Ngày 27/12, Tổng cục Thống kê đã công bố các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2017.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn 2000-2017
Với một loạt chỉ số ấn tượng, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% và cao nhất kể từ năm 2008 đến nay, cơ quan thống kê quốc gia xem ra đã xua tan những nghi ngờ trước đó rằng chính phủ phù phép số liệu hay báo cáo láo.
Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam, song các con số thống kê đã cho thấy những biến chuyển theo chiều hướng tích cực.
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 93,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 35,3 tỷ USD (tăng 13,3 tỷ USD, tương đương 60,7%), và nhập khẩu từ thị trường này 58,5 tỷ USD (tăng 8,5 tỷ USD, tương đương 17%) so với cùng kỳ năm 2016. Tốc độ tăng nhập khẩu từ Trung Quốc là 16,8%, thấp hơn khá đáng kể so với tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu là 20,8%.
Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, mức tăng cao nhất từ trước tới nay, cả về con số tuyệt đối lẫn tỷ lệ tương đối, đã góp phần chủ yếu giúp nhập siêu từ Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp (chỉ còn 23,2 tỷ USD, so với 28,1 tỷ USD năm 2016 và 32,39 tỷ USD năm 2015). Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu cũng giảm năm thứ hai liên tiếp, từ mức 29,9% năm 2015 và 28,9% năm 2016 xuống còn 27,7% năm 2017, tức thấp hơn cả mức của năm 2013. Nhờ vậy, Trung Quốc không còn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam nữa, mà thay vào đó là Hàn Quốc với 31,8 tỷ USD.
Biến động của tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu
Những con số về tình hình giao thương Việt - Trung hai năm qua có lẽ đã đủ để các fan của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải nhìn nhận lại "di sản" của nhân vật mà họ vẫn đinh ninh là "chống Tàu số 1 Việt Nam" suốt một thời gian dài. Điều này lại càng đặc biệt đáng ghi nhận trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không những vẫn đang tại vị, mà còn ngày càng thể hiện rõ quyết tâm biến Việt Nam thành "một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Trung Hoa", khi hết hợp tác với Bắc Kinh để đào tạo cán bộ cấp cao lại đến lượt giao cho "bạn" đào tạo cán bộ cho một loạt tỉnh biên giới.
Dù vậy, bóng ma Trung Quốc vẫn tiếp tục ám ảnh nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua những điểm sau :
1. Mặc dù thấp hơn so với tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu, song tốc độ tăng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2017 so với năm trước vẫn còn cao (16,8%), vượt tốc độ của năm 2015 (13,4%) và 2016 (1,1%).
2. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu, mặc dù đã giảm năm thứ hai liên tiếp, nhưng vẫn ở mức cao (27,7%) và cao nhất so với các đối tác kinh tế khác. Điều này rõ ràng là nguy hại, bởi phần lớn hàng hóa "made in China" chất lượng thấp, độc hại hoặc tiềm ẩn những hiểm họa lâu dài về an ninh quốc phòng cho Việt Nam.
3. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến (60,7%) khiến tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này tăng từ 12,4% năm 2016 lên 16,5%. Đây cũng không phải hoàn toàn là tín hiệu tốt, bởi hàng hóa xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản và khoáng sản, trong khi Trung Quốc là một thị trường ẩn chứa nhiều rủi ro đối với nông dân Việt.
4. Sự kiện tàu container liên vận Việt - Trung bắt đầu hoạt động từ ngày 22/11 (dự kiến sẽ chạy đều đặn 1 chuyến/tuần, rồi nâng dần lên 3 chuyến/tuần) báo hiệu nếu chính phủ thiếu kiểm soát và ngăn chặn, một làn sóng hàng hóa "made in China" mới sẽ tràn vào Việt Nam thông qua cửa ngõ nhanh chóng và tiện lợi này.
5. Bên cạnh việc tiếp tục chiến lược hỗ trợ xuất khẩu để hàng hóa Trung Quốc bóp chết hàng hóa cũng như nền sản xuất của Việt Nam ngay trên sân nhà, Trung Quốc còn tăng cường thâu tóm các dự án bất động sản và đặc biệt là hàng loạt doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tính cả Đài Loan và Hồng Kông thì chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, số vốn mà Trung Quốc bỏ ra để thâu tóm doanh nghiệp Việt lên tới 612 triệu USD, đứng đầu hoạt động thâu tóm doanh nghiệp Việt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Người Trung Quốc vốn có "truyền thống" hoạt động chui tại Việt Nam, thông qua vỏ bọc người Việt hoặc người Việt gốc Hoa, nên con số thực tế chắc chắn là còn lớn hơn nhiều so với những gì mà cơ quan chức năng Việt Nam nắm được.
6. Sự kiện tỷ phú Jack Ma, ông chủ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, sang Việt Nam từ ngày 4-8/11 báo hiệu Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh cuộc xâm lăng kinh tế Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.
Tóm lại, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được những thành tích ấn tượng trong việc điều hành nền kinh tế cũng như xử lý mối giao thương vốn rất nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro với quốc gia láng giềng phương Bắc. Tuy vậy, nếu khẳng định rằng bóng ma Trung Quốc đã bớt ám ảnh nền kinh tế Việt Nam thì e là quá sớm. Tiếp nhận vô số "di sản" tai hại từ chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nhiệm vụ đặt trên vai chính phủ hiện nay rõ ràng là còn rất nặng nề.
Hiểm họa Trung Quốc vốn dĩ luôn rình rập Việt Nam, và nó chỉ có thể lớn hơn sau Đại hội 19 Đảng CSTrung Quốc, bởi "hoàng đế đỏ" Tập Cận Bình lúc này đã được ví như Mao Trạch Đông hay thậm chí là Càn Long của thế kỷ 21.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 29/12/2017
Ngoài cụm từ "đảng trị", chế độ cộng sản ở Việt Nam còn được mô tả như là chế độ "công an trị". Lý do thật đơn giản : công an không chỉ nằm trong cơ cấu bộ máy công quyền từ trung ương xuống đến tận thôn bản, mà còn hiện diện gần như khắp mọi ngóc ngách trong xã hội, từnhững "đặc tình" được "cài cắm" nhằm đánh phá những người lên tiếng ôn hòa vì một Việt Nam tốt đẹp hơn, cho đến những ông trùm thế giới ngầm kiêm "sỹ quan tình báo cao cấp" như Vũ ‘Nhôm’.
Cảnh sát khám nhà đại gia bất động sản Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng. Ông còn có biệt danh Vũ "nhôm".
Bài học Nguyễn Tấn Dũng
Trong hệ thống thang bậc quyền lực của cộng sản Việt Nam, Thủ tướng chỉ là nhân vật đứng thứ ba, sau Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại được coi là nhân vật quyền lực nhất Việt Nam. Ngoài cương vị Thủ tướng, nắm trong tay gần như toàn bộ bộ máy hành pháp quốc gia, vị thế quyền lực của "đồng chí X" còn bắt nguồn từ một nhân tố vô cùng quan trọng – đó là ảnh hưởng của ông ta đối với guồng máy công an.
Khi được lãnh đạo Hà Nội điều ra trung ương, chức vụ đầu tiên mà Nguyễn Tấn Dũng nắm là Ủy viên Đảng ủy Công an trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an trước kia) từ tháng 1/1995 đến 8/1996.
Trở thành Thủ tướng, ngoài vai trò chỉ đạo trực tiếp về mặt hành pháp đối với Bộ Công an, Nguyễn Tấn Dũng còn được Bộ Chính trị giao phụ tráchĐảng ủy Công an trung ương, một vai trò gần giống với Bí thư Quân ủy trung ương của Tổng bí thư.
Chưa hết, 6 năm nắm giữ trọng trách Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống Tham nhũng, kể từ tháng 6 năm 2006 cho đến khi bị "truất" khỏi vị trí này tại Hội nghị trung ương 5 khóa XI trung tuần tháng 5 năm 2012, còn trao cho ngài (cựu) Thủ tướng quyền chỉ đạo trực tiếp hệ thống tư pháp, mà cơ quan quan trọng nhất chính là Bộ Công an.
Liệu Nguyễn Phú Trọng có phải là một Tâp Cận Bình của Việt Nam.
Vấn đề không phải nằm ở chỗ quyền lực tập trung vào tay người nào, mà ở chỗ người đó sử dụng quyền lực như thế nào. Và đây là bài học mà hàng chục triệu người Việt sẽ còn phải trả những cái giá rất đắt trong chí ít là nhiều thập niên tới.
Bộ Công an hậu Đại hội XII : chiến trường quyền lực
Rút kinh nghiệm xương máu từ bài học mang tên "đồng chí X", sau Đại hội XII, ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam không giao cho bất cứ ai trong "tứ trụ" phụ trách Đảng ủy Công an trung ương. Thay vào đó, Bộ Chính trị đã công bố quyết định chỉ định Đảng ủy Công an trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 từ ngày 21/9/2016. Và Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 7 vị thì 3 trong số đó là Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng, tức 3 quyền lực mạnh nhất Việt Nam.
Nghĩa là, sau quyết định nói trên, trong số các ủy viên Bộ Chính trị, ngoài Bộ trưởng Công an Tô Lâm thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thậm chí cả Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (phụ trách nội chính) đều có thể chỉ đạo trực tiếp đến các cơ quan cục, vụ thuộc Bộ Công an.
Bộ máy công an xưa nay vốn là địa chỉ quan trọng bậc nhất để các thế lực trong đảng tranh giành ảnh hưởng. Sau Đại hội XII, càng ngày nó càng trở thành chiến trường quyền lực nóng bỏng trong hệ thống chính trị, khiến cơ quan nắm giữ trọng trách bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự xã hội bị chia năm xẻ bảy. Những gì diễn ra tại Việt Nam thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho nhận định đó.
Cảnh sát – cánh tay đắc lực của Tổng bí thư ?
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết là các cơ quan chức năng "đang giải quyết lợi ích nhóm, sân sau của thời kỳ trước".
Phát biểu của viên Thượng tướng phụ trách khối cảnh sát diễn ra trong giai đoạn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu đang hừng hực khí thế (từ ngày 31/7, khi ngài Tổng bí thư vung tay quả quyết "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy", cho đến thời điểm Hội nghị trung ương 6 khai mạc). Vì thế, đó là dấu hiệu cho thấy lực lượng cảnh sát dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của vị Phó Bí thư Đảng ủy Công an trung ương đang sát cánh với ngài Tổng bí thư trong chiến dịch "đốt lò" do ông ta phát động.
Điều này cũng phù hợp với những diễn biến trong thời gian vừa qua. Cảnh sát là lực lượng đã khởi tố và điều tra vụ Ngân hàng Đại Dương. Ngày 14/9, khi bào chữa cho cựu Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn tại toà, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã khiến dư luận xôn xao khi công bố văn bản do cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng ký ngày 7/9/2010 với nội dung : "Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010."
Bất cứ ai có "kinh nghiệm" về hệ thống tư pháp Việt Nam đều hiểu rằng chẳng luật sư nào muốn tiếp tục hành nghề lại dám tự tiện làm thế nếu không được ai đó "bật đèn xanh". Và động thái này đã dọn đường về mặt dư luận cho việc Bí thư Sài Gòn Đinh La Thăng bị bắt và khởi tố vào ngày 8/12, tất nhiên cũng do lực lượng cảnh sát tiến hành, để rồi chỉ 12 ngày sau, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố bản kết luận điều tra "thần tốc".
