, chủ quyn, toàn vn lãnh th chúng ta không bao gi nhân nhượng ; đng thi gi vng môi trường hòa bình, n đnh cho phát trin đt nước".

Nhận đnh v phát biu ca lãnh đo Quc hi và Chính ph v tình hình Bin Đông, bà Phm Hng Thơm, nói :

"Vấn đ ch quyn bin đo được tt c người dân quan tâm sâu sc. T trước đến nay chúng tôi không hài lòng vì các lãnh đo chưa nói nhiu v vn đ ch quyn bin đo. Hôm nay Th tướng và Ch tch Quc hi nói như vy thì chúng tôi rt đng tình. Chúng tôi mong muốn các lãnh đo tiếp tc lên tiếng mnh m đ bo v ch quyn bin đo".

Tuy nhiên, bà Nguyễn Kim Chi, một người dân quê ở Tiền Giang, nói rằng phát biểu của lãnh đạo về Biển Đông như vậy "chưa đủ," mà phải hành động mạnh hơn bằng cách đưa vụ việc tranh chấp ra tòa quốc tế, lúc đó mới có thể ý chí "không nhân nhượng" của Việt Nam.

"Theo quan điểm ca tôi và ca rt nhiu người xung quanh đây thì chúng tôi không tin nhng li phát biu ca Quc hi và Chính ph. H c nói "bo v," nhưng vn đ Biển Đông không phi mi đây mà đã có t my năm nay. Gn đây Trung Quc đã xâm nhp vào Bãi Tư Chính, h ln chiếm và không cho chúng ta khai thác du m. [Vit Nam] ch nói thôi ! Người dân chúng tôi lúc nào cũng mun kin [Trung Quc] ra Tòa án Quc tế để họ can thip".

Bà Chi nói thêm : "Không nhân nhượng thì phải thực thi điều gì đó ch ! Phi làm cái gì đi ! Ch nói không nhân nhượng mà cứ đó trì hoãn hoài thì Trung Quc đã xâm lược càng lúc càng gn ri".

Trước đó, ti mt bui tiếp xúc c tri ca Hà Ni hôm 15/10, Tng bí thư - Ch tch nước Nguyn Phú Trng nói rằng Đảng Cng sn Vit Nam có thái đ dt khoát "không nhân nhượng" trong vic bo v toàn vn lãnh th đng thi s gii quyết căng thng trên Bin Đông mt cách "khôn khéo".

Hôm 7/10 tại Hi ngh Trung ương 11, ông Trng "đ ngh Trung ương phân tích" v tình hình Biển Đông trong bi cnh các tàu chp pháp ca Vit Nam và Trung Quc đã đi đu nhau quanh khu vc Bãi Tư Chính.

Nguồn : VOA, 21/10/2019

Published in Diễn đàn

Vừa qua trên mạng lại xuất hiện một bài phát biểu của Thiếu tướng quân đội Lê Mã Lương gây chú ý lớn. Đến thời điểm tôi viết bài này thì đoạn clip đó đã được chia sẻ hơn 2.800 lần trên mạng xã hội Facebook, và đã được xem hơn 231 ngàn lần, một con số rất ấn tượng. Con số đó cũng nói lên là người dân Việt Nam có một sự chú ý đặc biệt về tình hình cộng sản Trung Quốc đang rắp tâm chiếm bãi Tư Chính.

Thiếu tướng Lê Mã Lương đã nêu ra nhiều vấn đề và ông cũng nhấn mạnh rằng, chuyện ở bãi Tư Chính là chuyện của toàn dân chứ không phải Đảng cộng sản thích thì trả lời cho dân, không thích thì thôi. Tôi cũng là một người dân, đã từng thực hiện nghĩa vụ quân sự để trả nợ non sông, và tôi cũng có quyền bàn chuyện bãi Tư Chính cùng những công dân Việt Nam khác.

lemaluong1

Tướng Lê Mã Lương - Ảnh minh họa

Kiện còn không dám thì nói gì tới chiến đấu

Sau đó, tướng Lương lại đặt câu hỏi là nếu cộng sản Trung Quốc chiếm bãi Tư Chính thì sao ? Đảng cộng sản Việt Nam có dám chiến đấu tới cùng để bảo vệ lãnh hải hay không ? Về mặt địa lý thì nếu Việt Nam để mất bãi Tư Chính thì coi như mất hết toàn bộ các đảo còn lại ở Trường Sa vì các tàu từ đất liền không còn đường tiếp tế cho các chiến sĩ và người dân ở các đảo còn lại.

Để tôi trả lời luôn cho tướng Lương câu hỏi này. Đã không dám kiện Đảng cộng sản Trung Quốc ra tòa quốc tế thì Đảng cộng sản Việt Nam làm sao dám đánh nhau với quân đội Cộng sản Trung Quốc để bảo vệ bãi Tư Chính. Biện pháp hòa bình, đúng luật pháp quốc tế, được quốc tế ủng hộ để giành chính nghĩa về phía Việt Nam mà còn không dám làm thì đấm đá làm sao nổi.

Trước đây cũng một ông tướng khác bên công an là Trương Giang Long cũng từng tiết lộ là hàng trăm điệp viên cộng sản Trung Quốc đã được cài cắm vào bộ máy Đảng cộng sản, nhà nước Việt Nam.

Có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không ?

Câu hỏi đầu tiên mà tướng Lê Mã Lương nêu ra là có kiện Trung Quốc ra tòa hay không ? Ở đây tôi lưu ý tướng Lương là chúng ta cần chỉ đích danh kẻ thù xâm lược của nhân dân Việt Nam là Chế độ cộng sản Trung Quốc, là Đảng cộng sản Trung Quốc.

Nếu tướng Lương chỉ dùng danh từ "Trung Quốc" sẽ gây hiểu lầm là ông kích động hận thù với nhân dân Trung Quốc, và ông có thể bị tòa án xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam kết án tù như hai chị tiểu thương Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương ở Đồng Nai.

Phần đầu tướng Lương nêu ra câu hỏi như vậy nhưng phần cuối bài phát biểu ông cho biết Bộ Ngoại giao nói rằng, sẽ không kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, tuy nhiên Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ. Tướng Lương cũng thắc mắc là đã không kiện thì bày đặt chuẩn bị hồ sơ làm gì ?

Cho nên tướng Lương nên xác định là nếu hải quân cộng sản Trung Quốc chiếm đóng bãi Tư Chính thì Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục "quan ngại sâu sắc" mà thôi. Ông đừng mơ mộng gì chuyện Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chỉ đạo hải quân Việt Nam chiến đấu chống giặc.

Trách nhiệm để mất bãi Tư Chính thuộc về ai ?

Tướng Lê Mã Lương cũng tuyên bố rằng, nếu để mất bãi Tư Chính thì ông sẽ dẫn các cựu chiến binh thời chống Mỹ đi gặp Bộ Ngoại giao. Tướng Lương cũng quy trách nhiệm việc để mất bãi Tư Chính, nếu xảy ra, sẽ thuộc về Bộ Ngoại giao, Ban đối ngoại trung ương của Đảng cộng sản, Ban đối ngoại quốc phòng của Bộ Quốc phòng. Có lẽ ý ông là do các bộ phận phụ trách ngoại giao của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam không dám kiện nên mới bị mất lãnh hải.

Thật sự tôi không nghĩ tướng Lương hồ đồ như thế vì thực ra các cơ quan ngoại giao ông nêu tên không phải chịu trách nhiệm nếu lãnh hải quốc gia bị mất. Tất cả các cơ quan đó đều phải phục tùng sự lãnh đạo "trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện" của giới lãnh đạo cộng sản. Trong khi đó người đứng đầu Đảng cộng sản là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giờ này mới chỉ đạo ở Hội nghị Trung ương là "đề nghị phân tích, dự báo tình hình biển Đông". Tức là giới lãnh đạo cộng sản hoàn toàn chưa có bất kỳ đối sách gì ở biển Đông thì làm sao các cơ quan ngoại giao có thể hành động gì.

Trách nhiệm để mất lãnh hải là ở Nguyễn Phú Trọng và toàn thể đảng viên cộng sản

Cần chỉ rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể nếu để mất bãi Tư Chính. Về mặt cá nhân thì ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm cao nhất. Về mặt tập thể là Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Điều 4 khoản 2 Hiến pháp 2013 do các lãnh đạo cộng sản ban hành ghi rõ :

"Đảng Cộng Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình".

Do đó, toàn thể các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân Việt Nam về việc để mất lãnh hải, lãnh thổ quốc gia. Cần nhắc lại cho các đảng viên cộng sản nhớ là dưới sự lãnh đạo "sáng suốt, tài tình" của Đảng cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã để mất đảo Gạc Ma vào tay cộng sản Trung Quốc vào ngày 14/3/1988. Chuyện này chắc chắn tướng Lê Mã Lương rất rành vì chính ông cũng kể lại là bộ đội Việt Nam "không được nổ súng" và chính một "đồng chí lãnh đạo cấp cao" đã hạ lệnh như vậy.

Do đó, các đảng viên cộng sản nào cảm thấy không thể gánh nổi trách nhiệm để mất lãnh hải trước nhân dân, thì các vị nên chủ động và tự nguyện rời bỏ Đảng cộng sản Việt Nam. Để mất lãnh hải là mang trọng tội với nhân dân Việt Nam và với các anh hùng dân tộc đã đổ máu để giữ gìn đất nước từ ngàn xưa đến nay. Hình phạt dành cho tội tày trời này là gì thì các vị tự trả lời.

Dân Việt Nam đã "hiểu biết" hơn ?

Cũng theo lời kể của tướng Lê Mã Lương, Bộ Ngoại giao báo cáo là năm 2019 này, trước sự xâm lược ngang ngược của cộng sản Trung Quốc tại bãi Tư Chính, dân Việt Nam đã "hiểu biết" hơn và không còn "gây rối" như khi cộng sản Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 năm 2017.

Tôi xin thưa với tướng Lương là người dân chúng tôi không xuống đường trước việc tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ba tháng nay vì người dân chúng tôi đã bị Đảng cộng sản, Nhà nước Việt Nam đàn áp khốc liệt bằng đánh đập, tù tội khi chúng tôi xuống đường phản đối hành vi xâm lược ngang ngược của cộng sản Trung Quốc. Tức là người dân Việt Nam bây giờ cũng căm ghét Đảng cộng sản Việt Nam như Đảng cộng sản Trung Quốc.

Tình cảm của người dân Việt Nam đối với Đảng cộng sản Việt Nam bây giờ là có sợ hãi sự đàn áp tàn bạo của Đảng cộng sản, nhưng thật ra phần căm ghét nhiều hơn rất nhiều, thậm chí có thể dùng từ "căm thù". Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân đã "phong tặng" cho Đảng cộng sản Việt Nam "sáu chữ vàng" là "hèn với giặc, ác với dân".

Người dân không xuống đường là vì chúng tôi muốn chống mắt ra để xem câu nói cửa miệng của an ninh cộng sản khi đánh đập người dân biểu tình là "để đảng và nhà nước lo" hiệu nghiệm đến đâu. Và kết cục bây giờ là ông Nguyễn Phú Trọng chỉ mới "đề nghị phân tích, dự báo" chứ không hề "lo", không có đối sách.

Chỉ có chính phủ dân cử mới có thể đoàn kếtquốc gia

Khi sự bất lực, đầu hàng của Đảng cộng sản Việt Nam trước kẻ thù xâm lược là Cộng sản Trung Quốc đã rõ ràng thì người dân chúng tôi sẽ phải tự bầu lên chính phủ dân chủ để đoàn kết toàn dân chống xâm lược. Chính tướng Lê Mã Lương có nói ở phần cuối là các chuyên gia Mỹ, Trung Quốc rất sợ Việt Nam khi người dân Việt Nam đoàn kết chống ngoại xâm. Và người dân Việt Nam hiểu rằng, chỉ có một chính phủ dân chủ do dân bầu ra một cách thực chất mới có thể làm được công việc đoàn kết toàn dân đó.

Việc người dân không thèm xuống đường phản đối hành vi xâm lược của cộng sản Trung Quốc ở bãi Tư Chính là chỉ dấu rất rõ người dân Việt Nam không đoàn kết, không tin vào sách lược chống Cộng sản Trung Quốc xâm lược của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tướngkhôngbiết đọcbản đồmà đòichốnggiặc 

Tiết lộ chấn động nhất của tướng Lê Mã Lương có thể nói là việc các đại tướng chỉ huy cao nhất trong quân đội nhân dân Việt Nam không biết đọc… bản đồ thực địa. Cả hai ông đại tướng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lương Cường đều chỉ là những sĩ quan nhờ tụng niệm Mác Lê mà thăng quan tiến chức.

lemaluong2

Cả hai ông đại tướng chỉ huy cao nhất trong quân đội nhân dân Việt Nam : Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, không biết đọc… bản đồ thực địa.

Các anh em chiến sĩ đang tại ngũ nên… khóc là vừa. Thanh niên Việt Nam khi bị tổng động viên chống giặc cũng nên… khóc, vì trình độ đại tướng như thế thì làm sao các anh em có thể tin tưởng vào sự chỉ huy của các tướng tá cộng sản. Họ chỉ có thể đưa các anh em bộ đội vào chỗ chết mà thôi, như họ đã từng làm với các chiến sĩ hải quân ở thảm sát Gạc Ma 1988.

Có lẽ giải pháp tốt nhất cho Việt Nam lúc này là mời ngay các vị tướng Hoa Kỳ gốc Việt như Lương Xuân Việt, Lapthe Chau Flora, Nguyễn Từ Huấn… lấy lại quốc tịch Việt Nam và nắm quyền chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, nhanh chóng mời các cố vấn quân sự Hoa Kỳ đến tư vấn và huấn luyện lại kỹ năng chiến đấu cho các sĩ quan và quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tất nhiên cũng phải trích ngân sách quốc gia để mua các khí tài quân sự hiện đại, đủ sức răn đe cộng sản Trung Quốc.

Kết luận

Có thể nói chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại bị uy hiếp nặng nề như thế vì kẻ thù xâm lược là cộng sản Trung Quốc đang tỏ ra rất hung hăng trong khi Đảng cộng sản cầm quyền thì tỏ ra khiếp nhược, bất lực.

Trước sau gì thì dân tộc Việt Nam sẽ phải tiến đến việc bầu cử tự do và công bằng để chính phủ dân chủ mới đứng ra đoàn kết dân tộc chống giặc ngoại xâm. Có thể suy luận sự xâm lược Việt Nam từ "bạn vàng" của Đảng cộng sản Việt Nam, và việc cả thế giới tẩy chay, tuyên chiến với cộng sản Trung Quốc sẽ là thời cơ để chính trị Việt Nam dân chủ hóa. Từng người dân Việt Nam cần chuẩn bị ngay từ bây giờ cho sự kiện vĩ đại này.

Trung Nguyễn

Nguồn : Tiếng Dân, 10/10/2019

Published in Diễn đàn

Từ cuối tháng 6 đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc công khai cho tàu xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dọc theo Biển Đông, vừa sách nhiễu công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam tại vùng Bãi Tư Chính, vừa khảo sát một khu vực ngoài khơi miền nam Trung Bộ mà theo tiết lộ mới nhất trên một tài khoản Twitter, chỉ cách bờ biển Việt Nam 150 km vào hôm 09/10/2019.

ep1

Sơ đồ vị trí các lô dầu khí của Việt Nam (màu xanh lá) và Trung Quốc (màu xanh dương) tại Biển Đông. Có rất nhiều lô chồng lấn lên nhau. AMTI/CSIS

Trong một bài phân tích ngày 08/10/2019 mang tựa đề : "Động lực và rủi ro của việc Trung Quốc gây sức ép trên Việt Nam - Drivers and risks of China’s pressure on Vietnam", cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington đã cảnh báo rằng "chiến lược gia tăng sức ép của Trung Quốc đối với Việt Nam hàm chứa nhiều rủi ro nghiêm trọng cho Bắc Kinh, và nếu đi quá trớn, có thể gây tác động ngược lại" vì "các hành vi hù dọa của Bắc Kinh có thể thúc đẩy ASEAN và cộng đồng quốc tế ủng hộ Hà Nội".

Trong phần mở đầu bài phân tích, Lucio Blanco Pitlo III, giảng viên tại Trường Khoa Học Xã Hội thuộc Đại Học Ateneo de Manila ở Philippines đã nêu bật việc Trung Quốc đang tăng cường cản trở các hoạt động kinh tế trên biển chính đáng và hợp pháp của các láng giềng, cũng như gây áp lực đối với các công ty nước ngoài, buộc họ ngừng hoạt động thăm dò, không chỉ bên trong đường chín đoạn bị coi là không có giá trị pháp lý, mà cả trong vùng biển tiếp giáp.

Trước đây Bắc Kinh chỉ phản đối miệng, nhưng ngày nay họ đã tung một lực lượng hải quân, hải cảnh và dân quân biển hùng hậu xuống Biển Đông để áp đặt yêu sách. Và như vậy là Trung Quốc đã gia tăng sức ép với các nước nhỏ hơn mình, nhất là đối với Việt Nam.

Các lý do thúc đẩy Trung Quốc chĩa mũi dùi vào Việt Nam

Theo tác giả bài viết, có khá nhiều yếu tố giải thích vì sao Bắc Kinh lại tập trung mũi dùi vào Việt Nam.

Lý do đầu tiên là Trung Quốc giờ đây đã nắm được Philippines, cho nên đã tương đối rảnh tay để đối phó với Việt Nam. Trước đây, trong số những nước có tranh chấp ở Biển Đông, Philippines và Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc phản đối các yêu sách quá trớn của Trung Quốc. Nhưng với việc Manila đang càng lúc càng sẵn sàng đồng khai thác với Bắc Kinh, Trung Quốc đã có thể tập trung đối phó với cản lực còn lại là Hà Nội.