An ninh – liên tiếp làm Tổng bí thư mất mặt
Tương phản với thái độ phục tùng của lực lượng cảnh sát trong bộ máy công an, cho đến thời điểm này của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" mang "bản sắc Nguyễn Phú Trọng", lực lượng an ninh đã ít nhất hai lần khiến ngài Tổng bí thư phải bẽ mặt.
Vụ thứ nhất liên quan đến "đại án PVN". Trong một diễn biến chưa từng có, tối ngày 9/12, TTXVN cùng một loạt cơ quan truyền thông nhà nước đã đăng bài "cáo lỗi" vì đưa tin sai về vụ hai cựu Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu bị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt giam chỉ vài giờ trước. Còn Cơ quan An ninh điều tra thì thông báo trên website Bộ Công an rằng đó là "thông tin không chính xác", đồng thời "đề nghị kiểm tra, xử lý những cá nhân đã đưa tin không đúng sự thật".
Vụ thứ hai liên quan đến cái tên Vũ ‘Nhôm’ đang gây sốt trong dư luận. Mặc dù theo lời Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa thì "Tổng bí thư đã trực tiếp yêu cầu Bộ Công an điều tra và trả lời" nhưng đến khi các cơ quan báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an ra lệnh khởi tố và khám xét nhà Phan Văn Anh Vũ vào tối muộn ngày 22/12 thì vụ khám xét đã diễn ra hơn một ngày trước đó, còn đồng chí Vũ ‘Nhôm’ thì đã "cao chạy xa bay" từ lúc nào không hay.
Trong hai lực lượng chính của bộ máy công an Việt Nam thì an ninh là lực lượng nắm nhiều quyền lực hơn (giám đốc công an các tỉnh thành phần lớn xuất thân từ an ninh). Hai lần liên tiếp bị an ninh Việt Nam làm cho mất mặt nghĩa là ngài Tổng bí thư vẫn chưa "nắm" được lực lượng an ninh nói riêng và Bộ Công an nói chung, điều mà ông ta đã (phần nào) thành công với lực lượng cảnh sát.
Bất chấp những tai tiếng về tham nhũng, mà vụ Vũ ‘Nhôm’ mới chỉ là phần nổi của tảng băng, cũng như những tội ác mà họ đã gây ra cho nhân dân, việc đến thời điểm này Bộ Công an chưa hoàn toàn bị Nguyễn Phú Trọng thao túng lại là một chỉ dấu may mắn hiếm hoi đem lại hy vọng cho tương lai đất nước. Lý do ư ? Nếu điều ngược lại xẩy ra, ngài Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành "xây dựng đảng" sẽ thành công với mưu đồsử dụng chiêu bài chống tham nhũng để củng cố quyền lực hòng tiếp tục ngự trên "ngôi báu" ít nhất là cho đến hết nhiệm kỳ Đại hội XII, và đất nước sẽ tiếp tục chìm sâu trong vòng xoáy "Hán hóa".
Suy cho cùng, công an cũng chỉ là công cụ bạo lực của giới lãnh đạo cộng sản. Việc ba nhà lãnh đạo chóp bu của chế độ tự "cơ cấu" vào Đảng ủy Công an trung ương là bằng chứng không thể chối cãi cho sự thật đó.
Trước khi trở thành thủ phạm, những người đang khoác quân phục "công an nhân dân" cũng là nạn nhân của một hệ thống tội ác theo cách này hay cách khác.
Vậy nên chừng nào cộng sản Việt Nam còn lo sợ hiện tượng "tự diễn biến, tự chuyển hoá", chừng đó chúng ta còn có quyền hy vọng vào một kết cục tốt đẹp và vì thế cần thúc đẩy để quá trình ấy diễn ra nhanh hơn trong bộ máy công an.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 27/12/2017
Có lẽ chưa bao giờ sân khấu chính trị Việt Nam lại đem đến cho công chúng nhiều show diễn giàu kịch tính và cảm xúc như hiện nay.
Người dân Đà Nẵng tập trung rất đông xem công an khám nhà đại gia Vũ nhôm ở 82 Trần Quốc Toản.
Dư luận chưa hết xôn xao trước sự kiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra và truy tố cựu Bí thư Thành uỷ Sài Gòn vào chiều 20/12, tức chỉ 12 ngày sau khi bị bắt, lại rôm rả bàn tán về vụ đại gia Vũ ‘Nhôm’, một ông trùm khét tiếng ở Đà Nẵng, bị khám xét nhà vào chiều tối 21/12.
Thiên hạ càng không khỏi ngạc nhiên khi, mặc dù đã bị khám xét nhà từ chiều, nhưng buổi tối cùng ngày, trả lời đề nghị xác tín thông tin việc Vũ ‘Nhôm’ bị khởi tố và bắt giam, Chánh Văn phòng Bộ Công an nói : "Tôi chưa nắm được thông tin này". Và mãi đến hơn 21h ngày hôm sau, các cơ quan báo chí nhà nước mới đồng loạt đưa tin Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố và khám xét nhà Phan Văn Anh Vũ ngày 21/12 trước khi phát lệnh truy nã ngày 22/12, bởi đối tượng đã biến mất.
Sau Vũ là ai ?
Mặc dù đã trở thành ông trùm quyền lực ngầm tại Đà Nẵng từ lâu, nhưng cũng phải đến tháng 4/2017, cái tên Vũ ‘Nhôm’ mới thực sự được công chúng Việt Nam chú ý, khi báo chí nêu đích danh anh ta chính là chủ doanh nghiệp đã tặng xe sang cho Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. (Cuộc chiến giữa hai phe nhóm quyền lực chính tại Đà Nẵng là Bí thư Thành uỷ Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ lúc bấy giờ đang đến hồi quyết liệt, trong đó Vũ ‘Nhôm’ được cho là thuộc "phe" Nguyễn Xuân Anh.)
Gần đây, thiên hạ tá hoả khi có tin Vũ ‘Nhôm’ hoá ra là một sĩ quan công an. Chẳng phải ai khác mà chính tân Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, trong cuộc gặp mặt các cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu trên địa bàn Đà Nẵng ngày 21/12, đã "toạc móng heo" ra rằng Vũ ‘Nhôm’ là một thượng tá công an.
Năm 2013, cái tên Phan Văn Anh Vũ từng được nhắc đến trong kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc quản lý sử dụng đất của TP Đà Nẵng. Nhưng lúc ấy, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, nhân vật được cho là đứng sau lưng Vũ ‘Nhôm’, đã là một quyền lực hàng đầu Việt Nam nên không ai làm gì được.
Mãi đến cuối tháng 9, sau khi ngài cựu Bộ trưởng Công an thất thế do dính vào vụ Trịnh Xuân Thanh, ông trùm Vũ ‘Nhôm’ mới chính thức bị "lên thớt". Và Tuổi Trẻ là tờ báo "chính thống" đầu tiên khai mào cuộc tấn công nhằm vào "nhóm lợi ích Vũ ‘Nhôm’" bằng bài "Khuất tất trong bán hàng loạt nhà, đất công tại Đà Nẵng ?".
Kết cục khó tránh
Nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký báo Thanh Niên, từng nhận xét : "Ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ suy cho cùng cũng là nạn nhân của một khối ung nhọt lưu cữu từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch. […] Nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh có thể là chuyện ‘nhạy cảm’ vì ông ấy đã qua đời, nhưng nếu né tránh những di hại mà ông ấy đã để lại cho Đà Nẵng thì những vấn đề cốt lõi của Đà Nẵng sẽ không bao giờ được xử lý đến nơi đến chốn. […] Bộ máy Đảng và Chính quyền Đà Nẵng đang bị các nhóm lợi ích chi phối, khống chế, tạo thành một khối ung nhọt. Ông Nguyễn Bá Thanh không còn, nhưng các nhóm lợi ích này vẫn tồn tại, không chỉ tồn tại mà ăn sâu vào các chân rết trong bộ máy, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn khống chế ở cấp cao hơn, mà sự e ngại của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là một ví dụ".
Về Đà Nẵng thay thế Nguyễn Xuân Anh trên cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của thành phố biển chiến lược Miền Trung, ông Trương Quang Nghĩa hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Nghĩa là, nếu không chế ngự được ông trùm quyền lực ngầm Vũ ‘Nhôm’, chính ngài Bí thư Thành uỷ sẽ bị vô hiệu hoá hoặc tệ hơn nữa là bị nhấn chìm.
Trong bối cảnh ấy, Vũ ‘Nhôm’ bỗng trở thành đối tượng mà nhiều thế lực buộc phải triệt hạ. Ngoài Bí thư Trương Quang Nghĩa với lý do nêu trên thì Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ lại chính là đối thủ mà anh ta đã "gây thù chuốc oán" suốt mấy năm qua. Dĩ nhiên, hai nhân vật này hoàn toàn không đơn độc, bởi họ còn có các thế lực hậu thuẫn ở trung ương. Đặc biệt, Vũ Nhôm có thể được coi là đại diện của nhóm lợi ích công an, một "thành trì quyền lực" mà TBT Nguyễn Phú Trọng, nếu muốn đẩy mạnh chiến dịch "đốt lò" để nuôi hy vọng "bám trụ" trên ngôi vị số 1 ít nhất là cho đến hết nhiệm kỳ, buộc phải "công phá".
Sự kiện "Thanh về" đã để lại một vết nhơ không biết bao giờ mới phai mờ trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, chưa kể những hệ luỵ lâu dài khác cho đất nước. Trong khi đó, những diễn biến bất ngờ dồn dập trên chính trường thời gian gần đây báo hiệu từ nay đến Hội nghị Trung ương 7 sẽ còn nhiều biến cố khó lường ; nhất là khi dư luận tin rằng Vũ Nhôm có thể nắm trong tay những thông tin "nhạy cảm".
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 26/12/2017
Tiết trời Hà Nội đang ở vào giai đoạn lạnh nhất kể từ đầu mùa, nhưng bầu không khí chính trị tại thủ đô Việt Nam xem ra lại đang "nóng" hơn bao giờ hết.
Ông Đinh La Thăng.
Những diễn biến bất ngờ nối tiếp bất ngờ tiên tục diễn ra trên sân khấu chính trị Ba Đình khiến thiên hạ "hoa mắt hoa mũi", chẳng biết đường nào mà lần.
Sự kiện gần nhất đang gây xôn xao dư luận là cuối buổi chiều ngày 20/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đột ngột thông báo về bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố Đinh La Thăng cùng đồng phạm.
Thời gian kể từ khi cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố và bắt giam cho đến khi bản kết luận điều tra liên quan đến tội trạng của ông ta được công bố chỉ vọn vẹn 12 ngày, kể cả 4 ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật. Không còn nghi ngờ gì, đây là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tư pháp Việt Nam.
Với những vị trí mà Đinh La Thăng từng kinh qua, từ Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ trưởng Giao thông - Vận tải cho đến Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đây được cho là vụ án tham nhũng "nhạy cảm" nhất từ trước tới nay.
Điều tra án tham nhũng thường mất nhiều thời gian. Án tham nhũng liên quan đến một nhân vật cỡ bự và từng nắm giữ nhiều trọng trách như Đinh La Thăng lại càng cần thời gian điều tra và kết luận điều tra hết sức thận trọng. Vì thế dư luận không khỏi "thắc mắc" : Tại sao Đinh La Thăng bị truy tố gấp gáp đến thế ?
Lại "đầu voi đuôi chuột" ?
Từ tháng 7 năm 2016, nhà báo Huy Đức – nhân vật không cần che dấu sự ủng hộ dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – đã đăng tải nhiều bài viết trên trang Facebook cá nhân, vạch trần một loạt sai phạm khủng khiếp và mang tính hệ thống của Đinh La Thăng cùng bộ sậu. Dĩ nhiên, không nói thì người ta cũng biết ai đã cung cấp thông tin để viên cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ "đánh" Đinh La Thăng.
Vì thế, sau khi Đinh La Thăng bất ngờ bị bắt vào ngày 8/12, công chúng Việt Nam có lý do chờ đợi vụ án sẽ được mở rộng và viên cựu Bí thư Sài Gòn không phải là "khúc củi" duy nhất bị ngài Tổng bí thư tống vào "lò", bởi nếu thiếu "ai đó" đứng đằng sau nâng đỡ, che chắn cùng đám đệ tử ngoan ngoãn, tận tuỵ "tiền hô hậu ủng" thì ông ta không thể tự tung tự tác suốt một thời gian dài như thế.
Vậy nhưng, trái với kỳ vọng của dân chúng, chỉ 12 ngày sau vụ khởi tố và bắt giam, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố Đinh La Thăng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ PVN góp 800 tỷ VNĐ vào Ngân hàng Đại Dương năm 2008.
Đâu là nguyên do ?
Việc Đinh La Thăng xộ khám được xem là thắng lợi lớn nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi ông ta thay thế (cựu) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, cũng như trong cuộc chiến quyền lực với các phe phái khác trong bộ máy. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng thậm chí còn nhận định : "Đến lúc này, Nguyễn Phú Trọng đã có thể tự so sánh vị thế của mình với Tập Cận Bình."
Sau bao công sức đã bỏ ra để điều tra nội bộ (thể hiện qua những số liệu chi tiết, cụ thể mà nhà báo Huy Đức công bố), sau những màn tung hô lên đến tận mây xanh của truyền thông nhà nước và ngay giữa lúc kỳ vọng của một bộ phận dân chúng dành cho "bậc nhân kiệt – thế thiên hành đạo" Nguyễn Phú Trọng đang dâng cao, việc cơ quan Cảnh sát điều tra công bố kết luận điều tra đối với Đinh La Thăng và chỉ truy tố ông ta về tội "cố ý làm trái" trong một vụ sai phạm mà hậu quả chỉ là 800 tỷ VNĐ chắc chắn đã làm hoen ố chiến thắng mang tính biểu tượng của người đứng đầu Đảng Cộng sản cũng như bộ máy phòng chống tham nhũng tại Việt Nam.
Chả nhẽ ngài Tổng bí thư lại muốn vậy ư ? Nếu không thì đâu là nguyên do ?
Lời giải đáp dành cho "thắc mắc" nói trên đã được chúng tôi đưa ra trong bài "Đằng sau vụ La Thăng" ngày 11/12 và bài "‘Tử huyệt’ của Nguyễn Phú Trọng ở đâu ?" trên VOA ngày 20/12 vừa qua.
Trong bài "Đằng sau vụ La Thăng", tác giả đã nhận định rằng, sự kiện Đinh La Thăng bị bắt ngày 8/12 và việc một loạt cơ quan truyền thông nhà nước "cáo lỗi" vì đưa tin sai về vụ hai cựu Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu bị khởi tố và bắt giam báo hiệu từ đó đến Hội nghị trung ương 7 sẽ còn những diễn biến hết sức khó lường, và cán cân quyền lực giữa các phe nhóm có thể thay đổi mau lẹ chỉ trong một sớm một chiều.
Còn trong bài "‘Tử huyệt’ của Nguyễn Phú Trọng ở đâu ?", chúng tôi đã nêu lý do vì sao Nguyễn Phú Trọng lại dàn dựng cả một kế hoạch bài bản ngay từ giữa năm 2016 để quyết bắt Đinh La Thăng "cho bằng được". Viên cựu Bí thư Sài Gòn từng một thời gian dài nắm giữ những hầu bao khủng nhất trong hệ thống (Tập đoàn Sông Đà, PVN và Bộ Giao thông vận tải), và không ai nắm rõ hơn ông ta về "đường đi" của những khoản tiền tham nhũng lên tới hàng tỷ USD mà không một ai trong bộ máy hiện hành đủ sức cưỡng lại được "ma lực" của chúng.
Với mưu đồ tiếp tục khuynh loát hệ thống chính trị và trói chặt Việt Nam vào quỹ đạo Trung Quốc, cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Phú Trọng muốn dùng lời khai của Đinh La Thăng – nhân vật từng hơn 10 năm phục tùng dưới trướng Nguyễn Tấn Dũng và Hoàng Trung Hải – hòng khống chế các đối thủ của mình.
'Củi tươi' Đinh La Thăng (trái) và 'kẻ đốt lò' Nguyễn Phú Trọng.
Trong hệ thống chính trị cộng sản, việc đưa một quan chức như Đinh La Thăng ra toà vốn đã cực khó, đưa một nhân vật đủ sức cạnh tranh hay đe doạ ngôi vị Tổng bí thư ra trước vành móng ngựa lại càng khó gấp ngàn lần – đơn giản là điều đó có thể khiến cả hệ thống sụp đổ. Thế nên lời khai của Đinh La Thăng liên quan đến các nhân vật chóp bu chỉ có giá trị để các phe nhóm đấu đá nhau trên những vũ đài được che chắn bằng nhiều lớp màn đen. Và để những lời khai ấy có thể phục vụ cho "sự nghiệp cao cả" của ngài Tổng bí thư thì thời gian điều tra vụ án phải được kéo dài ít nhất là qua Hội nghị trung ương 7, kỳ hội nghị quyết định số phận chính trị của Nguyễn Phú Trọng.
Quá trình điều tra sai phạm của Đinh La Thăng kết thúc chỉ sau vỏn vẹn 12 ngày đã cho thấy là kế hoạch mà Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu "dày công dàn dựng" đã phá sản. Và dĩ nhiên, chỉ có "gót chân Achilles" mang tên Hoàng Trung Hải mới đủ sức khiến cho nhân vật vừa được nhà quan sát chính trị Phạm Chí Dũng ví như Tập Cận Bình "made in Vietnam" phải lùi bước trước các đối thủ.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 21/12/2017
Vụ Phó ban Kinh tế trung ương Đinh La Thăng bị bắt ngày 8/12 là một sự kiện chấn động dư luận. Lần đầu tiên, kể từ khi cộng sản lên nắm quyền tại Việt Nam năm 1945 đến nay, một (cựu) ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố và tống giam.
Nguyễn Phú Trọng (phải) và 'tử huyệt' của mình : Hoàng Trung Hải.
Chính trường Việt Nam xưa nay vốn vô cùng phức tạp. Vậy nên, dù bề ngoài thì vụ việc này được xem như bằng chứng cho thấy "quyết tâm" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" "made in Việt Nam" do chính ông ta phát động, nhưng đằng sau đấy có lẽ không nhiều người nghĩ đơn giản như thế.
Ở Việt Nam, tham nhũng là vấn đề mang tính hệ thống, hay theo cách gọi của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, đó là "lỗi hệ thống". Nghĩa là, nếu không cải cách hệ thống thì việc chống tham nhũng chẳng khác nào "bắt cóc bỏ dĩa". Bộ máy càng phòng chống, tham nhũng càng sinh sôi nẩy nở.
Thực tế Việt Nam bảy năm qua dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho chân lý đó. Cảm nhận "tinh thần" của những câu phát ngôn như "Kỷ luật mà không tính kỹ, mai kia lại ân oán, thù oán, đối phó thành phe phái, làm rối nội bộ, có nên không" hay "Không phải kỷ luật nhiều là thành công, cốt là đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm pháp luật, mở đường cho người ta tiến tới mới là thành công", người ta lại càng khó tin là đương kim Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thực tâm chống tham nhũng, khi mà cải cách vẫn là một khái niệm vô cùng lạ lẫm đối với ông ta.
Câu hỏi đặt ra ở đây là : Nếu không vì mục đích chống tham nhũng thì vì sao Nguyễn Phú Trọng lại bắt Đinh La Thăng, điều mà ông ta đã muốn thực hiện ngay tại Hội nghị trung ương 6 thượng tuần tháng 10/2017, qua một số nguồn tin cũng như bầu không khí chính trị trước thềm hội nghị ?
"Khúc củi" bự dễ "bắt lửa"
Khi được các phe nhóm quyền lực trong đảng thống nhất lựa chọn như là giải pháp khả dĩ nhất để gạt bỏ ứng cử viên số 1 lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng đã cam kết là chỉ tại vị trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XII.
Tuy nhiên, tham vọng của ngài Tổng bí thư không dừng lại ở đó mà, với sự hậu thuẫn hết mình của Bắc Kinh, ông ta muốn tiếp tục ngự trên "ngôi báu" chí ít là đến hết nhiệm kỳ. Kết quả là hai ứng cử viên sáng giá nhất Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang lần lượt bị loại ra khỏi cuộc chơi, khi kẻ thì phải đi "chữa bệnh", người thì dính vào vụ Trịnh Xuân Thanh.
"Noi gương" ông chủ Trung Nam Hải Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng muốn sử dụng chiêu bài "chống tham nhũng" để các đối thủ còn lại chỉ lo giữ cái ghế hiện tại của mình cũng đã khó, chứ đừng nói đến chuyện "tranh đấu" với ông ta để trở thành chủ nhân khu nhà 1A Hùng Vương. Nghĩa là, nếu cầm chịch được cuộc chơi, ngay cả khi buộc phải rời khỏi ngôi vị Tổng bí thư, ông ta cũng rộng đường lựa chọn người kế nhiệm theo ý chỉ của quan thầy Bắc Kinh.
Trong khi đó, Đinh La Thăng lại là kẻ "ăn tàn phá hại" bậc nhất trong bộ máy, khó ai sánh nổi, với những sai phạm phải nói là rõ rành rành, từ thời còn làm Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà, trước khi trở thành Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rồi Bộ trưởng Giao thông - Vận tải. Thế nên, sau khi bị gạt ra khỏi Bộ Chính trị, Đinh La Thăng đã trở thành một "khúc củi" bự không chỉ dễ bắt lửa, mà còn đánh trúng tâm lý của một công chúng vốn xưa nay vẫn nghi ngờ quyết tâm chống tham nhũng của người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Đầu mối cực kỳ quan trọng
Đinh La Thăng là kẻ từng một thời gian dài nắm giữ những hầu bao rủng rẻng nhất trong bộ máy, từ vai trò Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho đến Bộ trưởng Giao thông - Vận tải.
Sông Đà là tập đoàn xây dựng lớn nhất Việt Nam ; PVN thì được ví như "con bò sữa" của nền kinh tế ; còn Bộ Giao thông vận tải lại là bộngốn nhiều vốn đầu tư từ ngân sách nhất.