Lý do thứ hai liên quan đến tập đoàn dầu hỏa Mỹ ExxonMobil, hiện là đối tác của Việt Nam trong dự án Cá Voi Xanh ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Exxon sắp đưa ra quyết định về việc có nên tiếp tục đầu tư hay không, không riêng gì ở Việt Nam, mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, từ Na Uy cho đến Vịnh Mêhicô. Bắc Kinh có lẽ đã muốn gây sự cố để khuyến khích Exxon thoái vốn ra khỏi Việt Nam. Trên vấn đề này, Trung Quốc muốn lập lại kịch bản trước đây, khi sức ép của Trung Quốc đã thành công, buộc được tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha rút đi.

Lý do thứ ba là ý đồ tác động đến chuyến thăm Mỹ từng được dự kiến của lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, với hồ sơ Cá Voi Xanh được cho là sẽ hiện diện trong chương trình nghị sự. Đã có nhiều nguồn tin là quan chức thuộc tập đoàn dầu khí PetroVietnam, đối tác của ExxonMobil trong dự án, sẽ tham gia phái đoàn thăm Mỹ.

Lý do thứ tư là Việt Nam sắp đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm tới và Hà Nội có thể sẽ sử dụng cơ hội này để thúc đẩy một sự đồng thuận khu vực vững chắc hơn nhằm đẩy lùi các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một lý do khác là việc vào năm 2021, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Bắc Kinh có thể muốn chứng minh là Đảng đã thành công trong việc bảo vệ quan điểm được mở rộng về lãnh thổ, quyền hàng hải và an ninh quốc gia.

Trung Quốc cũng có thể tính toán rằng Việt Nam sẽ không để tái diễn các cuộc bạo loạn như vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh cho cắm một giàn khoan nước sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, vì bạo động có thể khiến các nhà đầu tư sợ hãi vào thời điểm Việt Nam đang thu hút các công ty chạy trốn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Hành động quá đáng của Trung Quốc có thể bị tác động dội lại

Tuy nhiên, đối với tác giả bài phân tích, việc Trung Quốc quyết định gửi tàu khảo sát vào vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam hàm chứa nhiều rủi ro to lớn, và nếu đi quá đà, Bắc Kinh có thể bị phản đòn trên nhiều mặt.

Theo chuyên gia Philippines, hành động của Trung Quốc có thể nâng cao hơn nữa quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi kinh tế trên biển của mình ; thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ Exxon để chống lại áp lực của Trung Quốc, và thúc đẩy ASEAN đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc muốn loại trừ các công ty nước ngoài khác, không cho đầu tư vào các dự án năng lượng ngoài khơi của họ.

Mặt khác, cho dù phương án của Hà Nội đối phó với Bắc Kinh còn hạn chế, cơ sở pháp lý yếu kém của các yêu sách Trung Quốc vẫn là một lỗ hổng mà Việt Nam có thể khai thác bằng cách đưa vụ việc ra một định chế quốc tế, như Philippines đã làm vào năm 2013.

Phán quyết trọng tài vô hiệu hóa yêu sách dựa trên chủ quyền lịch sử của Trung Quốc, đã buộc Bắc Kinh phải đưa ra những lập luận mới để biện minh cho các yêu sách chủ quyền đối với bốn nhóm đảo khác nhau ở Biển Đông mà họ gọi là Tứ Sa. Tuy nhiên, do phán quyết của Tòa Trọng Tài đã khẳng định rằng không một thực thể nào ở Trường Sa có đủ điều kiện là hòn đảo có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, và các quyền đó phải dựa trên các đặc điểm riêng lẻ của từng đảo, chứ không thuộc nhóm đảo nói chung, việc Bắc Kinh sử dụng chiêu bài Tứ Sa làm cơ sở để đòi chủ quyền trên vùng biển và tài nguyên cũng sẽ không đứng vững.

Bắc Kinh không nên dùng biện pháp đe dọa để gây sức ép

Sự cởi mở của Trung Quốc đối với việc thăm dò và phát triển chung cũng như các biện pháp thiết thực khác ở Biển Đông có thể là cơ hội để thúc đẩy hợp tác và giải tỏa căng thẳng. Nhưng Bắc Kinh không nên dùng sự đe dọa hoặc áp lực để hạn chế lựa chọn của các láng giềng. Phát triển chung có thể tồn tại song song với các dự án hiện có liên quan đến những tác nhân nước ngoài khác. Trung Quốc có thể mua cổ phần của các công ty nước ngoài muốn thoái vốn ra khỏi Biển Đông, nhưng không nên dùng sự ép buộc để có những đề nghị và quyết định thoái vốn như vậy.

Mặc dù vào lúc này, có vẻ như là Bắc Kinh có thể ngang nhiên đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông mà không bị trừng phạt, nhưng trong thực tế, nếu tiếp tục chiến dịch gây áp lực trên Việt Nam, Bắc Kinh rõ ràng là sẽ gặp rủi ro. Việc thiếu vắng động thái xuống thang và đề nghị hợp tác thực sự từ phía Bắc Kinh, có thể làm cho các nước trong và ngoài khu vực cứng rắn hơn với Trung Quốc, qua đó giúp Hà Nội dễ dàng tổ chức một mặt trận phản công của cả ASEAN lẫn cộng đồng quốc tế.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 10/10/2019

Published in Diễn đàn

Một số cựu quan chức Việt đang hùng hồn phát biểu trên các diễn đàn về việc Việt Nam đang đấu tranh với Trung Quốc trên Biển Đông sau khi ông Nguyễn Phú Trọng chính thức nói về vấn đề này. Chẳng hạn như phát biểu của ông Võ Tiến Trung, Thượng tướng, cựu Giám đốc Học viện Quốc phòng. Ông quan quốc phòng về hưu này cũng như nhiều ông khác vẫn mơ màng về cục diện quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc, về việc quốc tế sẽ giúp cho Việt Nam thế nào… bla bla.

Báo chí mà đi phỏng vấn mấy ông này thì phóng viên thà tự viết bài còn hơn. Mấy ông này có biết gì đâu mà phát biểu.

Nói về vấn đề Biển Đông, tôi xin nói ngay, thứ nhất, không có bất cứ nước nào có thể giải quyết vấn đề này ngoài Mỹ. Hay nói cách khác bất cứ nước nào muốn đòi lãnh thổ bị chiếm đóng từ Trung Quốc thì phải dựa vào Mỹ. Ông Võ Tiến Trung phát biểu "kiên quyết đấu tranh bằng những giải pháp hòa bình buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam" nghe phát mệt. Ông nói như nói với trẻ con. Ông Trung còn nói "Chúng ta phải dựa vào sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh từ dư luận quốc tế cho cuộc đấu tranh này". Haiza người dân Việt Nam bây giờ đâu phải học sinh lớp một hả ông Trung. Vẫn cái kiểu tư duy "thắng 2 đế quốc to" nghe bệnh thật chứ. Tôi xin ông Võ Tiến Trung ngừng trả lời phỏng vấn báo chí đi nếu không biết gì về vấn đề chiến lược.

tuchinh1

Vị trí của Bãi Tư Chính trên bản đồ Việt Nam

Tôi nói tiếp chuyện thứ hai, đó là muốn nhờ Mỹ giúp đòi lãnh thổ thì phải như thế nào ? Trước đây có mấy bạn cứ hay hỏi tôi chuyện này và nay tôi nói một lúc luôn.

Tôi xin nói ngay, chỉ có đồng minh của Mỹ thì Mỹ mới giúp đòi lãnh thổ, còn nếu không thì Mỹ chỉ đưa tàu chiến đi qua đi lại cho vui vậy thôi.

Vậy thì Việt Nam có thể trở thành đồng minh của Mỹ hay không ?

Đây là vấn đề lớn.

Chính sách chống Cộng xuyên suốt của Mỹ chưa bao giờ thay đổi một cách căn bản, vì vậy chỉ có những nước "phi xã hội chủ nghĩa", "phi Marx-Lenin" mới có thể thành đồng minh với Mỹ. Mà ngay cả 2 cái phi như vậy rồi, nhưng nếu là một chính thể độc tài thì cũng bị Mỹ xem lại.

Có một vài ý kiến nhận định rằng Mỹ không quan tâm đến thể chế chính trị của Việt Nam khi giúp Việt Nam là vừa đúng vừa sai.

Đúng là họ không quan tâm khi chỉ là quan hệ ở cấp độ kinh tế, văn hóa, an ninh… còn tới mức liên minh quân sự là phải "phi xã hội chủ nghĩa", "phi cộng sản" thì Mỹ mới chấp nhận.