Xuất thân là một kế toán viên, hơn ai hết Đinh La Thăng nắm rõ "đường đi nước bước" của những đồng tiền tham nhũng, với quy mô lên đến hàng tỷ USD. Và rõ ràng là khó ai trong cái hệ thống "tham nhũng từ trong trứng nước" này đủ sức cưỡng lại được những "tờ xanh" đầy "ma lực" đó. (Một hệ thống vận hành dựa trên tham nhũng thì bất cứ ai không tham nhũng sớm muộn gì cũng bị gạt ra khỏi guồng máy).
"Truyền nhân" của "đồng chí X"
Trong bài "Cuộc đấu Nguyễn Phú Trọng - Đinh La Thăng : chiêu trò mới của Bắc Kinh ?", chúng tôi đã chỉ ra rằng, Đinh La Thăng chính là "con bài" khả dĩ nhất của Bắc Kinh để thay thế cho Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được luật sư Cù Huy Hà Vũ ví là "điệp viên hoàn hảo" của Trung Quốc.
Thiết tưởng điều này không có gì quá khó hiểu. Đinh La Thăng từng được coi như "đệ tử ruột" của "đồng chí X". Đó là thực tế mà có lẽ không mấy ai không biết. Đặc biệt, Đinh La Thăng còn nằm dưới trướng Hoàng Trung Hải suốt hơn 10 năm (từ ngày 5/10/2005 đến ngày 5/2/2016), khi ông ta làm Chủ tịch PVN rồi Bộ trưởng Giao thông vận tải, còn đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội thì làm Bộ trưởng Công nghiệp (bộ chủ quản PVN) rồi Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí và Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải từ năm 2007 đến 2016. Ngần ấy năm phục tùng hai "con bài" quan trọng nhất của Bắc Kinh ở Việt Nam mà một kẻ "ăn tàn phá hại" như Đinh La Thăng không bị các ông chủ Trung Nam Hải "nắm gáy" thì mới là chuyện khó tin. ("Đồng chí X" – kẻ từng bị Hoàng Trung Hải gài bẫy rồi khống chế và thao túng – chính là người đã giới thiệu Đinh La Thăng đã vào Bộ Chính trị. Và cũng giống như "quan anh" chuyên "nói một đàng làm một nẻo" của ông ta, thời gian Đinh La Thăng làm Bí thư Thành uỷ, tình hình dân chủ - nhân quyền Sài Gòn thậm chí còn tồi tệhơn cả dưới thời Lê Thanh Hải, một nhân vật vốn đã cực kỳ sắt máu).
Không khó hình dung, để có thể loại bỏ Trần Đại Quang, thủ lĩnh nhóm chống Trung Quốc trong bộ máy, Bắc Kinh đành chấp nhận rủi ro với con bài Đinh La Thăng. Kết cục là sau khi Trịnh Xuân Thanh chuồn khỏi Việt Nam, dưới áp lực của các đối thủ, Nguyễn Phú Trọng buộc phải kỷ luật Đinh La Thăng ở mức độ vừa đủ để vô hiệu hoá "con bài" nguy hiểm này của Bắc Kinh, vừa không đẩy vụ việc đi xa đến mức "cháy lan" sang các đối thủ của ngài Tổng bí thư. (Sau Đại hội XII, không phải Nguyễn Phú Trọng mà chính Trần Đại Quang mới được coi là nhân vật quyền lực nhất Việt Nam). Ngoài ra, lựa chọn này cũng cho phép ông ta tiếp tục hy vọng sử dụng thanh "bảo kiểm" mang tên Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng để phục vụ cho tham vọng quyền lực cá nhân.
Đinh La Thăng (phải) từng là "ngôi sao đang lên" của chế độ.
Bàn cờ thế trên chính trường Việt Nam lúc này xem ra đã trở nên dễ đoán định hơn : Chừng nào Nguyễn Phú Trọng còn làm chủ cuộc chơi quyền lực, chừng đó Đinh La Thăng còn phải biết "khai" những gì mà ngài Tổng bí thư mong muốn, bởi điều ấy không chỉ giúp cặp bài trùng Hoàng Trung Hải – Nguyễn Phú Trọng khống chế các đối thủ, mà còn giúp ngài cựu Bí thư Sài Gòn tự bảo vệ mình. (Nói "chừng nào" là bởi Nguyễn Phú Trọng không phải không có "tử huyệt" mà chỉ là do "tử huyệt" của ông ta quá ư nhạy cảm, nhạy cảm đến mức đủ sức xô đổ cả hệ thống : đó là Hoàng Trung Hải, kẻ quá thân với Bắc Kinh).
Phải chăng là nhờ vậy mà vị thế cặp bài trùng này bỗng nhiên "nổi" hẳn lên. Ngài Tổng bí thư được Chính phủ mời tham dự hội nghị trực tuyến với các địa phương vào ngày 28/12, sự kiện chưa từng có từ trước tới nay. Trong khi đó, sau một thời gian khá chìm lắng, "con ngựa thành Troy" Hoàng Trung Hải lại bất ngờxuất hiện trong Đoàn Chủ tịch Đại hội Hội Cựu Chiến binh Việt Nam lần thứ VI hôm 14/12, một vị trí vừa không phù hợp với cương vị của ông ta, vừa là sự lăng nhục đến mức không còn từ ngữ nào để mô tả đối với hàng triệu người đã đổ xương máu vì non sông đất nước.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 20/12/2017
Hội nghị Thành Đô là một chủ đề gây rất nhiều tranh cãi ở Việt Nam cũng như trong các cộng đồng người Việt hải ngoại suốt nhiều năm qua.
Hội nghị Thành Đô đã diễn ra trong bí mật.
Chỉ 4 ngày sau khi được Đại sứ Trung Quốc thông báo, ba nhà lãnh đạo Việt Nam là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng đã có mặt tại Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) vào đúng ngày Quốc khánh lần thứ 45, trong khi Đặng Tiểu Bình thậm chí không thèm xuất hiện như lời hứa hẹn lấp lửng ban đầu.
Bối cảnh
Cuối thập niên 1980, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bắt đầu chao đảo trước khi sụp đổ hàng loạt.
Về phần mình, mặc dù đã thực hiện cải cách kinh tế từ sau Đại hội VI nhưng Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về chính trị - kinh tế - xã hội vốn bắt đầu ngay từ năm 1975.
Lo sợ cho số phận của mình và tự huyễn hoặc "dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa", một số nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đã quay sang ôm chân các ông chủ Trung Nam Hải, bất chấp thực tế là trước đó Bắc Kinh đã đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, phát động cuộc chiến tranh biên giới từ 1979 - 1989, thảm sát 64 quân nhân Việt Nam rồi chiếm đảo Gạc Ma năm 1988.
Mật ước Thành Đô ?
Từ nhiều năm trước, trong dư luận đã lan truyền thông tin rằng kết quả Hội nghị Thành Đô là một bản mật ước, theo đó lãnh đạo cộng sản Việt Nam đề nghị và lãnh đạo Trung Quốc đồng ý để Việt Nam trở thành một khu vực tự trị của Trung Quốc.
Đến tháng 5/2014, một số trang mạng thậm chí còn đăng tải nội dung của bản "mật ước" (được cho là do Hoàn Cầu Thời Báo và Tân Hoa Xã công bố) : "…Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….
Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.…"
Đâu là sự thật ?
Trong cuốn hồi ký "Hồi ức và Suy nghĩ" của mình, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã tiết lộ : "Sau 2 ngày nói chuyện (3 - 4/9/1990), kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là ‘Biên bản tóm tắt’ gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ của Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc".
Nghĩa là, Hội nghị Thành Đô kết thúc song việc bình thường hoá quan hệ hai nước, điều mà ban lãnh đạo Việt Nam nóng lòng mong đợi, vẫn chưa chốt lại được. Vì thế, giả thuyết về bản "mật ước" kia rõ ràng là thiếu cơ sở.
Thậm chí ngay cả "Biên bản tóm tắt" 8 điểm nói trên cũng không được phía Việt Nam thực hiện đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phản đối của Bộ Ngoại giao dưới quyền Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, với sự đồng tình của một vài ủy viên Bộ Chính trị khác, như Thứ trưởng Trần Quang Cơ đã thuật lại trong hồi ký. (Trong cuộc họp kiểm điểm về Hội nghị Thành Đô, Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói : "…Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy").
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974-1987) cho biết là mặc dù cùng 19 cựu sỹ quan cao cấp khác ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu minh bạch hóa Hội nghị Thành Đô song ông cũng không tin vào thông tin phía Trung Quốc đưa ra.
Đại tá Nguyễn Văn Tuyến (cán bộ tiền khởi nghĩa và là thành viên sáng lập Câu lạc bộ chống tham nhũng, tiêu cực của các vị lão thành cách mạng ở Hà Nội) cho chúng tôi biết là trong một cuộc gặp với Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, khi ông đề cập đến "Mật ước Thành Đô", ông Huynh khẳng định đích thân ông ta đã vào kho lưu trữ của đảng để tìm nhưng không hề thấy bản "mật ước" đó. (Lãnh đạo cộng sản nói thì không hẳn là đáng tin, song điều đó không có nghĩa là họ chưa bao giờ nói thật. Và sự khẳng định của nhân vật số 5 trong ban lãnh đạo Việt Nam phù hợp với logic ở trên, cũng như với một tài liệu được cho là của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2014 nhằm giải thích về Hội nghị Thành Đô).
Toan tính gì ?
"Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán". Thông tin về "Mật ước Thành Đô" được Bắc Kinh tung ra ngay giữa lúc họ đưa giàn khoan HD981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 2/5 đến 15/7/2014. Rõ ràng, họ muốn qua đó để biện hộ cho hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam, gây chia rẽ trong ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam, khiến người Việt trong và ngoài nước bị phân hóa, và cuối cùng là làm suy yếu nỗ lực của Hà Nội trong việc chống lại hành vi ngang ngược đó.
Mặc dù nội dung cụ thể của "Mật ước Thành Đô" được Bắc Kinh "tiết lộ" vào thời điểm họ đưa giàn khoan HD981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhằm mục đích như chúng tôi đã đã chỉ ra, song thông tin về sự tồn tại của nó thì đã xuất hiện từ lâu. Vậy động cơ của họ là gì ?
Quả thực, không khó để nhận ra toan tính của Bắc Kinh khi cho lan truyền thông tin về "Mật ước Thành Đô". Đây thực sự là một mũi tên trúng nhiều đích theo đúng bản chất "thâm như Tàu" của họ : (i) khiến những người Việt tâm huyết với công cuộc chống bành trướng Trung Quốc nản lòng (do nghĩ rằng mọi nỗ lực đều vô ích bởi cái văn kiện bán nước kia) ; (ii) làm phân tâm những người chống hiểm hoạ Trung Quốc tại Việt Nam (thay vì lẽ ra cần tập trung vào việc vạch trần và ngăn chặn bàn tay tội ác của "nhóm lợi ích Tàu"trong bộ máy hiện hành thì họ lại phung phí thời gian và công sức vào việc tranh cãi hoặc lên án và đòi bạch hoá một chuyện không có thật trong quá khứ) ; và (iii) khiến cho người dân bình thường không tin tưởng vào truyền thông phi chính thống (khi thấy trên mạng toàn loan truyền những thông tin nhảm nhí).
Không chỉ nặn ra cái gọi là "Mật ước Thành Đô", Bắc Kinh thậm chí còn dựng lên cả một câu chuyện kỳ bí qua tác phẩm "Hồ Chí Minh sinh bình khảo" của Hồ Tuấn Hùng. Theo đó, Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Sinh Cung (nguyên quán Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An), mà là Hồ Tập Chương, người Đài Loan. (Ngoài những mục đích nêu trên, điều này còn giúp dọn đường dư luận để"con ngựa thành Troy" Hoàng Trung Hải ngày càng "chui sâu, leo cao" và cuối cùng là thâu tóm chiếc ghế Tổng Bí thư).
Không còn nghi ngờ gì, "Mật ước Thành Đô" là một câu chuyện bịa đặt nhằm phục vụ mưu đồ đen tối của Trung Nam Hải. Việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không công khai Thoả thuận Thành Đô là vì đó không chỉ là một thất bại nhục nhã trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, mà còn là bằng chứng không thể chối cãi về hành vi "cõng rắn cắn gà nhà", "rước voi về dày mả tổ" của họ. Chỉ chừng ấy thôi họ đã bị lịch sử và nhân dân đời đời lên án, chứ đừng nói đến chuyện mưu toan biến Việt Nam thành một bộ phận của "đại gia đình các dân tộc Trung Quốc".
Ngoài ra, ngay cả khi "Mật ước Thành Đô" là sự thật đi nữa thì nó cũng không có giá trị pháp lý, bởi nó không tuân theo những trình tự pháp lý thông thường của một hiệp ước giữa hai quốc gia. Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười hoàn toàn không đủ chính danh để đóng dấu hiệu lực vào một hiệp ước vô cùng hệ trọng như thế. Trong khi đó, những người ký kết "mật ước" đó hoặc đã chết, hoặc gần như không còn ảnh hưởng trên chính trường, nên nó lại càng vô giá trị.
Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã chỉ ra rằng, nếu các bản tuyên bố chung Việt - Trung xưa nay luôn được Hà Nội thực hiện đúng thì Việt Nam đã trở thành "một bộ phận không thể tranh cãi của Trung Quốc" từ lâu, chứ chẳng cần phải đợi đến khi "Mật ước Thành Đô" được thi hành. Điều này không xẩy ra bởi thực tế là trong ban lãnh đạo Việt Nam luôn tồn tại những thành phần ý thức được hiểm hoạ phương bắc mà Bắc Kinh chưa thao túng được (chẳng hạn như Nguyễn Cơ Thạch và Võ Văn Kiệt trong "Hồi ức và Suy nghĩ"), bên cạnh áp lực từ một công chúng vốn ngày càng bộc trực và "dị ứng" với những gì liên quan đến Trung Quốc.
Bất luận thế nào, việc đất nước chúng ta ngày càng bị các gọng kìm của Đại Hán siết chặt như hiện nay không phải là vì "Mật ước Thành Đô" kia, mà chính là vì 90 triệu người Việt, đặc biệt là những tinh hoa của giống nòi, đã làm chưa đủ để bảo vệ giang sơn gấm vóc mà tổ tông đã đổ bao máu xương để dựng xây, gìn giữ.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 13/12/2017
Chính trường cộng sản Việt Nam xưa nay vốn hết sức phức tạp và khó lường. Đó là thực tế mà có lẽ người Việt nào cũng nhận ra.
Tin về Đinh La Thăng trên báo trong nước.
Phức tạp là bởi các màn so đấu giữa các võ sỹ quyền lực đều diễn ra trên những vũ đài bị nhiều lớp màn đen che chắn, công chúng bên ngoài không thể nhìn thấy gì. Khó lường là bởi bàn tay lông lá của Bắc Kinh đã thò vào mọi ngóc ngách của thượng tầng chính trị Việt Nam, không phải mới gần đây mà ngay từ thập niên 1950.
Rốt cuộc thì quyền lực chính trị dưới "thời đại Hồ Chí Minh" cũng chỉ được các phe nhóm thỏa hiệp với nhau trong bóng tối. Người dân chỉ còn mỗi nghĩa vụ cao cả là đi bỏ phiếu (mà nếu không đi thì cũng chẳng sao), đại biểu quốc hội hay đại biểu hội đồng nhân dân chỉ còn mỗi trách nhiệm thiêng liêng là hoặc nhất tề giơ tay hoặc đồng loạt "nhấn nút" để đóng cái dấu "dân chủ xã hội chủ nghĩa" vào sự phân chia ngôi thứ vốn đã xong từ lâu.
Trong bối cảnh đó, vụ cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị bắt quả thực là bất ngờ đối với dân chúng, không chỉ bởi đây là sự kiện chưa từng có, mà còn bởi những gì diễn ra trên sân khấu chính trị Việt Nam kể từ Hội nghị trung ương 6 thượng tuần tháng 10 đến nay.
Vậy đằng sau sự kiện chấn động dư luận ấy là gì ?
Nguyễn Phú Trọng lấy lại uy thế
Trên thế gian này hiếm có một nhà lãnh đạo quốc gia nào mà quyền lực cứ hết trồi lại sụt như đương kim Tổng bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này giải thích cho lý do tại sao khi thì ông ta tuyên bố hùng hồn như một nhà độc tài quyền uy tuyệt đối, khi thì phát ngôn như một diễn viên mới tấp tểnh bước vào nghề tấu hài chính trị.
Suốt gần 5 năm hết loay hoay "nhóm" lại đến hì hục "thổi", cái "lò" chống tham nhũng của ngài Tổng bí thư cứ hễ hơi âm ấm một chút là lại rơi vào cảnh nguội ngắt không lâu sau đó. Lý do ư ? Chẳng phải chính ông ta đã "tự thú trước bình minh" là "Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng" hay sao ?
Và mãi đến ngày 31/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống Tham nhũng, khi ngài vung tay quả quyết "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy", lần đầu tiên người ta mới nhận thấy sức nóng từ cái "lò" của ngài đã bắt đầu tỏa ra bên ngoài.
Trước thềm Hội nghị trung ương 6, "lò" chống tham nhũng của ngài Tổng bí thư đã khiến bầu không khí chính trị Việt Nam nóng lên từng ngày. Điều đó khiến nhiều người chắc mẩm là trong và sau hội nghị, thể nào cũng được chứng kiến những "khúc củi" bự bị ngài thẳng tay ném vào "lò".
Khí thế đi lên của nhân vật đứng đầu "cung vua" thể hiện rõ qua bài diễn văn khai mạc Hội nghị, khi ông ta ‘dìm hàng’ "phủ chúa" dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đối thủ đáng kể nhất của ông ta trong bối cảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ còn sắm vai "ông phỗng" trên sân khấu chính trị : "Đặc biệt là cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao một số việc chưa làm được, một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế năm 2017 nhìn chung thuận lợi hơn so với năm 2016".
Vậy nhưng đó cũng là chỉ dấu duy nhất cho thấy một Nguyễn Phú Trọng quyền uy tột đỉnh trong suốt hơn 1 tuần hội nghị.
Chứng kiến "khúc củi" duy nhất mang tên Nguyễn Xuân Anh bị tống vào "lò", cùng câu chốt hạ "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm" trong bài diễn văn bế mạc hội nghị, người ta không khỏi có cảm giác là vở tuồng "Đốt Lò" do ngài Tổng bí thư đạo diễn đã sớm hạ màn. Đặc biệt, phần đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội dưới sự điều hành của chính phủ là một bảng thành tích hiếm hoi mà có lẽ lần đầu tiên "cung vua" ban tặng cho "phủ chúa", hoàn toàn tương phản với âm hưởng của bài diễn văn khai mạc. Rõ ràng, song song với chiều hướng đi xuống của "cung vua" là vị thế đi lên của "phủ chúa".
Sau Hội nghị trung ương 6, khẩu khí của Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chùng xuống, khác hẳn với khí thế mà ông ta đã thể hiện từ ngày 31/7 cho đến ngày khai mạc hội nghị. Thiên hạ thì cứ đoán già đoán non vì sao cái "lò" của ngài Trưởng ban đang hừng hực đột nhiên lại tắt ngóm.
Trong bối cảnh đó, ngày 15/11, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo công bố việc Hà Nội để thất thu số tiền lên tới 6.000 tỷ VNĐ từ hàng loạt sai phạm trong các dự án nhà ở giai đoạn 2002-2014. Nên nhớ, ông Trọng từng làm Bí thư Hà Nội từ năm 2000 đến 2006, và lâu nay trong dư luận vẫn râm ran chuyện ông ta từng nhận 2 căn biệt thự trong khu đô thị Nam Thăng Long để giúp chủ đầu tư Ciputra trốn thuế. Động thái này vì thế được xem là của các đối thủ nhằm "dằn mặt" ngài Tổng bí thư.
Tiếp theo, ngày 19/11, một sự kiện hy hữu đã diễn ra trong chương trình thời sự 19g của VTV : tin Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bắc Kạn được phát trước tin Tổng bí thư kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Đây là chỉ dấu để những ai am hiểu nội tình Ba Đình nhận ra rằng Nguyễn Phú Trọng đã thất thế.
Và sau cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội ngày 29/11, ngài Tổng bí thư đột nhiên "im hơi lặng tiếng" suốt 8 ngày tiếp theo. Hiện tượng bất thường của người đứng đầu chính thể cộng sản tại Việt Nam khiến nhiều người phải đặt câu hỏi : "Ông Trọng đang ở đâu ?"
Sự kiện ông Trọng bất ngờ xuất hiện trở lại trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 8/12 và vụ Đinh La Thăng bị bắt sau đấy không che dấu được thực tế là suốt hai tháng trước đó, quyền lực của ngài Tổng bí thư liên tục đi xuống và rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi ông ta tiếp quản ngôi vị số 1 đầu năm 2011. (Chúng tôi sẽ phân tích về "sự biến 8/12" này trong một dịp thích hợp). Và vị thế của ông ta cũng chỉ mới "trồi" lên được hơn một ngày thì đã "sụt" trở lại : Trong một diễn biến chưa từng có, tối mồng 9 tháng 12, TTXVN cùng một loạt cơ quan truyền thông nhà nước đã đăng bài "cáo lỗi" vì đưa tin sai về vụ hai cựu Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu bị khởi tố và bắt giam chỉ vài giờ trước đó.
Mọi khả năng còn để ngỏ
Tuy Đinh La Thăng đã bị bắt nhưng nếu cho rằng số phận viên cựu Bí thư Sài Gòn coi như đã an bài thì e là vội vã. Nhận định này xuất phát từ ít nhất 3 lý do dưới đây.
Thứ nhất, như chúng tôi đã trình bày đầu bài viết, chính trường Việt Nam vô cùng phức tạp và khó lường, trong khi ngài Tổng bí thư khả kính của chúng ta lại là nhà lãnh đạo quốc gia hiếm hoi trên thế giới mà quyền lực cứ liên tục hết thăng lại giáng. (Đó là xét trên bình diện thế giới, chứ còn trong lịch sử Việt Nam thì ông ta là nhân vật "độc nhất vô nhị").