Nói cách khác, muốn làm ăn buôn bán loanh quanh qua lại với Mỹ thì như hiện nay là đủ rồi nhưng muốn Mỹ giải quyết giùm mối hận Biển Đông thì phải thành đồng minh của Mỹ, mà muốn thành đồng minh của Mỹ thì phải thay đổi thể chế, phải đa đảng, còn muốn giữ đảng thì không thể.

Như vậy thành ra bài toán chống Trung Quốc trở thành bài toán thân Mỹ và tự do dân chủ. Nếu không có 2 cái đó thì không nói đến chống Trung Quốc.

Một vấn đề đặt ra là như vậy thì Việt Nam có nhờ Mỹ đòi lãnh thổ ở Biển Đông hay không và nhờ đòi như thế nào, chấp nhận thay đổi tới mức nào, trở thành đồng minh của Mỹ không hay chỉ là "đối tác chiến lược" mà thôi.

Đó là vấn đề cần làm sáng tỏ chứ không phải là chuyện ông Trọng vì sao chưa phát biểu chống Trung Quốc hay phát biểu yếu quá.

Trần Đình Thu

Nguồn : https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2647368615318795&id=100001370467846

Published in Diễn đàn

Việt Nam sẽ nêu vấn đề Biển Đông với Ấn Độ, trước chuyến thăm của ông Tập (VOA, 04/10/2019)

Trước chuyến thăm ca Ch tch Trung Quc Tp Cn Bình ti n Đ, Vit Nam hôm 03/10 cho biết tình hình Bin Đông "nghiêm trng" và Hà Ni s "hoan nghênh nếu n Đ đóng vai trò mang li hòa bình và n đnh trong khu vc".

uyhiep1

Ấn Độ tuyên bố có lợi ích hợp pháp ở Biển Đông. Ảnh hải quân Ấn Độ.

Đại s Vit Nam ti n Đ Phm Sanh Châu phát biểu như vy khi được trang ANI hi liu Vit Nam có yêu cu n Đ nêu vn đ bin Đông vi Ch tch Trung Quc Tp Cn Bình khi ông đến thăm nước này hay không.

"Chúng tôi đã đề cp rng chúng tôi kêu gi tt c các quc gia trong và ngoài khu vực đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vc và chúng tôi hoan nghênh s đóng góp ca bt kỳ quc gia nào trong vic tăng cường hòa bình và n đnh trong khu vc", Đi s Phm Sanh Châu nói.


Ngoài ra, Việ
t Nam s vn đng s hu thun ca n Đ trong cuc tranh chp kéo dài vi Bc Kinh Bin Đông ti hi ngh an ninh cp cao hai nước, trong bi cnh căng thng tiếp tc tăng cao Bin Đông.

Bản tin ca t Hindustan Times trích li Đi s Phạm Sanh Châu cho biết Vit Nam s tho lun v các hành vi xâm phm bin Vit Nam ca Trung Quc ti hi ngh an ninh hàng năm vi n Đ sp din ra Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại s Châu được trích li nói rng hôm 30/9 mi đây, Trung Quc đã điu thêm 28 tàu vào vùng bin Việt Nam, bt chp Vit Nam đã 40 ln trao đi vi phía Trung Quc, k t v xâm phm đu tiên cách đây 3 tháng. Ông nói :

"Chúng tôi đã nói với Trung Quc rng h không nên xâm phm vùng bin ca chúng tôi, và phi trit thoái tt c các tàu v trong thi gian sớm nht có th".

Những hành đng xâm phm gn đây nht ca Trung Quc xy ra gn vùng bin nơi công ty du khí quc gia n Đ, ONCG Videsh, đang thăm dò du khí.

Vẫn theo t báo này, Vit Nam và n Đ s tho lun không nhng v tình hình an ninh của hai nước, mà còn v các vn đ khu vc, và đc bit, tình hình hin nay Bin Đông.

Về phn mình, n Đ ra tuyên b vào tháng 8 năm nay, khng đnh rng New Dehli có "quyn li lâu dài gn lin vi hòa bình và n đnh Đông Nam Á". n Đ kêu gi các bên tuân th lut pháp quc tế, k c Công ước Quc tế v Lut Bin.

n Đ là mt trong 3 nước có quan h chiến lược toàn din vi Vit Nam. Ti đi thoi an ninh hàng năm trong tháng này, ngoài vn đ an ninh, hai chính ph còn tho lun v thương mi và đu tư và hp tác công ngh cũng như khoa hc.

Trang India Today cho biết, ông Tp Cn Bình, dự kiến s gp song phương không chính thc vi Th tưởng n Đ Narendra Modi ti thành ph Mahabalipuram t ngày 11-13/10.

*******************

Bãi Tư Chính : Hà Nội gián tiếp gợi lên phán quyết PCA khi phản đối Bắc Kinh (RFI, 04/10/2019)

Hà Nội vào hôm 03/10/2019, một lần nữa lại lên tiếng phản đối Bắc Kinh cho tàu mở rộng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông, đồng thời tái khẳng định Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Điều được giới quan sát chú ý là một lần nữa, Việt Nam đã viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực (La Haye) bác bỏ đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không nói thẳng mà chỉ gợi lên gián tiếp.

uyhiep2

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 25/07/2019. Reuters/Kham

Trong buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã tố cáo việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã trở lại hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thậm chí còn mở rộng phạm vi hoạt động, "vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".

Ngoài việc yêu cầu Bắc Kinh rút ngay tàu của họ ra khỏi vùng biển Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng còn nhắc lại quyết tâm của Việt Nam "kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép".

Cũng hôm qua, Việt Nam còn bác bỏ lập luận được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra hôm 18/09, tố cáo Việt Nam xâm phạm vùng biển Trung Quốc ở Bãi Vạn An, tên Bắc Kinh đặt cho bãi Tư Chính. Theo bà Lê Thị Thu Hằng : "Khu vực mà Trung Quốc gọi là 'bãi Vạn An' thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".

Đối với phát ngôn viên Việt Nam : "Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào" để đưa ra yêu sách đối với khu vực Bãi Tư Chính vì "Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này".

Nhóm từ "thực tiễn xét xử thời gian qua" chính là để chỉ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016, bác bỏ giá trị pháp lý của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Đây là lần thứ hai mà Việt Nam viện dẫn – dù gián tiếp – phán quyết La Haye về Biển Đông. Hôm 12/09, trong một tuyên bố phản đối hành vi của tàu Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, bà Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền thuộc các vùng biển của mình và "điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử, cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế".

Tuyên bố hôm qua của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, về việc tàu khảo sát Trung Quốc mở rộng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã chính thức xác nhận thông tin lưu hành trên internet từ mấy ngày qua.

Ngay từ hôm 30/09, trong một tin nhắn Twitter, giáo sư Ryan Martinson thuộc trường Hải Chiến Mỹ, người đã theo dõi sát hoạt động của chiếc tàu khảo sát Trung Quốc trong thời gian gần đây, đã công bố một bản đồ có ghi lại tín hiệu nhận dạng tự động của tàu Trung Quốc.

Tấm bản đồ cho thấy là từ ngày rời Đá Chữ Thập ở Trường Sa hôm 27/09 cho đến ngày 30/09, chiếc tàu khảo sát HD 8 đã đi ngược lên phía bắc để thăm dò một khu vực dọc theo bờ biển Việt Nam từ Phan Thiết lên đến gần Quảng Ngãi. Một tin nhắn Twitter từ một tài khoản khác đã ước tính rằng vùng hoạt động của tàu Trung Quốc chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 250 km.

Trọng Nghĩa

******************

Hà Nội xác nhận Hải Dương 8 mở rộng hoạt động trong vùng EEZ của Việt Nam (VOA, 03/10/2019)

Nam chính thc xác nhn thông tin nhóm tàu kho sát Hi Dương 8 ca Trung Quc "tiếp tc m rng hot đng ti vùng đc quyn kinh tế và thm lc đa Vit Nam".

uyhiep3

Tàu dân binh Trung Quốc bảo vệ vòng trong cho tàu Hải Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép ở bãi Tư Chính - Phúc Tần, tháng 9/2019 - Ảnh : Ngư dân cung cấp

Trong cuộc hp báo ngày 3/10, người phát ngôn Lê Th Thu Hng nói rng hành đng ca Trung Quốc "vi phm nghiêm trng ch quyn và quyn tài phán ca Vit Nam", và Hà Ni "kiên quyết phn đi hành đng này và đã có giao thip vi phía Trung Quc".

"Một ln na, Vit Nam yêu cu Trung Quc chm dt ngay vi phm, rút toàn b nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng bin Vit Nam và không đ tái din hành đng vi phm tương t", người phát ngôn B Ngoi giao Vit Nam nói.

Kể t đu tháng 7, tàu thăm dò Hi Dương 8 ca Trung Quc cùng vi nhóm tàu hi cnh h tng đã xâm nhp vào vùng đc quyn kinh tế của Việt Nam, gn khu vc Bãi Tư Chính, nơi Vit Nam đang hp tác vi mt s nước đ thăm dò và khai thác du khí. S kin này đã đy căng thng trong quan h Vit-Trung lên đến đnh đim, k t sau khi Bc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào Bin Đông năm 2014.