Thứ hai, ngài Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành "xây dựng đảng" có một "tử huyệt" không những đủ khiến ông ta bị hất khỏi chiếc ghế Tổng bí thư mà còn giúp ông ta sánh ngang với những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc trong lịch sử. Đó là việc ông ta, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đã phê chuẩn "con ngựa thành Troy" Hoàng Trung Hải làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế từ ngày 2/8/2007 rồi đưa nhân vật cầm đầu "nhóm lợi ích Tàu" tại Việt Nam này vào chễm chệ trong Bộ Chính trị và làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô từ sau Đại hội XII đến nay. (Vấn đề đối với các đối thủ của ngài Tổng bí thư đơn giản là vì "tử huyệt" này quá ư "nhạy cảm", "nhạy cảm" hơn bất cứ chuyện gì ở Việt Nam nhiều năm qua).
Thứ ba, mặc dù đã bị khởi tố và bắt giam, nhưng Đinh La Thăng mới chỉ bị "tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội" và "đình chỉ sinh hoạt đảng". Quyết định số 63-QĐNS/trung ương về việc "đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đồng chí Đinh La Thăng" do Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính ký ghi rõ : "Thời hạn đình chỉ được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có)". Nghĩa là, Đinh La Thăng hoàn toàn có thể "trắng án" trước khi được khôi phục tư cách đảng viên, tư cách Đại biểu quốc hội lẫn các chức vụ trong bộ máy, bởi ông ta chưa bị "khai trừ" hay "cách" bất cứ chức vụ nào. (Điều này đã từng xẩy ra với cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến năm 2008 trong vụ bê bối PMU18, sau khi bị giam 18 tháng. Việc Nguyễn Việt Tiến cuối cùng vẫn bị lột hết chức vụ chỉ là vì Nông Đức Mạnh sau khi "thoát hiểm" vụ PMU18 lại trở thành đối tượng trong một tố cáo đặc biệt nghiêm trọng nên chỉ còn biết giương mắt nhìn đệ tử ruột bị đối thủ "làm thịt").
Tóm lại, sự kiện Đinh La Thăng bị bắt ngày 8/12 và vụ một loạt cơ quan truyền thông nhà nước đăng bài "cáo lỗi" chỉ một ngày sau đó báo hiệu từ nay đến Hội nghị trung ương 7 sẽ còn những diễn biến hết sức khó lường. Cán cân quyền lực giữa các phe nhóm có thể thay đổi mau lẹ chỉ trong một sớm một chiều.
Dù vậy cũng không quá khó để hình dung ra ba kịch bản khả dĩ cho Nguyễn Phú Trọng tại kỳ hội nghị trung ương đặc biệt quan trọng sắp tới.
Ông ta hoặc sẽ tạo được vị thế của một Tập Cận Bình "made in Vietnam" trước và trong hội nghị hầu bảo toàn ngôi vị số 1 của mình đến hết nhiệm kỳ, hoặc sẽ buộc phải chia tay khu nhà 1A Hùng Vương song vẫn có tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn người kế vị theo ý chỉ của Trung Nam Hải, hoặc sẽ bị thất thế và buộc phải bàn giao chiếc ghế quyền lực nhất Việt Nam cho đối thủ rồi trở về "làm người tử tế".
Và cả ba kịch bản nêu trên đều phụ thuộc quyết định vào việc ngài Tổng bí thư múa may thế nào với thanh "bảo kiếm" mang tên Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống Tham nhũng trung ương.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 12/12/2017
Tại hội nghị tổng kết ngành tài chính ngày 6/1/2017, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra những cảnh báo về thực trạng nền tài khóa quốc gia : "Chi thường xuyên tăng rất nhanh khiến ngân sách căng thẳng", "Nợ công theo báo cáo sát trần nhưng nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép", và đặc biệt là "[…] nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi".
Liệu ông Phúc có sẽ đi vào vết xe đổ "khoe thành tích" của ông Dũng ?
Thực trạng trên khiến người ta không khỏi liên tưởng tới bối cảnh đất nước trước thềm Đại hội VI năm 1986 : hệ thống hiện hành đang ở vào thế tựa chân tường, không còn cách nào khác hơn là phải cải cách, và không có lý do gì để trì hoãn cải cách. Bản thân người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động và phục vụ. Điều này đồng nghĩa với việc phải hạn chế tối đa và tiến tới cơ bản chấm dứt hoạt động kinh doanh của chính phủ, bởi đó không phải là chức năng của một chính phủ như thế. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại không hề đơn giản.
Từ chuyện quân đội làm kinh tế…
Một trong những tín hiệu cải cách đáng chú ý là tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 23/6, Thượng tướng/Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm đã phát biểu : "Hiện nay đã có một chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển ra bên ngoài".
Những hệ lụy của việc quân đội làm kinh tế đã được dư luận nói đến quá nhiều : bên trong thì nó làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội, còn bên ngoài thì nó khiến cho nền kinh tế mất đi tính cạnh tranh, động lực quan trọng nhất giúp cho kinh tế nước nhà phát triển lành mạnh, bền vững.
Phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm vì thế được dư luận rất hoan nghênh, đặc biệt là trong bối cảnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đối tượng tác chiến gần như duy nhất của quân đội Việt Nam, đã bị cấm tham gia hoạt động kinh tế từ năm 1998, và đến tháng 11/2015 thì ngay cả các hoạt động cung cấp dịch vụ dân sinh cũng bị cấm nốt.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chưa đầy nửa tháng sau, ngày 12/7, tại buổi làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã phán một câu xanh rờn : "Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn !".
Và trước một bầu đoàn hùng hậu gồm một Đại tướng/Bộ trưởng quốc phòng, hai Thượng tướng/Thứ trưởng quốc phòng, một Chuẩn đô đốc/Tư lệnh Hải quân, một Trung tướng/Tư lệnh Quân khu cùng Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Chuẩn Đô đốc/Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn Nguyễn Đăng Nghiêm đã trịnh trọng phát biểu :
"Đến nay có thể khẳng định một điều, chúng tôi từ khu vực quân sự chuyển sang kinh doanh đã trở thành những người lính trên mặt trận kinh tế".
Đó là thực tế mà viên Chuẩn Đô đốc cùng đội ngũ tướng lĩnh hùng hậu bậc nhất thế giới của Việt Nam dường như rất lấy làm tự hào, còn công chúng thì hẳn khó tránh khỏi cảm giác chua chát, khi thấy Hải quân Nhân dân Việt Nam xem ra không còn tha thiết gì với nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ biển đảo quốc gia nữa.
Đến ngày 14/11, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, chính Thượng tướng Lê Chiêm lại quả quyết : "Không những cần duy trì quân đội làm kinh tế mà còn phải đẩy mạnh !"
Và tại phiên thảo luận về dự án Luật Quốc phòng sửa đổi diễn ra sáng 24/11, đội ngũ tướng lĩnh hùng hậu hiện diện trong Quốc hội lại đòi "thể chế hoá" vấn đề quân đội làm kinh tế. Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, cho rằng việc quân đội làm kinh tế sẽ làm "gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia". Còn Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thì khẳng định : "Quy định Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013".
…đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp là đòi hỏi bức thiết nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Ngoài lý do nêu trên, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2017 còn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng bởi đến năm 2018, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ đánh giá xem Việt Nam đã hội đủ những điều kiện của một nền kinh tế thị trường hay chưa, đặc biệt là việc cải cách các thể chế kinh tế, nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Theo kế hoạch mà Chính phủ phê duyệt, năm 2017 số doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa là 44. Tuy nhiên, chương trình thời sự VTV 19g ngày 3/12 lại cho biết là mặc dù đã qua 11 tháng nhưng số doanh nghiệp được cổ phần hóa mới chỉ là 21. Trong vòng một tháng nữa phải hoàn thành cổ phần hóa hơn một nửa số doanh nghiệp còn lại – một nhiệm vụ hầu như bất khả thi.
Còn việc thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp thì sao ?
Xin thưa, đích thân Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trả lời câu hỏi đó tại phiên thảo luận tổ của các Đại biểu quốc hội ngày 24/10 vừa qua : "Bán hết vốn Nhà nước, nhiệm kỳ sau lấy gì mà tiêu ?".
Đâu là nguyên do ?
"Gang không mật mỡ, kiến bò chi". Điều đó giải thích cho lý do tại sao việc cải cách trong khu vực doanh nghiệp nhà nước lại khó khăn đến vậy.
Vì "mật mỡ" trong các doanh nghiệp quân đội nên các quan chức quốc phòng đã chơi trò "lập lờ đánh lận con đen" giữa khái niệm "làm kinh tế" theo nghĩa "tăng gia sản xuất" (điều nên khuyến khích) với "làm kinh tế" theo nghĩa kinh doanh (điều cần phải nghiêm cấm).
Thật mỉa mai, tuy viện lý do là "thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng" nhưng họ lại không chỉ vứt cả một nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Đảng vào sọt rác, mà thậm chí là làm trái hoàn toàn với nghị quyết còn hiệu lực đó.
Hội nghị Trung ương 4 khóa X hạ tuần tháng 1 năm 2007 đã quyết nghị việc chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần thuộc các cơ quan đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội sang các cơ quan nhà nước quản lý từ năm 2007.
Vậy nhưng kể từ đó đến nay, các doanh nghiệp quân đội không những không được chuyển sang cho các cơ quan dân sự quản lý, mà còn không ngừng phình ra về cả về quy mô lẫn số lượng, trở thành một nền kinh tế có quy mô suýt soát bằng GDP của Campuchia, hay 1,5 lần GDP của Lào.
Quân đội vốn là một nhóm lợi ích lâu đời và luôn nhận được chế độ đãi ngộ đặc biệt, đằng sau họ lại có sự hậu thuẫn của Tổng Bí thư kiêm Bí thư Quân uỷ Trung ương, nên không có gì lạ khi họ quyết liệt bảo vệ lợi ích của mình bất chấp lợi ích của đất nước.
Lý do bên ngoài của việc chậm trễ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì nhiều, nhưng bên trong thì hầu như chỉ có một : đó là sự sự níu kéo của những tổ chức, cá nhân có lợi ích gắn liền với doanh nghiệp được CPH.
Vậy còn động cơ đằng sau câu phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước là gì ? Câu trả lời cũng là lợi ích nốt.
Theo Luật Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước được quyền kiểm toán các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước. Và kiểm toán doanh nghiệp thì lại là nhiệm vụ nhiều "mật mỡ" nhất trong các hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Thế cho nên, câu phát ngôn của người đứng đầu cơ quan kiểm toán nhà nước cần được hiểu là : "Bán hết vốn nhà nước thì lấy gì mà ‘kiểm toán’ đây ?"
Ai đó có thể "thắc mắc" rằng Kiểm toán nhà nước chỉ là một cơ quan ngang bộ, còn Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ là một Ủy viên trung ương Đảng, sao ông ta dám "cả gan" công khai chống lại một chủ trương đúng đắn và đặc biệt là rất cần thiết của Chính phủ ?