Bất chp nhng phn đi chính thc t phía Hà Ni, Trung Quc vn không dng li hot đng ca nhóm tàu này, dn đến nhng suy đoán có th xy ra đng đ vũ trang nếu Bc Kinh tiếp tc leo thang hành đng và đưa giàn khoan khu vc.

Cũng trong cuộc hp báo chiều 3/10, khi được hi v thông tin Trung Quc thông báo trin khai giàn khoan du mi Hi Dương 982 Bin Đông, nhưng chưa nêu v trí chính xác, k t ngày 21/9, người phát ngôn Lê Th Thu Hng nói phía Vit Nam "đang theo dõi và xác minh thông tin này".

Published in Việt Nam

Trung Quốc : Biển Đông không dễ nuốt

Cựu tổng thống Pháp ra đi trong niềm thương tiếc, tổng thống Mỹ đương nhiệm trong chiếc lưới "impeachment", Trung Quốc tung chiến thuật mới nhưng thiếu ba yếu tố để chiến thắng tại Biển Đông. Jacques Chirac, Donald Trump, Biển Đông nổi sóng và Hồng Kông dậy lửa là những chủ đề lớn trên các tạp chí cuối tuần.

bien1

Ảnh minh họa : Quần đảo Trường Sa chụp từ trên không. Ảnh 21/04/2017. Ted ALJIBE / AFP

Tình hình nóng bỏng tại Hồng Kông được Courrier International tóm lược trong tựa ngắn " Hồng Kông trong lửa và máu ". Cùng nhận định, The Economist dự báo nguy cơ " căng thẳng leo thang tại đặc khu hành chánh " sau vụ một học sinh bị bắn. Trong khi đó tại Biển Đông, cũng theo tuần báo Anh, kịch bản hợp thức hóa đường lưỡi bò không thuận buồm xuôi gió như Trung Quốc toan tính.

Biển Đông ít được nhắc tới không có nghĩa là Bắc Kinh đã bớt tham lam

Có hai lý do trong thời gian qua, công luận ngày càng ít nghe nói Trung Quốc gia cố các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh giảm bớt lòng tham làm bá chủ trên một vùng biển rộng 3,5 triệu cây số vuông.

Lý do thứ nhất là 7 tiền đồn ở Trường Sa đã được hoàn tất. Thứ hai, là với những tiền đồn này, Bắc Kinh nghĩ rằng đủ mạnh để bước qua giai đoạn hai, thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử (Code of Conduct-COC). Năm 2013, Tập Cận Bình thề thốt là các phi đạo, hải cảng mà Trung Quốc đang xây dựng trên các đảo nhân tạo là để "phục vụ lợi tích chung". Thực tế cho thấy Trung Quốc xây pháo đài, công sự chiến đấu, bố trí máy bay quân sự , tên lửa… Về quân sự, 7 tiền đồn trên biển cho phép Trung Quốc kiểm soát toàn khu vực nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ.

Các đảo tiền trạm này, ngày nay là hậu cần của các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc, lui tới như "xe cắt cỏ" tại các vùng biển của Việt Nam, như đã xảy ra vào năm 2014, và đang diễn ra hiện nay. Cùng lúc, tàu hải cảnh Trung Quốc cũng lui tới hù dọa các giàn khoan của nước ngoài hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam hay với Malyasia láng giềng.

Đây là một chiến thuật áp đặt chủ quyền, buộc các nước láng giềng chấp nhận chuyện đã rồi. Tuy nhiên có lẽ Bắc Kinh tính không qua trời tính. Theo The Economist, kế hoạch của Trung Quốc bị nhiều trắc trở không ngờ.

Trung Quốc bị 3 cản lực tại Biển Đông

Trước tiên, nhiều nguồn tin cho rằng Biển Đông là "vùng nước độc" khắc kỵ Trung Quốc. Cấu trúc "bê-tông" trên các đảo nhân tạo bị nước biển, muối biển soi mòn, nền móng bị sụp đổ trong khi chờ đợi xẩy ra một cơn bão lớn.

Thứ đến, Trung Quốc không ngờ các nước Đông Nam Á cự tuyệt, đề kháng đề nghị "cùng khai thác tài nguyên". Manila chỉ hứa miệng chưa có gì chính thức.

Trung Quốc cũng không ngăn cản được các công ty nước ngoài hợp tác với các nước Đông Nam Á. Cho dù Nga được xem là bạn của Trung Quốc nhưng tàu Trung Quốc hù dọa giàn khoan của công ty nhà nước Nga Rosneft ở Bãi Tư Chính.

Điều trớ trêu là những hành động dọa nạt này chỉ gây bất lợi thêm cho Trung Quốc trong ý đồ buộc các nước Đông Nam Á ký bộ quy tắc ứng xử COC vào năm 2021.

Ian Storey, một chuyên gia địa chiến lược ở Singapore cho biết có rất nhiều cản lực mà cội nguồn là do mưu tính của Trung Quốc. Cụ thể là để một "bộ quy tắc" có giá trị pháp lý, thì phải đệ trình Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng Bắc Kinh không đồng ý.

Trở ngại thứ hai là Trung Quốc muốn bộ quy tắc COC công nhận đường "chín đoạn" bao trùm cả Biển Đông vừa mù mờ, vừa không cơ sở. Thế là các nước Đông Nam Á chống lại "lưỡi bò".

Một điểm nữa, là hoạt động nào bị cấm ? Trung Quốc không muốn cấm các hoạt động quân sự hóa, cải tiến cơ sở quân sự (bị xuống cấp) trong tương lai. ASEAN cũng bác bỏ lại đề xuất của Trung Quốc cấm ASEAN tập trận chung với một "cường quốc ngoài khu vực", tức là Hoa Kỳ.

Thừa hiểu thâm ý của Bắc Kinh muốn hợp thức hóa ý đồ thống trị Biển Đông, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cảnh báo : Chấp nhận "những yêu sách của Trung Quốc liên quan đến bộ quy tắc ứng xử COC là "gián tiếp công nhận bá quyền Trung Quốc" như "cho con voi vào phòng khách".

Hồng Kông phá tan ngày hội của Bắc Kinh

Tình hình tại Hồng Kông cũng trở thành phức tạp thêm sau vụ cảnh sát bắn một thiếu niên biểu tình. Nhất cử nhất động của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga đều gây phản ứng bất lợi.

Ngày Bắc Kinh kỷ niệm trọng thể 70 năm chế độ Mao thì cũng là ngày "máu lửa" tại Hồng Kông. Courrier International đăng bức ảnh cảnh sát đàn áp một nhóm thanh niên biểu tình ngày 01/10 : Hơn 50 người bị bắt, một học sinh 18 tuổi bị cảnh sát bắn thẳng vào ngực, trọng thương.

Với tựa "Phá nát lễ hội", The Economist nhận định : "Ngày 01/10 không bao giờ là ngày vui của dân Hồng Kông. Từ bốn tháng nay, người dân đặc khu nổi dậy đòi dân chủ đúng nghĩa và tố cáo bàn tay của Đảng cộng sản Trung Quốc can thiệp vào đời sống, sinh hoạt tự do của Hồng Kông".

Ngày quốc khánh của Hoa Lục biến thành ngày quốc táng tại Hồng Kông. Khắp bán đảo, người biểu tình tuần hành với biểu ngữ "ChiNazis " (Trung Quốc Xã), đốt lửa, đốt cờ Trung Quốc. Họ còn khiêu khích để cảnh sát đàn áp mạnh. Hơn 100 người bị thương trong đó có Tsang Chi Kin, bị bắn vào ngực.

Cho dù cảnh sát biện minh là "tự vệ chính đáng và có chừng mực" nhưng vụ này, đối với một lực lượng an ninh có tiếng chuyên nghiệp, và nhất là viên cảnh sát sử dụng đạn thật có trang bị vũ khí không sát thương, sẽ làm cho các nỗ lực làm giảm căng thẳng sau này của chính quyền đặc khu phức tạp thêm.

Nhiều dấu hiệu cho phép lo ngại tình hình sắp tới sẽ căng thẳng thêm : có tin lực lượng Trung Quốc tại Hồng Kông tăng gấp đôi từ 5.000 quân lên 10.000 hay 12.000. Báo chí thân Bắc Kinh đề xuất sử dụng một đạo luật cũ thời nhượng địa về "tình trạng khẩn cấp" để chống biểu tình. Ngày 24/11, Hồng Kông bầu ủy viên hội đồng thành phố. Theo The Economist, đây sẽ là một cơ hội để biểu tình dữ dội nổ ra nếu các ứng cử viên chủ trương ly khai với Trung Quốc bị cấm tranh cử.

Donald Trump trong màn xiếc phế truất

Báo chí Mỹ phê bình chủ nhân Nhà Trắng đặt cá nhân lên trên đất nước, bất chấp những vấn đề quan trọng mà Hoa Kỳ đang đối phó.