Câu trả lời ở đây là, theo Luật Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước là một cơ quan trực thuộc Quốc hội, còn Tổng Kiểm toán nhà nước thì do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ quốc hội.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng nói : "Mọi cuộc cải cách đều khó khăn, càng gặp kháng cự, càng cho thấy cuộc cải cách đó là cải cách thực sự".
Vậy nên, trong giai đoạn quyết định hiện nay, những người thực tâm chủ trương cải cách vì nước, vì dân cần phải quyết đoán hơn nữa. Sau lưng họ là 90 triệu đồng bào đang từng ngày từng giờ mong chờ sự thay đổi đến với một đất nước không chỉ đã nếm trải quá nhiều đau thương với hệ thống hiện hành, mà còn đang đứng trước hiểm hoạ Đại Hán ngày một hiện lên lồ lộ.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 07/12/2017
Ngày 17/11, tại Quyết định số 1838/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao để làm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia.
Người dân Campuchia đến xem một phiên xử Khmer Đỏ tại một phiên tòa ở ngoại ô Phnom Penh.
Với quyết định trên, ông Vũ Quang Minh hiện là một trong 6 Thứ trưởng Ngoại giao đảm nhiệm vai trò đại diện chính thức cho Việt Nam trên thế giới. Ngoài Thứ trưởng Vũ Quang Minh, Bộ Ngoại giao Việt Nam còn có Thứ trưởng Đặng Minh Khôi làm Đại sứ tại Trung Quốc, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh làm Đại sứ tại Mỹ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn làm Đại sứ tại Liên bang Nga, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hùng làm Đại sứ tại Lào, Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga làm Đại sứ, Đại diện Thường trực tại Liên Hiệp Quốc.
Người tiền nhiệm của ông Vũ Quang Minh là ông Thạch Dư cũng được bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao trước khi trở thành Đại sứ Việt Nam tại Campuchia từ năm 2014 đến 2017. (Thật mỉa mai, trong khi lãnh đạo cộng sản Việt Nam thường vỗ ngực tự hào về "vị thế ngày càng cao" của Việt Nam thì một loạt thứ trưởng ngoại giao lại đảm trách vai trò đại sứ tại cả những quốc gia như Lào hay Campuchia.)
Từ nơi núi xương người Việt chất đống…
Nhìn vào danh sách trên người ta dễ nhận ra ngay là Campuchia được Hà Nội coi là một quốc gia rất quan trọng trong chính sách ngoại giao của mình.
Điều này còn được thể hiện trong các chuyến thăm cấp cao của Hà Nội sang Phnom Penh, với tuần suất thăm viếng thuộc vào loại cao nhất trên thế giới. Chẳng hạn, trong năm 2017, trước chuyến viếng thăm đất nước chùa tháp từ ngày 20-22/7 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến công du Campuchia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 24-26/4. Còn năm ngoái, sau chuyến công du của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào trung tuần tháng Sáu là chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào hạ tuần tháng Chín.
Đặc biệt, sự giúp đỡ mà Việt Nam dành cho Campuchia thì không thể nào đong đếm nổi. Hàng chục ngàn người Việt đã ngã xuống trên đất Campuchia, chưa kể gần hai trăm ngàn người bị thương khác, khi nhà cầm quyền Việt Nam đưa quân sang đây để giúp quốc gia láng giềng thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Viện trợ bằng vật chất suốt từ bấy đến nay thì không thể nào liệt kê hết.
Gần đây nhất, nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái, Việt Nam đã tặng Quốc hội Campuchia món quà là công trình nhà làm việc dành cho ban thư ký và các ủy ban Quốc hội trị giá 25 triệu USD.
…thành vũ khí đe dọa Việt Nam của Bắc Kinh
Hao tổn không biết bao nhiêu xương máu, tiền của, thời gian, công sức như vậy… nhưng rốt cuộc thì Việt Nam đạt được gì ?
Thật trớ trêu, từ nhiều năm qua, Phnom Penh không chỉ dần xa lánh Hà Nội mà còn công khai trở thành đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh trong khu vực. Còn mục đích quan trọng nhất của Trung Nam Hải khi "đầu tư" vào Hun Sen và Campuchia là để… chống lại Việt Nam.
Hiện tại, Bắc Kinh đã biến Phnom Penh thành đồng minh chí thiết trên hồ sơ Biển Đông, nơi Việt Nam không chỉ có nhiều lợi ích nhất so với các nước trong khu vực mà còn được xem là cửa ngõ chiến lược cho cả dân tộc trong thế kỷ 21.
Chỉ chừng ấy thôi đã đủ cho thấy "con bài" Campuchia lợi hại đến thế nào trong tay Bắc Kinh. Song đó vẫn chưa phải là mối đe dọa nguy hiểm nhất mà quốc gia láng giềng này đặt ra cho chúng ta. Bắc Kinh đang từng bước biến Campuchia thành một mũi dao dí vào mạng sườn Việt Nam dọc biên giới hai nước cũng như vùng biển Tây Nam và sẵn sàng lao lên cùng đồng minh khi hữu sự, trước sự chào mời của những "phần thưởng" quá đỗi hấp dẫn.
Hiện nay, Trung Quốc đã và đang tiếp tục triển khai vô số dự án kinh tế tại Campuchia. Từ năm 1994 đến 2012, Campuchia đã cho Trung Quốc thuê 4,6 triệu ha đất trong thời hạn 99 năm. Người Trung Quốc lũ lượt theo chân các dự án kéo sang đây và xong việc thì ở lại sinh cơ lập nghiệp.
Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia cho biết là 35% tổng chiều dài toàn bộ các tuyến đường giao thông ở đây do một mình Trung Quốc tài trợ. Bắc Kinh đã tài trợ cho Campuchia xây dựng tuyến quốc lộ đến biên giới Việt Nam tại cửa khẩu Bavet - Mộc Bài và tiếp tục tài trợ cho những tuyến đường biên giới khác. Không còn nghi ngờ gì, các căn cứ quân sự trá hình của Bắc Kinh đang dần áp sát biên giới Tây Nam của Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2016, Phnom Penh đã cho Trung Quốc thuê 90km bờ biển trong 99 năm để xây dựng một cảng nước sâu chiến lược (tổng mức đầu tư 3,8 tỷ USD) nhằm phục vụ cho mưu đồ bành trướng sức mạnh quân sự và kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực. Rõ ràng, vùng lãnh hải và lãnh thổ Việt Nam cách xa biên giới Việt - Trung nhất cũng đã phải đối diện với hiểm họa "made in China".
Chưa hết, tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng khẳng định tiếp tục chính sách thu hồi giấy tờ của 70.000 người ngoại quốc "sinh sống bất hợp pháp" tại đây, trong đó hầu hết là người gốc Việt.
Hun Sen có đáng trách hay không ?
"Họa phúc hữu môi phi nhất nhật" (Nguyễn Trãi – "Họa phúc do nguyên nhân từ lâu, không phải chỉ một ngày").
Việt Nam và Campuchia cùng chia sẻ một lịch sử hết sức tế nhị. Quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam của người Việt khiến vương quốc Champa bị mất một phần lãnh thổ vào tay Đại Việt, trở thành một quốc gia phiên thuộc và phải triều cống cho Việt Nam. Cho dù quá trình đó diễn ra khá êm ả, hầu như không bên nào đổ máu, song nỗi đau mất nước thì vẫn cứ âm ỉ trong lòng người dân Campuchia. Thậm chí, cuối triều vua Minh Mạng, sau khi đánh đuổi quân Xiêm, nhà Nguyễn còn sáp nhập Chân Lạp vào Đại Nam rồi đổi tên thành Trấn Tây thành (1835-1941). Việc người Campuchia nghi kỵ người Việt vì thế là điều không có gì khó hiểu.
Trong bối cảnh đó, sau khi giúp Campuchia thoát khỏi bàn tay diệt chủng của Khmer Đỏ, thay vì lẽ ra phải rút về ngay thì quân đội Việt Nam lại ở lại, dựng lên một chính phủ bù nhìn và thao túng mọi chuyện, thậm chí còn gây ra không ít bi kịch cho người dân Campuchia. Người Campuchia đi từ chỗ coi bộ đội Việt Nam như ân nhân cứu rỗi đến chỗ xem họ như đội quân chiếm đóng, từ chỗ biết ơn đến chỗ căm ghét. Bài viết "Out of 20 of my friends, 17 hate the Vietnamese " ("Trong hai mươi người bạn của tôi thì có đến 17 người ghét người Việt") trên tờ The Phnom Penh Post ngày 6/9/2014 phần nào nói lên tình cảm đó của họ.
Việc Hun Sen dần ngả vào vòng tay Bắc Kinh xuất phát từ ít nhất ba nguyên nhân dưới đây.
Thứ nhất, là một người Khmer, cho dù rất biết ơn Việt Nam và từng nhiều lần công khai tỏ bày tỏ điều đó, song việc ông ta nghi kỵ quốc gia láng giềng, ít nhiều gì cũng là điều không tránh khỏi, nhất là sau những gì diễn ra kể từ khi Hà Nội đưa quân vào Campuchia cho đến khi Đại sứ Ngô Điền, "người thầy vĩ đại" của Hun Sen, phải rời khỏi Phnom Penh không kèn không trống ngày 13/11/1991.
Thứ hai, không phải Hun Sen chủ động phản bội Việt Nam, mà chính ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã đẩy ông ta vào vòng tay kẻ thù truyền kiếp của dân tộc mình. Tại Hội nghị Thành Đô năm 1990, để được ôm chân quan thầy Bắc Kinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng đã không ngần ngại bán rẻ Hun Sen cũng như chính thể "Cộng hoà Nhân dân Campuchia" do họ dựng lên, rồi thuyết phục Hun Sen coi Trung Quốc là đồng minh.
Thứ ba, bị kẹp giữa hai nước lớn vốn luôn muốn áp đặt ảnh hưởng tiêu cực lên mình (Việt Nam và Thái Lan), không có gì khó hiểu khi Hun Sen cũng như ban lãnh đạo Campuchia muốn tìm một đồng minh hùng mạnh bên ngoài nhằm ngăn chặn nguy cơ đó. Điều này cũng đã có tiền lệ lịch sử : Năm 1863, vua Norodom (trị vì từ 1860-1904) đã ký hiệp ước với Pháp, cho phép người Pháp được quyền khai thác khoáng sản để họ giúp ngăn chặn các cuộc xâm lấn của người Thái và người Việt. (Việc Hun Sen từng nói đại ý là ông ta không lo ngại Trung Quốc bởi Campuchia và Trung Quốc không tiếp giáp nhau có lẽ là vì thế.)
Việt Nam phải làm gì ?
Để cải thiện quan hệ với Campuchia và xa hơn nữa là đảm bảo an ninh quốc gia trên tuyến biên giới Tây Nam, Việt Nam rõ ràng là có nhiều việc cần phải làm.
Trước hết, lãnh đạo Việt Nam cần công khai lên tiếng xin lỗi người dân Campuchia về những gì mà phía Việt Nam đã gây ra cho họ trong thời gian đưa quân sang đây. Cả lãnh đạo lẫn người dân Campuchia đã nhiều lần bày tỏ lòng biết ơn đối với Việt Nam, trong khi lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa chịu lên tiếng xin lỗi để xoa dịu những nỗi đau mà họ đã gây ra cho nhân dân bạn thì thật bất công. (Nếu ban lãnh đạo Việt Nam vẫn đặt lợi ích của Đảng cộng sản Việt Nam lên trên lợi ích dân tộc như tại Hội nghị Thành Đô thì điều này khó xẩy ra.)