Courrier International chọn hai bài báo Mỹ. Trước hết, với bài "Cơn lôi đình trong văn phòng bầu dục", Los Angeles Times tường thuật "những lời tuyên bố phóng đại và vô trách nhiệm" của tổng thống Donald Trump từ khi phe Dân chủ quyết định khởi động cuộc điều tra để truất phế tổng thống.

Trong mũi dùi tấn công nhân viên tình báo đánh tiếng chuông báo động vụ Ukraine cũng như trong tweet đòi bắt chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố như mê sảng : người nào cũng nói dối, người nào cũng loan tin thất thiệt. Nghiêm trọng hơn nữa, tổng thống Mỹ còn chia sẻ quan điểm của một mục sư bình luận gia của đài truyền hình bảo thủ Fox News, theo đó, truất phế tổng thống sẽ đưa đến "nội chiến".

Một lần nữa, từ khi nhậm chức cách nay gần ba năm, tổng thống Donald Trump đánh đồng cá nhân ông với Nhà nước là một. Los Angeles Times lưu ý : tổng thống là đại diện nhưng không phải là hiện thân của quốc gia. Những gì tốt cho Hoa Kỳ không hẳn là tốt cho Donald Trump và ngược lại. Những lời tuyên bố cuối tuần qua cho thấy chủ nhân Nhà Trắng không chấp nhận sự thật này.

Không chấp nhận thì làm gì ? New York Times công kích mạnh hơn : Tổng thống làm trò xiếc và gây chia rẽ. Đối với nhật báo kịch liệt chống Donald Trump thì ông có thể không bị cách chức mà còn huy động được cử tri ủng hộ mạnh hơn để tái đắc cử. Thủ tục Impeachment lúc đó có lợi cho Donald Trump, nhưng tiếp tục nhiệm kỳ hai trong điều kiện này thì thật là không may cho nước Mỹ.

Công và tội của cố tổng thống Pháp Chirac

Có phúc phần hơn tổng thống Mỹ đương nhiệm, cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac, từ trần trong niềm thương tiếc. Courrier International đề cao nhà lãnh đạo "thân dân", nhưng nghiêm khắc phê phán các sai lầm trong chính sách đối ngoại.

Nhìn từ các nước Ả Rập, tổng thống thứ năm của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp là một người đáng quý vì ông là bạn của Lebanon, của Iraq, là người nói "không" với nước Mỹ để chống can thiệp quân sự vào Iraq.

Báo L’Orient-Le Jour của Lebanon thì không quên tổng thống Chirac là người giúp Lebanon của thủ tướng Rafiq Hariri từ năm 1995 thoát khỏi vòng kềm tỏa của Syria.

Nhìn từ Mỹ, New York Times ghi nhớ tình cảm tốt đẹp của tổng thống Chirac với Hoa Kỳ. Báo Đức Tagesspiegel cho rằng tổng thống Chirac tập trung vào chính trường quốc tế hơn là tình hình nước Pháp.

Trong khi đó, báo chí Châu Phi ghi nhớ "công lẫn tội" của nhà lãnh đạo Pháp vừa qua đời. Trong khi các nguyên thủ Châu Phi tỏ lòng thương tiếc thì tờ L’Observateur Paagal, Burkina Faso, trách Chirac bao dung cho các nhà lãnh đạo bạn hữu tham ô.

Tuần báo thiên tả Pháp, L’Obs, không ngần ngại dành một số đặc biệt với hình bìa là tấm ảnh một chính trị gia trẻ tuổi, đep trai như tài tử điện ảnh lúc mới bắt đầu tham chính thời cố tổng thống Pompidou cho đến khi trở thành "tổng thống trong nhân dân Pháp". Đó là chủ đề của 80 trang tổng kết các sự kiện nổi bật và giai thoại vui buồn trong sự nghiệp lâu dài, trong đó có 18 năm làm đô trưởng Paris và 12 năm ở điện Elysée.

Tú Anh

Published in Châu Á

- Từ nhng s kin thc tế,

- Quốc dân Vit Nam mun biết vì sao ?

Đó là nội dung bài viết này.

quoc1

Ông Phạm Bình Minh đc din văn ti Liên Hip Quc, New York, 28 tháng Chín.

I. Từ những sự kiện thực tế

Những s kin thc tế đó là, trong nhiu năm qua, nhà cầm quyn Trung Quc đã nhiu ln ra nhng quyết đnh pháp lý, hành chánh và bng hành đng quân s bo lực xâm chiếm nhiu vùng lãnh th và lãnh hi, bin đo ca Vit Nam, vi phạm trng trn ch quyn lãnh th lãnh hi bin đo Vit Nam và vi phm công ước quc tế cũng như các hip đnh song phương v biên gii lãnh th và lãnh hi gia hai nước Vit - Trung đã ổn c và được tôn trng t hàng thế k qua.

Thực tế là Trung Quc đã dùng bo lc tn công, chiếm đot mt phn qun đo Hoàng Sa ca Vit Nam năm 1974, lúc đó thuc ch quyn quc gia Vit Nam Cng Hòa Nam Vit Nam trong bi cnh đt nước chia đôi, cuộc chiến tranh Quc-Cng Nam và Bc Vit Nam ; và năm 1988 tn công, chiếm đot đo Gc Ma thuc qun đo Trường Sa ca Vit Nam sau khi Vit Nam thng nht dưới chế đ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Vit Nam.

Đặc bit nghiêm trng và gn nht là v Trung Quc ngang nhiên đưa tàu kho sát và các tàu h tng vào khu vc Bãi Tư Chính thuc thm lc đa và khu vc đc quyn kinh tế ca Vit Nam, lưu li đây trong nhiu tháng qua, vào ra như vùng "ao nhà" ca h ; tiến hành thăm dò du khí bt hp pháp trong vùng biển thuc thm lc đa và đc quyn kinh tế ca Vit Nam. Đng thi, người phát ngôn ca B ngoi giao Trung Quc hôm 18-9-2019 còn ngang nhiên tuyên b ch quyn sai trái ti vùng này và đòi Vit Nam phi tôn trng ; cũng như trước đó đơn phương tuyên b chủ quy"9 đoạn" chiếm hu hết Bin Đông, theo kiu quân cướp nước "vừa ăn cướp va la làng".

Hành động xâm phm ch quyn lãnh hi, hi đo ca Vit Nam mi nht này, nhưng vn chưa phi là hành đng cui cùng, Trung Quc đã mnh hiếp yếu, vi phm trắng trợn quyn ch quyn và quyn tài phán ca Vit Nam Bin Đông, vi phm lut pháp quc tế Công ước Liên Hip Quc 1982 v Lut Bin, mà Trung Quc đã ký và cam kết thi hành. Đng thi Trung Quc cũng vi phm các quy đnh ca Tuyên b chung v ng x của các bên đang có tranh chấp trong bin Đông (DOC) mà Trung Quc đã cùng ASEAN ký kết năm 2002. Theo đó, DOC quy đnh tm thi các bên phi t kim chế, duy trì nguyên trng, không làm phc tp thêm tình hình, không được s dng vũ lc hoc đe da s dng vũ lực trong gii quyết tranh chp.

II. Quốc dân Việt Nam muốn biết vì sao ?

Đứng trước các s kin thc tế trên, quc dân Vit Nam (những công dân ca T quc Vit Nam) trong cũng như ngoài nước mun biết :

1. Vì sao trong bài phát biểu hôm 28/9 ti phiên họp Đi Hi Đng Liên Hip Quc New York, Phó Th tường kiêm B Trưởng Ngoi giao Phm Bình Minh đã không ch đích danh Trung Quc, như người phát ngôn B Ngoi giao Vit Nam dưới quyn ông trong nhng tháng qua đã nhiu ln cáo buc đích danh Bc Kinh xâm phạm ch quyn bin đo ca Vit Nam ?

Vì tại phiên hp này, ông Minh ch nói "Việt Nam đã nhiu ln lên tiếng quan ngi v nhng din biến phc tp gn đây Bin Đông bao gm nhng v xâm phm nghiêm trng ch quyn và quyn tài phán vùng bin Vit Nam" và rằng "các nước liên quan nên kim chế, tránh các hành đng đơn phương có th làm phc tp hoc làm tăng thêm căng thng trên bin".

Quốc dân Vit Nam quan tâm đu cm thy tht vng trước cách hành x này ca nhà đương quyn Vit Nam th hin qua bài phát biểu ca người đng đu ngành ngoi giao Vit Nam, trước din đàn Liên Hip Quc ; là đã đánh mt mt cơ hi cáo buc Bc Kinh xâm phm ch quyn bin đo ca mình đ tìm kiếm s ng h quc tế trong tranh chp Bin Đông.Trong khi Vit Nam đã và đang đi tìm kiếm s hu thun quc tế đ có thế lc đương đu, ngăn chn tham vng xâm ln lãnh th, lãnh hi bin đo Vit Nam ca Trung Quc, luôn thế mnh "bắt nt Vit Nam" và các nước nh yếu khác trong vùng.

2. Vì sao, cũng trong bài phát biểu dài 16 phút, Phó Thủ tướng kiêm B Trưởng Ngoi giao Phm Bình Minh có đ cp đến ch trương chính sách gii quyết tranh chp lãnh th lãnh hi bin đo mt cách hòa bình theo tinh thn Hiến chương Liên Hip Quc và căn c trên lut pháp quc tế như Công ước Liên Hiệp Quc 1982 v Lut Bin ; lại không vn dng ngay vào vic gii quyết tranh chp gia Trung Quc và Vit Nam khi c hai nước Vit –Trung đu là hi viên Liên Hip Quc ?

Nói cách khác, tại sao Vit Nam không "quốc tế hóa vic tranh chp" trên Bin Đông với Trung Quc" như nhn đnh ca Giáo sư Carl Thayer ca Đi hc New South Wales. ?

Ông Phạm Bình Minh nói "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan Bin Đông tuân th lut pháp quc tế, đc bit là Công ước ca Liên Hp Quc v Lut bin 1982 (UNCLOS 1982) – ‘Hiến chương ca Bin và Đi dương".

Thế ti sao gi này Vit Nam vn rt rè như "gà phải cáo", hay "vừa t cáo va run", vẫn không dám đưa v tranh chp bin đo vi Trung Quc ra trước Liên Hip Quc hay trước các tòa án quc tế có thm quyn đ gii quyết tranh chp mt cách hòa bình theo Hiến Chương Liên Hip Quc và lut pháp quc tế ?

3. Vì sao đến gi này Quc hi Vit Nam mnh danh là cơ quan quyn lc ti cao ca nhân dân, đ ra chính ph, nht là Ông Tng Trng người lãnh đo ti cao Đng, Quc Hội và chính ph thì vn im hơi lng tiếng, không dám lên tiếng ; lại ch đ cho người phát ngôn B ngoi giao Lê Th Thu Hng gn đây mi lên tiếng t cáo đích danh Trung Quc vi phm trng trn ch quyn bin đo ca Vit Nam ; còn người đng đu B ngoi giao Phạm Bình Mình thì trước din đàn Liên Hip Quc li tránh né không dám gi đích danh "Ông Trung Quốc" vì sợ"phạm húy" chăng ?

Trong bài viết trước "Đến non nước này Quc hi Vit Nam cn và phi lên tiếng" chúng tôi có đề ngh đôi điu Quc hi cn làm ngay, thiết nghĩa không cn nhc li đây.

III. Thay lời kết

Với trách nhim bo v đt nước, quc dân Vit Nam trong cũng như ngoài nước đòi hi Đng, Quc hi, chính ph đương quyn phi :

- Một là thc hin khẩn cấp mi đi sách chính tr, ngoi giao, pháp lý, quân sự kiên quyết, để tranh th s hu thun mnh m ca quc tế, to thế lc chn đng các hành đng xâm lăng trng trn ngày càng gia tăng ca nhà cm quyn Trung Quc.

- Hai là, nhà cầm quyền Vit Nam cn cp thi đưa nhng vi phm chủ quyn lãnh th lãnh hi Vit Nam ca Trung Quc ra trước Liên Hip Quc. Vì cả Trung Quc và Vit Nam đu là hi viên Liên Hip Quc.Đng thi, đưa v vic tranh chp ch quyn ra trước các cơ quan tài phán quc tế có thm quyn, đ gii quyết tranh chấp một cách hòa bình theo tinh thn Bn Hiến Chương Liên Hip Quc, căn c trên Công ước Liên Hip Quc 1982 v Lut Bin, và bn Tuyên b chung v ng x ca các bên đang có tranh chp trong bin Đông (DOC) năm 2002.

- Ba là, nhà cầm quyền Việt Nam cầphải thay đổi đường lối cai tr, mợ̉ng tự do, dân chủ, thả hết các tù nhân chính tr, tôn giáo, bt đng chính kiến đang b cm tù và chm dt đàn áp, bt b giam cm nhng người đu tranh ôn hòa cho mc tiêu dân ch hóa đt nước, để đoàn kết toàn dân, huy động toàn lc quc gia vào công cuc chống ngoại xâm, bo v toàn vn lãnh th ca T quc Vit Nam.

Thiện Ý

Nguồn : VOA, 05/10/2019

Published in Diễn đàn

Hình ảnh Phó Th tướng kiêm B trưởng Ngoi giao Phm Bình Mình đng cô đơn trong ngh trường đc bài din văn ti phiên tho lun chung cp cao khóa 74 Đi hi đng Liên Hp Quc phn ánh hin trng tình thế ca Vit Nam trước dư lun quc tế mt cách sinh động. Nó cho thy Vit Nam dù mun làm gì, nói gì cũng không thuyết phc được bt c nước nào chu nghe li minh chng trước vic Trung Quc không dng bước trong âm mưu thôn tính bin Đông qua đường chín đon mà nước này áp đt.

boivi1

Hải Dương 981 Bin Đông hi 2014.

Trước s ln lướt, uy hiếp ca Trung Quc ti bãi Tư Chính thuc đc quyn kinh tế ca Vit Nam gii quan sát chính tr quc tế nêu ra trong nhng ngày gn đây cho thy đã đến lúc Hà Ni cn nhìn li chính sách đi ngoi mà h tng theo đui trong nhiu năm qua nhm thay đi cho phù hợp vi hoàn cnh ca đt nước hin nay trước nguy cơ xâm lược ca Trung Quc ngày mt rõ ràng và không cn che du.

Trong một bài báo trên tờ Diploma Tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan, Học gi và Ch tch Sáng kiến Chính sách Ht nhân và Không gian thuc Qu Observer Research Foundation (ORF) New Delhi, n Đ cho rng mc dù Vit Nam và Trung Quc đang lao vào mt cuc đi đu d di ti Bin Đông nhưng s vic li không thu hút được s quan tâm đy đ ca thế gii. Theo trích dẫn ca VOA, sau khi nêu hàng hoạt các phn ng ca Vit Nam sau v nhóm tàu kho sát Hi Dương Địa Cht 8 ca Trung Quc xâm phm vùng EEZ ca Vit Nam, Tiến sĩ Rajeswari viết : "Trong tình hình này, chính ph Vit Nam tìm cách tác đng đến các nước n Đ, Hoa Kỳ, Nga, Úc và nhiu nước khác trong khu vc n Đ - Thái Bình Dương. Đáp li li kêu gi này là gì ? Một s im lng và nhng li phát biu "sáo rng".

Câu hỏi đt ra : Ti sao quc tế quay lưng vi Vit Nam v vn đ Bin Đông trong khi vn làm ăn, mua bán giao ho và thm chí còn giúp đ Vit Nam trong các d án xã hi ?

Bởi vì giao thương và giao chiến là hai vic hoàn toàn khác nhau. Vit Nam và Trung Quc có giao tranh cách nào đi na thì các nước thuc khi tư bn s không bao gi tham gia vì ý thc h đã phân chia hai khi t nhng năm đu ca thp k 50 ca thế k trước, khi cng sn và t do chia cắt rch ròi vi nhau gây nên nhiu cuc chiến tranh quc cng mà chiến tranh Vit Nam là mt bài hc lch s còn tươi vết máu ca c hai min Vit Nam và các nước khác như Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Nam Hàn, Philippines, và nht là M.

Bởi vì Vit Nam vẫn là nước kiên trì theo ch nghĩa cng sn trong s 5 nước cui cùng còn sót li trên thế gii bao gm Trung Quc, Bc Triu Tiên, Lào, Cuba và Vit Nam. Câu chuyn tranh chp Bin Đông, đc bit là Bãi Tư Chính đang xy ra gia hai đt nước có cùng ý thức h, cùng lý tưởng và cùng chung mc đích chính tr s không được bt c nước nào trong thế gii t do có th tham gia vào vic hòa gii, can thip hay bênh vc mt cách tích cc.

Bởi vì thái đ ca Vit Nam không nht quán và luôn luôn gây cho quốc tế nhng du hi v tính đi dây trong quan h ngoi giao. Vit Nam cho rng các nước ln có quyn li ti Vit Nam phi bo v quyn li ca h bng cách ng h lp trường ca Vit Nam nhưng Hà Ni quên rng Trung Quc mi chính là ngun li vô tn đi với nhiu nước hin nay.

Bởi vì ngay chính Hoa Kỳ cũng không hoàn toàn thoi mái khi quan h ngoi giao tr li vi Vit Nam sau nhiu chc năm đt đon. Mt mt Hà Ni tay bt mt mng vi M nhưng sau lưng li cho phép báo chí ca Đng tiếp tc h nhc M bng các bài viết nhc lại cuc chiến tranh thn thánh chng m gn 50 năm v trước.