Tiếp theo, cần đặt mối quan hệ hai nước trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Việc lãnh đạo Việt Nam kêu gọi phát triển quan hệ hai nước theo phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" sẽ tạo ấn tượng là Hà Nội tỏ ra bề trên với Phnom Penh, bởi "phương châm" đó chẳng khác gì cái gọi là "16 chữ vàng" ("Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai") mà Bắc Kinh "tô điểm" cho mối quan hệ với Hà Nội (thực chất thế nào thì hẳn ai cũng hiểu).
Ngoài ra, Việt Nam cần thiết lập và vun đắp quan hệ với các đảng phái đối lập tại Campuchia, dù CPP của Hun Sen vẫn đang nắm thế thượng phong. Điều này vừa giúp xoa dịu tâm lý chống Việt Nam ở đây, vốn chủ yếu do các đảng phái đối lập khích động, vừa sẵn sàng cho một tương lai họ lên cầm quyền.
Trung Quốc sẽ không bao giờ bằng lòng với những gì mà họ đã đạt được ở Campuchia. Trong khi đó, đối diện với áp lực của phương Tây về cuộc trấn áp lực lượng đối lập trước cuộc bầu cử năm 2018, Hun Sen lại đang chuẩn bị lên đường sang Bắc Kinh để tìm kiếm thêm sự ủng hộ chính trị cũng như đầu tư.
Không chỉ ở biên giới Việt Nam - Campuchia và vùng biển Tây Nam, mà cả ở biên giới Việt - Lào, biên giới phía Bắc, Biển Đông và vùng duyên hải Việt Nam, các gọng kìm mang nhãn hiệu Đại Hán vẫn đang ngày đêm âm thầm siết chặt dải đất hình chữ S.
Trật tự thế giới cũ đang dần thay đổi, trật tự thế giới mới đang từng bước định hình. Trong bối cảnh đó, chiến tranh là một khả năng thực tế, thậm chí khó tránh khỏi, như lịch sử nhân loại đã cho thấy.
Thế nên, tốt hơn hết, Việt Nam cần sẵn sàng cho khả năng xấu nhất là chiến tranh. Muốn vậy, ban lãnh đạo Việt Nam cần phải dân chủ hoá đất nước để tự cường dân tộc, phát triển tiềm lực quốc phòng, đồng thời hình thành mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ - Nhật - Ấn - Úc. Nếu làm được như vậy, mối đe dọa trên tuyến biên giới Tây Nam sẽ không còn quá khó để hoá giải.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 01/12/2017
Thời gian gần đây, truyền thông Việt Nam bàn luận khá nhiều về ba đặc khu kinh tế đang được đề xuất thành lập ở ba miền đất nước là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Một góc huyện Vân Đồn - Quảng Ninh.
Thực ra, việc thành lập đặc khu kinh tế đã được các cơ quan hữu trách Việt Nam nêu ra từ lâu. Đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo ra đời năm 1979, và tồn tại đến năm 1991 thì bị giải thể.
Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế sau đó được đưa vào Hiến pháp năm 1992, và được nhắc lại một số lần trong các văn kiện quan trọng của hệ thống chính trị, trước khi trở thành một chủ đề được dư luận quan tâm vài năm qua.
Tuy nhiên, tâm thế chung hiện nay là người ta chỉ còn bàn cãi xoay quanh những nội dung quan trọng của cơ chế vận hành đặc khu kinh tế. Mọi chuyện xem ra chỉ còn chờ Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trước khi Chính phủ chính thức đề xuất rồi Quốc hội bấm nút thông qua nữa là xong. Ngay cả vị trí của các đặc khu coi như cũng đã an bài – đó là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được đưa ra bàn thảo, và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 năm 2018.
Các vấn đề mang tính chất chuyên môn về cấu trúc tổ chức đặc khu cùng các thể chế thiết yếu kèm theo đã được nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật nêu lên. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về khía cạnh an ninh quốc gia của 3 đặc khu sắp sửa ra đời.
Đặc khu kinh tế : tính mở và nguy cơ
Đặc điểm nổi bật của đặc khu kinh tế là tính chất thông thoáng về mặt luật lệ và chính sách. Mục đích của sự thông thoáng là nhằm thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, song cũng chính vì thế mà các đặc khu lại trở thành đích nhắm và dễ để lọt những nhà đầu tư với toan tính mờ ám.
Do đó, vấn đề an ninh quốc gia cần phải được đặt ra một cách hết sức cẩn trọng trước khi quyết định thành lập một đặc khu kinh tế.
Vậy đối tượng mà chúng ta cần đề phòng là ai ?
Việc Tổng thống Hoa Kỳ lần đầu tiên tiếp đón Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng tháng 7 năm 2015 là một sự kiện mang đầy tính biểu tượng. Nó thể hiện sự thừa nhận chính thức của cường quốc đứng đầu thế giới tự do đối với chính thể hiện nay tại Việt Nam, đồng thời là sự đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không tấn công quốc gia cựu thù cộng sản.
Trong bài "Cách mạng dân chủ ở Việt Nam : từ dưới lên hay từ trên xuống", chúng tôi cũng đã chỉ ra một thực tế là mặc dù mong muốn và thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia tự do - dân chủ, song bản thân Hoa Kỳ cũng không muốn cộng sản Việt Nam sụp đổ trước khi bị thay thế, vì những hệ luỵ khó lường của nó.
Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã viết hàng loạt bài cảnh báovề việc người Trung Quốc núp bóng các dự án kinh tế để chiếm lĩnh những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp Việt Nam. Đơn giản, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính quốc gia láng giềng phương Nam của họ.
Nếu các đặc khu kinh tế sắp thành lập của Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược thì dĩ nhiên Bắc Kinh càng không thể bỏ qua, đặc biệt là khi thời hạn cho thuê đất có thể lên tới 99 năm như đề xuất của lãnh đạo Quảng Ninh và Kiên Giang.
Dưới đây, chúng ta sẽ đánh giá từng đặc khu sắp được thành lập.
Đặc khu Kinh tế Vân Đồn
Vân Đồn nằm ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, án ngữ vùng biển Đông Bắc của Việt Nam, và là trạm dừng chân đầu tiên trên tuyến hàng hải xuất phát từ Trung Quốc theo bờ biển Việt Nam xuống phía nam. Ngay từ năm 980, các triều đại phong kiến Việt Nam đã bố trí quân đội đồn trú tại đây để trấn giữ vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Chừng đó đủ nói lên tầm quan trọng của Vân Đồn trong chiến lược phòng thủ quốc gia.
Đặc khu Kinh tế Vân Đồn
Từ năm 2015, tập đoàn Sun Group đã khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, và dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào đầu năm 2018. Đây là sân bay dân sự (theo tiêu chuẩn cấp 4E của ICAO) kết hợp với quân sự (sân bay cấp II). Vân Đồn vì thế lại càng trở nên lợi hại về mặt quân sự, bởi ai làm chủ sân bay này sẽ kiểm soát được cả vùng trời lẫn vùng biển Đông Bắc Việt Nam.
Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong
Đây là đặc khu kinh tế nằm bao quanh vịnh Vân Phong, và là một vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng, vì những lý do sau.
Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong
Vân Phong là điểm cực đông của Việt Nam, nghĩa là nơi rất gần với các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa.
Với địa thế một bên là núi, một bên là biển và quốc lộ 1A là tuyến độc đạo nối liền giao thông Bắc - Nam, chỉ cần một lực lượng quân sự vừa phải là đủ sức chia cắt Việt Nam thành hai phần tại đây.
Từ Bắc Vân Phong chạy theo quốc lộ 26 chừng 130km là đã tới Tây Nguyên, nóc nhà Đông Dương.
Vịnh Vân Phong là vùng biển có độ sâu trung bình từ 20-27m, đủ sức đón mọi loại tàu. Đặc biệt, nhờ sự che chắn của các đảo và bán đảo, nên đây là một vịnh kín, có giá trị không thua kém mấy so với vịnh Cam Ranh.
Kiểm soát được vịnh Vân Phong, đối phương có thể uy hiếp được tàu bè ra vào vịnh Cam Ranh ("lá bài" quan trọng nhất của Việt Nam trong chiến lược bảo vệ Biển Đông và chỉ cách đấy khoảng 65km), đồng thời đe doạ các cơ sở quân sự tại Cam Ranh.
Đặc khu Kinh tế Phú Quốc
Tuy cách xa biên giới Việt - Trung hàng ngàn km, nhưng Phú Quốc lại là một trong những nơi đầu tiên đứng trước nguy cơ phải hứng đòn tấn công của Trung Quốc một khi chiến sự giữa hai nước nổ ra.
Đặc khu Kinh tế Phú Quốc : mô hình dự án sân bay quốc tế Phú Quốc (nguồn: Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam)
Hòn đảo rộng xấp xỉ diện tích Singapore này nằm cách bờ biển tỉnh Kiên Giang 46km, nhưng lại chỉ cách bờ biển Campuchia 26km, nơi mà từ năm 2016 Phnom Penh đã cho Trung Quốc thuê 90km (tức 20%) chiều dài bờ biển để xây dựng một cảng nước sâu chiến lược, với tổng mức đầu tư lên tới 3,8 tỷ USD, nhằm phục vụ cho mưu đồ bành trướng sức mạnh quân sự và kinh tế của Bắc Kinh.
Ngày 19/4/1975, hải quân Khmer Đỏ tấn công đảo Phú Quốc và đánh nhau với quân đội Sài Gòn cho đến ngày 30/4/1975. Ngày 4/5/1975, quân Khmer Đỏ lại đổ bộ lên Phú Quốc, nhưng đã bị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh đuổi. Từ đó đến nay, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa tại Campuchia vẫn nung nấu giấc mơ lấy lại Phú Quốc cũng như cả Nam Bộ, vùng đất mà họ cho là thuộc về Campuchia trong lịch sử.
Nếu kiểm soát được sân bay Phú Quốc, kết hợp với các sân bay trên đảo Hải Nam, đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và đảo Gạc Ma (Trường Sa), không quân Trung Quốc có thểkhống chế gần như toàn bộ vùng trời và vùng biển Việt Nam.
Phnom Penh nay đã trở thành đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh trong khu vực. Vậy nên những "phần thưởng" mà nằm mơ họ cũng không thấy như Phú Quốc hay thậm chí là cả Nam Bộ sẽ càng khiến họ sẵn sàng sát cánh cùng Trung Quốc lao lên phía trước khi hữu sự.
Nhà chức trách Việt Nam đang kỳ vọng các đặc khu kinh tế sẽ là những cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng.
Tuy nhiên, với những gì nêu trên, e rằng cả ba đặc khu kinh tế nằm ở những vị trí đặc biệt xung yếu của Việt Nam chưa kịp thấy phượng hoàng thì đã đứng trước nguy cơ trở thành "đất lành" cho hàng đàn diều hâu đến từ phương Bắc.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 25/11/2017