Bởi vì mc tiêu là nhm ti s góp sc ca M nhưng Hà Ni công khai cho phép bà Nguyn Th Kim Ngân, Ch tch Quc hi Vit Nam tiếp xúc vi đi din ca Tng thng Murado ca Venezuela khi nước này trên bờ vc sp đ vì s phong ta ca M và nhiu nước phương Tây. Vic làm phi chính tr này chc chn s được các chính khách M ghi vào s tay ca h đ cnh báo chính quyn Washington nếu có ý đnh tiến thêm mt bước vi Vit Nam.

Bởi vì các nước EU cũng như n Đ, Nht Bn, Úc, Philippines, Hàn Quc chia s lý tưởng t do dân ch vi M trong khi Vit Nam cho rng mi nước có cách nhìn dân ch nhân quyn khác nhau và vì vy Vit Nam tng nhiu ln b quc tế ch trích v vn đ này, mt vn đ ct lõi mà Vit Nam không bao gi tuân th.

Bởi vì Vit Nam theo s ch đo rt khôn khéo ca Trung Quc không chp nhn đng chung vi nước này mà chng li nước khác nên mi li kêu gi thế gii lên tiếng trước hành vi xâm ln ca Trung Quc đu vô ích. Không nước nào chp nhn làm công vic h đ giúp cho k đã t chi nhn mình làm bn.

Bởi vì Trung Quc ct lc ngăn cn Vit Nam liên minh vi M hay bt c nước nào trong thế gii t do vì Bc Kinh biết rng khi chp nhn gii pháp liên minh Vit Nam s bị buc phi t b th chế Cng sn vì thế gii t do và cng sn không th liên minh.

Bởi vì Vit Nam biết chc rng ngay c chp nhn liên minh vi Hoa Kỳ thì Quc hi M s ràng buc Hà Ni vào nhiu yêu cu mà nước M vn theo đui trong đó có vn đ nhân quyền, mt cc xương khó gm cho chính th Vit Nam. Bi vì nước M không th hy sinh xương máu ca công dân nước mình đ liên minh, bo v cho mt đt nước xem nhân quyn là k thù ca chế đ.

Tất c nhng "bi vì" y đang cn tr Vit Nam tiến gn với thế gii đ bo v mình. Trung Quc biêt rõ điu y và thn nhiên tiếp tc đưa tàu vào khu vc Bãi Tư Chính đ cnh cáo Vit Nam rng h s có th cho Vit Nam mt bài hc th hai vì Hà Ni chơi ván c cng sn li nhìn chng sang phía k thù là thế lc thù địch.

Mặc Lâm

Nguồn : VOA, 04/10/2019

Published in Diễn đàn

Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 vào Biển Đông, tiếp tục gây nên lo ngịa về một cuộc đối đầu mới với Việt Nam. Và đây được xem là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu nỗ lực của Việt Nam trong theo đuổi, thăm dò dầu khí chung với các quốc gia khác.

bd0

Một giàn khoan dầu khí của Trung Quốc ngoài khơi Biển Đông - Ảnh : Reuters

Các biện pháp hòa bình ?

Trong bối cảnh sự va chạm của Việt – Trung chưa dừng trên Biển Đông, thì gần đây nhất, Thời báo Kinh tế Ấn Độ ngày 30/9 đã đăng một bài viết ủng hộ Việt Nam và phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). Bài báo dẫn lời các chuyên gia hàng hải nói rằng Bắc Kinh không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình hình và vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

Cũng theo trang tin này, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ - ông Phạm Sanh Châu, cho biết Hà Nội sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình được định nghĩa bởi luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Quan điểm này phù hợp với những gì mà ông Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa qua.

‘Các biện pháp hòa bình’ vẫn là một lựa chọn mà Hà Nội đang kiên trì tiến hành để ứng phó các hoạt động lấn lướt và phi pháp của Bắc Kinh từ trước đến nay. Và cách ứng phó này theo ông Carl Thayer trong một bài báo ngày 30/9 trên RFA là ‘hết sức nhẹ nhàng’.

Và biện pháp hòa bình cũng có thể được hiểu là ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’.

Và đấu tranh không chỉ duy ‘vờn nhau’ ngoài khu vực biển đông giữa tàu hải cảnh của hai quốc gia, mà bao hàm cả việc Hà Nội có thể tính toán đến việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Kiện ra tòa : không thể ?

‘Kiện Trung Quốc’ hiện giờ nhận được không ít sự đồng thuận. Nhưng liệu kiện có thể là biện pháp hữu hiệu giải quyết các vấn đề phát sinh tại Biển Đông ?

Shirley Wang, tác giả bài viết về luật quốc tế áp dụng tại Biển Đông trên The MCGILL International Review tỏ ra bi quan về phương án này.

Cụ thể, hiện tại khung chính hướng dẫn quản lý tranh chấp Biển Đông nằm trong Bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc (COC), nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ tiếp cận COC một cách nghiêm túc. Đó là lý do vì sao vào tháng 8/2018, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua một dự thảo văn bản đàm phán COC. Trong dự thảo, dù đã có thỏa thuận về sự cần thiết phải thiết lập một khuôn khổ dựa trên các quy tắc và hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, khi Hà Nội kêu gọi cấm xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai các vũ khí phòng thủ như tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo, thì Trung Quốc đã làm cả hai điều này.

COC cũng không phải là cơ chế giải quyết tranh chấp, và sẽ có một lộ trình rất dài để tiệm cận với một nghị quyết chung thẩm về các yêu sách chủ quyền và ranh giới hàng hải theo các quy định của UNCLOS. Hải cảnh và dân quân Trung Quốc liên tiếp vi phạm các Điều 2, 6, 7, 8, 15 và 16 của Bộ Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREG), do đó vi phạm Điều 94 của UNCLOS. Thậm chí, ngay cả Công ước SAR-79 và thỏa thuận quốc tế về ‘Tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Biển Đông’ cũng không được Bắc Kinh tuân thủ, khi mới đây, tàu Trung Quốc đã từ chối cứu hộ tàu cá Việt Nam, mặc dù tàu cá đang trong tình trạng nguy cấp [1].

Trong khi đó, để kiện được Trung Quốc, Việt Nam phải dựa vào UNCLOS, nhưng UNCLOS hoạt động hiệu quả nhất khi có biên giới hàng hải được phân định rõ ràng, và điều này ở Biển Đông là sự ‘chồng lấn’ lẫn nhau. Và Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) [2], một thỏa thuận khác thường được áp dụng cho các tranh chấp ở Biển Đông, thiếu tính ràng buộc và không áp dụng cho hải cảnh, mặc dù hầu hết các sự cố liên quan đến hải cảnh và các tàu thực thi pháp luật hàng hải khác.

Vậy ASEAN thì sao ?

Việt Nam trở thành Chủ tịch Asean vào năm 2020. Đây được xem là yếu tố thuận lợi để giúp Hà Nội giải quyết vấn đề Biển Đông theo hướng có lợi cho mình. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 4 thành viên của ASEAN (Việt Nam, Brunei, Philippines và Malaysia, với Indonesia) là có yêu sách ở Biển Đông, mặc dù toàn bộ ASEAN có liên quan đến quá trình COC. Và ASEAN không phải là một nơi để giải quyết vấn đề Biển Đông có hiệu quả hiện nay.

Ông Trần Việt Thái thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam bày tỏ về vai trò của ASEAN với tờ Bangkok Post ngày 2/10. Theo đó, ASEAN không phải là tổ chức được thiết kế không phải để giải quyết các vấn đề lãnh thổ (Biển Đông). Asean được thành lập và thiết kế để đối thoại và tạo điều kiện cho quá trình phát triển.

"Nếu bạn kỳ vọng quá nhiều từ ASEAN, bạn đã sai […] Trong vấn đề Biển Đông, ASEAN có thể cung cấp một diễn đàn, Nhưng nếu bạn mong đợi rằng ASEAN có thể giúp bạn giải quyết các tranh chấp, thì không bao giờ - họ không thể giúp bạn", Ông Trần Việt Thái cho biết.

Kết

Với tình hình thực tế hiện tại và những bài học bị ‘lấn lướt’ trong giai đoạn sau năm 2014, thì Hà Nội chỉ còn đúng một lựa chọn tối ưu nhất là ‘đối đầu với sức ép từ Trung Quốc bằng cách gia tăng hợp tác an ninh và quốc phong với Mỹ’. Nhưng muốn như vậy, đội ngũ lãnh đạo Hà Nội phải đồng thuận trong ‘nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên thành đối tác chiến lược’, một điều có thể là bước ngoặt tương tự như cách hai quốc gia thiết lập ngoại giao vào năm 1995.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 03/10/2019

Tham khảo

[1] https://thanhnien.vn/thoi-su/tau-trung-quoc-tu-choi-cuu-ho-tau-ca-viet-nam-troi-dat-o-hoang-sa-1132150.html

[2] CUES, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/6179-cues-va-luc-luong-bao-ve-bo-bien

Published in Diễn đàn